Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Lõm bõm: “Vô tâm”

22/01/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 4 Comments

Vô tâm

Vô tâm không phải là không có tâm. Vô tâm cũng không phải là vô cảm. Mackeno. Có một chữ tượng hình rất hay trong chữ Hán : 木 là mộc. 目 là mục. 心 là tâm.
Khi mộc ghép với mục thì thành tướng 相. Tướng vô tội. Không sanh sự. Nói khác đi, khi trần (mộc= cây) gặp căn (mục = mắt) thì chẳng có chuyện gì xảy ra! “Sắc thanh hương…” đụng “nhãn nhĩ tỷ…” chả sao cả. Cận thấy kiểu cận, loạn thấy kiểu loạn, lão thấy kiểu lão. Con người tội nghiệp. Nhãn thua loài cú. Nhĩ thua loài dơi, Tỷ thua loài chó… Con ong cái kiến cũng có căn có trần riêng của nó! Vậy mà con người cứ tưởng mình ngon nhất thế gian. Làm được cái kính thiên văn đường kính rộng, nhìn lên bầu trời đã la hoảng khi thấy có hàng trăm ngàn tỷ thiên hà, trong khi xưa kia tưởng chỉ có mỗi một mặt trời vĩ đại của riêng ta thôi! Nay mai có kính thiên văn đường kính rộng hơn nữa không biết chuyện gì sẽ xảy ra!
Trở lại chuyện Tâm. Căn với trần mới là tướng. Ghép thêm chữ tâm ( ) vào thì mới thành tưởng 想. Có tưởng là bắt đầu sinh sự. Tưởng vô vàn. Tưởng vô tận. Muốn thiên đàng có thiên đàng. Muốn điạ ngục có địa ngục. Cho nên tu là tu Tâm. “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tất cả là do tâm bày vẽ ra. Phật từ thời Hoa Nghiêm đã nói rõ như thế. Hạnh phúc khổ đau từ đó. So sánh hơn thua, chém giết nhau từ đó. Tiếng Việt ta còn hay hơn: Tướng và Tưởng, chỉ khác nhau có mỗi cái dấu sắc, dấu hỏi… Mà đã ngàn trùng cách xa!
Vô tâm thì vô sự. Vô sự thì bình an. Bình an vô sự. Người ta chúc nhau như vậy. Người ta lại chúc nhau « Vạn sự như ý »! Ý dẫn các pháp. Muốn « vạn sự » được « như ý » đâu có khó gì. Một đám du khách hỏi anh nông dân: Hôm nay thời tiết ở đây thế nào anh? Hôm nay có thứ thời tiết mà tôi thích! Làm sao anh biết là có thứ thời tiết mà anh thích ? Phải học, thưa ông. Không phải lúc nào tôi cũng có cái tôi muốn nên tôi phải biết muốn cái tôi có.
“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Trần Nhân Tông).
Đỗ Hồng Ngọc.

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Lõm bõm học Phật

Ghi chép lang thang “Trà đạo”

22/01/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

“Tiệc trà” cuối năm
Đỗ Hồng Ngọc
Không phải “Tiệc trà” như ta thường thấy, với trà, với bánh và với những cuộc chuyện trò rôm rả… ngoài trà.
“Tiệc trà” này khác hẳn. Trà thực sự. Trà một mình. Trà từ đầu tới cuối. Và, chuyện trò cũng chỉ xoay quanh “trà”. Trà xưa. Trà nay. Trà Việt, Trà Tàu, Trà Nhật…
Nữ chủ nhân, nhà thơ Viên Trân là người pha trà, một quán “Trà đạo” nho nhỏ của cô núp trong một góc phố hẹp, đường Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự cũ).
Vừa pha trà, vừa giải thích, vừa dẫn truyện gần xa…
Trên tường là cây đàn nguyệt bên bức thư pháp lung linh, bay bổng của Tuệ Sỹ.

Hết tuần trà này đến tuần trà khác, liên miên không dứt…
Nào Long tĩnh Hàng Châu, nào Ô long Phước Kiến, rồi Trà xanh Cầu Đất (Đà lạt) hằng trăm năm đến Tuyết San Hà Giang, Thiên Sơn kim trà, Trà mạn Sơn La, Mộc Châu ướp sen Đồng tháp, rồi Bạch trà trắng buốt, Ngâu thơm lừng… Cuối buổi còn món Trà lá xanh, đặc Việt, ướp gừng… Nhìn Viên Trân nâng niu từng giọt nước bên lò lửa, gạn từng lớp bọt trà, nhẹ nhàng rót vào từng cái chung hột mít nhỏ xíu xanh màu ngọc bích khiến người ta không thể không nhớ tới… Tự Đức, Nguyễn Khản rồi…Tổ Thiên Thu, Đoàn Dự, Kiều Phong…

Khi tôi đến thì đã thấy có KTS Nguyễn Trọng Huấn, và họa sĩ Anh Thơ- “manager” của anh, như mọi người giới thiệu- và nhà thơ Nguyễn Duy cùng vợ chồng nhà báo Nguyễn Trọng Chức- Thái Thanh.
Viên Trân nói hôm nay mời mọi người đến là để mừng anh Nguyễn Trọng Huấn vừa ở bệnh viện về sau một đợt điều trị vì tai biến. Anh nay đã phục hồi nhiều, tuy nói năng còn hơi lừng khừng một chút và chưa nhận ra mặt chữ. Nhà thơ Nguyễn Duy thì tóc bạc thêm mấy nhánh nhưng vẫn rất hóm hỉnh nói mình lâu nay chỉ có “thơ rượu” chứ chưa có “thơ trà” bao giờ! Anh tâm sự, bây giờ mỗi ngày phải tự tiêm cho mình 2 mủi insuline – như một người “nghiện”. Chỉ có nhà báo Nguyễn Trọng Chức là vẫn trẻ, lại đẹp trai hơn xưa mới lạ. Cùng đi với tôi dự buổi “tiệc trà” đặc biệt này còn có bác sĩ Trương Trọng Hoàng, một đồng nghiệp trẻ, cũng là một tay mê “trà đạo”.
Một buổi tiệc Trà cuối năm đầm ấm.

Filed Under: Chẳng cũng khoái ru?, Ghi chép lang thang, Thiền và Sức khỏe

Lõm bõm: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”

09/01/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 6 Comments

Lõm Bõm (5)
“Không nghĩ thiện
Không nghĩ ác”

“Không nghĩ thiện không nghĩ ác” không phải là không có thiện không có ác. Có thiện có ác quá đi chứ! Nếu không sao bảo “Chư ác mạc tác/ Chư thiện phụng hành” (Chớ làm điều ác/ Hãy làm điều thiện)?

Tưởng tượng đêm hôm đó, một đêm không trăng sao, thầy trò Huệ Năng lén lút ôm bọc y bát rời chùa, len lỏi giữa các rặng lau sậy, ra tận bờ sông… Khi đại chúng biết ông đã được truyền y bát trốn về phương Nam thì có đến vài trăm người rượt đuổi theo để đoạt lại, trong đó có thượng tọa Huệ Minh, vốn trước là một tướng quân, tánh tình thô bạo, dẫn đầu đi trước, đuổi kịp Huệ Năng. Huệ Năng đặt y bát lên tảng đá rồi núp vào đám sậy nói lớn: “Y bát là vật làm tin, há dùng sức mà đoạt được sao? ” Huệ Minh đến, muốn lấy y bát mà chẳng nhúc nhích, bèn kêu: “Hành giả! Hành giả! Tôi đến vì Pháp, chẳng phải vì Y!”
Huệ Năng nói: “Ông đã vì Pháp mà đến, thì nên dứt bặt trần duyên, chớ sanh một niệm. Tôi sẽ vì ông mà thuyết”. Rồi nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, đang khi ấy cái gì là bổn lai diện mục của thượng tọa Minh?”.
Huệ Minh ngay đó đại ngộ.
Thiệt ra Huệ Minh có định lấy y bát chi đâu. Muốn lấy thì đâu có khó gì với một ông tướng như vậy! Ngày nay còn dễ hơn nữa. Đầy dẫy ra đó. Mua đâu chẳng có. Sư phụ Hoàng Nhẫn cũng đã căn dặn: Sau này dẹp cái vụ truyền y bát hình thức đó đi cho đỡ rầy rà, tranh đoạt, giữa chốn thiền môn. Tâm truyền tâm thôi.
Thương tọa Minh thực lòng khâm phục Huệ Năng từ lâu, đã muốn được học pháp, nghe pháp từ Huệ Năng giờ mới có dịp. Trong lúc rầm rập chân người, la ó vang trời, đèn đuốc sáng choang đó, giữa sự căng thẳng sống chết chỉ mành treo chuông đó, một câu nói “dứt bặt trần duyên/ chớ sanh một niệm” của Huệ Năng đủ sức lay chuyển tận gốc rể con người Huệ Minh. Đó chính là lúc bổn lai diện mục Huệ Minh có cơ hội để xuất hiện vằng vặc giữa trời quang! Huệ Minh chỉ cần nghe một câu là đủ. Cũng như xưa Huệ Năng nghe “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là đủ. Học kinh, kệ của Phật, một câu một chữ qúy biết bao. Thưc ra câu nói “Không nghĩ thiện/ không nghĩ ác” chẳng qua là một… minh họa, làm cho rõ nghĩa thêm mà thôi, và nhất là phù hợp với hoàn cảnh căng thẳng đầy sát khí lúc đó.
“Dứt bặt trần duyên/ Chớ sanh một niệm”. Ấy chính là “Vô niệm”. Con đường phát hiện và hành thâm của Lục tổ Huệ Năng. Từ đó mà thấy biết “gió không động/ phướng không động”. Con đường trực chỉ chân tâm đó vậy.
Tóm lại, “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” chỉ có nghĩa là không hai, là bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm… !
“Đại gia” Duy Ma Cật nhờ đã trang bị pháp môn Bất Nhị này đến tận răng mà thỏng tay vào bất cứ chốn nào dù là thanh lâu, quán nhậu, karaoke ôm hay động xì ke ma túy… Vào đến chốn nào thì chốn đó trở thành đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh.
Còn ta lơ mơ “ngẫu hứng lý qua cầu” dễ lọt… xuống sông!

Đỗ Hồng Ngọc

Filed Under: Ghi chép lang thang, Lõm bõm học Phật, Nghĩ từ trái tim

Năm này, Dương Cẩm Chương 102 tuổi!

02/01/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 5 Comments

Năm này, Dương Cẩm Chương 102 tuổi!
Đỗ Hồng Ngọc

BS Dương Cẩm Chương chuẩn bị cắt bánh sinh nhật (19/12/2011)


Năm 2012 này, bác sĩ – họa sĩ Dương Cẩm Chương vừa lên… 102 tuổi! Nếu tính tuổi Tây thì ông cũng chỉ mới 101 thôi, còn tuổi Ta thì ông được 102. Tôi nghĩ với ông, nên tính tuổi ta bởi ông thường nói chín tháng mười ngày ở trong bụng mẹ mới là thời kỳ quan trọng nhất của con người. Thật khó tưởng tượng nổi một ông cụ 102 tuổi luôn sảng khoái, cười ha hả, đối đáp linh hoạt như một người tuổi trung niên! Thế mà chỉ trước đó ít lâu ông đã lên một cơn “rối loạn tri giác” nặng, hoàn toàn mất trí nhớ, rơi vào hôn mê sâu, bệnh viện phải cho xuất viện về lo hậu sự. Về đến nhà ông nằm mê man suốt hai tháng trời như thế rồi bỗng nhiên tỉnh lại, quát mọi người sao bày đặt tụng kinh om sòm bộ muốn cho ông chết sớm hả. Quả thật suốt hai tháng mê man đó ông đã phiêu diêu nơi miền … cực lạc, chỉ tiếc ông chẳng còn nhớ gì để kể lại cho chúng ta nghe.

Cách đây vài tuần, ông phone gọi tôi nhắc sắp sinh nhật ông, nhớ đến và phát biểu đôi câu đấy nhé! Tôi nhớ năm ngoái đến dự sinh nhật ông đã hỏi ông cảm thấy thế nào về ngày mừng đại thọ trăm tuổi này, ông cười “thấy già thêm chút nữa”! Năm nay tôi “tranh thủ” thăm ông sớm chớ đợi tới ngày sinh nhật thì đông đúc quá!
Vừa thấy tôi, ông đã từ trên giường lồm cồm ngồi dậy, hất tay người cháu đang định đỡ lưng mình, và “tấn công” ngay:
– Cuốn sách mới của anh có bài viết về tôi mà tôi chưa được đó nhé!
– Dạ, có phải chú muốn nói cuốn Nhớ đến một người không?
– Đúng rồi. Nhưng không sao! Tôi cũng đã có rồi. Một đứa cháu đã mua tặng cho. Anh viết về mọi người mà chẳng “kết luận” cái gì cả! Như ông Trần Văn Khê, anh viết về nhiều thời kỳ của ông mà cũng chẳng có kết luận nào cả? Vì thế mà trong giấy mời anh, tôi gởi theo mấy bức thư…
Thì ra vậy. Tôi đã hơi ngạc nhiên sao trong giấy mời của ông, tôi thấy có kèm thư của Ni sư Trí Hải, GS Trần Văn Khê và ông Cao Bá Ninh… . Thì ra ai nấy viết cho ông đều có “kết luận” rất rõ ràng.
Giáo sư Tần Văn Khê viết:
Thưa Dương Cẩm Chương đại huynh,
Kính nể đại huynh, một nghệ sĩ trong y khoa
Ngưỡng mộ đại huynh trong nghệ thuật hội họa
Khâm phục đại huynh, một nghệ sĩ trong nghệ thuật sống.
(02/01/2006)

Ni sư Trí Hải thì viết:
(…) các nhà báo nói Bác trông như một bá tước, họ nói cũng đúng, nhưng tôi thấy Bác như một nghệ sĩ và một thiền sư, ở tính bình dị hồn nhiên của Bác. Nhờ vậy mà Bác giữ mãi được sức khỏe và tâm hồn trẻ trung (Tuê uyển, 12.10.2000).

Còn ông Cao Bá Ninh viết trong một email gần đây:
Thư gởi một người thật quen
Mercredi 6 avril 2011 18h47
(…) Ông đã vẽ cho đời để đời đẹp hơn. Để có được đời sống vui và thoải mái, tôi rất thích lối sống, cách sống và thái độ thật rõ với ĐỜI của ông…(…).

– Thưa, ông Cao Bá Ninh này chắc cũng lớn tuổi rồi hả chú?
– Đâu! Hãy còn trẻ! Nhỏ hơn tôi đến 8, 9 tuổi! (nghĩa là cũng đã ngoài 90 rồi!). Ông đang ở Chicago.
Tôi tìm cách chuyển đề tài:
– Chú thấy… sống lâu có gì hay hông chú?
– Có chứ. Mình được thấy…
– Thấy cái gì?
Ông ngần ngừ: Thấy nhiều thế hệ…
– Còn cái chết?
– Chết là một giải thoát…
– Sau cái chết là gì?
– Không biết ! Chỉ nhớ một câu hình như của Lão Tử: sống sao cho khi sinh ra mình khóc thì mọi người cười, còn khi chết thì mọi người khóc mà mình cười…
– Mình biết gì đâu mà cười hở chú?
Ông làm thinh. Rồi thủng thẳng:
– Nghĩa là mình đã sống một đời sống trọn vẹn, hữu ích. Thời kỳ nằm trong bụng mẹ rất quan trọng…
– Còn trước hồi nằm trong bụng mẹ ?
– Không biết !
– Làm thế nào để có cuộc sống vui khỏe và… trường thọ như chú ?
– Cần 3 điều: Sức khỏe là một, việc làm là hai và tình yêu là ba.
Rồi ông nhìn tôi: Đây là thứ tình yêu rộng lớn… Nhưng mỗi ngày phải nhớ sám hối đó nhé! Cuộc đời nhiều vui khổ…
– Chú tập luyện, ăn ngủ thế nào ?
– Mỗi ngày tập thể dục đều 20 phút, ăn uống vừa đủ, ngủ nhiều.
– Chú còn vẽ không ?
– Hết vẽ được. Mấy ngón tay này…
Rồi ông đưa mấy ngón tay cho tôi coi…
…………………
Trong buổi họp mặt mừng Sinh nhật ông ở Chez Nous, tôi nói, khi tôi sinh ra thì ông đã là bác sĩ, khi tôi là bác sĩ thì ông đã về hưu… Sau này người ta có thể quên đi một Dương Cẩm Chương bác sĩ nhưng người ta sẽ còn nhớ Dương Cẩm Chương họa sĩ… Ông đã sống một đời sống tròn đầy, lao động và sáng tạo, đem lại niềm vui cho mình, cho đời. Ông sống hồn nhiên và hạnh phúc. Tôi vẫn luôn coi ông là « đại sư phụ » của mình…

……………………………..
Đọc thêm trên www.dohongngoc.com/web/
“Ke lu hanh khong met moi cua duong dai”

Nhà yêu nước Dương Bá Trạc là thân phụ của BS Dương Cẩm Chương

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Những người trẻ lạ lùng, Vài đoạn hồi ký

Ghi chép lang thang

01/01/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 8 Comments

“Thơm bàn tay nhỏ”…

Đỗ Hồng Ngọc
Không biết sao mỗi lần ra Hà Nội tôi đều muốn đi lang thang ngoài đường phố quanh Hồ Gươm và thực sự mừng rỡ khi nhìn thấy một gánh hàng rong có món cốm vòng xanh thơm ủ kín trên cánh lá sen với mấy quả chuối tiêu vàng rượm… Tất cả như gắn với một dĩ vãng mơ hồ nào đó trong ký ức của một người chỉ biết Hà Nội qua những trang sách cũ. Cái mùi hồ gươm, mùi trời thu, mùi cốm vòng… như quyện lấy nhau khiến cho người xa lạ là tôi bỗng quen thân đến sửng sờ.
Hình như cốm vòng chỉ thực sự là vòng khi nó nằm nhẹ tênh trên chiếc mẹt, trên quang gánh. Nó không còn là cốm vòng nữa khi nó được đóng gói, bao bì công nghiệp, ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng đâu đó đàng hoàng… Chấm miếng chuối tiêu lên nắm cốm vòng có mùi sen tỏa nhẹ, rụng rơi lả tả những hạt ngọc xanh thơm cho bầy chím ríu rít… giữa Hồ Gươm chẳng khoái lắm ru?

Ăn hàng rong, thực ra, không phải ăn hàng mà là ăn rong. Cho nên tôi nghĩ dẫu thế nào đi nữa thì hàng rong vẫn sẽ cứ còn mãi, vẫn “cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua…” (TCS)!
Ở Saigon phồn hoa đô hội này cũng vậy. Sáng sáng, cứ đến một góc đường, mua một gói xôi đậu phọng, đậu xanh núp quen thuộc. Khi kêu không lấy dừa nạo, không lấy đường cát thì bà bán xôi lập tức xúc thêm một muỗng xôi đầy để bù ngay cho, với một nụ cười cảm thông… cùng người kiêng đường kiêng béo! Bà đã nuôi hai đứa con vào đại học chỉ nhờ cái thúng xôi núp bên hè phố đó hàng chục năm qua rồi!
Chắc không ai đếm xuể Saigon HàNội và các thành phố lớn nhỏ trong cả nước có bao nhiêu gánh hàng rong, bao nhiêu người sống nhờ hàng rong… Gần đây người nhập cư ngày càng đông, hàng rong không chỉ là thức ăn mà cả cây cảnh, hoa trái các loại… trở nên nhộn nhịp nhếch nhác hơn bao giờ hết, kém hẳn vẻ mỹ quan đô thị!
Tuy vậy, hàng rong vẫn tồn tại vì bao giờ cũng… rẻ, cũng ngon, giá nào cũng có, hợp với túi tiền của mọi người. Nó lại sà đến bên mình, lại đon đả mời mọc, cung cấp một dịch vụ thân thiện, gần gũi, giá rẻ, chiều khách hết lòng… Sợ rằng các nhà kinh doanh tầm cỡ khó mà nghĩ ra cách nào tiếp cận hay hơn! Với hàng rong, người ta được mời chào, được chọn lựa, được thương thảo… thỏa thích, luôn có sự tương tác người bán người mua. Khác xa với cảnh lạnh lùng đăm chiêu láo liêng cảnh giác lúc đẩy xe giữa các hành lang hun hút của siêu thị, để rồi khi sắp hàng trả tiền thì đối diện với vẻ lạnh nhạt, mệt mỏi, cau có của nhân viên đồng phục… không kể ánh mắt lườm lườm ngờ vực của những tay bảo vệ đằng đằng và những camera đặt khắp nơi quan sát từng cử chỉ…
Ngày xưa khi Saigon còn vắng, trưa nào cũng nghe tiếng rao lãnh lót ai bột khoai nước dừa bún tàu đường cát … hôn? Phải nói nghe riết thành ghiền. Trưa nào không nghe cũng cảm thấy bứt rứt không biết hôm nay chị bán chè tàu thưng đó có đau ốm gì chăng? Cũng có người nhờ nghe tiếng rao đó mà đi học kịp lúc! Bây giờ ít còn nghe tiếng rao nào như vậy mà thay vào đó là tiếng rè rè hết pin bánh mì saigon đặc biệt thơm ngon một ngàn một ổ hoặc keo dính chuột… Tiếng rao cũng đã công nghiệp hóa mất rồi!
Người ta đã bàn nhiều cách để dẹp hàng rong. Dẹp không được. Người ta đã bàn nhiều cách để gom hàng rong. Gom không được. Chẳng lẽ ở Bàn Cờ cần mua cục xôi mà phải chạy lên tận Văn Thánh? Cũng đã có người có sáng kiến hay, gom một số hàng rong vào trong một cái quán, bày biện trang hoàng bắt mắt, nhưng giá đắt, chờ lâu và lại xuất hiện cửa quyền… Hàng rong ở đó cũng chỉ là hàng mà hết rong!
Mục đích của việc muốn “quản lý” hàng rong là vấn đề mỹ quan đô thị và an toàn vệ sinh thực phẩm. Quả thật hàng rong ngày càng nhếch nhác trong một đô thị ngày càng chật chội. Hàng rong la liệt trước cổng trường, cơ quan, xí nghiệp… thường không đảm bảo vệ sinh. Làm cách nào đây? Cũng đã thử mở vài lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chẳng mấy người học. Cho kiểm tra tận nhà? Người đâu cho xuể? Kêu gọi tự giác? Còn lâu!
Vậy làm sao? Chỉ còn có cách chính người mua chủ động “đòi hỏi” ở người bán, buộc họ phải “thay đổi hành vi”. Khách hàng là “Thượng đế” mà! Một khi thượng đế đòi người bán phải mang găng tay, phải che khẩu trang, phải vệ sinh các vật dụng mới chịu mua thì… người bán đành chiều, nếu không muốn bị ế! Phụ huynh chỉ mua cho con em mình những món ăn hợp vệ sinh, người bán biết giữ vệ sinh. Chỉ cần “Ăn chín uống sôi” là đủ để phòng ngừa nhiều dịch bệnh, kể cả dịch tả. Dần dần các hàng rong nào không quan tâm “an toàn vệ sinh thực phẩm” sẽ bị ế dài dài và buộc phải thay đổi để tồn tại. Chỗ nào ngon, rẻ, tử tế và vệ sinh sẽ tự nhiên đông khách.
Ý thức an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay có vẻ đã dần khá lên. Bắt đầu thấy người bán hàng rong có đậy đệm, có mang găng, có muỗng vá múc riêng… khác với ngày xưa vừa bốc thức ăn vừa quẹt quẹt vào áo vừa thối tiền…
Lại nhớ “Mùa cốm xanh về/ thơm bàn tay nhỏ/ cốm sữa vỉa hè/ thơm bước chân qua…”.

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định

“NNN”

23/12/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 6 Comments

Từ trái sang: DS Hồ thị Tường Vân, GS Trần Văn Khê, Lâm Duy Anh Kiệt, Đỗ Hồng Ngọc


Một hôm tôi nhận được một cú phone mời đi ăn trưa cùng với Chú Trần Văn Khê và Cô Tường Vân. Tưởng ai, hóa ra là Lâm Duy Anh Kiệt, con thầy Lâm Tô Bông và cô Hồ thị Tiểu Sính, cô giáo tiểu học của tôi hồi nhỏ ở Phan Thiết. Cô Tiểu Sính không chỉ là cô giáo , cô còn là một người ơn của tôi vì đã cho tôi học miễn phí ở ngôi trường Tiểu học của cô thời đó bên bờ sông Cà Ty (Mường Mán). Cô là con của Cụ Hồ Tá Bang, nhà ở kế bên trường Dục Thanh bây giờ. Khi tôi vào đệ thất Phan Bội Châu (1954) thì Anh Kiệt mới sinh nên tôi không được biết em. Thế nhưng, nghe em nhắc đến mẹ là Cô Tiểu Sính thì tôi đã vô cùng cảm động, nhớ buổi mai hôm đó, cậu Ngu Í của tôi đã dẫn tôi từ chùa HN đến gởi gấm cho cô- bạn thân của cậu- để tôi được đi học như bao trẻ em khác. Anh Kiệt đi Pháp từ nhỏ, rồi sang Canada, bây giờ ở Hồng Kông. Thỉnh thoảng em về thăm người dì ruột là Dì Sáu, dược sĩ Hồ thị Tường Vân và người bạn của mẹ là GS Trần Văn Khê.

Trong buổi ăn trưa bên bờ sông Saigon hôm đó, Kiệt kể một câu chuyện thú vị: em thường thấy mẹ đeo một tấm “lắc” có khắc 3 chữ “NNN” trên cổ tay mà không hiểu ý nghĩa. Người lạ thì tưởng là tên họ gì đó của mẹ. Sau này thì Kiệt đã hiểu rõ: Thì ra “dân” Phan Thiết không biết sao thường hay “ăn to nói lớn” nên khi cô Tiểu Sính sang sống ở Pháp, cái tật “nói lớn” đó không bỏ được. Thầy Lâm Tô Bông bèn làm cho cô một tấm “lắc” bằng vàng tây, khắc ba chữ NNN để nhắc nhở cô: “Nói Nho Nhỏ”! Khi cô mất, không biết các con cô có còn ai giữ để kỷ niệm không. Quả thật chỉ có thầy Lâm Tô Bông, vốn là trưởng hướng đạo mới nghĩ ra cách nhắc nhở vợ mình thú vị như thế, và chỉ có cô Tiểu Sính mới chịu mang cái tấm lắc với 3 chữ “NNN” như thế. Tôi nói với Kiệt, có lẽ dân Phan Thiết mình từ xưa sở dĩ thường nói lớn tiếng thành thói quen là do sống ở vùng biển, quen nói giữa “sóng to gió lớn” đó thôi. Thế nên nhiều khi nghe người ta nói chuyện tưởng như gây gổ mà thật ra là rất bình thường. Hôm nào về Phan Thiết để ý thử xem nhé.
Tôi cũng Phan Thiết nên có khi phải cần nhắc mình với 3 chữ “NNN” như vậy!

Filed Under: Ghi chép lang thang, Một chút tôi, Vài đoạn hồi ký

Lõm bõm: “Con đường độc nhất”

11/11/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 9 Comments

Lõm bõm(4)

« Con đường độc nhất »
« Đây là con đường độc nhất dẫn tới thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng đắc Niết bàn »… Thật không, một con đường như vậy ? Phật nói như đinh đóng cột, chắc là phải có rồi. Nói từ hồi bắt đầu dạy những bài học đầu tiên cho đến lúc sắp nhập Niết bàn. Nói đi nói lại hoài. Sợ người ta quên. Sợ người ta coi nhẹ, mải mê chạy theo những hí luận nọ kia… Bởi con đường « độc nhất » đó lại quá ư đơn giản, đơn giản đến khó tin !

Con đường nào vậy ? Độc nhất. Thanh tịnh. Chánh trí. Niết bàn. Diệt trừ khổ ưu? Nếu có, quả là phương thuốc thần cho cuộc sống đầy bát nháo, điên đảo mộng tưởng… trên một thế giới phẳng, toàn cầu hóa hôm nay ?
Đó chính là Anapanasati – có khi gọi là « An ban thủ ý » hay « Nhập tức xuất tức niệm » – được dạy trong Tứ Niệm Xứ. Hình như ngay Tứ niệm xứ với « thân thọ tâm pháp » … vẫn còn có vẻ phức tạp quá, nên Phật giản hóa đi bằng cách chỉ dẫn một « kỹ thuật » giản đơn nhất mà cũng tuyệt vời nhất, như cánh cửa mở vào kho tàng của … Như Lai.
Ana là thở vào, Apana là thở ra và Sati là niệm, là nhớ, là nghĩ. Chỉ có vậy thôi sao ? Chỉ vậy.
Thở vào thở ra thì ai mà chẳng thở? Vậy thì có cái gì hay ? Cái hay, cái « bí quyết » nằm ở chữ niệm. Niệm, ấy là nhớ, nghĩ. Nhớ cái thở. Và, nghĩ về cái thở. Xưa nay ta vẫn thở, còn sống thì còn thở nhưng mấy khi ta nhớ ta nghĩ về nó. Đôi khi khò khè cò cử ta cũng có nhớ, có nghĩ chút chút, nhưng nhớ và nghĩ theo… bệnh lý ! Còn Phật muốn ta nhớ nghĩ (niệm) về cái thở theo một cách khác. Hãy nhớ nghĩ thiệt sâu xem sao. Nói khác đi, không phải chỉ « niệm » mà « chánh niệm » xem sao. Hãy thử rình mò, dõi theo nó xem sao. Có gì lạ không? Có đó. Nhưng, đừng nói. Bất khả thuyết. Thử đi. Nếm đi. Hãy đến và nếm thử đi. Thì ra, một khi ta thực sự « nhớ » đến nó (chánh niệm), ta quên mọi thứ trên đời ! Cứ y như một cái công tắc. Bật qua bật lại. Hoặc nhớ chuyện nọ kia thì quên cái thở, nhớ cái thở thì quên chuyện nọ kia. Sinh lý nó vậy. Vỏ não nó vậy. Khi một vùng này của vỏ não được kích hoạt thì vùng kia bị ức chế. Thời đại của… options. Tùy chọn. Giận thì bầm gan tím ruột. Tức thì đỏ mặt tía tai. Mất bao nhiêu là năng lượng. Bãi hoãi tay chân, bao tử, tim mạch, huyết áp…
Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đủ. Niệm không chỉ là nhớ mà còn là nghĩ nữa. Có gì hay để nghĩ về cái hơi thở đó? Có đó. Giật mình thấy đời người chẳng qua là một hơi thở. Lúc sinh hít vào một hơi. Lúc tử hắt ra một cái. Khoảng giữa là những lăn tăn. Lăn tăn mà cũng bày đặt tham lam, sân hận, khổ đau… Giật mình thấy hơi thở chẳng phải của mình, chẳng phải là mình… Ngàn xưa ngàn sau nó đến nó đi ung dung… tự tại ngoài ta, chẳng cần biết có ta trên cõi đời. Chẳng phân biệt, chẳng thêm bớt. Cái hơi thở vào thở ra của Phật, của Bồ tát, của Alahán… kia hình như cứ còn bay bay lởn vởn đâu đây cùng ta phì phò mọi lúc mọi nơi…
Nhưng hình như không dừng ở đó. Cho đến một lúc, chánh niệm trở thành vô niệm.
Ở đó, một thứ tâm bất sinh.

“Tam-ma-địa”

Nghe cứ rờn rợn như “đất của ba con ma” nào đó vậy. Hóa ra không phải. Tam-ma-địa là một từ, phiên âm từ tiếng Phạn: Samadhi. Là Chánh định trong Bát Chánh Đạo. Nhưng hiểu “đất-của-ba-con-ma” cũng hay chứ! Ma tham, ma sân và ma si. Trẻ con thường hát: “Một ông Phật hiện ra/ Ba con ma biến mất!”. Nơi nào có ông Phật hiện ra thì nơi đó ba con ma phải biến mất. Hay nói cách khác, nơi nào có ba con ma hiện ra thì lập tức có ông Phật xuất hiện. Nếu chẳng có ba con ma Tham, Sân, Si thì Phật hiện ra làm gì cho mất công! Cho nên muốn biết Phật ở đâu thì hãy tìm trong… tham sân si. Tham sân si càng lớn, Phật càng to.
Có thể nhập chánh định ngay ở hơi thở đầu tiên được không? Không biết. Nhưng các thiền sư khẳng định là có thể. Phật thường ở trong định. Đi đứng nằm ngồi trong định. Khi cần lắm thì “xuất định” để thuyết giảng chút gì đó, rồi nhập định trở lại ngay. Như như bất động. An nhiên. Tự tại. Nhiều lúc trước khi “thuyết” phải hỏi lại đôi ba lần người ta có tin không. Thuyết xong thấy người ta vẫn ú ớ chưa tin chưa hiểu bèn bảo “chỉ có Phật với Phật mới hiểu nhau thôi”. Bởi Phật nói ra cái điều thấy biết từ trong định, không phải cái thấy biết của ta. Cho nên có những buổi Phật thuyết mà người ta bỏ đi… gần hết. Phật mặc kệ.
Định dẫn đến Tuệ. Người bình thường như ta đôi khi cũng bừng ngộ, lóe sáng, thức tỉnh một chút, nhưng không lâu, lại đắm chìm, lại tắt ngấm.
Bởi thiếu “Tam ma địa”.

« Bố thí thân mạng »

“Buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí…”.
Bố thí hơi nhiều đó nhé! Và, thân mạng đâu mà lắm thế? Trong khi ta chỉ có mỗi một tấm thân ngũ uẩn nhẹ hều!
Nhưng chuyện bố thí hằng hà sa số thân mạng sáng trưa chiều tối là có thật. Cứ nhìn vào cơ thể mình thì biết. Cơ thể ta hình thành từ khoảng một trăm ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một “sinh vật”, một “chúng sinh” hẳn hòi, hoạt động có tổ chức, có đầy đủ các chức năng, sắc thọ tưởng hành thức… đàng hoàng chớ chẳng chơi. Và điều kỳ diệu, cứ mỗi giây đồng hồ lại có vô số tế bào được… “bố thí” hay nói khác đi được hủy bỏ để thay thế bằng những tế bào khác, mới hơn, khỏe hơn. Chẳng hạn chỉ riêng hồng cầu, mỗi giây đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu được hủy diệt và thay thế. Các chất liệu được đưa về “kho chứa” là lá lách để sẵn sàng sử dụng lại, chế tạo các hồng cầu mới. Hệ thống mao mạch – các mạch máu nhỏ li ti dẫn máu đến từng tế bào trong cơ thể, cung cấp Oxy và các dưỡng chất để sản xuất năng lượng – nếu nối lại đã có độ dài bằng một vòng quanh trái đất. Mỗi ngày, trái tim nhỏ bé của ta co bóp với một lực mạnh đủ để kéo một đầu máy xe lửa… Cơ thể ta quả một thế giới kỳ diệu, một vũ trụ chưa được khám phá hết. Đừng tìm kiếm đâu xa. Hãy “nương tựa chính mình” là vậy. Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp. Vô thường ở đó, vô ngã ở đó, niết bàn điạ ngục ở đó…
Bố thí thân mạng nhiều như cát sông Hằng, ngày ba buổi sáng trưa chiều chính là các thời… thiền định của một người tu tập. Trong sâu thẳm của chánh định, sẽ thấy biết… không còn có cái thân nào nữa – hay nói khác đi “bố thí” sạch trơn rồi, “buông xả” sạch trơn rồi. Ngã nhân chúng sanh thọ giả dứt sạch rồi. Chẳng phải trong trạng thái vô ngã đó, đã hoàn toàn “bố thí thân mạng” đó sao?
Như vậy phải chăng “buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí…” không bằng biên chép đọc tụng câu kinh tiếng kệ nhằm nhắc ta rằng đừng có mà ngồi ỳ ra đó, đừng có mà lo ngày ba thời thiền định dưới gốc cây, quên ăn quên ngủ, bỏ mặc sự đời. Hãy gieo trồng dù chỉ là một hạt giống nhỏ, để đem lại hạnh phúc cho chúng sinh…
Cho nên bố thí thân mạng chẳng phải là bố thí thân mạng nên mới gọi là bố thí thân mạng đó vậy.

“Giải thoát” và “Giải thoát”

Thì ra có hai thứ Giải thoát. Giải thoát và giải thoát tri kiến. Hay nói cách khác, một thứ là giải thoát thân và một thứ là giải thoát tâm.
Vô sanh. Đặt gánh nặng xuống. Phạm hạnh đã đầy. Không trở lại con đường cũ nữa. Vậy là giải thoát. Giải thoát cái gì ? Giải thoát sanh tử. “Vô sanh” thì “vô tử” mà. Có sanh đâu mà tử ? Có tử đâu mà sanh ? Nhưng “sanh tử” này là sanh tử của các pháp. Sanh, trụ, dị, diệt. Nó vậy đó, nó cứ vậy đó, không ngừng. Sanh tử là một. Vô sanh là cắt đứt đường sanh tử. Các bậc vô sanh đều tới cõi này, nhưng sao…?
Phật nói còn thiếu Từ bi. Bởi Phật rồi cũng chết, cũng “niết bàn” mà, dù chỉ là một cách “thị hiện” chơi thôi, nhằm để răn dạy người đời thôi.
Cho nên giải thoát sanh tử không phải là không còn chết nữa, mà là chết một cách khác, chết an nhiên, chết tự tại, vì đã sống an nhiên, tự tại.

Nhưng giải thoát sinh tử mới chỉ là giải thoát thân, còn cái tâm mù mịt kia vẫn quấn quít, vẫn dằn vặt khôn nguôi. “Lậu hoặc” vẫn đầy ra đó, phiền não vẫn đầy ra đó. Nên “giải thoát thân” mới chỉ là bước một. Độc cư và thiền định đã có thể đưa đến thứ giải thoát này. Bố thí thân mạng ngàn vạn lần sáng trưa chiều tối có thể đưa đến giải thoát này. Nhưng nó chỉ là một trạm dừng chân, nghỉ qua đêm ở hóa thành.
Do vậy, thiền định (Samatha) cần mà chưa đủ, phải thiền quán (Vipassana) để có “tri kiến” thật. Nhưng hai thứ đó quấn quít chằng chịt với nhau, bổ sung cho nhau. “Định” đến mịt mờ cũng chẳng đến đâu, “Quán” đến hí luận cũng chẳng đến đâu. Có người bảo chỉ cần định là đủ, có người bảo chỉ cần quán là đủ. Các triết gia xưa nay vẫn luôn “quán” mọi sự không ngừng đó chứ, nhưng cũng chẳng đến đâu. Còn ôm gốc cây mà mài gạch cho thành gương thì cũng khó! Giải thoát tri kiến thực sự có được phải là cái « tri kiến » Phật. Thứ tri kiến ở đó thức đã chuyển thành trí. Thấy biết Như Lai. “Ngộ” vẫn chưa đủ. Còn phải “nhập” nữa. Khi Lục tổ Huệ Năng “ngộ” rồi thì cũng phải “nhập” mười lăm năm hành tẩu giang hồ mới dám một phen xuống núi: “Gió không động, phướng không động…”.
Một đạo hào quang trí tuệ ở giữa chặng lông mày quét một cái cho thấy toàn cục. Nó vậy thì nó vậy. Tánh tướng nó vậy thì sanh vậy trụ vậy dị vậy diệt vậy… Nó Như Thị. Sáu đạo luân hồi đông vui, dìu dặt. Các vị Phật hằng hà sa số giảng pháp… mọi lúc mọi nơi. Như Lai lặng tiếng. Như như bất động. Nhưng vô vàn để vổ về nhắc nhở.
Ấy là lúc tri kiến Phật tỏ bày?

Bồ tát Di Lặc

Các vị Bồ tát hình như chẳng ai có một cái tên riêng. Ngoài các vị quá thân quen như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Dược Vương… (thực ra là những đức, hạnh), ta còn có vô số các vị mang những cái “tên” rất ngộ nghĩnh: Thường Bất Khinh, Thường Tinh Tấn, Bất Hưu Tức, Vô Tận Ý… nếu dịch ra sẽ là: Luôn Tôn Trọng, Luôn Siêng Năng, Không Ngừng Thở, Người Nhiều Chuyện…! Cho nên ta không lấy làm lạ khi có tới hai vạn vị Phật mang cùng một tên gọi duy nhất Nhật Nguyệt Đăng Minh… làm nhớ “trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ rọi suốt trăm năm một cõi đi về…” (TCS).
Dễ thương nhất có lẽ là Bồ tát Di Lặc. Bồ tát có cái bụng bự, lúc nào cũng cười toe toét, làm biếng và… hám danh kinh khủng (nên còn có tên là Cầu Danh). Hôm đó giữa hội trường , ông ngơ ngác đứng gãi đầu hỏi hôm nay có gì lạ mà Phật Thích Ca phô trương thanh thế, “đánh trống múa lân” ầm ỉ quá vậy? Bồ tát Văn Thù mới tủm tỉm cười « dẫn chuyện gần xa »: Sẽ có chuyện lạ đó! Chờ xem. Nhớ xưa mỗi lần như vầy thì sẽ có thuyết giảng Diệu pháp Liên hoa đó. Chờ xem. Đừng nóng. Hồi đó tôi cùng tu học với ông, chẳng qua ông biếng nhác, học hoài không thông…
Bụng bự, biếng nhác, hám danh… phải chăng muốn “ám chỉ” chúng ta ngày nay? Ta ngày nay chẳng phải bụng bia, gan nhiễm mỡ, béo phì, bằng cấp giả… đầy đó sao?
Thật ra thì Phật có phô trương thanh thế, có thuyết giảng gì mới lạ đâu. Vô số các vị Phật xưa nay đời đời kiếp kiếp đều nói y một pháp như vậy, có giấu giếm gì đâu, chẳng qua vì không ai muốn nghe, không ai biết nghe thôi. Phật Thích Ca, suốt bốn mươi lăm năm trời phải nói đi nói lại hoài bằng nhiều cách cho nhiều đối tượng khác nhau, để rồi cuối cùng cũng đã khẳng định… “ai bảo Phật có thuyết pháp này nọ là phỉ báng Phật”! Chẳng qua vì “đối tượng” khác nhau nên “mục tiêu” và “phương pháp” cũng phải khác nhau vậy thôi. “Student-centered approach” mà! Lần này trong hội Pháp Hoa, có vẻ Phật Thích Ca hơi bực mình sao đó nên không chỉ nói mà còn bày biện ra, trình diễn, xếp đặt như một cuộc triển lãm, như một phim 3D cho thấy tận mắt. Hãy coi kỹ đây nè. Nó vậy đó. Nó Như Lai. Chẳng có thời gian, chẳng có không gian. Vô lượng thọ. Vô lượng quang. Thực tướng vô tướng… Chuyện khó tin nhưng có thiệt. Một số vị đã rời bỏ hội trường. Kệ, cho đi.
Ông bụng bự, làm biếng, cầu danh… ở lại. Tuyệt vời! Ông hỏi : “Con muốn mau thành Phật. Có cách nào cho mau thành Phật không?”. Chưa bao giờ, ở đâu, có một kẻ nôn nóng thành Phật, nôn nóng “Vô thượng chánh đẳng chánh giác” như thế. Nhưng Phật đã mỉm cười: Có đó. Dễ lắm. Con nít chơi đất chơi cát… cũng thành Phật được, trẻ con người già, đàn ông đàn bà gì cũng thành Phật được. Bởi ai ai cũng sẵn có hạt giống đó cả rồi. Miễn là phải tưới bón!
Con người hôm nay trên thế giới phẳng, toàn cầu hóa này dù… bụng to, làm biếng, cầu danh, muốn mau thành “chánh quả”… vẫn có thể thành được không khó, miễn là có đủ “tri kiến” Phật và hằng sống “ngộ nhập” với tri kiến đó.
Nhưng, còn thiếu chút gì chăng? Từ Bi. Bồ tát Di Lặc, Maitreya, Từ Thị… vốn dòng dõi Từ Bi. Ông “thị hiện” chút chơi để dạy ta rằng phải có Từ Bi cái đã. Bởi Từ Bi thì mới Hỷ Xả. Nếu không, sao bụng lại to, sao cười lại rộng?

Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon 11.11.11)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Lõm bõm học Phật, Nghĩ từ trái tim

Ghi chép lang thang 1.10

04/10/2011 By support2 17 Comments

“GIÀ KHÚ… ĐẾ!”

Ghi chú: 1 Tháng 10 là Ngày NGƯỜI CAO TUỔI. Có bạn trách sao thấy cứ viết đề tài trẻ con hoài! Vậy nên, có bài “Già khú… đế” này riêng tặng bạn bè tôi, những người đang hoặc sẽ… “khú đế”. Trên 70 tuổi mới nên đọc…
Đỗ Hồng Ngọc

1. “Già khú” là giai đoạn một, thêm một bước nữa thì gọi là “già khú… đế”. Khú, Từ diển tiếng Việt bảo là “để thâm lại và có mùi hôi”, thí dụ dưa khú, tức là một thứ dưa để lâu quá, sắp hư. Khú đế là “vua” của khú, hơn hẳn các khú!

Thật là một sai lầm lớn khi ta nghĩ rằng già sẽ đến từ từ, cứ từ từ mà thích nghi, mà giải quyết mọi chuyện lần lượt. Không đâu. Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt lên. Không những xồng xộc nó còn gia tốc, tàn bạo như cơn sóng vỗ vào bờ đá, vội vã để mau chóng nhập vào dòng nước cuồn cuộn đuổi theo sau. Nó mạnh mẽ và tàn nhẫn, tung tóe, tan tác, lắng chìm, không một chút xót thương. Nó lãnh đạm bởi nhiệm vụ nó phải thế. Nó thú vị bởi nó không phân biệt. Giàu nghèo sang hèn, da trắng da đen… Còn ta, ta chần chờ, chểnh mãn, làm ngơ… Hãy đợi đấy. Đi đâu mà vội… Không đâu! Một hôm già bỗng chuyển hệ sang già…khú, rồi khú đế đột ngột làm đảo lộn mọi thứ tính toan. Quên tuốt những ký ức, lẫn lộn điều nọ với điều kia, thứ này với thứ khác, tai không nghe rõ, nói không trôi chảy, mắt không nhìn tinh… như làn sóng đã bắt đầu tung tóe!

Già đến đột ngột và tàn bạo. Như một cơn động đất, không cần phải hỏi han, không cần báo trước. Như một cơn bão dữ, thổi ào qua, cuốn tất cả không thương tiếc. Khi nó khú đế, nó sẵn sàng làm ta trở nên lố bịch, buồn cười, ngớ ngẩn, đáng thương. Khi nhìn quanh những người già khú đế mà… còn khỏe, ta nghĩ ta chắc cũng sẽ như họ. Còn lâu. Số người như vậy rất hiếm.

Nhưng, như vậy phải chăng làm ta sẽ nhìn đời bi quan ? Không đâu. Trái lại. Nó làm cho cuộc sống của ta có chất lượng hơn, có ý nghĩa hơn. Người ta không cảm nhận được thời gian vì thực ra chẳng có thời gian.

2. Thỉnh thoảng gặp người bạn thân lâu ngày chưa gặp lại, thấy bạn sao mà nhăn nheo, già khú, hỏi mới biết còn nhỏ hơn mình vài tuổi! Bạn kể cho nghe chuyện đôi khi gặp lại « người xưa » của bạn, tưởng tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng, người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang… Ai dè không vậy. Đôi mắt huyền xưa, chiếc mũi dọc dừa… bây giờ khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang; vai gầy guộc nhỏ, từng ngón xuân nồng bây giờ chuối ngự…. Còn ta thì sao? Nguyên Sa bảo ta chỉ có thể đo đếm tuổi mình qua ánh mắt cố nhân. Thử nhìn vào gương. Có gì khác lạ đâu nào? Ấy là bởi mình quen nhau quá rồi nên chẳng kịp thấy đổi thay. Thế nhưng, đã không còn những dấu chân chim ở khóe mắt mà hằn sâu như vạn lý trường thành… Khóe miệng thì nặng nề trễ xuống như bị sức hút của quả đất. Ở một nơi không có trọng lực chắc không đến nỗi?

Bạn nhắc toàn chuyện nửa thế kỷ trước… Nào đi cắm trại Suối Lồ Ồ với Nguiễn Ngu Í, Lê Phương Chi, Hồ Xích Tú, Nguyễn Công Thuần, Quách Giao…, nào lang thang chợ sách vỉa hè Saigon, “truy lùng” sách quý, nào cà phê chiều tím, chiều nhớ thương ai… Mấy đứa cháu nội mười bảy mười tám ra vòng tay chào bác, chào bác… Bạn quắc mắt: “Ông” chớ sao lại bác! Thấy chưa, tụi nó gọi ông bằng ông nội mà gọi tui bằng bác, thấy chưa?
Bạn có khoảng đất rộng chơi cây kiểng một thời. Cả một vườn mai vàng rực cho những ngày Tết nay đà xơ xác. Căn nhà rộng đã nhường cho các con, cất một mái nho nhỏ bên cạnh như một cái am cốc, một tủ sách, một cái TV, và nhất định không xài điện thoại di động, vi tính… Đủ rồi đó, nay mai, sẽ dọn dần về những căn nhà nhỏ hơn, nhỏ hơn nữa. Rồi cùng mà cười. Bạn nói đã làm xong di chúc. Và cũng đã căn dặn, rải xuống sông Soài Rạp, quê nhà.

Phone cho người bạn ở tận miền Trung xem bạn đã khú ra sao. Bạn đi vắng. Không biết đi đâu. Chị càu nhàu. Hỏi “tình hình” sao rồi? Chịu hổng nổi ổng. Chị nói. Tôi chỉ muốn “cắn” ổng mấy cái! Ấy, chớ, đừng. Đừng cắn. Chị mà cắn ổng người ta tưởng chị “mê” ổng lắm đó. Tục ngữ có câu: “Yêu nhau lắm cắn nhau đau” mà, nhớ không? Hồi xưa hai ông bà mê nhau như điếu đổ! Anh bạn làm thầy giáo, một nhà thơ rất dễ thương, lấy bút hiệu con gái để dễ đăng những bài thơ mượt mà trên các báo thời đó. Giờ anh đi lai rai chỗ bạn bè, em cháu, những chốn chùa chiền…

3. Nhân có bác sĩ Thịnh ở Mỹ về , chúng tôi ơi ới gọi nhau rôm rả ở một quán hải sản thành phố. Theo lời một anh bạn, quán hải sản có cấu trúc mỗi phòng như một khoang thuyền để mọi người lắc lư cùng sóng gió.

Thiệt là tay bắt mặt mừng. Nhiều khi ngớ ra. Biết mặt mà quên tên. Biết tên mà quên mặt. Học chung với nhau dưới mái trường y khoa Saigon đằng đẵng bảy năm trời, không thể không quen, vậy mà đôi lúc cũng ngỡ ngàng, chưng hửng! Người thì hom hem… người thì béo ị… người bạc trắng, người cà khêu… Ôi cái thời sinh viên y khoa hào hoa phong nhã, tếu táo vung trời! Có lẽ do cái sự học y dài lâu và nghiệt ngã, tiếp cận bao nỗi con người… nên bọn y khoa nổi tiếng là tiếu lâm hạng nhứt, mặc dù học hành nghiêm túc chẳng ai bằng! Nhớ thời đó, ai vào y khoa cũng bị đặt cho một cái “biệt danh”, cái “hỗn danh”, cái “tục danh” chịu hổng nổi, rồi chết cứng với tên gọi đó suốt đời. Bạn bè gặp nhau chỉ cần kêu một tiếng thì cả một dĩ vãng ùa về…! Tên có thể quên chớ tục danh thì khó mà không nhớ. Thịnh, là Thịnh Văn Chương, “Chương còm”. Qua Mỹ mất tên, còn họ, “Doctor Thịnh”! Tại sao còm? Bởi còn có Chương “chuột”, rồi Cầm “chim”, Sơn “gà”…Tại sao chuột? Nhìn nó… chuột, thế thôi. Còm nay đã hết còm, chuột nay không còn chuột. Thế mà cái “tục danh” còn đeo đẳng mãi làm nhớ cái anh ốm nhom, lòm còm mà nhanh nhẹn, cái anh thấp lùn mà lém lĩnh, thông minh…. Còn anh bạn Mai cao nhòng, ngất ngưỡng, hình như có lúc làm ban đại diện lớp, được gọi là “Mai vói” (phát âm theo giọng Nam bộ!), bởi ai muốn nói chuyện với anh cũng phải vói lên một chút!. Rồi bạn C – có lẽ vì nghiêm trang, ít khi đùa giỡn – nên được gọi là “ C bặt”. Nhưng chuyện của anh bây giờ là một tấm gương luôn được bạn bè nhắc tới. Anh bị đủ thứ bệnh, toàn bệnh nặng, biến chứng tùm lum, mấy phen tưởng đã xong, thế rồi anh quyết định tự xây cho mình một cái kim tĩnh… Từ đó anh khỏe hẳn ra, không thèm bệnh, không thèm chết nữa!

Bỗng có bạn hỏi, Lộc bây giờ ở đâu? Lộc nào? Lộc nào? Nhao nhao lên. Lộc “tr” hả? Đang ở Úc, rồi Q heo, rồi H “nám”, để khác với H “Rhade”, H “mù”, H “con”… Rồi Cường “sùi”, Thăng “lùn”, Bá… kẻ còn người mất. Cả đám bác sĩ vào trường y nửa thế kỷ trước bây giờ đều trên dưới bảy mươi không mấy ai là không bệnh tật! Đã bệnh thì toàn thứ dữ. Bác sĩ mà! Nhồi máu cơ tim, nong, stent, by pass… tai biến mạch máu não, tiểu đường, thận, khớp,…

Nhưng thật lạ lùng, bạn bè cũ cứ ngồi với nhau một lúc nhắc những chuyện xưa bỗng dưng ai nấy đều trẻ lại không ngờ. Trẻ như không hề có thời gian.

(ĐHN)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Một chút tôi Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc

Một vài hình ảnh

05/09/2011 By support2 2 Comments

Giao lưu với bạn đọc Cần Thơ ngày 26/8/2011

Ghi chú: Tôi bàn trước với Ngọc Đức, MC của buổi Giao lưu rằng tôi muốn có một buổi trò chuyện thân tình, gần gũi và sâu lắng, dành nhiều thì giờ cho phần hỏi đáp từ phía bạn đọc. Hội trường rộng, đã đông vui những bạn bè dù có một cơn mưa nhỏ. Hơn 200 người đã đến dự. Có người đến từ Kiên Giang, thật cảm động. Một số các bạn ở Đài truyền hình Cần Thơ và báo chí cũng đến. Một thầy giáo, giảng viên Đại học Cần Thơ lên hát tặng một bài Trịnh Công Sơn, một cô hát tặng Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ…
Nhiều bạn bè chưa từng biết mặt nhưng thực ra đã thân thiết từ lâu qua những trang sách… Xin cho gởi lời tri ân đến các bạn và hẹn một dịp khác với Cần Thơ.

Giao lưu với bạn đọc Đà Lạt ngày 28/8/2011

Từ Cần Thơ “vút” lên ĐàLạt, cuộc hành trình đường xa vất vả nhưng khí hậu mát mẻ của Đà Lạt đã làm tan biến nhanh những cơn mệt nhọc. Tay bắt mặt mừng. Những bạn bè thân thiết, những độc giả mến yêu. Buổi giao lưu trở nên sôi nổi với những câu hỏi thú vị và sâu sắc từ những bạn trẻ. Những tấm ảnh kỷ niệm với nụ cười rạng rỡ khó quên. Sau buổi giao lưu, nhiều người nán lại… đã trở thành buổi tham vấn sức khỏe ngoài chương trình!

Trò chuyện với các Ni và các bé mồ côi chùa Nguyên Không (Đà Lạt)

Tranh thủ buổi chiều Chủ nhật 28.8, tôi ghé thăm Chùa Nguyên Không của sư Tâm Hạnh để gặp gỡ các Ni cô và các em bé mồ côi đang được nuôi dưỡng tại đây. Đó là một buổi trao đổi về đề tài Tuổi mới lớn, về sức khỏe cho người tu tập… Các em đã nêu hằng chục “thắc mắc không biết hỏi ai” và được trả lời thỏa đáng… Tôi đã 2 lần lỗi hẹn với Nguyên Không cho các lớp học tổ chức tại chùa mùa An cư vừa qua nên lần này cố gắng đến thăm lại.

Filed Under: Ghi chép lang thang, Một chút tôi

Ghi chép lang thang:Trả lời “phỏng vấn”

02/05/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 21 Comments

Trả lời “phỏng vấn” của Phùng Hoàng Anh (Hà Nội)

Ghi chú: Phùng Hoàng Anh là nhà giáo, hội viên Hội nhà văn Hà Nội, quê Phương Khê, Ba Vì, Tây Sơn (nay thuộc Hà Nội), là cháu họ Nguyễn Hiến Lê. Theo lời Phùng Hoàng Anh thì Bà nội của anh là em họ cụ Nguyễn. Hoàng Anh vừa có một chuyến vào Nam thực tế, nhân tim thăm người bà con gọi cụ Lê bằng bác ruột hiện đang sống tại Cần Thơ. Dịp này, anh có đến tìm thăm tôi tại TP. HCM. Nay anh gởi tôi mấy câu “phỏng vấn” từ xa, tôi đã trả lời như sau,và xin chia sẻ cùng bè bạn trên trang này.

1. Thưa nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, đến nay ông đã bước sang tuổi 72, nếu đánh giá lại chặng đường đã qua của mình với những thành công có được, ông thấy đáng quí nhất là điều gì ?

Chưa. Tôi mới 71. Tính theo tuổi Tây. Nhưng tôi không hề có ý thức về tuổi tác bạn ạ. Tôi thấy nó gỉa tạo. Nó là thứ thời gian trừu tượng. Không thật. Tôi đang sống với mẹ mình, năm nay bà mới 95 tuổi và lúc nào cũng coi tôi như một đứa trẻ nít. Tôi nhớ André Maurois bảo có người 20 tuổi mà đã quá già, trong khi có người 80 mà hãy còn rất trẻ. Lại nhớ bài thơ tình hay nhất của Bertrand Russel viết là lúc ông đã 92 tuổi: To Edith!
Tôi chưa bao giờ “đánh giá lại chặng đường đã qua của mình” nên chẳng biết nó ra sao. Tôi cứ lững thững. Và mỗi bước lững thững cũng đã là một niềm vui rồi. Ai đó đã nói “Hạnh phúc là con đường chứ không phải đích đến”. Và Bùi Giáng cũng nhắc “Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau…” nhớ không?
Với tôi, được sẻ chia ấy là điều hạnh phúc. Và có thể nói, “thành công” chính là hạnh phúc chớ không phải gì khác. Thành công không đo đạc bằng tiền tài danh vọng mà bằng hạnh phúc- sự cảm nhận rất chủ quan của nội tâm mình. Hải Thượng Lãn Ông lên non hái thuốc về chữa bệnh cho người giữa lúc bản thân ông cũng đang bị bệnh: ông gọi cái đó là hạnh phúc. Tôi muốn học “Ông già Lười”. Những điều tôi viết ra là từ cảm nhận chủ quan, từ trải nghiệm cá nhân cũng như kinh nghiệm trong nghề nghiệp có được để sẻ chia. Nó không phải là “văn chương” gì đâu nên khi được gọi là “nhà văn” tôi ngại lắm. Tôi chỉ viết những chuyện đời thường, cái ăn, cái ngủ, cái thở, cái nghĩ, cái sống… Được bạn bè đọc, đồng cảm, vậy là quý rồi. Tóm lại, với tôi, cái đáng quý nhất là hạnh phúc được sẻ chia. Mà hạnh phúc thì “rất đơn sơ” bạn ơi.

2. Ông vốn là một Bác sĩ, duyên cớ gì mà ông lại trở thành nhà thơ Đỗ Nghê và nhà văn Đỗ Hồng Ngọc như ngày nay ? Có phải ông chịu ảnh hưởng từ người cậu của mình là nhà văn Nguiễn Ngu Í ?

Câu hỏi này ngộ ghê! “Duyên cớ” gì ư? Làm gì có một thứ duyên cớ gì để ta trở thành… nhà thơ hay nhà văn? Chẳng khác chi ta hỏi duyên cớ gì mà hoa nở mà trăng lên? Nó Như thi, nó Như lai, bạn ơi. Bạn bảo tôi “vốn là” một bác sĩ. Điều này thì lại không đúng rồi. Bác sĩ không thể “vốn là” được. Nó là một cái nghề, phải học hành đàng hoàng và vất vả 6-7 năm trời bạn ạ. Rồi phải hành nghề chừng mươi năm mới có ít nhiều kinh nghiệm “chẩn bệnh bốc thuốc”! Trái lại, làm thơ, viết văn, tôi chưa thấy ai phải học hành 6-7 năm trời ở trường ốc như vậy cả. Đó mới thật là một thứ “vốn là”, hay nói cách khác, nó là một thứ “nghiệp”, gắn tự trong gène. Bạn biết đó, có những “thần đồng” thơ, có những nhà văn “thiên tài”. Ngược lại, nhiều tiến sĩ… văn chương thì không viết được văn, tiến sĩ âm nhạc thì không sáng tác được nhạc… Dĩ nhiên họ có thể nghiên cứu và giảng dạy. Lạ vậy đó. Nó cần năng khiếu, một thứ “vốn là”, thứ “trời cho”. Ảnh hưởng tác động từ bên ngoài nếu có, rất ít! Không phải ông chủ báo nào cũng viết được báo, không phải ông chủ nhà xuất bản nào cũng viết được sách. Khi người ta “gắng sức” để trở thành nhà thơ, nhà văn thì thường… người ta không trở thành nhà gì cả! Nó tự tâm. Văn chương chi sự/ thốn tâm thiên cổ.

3. Ông đã viết rất nhiều sách với nhiều đề tài khác nhau, theo ông, ông tâm đắc cuốn sách nào nhất ?

Cuốn nào đang làm hay vừa làm xong thì thấy “tâm đắc”. Nhưng, như bạn thấy đó, sách tôi viết không thuộc loại “sáng tác”, không phải tiểu thuyết hay truyện ngắn, truyện dài… Tôi không có khả năng “hư cấu”! Tôi theo một trường phái cũ rích: “văn dĩ tải đạo”. Ecrivant hơn là écrivain bạn ạ. Tôi viết vì thấy nó có ích cho tôi, cho người khác về một vấn đề nào đó. Viết cho tuổi mới lớn, viết cho các bà mẹ, viết cho tuổi chớm già v.v… là để tự chữa bệnh cho mình và cũng để giúp ít nhiều cho bạn bè gần xa. Nó không phải “sáng tác”, không làm văn chương, không có tưởng tượng, hư cấu gì cả.. Một người bạn Nhật bảo sách tôi không “best seller” mà là “long seller”. Dĩ nhiên, khi về… già (ủa, bây giờ thì có già?) thì những cuốn nghiêng về tâm linh có vẻ là những cuốn tôi tâm đắc nhiều hơn, chẳng hạn Nghĩ từ trái tim, viết về Tâm kinh bát nhã, và Gươm báu trao tay, viết về kinh Kim cang…

4.Thời gian này ông đang tập trung viết về đề tài nào và bao giờ thì ông cho ra mắt độc giả ?

Tôi đang cho in cuốn Nhớ đến một người, sắp ra mắt nay mai. “Nhớ đến một người” với tôi là “để nhớ mọi người…”(TCS). Đây là một tập hợp các bài viết rải rác của tôi trong hơn 20 năm qua về các nhân vật thân quen, dĩ nhiên dưới cái nhìn rất chủ quan vừa cận thị, vừa “méo mó nghề nghiệp” của mình.
Tôi cũng đang hoàn thành cuốn “Thư gởi người bận rộn” (Tập 2) vì ngày càng có thêm nhiều người bận rộn… rất bận rộn như bạn biết đó!

Filed Under: Ghi chép lang thang

Chuyện kể Ngày Tình Yêu

13/02/2011 By support1 15 Comments

Đỗ Hồng Ngọc

Bạn thân,

Bạn làm khó tôi nữa rồi! Bạn bảo hình như đã có… thông lệ, cứ đến ngày Thầy Thuốc thì tôi kể mấy chuyện cười về nghề Y, đến ngày Nhà giáo lại có chuyện vui về thầy giáo, nay đến ngày Tình Yêu, chẳng lẽ…?

Tôi có biết Ngày Tình Yêu là cái ngày gì đâu! Thời tôi, chả cần có ngày tình yêu gì cả mà người ta cũng yêu nhau ra rít suốt năm, suốt tháng đó thôi (Xưa nữa thì người ta còn nói “suốt đời suốt kiếp” gì gì đó nũa!). Bây giờ bày ra Ngày Tình Yêu chẳng lẽ các ngày khác còn lại trong năm là Ngày… không tình yêu?

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang

Già Ơi… Chào Bạn!

28/01/2011 By support2 6 Comments

10 Năm ấn bản Nhật ngữ
Già Ơi… Chào Bạn!

Đỗ Hồng Ngọc

Tôi gặp lại Kazuo Minagawa buổi sáng cuối năm 2010 ở Saigon Center. Chúng tôi hẹn nhau ở quán café tầng hai, một nơi yên tĩnh để trò chuyện. Anh không già đi mấy chút. Và vẫn rất hóm hỉnh. Nhớ cái hồi anh dịch cuốn “Già Ơi… Chào Bạn!” của tôi sang tiếng Nhật thì thằng Takashi, con anh, mới lên 3. Anh nói hồi đó mình phải cúi xuống nói chuyện với nó bây giờ thì đã phải ngước lên mới nói chuyện đươc! Thì ra nó đã… 14 tuổi rồi, đã cao hơn anh nhiều rồi. “Nó có nghe lời Mina không?”, tôi hỏi . Anh cười: Má nó sáng nào cũng làm cho nó một trận… điếc tai! Má nó, Lan, vợ anh. Một phụ nữ Việt. Mina giỏi tiếng Việt nhờ vợ, dĩ nhiên. Anh nói hồi anh làm ngoại giao ở Saigon, ở trọ nhà Lan, cô bé mới 12 tuổi, “anh để ý anh thương”, sau này đã trở thành vợ anh, má thằng Takashi.

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc

Tình Người

26/12/2009 By support2 17 Comments

Ghi chú của Đỗ Hồng Ngọc:
Mẹ tôi họ Nghê. Nghê Thị Như. Năm 1956, phải đi làm Thẻ căn cước. Người làm hộ tịch nói họ gì họ Nghê, bà nói tầm bậy, họ Lê chứ! Rồi ông ghi ngay vào sổ bộ: Lê Thị Như. Tôi làm thơ từ hồi trẻ, đã lấy bút danh Đỗ Nghê. Cậu tôi, nhà thơ, nhà báo Nguiễn Ngu Í, có mẹ là bà Nghê Thị Mỹ- cô ruột của mẹ tôi- nên ông cũng có bút danh  Ngê Bá Lí, theo cách viết của ông trên tờ Bách Khoa thời đó. Năm 1967, tôi in tập thơ đầu tay, TÌNH NGƯỜI lúc đang là sinh viên y khoa, và năm 1973 in tập THƠ ĐỖ NGHÊ, đều dưới dạng ronéo để tặng bạn bè anh em.  Sau này, các tập thơ khác như Giữa hoàng hôn xưa, Vòng quanh với tên thật Đỗ Hồng Ngọc.  Người cũ trách sao không giữ Đỗ Nghê, người mới không biết Đỗ Hồng Ngọc là Đỗ Nghê.

“Tình Người” thất lạc, tìm mãi may gặp lại từ một người bạn cũ. Bìa long, gáy rách, lem luốc… Nhưng vẫn là một kỷ niệm đáng nhớ của tuổi đôi mươi, của một thời như xa lắc… Mới thôi, mà đã gần nửa thế kỷ!  (20.4.2010)


xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc, Do Nghe, đỗ nghệ

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 2010

25/12/2009 By support2 1 Comment

Trong ngày Thầy thuốc VN 27.2 năm nay, tôi nhận được khá nhiều các email, tin nhắn, điện thoại,  thiếp, lẳng hoa… từ các bạn gần xa. Rất cảm động. Không biết nói gì hơn là lời cảm tạ chân thành.

Trên trang www.webtretho.com/nhanvat/index.php trong ngày Thầy thuốc này tôi thấy có bài viết của Lê Thị Thương Hoài  về “Nhân vật” ĐHN cũng khá … hay (chịu khó sưu tầm tư liệu!) với một số hình ảnh, đặc biệt có tấm hình hồi mới ra trường mà các (nữ?) đồng nghiệp của TH… đều khen là đẹp trai (làm như bây giờ tôi hết đẹp… lão rồi vậy!). Có điều, ai từng gặp tôi đều nói tôi “ăn ảnh”, nghĩa là người ở ngoài thì đen thui, xấu hoắc, mà vô hình thì lại đẹp ra! Khi nào rảnh, thử vào cái link này xem sao nhé.

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Một chút tôi Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc, Do Hong Ngoc, Ngay Thay thuoc, Ngày Thầy thuốc, Đỗ Hồng Ngọc

Đôi dòng gởi Lê Uyển Văn về “Đời còn dễ thương”

22/12/2009 By support2 6 Comments

“Mỏng nhẹ, trang nhã, dễ thương. Nó phù hợp với tâm hồn em, mà chỉ cần đọc vài dòng người ta cũng thấy sự chân thành, đáng “tin” (tín)… Đọc xong tôi muốn nói lâu lắm mới thấy một cuốn sách nhỏ mà đầy ắp tình như thế. Nó mang chút lãng mạn còn sót lại của những tâm hồn “cổ lỗ”. Nói như Xuân Quỳnh : Chỉ còn anh và em là của mùa thu cũ. Và vậy đó, mùa thu vàng hoa cúc, cả ở bìa sách..Người ta có thể nhận ra cõi văn cũng là cõi tình, nên dễ thấy “Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu” (Chu Mạnh Trinh).  Em có ảnh hưởng trường phái lãng mạn Nga không? Tôi thích “Một bài thơ cũ” như có chút gì hơi hướm. Hồi xưa tôi đọc Giamilia, chuyên cây phong non gì đó thấy sợ mà mê!

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Một chút tôi Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc, Do Hong Ngoc, Lê Uyển Văn, Le Uyen Van, Đỗ Hồng Ngọc

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 33
  • Go to page 34
  • Go to page 35
  • Go to page 36
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

TẠP GHI (Lõm bõm…) kỳ 3

Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)

TẠP GHI (Lõm Bõm)

Nguyễn Xuân Thiệp: VỴ ƠI…

Truyện Phan Tấn Hải: QUÊN NHAU LÀ CHUYỆN KHÓ

Thêm một Tuổi Mới

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Mười Hạnh Bồ-Tát PHỔ HIỀN
  • Trần Thị Trúc Hạ: TÌNH BẠN
  • Nhớ Nhà Văn VÕ HỒNG với nỗi… “Cô Đơn Uy Nghi”
  • Quán Văn: NHỚ VÕ HỒNG
  • LÊ KÝ THƯƠNG VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “Xả”… stress !
  • “Xả”… stress ! | suonglamportland trong “Xả”… stress !
  • Phan Công Khương trong Nguyễn Mậu Pháp: CẢM NHẬN  “VỀ THU XẾP LẠI…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Có một “nghệ thuật”… ngủ!
  • Ngọc Trâm trong Có một “nghệ thuật”… ngủ!
  • Sách mẹ đọc - Thư gởi người bận rộn - Bs. Đỗ Hồng Ngọc - Blog Nuôi Dạy Con trong Chữ “NHÀN”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Thư gởi bạn xa xôi (4): LỤC BÁT
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Hãy vui với tuổi vàng của mình
  • Nguyễn thế Pháp trong Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Nhuận trong Hãy vui với tuổi vàng của mình

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email