LỜI BẠT: Thơ duyên lê chiều giang nguyễn thị khánh minh
Đỗ Hồng Ngọc
Lời bạt
Thơ duyên lê chiều giang nguyễn thị khánh minh
D U Y Ê N
nỗi lá vàng cuối thu
duyên không chỉ làm thơ. duyên vẽ. duyên chụp hình. duyên làm những bookmark thiệt dễ thương để gởi bạn bè, nhắc nhớ mỗi khi lật từng trang sách, vì ngoài kia…
bên khung cửa
lặng nhìn chiếc lá vàng. rơi
một mình…
The Last Leaf
O’Henry,
Cho nên đọc thơ duyên cứ nghe “Chân đi nằng nặng hoang mang… Ta nghe tịch lặng rơi nhanh. Dưới khe im lìm” (TCS)
chợt. hiểu ra rằng
mầu đỏ, vàng kia tự bao giờ… đã
ngấm. ngập
trái tim ta.
Phải, hình như những chiếc lá vàng kia vẫn luôn xào xạc, vẫn luôn thổn thức dưới trăng mờ của con nai vàng ngơ ngác tự thuở nào kia.
và khi trăng mờ, trên núi xa…
có lá vàng. lìa cành vội vã…
có mùa Thu, lành lạnh. gió thu, sang
Cô bé đi vớt mặt trời của Nguyễn Xuân Thiệp không về nữa… nhưng Zhivago thì vẫn về lại mái nhà xưa
Zhivago trên cánh đồng tuyết trắng
tản cư về. về lại, mái nhà xưa
nơi. thi sĩ kể thơ. tình mê đắm
vẫn lạc loài, hình bóng Lara…
Ơi Lara. Rồi Lara hỏi Zhivago:
lá đỏ. lá vàng… đẹp ngỡ ngàng
mỗi độ sang Thu
lá vàng ơi. dặm đường xa. có mỏi
Zhivago còn biết trả lời sao?
Tôi một lần kia đi giữa Boston với cả một mùa thu, trọn một mùa thu. Nhớ Xuân Diệu với “Lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh, ấy là mùa thu đã về, mùa thu mới về, yểu điệu thục nữ…”. Thực ra, lá như ráng níu lại chút xanh, và vì níu lại nên có vẻ chặt hơn, xanh hơn lên mà thôi. Bởi vì rất nhanh, lá bỗng vàng rượm, vàng rực, vàng tía, vàng buốt… và bầu trời rộng ra, thênh thang, yểu điệu kỳ cục. Mới mấy ngày thôi mà cây cứ tô dần tô dần cái màu vàng buốt, óng ả, rực rỡ chen lẫn với xanh đậm, xanh lợt mong manh đó… và sáng hôm sau, rơi từng lá từng lá tràn ngập các lối đi.
Bỗng nhớ Em không nghe mùa thu của Lưu Trọng Lư. Rõ ràng thu không phải để dòm, để ngó, để ngắm, để nghía… mà chỉ có thể để nghe. Mà cũng không phải để nghe tiếng, dù là tiếng lá rụng mà để nghe mùa. Cái tiếng mùa đi, mùa về, cái tiếng đời của mỗi chúng ta. Nó ở trong không gian dằng dặc, đùng đục thênh thang kia, và ở cả trong thời gian hun hút, héo hon rơi rụng nọ.
Tôi bước đi từng bước nhẹ dưới những vòm cây và nghe cho hết tiếng thu về. Dưới chân tôi từng lớp lá rụng, bước chân bỗng như hẫng đi và tôi chợt ngơ ngác như chú nai vàng “xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về” (Huy Cận) đó vậy.
Lạ, ở Mỹ người ta không gọi Autumn – mùa Thu, mà gọi Fall – mùa Rụng, bởi vì chỉ có lúc lá rụng bời bời như vậy người ta mới thấy hết được nỗi vui mừng, nỗi xót xa, nỗi buốt nhớ… không rõ vì đâu. Và vì Fall, mà người ta dễ “fall in love” có phải? (Nghe tiếng thu giữa Boston, ĐHN, 1993).
ngày cuối Thu buồn tênh…
vầng trăng chưa tỏ
bóng những chiếc lá
thoi thóp trong đêm
sẽ vùi chôn theo…
mùa Thu chết!*
Đọc thơ duyên không chỉ thấy nỗi buồn dằng dặc bởi thu phai mà còn thấy lòng mình như rộng mở, như những chiếc lá thu ngập thềm nhà, đẫm ướt mưa đêm mà còn biết chất chồng lên nhau cố giữ hơi ấm cho nhau…
trở về. sân nhà ngập lá
phủ kín lối đi… cây ginkgo vườn sau trơ cành. gầy guộc
sót lại. vài chiếc lá trơ vơ
thềm lá vàng
chất chồng lên nhau, chen mầu nâu, đỏ
đẫm ướt dưới mưa đêm
cố giữ hơi ấm cho nhau…
ngày tàn thu
Tôi chắc, một hôm thu kia, thế nào một chiếc lá vàng sẽ lắt lay trong gió nhẹ, mênh mang và vĩnh cửu, chiếc lá vàng được vẽ bởi duyên chớ không phải bởi O’ Henry, phải không duyên?
LÊ CHIỀU GIANG
trên sông khói sóng… (*)
Thơ Lê Chiều Giang không phải thơ. Nó là tiếng thét, là tiếng thở dài não nuột. Đọc Lê Chiều Giang thấy một người thơ, sống như thơ, thở như thơ, sáng trưa chiều tối, từ trong tranh bước ra, ngồi đó, ngó quanh, không thấy ai, lại bước vào trong tranh.
Chợt nghe xa xăm như có ngàn tiếng gọi.
Gió âm u, gió lồng lộng rừng khuya…
Lê Chiều Giang vẫn cứ lẽo đẽo tìm theo những rêu phong của ngày tháng cũ, nhiều lúc muốn xổ lồng bay xa mà vẫn ngập ngừng e sợ…
Cánh cửa
Sầm. Đóng lại
Chìa khóa? Quăng lên trời.
Ta.
Bước chân phiêu bạt
Tay không,
bày cuộc chơi.
Rồi hét lên tôi cứ lẳng lơ, tôi rất lẳng lơ viết những chữ mông lung, vật vờ như gió… sáng trưa chiều tối.
Vẫn có một bờ vực không thể vượt qua, cho dù cứ lẳng lơ, rất lẳng lơ như thế! Để rồi
Đứng mãi trong tranh
Đóng vai:
Góa phụ
Sáng nay ta
Ra với mặt trời
Như kẻ xa xôi về lại trái đất…
nhìn quanh quất, vội vã bước trở lại trong tranh để:
… Diễn tiếp
Hỡi thế gian
Ta.
Bỏ cuộc chơi.
(Đầu hàng).
Trong tranh, Lê Chiều Giang có lúc như ngựa chứng, tóc bờm tung bay phi nước đại, cổ vươn cao ngoằng hí vang, dưới bóng trăng huyền hoặc lẫn bóng tối u mê giữa ngàn lá biếc. Sự cách điệu không hài hòa làm cho gương mặt có sắc sáng như trăng, lại thêm chút bóng tối của u mê. “Mắt tôi xếch và sắc như kiếm dao, bướng bỉnh đầy ngạo mạn, điểm thêm với miệng cười khinh bạc”.
“Chút khinh bạc, không biết bao lần đã nương bên tôi, đứng thẳng cùng tôi giữa đất trời, bên một dòng đời vô cùng nghiệt ngã…”(Lê Chiều Giang).
Giờ thì tôi hiểu có một hôm nào, Lê Chiều Giang đã gởi tặng Đỗ Nghê bài thơ Thiền giả: Ta đảo điên. Ta bất chấp. Ta bới tung… Ta quăng kiếm. Ta bẻ gươm. Ta nằm im. Ta giả chết… Toàn là hư chiêu hết đó thôi nhe! Đừng vội tưởng thiệt.
Chợt nghe xa xăm như có ngàn tiếng gọi
Gió âm u, gió lồng lộng rừng khuya
Bay trên cao mà nhớ
Bước chân đi…
Sấp ngửa lưng trời. Ta
Tĩnh tâm
Ta. Thiền định
Thì ra, đã là Sa Di Ni… từ lúc nào không biết. Cứ tưởng ngổ ngáo, ngang tàng, chọc trời khuấy nước… ai ngờ vẫn đắm chìm trong một cõi vời vợi, xa xăm…
Thiền Giả
Như đệ tử Kim Dung. Múa
trên đầu kiếm sắc
Ta đảo điên.
Ta bất chấp. Ta
Bới tung… Chẳng hiểu ra
đời.
Đã rất bao dung
Rất nương nhẹ
Để ta còn sống sót
Khi thất bại
Ta biết vờ đợi chết
Giả nằm im. Nghe
trái đất ngả nghiêng
Quá thấm đòn
Ta quăng kiếm
Ta bẻ gươm
Cũng biết thân. Ta ngồi im
Góc tối
Chợt nghe xa xăm như có ngàn tiếng gọi
Gió âm u, gió lồng lộng rừng khuya
Bay trên cao mà nhớ
Bước chân đi…
Sấp ngửa lưng trời. Ta
Tĩnh tâm
Ta. Thiền định
Cứ tưởng ngang tàng bướng bỉnh, “giang hồ mê chơi quên quê hương”, ai dè mới nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà, đã thút thít. Phải chi có một ông Bụt hiện ra hỏi: Sao con khóc?
Ta như đêm mịt mù
Giữa trùng trùng duyên khởi.
Quanh một vòng trái đất
Thèm trở lại chốn xưa
Ngồi bên hè phố cũ
Tỉ tê. Khóc. Nhớ nhà.
Thì ra là một nỗi oan. Không ai thấu hiểu.
Buồn ngang xương. Để
Thất thoát niềm vui
Tìm nghĩa lý trong điều
Không ai hiểu. (Vỡ nợ)
Có những nỗi oan
Tính viết lời chống đỡ
Mà mực khô, mà
Ý cạn. Tay run. (Tịnh khẩu)
Mổ trái tim xem:
Không gì trong đó
Mở đôi bàn tay:
Những thứ chẳng còn. (Lâm chung)
Đọc Lê Chiều Giang mà thương hơn cho một nhan sắc, một tính cách, một người sống với cõi đầy thơ… Để có những buổi “chiều buông trên dòng sông cuốn mau…”
Để rồi, nhận ra cõi vô lượng tâm:
“Bể sầu không nhiều, nhưng cũng đủ yêu…”
(Chiều về trên sông, Phạm Duy)
(*) trên sông khói sóng cho buồn lòng ai… (Tản Đà, dịch Hoàng Hạc Lâu).
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
thơ rắc bùa hương
Khi viết xong bài thơ
Đôi khi. Tôi khóc
Có phải vì lời đã nói về nước mắt
Trong lòng đêm ma mị
Khi viết xong bài thơ
Tôi thường hay xóa
Dường như tôi sợ bóng tôi
Giãy chết giữa những con chữ đói
Khi chấm hết bài thơ
Tôi hụt hẫng. Như chưa thể xong lời
Là bởi, bài thơ tưởng “hoàn tất” kia vẫn giữ mong manh những con chữ đói, giữ những từ đợi chờ, nên thi sĩ chẳng bao giờ hoàn tất nổi một bài thơ.
Sau một vụ mùa
Tôi chỉ đem về được đôi ba hạt lúa chín
Chút mầu vàng của nó lấp lánh trên tay
Bài thơ hoàn tất. Là một điểm hẹn quyến rũ
Nhưng phút mong manh giữa những từ
Là lúc đóa hoa đang nở.
Đang tỏa hương
Tôi có gì đâu phải vội
Cho nên “Nếu có tìm tôi xin hát bằng nhịp tim bổng trầm lời tình tự…”
Hãy nghe thi sĩ nói những lời tình tự bằng lời ma mị, bằng thứ bùa mê, thuốc lú với những con chữ đói như thế nào
Tình Yêu
Trong nét vẽ dịu dàng của vòng ôm
Tôi chiếc lá cong
Âm thanh mềm một vũ khúc
Quyến rũ mầu đêm phủ
Tôi bờ đất ấm
Nghe từng hạt cát hòa âm
Âm thanh đi tới
Âm thanh của hòa tan…
Nhưng tình yêu không chỉ là đôi lứa, là vòng ôm là vũ khúc là hoà âm, mà tình yêu còn là đồng lúa chín vàng, là con tầu chở chuyên hội ngộ, là tiếng cửa reo sum vầy, là bếp ấm báo tin no đủ… Là nỗi ước mơ một ngày nào đó trong cõi chiêm bao
… Tôi sẽ thắp ánh sáng của sao hôm không có nước mắt chiều phai, của sao mai hẹn về khung trời đang mở nắng. Tôi sẽ treo trước cửa sổ phòng người tiếng hót một loài chim sớm đánh thức ngày vui. Tôi sẽ kéo tấm rèm chở che một điều đang bắt đầu trong khép lại một ngày ơn phước, nếu có tìm tôi…
Tôi biết. Tôi sẽ được cất tiếng. Trong mùa thơ quyến dụ ấy với ngôn ngữ tình nhân. Ngôn ngữ tôi nghe một lần trong xứ sở chiêm bao. Khoảnh khắc giấc mơ tôi thực sống…
Cơn bão rớt sẽ đến rồi sẽ qua. Và, chỉ cần có thế: “me tôi ngồi may áo, bên cây đèn dầu hao, cha tôi ngồi xem báo, tôi nghe tiếng còi tàu… “(Phạm Duy).
Phải rồi, chỉ có ở đó, người ta mới có thể … “có tiếng chim trao lòng tin cậy; có bờ vai nương tựa sớm hôm; có những ánh mắt sao trời thơ trẻ”; và đôi cánh bay lên những ước mơ đằm thắm ngọt ngào của người thi sĩ, luôn nhắc nhở mình “đừng như bóng mây tan”.
Phải rồi. Chỉ ở đó mới có tiếng reo vui Tat-bà-ha của Tâm kinh Bát nhã khi thấy biết “ngũ uẩn giai không/ độ nhất thiết khổ ách”. Bát nhã (Prajnã) là cái nhận thức có trước nhận thức, là cái trí tuệ có trước trí tuệ, không đếm đo, toan tính, nó vậy là nó vậy. Và chỉ ở đó, người ta mới thực sự hồn nhiên, thực sự reo vui: Tát-bà-ha!
Tiếng chim ríu rít mách tôi sự trong trẻo ban mai trao lòng tin cậy.
Bóng đêm mở nỗi sợ cho tôi tìm ra ánh sáng bờ vai nương tựa.
Những vì sao tặng tôi cách nhìn ngây thơ trong sáng. Gió cho tôi đôi cánh và đường bay mơ ước con người. Bóng mây tan nhắc tôi mỗi phút giây ở lại bên mình yêu dấu. Tiếng cười bé thơ cho tôi nghe reo vui lời tâm kinh bát nhã. (Khoảnh khắc giấc mơ)
Cảm xúc với tranh Những Con Chim Ngược Gió của Họa Sĩ Đinh Cường, Khánh Minh viết, những bùa hương: Vừa quay lại đã muôn trùng đá lạnh
Bảng pha mầu lấm lem ngày tháng bụi
Tiếng cọ ngày xưa thở ngoài khung tranh
Trời đóng lại. Một đường đêm thăm thẳm
Ai đi qua. Vệt mầu bạc thếch
Sông thời gian đặc quánh ảnh hình
Vừa quay lại đã muôn trùng đá lạnh
Và gió, một mùi hương nồng nặc bùa mê trên sợi tóc vai người
Bay đi. Bay đi.
Bay qua dải thiên hà buồn bã kia. Mà về.
Trên vai người sợi tóc thơm hương tinh tú.
Tôi nhóm lên một ngọn lửa
Gió thổi tắt đi
Tôi nhóm lên một ngọn lửa nữa
Gió lại thổi tắt đi
Khi tôi không còn hy vọng
Thì gió
Lại làm những que tàn kia bắt lửa…
Đừng quên, chính những bùi nhùi năm tháng kia, không mất đi đâu, chỉ ủ một mùi hương chờ đợi ngọn gió từ cõi xa kia bùng thổi. Cho nên người thơ viết: Nên tôi quý những điều tôi đã nhận/ Nên tôi tận lòng với những điều đang ở.
Còn có cách nào hơn là “mở con đường trú ngụ hơi thở tịch lặng” – Anapanasati- ở đó, hiện tại là sát-na mênh mông không ngằn mé. Và chỉ ở đó:
Trong sáng láng ấy tôi đã gặp nhà thơ Mặt Trời. Lồng lộng nắng phương đông, chắt chiu hết tinh khôi nhân ái rắc xuống cánh đồng thơ diễm ảo. Tôi thức giấc từ lời hát của một bông cỏ dại người ban tặng và mảnh vỡ trái tim tôi thành những hạt pha lê được nuôi sáng bằng lời thơ dâng hiến…
Và một khi đã thấy biết (tri kiến) như thế, khi đã reo vui như thế, thì người ta sống với yêu thương, sống trong yêu thương, sống vì yêu thương:
“Yêu thương nhé” “nói cùng lá cứ sống hết mình xanh”, “yêu thương ơi xin thức dậy cùng người…” “yêu thương ơi khoảnh khắc xum vầy đơn sơ thế xin một lần được cất cánh bay”.
Rồi tự dặn với lòng: “yêu thương ơi chút lòng riêng xin chắt chiu nghe… “Cho dẫu chiều rồi phai nắng…” (Yêu thương ơi)
Nếu có tìm tôi. Xin trông chờ mảnh sáng sao băng. Nếu có tìm tôi xin hát bằng nhịp tim bổng trầm lời tình tự… Nếu có tìm tôi. Xin theo dấu sáng đom đóm quyện hương bờ dậu quê nhà. (…). Cho tôi đôi cánh hoa bay về miền đồng lúa chín vàng. Ngôi làng không bận lòng gì hơn là sống bình yên. Có con tầu đi về chở chuyên hội ngộ. Mỗi tiếng cửa mở ra là một tiếng reo sum vầy. Mỗi bếp lửa là mỗi báo tin mùa màng no đủ. Nếu có tìm tôi…Trên bước gió mở ngàn khơi nơi cuối cùng là phương Đông ấm một mặt trời… (Khoảnh khắc giấc mơ).
Hoang mang thế nhưng rồi, như một nhà thơ từng viết: Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy! Khánh Minh thì “Tôi đi tìm những trang bản thảo, mảnh đất tị nạn bình yên của tôi. Nơi có trò chơi trốn tìm dưới ánh chớp những chùm sao đang va vào nhau vang dội. Âm thanh ẩn mật là chiếc chìa khóa cuối cùng tôi phải mở, cõi thách thức cảm xúc phục sinh.
Tôi nhặt được một trang bản thảo lem luốc đầy vết xóa và tôi nghe tiếng tim mình còn hồi hộp đập…” (Trong cơn bệnh).
Phải, “Còn hồi hộp đập” nghĩa là còn sẽ nhặt nhạnh thêm.
“Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” thôi mà! Phải không?
Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon, 30.10.2024)
Thơ Duyên, Lê Chiều Giang, Nguyễn Thị Khánh Minh
Thơ Duyên, Lê Chiều Giang, Nguyễn Thị Khánh Minh
Tranh Bìa: Nghiêu Đề (1981)
Trình bày bìa: Đỗ Thanh Tùng
Trình bày trang trong: Hà Thu Hương
Tựa: Nhà Thơ Nguyễn Xuân Thiệp
Bạt: Nhà Thơ Đỗ Hồng Ngọc
Nhận định: Nhà văn Trịnh Y Thư
Nguyễn Xuân Thiệp
TỰA TẬP THƠ BA NHÀ THƠ NỮ
Một ngày đầu thu, ngồi viết đôi trang về thơ của ba nữ lưu thời nay, sao bỗng thấy lòng xúc cảm lạ thường. Như ngày nào khi dạo chơi trong khu vườn Gitanjali bỗng gặp lại bông siêu ly thuở còn mơ mộng. Như ngày nào khi hoàng hôn xuống lái xe qua cây cầu cao ở Baton Rouge bỗng thấy vầng trăng lồng lộng trên sông. Hay như cách đây hơn mười năm, khi đi chơi vùng biển Laguna bỗng gặp lại người xưa – đầu đội nón rộng vành, mang kính đen, ngồi dưới bóng dù, tay lật xem thơ Tôi Cùng Gió Mùa. Vậy đó. Xin mời bạn đọc theo dõi những trang sau đây viết về ba nhà thơ nữ: duyên, Lê Chiều Giang và Nguyễn Thị Khánh Minh. Ô, lần đầu tiên ba nhà thơ nữ họp mặt nhau trong cùng một tập thơ. Một cuộc hội ngộ tuyệt đẹp.
Xin được mở đầu với thơ duyên.
Thơ duyên ít xuất hiện trên sách báo nhưng bạn bè biết nhiều về duyên qua những Blogs thân quen của Phạm Cao Hoàng, Trần Thị Nguyệt Mai, và Phố Văn, hay qua emails khi chuyện trò trao đổi. Duyên thường thực hiện những bookmarks và vẽ những bức tranh nhỏ gợi cảm gởi tặng bạn bè có khi kèm theo những bài thơ ngắn dễ thương. Chúng ta có thể đọc, nhìn thấy qua phần Thơ Duyên trong tuyển tập. Riêng tôi rất thích hai bức Mùa Thu Chết và Lá Đỏ cùng những mảnh tình duyên gởi trong thơ.
Đọc thơ duyên ta gặp một hồn thơ mở ra với thiên nhiên, nhân hậu, hòa ái với người, với đời. Duyên yêu mến thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ duyên như tranh của họa sĩ hiện ra với đường nét bay múa, sắc màu rực rỡ, như trong bài: Về. Với Mùa Thu
sau chuyến bay dài
đêm thâu. không ngủ
chờ. mặt trời
đợi. sáng, nắng bình minh.
dễ thương chi, khi
mùa thu. vẫn… đó
đợi. chờ.
kìa, cây ginkgo nhỏ
vàng tươi.
trong nắng sớm.
lá nhu mì. vẫy. gọi
bước chân ai, về
lãng đãng. mù sương.
Duyên yêu mùa thu. Mùa thu hiện ra với nhiều dáng vẻ trong thơ duyên:
lại kể nhé
chuyện vườn xưa. khi mùa thu tới
ba cây đào, đổi lá vàng. ngập cả lối đi
cây redwood, lá màu hổ hoàng. tuyệt đẹp
mỏng manh trên cành, đâu sợ mùa đông
Thiên nhiên chuyển màu rất đẹp từ thu sang đông với ý tình cảm xúc:
rồi ngày lập đông. tuyết rơi. rơi. mãi…
cành, trụi lá. màu chì. ảm đạm
nhìn ra trời. trời. đất, quá bao la
mùa đông lê thê…
nhớ. Zhivago trên cánh đồng tuyết trắng
tản cư về. về lại, mái nhà xưa
nơi. thi sĩ kể thơ. tình mê đắm
vẫn lạc loài, hình bóng Lara…
Thiên nhiên trong thơ duyên hiện ra với vẻ rực rỡ dù trong cảnh mùa đông. Thiên nhiên hay mùa thu còn làm nền cho cái chết của người thi sĩ. Những chiếc lá khô rụng xuống, chất chồng đủ nhóm lên lửa ngọn. thi sĩ về trong những chiếc lá khô:
gió đã đổi mùa
không gian. lạnh
trong mênh mông
đất trời
gió cuốn. lá rơi…
đủ. để đốt thành lửa ngọn.
ngọn lửa. bập bùng
đêm trăng, khuyết
người thi sĩ
đã về. trong
những chiếc lá khô…
Lá đỏ của mùa đông còn là cái chết của người bạn nhỏ, tên Ch.
Em
chiếc lá nhỏ, thật đỏ, quá đẹp của mùa thu
sao lìa cành vội vã. sớm đông
chiều qua. có lẽ là em
con chim nhỏ
về…đậu lại trên cành cây trụi lá
trong tuyết trắng mênh mông
chim buồn, nên không hót.
Trong thơ Duyên còn có tình bạn. Duyên cảm thông những mất mát đau đớn của bạn bè nên chia sẻ cùng bạn những tình cảm chân thật. Đinh Cường, Trần Hoài Thư, Nguyễn Bắc Sơn, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Xuân Thiệp… và nhiều người nữa được nhắc tới trong thơ duyên. Đây là những người bạn của cõi văn chương ở những năm tháng lãng đãng của cuộc đời.
Với Đinh Cường, một tình bạn của hội họa và văn thơ. Đinh Cường là người hiền hòa dễ mến, bạn bè ai cũng yêu quý. Sinh thời, Đinh Cường từng vẽ chân dung cho duyên và làm thơ tặng. Những câu thơ, bức tranh luôn nhắc tới một tình bạn như vầng trăng đầu núi. Trên chuyến tàu nào, lần cuối trở về, có giọt lệ trên mi mắt…
Với Trần Hoài Thư là qua thông cảm từ trang sách đề tặng với nét chữ run run và cơn bệnh đột quỵ của nhà văn hiền hòa. Ôi những tình cảm thân thương quý biết nhường bao.
Nguyễn Bắc Sơn, người đã ra đi còn để lại bóng hình và những câu thơ như Thương tiếc đám mây bay. Cuộc chiến khốc liệt đã để lại nhiều mất mát. duyên đã cảm thông sâu xa với phận con người trong chiến tranh.
Đỗ Hồng Ngọc và Nguyễn Xuân Thiệp, hai người bạn văn chương khác, duyên nhớ đến, khi lần giở những trang thơ: về thu xếp lại (ĐHN), cô bé đi vớt mặt trời (NXT), bức tranh thơ (NXT).
Duyên với tấm lòng nhân hậu đã cùng hai bạn tìm về những kỷ niệm đầm ấm, cả những đổ vỡ trong đời, để cảm thông, chia sẻ.
Với Nguyễn Tất Nhiên, nhà thơ đã một thời đơn phương yêu duyên với mối tình cuồng si, yêu như thiên tai không bờ cõi – duyên nhắc về Nhiên bằng trích dẫn thơ. Và rồi như cánh buồm la paloma xa xưa trôi đi không về lại. Còn nhiều, còn nhiều bạn bè nữa, được gọi tên trong thơ duyên.
Tình yêu gia đình trong thơ duyên thật thắm thiết. Nó được thể hiện qua bốn đứa cháu. Oliver, Millie, ViVi, Larkin. Tôi biết các cháu qua hình ảnh duyên gởi. Duyên sang thăm ViVi khi cháu đầy tháng tuổi, về lại nhà ở bên kia hồ Michigan. Chiều xuống bà ở bên đây hồ Michigan nhìn sang bên kia, Chicago gởi những nụ hôn cho cháu. Thiệt là dễ thương.
Với các cháu khác, duyên đều rất thương yêu. Hãy nghe duyên trò chuyện với Oliver: Đóa hoa đỗ quyên nở ấm áp khi nghe tin cháu ngoại Oliver nhắn qua điện thoại: cuối tuần sẽ về thăm bà. Oliver sẽ đem soup (wonton soup) nấu cho bà vì nghe bà đang bệnh. Đọc thơ duyên xem đối thoại giữa ba bà cháu, với ViVi và Larkin, dễ thương quá.
Bằng lối viết tự nhiên, thơ duyên mang đến cho người đọc lòng tin yêu. Ta thấy ở đó một hồn thơ nhân hậu và hòa ái.
Bây giờ xin nói về Lê Chiều Giang.
Sự xuất hiện của Lê Chiều Giang mặt nào đó có thể nói như vầng trăng trong đêm nguyệt thực. Nói đến thơ Lê Chiều Giang không thể không nhắc đến Nghiêu Đề, họa sĩ là chồng nhưng cứ như là người tình mãi mãi.
Tôi gặp Nghiêu Đề lần đầu tiên ở Đà Lạt trước 1975 ở nhà một người bạn gái. Nghiêu Đề nói chuyện rất vui và có duyên. Sau 1975, tôi gặp lại Nghiêu Đề và Giang ở một quán cà phê bên chợ Thanh Đa. Tôi ở lô J và Nghiêu Đề ở lô G của cư xá. Sau này đọc những bài viết của Chiều Giang, tôi biết thêm thời đó Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Quang Lộc, Duy Trác, thường họp mặt hát hò ở căn nhà của Nghiêu Đề hoặc trên chiếc thuyền nhỏ trên sông Thanh Đa.
Sang Mỹ, trong một cuộc hội ngộ Văn Học ở hội báo Người Việt do Khánh Trường tổ chức, có Thái Thanh, Mai Thảo, Lê Uyên Phương và nhiều người nữa. Nghiêu Đề nói đùa với tôi: “Tôi đã đọc nhiều thơ của ông trên Văn Học, ông phải trả tiền cho tôi đó nghe.” Thời gian trôi qua, Nghiêu Đề đã ra đi vào năm 1998.
Tôi đọc được những bài thơ ngắn của Giang trên Văn Học. (Bút hiệu Lê Chiều Giang chỉ bắt đầu có khi Giang tham dự bài trong “Nguyễn Xuân Hoàng trong và ngoài văn chương” do Da Màu thực hiện năm 2014).
Trong một dịp gặp lại Lê Chiều Giang sau đó tại nhà Nguyễn Mộng Giác, tôi xin Giang đăng lại một số bài thơ đó trên Phố Văn, và cho Giang biết tôi đã viết bài tiễn đưa Nghiêu Đề trên tạp chí Phố Văn.
Từ đó không có dịp gặp lại Chiều Giang nữa. Mấy năm sau, tôi được đọc thơ Giang và cảm thấy yêu thích. Thơ của Giang thường là ngắn, như một tiếng kêu đau đớn biến thành uất hận, như một cơn đồng thiếp của cảm xúc và chữ nghĩa.
Qua những gì đọc được, ta biết tình yêu của Giang và Nghiêu Đề gần như một huyền thoại giữa đời thường. Từ lúc còn là học trò dưới bóng mẹ cha, Giang đã thường xuyên bỏ học, trốn nhà thờ, đến với giới họa sĩ chỉ vì mê mùi sơn dầu của những bức tranh. Cuối cùng đã mê luôn chàng họa sĩ tài hoa.
Mối tình đó theo Trịnh Cung là một tình yêu đẹp, mê muội và dữ dội. Dù không đưa Chiều Giang đến chỗ phải tự tử theo chồng như nàng Hébuterne của họa sĩ Modigliani. Giang vẫn tiếp tục sống trong cơn mê loạn, và Thơ đã cứu rỗi nàng cũng như đã làm thăng hoa mối tình khiến nó trở thành vĩnh cửu. Cũng như Hébuterne, Giang là người mẫu của Nghiêu Đề trong nhiều bức tranh. Bức tranh cuối Nghiêu Đề vẽ Giang. “Vệt màu đỏ mỏng chàng vẽ dưới mi mắt nàng như sợi máu rỉ ra từ tình yêu dành cho nàng mà chàng sắp phải từ biệt.” Trịnh Cung đã nhận xét như thế.
Ta phủ xác người bằng bức tranh xưa
Nét vẽ sắc
Như ngàn dao cắt
Vẽ mắt ta từ ngày mới gặp
Mắt tàn phai. Mắt của tàn phai. (Một chín chín tám)
Thơ của Giang đúng là một thiên tình sử đầy giông gió thỉnh thoảng ẩn hiện một vầng trăng ảo.
Tôi gọi nó là Thiên Tình Sử của Trái Tim Điên. Theo bước chân thơ của Chiều Giang ta đi vào cuộc lữ hành của cõi mê hoang, nghe ra tiếng thét, tiếng cười khan, và cả tiếng khóc.
Ta chôn chồng ta
Một lần.
Duy nhất.
Ở giữa rừng gai không hoa trái mọc
Đất.
Đá.
Rực cháy những lửa điêu tàn
Ta đứng giữa trời
Lặng thinh.
Không khóc. (Một chín chín tám)
Ta ngồi một mình
Trên nóc nhà
Buổi sáng
Trước ngày bỏ đi
Khói thuốc tan trong mây
Rượu.
Đổ đầy máng xối (Lên đồng)
Chiều Giang ngồi trên nóc nhà và la hét, thấy những hồn ma cũ vật vờ bay, nghe những tiếng xưa vang vọng và hát như điên trong cơn đồng thiếp. Và có lúc đành phải đốt nhà…
Bới tung.
Từng góc nhà
Xó bếp
Tay nâng niu những tháng ngày xưa
Có bao năm?
Mà như thiên cổ
Nhà ơi.
Giữ lại giùm ta những gió mưa
Giữ lại giùm ta ngàn tiếng nói …
… Ra đi
Đốt lửa căn nhà trống
Vung vãi tàn tro
Khắp đất trời. Và
Xóa bàn đi làm lại hết
Ta thả đời ta. Giữa
gió bay. (Đốt nhà)
Ta biết Giang từng là người mẫu, nhưng đứng mãi trong tranh làm góa phụ cũng chán, nên phải bước ra với mặt trời. Nhìn quanh đã chẳng thấy ai, cất tiếng gọi cũng không ai trả lời bèn bước trở lại trong tranh như bỏ một cuộc chơi.
Muốn bỏ cuộc chơi nhưng không được nên lại bước ra, tiếp nối cuộc hành trình của mệnh số. Có khi muốn làm thiền giả, ngồi trong góc tối hay đi giữa trời lộng gió, làm sa di ôm bình bát đứng giữa trời mưa nắng cho đến khi ngày hết, bình bát chỉ còn chứa đầy bóng trăng. Cứ ngang ngang bương bướng để mơ thành họa sĩ, vẽ bức tranh siêu thực với màu đỏ trên tóc và xám xanh trong mắt. Tay không mà bày cuộc chơi vượt cả Lưu Linh, Tản Đà, Phạm Thái, Tử Kỳ.
Lưu Linh? Ờ, Lưu Linh
Tản Đà? …Ta chấp hết
Mắt sắc như kiếm dao
Chém chơi. Vài
Phạm Thái… (Bỏ nhà)
Thơ Chiều Giang là thế. Những bài thơ ngắn, ngôn ngữ trực tiếp, sắc bén, với lối ngắt dòng khác lạ, tạo hiệu ứng rung cảm nơi người đọc. Thơ Lê Chiều Giang là tiếng ca tiếng khóc trong cơn đồng thiếp của hiện sinh mê cuồng.
Thơ, như chưa từng bao giờ có thơ như thế.
Và đây thơ Nguyễn Thị Khánh Minh.
Trước hết, thơ ấu của Nguyễn Thị Khánh Minh đã là thơ. Đồng lúa, con sông, ngôi nhà ở làng Thuận Mỹ, Ninh Hòa, ánh trăng bên bờ giếng cũ, những bông hoa giấy trên sân nhà ở Nha Trang, tiếng còi tàu, bước chân của cha trở về… hồn thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh nở ra từ đó. Khánh Minh làm thơ ở tuổi còn để tóc bum bê cắp sách đến trường. Ấy có lẽ do ảnh hưởng của cha mẹ. Song thân của Nguyễn Thị Khánh Minh đều là nhà thơ, chủ nhân của lầu thơ Minh Minh. Nơi đó thường có mặt Vũ Hoàng Chương, Hà Thượng Nhân, Hồ Điệp, Nguyễn Đức Quỳnh… Ở lầu thơ Minh Minh của cha mẹ, Khánh Minh đóng vai cô bé pha trà và rồi ngâm thơ theo chỉ dẫn của Hồ Điệp. Từ lầu thơ của cha mẹ, hồn thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đã lớn dậy cùng với những tháng năm với hoa lá và mây trời. Nguyễn Thị Khánh Minh mang thơ qua sân trường Luật và những nẻo đường của phố xá Sài Gòn. Và, cho đến bây giờ.
Tôi xin an lành gom hết những lời kinh nguyện. Bầu trời no tin cậy. Mầu xanh phủ hết tai ương cho con người và trái đất chan hòa nương tựa. Tôi sẽ tìm về đêm bé thơ thỏ thẻ với cha điều ước mơ chưa từng nói. Nếu có tìm tôi. Xin chờ mảnh sáng sao băng.
Vậy xin nương theo ánh sao đến với thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, cũng như thơ Lê Chiều Giang, thơ duyên, không theo bất cứ khuôn khổ tiết tấu nào. Nó là nhịp đập của thời gian và hơi thở người. Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh còn là thơ xuôi, thơ tản văn, mở ra một cõi trời hoang mơ.
Đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh ngay từ bài đầu tuyển chọn ở đây đã thấy tâm hồn nhà thơ mở rộng với đất trời và nhân gian. Cảm động là cô muốn đem chia sẻ cùng cha những tình ý ấy như thuở còn thơ.
Trong bài thơ Khoảnh Khắc Giấc Mơ, cô bé Khánh Minh muốn dâng hết lời kinh nguyện cho bầu trời bình yên với màu xanh phủ hết tai ương. Và cô sẽ tìm về một nơi với vạt đèn khuya ủ những ý thơ trong cơn mơ, vì “tất cả mọi cảm hứng thi ca đều là giải mã những giấc mơ”. Và cô nguyện nếu có bay đi xin bay về đồng lúa thuở ấu thơ nơi quê nhà bình yên, với con tàu chuyên chở hội ngộ, tiếng cửa mở sum vầy và bếp lửa trong căn nhà xưa. Còn nữa, thơ sẽ thắp lên ánh sáng của sao hôm và sao mai, cô sẽ treo tiếng chim trước cửa để đánh thức ngày vui. Trong ánh chớp của thanh xuân về lại, Nguyễn Thị Khánh Minh sẽ theo con sóng nhỏ về nơi biển xanh hiền hậu của thời ấu thơ và ai kia muốn tìm lại hình bóng của người làm thơ Nguyễn Thị Khánh Minh thì xin đến với hàng liễu xanh và con trăng mới mọc…
… Nếu có một nơi để nhớ. Vạt đèn khuya trỗi lên bài ca năm tháng. To nhỏ câu thơ phút hôm nay ta sống cùng người. Nếu có tìm tôi xin hát bằng nhịp tim bổng trầm tình tự. Nơi giấc ngủ một người, trái tim vẫn hoài đập trong khoảnh khắc của giấc mơ…
… Nếu thanh xuân là quà tặng. Sinh cho tôi đời lá non. Sẽ sống tận cùng xanh, hết sức. Từng hạt mầm nuôi tôi trở lại cho dẫu hơi thở kia có không ngừng lặp lại nỗi đau. Tôi sẽ về hay tôi sẽ đi. Lời chào ấy là phút tôi trao nhận một món quà vô giá.
… Tôi biết. Tôi sẽ được cất tiếng. Trong mùa thơ quyến dụ ấy với ngôn ngữ tình nhân. Ngôn ngữ tôi nghe một lần trong xứ sở chiêm bao. Khoảnh khắc giấc mơ tôi thực sống…
Đó là tiếng nói của thơ. Tôi chưa thấy ai thao thức với thơ trăn trở với thơ như Nguyễn Thị Khánh Minh. Khi viết xong bài thơ có khi cô khóc, và lạc giữa cõi thơ như trong cơn mộng du. Cô mê sảng, cười điên cùng bài thơ, những con chữ có khi là những giọt lệ. Cô nằm gai nếm mật hình thành bài thơ.
Trong cơn mộng du chữ nghĩa, Nguyễn Thị Khánh Minh muốn thơ mình lang thang qua khắp cõi bờ nhân sinh, Thơ đi vào quán nụ cười như để tìm vui. Đi vào quán đêm xin một giấc mơ, rồi đi vào trường kịch nhân gian, vào con đường của kiếp dã tràng, ghé thăm quán hoàng hôn, vào lòng đóa hoa xin mật ngọt, vào chung với bầy kiến, vào đồng lúa, vào dòng sông… Tất cả là đi tìm hơi thở của sự sống…
Đọc thơ Khánh Minh ta như được cùng tác giả hòa chung nhịp thở với thiên nhiên, bởi đó không chỉ là ngắm nhìn với nỗi ơ thờ mà hòa nhập với thiên nhiên. Xin cùng với nhà thơ bước vào đêm, hóa thân với sao trời và gió như có linh hồn – sao tắt, hồn rơi và gió khóc đưa tang. Đêm thì ngất lịm trong chiêm bao, nghe tiếng ngày đi run rẩy, nghe hồn cỏ thao thức, cây trút lá bơ vơ – rồi ngày lên mang chút niềm vui sót. Nhà thơ đi vào đêm, đem theo nụ cười, chia sẻ những rạn nứt đổ vỡ của đêm, nụ cười thơ làm nở một vì sao.
Tắt một lời, hồn thơ Nguyễn Thị Khánh Minh cảm nghe được nhịp mùa, nhịp ngày đi đêm tới. Có thể nào ta gọi thơ Nguyễn Thị Khánh Minh là bản symphony của nhịp mùa và thời gian. Riêng với Nguyễn này như được lạc vào vùng trời của Gitanjali nghe thi nhân thổi lên bản hòa ca trên cây sáo bằng ống sậy.
Trong thơ Khánh Minh còn có những khoảng trời của tình bạn. Nguyễn Thị Khánh Minh chia sẻ cùng bạn những nét đẹp của sáng tạo, những ý tình lung linh hư ảo, những nỗi chia xa.
Với Duyên, cùng Duyên sống lại niềm vui và vẻ rực rỡ của thanh xuân ngày ấy.
Với Đinh Cường: cảm thông cùng tiếng cọ của người họa sĩ và những sắc màu trong tranh và nỗi đau cùng vẻ hư ảo của cuộc đời.
Với Trịnh Y Thư: cùng bạn cảm thông với vệt nắng chiều đang tắt, bóng người con gái ngồi cong lưng như mảnh trăng non, trong vẻ đời ảo hoặc, chia xa.
Với Nguyễn Xuân Thiệp, cùng nghe tiếng chiều rơi trong tiếng con chim nhại và vẻ ảo hoặc của mùa thu với màu hoa cúc quỳ vàng trong khu vườn của ngày đã xa.
Còn nhiều. Còn nhiều những điều chưa nói về thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Nhưng thôi, chỉ xin cùng đọc một đoạn trong tuyển tập thư hương này:
Người đem theo nụ cười
Đi vào giấc mộng
Những vì sao chưa mọc
Những vì sao đã chết
Bỗng nhận ra mình
Mất tích bao năm
Người đem theo nụ cười
Đi vào bóng tối
Những hạt lệ lặng lẽ
Những hạt lệ vô hình
Bỗng nhận ra mình
Bật khóc
Người đem theo nụ cười
Đi vào những biên giới… (Có Vì Sao Mới Mọc)
Nguyễn Xuân Thiệp
Dallas, tháng 11.2024
(Nguồn: tranthinguyetmai.wordpress.com)
Minh Lê (NT) và Đỗ Hồng Ngọc: Một Chút Tôi & “Chuyện Hồi Đó”
Một Chút Tôi & “Chuyện Hồi Đó”
Ghi Chú: “Chuyện Hồi Đó” là bản thảo mới của tôi, giống như Hồi Ký mà không phải Hồi Ký. Cô Minh Lê (NT) và Trần Thị Nguỵệt Mai (HK) là hai người “bạn xa xôi” mà thân thiết, gần gũi đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình hình thành “tác phẩm” này. Dịp này, gặp tôi ở Nha Trang (27.2.2025), nhân ngày Thầy Thuốc VN, Cô Minh Lê (NT) muốn có một chút trao đổi “bên lề” cho vui.
Xin gởi đến các bạn cùng xem.
Đỗ Hồng Ngọc

Bìa: Hs Hà Thảo
Điều gì khiến anh có cảm hứng viết Chuyện Hồi Đó?
Nhiều bạn bè khuyên nên viết Hồi Ký, đặc biệt là anh Nguyễn Hiền Đức (5 Hiền).
Nguyễn Hiền Đức là một cư sĩ, thường gọi Anh 5 Hiền, trước 1975 từng có thời là Thư ký Tòa soạn của tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, trưởng phòng Tu thư Đại học Vạn Hạnh, thư ký riêng của HT Thích Minh Châu…
Năm 2021 anh đã gởi tôi món quà sinh nhật: Đỗ Hồng Ngọc- Tiếng gọi sâu thẳm của Y vương, ghi “Quà tặng mừng Sinh Nhật 81 của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc” thấy đã đăng trên Thư viện Hoa Sen, và trước đó, anh cũng đã có bài “ Phác thảo chân dung Đỗ Hồng Ngọc”…
Năm 2014, Nguyễn Hiền Đứcđã viết (…) “ Năm nay bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã 75 tuổi ta rồi. Cái tuổi đã chín muồi, đã lịch lãm, đã trải nghiệm và chiêm nghiệm được nhiều điều về bản thân, gia đình, bè bạn, nghề nghiệp. Ông cũng đã trải qua những biến thiên dữ dội của thời cuộc. Ông lại có những mối quan hệ xã hội khá rộng rãi và hiểu biết tường tận về nhiều việc, nhiều người dưới cái nhìn, cái cảm của một người giàu Phật tính, thấm nhuần triết học Phật giáo. Vì vậy, tôi kính cẩn thưa trình với ông rằng tôi mong sớm được Hồi ký của ông. Nhớ lại, ông đã nhiều lần “thúc hối” thầy mình là Nguyễn Hiến Lê viết hồi ký như André Maurois đã từng làm với Un ami qui s’appelait moi vậy! (…) Trước nay tôi vốn thích đọc Hồi ký, và các cuốn hồi ký mà tôi thích nhất vẫn là cuốn của Nguyễn Hiến Lê, Đào Duy Anh, Quách Tấn, Trần Văn Khê…, và, chắc chắn sẽ rất thích Hồi ký Đỗ Hồng Ngọc. Tôi không dám nói sai lời và cũng như nhiều độc giả chí cốt của Đỗ Hồng Ngọc nóng lòng chờ đợi Hồi ký Đỗ Hồng Ngọc.
Tôi nghĩ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có nhiều điều kiện thuận lợi, có nhiều cơ duyên tốt lành để khởi sự sớm hoàn thành tập hồi ký được nhiều người chờ đọc, đón đọc (…). Mong lắm thay, thưa bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc!”.
Nguyễn Hiền-Đức (Santa Ana, tháng 3.2021)
Có thể gọi Chuyện Hồi Đó là Hồi ký của anh không?
Không. Tôi không có khả năng viết “Hồi Ký”. Hồi Ký thi phải… ly kỳ, hấp dẫn… gợi tò mò cho người đọc. Tôi cũng cảm ơn Nhà sách Phanbook, cũng đã nhiều lần khuyên tôi viết Hồi Ký… và bây giờ nhận lời in cuốn Chuyên Hồi Đó. Tôi lo sẽ ế, tội nghiệp cho Phanbook!
Phần khó nhất khi chuẩn bị bản thảo Chuyện Hồi Đó là gì?
Là phân biệt Hồi Ký với “Chuyện Hồi Đó”
Hồi ký là một sáng tác văn chương, thể loại ký, do chính tác giả viết về mình. Thường của những người đa số còn trẻ. Tự mình nhìn mình, bộc lộ, chia sẻ theo trình tự thời gian, có thể “hư cấu”, có thể “phóng đại”.
Tóm lại chủ quan là chính.
“Chuyện Hồi Đó” là những chuyện cũ, xưa, kể lại bởi một người có tuổi, già khú, có thể trong một buổi “trà dư tửu hậu” cùng bạn bè. Tôi viết lúc đã 86 tuổi (Tết Ất Tỵ,2025). .
Nó không phải là một sáng tác, một ghi chép (ký) theo thời gian.
Với tôi, nó không phải nói về “cái tôi”, chủ quan của mình.
Tôi nhìn mình một chút, rồi nhờ người khác nhìn tôi với “chủ quan” của họ.
Tôi chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, suy tư, học hỏi. Tôi tri ân con người, vùng đất…
Tôi muốn người đọc có lợi ích khi đọc, không chỉ vì tò mò.
Dĩ nhiên, cho tuổi già của chính tôi. Có thể cười mình.
Trang nhà Đỗ Hồng Ngọc (dohongngoc.com) có ý nghĩa gì đối với anh?
“Ý nghĩa” rất lớn đó chớ! Nó gần như là một “kho tàng” lưu trữ để khi viết tôi chỉ cần tìm lại. Tôi phải cảm ơn Phùng Minh Bảo và Lê Thị Thuỳ Linh. Chính nhờ các em mà tôi có trang web dohongngoc.com này trên 15 năm nay. Cũng nhờ trang Web này, tôi có dịp học hỏi, giao lưu và tương tác với bạn đọc. Ngạc nhiên thấy thế giới nhỏ bé đáng kinh ngạc, càng ngạc nhiên thấy tình người lại gần gũi đáng kinh ngạc đến vậy.
Cái chất “công tử – nhà quê” mà anh nói được di truyền từ Ba-Má anh đã thể hiện trong văn và thơ anh ra sao?
Nó thiệt thà, chơn chất, nhưng đôi khi cũng… bay bướm đó chớ phải không? Lá chín vàng/ lá rụng về cội/ Em chín vàng/ chắc rụng về anh…; hay Sóng quằn quại/ thét gào/ không nhớ/ mình là nước…
Người ta nói văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ nói chung đều rất đa tình vì yêu cái đẹp. Anh có nghĩ mình là người đa tình không?
Có. Mà nhút nhát, rụt rè quá. Đáng tiếc!
Trong một bài phỏng vấn của nhà báo, anh có nói “Thà có một trái tim đau yếu vì tình yêu còn hơn một trái tim… lãnh cảm!”. Anh có thể giải thích và cho ví dụ không?
Ví dụ người thất tình… sướng hơn người lãnh cảm.
Chuyện Hồi Đó cho biết mối tình đầu của anh là lúc anh 12 tuổi, và mấy năm sau gặp lại anh còn làm thơ cho người ấy nữa. Không biết “mối tình đầu” ngày ấy là đơn phương hay là cả hai…
Đó là cô bạn cùng lớp… Nhứt (tức lớp 5 bây giờ!). “ Nghe nói người xưa chừng lỡ bước/ Nghe nói lòng ta chừng chưa nguôi…”. Thấy chưa? Lòng ta mà chỉ “nghe nói” thôi, chỉ nghe “đồn rằng” thôi đó nhe. Tuy vậy cũng đã có những bức thư bằng pelure màu xanh… thuở 15, 16.
Cũng theo Chuyện Hồi Đó, ngày anh gặp chị (vợ Bs ĐHN) anh trúng ngay “coup de foudre” phải không?
Phải. Sau này tôi thường nói với vợ tôi: Anh có một người anh yêu hồi 12 tuổi, một người anh thương hồi 20 tuổi, nhưng em mới là người anh vừa yêu vừa thương. Vì vậy mà đã sống với nhau gần… 60 năm!
Có cuốn sách nào đã làm thay đổi cuộc đời anh không?
Có. Cuốn Kim chỉ Nam của Học sinh của Nguyễn Hiến Lê (1951). Cả các cuốn Gương Danh Nhân, Gương Kiên Nhẫn… và Tự học để thành công (1954) của ông nữa.
Cuốn sách anh thích nhất lúc nhỏ là gì?
Anh phải sống. Hai buổi chiều vàng. Tâm hồn cao thượng… Và một lô truyện Tam Quốc, Thuỷ Hử, Đông Châu Liệt Quốc… Sau này là Kiếm Hiệp Kim Dung. Có lần tôi tự chữa bệnh đau bao tử của mình nhờ kiếm hiệp Kim Dung đó.
Nếu anh có thể nói một điều với chính anh khi còn trẻ, anh sẽ nói điều gì?
Nhắc “Tương lai trong tay ta”, đó là một tựa sách của Nguyến Hiến Lê.
Kỷ niệm nào anh nhớ nhất về tuổi học trò của anh ở Phan Thiết?
Là xách guốc xuồng gỗ mỗi khi qua nhà người ta, dù người ta mới 11 tuổi. Và đặc biệt là bức thư trên giấy pelure màu xanh người ta gởi tôi khi mới 15…
Anh viết rằng người thầy thuốc “được làm nghề y vì cái nghiệp của mình”, có thể hiểu rằng phải đúng “nghiệp” mới làm bác sĩ được phải không?
Cái “nghiệp” nó mang mình đi, nó đẩy mình tới. Còn gọi là cái “Vocation”. Cái “thiên hướng”.
Anh từng viết: “Nghề y là một nghề đặc biệt, muốn đào tạo người thầy thuốc vừa có năng lưc chuyên môn vừa có lòng nhân ái thì điều kiện tuyển chọn cũng phải đặc biệt.” Theo anh kỳ thi vào các trường Y Khoa còn cần yêu cầu nào khác ngoài điểm số các môn học?
Mỗi nước, mỗi giai đoạn đều có cách đào tạo phù hợp. Thời tôi thi vào Y khoa, năm 1962, ngoài các môn học còn có 20 câu hỏi “Kiến thức tổng quát” vầ văn hoá, lịch sử, địa lý, âm nhạc, hội hoạ… và đặt biêt có 2 câu tôi nhớ mãi: Giá gạo trên thị trường bao nhiều một ký? Giá than trên thị trường bao nhiêu một ký. Chắc là muốn coi người bác sĩ tương lai có quan tâm đời sống xã hội đường thời không? Ở Singapore, ngoài bài thi viết còn có phỏng vấn. Nhóm phỏng vấn gồm một giáo sư, một bác sĩ, một điều dưỡng và một… bệnh nhân!
Có lý do nào đặc biệt khiến anh yêu ngành Nhi Khoa không?
Nhi khoa, xưa gọi là Á khoa, khoa “câm”. Trẻ không biết nói mà! Khi khám bệnh cho trẻ, phải có óc “quan sát” tốt để tìm ra bệnh. Cẩn thận! Trẻ không biết nói nhưng có thể giựt văng kiếng cận của mình hoặc… tè vô mặt mình. Chẳng mấy chốc mà chú nhóc ngày nào đã trở thành cậu thanh niên cường tráng, cô nhóc ngày nào đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp… Rồi một hôm, họ mang một nhóc không biết nói khác tới kêu mình khám cho nó. Một vòng đời, ngộ không?
Săn sóc sức khỏe ban đầu là gì?
Primary Health Care, được dịch là Chăm sóc (hay Săn Sóc) Sức Khoẻ Ban Đầu. Một triết lý nhân bản trong Y khoa, sau Hội nghị quốc tế tại AlmaAta, năm 1978, lấy phòng bệnh làm chính, khẳng định “sức khoẻ” là sự sảng khoái (well- being) toàn diện về cả thể chất, tâm thần và xã hội của con người, gắn liền với sự phát triển của địa phương. PHC quan tâm môi trường sống, dinh dưỡng, phòng dịch bệnh… Giáo dục sức khoẻ, Nâng cao sức khoẻ là yếu tố rất quan trọng để tạo được sự “tham gia của cộng đồng”, sự “phối hợp liên ngành”. Bởi Y tế chủ yếu là chữa trị bệnh tật, còn “Sức khoẻ” là nhiệm vụ của toàn xã hội.
Điểm quan trọng nhất theo anh trong Y đức là gì?
Là “Primum Non Nocere” . First Do No Harm. Trước hết, đừng làm hại.
Y nghiệp khác y đức chỗ nào? Cái nào quan trọng hơn?
Y nghiệp là những nguyên tắc thực hành nghề y, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, chính xác. Y đức là vấn đề “tâm hồn” của người thầy thuốc đối với bệnh nhân. AI phát triển thì Y nghiệp phát triển, nhưng Y đức thì chỉ có ở con người với con người.
Anh từng viết một bài có tựa “Bác sĩ mà cũng bệnh!” Dĩ nhiên bệnh tật không chừa ai, dù là… bác sĩ! Kinh nghiệm vượt qua bệnh tật hay thậm chí “sống chung với bệnh” của anh là gì?
Là… đáng đời! Là ráng chịu! Ai biểu!
Ai mà chẳng phải bệnh. Trong cuốn “Quy luật của muôn đời”, tiểu thuyết của Nodar Dumbatze (Gruzia), tôi nhớ tác giả nói mỗi người ít nhất nên bệnh nặng một lần trong đời. Bệnh làm mình sáng mắt ra…
Khi đỡ bệnh sau đợt mổ sọ não năm đó (1997), tôi viết bài thơ: “Xin cám ơn, cám ơn” là vậy.
Năm nào thì anh thực sự “rửa tay gác kiếm”?
Không biết. Cứ lâu lâu lại “Rửa tay gác kiếm” một lần! Năm 1985, tôi rời Lâm sàng (Cấp Cứu, Bệnh Viện Nhi Đồng 1); năm 2005 rời Trung Tâm Truyền Thông & Giáo dục sức khoẻ; năm 2010, rời Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch; năm 2020 đóng cửa Phòng mạch…
Anh viết khá nhiều bài về Nhật. Nếu cần chọn ba từ để mô tả ấn tượng nước Nhật để lại trong anh, anh sẽ chọn những từ nào?
Chút hương xưa!
Anh ấn tượng nhất điều gì ở Úc?
Đó là lúc đến thăm The Twelve Apostles (12 vị Thánh tông đồ của Chúa), nay đã sụp đổ còn 8 vị… và sẽ sụp đổ tiếp nay mai. Chưa ở đâu liễu ngộ Vô Thường, Vô Ngã, Thực tướng Vô tướng như vậy. Tôi thấy ở đó các vị Bồ Tát, các vị Thánh tông đồ… giữa biển thức Lankavatara bèn chắp tay xá xá… tất cả!
Tôi còn ấn tượng với một bệnh viện Ung Thư ở Melbourne, ở đó, bác sĩ, y tá và bệnh nhân đều ăn mặc giống nhau để … không thể phân biệt!
Anh nhớ nhất kỷ niệm nào trong chuyến đi Nepal về thăm đất Phật?
Lúc thăm Lumbini, nơi Phật đản sanh và thăm Kapilavastu (Ca-Tỳ-La-Vệ) nơi Phật vượt ra khỏi cổng thành.
Có ý nghĩa ẩn giấu hay biểu tượng nào trong các bài viết (thơ, văn) của anh chưa được nhận ra không?
Làm sao biết? Người đọc là người “nhận ra” nhiều thứ mà mình đâu có ngờ tới!
Anh có bao giờ lấy cảm hứng từ âm nhạc hay hội họa không?
Nhiều chứ. Nhất là ca từ của Trịnh Công Sơn. Nó giúp tôi viết Gió heo may đã về, và Về thu xếp lại…
Có khi nào một bài thơ hay bài viết thay đổi bất ngờ so với dự định của anh khi bắt đầu viết không?
Thường khi không có “dự định” gì cả. Thơ nó đến bất chợt. Tuỳ bút cũng vậy. Ý này dẫn ý kia… Kệ nó.
Anh cân bằng giữa trải nghiệm cá nhân và trí tưởng tượng trong thơ anh như thế nào?
Trí tưởng tượng mới là… cốt lõi. Trải nghiệm có khi chỉ là cái cớ, tình cờ. Chẳng hạn một hôm cà phê với người bạn trẻ dưới gốc cây cổ thụ ven đường, nhìn chiếc lá vàng rơi, tôi chợt viết “lá chín vàng lá rụng về cội… em chín vàng chắc rụng về anh…”!
Nền tảng văn hóa và tri thức đóng vai trò gì trong việc hình thành thơ và văn của anh?
Nền tảng văn hoá đóng vai trò quyết định.
Anh có thường viết vào một thời điểm cụ thể trong ngày không?
Không. Tôi có phải là nhà văn “thứ thiệt” đâu. Nhưng ông Nguyễn Hiến Lê nói đúng. Cứ viết đi rồi hứng sẽ đến. Như “L’appetit vient en mangeant”! Ăn đi rồi thấy ngon.
Anh từng viết cho tuổi mới lớn, tuổi thanh niên, tuổi trung niên, tuổi già. Anh thấy viết cho tuổi nào khó nhất?
Tôi phải sống qua tuổi đó rồi mới viết được. Viết như “nói chuyện” thân tình với nhau thôi mà, có phải “văn chương phú lục” gì đâu! Người đọc nói tôi viết như viết cho riêng họ, vì “đi guốc trong bụng” họ!
Anh đã viết tùy bút, tản văn, y học, Phật học… Thể loại nào được anh ưa thích nhất?
Không có sự phân biệt nào trong lúc tôi viết. Tôi không định hình thể loại ở đây. Phật học thì tôi viết tuỳ bút. Tuỳ bút thì tôi viết… khoa học. Y học thì tôi… làm thơ! Ối trời, phải phân biệt rạch ròi nữa sao?
Anh có rất nhiều bạn văn, bạn thơ. Với ai anh cũng có một tình bạn dài lâu và rất đẹp. Bí quyết giữ gìn tình bạn của anh là gì?
Không nhiều bạn văn thơ đâu! Nhưng đã là bạn thì luôn là dài lâu và rất đẹp nữa. Tôi nghĩ: sự chân thành.
Trong các bài viết về thơ văn anh, chỉ có Giáo sư Cao Huy Thuần bắt gặp “con người thứ ba” trong anh, con người “cười cười” một chút và rất nghịch… ngầm. Anh thấy có đúng không?
Ông ấy tinh tế thật. Giấu ổng hổng nổi!
Trải nghiệm đầu tiên nào khiến anh nhận ra rằng ngôn ngữ có sức mạnh?
Tôi nhà quê thứ thiệt, vẫn nghĩ ngôn ngữ là “phương tiện” thôi. Tôi không nghĩ cứ uốn éo ngôn ngữ thì thành văn chương. Trong thơ, tôi thấy cái “Tứ” mới là điều cốt lõi. Người ta có thể quên ngôn ngữ, nhưng cái “tứ” thì nhớ mãi. “Oan oan thư cưu/ tại hà tri châu/ yểu điệu thục nữ/ quân tử hảo cầu” ngàn năm trước… dịch qua ngôn ngữ nào cũng được!
Anh có nghĩ rằng ai đó có thể thành một thi sĩ hay văn sĩ giỏi mà không cần trải qua đau khổ không?
Đau khổ nhiều khi là một chất liệu. “Rồi bị thương người ta giữ gươm đao/ Không muốn chữa không chịu lành thù độc” (Xuân Diệu).
Anh nghĩ thơ, văn và tranh tác động như thế nào đến sức khỏe tinh thần của một người?
Nó làm cho con người mềm nhũn ra.
Những chuyến du lịch có ảnh hưởng đến hình ảnh trong thơ anh không?
Nhiều chớ. Nhờ đi đây đi đó, tôi có cảm xúc để viết. Thí dụ những ngày ở Paris, tôi viết tập Vòng Quanh.
Làm sao để truyền tải một cảm xúc mãnh liệt vào thơ?
Cố tình “truyền tải” thì có khi chẳng “truyền tải” được gì cả. Nó tự nảy ra ở người đọc. Thí dụ: “Ngoại chờ bên kia sông” hay “Sao chẳng sớm mà thương nhau hơn?” … Người đọc tự mình “truyền tải” thì tốt hơn tác giả cố ý!
Anh thường chọn tựa đề của thơ anh ra sao?
Không cần chọn. Nó hiện ra chình ình. Thí dụ Mũi Né. Thí dụ: Giả sử
Khi anh viết một bài thơ, điều gì xuất hiện với anh đầu tiên: chủ đề, từ ngữ hay hình ảnh?
Ý tưởng. Cái tứ. Những “thứ khác” đến sau. Bài thơ Tình Già, chỉ cần “con mắt còn có đuôi” là đủ phải không?
Thơ một người vừa là bác sĩ vừa là thi sĩ có khác với thơ của người vừa là kỹ sư vừa là thi sĩ không, theo anh?
Không. Huy Cận là một kỹ sư canh nông, Xuân Diệu làm nhân viên hải quan… Thơ không đến bằng nghề nghiệp!
Trong những nhận xét và cảm nhận của người khác về thơ anh, có ý tưởng nào làm anh hết sức ngạc nhiên không?
Có một nữ độc giả không quen biết xác nhận tôi viết bài thơ đó là viết cho riêng cô!
Thơ anh được phổ nhạc khá nhiều, trong đó có bài nào làm anh rung động nhất không?
Bài Bông Hồng Cho Mẹ viết về Mẹ tôi và bài Sông Ơi Cứ Chảy, viết cho La Ngà.
Anh thích nhất bức nào trong các tranh vẽ bằng bút sắt của anh?
Đó là bức Harvard Square (ở Boston) và bức Sacre Coeur (Nhà thờ Thánh Tâm ở Paris)
Anh có “nghề” vẽ tranh bằng ngón tay. Tại sao anh thích vẽ bằng ngón tay?
Vì kiếm “đồ nghề” không dễ lúc đó. Cao hứng thì sẵn có ngón tay. Tôi nhớ Phong Thanh Dương dạy “độc cô cửu kiếm” cho Lệnh Hồ Xung, lúc Lệnh Hồ Xung bị đánh văng kiếm lúng túng không biết làm sao, ông bào, sao ngu vậy, ngón tay cũng là… kiếm chứ!
Trong một bài phỏng vấn, anh nói “Tôi mừng vì vẫn giữ được cảm xúc để làm thơ”. Anh thường giữ cảm xúc bằng cách nào?
Bằng cách để cho cảm xúc nó tuôn trào. Kệ nó.
Anh có bao giờ nghĩ tới chuyện “làm mới” thơ hay văn của mình không?
Không. Việc gì phải làm mới? Đọc cuốn Ý Cao Tình Đẹp của Nguyễn Hiến Lê (sách dịch), tôi thấy mình cũng rưng rưng muốn khóc. Làm mới, có thể gây ngạc nhiên nhưng khó làm cho khóc. Khi đọc Anh phải sống của Khái Hưng hồi 12 tuổi ở trong chùa, tôi cũng khóc. Nhạy cảm quá chăng. Vớ vẩn quá chăng?
Anh thường tìm cảm hứng cho thơ văn của mình từ đâu?
Tôi không tìm. Nó tự đến.
Anh có cảm thấy văn phong của mình thay đổi theo thời gian không?
Có. Hình như mình già thì văn nó cũng già theo. Nó run rẩy, nó lẩn thẩn, nó mít ướt.
Điều gì quan trọng nhất đối với anh khi viết về một nhân vật?
Tôi muốn nhìn được trong sâu thẳm tấm lòng của họ. Nhiều người khen bài tôi viết về Trang Thế Hy.
Hai chân dung anh viết khá chi tiết là học giả Nguyễn Hiến Lê và thi sĩ Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư. Một người uyên bác chân phương, một người phóng khoáng bay bổng. Anh cảm thấy anh giống ai hơn?
Giống mỗi người một nửa. Không phải công tử với nhà quê mà người điên với nhà nho.
Bài thơ của nhà thơ nào anh cảm thấy tâm đắc nhất?
Tình Già của Phan Khôi và To Edith của Bertrand Russell viết khi ông 90 tuổi!
Anh đã bao giờ bị bí ý tưởng khi viết chưa?
Chưa. Vì khi có ý rồi mới viết. Để đó, cho nó “hoai” đi. Mấy hôm rồi đọc lại. Lúc đó, cần thì sửa. Tôi có học Văn với thi sĩ Vũ Hoàng Chương, lớp 11, ông nói, có những bài thơ ông sửa đến 36 lần! Nhà thơ Giả Đảo, đời Đường nổi tiếng “thôi xao” chúng ta đều biết!
Anh có nghĩ rằng một nhà văn có thể viết hay mà không cần có cảm xúc không?
Có. Đó là những nhà văn chuyên nghiệp, họ có thể cùng lúc viết nhiều feuilleton… cho nhiều tờ báo.
Anh đã viết nhiều bài về tuổi già, vậy anh có thể tóm tắt bí quyết “già sao cho sướng” được không?
Là “biết mình già”, OK với nó. Welcome nó.
Anh có thể giải thích chữ “Không” trong Phật học một cách dễ hiểu không?
Đừng hiển lầm “Không” là không có gì nhe. Không trong Phật học là “trống rỗng”, là không có “tự tính” riêng biệt. Mọi “pháp” đều do Duyên sinh. Hiểu vậy, ta hiểu tại sao Vô thường, Vô ngã… Và, giải thoát khổ đau, dính mắc.
Anh hiểu thế nào là “quay về nương tựa chính mình”?
Không lẽ nương tựa vào ai bây giờ? Ai có thể thở giùm mình, ai có thể khổ đau giùm mình, ai có thể si mê giùm mình?
Anh viết: “Một người mà không thể từ bi với chính mình thì làm sao có thể từ bi với người khác được?” Từ bi với chính mình là sao?
Là “Biết ơn mình”. Nhiều người oán ghét mình lắm. Sáng sáng nhìn vào gương thấy ghét. Già nua, nhăn nhúm… Rồi so sánh mình với người khác nữa… Nhờ đó mà các cơ sở “thẩm mỹ” giả mọc lên như nấm không thấy sao?
Anh nói “Thiền là Thở”, đơn giản vậy sao?
Phải. Phật dạy trong kinh Anapanasati. Một phương pháp Thiền hiệu quả và khoa học nhất. Không sợ “tẩu hỏa nhập ma”. Qua hơi thở, ta thực hiện cả Samatha (thiền chỉ) và Vipassana (thiền quán). Đời sống chỉ là một hơi thở. Thân và tâm cùng trong hơi thở. An lạc hay khổ đau nằm trong hơi thở đó thôi.
Anh khen phương pháp Thở của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện rất hiệu quả. Anh có thể cho biết cách anh thực hành?
Bs NKV bị mổ phổi 7 lần ở Pháp (năm 1946), chỉ còn 2/3 lá phổi trái. Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống 2 năm. Vậy mà với phương pháp thở bụng, ông đã sống thêm được… 50 năm, chẳng thú vị sao? Phương pháp thở bụng (abdominal breathing, diaphragmatic breathing) không lạ. Người xưa ở Đông phương gọi là đưa hơi xuống huyệt “đan điền” đó thôi. Bs NKV là cố vấn Bộ môn Tâm lý – Xã hôi học ở Đai học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, do tôi là Trưởng Bộ môn, ông cũng chia sẻ với tôi nhiều lần nhưng tôi không mấy quan tâm, đến khi tôi bệnh nặng phải mổ sọ não thì tôi mới đem ra ứng dụng. Hay chớ! Tôi đã viết lại đầy đủ trong cuốn Thiền và Sức khoẻ.
Dường như anh chưa bao giờ viết nhiều về “tham, sân, si”, “thân, khẩu, ý”, “nghiệp và nhân quả”. Anh coi trọng việc thở, ăn và hiện diện trong giây phút hiện tại hơn, có đúng không?
Thở, Ăn, Biết sống Ở đây và Bây giờ chẳng đã đủ rồi sao? Đó chính là chánh niệm, tỉnh giác. Còn tham sân si… gì nữa cho mệt! Hiểu Phật là hiểu Duyên sinh. “Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên” (Trần Nhân Tông) nhớ không? Biết tuỳ duyên, thuận pháp là đã đủ cho nếp sống “cư trần lạc đạo” rồi đó vậy.
Có thể hiểu điều Phật dạy và thực hành giỏi mà không cần thuộc nhiều kinh kệ không?
Thuộc một vài câu Kinh Kệ là đủ. Lục tổ Huệ Năng chỉ nghe câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà giác ngộ tức khắc. Ngày nay, thời AI, Internet, deep fakes… thì cũng chỉ cần thuộc câu đó và ứng dụng vào đời sống. Luôn nhớ rằng “Nói vậy mà không phải vậy!”. Ai ngây thơ, “tưởng thiệt” sẽ lãnh đủ!
Trao đổi lai rai đến đây là… hết.
Cảm ơn các bạn.
Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon 11.3.2025)
Thư gởi bạn xa xôi: Nha Trang tháng 2-3/2025
Thư gởi bạn xa xôi:
Nha Trang tháng 2-3/2025
Mình mê xe lửa từ hồi nhỏ. Ở Phan Thiết thường lên Ga Mường Mán tót lên xe lửa vào Saigon. Quá dễ. Có Thẻ học sinh, còn được đi miễn phí. Bạn bè đưa nhau vào tận khoang xe, đợi còi rú lên, lăn bánh mới tạ từ… bịn rịn nhảy xuống xe như ngày xưa “người xuống ngựa kẻ dừng chèo…”. Thời chiến, xe lửa không chạy được, nhớ lắm. Khi có chuyến xe đầu tiên đi quãng ngắn từ Saigon lên Biên Hoà, Thủ Đức, qua Gò Vấp, Dĩ An thì mừng rơn. Mình viết ngay bài thơ Đi Cho Đỡ Nhớ lúc đó.
Lần nay quyết đi Nha Trang một chuyến bằng xe lửa. Khởi hành 26.2.2025 tại Ga Hoà Hưng, Saigon. Hẹn với mấy bạn… trẻ (nói nho nhỏ thôi, họ giận!): PB mới 74 tuổi, từng đi Myanmar học Thiền, tu hành miên mật, giữ giới, ngồi thiền nghiêm chỉnh, bậc Sư. NTN, mới 71, “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”, và NVT cũng mới 71, “giang hồ nghĩa hiệp”, từng đi Kailash năm nào với NTB. Mình già nhất, mới lên 86, nên được các bạn thương quý…
Xe lửa đi Nha Trang bây giờ khá lắm, sạch sẻ, đúng giờ, thông bào tốc độ, thời tiết qua từng ga, có máy lạnh, có nước nóng pha trà… Dĩ nhiên là có restaurant…, couchette đang hoàng. Từ Saigon đi Nha Trang mất 8 tiếng, 50 km/ giờ, mình có thời gian để ngắm rừng thanh long Phan Thiết, Cà Ná biển xanh, quat gió Phan Rang, dừa Cam Ranh… Qua ga Mường Man, Tháp Chàm, Suối Kiết, Sông Pha… còn muốn gì nữa phải không? Nay mai có xe lửa đầu đạn như Nhật, 300 km/giờ, cái rẹt, chán chết.
Gởi bạn vài hình ảnh chuyến đi Nha Trang của mình mới rồi coi vui thôi nhe.

PB, NTN, ĐHN

Mỗi khoang có 4 giường, minh ưu tiên giường trệt, dĩ nhiên!

Đúng ngọ rồi, phải ăn thôi! Vào restaurant là tiện nhất. Mỗi người một dĩa cơm, cá nục chiên sốt cà. Có ớt rất ngon. NTN phải có lon bia. Mình “phấn đấu” uống được 20 ml thôi!

Xe lửa chạy rầm rầm, ngồi thiền thiệt khoái!

Cà Ná đây rồi!

Thăm các Sư ở Chùa Từ Đức, Cam Lâm.

Trên đường đi Hòn Bà, nơi có ngôi nhà cổ của Bác sĩ Yersin. Đường đi quanh co hiểm trở.

Đường lên Hòn Bà bị tắc, đang sửa, đành phải quay lại. Hẹn dịp khác.

Nha Trang đây rồi. Khu kiosque Bốn Mùa nay đã rất khác,

Caphê Hòn Chồng (1.3.2025). Mới được một cây gậy mây rất đẹp của TT mua cho. Hôm qua đến quán Bốn Mùa, lơ ngơ thế nào bị vấp té cái rầm, từ nay đành phải sắm gậy để đi. Mà chỉ thích gậy mây hay gậy tre quê mùa thôi. May TT tìm được cây gậy mây ở Chợ Đầm Nha Trang mang đến cho! Đa tạ.
Vậy nhe,
Chúc An Vui.
Đỗ Hồng Ngọc.
(Saigon 11.3.2025)
Thư gởi bạn xa xôi: Tết năm nay “Về vùng biển vắng…”
Thư gởi bạn xa xôi:
Tết năm nay “Về vùng biển vắng…”
Không phải “mình sẽ sống những ngày hè nhuộm nắng…” như lời một bài hát sôi động của Jamaica (nhạc sĩ Đức Huy viết lời Việt) bởi lúc này vẫn còn chút lạnh của mùa đông và lá vàng mùa thu vẫn còn rơi lác đác…
Từ Mùng 1-3 Tết Ất Tỵ (2025), mình về Lagi, thăm bà con, thăm mộ ông bà, cha mẹ trên giồng Ông Hộ Ba, rồi ghé về thăm lại Bàu Lời, chốn xưa, mình đã sống thời 10-12 tuổi, học trường Nam Bình (Gò Ông Nồm)…
Gởi bạn vài hình ảnh… coi chơi thôi nhe!
Thân mến,
Đõ Hồng Ngọc.

Biển còn động. Thuyền thúng nằm bờ ở bãi Dốc Trâu. “Lá vàng thưa thớt quá…”.

Bãi vắng. Mênh mông. Người thì cào nghêu con … Một buổi sáng có thể cào được cả trăm ký nghêu con, không phải để ăn, mà để bán cho những nhà nuôi vịt bầy… giúp vịt đẻ trứng tốt.

Người thì săn… tôm tích. Nhìn mặt đất biết ngay có tôm tích, đâm cái ống thụt sâu xuống, hút cái… rẹt, đã bắt được ngay một con tôm tích bằng ngón tay út… còn ngo ngoe. Mỗi buổi sáng hút được vài ký!

Mình… thì đi săn vài tấm hình do sóng cát vẽ nên: Một nhóm múa… hiện đại chớ gì nữa! (ảnh Đỗ Hồng Ngọc, bãi Tam Tân, Mùng 2 Ất Tỵ, 2025)

tuyệt đẹp…

Ghé lại Bàu Lời: Vườn cũ. Cây trái vẫn xum xuê. Cau, dừa, vẫn cao ngất… Có lẽ nhờ có cái Bàu chứa nước tưới tẩm quanh năm… (Nguyễn Thiện Tống và Đỗ Hồng Ngọc)
(

Thăm lại cái giếng một thời… nổi tiếng chữa được nhiều thứ bệnh. Những năm 60s, người ta còn mang thùng đến lấy nước chở xe ba gác đi bán tận Lagi… Bà chủ nhà hiện nay còn nói nước giếng này chữa được … hiếm muộn nữa! Lạ thiệt.

… vẫn mênh mông…
TẾT: Chuyện của tâm hồn… ăn uống
TẾT: Chuyện của tâm hồn… ăn uống
Đỗ Hồng Ngọc
Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn thức gì thì nó đang cần thức đó! Cũng đừng quên ăn uống là chuyện của văn hóa!
Lý Lạp Ông, một triết gia Trung Quốc thế kỷ XVI viết trong Nhàn tình ngẫu ký: “Xét cơ thể con người, chỉ có hai cơ quan không cần thiết chút nào cả mà trời phú cho là cái miệng và cái bao tử, nguồn gốc tất cả những cái lụy của con người từ xưa tới nay. Có cái miệng với cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, sinh kế phiền phức mới sinh ra những mưu mô gian trá; mưu mô gian trá mới phải đặt ra hình pháp”… Rồi ông ao ước: phải chi con người có cái diều như diều chim, có cái dạ dày như loài nhai lại! Loài người mà có cái diều như diều chim thì tất hiền lành, hòa bình, vì loài ăn hạt, trái cây, rau cỏ thì ít hiếu chiến, tàn ác. Gà trống cũng thường đá nhau nhưng không phải vì thức ăn mà vì gà mái. Nếu loài người mà có cái diều… thì chỉ còn những cuộc chiến nho nhỏ để… giành gà mái thôi!
Tuổi teen phải ăn cho no
Tại sao phải ăn? Ấy là bởi vì chúng ta cần năng lượng để tồn tại và để hoạt động. Thức ăn cung cấp năng lượng. Tuổi mới lớn, cần năng lượng nhiều để vừa xây dựng cơ thể, vừa đáp ứng nhu cầu họat động của tuổi này. Cho nên tuổi “teen” mau đói và thường ăn “không biết no”.
Nhớ rằng ngồi bàn viết, đánh vi tính mỗi giờ chỉ tiêu tốn 100-200 calo, hát karaoke mỗi giờ tốn 120 calo, đi nhanh, đạp xe đạp, bơi lội mỗi giờ 300 calo; cử tạ, tennis, cầu lông 400 calo, đá banh 600 calo… Trong khi đó, ăn một tô hủ tiếu, phở, đã “nhập” vào 500-600 calo; bún bò huế, cơm tấm bì cũng vậy; bánh lọt, chè bắp… 400 calo; ly sinh tố 250 calo và nước chanh đường… hơn 100 calo! Biết đại khái vậy ta sẽ tính toán “thu-chi” sao cho hợp lý để cơ thể được cân đối, không bị béo phì hoặc ngược lại bị suy dinh dưỡng. Ăn uống là chuyện của “tâm hồn”. Ta vẫn thường nghe nói có những “tâm hồn ăn uống” đó thôi. Ăn uống là một cái khoái nhưng cũng có khi là một “cực hình”. Có những tình huống “nuốt không trôi”, chẳng hạn bị ép ăn! Không gì khổ bằng ăn trong sự cưỡng bức, ép uổng…
Ở một trường mẫu giáo bên Hà Lan, người ta đã làm thí nghiệm đặt những đứa bé 3 tuổi vào một phòng kín, dọn sẵn thức ăn thịt cá, trứng sữa, rau đậu, trái cây các thứ đầy đủ, rồi quan sát từ bên ngoài cửa kính xem sao. Trẻ chơi đùa một lúc đói bụng, tự động đi tìm thức ăn… phù hợp mà mình đang cần. Có đứa bốc món này, đứa bốc món kia… Có đứa ăn hoài một thứ, có đứa đổi từ món này qua món khác. Người ta theo dõi và cân đo trẻ trong một tuần lễ, thấy trẻ khỏe mạnh, lên cân đầy đủ. Điều đó chứng tỏ ăn… không cần phải ép. Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép… ăn! Tản Đà, một thi sĩ nổi tiếng trong nghệ thuật ẩm thực, đã có câu “triết lý” về chuyện ăn sao cho ngon như sau:
– Đồ ăn ngon/ chỗ ngồi ăn không ngon/ người ngồi ăn không ngon: không ngon!
– Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon/ người ngồi ăn không ngon: không ngon!
– Đồ ăn ngon/ người ngồi ăn ngon/ chỗ ngồi ăn không ngon: không ngon!…
Nghĩa là để ăn cho ngon cần đủ cả ba yếu tố: đồ ăn ngon/ chỗ ngồi ăn ngon/ và người ngồi ăn cùng cũng… phải ngon! Người ngồi ăn mà không ngon – dễ ghét – thì nuốt không trôi! Và dĩ nhiên muốn ăn ngon thì phải có sự thèm ăn, tức phải đói. Đói thì ăn gì cũng thấy ngon! Lâu nay ta quen ăn theo giờ mà không ăn theo… bụng. Một điều đáng tiếc.
“Chỗ ngồi ăn ngon” thì ba trăm năm trước, Trương Trào đã viết: “Trà như ẩn sĩ, rượu như hào sĩ. Rượu để kết bạn, trà để hưởng tĩnh. Trong cuộc lễ, uống nên khoan thai. Trong cuộc họp bạn, uống nên nhã. Mùa xuân nên uống ở sân. Mùa hè nên uống ở ngoại ô. Mùa thu nên uống ở trong thuyền. Mùa đông nên uống ở trong nhà. Ban đêm nên uống dưới bóng nguyệt”. (U mộng ảnh, bản dịch Huỳnh Ngọc Chiến).
Nhưng cách ăn ngon nhất có lẽ là ăn mà biết rõ mình đang ăn. Ý thức về chuyện đang ăn. Quan tâm nó. Để ý nó. Biết ơn nó. Bốn nhóm thức ăn cùng với nước uống chẳng phải cũng là “ngũ uẩn” đó sao? Chúng kết tập lại một cách nhuần nhuyễn để giúp ta tinh tấn trong tu tập của mình.
Tuổi già ăn theo mệnh lệnh của… bao tử
Cho nên mới nói rằng ăn là chuyện của tâm hồn! Ăn uống rất quan trọng đối với người cao tuổi. Một trong những lý do người già dễ bị uể oải, lừ đừ… là do thiếu năng lượng. Ở người cao tuổi, còn thêm nỗi khổ vì “hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay”, dạ dày teo nhỏ, dịch vị tiết ra không đủ, dễ bị bón, dễ bị rối loạn tiêu hóa. Con cháu thương tình, tìm món ngon vật lạ ép ăn, tìm thuốc bổ vitamin các thứ ép uống… thì tình trạng càng bi đát hơn vì càng làm cho ăn mất ngon, không còn thấy thèm ăn!
Người già thiếu ăn, thiếu năng lượng phần lớn là do sợ bệnh, do kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù dọa. Khám bệnh xong bác sĩ dặn phải kiêng món này cữ món kia… và không quên cho một đống thuốc bổ trong khi người già uống đầy bụng thuốc bổ đâu cần ăn chi nữa! Không kể bạn bè hàng xóm bày vẽ, không kể nghe lời quảng cáo bùi tai… ra rả suốt ngày! Nhưng khi bác sĩ thật thà tốt bụng khuyên nên ăn uống thoải mái, “muốn ăn gì cứ ăn”, thì hiểu ngay là bệnh đã “hết thuốc chữa rồi”! Ông nọ đi khám bác sĩ về cứ bần thần buồn bực, bà vợ gặng hỏi, ông nói bác sĩ nói bệnh anh phải uống thuốc suốt đời mà ông ta chỉ cho có… 10 viên!
Chuyện ăn uống của người cao tuổi nói chung nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử. “Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn thức gì thì nó đang cần thức đó! Cũng đừng quên ăn uống là chuyện của văn hóa! Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục, không sao. Miễn đủ bốn nhóm: bột (glucid), đạm (protid), dầu (lipid), rau (vitamin, khoáng)… Mắm nêm, mắm ruốc, tương chao, các thứ gia vị… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt… Hãy “tự tại” đến mức có thể, miễn là món ăn vệ sinh, an toàn. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ! Nhưng khi các cụ đột ngột gầy ốm, sụt cân nhanh thì đã có vấn đề. Suy dinh dưỡng chăng? Trầm cảm chăng? Có triệu chứng khởi đầu của Alzheimer chăng? Hay đang mắc một thứ bệnh nặng nào đó? Những bữa ăn gia đình có cha mẹ già cần tránh tất cả những sự căng thẳng, những lời nói đắng cay, tranh chấp, không vui… Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ cái bao tử là vậy.
Đỗ Hồng Ngọc (theo Giai phẩm xuân TGHN)
AI – KHÔNG THỂ THAY THẾ PHẨM CHẤT CON NGƯỜI
AI – KHÔNG THỂ THAY THẾ PHẨM CHẤT CON NGƯỜI
TS Lê Nguyên Phương
Trong khi trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng xâm nhập mọi khía cạnh cuộc sống của con em chúng ta thì những phẩm chất của con người trong việc nuôi dạy con cái là không thể thay thế và chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này. Mặc dù AI mang lại sự tiện lợi, hiệu quả và khả năng thích ứng, nó vẫn thiếu đi chiều sâu cảm xúc, sự đồng cảm, và định hướng đạo đức chỉ có ở con người.
EARTH- Đồng cảm, Chân thật, Kiên cường, Khéo léo, Hài hước
Để giúp các bậc phụ huynh tập trung vào việc phát triển những phẩm chất mà công nghệ không thể tái tạo, đảm bảo mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái vẫn luôn bền vững và sâu sắc. Dựa vào những nghiên cứu cá nhân về việc dạy con trong bối cảnh AI, tôi muốn giới thiệu bạn đọc mô hình EARTHWISE, một khuôn khổ lý thuyết được thiết kế để giúp cha mẹ nhận biết và phát huy những giá trị độc đáo của mình, đảm bảo mối quan hệ cha mẹ-con cái luôn bền chặt trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng.
Sự đồng cảm (Empathy). Đây là khả năng của cha mẹ trong việc thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc của con cái, để từ đó xây dựng một mối quan hệ gắn kết sâu sắc và tạo cảm giác an toàn. Điều này bao gồm việc nhận biết và xác nhận cảm xúc của trẻ, giúp củng cố niềm tin và tạo ra một môi trường hỗ trợ, nơi trẻ cảm thấy được hiểu và trân trọng. Sự đồng cảm đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối cảm xúc, đòi hỏi cha mẹ phải hiểu cảm xúc của con mình và đáp lại bằng sự quan tâm chân thành. Khả năng của AI trong lĩnh vực này đạt khoảng 40%, khi AI có thể nhận diện và phản hồi hỗ trợ dựa trên dữ liệu, nhưng không thể tái tạo sự chân thành hay những trải nghiệm cảm xúc được chia sẻ, vốn là cốt lõi của sự đồng cảm thực sự trong việc nuôi dạy con cái.
Tính chân thật (Authenticity), thể hiện sự chân thành và thật tâm trong mọi tương tác, giúp trẻ cảm thấy tin tưởng và an toàn khi thể hiện bản thân. Trong vai trò làm cha mẹ, tính chân thật đòi hỏi sự trung thực, liêm chính và nhất quán giữa lời nói và hành động, từ đó tạo ra một môi trường mà trẻ được tôn trọng và trân trọng vì chính con người thật của mình. Mặc dù AI có thể giả lập sự chân thành thông qua các phản hồi được lập trình, bản chất của nó chỉ là hành vi “diễn xuất” dựa trên thuật toán, chứ không phải sự chân thành xuất phát từ ý chí và cảm xúc thực sự. Trẻ em nhận ra sự chân thật không chỉ qua lời nói mà còn qua hành động, giọng điệu và ngữ cảnh—những yếu tố mà AI không thể tái tạo đầy đủ. Khả năng của AI trong việc thay thế phẩm chất này được ước tính khoảng 20%, khi nó có thể trình bày sự thật nhưng không thể liên kết lời nói với giá trị hay ý định một cách chân thật.
Tính kiên cường (Resilience), khả năng của cha mẹ trong việc không ngừng vượt qua khó khăn và thích nghi với thách thức khi nuôi dạy con cái. Phẩm chất này giúp cha mẹ duy trì thái độ tích cực và chủ động, mang lại sự ổn định và hỗ trợ cần thiết cho con cái, ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Điều này gắn liền với kinh nghiệm sống, sự tự phản tỉnh và khả năng điều chỉnh cảm xúc của con người. Khả năng của AI trong việc thay thế phẩm chất này chỉ đạt khoảng 30%, vì dù có thể xử lý và thích nghi với các thông tin mới, AI không thể mô hình hóa hay truyền cảm hứng cho sức mạnh cảm xúc và sự phát triển cá nhân trong những hoàn cảnh khó khăn.
Sự khéo léo (Tact), liên quan đến việc xử lý những tình huống nhạy cảm, giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu, đồng thời hướng dẫn chúng vượt qua những cuộc trò chuyện hoặc trải nghiệm khó khăn. Phẩm chất này đòi hỏi sự nhạy bén, nhận thức cảm xúc, và khả năng phán đoán theo ngữ cảnh, đặc biệt trong các tình huống đòi hỏi sự tinh tế trong giao tiếp. Mặc dù AI có thể phân tích ngôn ngữ để tránh những phản hồi mang tính thiếu tế nhị, nó không thể hoàn toàn nắm bắt được sự phức tạp của các mối quan hệ con người hoặc đoán trước những sắc thái chưa được nói ra trong các tương tác giữa cá nhân. Khả năng của AI trong việc thay thế phẩm chất này ước tính đạt khoảng 50%, vì dù có thể xử lý ngôn ngữ một cách nhạy cảm ở mức độ nào đó, AI vẫn thiếu nhận thức văn hóa, cảm xúc và bối cảnh tình huống để thực sự thể hiện sự khéo léo một cách trọn vẹn.
Sự Hài hước (Humor). Đây là khả năng của cha mẹ mang lại niềm vui và sự nhẹ nhàng trong hành trình nuôi dạy con cái, giúp xoa dịu căng thẳng, tạo nên những kỷ niệm vui vẻ và xây dựng bầu không khí gia đình tích cực. Trong những khoảnh khắc cười đùa cùng con, cha mẹ không chỉ củng cố mối quan hệ gắn bó mà còn làm cho những tình huống khó khăn trở nên dễ dàng hơn và dạy con cách nhìn cuộc sống một cách lạc quan hơn. Sự hài hước là một phẩm chất tinh tế, đòi hỏi sự đúng lúc, hiểu biết văn hóa, và khả năng cảm nhận, phản hồi các dấu hiệu ngữ cảnh phức tạp. Khả năng của AI trong việc thay thế phẩm chất này chỉ khoảng 25%, khi nó có thể tạo ra các câu nói hài hước cơ bản và phản ứng với các ngữ cảnh hài hước, nhưng thiếu đi chiều sâu và sự tự nhiên cần thiết để thể hiện sự hài hước mang ý nghĩa thực sự.
WISE: Trí tuệ, Trực giác, Thiêng liêng, Đạo đức
Nếu năm điều nói trên nhấn mạnh nhiều đến khía cạnh tương tác thì các điều sau quan tâm hơn đến phẩm chất nội tại của cha mẹ trong việc dạy con.
Trí tuệ (Wisdom). Đây là phẩm chất của cha mẹ trong việc cung cấp những lời khuyên sâu sắc và thấu đáo, dựa trên kinh nghiệm sống và đạo đức. Phẩm chất này giúp trẻ định hướng trong sự phức tạp của cuộc sống, xây dựng nền tảng đạo đức vững chắc và nuôi dưỡng ý thức về mục đích sống. Trí tuệ được hình thành từ kinh nghiệm cá nhân, khả năng nhận thức đạo đức, và sự hiểu biết sâu sắc về các thách thức của cuộc sống. Mặc dù AI có thể cung cấp thông tin chính xác và phân tích logic, nó thiếu đi kinh nghiệm sống và chiều sâu đạo đức cần thiết để truyền tải trí tuệ một cách ý nghĩa. Khả năng của AI trong việc thay thế phẩm chất này được ước tính khoảng 35%, khi nó vượt trội trong việc cung cấp thông tin nhưng không thể tổng hợp thành trí tuệ dựa trên trải nghiệm cá nhân hoặc nhận thức đạo đức.
Trực giác (Intuition) là khả năng gần như bẩm sinh của cha mẹ trong việc cảm nhận và đáp ứng nhu cầu cũng như cảm xúc của con cái mà không cần đến lý luận có ý thức. Sự hiểu biết sâu sắc và mang tính bản năng này giúp cha mẹ xây dựng một mối quan hệ nuôi dưỡng và đáp ứng, đảm bảo rằng con cái cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ, ngay cả khi chúng không thể diễn đạt cảm xúc của mình thành lời. Trực giác đòi hỏi sự nhạy bén sâu sắc với nhu cầu và cảm xúc của người khác, thường vượt xa những gì được truyền đạt rõ ràng. AI chỉ dựa vào dữ liệu đầu vào rõ ràng và mô hình xác suất để đưa ra dự đoán và suy luận vì vậy khả năng của AI trong việc thay thế phẩm chất này ước tính khoảng 30%, nó có thể dự đoán và suy luận nhu cầu dựa trên các mẫu hình, nhưng lại thiếu khía cạnh cảm xúc và tiềm thức vốn là cốt lõi của trực giác con người.
Sự thiêng liêng (Sacre) là phẩm chất tiếp theo. Nó bao gồm sự tôn kính cha mẹ và là mối quan hệ độc nhất và không thể thay thế giữa cha mẹ với con cái mình, nuôi dưỡng tình yêu, sự tin tưởng và mối gắn kết bền vững suốt đời. Phẩm chất này xuất phát từ ý thức nhân văn, chiều sâu tinh thần và khả năng cảm nhận sự kỳ diệu trong mối quan hệ gia đình. Sự tôn kính và trân trọng vốn có trong khái niệm này gắn chặt với nhận thức, tâm linh và khả năng cảm xúc của con người, điều mà AI—chỉ là một công cụ—không thể sở hữu hay tái tạo. Khả năng của AI trong việc thay thế phẩm chất này chỉ đạt khoảng 10%, do nó không thể chạm tới các chiều sâu tinh thần và nhân văn vốn là cốt lõi của sự thiêng liêng trong mối quan hệ cha mẹ – con cái.
Đạo đức [Ethic]. Phẩm chất này không chỉ đơn thuần là những bài học được giảng dạy mà còn được thể hiện qua chính lối sống, cách hành xử và quyết định của cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày. Khi cha mẹ sống với đạo đức rõ ràng và kiên định, họ không chỉ truyền cảm hứng cho con cái mà còn tạo ra niềm tự hào và lòng kính trọng ở con khi chúng trưởng thành. Sự hiện diện của phẩm chất này giúp xây dựng nền tảng giá trị bền vững trong gia đình, nuôi dưỡng lòng tin và định hướng cho con cái một cách tự nhiên. Khả năng của AI trong việc thay thế phẩm chất đạo đức của cha mẹ chỉ đạt khoảng 20%, bởi AI có thể giải thích nguyên tắc nhưng không thể hiện được chiều sâu nhân văn và sự dẫn dắt đạo đức thông qua chính cuộc đời và hành động thực tế như cha mẹ có thể làm.
Ngoài ra những chữ đầu trong bộ năng lực và phẩm chất giáo dục con cái này tạo thành chữ EARTHWISE- cũng có nghĩa là trí tuệ của trái đất, chúng ta học để trở nên có năng lực trí tuệ và chung sống hòa hợp mà cùng tiến hóa với hệ thống sinh thái trên hành tinh này.
Hãy nhớ rằng, trong mỗi nụ cười ấm áp, mỗi cái ôm dịu dàng, và mỗi lời động viên chân thành của cha mẹ đều chứa đựng một sức mạnh kỳ diệu không gì có thể thay thế. Đó là sức mạnh của tình yêu thương vô điều kiện, của sự gắn kết sâu sắc, và của niềm tin vào tương lai tươi sáng mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng cho thế hệ mai sau.
Khi áp dụng mô hình EARTHWISE, các bậc cha mẹ không chỉ đang khẳng định vai trò độc đáo của mình trong thời đại số, mà còn đang góp phần kiến tạo một thế hệ trẻ vừa thông thạo công nghệ, vừa giàu năng lực cảm xúc và đạo đức. Đó chính là món quà quý giá nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho con em mình – một nền tảng vững chắc để các em tự tin bước vào tương lai, với trái tim nhân ái và tâm hồn phong phú.
( Theo THẾ GIỚI HỘI NHẬP, Giai phẩm Xuân 2025)
Thư gởi bạn xa xôi: Thư quán HƯƠNG TÍCH
Thư gởi bạn xa xôi: Thư quán HƯƠNG TÍCH
Đã lâu không ghé thăm Hương Tích, Thư quán của Thầy Tuệ Sỹ, nay do Thầy Hạnh Viên, Trưởng tử của Thầy Tuệ Sỹ chăm sóc. Rất nhiều hình ảnh, dấu tích của Thầy Tuệ Sỹ còn đó.
Tình cờ mà gặp Tâm Nhiên. Râu tóc xum xuê.
Gởi bạn vài hình ảnh thôi nhe.

Tâm Nhiên, Đỗ Hồng Ngọc, Thầy Hạnh Viên.
Thư Quán Hương Tích, 16.01.2025

Đỗ Hồng Ngọc và Tâm Nhiên.

Gởi tặng Thầy Hạnh Viên cuốn Ngôn Ngữ đặc biệt (ĐN/ĐHN), có bài viết về Thơ Tuệ Sỹ “Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn”…

Một bức thư pháp của Thầy Tuệ Sỹ. Chịu, không đọc nổi! Thầy Hạnh Viên bảo đó là một câu thơ của Lý Hạ, đời Đường: Thiên nhược hữu tình thiên diệc lão.
Trời mà có tình thì trời cũng già thôi!
Bạn thấy không? Đừng kêu tại sao mình già… khú đế nhe!
Nhớ Chu Mạnh Trinh không? Ta cũng nói tình thương người đồng điệu!
Cho nên ta… già và già nhanh là phải rồi!
Thân mến,
ĐHN
Thư gởi bạn xa xôi: TUỔI TÔI
Thư gởi bạn xa xôi,
Nghe Phạm Cao Hoàng ngưng Trang Văn học nghệ thuật Phạm Cao Hoàng rất đẹp, rất dễ thương của anh, tôi không khỏi bần thần như bạn bè mình khắp chốn… Nhớ năm kia, PCH kêu bạn bè mỗi người góp một bài thơ “Lục Bát Giao Thừa” mừng Năm Mới cho vui, không ngờ mà bạn bè xúm xít rất đông trên Trang nhà PCH này. Nay tự dưng nghe ngưng, không buồn sao được!
Vậy nên, xin chép lại bài Lục bát TUỔI TÔI đã gởi cho PCH lần đó…
TUỔI TÔI
tặng phạm cao hoàng
Nửa đêm thức giấc giao thừa
Đì đùng pháo nổ chẳng ngờ ù tai
Sớm ra mùng một mùng hai
Áo quần tươm tất lai rai quanh nhà
Nêu cao khập khểnh ta-bà
Ngó quanh ngó quất ta lì xì ta
Mới hay ngày tháng phôi pha
Mỗi đêm là mỗi giao thừa…
Thiệt vui!
đỗ hồng ngọc
(đỗ nghê)
25.01.2025
Bản dịch tiếng Đức “Một Ngày Kia… Đến Bờ”
GHI CHÚ:
Một ngày kia… đến bờ?
Tuỳ bút
Đỗ Hồng Ngọc.
Lời ngỏ
Bờ nào? Bờ bên kia hay bờ bên này? Đáo bỉ ngạn? Là mong cho tới bờ bên kia? Ý rằng bờ bên kia hẳn là hay hơn, đẹp hơn, tốt hơn bờ bên này? Sao biết? Đã có ai nói cho biết chưa? Có con rùa nào từng đi dạo lang thang từ dưới biển lên đất liền nói cho biết chỗ nào đáng sống hơn chăng?
Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté… một đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú… năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư ư? Sao người ta vẫn đọc hà rầm khắp nơi, đọc hằng ngày câu chú trong Tâm kinh Bát Nhã đó mãi mà vẫn thấy cứ còn khổ, thậm chí “cực khổ”, nên chỉ mong sao được mau về miền “cực lạc”, được vãng sanh qua nơi khác, qua bờ bên kia. Vậy mà lạ, hình như ai cũng muốn sống lâu, thậm chí trường sinh bất tử, nghĩa là ở mãi nơi này, nơi “cực khổ” này? Tại sao?
Tôi viết những cảm nghĩ này ở tuổi U90 của mình, viết cho riêng mình đọc, lai rai đọc cho đến khi không cần đọc nữa! Và dĩ nhiên có thể chia sẻ cùng bè bạn thân quen “cùng một lứa bên trời lận đận” của mình để có dịp “chí chóe” cho vui…!
Đỗ Hồng Ngọc
(6.2023)
……………………………..
Bản dịch Anh ngữ trên Thư viện Hoa Sen
“One Day… Reaching the Other Shore”
Dr Do Hong Ngoc, MD
Saigon, June 2023
(Manuscript – write for myself aged U90)
Translated by Red Pine
https://thuvienhoasen.org/a40640/mot-ngay-kia-den-bo-one-day-reaching-the-other-shore-song-ngu-vietnamese-english-
………………………………………..
Bản dịch tiếng Đức “Một Ngày Kia… Đến Bờ” của Văn Công Tuấn và Prof. Beuchling, được trích đăng nhiều kỳ trên báo Viên Giác của Hòa Thượng Thích Như Điển, Hannover, Đức Quốc.
Đỗ Hồng Ngọc
Eines Tages… das andere Ufer erreichen
[ Die 26 Essays in Eines Tages … das andere Ufer erreichen sind wertvolle, leicht verständliche und wissenschaftlich fundierte Dharma-Vorträge, die mit Zustimmung des Autors von Văn Công Tuấn ins Deutsche übersetzt wurden. Lektorat: Prof. Olaf Beuchling.]
Nghĩ Từ Trái Tim *

Trái tim không phải để suy nghĩ. Trái tim là để yêu thương. Khi trái tim nghĩ thì chắc cũng không nghĩ như khối óc. Trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều khi khối óc không sao hiểu được. Thời đại của chúng ta, con người dùng khối óc nhiều quá, nhiều đến nỗi người ta luôn ở trong tình trạng muốn “điên cái đầu”. Và thực vậy, bệnh tâm thần ngày càng phát triển, tự tử, ma túy, stress… ngày càng gia tăng trong một xã hội mà người ta luôn bị quay cuồng, luôn phải chạy đua với tốc độ, tuổi trẻ, nhan sắc, thành đạt…
Có lẽ đã đến lúc thử nghe tiếng nói của trái tim. Một hôm, có chàng thi sĩ đi ngang qua vườn rào kia, giật mình thấy một bông bụp đỏ ở bờ giậu, cái bông bụp rất tầm thường như hàng ngày chàng vẫn thấy khi qua lại chốn này, bỗng nhiên như nở một nụ cười mầu nhiệm, rồi không chỉ cười, nó hát, và chàng thi sĩ chỉ còn biết sụp lạy, cúi đầu (1). Vâng, chàng đã nghe. Nghe không phải từ bông hoa kia mà từ trong trái tim mình. Và chàng sửng sốt. Mọi thứ như khác hẳn. Đã thoát ra, đã vượt ra, vượt qua… Người ta có thể nghĩ chàng thi sĩ chắc điên, có điều chàng biết rất rõ chàng đã nghe, đã thấy một điều kỳ lạ. Một thứ mật ngữ. Như anh chàng chèo đò của Hermann Hesse, ngày ngày vẫn chèo đò đưa người qua sông, cho đến một hôm bỗng nghe được tiếng nói của dòng sông và từ đó chàng đã tự đưa mình qua sông, và đã vượt ra, vượt qua.
Chúng ta bây giờ hình như có quá ít thì giờ để nghe tiếng nói của trái tim mình, dù chỉ cần nhấp con chuột trên vi tính thì đã nối trọn vòng trái đất, vậy mà người ta có vẻ ngày càng xa nhau hơn, xa với người và xa cả với mình. Một thi sĩ đã phải kêu lên: “…Không có thì giờ! Chim lấy đâu mà về tổ. Tôi lấy đâu mà làm thơ. Em lấy đâu mà đọc những ai thơ tôi sắp viết?…” (2). Tôi cũng không có thì giờ. Quần quật. Tối tăm mặt mũi vì “trăm công ngàn việc”. Cho đến một hôm, hình như, có lẽ, một lần kia có một lúc hình như tôi cũng chợt nghe. Hình như thôi không chắc không dám. Ngẫm nghĩ ròi viết ra cho khói quên, đế lâu lâu còn coi lại một mình. Ba năm nghiền ngẫm, sáu tháng viết và hơn hai năm ngại ngần, thỉnh thoảng đọc và sửa, nhờ vài bạn thâm giao chỉ thêm cho, rồi tìm tòi, tham khảo, loay hoay…
Tôi không phải là thi sĩ, không phải là tu sĩ, tôi chỉ là một bác sĩ, một người thầy thuốc, nên đôi khi phải hành nghề, phải giúp đỡ bạn bè, hàng xóm, kẻ nhức đầu, người đau lưng… và trước hết là phải chữa bệnh cho chính mình. Có những lúc thuốc men chỉ chữa được cái đau mà không chưa được cái khổ, chữa được “triệu chứng” bên ngoài mà không chữa được “căn nguyên” sâu xa, tầng tầng, lớp lớp bên trong. Tôi đành chia sẻ những điều tôi nghĩ, tôi cảm, tôi nghe. Có thể đúng. Có thể sai. Có thể không đúng không sai. Có khi hiệu quả, có khi không. Có người hợp mà có người dị ứng. Vậy nên nếu tình cờ đọc được những dòng này thì xin hiểu cho mà đừng trách. Nếu muốn, có thể tủm tỉm cười một mình. Cũng chẳng khoái ru?
* Lời Ngỏ của sách “Nghĩ Từ Trái Tim” ấn hành năm 2003.
(1) Quách Thoại (2) Nguyên Sa

The heart is not meant for thinking; it is meant for loving. When the heart engages in thought, it does not do so in the same manner as the brain. The heart possesses its own unique way of processing emotions that the brain sometimes struggles to comprehend. In today’s world, people rely excessively on their intellect, to the point where they often feel overwhelmed and on the verge of losing their sanity. Consequently, mental health issues, including rising rates of suicide, substance abuse, and stress, are becoming increasingly prevalent in a society where individuals are constantly racing against the demands of speed, youth, beauty, and success.
Perhaps it is time to listen to the voice of the heart. A poet saw a red hibiscus flower blooming on a garden fence one day, which startled him. It was an ordinary hibiscus, like the ones he encountered daily, yet it suddenly radiated a mysterious smile. Not only did it smile, but it also sang, leaving the poet in awe, compelled to bow his head in reverence. Yes, he heard it—not from the flower, but from deep within his heart. He was astonished; everything seemed transformed. He had escaped, transcended, and gone beyond. While others might think the poet was mad, he understood that he had witnessed something extraordinary—a secret code. It was reminiscent of the ferryman from Hermann Hesse’s writings, who rowed his boat daily to ferry people across the river. One day, he heard the voice of the river, and, from that moment on, he took himself across, transcending the ordinary.
We now seem to have too little time to listen to the voice of our hearts. Although clicking a mouse can connect us to the entire world, people appear to be increasingly distant from one another and from themselves. A poet once exclaimed, “No time! Where do birds return to their nests? Where do I find the opportunity to write poems? Where do you learn the poems I am about to compose?” I, too, feel pressed for time. The weight of “a thousand things to do” has left me exhausted. Yet, one day, it seems—perhaps once in a while—I suddenly hear it. I am uncertain; I am not willing to believe it. I contemplate it until I forget, only to look back at it in solitude. Three years of reflection, six months of writing, and more than two years of hesitation have passed, during which I occasionally read and edit, seek advice from a few close friends, and engage in a process of searching, consulting, and struggling.
I am not a poet or a monk; I am simply a doctor and a healer. My duty is to practice medicine, to assist friends, neighbors, and those suffering from headaches or back pain. Above all, I must first heal myself. There are times when medicine can alleviate pain but not eliminate suffering, or it can address external symptoms but fail to reach the deep-rooted issues buried beneath many layers within the mind.
I need to express my thoughts, feelings, and perceptions. They may be correct, incorrect, or perhaps neither. At times, my insights resonate, while at other times, they do not. Some individuals share my perspective and are not averse to it. Therefore, if you happen to read these words, please try to understand and refrain from judging me. If you wish, you can smile to yourself. Isn’t that delightful?
* Preface to the book “Thinking from the Heart“, published in 2003.
Trần Thiện Hiệp: NHỮNG DẤU MỰC CŨ
Trần Thiện Hiệp: NHỮNG DẤU MỰC CŨ
Ghi chú: Nhà thơ Trần Thiện Hiệp, năm nay vừa tròn 90 tuổi, mới bay về Phan Thiết “ăn Tết” sáng nay 1.1.2025 vừa gởi đến tôi và nhóm bạn “Cựu học sinh lão thành” Trường Phan Bội Châu Phan Thiết… một bức thư cảm động…
Trần Thiện Hiệp, Nguyễn Đình Tư (nhà thơ Từ Thế Mộng) vào Trường ngay lúc mới thành lập, năm 1952, còn bọn tôi Phan Bá Thụy Dương, Đỗ Hồng Ngọc, Huỳnh Tấn Thời, Phan Đổng Lý, Trần Vấn Lệ… vài năm sau (1954) giờ đều đã U90…
Người góc biển kẻ chân trời…
ĐHN.
Thư Trần Thiện Hiệp
Các bạn tôi ơi!
ĐỖ HỒNG NGỌC * cựu học sinh lão thành Phan Bội Châu – Phan Thiết
Trường Trung học Phan Bội Châu Phan Thiết được thành lập vào năm 1952, đến nay (2012) vừa tròn 60 năm. Nghe nói đến tháng 11 này, trường sẽ có một “đại lễ” kỷ niệm 60 năm, cũng là dịp thầy trò nhiều thế hệ gặp nhau ở thành Phan.
Không hẹn mà hôm 30/6/2012, tình cờ một nhóm bạn cựu học sinh “lão thành” PBC lại gặp nhau ở buổi khai mạc phòng Triển lãm tranh của một người bạn chung: Họa sĩ Cù Nguyễn, huy chương vàng 1966. Sau đó, kéo nhau ra một quán café bờ hồ, ngồi nhâm nhi biết bao chuyện cũ!
Có những người gần 60 năm mới gặp lại nhau, nhìn không nhớ. Nhưng chỉ ngớ một thoáng thôi rồi òa vỡ những trận cười, mày mày tao tao tíu tít. Họ nói cười không ngớt. Nhắc bạn bè xưa, nam lẫn nữ, kẻ chân trời người góc bể, như cùng có mặt nơi đây. Nhắc cả những con đường “mang tên em”, cả số nhà, cả tên cha mẹ con người ta! Rồi cười ha hả. Như trẻ thơ. Một lúc thôi, phải một lúc thôi thì người nào người nấy cũng trẻ lại không ngờ. Như không hề có thời gian, không hề có 60 năm xa cách. Họ nói xấu nói tốt về nhau, hào hứng kể những chuyện xấu của chính mình, của bạn mình không… thương tiếc! Và lạ thay, càng nghe lại càng thương mến nhau hơn, không chỉ của những người có mặt mà cả những người vắng mặt. Thằng kia bây giờ nát rượu, thằng nọ … bị vợ bỏ, thằng này hồi xưa mê em gái tao không dám nói ra, thằng đó hào hoa số một, chuyên quất ngựa truy phong, thằng nọ chọc thầy giáo, làm thầy trượt vỏ chuối té nhào… Ôi bao nhiêu thứ chuyện của lũ học trò nhất quỷ nhì ma!
Thường thì coi hình từ bên trái qua, nhưng với hình này, nên bắt đầu từ bên phải: Trần Thiện Hiệp, Huỳnh Tấn Thời, Đỗ Hồng Ngọc, Phan Bá Thụy Dương, Hồ Hữu Thủ, Trần Yên Thảo. (Càphê Đông Hồ, Saigon, 2012)
Nhà thơ Trần Thiện Hiệp (anh của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh), không thể ngờ đã 78 tuổi (Ta), trẻ lạ lùng, trông cứ như một cao-bồi Texas. Nhưng, thật ra, anh phải luôn đội chiếc nón để giấu cái đầu bóng loáng của mình. Anh là thế hệ vào Phan Bội Châu đầu tiên, ngay khi mới thành lập, 1952, cùng thời với nhà thơ Từ Thế Mộng (Tư Đình), lúc đó PBC còn ăn nhờ ở đậu bên trường Tiểu học Đức Thắng B. (Đến năm 1954, bọn tôi đã được học ở Trường PBC trên đường Trần Hưng Đạo. Sau này, trường mới dời về cơ sở hiện tại ở 70 Lê Hồng Phong PT).
Cuối năm học Đệ Tứ, hai đứa rớt Diplôme, bỏ trường đi biệt xứ, người đồng bằng, cao nguyên…
…Nhưng hình như có duyên, mười năm sau gặp lại, lúc đó tôi lính rừng, nàng công chức tỉnh lẻ.
Chia tay có giọt lệ. Súng nổ đuổi hai người. Tôi tàn đời bóng xế. Nàng mờ ảo mây trôi…
Năm hai ngàn mười một, bỗng, hốt nhiên, mây ngừng. Em! Phải là em không? Anh! Anh là anh Lệ?
Vui mừng bao xiết kể…rồi cũng buồn chất thêm. Chừ, chữ Nàng thành Em, ngó mặt nhau…rồi hết!
Ngó mặt em, em đẹp. Bốn mươi bốn năm trời, không ai nói một lời, nói gì đây cũng lỡ…
Còn nhau nhờ địa chỉ, còn nhau còn số phone và e mail không ồn mà buồn ơi với tiếc!
Hai đồng tiền em siết một đời tôi nhớ thương. Chưa một lần tôi hôn trên hai đồng tiền đó!
“Sáng nay trời nổi gió, mùa Thu đầy trong hồn, xa rồi xa bến cũ, dòng sông trôi thê lương…”
Mấy câu thơ Thế Viên vô duyên bay lãng đãng. Mùa Thu đang loáng thoáng, em à gió heo may…
Đổng-Lý.
Giúp Cha Mẹ Vui Tuổi Già
Giúp cha mẹ vui tuổi già
Đỗ Hồng Ngọc
Bản dịch Anh ngữ: Nguyên Giác Phan Tấn Hải
Đợi cha mẹ già qua đời rồi mới báo hiếu làm đàn tràng cầu siêu thiệt to, mua đất nghĩa trang thiệt rộng, xây mồ xây mả thiệt đẹp, hoặc đem tro cốt vào chùa, nhang khói mịt mù, đặt nắm tro tàn cha mẹ ở một vị trí thiệt tốt… không ngại tốn kém!
Đợi cha mẹ già vào bệnh viện, đặt ống nội khí quản giúp thở, truyền đạm truyền dịch chai dưới chai trên, bơm thức ăn qua ống thông dạ dày, dây nhợ chằng chịt khắp người theo dõi nhịp tim nhịp thở, thuốc men không ngại tốn kém… sẵn sàng bán nhà bán cửa chữa chạy, “còn nước còn tát”!
Thế nhưng khi cha mẹ già đang sờ sờ bên cạnh thì bận bịu trăm công ngàn việc, không có chút thì giờ để hỏi han, chăm sóc…
Một ông bố viết cho con:
“… Người già sợ nhất cảnh cô đơn nên nếu các con đã hiểu thì hãy thương cho tròn. Tình thương ấy không đánh đổi bằng tấm ngân phiếu kếch xù hay quà bánh đắt tiền mà chính là… thời gian. Một lúc nào đó trong ngày mà các con thấy trống vắng thừa thãi thì hãy mang đến tặng Bố giờ phút vô nghĩa ấy! Bản chất nó vô giá nhưng lại vô cùng quý báu nếu chia sẻ đúng đối tượng… Con dư biết, sáng chiều Bố lủi thủi hết ngồi lại nằm, cô đơn bên cạnh một người trả công chỉ biết im lặng canh chừng. Nếu con đến thăm, nhớ bỏ hết công việc và lo toan ở ngoài xe trước khi vào nhà, tránh cảnh thân tâm mỗi chỗ mỗi nơi để cha con sống thật những kỷ niệm cuối đời bên nhau. Người già như Bố đương nhiên ăn nói sẽ không còn mạch lạc hấp dẫn, xin con đừng nhăn nhó… Hãy nhẫn nại ngồi nghe như thuở nuôi con còn bé, Bố đã từng chăm chú theo dõi tiếng con bi bô học nói… lặp đi lặp lại nhiều lần một chữ từ ngày này qua ngày nọ liên hồi…”. (Internet).
Có một cách giúp biết khi nào cha mẹ đã… bước vào tuổi già ấy là “lén” quan sát họ có những dấu hiệu bất thường nào về tâm lý, về sức khỏe của lứa tuổi già chưa. Nhưng biết là để quan tâm, chăm sóc, can thiệp kịp thời thôi chớ không phải để “dán nhãn” cho họ đã già nua, lỗi thời, rồi không để họ còn có chút độc lập tự do gì nữa thì rất không nên!
Họ có lơ là quá đáng chuyện ăn mặc không? Xưa áo quần thẳng thớm, nay xốc xếch, xộc xệch, đứt nút, rách bâu mặc kệ? Họ có lơ là quá đáng việc chăm sóc bản thân mình không? Chẳng buồn tắm rửa, hớt tóc cạo râu, tóc tai bù xù mặc kệ. Trí nhớ họ còn tốt không hay quên trước quên sau, lặp đi lặp lại hoài một chuyện? Họ có loay hoay tìm kiếng lão, dù đang đeo trên mắt hay tòng teng trên cổ không? Họ có nghễng ngãng nghiêng tai bên này bên kia để nghe cho rõ hoặc cứ hỏi đi hỏi lại một chữ không? Họ có kêu TV mờ, sách báo chữ nhỏ quá, màu sắc không rõ ràng như xưa không? Họ có bước đi từng bước chầm chậm, loạng choạng, lê chân trên mặt đất như chân đã mọc dài ra và dễ bị vấp, bị trượt, bị té ngã không? Họ có kêu đau lưng nhức mỏi thường xuyên không? Có bỏ quên chìa khóa, quên điện thoại nơi này nơi kia tìm kiếm vất vả không? Thỉnh thoảng có quên tắt lò gaz, quên khóa cửa nhà… không?
Để ý coi họ còn thèm ăn uống không, ăn uống có còn biết ngon lành không hay sao cũng được? Họ có chê món này cứng món kia khó nhai không? Ngủ có dễ không hay trằn trọc loay hoay suốt đêm? Có còn ham đi đây đi đó, cà phê cà pháo với bạn bè không? Có còn mê coi đá banh, tennis… như ngày xưa không hay chỉ thích ngồi im một chỗ lúc nào cũng như đang im lặng lắng nghe, nhớ nghĩ đâu đâu…hoặc ôm TV suốt ngày rồi nhầm tưởng cảnh tượng trong phim ảnh là sự thật ngoài đời?
Để ý coi họ có đã bắt đầu thở hồn hển nặng nhọc… khi leo cầu thang trong căn nhà quen thuộc của mình không? Họ có bắt đầu thức giấc tiểu đêm nhiều lần, có dễ bị dị ứng khi ăn một món ăn quen thuộc? có bị bón phải rặn hì hục vất vả không?…
Tóm lại, quan sát kỹ một chút sẽ thấy những thay đổi đó và tốc độ thay đổi ngày càng nhanh. Già thiệt rồi!
Một ông lão than thở: “ Các lão bằng hữu ơi, cần phải ghi nhớ chúng ta đều là những con người của cái thế hệ cuối cùng hiếu thuận với cha mẹ, lại cũng là những con người của cái thế hệ đầu tiên bị con cái bỏ rơi”. Ngậm ngùi quá đỗi! Vì đâu nên nỗi?
Bởi vì thế hệ trước kia sống trong nền văn hóa đề cao “đạo hiếu”, học Quốc văn giáo khoa thư, học Nhị thập tứ hiếu, gia đình “tứ đại đồng đường”, xóm làng gần gũi, dư luận buộc ràng, nay thì đời sống đã khác: gia đình hạt nhân, nhiều cặp ly hôn ly dị, single mom, single dad v.v…, nhiều gia đình chỉ có một con duy nhất làm sao gánh nổi ông bà nội ngoại hai bên? Rồi đây các thế hệ già sẽ được nuôi trong nhà dưỡng lão (nursing home), nên ngay bây giờ phải coi chuyện “con cái bỏ rơi” là chuyện bình thường, có hiếu thuận là thỉnh thoảng con cái nhớ mà đến thăm đôi khi.
Có nhiều cách để giúp cha mẹ già được vui:
* Dành thời gian ngồi bên cha mẹ, nhắc những chuyện xưa, hỏi chuyện tuổi thơ của cha mẹ, chuyện học hành, chuyện chọn nghề, chuyện tình cảm của họ… để họ có cơ hội kể lại một cách hào hứng, nhiều khi lặp đi lặp lại cũng nên ân cần lắng nghe;
* Nhắc những ngày còn thơ của mình, những khó khăn gian khổ của gia đình như một cách tỏ lòng biết ơn, rằng nhờ họ mà mình có được ngày nay;
* Sưu tầm những hình ảnh kỷ niệm của gia đình qua nhiều giai đoạn, những hình ảnh thuở còn thơ của con cháu, dán vào một album để cùng coi chung cả nhà hoặc làm một “triển lãm bỏ túi” gợi nhớ những kỷ niệm: “ngày này năm xưa em còn bé tí teo”…;
* Thỉnh thoảng dành thì giờ đưa cha mẹ đi thăm những nơi nhiều kỷ niệm của họ, mái trường xưa, căn nhà cũ dù đã đổi thay, những bà con lâu ngày chưa gặp nơi này nơi khác, những bạn bè thuở ấu thơ kẻ mất người còn…;
* Thỉnh thoảng tổ chức những buổi họp mặt gia đình, đặc biệt những ngày Giỗ chạp, để con cháu được nghe ông bà kể chuyện xưa, kết nối bà con cô bác. Nếu có thể thì tổ chức họp mặt bạn bè cùng lứa của cha mẹ ở một nơi phù hợp, khoáng đãng, họ sẽ có cơ hội trò chuyện râm ran với nhau…;
* Sưu tầm những bản nhạc xưa, phim cũ mà họ yêu thích, giúp họ được nghe lại, xem lại… Kỹ thuật media bây giờ rất hiện đại, chịu khó giúp để tránh sự lọng cọng của cha mẹ già;
* Sưu tầm các bài báo, hình ảnh… nếu có về thành tích của cha mẹ trong lãnh vực văn nghệ, thể thao, nghề nghiệp v.v… làm thành tập tư liệu để cùng xem với nhau, nhắc nhở những niềm hãnh diện xưa!
* Giúp cha mẹ tham gia những buổi sinh hoạt của nhóm bạn già, câu lạc bộ, hội quán người cao tuổi, nhóm coi bóng đá, tennis, nhóm hát hò, ngâm thơ, thậm chí nhóm bạn chơi tứ sắc, mạc chược, cờ vua, cờ tướng…;
* Khuyến khích cha mẹ học một kỹ năng mới: ngoại ngữ, vi tính, chơi games, biết dùng smartphone để chuyện trò, nhắn tin, biết xài tablet ( cái “quẹt quẹt” này giúp biết đủ thứ chuyện trên đời!)… Nhờ đó các tế bào não không bị rỉ sét, các nối kết thần kinh được hoạt hoá, sinh động. Ngày nay người ta biết tế bào não rất nhu nhuyến và có thể sinh sôi!
* Khuyến khích cha mẹ gần gũi nhiều hơn với nhu cầu tâm linh, nói với cha mẹ về nhân quả, luân hồi, thiên đàng, địa ngục… Thường nhắc những việc làm tốt đẹp của họ trước đây để thấy thanh thản, an vui… Khuyên cha mẹ đi chùa, đi nhà thờ… Giao lưu bạn đạo, học tập điều thiện, miễn là không để rơi vào mê tín dị đoan…
Những điều này không phải là lý thuyết. Tôi đã thực hành được gần như vậy khi chăm sóc Mẹ tôi lứa tuổi già. Tôi thường ngồi trò chuyện với Bà, từ đó vẽ được đường dây như một bản đồ dòng họ, bà con bên Ngoại; nhắc bà chuyện Bà “duyên” gặp Ba tôi, chuyện đám cưới nhà quê thời đó, rước dâu có đoạn đường biển cô dâu phải đi ngựa, lội qua ao rạch, dòng suối rộng ở ngãnh Tam Tân. Chuyện bà “nổi ghen”, dắt tôi (gần 5 tuổi) bỏ về giữa buổi trình diễn cải lương ở Rạp hát có Ba tôi đóng vai trong đó; hỏi cả chuyện “người yêu” thuở nhỏ của Ba tôi hồi đó có đẹp không? Bà chỉ nói “cũng được” chớ không chịu là đẹp! Rồi tôi thường đưa Bà về thăm Phan Thiết, Phan Rang, đi ngang Bà Rịa, qua Bưng Riềng, Láng Găng, Bến Ván, Giếng Ngự ở Bình Châu, vùng tản cư của gia đình tôi ngày đó, suốt 7 năm từ 1945 đến 1952 khi Ba tôi mất mẹ con mới về Phan Thiết tá túc nhà cô Hai. Tôi cũng thường đưa Bà về thăm các dì, cậu, cô bác, thăm chùa Hải Nam v.v…, Lúc Bà yếu nhiều, tôi tổ chúc được một buổi gặp mặt các con cháu của Bà tại ngôi nhà ở Lagi để Bà được gặp mọi người, như để chào tạm biệt. Hôm đó còn quay lại phim để lưu cho con cháu… Tôi biết mình làm chưa đủ, nhưng cũng an ủi đã thực hành nhưng điều tôi học hỏi được, và chia sẻ nơi đây.
…. o ….
Help parents enjoy old age
By Đỗ Hồng Ngọc
Translated by Nguyên Giác Phan Tấn Hải
Do not wait until your parents have passed away to demonstrate your filial devotion by creating a grand altar, purchasing an elaborate burial plot, constructing an exquisite tomb, transporting their ashes to a temple filled with incense smoke, or placing them in a respectful location, regardless of the cost.
Help your parents enjoy their later years now. Don’t wait for your elderly parents to require hospitalization, an endotracheal tube for respiratory support, two bottles of intravenous fluids, a nasogastric tube for feeding, wires for heart rate and respiratory monitoring, and costly medications. You may even find yourself willing to sell your house to cover the treatment expenses, only to utter phrases like, “As long as there is water in the boat, we must scoop the water out.”
However, when your elderly parents are still around, you may find yourself preoccupied with countless responsibilities, leaving little time to inquire about or care for them.
A father wrote to his son: “The elderly are most afraid of loneliness, so if you understand, then love them fully. Time, not a large check or expensive gifts, exchanges this love. At some point during the day when you feel empty and redundant, bring that meaningless moment to Dad! It is priceless in nature but extremely precious if shared with the right person… You are well aware that Dad spends every morning and evening sitting and lying down alone, accompanied only by a paid worker who silently observes me. When you visit, it’s important to leave all your work and worries in the car before entering the house. This will prevent your body and mind from being separated, allowing your father and son to truly share their final memories together. An old man like Dad will naturally not speak coherently and attractively; please don’t frown… Please sit and listen patiently, just as I did when I was raising you as a baby. Dad used to attentively watch you babble and learn to speak, repeating the same word over and over, day after day.” (Excerpt from the Internet)
One way to recognize when your parents have entered old age is to discreetly observe them for any unusual signs of psychological or physical decline typically associated with aging. However, understanding these changes should lead to caring for them and intervening promptly, rather than labeling them as old or outdated. It is crucial to avoid stripping them of their independence and freedom, as this approach is highly inappropriate.
Are they excessively careless about their clothing? In the past, their attire was neat, but now it appears sloppy and disheveled, with broken buttons and torn cuffs. Are they neglecting their personal hygiene? Do they refrain from showering, shaving, or managing their hair? Is their memory still sharp, or do they frequently forget things, repeating the same statements repeatedly? Do they struggle to find their reading glasses, whether they are wearing them or they are hanging around their necks? Do they tilt their heads from side to side to hear clearly, or do they ask for the same word repeatedly?
Do they express concerns that the television picture is blurry, that the print in books and newspapers is too small, or that the colors are not as vibrant as they once were? Do they walk slowly and unsteadily, dragging their feet as if their legs have grown longer, making them prone to tripping, slipping, and falling? Do they frequently complain of back pain? Do they leave their keys or phones scattered about and struggle to locate them? Do they occasionally forget to turn off the gas stove or lock the door?
Pay attention to whether they still crave food, enjoy eating, or have changed their preferences. Do they find certain foods difficult to chew? Is it easy for them to sleep, or do they toss and turn throughout the night? Do they still like to go out, drink coffee with friends, and engage in social activities? Do they continue to enjoy watching football or tennis as they once did, or have they become more sedentary, sitting quietly and lost in thought, or spending all day in front of the television, confusing movie scenes with reality?
Pay attention to whether they have begun to gasp for breath when climbing stairs in their familiar home. Have they started waking up more frequently at night to urinate? Are they experiencing allergies when consuming familiar foods? Are they constipated and straining?
In short, observe closely, and you will notice these changes; the speed of change is accelerating. They are truly aging!
An elderly man lamented, “My old friends, we must remember that we are the last generation to honor our parents and the first generation to be abandoned by our children.” How tragic! Why is this the case?
Because the previous generation lived in a culture that emphasized filial piety, they studied the National Literature textbook and the Twenty-Four Filial Exemplars. Families often consisted of generations under one roof, and a strong adherence to public opinion. In contrast, contemporary life features nuclear families, numerous divorced couples, single mothers, and single fathers. Many families now have only one child, raising the question of how they can support both sets of grandparents. In the future, it is likely that older generations will reside in nursing homes. Therefore, we must begin to accept the notion of being abandoned by children as a new normal, where filial piety is redefined to mean that children occasionally remember and visit their parents.
To help your elderly parents find happiness, consider the following suggestions:
* Spend time sitting with your parents, reminiscing about old stories and asking about their childhood, education, career choices, and love stories. This gives them the opportunity to share these experiences with enthusiasm, even if they repeat themselves. It is important for you to listen attentively.
* Reflect on your childhood experiences and the challenges your family faced, expressing gratitude for the sacrifices made by your parents that have contributed to your current circumstances.
* Collect family memories through various stages of life. Gather childhood photos of your children and grandchildren, and compile them into an album for the entire family to enjoy together. Alternatively, create a pocket exhibition to reminisce about special moments, such as this day, years ago, when you were a little kid.
* Occasionally, take the time to bring your parents to visit places filled with memories for them, such as their old school or childhood home, even if it has changed. Reconnect with relatives they haven’t seen in a long time, whether at this location or another, and remember childhood friends who have passed away, as well as those who are still alive.
* Occasionally, organize family gatherings, particularly on death anniversaries, to allow children and grandchildren to hear their grandparents share old stories and connect with relatives. If feasible, arrange a meeting for your parents’ friends in a suitable, open space, providing them with the opportunity to engage in conversation with one another.
* Collect old music and classic movies that they cherish, and assist them in enjoying these again. Media technology has advanced significantly, so please help your elderly parents navigate it to avoid any technical difficulties.
* Collect articles, pictures, and any other materials related to your parents’ achievements in the fields of arts, sports, careers, and more. This will help create a collection of documents that you can enjoy together, reminding them of their past accomplishments.
* Help your parents engage in activities with their old friends, such as clubs, senior groups, football and tennis viewing parties, singing groups, poetry recitation clubs, and gatherings for playing cards, mahjong, chess, or Chinese chess.
* Encourage parents to learn a new skill, such as a foreign language, computer programming, playing games, or using a smartphone for chatting and texting. Familiarity with a tablet can also be beneficial, as this “swipe thing” helps prevent brain cells from deteriorating, activates neural connections, and keeps the mind active. Today, we understand that brain cells are highly adaptable and can regenerate!
* Encourage parents to connect more deeply with their spiritual needs. Discuss concepts such as cause and effect, reincarnation, heaven, and hell. Frequently remind them of their past charitable deeds to foster feelings of peace and happiness. Suggest that they visit a temple or church and engage with religious friends to learn positive values while being cautious not to fall into superstition.
These experiences are not mere theories. I practiced them while caring for my mother in her old age. I often sat and talked with her, during which I traced a family tree, mapping out our relatives on my mother’s side. I reminded her of the story of her “fateful” meeting with my father, recounting the tale of their country wedding. At that time, the bride’s procession stretched along the sea, and she had to ride a horse, wade through ponds, canals, and a wide stream in Tam Tân. I asked about my mother becoming jealous and taking me, then almost five years old, out into the middle of a cải lương performance at the theater where my father was performing. I also inquired whether my father’s childhood sweetheart was beautiful. She simply stated that the other woman was OK, but refused to acknowledge her beauty.
I often took my mother to visit Phan Thiết and Phan Rang, passing through Bà Rịa, Bưng Riềng, Láng Găng, Bến Ván, and Giếng Ngự in Bình Châu. This was the evacuation area for my family during the seven years from 1945 to 1952. It was not until my father passed away that my mother and I returned to Phan Thiết, where we stayed at my Aunt Hai’s house. I frequently took my mother to visit my aunts, uncles, and Hải Nam Pagoda, among other places. When she became very weak, I organized a gathering of her children and grandchildren at our home in Lagi so that she could meet everyone as a way to say goodbye. On that day, I even recorded the event for my children and grandchildren. I know I have not done enough, but I find comfort in knowing that I have practiced what I have learned and shared it here.
…. o ….
Đỗ Hồng Ngọc/ Nguyên Giác: “CON VÀO DẠ, MẠ ĐI TU” (song ngữ Việt-Anh)
“CON VÀO DẠ, MẠ ĐI TU”
Đỗ Hồng Ngọc
Ghi chú: Tôi chọn một ít bài viết, một ít chuyện kể trong “Chuyện Hồi Đó” đưa lên trang Web dohongngoc.com này để sẻ chia cùng bè bạn, đọc… lai rai cho vui nhe.
Đây là bài được Nguyên Giác chọn dịch đầu tiên sang Anh ngữ.
Thân mến,
ĐHN
(tranh Nguyên Giác)
“Mạ” là Mẹ. Con vào dạ, mạ đi tu là khi “cấn thai” vào lòng tự nhiên người mẹ nào cũng … “đi tu”! “Đi tu” đây không có nghĩa là xuống tóc, vào chùa gõ mõ tụng kinh mà chỉ có nghĩa là sửa mình, thay đổi mình, từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài. Mọi thứ ở người mẹ phải sửa sang, phải “tu chỉnh”, nên mới có câu “con vào dạ mạ đi tu”!
Sửa mình không dễ. Nhưng một khi có “con vào dạ” rồi thì tự dưng phải sửa thôi. Bởi có “sửa” thì mọi thứ mới tốt đẹp cho con, cho mẹ, và cho cả gia đình.
Thực ra, không chỉ “mạ đi tu”, mà người cha cùng cả nhà cũng đi tu với mạ!
“Con vào dạ” ấy là lúc mang vào lòng cả một thế giới, cả một kiếp người. Cái sinh linh bé bỏng này nó đến từ đâu? Nó đi về đâu? Nó sẽ ra sao? Nó đến cách nào nó đi cách nào? Người mẹ bỗng trở thành triết gia một sớm một chiều!
Cái gọi là tử cung– “dạ con”- kia chính là nơi trú ngụ của đứa con, chẳng khác chi hoàng cung là nơi trú ngụ của nhà vua- cho nên kể từ lúc này bé đã là một… vì vua loi nhoi trong bụng mẹ, làm mọi thứ trong người mẹ chuyển động, đổi thay. Mẹ bấy giờ đã là một người phụ nữ khác. Một người sắp là mẹ, sắp làm mẹ. Sinh con rồi mới sinh cha/ sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. Cũng vậy, “sinh con rồi mới sinh mẹ”. Không có con thì sao là mẹ được! Và khi cái thai nhú lên từ trong bụng mẹ thì đó cũng là lúc “mẹ sinh”. Mẹ từ từ sinh ra theo sự lớn lên từng ngày của thai nhi. Và để… sinh ra một người mẹ thực sự thì mẹ phải “tu” thôi. Kẻ giúp mẹ tu… thành mẹ chính là đứa con trong bào thai, ngay từ khi còn trong trứng nước.
Nó có quyền năng rất lớn. Nó làm thay đổi cả “vũ trụ quan” và “nhân sinh quan” của mẹ. Nói đơn giản hơn, nó thay đổi một cách nhìn. Lúc bấy giờ, người phụ nữ vừa “cấn thai” kia đã nhìn mẹ mình cách khác, nhìn cha mình cách khác! Rồi nhìn chồng mình cũng khác, nhìn bạn bè mình cũng khác. Thậm chí nhìn hàng xóm láng giềng cũng khác đi rồi. Trước kia có khi hục hặc với cha, có lúc bực dọc với mẹ, tranh hơn tranh thua với đồng nghiệp với hàng xóm láng giềng bây giờ tự dưng thấy mênh mông lòng từ. Thấy thương thấy quý, thấy biết ơn tất cả. Cái sinh linh này, tấm hình hài này từ đâu mà đến, sẽ ra sao ngày sau? Phải làm gì đây cho nó hạnh phúc nhất, cho tương lai nó tốt đẹp nhất. Mãi nghĩ về nó mà không còn thấy cái tôi của mình nữa. Nó trở thành cái rún của vũ trụ chớ không phải cái tôi là rún của vũ trụ như xưa. Lòng bi mẫn cũng từ đó mà tràn đầy. Thương người hơn, thấy rõ nỗi khổ đau của mình của người hơn và từ đó muốn giúp đỡ, muốn nâng niu. “Từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ”. Hóa ra đã “tu” lúc nào không hay! Rồi còn biết vui theo cái vui của người, thấy dễ tha thứ, dễ buông bỏ. Lòng đã rộng mở. “Hỷ xả” lúc nào đó vậy? Chưa biết là trai hay gái đây, nhưng không thành vấn đề. Có đứa con vào bụng, bỗng thấy mình không là mình nữa. Mà hai mình. Hai mà một. Mới hiểu thế nào là “nhất như”. Mắt nhìn khác đi, tai nghe khác đi, mũi ngửi khác đi, lưỡi nếm khác đi, và toàn cơ thể nữa, đã bày biện khác đi nên xúc tiếp cũng khác đi. Và đặc biệt, ý nghĩ, tư tưởng cũng đã khác đi nhiều lắm. Từ đó, những lời ăn tiếng nói dấm dẳng, đanh đá xưa kia bỗng trở nên từ ái, khoan dung; những cử chỉ vụt chạc, hấp tấp lúc trước đã trở nên điềm đạm, từ tốn… Hóa ra “lục căn” đã dần thanh tịnh. Mắt tránh xa những hình ảnh bạo lực, kích dục… trong phim ảnh, sách báo, kịch nghệ. Tai tránh xa những âm thanh dậm dật loạn động hay áo não sầu thương. Từ bỏ những món ăn kích thích, nào rượu nào bia; lánh xa những nơi có mùi thuốc lá, tránh bớt những món cay nồng… Mặc rộng, thoáng mát, đi lại khoai thai. Ăn biết mình ăn, ăn gì, tại sao; đi đứng nằm ngồi thế nào… Mọi thứ cứ như chánh niệm. Tránh cả những chuyện cà kê dễ ngỗng, tránh các « bà tám » thị phi. Cái sinh linh bé bỏng kia, hoàng tử công chúa kia, không biết từ cát bụi nào đã đến, lỡ nó nghe được, nó bình phẩm, nó bắt chước thì sao?
“ Ăn cơm có canh, tu hành có bạn ». Bạn tu đầu tiên gần gũi nhất phải là “thằng cha nó”. Từ ngày biết mình sắp làm cha “thiên hạ », ông đã âm thầm tự động bỏ thuốc lá, giảm bia rượu, thôi đàn đúm, la cà. Đi làm xong vội về… xoa đầu con, coi nó lớn tới đâu trong bụng mẹ. Ông chăm chú, nghiền ngẫm xem nó đã biết dòm ngó phê phán gì chưa. Tự dưng có một kẻ lạ hoắc tự trên trời rơi xuống, lọt tõm vào nhà mình, dòm dõi mình, nghe ngóng mình… cũng làm mình bối rối không ít chứ ! Cái gì bây giờ cũng len lén, ngó trước dòm sau. Nó cười chăng ? Nó nhăn chăng ? Nó đau chăng ? Nó giận chăng ? Hóa ra không phải « con vào dạ mạ đi tu » mà bố cũng phải tu.
Lạ thay, rồi bà nội bà ngoại, ông nội ông ngoại tương lai cũng tu luôn. Ai cũng sửa mình, cũng tự thay đổi cả. Bà nội bà ngoại đâm ra dễ thương hết sức, chăm lo từng chút, dặn dò từng ly, bày đặt đủ trò, gây phiền hà không ít, nhưng tất cả chỉ vì cái sinh linh bé bỏng này thôi.
Tu, nói cho cùng, cũng tu từ khóm cây bụi cỏ, từ tiếng mõ tiếng chuông. Cho nên, nhà cửa giờ cũng trở nên ngăn nắp, sạch sẻ, sáng sủa hơn. Sách đọc đã khác. Phim ảnh đã khác. Âm nhạc đã khác. Chắc chắn cái cảm xúc sảng khoái, lâng lâng của mẹ khi được nghe một điệu hát ru quen thuộc thuở nằm nôi sẽ làm sản sinh các kích thích tố hạnh phúc truyền qua thai nhi. Mấy bức tranh treo trên tường cũng đã kịp thay. Trong sáng hơn, tươi vui hơn. Nhớ chuyện kể ông bố người Mỹ da trắng nọ ngạc nhiên thấy đứa con sơ sinh của mình sao da đen tóc quíu khác thường thì bà vợ đã giải thích là do suốt thời gian mang thai bà đã ngắm mãi cái hình anh cầu thủ bóng đá da đen treo trên tường! Phải cảnh giác !
Rõ ràng, không chỉ tu mà còn phải học. Chỉ có hiểu biết một cách khoa học mới hết nỗi lo âu. Làm sao nuôi bé lớn lên từng ngày trong bụng đây? Làm sao cho mắt nó sáng, da nó đẹp, môi nó hồng đây? Nó chui ra bằng đường nào? Có đau lắm không? Có phải “đi biển mồ côi một mình” như người ta nói không? Có cần « ông già » nó cùng “đi biển” cho có đôi không? Có cho nó bú ngay không? Bú có hư không?… Ôi biết bao điều phải học. Học để biết « cơ chế » của hoài thai, mang thai, của sanh nở để không còn phải sợ hãi, lo âu. Chắc chắn một điều là mẹ tròn con vuông, bởi sanh nở là chuyện sinh lý bình thường của bất kỳ bà mẹ nào. Có người khuyên mổ đẻ cho khỏi đau, nhưng đau… cũng hay chứ, mới biết « mang nặng đẻ đau » là thế nào, mới biết « cha sinh mẹ dưỡng/ đức cù lao/ lấy lượng nào đong… » là thế nào! Làm gì có chuyện chọn giờ hoàng đạo để sanh thì sau này bé sẽ… làm vua, làm tể tướng ! Làm vua, làm tể tướng đâu không thấy chỉ thấy thiếu dưỡng khí não vì sinh non, sinh sớm, dễ mắc bệnh tâm thần về sau. Cứ sanh đẻ tự nhiên thôi để được là người đầu tiên đón bé vào đời, rồi cho nó bú ngay…. để được làm mẹ, là mẹ, sớm chừng nào hay chừng nấy.
Nhiều người đi tu muốn mau thành “chánh quả”. « Mạ đi tu » nhiều khi cũng vậy. Cũng muốn “gíáo dục » sớm cái sinh linh bé bỏng này ngay khi còn trong trứng nước để mong sau này nó thành thần đồng, thành siêu nhân, anh hùng, vô địch… Nhưng « quả » mà chín mau quá chỉ có cách « giú ép ». Mà giú ép thì không ngon. Cái gì gượng quá đều không hay. Mạ mà căng thẳng quá để « tu » cũng sẽ tạo nên stress, sản sinh nhiều chất độc hại cho cơ thể, cho cả mẹ lẫn con.
Cảm ơn chút sinh linh bé bỏng sắp bước vào « cõi người ta ».
Và cảm ơn tất cả vì những yêu thương trìu mến!
…. o ….
When a child enters the mother’s womb, the mother becomes a practitioner
By Đỗ Hồng Ngọc
Translated by Nguyên Giác
When a woman becomes pregnant, she naturally becomes a Dhamma practitioner. Becoming a practitioner does not necessarily mean shaving her head or going to a temple to chant sutras; rather, it involves self-correction and personal transformation, both externally and internally. Everything within the mother must be aligned and made right, which is why there is a saying: “When a child enters the mother’s womb, the mother becomes a practitioner.”
It is not easy to change oneself. However, once you are expecting a child, you will naturally need to adapt. By making these changes, you can create a better environment for the child, the mother, and the entire family. In fact, not only does the mother become a practitioner, but the father and the whole family often join her in this journey of growth and development.
When a child enters the mother’s womb, it carries an entire world—an entire human life. Where does this tiny creature originate? Where does it go? What will it become? How does it arrive, and how does it depart? The mother suddenly transforms into a philosopher overnight!
The so-called palace of a child—“womb”—is the place where the child resides, much like a palace is the residence of a king. From this moment on, the baby is akin to a king wriggling in the mother’s womb, causing everything within her to move and change. The mother is now transformed; she is no longer just a woman but a person on the brink of motherhood. Giving birth to a child first brings forth a father, while giving birth to a grandchild first creates a grandfather.
Likewise, the act of giving birth to a child is accompanied by the birth of a mother. Without a child, how can one truly be a mother? When the fetus emerges from the mother’s womb, it marks the moment the mother is born. The mother gradually comes into her own as the fetus develops each day. To fully give birth to a genuine mother, the mother must engage in a process of self-cultivation. The child in the womb, even from the time it is still an egg, plays a crucial role in helping the mother evolve into her maternal identity.
The baby possesses remarkable power. It transforms the mother’s perspective on the universe and her outlook on life. In essence, it alters her way of perceiving the world. At that moment, the woman who had just conceived viewed her mother, father, husband, friends, and even her neighbors in a new light. Previously, she had experienced conflicts with her father, felt upset with her mother, and argued with her colleagues and neighbors. However, she now felt an overwhelming sense of compassion. She experienced love, respect, and gratitude for everything around her.
Where does this creature, this body, come from, and what will it be like in the future? What must a mother do to ensure her baby is happiest and to create the best possible future for it? As she contemplates these questions constantly, she begins to lose sight of her own ego. The fetus becomes the center of the universe, rather than her ego occupying that position as it once did. From this perspective, compassion flourishes. She finds herself loving others more deeply, gaining a clearer understanding of her own suffering and that of others, which inspires her desire to help and cherish. A compassionate heart can bring happiness to sentient beings, while a kind heart can alleviate suffering. It turns out that she has been practicing compassion and kindness without even realizing it! She also learns to find joy in the happiness of others, discovering that it is easy to forgive and to let go. Her heart has opened. When did this joy and ability to let go emerge?
It is not yet known whether the fetus is a boy or a girl, but this is inconsequential. With a child growing in her womb, the pregnant woman suddenly finds herself transformed; she is no longer just herself but two beings in one. She begins to grasp the essence of oneness. Her eyes perceive the world differently, her ears hear in a new way, her nose detects scents anew, her tongue experiences flavors differently, and her entire body, now altered, engages with the world in a distinct manner. Most notably, her thoughts and ideas undergo a profound change. From that moment on, the pregnant woman realizes that the harsh words of her past have transformed into expressions of love and tolerance; the hurried gestures she once exhibited have become calm and deliberate. It becomes evident that her senses have gradually been refined. Her eyes turn away from violent and erotic images found in movies, books, and plays. Her ears avoid chaotic, pounding sounds and sorrowful melodies.
She began to eliminate stimulating foods, such as alcohol and beer, and avoided places with the smell of cigarettes, as well as spicy foods. She wore loose, breathable clothing and moved at a slow pace. She practiced mindful eating, being aware of what she consumed and the reasons behind her choices. Every action—standing, walking, sitting, and lying down—was approached with mindfulness. She steered clear of gossip and gossipy groups. That little creature, that prince or princess, who knows where it came from? What if it heard, commented on, or imitated her actions?
Eating rice is best enjoyed with soup, just as practicing religion is enriched by the presence of friends. The first and most important companion on this journey of personal growth must be the father of the unborn child. Upon learning that he was going to become a father, he instinctively and quietly quit smoking, reduced his alcohol intake, and curtailed his social activities. After work, the expectant father hurried home to gently caress the baby’s head, eager to see how much it had grown in the mother’s womb. He paid close attention, pondering whether the baby could already observe and critique its surroundings. Suddenly, a stranger seemed to fall from the sky, slipping into his home, watching him, and listening to him, which left him quite bewildered! Everything felt secretive; he found himself looking around anxiously. Was the baby smiling? Frowning? In pain? Angry? It became clear that the baby enters the womb, the mother becomes a practitioner, but the father also had to engage in this practice.
Strangely enough, the future paternal grandmother, maternal grandmother, paternal grandfather, and maternal grandfather also engaged in this practice. Everyone made corrections and underwent changes. The paternal and maternal grandmothers became exceptionally nurturing, attending to every detail, providing guidance, and devising various strategies, which sometimes led to complications, all for the sake of this little one.
Cultivation encompasses not only the caring for plants and grasses but also the soothing sounds of wooden fish and bells. As a result, the home has become tidier, cleaner, and brighter. The books, movies, and music have all changed. Surely, the joy and elation a mother feels when hearing a familiar lullaby from the cradle release happy hormones that are transmitted to the fetus. The pictures hanging on the walls have also been updated to be brighter and more cheerful. This reminds me of a story about a white American father who was astonished to see his newborn baby with unusually curly black skin and hair. His wife explained that throughout her pregnancy, she had been gazing at a picture of a black soccer player hanging on the wall. It serves as a reminder to be mindful of our surroundings.
Clearly, one must not only practice but also study. Only by understanding the scientific principles can one alleviate their worries. How can a pregnant woman nurture her baby as it grows day by day in her womb? How can she make her baby’s eyes bright, skin radiant, and lips pink? What will the birthing process be like? Will it be painful? Is giving birth truly akin to embarking on a solitary journey at sea, as some people suggest? Does the father-to-be need to accompany her on this journey to fulfill their roles as a couple? Should breastfeeding begin immediately? Is breastfeeding harmful? There are so many aspects to learn. It is essential to understand the mechanisms of conception, pregnancy, and childbirth to eliminate fear and anxiety. One thing is certain: both mother and child are safe, as giving birth is a normal physiological process for any mother.
Some people recommend a cesarean section to avoid pain, but pain can also be beneficial. It allows you to understand the experience of carrying a heavy burden and giving birth. This is why the ancients believed that the father contributes to the mother’s journey and raises the child; the parents’ love and sacrifice are immeasurable. There is no such thing as selecting an auspicious time to give birth in hopes that the child will become a king or a prime minister. If you attempt to time the birth, the baby may be born prematurely and could suffer from oxygen deprivation, leading to potential mental health issues later in life. It is best to give birth naturally, so you can be the first to welcome your baby into the world and immediately begin breastfeeding. This way, you can embrace your role as a mother as soon as possible.
Many individuals who choose the monastic path aspire to attain enlightenment swiftly. A mother who practices spirituality while pregnant often sets very high expectations for her unborn child. She hopes to nurture her little one from the womb, aiming for them to become a genius, a superhero, a hero, or a champion. However, if the fruit ripens too quickly, it must be forced, and forcing it will yield an unpleasant result. Anything that is overly forced is detrimental. If the mother experiences excessive stress while cultivating her practice, it can lead to further stress, producing harmful substances for both herself and her child.
Be grateful for the small creature that is about to enter the human realm.
Be grateful for all the love and affection you are experiencing.
…. o ….
