Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Nghỉ Hè Để Làm Gì?

24/04/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 6 Comments

 

 

NGHỈ HÈ ĐỂ LÀM GÌ?

 

 

báo phunuhiendai.vn

Đầu mùa hạ, cũng là mùa học sinh bắt đầu bước vào mùa thi trước khi được nghỉ hè.
Nhiều học sinh than phiền là mau quên quá. Học đâu quên đó. Vì thế mà học không khá được. Nhiều bạn đã dùng thuốc “giúp trí nhớ” để hy vọng khá hơn, nhưng chẳng đi đến đâu!
Học đâu quên đó, làm sao đây?
Câu trả lời của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: những ngày học thi cần ăn uống giản dị để bao tử đỡ vất vả, tập trung trí nhớ cho việc học, biết vận động thể lực, biết tổ chức việc học, nghỉ ngơi đầy đủ, không ỷ lại vào các thú thuốc bổ, thuốc giúp trí nhớ nhảm nhí thì mới mong thi đâu đậu đó.
Con thi mà cha mẹ căng thẳng còn hơn con.
Rồi mong cho con thi xong, chưa kịp nghỉ hè đã tính tới chuyện học tiếp. Vậy là hết mùa thi tới mùa học.
Sáng chủ nhựt này, ngày 25/04/2021, mời các bậc cha mẹ cùng các bạn trẻ, bạn nhỏ đến với buổi trò chuyện để cùng chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc của con trẻ từ lúc mới sinh cho tới khi con lớn.
Những mối bận tâm của mình, của con về sức khỏe tinh thần và thể chất.
BTC hân hạnh đón tiếp các bạn trẻ một thời của báo Mực Tím, người đang ở Tuổi Gió Heo May, người đã từng nuôi con theo sách “Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng” và những người muốn con trẻ hè này được chăm sóc “cửa sổ tâm hồn” thiệt tốt, con vừa nghỉ hè, vừa chơi, vừa học mà vẫn vui.
Chương trình không thu phí.
………………………………………………………………….
Ngân Hà (báo Thế Giới Tiếp Thị)

Một sớm mai chủ nhật ngắm mặt trời trong tiếng chim ca.

Đó là thanh âm của cuộc đời chúng ta, có lẽ giây phút nào đó ta đã bỏ quên nó trong ký ức.
Lũ trẻ con thì ngày nào cũng trông ngóng sớm mai thức giấc sẽ là… MÙA HÈ CỦA CHÚNG.

Bởi chỉ có những ngày nghỉ hè mới thoát khỏi dậy sớm đến trường và đêm thì chong đèn khuya học bài. Đừng nói về sự học ở đây nữa. Nói về sự chơi đi, HÈ VỀ RỒI MÀ!

Một hôm, Anna nói với tôi: “Mẹ, con có đi học thêm để thi vào trường… gì đó không?”. Tôi hỏi lại con: “Vậy con có muốn mùa hè này con đi học ôn thi không hay con đi về Nha Trang tắm biển? Suy nghĩ kỹ rồi trả lời mẹ nha”.
Cô bé chạy về phòng một lúc thì quay lại nói: “Mẹ, con muốn đi chơi, đi tắm biển và học vẽ. Nhưng con cũng muốn thi vào trường gì đó. Con đã… bốc thăm. Kết quả là con phải học thi. Nhưng con vẫn tiếc là nếu học thi sẽ không được đi chơi. Bây giờ con không trả lời được, mẹ giúp con nha!”.

Câu hỏi của con cũng không khó mà sao lại rất khó trả lời thấu đáo.
Tôi muốn gởi câu hỏi này đến bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc- một chuyên gia về … trẻ con và cho cả các bậc cha mẹ nữa, thậm chí là cả với các ông bà. Ai cũng biết bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc với hơn 40 tác phẩm của ông viết về cuộc đời rất đỗi bình thường của chúng ta, nhưng làm thế nào để sống cho An Lạc và Hài Hòa thì chỉ có ông mới mô tả được, vì chính ông cũng đã trải nghiệm và với tinh thần của một “thiền sư”, ông cũng như một người dẫn đường để cho chúng ta có những quyết định đúng đắn trong đời, và cho cả những thế hệ sau này sẽ lo cho vị lai của con người.

Ngân Hà

Và rất nhiều những câu hỏi…
* Trần Lê Thanh Lâm, phụ huynh:
Thưa bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, em có cháu đang học lớp 9 chuẩn bị thi học kỳ và 2, hiện tại cháu học thêm và làm bài tập rất nhiều. Sắp tới hè, em hỏi cháu muốn gì sau khi thi xong, có phải cháu muốn ba mẹ cho đi chơi hay không thì cháu nói chỉ thích ngủ thôi, không muốn đi đâu cả. Nhưng em lại muốn đưa cháu đi biển nghỉ hè. Vậy theo bác sĩ nên chiều theo con hay cứ đưa cháu đi vì cháu về biển cháu cũng được ngủ mà, ngoại trừ lúc sáng dạy tắm biển sớm thôi vì tắm biển sáng sớm có ích và đỡ nắng hơn chăng? Em xin cảm ơn bác sĩ nhiều.
* Hoàng Thu Hồng, phụ huynh
Kính gửi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, con em năm nay đang học lớp 10, nhưng thời gian gần đây không chịu ăn nên không có sức học, hỏi thì cháu nói là cháu muốn nhịn ăn cho gầy đi vì con gái lớp cháu đứa nào cũng mi-nhon xinh đẹp cả, nếu cháu mập thì bị chế giễu. Làm thế nào để giúp cho con được ăn uống đầy đủ vậy bác ơi. Liệu hè này có nên cho cháu đi nghỉ hè để cháu ăn uống tốt hơn hay tập môn thể thao nào để cháu mập lên hả bác sĩ?
* Nguyễn Minh Thành, phụ huynh

Bác sĩ Đỗ Hồng  Ngọc là người cháu rất kính trọng, cháu xin hỏi bác một điều: làm thế nào để cho mọi người thay đổi cách nghĩ và trong giáo dục, đừng bắt trẻ học nhiều như hiện nay? Làm thế nào để học sinh có một mùa hè nghỉ ngơi đúng nghĩa thay vì học thêm và học hè đủ thứ? Cháu cảm ơn bác rất nhiều.

* Chân Khanh, học sinh trường TH Việt Mỹ

Cháu chào bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cháu rất thích được nghỉ hè nhưng cháu cũng thích thi vào trường chuyên để được học giỏi, làm thế nào bây giờ hả bác? bác ơi, bác cho cháu lời khuyên được không ạ, cháu cảm ơn bác nhiều ạ.

* Thu Trang, phụ huynh

Thưa BS, cháu có 2 con trai (1 đứa 7 tuổi, 1 đứa 13 tuổi) dù đã mua sách, động viên rất nhiều lần để 2 con đọc sách nhưng con cũng chỉ đọc được mấy trang, có lúc cũng đọc được hết 1 cuốn nhưng lại là truyện tranh. Cháu thấy 2 con mê xem tivi, youtube, điện thoại hơn là đọc sách. Vậy cháu phải làm gì để giúp con tìm thấy thú vui trên trang sách. Xin bác sĩ tư vấn giúp ạ?

……………………………………..

Đỗ Hồng Ngọc trả lời chung:

Xin thưa,
Vài ba năm nay tôi thường né tránh các buổi giao lưu, trò chuyện ở chỗ đông người như trước kia. Đã 82 (tuổi ta) rồi, già cả rồi, nên “lặn” đi chỗ khác chơi!
Nhưng Hội quán Các Bà Mẹ là chỗ thân tình, muốn tôi chịu khó gặp gỡ mọi người hôm nay để cùng bàn về một vấn đề rất “thời sự” với phụ huynh và mấy nhóc, chuẩn bị đón một mùa Nghỉ Hè trong thời buổi “Bình Thường Mới”.
Một câu hỏi khá hốc búa đặt ra cho tôi: NGHỈ HÈ ĐỂ LÀM GÌ?
Nếu là một câu hỏi bình thường như Nghỉ Hè Nên Làm Gì thì dễ đưa ra những lời khuyên với một bác sĩ Nhi khoa như tôi, đầu này hỏi “để làm gì” thì khó quá!
Cho nên câu trả lời “tốt nhất” của tôi là Nghỉ Hè Để Làm Thơ!
Làm thơ ư? Tôi không làm được nên mượn một bài thơ đã có từ 80 năm trước của Thi sĩ Xuân Tâm, bài Nghỉ Hè trong tập Lời non trẻ 1941, thấy trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân.

Bài thơ như sau:

NGHỈ HÈ

Xuân Tâm

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,

Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,

Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ !

Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã

Lời trên môi, chen chúc nối nghìn câu

Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu

Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.

Trong khoảnh khắc, sách bài là giấy cũ.

Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông.

Trên đường làng huyết phượng nở thành bông,

Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.

Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót,

Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui.

Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi,

Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.

(Lời tim non,1941)

……………………………………………………….

Một vài hình ảnh về buổi Trò chuyện: NGHỈ HÈ ĐỂ LÀM GÌ?

 

Hội trường SEAMEO Saigon, sáng Chủ nhật 25.4.2021. Thời Covid, nên Hq Các Bà Mẹ chỉ nhận 50 người tham dự. Giữ khoảng cách, mang khẩu trang và đo thân nhiệt khi bước vào cổng.

Trò chuyện cùng các bé…

Và… với người cao tuổi. Thật thú vị khi cháu bé mới lên 8 và bà thì đã 80 cùng đến buổi “Nghỉ hè để làm gì?” hôm nay…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sau khi “bình” bài thơ NGHỈ HÈ của Xuân Tâm (1941), tôi bắt đầu trả lời lần lượt các câu hỏi đặt ra. Hơn 90 phút trôi qua thật nhanh, đã hết giờ chính thức.

 

Rồi ký sách tặng các bé…
Chưa bao giờ có một không khí cảm động vậy với sách! Trẻ đã có vẻ… mê đọc sách dịp hè rồi chăng?

 

và cả người lớn…

 

Cạnh đó, các bạn khác cũng đang lựa sách…

 

 

 

 

 

 

 

 

(Hình: Nguyễn Văn Quyền).

Quyền hứa nay mai sẽ có video clip để các phụ huynh không đến dự được buổi hôm nay có thể theo dõi. Cảm ơn nvquyen.

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc

Về một cuốn sách… xưa: “SỨC KHỎE GIA ĐÌNH”

25/05/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Về một cuốn sách… xưa:

“Sức Khỏe Gia Đình”

Ghi chú: Cô Khánh Tâm, ở báo Phụ Nữ Tp.HCM hôm rồi muốn tôi kể lại vài chuyện liên quan báo Phụ Nữ Tp.HCM nhân dịp Kỷ niệm 45 năm thành lập của báo. Tôi đã gởi cô vài tư liệu để tùy nghi.

Năm 2008-2009, suốt hai năm liền, mỗi tuần tôi viết cho báo Phụ Nữ Tp.HCM một bài ngắn (quy định 600 chữ), Mục GIA ĐÌNH VUI KHỎE. Đây là một Mục được đánh giá “ăn khách” lúc đó, đăng ngay ở trang nhứt của báo, với một hình minh họa rất dễ thương.

Sau, tôi tập hợp lại, hoàn chỉnh, in thành cuốn SUC KHOE GIA ĐÌNH do Nhà xuất bản Tổng hợp TP. thực hiện. Sách được giới thiệu ngay trong Hội sách 2010 và cũng đã được tái bản nhiều lần.

Chuyện cũ, đã hơn mười năm rồi, nhưng Sức Khỏe Gia Đình vẫn thực sự còn có giá trị vì đề cập vấn đề sức khỏe một cách toàn diện, không chỉ đơn thuần là y tế, bệnh tật…

Một cô giáo ở Trà Vinh, Lê Uyển Văn viết một bài nhận xét rất thú vị (2010) và mới đây, Trần Thiên Dũng ở Canberra Úc (2020) vừa viết bức thư “cảo thơm lần giở” cũng vui vui…

Xin được chia sẻ.

ĐHN

 

 

11/03/2010

Lời Ngỏ cuốn “Sức Khỏe Gia Đình” (2010)

Ta đang sống trong một thời đại ngộ nghỉnh. Thực phẩm béo bổ ê hề, sẵn sàng dụ dỗ ta làm cho ta… béo phệ để sinh ra vô số bệnh tật, rồi cạnh đó, lại mở ra nhiều bệnh viện, nhà thuốc để cứu vớt ta, chăm sóc chữa trị cho ta. Cũng vậy, bia rượu thuốc lá tràn lan, sẵn sàng dụ dỗ ta làm cho ta… gặp đủ thứ tai nạn thương tích, ung thư này nọ rồi cạnh đó tổ chức cấp cứu chấn thương, đặt thêm giường bệnh… Cuộc sống tốc độ, đầy cạnh tranh, căng thẳng, mọi người hùng hục lao vào kiếm tiền cho thật nhiều, phung phí sức khỏe, để rồi dùng tiền đó phục hồi sức khoẻ…

Y học ngày càng tiến bộ, kỹ thuật ngày càng cao, thuốc men ngày càng nhiều thì… bệnh tật cũng ngày càng phát triển, gia tăng, đôi khi đe dọa cả hành tinh…

Các nghiên cứu cho thấy khi fastfood tiến từ Bắc Mỹ xuống Nam Mỹ thì đồng thời béo phì và bệnh tật cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Khi thuốc lá, rượu bia bị hạn chế, cấm ngặt ở các nước phát triển thì họ đẩy mạnh sản xuất ở các nước nghèo khó…Rồi bò thì điên, heo thì tai xanh, trâu dê thì lở mồm long móng, rau trái đầy hóa chất, thuốc trừ sâu, sữa cho trẻ con cũng chẳng an toàn, bánh mứt hạt dưa đầy đe dọa… Rồi đây khi cây rừng không còn xanh lá, Oxygen cũng không còn đủ, khí quyển nóng dần lên, ngột ngạt, mọi người sẽ cùng khò khè khó thở và lúc đó Oxygen được giành giật cho vào bình để bán. Trốn chạy vào đâu?

Đó chính là lúc bản thân ta, gia đình ta phải tự cứu lấy mình… trước khi trời cứu!

Bởi chỉ có gia đình mới có thứ tình yêu thương đích thực, mới là bóng mát chở che cho mỗi thành viên. Bởi chỉ có gia đình mới có thể đem lại sự sảng khoái (well being) về thể chất, tâm thần và xã hội, để từ đó mà có được niềm vui và hạnh phúc. Một cách hít thở đơn giản, một cách rèn luyện thân tâm không tốn kém thời gian… đủ đem lại sự sảng khoái, thong dong cho cuộc sống bộn bề. Một bữa cơm sum hợp, lành mạnh, đạm bạc trong thời buổi ngộ nghỉnh này… đủ đem lại sức khỏe, niềm vui cho mọi người trong gia đình.  Sức khoẻ, niềm vui không phải tự trên trời rơi xuống, không phải bỗng dưng mà có vậy!

Tôi chân thành cảm ơn báo Phụ Nữ Tp.HCM trong suốt hai năm qua đã dành cho tôi một góc Gia đình vui khỏe, ở đó tôi có dịp được lắng nghe, được chia sẻ cùng bạn đọc gần xa, và nay tập hợp, sắp xếp lại để hình thành tập sách nhỏ này gởi tới bạn bè. Tôi cũng cảm ơn NXB Tổng hợp Tp.HCM đã giúp cho tập sách kịp thời ra mắt trong dịp Hội sách Tp.HCM năm 2010.

Trân trọng,

  1. Đỗ Hồng Ngọc

……………………………………………………….

 

“Sức khỏe gia đình” – Cuốn sách của mọi nhà

31/03/2010

Ra mắt bạn đọc lần đầu tiên tại Hội sách TP.HCM năm 2010, cuốn sách “Sức khỏe Gia đình” của BS Đỗ Hồng Ngọc vẫn còn “nóng hổi”. Thế nhưng với những ai yêu quý vị bác sĩ này cũng như quan tâm  đến những bài viết của ông sẽ dễ dàng nhận thấy tập sách “Sức khỏe gia đình” là tập hợp những bài viết suốt hơn 2 năm qua (2008-2009) trong chuyên mục “Gia đình vui khỏe” rất “ăn khách” của ông trên báo Phụ nữ TP.HCM .

Nhận xét về  cuốn sách này, Dược sĩ Phan Minh Tịnh viết: “Đây là một quyển sách cần thiết cho mỗi gia đình. Với lời văn giản dị, dễ hiểu, sẽ giúp người đọc tiếp nhận dễ dàng các kiến thức về y khoa, hầu biết cách phòng ngừa và đối phó với một số bệnh tật thông thường”…

 

                                     Quang cảnh buổi giao lưu tại Hội sách Tp.HCM 2010.

Khi tập hợp thành sách, những bài viết này đã được sắp xếp lại theo một tổng thể nhất quán có chủ đề từ những bài viết rời rạc. Là bác sĩ nhưng văn phong trong từng bài viết của ông không hề “hàn lâm” mà ngược lại rất giản dị, gần gũi, sống động và dễ hiểu… nên từ giới bình dân đến trí thức đều có thể “lĩnh hội” được.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ký tên sách cho độc giả (tại Hội sách Tp HCM 2010)

Cuốn sách “Sức khỏe gia đình” phản ánh nhiều vấn đề xã hội “nóng” thông qua các vấn đề sức khỏe. Từ chuyện ăn uống, thuốc lá, rượu bia, sức khỏe tâm thần đến cả việc thi rớt, chứng khoán, kẹt xe, lô cốt… đều được tác giả vẽ ra hết sức sinh động. Một cuốn sách gối đầu giường của chúng ta lúc ốm đau hay cả khi đang khỏe mạnh để vui khỏe hơn và yêu đời hơn.

K.T

…………………………………….

Lê Uyển Văn (Trà Vinh)

07/04/2010

 

Hạnh phúc của người mẹ ở cuối ngày là được nhìn con mình trong giấc ngủ, hơi thở nhẹ nhàng, khuôn mặt thanh thản như thoáng nét cười; hạnh phúc nhiều hơn khi nhìn thấy bên gối con là một cuốn sách. Tôi đang hưởng niềm hạnh phúc ấy, lòng vui râm ran khi nhìn thấy “các chàng trai” chuyền nhau đọc cuốn “ Sức khỏe gia đình” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Không vui sao đựơc, khi tôi biết từ cuốn sách này các con tôi ( cả gia đình tôi) sẽ học được nhiều điều. Trước nhất, chúng hiểu rằng “chỉ có gia đình mới có tình yêu thương đích thực, mới là bóng mát chở che cho mỗi thành viên…”, hiểu được điều giản dị : FAMILY là Father And Mother I Love You !

Cuốn sách dày trên 300 trang, gói hành trình của đời người bằng những điểm trọng yếu nhất trong mỗi giai đoạn . Vẫn là phong cách của Đỗ Hồng Ngọc, con chữ của Đỗ Hồng Ngọc – lấp lánh yêu thương – sao như lần đầu được gặp, chúng tôi đọc mải miết, những kiến thức đã từng biết bỗng trở nên gần gũi và sống động lạ thường.

Không đúc kết nào gọn gàng hơn “ BUSĂC” – phổ biến những điều căn bản nhất để nuôi con sao cho khỏe mạnh. Không cách so sánh nào cụ thể, dễ nắm bắt mà xúc động hơn cách hướng dẫn làm dung dịch như Oresol tại nhà : “…pha xong nếm thử thấy nó y như nước mắt là được / Nước mắt ở đâu mà thử?/ Thì bà mẹ nào có con tiêu chảy cấp mà không khóc chứ ?”. Cũng không gì thuyết phục hơn khi khuyên mẹ tự làm thức ăn cho con: “Bây giờ có nhiều thức ăn làm sẵn / Phải, nhưng không có thứ “tình thương” làm sẵn nào cả !”….

… “ Mẹ cứ kỳ vọng vào con đi” ,“ Có hiểu mới thương” ,“ Quân tử “trả thù” mười năm chưa muộn” “ Thương nhớ…đòn roi” …đều là những “ Bài học quý giá” mà tôi, các con tôi đang rất cần. Có những điều, tôi không sao nói được với con mình thì tác giả đã nói hộ rồi, tôi chỉ cần hỏi “ con đã đọc “bài học quý giá” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chưa?”, con đáp “ dạ, rồi !” ,tôi nghe như trút vài gánh đá, đọc rồi nghĩa là con hiểu con phải làm gì để đối diện với kỳ thi đang rất gần kề.

Có ai như tôi không, từng tuổi này mới vỡ lẽ ra “khi nào thì người ta có thể bắt đầu yêu?”. Đó là khi biết yêu chân chính. “ Tình yêu thứ thiệt” phải thứ tình giúp ta thêm năng lực, thêm yêu quý cuộc đời; thúc đẩy ta giỏi giang hơn, hăng say hơn trong công việc ; giúp ta có khả năng chấp nhận, tấm lòng rộng mở, chứ không phải muốn chiếm hữu hay chuyển hóa người mình yêu ; giúp ta tăng lòng tự trọng, tin cậy lẫn nhau, đối với nhau chân thành và có trách nhiệm….Tôi học được điều này một cách muộn mằn từ những trang sách về sức khỏe !

Tôi vẫn chưa nghiền ngẫm hết cuốn sách “ Sức khỏe gia đình” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhưng tôi nóng lòng muốn chia sẻ với mọi người về cuốn sách rất xứng đáng nằm ở nơi trang trọng trong tủ sách của mọi gia đình nên viết bài này. Cũng như ngày mai, tôi sẽ đọc cho học sinh của mình nghe “ Ai bảo chăn trâu là khổ?”. Rất mong trời mau sáng, để chóng đến ngày mai…..

…………………………

Trần Thiên Dũng (Canberra, ÚC)

30/03/2020

 

Cảo thơm lần giở

lá thư Úc Châu
Anh Ngọc ơi
Hổm rày truyền hình,báo chí Úc loan liên tiếp các biện pháp của chính phủ nhằm khuyến khích mọi người chung sức vượt qua khó khăn về sức khỏe, kinh tế, lẫn tinh thần để do COVID-19 tạo nên.
Tình cờ em lấy trên kệ sách quyển “Sức Khỏe Gia Đình” của anh xuất bản cuối tháng 3 năm 2010. 10 năm rồi còn gì!
Lần giở ra lại nhằm ngay bài viết “Cúm và những câu hỏi nóng bỏng”. Anh trả lời hai câu hỏi nóng bỏng 1) Nên hay không nên mang khẩu trang? và 2) Nên hay không nên làm xét nghiệm.
Cứ như xin xăm ấy. Những hàng chữ dí dỏm trả lời thật dễ hiểu, hết lo.
Anh lại khuyên thêm làm nhẹ cả người: “Bệnh cúm đã có từ nhiều ngàn năm trước và sẽ tiếp tục nhiều ngàn năm sau. Có điều khi virus cúm thay hình đổi dạng mà ta chưa kịp thích nghi, chưa có sức đề kháng thì ta bị bệnh. Đã có những trận dịch cúm xảy ra trong lịch sử y học. Sau đó là một giai đoạn “sống chung hòa bình”.
Mong cho hòa bình sớm tới, anh nhỉ.
Mừng 10 năm “Sức Khỏe Gia Đình” ra đời
Cám ơn hiền huynh nhiều lắm.

ngu đệ xứ Úc

dũng
Canberra 30 tháng 3 năm 2020

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Ở nơi xa thầy thuốc, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Thầy thuốc và bệnh nhân

Thư gởi bạn xa xôi (24.12.2019)

24/12/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi,

Xin cảm ơn tất cả… Những ngày Giáng Sinh này chúng ta đã không quên  gởi cho nhau những cánh thiếp mừng Noel, Merry Christmas anh Happy New Year đầy sắc màu rực rỡ, âm vang lời chuông Giáng sinh, và không quên nhắc  “bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Sáng hôm qua, hẹn với Thi Anh, biên tập viên Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM ở Đường Sách Saigon, để coi lại bản thảo Nghĩ Từ Trái Tim, chuẩn bị tái bản.

Bất ngờ Thi Anh mang theo một cuốn sách cũ mèm của mình đã in từ… 45 năm trước ở Saigon, cuốn Viết Cho Các Bà Mẹ Sanh Con Đầu Lòng để xin chữ ký cho một người bạn mê sách.

Trời, gặp lại cuốn sách cũ, ngày xưa do chính tay mình trình bày bìa và cũng tự mình xuất bản lấy (với tên La Ngà, con gái đầu lòng) không thể không cảm động bạn ạ.

Bạn nhớ không, thời đó, bản thảo viết xong mình cứ tự đưa đi kiểm duyệt trong vòng 2 tuần, rồi lấy về giao nhà xuất bản hoặc tự xuất bản lấy, tùy ý. Nhớ không, “Nhà xuất bản” Phạm Văn Tươi của ông Phạm Văn Tươi, “Nhà xuất bản” Nguyễn Hiến Lê của ông Nguyễn Hiến Lê… và nhiều nữa. Cho nên “Nhà xuất bản” của mình cũng in được 2 cuốn (với tên La Ngà) đó là các cuốn: Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972) và Viết cho các bà mẹ sanh con đầu lòng (1974) của chính mình là tác giả.

Rồi chính mình cũng chạy đến nhà in, chui vào chỗ sắp chữ, hít thở cái mùi chì của chữ in, rồi ngồi sửa morrasse tại chỗ như một thầy cò (correcteur) chính hiệu thật thú vị, nhớ không?

Vui nhất là biết ra… Thi Anh cùng tuổi với cuốn sách. Cho nên sau đó nhận được một tin nhắn của cô: “Khi em còn nằm nôi/ Anh đã lo việc đời…”

Chúc Giáng Sinh vui vẻ và bình an,

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

(Saigon 24.12.2019)

 

Thi Anh và Đỗ Hồng Ngọc (Đường Sách Saigon 23.12.2019)

Thi Anh với cuốn VIẾT CHO CÁC BÀ MẸ SANH CON ĐẦU LÒNG (La Ngà xuất bản, Saigon 1974)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Vài đoạn hồi ký

Giới thiệu sách mới: ”Bỗng Nhiên Mà Họ Lớn”

13/02/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

Bỗng nhiên mà họ lớn

Bs Đỗ Hồng Ngọc

 

 

Từ lâu, người ta ít nói đến sức khỏe của tuổi mới lớn. Dễ hiểu thôi, vì ở tuổi mới lớn, người ta không còn nhỏ nữa để mắc bệnh trẻ con, người ta cũng chưa đủ lớn để có những nguy cơ của người đứng tuổi.
Từ lâu, người ta vẫn nghĩ rằng tuổi mới lớn – tuổi thanh thiếu niên – là tuổi nhiều sức khỏe, cường tráng, ít bệnh tật, không có gì đáng quan ngại. Thế nhưng, nay thì không phải vậy! Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) gần đây cảnh báo: “Chưa bao giờ tuổi trẻ phải đối phó với những hiểm họa ghê gớm như hôm nay!”. Thật thế, chưa bao giờ tuổi mới lớn phải sống trong tình trạng khó khăn: sự bùng nổ dân số; sự đô thị hóa với nếp sống lang thang bụi đời; bùng nổ thông tin và du lịch… Các giá trị đạo đức bị đảo lộn, nền tảng gia đình đứng trước những nguy cơ tan vỡ; áp lực nặng nề trên các lãnh vực kinh tế, giáo dục… dẫn đến rối loạn tâm lý, tự tử gia tăng ở người trẻ tuổi…
Ở các nước phát triển, từ lâu đã có ngành chuyên khoa y học của tuổi mới lớn (Adolescent Medicine) và có hệ thống bệnh viện dành cho tuổi mới lớn (Adolescent Clinics). Bác sĩ sau khi tốt nghiệp phải học thêm ít nhất ba năm để trở thành chuyên khoa Tuổi mới lớn. Ở nước ta chưa có. Từ năm 1972, tôi đã cho xuất bản cuốn Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò, và năm 1995 xuất bản cuốn Viết cho tuổi mới lớn (Tái bản có bổ sung với tựa KHI NGƯỜI TA LỚN, 2017). Sách được nhiều phụ huynh và các bạn học sinh hoan nghênh và khuyến khích tiếp tục đào sâu để hướng dẫn các em những điều thiết thực, gần gũi hơn nữa. Sách tuy đã được tái bản và cập nhật nhiều lần nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa đề cập, nhiều điều còn phải tránh né, chưa tiện viết ra vào thời điểm đó.

 Trong hơn 10 năm phụ trách trang Phòng Mạch Mực Tím của báo Mực Tím, báo dành cho tuổi mới lớn hiện nay, tôi đã nhận được hàng chục ngàn thư hỏi về đủ mọi thứ chuyện của các em. Có những bức thư thực bức xúc, thực cảm động, mà trang báo có hạn, không sao trả lời đầy đủ được, chỉ trả lời cho những trường hợp có tính chung nhất, nhưng vẫn còn rất hời hợt, phiến diện, chưa thực sự giúp các em tới nơi tới chốn. Trong tập sách này, tôi cố gắng “lấp các lỗ trống” đó, cố gắng đề cập những vấn đề thiết thực, bức xúc của các em một cách thẳng thắn để giúp các em có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh tật, không vướng mắc những lo âu vô cớ, để dồn sức cho việc học hành, rèn luyện trí, đức, thể lực…

Bs Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon, 01- 2018)

 

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Tuổi mới lớn

Cần biết về bệnh Sốt Xuất Huyết (Dengue)

02/08/2017 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

Cần biết về bệnh Sốt Xuất Huyết (Dengue)

Bs Đỗ Hồng Ngọc

 

Khi nào thì phải “nghĩ đến’’ Sốt xuất huyết?

 Trong mùa có dịch Sốt xuất huyết Dengue (SXH) như hiện nay, khi có sốt cao thì phải nghĩ ngay đến Sốt Xuất Huyết. Thà “nghĩ đến” mà không phải còn hơn là chủ quan, để bệnh trở nặng trở tay không kịp!

Vì sao? Vì SXH là một thứ bệnh diễn biến rất khó lường! Cho đến nay, SXH vẫn là thứ bệnh chưa có thuốc đặc trị, chưa có thuốc chủng ngừa. Ở những vùng sâu vùng xa, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao, nhất là ở trẻ em! Bệnh diễn biến rất bất ngờ. Mới thấy trẻ chỉ sốt suông, có vẻ khỏe, bỗng rơi vào sốc, trụy tim mạch, rối lọan đông máu, co giật, lúc đó thì đã nặng!

Một trẻ bị sốt cao liên tục 3, 4  ngày liền (sốt trên 39 độ C), khó làm hạ sốt ( uống thuốc hạ sốt không hiệu quả), thường chỉ sốt suông ( không kèm với ho, ỉa chảy như các lần trước…) thì … “chắc” là SXH rồi, nên đưa ngay đến bệnh viện để được thăm khám.

Bệnh nguy hiểm nhất xảy ra vào ngày thứ ba đến ngày thứ sáu, đó là thời điểm dễ rơi vào “sốc”, đặc biệt lúc vừa giảm sốt, chưa kịp mừng thì bệnh đã trở nặng! Năm xưa, một đứa cháu của một nhà văn nổi tiếng ở miền Trung bi sốt cao ba ngày liền, đưa đi khám bác sĩ, bác sĩ bảo viêm họng, không phải sốt xuất huyết, còn thề thốt nếu cháu mà bị SXH thì ông sẽ … từ chức, bỏ nghề! Kết quả, đứa bé… tử vong vì SXH!

Làm sao biết SXH “chuyển độ” từ nhẹ sang nặng?

Vấn đề là làm sao biết lúc nào thì bệnh chuyển từ độ nhẹ sang có dấu hiệu cảnh báo và sang độ nặng nguy hiểm để can thiệp kịp thời? Có một số dấu hiệu giúp phát hiện sớm sự chuyển độ này với điều kiện bệnh nhân phải được theo dõi thật sát. Ai theo dõi ? Chính phụ huynh, người nhà của trẻ bệnh chớ không phải ai khác. Vì trong mùa dịch, bệnh viện tràn ngập, các bác sĩ, điều dưỡng đều đầu tắt mặt tối, không thể theo dõi kỹ trên từng bệnh nhân như người nhà được! Vả lại việc theo dõi các dấu hiệu này cũng dễ, ai cũng làm được nếu biết. Dấu hiệu chuyển độ, từ nhẹ sang nặng là đột nhiên trẻ kêu đau bụng (đau nhiều hơn, đau vùng hông phải), bứt rứt, lăn lộn, kêu khát nước, da đổi sắc ( bầm bầm, tím tái), tay chân lạnh, mạch nhanh và nhẹ… Phải báo động ngay cho bác sĩ.

 Tóm lại, khi trẻ sốt cao đột ngột, sốt suông ( sốt khơi khơi, không kèm ho, sổ mũi gì cả!), khó làm hạ sốt, vài ngày sau nếu có dấu xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu nướu răng (lợi), nổi vết bầm chỗ chích, cắt, lể… thì đã gần chắc là SXH. Khi bệnh trở nặng thì có thêm đau bụng, và dấu hiệu sốc: lạnh tay chân, mạch yếu và nhanh…

Trong khi theo dõi, đặc biệt từ ngày thứ ba trở đi, khi sốt cao đã giảm, chớ vội mừng, nếu thấy bệnh nhân có một vài dấu hiệu dưới đây thì phải báo động ngay cho bác sĩ:

1.Bứt rứt, lăn lộn, vật vả hoặc li bì, lừ đừ…một cách bất thường .
2.Đau bụng, đau nhiều hơn, đau vùng hông phải (vùng gan)
3.Chảy máu cam, chảy máu nướu răng (lợi), đi phân lợn cợn đen, ói có máu…
4.Tay chân lạnh giá, da đổi sắc, bầm bầm, tím tái…
5.Tiểu ít, khát nứơc nhiều.

SXH ở người lớn?

Những năm gần đây, tỷ lệ SXH ở người lớn ngày càng tăng. Các dấu hiệu SXH Dengue có nhiều điểm khác biệt ở người lớn và trẻ em. Ngoài sốt cao, người lớn thường kèm theo lạnh run, nhức đầu (Sốt Dengue, giống như cảm cúm, có thể tự khỏi, có thể chuyển độ nặng). Thời gian sốt kéo dài hơn (từ 5-7 ngày, dễ nhầm với các bệnh khác) trong khi ở trẻ em chỉ sốt 3-4 ngày. Sốt thường kèm ói mửa, tiêu chảy, đau bụng.

Những trường hợp nặng có dấu hiệu xuất huyết  (xuất huyết da, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết âm đạo, chảy máu răng, chảy máu cam, xuất huyết kết mạc…). Có báo cáo cho thấy có một số biểu hiện nặng khác  như viêm cơ tim, xuất huyết não…, suy gan, hôn mê, co giật. Tóm lại, SXH ngày nay không chỉ gặp ở trẻ con mà còn gặp ngày càng nhiều ở người lớn với bệnh cảnh phức tạp hơn và nặng nề hơn. Cho nên phải hết sức cảnh giác.

Theo dõi diễn biến bệnh?

Việc theo dõi diễn biến của bệnh vì thế rất quan trọng, ở cả người lớn và trẻ em trong mùa có dịch. Không chủ quan bảo “không phải SXH” hoặc ‘’không sao đâu!’’.  Bệnh viện dễ bị tràn ngập, lúng túng, căng thẳng. Do vậy cần tổ chức phòng lưu, phòng theo dõi SXH riêng. Tập huấn cho thân nhân biết cách theo dõi các dấu hiệu trở nặng. Công tác truyền thông – giáo dục sức khỏe đặc biệt quan trọng (Truyền thông đại chúng qua Radio, TV, Điện thoại…, bích chương, tờ rơi; Truyền thông nhóm, truyền thông cá nhân qua hướng dẫn trực tiếp). Tận dụng lưc lượng sinh viên y khoa, điều dưỡng… tham gia, tình nguyện giúp đỡ người nhà bệnh nhân trong theo dõi, giám sát tại bệnh viện. Dĩ nhiên cũng phải được tập huấn kỹ trước.

Phòng chống SXH?

Câu hỏi đặt ra tại sao bệnh SXH thấy nhiều ở các Thành phố lớn? Vì ở đó có quá nhiều công trường xây dựng, cao ốc mọc lên như nấm, nhiều ngóc ngách bê tông chứa đầy nước trong vắt… làm chỗ tốt cho muỗi vằn (Aedes Aegypti) đẻ! Các khoảng đất trống chung quanh công trường thì hộp xốp, lavabô bể, vỏ xe hư, thùng nước bỏ ngoài trời, bao bịch ny lông các thứ… đọng nước mưa trong vắt! Ai cũng biết muỗi truyền SXH là muỗi vằn, muỗi đốm, có khoan đen trắng ở lưng và chân, sống trong nhà và đẻ ở chỗ nước trong. Y tế phun thuốc diệt muỗi chỉ diệt được một số muỗi trưởng thành chớ không diệt được…lăng quăng!  Nhớ rằng “không có lăng quăng thì không có SXH”. Và Y tế một mình thì ba đầu sáu tay cũng không làm hết lăng quăng!


Ở Singapore, phòng chống SXH là chuyện của Tổ chức Môi trường Quốc gia ( National Environment Agency-NEA). NEA tổ chức tiếp cận nhà dân để tuyên truyền, giáo dục sức khỏe để người dân cùng tham gia phòng chống SXH, ngay tại nhà mình. NEA điều tra và liệt kê hằng trăm điểm nóng có nguy cơ làm chỗ cho muỗi đẻ, đưa lên mạng để cảnh báo, rồi tổ chức tiếp xúc với từng hộ gia đình, kêu gọi mọi người hợp tác phòng chống dịch. Hằng năm NEA kiểm tra các hộ gia đình, giúp tiêu diệt ổ sinh muỗi – chậu cây cảnh, thùng chứa nước và các vũng nước đọng…NEA còn đưa chương trình vận động hướng đạo sinh, học sinh tiểu học từ 9-12 tuổi tham gia chương trình phòng chống SXH.

(2.8.2017)

Filed Under: Ở nơi xa thầy thuốc, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Thầy thuốc và bệnh nhân, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Họp mặt Gia đình Nữ Hộ Sinh 2016

09/01/2017 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Họp mặt Gia đình Nữ Hộ Sinh 2016

 

Ghi chú: Ngọc Mai, người học trò Nữ Hộ Sinh hơn 30 năm trước, gởi tôi bài phát biểu của tôi trong Ngày Họp mặt thường niên Gia đình Nữ Hộ Sinh năm nay tại Bệnh Viện Từ Dũ vào ngày 4.12.2016 vừa qua để nhờ chỉnh sửa dùng cho Bản tin hàng năm.

Xin chia sẻ nơi đây cùng bè bạn và chân thành cảm ơn Ngọc Mai.

ĐHN.

 

Phát biểu Ngày 4/12/2016 của Thầy ĐỖ HỒNG NGỌC

Tôi đã đến đây dự buổi họp mặt Gia đình Nữ Hộ Sinh nhiều năm, cũng 5 – 6 năm rồi, mỗi năm cảm nhận có sự rơi rụng. Chẳng hạn trước đây thường có mặt Bs Nguyễn Văn Truyền, Bs Nguyễn Lân Đính là những người Thầy đã cùng với tôi giúp cho Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia hồi xưa, bây giờ các anh cũng đã đi xa hết, và một số các chị cũng vắng dần. Chuyện đời “ sinh bệnh lão tử”  là vậy. Nhưng hôm nay đến đây tôi thấy không khí mới lạ hơn những năm trước. Không khí sôi động hơn, văn nghệ hơn, trẻ trung hơn… Không ngờ được nghe chị Thúy Lan ( K7 Huế ) hát, còn hay hơn ca sĩ chuyên nghiệp nữa, rồi hai cô vừa hát bài Về Miền Trung cũng thật bất ngờ dù không “chuyên nghiệp’’ như chị Thúy Lan, nhưng hát với tinh thần rất phấn khởi, vui vẻ, nhiệt tình đáng quý.

Xem hình ảnh trên màn hình tôi ngạc nhiên thấy nhóm GĐNHS sinh hoạt hay quá. Hết lên núi đến xuống biển. Đó là không khí rất đáng mừng cho một hội đoàn , một gia đình mà bây giờ đã mở rộng ra cả nước.

Hôm nay tôi cũng mừng thấy có riêng hẳn một nhóm các bạn NHS Huế. Các bạn văn nghệ giỏi lắm, nếu chúng ta tổ chức được những buổi họp mặt cả nước như vậy thì thật là sôi động, vui tươi.

 

dsc_nhs-4

 

Hôm nay tôi cũng được gặp mấy em sinh viên NHS chừng mười tám, đôi mươi, giật mình, các em nhỏ hơn mình hơn nửa thế kỷ, không ai biết ai cả, còn với các cô các chị NHS lớn tuổi ở đây thì lại rất thân quen.

 

Tôi may mắn năm 1972 vào dạy Trường NHSQG, môn Nhi Khoa. Lúc đó tôi đang là bác sĩ ở bệnh viện Nhi Đồng Saigon. Mỗi năm dạy 40 tiết thôi, không nhiều, nhưng rất thân thiết vì Sản với Nhi đâu có xa cách nhau. Sau năm 1975 tôi được mời tiếp tục dạy cho tới năm 1982 mới nghỉ, nên có sự gắn bó với nhiều thế hệ NHS. Tôi còn nhớ những buổi hỏi thi vấn đáp cùng với Bs Nguyễn Thị Ngọc Phương rất vui. Trong lúc hỏi thi vấn đáp các em, chúng tôi vẫn cho cả lớp tham dự để cùng nghe, coi như một cách ôn tập, nâng cao, mang tính thực tế trong lúc hành nghề, chắc nhiều bạn còn nhớ.

 

Nghề NHS rất lạ, từ hồi chưa có trường đào tạo nghề NHS, người đỡ đẻ được gọi là Cô Mụ. Người ta quý trọng cô Mụ lắm. Nào cô Mụ dạy trẻ cười, cô mụ dạy trẻ khóc, dạy trẻ làm duyên… Chuyện gì cũng đổ cho cô Mụ. Cô Mụ nắn trẻ thành con trai, con gái. Trước đó nữa, trước khi có cô Mụ vườn, người ta cũng biết chạy vô rừng đẻ, ôm gốc cây đẻ, xong rồi bồng đứa nhỏ nhúng xuống nước cho nó khóc thết lên vì lạnh ngắt như bây giờ người ta xịt alcool. Khóc càng to càng tốt.

Ở thôn quê bà mẹ mới sanh còn phải nằm lửa. Vì lúc mang thai, kiêng cử quá đáng, sợ con to, đẻ khó, nên trẻ thường bị sanh thiếu ký, do đó cần ủ ấm. Thế nhưng nằm lửa nhiều lại gây tại hại như ta biết. Mà lạ, ăn uống đơn sơ rau lang bí đỏ, đu đủ… mà sữa rất nhiều.

Bây giờ có nhiều loại sữa nhân tạo ngoài hộp ghi chữ “ sữa có chứa chất tạo thông mình”,làm như hồi xưa chúng ta  không có sữa đó để uống thì ai cũng ngu hết trơn vậy!


dsc_nhs Có nhiều tập tục về hộ sanh ngày xưa rất hay, như ở thôn quê khi sản phụ đẻ khó, lâu, chậm, người ta bắt ông chồng phải nhảy qua nhảy lại cái mương hoặc quậy cái lu nước như để làm trơn tru cho vợ dễ đẻ; có khi ông chồng phải leo lên mái nhà mở mấy cái nút lạt (xưa nhà tranh, nhà lá, buộc bằng những nút lạt) giống như mở toang cửa nhà cho vợ dễ sanh. Những chuyện đó có vẻ “mê tín dị đoan’’ gì đó, nhưng thật ra nó có ý nghĩa về mặt tâm lý. Bà vợ đang đau đẻ nằm trong nhà đang rên, đang đau, vất vả, khó khăn như vậy mà biết có ông chồng thương yêu mình, đang quậy lu nước, leo mái nhà gỡ nút lạt, nhảy qua nhảy lại cái mương… hẳn là trong lòng rất vui, yên tâm có người chia sẻ khó khăn với mình thì việc sanh đẻ trở nên dễ dàng, cũng như bây giờ người ta cho ông chồng vào phòng sanh, nắm tay sản phụ, nói những lời động viện, khích lệ. Có điều bây giờ có khuynh hướng mổ đẻ, nằm máy lạnh… nên ông chồng đành ngồi quán bia chờ vợ sanh thôi! Hồi xưa khi đẻ xong người ta chôn lá nhau, giữ lại một phần cuống rún treo trên nóc bếp (hong khô), bây giờ ta ngạc nhiên thấy cuống rún được lưu giữ để tạo tế bào gốc chữa bệnh!

 

Gần đây những tiến bộ của khoa sinh sản ở Thụy Điển rất hay, hay hơn cả Nhật, Mỹ… là nhờ trở lại với thiên nhiên, thí dụ như: Cho bà mẹ sanh đẻ tự nhiên, không phải nằm trên giường sanh, buộc tay buộc chân… Trong lúc đau bụng có thể ngồi, bò, ôm chân bàn mà đẻ cũng được, miễn sao thoải mái tự nhiên nhất; bất đắc dĩ, có bệnh lý mới phải mổ đẻ. Bé sinh ra được cho nút vú mẹ ngay. Nhờ nút mới có phản xạ tiết sữa.

Vì sanh tự nhiên thì có sự co bóp nhồi nắn của cơn co tử cung rất cần thiết giúp trẻ hô hấp được tốt sau này, khi bé ra khỏi lòng mẹ còn chậm cắt rún để máu được truyền thêm qua cho đứa con.

 

Một điều cũng đáng ngạc nhiên nữa là không biết tại sao bây giờ người ta ngày càng khó có con. Cưới nhau xong rồi bị vô sinh ngày càng nhiều. Hồi xưa nghèo khó hơn bây giờ về vật chất, sao người ta đẻ dễ dàng, đầu năm sanh con trai cuối năm sanh con gái. Có lẽ xưa nhà cửa chật chội chỉ có mỗi một cái giường chung cả gia đình, lăn qua đụng lăn lại đụng thành ra đẻ hoài. Bây giờ nhà cao cửa rộng, vợ một nơi chồng một ngã, muốn găp nhau phải điện thoại trước, lên kế hoạch thành ra trứng rụng cũng khó, tinh trùng ngày càng yếu liệt. Đó cũng là những chuyện chúng ta cần phải để ý để làm sao cho con người càng sống gần gũi với thiên nhiên càng tốt phải không?

 

Tôi có một kỷ niệm nhỏ xin trình bày ở đây nhé. Tôi sẽ đọc một bài thơ tôi đã viết tại bệnh viện Từ Dũ, lúc còn là sinh viên y khoa năm thứ ba, đi thực tập tại đây.  Thời đó mỗi sinh viên y khoa năm thứ ba phải đỡ đẻ tối thiểu 20 cas không bệnh lý.

Đó là năm 1965, cách đây 51 năm, lần đầu tiên tôi nhận một ca, để chuẩn bị đỡ đứa bé tôi đã làm tròn hết công việc cần thiết rồi, nhưng khi tôi đỡ được đứa bé đầu tiên ra đời mẹ tròn con vuông thì tôi rất xúc động.

Thời đó là thời chiến tranh bắt đầu lan tràn ơ nước ta. Đứng ở phòng sanh Từ Dũ nhìn xuống đường bây giờ là Nguyễn Thị Minh Khai, hồi xưa là Hồng Thập Tự thấy người ta đi lại rần rần, hò hét biểu tình…

Tôi viết bài thơ tựa là “Thư Cho Bé Sơ Sinh”. Tôi như là người anh lớn, ra đời trước bây giờ viết cái thư cho em bé sơ sinh mới ra đời. Bài thơ như vầy.

 

Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em!

Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen.

Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ.

Em là gái là trai anh chẳng quan tâm
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến!

Anh đã không quên buộc étiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu!

Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng với hoang mang
Với những danh từ đao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em…

Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận…
Con người…

Đỗ Hồng Ngọc
( BV Từ Dũ, Saigon,1965)

 

Câu chuyện về bài thơ này cũng có nhiều thú vị.

Bài thơ được đăng trên các báo Bách Khoa, Tình Thương… thời đó và in trong tập thở đầu tay của tôi, tập Tình Người, năm 1967. Năm 1973 Bác sĩ Lương Phán xin bài này để đăng trên một tập san y học của ông. Tôi cũng hơi bất ngờ vì lúc đó ông trả nhuận bút cho tôi rất cao, gấp trăm lần các báo khác. Ông bảo tại vì ông thích bài thơ này lắm.

Thú vị là tờ báo y học đó đã lọt vào trong nhà tù. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đang ở tù, đọc được bèn phổ nhạc. Sau năm 1975 ông tìm tôi để tặng tác giả thơ. Ông nói ông định phổ nhạc bài này cho Thái Thanh hát, nhưng bây giờ thời cuộc thay đổi rồi, cất làm kỷ niệm thôi. Sau này đã thấy có người dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp.

Gần đây có cô ca sĩ Thu Vàng hát lại bài hát đó của Phạm trọng Câu. Và mới đây nhạc sĩ Võ Tá Hân ở Mỹ, cũng phổ nhạc và ca sĩ Hoàng Quân hát. Có thể tìm thấy trên youtube.

Không ngờ sau này khi tôi làm việc ở Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Sở Y Tế Tp HCM, có 3 vị bác sĩ ở tỉnh Phú Thọ vào làm việc, một vị tình cờ biết tôi là tác giả bài thơ, mừng rỡ ôm chầm lấy tôi và nói là ở ngoài Bắc sau năm 75 có một người lính mang về cho ông bài thơ này chép tay mà không ghi tên tác giả, năm học nào ông cũng đọc bài thơ này cho học trò lớp Nữ hộ sinh Phú Thọ nghe và nói tác giả khuyết danh.

 

Đó là những kỷ niệm chung quanh bài thơ đã quá xưa rồi, đã 51 năm. Nhưng nó cũng còn giá trị về thời gian, giá trị về kiếp người, xin chia sẻ và cám ơn các bạn đã lắng nghe./.

Đỗ Hồng Ngọc

(Từ Dũ, 4.12.2016)

Filed Under: Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Thầy thuốc và bệnh nhân, Vài đoạn hồi ký, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Nghỉ hè, trẻ nên làm gì?

12/06/2016 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Hội quán Các bà mẹ có buổi trao đổi về chuyện Nghỉ hè cho trẻ.

Rảnh xem vui nhé.

DHN

 

xem tiếp …

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nuôi con, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc

Làm thế nào giúp học sinh “động não” và “sáng tạo”?

11/06/2016 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Làm thế nào giúp học sinh “động não” và “sáng tạo”?

 

Nhận lời mời của Cô Đàm Lê Đức, Hiệu Trưởng danh dự trường THCS-THPT Đức Trí và trường Bồi Dưỡng Văn Hóa 218 Lý Tự Trọng, tôi đến làm “speaker” cho một buổi tọa đàm về đề tài Làm thế nào giúp học sinh “động não” và “sáng tạo”? tại Văn phòng nhà trường trên đường Mạc Đỉnh Chi.

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Vài đoạn hồi ký

Viết trong mùa Vu Lan: LÒNG MẸ

01/09/2015 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Viết trong mùa VU LAN

 Lòng Mẹ

tặng Các Bà Mẹ

 

Long mẹ (hinh 2)                                                     Tranh Nguyễn Thị Hợp

 

Chào Bác sĩ, con cháu được một tháng tuổi, ngày đi ngoài cả chục lần, phân lỏng,    hoa cà hoa cải và nhầy. Cháu có đưa đi khám và xét nghiệm phân, bác sĩ kết luận phân có hạt mỡ và cho uống thuốc…nhưng vẫn không khỏi.

 

Bác sĩ ơi! Con của em được 6 tháng rồi. Bé bú mẹ và bú bình thêm mà bé đi phân ngày 2 – 3 lần phân có nước, màu vàng có bông cải lợn cợn…

 

Bác sĩ ơi, bé nhà em được hơn 8 tháng, cháu đi phân lỏng lúc thì xanh vàng, lúc xanh đen, đôi lúc có chất nhầy, lợn cợn hoa cà hoa cải. 10 ngày nay cháu lúc phân lỏng lúc phân rắn, có hôm đi tới 5-6 lần, có hôm lại bình thường. Hôm qua đi phân rắn, đến chiều hơi lỏng màu vàng…Phân có lúc mùi thối, lúc chua…

 

Con cháu được ba tuần tuổi rồi. 2 tuần đầu tiên cháu đi tiêu rất đều, phân mềm, tuy nhiên đến tuần thứ ba cu tí có biểu hiện rặn ì ạch khi đi tiêu. cu tí chơi ngoan nhưng hay rặn ì ạch nhất là ban đêm, cứ khi nào bú mẹ cu tí lại có nhu cầu đi tiêu và lại rặn ì ạch rất thương, tuy nhiên phân của cu tí vẫn mềm bác ạ…

 

Con gái cháu được 3 tuần tuổi rồi, mấy ngày nay con thường rặn ị không được, gồng đỏ cả mặt, chân tay khua loạn xạ, nhưng chỉ xì hơi và xón ra được 1 chút xíu phân thôi, cả ngày như vậy rặn ị rất nhiều lần nhưng chỉ ị được khoảng 2 lần, phân vàng, lòng hơn bình thường, hơi có chút nhầy nhầy..?

 

Hiện giờ con cháu được 7 tháng 20 ngày, từ khi được 2 tháng đến nay con cháu bị táo thường xuyên, lúc dưới 6 tháng tuổi cứ khoảng 3 -4 ngày không đi ị được là cháu lại thụt… Giờ lần nào cũng phải thụt, 2 ngày thụt mà phân đã rắn đóng cục, nếu 3 ngày thụt thì đoạn phân đầu tiên rắn cục như phân dê…

 

Bác ơi, con cháu đã 1,5 tháng, gần đây cháu đi ngoài rất khó khăn, cứ hơn hai ngày mới đi một lần. Khi chưa đi ngoài được thì em bé rặn và đánh hơi rất nhiều, khi đánh hơi cũng rất khó khăn, thường phải quặn người, có khi phải hét lên thành tiếng, tuy nhiên phân vẫn rất mềm, màu vàng đẹp bác ạ…

 

Bác ơi cho cháu hỏi, con cháu được 1 tháng 19 ngày thì bị đi ngoài nhiều lần trong ngày, cứ ăn là đi, mỗi ngày hơn chục lần. Cháu cho đi khám bác sĩ cho thuốc bảo 4 ngày ko khỏi thì khám lại, cháu cho uống đến 5 ngày ko khỏi, nên đi khám lại, chẩn đoán rối loạn tiêu hóa…cũng không khỏi. Cháu lo lắm, vì bé ko có dấu hiệu thuyên giảm, nhưng bé ko mệt , vẫn chơi…

 

Con cháu hiện giờ được 7 tháng 5 ngày. Lúc bé 2,5 tháng, bé bị bón 7 ngày sau đó thụt hậu môn thì đi đươc, lại bón tiếp 7 ngày nữa thụt hậu môn lại đi được. Có đi bác sĩ thì bác sĩ nói phải tập cho bé đi mỗi ngày…

 

………

 

Làm nghề thầy thuốc gần nửa thế kỷ nay tôi chưa nhận được bức thư nào của một người con hỏi về phân của Mẹ mình…

 

Thôi thì,

Nước vẫn chảy xuôi…

 

Đỗ Hồng Ngọc

xem tiếp …

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Vài đoạn hồi ký, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Anh Hai Trầu đọc “Có một con mọt sách”

27/08/2015 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

ĐỌC “CÓ MỘT CON MỌT SÁCH” CỦA BÁC SĨ ĐỖ HỒNG NGỌC

Hai Trầu

“Có Một Con Mọt Sách” của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, là loại sách viết thật ngắn với nhiều hình vẻ minh họa nhằm cho trẻ nhỏ trong những lời khuyên dạy về vệ sinh thường thức dưới mắt nhìn qua gần nửa thế kỷ kinh nghiệm của một vị lương y chuyên khoa về nhi đồng, vừa cổ tích, vừa khoa học, vừa gần gũi nhưng thâm trầm mà bổ ích, thiết thực.

xem tiếp …

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Ở nơi xa thầy thuốc, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Đọc sách

Giới thiệu trang “Hỏi bác sĩ Nhi Đồng”

07/06/2015 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

Giới thiệu trang “Hỏi bác sĩ Nhi Đồng”

http://www.hoibacsinhidong.net/

https://www.facebook.com/Hoibsnhidong

Do bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM sáng lập và phụ trách là một trang Web và Fanpage đáng tin cậy, nhằm giúp giải đáp thắc mắc của các ông bố bà mẹ trong việc nuôi con, chăm sóc con.

Đúng như bác sĩ Trương Hữu Khanh đã công bố, “Hỏi bác sĩ Nhi Đồng” là trang tư vấn sức khỏe, nhằm góp phần chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe trẻ em chớ không phải để chẩn đoán và điều trị, không thay thế người bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và chữa bệnh cho trẻ.

Vậy các thân hữu trang www.dohongngoc.com/web/ từ nay khi có các thắc mắc gì về sức khỏe trẻ em, vui lòng gởi câu hỏi đến “Hỏi bác sĩ Nhi Đồng” để được tư vấn nhé.

Cảm ơn BS Trương Hữu Khanh và trân trọng giới thiệu đến các thân hữu,

BS Đỗ Hồng Ngọc

(7.6.2015)

xem tiếp …

Filed Under: Hỏi đáp, Nuôi con, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Thầy thuốc và bệnh nhân

Nghỉ hè, trẻ nên làm gì?

16/05/2015 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Nghỉ hè, đừng tước đoạt mùa xuân của trẻ nhỏ

Ngân Hà

Ngan Ha (hinh)

Với những nỗi lo và bằng tình thương rất thật, các bà mẹ ông bố tìm đến bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong buổi trò chuyện chuyên đề: “Nghỉ hè trẻ nên làm gì?” tại trung tâm ngoại ngữ Eland (TP.HCM), chỉ để củng cố thêm niềm tin rằng: mùa hè, phải cho con đi chơi !

Đó là phía cha mẹ.

xem tiếp …

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

PN: “Vitamin” thành công cho trẻ

18/09/2014 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

Ghi chú:  Buổi nói chuyện với phụ huynh trường Việt-Úc do Hội quán Các Bà Mẹ tổ chức đề tài ” Dạy con phẩm chất thành công” được Tô Diệu Hiền báo Phụ Nữ Tp.HCM ghi lại, đặt tựa “Viatamin” thành công cho trẻ đăng trên báo Phụ Nữ và Phunuonline.

Xin được chia sẻ với … các bà mẹ (và cả các ông cha) ở đây vậy!

ĐHN.

“Vitamin” thành công cho trẻ

IMG_7874

 

PN – Trẻ học dở hay giỏi, mai này kém cỏi hay thành đạt không chỉ tùy thuộc vào trí thông minh sẵn có mà còn rất nhiều yếu tố khác. Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bằng nhiều cách khác nhau, phụ huynh hoàn toàn có thể tác động, hỗ trợ, giúp con thành công, hạnh phúc, vững bước trong đời. Dưới đây là một số “vitamin” thiết yếu nhất mà mọi trẻ em đều cần và phụ huynh đều có để đáp ứng.

xem tiếp …

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Thư gởi bạn xa xôi (tiếp theo)

26/09/2013 By Bac Si Do Hong Ngoc 4 Comments

Ghi chú: “Thư gởi bạn xa xôi (9.13)” về chuyện cái “meo” của một bà mẹ trẻ bên Mỹ bỗng nhiên được nhiều bà mẹ yêu cầu cung cấp thêm thông tin. Tôi không phải là bác sĩ Sản khoa, nhưng vì là tác giả  cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” (vừa tái bản lần thứ XX) nên ít nhiều cũng… dính tới các bà mẹ nên xin gởi vài bài viết liên quan trước đây để các bạn đọc thêm.

Ngoài ra xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa Sản nhé.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

xem tiếp …

Filed Under: Ở nơi xa thầy thuốc, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Thầy thuốc và bệnh nhân, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Thư gởi bạn xa xôi (9.2013)

26/09/2013 By Bac Si Do Hong Ngoc 9 Comments

Thư gởi bạn xa xôi,

Kể cho bạn nghe vài chuyện vui vui gần đây ư? Được thôi. Chuyện “nghề nghiệp” nhé.  Từ ngày có trang nhà www.dohongngoc.com/web/ mình đâm ra bận bịu với nó, thế nhưng cũng không hiếm những niềm vui. Chẳng hạn chuyện nhiều ông bố bà mẹ trẻ trên thế giới “phẳng” hỏi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện bầu bì, chuyện ăn uống ỉa đái của trẻ con… Dĩ nhiên có  trường hợp giúp ngay được bằng vài lời khuyên thì giúp, có trường hợp phải kêu đưa ngay đến bệnh viện, đến bác sĩ để được thăm khám gấp… Nói chung, thường các bà mẹ bình tĩnh, điềm đạm hơn mấy ông bố. Có ông nóng nảy rằng thì là “Bác sĩ gì mà người ta hỏi cứ khuyên đọc sách, đọc bài này bài kia… mà chẳng cho thuốc men gì cả!”. Nhưng cũng có người khen: Nghe lời bác sĩ, cả nhà mừng phát khóc vì bé đã “ỉa” được rồi! Nhiều người đòi có thuốc gì dập tắt ngay cơn tiêu chảy của bé. Chính vì thế mà trẻ con thường bị ngộ độc do uống hay chích mấy thứ thuốc làm “liệt ruột”, bụng chướng lên, phân ứ lại, không “chảy” ra được nữa!

xem tiếp …

Filed Under: Ở nơi xa thầy thuốc, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Thầy thuốc và bệnh nhân, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Hội quán Các Bà Mẹ: Giao lưu với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn “Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật”

Dương Mình Trí: cảm nghĩ nhân đọc “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật”

Đỗ Hồng Ngọc với “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật”

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Mấy ngày Tết
  • Nguyên Giác: Mẹ dạy con ngồi như núi
  • Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần
  • Thích Phước An: GIÓ BẤC CUỐI NĂM

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Hai Lấp Vò trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • đỗ xuân đạm trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Độc giả trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Bản nhạc Mũi Né
  • Thạch trong Bản nhạc Mũi Né
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “ÁO XƯA DÙ NHÀU…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).
  • PN trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email