Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Trần Hoài Thư: Thư Tết gửi bạn thơ Đỗ Nghê ở SG.

25/02/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Trần Hoài Thư

Thư Tết gửi bạn thơ Đỗ Nghê ở SG.

(https://tranhoaithu42.com/2021/02/23/thu-tet-ve-nha-tho-do-nghe-o-sg/)

Tôi gặp trở ngại khi nói chuyện. Mỗi lần nói là mỗi lần thở dốc. Vì vậy tôi mượn blog này để gởi về bạn những lời chúc Tết, dù muộn màng, của một người bạn cũ xa quê nhà gần cả nửa thế kỷ. Trước hết cám ơn bạn hiền đã có lòng lo lắng cho kẻ này. Bạn bè nhìn tấm hình của tôi  mới chụp mà nhỏ nước mắt. Tôi cảm ân mà chẳng buồn. Bởi ít ra bạn bè còn thương, chứ ghét thì  làm gì mà động lòng tri âm tri kỷ. Tôi muốn để bạn đừng lo, chứng tỏ là tôi vẫn còn khỏe mạnh bằng cách post cả chồng Thư Quán Bản Thảo mà  tôi vừa in xong, để các bạn thấy rằng hai cánh tay tôi vẫn còn đủ sức để cắt những chồng giấy mấy trăm tờ hay những cuốn sách dày cộm.

Chính nhờ cái máy cắt bằng tay này mà tôi biết mình vẫn còn mạnh. Như sáng sớm này, muốn tập thể thao, tôi chạy từ dưới basement lên nhà trên ít nhất là mười lần.

Quên nói là phần thể thao của tôi sáng nay là mấy cuốn sách của Đặng Tiến: Vũ trụ Thơ I và II. Đừng hỏi tôi in làm gì cho phí công phí sức phí cả tiền bạc, lúc mà tôi muốn tẩy trần tất cả. Nhưng họ làm sao biết là tôi đi tìm niềm vui. Mà niềm vui đâu phải nằm ngửa để có kẻ mang khay tới hầu. Niềm vui là do mình tạo nên, do mồ hôi mình đổ xuống. Dù nhọc nhằn nhưng mồ hôi kia vẫn lóng lánh vàng.
Tôi vẫn đủ khả năng để kéo trì cán dao nặng trĩu. Tôi còn đủ kiên nhẫn để bỏ từng cuốn báo vào phong bì, và dán tem, rồi mang đi gởi ở bưu điện.

Sáng nay chàng đẩy chiếc xe chở báo TQBT gởi đến mười phương
Nàng bưu điện chào chàng bằng nụ cười hết xẩy
Bà khách hàng đứng bên hỏi chàng ông gởi gì nhiều vậy
Chàng hãnh diện trả lời, tôi  gởi sách của tôi
Vâng thưa bà, tôi là một nhà văn !!!
Xem bà ta rất cảm phục vô ngần !

2.

Thứ hai là cám ơn bạn về bài thơ Dán tặng tôi:

Dán

              tặng THT

Không dán etiquette

Cho một bé sơ sinh

Mà dán cả đất, trời (*)

Nối liền tình bè bạn

Nối liền những tấm lòng

Yêu đất nước quê hương

Dán tương lai dĩ vãng

Cho lành bao vết thương…!

Đỗ Nghê

 

Nhưng Dán so với bạn, tôi đâu có thấm tháp gì. Tôi dán cho tuổi già. Càng ngày bạn bè càng rơi rụng dần. TQBT in ra, gởi đi, bị trả lại nhiều. Buồn lắm bạn ơi…

Còn với bạn thì khác. Bạn dán cho tương lai. Những bé sơ sinh của một thời mà bạn buộc vào etiquette: Anh đã không quên buộc etiquette vào tay em/  Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy ( trich  Thư cho  bé sơ sinh ) hoặc những đứa bé mà bạn đã cứu chữa, giờ đã thành người lớn, đang dâng tràn sức sống.

Một trong những đứa bé ấy là cháu TQT.  Năm 1978 cháu mới 5 tuổi. Một hôm được mẹ chở đi bằng xe đạp. Vô ý cả bàn chân của cháu bị  kẹt vào chân căm bánh xe, khiến cả bàn chân bị thương tích nặng. Y. hối hả mang con vào phòng cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng SG. Thời bao cấp, bênh nhân la liệt, tìm một bác sĩ đâu phải là dễ. Y. nói với cô y tá: Xin cho tôi gặp BS Đỗ Hồng Ngọc – trưởng phòng cấp cứu – Chị là ai ? – Tôi là vợ của Trần Hoài Thư. Chị cứ nói là Trần Hoài Thư bác  sĩ sẽ biết ngay. Cô y tá vào trong. Một lát, bạn ra và  tận tình cứu chữa cháu trong khi không có tôi bên cạnh.

Bây giờ cháu TQT  cũng noi theo bác Đỗ Hồng Ngọc:  Vừa là Y sỹ, vừa  nhà thơ. Và họa sĩ. Bức tranh sau đây là một chứng minh:  Một cây con sắp nhú mầm. Chung quanh là những bánh xe luân hồi ngày đêm chuyển vận. Và cây mẹ cây cha thì đầy quả trái , lá bông sum suê.

Sự hình thành của một con người có khác chi. Chỉ khác là nguồn lộc ấy chỉ đến từ những tâm hồn biết yêu cái đẹp chứ không đến từ cõi ô trọc này. Đó là từ người thi sĩ phải không ?

 

Tranh TQT

………………………………………

(*) báo giấy và báo online

 

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Vài đoạn hồi ký

“Café” Dương Thụ – Đỗ Hồng Ngọc (tiếp theo)

03/08/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi,

“Café” Dương Thụ – Đỗ Hồng Ngọc (tiếp theo)

Cám ơn bạn đã chịu khó ngồi nghe toàn bộ buổi “Café” Dương Thụ – Đỗ Hồng Ngọc từ 12h đêm đến 1:30 sáng! Dài quá phải không? “Mấy ông già nhiều chuyện” quá phải không? Có bạn bên kia nửa vòng trái đất bảo phải nghe 2,3 lần mới hết, kể cả mấy bài hát! Có bạn còn bảo nghe đi rồi nghe lại…

Nhưng, đa số “thắc mắc”: thế thì bài hát “Thư cho bé sơ sinh” của Phạm Trọng Cầu phổ thơ Đỗ Hồng Ngọc vẫn chưa có ai hát ư? Chưa. Trước đây có ca sĩ Thu Vàng bảo đã hát “nháp” thử mà không dễ, bởi PTC phổ bài thơ gần như thành “nhạc kịch”!

May thay, sau này, nhạc sĩ Võ Tá Hân đã phổ nhạc bài thơ Thư cho bé sơ sinh và đã đưa lên youtube một clip rất hay với những hình ảnh minh họa do Giao Trinh (Diệu Hạnh) thực hiện.

Mời bạn thử nghe xem nhé.

Thân mến,

ĐHN.

 

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Vài đoạn hồi ký

Nhạc sĩ Dương Thụ: “Café” với Đỗ Hồng Ngọc

23/07/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Nhạc sĩ Dương Thụ: “Café” với Đỗ Hồng Ngọc 13.7.2019

 

nvquyen vừa gởi clip ghi buổi “Tâm tình” của Đỗ Hồng Ngọc với Dương Thụ và các bạn tại CAFE THỨ BẢY ngày 13.7.2019 vừa qua. Xin chia sẻ.

Đa tạ nvquyen.

ĐHN.

 

Viết thêm:

Có vài bạn “phàn nàn” rằng nghe nhạc sĩ Dương Thụ hỏi về thơ tình Đỗ Nghê mà tôi cứ như “né” đi. Nay xin gởi bài thơ Mũi Né này (đã đăng trên Bách Khoa, 1970) và nay nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã phổ nhạc với tiếng hát Thu Vàng để tặng các bạn vậy nhé.

Bài này nvquyen cũng đã chuẩn bị để trình chiếu hôm đó nhưng thấy ít thời gian nên ngưng.

Cảm ơn nvquyen.

Trân trọng.

(ĐHN)

 

 

Và đây là bài thơ Xin Cám ơn, cám ơn tôi viết ngày còn nằm ở BV mà bạn Quách Mạnh Kha đã đặt câu hỏi trong buổi Giao lưu 13.7.2019 tại Cafe Dương Thụ:

Xin Cám ơn, cám ơn

Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta gục ngã
Như cỏ cây trước cơn bão dữ
Như con thuyền tung hê lên vách núi cao

Cho ta trở về làm con thú hoang sơ
Trần truồng như nhộng
Kẻ cạo đầu người lột da
Kẻ đục sọ người giúp thở

Kẻ đặt ống sonde vào đường tiểu
Người bơm thuốc qua dịch truyền
Cho ta trở về làm con thú trinh nguyên
Cho ta trở về làm em bé sơ sinh
Không lý trí không nghĩ suy không toan tính.

Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo như cơn bão dữ
Bản tin thời tiết chưa kịp loan truyền
Quất qua đời ta cây cỏ
Để khi tỉnh dậy ta nhìn ra em
Nhớ tiếng người này nhìn ra người nọ
Gọi tên người này nhớ mặt người kia
Như đã qua một kiếp khác
Bao năm xa vắng quê nhà!

Nhớ bước chân trâu nhớ giàn bông bí
Nhớ cây khế ngọt nhớ trái dừa xanh
Nhớ tiếng mẹ già nhớ đàn con trẻ,
Nhớ người hàng xóm lâu nay còn lạ
Nhớ những người thương nhớ luôn người ghét
Thấy ai cũng tôi nghiệp
Như ta
Đã bao lâu ta không sống với mình
Ta có ta mà quên ta phứt.

Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta kịp lúc
Cho ta trở lại với mình
Ta muốn ôm hôn tất cả mọi người
Và ôm hôn ta nữa
Cái đầu trọc lóc bình vôi
Hai lỗ thủng và 18 vết khâu từ ái
Ta ngạc nhiên lắng nghe mình thở
Lắng nghe sự sống cục cựa trong mình.

Xin cám ơn, cám ơn
Những cơn đau vật vã toát mồ hôi
Những nhức buốt thiệt thà thú vật
Khi đứng được hai chân như con người
Thật vô cùng hạnh phúc
Khi bước đi những bước con người
Khi còn được nghe được nói
Được cầm cây viết vẽ bâng quơ
Được đọc vài trang báo
Ôi phép lạ nhiệm mầu!

Những hòn sỏi bỗng có linh hồn
Những lá cây đong đưa lạ lẫm
Tiếng chim và ánh nắng
Như đã lâu rồi ta mới gặp nhau
Như đã lâu rồi ta mới quen nhau…

Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta gục ngã
Cho ta trở về làm con thú trinh nguyên
Cho ta trở về làm em bé sơ sinh
Tràn đầy hạnh phúc
Để ta biết chắc một điều có thực
Tình yêu
Đã giúp ta tìm lại chính mình
Đã giúp ta vượt thoát!

Đỗ Hồng Ngọc
(Bệnh viện AB 12/1997)

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Vài đoạn hồi ký

Vài bài thơ ngắn

04/01/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

Thư gởi bạn xa xôi,

Nguyễn Xuân Thiệp (phovanblog) gởi mình trang thơ trên báo Trẻ Dallas giới thiệu vài bài thơ ngắn trong tập Thơ Ngắn Đỗ Nghê sắp phát hành, xin chia sẻ cùng bạn nơi đây:

 

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Uncategorized, Vài đoạn hồi ký

Truyện ngắn Đỗ Nghê: Người Thứ Hai

18/10/2016 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

Người Thứ Hai
Oct18

Lời dẫn trên blog Nguyệt Mai:
Trong một lần trò chuyện trên dutule.com với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (kỳ thứ 23), ông tiết lộ: “Tôi không có khả năng “hư cấu” nên không viết được truyện dài truyện ngắn tiểu thuyết như các bạn mình…” Nhưng gần đây, ông chợt nhớ có một truyện ngắn của ông đã đi trên tạp chí Mai xuất bản tại Saigon năm 1965. Và đây cũng là truyện ngắn duy nhất của ông.

Nguyệt Mai chân thành cám ơn Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã cho phép trang blog Trần Thị Nguyệt Mai được post chia sẻ với bạn bè và cám ơn bạn Đèn Biển đã giúp đánh máy trong thời gian sớm nhất.

xem tiếp …

Filed Under: Thầy thuốc và bệnh nhân, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Vài đoạn hồi ký, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Thư gởi bạn xa xôi (12.2014)

16/12/2014 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 Thư gởi bạn xa xôi (12.14)

Như đã nói về hưu rồi thì mình bận nhất vào các ngày cuối tuần, còn những ngày trong tuần thì “thất nghiệp”. Chả có gì lạ. Mới về hưu thì cũng còn có người này người khác thăm hỏi. Lâu dần thì chẳng còn ai.  Chuyên kể có ông Sếp nọ về hưu, ngày nào cũng ăn mặc tươm tất như lúc còn đi làm, ngồi đợi mãi mà chả thấy ai phone hỏi han điều gì. Cho nên phải có một “kế hoạch già” sớm đi bạn ạ.  Phải tập sống “độc cư”, phải biết “tự tại”, thấy “ngũ uẩn giai không” thì mới mong “độ nhất thiết khổ ách”! Dĩ nhiên bạn biết đó, độc cư không phải sống một mình, không phải “ Trời cao đất rộng/ Một mình tôi đi/ Đời như vô tận/ Một mình tôi về/ Một mình tôi về… với tôi!” (TCS) đâu! Độc cư cũng chẳng phải tụng “dĩ vãng đã qua rồi/ tương lai thì chưa tới…” rồi sống hết mình với “ở đây và bây giờ” đâu!  Bởi vì biết sống trong hiện tại cũng có nghĩa là sống với tuệ giác, thấy vô thường, vô ngã, duyên sinh… Chà chà, lại “tào lao” nữa rồi!

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Vài đoạn hồi ký

Đôi lời cho một bài hát: THƯ CHO BÉ SƠ SINH

18/10/2014 By Bac Si Do Hong Ngoc 10 Comments

Đôi lời cho một bài hát

Thư Cho Bé Sơ Sinh

Nhạc sĩ Võ Tá Hân vừa gởi về tôi bài hát Thư Cho Bé Sơ Sinh do anh phổ nhạc bài thơ cùng tên của tôi qua giọng ca của ca sĩ Hoàng Quân.

Xin được chia sẻ cùng các bạn.

Bài thơ tôi viết năm 1965, cách đây cũng đã… nửa thế kỷ, khi tôi còn là một sinh viên y khoa năm thứ 3, thực tập tại bệnh viện Từ Dũ, Saigon. Đây là ca đầu tiên tôi “đỡ đẻ” và trong nỗi cảm xúc lâng lâng, dạt dào, tôi đã viết ngay bài thơ  trong khoảng 10 phút và… chép vào bản phúc trình thực tập của mình. Câu chuyện quanh bài thơ này khá là ngộ nghĩnh. GS Hoàng Ngọc Minh đọc bản phúc trình, rầy tôi: “đỡ đẻ không lo đỡ đẻ, lo làm thơ!”. Nhưng sáng hôm sau, đã thấy bài thơ được ai đó viết lên bảng và tức khắc lan truyền nhanh trong giới sinh viên và nữ hộ sinh thời đó…

Gọi là thư viết cho bé sơ sinh, thực ra cũng là viết cho… chính mình, ở vào một thời nhiễu nhương, chiến tranh tàn khốc trên đất nước! Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã phổ nhạc bài  thơ này (1974), nhưng bài hát đã không phổ biến. Sau 1975, bài thơ được một bác sĩ ở miền Bắc cho biết hàng năm khi dạy học ở một trường Trung học Y tế anh đều đọc cho các Nữ hộ sinh nghe, và nói tác giả là “khuyết danh”, vì bài thơ do một anh bộ đội mang về không thấy ghi tên tác giả!  Năm 2006, bài thơ được dịch sang tiếng Anh (Phát’blog) và gần đây Diệu Hạnh dịch sang tiếng Pháp. (có thể đọc thêm “Chuyện kể về một bài thơ” trên www.dohongngoc.com/web/).

Thư cho bé sơ sinh…  không dễ phổ nhạc! Nhạc sĩ Võ Tá Hân đã có cảm xúc để phổ nhạc bài này, lại giữ nguyên được lời thơ, quả là một điều đáng quý! Đây là một bài hát hay, đầy tâm trạng, khắc khoải, bâng khuâng, trong clip nhạc với nhiều hình ảnh minh họa rất dễ thương…

Trân trọng cảm ơn Ns Võ Tá Hân, cảm ơn Võ Giao Trinh, ca sĩ Hoàng Quân… và tất cả.

Mời các bạn thử nghe!

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

(18.10.2014)

 

THƯ CHO BÉ SƠ SINH

Nhạc Võ Tá Hân

Thơ Đỗ Hồng Ngọc

Ca sĩ Hoàng Quân

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Nghĩ từ trái tim, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Vài đoạn hồi ký

Vài bản dịch “Thư Cho Bé Sơ Sinh”

02/12/2013 By Bac Si Do Hong Ngoc 8 Comments

 

Submitted on 2013/11/29 at 1:07 chiều

Kính gửi Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Đọc bài thơ “Thư cho bé sơ sinh” hay quá nên em xin mạn phép dịch ra tiếng Anh để được chia sẻ với các bạn trẻ không đọc được tiếng Việt. Mong bác sĩ cho phép và hy vọng đã không thay đổi ý nguyên thủy của bài thơ.
Kim

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Nghĩ từ trái tim, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác

Tin…”văn nghệ”

15/11/2013 By Bac Si Do Hong Ngoc 5 Comments

THIỆP MỜI QUÁN VĂN 18

 

Tuần này có khá nhiều buổi “Giao lưu” thú vị:

Ra mắt Quán Văn số 18, với Họa sĩ Rừng, tức nhà văn Kinh Dương Vương ngày Chủ nhật 17.11.2013 tại Du Miên;

 

Và buổi Chuyện trò với Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) về tập thơ “Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác” cùng cuốn “Thiền & Sức khỏe” tại Nhà sách Ebook Phuong Nam, Vincom 72 Lê Thánh Tôn vào ngày Thứ bảy 23/11/2013.

 

 

PN Giay moixem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Thiền và Sức khỏe, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Vài đoạn hồi ký

Ghi chép lang thang (tiếp theo)

14/10/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

Về thơ Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc

Ghi chú: Nguyên Minh – người chủ trương bán nguyệt san Ý thức và Nhà xuất bản Ý thức những năm 70 ở Saigon – sắp ra tập san Quán Văn số 9, trong đó có mấy bài viết về thơ Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc. Mới đây nhà thơ Luân Hoán cũng đã “vẽ” Đỗ Nghê một bức chân dung bằng thơ rất độc đáo được nhiều bạn trẻ quan tâm, muốn tìm hiểu thêm thế hệ 4X… ngày xưa. Vì vậy, xin được gởi đến các bạn vài bài Bạt và Tựa ở các tập thơ của Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc trước đây như một chia sẻ ở chỗ thân tình.

ĐHN (Đỗ Nghê)

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Vài đoạn hồi ký

Thơ: Rùng Mình (bản dịch Ý và Pháp)

05/03/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 5 Comments

Ghi chú: Nhà văn Trương Văn Dân, tác giả tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” cùng vợ là Elena Pucillo Truong, người Ý, nói đã xúc cảm, “rùng mình” dịch bài thơ Rùng Mình của tôi sang tiếng Ý và tiếng Pháp. Chị Elena là tiến sĩ ngữ văn, tác giả vài truyện ngắn có tiếng gần đây trên báo chí, theo chồng về nước dạy tiếng Ý và tiếng Pháp, hiện đang sống và làm việc tại Tp.HCM. Xin được chia sẻ cùng các bạn.
Cảm ơn Trương Văn Dân và Elena.

ĐHN

Rùng mình…
Tùng địa dũng xuất
(Pháp Hoa)

Người rùng mình hỏi vì sao động đất sóng thần cứ triền miên
hết ngày này sang ngày khác?
Vì sao núi lửa cứ phun trào?
Vì sao băng tan vì sao bão táp…?
Vì sao trẻ con người già bị cuốn trôi bị thiêu đốt
thành phố tan hoang cửa nhà đổ nát như món đồ chơi
của một đứa trẻ đang giận dữ
Vì sao và vì sao?…

Nhưng hãy lắng nghe
Dù trong giây lát

Trái đất cũng đang rùng mình tự hỏi vì sao
những ngọn núi cứ triền miên đổ sập?
vì sao những dòng sông nghẽn tắt?
vì sao những mủi đao cứ ngày đêm xoáy sâu vào lòng đất?
Vì sao chim rừng cá biển không chốn nương thân
Vì sao cổ thụ mầm xanh bị tận diệt
Vì sao lúa bắp phải cấy ghép gen người?…
Vì sao và vì sao?

Ta nương tựa vào nhau.
Nay có vẻ đã không còn cần nhau nữa!
Đất rùng mình phận đất…
Người rùng mình phận người…

Đỗ Hồng Ngọc
(2011)

BRIVIDI !

Rabbrividendo, l’Uomo chiede :
Perche’i terremoti e gli tsunami
Continuano ad arrivare un giorno dopo l’altro?

Perche’ i vulcani continuano ad eruttare?
Perche’ i ghiacciai si sciolgono, i tifoni distruggono?
Perche’ i bambini e i vecchi vengono trascinati e inceneriti?
Le case crollano e le citta’ sono distrutte come fossero i giocattoli
di un bambino arrabbiato.
E perche’, perche’..???

Ed ora ascolta
Solo un istante……

Rabbrividendo anche la Terra chiede:
Perche’ le montagne continuano a crollare ?
Perche’ i fiumi vengono bloccati?
Perche’ si continua a perforare il fondo della terra?
Perche’ gli uccelli delle foreste, i pesci del mare non hanno un posto dove stare?
Perche’ gli alberi secolari vengono sradicati?
Perche’ il riso, il granoturco vengono modificati geneticamente?

E perche’, perche’ ?

Una volta ci si appoggiava uno all’altro
Sembra che ora non abbiamo più bisogno l’uno dell’altro
La Terra rabbrividisce
L’Uomo rabbrividisce
Ognuno per proprio conto.

Đỗ Hồng Ngọc
(2011)
( Bản dịch tiếng Ý của Trương Văn Dân e Elena Pucillo Truong)

FRISSONS !

Frissonant, l’Homme demande:
Pourquoi les tremblements de terre et les tsunamis
Continuent à arriver un jour après l’autre?

Pourquoi les volcans continuent à éclater ?
Comment arrive-t-il que les glaciers fondent, les typhons détruisent?
Pourquoi les enfants et les personnes âgées
Sont entraînés et sont reduits en cendres ?

Les maisons s’effondrent et les ville sont détruites
Comme si elles étaient des jouets d’un enfant en colère.
Et pourquoi, pourquoi ?

Et maintenant écoute
Seulement un instant…..

Frissonant la Terre demande également:
Comment arrive-t-il que les montagne continuent à s’effriter ?
Pourquoi les rivières viennent bloquées?
Comment arrive-t-il qu’on continue à percer le fond de la terre?
Pourquoi les oiseaux de forêts, les poissons de la mer
n’ont plus un endroit où vivre?
Pourquoi les arbres sont déracinés?
Pourquoi le riz , le maïs sont génétiquement modifiés?

Et pourquoi, pourquoi?
Une fois on s’appuyait l’un à l’autre
Il semble que maintenant nous n’avons plus besoin les uns des autres.
La Terre frissonne
L’Homme frissonne
Chacun pour son propre compte.

Đỗ Hồng Ngọc
(2011)
( Bản dịch tiếng Pháp của Elena Pucillo Truong)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Vài đoạn hồi ký

Với Ngô Nguyên Nghiễm

03/12/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Phút tâm giao với nhà thơ-
bác sĩ ĐỖ HỒNG NGỌC

Ngô Nguyên Nghiễm
Ghi chú: Ngô Nguyên Nghiễm, sinh 1944 tại Châu Đốc, tốt nghiệp Đại học Dược khoa Saigon nhưng người ta ít biết đến anh như một dược sĩ mà biết đến anh như một nhà thơ, nhà văn nhiều hơn. Anh đã có 12 tác phẩm văn học được xuất bản trước và sau 75, với hơn 40 tuyển tập thơ văn in chung, và đã từng là người chủ trương tạp chí Khai Phá. Một hôm anh phone tôi, nói muốn gặp gấp để làm một cuộc phòng vấn “bỏ túi” cho bộ sách mới của anh: Người Đồng Hành Quanh Tôi, Tác giả Tác phẩm. Tôi không có cách nào khác hơn là hẹn anh “bạn đồng nghiệp” quý mến của mình ra một quán cà phê góc phố… cùng với Trần Yên Thảo, giữa cái nắng Saigon…

Ngô Nguyên Nghiễm (NNN): Nhà thơ Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc, đã góp mặt với nền văn học nghệ thuật thập niên 60 – 70 thế kỷ qua. Lúc đó, tác phẩm Thơ đầu tay được ấn hành là tập Tình Người (1967), và sau đó Thơ Đỗ Nghê (1973) là một dấu ấn đặc biệt. Sau 1975, rời bỏ bút hiệu Đỗ Nghê, bước sang giai đoạn Đỗ Hồng Ngọc, ấn hành khá nhiều tản văn truyền đạt y học. Sự chuyển hướng này có ảnh hưởng thế nào giữa Đỗ Nghê và Đỗ Hồng Ngọc? Ý kiến về cái thực của đời (Y học), và cái huyễn của Thi ca?

Đỗ Hồng Ngọc (ĐHN): Không phải “rời bỏ bút hiệu Đỗ Nghê” đâu. Chỉ là “rửa tay gác kiếm” tạm thời thôi! Thời đó có quá nhiều “Ông Đồ xứ Nghệ”, nên Đỗ Nghê tạm lánh đi. Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc vẫn là một đó chứ dù là viết dưới dạng nào đi nữa bạn không thấy sao? Ai bảo y khoa là cái thực và thi ca là cái huyễn? Y khoa vừa là khoa học vừa là nghệ thuật! Thuốc “giả” vẫn chữa được nhiều thứ bệnh thật đó chứ! Còn thi ca? Đọc được một bài thơ hay ta chẳng phải đã “sảng khoái” còn hơn ngàn thang thuốc bổ ư?

NNN: Hình như tản văn viết về y học dưới bút pháp Đỗ Hồng Ngọc lại là những tác phẩm văn chương tuyệt diệu. Anh có xem cả hai như một khối duy nhất? Vì sao?

ĐHN: Hình như trong tôi có sự lẫn lộn nào đó. Tôi không hề nghĩ rằng lúc này ta đang làm thơ và lúc này ta đang viết về y học. Thân và tâm đâu có tách rời, sắc thọ tưởng hành thức vẫn là một, ngũ uẩn vẫn “giai Không” mà! Viết, chỉ biết viết. Khi viết một bài về y học, thì hình như tôi đang làm thơ và khi viết một bài thơ thì hình như tôi đang làm… y học! Tôi không biết cách nào phân biệt rạch ròi hai lãnh vực nầy. Tại cái tạng nó vậy. Người đọc thơ tôi bảo “đời thường” quá, không có gì bay bỗng tuyệt vời cả, ngưới đọc tạp văn lại bảo như thơ… Thôi thì, nó sao kệ nó. “Phân biệt trí” đã làm ta khổ lâu rồi!

NNN: Sự hiện thực được bày tỏ trong tác phẩm thi ca mới nhất của Đỗ Hồng Ngọc, là Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác, càng đọc càng làm rúng động lòng người. Anh có thể tâm sự phút giây về những cảm xúc được ghi lại trong loạt thơ đầy nhân bản này?

ĐHN: Bạn vừa dùng một cụm từ lạ: “loạt thơ đầy nhân bản”. Chẳng lẽ có những loạt thơ không đầy nhân bản hay sao? Tôi nghĩ thơ, bản chất đã là nhân bản, dù được thể hiện dưới hình thức này hay hình thức khác, ở thời đại này hay thời đại khác. “Người ta đẻ ra mà tỉnh, ấy là tính Giời cho nguyên như thế, cảm ở vật ngoài mà động thời ấy mới là sự muốn của tính. Đã có muốn thời phải có nghĩ, đã có nghĩ thời phải có nói, đã có nói thời những cái ý nhị không thể nói hết ra được mà hình hiện ở trong lúc ngậm ngùi ngợi than, tự nhiên tất phải có những giọng điệu cung bực, như không thôi đi được. Ấy tại thế mà sinh ra có thơ!”. Chu Hy đã viết như thế ngàn năm trước khi đề tựa cho tập Kinh Thi, khi có người hỏi ông: Thơ tại sao mà làm ra? (Tản Đà địch). “Như không thôi đi được”, bạn thấy không? Những người làm thơ… trên cõi nhân gian đều vậy đó, “như không thôi đi được”. Vậy nên lại có tập “Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác”…!

NNN: Thỉnh thoảng đọc các bài viết về Phật pháp của Đỗ Hồng Ngọc trên các tạp chí Phật giáo. Và tôi còn chiêm nghiệm về số vốn cao thâm của anh ở những ý kiến về Phật học. Tất cả tư tưởng trên có ảnh hưởng sâu sắc vào những sáng tác hơn 30 năm nay? Nếu phải, thì hé mở chút duyên ngộ mà nhà thơ, nhà văn hóa Đỗ Hồng Ngọc có được?

ĐHN: Hồi nhỏ tôi sống mấy năm trong một ngôi chùa ở Phan Thiết với người cô vì sớm mồ côi cha. Cô bị tai nạn xe lửa, không đi lại được nhưng rất mê sách. Tôi có nhiệm vụ đi mướn sách cho cô đọc. Mặc dù bị cấm con nít không được đọc, tôi đã ngốn hết… toàn bộ sách trong tiệm cho thuê sách đó. Lớn, đi học ở Saigon, dành tiền mua sách, mỗi sáng chỉ ăn một cục xôi. Sách đầy nhà. Tôi nhớ Tôn Hành Giả với 72 phép thần thông và cân đẩu vân tuyệt vời vậy mà cũng không nhảy qua khỏi bàn tay Phật, đành “tè” bậy dưới ngón tay. Thế nhưng, mãi đến năm 1997, sau cơn bệnh thập tử nhất sanh, tôi mới lại tìm đến với Tâm kinh, Kim cang… một cách khác. Học cách khác, hành cách khác. Cho nên như bạn thấy đó, những bài viết có chút hơi hướm, mà tôi nghĩ mình đang lõm bõm học từng chút, từng chút… rồi chia sẻ với bạn bè gần xa.

NNN: Tác phẩm Đỗ Hồng Ngọc nghiêm túc, hình như anh có một phương pháp và lộ trình sắp đặt cho hướng khai phá trong văn chương, dù đó là Nghệ thuật hay Y học. Nếu có dự trù nào cho tương lai, đề nghị hé mở những đóng góp quý giá này?

ĐHN: Tại cái tạng nó vậy. Tôi nghĩ khó có ai sắp đặt một lộ trình, một phương pháp… trong cõi văn chương! Tại cái tạng thôi. Có người nói tôi nghiêm túc lại có người nói tôi hài hước, dí dỏm; có người bảo tôi sơ sài quá, có người lại bảo thâm thúy… Vậy thì không phải “lỗi” ở người viết mà tại người đọc. Người đọc cũng “đồng tác giả” mà! Bạn thấy không, “văn chương chi sự thốn tâm thiên cổ”!
Còn “dự trù” gì đó ư? Sau Tâm kinh, Kim cang, tôi đang “nghiền ngẫm” kinh Pháp Hoa, và giật mình thấy nó đã được gói gọn trong bốn câu ca dao mà người Việt mình ai cũng thuộc: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”…

NNN: Cảm ơn Đỗ Hồng Ngọc, chúc thân tâm an lạc.
ĐHN: Cảm ơn bạn, Ngô Nguyên Nghiễm.

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM thực hiện.
Mùa thu 2010.
……………………………………………
(*) Người đồng hành quanh tôi, Tác giả tác phẩm, tập II, NXB Thanh Niên, 12/2010

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Đọc sách

Truyện kể cho các bé

02/11/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 7 Comments


Ghi chú: Đầu những năm 80, tôi có viết một số truyện thiếu nhi cho báo Khăn Quàng Đỏ – những chuyện về sức khỏe trẻ con – sau đó được NXB Thanh Niên tập hợp in thành cuốn sách nhỏ: Có một con mọt sách (1996). Sách đã “tuyệt bản” từ lâu, may nhờ một “thiếu nhi” (nay đã là bác sĩ) còn giữ được và đánh máy giúp cho. Xin gởi tặng các bạn nhỏ một ít truyện đọc cho vui -sau khi đã “hiệu đính” lại chút đỉnh.
Chân thành cảm ơn bác sĩ NVMT.
Đỗ Hồng Ngọc.

Có một con mọt sách

“Cậu bé Sinh, người đất Hàm, lên tám đã nổi tiếng là thần đồng, bảy bước xong bài thơ, lên mười đã làu thông kinh sử. Sinh mê sách không gì sánh bằng. Lúc đang đọc thì dù sấm to, chợp động bên ngoài cũng không giật mình. Sinh đọc không từ một loại sách nào: xưa lẫn nay, tốt lẫn xấu, bạ đâu đọc đó. Lượm được miếng giấy gói rau của mẹ đi chợ về, Sinh cũng đọc ngấu nghiến. Đêm trăng sáng đã đành, mà đêm trăng mờ cũng mang sách ra đọc ngoài hiên. Có bữa thiếu đèn, Sinh bắt chước người xưa, bắt đom đóm làm đèn, nhập nhòa đọc sách. Cha mẹ Sinh có lúc muốn can ngăn, nhưng vốn chiều con nên chẳng nói gì. Sinh được trớn càng đọc nhiều hơn. Mới đầu, còn ngồi ngay ngắn trước án thư, sau nằm dài trên chõng mà đọc, có lúc ngủ quên, gối đầu trên đống sách… Càng ngày, Sinh càng gầy ốm xanh xao vì thiếu nắng, thiếu gió. Có người thấy vậy, ngỏ lời khuyên điều vệ sinh mắt: chỉ nên đọc sách tốt, nơi có đủ ánh sáng, tư thế ngay ngắn… Cha Sinh nghe lời, cấm con đọc sách. Từ đó Sinh lén cha trùm kín mền giả bịnh mà đọc. Mới mấy tháng, Sinh đã không thể đọc rõ chữ khi để sách hơi xa mắt một chút và ngày càng phải đặt sách gần sát mắt để đọc. Có khi mắt đỏ lên, chảy cả nước mắt sống. Một đêm, dưới trăng hạ tuần vàng vọt, Sinh nằm bẹp trên trang sách, dí mắt vào đọc, người cứ thu nhỏ dần, nhỏ dần, sau cùng phải bò trên trang sách mà nghiền từng dòng từng chữ. Sáng hôm sau, người nhà tìm không thấy Sinh đâu, mãi sau mới thấy một con mọt mải mê bò trên đống chữ…

– Đó là chuyện con mọt sách, chủ kể theo lời yêu cầu của cháu, cháu có hỏi thêm gì không?
– Có phải chú định khuyên cháu nên đọc sách tốt và đọc nơi có đủ ánh sáng, đúng tư thế không?
– Cháu thông minh lắm! Đúng thế! Trăm người cận thì thì chin mươi người là do không giữ vệ sinh mắt. Chỉ nên đọc sách tốt, vì đó mới là thầy, là bạn quý của ta. Lúc đọc phải có đủ ánh sáng để mắt không bị mỏi. Phải ngồi ngay ngắn để tránh vẹo xương, còng lưng và nên giữ khoảng cách từ sách đến mắt ba mươi, bốn mươi phân là vừa, không để gần mắt quá sinh cận thị. Thỉnh thoảng cho mắt nghỉ… xả hơi.
– Mắt cũng nghỉ xả hơi hả chú?
– Mắt đọc nhiều cũng mệt mỏi chứ! Nhất là những ngày học thi. Khi mỏi mắt nên cho mắt “xả hơi” bằng cách nhắm mắt lại một lúc hoặc nhìn vào khoảng tối ở xa xa… Nên ăn các loại thức ăn có nhiều sinh tố A như rau dền, rau muống, cà rốt, đu đủ, cà chua, bí rợ, khoai lang đỏ, trái gấc… rất tốt cho mắt. Mỗi người nên có khăn riêng của mình và không nên dụi mắt với tay dơ bẩn. Khám mắt ngay khi có các triệu chứng bất thường…
– Triệu chứng bất thường là như thế nào chú?
– Như nhìn xa không rõ, nhìn gần mỏi mắt, nhìn chỗ rõ chỗ không, nhìn màu đỏ ra màu xanh, nhìn một vật hóa hai… hoặc khi thấy nhức đầu chóng mặt dai dẳng, học tự nhiên sút kém đi… Phần cháu, cháu đã cận khá nặng rồi đó! Phải giữ vệ sinh mắt thiệt tốt và nên mang kiếng thường xuyên để tránh cho mắt đỡ mệt, mau tăng độ cận
– Nếu không cũng sẽ trở thành con mọt sách hở chú?
– Dĩ nhiên! Nhưng có hơi khác một chút. Nếu cháu trở thành con mọt sách thì đó là một con mọt đặc biệt vì… có đôi kiếng cận trên mắt!

Đỗ Hồng Ngọc

Chuyện Cá bảy màu

Ngày xưa, có một vị vua cá sinh được bảy hoàng tử. Các hoàng tử đều rất khỏe mạnh, thông minh và tài giỏi. Mỗi vị thường khoác lên người một chiếc áo choàng màu sắc sặc sỡ: đỏ, cam, vàng, xanh, lam… Bấy giờ, nhà vua đã già, muốn truyền ngôi lại cho một trong các con. Nhà vua lấy làm khó nghĩ vì hoàng tử nào cũng rất xứng đáng cả. Sau cùng, vua cha hẹn cho các hoàng tử trong vòng ba mùa trăng, phải tìm học cho được một nghề hay, một phép lạ, về biểu diễn ở kinh đô, trước mặt bá quan văn vỏ. Ai tài đức nhất sẽ được chọn thay vua cha trị vì trăm họ cá.
Vị hoàng tử thứ nhất, từ lâu ước mơ hóa thành rồng, càng cố công gắng sức tập luyện. Chàng nhảy qua một cái thác cao, chao mình, xòe vi lướt như bay trong không khí. Vị hoàng tử thứ nhì văn hay chữ tốt, nắn nót múa đuôi đề những dòng thơ tuyệt diệu ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, làm say mê bao công chúa cá xa gần. Vị hoàng tử thứ ba thì giỏi nghề thao lược kiếm cung, điều quân khiển tướng, bày binh bố trận… Vị hoàng tử thứ tư lại theo một đạo sĩ tu hành, ăn chay và có tài nhịn đói,… Tóm lại mỗi vị đều có một biệt tài và đều cố công rèn luyện để đợi ngày thi thố tài năng. Riêng hoàng tử út, hãy còn nhỏ bé, rất được vua cha và hoàng hậu cưng chiều. Chàng không muốn thi tài cùng các anh, nhưng nể lời mẹ, chàng cũng lên đường…
Ngày thi đã tới. Trống nổi lên. Ban giám khảo trịnh trọng đọc chiếu chỉ nhà vua. Các hoàng tử đã sẵn sàng mà chưa thấy hoàng tử út trở về. Không thể chờ lâu, vua cha cho phép tiến hành cuộc thi. Hoàng tử thứ nhất biểu diễn đường bay hóa rồng, nhưng không đạt, chỉ có mỗi cặp mắt hơi giống rồng nên được ban cho cái tên cá Long Nhãn. Hoàng tử thứ hai nhờ những bài thơ trác tuyệt được ban tên là cá Vàng. Hoàng tử thứ ba thành cá Lưỡi Kiếm và hoàng tử thứ tư chính là cá Trắm Cỏ, ăn chay trường và có tài nhịn đói… Nhà vua vẫn chưa hài lòng ai. Vừa lúc đó, hoàng tử út trở về. Chàng ra mắt vua cha, hoàng hậu, thi lễ cùng bá quan. Hoàng hậu giấu nỗi vui, nhắc: “Con đã học được phép gì hay thì mau biểu diễn đi!” Hoàng tử Út rất lúng túng. Chàng kể:
– Con chẳng học được gì hay cả! Ngày nọ, trên đường đi, con tới một nơi thật xa kia và gặp một loài hung ác, có tài biến hóa dị thường. Từ các trứng tròn nhỏ, chúng hóa thành những con sâu, ngo ngoe trong vương quốc ta, rồi bỗng chốc chắp cánh bay lên vun vút. Chúng đi đốt trẻ con loài người, hút máu, rồi truyền bịnh cho các em. Nhiều trẻ con loài người rất ngoan đã phải chết vì loài vật hung ác này. Con rất căm thù và giận không có cánh bay lên đuổi theo chúng. Cần phải cứu lấy trẻ con. Thế là con xông vào lũ sâu bọ đang ngo ngoe kia để tiêu diệt chúng. Chẳng bao lâu, chúng chết tiệt. Từ đó, trẻ con loài người lại hân hoan cắp sách đến trường.
Nghe đến đây, mọi người hoan hô nhiệt liệt. Vua cha và hoàng hậu ôm chầm lấy hoàng tử Út, vui đến chảy nước mắt. Vị giám khảo cá – một vị thông thái- giải thích cho mọi người biết hoàng tử Út đã làm một việc có ích lớn: đã tiêu diệt được loài muỗi truyền bịnh sốt xuất huyết cho trẻ em loài người. Chàng xứng đáng được kế vị vua cha. Các hoàng tử anh – khác với các vị hoàng tử trong truyện đời xưa – không hề ghen tị với em, đều hết sức mừng rỡ và công nhận hoàng tử Út xứng đáng hơn hết. Họ ôm hôn chàng và cởi phăng chiếc áo choàng đang mặc khoác lên cho hoàng tử Út. Họ cùng hứa hẹn học cách tiêu diệt loài sâu bọ kia.
Chàng hoàng tử Út từ đó khoác trên người chiếc áo mang màu sắc cầu vòng bảy màu rực rỡ nên có tên là cá Bảy Màu, kẻ sẵn sàng tiêu diệt loài muỗi nguy hiểm truyền bịnh sốt xuất huyết cho trẻ em.

Đỗ Hồng Ngọc

Giếng nước mùa xuân…

Ngày xưa, ở vùng nọ có nhiều lời đồn đại về một giếng nước mùa xuân. Cứ theo lời kể thì đó là một giếng nước rất kỳ lạ. Vài ba năm một lần, vào một ngày đẹp trời nhất giữa mùa xuân, giếng tự nhiên có mùi thơm ngào ngạt, lôi cuốn hàng ngàn chim muông đến ca hát véo von. Nước giếng lúc đó trong trẻo lạ thường, có lẫn những hạt ngọc long lanh. Ai uống được thứ nước đó thì mọi bệnh tật đều khỏi, già thì trẻ lại, xấu xí thì hóa xinh đẹp. Cạnh giếng nước là túp lều cỏ của một vị lão tiên. Lão đã rất cao tuổi mà trông vẫn còn rất khỏe. Bấy giờ trong vùng có một huyện quan khét tiếng tham lam tàn ác. Mãi lúc về già, huyện quan mới sinh được một đứa con cầu tự. Cậu ấm đã lên mười mà trí khôn chưa bằng trẻ lên bốn. Cơ thể thì suy nhược đến nỗi gió lay cũng ngã. Bao nhiêu thuốc men đổ vào đều vô ích. Có món ngon vật lạ khó mấy quan cũng tìm cho cậu ấm mà chẳng kết quả gì. Cậu ấm càng ngày càng xanh xao vàng vọt, tai mờ mắt kém, bụng ỏng da chì. Nghe nói về giếng nước mùa xuân, huyện quan mừng rỡ, cho bọn nha lại đến đòi lão tiên đến hầu. Năm lần bảy lượt cũng không gặp được lão tiên, huyện quan mang vàng ròng bạc nén đến mua chuộc cũng không kết quả. Bày kế múc trộm nước thần thì chỉ được ít nước bùn, uống vào bịnh càng nặng. Sau cùng, huyện quan đích thân dẫn con đến bái tạ lão tiên, cầu xin cứu chữa. Lão tiên ra điều kiện phải để cậu ấm lại một thời gian đợi giếng nước mùa xuân phun chất ngọc. Trong thời gian đó, cậu ấm phải nhất nhất nghe lời lão, còn huyện quan thì không được bén mảng tới, chỉ ở nhà lo tu nhân tích đức, làm điều lương thiện.

Nói về cậu ấm, từ ngày ở với vị lão tiên thì cho là cực khổ vô cùng, dù lão tiên chỉ giao cho cậu một việc là múc nước từ giếng lên để tưới khắp vườn rau. Mỗi khi cậu tỏ ý biếng nhác hoặc giở thói con quan thì bị phạt chạy một vòng ngoài nắng, cũng có khi bị phạt nhịn đói một ngày. Lúc đầu, cậu ì ạch kéo gàu nước mãi không nổi, nhưng càng về sau, cậu kéo dễ dàng hơn. Cậu thầm mong một hôm nào đó, nhặt được vài hạt ngọc long lanh trong nước giếng để chữa bệnh mà mãi chẳng thấy gì. Những bữa cơm rau muối của vị lão tiên dần dần cậu thấy ngon hơn, nhất là những hôm bị phạt nhịn đói. Những lúc đó, ăn lén một củ khoai lang lùi lại càng ngon tuyệt. Những buổi phạt chạy ngoài nắng làm cậu quen dần với ánh nắng mặt trời đến nổi về sau, dù không bị phạt, cậu cũng chạy vài vòng quanh sân dưới ánh nắng ban mai. Cậu tắm nước giếng cũng không thấy còn lạnh như xưa nữa. Có lần cậu đánh bạo hỏi lão tiên về thứ nước ngọc thì lão chỉ khuyên phải kiên nhẫn, thế nào cũng gặp.
Thấm thoắt cậu ấm đã trở thành một thiếu niên cường tráng, khỏe mạnh. Cậu có thể đuổi kịp một con hươu rừng, nhổ bật cả một bụi tre… Cùng lúc lại được tin quan huyện cũng đã trở thành một vị quan thanh liêm, được dân chúng gần xa mến mộ. Một hôm, lão tiên gọi cậu vào bảo:
– Đã đến lúc thầy trò ta chia tay.
Cậu sụp lạy, xin được ở nán lại ít lâu chờ lấy được thứ nước quý từ giếng mùa xuân đã. Lão tiên mỉm cười, ôn tồn nói:
– Làm gì có nước ngọc, con. Sức khỏe của con không quý hơn sao? Da con đã được tắm ánh nắng mặt trời, được tưới mát bằng những gàu nước lạnh, mũi con đã được hít thở khí trời trong sạch, miệng con được ăn những thức lành mạnh do thầy trò ta tự tạo nên. Những thứ đó còn tốt ngàn lần hơn thứ thuốc nào khác, đã làm máu con thắm lại, mắt con sáng ra… Và điều đáng quý hơn nữa là con tập được tính kiên nhẫn, biết yêu mến, quý trọng sự làm việc, con đã trở nên siêng năng cần mẫn, không ỷ lại, lười biếng như xưa…. Sức khỏe là vốn quý nhất không thể mua được bằng vàng bạc gấm vóc, bằng sức mạnh quyền uy… !

Đỗ Hồng Ngọc

Filed Under: Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác

“…vui vì nghe trái tim mình đập”

13/01/2011 By support2 7 Comments

ĐỌC THƠ ĐỖ HỒNG NGỌC (ĐỖ NGHÊ)
“… vui vì nghe trái tim mình đập”.

Tôi rất thích tập thơ Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác của Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê).  Tập thơ này đươc nhà xuất bản Văn Nghệ trong nước xuất bản và phát hành đầu năm 2010.  Tập thơ dày 232 trang, khổ vuông vức 17cm x 17cm, bìa và giấy in bài thuộc loại có giá trị cao nhưng rất trang nhã chớ không se sua, chưng diện đỏm dáng.xem tiếp …

Filed Under: Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc

VIẾT GỬI NHỮNG CỤ GIÀ Ở MONTREAL (*)

01/08/2010 By admin 6 Comments

Nguyễn Thánh Ngã

Tôi không định viết về Đỗ Hồng Ngọc- Đỗ Nghê với “Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác” vì đã có nhiều người viết rồi. Nhưng đứa bé sơ sinh lại thôi thúc, lại cất tiếng u oa…Thôi thì tôi vụng dại kể về thứ thơ “qua rèm” (Trăng Boston) của Đỗ Hồng Ngọc cho tuyết nghe ở phố Tàu hoặc nhà giữ lão ở Montreal nghe chơi. Gọi là đáp lại tiếng khóc sơ sinh, may ra gửi một chút tình cho Đỗ Nghê thi sĩ…
Đỗ Nghê thi sĩ tên thật là Người Cầm Ống Tiêm. Đối tượng Trẻ Sơ Sinh. Trong cái sát-na rung cảm chàng dám đại diện cho Đời giới thiệu cho “tính bổn thiện” số phận Con người thông qua ngũ uẩn. Bé Sơ Sinh ơi, Ngươi là đứa bé nào ở không- thời- gian Từ Dũ-1965 mà diễm phúc vậy. Mới sinh ra liền được nghe Kinh Bát Nhã ? Tôi lăn lộn ba đường sáu nẻo giờ mới được nghe lẫn lộn giữa ngộ -mê dày cộp. Sao có thể hiểu được điều gì. Ngươi mới là được nghe cái nghe tuyệt hảo, cái nghe nguyên vẹn gần như là thai giáo- một thứ kinh thơ bất tuyệt giữa chào đời…xem tiếp …

Filed Under: Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác

  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)

TẠP GHI (Lõm Bõm)

Nguyễn Xuân Thiệp: VỴ ƠI…

Truyện Phan Tấn Hải: QUÊN NHAU LÀ CHUYỆN KHÓ

Thêm một Tuổi Mới

PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Biết rồi còn hỏi

Ba tầng của tâm thức – Vô Kỵ ở tầng nào?

“An cư kiết hạ” trong mùa Covi

Thư gởi bạn (2.4.2020)

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Trần Hoài Thư: Thư Tết gửi bạn thơ Đỗ Nghê ở SG.
  • Trần Doãn Nho: Lạnh lùng Texas!
  • Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)
  • TẠP GHI (Lõm Bõm)
  • Nguyễn Xuân Thiệp: VỴ ƠI…

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong CHÚC MỪNG NĂM MỚI
  • Diêu Trong trong CHÚC MỪNG NĂM MỚI
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Sách Ở Trên Đường
  • Su Su Do trong Sách Ở Trên Đường
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Tĩnh lặng
  • Tịnh Phan trong Tĩnh lặng
  • Phan Minh Tịnh trong Tĩnh lặng
  • Trần Vạn Lợi trong Chuyện kể đêm Giáng Sinh
  • hai trầu trong Chuyến về Đà Lạt cùng Quán Văn
  • hai trầu trong Chuyến về Đà Lạt cùng Quán Văn

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email