Nguyên Giác: Mỹ Học Của Hư Vỡ
Mỹ Học Của Hư Vỡ
Nguyên Giác
Đức Phật ngồi trong hư vỡ, vô thường. Hình: Pexels.com.
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Thân người chính là một bình gốm mong manh, dễ hư vỡ, và rồi sẽ một ngày tất nhiên phải hư vỡ. Đức Phật nói trong Kinh Pháp Cú, bài Kệ 40, qua bản dịch của Thầy Minh Châu là:
- “Biết thân như đồ gốm,
Trú tâm như thành trì,
Chống ma với gươm trí;
Giữ chiến thắng không tham.”
Bài kệ trên nói rằng, thường trực biết thân mình, biết cơ thể mình mong manh như đồ gốm, là tâm sẽ khởi lên cái thấy của trí huệ, là tất nhiên lìa tham. Hiểu biết như thế, khi thấy đồ gốm quý tan vỡ, cũng sẽ tất nhiên không sân hận. Câu chuyện sau là dịch từ Thiền sử Nhật Bản.
Thiền sư Ikkyu, khi còn là thiếu niên đã lộ ra trí thông minh, nhanh nhẹn, và là một chú tiểu biết ứng biến. Thầy của Ikkyu có một tách trà quý giá, đó cũng là một cổ vật quý hiếm. Chú tiểu Ikkyu vô ý làm vỡ chiếc tách trà này và rất mực bối rối. Nghe tiếng bước chân của thầy, Ikkyu ôm những mảnh tách vỡ ra sau lưng. Khi thầy xuất hiện, Ikkyu hỏi: “Tại sao người ta phải chết?”
Vị thiền sư già giải thích, ““Đó là tự nhiên, vì mọi thứ có sinh thì phải có tử. Đó là luật vô thường, mọi thứ đều phải hư vỡ.”
Bấy giờ, chú tiểu Ikkyu lấy chiếc tách vỡ ra và nói với thầy: “Bạch thầy, đã đến lúc cái tách của thầy phải chết rồi.” Dĩ nhiên, vị thầy không giận.
Tất cả chúng ta trong đời đều phần nào chấp nhận mỹ học của sự hư vỡ. Nhiều người trong chúng ta, tại Việt Nam và cả tại Hoa Kỳ, đã từng đi lang thang trong các tiệm bán đồ cũ, vào các chợ trời, nhìn những thứ hư vỡ, và đôi khi mua những thứ còn có thể sử dụng được. Đôi khi, có những thứ không còn sử dụng được, nhưng mua về chỉ vì nó là đồ cũ, nó có giá trị của hư vỡ, cho dù hoàn toàn không có giá trị hiệu năng so với đời sống của thế kỷ 21 nữa, thí dụ, chiếc đèn dầu hột vịt, đồng hồ quả lắc…
Đức Phật đã lấy nhận thức về hư vỡ và thái độ sống hoan hỷ với hư vỡ thành một lộ trình giải thoát. Riêng chúng ta đã sống với hư vỡ theo một cách đơn giản đời thường, nhiều khi chỉ vì không có lựa chọn để được sống sang trọng, xa hoa. Trong khi đó, dân tộc Nhật Bản đã nâng tầm sống với hư vỡ, với sứt mẻ, với gãy đổ… thành một nghệ thuật. Đó là nghệ thuật Kintsugi, còn gọi là kintsukuroi, chữ này tiếng Anh dịch là “golden repair” – nghĩa là, sửa chữa bằng vàng.
Theo Wikipedia, Kintsugi là nghệ thuật sửa chữa đồ gốm bị nứt, bị vỡ của Nhật Bản bằng cách vá những chỗ bị vỡ bằng sơn mài urushi phủ bụi, hoặc trộn với bột vàng, bột bạc hoặc bột bạch kim. Về mặt triết lý, nghệ thuật này coi sự hư vỡ và việc sửa chữa như một phần lịch sử của một đồ vật, chứ không phải là thứ gì đó để ngụy trang, để che giấu. Phần lớn tập trung vào đồ gốm, vì dân Nhật Bản xem uống trà như một nghệ thuật.
Khi uống trà, tất nhiên là phải dùng tới những cái tách làm bằng đồ gốm. Thử hình dung, nếu uống trà bằng ly thủy tinh trong suốt, hay bình nhựa học trò… thì chẳng còn gì là nghệ thuật, và cũng không ai bận tâm sửa chữa những hư vỡ bằng bột vàng. Do vậy, uống trà phải là dùng tách làm bằng đồ gốm, hoặc với các vương triều, là tách làm bằng gốm tráng sơn mài. Kỹ thuật sơn mài, Nhật Bản gọi là maki-e, cũng là một nghệ thuật lâu đời tại Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn…
Dùng vàng để vá đồ gốm hư vỡ là truyền thống Nhật Bản.
Nhưng các thiền sư Nhật Bản chỉ uống trà trên các tách làm bằng đồ gốm trông có vẻ như thô, nhám. Và khi nâng tách trà lên, bên cạnh hương trà, là hai bàn tay cảm nhận chất thô, nhám của đồ gốm, của đất sét nung, của đất nước gió lửa… Trà đạo đối với Thiền Tông Nhật Bản không chỉ là lá trà, bột trà, chất trà, vị trà, mà là toàn bộ thân tâm hành giả trong từng cử chỉ nâng tách trà lên, nếm chút trà, tay xúc chạm vào đồ gốm, cảm nhận thế giới và thân tâm tan trong từng cử chỉ và cảm thọ.
Theo truyền thuyết Nhật Bản ghi lại, vào thế kỷ 15, Tướng quân Ashikaga Yoshimasa từng làm vỡ một bát trà Trung Quốc. Bát trà này là của hiếm, do từ nghệ nhân thủ công Trung Quốc gửi tặng, nghĩa là không có bát trà nghệ thuật thứ nhì giống như thế. Sau đó, Tướng quân gửi bát trà về Trung Quốc để sửa chữa, nhưng nó lại bị gửi lại bằng cách vá gốm, nhìn không vừa ý Tướng quân này. Yoshimasa sau đó đã yêu cầu các nghệ nhân của mình tìm cách vá gốm cho đẹp hơn, từ đó phát minh ra nghệ thuật vá đồ gốm bằng vàng của Nhật Bản.
Lịch sử ghi rằng, hồi thế kỷ 15, Nhật Bản vẫn còn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng sự tinh tế của văn hóa Nhật Bản vẫn tiếp tục phát triển… Dưới ảnh hưởng của Tướng quân Ashikaga Yoshimasa và những người kế vị ông, Nhật Bản đã phát minh ra một lối sống mới: văn hóa Higashiyama. Bắt nguồn từ dòng tư tưởng Thiền Tông, bầu không khí văn hóa này đã thúc đẩy sự phát triển của trà đạo, nghệ thuật cắm hoa (ikebana), kịch Nô và tranh thủy mặc vẽ bằng mực Tàu.
Trong nền văn hóa đầy Thiền vị này, nghệ thuật vá đồ gốm bằng vàng đã phát triển nhanh chóng… Đến mức một số nhà sưu tập bị thu hút bởi vẻ đẹp và triết lý của Kintsugi, đã cố tình đập vỡ một số đồ gốm cổ của nghệ thuật Nhật Bản để sửa chữa bằng vàng. Nghĩa là, làm thành một hóa thân mới, một kiếp sau của sản phẩm nghệ thuật. Thực tế, không phải ai cũng có điều kiện để sống huy hoàng như thế. Nhiều Thiền sư không cần vá gì, chỉ đơn giản sử dụng các chén, tách, tô… đã bị sứt mẻ. Và trong sứt mẻ đó, trong hư vỡ đó cũng là một thế giới mới được hình thành: sống hoan hỷ với hư vỡ. Đó cũng là ý nghĩa của Phật giáo.
Phong thái sống của các Thiền sư Nhật Bản là sống với hồn nhiên, đơn giản, khổ hạnh, tinh tế, lìa thói quen, tĩnh lặng, từ bi… Trong khi đó, giới nghệ nhân, từ nghệ thuật Kintsugi lấy vàng nấu chảy để vá gốm đã hòa lẫn với phong thái Thiền để hình thành một cách nhìn gọi là Wabi-sabi. Chữ này thịnh hành từ thế kỷ thứ 16, một chữ không còn mang ý nghĩa “lấy vàng vá gốm” nữa, mà là một nhận thức nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là những sinh vật nhất thời trên hành tinh này – rằng cơ thể chúng ta cũng như thế giới vật chất xung quanh chúng ta đang trong quá trình trở về cát bụi. Chu kỳ sinh trưởng, mục nát và xói mòn của tự nhiên được thể hiện ở các cạnh bị sờn, rỉ sét, đốm gan. Thông qua wabi-sabi, chúng ta học cách đón nhận cả niềm vui và nỗi buồn được tìm thấy trong những dấu vết của thời gian trôi qua.
Theo truyền thuyết Nhật Bản, một chàng trai trẻ tên là Sen no Rikyu đã tìm cách học hỏi những phong tục phức tạp được gọi là Trà Đạo. Anh ta đến gặp trà sư Takeeno Joo, người đã thử thách chàng trai trẻ bằng cách yêu cầu anh ta chăm sóc khu vườn. Rikyu dọn dẹp những rác vụn và cào đất cho đến khi nó thật hoàn hảo, sau đó xem xét kỹ lưỡng khu vườn sạch sẽ. Trước khi trình bày tác phẩm của mình với vị trà chủ, anh đã rung chuyển một cây anh đào khiến một vài bông hoa rơi ngẫu nhiên xuống đất. Chính cái bất toàn đó, những nụ hoa rơi trên nền cát trắng cho thấy cái đẹp của vô thường, của hư vỡ. Sách ghi rằng, cho đến ngày nay, người Nhật tôn kính Rikyu như một người hiểu rõ cốt lõi của sợi dây văn hóa sâu sắc được gọi là wabi-sabi.
Theo tự điển, Wabi là những thứ tươi mới, đơn giản và mang vẻ đẹp mộc mạc. Và Sabi là những rung động, cảm xúc trước vẻ đẹp của lớp gỉ đã cũ theo thời gian.
Chỉ có những người thấm đượm văn hóa Wabi-sabi mới hiểu được vẻ đẹp dịu dàng, nguyên sơ của những ngày tháng 12 xám xịt bao trùm lên một tòa nhà hoặc nhà kho bị bỏ hoang. Nó tôn vinh những vết nứt, kẽ hở, chỗ mục nát và tất cả những dấu vết khác mà thời gian, thời tiết và quá trình sử dụng để lại. Khám phá wabi-sabi là nhìn thấy vẻ đẹp đặc biệt ở một thứ mà thoạt nhìn có thể trông như là bất toàn và hư vỡ.
Theo dòng thời gian, tới thế kỷ 17, xuất hiện một Thiền sư được xem là sống trọn vẹn theo phong cách wabi-sabi.
Đó là Thiền sư Baisaō (1675-1763). Ông thuộc dòng thiền Ōbaku (Hoàng Bá). Thiền sử ghi rằng Hoàng Bá học từ Bách Trượng Hoài Hải. Hoàng Bá để lại một tác phẩm nổi tiếng là Hoàng Bá truyền tâm pháp yếu. Trong môn đồ của Hoàng Bá, nổi tiếng nhất là Lâm Tế. Baisaō nổi tiếng như một Thiền sư học giả, một nhà thơ, một nhà thư pháp… nhưng đã từ chối tất cả các lời mời trụ trì khi các tướng quân dâng cúng chùa, rồi cuối đời lang thang, ra đời làm một ông già lang thang Kyoto để bán trả. Một đời sống cực kỳ hồn nhiên, khổ hạnh, tĩnh lặng, từ bi… Tâm không vướng một niệm, nhưng toàn bộ thân tâm sống với cõi vô thường, lặng lẽ nghe hư vỡ từng ngày.
Để có thể hiểu về cách sống của Baisaō, chúng ta có thể dẫn ra tông yếu Thiền qua lời Hoàng Bá, trích theo bản dịch của Thầy Thanh Từ:
“… Người học Đạo hễ có một niệm vọng tâm là xa Đạo, ấy là điều tối kị. Hết thảy mọi niệm đều vô tướng, đều vô vi, tức là Phật. Người học Đạo nếu muốn thành Phật thì hết thảy Phật pháp đều không cần phải học, chỉ cần học cái không mong cầu, không chấp trước là đủ. Không mong cầu thì tâm không sinh, không chấp trước thì tâm không diệt.” (ngưng trích)
Thiền sử ghi rằng Baisaō là một Thiền sư nổi tiếng khi đi du lịch khắp Kyoto để bán trà. Quán trà của ông có ảnh hưởng rất lớn ở Kyoto, đặc biệt là với các nghệ sĩ và triết gia. Baisaō có nghĩa là, ông cụ bán trà. Nhưng tên trong nhà thiền ông là Gekkai Genshō (月海元昭, Nguyệt Hải Nguyên Chiêu). Sau này, ông về đời, sử dụng tên cư sĩ là Kō Yūgai (高遊外, Cao Du Ngoại).
Baisaō là một nhà thơ và là một tu sĩ Phật giáo, nhưng đã bỏ lại đằng sau những ràng buộc của cuộc sống chùa chiền và ở tuổi 49 du hành đến Kyoto, nơi ông bắt đầu kiếm sống bằng cách bán trà trên đường phố và tại các địa điểm có danh lam thắng cảnh xung quanh thành phố. Tuy nhiên, Baisaō còn pha chế nhiều thứ hơn là trà – khách hàng của ông, bao gồm các nghệ sĩ, nhà thơ và nhà tư tưởng có ảnh hưởng vào thời đó: họ xem việc tới gánh trà của ông có tầm quan trọng về mặt tôn giáo. Những chiếc giỏ đan bằng tre lớn chứa đầy dụng cụ pha trà của ông đã mang đến cho Baisaō và các khách hàng của ông cơ hội trò chuyện và làm thơ cũng như những loại trà đặc biệt.
Thiền sư Baisaō. Hình trái do Ito Jakuchu vẽ. Hình phải do Tanomura Chikuden vẽ.
Baisaō sinh năm 1675 tại đảo Kyushu phía nam Nhật Bản. Là con trai của một trong những tầng lớp trí thức ưu tú trong vùng, anh nhận được một nền giáo dục sâu rộng và khi lên 11 tuổi, trở thành tu sĩ trong thiền phái Ōbaku, lấy tên là Gekkai Genshō. Năm 1687, ông cùng sư phụ Kerin Dōryū du hành đến Mampuku-ji, trụ sở của Ōbaku Zen. Một trong những nơi hai thiền sư đến thăm là Kōzan-ji, ở ngoại ô Kyoto, nơi trồng những vườn trà đầu tiên ở Nhật Bản.
Giống như nhiều thiền tăng khác, Baisaō trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau tại ngôi chùa riêng của mình, Ryūshin-ji. Sự nghiệp tôn giáo Baisaō có thể chia thành ba thời kỳ: thời kỳ rèn luyện trong trường thiền hơn hai thập niên, thời kỳ thứ hai, ông quản trị tăng chúng trong chùa và sau đó trên thực tế giữ chức quyền trụ trì tại Ryushin-ji ở Hasuike; và giai đoạn thứ ba, lang thang bụi đời ở Kyoto với tư cách là Ông già bán trà. Khi sư phụ qua đời, chức vụ trụ trì được chuyển giao cho một nhà sư trẻ hơn. Khi Baisaō được hỏi tại sao không nhận được chức trụ trì này, ông khiêm tốn trả lời “vì tôi không có trí tuệ hay đức hạnh.” Mặc dù nhiều lần được đề nghị tiếp quản ngôi chùa nhưng ông đều từ chối và ông lên đường về kinh đô Kyoto, nơi ông sẽ sống phần đời còn lại của mình.
Kyoto lúc đó là nơi tự do, phóng khoáng nhất Nhật Bản, nơi cho phép sự sáng tạo và nghệ thuật phát triển. Các nhà văn, nghệ sĩ và học giả rủ nhau đến thành phố, phá vỡ chủ nghĩa bảo thủ còn bao vây nhiều nơi ở Nhật Bản. Được bao quanh ba mặt bởi những ngọn đồi phủ đầy cây xanh rất đẹp và với dân số khoảng nửa triệu người, Kyoto là một trong những thành phố đẹp nhất trên trái đất (lúc đó, và cả bây giờ, khi trở thành cố đô Nhật Bản).
Vào thời điểm xã hội Nhật Bản chuyển đổi, Baisaō nổi bật nhờ kỹ năng của mình với tư cách là một nhà thơ và nhà thư pháp với kiến thức sâu rộng về văn học Trung Quốc, những kỹ năng được đánh giá cao ở Kyoto. Baisaō được tất cả những người tiếp xúc với ông đánh giá cao vì tâm hồn rộng rãi, từ bi, dịu dàng và cuộc sống dường như vô tư của ông, như dường từ chối hệ thống cấp bậc Phật giáo đã được thiết lập. Theo thời gian, ông trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong một thành phố đầy những nghệ sĩ và lập dị. Có rất nhiều nhân vật độc đáo ở Kyoto vào thời điểm này đến nỗi vào năm 1788, một cuốn sách đã được xuất bản, “Eccentric Figures of Recent Times” (Những dị nhân của thời đại gần đây), trong đó Baisaō đóng một vai trò nổi bật.
Ở tuổi sáu mươi, Baisaō mở một cửa hàng nhỏ hoặc có lẽ chỉ là một quầy hàng (ông gọi nó là “ngôi nhà ốc sên”) trên một cây cầu đông đúc bắc qua sông Kamo của Kyoto. Vào thời điểm đó, những người bán trà lưu động thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội và bán loại trà bột kém chất lượng. Tuy nhiên, Baisaō đã giới thiệu sencha, một loại trà lá rời được đun trong nồi và được coi là loại trà cao cấp hơn nhiều; một loại trà mà chỉ cần “một ngụm, bạn sẽ vĩnh viễn thức dậy khỏi giấc ngủ trần tục.” Ngày nay chúng ta gọi loại trà này là trà xanh Nhật Bản. Trên thực tế, Baisaō không thực sự bán trà của mình mà chỉ nhận tiền quyên góp, nguyên tắc là miễn phí, nói rằng “Giá của loại trà này là từ một trăm đồng vàng đến nửa xu. Nếu bạn muốn uống miễn phí cũng không sao. Tôi chỉ tiếc là tôi không thể để bạn có nó với giá rẻ hơn.” Sau đó, Baisaō từ bỏ ‘cửa hàng’ nhỏ của mình và đi lang thang ở Kyoto và những ngọn đồi xung quanh, mang theo dụng cụ pha trà trên một chiếc sào tre và lập nghiệp ở bất cứ nơi nào có phong cảnh thu hút ông.
Những năm cuối đời của Baisaō đầy khó khăn khi tuổi già và bệnh tật ập đến. Mùa đông lạnh giá ở Kyoto tỏ ra đặc biệt khó khăn đối với một ông già ít tiền. Đói và lạnh là bạn đồng hành. Mặc dù ông được công nhận là một thiền sư nổi tiếng, nhưng chỉ trong những năm cuối đời ông mới nhận một số ít đệ tử. Trong suốt cuộc đời dài của mình, ông vẫn tiếp tục làm thơ và sáng tạo ra những tác phẩm thư pháp được đánh giá cao. Ngay trước khi ông qua đời ở tuổi tám mươi tám, bạn bè ông đã tặng ông một tuyển tập các tác phẩm in của ông, Baisaō Gego (“Những câu thơ và văn xuôi của người bán trà già”), khẳng định tầm quan trọng của ông trong đời sống văn hóa của Kyoto thế kỷ 17-18.
Ông đã sống lang thang trên những hư vỡ của đời. Gánh trà, vừa bán, vừa tặng. Viết thư pháp để tặng người hữu duyên. Làm thơ khi vào giữa cuộc đời xôn xao để hoằng pháp. Trong cái hư vỡ của vô thường, không thấy gì để mong cầu, không thấy gì để chấp trước. Thiền sư đã lấy vàng của chánh pháp để vá những mảnh gốm hư vỡ của thân tâm chúng sinh.
Nơi đây. xin trích từ mấy dòng thơ của Baisaō:
… Đừng nghĩ tôi là một ông già
với tình yêu say đắm dành cho trà.
Mục đích của tôi là đánh thức bạn
ra khỏi giấc ngủ trần gian của bạn.
Và cũng từ mấy dòng thơ khác, cũng của ông già bán trà, người đã lấy vàng của chánh pháp để vá những mảnh đời hư vỡ ở Kyoto:
… tuyệt đối không còn gì
chỉ còn lại duy nhất
một vầng trăng sáng và lạnh
nơi cửa sổ, lúc nửa đêm
chiếu sáng rực tâm Thiền
trên đường trăng về nhà.
Thiền sư Baisaō qua một đời sống dị thường đã trở thành một hóa thân của nghệ thuật Kintsugi, tự biến cuộc đời Thiền sư của mình trở thành chất vàng để nối kết những mảnh đời người hư vỡ vào với đường trăng giải thoát.
Nguyên Giác
(4/2024).
(tranthinguyetmai.wordpress.com)
“Phép lạ là đi trên mặt đất” (tiếp theo)
Thư gởi bạn xa xôi (tiếp theo)
“Phép lạ là đi trên mặt đất”
Như đã hứa, mình tiếp tục phần hoạt động “ngoại khoá” của mình để bạn coi cho vui nhe. Cũng xin chia sẻ với vài hình ảnh thôi. Làm biếng quá rồi!
Ngay buổi chiều đầu tiên đến Mũi Né, một vài vị đã đề nghị mình “kể chuyện học Phật”. Sc KN bảo, năm 2008, tại Huế, trong Tuần lễ Văn hoá Phật giáo, Sc có dịp dự, đã được nghe mình trình bày về Thở và Thiền rất ấn tượng.
Chị Nga, một doanh nhân có mặt kể chuyện 40 năm trước đã từng mang con gái 2 tuổi đến mình khám chữa bệnh, mình tiếp ở phòng khách chớ không có phòng mạch, và chỉ dặn cho bé ăn thêm dầu ăn để tăng cường calorie mà không cho thuốc men gì thêm. Vậy mà bé hết suy dinh dưỡng, hết bệnh, nay đã là cô giáo một ngôi trường lớn ở Sài gòn. Hồi đó mình nhớ mỗi khi khám bệnh cho một em bé`thì thường cho các bà mẹ khác bế con đứng sau lưng nghe… lóm. Đây là một phương pháp “giáo dục sức khoẻ” tốt nhất!
“Tiếng lành đồn xa”, sáng hôm sau, đã có buổi “văn nghệ” đặc biệt, khá rôm rả. Sư cô HN tặng mình cuốn “Tình Thầy” và đọc 2 bài thơ trong tập thơ “Đôi Khi” rất hay của Sư cô. Mình “đáp lễ” bằng cách đọc bài thơ “Thư cho bé sơ sinh”, viết từ năm 1965 ở Bệnh viện Từ Dũ, rồi bài “Trong một nhà giữ lão ở Montreal” viết năm 1997 ở Canada, sau cùng là bài Bông hồng cho Mẹ. Lê Bá Thông ôm đàn hát tiếp bài thơ của Đỗ Trung Quân về Mẹ thật cảm động. Rồi một vị sư cũng ôm đàn hát thêm mấy bài nữa. Buổi họp mặt tạm ngừng khi đoàn doanh nhân vừa tụ tập về đến Mũi Né, chuẩn bị cho buổi Khai mạc.
Thấy Pháp Lâm ở Darlak gởi tặng mình bản thư pháp do thầy vừa mới viết xong. Buổi trò chuyện bên lề trên bãi cỏ xanh cùng các bạn trẻ doanh nhân sau khi đi thiền hành về rất vui.
Theo yêu cầu của các bạn trẻ và cả các vị “xuất sĩ” muốn mình đọc bài thơ Mũi Né ngay tại Mũi Né này. Mình nói đây là bài thơ tình, có nên đọc ở đây không?
Càng tốt, sao không!
Vậy là mình đọc. Em có về thăm Mũi Né không? Hình như trời đã sắp vào xuân…
Một cô bé bỗng mở bài hát Mũi Né do nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo phổ nhạc với tiếng hát Thu Vàng… da diết. Không khí trầm lắng hẳn. Năm nay người có về ăn Tết/ Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ?

Đọc bài thơ Mũi Né ở… Mũi Né.
Buổi tối 29.3.2024, trước buổi Toạ Đàm, mấy bạn trẻ còn yêu cầu mình nói vài điều đáng nhớ. Đang ở biển, mình nói về Sóng và Nước. Về “bổn lai vô nhất vật”. “Ta xô biển lại sóng về đâu…?” (TCS). Rồi nói chút về Năng lượng. Về điện. Về thể, tướng và dụng… vì đang ngồi trong quán Bar, đèn sáng trưng!

Trò chuyện với các doanh nhân trẻ (tối 29.3.2024 tại Mũi Né)
Chỉ có vậy. Thôi nhé,
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon 8.4.2024)
HUẾ: Ni xá Diệu Trạm (Làng Mai)
Thư gởi bạn xa xôi (Tết)
Thăm Ni xá Diệu Trạm, Huế
Lê Bá Thông dặn đến Huế, muốn ghé thăm Ni xá Diệu Trạm Làng Mai thì gặp các Sư cô Như Hiếu, Tịnh Hằng, Trí Nghiêm…
Mùng 3 Tết Giáp Thìn, mình sợ các Ni xá đều “cắt đứt dây chuông” thì thật đáng tiếc. Bởi mình và Lê Bá Thông vẫn thường đến thăm Ni xá Trạm Tịch ở Đồng Nai (nay đổi tên là Đạo tràng Phùng Xuân?) gặp các Sư cô Đức Nguyên, Trực Nghiêm…. Các vị còn mời có buổi Trao đổi, Trò chuyện cùng các Sư cô và Thiền sinh, còn viết tặng thư pháp các thứ v.v… May quá, Diệu Trạm, Huế ngay Mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024 còn “nhộn nhịp” hơn.
Gởi bạn vài tấm hình như thường lệ thôi nhé.

Ni xa Diệu Trạm, Làng Mai, Huế

Ni xá Diệu Trạm Huế (ảnh ĐHN, 12.2.2024)

Các Sư cô trẻ bên bếp lửa hồng ngày Xuân

Sưởi ké chút đông xứ Huế. Bếp hồng đang chờ khoai bắp.

Các Sư cô đang dạy hát tiếng Anh cho các cháu bé… Hai vị khách cùng tham gia..

Mùng 3 Tết, ở Diệu Trạm là ngày bà con viếng thăm.

Các Sư cô gởi phong bao “lì xì” cho khách.
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.
Đỗ Hồng Ngọc: Vài hình ảnh cầu Tràng Tiền HUẾ (Tết Giáp Thìn 2024)
Cầu Tràng Tiền HUẾ,
nhìn bởi Đỗ Hồng Ngọc
Về Huế lần này, lạ lẫm. Mùng 4 và Mùng 5 Tết Giáp Thìn 2024.
Chụp vài tấm hình Cầu Tràng Tiền nhìn từ Khách sạn Hương Giang và Floating Restaurant:

Cầu Tràng Tiền, Huế
(ảnh Đỗ Hồng Ngọc, 14.2.2024)

Cầu Tràng Tiền, Huế,
(ảnh Do Hong Ngoc, 13.2.2024)

Cầu Tràng Tiền, Huế (ảnh Do Hong Ngoc, 14.2.2024)

Cầu Tràng Tiền, Huế
(ảnh Do Hong Ngọc, 13.2.2024)

Cầu Tràng Tiền, Huế
(ảnh Do Hong Ngoc, 13.2.2024. Mùng 4 Tết Giáp Thìn)
Thư gởi bạn xa xôi (1/2024)
Thư gởi bạn xa xôi (1/2024)
Gió Bấc
Đi giữa Saigon
Phố nhà cao ngất
Hoa nở rực vàng
Mà không thấy Tết
Một sáng về quê
Chợt nghe gió bấc
Ơ hay Xuân về
Vỡ oà ngực biếc…
(Đỗ Hồng Ngọc)
Bài thơ nhỏ, thiệt thà, viết đã lâu lắm rồi, vậy mà bây giờ nhiều người còn nhớ. Báo Trẻ xuân năm nay, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp đã chọn đăng lại trong mục Thơ xuân…
Với tôi, Gió Bấc ớn lạnh xương sống y hệt cơn sốt rét rừng như còn đang hoành hành trong cơ thể gầy nhom của mình. Nó buốt. Nó nhọn. Nó xót… và nó lạnh dĩ nhiên rồi – với một đứa trẻ lên mười mỏng manh như tôi những ngày tá túc trong một ngôi chùa Tàu nghèo ở Phan Thiết- lộp cộp guốc xuồng gỗ trên con đường Gia Long rồi lang thang dọc bờ sông Cà Ty mà nghe mùi cốm mùi pháo…
Khi tôi viết bài Mũi Né, đã hơn nửa thế kỷ trước: Em có về thăm Mũi Né không/ Hình như trời đã sắp vào xuân/ Hình như gió bấc lùa trong Tết/ Những chuyến xe đò giục bước chân… (Mũi Né, ĐHN 1970), thì cũng lại gió bấc, thứ gió hình như ám ảnh người miệt biển quê tôi nhiều nhất.
Cho nên bây giờ muốn nghe Tết, muốn thấy Tết, thì tôi lại về Lagi, Phan Thiết để tìm Gió bấc khôn nguôi của tuổi thơ mình.
Mùa bấc, biển như sánh lại, sệt lại, đục hơn và sóng rát hơn, dữ dội hơn bao giờ hết. Bãi bờ bị xoáy toang…

Biển Lagi mùa Gió Bấc

vắng hoe người

“Biển sóng biển sóng đừng xô nhau/ Ta xô biển lại sóng về đâu?” (TCS)

Lagifarmstay quen thuộc, mỗi lần về thăm quê. Ở đó, còn một chút cho riêng mình…

Ở đó, còn có thể “nhìn nắng hàng cau nằng mới lên… ” (HMT)

Và vô vàn hoa thanh long ở Phong Điền, Hiệp Nghĩa, quê ngoại

Rồi từ Lagi tôi đi một mạch dọc biển về Phan Thiết, qua Mũi Né, Bàu Trắng, đến Phan Rí Cửa, rồi Long Hương, Cổ Thạch, thăm nhà văn Hồ Việt Khuê, Nguyễn Phương cùng các bạn vùng La Gàn, gặp lại thầy Huỳnh Đình Tám…

La Gàn (Long Hương) mùa Bấc thổi…
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc
(1/2024)
T
T
Vài hình ảnh Buổi Chuyện Trò về Nếp sống An Lạc 9.7.2023
Vài hình ảnh: Chuyện Trò về Nếp sống An Lạc
tại Cafe An Nguyên, Quận 8, Tp HCM ngày 9.7.2023
Tuyển Tập TÔI HỌC PHẬT của Đỗ Hồng Ngọc (2023)
Tuyển Tập TÔI HỌC PHẬT của Đỗ Hồng Ngọc
do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành (2023)

(Bìa Mai Quế Vũ)
Tôi học Phật
Lời thưa,
Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì thì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…
Ngoài tuổi 80, tôi nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” như người bạn nhạc sĩ họ Trịnh kia đã nói.
Về thu xếp lại, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”, vì rất nhanh thôi, các tế bào thân xác kia đã có vẻ rả rượi, ù lì, và cũng rất nhanh thôi các tế bào thần kinh nọ cũng mịt mờ, mỏi mệt… Đầu năm 2019, tôi gom góp in cuốn Về thu xếp lại như một cột mốc, một hẹn hò, rồi cuối năm tiếp tục gom góp in thêm cuốn Biết ơn mình như một nhắc nhở, rồi đến 2022, in tiếp cuốn Buông…
Tôi mong gom góp, tập hợp một số bài viết, một số biên chép bấy nay trong lúc lõm bõm học Phật, thấp thoáng lời kinh, làm thành một tập tư liệu để ngẫm ngợi khi cần và chia sẻ cùng bè bạn thân quen. Muốn thì muốn vậy, nhưng lực bất tòng tâm rồi.
Duyên may lại đến.
Cách đây mấy năm, một buổi chiều, khi đi café với một người bạn trẻ về đến nhà thì nhận được 3 cuốn bản thảo “Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc” dày cả ngàn trang A4 của một người không quen biết gởi tặng. Giật mình. Ai vậy cà? Thấy có kẹp mảnh giấy nhỏ, ghi số điện thoại tên Nguyễn Hiền Đức. Bèn phone thăm hỏi mới biết đó là một bạn đọc quý mến mình, đã “dõi theo” hành trình viết lách của mình từ lâu, nay tỉ mẩn ghi chép lại cả một tuyển tập đồ sộ gởi tặng và nói còn sẽ gởi tiếp mấy tập nữa! Lúc đầu tưởng anh gom góp từ trên mạng, nhưng không, anh cho biết anh đã gò lưng đánh máy từ những trang sách mà anh ưa thích! Thời buổi này. Lạ thiệt.
Rồi hẹn gặp, mới biết Nguyễn Hiền Đức (thường gọi anh 5 Hiền), trước 1975 từng có thời là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Tư Tưởng, Trưởng phòng Tu Thư Đại học Vạn Hạnh, thư ký của Thầy Thích Minh Châu. Một hôm, một người bạn bên kia nửa vòng trái đất cho hay thấy có Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc “Thấp Thoáng Lời Kinh” trên Thư Viện Hoa Sen (30/11/2019) tôi khá bất ngờ…
Sau đó, được thư anh 5 Hiền “trần tình”:
Tôi bắt đầu “gõ” và “gõ”, mải mê “gõ” cuốn “TUYỂN TẬP ĐỖ HỒNG NGỌC – THẤP THOÁNG LỜI KINH” này từ năm 2010 và kết thúc năm 2018. Tôi rất thích từ “Thấp thoáng” vì nó thể hiện rất rõ, rất đúng cái chất “thấp thoáng”, “lõm bõm” của tôi khi học Phật.
Ngay trong bước đầu “tập tễnh học Phật” tôi đã chọn cách học hợp với sở thích của mình. Đó là chọn bài, chọn sách rồi… rị mọ. cặm cụi, kiên trì “gõ” vào máy. Cách làm này giúp tôi đọc chậm, đọc kỹ từng đoạn, từng trang, từng bài, rồi chú tâm sửa lỗi. Tôi đọc ít nhất 5 lần cho mỗi trang với lòng thanh thản, thư thái. Tôi không “ép” mình phải ghi, phải nhớ một điều gì cứ để nó trôi chảy như một dòng sông. Rồi biết đâu mười năm sau, hay hơn nữa những gì tôi đã đọc, đã “gõ” sẽ giúp tôi nhiều hơn, tốt hơn trên con đường học Phật. Tôi chỉ đặt ra một thứ kỷ luật tự giác mà tôi phải tuân thủ, đó là mỗi ngày “gõ” ít nhất 5 trang, mỗi tháng tối thiểu 120 trang học Phật (…).
Làm sao không cảm động với một người bạn không quen biết chí tình như vậy. Cho nên tôi đã gởi thêm cho anh cuốn Cõi Phật Đâu Xa viết về kinh Duy-ma-cật. Vậy là tập sơ thảo Tôi Học Phật hình thành dưới sự trợ giúp của Nguyễn Hiền Đức. Tôi nghĩ không có anh 5 Hiền mải mê rị mọ “gõ” và “gõ” như vậy suốt tám năm những trang tôi viết về chuyện “học Phật” của mình rồi mạnh dạn tung lên mạng thì tôi vẫn cứ còn mãi ngần ngại, đắn đo, chưa dám phổ biến. Cho tôi nói lời cảm tạ chân thành đến Nguyễn Hiền Đức (5 Hiền) nơi đây. Thật lạ, hôm qua Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa gởi tặng tôi bản chính thức Tôi học Phật (2023) vừa in xong này cũng chính là dịp Kỷ niệm 100 ngày Nguyễn Hiền Đức đã đi xa.
Tôi nhớ thuở xưa, nơi rừng Simsapa nọ, Phật nắm trong tay một nhúm lá và hỏi các đệ tử rằng nhúm lá trong tay ta nhiều hay lá trong rừng Simsapa kia nhiều hơn? Rồi ân cần giải thích “Ta chỉ dạy các ông những điều như nhúm lá trong tay này, còn cái ta biết thì như lá trong khu rừng kia…”.
Tôi hiểu nhúm là trong tay Phật chỉ là những “key words”, còn Phật dành nguyên cả khu rừng mênh mông kia cho ta tự tìm lấy, tự học lấy trong chính mình, quay về nương tựa chính mình, “đến để mà thấy”.
Tôi người thầy thuốc, tìm học Phật- bậc Y vương- là để tự chữa bệnh thân – tâm cho chính mình và chia sẻ cho những bạn bè đồng bệnh tương lân. Tôi chưa từng tụng kinh gõ mõ. Tôi chỉ lõm bõm tự học, tự hành, tự lần mò tìm kiếm trong khu rừng bí mật – “Con người, kẻ xa lạ” (L’homme cet inconnu, Alexis Carrel) trong tự bản thân mình đây, một con đường tu tâm dưỡng tánh theo lời bậc “đạo sư” và thấy có nhiều phúc lạc.
Trong tuyển tập Tôi học Phật này, tôi chân thành sẻ chia những điều mình đã học và đã hành suốt mấy chục năm qua. Có thể bạn thấy hạp, có thể bạn thấy không hạp, thậm chí dị ứng. Điều đó là rất bình thường, bởi khi học Phật, bậc đạo sư đã chỉ dạy cho ta mỗi người mỗi khác, tùy “căn cơ”, tùy bối cảnh. Phật là một nhà khoa học, một “thầy thuốc vĩ đại”, không chỉ chữa nỗi đau mà chữa nỗi khổ của kiếp người nên vẫn được xưng tụng là bậc Y vương .
Phật từng dặn dò “Đừng vội tin ta, hãy đến nếm thử đi rồi biết”. Thử là thực hành, nếm là cảm nhận. Nói khác đi là hãy tự mình thể nghiệm, trải nghiệm, tự chứng, tự nội.
Chân thành,
Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon tháng 3, 2023)
***
Vài nhận xét:
Ngô Tiến Nhân, người bạn trong Nhóm Học Phật tại chùa Xá Lợi cùng tôi hơn mười năm qua đã có nhưng nhận xét:
(…) Hãy xem cách “lõm bõm” học Phật của Đỗ Hồng Ngọc:
Trước rừng thiên kinh vạn quyển Phật học Anh chọn cho mình chỗ đột phá: Tâm kinh. Đây là cốt tủy của Bộ kinh Bát nhã 600 quyển rút còn 260 từ rồi rút nữa còn 4 từ (ngũ uẩn giai không) rồi kết tinh trong một chữ Không. Đây cũng là liễu nghĩa của Trung quán luận, là hạt nhân của Phật học, ai ngộ nhập được sẽ mở lối vào Phật đạo thênh thang, sẽ đến vô trí vô đắc vô ngã… thật dũng mãnh mà cũng thật sảng khoái!
Nhưng không “túc duyên” thì dễ gì ngộ nhập!
Rồi Anh tấn công vào kinh Kim Cang để giải phóng mình ra khỏi mọi hệ quy chiếu (ưng vô sở trụ), mọi mô thức tư duy, mọi hình thái của não trạng để tự do trực nhận chân lý!
Anh chọn Kinh Pháp Hoa với tinh thần “khai thị chúng sinh – ngộ nhập trí kiến Phật”
Thế là tạm đủ để Anh xây dựng một nền tảng vững chắc cho việc đi hết con đường Phật học!
Rồi nữa Anh chọn kinh Duy Ma Cật để thống nhất Đạo – Đời để xây cầu Bất nhị để thấy đời không chỉ khổ đau mà còn phúc lạc để thấy cõi Phật đâu xa…
Khi “công phá” một công án Anh tiếp cận đa ngành có hệ thống. Anh vừa có tư duy khoa học phân tích mổ xẻ của một bác sĩ y khoa vừa mở con mắt trực giác của một thiền giả cộng thêm sự nhạy cảm của một thi sĩ Đỗ Nghê. Đừng quên Anh có sự mẫn cảm về sinh tử qua các bài thơ viết từ hồi 1965(Thư cho bé sơ sinh) hay “Mới hôm qua thôi”(1993) ở Montreal Canada, có kinh nghiệm cận tử nghiệp và tái sinh sau cơn bạo bệnh cùng kinh nghiệm làm truyền thông với kiến thức tâm lý học và xã hội học. Anh tiếp cận một vấn đề bài bản cả về bản thể luận lẫn phương pháp luận, thấy cả Thể – Tướng đặc biệt là Dụng của nó. Anh đào từ hai đầu theo cách nói của Harari tác giả Lược sử loài người.
(…) Thế nên vẫn phải miên mật văn tư tu, miên mật giới định tuệ, không phải chỉ tọa thiền mà sống thiền, không phải tụng Tâm Kinh mà phải sống Tâm Kinh trong từng sát na để rồi Gate gate paragate parasamgate…
(14-8-2021)
***
Nguyên Giác Phan Tấn Hải:
“(…) nhưng tận cùng thích nhất của tôi vẫn là đọc Đỗ Hồng Ngọc viết về kinh Phật. Và tôi tin, nhiều thế hệ sau sẽ nhớ tới một Đỗ Hồng Ngọc viết về lĩnh vực này, đó là những gì anh đã đọc, đã hiểu, đã sống và đã ghi xuống các trang giấy trọn một pháp giới học Phật của anh.
Làm thế nào Đỗ Hồng Ngọc viết được như thế? Phước đức, học lực của một đời hẳn là không đủ. Hẳn phải là nhiều đời. Tôi suy nghĩ về câu hỏi đó, khi đọc Tôi học Phật
(…) Tuyệt vời nơi Đỗ Hồng Ngọc là “chúng sinh” muốn nghe chuyện gì thì anh nói chuyện đó. Muốn nghe chuyện ứng dụng thế gian, họ Đỗ trở thành một bác sĩ phân tích về sức khỏe thân và tâm. Muốn nghe chuyện giải thoát, họ Đỗ liền trở thành một người kể lại các kinh nghiệm học Phật mà ai cũng có thể học theo và tự chứng ngộ được.
(…) Có thể tin rằng, những gì tác giả Đỗ Hồng Ngọc viết về học Phật sẽ lưu giữ rất lâu trong nền văn học Phật giáo quê nhà, vì toàn văn tuy rời rạc, nhiều chủ đề, nhưng vẫn xuyên suốt là một tập luận thư để chú giải kinh Phật. Điều rất khác giữa Đỗ Hồng Ngọc và nhiều vị tiền bối là từ chỗ rất lơ mơ trong 6 thập niên, chứ không phải vào chùa học Phật từ thời thơ ấu, cho nên văn phong của anh là một pháp giới xen lẫn của một nhà văn, một nhà thơ, và là một nhà khoa học. Đây cũng là chỗ độc đáo không chỉ của anh, mà là của rất nhiều người từ một thế hệ học Phật cùng thời (….).
Một điểm đặc biệt trong Tôi học Phật của Đỗ Hồng Ngọc, và cũng hiếm thấy nơi các tác giả khác: bạn có thể ngưng ở bất kỳ trang nào, ở bất kỳ dòng chữ nào, để tự nghiệm những lời kinh được chú giải ngay trên thân và tâm của bạn. Bạn hãy đọc rất chậm và hãy nghiệm như thế, nơi từng hơi thở của bạn, nơi từng niệm và nơi từng cảm thọ của bạn. Những dòng chữ Đỗ Hồng Ngọc viết xuống trong sách cũng là từ các thể nghiệm thực chứng của tác giả. Đó là những dòng trực giải kinh Phật rất mực trang nghiêm, nơi đó từng dòng chữ đã trở thành những trận mưa hoa để cúng dường chư Phật. Nơi đó là hạnh phúc, là an lạc và là vô lượng công đức.
(Giác Ngộ Online 20.9.2021)
***
Giáo sư Cao Huy Thuần,
trong một thư riêng:
« (…) bây giờ tôi hỏi anh câu này nhé: Anh “học Phật” trước hay học Y trước? Chắc anh sẽ trả lời: hiển nhiên là học Y. Nhưng mà, nghĩ thêm chút nữa, cái gì xúi anh học Y? Cái gì xúi anh thích Y? Cái gì xúi anh thành ông bác sĩ như thế, lúi húi hành nghề rồi lúi húi dùi mài kinh kệ? “Cái đó”, tôi chắc là anh có trước khi học Y. “Cái đó”, tôi cũng chắc là ông Epstein có trước khi thành danh với bác sĩ tâm thần. “Cái đó”, chính là cái xúi anh đến với Phật mà anh không biết đó thôi, anh đến với Phật trước khi học Y. Anh “học Phật” từ lâu rồi, từ kiếp nảo kiếp nao, để bây giờ thành danh với… Đỗ Hồng Ngọc. Cho nên tôi nói: “Tiên học Phật, hậu học…”. Hậu học cái gì cũng được, cái gì cũng thành danh, ít nhất là thành danh con người.
Nhưng tôi chưa nói hết: anh đâu phải chỉ là ông thầy thuốc, cái danh của Đỗ Hồng Ngọc còn là con người thơ. Thơ đến với anh từ trước khi anh làm thơ. Thơ là tiếng nói trong tận cùng thâm cung bí sử của tư tưởng. Cái gì mà tư tưởng không nói nên lời được thì phải diễn tả bằng thơ. Thơ đời Lý đời Trần là như vậy. Và thơ đó, chắc anh đã đọc không phải chỉ ở trong kiếp này. Cho nên bây giờ hồn anh nhập vào thơ của Thầy Tuệ Sỹ. Cho nên bây giờ anh thấy Phật trong thơ. Cho nên bây giờ một tay anh bốc thuốc, một tay anh viết thơ, thuốc thơm mùi thơ, thơ thơm mùi thuốc»…
(Paris 29.10.2021)
***
Năm 2010, tôi nhận được một bức thư từ Canada của một Ni sư:
Xin chân thành cảm ơn Bác Sĩ đã gởi Gươm Báu Trao Tay. Nhận được tập sách tự dưng cảm động. In xuống đọc xong, mới hiểu mình cảm động vì nhận một tấm lòng. Bác sĩ chữa bệnh cho người đời rồi, lại nghĩ làm sao giúp họ bớt khổ. Chúng tôi nghĩ Gươm Báu Trao Tay hay Nghĩ Từ Trái Tim là những lá Thư nối tiếp bài thơ Thư Cho Bé Sơ Sinh của bác sĩ ngày xưa.
Cách viết của bác sĩ thật vui, uyên bác nhưng lại rất nhẹ nhàng, dí dỏm, giúp người đọc – nhất là người trẻ – đi vào Phật Pháp một cách nhẹ nhàng, hứng khởi. Viết về Phật Pháp mà viết như vậy là cả một nghệ thuật. Hiện nay ít người làm được. Xin phép bác sĩ cho chúng tôi được trích đăng & sử dụng tập sách mới này.(…)
GN (Chùa Diệu Không)
***
Nhưng cảm động nhất với tôi là bức thư viết tay của một bé 15 tuổi ở Bình Chánh (Saigon) kể rằng Bà em rất thích cuốn Nghĩ Từ Trái Tim, bắt em đọc mỗi ngày, đọc đi đọc lại cho Bà nghe nên khi bà mất, em đã đốt cuốn sách đó theo Bà…

Từ trái: Đỗ Hồng Ngọc, Thu Trà, Ngân Hà, Kim Quy, Lê Ký Thương. Đường Sách, TP. HCM (25.3.2023).

“Ra mắt sách” Tôi học Phật rất tình cờ ở Đường Sách TP.HCM 25.3.2023
Bệnh viện Nhi Đồng 1: Họp mặt Thầy Cô nhân Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27.2
Bệnh viện Nhi Đồng 1:
Họp mặt Thầy Cô nhân Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27.2
Ngày CN 26.2. 2023, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tổ chức buổi Họp Mặt Thầy Cô nhân Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27.2, cũng để kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Bệnh Viện Nhi Đồng Saigon (1956).
Vài hình ảnh từ Video ngắn 1.48
để tặng các bạn Bv Nhi Đồng 1 (Bệnh viện Nhi Đồng Saigon) gần xa…
Thân mến,
ĐHN
https://www.youtube.com/watch?v=ywaI-ZKLXSE
Đính Chính: TẬP NHÌN SÂU không phải của Đỗ Hồng Ngọc
Đính chính: Bài TẬP NHÌN SÂU không phải của Đỗ Hồng Ngọc
Bỗng dưng gần đây rộ lên trên nhiều Fb bài TẬP NHÌN SÂU ghi tác giả là BS Đỗ Hồng Ngọc, kèm cả hình chân dung với rất nhiều comments “khen ngợi”! Tôi không có FB, nhưng bạn bè hết người này đến người kia chuyển đến… kèm lời khen làm mắc cỡ quá sức!
Người từng quen đọc tôi thì biết ngay không phải “giọng” Đỗ Hồng Ngọc rồi!
Đã nhờ các bạn làm ơn Đính chính giùm. Và đây là mấy dòng của Hải Tâm.
Cảm ơn Hải Tâm và các bạn.
ĐHN
Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022
Thư gởi bạn xa xôi,
Kỳ 3: Lớp An Cư chùa Xá Lợi, 2022
Ngày 10.6.2022
Mình thấy các thầy ít chịu tham gia, không mạnh dạn phát biểu, trao đổi, mà chỉ nghe, ghi chép, nên lần này mình thử thay đổi “phương pháp” cho lớp một chút vậy.
Các thầy được xếp ngồi thành một vòng tròn, điều này giúp các thầy được… nhìn thấy nhau, và quan trọng hơn, mọi người đều… bình đẵng, không phân biệt…!
Và sau đó, mình gởi mỗi thầy một mảnh giấy nhỏ, đề nghị viết lên đó 2 câu hỏi: một về vấn đề Sức khỏe thầy đang quan tâm và một về… những thắc mắc trong lãnh vực học Phật.
Thật bất ngờ. Nhiều câu hỏi rất hay. Những câu hỏi về bệnh lý được trả lời ngay. Còn về Phật học thì xin ghi lại đây để cùng suy nghĩ. Có nhiều câu chắc phải nhờ đến các vị Đại sư phụ trả lời! Thí dụ vấn đề “Xá Lợi”, Tại sao Ngài La Hầu La và Đại Ca Diếp nhập niết bàn ở cõi trời và trong động mà Xá lợi vẫn có trong cõi Ta-bà này? Chữa bệnh bằng Thiền tập có hiệu quả không? Dịch Covid 19 và sự đóng góp của Phật giáo trong hỗ trợ vật chất tinh thần cho người bệnh; Cộng nghiệp và biệt nghiệp; Tam giới? Khi quán một đề mục để hành thiền Tứ niệm xứ, vậy Tâm khi đó là tâm có hay tâm không? Nguyên nhân nào đưa bác sĩ tìm đến Đạo Phật? Đạo Phật có giúp gì được cho bác trong cuộc sống không?…
Nhân đó, tôi cũng nhắc lại buổi Nhóm Học Phật chùa Xá Lợi đến thăm Ni sư Liễu Pháp và các vị ở Thiền viện Viên Không Ni ngày Chủ nhật 05/ 06/ 2022 vừa qua ở Bà Rịa. Hôm đó, Ni sư Liễu Pháp cũng đặt cho tôi mấy câu hỏi như về Sự hủy thai (mắc bệnh di truyền) có phải là đã phạm giới sát sanh? Vần đế An tử (euthanasia)? vấn đế Nhân bản vô tính…
Những vần đề này cũng đã được nhiều vị bàn đến từ lâu như Bác sĩ Trịnh Đình Hỷ (Nguyên Phước), TS Nguyễn Tường Bách, Trần Kim Đoàn v.v… vẫn là những vấn đề rất thời sự khi người ta đã nhân giống “thành công” từ Cừu Dolly 1996 đến 2 con khỉ (2018), và gần đây không cần dùng tế bào phôi mà dùng tế bào gốc (bất kỳ), từ ADN…

Lớp An Cư Kiết Hạ, chùa Xá Lợi, Tp HCM 10.6.2022
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.
Trần Thị Trúc Hạ: TÌNH BẠN
Tình bạn

Từ trái: Châu Văn Thuận, Trúc Hạ, Lê Ký Thương, Đỗ Hồng Ngọc, Lữ Kiều (Thân Trọng Minh).
Nhà LKT 26.04.2022 (ảnh Kim Quy)

Bữa cơm gia đình.
Từ trái: Kim Quy, Lê Ký thương, Châu Văn Thuận, Trúc Hạ, ĐHN, Lữ Kiều (TTM) 26.04.2022
Bài nên đọc: “Test hay không Test”
Vì sao không nên test nhanh liên tục?
(Nguồn: https://vnexpress.net/vi-sao-khong-nen-test-nhanh-lien-tuc-4437948.html)
TP HCM F0 hay người có triệu chứng không nên test nhanh liên tục vì tốn kém không cần thiết, gây tâm lý lo lắng, theo các chuyên gia.
Chị Hà Anh, ngụ quận Gò Vấp, test nhanh một tuần hai lần cho gia đình bốn người. Chị giải thích “vì hàng xóm, đồng nghiệp xung quanh lần lượt mắc Covid-19, test cho yên tâm”.
Bốn ngày nay, chị có triệu chứng ho, đau họng, ngày nào cũng test nhanh cho cả nhà nhưng “không hiểu vì sao cứ một vạch hoài”. Tổng cộng, một tháng qua gia đình chị tốn hơn 5 triệu đồng tiền mua kit xét nghiệm. “Test cũng lo mà không test cũng lo”, chị Hà Anh nói.
Chị Thu, ở quận Phú Nhuận, cũng tự xét nghiệm thường xuyên. Khi phát hiện dương tính nCoV, chị lại càng nôn nóng, test nhiều lần “để xem khi nào âm tính”. Gia đình chị tốn hơn 10 triệu đồng mua kit, chưa kể tiền khẩu trang, mua thuốc, thực phẩm bồi bổ.
Nhiều người cũng mang tâm trạng lo lắng tương tự, càng test nhiều lại càng bất an vì kết quả “không biết có chính xác không”. Chuyện test một vạch, hai vạch, vạch đậm, vạch nhạt được bàn luận phổ biến trên các hội nhóm điều trị F0, trong bối cảnh số ca mắc gia tăng rất nhanh hiện nay.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho rằng test thường xuyên gây tốn kém không cần thiết, ảnh hưởng tâm lý. Bác sĩ khuyến cáo người không có triệu chứng thì không cần xét nghiệm.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người có triệu chứng như ho, sốt, đau họng, chảy nước mũi, nên test. Nếu dương tính, tự cách ly điều trị tại nhà, liên hệ y tế để được bác sĩ tư vấn. Ai đã tiêm đủ vaccine, 5 hoặc 7 ngày sau phát hiện dương tính thì test lại, kết quả âm tính là có thể đi học, đi làm. Trường hợp vẫn còn dương tính thì đợi đủ 10 ngày, không cần xét nghiệm lại, có thể hoàn thành cách ly vì không còn khả năng lây nhiễm. Người chưa tiêm đủ vaccine, đến ngày thứ 10 kể từ khi dương tính cần test lại, nếu kết quả âm tính thì hoàn thành cách ly, nếu vẫn dương tính thì đợi đủ 14 ngày, không cần xét nghiệm, có thể hòa nhập cộng đồng.
Với trẻ em, virus thường đào thải nhanh hơn, đa số trẻ ba ngày có thể âm tính nên có thể thực hiện test nhanh kiểm tra vào ngày thứ ba hoặc thứ 5. Nếu ngày ba hoặc 5 vẫn dương tính, đến ngày thứ 7 có thể hoàn thành cách ly không cần xét nghiệm với trẻ đã chích ngừa; test nhanh lại nếu trẻ chưa tiêm vaccine.
“Người có triệu chứng (nếu test âm tính) thì cũng không nên xét nghiệm lại thường xuyên”, bác sĩ Tiến nói. Trong trường hợp này, âm tính có thể là do những bệnh khác như sốt siêu vi, cảm cúm, không phải Covid-19.
Để loại trừ nguy cơ mắc bệnh rồi lây lan, người bệnh có thể tự điều trị các triệu chứng, theo dõi sức khỏe, cách ly ở nhà hoặc đi làm thì giữ khoảng cách với mọi người xung quanh, tuân thủ 5K. Điều trị triệu chứng bằng cách hạ sốt, thuốc ho thảo dược, vitamin, rửa mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý, ăn uống, nghỉ ngơi tăng cường sức đề kháng để chống chọi bệnh.
Riêng người cao tuổi, có bệnh nền, nếu có triệu chứng, có tiếp xúc dịch tễ mà test nhanh âm tính thì có thể thực hiện xét nghiệm PCR để xác định bệnh, kịp thời dùng thuốc kháng virus molnupiravir dưới sự tư vấn của bác sĩ (nếu có chỉ định). Một số trường hợp test nhanh âm tính nhưng PCR dương tính do phụ thuộc độ nhạy, độ đặc hiệu của kit test nhanh, thao tác tự lấy mẫu, thời gian đọc mẫu.
Cùng quan điểm không nên lạm dụng test nhanh hay PCR gây tốn kém, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng “test tới test lui” coi một vạch hay hai vạch không quan trọng bằng theo dõi triệu chứng khi đối diện với chủng Omicron. “Khi có triệu chứng nghi ngờ, dù một vạch hay hai vạch cũng chữa như nhau và phòng ngừa lây nhiễm cho người khác, nếu đi đâu thì thực hiện 5K”, bác sĩ nói. Nếu sốt cao hơn 48 giờ, cần đi khám vì có khả năng bị sốt xuất huyết. Nếu triệu chứng diễn tiến nặng, nên đi khám bệnh.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Khanh, khi đã dương tính, mọi người không lăn tăn vạch mờ, vạch đậm bởi chúng không có giá trị tiên lượng bệnh nặng bệnh nhẹ, chỉ thể hiện khả năng lây ít hay nhiều, đôi khi độ đậm nhạt của vạch còn do nơi quẹt lấy mẫu. Ngoài ra, không cần lo lắng khi triệu chứng rất nhanh hết nhưng hai vạch nhiều ngày, bởi quan trọng là mau hết triệu chứng.
Ngoài ra, không nên vội vã dựa vào test nhanh hay PCR để chắc chắn mình sạch virus hoàn toàn sau 5-7 ngày. “10 ngày không test, luôn mang khẩu trang, không tụ tập để ít lây cho người khác có khi còn an toàn hơn người vừa đúng 7 ngày thấy một vạch vội vã ra đường mà không mang khẩu trang. Nếu cẩn thận, nhất là trong nhà có người lớn tuổi, có bệnh nền, hoặc môi trường làm việc tiếp xúc nhiều người thì sau khi hết 7 ngày cách ly, 5K thêm vài ngày nữa”, ông Khanh nhấn mạnh.
Lê Phương
Báo SỨC KHỎE và ĐỜI SỐNG: Bác sĩ cầm bút… viết văn
Báo Sức Khỏe và Đời Sống
Bác sĩ cầm bút… viết văn
Hoa Quỳnh
Bác sĩ viết sách chuyên ngành y khoa ở nước ta không hiếm, nhưng thầy thuốc viết văn và có tác phẩm để lại dấu ấn trên văn đàn, gây ấn tượng với bạn đọc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Văn học Việt đã xuất hiện một số cây bút mà nghề chính của họ là bác sĩ. Nhưng khi cầm bút, họ cho thấy không chỉ giỏi chữa bệnh cứu người mà còn dùng tâm hồn và sự sáng tạo của mình gieo lên con chữ, cho ra đời tác phẩm đặc sắc, lan tỏa những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn tới bạn đọc.
Từ trái qua: Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Lê Minh Khôi, Đỗ Hồng Ngọc.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – Cây bút ‘lão làng’ của văn đàn
Có lẽ tác giả Đỗ Hồng Ngọc, sinh năm 1940, là cái tên không còn xa lạ với bạn đọc nước nhà. Các tác phẩm của ông khai thác đa dạng đề tài. Về thơ có các tập tiêu biểu: Tình người (1967), Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010); Tạp văn, tạp bút có Gió heo may đã về (1997), Về thu xếp lại (2019), Để làm gì (2020)…
Bác sĩ – nhà văn Đỗ Hồng Ngọc.
Sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không phải là những tiểu thuyết diễm tình, éo le, gay cấn, cũng chẳng phải là sách nhất thời “ăn theo” một sự kiện nào đó, hay những sách dạy làm giàu thời thượng… Đó là những tập tản văn về một nếp sống an lạc, về thiền, tùy bút về sức khỏe viết cho người cao tuổi và cả những ký sự nhân vật viết về những người quen thân với tác giả, trong đó có nhiều trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng.
Ít ai biết, Đỗ Hồng Ngọc có học hàm Tiến sĩ y khoa, là bác sĩ chuyên Khoa Nhi Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM, giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM. Ông bén duyên với nghề viết từ thuở đôi mươi.
Khi còn là sinh viên y khoa năm thứ ba, chàng sinh viên Đỗ Hồng Ngọc thực tập tại Bệnh viện Từ Dũ, đã viết bài thơ nổi tiếng Thư cho bé sơ sinh với những vần thơ thấm đẫm tính nhân văn: Khi anh cắt rún cho em/ Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ…
Về thu xếp lại là tập tản văn của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc được bạn đọc đón nhận.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từng chia sẻ ông viết bài thơ trên ngay trong chừng mươi phút, rồi còn cao hứng chép vào sổ phúc trình sau phần bệnh án, bị thầy rầy không lo đỡ đẻ lo làm thơ. Nhưng hôm sau chàng sinh viên năm cuối đã thấy bài thơ được ai đó viết lên bảng đen và được nhiều bạn bè đồng nghiệp lưu truyền. Với bút danh Đỗ Nghê, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trước năm 1975 còn có nhiều bài thơ được bạn bè, đồng nghiệp yêu thích như Em còn sống mãi, Tâm sự Lạc Long Quân, Lời ru, Cổ tích về ngôn ngữ…
Bác sĩ – nhà văn Đỗ Hồng Ngọc từng thổ lộ, ông vừa mê dạy học, văn chương và cũng mê làm nghề y. Năm 1962 thi đỗ tú tài, ông như đứng giữa ngã ba đường không biết nên học Văn khoa, Sư phạm hay Y khoa… “Ông Nguyễn Hiến Lê khuyên nên học y, vì ngành y có thể giúp đời cụ thể và nếu có tâm hồn, có năng khiếu thì làm nghề y cũng có thể viết văn và dạy học được. Tôi nghe lời”, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc kể lại.
Để làm gì là tập sách gần nhất bác sĩ – nhà văn Đỗ Hồng Ngọc viết ở ngưỡng U80.
Những năm gần đây, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vẫn viết đều. Cuốn tạp bút Để làm gì mới nhất của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc xuất bản năm 2020, để lại ấn tượng khi ông vẫn trung thành với văn phong riêng: vừa ngẫu hứng, nhiều chất thơ lại vừa chân thật, thâm trầm, khiến người đọc chậm rãi thưởng thức rồi chiêm nghiệm sâu lắng.
Ở Để làm gì, ấn tượng nhất vẫn là những tạp bút viết về người già và những chiêm nghiệm tuổi già. Những câu chuyện về tuổi già, tình già, nghĩ về “cái sự già” của Đỗ Hồng Ngọc vẫn “rất chất” và thân thương trên mỗi con chữ ông viết.
Theo nhà nghiên cứu văn học – nhà thơ Nhật Chiêu, ông cảm thấy vui và sảng khoái khi đọc các câu chuyện hài hước trong Để làm gì. Khi ở tuổi bát thập, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chế tác các viên thuốc tinh thần bằng các câu chuyện hóm hỉnh. Người đọc lân la, đọc đi đọc lại vì cảm thấy thoải mái, dễ chịu với giọng văn không giáo điều.
“Đỗ Hồng Ngọc viết văn nhẹ nhàng, tưởng không là gì nhưng càng đọc, càng sâu sắc. Bác sĩ viết văn từ cảm nhận, trải nghiệm cá nhân và lấy chất liệu từ cuộc sống. Do đó, độc giả có thể bắt gặp chính mình trong các câu chuyện và tìm thấy sự đồng cảm”, tác giả Nguyên Cẩn đánh giá.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh Nơi ánh sáng không bao giờ tắt
Tuy số lượng sách xuất bản mới chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng bác sĩ Trần Quốc Khánh (Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức) đã nổi tiếng trên không gian mạng. Anh được nhiều người biết đến với tên gọi “bác sĩ nghìn like” vì những bài viết về sức khỏe, giúp mọi người nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua trang cá nhân có hàng trăm nghìn người theo dõi, luôn được yêu thích.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh.
Năm 2021 vừa qua, bác sĩ Trần Quốc Khánh trình làng 2 cuốn sách, trong đó có cuốn Nơi ánh sáng không bao giờ tắt. Với số lượng 6.000 bản lần in đầu tiên, Nơi ánh sáng không bao giờ tắt từng “cháy hàng” ngay khi phát hành, với 1.000 đơn đặt trước. Cuối tháng 6/2021, ấn bản đặc biệt cuốn Nơi ánh sáng không bao giờ tắt của bác sĩ Trần Quốc Khánh thu về 160 triệu đồng sau 1 bán ngày đấu giá. Toàn bộ số tiền được gửi tới Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19.
Hơn 250 trang sách trong Nơi ánh sáng không bao giờ tắt, đặc biệt là những chương đầu tiên, bác sĩ Trần Quốc Khánh kể về tuổi thơ của mình, sinh ra và lớn lên nơi rừng núi Nghệ An. Nhà nghèo, những tưởng, Khánh – đứa bé từng học 2 năm không qua nổi lớp 1 rồi cũng như bao đứa trẻ nơi bìa rừng sẽ đầu hàng số phận. Nhưng rồi với nỗ lực không ngừng, sau 12 năm đèn sách, Trần Quốc Khánh được tuyển thẳng vào Đại học Y, trở thành bác sĩ nội trú và bây giờ là một bác sĩ ngoại khoa phẫu thuật cột sống.
Nơi ánh sáng không bao giờ tắt, cuốn sách của bác sĩ Trần Quốc Khánh ra mắt năm 2021 là những câu chuyện nghề Y xúc động và truyền cảm hứng.
Xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện, những mảnh đời người bệnh đi cùng tác giả với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Những trang viết từ tấm lòng ấy có sức mạnh khiến lòng trắc ẩn trong mỗi chúng ta được khơi gợi, để tự thấy mình cần nâng niu từng khoảnh khắc khi còn sống và sống một cuộc đời thật ý nghĩa, tử tế.
Nơi ánh sáng không bao giờ tắt còn dẫn dắt người đọc đến những câu chuyện cảm động. Đó là hình ảnh “người mẹ khóc trong chiều Vu lan”, là câu chuyện của một bệnh nhân lớn tuổi, khi cầm kết quả xét nghiệm trên tay, bà bị mắc một căn bệnh mà y học cũng chưa tìm được lời giải đáp. Lúc đó, “nước mắt cụ ứa trào, hai tay ôm bộ hồ sơ run run, cụ lặng lẽ rời đi, không một người con bên cạnh”.
Những câu chuyện trong Nơi ánh sáng không bao giờ tắt được kể bằng giọng văn tâm tình như đang đối thoại giữa bác sĩ – bệnh nhân, như những người bạn cùng nhau nói về cuộc đời ngắn ngủi, độc giả hiểu hơn về nghề bác sĩ phẫu thuật – nghề thầm lặng cầm dao mổ cứu người và thế giới của lằn ranh mong manh giữa sự sống – cái chết, để từ đó biết sống tử tế và yêu thương nhiều hơn.
Cuốn sách của bác sĩ Trần Quốc Khánh cũng truyền cảm hứng tới độc giả, nhắn gửi tới mọi người, nhất là các bạn trẻ đừng bao giờ buông xuôi trước hoàn cảnh mà hãy luôn vươn mình đi tìm ánh sáng của tri thức, để tìm sự bình đẳng và nhận về sự tôn trọng từ người khác.
Bác sĩ Lê Minh Khôi: Viết để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống khá chênh vênh này
Cuối năm 2021, bác sĩ Lê Minh Khôi (học hàm Phó Giáo sư – Tiến sĩ, hiện là Giảng viên Bộ môn Hồi sức – Cấp cứu – Chống độc, Đại học Y Dược TP.HCM và bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) khiến bạn đọc xúc động mạnh khi trình làng tập tản văn Phía Tây thành phố.
Bác sĩ Lê Minh Khôi.
Các bài viết trong tập tản văn này được bác sĩ Lê Minh Khôi viết khi chính anh là người trực tiếp tham gia điều hành một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM. Người thầy thuốc trong cuộc chiến với sát thủ vô hình SARS-CoV-2 ấy đã quan sát, gạn lọc và ghi chép lại những ngày tháng khốc liệt với sự điềm tĩnh và sâu sắc, thể hiện cái nhìn thực tế và hết sức sống động về thời gian “cuộn sóng” này.
216 trang sách trong Phía Tây thành phố cũng có những chiêm nghiệm khác rút ra từ cuộc sống hàng ngày, thể hiện cách nhìn đời nhẹ nhàng, vị tha của một bác sĩ đã từng chứng kiến nhiều cuộc sinh tử biệt ly và biết điều gì là đáng quý nhất trong đời. Bạn đọc sẽ thấy mình vừa như được nghe một công dân Sài Gòn nhỏ to tâm sự, vừa như được một bác sĩ đầy nhiệt huyết kể chuyện từ tuyến đầu chống dịch với những góc nhìn riêng chân thực đến mềm lòng.
Tập tản văn Phía Tây thành phố của bác sĩ Lê Minh Khôi ra mắt cuối 2021.
“Là một thầy thuốc, được có cơ hội đối diện với những mong manh của kiếp người, những đớn đau về thể chất, những góc khuất của tâm hồn và cả cái chết, tôi chỉ muốn viết trước hết là để thuyết phục chính mình về cái thiện lương nguyên thủy của con người”, bác sĩ Lê Minh Khôi chia sẻ, “Tôi không có bất cứ lập ngôn nào về việc viết văn. Viết, đối với tôi, là một nhu cầu thúc bách để sẻ chia, để diễn đạt bản thân và quan trọng nhất là để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống khá chênh vênh này”.
Trước Phía Tây thành phố, bác sĩ Lê Minh Khôi cũng từng để lại dấu ấn đậm nét trên văn đàn với tập tản văn Những sườn núi lấp lánh. Tập tản văn này đã thắp sáng tình người, gieo vào lòng bạn đọc những hạt mầm trắc ẩn, hướng đến những điều thiện lành và tử tế.
Những sườn núi lấp lánh được xem là một vị thuốc quý cho tâm hồn, theo cách nói của nhà văn Trần Nhã Thụy “những trang văn của Lê Minh Khôi như là những đơn thuốc cho những người đang bị kháng thuốc, lờn thuốc”.
Nguyên Cẩn: DỰNG LẠI CON NGƯỜI
DỰNG LẠI CON NGƯỜI
LỜI CỦA KẺ SĨ
NGUYÊN CẨN
TỰA
Kính thưa độc giả!
Bạn đang cầm trên tay cuốn sách DỰNG LẠI CON NGƯỜI. Và bây giờ, bạn đang lướt đến những dòng giới thiệu sách. Tôi đang được hân hạnh trò chuyện với bạn – một người yêu sách. Tôi muốn nói với bạn rằng, đừng đặt cuốn sách này xuống, đừng bỏ qua nó. Bởi vì, nếu làm vậy, bạn đã “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”– tấm lòng trăn trở với quốc gia, với thời cuộc, với con người (dĩ nhiên là trong đó có bạn, và có tôi) của một kẻ sĩ.
Nếu được phép đặt tên cho cuốn sách này, tôi sẽ gọi nó là LỜI CỦA KẺ SĨ. Bởi vì, 28 bài viết của cuốn sách là tiếng nói của một trí thức đầy mẫn tuệ, tâm huyết và khát khao cống hiến – cống hiến bằng chữ nghĩa từ những gì mình lĩnh hội được qua thực tế, qua sách vở và qua sự nhạy cảm trước những biến động của đời sống.
DỰNG LẠI CON NGƯỜI nghĩa là tìm lại giá trị người đã từng có, nhưng bị đánh mất qua bao biến cố, bão giông của lịch sử; tìm lại quốc pháp, gia quy từng rất nghiêm cẩn đã bị lơi lỏng, biến dạng dưới bàn tay của những người chấp pháp vô trách nhiệm; tìm lại vị thế của nước Việt đã từng vượt xa các nước trong khu vực nay lại bị các nước ấy vượt xa. Đi tìm những giá trị đã mất, xác lập giá trị mới cho quốc gia cường thịnh, chính trị minh bạch, kinh tế phồn vinh, văn hoá phát triển và con người hạnh phúc chính là khát khao cháy bỏng của Nguyên Cẩnqua từng trang viết. Tác giả để tâm đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống: kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hoá, nhân sinh, nhân tính, nhân tình, nhân tâm… Có cảm giác như trái tim mẫn cảm và trí tuệ nhạy bén của ông luôn quặn thắt khi nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy những điều không vui vừa mới xảy ra. Sau mỗi quặn thắt là sự điềm tĩnh cần có của một trí thức, Nguyên Cẩn suy ngẫm, phân tích nguyên nhân, hệ quả, và đi tìm giải pháp.
Trong mỗi bài viết mang tính xã luận hoặc tính đối thoại, Nguyên Cẩn luôn dẫn dắt vấn đề một cách lớp lang, diễn giải từ tốn, đi từ việc nhỏ đến việc lớn, dung hoà giữa lý trí và cảm xúc, lý thuyết và thực tiễn khiến người đọc rấtdễ nắm bắt vấn đề. Ông thường lập luận chặt chẽ, xác định luận điểm rõ ràng, xây dựng luận cứ chắn chắc và đưa ra nhiều luận chứng xác đáng. Từ đó, đi vào bình luận một cách có lý có tình với những kiến giải sắc sảo đầy thuyết phục. Và cuối cùng, những giải pháp mà ông đưa ra rất thiết thực, có tính khả thi cao.
Đặc biệt, điều làm nên nét đặc sắc của cây bút xã luận Nguyên Cẩn chính là những tầng văn hóa. Tầng văn hóa đó được sắp xếp nên bởi các lớp tri thức về văn hóa, chính trị, pháp luật, kinh tế, triết học, nghệ thuật… mà người viết có được. Những bài học thực tế đông tây kim cổ, ý kiến của các danh nhân, đạo đức của các tôn giáo được trích dẫn và lồng ghép một cách phù hợp với liều lượng vừa phải. Vì thế, đọc bài của Nguyên Cẩn -đọc lời của kẻ sĩ, ta tiếp nhận được rất nhiều kiến thức bổ ích, lại có thêm cái thú “qua núi còn thấy núi”, và rồi ta không khỏi tự vấn mình về trách nhiệm của một kẻ sĩ, một công dân.
DỰNG LẠI CON NGƯỜI khiến tôi nhớ đến một câu danh ngôn: Cách hay nhất để làm giàu tri thức mình là đọc một cuốn sách hay hoặc trò chuyện với người thông thái. Bạn sẽ gặp được cả hai điều đó khi đọc cuốn sách này. Tôi tin nhưvậy!
Nguyễn Thị Tịnh Thy (*)
………………………………………………….
(*) Tiến sĩ , Đại học Sư Phạm Huế
