Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Trường Phan Bội Châu Phan Thiết kỷ niệm 70 năm thành lập.

23/11/2022 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi

Trường Phan Bội Châu Phan Thiết kỷ niệm 70 năm thành lập.

Gởi Trần Vấn Lệ, Phan Bá Thụy Dương, Huỳnh Tấn Thời, Phan Đổng Lý, NT Thúy Phượng, Đàm Thị Tồn… và các bạn Đệ thất PBC 1954…

Trường Phan Bội Châu cũ ở đường Trần Hưng Đạo, đến 1956 mới dời về 70 Lê Hồng Phong bây giờ.

Bạn nhớ không, cái hồi gần 70 năm trước (năm 1954), bọn mình 12-13 tuổi, lóc nhóc ôm tập vào Trường Trung học Phan Bội Châu Phan Thiết với lòng hớn hở, tự hào, vì đã thi đậu được vào lớp Đệ thất (Lớp 6 bây giờ) của ngôi trường Trung học đầu tiên của tỉnh Bình Thuận (1952), ngôi trường uy nghi lúc đó còn nằm bên đường Trần Hưng Đạo.

Năm 2002, kỷ niệm 50 năm thành lập trường, có cháu Nội cụ Phan Bội Châu về dự. Dịp đó mình được Thầy hiệu trưởng Hoàng Công Bình mời có buổi Trò chuyện thân mật cùng học sinh PBC về đề tài “Tuổi Mới Lớn”.

Năm nay, 2022, kỷ niệm 70 năm thành lập Trường PBC Phan Thiết thì thầy cũng nhắc BTC đừng quên mời ĐHN nhe, một CỤ (cựu) học sinh ngoài 80 về dự cho vui!

Buổi Lễ kỷ niệm 70 năm lần này khá hoành tráng, diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/11/2022. Ngày đầu tổ chức một Hội chợ “Hội tụ và Kết nối 70 năm” chủ yếu dành cho học sinh vui chơi, văn nghệ… Ngày thứ hai là Lễ chính thức kỷ niệm 70 năm thành lập trường.

Mình chỉ dự ngày có “Hội chợ” là đủ, để gặp gỡ bạn bè và chung vui cùng các học sinh… Nhìn các em, mình thấy mình giống như Từ Thức, đi lạc trên non mới về. Dĩ nhiên, dịp này cũng được gặp gỡ các bạn văn: Liên Tâm, Nguyễn Như Mây, Nguyễn Thái Bình (con Nguyễn Bắc Sơn)…

Gởi bạn vài tấm hình coi vui thôi nhe.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

 

 

Nhà thơ Liên Tâm với các em học sinh PBC (18-11-2022)

Ban Giám Hiệu nhận sách của ĐHN tăng Thư viện.

Đỗ Hồng Ngọc và Nguyễn Như Mây.

Nhà thơ Nguyễn Thái Bình (con Thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn)

Đỗ Hồng Ngọc và các học sinh PBC tại Hội chợ “Hội tụ và Kết nối 70 năm”, Phan Thiết 18.11.2022

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Vài đoạn hồi ký, Viết cho tuổi mới lớn

Thảo Phương: Cùng BS Đỗ Hồng Ngọc trả lời: “Trẻ nghỉ hè để làm gì?”

03/05/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Cùng BS Đỗ Hồng Ngọc trả lời: ‘Trẻ nghỉ hè để làm gì?’

(https://plo.vn/xa-hoi/cung-bs-do-hong-ngoc-tra-loi-tre-nghi-he-de-lam-gi-981576.html)

THẢO PHƯƠNG

(PLO)- Những điều mà BS Đỗ Hồng Ngọc khuyên học sinh nên làm vào đợt nghỉ hè: làm thơ, tập nấu ăn và… ngủ.

Gần đây, trong buổi trò chuyện cùng với  các phụ huynh và học sinh tại trung tâm Anh ngữ SEAMEO Retrac (CN 25.4.2021), BS Đỗ Hồng Ngọc đã có những chia sẻ thiết thực về một vấn đề thời sự, đó là học sinh nên làm gì vào dịp nghỉ hè.

Tiếc nhớ “Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê”

Trên trang nhà dohongngoc.com của mình, BS Đỗ Hồng Ngọc viết: “Nghỉ hè để làm gì? Đây là một câu hỏi khá hóc búa. Nếu là một câu hỏi bình thường như nghỉ hè nên làm gì thì dễ đưa ra những lời khuyên với một bác sĩ Nhi khoa như tôi, đằng này hỏi “để làm gì” thì khó quá! Cho nên câu trả lời “tốt nhất” của tôi là Nghỉ Hè Để Làm Thơ!

Làm thơ ư? Tôi không làm được nên mượn một bài thơ đã có từ 80 năm trước của thi sĩ Xuân Tâm, bài Nghỉ hè trong tập Lời non trẻ – 1941, thấy trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân”.

Xin trích đoạn mở đầu bài thơ mà BS Đỗ Hồng Ngọc nhắc tới như sau:

“Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,

Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,

Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!”

Theo đó, trong buổi chia sẻ, BS Đỗ Hồng Ngọc còn cẩn thận phân tích từng câu thơ của thi sĩ Xuân Tâm và chỉ ra rằng khoảng thời gian nghỉ hè của thanh niên hồi đó thật sung sướng biết bao. “Còn học sinh bây giờ, chín mươi ngày quần quật học thêm để cha mẹ vui lòng và hãnh diện”- BS cám cảnh. BS còn nói thêm, vì cha mẹ bắt con cái học thêm nhiều nên trẻ con bây giờ dễ dẫn đến trầm cảm.

Nói về trầm cảm, BS đã có những phân tích về một chứng bệnh thời đại mang tên SAD (nỗi buồn). Mà thực ra SAD là chứng bệnh viết tắt của ba chữ tiếng Anh, cụ thể là Stress: Sự căng thẳng (căng thẳng vì muốn thi đua và tự tạo sức ép cho bản thân); Axiety: Sự lo âu, sợ hãi và Depression: Trầm cảm. Mà chứng bệnh trầm cảm sẽ dễ dẫn đến tự tử.

Chính vì thế, BS Đỗ Hồng Ngọc khuyên phụ huynh nên cho con em thời gian để vui chơi, thư giãn và nạp năng lượng. Điều đó không chỉ giúp các con tránh được nguy cơ trầm cảm mà còn giúp trẻ nâng cao chỉ số IQ – Trí tuệ, EQ – Cảm xúc và SQ – Khả năng giao tiếp.

Nghỉ hè để tập nấu ăn– cách tốt để trẻ thư giãn

Có một câu hỏi mà BS Đỗ Hồng Ngọc đặt ra: “Có ông bố bà mẹ nào đủ can đảm cho trẻ vứt hết sách vở để mà chơi thỏa thích trong dịp nghỉ hè hay không?”. Dưới khán phòng, không một cánh tay của ông bố bà mẹ nào được giơ lên cả. Bác sĩ cho rằng đấy cũng là điều dễ hiểu bởi đa số cha mẹ đều muốn con cái tiếp nối những ước mơ còn dang dở của mình.

Cùng BS Đỗ Hồng Ngọc trả lời: 'Trẻ nghỉ hè để làm gì?' - ảnh 2
BS Đỗ Hồng Ngọc giao lưu cùng các học sinh. Ảnh: BTC

Đa số cha mẹ đều muốn con mình học hành thiệt nhiều và đạt được những thành tựu lớn lao. Tuy nhiên, BS Đỗ Hồng Ngọc khẳng định cha mẹ thương con không chỉ đơn thuần là muốn con có nhiều bằng cấp cao, thương con là phải để con học những kĩ năng mềm: Làm thế nào để hạnh phúc?

Dù rằng những kiến thức khoa học là rất cần thiết cho sự thành công của con sau này, nhưng những kĩ năng mềm như nấu ăn, ca hát sẽ làm cho con trẻ cảm thấy vui vẻ hạnh phúc. Hiện tại, một số trường ở nước ngoài đã có môn học “Hạnh phúc” dạy cho trẻ con cách làm thế nào để hạnh phúc. Vậy tại sao chúng ta lại không tạo điều kiện để con trẻ có được khoảng thời gian nghỉ hè thật sự trọn vẹn và hạnh phúc?

Tập nấu ăn cũng là một trong những cách giúp con trẻ thư giãn. Khi biết nấu ăn, trẻ sẽ biết cách tự chăm sóc bản thân. Đặt trường hợp nếu ba mẹ bận công tác, không kịp làm bữa tối cho con thì ngay lúc đó, con trẻ sẽ tự biết vào bếp làm một bữa tối cho chính bản thân mình mà không cần phải nhịn đói đợi mẹ về. Đặc biệt, khi biết nấu ăn, con trẻ sẽ biết phân biệt những thức ăn nào là có lợi và không có lợi. Điều đó sẽ rất có ích cho sức khỏe và sự phát triển trí não của các con.

Thương con, đơn giản chỉ là để con được ngủ đủ giấc

Dù phụ huynh rất quan tâm đến sức khỏe của con nhưng chỉ vì muốn con học hành nhiều mà vô tình chính phụ huynh lại khiến con mình rơi vào tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ, học trước quên sau,… Trong buổi giao lưu, có một phụ huynh hỏi bác sĩ: “Không hiểu tại sao con tôi lại chỉ muốn ở nhà ngủ thay vì đi du lịch hè cùng gia đình?”. Bác sĩ không cần suy nghĩ mà trả lời ngay: “Tại vì con trẻ đã quá mệt rồi”.

Não bộ của chúng ta chỉ tiếp nhận có chừng mực, khi nạp vào quá nhiều kiến thức trong thời gian ngắn, não bộ sẽ xảy ra tình trạng nhớ trước quên sau. Đây là lúc chúng ta nên ngủ một giấc để cái đầu của mình được trống không. Con trẻ cũng vậy, cũng cần được ngủ nghỉ thay vì ngồi làm rất nhiều bài tập trong tình trạng mệt mỏi, ngáp ngắn ngáp dài.

Trong suốt khoảng thời gian miệt mài học hành, học sinh đã quá mệt mỏi và căng thẳng. Vậy thì nghỉ hè để làm gì? Nghỉ hè là để con trẻ được nghỉ ngơi và nạp năng lượng cho những mùa học tiếp theo.

Bác sĩ khẳng định ngủ nghỉ đầy đủ là rất cần thiết cho việc phát triển trí não và chiều cao của con trẻ, vì trong giấc ngủ, kích thích tố tăng trưởng (Growth Hormone) được sản sinh. Ngủ để tái tạo năng lượng, ngủ để thức dậy cơ thể sẽ khỏe khoắn và tỉnh táo hơn. Chính vì thế, cha mẹ nên tôn trọng giấc ngủ của con và tạo điều kiện cho con ngủ đủ giấc. Cho trẻ vận động thể lực hay đọc sách là một trong những cách giúp trẻ ngủ ngon và sâu hơn.

Bắt trẻ “học” trong 3 tháng “nghỉ” là hơi ác

BS Đỗ Hồng Ngọc đã phân tích: Trong cụm từ “nghỉ hè” thì nghỉ nghĩa là ngưng. Vậy thì ba tháng “nghỉ hè” phải thực sự là thời gian nghỉ ngơi của học sinh. Vì thế bắt học sinh học thêm lúc nghỉ hè là một điều “hơi ác”.

Một số phụ huynh muốn tranh thủ thời gian nghỉ hè để đăng ký cho con các lớp học ôn thi vào trường chuyên. Tuy nhiên bác sĩ khuyên phụ huynh không nên cưỡng bức con trẻ phải thi vào trường chuyên, vì quan trọng là phải chuyên cần, chăm chỉ thì học ở đâu cũng đều tốt cả.

Điều đặc biệt, mỗi cha mẹ đừng bao giờ đem những đứa trẻ ra để so sánh. Vì khi so sánh, dù kết quả có thế nào thì tất cả chúng ta cũng không được vui vẻ. Vô hình trung, chính chúng ta sẽ tạo áp lực đè nén con trẻ khiến chúng trở nên tự ti và nhút nhát.

Chung quy lại, BS Đỗ Hồng Ngọc cho rằng nghỉ hè là khoảng thời gian để học sinh được nghỉ ngơi. Nghỉ hè không phải là bỏ học hoàn toàn nhưng nếu có học thì cũng nên học những kĩ năng mềm giúp con trẻ vui vẻ và hạnh phúc. Không nên bắt ép con trẻ học hành quá nhiều trong mùa hè khi mà cả năm qua chỉ toàn là học với học. Hãy để con trẻ có một mùa hè thật đúng nghĩa!

THẢO PHƯƠNG

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Góc nhìn - nhận định, Thầy thuốc và bệnh nhân

Thêm một món quà bất ngờ từ Khiếu Thị Hoài: “CÁ BẢY MÀU”

28/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thêm một món quà bất ngờ từ Khiếu Thị Hoài: “CÁ BẢY MÀU”

Khiếu Thị Hoài ở Hội An vừa gởi tôi đường link này: Một buổi đọc sách thật thú vị trong Chương trình Đọc Truyện Cho Thiếu Nhi do cô thực hiện tại Hội An. Đó là truyện Cá Bảy Màu trong cuốn CÓ MỘT CON MỌT SÁCH của tôi do First News Trí Việt xuất bản (2015).

Đây là một cuốn sách tập hợp từ những truyện nho nhỏ, tôi viết dành cho thiếu nhi đã đăng trên báo Nhi Đồng từ những năm 80… của thế kỷ trước, lấy tên chung là Có Một Con Mọt Sách, được NXB Thanh niên in lần đầu, sau này Hội Quán Các Bà Mẹ cùng tôi bàn bạc hình thành một cuốn sách “tranh truyện” (không phải truyện tranh) cho trẻ em với các tranh minh họa rất dễ thương của họa sĩ Đỗ Đức Thuận.

 

Sách không ngờ đến tận… Mỹ, do Bà nội tên “duyên” mang về đọc cho mấy cháu nhỏ nghe. Cô cháu gái 5 tuổi đi đâu cũng ôm cuốn sách và gần như thuộc các câu chuyện, nhất là chuyện Giếng Nước Mùa Xuân… bắt bà Nội dịch sang tiếng Mỹ mới chịu.

Cảm ơn Khiếu Thị Hoài và các cháu.

 

Bs Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

 

…………………………………………………………………………………………………..

Đọc “CÓ MỘT CON MỌT SÁCH”
 của Đỗ Hồng Ngọc

 

Huyền Chiêu (Nha Trang)

CMCMS (hinh bia) Sắp đến hè, vào nhà sách tìm mua vài quyển truyện cho cháu, tôi thật vui khi bắt gặp trên kệ sách một tập truyện mỏng dành cho trẻ em của Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Đã từng đọc những tác phẩm rất đáng yêu của ông dành cho những người đang bâng khuâng lìa xa tuổi trẻ để bước vào tuổi chớm già,  đã từng cảm thấy an ủi khi đọc những bài viết cổ xúy cho một tâm thức  sống trẻ vĩnh viễn cho những người  sắp vĩnh viễn lìa xa cõi đời, tôi hồi hộp chờ xem ông có thể  nói gì với những em bé lên tám lên mười…

Sách có bìa thật đẹp. Khen cho họa sĩ trình bày khi vẽ chú bé đang ngồi đọc sách có chiếc mũi của pinocchio, nhưng rõ ràng mái tóc và chiếc gương cận thị đích thực là hình ảnh của tác giả Đỗ Hồng Ngọc  hồi còn bé.

Bên trong sách là 7 câu chuyện kể vô cùng hấp dẫn cho trẻ em lẫn người lớn.

Đọc xong tập sách, tôi nghĩ thật đáng tiếc cho trẻ em khi Đỗ  Hống Ngọc không làm thầy giáo làng mà lại đi làm Bác sĩ.

Ông thật sự là một nhà giáo dục tuyệt vời, một nhà tâm lý sâu sắc.

“Có một con mọt sách” là tựa của câu chuyện cổ tích đầu tiên.

Con mọt sách, trước vốn là một cậu bé ham đọc sách. Cậu mê đọc sách mà quên cả giữ gìn  sức khỏe cho mắt

“Đêm trăng sáng đã đành mà đêm trăng mờ cũng mang sách ra đọc ngoài hiên…”

“mới đầu còn ngồi ngay ngắn trước án thư, sau nằm dài trên chỏng mà đọc..”

Thiếu nắng, thiếu gió cậu bé trở nên gầy ốm xanh xao và sau khi bị cha cấm đọc sách :

“Sinh lén cha trùm kín mền giả bịnh mà đọc”

Tất nhiên là mắt của cậu bé yếu dần và cậu phải dán mắt vào trang sách mới đọc được.

Một đêm, dưới ánh trăng hạ tuần vàng vọt, cậu bé đang nằm bẹp trên trang sách, người bổng thu nhỏ dần thành một con mọt mãi mê bò trên đống chữ.

Tác giả muốn dạy cho các bé phải biết đọc sách nơi có đủ ánh sáng, trong tư thề ngồi ngay ngắn và đọc có chọn lựa, không bạ thứ gì cũng đọc. Nhưng nói như thế thì có khác gì lời dặn dò của thầy cô giáo ở trường. Mà trẻ em thì rất hay quên lời thầy cô. Nếu biết vâng lời thì không đến nỗi hiện giờ có đến gần một phần ba học sinh trong một lớp phải  mang gương cận. “Thầy” Đỗ Hồng Ngọc đã dùng thủ pháp “hăm dọa”. Trẻ em có óc tưởng tượng vô cùng phong phú, hay tin vào chuyện đòi xưa hơn lời nói của cha mẹ thầy cô và nhất là hay… sợ.

Chúng sợ… ông ngáo ộp, sợ ma, và sợ mình biến thành con sâu, con bướm, con dế, con   cào cào… và khủng  khiếp biết bao khi mẹ mình không nhận ra mình còn mình thì không thể kêu lên “mẹ ơi con đây nè…”

“Cá bảy màu” kể lại chuyện 7 hoàng tử cá tìm cách trổ tài để vua cha nhường ngôi.

Hoàng tử út xuất hiện sau cùng và có vẻ không muốn tranh đua cùng các anh. Sau khi được hoàng hậu  hỏi han và thúc giục chàng mới lúng túng cho biết vừa qua chàng chu du tới một nơi xa lạ và ở đây chàng  gặp một loài vật hung ác. Chúng có cánh bay đi hút máu người, và truyền bệnh làm chết nhiều trẻ em. Quái vật này đẻ trứng dưới nước và chàng đã tiêu diệt bọn chúng khi chúng nở thành những con sâu bơi lăng quăng.

Cả triều đình hoan hô và tất nhiên chàng được vua cha trao cho ngôi báu.

Diệt muỗi bằng cách diệt bọ gậy (lăng quăng) là điều các em cần nhớ.

Trong câu chuyện này Tác giả đánh vào bản chất mơ làm hiệp sĩ, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha của trẻ em.

Chẳng phải tất cả trẻ em đều yêu chàng Thạch Sanh chém chằng và ghét gã Lý Thông gian trá?

Trẻ em yếu đuối là thế nhưng luôn mê say những  cuộc phiêu lưu, những chuyến đi thật xa một mình, không có mẹ bên cạnh như Remi trong Vô Gia Đình, như Thằng Người Gỗ, như Sinbad….

Biết quá rõ điều này “thầy” Đỗ Hồng Ngọc đã kể cho các bé nghe cuộc phiêu lưu kỳ thú của chú lãi đũa từ khi còn là một cái trứng bé xíu cho đến khi biến thành một chú ấu trùng (vẫn nằm trong vỏ trứng) được đem ra chợ bán kèm với cọng rau mà chú cố bám chắc vào (truyện Một cuộc du lịch kỳ quái). May mắn là cọng rau ấy là rau ăn sống chứ không phải rau luộc. Một cuộc phiêu lưu kỳ thú đưa chú lãi con từ dạ dày sang ruột non, theo tĩnh mạch vào đến gan rồi   từ gan bơi lên phổi. Không khí trong lành ấm áp ở phổi không dừng được bước chân giang hồ của lãi và chú tiếp tục nhoi lên cổ họng để được một lần nữa lọt xuống dạ dày. Bây giờ chú đã an cư, lạc nghiệp ở ruột non và

“Chú bèn lập gia đình và tiếp tục đẻ mỗi ngày hai trăm ngàn trứng lãi”

Ghê quá!

Bài học về cuộc đời của con lãi thì trong sách khoa học đã có nhưng học trò học mãi không thuộc. Cám ơn “thầy” Ngọc đã có cách  dạy khác đi để học trò không học vẫn thuộc bài.

Các bài học trong  “Có chí thì hư”, “Cái mũi để chi”, “Nghỉ hè, nên làm gì”  cũng là những bài học nhẹ nhàng thú vị mà trẻ em chắc chắn không mệt mỏi khi học.

Tôi thì thích nhất chuyện “Giếng nước mùa Xuân” vì chuyện này “thầy”  muốn dạy các bậc cha mẹ nhiều hơn dạy trẻ em.

Muốn cho con cái khỏe mạnh và nên người thì nên tập cho con được sống như…con nhà nghèo.

Đứa bé phải biết đói thì mới biết  “khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng (*) Đứa bé phải  thích lao động chân tay, phải biết xách nước, bửa củi, phải được chạy nhảy nơi núi đồi,  được tắm ánh nắng chói chang, hít thở khí trời trong sạch.

Để khỏi ốm o gầy còm, chán ăn biếng ngủ, để khỏi béo phì, mê ăn mê ngủ nhưng lười vận động, lười học, đứa bé phải cảm thấy cái hạnh phúc được … đi chăn trâu.

“ai bảo chăn trâu là khổ

Chăn trâu sướng lắm chứ

Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau

Và miệng hát nghêu ngao” (*)

Miển là:

“Vui thú không quên học đâu” (*)

“Thầy” Ngọc nhắn nhủ:

“siêng năng, cần mẫn, không ỷ lại, lười biếng… Sức khỏe là vốn quý nhất không thể mua được bằng vàng bạc, gấm vóc, bằng sức mạnh quyền uy…”

Và cha mẹ cũng phải biết tu nhân, tích đức để xứng đáng làm bậc sinh thành của đứa con hoàn hảo về thể chất lẫn tinh thần.

Điều giản dị như thế nhưng thực ra rất khó thực hiện trong cuộc sống bề bộn, quay cuồng  của ngày hôm nay.

 

Cám ơn tác giả của tập sách mỏng nhưng gói ghém rất nhiều bài học tưởng rằng giản dị nhưng vô cùng cần thiết dành cho các bậc cha mẹ và các bé con thân yêu.

Cũng xin cám ơn họa sĩ Đỗ Đức Thuận đã có những bức tranh minh họa thật dễ thương làm cho tập truyện vô cùng ấn tượng..

Đọc xong tập truyện, tôi  tiếc rằng thời tôi còn bé, tôi không được cầm trên tay một  tác phẩm cho trẻ em đẹp và hay như thế.

(tháng 5- 2015)

(*) trong bài hát “Em Bé Quê” của  Phạm Duy

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Tuổi mới lớn, Vài đoạn hồi ký

“ĂN VÓC HỌC HAY”

09/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

ĂN VÓC HỌC HAY

Ghi chú: In lần đầu năm 2012, đã tái bản vài ba lần gì đó. Nay làm mới. Mới gì? Mới cái bìa. Cái bìa lần này tôi không xem tới xem lui gì nữa. Cũng chẳng góp ý kiến ý cò gì nũa. Viết cho mấy em bây giờ, cách xa mình đến hơn 60 năm, hãy để cho các em có cách nghĩ riêng, nhìn riêng. Cái mình tưởng hay tưởng đẹp có thể chán ngắt với mấy nhỏ.

Cho nên cái bìa lần này vàng chóe, chữ nghĩa hình ảnh… hạp tụi nhỏ (theo lời Nhà xuất bản). Thôi kệ. Cái chính vẫn là nội dung. Thêm một ít đề mục, câu chữ cho hợp thời! Hồi đó lo H5N1 thì bây giờ lo Covid-19, rồi S.A.D… (Stress; Anxiety; Depression).

Và bởi vì “hôm nay còn thi, mai kia còn thi…” thì cũng cần nhắc lại một chút vậy.

Thân mến,

Bs Đỗ Hồng Ngọc.

(9.8.2020)

 

 

Lời ngỏ

Ăn vóc học hay là một tuyển tập những bài viết – mới có cũ có – của tôi trong nhiều năm qua liên quan tới chuyện “Ăn” chuyện “Học” của người bạn trẻ.

Người xưa nói “Một linh hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”, và như vậy, cũng có nghĩa là “một thân thể tráng kiện” chỉ có thể có ở “một linh hồn minh mẫn”.

Thân và tâm không thể tách rời nhau.

Tương lai trong tay ta. Em biết rồi đó!

Đây không phải là một cuốn sách y học. Bởi khi cần đến y học thì đã có các bệnh viện, các thầy thuốc. Đây là những chuyện đời thường, hằng ngày chúng ta vẫn gặp, chuyện cái ăn, cái mặc, nếp nghĩ, nếp làm… Nhưng nó lại là cái cớ để chúng ta có dịp trò chuyện thân tình với nhau hôm nay, giữa một người đi trước và một người đi sau – giữa hai thế hệ – cách nhau hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn rất nhiều điều gần gũi nhau.

Cho nên khi viết cho em, khi nói với em, cũng chính là cơ hội để tôi nhìn lại tôi.

Xin cảm ơn em!

Đỗ Hồng Ngọc

(6.2020)

…………………………………………………………

Mùa thi đến rồi đó! 

* Bác sĩ có thể cho biết vai trò của việc giữ gìn sức khỏe trong cuộc sống con người nói chung, trong mỗi kỳ thi nói riêng?

– Như ta vẫn thường nói “sức khỏe là vốn quý nhất của con người”. Quả đúng vậy. Không có sức khỏe thì không thể làm được việc gì hết, kể cả chuyện học hành thi cử! Thậm chí có những người học rất giỏi mà sau đó mắc bệnh lao phổi, tim mạch hay tâm thần… thì cũng chẳng đến đâu. Mỗi kỳ thi là một cuộc đo tài ganh sức, đòi hỏi trí tuệ và cả… cơ bắp nữa. Phải có sức khỏe cả thân và tâm thì mới thành công. “Một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện” phải không? Thi cử là một stress lớn cho mỗi thí sinh nên phải có cách vượt qua. Muốn vậy, cần có sự chăm sóc tốt sức khỏe thể chất và tâm thần trong suốt quá trình học hành, thi cử. Nhiều người đợi nước đến chân mới nhảy nên nhảy không kịp, lọt tõm xuống ao. Muốn đi đường dài thì phải chăm sóc ngựa, chăm sóc xe… không đợi đến nước rút!

* Ăn uống như thế nào là hợp lý trong mùa thi?

– Không đợi đến mùa thi mới lo ăn uống hợp lý. Ăn uống là chuyện thường ngày mà! Thế nhưng, trong mùa thi thì chuyện ăn uống trở nên quan trọng hơn. Chẳng hạn, học thiệt xuất sắc, chuẩn bị đâu đó sẵn sàng để đi thi, chắc mẽm kỳ này sẽ đậu cao, ai dè tới ngày thi thì bị Tào Tháo đuổi chạy không kịp thì học giỏi cách mấy cũng rớt! Cho nên không có gì đáng tiếc hơn những ngày sắp thi mà ăn uống bậy bạ ngoài đường, không đảm bảo “an toàn vệ sinh thực phẩm”! Một câu hỏi thông thường khác là ăn gì thi cho dễ đậu? Câu trả lời là ăn gì thi cũng dễ đậu cả, miễn là ăn no, đủ chất, học hành đàng hoàng, giữ gìn sức khỏe tốt. Ngày thi mà đau bụng ói mửa, mà xây xẩm, chóng mặt, té xỉu trong phòng thi vì hạ đường huyết (quá đói) thì không thể nào đậu được! Còn người đã học có kế hoạch, ôn tập kỹ lưỡng thì ăn chè đậu cũng đậu mà ăn trứng vịt cũng đậu! Đừng có dị đoan mê tín! Trứng cũng bổ như đậu, miễn là đừng ăn trứng bị H5N1 (cúm gia cầm) là được! Tóm lại, nên quan tâm đến “cái ăn”. Ăn đủ chất và lượng. Giống như đổ xăng, nếu xăng pha nước thì xe chạy không được. Nhớ, không cần tẩm bổ với cao lương mỹ vị gì cả, không cần sâm cao ly, nước tăng lực gì cả, vì nếu cứ lo chuyện ăn uống tẩm bổ này nọ thì sẽ không còn thì giờ tập trung cho việc học. Thật sai lầm khi những ngày này phụ huynh bắt con em phải ăn thức này thức khác để tẩm bổ! Món ăn nào trẻ thích và vệ sinh, an toàn đều tốt cả. Khoái khẩu thì ăn sẽ ngon, học sẽ giỏi. Một em ở vùng biển quen ăn mắm, cá khô… bỗng được ăn thịt bò bít-tết khoai tây chiên thế nào cũng sình bụng, phát ách, ói mửa… và thi rớt!

* Thời gian ôn thi thường tạo cảm giác căng thẳng – mất ngủ, vậy làm cách nào để có giấc ngủ ngon và say?

– Thi cử là một stress lớn. Stress dễ làm mất ngủ. Ngủ rất cần thiết để giải stress, giảm stress. Ngủ đủ, ngủ ngon thì học sẽ mau thuộc bài hơn. Có em ráng uống cà phê đậm, trà đậm để thức khuya học, thậm chí có em cột mình vào ghế cho khỏi ngủ gục… đều là những cách làm sai lầm. Tế bào thần kinh một khi đã quá mệt mỏi, lại bị cưỡng bức nữa thì dễ bị kiệt sức, không hồi phục, dẫn đến tâm thần. Tốt nhất là khi học quá căng, cảm thấy quá mệt mỏi thì nên nghỉ. Nghỉ trước khi mệt càng tốt. Đi một bài quyền, ca hát nhảy múa gì đó, tắm rửa một cái chẳng hạn để… thay đổi không khí. Sau đó học lại, sẽ thấy tốt hơn. Ngủ rất cần thiết. Trong giấc ngủ, các tế bào thần kinh não bộ được thư giãn, được phục hồi sau thời gian căng thẳng. Giống như điện thoại hết pin cần phải sạc lại, mất vài giờ nhưng sau đó pin đầy, làm việc tốt hơn. Để ngủ ngon thì phải có kế hoạch học ôn từ sớm. Không nên dùng những thứ kích thích thần kinh. Một “kỹ thuật” giúp dễ ngủ là “lắng nghe hơi thở của mình”, không quan tâm tới bất cứ điều gì khác, không cần đếm sao trên trời… Cứ theo dõi hơi thở của mình một lúc sẽ ngủ được ngon và sâu.

* Phong độ thư thái, tự tin sẽ giúp các bạn đạt kết quả tốt, thế nhưng để đạt được cảm giác này là điều không dễ? 

– Dĩ nhiên. Chỉ những người học hành kỹ lưỡng, hoàn tất chương trình đầy đủ, chuẩn bị đâu đó sẵn sàng cho ngày thi thì mới thư thái tự tin được. Mặc dù lúc đi thi, người đó vẫn có thể có cảm giác như bị tràn ngập, không nhớ được gì cả, nhưng khi đề thi ra thì đầu óc tự nhiên tập trung lại một điểm, trí nhớ sẽ phục hồi, làm bài rất dễ dàng. Một người học lõm bõm, đánh tủ, thường không thể tự tin, không thể thoải mái. Một người uống thuốc kích thích thì cảm thấy rất tỉnh táo, “rất tự tin”, nhưng làm bài sai bét mà không hay! Một kỹ thuật để giảm stress, để có phong thái tự tin là… thở sâu, đưa hơi xuống “huyệt đan điền” (dưới rốn 3 đốt ngón tay) và quan sát, theo dõi hơi thở. Thở chậm, sâu, đều, sẽ làm cho phong thái trở nên điềm đạm. Lúc đó thi cử sẽ là một… trò chơi. Thi “chơi” cũng đậu! Còn căng thẳng quá, tự cao tự đại quá thì thường hỏng! Phụ huynh… thông minh, thường khuyên con em trước kỳ thi rằng không có gì phải lo. Đậu cũng được, rớt chẳng sao. Thua keo này bày keo khác. Phụ huynh nào đặt nhiều kỳ vọng, đặt chỉ tiêu này nọ, giải thưởng tiền bạc này nọ… thường thất vọng to! Nhiều em thi rớt, thấy phụ huynh quá đau lòng, bèn “trả hiếu” cho cha mẹ bằng cách… tự tử chết quách đi cho xong! Mùa thi nào cũng phải cấp cứu những tình huống đáng tiếc này. Lỗi ở phụ huynh. Đường còn dài. Đâu phải chỉ có thi cử ở trường ốc. Nhiều người thành đạt trên trường đời chẳng hề tốt nghiệp một thứ đại học nào cả! Một em học giỏi, IQ (Intelligent Quotient) rất cao, mà ra đời nhiều khi lại thất bại, thua xa một em học trung bình mà EQ (Emotional Quotient) tốt! (Xem bài IQ và EQ).

* Việc lạm dụng “thần dược” trong mùa thi đã để lại nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe, BS chia sẻ gì về vấn đề này?

– Không có chuyện “thần dược” trong mùa thi. Chỉ là để gạt gẫm nhau thôi. Một ly nước chanh đường, một không khí thoáng đãng cùng với kế hoạch ôn tập từng bước quy củ chính là thần dược. Nhắc lại, tự học mới quan trọng. Học kỹ theo chương trình là đủ. Ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ, thể dục thể thao đàng hoàng, biết cách giảm stress thì thi sẽ dễ đậu. Bói toán, dị đoan mê tín, tin tưởng “thần dược” này nọ thì hy vọng rất ít vì đã mất tập trung, đã chia trí. Thủ khoa các kỳ thi đại học thường là những em học trường huyện, chưa bao giờ học thêm, ăn uống thậm chí còn thiếu thốn, chỉ có học kỹ theo chương trình và có sự chuyên tâm tự học thì sẽ thành công. Học tủ, học kèm, học thêm… dễ thi rớt vì mất thì giờ cho ăn diện, cho điệu đàng, cho tán gẫu, tầm phào đáng tiếc. Tin tưởng vào “thần dược” là nhảm nhí!

* Xin cám ơn Bác sĩ.

(Báo Giáo Dục TP.HCM)

 

 

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Tuổi mới lớn

Thư gởi bạn xa xôi (12.3.2020): Một lời Tựa của NHL

12/03/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi (12.3.2020)

Lời Tựa của NHL

Cuốn Nguyễn Hiến Lê, Những lời tựa và bài giới thiệu sách  do Nguyễn Hiền Đức sưu tầm có nhắc đến khoảng trên 10 Tựa sách do NHL viết, trong đó có bài Tựa cho cuốn Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò của Đỗ Hồng Ngọc, năm 1972.

Để trả lời thêm vài câu hỏi của bạn vừa đặt ra, mình xin được nhắc lại bài viết từ năm 2011, và kèm theo đây như một kỷ niệm, là thủ bút của cụ NHL viết cho cuốn “Những tật bệnh thông thuờng trong lứa tuổi học trò” của Đỗ Hồng Ngọc vậy nhé.

Đặc điểm của người già là hay kể chuyện xưa mà! Đời người có 3 hồi: Hồi trẻ, Hồi trung niên và Hồi đó, nhớ không?

****

“Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò” là cuốn sách đầu tay của tôi trong loại y học phổ cập. Sách do tác giả tự xuất bản (La Ngà) (*), năm 1972 tại Saigon ( Nguyễn Hiến Lê đề tựa, in tại nhà in Trí Đăng, Lá Bối phát hành) được sự đón nhận nồng nhiệt của sinh viên học sinh và các bậc phụ huynh thời bấy giờ.

Ra trường vài ba năm tôi bắt tay ngay vào việc viết cuốn sách này, như để giải tỏa cho chính bản thân mình những bức xúc thuở còn đi học mà không biết hỏi ai, không dám hỏi ai! Thời đó, quả thực những lo âu, những băn khoăn thắc mắc của lứa tuổi mới lớn. vấn đề sức khỏe vị thành niên – phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi mới lớn- ít được để ý.  Suốt thời niên thiếu, tôi mắc nhiều thứ bệnh, tuổi dậy thì lắm nỗi âu lo, sợ hãi, thắc mắc không biết hỏi ai. Cho nên khi học y, tôi chú ý lãnh vực này và ngay khi ra trường thì viết ngay kẻo… quên! Tôi sợ để lâu ngày rồi mình thành một ông… bác sĩ, khệ nệ, nghiêm khắc, lạnh lùng… Sách do vậy đã đáp ứng một nhu cầu xã hội.

Trong bài Tựa, ông Nguyễn Hiến Lê rất khen ngợi sự bổ ích của cuốn sách. Thầy Từ Mẫn (Lá Bối) đã “mua đứt” toàn bộ để phát hành ngay khi sách còn đang sắp chữ trong nhà in Trí Đăng… Nhà văn bác sĩ Ngô Thế Vinh bảo đây sẽ là cuốn sách vào loại “kinh điển”, còn nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đưa tên sách vào một truyện ngắn viết về tuổi học trò của anh (Học Trò, Vàng Son, 1973)… Một chi tiết cảm động: nhà nghiên cứu Lê Anh Dũng (Huệ Khải) bây giờ vẫn nhắc hồi nhỏ anh đọc cuốn sách đó đã viết thư nêu thắc mắc đến tác giả và nay anh vẫn còn giữ bức thư trả lời của tôi như một kỷ niệm! Nhà văn Trần Phong Giao, thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nói đã bắt con anh học thuộc lòng một chương trong cuốn sách…

Sách được tái bản nhiều lần, có lần do họa sị Lê Vĩnh Ngọc vẽ bìa rất “lãng mạn”. Sau này tôi còn thấy có bản chụp, in lại bên Mỹ, đề giá $6.50! Có người “xúi” tôi kiện, đòi tác quyền, tôi nói sách mình được phổ biến như vậy là quý hóa rồi, kiện cáo cái nỗi gì!
Sau 1975, sách được nhà xuất bản Thành phố HCM in lại, với nhiều tựa khác nhau có chỉnh sửa và cập nhật…

Trân trọng,
Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon 3.2011)

…………………………………..

(*) Thời đó, tác giả có thể tự mình đứng tên làm Nhà xuất bản, tự in, tự phát hành. Như Nxb Phạm Cao Tùng, Nxb Nguyễn Hiến Lê… và Nxb La Ngà của Đỗ Hồng Ngọc, in được 2 cuốn: Những tật bệnh thông thường…(1972) và Viết cho các Bà mẹ sinh con đầu lòng (1974) 

——————————————————————————————-

Lời ngỏ

( Viết trong lần xuất bản đầu tiên, 1972 )

Tôi viết những dòng này cho em. Trong khi viết, tôi không nghĩ là tôi đang viết mà là đang được nói chuyện cùng em. Và em ngồi đó, trước mặt tôi, thoáng một chút âu lo trên vầng trán, một chút bẽn lẽn trong đôi mắt và rất nhiều băn khoăn thắc mắc trong tâm hồn, cũng như tôi, cách đây không lâu trong lứa tuổi của em bây giờ.

Những băn khoăn thắc mắc đó của em- mà “người lớn” không sao hiểu nổi, cho là ngớ ngẩn, buốn cười- đôi khi là cả những ”vấn đề “ đối với em, trong đó có những thành kiến, những sai lầm ít nhiều tai hại cho chính sức khỏe em và ngay cả sự học hành của em nữa. Có nhiều thắc mắc vượt khỏi phạm vi thuần túy của y học mà tôi có dịp nghe trong thời gian tôi còn dạy ở một vài tư thục, rất khó trả lời, chẳng hạn có thứ thuốc nào uống cho nhớ lâu, có thứ thuốc nào uống cho khỏi làm biếng, bớt chán nản viêc học… bên cạnh những thắc mắc thông thường như về mụn trứng cá, bón, trĩ, nhức đầu… Cho nên trong quyển sách nhỏ này nhiều khi tôi đã vượt ra ngoài phạm vi “chuyên môn” của một y sĩ (*), để nói với em về những điều khác nữa, từ những kinh nghiệm cá nhân và những hiểu biết mà tôi có được.

Em đã tin cậy mà thẳng thắn tỏ bày thì tôi cũng chân thành giải đáp trong sự cố gắng của tôi, như vậy cũng đáng qúy phải không? Có thể tôi sẽ mắc phải nhiều lầm lẫn, bởi vì ngay trong phạm vi y học không thôi cũng đã là một khu rừng mênh mông, bí mật, thuốc tiên đã nhiều mà độc dược cũng lắm, cho nên rất ít y sĩ chịu viết sách vì khiêm nhường cũng có mà vì thận trọng nhiều hơn.

Hơn nữa những tật bệnh trong lứa tuổi học trò lại rất phức tạp, bởi vì không có giai đoạn nào có nhiều biến đổi tâm sinh lý như ở tuổi tiền dây thì của em. Vì thế tôi tự giới hạn, chĩ đề cập những tật bệnh thông thường gây nhiều băn khoăn thắc mắc nhất ở tuổi em thôi, và cố gắng gỉai đáp những thắc mắc đó, giải toả những thành kiến sai lầm nếu có, chú trọng nhiều về vệ sinh tâm thể hơn là vấn đề điều trị, bởi người bệnh không thể tự chữa trị bằng những toa thuốc trong các sách y học.

Một câu nói đã cũ, nhưng vẫn còn đúng trong y khoa là “chỉ có người bệnh chớ không có bệnh”. Vì cùng một thứ bệnh như nhau mà ở mỗi người bệnh, cách điều trị phải một khác, tùy bệnh trạng, tuổi tác, sức khỏe … và nhất là tâm lý họ.

Cũng vì ý nghĩ đang được tiếp chuyện trực tiếp cùng em, tôi đã viết bằng một giọng thân mật và cố gắng trình bày thực giản dị, tránh những lý thuyết, những danh từ chuyên môn dễ nhàm chán.

Một người nào đó đã nói “bệnh tật là kết quả của những lỗi lầm”. Nghĩ lại, tôi thấy mình đã mắc phải quá nhiều lầm lỗi trong suốt tuổi ấu thơ nên đến bây giờ vẫn còn gánh chịu những hậu quả.

Nếu những dòng chữ trong quyển sách nhỏ này giúp em tránh được ít nhiều lầm lỗi, giúp em tin tưởng, vui vẻ học hành thì tôi có thể coi như đã thành công.

Tôi chân thành mong ước các bậc đàn anh vui lòng chỉ giáo tôi những chỗ sơ suất và các vị phụ huynh, các em học sinh chỉ cho tôi những chỗ thiếu sót, chắc chắn không ít.

Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc
………………………
(*) Y sĩ= Bác sĩ y khoa (chức danh của bác sĩ ở miền Nam trước 1975, như Y sĩ trưởng, Y sĩ đoàn v.v…). Sau 1975, Y sĩ là một học vị trung cấp trong ngành y, phải qua một kỳ thi tuyển theo học hệ Chuyên tu 4 năm mới trở thành bác sĩ.

——————————————————————————————-

Tựa của Nguyễn Hiến Lê

Tôi được quen Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từ mười mấy năm trước. Hồi đó ông là một thanh niên ít nói, đa cảm, thành thực, giản dị, có nhiệt tâm và yêu văn nghệ. Khi còn học Y Khoa, ông đã có thơ, văn đăng báo và ông là một trong những sinh viên tranh đấu kiên nhẫn nhất để tiếng Việt được dùng làm chuyển ngữ ở Đại Học. Ông nghĩ rằng một nhà trí thức Việt Nam, ngoài công việc chuyên môn ra, phải phổ biến những kiến thức của mình trong đại chúng thì mới có thể gọi là làm tròn nhiệm vụ trong giai đoạn này được.

Tôi mến ông ở điểm đó và hôm nay tôi mừng rằng ông đã bắt đầu thực hiện được chí hướng.

Tập này là tác phẩm đầu tay của ông. Ông dùng kinh nghiệm bản thân khi đi học và dạy học (vì như một số sinh viên khác, ông phải tự túc), cùng những sở đắc trong ngành y khoa để hướng dẫn các bạn học sinh trong việc giữ gìn sức khỏe, ngừa trước những bệnh thông thường và khi bệnh đã phát thì nên làm gì. Yêu nghề và có lương tâm, ông không mách thuốc bừa bãi như thỉnh thoảng chúng ta thấy trên một số báo, ông phản đối thái độ “vô trách nhiệm” đó.

Tôi không biết gì về y học, nhưng tôi thấy nhiều điều ông khuyên trong chương I (bệnh cận thị…), chương VIII (bệnh nhức đầu), chương XI (bệnh bón)… rất có lương tri, giá được biết từ hồi thiếu niên thì có lợi cho tôi lắm.

Một điểm đáng khen nữa là ông không có thành kiến, cái gì không biết thì nhận là không biết, lại có công tam, như khi ông nhận xét về phương pháp dưỡng sinh của Ohsawa…

Chương tôi thích nhất, và theo tôi, cũng ích lợi nhất, là chương cuối: “Đi khám bác sĩ”. Từ lâu tôi vẫn mong có ai chỉ dẫn cho tôi hiểu tâm lí, trọng trách cùng nhiệm vụ của y sĩ, bệnh nhân nên có thái độ ra sao, khi đi y sĩ, nên “hợp tác” với y sĩ cách nào để cho bệnh mau hết, nên dùng thuốc ra sao v.v…và bây giờ tôi mới thấy Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trình bày rành mạch sơ lược những kiến thức thông thường cần thiết cho mọi người đó. Tôi mong rằng sau này ông sẽ đào sâu vấn đề mà viết thành một tập riêng.

Văn ông lưu loát, sáng sủa, giọng ông thân mật, nhiều chỗ dí dỏm:

“Trừ một số rất ít được uống nước sâm trong những ngày học thi (và thường thì thi rớt) còn phần lớn các em phải đi làm thêm một buổi để có chút đỉnh tiền” (chương 18).

Có chỗ mỉa mai chua chát một cách nhẹ nhàng:

“Vì nếu thi rớt, ở thời đại chúng ta không phải em chỉ bị ăn ớt (thi không ăn ớt thế mà cay – Tú Xương) mà có khi còn bị ăn đạn!” (chương 22).

Có chỗ lại nên thơ:

“Tới một tuổi nào đó, ta quan tâm rất nhiều đến thân thể mình. Ta lắng nghe thân thể mình phát triển như chú dế mèn lắng nghe tiếng cỏ mọc trong đêm khuya…” (chương 17).

Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị.

Saigon Tết Nhâm Tí
NGUYỄN HIẾN-LÊ

(1971)

Comments

  1. Lê Uyển Văn says (18/03/2011 at 4:16 chiều)

Kỳ lạ quá! là một cuốn sách về Y học, về bệnh tật, mà đọc lời ngỏ của tác giả và lời tựa của Nguyễn Hiến Lê cũng khiến lòng dạt dào xúc động. Quả thật, cuốn sách không đồ sộ nhưng xếp vào loại sách “kinh điển” như lời Nhà văn bác sĩ Ngô Thế Vinh cũng không ngoa!

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Thầy thuốc và bệnh nhân, Vài đoạn hồi ký, Viết cho tuổi mới lớn

Thư gởi bạn xa xôi: “TÌM… TẾT!”

30/01/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi,

“Tìm… Tết”

Hồi xưa, tức cách đây vài năm thôi, Tết còn tìm đến mình bạn ạ. Nay thì… ráng cũng không ra Tết. Vài năm trước thôi, cũng có cành đào, cành mai và đặc biệt rất nhiều cúc mâm xôi… trong nhà. Không muốn Tết mà nó cũng cứ Tết. Rồi bạn bè hẹn café, cà pháo, rồi học trò đến thăm, rồi con cháu tề tựu… Nay thì ráng cũng không ra. Bởi, chính trong ta có cái gì đó lặng ngắt, hình như… hormone thì phải. Nó lặng ngắt, nó tắt ngủm. Tám mươi rồi nó vậy chăng?

Vì vậy, mấy ngày gần Tết này… mình “tranh thủ” nhen nhóm lại, thử “tìm Tết” coi sao. Ngồi ở Đường Sách một mình, nhâm nhi tách café… ngắm người qua kẻ lại. Thì vẫn dập dìu tài tử giai nhân đó thôi. Có cái mới. Có người thấy như chỉ mặc áo mà không mặc quần, có người mặc áo dài với váy và quấn khăn… mỏ quạ? Chưa thấy ai nhai trầu bõm bẻm cả. Mới đây thấy bên Pháp có buổi trình diễn kịch nghệ mà từ diễn viên đến khán thính giả đều trần truồng như nhộng. Tình hình có vẻ dần dần đi vào thời… đồ đá, ăn lông ở lỗ rồi vậy. Tại vì ta chỉ có nhục nhãn, không có con mắt thiên nhãn ngàn năm để thấy biết đó thôi.

Như đã nói, mình thử đi “tìm Tết” xem sao.

Hẹn với các bạn trong Nhóm Học Phật ở chùa Xá Lợi, thứ bảy 26.1.19 tức 21 tháng chạp Mậu Tuất lên chùa Bửu Long thăm Sư Viên Minh. Sư lúc này cũng đã 75 tuổi rồi chớ ít gì, nhưng trông khỏe và… đắc đạo. Trò chuyện với Sư rất vui. Mình thân quen Sư cũng vài chục năm rồi nên khá thân tình. Mình nói tôi có mang tập thơ lên tặng thầy đây, thầy VM cười, lát nữa tôi cũng gởi tặng anh tập thơ. Thì ra thầy mới có tập Tĩnh Lặng:

Ra đi khắp bốn phương trời

Tìm ai mỏi gót muôn đời còn xa

Ta về gặp lại tình ta

Dấu chân viễn mộng chỉ là phù vân.

(Phù Vân, Viên Minh, Tĩnh Lặng)

………………………………

Một phen buông hết ngôn từ

Buông luôn cả một chữ như trên đầu

Thong dong thực tại nhiệm mầu

Niết-bàn, sinh tử… biển dâu khác gì!

(Như, Viên Minh, Tĩnh Lặng)

Chắc là thầy muốn  nhắc Thầy Phước Hậu:

Kinh điển lưu truyền tám vạn tư 
Học hành không thiếu cũng không dư 
Đến nay tính lại đà quên hết 
Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như

Mình nghĩ thiệt ra nhờ “nhớ trên đầu một chữ Như” mà mới  “Thong dong thực tại nhiệm mầu/ Niết-bàn, sinh tử… biển dâu khác gì!”. Thực tại là Pháp. Là Tùy duyên/ Thuận pháp.

Chùa Bửu Long, Quận 9, Tp HCM

Nhóm Học Phật. 26.1.2019 tại Chùa Bửu Long.

 

Chủ Nhật 27.1.19 có luôn 3 “shows”, dù sao cũng nên đi mỗi nơi một chút cho biết đó biết đây, xem bà con ăn Tết, chơi Tết ra sao:

Có một cuộc Triễn lãm mỹ thuật ở Đảo Kim Cương, Thủ Thiêm do họa sĩ bác sĩ Dương Đình Hùng tổ chức. Lâu nay mình chưa biết chỗ này ở đâu, ra sao. Lê Triều Điển, Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương… đều có tham dự. Nghe nói Lê Triều Điển trưng bày tượng gốm, Lê Ký Thương có 15 bức tranh Thiền, TTMinh nhiều tranh lạ nên phải đi đến xem thôi. Khu Hàm Long này có nhiều “biệt phủ” rất đẹp của các họa sĩ nổi tiếng, hôm nay trưng bày tác phẩm của các họa sĩ, điêu khắc gia. Mình có dịp gặp lại họa sĩ Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười), Hồ Hữu Thủ, Hoài Hương, Hồ Thanh, La Quang Thanh, Lý Khắc Nhu, Dương Đình Hùng và các bạn Lê Triều Điển, Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương… Dĩ nhiên mình là người ngoại đạo nên chỉ đứng ngoài… quan sát.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

quay về cố quận
(tranh thiền LKT)

 

thiền đi (tranh LKT)

Chiều đó đi dự Chương trình Nhạc Thiền “Tôi đang Lắng Nghe” của sư Minh Niệm tại Nhà hát Hòa Bình- một nhà hát lớn có đến 3000 chỗ ngồi đã đông nghẹt người!

Nghe chủ đề: “Tôi đang Lắng Nghe” tưởng là “Tôi đang lắng nghe… im lặng đời mình” của Trịnh Công Sơn, hóa ra không phải!

Mình nhận được cái Giấy Mời …của Ban Tổ Chức, trực tiếp từ Sư Minh Niệm, một vị tu sĩ khá thân quen, bởi ngay cuốn sách đầu tiên nổi tiếng của Sư là “Hiểu Về Trái Tim” cũng có một lời giới thiệu ngắn của mình, tác giả Nghĩ Từ Trái Tim gần gũi từ mươi năm trước. Có điều Nghĩ Từ Trái Tim mình viết về Tâm kinh Bát Nhã còn Hiểu Về Trái Tim của Sư MN thuộc lãnh vực tâm lý trị liệu.

Lúc đầu mình quyết định không đi vì trên Giấy mời thấy ghi: nữ phải mặc áo dài, nam áo vest, cà vạt… Mình đã trả lời: rất cảm ơn nhưng không đi vì hơn chục năm nay không hề mặc vest, cà vạt… gì cả. Ngay sau đó, được tin nhắn: Thầy con nói bác mặc gì cũng được, miễn là thoải mái … và đến dự muốn về lúc nào thì về. Vậy thì… OK.

Buổi nhạc thiền Tôi đang lắng nghe thì ra “mang tính chữa lành tâm hồn” có phần Tổn Thương và phần Chữa Lành khá lý thú. Tổn thương với những bài hát Hương lạc, Đền nhau, Mộng du, Góc tối… Còn chữa lành là nhưng bài của Trịnh Công Sơn: Tôi đang lắng nghe, Ru đời đi nhé, Để gió cuốn đi, Cho đời chút ơn…

Bên cạnh những bài hát bởi các ca sĩ thì có lời bình của Sư Minh Niệm… Chương trình của hai cha con Trần Mạnh Tuấn và An Trần thổi saxophone Một cõi đi về, Ru em từng ngón xuân nồng và tiết mục Múa… theo mình là hay nhất! Sau đó mình… “chạy”, vì còn một “show” nữa phải dự ở Vườn Minh Trân của anh Nguyễn Trí Dũng.

Đỗ Hồng Ngọc – Trần Mạnh Tuấn (27.1.2019) trước Rạp Hòa Bình.

 

Ở Vườn Minh Trân của Nguyễn Trí Dũng là một cái Hội Tết văn hóa Việt. NTDũng du học Nhật từ trước 75, về xây dựng trường Doanh Thương Trí Dũng và thực hiện nhiều Chương trình nối kết Việt-Nhật khá phong phú. Gởi bạn vài hình ảnh nhé:

 

Cô gái mặc áo dài truyền thống Việt rất đẹp là con gái Nguyễn Trí Dũng, mẹ người Nhật, tên cô là Tomoe, Mỹ Ái. Cô là họa sĩ, đang học tiếng Việt. Cách đây 12 năm, Đỗ Hồng Ngọc đã quen biết Mỹ Ái ở Nhật, lúc đó cô mới lên mười… (Minh Trân 27.1.2019)

 

Hai cha con Nguyễn Trí Dũng và Mỹ Ái đang biểu diễn… múa Sạp! (Minh Trân 27.1.2019)

Ngày thứ hai 28.1.2019 là 23 Tết, đưa Ông Táo về Trời. Ở chùa Xá Lợi có buổi Tổng kết hoạt động cuối năm theo thường lệ, Sư ông Viện chủ Hiển Tu, 97 tuổi Chúc Tết, và Thầy Đồng Bổn trụ trì “báo cáo tổng kết”…

Vậy đó, mấy ngày đi “Tìm… Tết” của mình ở đây, cũng xin… “báo cáo tổng kết” để bạn chia sẻ vậy nhé.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Ghi chép lang thang, Thư gởi người bận rộn, Uncategorized

ĐHN: Phật dạy con (Nguyên Giác dịch Anh ngữ)

04/04/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Ghi chú: Nguyên Giác Phan Tấn Hải, tác giả của nhiều cuốn sách về Thiền học có giá trị, thực hiện một Blog Phật học song ngữ Việt Anh, VietRahula nhằm giúp giới trẻ ở hải ngoại có cơ hội tiếp cận Phật học.

Anh vừa gởi tôi bản dịch bài PHẬT DẠY CON. Xin trân trọng giới thiệu đến các bạn.

Viet Rahula, A Bilingual English-Vietnamese Blog — Trang Song Ngữ Anh-Việt — Webmaster: NguyenGiac@gmail.com

 

Tuesday, April 3, 2018
Phật dạy con

By Đỗ Hồng Ngọc

Phật tử thì ai chẳng là con Phật. Thế nhưng, La Hầu La là… con Phật lúc Phật còn là Thái tử. Một người con huyết thống. Trong cái đêm rời bỏ cung điện, “quyết tìm đạo sáng cứu chúng sanh” đó, Thái tử Tất-Đạt-Đa hẳn đã ít nhiều quyến luyến. Khi Phật thành đạo, có dịp về thăm Vua cha thì La-hầu- La đã lên bảy tuổi. Và ngay dịp đó, La Hầu La cũng xin theo Phật, xuất gia.
Tò mò coi Phật đã dạy La Hầu La những gì… để học lóm cũng hay!

Trước hết, Phật giao La Hầu La cho… ông “thầy dạy kèm” là Xá Lợi Phất. Sao lại Xá Lợi Phất mà không phải ai khác như Mục Kiền Liên chẳng hạn? Xá Lợi Phất thì mới đúng là một ông giáo, kiến thức uyên bác, đệ tử trí tuệ bậc nhất của Phật mà. Phật giao cậu bé La Hầu La cho Xá Lợi Phất dạy dỗ là muốn La Hầu La đi vào con đường tu tập bằng trí tuệ trước hết. Nếu Mục Kiền Liên mà làm thầy có khi La Hầu La mê… thần thông mất! Phật không trực tiếp dạy La Hầu La vì cha mà dạy con không dễ, nhứt là ông con có máu làm vua!

Và bài học đầu tiên Xá Lợi Phất dạy La Hầu La là thở. Tức là dạy kỹ năng đầu tiên của thiền định. Bởi đây cũng chính là con đường khai mở trí huệ. Có chánh định rồi mới mong có chánh kiến, chánh tư duy… chớ phải không? Thở là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Ngay từ lúc sinh ra thì đã phải thiết lập ngay hơi thở đầu tiên – tiếng khóc “chào đời”- nếu không thì không có sự sống.

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra
(Nguyễn Gia Thiều).

Mới sinh ra thì đà khóc chóe

 Trần có vui sao chẳng cười khì
(Nguyễn Công Trứ).
“Chào đời” bằng một tiếng khóc nên mới có “Khổ, Tập, Diệt, Đạo”!
Cuộc sống càng căng thẳng, càng đam mê, càng nhiều tham sân si nghi mạn tà kiến… thì người ta càng dễ quên thở. Người ta chỉ thoi thóp thở, khò khè thở, hời hợt thở, cà giựt thở, cà hước thở cho qua ngày đoạn tháng! Cho nên phải dạy thở trước hết cho La Hầu La là đúng.
Nhưng thở không chỉ là thở. Thở để thấy một kiếp người. Thở để thấy vô thường, vô ngã. Thở để thấy duyên sinh, thấy thực tướng vô tướng. Dĩ nhiên, Xá Lợi Phật sẽ dạy La Hầu La một cách đúng sư phạm, không sợ “tẩu hỏa nhập ma”!
Phật… vẫn phải theo dõi sát chuyện học hành của cậu bé La Hầu La. Khi thấy cậu đã biết thở, có chánh niệm, tỉnh giác, tinh cần rồi thì Phật mới bắt đầu dạy… đạo đức, lối sống. Nào không được nói dối – nào phải nghĩ kỹ trước mỗi ý tưởng, cử chỉ, lời nói… xem điều nào nên hay không nên làm, điều nào có hại, xấu ác thì không được làm, điều nào hay phải,  lợi mình, lợi người thì làm.
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý

Trong khi chuẩn bị làm điều chi bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không. Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con hãy đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm.”
Trong các yếu tố thân khẩu ý thì “khẩu” có lẽ là quan trọng nhất để tạo nghiệp mặc dù nó được dẫn dắt bởi ý (ý dẫn các pháp) nhưng ý không bộc lộ ra để dễ nhận biết, chỉ có khẩu mới ầm ỉ, náo nhiệt, là đầu mối sinh sự, gây chiến!  “Khẩu” chính là kẻ tạo nghiệp số một vậy. Ngày nay “khẩu” không chỉ là lời nói trực tiếp mà còn là cả hệ truyền thông, cả những “status” trên mạng internet, lan truyền khắp thế giới trong nháy mắt.  Cho nên Phật dạy La Hầu La rất kỹ về “khẩu nghiệp”, bắt đầu bằng sự không nói dối. “Thập thiện” dành tới 4 món  cho riêng khẩu: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói lời hung ác…

Ở tuổi mới lớn, biết mình là con Phật, được mọi người vì nể, quý trọng, chắc không khỏi có lúc La Hầu La làm phiền nhiễu, buồn lòng người khác. Thậm chí, thỉnh thoảng có thể còn chạy vào méc (mách) Phật điều này điều khác… Phật sẽ mỉm cười xoa đầu dạy hạnh Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn…

khi La Hầu La lớn dần lên, Phật  dạy những bước tiếp theo.
Hãy học hạnh của Đất. Hãy như đất. Đất ở khắp nơi. Đất trong ta. Đất trong vũ trụ. Không có đất, ta không nên hình nên dạng. Không có đất, nhựa nguyên không thành nhựa luyện. Điều quan trọng: đất không hề phân biệt. Ném một thỏi vàng hay một đống rác xuống đất, đất vẫn « như như bất động »…Chẳng mừng chẳng giận.
Hãy học hạnh của Nước. Hãy như nước. Nước ở khắp nơi. Nước ở trong ta chiếm đến ba phần tư thể trọng. Cũng như biển cả sông ngòi chiếm ba phần tư mặt địa cầu. « Nước trôi ra biển lại tuôn về nguồn » (Tản Đà). Chẳng thêm chẳng bớt…
Hãy học hạnh của Gió. Hãy như gió. Gió ở khắp nơi. Gió trong ta.  Trong bầu khí quyển. « Gió không có nhà/ Gió đi muôn phương… ». Đâu cũng là nhà của gió. « Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không ? Để gió cuốn đi ! » (TCS).
Hãy học hạnh của Lửa. Hãy như lửa. Lửa ở khắp nơi. Lửa trong ta. Lửa trong vũ trụ. Lửa ở mặt trời. Lửa giữa lòng đất. Lửa ở trong cây. Không có lửa sao cọ xát thì cây bốc lửa ? Lửa đốt cháy hết tham sân si. Lửa tam muội ngùn ngụt trong chánh định…
Tứ đại « đất, nước, gió, lửa », chính là những yếu tố cơ bản, Nitrogen (đất) Hydrogen (nước) Oxygen (gió), Carbon (lửa), những nguyên tố C, H, O, N tạo nên protein, chất liệu cuộc sống. Từ đó mà có vạn vật, từ đó mà có ngũ uẩn : sắc, thọ, tưởng, hành, thức…

Và dĩ nhiên Phật đã không quên nhắc đi nhắc lại với La hầu La: « không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta ».

Không phải của ta thì việc gì phải tham !
Không phải là ta thì việc gì phải sân !
Không phải là tự ngã của ta việc gì phải… si !

Vậy là đã đủ.

.
How the Buddha taught his son
By Đỗ Hồng Ngọc

Translated into English by Nguyên Giác

We are Buddhists and behave ourselves as children of the Buddha; however, Rahula had been already the son of the crown prince who later became Buddha. A biological son. In the night Prince Siddhartha left the royal palace to find the path of liberation, he somehow would have thoughts of attaching feelings. After becoming a Buddha, when he had a chance to visit his father king, his son, Rahula, was seven years old.
I am just curious to see what the Buddha taught his son. Curious to pick up something.
First, the Buddha assigned Sariputra as the tutor for Rahula. Why Sariputra? Why not somebody else? How about Mahamoggallana? Actually, Sariputra would work best as a teacher; he had vast knowledge and was foremost in wisdom among the disciples of the Buddha.
The Buddha wanted Rahula to follow his tutor Sariputra to train in wisdom first. If Rahula was a student of Mahamoggallana, he would be impassioned in psychic powers. The Buddha did not directly teach Rahula, because it was hard to teach a son, especially the one who would have wanted to become a king.
The first lesson Sariputra gave to Rahula was how to breathe. That was the first skill to practice meditation, and a way to attain wisdom. If he attain the Right Concentration first, he would easily attain later the Right View, Right Thought. Breath is life. When you were born, you started breathing – with a cry to say “Hello life”; thus, you could stay alive.

I’ve carried the first cry since the moment I was born.
(Poetry by Nguyễn Gia Thiều)

We cried when we were born! If life was joyful, why we did not laugh then?
(Poetry by Nguyễn Công Trứ)

Saying hello to life with a cry, we might feel the Four Noble Truths — suffering, the arising of suffering, the cessation of suffering, and the path leading to the cessation of suffering.
The more stress and passion we have, the more we get lost in the forest of greed, aversion, ignorance, conceit, doubt and wrong views, and the more we easily forget to breathe. People just breathe flickeringly, breathe waveringly, breathe shallowly, breathe sputteringly… and let the days and months passing by. Hence, it was right to teach Rahula first on how to breathe.
Breathing is not just for breathing. You breathe to see a life. You breathe to see the characteristics of impermanence and non-self. You breathe to see the dependent arising, the signless of the True Reality.  Sariputra, of course, would teach Rahula correctly — no reason to worry about mental disorder.
The Buddha watched closely to see how the young Rahula studied. When seeing the youth knew how to breathe and live with mindfulness, alertness and diligence, the Buddha started teaching Rahula about morality – just tell the truth, not a lie; think deeply on any idea, any gesture, and word to choose to do good over evil, to do things helpful for us and others.
Not to do evil, 
to cultivate merit, 
to purify one’s mind…

“Whenever you want to do a bodily action, you should reflect on it: ‘This bodily action I want to do — would it lead to self-affliction, to the affliction of others, or to both? Would it be an unskillful bodily action, with painful consequences, painful results?’ If, on reflection, you know that it would lead to self-affliction, to the affliction of others, or to both; it would be an unskillful bodily action with painful consequences, painful results, then any bodily action of that sort is absolutely unfit for you to do. But if on reflection you know that it would not cause affliction… it would be a skillful bodily action with pleasant consequences, pleasant results, then any bodily action of that sort is fit for you to do….(and with verbal action, and mental action…) (link: Access To Insight)
Among all the actions, the verbal actions may be the most important to create karma; even the thoughts lead them all, it is very hard to see the thoughts. The vocal spoken words start all quarrels and wars. The verbal action is the one that creates the most karma. Not online the words you speak directly, but also the words you write on the Internet and spread out globally. Thus, the Buddha taught Rahula about the karma of verbal actions, starting with not telling a lie. Thus, there are four parts for the precept on verbal action: refrain from lying, from gossip, from harsh words, and from malicious words.

As a youth, respected by everyone for being the son of Buddha, Rahula might sometimes bother somebody. Rahula might come to see the Buddha and say things behind somebody’s back. The Buddha would smile, rub Rahula’s head and tell the youth to keep the precepts, be patient and learn diligently.

When Rahula grew up gradually, the Buddha taught the next steps.
Develop the meditation in tune with Earth. Earth appears everywhere. Earth appears in you. Earth appears in the universe. Without earth, you have no shape. Without earth, the tree sap cannot transform into other useful material. The important factor: earth discriminates nothing. Throwing a gold bar or a trash stuff onto the surface of the earth, you see the earth stay in the thusness nature – e.g., motionless… Neither happy nor angry.
Develop the meditation in tune with Water. Just be like water. Water appears everywhere. Water appears in you, keeping ¾ of your weight; also, the surface of seas and rivers cover ¾ of the surface of the earth. “All streams run to the sea and return to the source.” (Poetry by Tản Đà). Neither increasing nor decreasing.
Develop the meditation in tune with Wind. Just be like wind. Wind appears everywhere. Wind appears in you, and in the sky. “The wind has no home/ the wind flies in all directions…” Everywhere is home for the wind.  “Living in life, we need a heart. For what, do you know? To let the wind float away.” (Lyrics by Trịnh Công Sơn)
Develop the meditation in tune with Fire. Just be like fire. The fire appears everywhere. The fire appears in you, in the universe, in the sun, deep inside the earth, and in the trees. Rubbing wood, you will have the fire. The fire burns all three poisons — greed, aversion, and ignorance. The fire of Samadhi starts the Right Dhyana.
The four basic elements — earth, water, fire, and wind– are the basic factors (for the forms of any existence), from which all things are built, and from which we have the five aggregates (the form, feeling, perception, volition, consciousness)…
And the Buddha, of course, always reminded Rahula that all things should be seen as, “That is not mine. That is not what I am. That is not my self.”

That is not mine; thus, why do we have greed.

That is not what I am; thus, why do we have the aversion.

That is not my self; thus, why do we have ignorance.

That’s good enough.

THE END

Image already added

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Phật học & Đời sống, Thiền và Sức khỏe, Viết cho tuổi mới lớn

Nguyễn Nhật Ánh ở Hội sách

26/03/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Bạn ơi,

Sáng thứ bảy 24.3.2018 mình mới có dịp đến thăm Hội sách Tp.HCM lần thứ X này, và cũng để thăm Nguyễn Nhật Ánh, “ký tặng” nhà văn tập Thơ Ngắn Đỗ Nghê ngay tai chỗ… cho vui!

Ôi, đông nghẹt. Thấy các bạn trẻ say mê với sách mình mừng lắm. Tưởng từ ngày có Internet người ta chê sách. Nhưng không. Đông nghẹt. Mà toàn giới trẻ. Mình thấy mình bơ vơ, ngơ ngác và lạc lõng trong chợ sách này! Thỉnh thoảng mới thấy một mái đầu bạc loay hoay tìm kiếm cái gì đó trong đống sách hạ giá cao nghều nghệu. Tình cờ gặp một người đứng tuổi không quen biết, ân cần chào hỏi. Thì ra một bạn đọc từ bên Úc. Anh nói vẫn đọc sách và nghe đĩa, xem web nên nhận ra ngay ĐHN!

Cố tình đến sớm chút để thăm riêng Nguyễn Nhật Ánh. Mà ôi chao, dòng người xếp hàng chờ xin chữ ký dài dằng dặc. Còn mươi phút nữa mới tới giờ ký. Minh nxb Trẻ nói có em đã đến xếp hàng từ 5 giờ sáng! Em đứng thứ hai trong dòng người gật đầu xác nhận. Em nói em ở tận Cần Giờ, nên phải lên từ hôm qua! Có lẽ rút kinh nghiệm lần ký tên ở Đườg Sách Nguyễn Văn Bình, dòng người xếp hàng đôi, dài ngoằn khiến BTC nửa chừng phải xin ngưng 30 phút cho tác giả… xả hơi. Các em vẫn không dám bỏ hàng, vẫn đứng giữ chỗ. Hôm đó, tôi cafe với TTMinh quan sát, nói lúc này mà chịu khó xách cái ‘bô’ đi một vòng sẽ kiếm được khá đó.

Thì ra nhà văn có sách bán chạy như tôm tươi cũng khổ! BTC lần này rút kinh nghiệm phát loa thông báo nhà văn chỉ ký tên từ 8.30 đến 10g để đảm bảo sức khỏe cho mình và cho độc giả… !

Có vài hình ảnh vui vui gởi bạn coi chơi nhé.

 

 

Từ trái: Minh, Nxb Trẻ; Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Hồng Ngọc ( Hội sách 24.3.2018)

 

Không gì tốt hơn ký tặng… tại chỗ cho chỉ một người…

 

 

 

… để NNA ‘ngán ngẫm’ nhìn dòng người đợi mình ký sách!

 

“thế hệ tương lai” của Chú Ánh đây rồi! Ráng giữ sức khỏe nha Ánh.

 

 

 

 

Nhiều người nói với tôi rằng NNA không phải là… nhà văn mà chỉ là người kể chuyện!

Ối trời, kể chuyện cho người ta mê tít như vậy còn hơn là nhà văn đó chớ! Nhất là cho giới trẻ nghe. Giới trẻ bây giờ mê chơi game, mê Internat, phim ảnh, lúc nào cũng lăm lăm điện thoại thông minh trên tay, vậy mà chịu xếp hàng xin chữ ký đủ để mừng! Tôi có lần nói với Ánh, nhà văn cho tuổi thơ có trách nhiệm nặng nề đó, vì nó ‘đúc khuôn’ cho một thế hệ về cách nghĩ, cách làm, cách sống chớ chẳng chơi. Ráng nhé. Ánh gật.

Tôi nhớ xưa Ánh kể chuyện khi mới vào Saigon, lên xích lô kêu chở đến “Bò Họt”. Bác xích lô ngẩn ra không hiểu gì cả. Thì ra anh muốn đến đường Bà Hạt ở gần Ngã Bảy!

Năm nào Trung Thu, NNÁnh cũng gởi tôi một hộp bánh đậu xanh rất ngon… hình như của một bà mẹ trẻ nào đó có con mê sách NNAnh tự tay làm (homemade) và gởi tặng anh.

Còn gì vui hơn phải không?

ĐHN.

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Tuổi mới lớn, Vài đoạn hồi ký

Bs Trần Văn Ký: Vấn đề ”bột nêm”

21/03/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Ghi chú: ”Trăm thứ bệnh qua đường miệng” như tục ngữ nói. Từ thời Hippocrates (Thế kỷ thứ IV trước CN) đã nhấn mạnh ”thực phẩm chính là thuốc”. ”Thuốc” có nghĩa là có thể chữa khỏi bệnh và có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng. Ngày nay người ta càng thấy rõ điều này.

Gần đây nhiều bạn hỏi về vấn đề thực phẩm biến đổi gen, vấn đề tồn đọng kháng sinh, kim loại nặng trong thực phẩm và vấn đề ”bột nêm”. QuanVenDuong của GS Huỳnh Chiếu Đẳng cũng vừa đưa bài viết của Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học – Kỹ thuật An toàn Thực phẩm VN về vấn đề ”bột nêm” này. Xin phép được chia sẻ nơi đây.

Trân trọng cảm ơn,

ĐHN

 

QuanVenDuong HCDj 20.3.2018

———- Forwarded message ———-
From: LouisTrung <loui rung@ ya     o.com>
Date: 2018-03-19 22:04 GMT-04:00
Subject: Fw: Fwd: Fw: * Bột nêm’’

Xin đọc bài dưới đây của bác sĩ Trần văn Ký
Bột Nêm

Ngại bột ngọt chứa nhiều hoá chất gây cứng cổ, nhức đầu… nhiều người đã chuyển sang dùng các loại bột nêm từ thịt, cá, một số loại nấm… để tốt hơn cho sức khoẻ. Cách lựa chọn này liệu có thật sự an toàn cho người tiêu dùng? Trong bữa ăn hàng ngày, cần hạn chế việc sử dụng bột nêm.

Trên thị trường hiện xuất hiện nhan nhản hàng chục loại gia vị bột nêm với đủ nhãn hiệu khác nhau và những lời quảng cáo thoạt nghe dễ có cảm giác ngon, tiện lợi và an toàn tuyệt đối.
Mà quả thật, các loại bột nêm này có thể thay thế cho tất cả các loại thịt, cá, tôm, cua… cần thiết cho một món xúp, hay một món xào. Chỉ cần một thìa bột nêm, bạn sẽ có ngay một nồi canh rau ngon ngọt như đã được hầm từ xương.

Rất ít người biết rằng, chính sự thay cá, thịt bằng bột nêm đó tạo ra nguy cơ sức khoẻ của họ ngày càng hao mòn, xuống dốc. Bột nêm không thể thay thế thịt, cá…
Cần nói ngay rằng, bột nêm chính là chất phụ gia siêu bột ngọt. Tính ngọt của loại gia vị này gấp 200 lần các loại bột ngọt khác.
Đặc biệt, trong bột nêm chứa chủ yếu một loại chất tên gọi I & G, kết hợp từ hai chất Disodium 5’ – Guanylate và Disodium 5’ – Inosinate.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, hai chất trên nếu kết hợp với nhau sẽ tạo ra một số độc chất, mà nếu tích trữ chúng trong cơ thể người quá nhiều, có thể gây quái thai và rối loạn chuyển hoá. Hơn nữa, khi đã cho các loại bột nêm này vào nồi lẩu hoặc món xào, chúng sẽ tạo cho người ăn cảm giác như nếm được món xúp ngon lành từ thịt hầm.

Nguy hiểm hơn, chất I & G còn khiến người ăn luôn cảm thấy ngon miệng, ăn rồi lại muốn ăn nữa. Chính sự ngon miệng này đã đánh lừa cảm giác mọi người và giúp các loại gia vị bột nêm ngày càng được nhiều người tin dùng. Ngoại trừ những nhà sản xuất và các nhà nghiên cứu, ít người tiêu dùng, biết rằng bột nêm chỉ là một chất phụ gia. Chúng hoàn toàn không thể thay thế các nguyên liệu thực phẩm thịt, cá.

Vì vậy, nếu bạn lạm dụng quá nhiều bột nêm trong nấu ăn, thì có nghĩa bạn đang đưa nhiều hoá chất vào cơ thể mình và những người thân trong gia đình. Mà đã là hoá chất thì ít nhất chúng cũng gây nhiều tác hại về tim mạch, gan, thận, hoặc gây dị ứng, tê môi, tê lưỡi, mệt mỏi cho người sử dụng. Không nên lạm dụng bột nêm .

Xử trí khi ngộ độc bột nêm :
Một số trường hợp dùng quá nhiều chất phụ gia như bột nêm có thể đưa đến các biểu hiện bị ngộ độc hoá chất như cứng cổ, nhức đầu, xây xẩm mặt mày hay dị ứng, ngứa ngáy cơ thể… Nếu gặp tình huống đó, hãy cho nạn nhân uống thật nhiều nước, hoặc các loại nước chanh, nước chè đường sẽ giúp tuần hoàn máu, giải độc cơ thể. Một số quốc gia phương Tây, các nước phát triển… hiện không cho phép sử dụng các chất phụ gia như bột nêm trong nấu ăn. Ngay ở Việt Nam, loại chất I & G chứa trong bột nêm cũng không có mặt trong danh sách các chất phụ gia được phép sử dụng của bộ Y tế.

Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao ngất ngưởng, một số nhà sản xuất vẫn ngang nhiên sử dụng chất này trong sản phẩm, phủ lấp chúng bằng những lời quảng cáo thái quá. Người tiêu dùng thì lại cứ vô tư tin vào những hình ảnh đẹp, những lời ngọt ngào trên quảng cáo mà mua đem về sử dụng.

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định liều lượng bột nêm dùng trong ngày bao nhiêu là hợp lý. Việc chọn hay không chọn bột nêm cho bữa ăn hàng ngày chỉ có thể phụ thuộc vào một người tiêu dùng thông minh, tỉnh táo.

Trong bữa ăn hàng ngày, bạn cần hạn chế việc sử dụng bột nêm. Thay vì phải dùng chất phụ gia, các bà nội trợ hãy làm siêng chạy ra chợ mua cá, thịt tươi để đủ chất cho gia đình. Một nồi canh có đầy đủ thịt, rau… thì bạn không cần phải thêm bất cứ gia vị bột ngọt, bột nêm nào khác…

BS TRẦN VĂN KÝ

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Hỏi-đáp, Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Lời Ngỏ: ”KHI NGƯỜI TA LỚN”

13/02/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

KHI NGƯỜI TA LỚN

Nói với tuổi “teen”

 Teen, đó là lứa tuổi từ 10 – 19 theo quy định của Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO). Trong suốt 9 – 10
năm trời đó, các em phải trải qua một giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống với nhiều bất trắc, nguy cơ, nhưng cũng đầy tiềm năng và triển vọng. Các em như con sâu nằm trong kén, phải vặn mình chuyển hóa để trở thành một cánh bướm đầy màu sắc nhởn nhơ bay lượn giữa bầu trời xanh.
Đó là lứa tuổi với nhiều thay đổi lớn lao và đột ngột, làm ngỡ ngàng không chỉ cho người lớn mà còn
cho chính các em. Thế giới bí mật của những thay đổi đột ngột về thể chất đó nếu không được hướng
dẫn thấu đáo, tường tận, sẽ gây hoang mang, sợ hãi không cần thiết, dễ dẫn đến những hành vi có hại
không ngờ. Nhưng những thay đổi trong cảm xúc, trong các mối quan hệ trong gia đình và xã hội mới
thật là phức tạp, đáng lo ngại. Tình trạng tự tử, bỏ nhà đi bụi, tâm thần ngày càng báo động ở lứa tuổi này trong nhịp sống thay đổi nhanh chóng nhiều khi vượt cả ra ngoài tầm kiểm soát. Điều cốt lõi lại chính là ở các em, chính bản thân các em, không phải ai khác.
Chỉ có ta mới cứu nổi ta thôi. Ta cần trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với cuộc sống. Trang bị
từ bên trong kia. Nội lực mà thâm hậu rồi thì không còn sợ tác động gì từ bên ngoài. Sự tự trui rèn này
không thể dựa vào nhà trường, dựa vào bè bạn, người ngoài được. Mỗi người tự trang bị cho mình, để có thể đứng trên đôi chân của mình. Gần đây nhiều bạn trẻ mới mười tám đôi mươi đã là những tấm gương sáng lập nghiệp, vào đời, tiến thân bằng con đường riêng của mình, thật đáng khâm phục. Bên cạnh đó cũng không ít những trường hợp gục ngã, đáng tiếc trong khi tưởng là có nhiều điều kiện tốt nhất để vươn lên. Vấn đề là ý chí, là nghị lực. Cái mà không ai có thể cung cấp, biếu tặng cho ta được.
Về sức khỏe, một hành vi hình thành từ lứa tuổi teen sẽ có tác động kéo dài suốt cả cuộc đời. Một teen
uống rượu sẽ nhanh chóng thành một người nghiện rượu, một teen hút thuốc sẽ nhanh chóng góp phần
gia tăng tỷ lệ tử vong vì ung thư phổi trong tương lai…
Một bác sĩ chuyên khoa tuổi teen sau nhiều năm chiêm nghiệm bảo: Chỉ có mỗi một liều thuốc để chữa, đó là thời gian! Phải, chỉ có thời gian, vì không bao lâu nữa, một teen hôm nào sẽ trở thành một người lớn, chững chạc vào đời và cái tuổi mộng mơ “một thời trẻ dại” kia đã lùi vào dĩ vãng, đã xóa dần trong ký ức, cho đến một hôm trong gia đình bỗng xuất hiện một làn sóng teen mới, một dòng thác lũ mới đang ào ạt kéo đến. Không có gì ngăn được sóng, chặn được thác, mà chỉ có cách khơi dòng để làm… thủy điện!
Một cậu bé thấy tội nghiệp một con sâu bướm đang oằn mình trong tổ kén đã xé toang cái kén giúp sâu mau chóng được giải thoát, nhưng lạ thay, con bướm non đã trở nên què quặt, lăn lộn mà không cất cánh bay lên được nữa. Bướm non cần trải nghiệm, trui rèn, cần bước qua những nỗi khó khăn kia để hoàn thành một tiến trình hóa bướm. Teen cũng vậy. Đó là lúc học thành người, học nên người.
Những bài viết nhỏ này dành cho em, và có thể cho cả các bậc phụ huynh, nhằm chia sẻ ít nhiều kinh nghiệm của một người thầy thuốc, một phụ huynh và cũng là một… teen cách đây hơn nửa thế kỷ… về rèn luyện trí đức, về học hành thi cử, về lối sống, về mối quan hệ cha mẹ và con cái…
Tuổi “hồng” là một tuổi đặc biệt, rất đặc biệt. Nó không còn “xanh” nữa, mà nó cũng chưa hẳn “đỏ”, nói khác đi, nó đang chuyển từ xanh sang đỏ, chuyển từ sống sít qua chín chắn. Cái giai đoạn đó tuyệt đẹp nhưng cũng rình rập rất nhiều nguy cơ. Đó là tuổi chuyển tiếp, có những thay đổi lớn và đột ngột. Tự dưng cao vọt lên, tự dưng bể tiếng, tự dưng xuất tinh đầy quần, tự dưng kinh nguyệt, tự dưng tim rung động, ngất ngây, đau khổ. Người ta lãng mạn, mộng mơ, lý tưởng, muốn chứng tỏ, đó là thời điểm dễ bị… dụ nhất vào những cuộc đua đòi, thuốc lá, ma túy, tốc độ. Sự kiểm soát bên ngoài bởi cha mẹ, thầy cô không còn nữa, vì “con đã lớn”, mà chuyển thành sự tự kiểm soát, kiểm soát bên trong, mà sự kiểm soát này chưa định hình, chưa kinh nghiệm. Người ta nhiều lúc muốn là người lớn để tự lập, tự quyết mà nhiều lúc lại cứ muốn là trẻ con để được nuông chiều. Đây là lúc mà cả “hai phe” đều cần sự hiểu nhau, phe cha mẹ và phe con cái. Cha mẹ lúc đó cũng… khổ lắm, loay hoay lắm, vì họ cũng bước vào một lứa tuổi khác, cũng nhiều xáo trộn tâm sinh lý khác, tuổi hườm hườm và cha mẹ con cái cứ thế mà… ngút nhau, hầm hầm nhau, cay đắng nhau, thương mà không thể tỏ bày như xưa nữa.
Đó là lúc tuổi “teen” rất cần một sự thấu cảm và giúp đỡ của người lớn, cần có sự tôn trọng, biết lắng nghe, biết giữ bí mật, chân thành chia sẻ của người lớn. Người lớn, không nhất thiết là cha mẹ. “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”! Cần có một ông chú, ông cậu, bà dì, bà cô. Cần có một thầy cô giáo. Ông cha cố cũng được. Ông sư cũng tốt. Một người đàn anh, đàn chị để có thể chia sẻ. Hoặc một bác sĩ. Một phòng tham vấn, tại sao không?

Sài Gòn, 2017
Bs. Đỗ Hồng Ngọc

Filed Under: Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn, Thầy thuốc và bệnh nhân, Viết cho tuổi mới lớn

Giới thiệu sách mới: ”Bỗng Nhiên Mà Họ Lớn”

13/02/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

Bỗng nhiên mà họ lớn

Bs Đỗ Hồng Ngọc

 

 

Từ lâu, người ta ít nói đến sức khỏe của tuổi mới lớn. Dễ hiểu thôi, vì ở tuổi mới lớn, người ta không còn nhỏ nữa để mắc bệnh trẻ con, người ta cũng chưa đủ lớn để có những nguy cơ của người đứng tuổi.
Từ lâu, người ta vẫn nghĩ rằng tuổi mới lớn – tuổi thanh thiếu niên – là tuổi nhiều sức khỏe, cường tráng, ít bệnh tật, không có gì đáng quan ngại. Thế nhưng, nay thì không phải vậy! Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) gần đây cảnh báo: “Chưa bao giờ tuổi trẻ phải đối phó với những hiểm họa ghê gớm như hôm nay!”. Thật thế, chưa bao giờ tuổi mới lớn phải sống trong tình trạng khó khăn: sự bùng nổ dân số; sự đô thị hóa với nếp sống lang thang bụi đời; bùng nổ thông tin và du lịch… Các giá trị đạo đức bị đảo lộn, nền tảng gia đình đứng trước những nguy cơ tan vỡ; áp lực nặng nề trên các lãnh vực kinh tế, giáo dục… dẫn đến rối loạn tâm lý, tự tử gia tăng ở người trẻ tuổi…
Ở các nước phát triển, từ lâu đã có ngành chuyên khoa y học của tuổi mới lớn (Adolescent Medicine) và có hệ thống bệnh viện dành cho tuổi mới lớn (Adolescent Clinics). Bác sĩ sau khi tốt nghiệp phải học thêm ít nhất ba năm để trở thành chuyên khoa Tuổi mới lớn. Ở nước ta chưa có. Từ năm 1972, tôi đã cho xuất bản cuốn Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò, và năm 1995 xuất bản cuốn Viết cho tuổi mới lớn (Tái bản có bổ sung với tựa KHI NGƯỜI TA LỚN, 2017). Sách được nhiều phụ huynh và các bạn học sinh hoan nghênh và khuyến khích tiếp tục đào sâu để hướng dẫn các em những điều thiết thực, gần gũi hơn nữa. Sách tuy đã được tái bản và cập nhật nhiều lần nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa đề cập, nhiều điều còn phải tránh né, chưa tiện viết ra vào thời điểm đó.

 Trong hơn 10 năm phụ trách trang Phòng Mạch Mực Tím của báo Mực Tím, báo dành cho tuổi mới lớn hiện nay, tôi đã nhận được hàng chục ngàn thư hỏi về đủ mọi thứ chuyện của các em. Có những bức thư thực bức xúc, thực cảm động, mà trang báo có hạn, không sao trả lời đầy đủ được, chỉ trả lời cho những trường hợp có tính chung nhất, nhưng vẫn còn rất hời hợt, phiến diện, chưa thực sự giúp các em tới nơi tới chốn. Trong tập sách này, tôi cố gắng “lấp các lỗ trống” đó, cố gắng đề cập những vấn đề thiết thực, bức xúc của các em một cách thẳng thắn để giúp các em có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh tật, không vướng mắc những lo âu vô cớ, để dồn sức cho việc học hành, rèn luyện trí, đức, thể lực…

Bs Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon, 01- 2018)

 

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Tuổi mới lớn

Dạy con thời hiện đại

18/05/2017 By Bac Si Do Hong Ngoc 4 Comments

TRÒ CHUYỆN VỚI CÁC BÀ MẸ (Ngày của Mẹ 14.5.17)

Dạy con thời hiện đại

Do SEAMEO Retrac và Hội quán Các Bà Mẹ tổ chức.

Bạn thân,

Tôi được mời làm “diễn giả” cho buổi hôm nay. Xin ghi lại đây vài ý chính trong buổi giao lưu với các vị phụ huynh về “Dạy con thời hiện đại” mà tôi đã trình bày và trao đổi với các bậc cha mẹ.

Phần Giáo dục giới tính sẽ trình bày vào một dịp khác nếu cần, dù trong buổi đó cũng đã có trao đổi.

Buổi Trò chuyện thân mật này đã có vài nhà báo ghi lại, Như Lịch báo Thanh Niên và Thái Thảo, báo Thế giới Tiếp thị.

 

 Ngoài ra, còn có Vincent Ngô, đạo diễn, đã quay một số đoạn ngắn, phát ngay tại chỗ trên Facebook cho các bạn ở xa có thể theo dõi. Và sau đó, anh đã chịu khó “nối” lại thành một clip đưa lên youtube, cũng xin gởi ở đây cho bạn tùy nghi. Tôi không rành công nghệ hiện đại, thay đổi từng ngày, nay video, mai livestream, mốt iMovie gì gì đó…tùm lum, lúc rõ lúc không, lúc cà giựt, ngắt quãng…

Thôi kệ. Nó vậy là nó vậy.

Thân mến

Đỗ Hồng Ngọc.

1. Thời hiện đại là thời gì?

Một con và Con một (hiện tượng).

Con cầu tự và con thụ tinh nhân tạo.

Thế giới phẳng, nhưng con người ngày càng xa cách.

Bệnh thời đại: Stress, Anxiety, Depression (SAD). Cả cha mẹ và con cái.

2. Cải thiện quan hệ, giao tiếp:

Từ bi hỷ xả. Tôn trọng/ Chân thành/ Thấu cảm/ Lắng nghe

Đáp ứng nhu cầu (tháp Maslow): Sinh lý/ An toàn/ Tình cảm/ Xã hội/ Tâm linh

3. Các lỗi thường gặp:

Không có thì giờ

Công nghệ điện tử

Dùng vật chất để bù đắp

Mong muốn con trở thành thiên tài

4. Rèn luyện kỹ năng cho trẻ:

Tự bảo vệ mình (thân và tâm)

Tự chủ/ Tự tin/ Tự trách nhiệm (khi trưởng thành dần).

Đọc sách/ Tự học/

Kiểm soát cảm xúc tiêu cực: Thở bụng/ Thở chánh niệm…

………………………………………………………………………………………………………………

 

Đừng ép trẻ thành thiên tài!

08:02 AM – 18/05/2017 Thanh Niên

(http://thanhnien.vn/giao-duc/dung-ep-tre-thanh-thien-tai-836232.html)

NHƯ LỊCH

Hiện nay, có những chương trình, phương pháp mới dạy trẻ 6 – 12 tháng biết đọc chữ, biết nói tiếng Anh, biết làm toán… Đó là một sự ‘cưỡng bức’’, làm cho não của trẻ phát triển lệch lạc.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông – giáo dục sức khỏe TP.HCM, hiện là cố vấn Bộ môn Y đức – Khoa học hành vi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã cảnh báo như vậy trong buổi trò chuyện với phụ huynh về chủ đề “Giao tiếp với con trong thời hiện đại” do Hội quán Các bà mẹ và Trung tâm Seameo Retrac tổ chức vào cuối tuần qua.

Mong thiên tài, hóa ra… tâm thần

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, một trong những cái lỗi cha mẹ thường gặp trong giáo dục con cái hiện nay là muốn con trở thành thiên tài. Ông cho rằng mong muốn này cũng được xem là một nhu cầu của phụ huynh. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng quá sẽ hóa sai, bởi khi không đạt được mục đích, phụ huynh sẽ đau khổ và càng gây áp lực lên đứa trẻ.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói: “Các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ và rất có lý khi chỉ ra rằng trẻ 6 tuổi mới nên cho học lớp 1, cho học piano và học này nọ. Còn bây giờ mình lại muốn con mình 2 tuổi đã thành thiên tài. Những ca đó cũng có thể thành “thiên tài” trong vòng 10 – 12 năm đầu, nhưng rồi về sau thường có vấn đề tâm lý, tâm thần… nên phải hết sức thận trọng”.

Tham dự chương trình, một số phụ huynh cho biết đang ráo riết chuẩn bị cho con vào một trường chuyên rất nổi tiếng tại TP.HCM, nên họ muốn nghe những chia sẻ của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc để giúp con giảm căng thẳng trong học hành.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thẳng thắn đặt ngược vấn đề: Bố mẹ bây giờ đang bị nhiều stress trong cuộc sống. Con cái mình cũng đang bị stress. Tại sao mình lại bắt con học theo mình, bắt con phải vào trường chuyên? Ông chia sẻ: “Theo tôi, việc học chính là tự học. Thông thường những em thi đỗ thủ khoa đại học là những em ở nông thôn, miền núi không học thêm gì cả thì mới có khả năng tập trung để học những bài ở lớp và đọc sách thêm. Nhờ đó, các em mở mang kiến thức nên khi thi đạt điểm cao. Còn những em học thêm triền miên, rước thầy về nhà dạy nhưng có khi thi rớt bởi không có thời gian tập trung học, không tự học”.

Với những trẻ hay căng thẳng, lo âu vì lúc nào cũng bị cha mẹ thúc đẩy phải học, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lưu ý: “Có tình trạng như vậy mình phải để ý và thông cảm với con em mình. Về mặt sinh học, nếu trẻ bị ép quá, stress quá thì hoóc môn tăng trưởng không sản sinh được. Trẻ khó ngủ, ngủ không đủ giờ, hoóc môn tăng trưởng cũng không có đủ nên dễ bị thấp”.

Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ

Một bà mẹ trẻ “kể tội” đứa con: “Con tôi đang học lớp 8, nó rất hiếu thắng. Nó được 9,5 điểm rồi nhưng lại rất cay cú với đứa bạn được 10 điểm. Tôi nói một đằng, nó làm một nẻo khiến quan hệ mẹ con rất căng thẳng. Nói thật, nhiều khi ngồi nhìn mặt nó là tôi nổi nóng lên”.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ôn tồn: “Trước hết, mình phải tìm hiểu xem có ai trong nhà mình cũng có tính hiếu thắng vậy không, sau đó mới can thiệp. Cần nhờ đến một trung gian, người mà cháu thương mến như dì, cô giáo… trò chuyện với cháu”. Theo ông, trẻ trong độ tuổi dậy thì muốn thể hiện sự tự lập, trong khi người lớn hay áp đặt nên nảy sinh căng thẳng. Mặt khác, với trẻ đã đạt điểm rất cao mà còn ghen tỵ với bạn thì có thể đó là do lỗi của phụ huynh đã gây áp lực cho trẻ khi từng so sánh, đề cao người này người kia hoặc chạy theo điểm số, thành tích.

Ngoài xu hướng biến con thành thiên tài nói trên, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc còn chỉ ra một số lỗi khác thường gặp trong việc nuôi dạy con. Ông cho rằng nhiều phụ huynh thời nay ít tiếp xúc với con nên giao những thiết bị công nghệ để con chơi điện tử. Chính vì không có thời gian gần gũi nên họ dễ bị gãy đổ trong truyền thông giao tiếp với con. Bên cạnh đó, có những cha mẹ khá giả muốn bù đắp cho con bằng vật chất, nhất là những người luôn nhớ về thời khốn khó của mình. Họ quên đi những nhu cầu cơ bản khác mà bất cứ ai cũng cần có, đó là tình cảm, an toàn, quan hệ xã hội, chuyện sinh hoạt thiết thân hằng ngày…

Để cải thiện tình trạng trên, theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cha mẹ cần chú ý những nguyên tắc khi dạy con: quan tâm, tôn trọng, chân thành, thấu cảm, biết lắng nghe trẻ. Ông nhắn nhủ: “Hãy đặt mình vào vị trí của con để thấy rằng ngày xưa chúng ta cũng từng có lúc hư hỏng, từng có lúc học dở, thất bại. Từ đó, mới có sự thấu cảm và chia sẻ thật sự với con”.

(NL)

 

Chịu nghe lời con nói

Đúc kết từ những nghiên cứu và các lời khuyên của các chuyên gia giáo dục, tâm lý, xã hội về việc nuôi dạy con được suôn sẻ và trở thành niềm hạnh phúc của cha mẹ, chỉ cần một nguyên tắc: chịu lắng nghe lời con nói hơn là bắt con nghe theo ý mình.

cho tre choi o ngoai troi 2- photo Tran Hoai Thu

Cho con ra ngoài với thiên nhiên là cách để con giao tiếp tốt nhất với cộng đồng sau bốn bức tường của trường học, gia đình với máy tính. Ảnh: Trần Hoài Thu.

Câu chuyện làm thế nào để giao tiếp với con thời hiện đại được BS Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ trong một buổi sáng cuối tuần tại trung tâm Anh ngữ Seameo (TPHCM). Các phụ huynh đến dự khá đông, điều này cho thấy, con cái vẫn là mối quan tâm lớn nhất của chúng ta và rõ ràng là việc giao tiếp với con thời nay thật khó khăn, thậm chí là khó khăn hơn những gì chúng ta tưởng.

Con giận dữ với cha mẹ

Xin kể câu chuyện. Minh, 15 tuổi, đang học thi, mẹ cậu đề nghị Minh phụ giúp nấu cơm, cậu bỏ đi lên lầu, không nói gì cả, ba cậu gọi xuống nhưng cậu vẫn lên. Một lát sau, ba cậu lên nói chuyện: con có thấy là mình đã sống ích kỷ không. Con nghĩ rằng mọi người đều phải phục vụ con vì chuyện học. Con có biết rằng, dù con học giỏi đến mấy mà con trở thành kẻ ích kỷ như thế này thì cũng là vô nghĩa. Con học cho tương lai của chính mình mà, tại sao con lại cho mình có quyền nhận được sự phục vụ của tất cả mọi người vì con? Nếu con học thật nhiều mà trở thành người như thế này thì ba mẹ không cần.

Một lát sau, Minh quay xuống, cậu nói: con xin lỗi ba mẹ, tại con bị căng thẳng quá, không muốn nói chuyện với ai, trong đầu con chỉ toàn là công thức, mắt con thì cay và mỏi vì nhìn máy tính nhiều. Con mệt nên đã không biết mình đang hành động gì. Con hiểu rồi, mẹ cần gì con sẽ giúp.

BS Đỗ Hồng Ngọc đặt câu hỏi: Thời hiện đại là thời gì? – Thời nào cũng là thời hiện đại. Ông tự trả lời, nhưng quả thực thời hôm nay khác thời xưa lắm. Có một khoảng cách không gian kỳ lạ đang được thiết lập với con người trong kỷ nguyên internet ngày nay. Chúng ta có thể kết nối với người bạn ở nửa vòng trái đất chỉ trong một cái chạm, nhưng chúng ta lại bỏ người thân của mình ra xa dù họ đang ngồi ngay cạnh mình cũng chỉ vì thói quen “chạm”. Chúng ta có thể nói đủ chuyện trên trời dưới đất với người cách xa nửa vòng trái đất qua smartphone, nhưng chúng ta lại không giao tiếp gì với người ngồi bên cạnh chúng ta bằng lời nói thông thường, mà có khi cũng bằng smartphone. Hai người yêu nhau ngồi bấm điện thoại, hỏi ra mới biết họ gởi tin nhắn cho nhau. Điều này thật kỳ lạ.

Đứa trẻ ngày xưa sáu tháng đang tập bò và nhận biết thế giới chung quanh qua những vật nó cầm, nắm, lượm, nhặt được… đứa trẻ ngày nay sáu tháng đã biết “chạm” màn hình, hai tuổi đã biết nói, sử dụng điện thoại rất lành nghề. Đến khi chúng lớn, những người trò chuyện với chúng, chủ yếu qua màn hình, còn người thân của chúng, đôi khi hò hét thật khản cổ, đỏ họng chúng còn chẳng buồn ơi.

Thời đại phát triển, một đứa trẻ sinh ra bình thường cũng sẽ không còn bình thường nữa, thay vào đó là những đứa trẻ được thụ tinh nhân tạo. Người ta có thể chọn trứng, tinh trùng, màu mắt, màu tóc, dáng người bằng cách chọn từ gen và làm tử cung nhân tạo cho cả đàn ông mang bầu… khoa học để phục vụ con người, tốt thôi. Nhưng robot thì không thể thay thế con người vì không có loài nào có chỉ số thông minh và cảm xúc cao bằng con người, bắt nguồn từ trí não, về cơ bản, chính là sự sinh sản thuận theo tự nhiên bấy lâu. Phá vỡ sự cân bằng này, có thể có cái ta muốn nhưng sẽ trả giá bằng cái mất mát khó đoán định được.

bs do hong ngoc

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tại buổi nói chuyện.

Những căn bệnh thời đại

SAD là viết tắt của ba chữ: Stress, Anxiety, Depression, nghĩa là Căng thẳng, Lo âu và Trầm cảm. Đây là căn bệnh của thời nay, với người lớn có nguồn gốc từ công việc, với trẻ em có nguồn gốc từ học hành và từ sự đòi hỏi của cha mẹ đối với chúng. Dù câu chuyện trên, ông bố rất hợp lý khi giải thích về thái độ của con là sai với cha mẹ, nhưng nguyên nhân của điều này thì ông không nói. Có bao giờ ông nghĩ đến chuyện chính vì áp lực của điểm số và thi cử khiến con ông bị căng thẳng, lo âu dẫn đến trầm cảm nên có cư xử thô lỗ, cộc cằn vì chính bản thân cậu bé đang bị dằn vặt. Có nhiều cha mẹ từ thuở nhỏ học không giỏi, khi sinh con ra thì muốn con học thật giỏi và phải theo nghề mà mình mong muốn để “phục thù”. Sai lầm lớn nhất nằm ở chỗ chỉ mong cho con mình làm theo đúng ý mình và lần hồi, cho rằng ý mình mới là đúng và bắt con phải xem ý muốn của mình là chân lý. Sự tôn trọng quyền làm người được là chính mình là điều thiết yếu nhất để giải toả căng thẳng trong mối quan hệ này.

Ngoài ra, việc dạy con theo “ông Google” cũng là một quan niệm sai lầm mà hầu hết các bố mẹ trẻ hiện nay đều mắc phải. “Cái gì không biết thì tra Google”, một câu dân gian mới của thời nay. Nhưng với hàng triệu kết quả cho mỗi câu hỏi của mình thì mình sẽ chọn câu hỏi nào, hay bắt đầu rối loạn trí nhớ, và cuối cùng chọn đại một cách để áp lên con mình thay vì lắng nghe chính con, là điều đầu tiên để “chẩn đoán” để có cách giao tiếp.

Một bà mẹ hỏi vì sao con của bà luôn chống lại bà và là người rất thích tranh đua, nếu thua bạn chỉ 0,1 điểm số, nó sẽ đau khổ mãi. “Vậy bà hãy coi lại chồng mình, có thể ông ấy là người thành đạt kiêu ngạo và cũng cổ vũ cho sự tranh đua chăng?”. Trẻ em là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Ở lứa tuổi dậy thì, đòi hỏi về được “một mình”, được “tự lập” đã khiến cho đứa trẻ không còn quen với sự áp đặt của bố mẹ nữa, vì vậy thay vì căng thẳng với con, hãy hỏi: “Con có muốn gì không, mẹ sẽ nghe lời con”. Ngoài ra có thể nhờ cô dì chú bác hoặc bạn thân gợi chuyện và tuyệt đối tôn trọng con. Nếu bản thân cha mẹ bị căng thẳng mà nói chuyện với con trong tình trạng đó thì ngay lập tức sẽ nhận được phản ứng mạnh hơn từ con. Mặt khác việc so sánh con với những đứa trẻ khác sẽ phần nào khiến chúng có tính ganh đua, hơn thua và cay cú. Để nói chuyện với con, cha mẹ cần có đức tính quý báu là chân thành. Sự chân thành mới gợi mở được câu chuyện. Sau đó mới là sự thấu cảm, đặt mình vào vị trí của con để chia sẻ. Cuối cùng là không bao giờ được làm nhục con trước mặt người khác bằng cách chê bai, tỏ ra khinh thường con.

Một trong những điều cha mẹ cần chú trọng trong thời nay, chính là đưa con ra ngoài với thiên nhiên để con tránh bốn bức tường giam hãm mình ở nhà trường, gia đình với máy tính. Dẫu sao, một ngôi trường mở cửa vẫn tốt hơn là đóng cả ngày cách ly con với thế giới bên ngoài. Một ngôi nhà mở cửa cho con đi chơi chính là mở ra những con đường cho con đến với tương lai.

bài, ảnh Thái Thảo
Theo TGTT

http://tiepthithegioi.vn/loi-song/gia-dinh/chiu-nghe-loi-con-noi/

Clip từ SEAMEO RETRACT (nghe đầy đủ buổi Nói chuyện với các bà mẹ Ngày 14.5.2017)

 

 

Clip của Vincent Ngô

 

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Hỏi-đáp, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Phòng mạch của chim

13/03/2017 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Thư gởi bạn xa xôi,

Phòng mạch của chim

Báo Mực Tím dành cho Tuổi Mới Lớn ra mắt số đầu tiên vào năm 1988. Mình đã tham dự ngay từ lúc đặt tên báo! Lúc đó nhớ có Đỗ Thị Mỹ, Thảo Ngọc, Nguyễn Thái Dương, Bùi Nghi Trang, Đoàn Thạch Biền… Mình được giao phụ trách hẳn một chuyên mục định kỳ: Phòng Mạch Mực Tím để trả lời về các vấn đế tâm sinh lý, sức khỏe của tuổi mới lớn! Trời ạ. Vô số thắc mắc. Vô số câu hỏi. Mỗi lần mình chỉ chọn ra mươi câu để trả lời chung, còn thỉnh thoảng phải trả lời thư riêng cho các em nữa khi có vấn đề khó nói trên báo. Chẳng bao lâu… thư về gom lại cả bao bố! Thời đó chưa có internet, toàn là thư tay mới dễ thương làm sao! Nguyên tắc vẫn là Tham vấn sức khỏe (health counselling) gián tiếp qua thư nên phải hết sức thận trọng. Không nêu tên thiệt. Thay đổi hoặc viết tắt địa chỉ, Phải trả lời sao cho ai đọc cũng không bị sốc. Vậy mà không ít lần bị mắng vốn. Có em nói đọc câu trả lời của bác sĩ trên Mực Tím, bạn con biết ngay là con dù bác sĩ đã đổi tên và địa chỉ, tụi nó chọc ghẹo con chịu không nổi, phải chuyển trường!

Hồi đó các em ngây thơ trong sáng lắm. Hỏi chủ yếu về mụn trứng cá, kinh nguyệt, thủ dâm, hẹp bao quy đầu, “hách từ trong nôi”, tóc bạc sớm, phát triển giới tính, tình yêu tuổi học trò… ít khi có những câu hỏi thẳng thừng về tình dục, về đồng tính… như về sau này.

Muc Tìm 1 Kỷ niệm Mực Tím 15 tuổi, Tòa soạn đề nghị PMMT viết một bài. Bí quá, đành làm bài thơ. Bây giờ tình cờ tìm lại được trong đống giấy tờ, xin post lên đây bạn coi cho vui.

Còn nhớ năm 2003, báo Mực Tím tổ chức Đại hội kỷ niệm tuổi 15, đông lắm, ở Dinh Thống Nhất ( tức dinh Độc Lập), mình được tặng một Kỷ Niệm chương do các em bầu chọn PMMT là Trang Mục hấp dẫn, có ích… Hôm đó còn nhớ Mỹ Tâm mặc áo dài trắng nữ sinh, ôm đàn lên hát rất dễ thương. Sau này thì Mỹ Tâm đã trở thành một nữ danh ca, mua vé vào nghe cũng khó!

Bài “Phòng Mạch Của Chim” này đặc biệt nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói anh rất thích. NNA là nhà văn của tuổi mới lớn mà! Anh lại còn có tên là “”Anh Bồ Câu”” trên báo nữa! Vừa rồi, NNA gởi tặng mình cuốn ” Ngày xưa có một chuyện tình”, mình nhắn: Cảm ơn bạn, nhưng muốn coi cuốn “Có một chuyện tình ngày nay” của NNA  kia. Ánh cười rất vui: hehehe…

Muc tim 2

 

PHÒNG MẠCH CỦA CHIM

Đỗ Hồng Ngọc

Phòng mạch vừa mới mở
Đã có tiếng gõ cửa
Thì ra một chú chim
Kêu bị đau cái mỏ

Rồi thêm một chú nữa
Kêu đôi mắt bồ câu
Mà nhìn xa không rõ
Mang kiếng coi cũng kỳ

Một chú chim còn nhỏ
Mà đòi to thật to
Khuyên bảo gì chẳng nghe
Thì ra chú muốn vợ!

Rồi một chú chim nữa
Than mình bị viêm cánh
Thêm một cô lông đen
Muốn biến thành lông trắng

Một chú kêu chân dài
Một chú đòi chân ngắn
Một cô muốn cổ cao
Một cô thèm cổ ngắn

Một cô muốn ức to
Một cô đòi ức nhỏ
Phòng mạch đầy tiếng chim
Than đời là khốn khổ

Rồi chim ngày một lớn
Chẳng mấy chốc ra ràng
Đủ lông và đủ cánh
Dập dìu bay muôn phương

Có hôm nào nhớ tổ
Chợt về hót líu lo
Tay dắt bầy chim nhỏ
Là con… của chim xưa?

(từ Mực Tím, 2003)

Filed Under: Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn, Các bài trả lời phỏng vấn, Ghi chép lang thang, Vài đoạn hồi ký

Đọc “CÓ MỘT CON MỌT SÁCH”

05/05/2015 By Bac Si Do Hong Ngoc 8 Comments

Đọc “CÓ MỘT CON MỌT SÁCH”
 của Đỗ Hồng Ngọc

 

Huyền Chiêu (Nha Trang)

CMCMS (hinh bia) Sắp đến hè, vào nhà sách tìm mua vài quyển truyện cho cháu, tôi thật vui khi bắt gặp trên kệ sách một tập truyện mỏng dành cho trẻ em của Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Đã từng đọc những tác phẩm rất đáng yêu của ông dành cho những người đang bâng khuâng lìa xa tuổi trẻ để bước vào tuổi chớm già,  đã từng cảm thấy an ủi khi đọc những bài viết cổ xúy cho một tâm thức  sống trẻ vĩnh viễn cho những người  sắp vĩnh viễn lìa xa cõi đời, tôi hồi hộp chờ xem ông có thể  nói gì với những em bé lên tám lên mười…

xem tiếp …

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Viết cho tuổi mới lớn, Đọc sách

“Có một con Mọt Sách”

23/04/2015 By Bac Si Do Hong Ngoc 9 Comments

Có Một Con Mọt Sách

img127

Cuốn sách mới in xong ngày hôm qua, còn nóng hổi, dành cho các bé thiếu nhi mùa hè này.

xem tiếp …

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Hội quán Các Bà Mẹ: Giao lưu với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn “Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật”

Dương Mình Trí: cảm nghĩ nhân đọc “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật”

Đỗ Hồng Ngọc với “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật”

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Mấy ngày Tết
  • Nguyên Giác: Mẹ dạy con ngồi như núi
  • Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần
  • Thích Phước An: GIÓ BẤC CUỐI NĂM

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Hai Lấp Vò trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • đỗ xuân đạm trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Độc giả trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Bản nhạc Mũi Né
  • Thạch trong Bản nhạc Mũi Né
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “ÁO XƯA DÙ NHÀU…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).
  • PN trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email