XA XÔI MÀ GẦN GŨI
Đỗ Hồng Ngọc
Will Durant, tác giả Nguồn gốc văn minh (bản dịch Nguyễn Hiến Lê) cho rằng đỡ đẻ là nghề Y đầu tiên của loài người. Con người tự nhiên mà biết… đẻ và đỡ đẻ, rồi kinh nghiệm cứ tích lũy dần lên. Trong một thời gian dài của lịch sử, bà mẹ tự đẻ và tự đỡ cho mình, cũng chẳng cần ai giúp. Bây giờ vẫn còn thấy ở một số nơi bà mẹ đau đẻ chạy vào rừng, ôm lấy gốc cây, lòm còm, lom khom rặn đẻ, đẻ xong, tìm tre nứa cắt rún cho con rồi bế con còn đỏ hỏn nhúng vào nước suối lạnh ngắt cho khóc thét lên càng to càng tốt…
Ở ta ngày xưa, không lâu lắm, dưới thời Pháp thuộc thôi, theo Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, sản phụ sau sanh khi rốn rụng còn ướt thì lấy đất vách bôi vào; cuống rốn được cất kỹ để khi bé ốm đau đem đốt cho uống… Gặp trường hợp sinh khó, rặn lâu ra thì ông chồng phải leo lên mái nhà, cởi hết các nút lạt, hoặc nhổ hết các cọc rào, hy vọng nhờ vậy mà vợ dễ sinh! Có khi ông chồng phải lội qua sông, nhảy qua ao, quậy nước trong lu cho bé được trơn, dễ ra.
Hơn 50 năm về trước, thời tôi còn học Y khoa, phải học đến năm thứ ba, chúng tôi mới được thực tập đỡ đẻ trên người. Mỗi sinh viên phải đỡ ít nhất 20 ca sanh thường, nghĩa là không có bệnh lý. Đêm nào chúng tôi cũng phải trực để “bắt ca”, nghĩa là chọn những ca tương đối dễ một chút theo chỉ dẫn của các cô nữ hộ sinh, rồi bám theo săn sóc, hỏi bệnh sử, làm hồ sơ bệnh án. Đưa sản phụ về phòng, thông nước tiểu, thông trực tràng, làm vệ sinh các thứ… theo dõi cơn co tử cung, tim thai, ghi vào hồ sơ thật chi tiết. Có bà lúc đau bụng sanh, chửi chồng tưng bừng, coi như ông là nguyên nhân gây ra nỗi đau khổ này! Ông chồng trốn mất, đến lúc sanh xong mới toe toét cười. Khi những cơn rặn cuối cùng đẩy được phần chỏm đầu em bé ló ra, phải làm sao khéo léo để không làm rách tầng sinh môn. Một tiếng khóc thét lên của bé. Bé khóc càng to thì chúng tôi càng cười rạng rỡ. Vì nếu bé không khóc thì nguy! Phải đét vào mông cho bé khóc, rưới alcool lạnh tạo kích thích hô hấp. Đâu đó xong xuôi, mới thở phào nhẹ nhõm. Dĩ nhiên không phải mọi lúc đều trơn tru tốt đẹp như vậy. Có khi, thai chuyển ngược, không thò đầu mà thò ra một cánh tay. Có khi cuống rốn quấn mấy vòng ở cổ làm bé nghẹt thở, có khi sót nhau, có khi đẻ xong một lúc lại xuất hiện thêm một bé nữa… (thời đó chưa có siêu âm).
Điều thú vị trong “khoa học” đỡ đẻ là đi lòng vòng một hồi rồi trở lại với “tự nhiên”. Trước kia tại Âu Mỹ, sanh đẻ một cách “khoa học” là được gây mê, mổ xẻ, cách ly mẹ con ngay sau sanh, nhưng từ vài chục năm nay đã trở lại phương pháp tự nhiên, cho sản phụ sanh đẻ trong khung cảnh gia đình, có mặt đức ông chồng bên cạnh, khi sanh xong thì cho bé nằm ngay với mẹ để được bú sớm và cho bà mẹ đi lại ngay. Gần đây có “ngân hàng máu cuống rốn” nhằm tồn trữ trong kho lạnh chừng 3cm cuống rốn để sử dụng sau này kh itrer mắc bệnh nặng như ung thư, suy tủy. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay cũng đã có ngân hàng máu cuống rốn dành để cấy chữa bệnh về máu. Lạ là không biết tại sao người xưa đã biết tồn trữ cuống rốn dành để chữa bệnh!
Ở Thụy Điển, một nước có tỷ lệ tử vong mẹ thấp nhất thế giới, thấp gần 4 lần của Mỹ, và 8 lần của Nhật, việc sinh đẻ hiện nay đã ngày càng gần gũi với tự nhiên. Thí dị, bà mẹ không cần phải nằm trên bàn sanh, dạng chân ra ở một tư thế khó chịu, có khi còn bị cột tay chân cho khỏi té, thì bây giờ người ta cho bà mẹ tự chọn tư thế sao cho thoải mái, bớt đau, như ngồi xổm, ôm lấy người thân, ôm ghế (như ôm gốc cây); các vụ thụt tháo trực tràng, cạo lông… đều không cần thiết vì không ích lợi gì mà còn làm sản phụ khó chịu. Lúc sanh có thể ở trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, quỳ xổm, ngồi ghế thấp, dạng chân, nằm nghiêng, bò… miễn sao được thoải mái. Tư thế tự nhiên này còn giúp cho cổ tử cung mau nở trọn. Cắt tầng sinh môn cũng rất hạn chế. Người thân, nhất là ông chồng, được tham gia trong quá trình sanh đẻ của sản phụ, sẽ rất tốt về mặt tâm lý cho bà mẹ, chẳng khác ngày xưa ta bắt ông chồng lội qua sông, quậy nước ao… Bé sinh ra được ủ ấm ngay (như nằm lửa). Nghiên cứu ở các nước đang phát triển cho thấy chính nhờ nằm lửa đã cứu sống nhiều trẻ, do thường bị sanh non, thiếu ký, suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, rất kém chịu lạnh. Chuyện đánh thuốc mê, sanh mổ… rất ít khi xảy ra. Tóm lại, họ gần như trở về với tự nhiên, chỉ khác một chút là hoàn toàn vô trùng và nhờ đó mà cuộc đẻ rất thoải mái và an toàn. Khoảng cách giữa khoa học và tự nhiên vừa xa xôi mà lại vừa gần gũi biết bao!
*
Nhưng “vậy mà không phải vậy”! Những tưởng cuộc sanh nở của người mẹ sẽ được hoàn toàn êm ái và nhẹ nhàng, vừa khoa học vừa gần gũi với tự nhiên, nhưng không. “Khoa học”… đã can thiệp một cách không nương tay: sanh mổ đang gia tăng một cách đáng ngại!
Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) khuyến cáo, các cuộc sanh mổ (mổ bắt con) phải có chỉ định y khoa rõ ràng và tỷ lệ phải nên nằm trong giới hạn 5-10% cho phép, không được vượt quá 15%, vì nếu vượt quá con số này sẽ mang đến những tai biến cho cả mẹ lẫn con. Theo TSBS Vũ Thị Nhung, Hội Y học Tp.HCM thì trong khoảng 3 thập kỷ gần đây, số trường hợp sanh mổ tiếp tục tăng cao trên thế giới: Ở Mỹ tăng lên đến 32,8%, ở Anh tăng gấp 5 lần so với trước; ở Trung Quốc- nếu năm 1966 tỉ lệ này là 2,4% thì đến 2010 đã tăng đến 46%, trong đó 25% là các trường hợp không vì lý do y khoa- Ở Việt Nam, tại BV Phụ Sản Trung ương, tỷ lệ này vào những năm 60 là 9%, đến năm 2005 tăng lên gần 40% và hiện nay trên 50%.
Tại Hội nghị sản phụ khoa Việt – Pháp 2019, theo PGS.TS Trần Danh Cường – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì tỉ lệ “mổ đẻ” hiện nay tăng nhanh: Trung bình tại TP.HCM khoảng 30%, bệnh viện Phụ sản Trung ương 50%, nhưng có những bệnh viện con số này lên đến 60%. Theo ông, một trong những nguyên nhân là chi phí cho việc mổ đẻ với sanh thường rất khác nhau (Báo Lao Động).
*
Hy vọng tương lai không xa, có một bệnh viện sản khoa “cao cấp” nào đó quảng cáo “Nơi đây sanh đẻ tự nhiên một cách khoa học” và nhiều bà mẹ sẵn sàng trả chi phí cao để được sanh đẻ bình thường.
(Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 327, Vu lan, Phật lịch 2563 (2019)