Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Quan Thế Dân: Lối thoát cho ngành y

10/07/2022 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Lối thoát cho ngành y

Quan Thế Dân

Bác sĩ, Tiến sĩ Y học

Năm 2005, tôi được bổ nhiệm làm trưởng khoa trong bệnh viện lúc ngoài 40 tuổi.

Vị trí tôi giữ với đa số mọi người thường gần đến lúc nghỉ hưu mới được ngồi vào. Vì thế tôi cảm động lắm, lúc nào cũng sục sôi muốn đóng góp xây dựng bệnh viện.

Thời gian ấy, xã hội đang sôi nổi khí thế đổi mới nền kinh tế. Ngành y bao năm bị mang tiếng trì trệ, lương thấp, lạc hậu… cũng muốn hòa vào trào lưu đổi mới đó.

Ngành y tế TP HCM lúc bấy giờ có đề án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân. Dư luận rất quan tâm. Giới y chúng tôi bàn tán sôi nổi. Nhiều người mong có luồng gió mới mẻ xua tan những trì trệ trong ngành.

Trong kỳ đại hội công nhân viên chức bệnh viện năm ấy, mang cảm hứng từ hy vọng đổi mới, tôi có bài tham luận nảy lửa kêu gọi đổi mới trong bệnh viện. Khỏi phải nói, anh chị em vỗ tay ủng hộ quá trời, 100% phiếu bầu tôi làm thanh tra nhân dân.

Sau này tôi mới biết, ban giám đốc hoảng hồn họp kín, gọi sự kiện hôm ấy là “làm loạn” mà tôi là người đầu têu.

Giữa năm 2007, chuyện cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân bị hủy bỏ. Nhiệt tình đổi mới quản lý ngành y bị dội thùng nước lạnh.

15 năm trôi qua, tôi đã về hưu. Các khuyết điểm đã được chỉ ra từ 15 năm trước vẫn y nguyên và ngày càng trầm trọng hơn. Ngành y hôm nay sa vào khủng hoảng, quan chức từ cấp bộ đến sở rồi tới bệnh viện bị bắt, tiền tham nhũng hối lộ tính bằng hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Ở thế kỷ 21, không còn ai tranh luận kinh tế thị trường tốt hay kinh tế kế hoạch hóa tốt nữa, mà vận dụng mặt mạnh của cả hai loại hình kinh tế này.

Dù mang nhiều chức năng cao đẹp, ngành y về cơ bản vẫn là một ngành dịch vụ, một ngành kinh tế. Vì thế y tế muốn phát triển vẫn phải tuân theo sự điều khiển vô hình của kinh tế thị trường. Thực tế này có thể nhìn thấy trong ngành y hiện nay: chuyên khoa nào người dân có nhu cầu cao thì trở nên “hot”, thu nhập cao, đông người theo học. Bệnh viện nào uy tín thì nhiều người đến, doanh thu cao.

Dù muốn dù không, vận hành bệnh viện phải theo các quy luật kinh tế. Phải hòa vốn để tồn tại. Phải có lãi để tăng trưởng.

Giá khám chữa bệnh hiện nay ở bệnh viện được thừa nhận là chưa bao gồm đủ các chi phí. Vậy tại sao hệ thống y tế không sụp đổ. Vì nó đang gắng gượng trụ được bằng các nguồn lực khác như sau: Một là nguồn kinh phí của nhà nước cấp để chi lương, chi đầu tư, hỗ trợ thuế… Thứ hai là chi phí mà người bệnh phải trả, mà phần ngầm có khi chiếm đến 50% tổng chi phí khám chữa bệnh, gồm tiền trả thêm cho các dịch vụ, tiền mua thuốc ngoài… Nguồn lực thứ ba là tệ nạn tham nhũng. Chính tham nhũng là một cách giải quyết tự phát những bất hợp lý của vận hành bệnh viện. Tôi không ủng hộ lấy một cái sai này để giải quyết một cái sai khác, nhưng hiện tượng tham nhũng diện rộng trong ngành y đang phản ánh một vấn đề có tính quy luật.

Như vậy, nếu cắt đi ba nguồn lực trên thì y tế hiện nay sẽ sụp đổ.

Vậy lối thoát của y tế Việt Nam là ở đâu. 15 năm trước, những người tâm huyết đã nhận ra, ngành y muốn phát triển lành mạnh cần phải đa dạng: y tế công, y tế tư, y tế từ thiện (phi lợi nhuận). Ý tưởng cổ phần hóa bệnh viện công là một bước đi dũng cảm.

Y tế tư nhân là con đẻ của kinh tế thị trường, từ khi mới ra đời đã nhận nhiều nghi kỵ, nhưng vẫn âm thầm phát triển. Đến nay y tế tư nhân đã trở thành bộ phận ngày càng quan trọng của y tế Việt Nam. Về nhiều mặt, chính y tế tư nhân đã buộc y tế công phải thay đổi, phải chuyển mình. Bệnh viện công phải tự hỏi chính mình: Tại sao bệnh viện tư phải tự bỏ tiền ra mua đất, tự bỏ tiền ra xây bệnh viện mua máy móc, trả lương cao cho nhân viên mà vẫn có tăng trưởng.

Có nhiều người lo ngại nếu chuyển tư nhân hóa bệnh viện sẽ dẫn đến tăng giá dịch vụ y tế. Theo tôi, giá dịch vụ y tế rẻ hiện nay của bệnh viện công là danh nghĩa, còn thực chất bệnh nhân phải chi ngoài nhiều và đang ăn vào vốn của nhà nước. Còn giá dịch vụ của y tế tư là công khai minh bạch, tính đúng tính đủ chi phí, và đang dần được xã hội chấp nhận. Giá của dịch vụ y tế tương lai sẽ do quy luật cạnh tranh, các cơ sở y tế sẽ phải thu hút khách hàng bằng chất lượng và giá cả. Song song với đó không thể thiếu vai trò điều tiết của Nhà nước thông qua đặt hàng của Bảo hiểm y tế, giá trần của các dịch vụ y tế.

Tôi hình dung ngành y Việt Nam sẽ bao gồm các thành phần như sau. Một là y tế công bao gồm y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh viện điều trị bệnh xã hội, bệnh viện người có công, bệnh viện của quân đội, công an. Hai là y tế tư nhân gồm bệnh viện công cổ phần hóa và bệnh viện tư. Thành phần thứ ba của nền y tế là y tế từ thiện, hoạt động phi lợi nhuận, do các tổ chức từ thiện tài trợ.

Cổ phần hóa các bệnh viện công nhà nước sẽ giảm được gánh nặng chi phí nuôi bộ máy y tế cồng kềnh tốn kém. Bệnh viện sẽ tiếp nhận cách quản lý mới, nguồn vốn đầu tư mới để thay đổi. Nhân viên y tế có cổ phần trong bệnh viện sẽ gắn bó xây dựng bệnh viện hơn. Các tiêu cực trong đấu thầu thuốc, máy móc, trong xây dựng cơ bản sẽ tự nhiên hạn chế. Bán cổ phần trong các bệnh viện công, nhà nước sẽ thu lại được nguồn lực khổng lồ, để đầu tư cho y tế cơ sở, nâng cấp cho các bệnh viện công còn lại.

Các ý kiến trên đây của tôi là cách thế giới đã làm từ rất lâu. Người trăn trở với nghề y ở Việt Nam cũng nói đến những điều này hàng chục năm qua. Nhưng tất cả trôi đi trong sự loay hoay lúng túng của quản lý.

Giáo dục và y tế miễn phí phản ánh bản chất tốt đẹp của một xã hội. Nhưng khi y tế miễn phí còn ở tương lai xa, việc thực hiện được y tế công bằng đã là rất tốt cho dân rồi.

Quan Thế Dân

(Nguồn https://vnexpress.net/loi-thoat-cho-nganh-y-4485674.html)

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Thầy thuốc và bệnh nhân

“Xả”… stress !

25/03/2022 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

 

“Xả”… stress !

Bs Đỗ Hồng Ngọc

stresnilstresspicture

Internet

Không có stress có lẽ con người cũng không thể tồn tại. Thế nhưng, vượt ngưỡng đến một mức nào đó thì con người cũng…không thể tồn tại, bởi chính stress gây ra nhiều thứ bệnh về thể chất và tâm thần, nên rất cần biết cách “xả” stress trong cuộc sống đầy căng thẳng, âu lo hiện nay.

Stress là một phản ứng bảo vệ, khi cơ thể bị một mối đe dọa, mối nguy hiểm xảy đến cho nó. Người ta gọi nó là phản ứng (hay đáp ứng) “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight or flight response), nghĩa là trong tình huống đó, chỉ có hai cách để chọn lựa: chiến đấu để sinh tồn hoặc bỏ chạy để… sinh tồn!

Lúc đó, cơ thể phải huy động toàn lực để đối phó. Não thùy sẽ ra lệnh tiết các kích thích tố cần thiết, nào adrénaline, nào norepinephrine, cortisol…ồ ạt đổ vào máu. Tim đập nhanh để bơm máu về các cơ bắp lớn, phổi hổn hển tăng tốc bơm oxy, đường huyết vọt lên cao nhằm tăng cường khẩn cấp năng lượng, đồng tử mắt nở to để nhìn cho rõ, tai vểnh lên, mũi phồng ra… Tóm lại, mọi thứ đều phải trong tư thế sẵn sàng. Trong lúc các mạch máu lớn chuyển máu đến các bắp cơ thì mạch máu nhỏ ngoại biên co thắt lại, để nếu có bị thương thì máu cũng không bị mất nhiều… Vì thế mà người bị stress thường mặt mày tái ngắt, xanh lè, tay chân đơ cứng!

Stress cấp tính có những phản ứng mạnh hơn ta tưởng. Một người đang đứng trước chuồng cọp, thấy cọp sổng chuồng thì… phân, nước tiểu tóe ra mà không hay, tay chân bủn rủn,  ngất xỉu. Nguy cơ qua đi, hiểm họa chấm dứt thì mọi thứ lại trở về trật tự cũ. Tim đập chậm lại, hơi thở điều hòa, bắp cơ buông xả. Nếu sự đe dọa không mãnh liệt nhưng cứ dồn dập, hết lớp này tới lớp khác, đến một lúc vượt quá mức chịu đựng gọi là “mất bù” thì sẽ tạo ra những hiệu ứng âm thầm gây tác hại không lường được lên thể chất và tâm thần của ta.

Thời đại ngày nay, con người ít có dịp chiến đấu một mất một còn trước thú dữ hay trước “hòn tên mũi đạn” như xưa. Nhưng con người ngày nay lại phải thường xuyên đối đầu với những “hòn tên mũi đạn” còn nguy hiểm hơn, kiểu “bề ngoài thơn thớt nói cười / bề trong nham hiểm giết người không dao”. Stress vượt qua ngưỡng lúc nào không hay và dẫn tới vô số bệnh tật mà bác sĩ cũng phải bó tay, đành gắn cho những cái tên mơ hồ như “rối loạn chức năng”, “mệt mỏi kinh niên”, “rối loạn thần kinh thực vật”… Đại học Y khoa  Harvard ước tính có từ 60%- 90% bệnh nhân (ở Mỹ) tìm đến bác sĩ là do stress. Stress liên quan đến rất nhiều bệnh lý như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu đường, suyễn, đau nhức kinh niên, mất ngủ, dị ứng, nhức đầu, đau thắt lưng, một số bệnh ngoài da, ung thư, tai nạn thương tích, tự tử, trầm cảm, giảm miễn dịch v.v…  Tóm lại là rất phức tạp. Bác sĩ nếu không quan tâm đúng mức – đau đâu chữa đó – thì chỉ chữa đựơc triệu chứng bên ngoài còn cái gốc sâu thẳm bên trong là stress vẫn không đựơc giải tỏa, bệnh vẫn cứ luẩn quẩn loanh quanh , chuyển từ “bệnh” này qua “bệnh” khác, và do đó, chất lựơng cuộc sống bị giảm sút rõ rệt! Nhiều khi ta tưởng cholesterol xấu tăng cao trong máu là do thức ăn, nhưng không phải, do stress nhiều hơn! Tiểu đường tưởng do ăn nhiều chất ngọt, thực ra do stress nhiều hơn. Ta thấy đời sống càng căng thẳng, bệnh tiểu đường càng phát triển mạnh!. Ở nước ta mới mấy năm trước, tiểu đường chỉ lai rai, bây giờ thì… “năm sau cao hơn năm trước”, lan tràn cả ở thành thị lẫn nông thôn! Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, người làm việc ở những  khu vực dễ bị sa thải thì chết vi tim mạch, tai biến mạch máu não cao gấp đôi các khu vực khác…!

Stress thay đổi từ người này sang người khác. Cùng một sự việc, với người này thì nổi điên lên còn với người kia chỉ là một trò cười, với người này là cả một sự sụp đổ, với người kia là một bài học…  Cùng là con ông bà “viên ngoại họ Vương”, cùng “sắm sửa bô hành chơi xuân”, mà Thúy Kiều thì  khóc sướt mướt, thở than, nằm mộng, làm mười khúc đoan trường đầy nước mắt trong khi Thúy Vân ngạc nhiên sao chị mình “kỳ cục” vậy! Hẳn là bên trong Thúy Kiều có cái gì đó khác với Thúy Vân, bởi bên ngoài thì cả hai đều “mười phân vẹn mười” cả!

Internet

Người dễ bị stress là người thường có tính quá lo lắng, cầu toàn, hay tự chỉ trích,  thiếu quyết đoán, hay do dự… Nếu bị thêm sức ép từ bên ngoài thì dễ suy sụp, dễ bị vượt ngưỡng! Nhiều học sinh học giỏi mà thi rớt cho là “học tài thi phận” một phần chính là do stress! Gia đình kỳ vọng nhiều quá, tạo một áp lực vô hình, khiến em không còn là chính mình nữa!

Những dấu hiệu sớm để nhận biết stress là có vấn đề về trí nhớ như hay quên, mất định hướng, thường hoang mang… Về cảm xúc thì dễ dao động, bứt rứt, dễ bị kích động, tâm tính bất thường, hay cáu gắt, lúc nào cũng có cảm giác bị tràn ngập, rất khó tìm được sự thư giãn. Trong lúc nghỉ ngơi mà vẫn cứ lo lắng, thậm chí còn lo lắng nhiều hơn! Các triệu chứng về thể chất dễ nhận ra như nhức đầu, đau lưng, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, chóng mặt.. Đặc biệt đau cột sống cổ hay cột sống thắt lưng. Cứ tưởng là loãng xương, là gai cột sống, là thoát vị điã đệm gì gì đó, thực ra gốc ở stress.

Người bị stress dễ bị bệnh vặt, cảm cúm triền miên vì sức đề kháng giảm sút đáng kể, dễ bị mất ngủ, tức ngực, tim đập nhanh và … dễ nổi mụn, nổi chàm trên da. Không có gì ngạc nhiên vì ở trong phôi thai, não và da vốn cùng xuất phát từ một lá mầm ngoai bì (ectoderme). Não mà bất an thì da cũng nhăn nhúm, nổi mụn, nổi chàm, chữa hoài không khỏi, thoa mỹ phẩm đắc tiền cũng vô ích. Não mà an vui thì da cũng tưoi nhuận, hồng hào, sáng láng. Người bị stress còn hay có những hành vi bất thường như tự dưng  thèm ăn, ăn hoài, lên cân đột ngột; hoặc bỗng nhiên bỏ ăn, sụt ký đột ngột… Có người còn đi qua đi lại, đi tới đi lui, cắn móng tay, nhai nhóp nhép. Các huần luyện viện bóng đá, ông nào cũng hay đi qua đi lại, đi tới đi lui, nhai  nhóp nhép “sinh-gom” hoặc phì phèo thuốc lá liên tục giữa lúc hai đội bóng vờn nhau trên sân. Họ bị stress. Nhưng đó là một thứ stress cấp,  coi căng vậy mà hiền, chóng qua, hết trận đấu là xong, lại bắt tay nhau vui vẻ! Còn cái thứ stress nhai nhóp nhép kiểu “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”… mới là thứ stress nặng, mạn tính, triền miên, sinh đủ thứ chuyện.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nguyên tắc là đừng tự đòi hỏi mình phải luôn hoàn hảo, phải luôn luôn đúng! Cũng đừng bao giờ so sánh mình với người khác. Con vịt là con vịt mà con gà là… con gà. Con gà mà dại dột so với con vịt thì sẽ chìm nghỉm trong nước! Lục súc tranh công không thể nào vui đựơc! Một khi đã so sánh thì dù hơn, dù kém, dù ngang bằng cũng đều khổ!

Internet

Nên tránh những kẻ chuyên “phun” nọc độc! Họ  rất sung sướng khi “tiêm” được nọc độc cho kẻ khác. Bói ra ma quét nhà ra rác, dị đoan mê tìn…  làm ta căng thẳng lo lắng vô lối. Một lời nói, một cử chỉ của thầy thuốc cũng có thể gây stress trầm trọng không ngờ. Bác sĩ vừa xem phim X quang vừa lắc lắc cái đầu đủ cho bệnh nhân thót tim, nhưng thưc ra chì vì bác sĩ mỏi cổ do cả đêm thức coi bóng đá. Bác sĩ chỉ cần “phán” một câu mơ hồ như tim hơi lớn, gan hơi yếu, phổi hơi dơ… đủ cho bệnh nhân sống trong hoang mang ám ảnh dài lâu.  Lời nói của bác sĩ không chỉ mang thông tin, mà còn truyền cảm xúc, gây stress, bởi người bệnh luôn ở trong một trạng thái tâm lý rất nhạy cảm khi tiếp xúc với thầy thuốc.

Có nhiều  cách “xả” stress! Nhậu nhẹt, hút thuốc lá, ma túy… cũng là một cách xả stress, nhưng rõ ràng là có hại, “chạy ô mồ mắc ô mả”!  Nhảy múa, ca hát, viết nhật ký, viết blog…. là những cách xả stress tốt.  Nói chuyện tào lao (tám) cũng là một cách xả stress… , miễn là đừng có “chuyển lửa” từ người này qua người khác! Thực ra, nói ra đựơc với ai đó, một bạn thân thiết, một người có khả năng lắng nghe,  một người sẵn sàng làm “thùng rác” cho mình thì mình sẽ cảm thấy nhẹ gánh! Không có bạn bè để tâm sự thì có thể tâm sự cùng tượng đá. Trải lòng ra một lúc,  tượng đá cũng xiêu. “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”  là vậy! “Chửi chó mắng mèo”, “Giận cá chém thớt”  cũng được. Đập bể mấy cái ly cái dĩa… cũng hay!  Có điều nên chọn trứơc một ít ly tách, chén dĩa mẻ, để dành sẵn, khi nào cần thì đập nghe vừa rôm rã  vừa đỡ tốn kém!  Nguyên tắc chung là phải làm một cái gì đó cho năng lượng bị dồn nén trong stress có chỗ “xì” ra, thoát ra. Ta vẫn thường nói “xả xú bắp”, “xả hơi” đó thôi… Tóm lại, đừng có ngồi đó mà  gậm nhấm, suy nghĩ vẩn vơ. Giặt đồ, nấu ăn, rửa chén, lau nhà gì cũng tốt.  Chạy bộ, đánh đấm, la hét, khóc lóc… cũng đựơc. Đọc sách, xem phim  càng hay, miễn là biết chọn phim, chọn sách!

Thấy người chồng trằn trọc mãi không ngủ được, lăn qua lộn lại cả đêm, người vợ hỏi có chuyện gì vậy anh? “Anh mắc nợ anh John hàng xóm một số tiền, hẹn ngày mai trả mà không có một xu dính túi!”. Người chồng đau khổ nói. Lập tức bà vợ tung mền dậy, chạy ra bờ rào gọi với sang nhà hàng xóm: “Anh John ơi,  ngày mai chồng tôi chưa có tiền trả cho anh đâu nhé!”. Xong, bà quay vào bảo chồng: Anh yên tâm ngủ đi, bây giờ là lúc để cho anh John trằn trọc!  Cô vợ đã rất thông minh! Cô đã “chuyển lửa”  từ chồng mình sang … chồng hàng xóm. Chắc chắn anh John sẽ trằn trọc cho tới sáng, còn ông chồng cô sẽ ngủ ngon!  “Chuyển” như vậy vẫn chỉ là ở bên ngoài. Chuyển bên trong hay hơn.  Chuyện xưa kể bà mẹ già có hai cô con gái, một cô bán dù, một cô bán giày vải. Cô bán dù sống nhờ những ngày mưa, cô bán giày làm ăn khá nhờ những ngày nắng ấm. Bà mẹ lo buồn cho cô bán giày suốt những ngày mưa và đau khổ cho cô bán dù ngày nắng ráo. Có người biết chuyện khuyên bà sao không làm ngược lại,  mừng cho cô bán dù ngày mưa và  mừng cho cô bán giày ngày nắng?

Internet

Não ta có một đặc điểm lý thú là không thể cùng lúc nghĩ tới hai việc. Đã nghĩ điều này thì quên điều kia. Và người ta đã “lợi dụng” đặc điểm này để dịch chuyển các điểm tập trung trên võ não từ vùng này sang vùng khác.  Chẳng hạn đang giận sôi lên thì… xảy ra động đất hay cháy nhà, lập tức vùng “giận sôi” của vỏ não tắt ngấm để nhường chỗ cho vùng sợ hãi! Ta biết giận dữ hay sợ hãi đều tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Nó có thể làm ta kiệt sức, suy sụp, thở không ra hơi… Có thể chọn cách nào khác chuyển dịch hay hơn,  có lợi cho sức khỏe hơn chăng? Có đó. Đó là cách thở sâu, thở bụng, đưa hơi xuống huyệt… đan điền (dưới rún chừng 4 cm). Nó giúp làm cho ta tĩnh tâm lại, nó chuyển dịch vùng căng thẳng ở vỏ não qua vùng êm ái của … cái rún, với điều kiện là phải để tâm quan sát xem cái hơi thở đó nó vào ra lên xuống ra sao. Khi chú tâm vào hơi thở, lắng nghe hơi thở , quan sát nó, dòm ngó nó, nghiền ngẫm nó… thì ta đã đánh “lạc hứơng” cảm xúc ta rồi! Vỏ não khi đã tập trung vào hơi thở thì “quên” tập trung vào các chuyện linh tinh khác. Cách đơn giản này có khả năng giải stress rất tốt. Tập luyện đúng mức, não thùy sẽ tiết ra một kích thích tố gọi là endorphine, một thứ á-phiện nội sinh, làm cho dịu nhẹ toàn thân, tạo sự sảng khoái, lâng lâng, mà không gây tác dụng phụ. Thiền, yoga, dưỡng sinh, tài chí, khí công… đều là những cách làm cho thân tâm hợp nhất, làm cho ta quay trở lại với chính mình bằng cách  lắng nghe hơi thở của chính mình (có thể kết hợp với động tác hay không cần động tác) đó thôi.  Hiện nay các kỹ thuật này ngày càng được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi ở các Trung tâm y khoa lớn trên thế giới để trị liệu các bệnh do stress gây ra, các chứng trầm cảm, tâm thần, lo âu, đau nhức…, kể cả nghiện rượu, thuốc lá, ma túy… một cách rất có hiệu quả.

(ĐHN)

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Thầy thuốc và bệnh nhân, Thư gởi người bận rộn

Sau khi chích ngừa COVID-19, cần thu kết quả gì?

05/10/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Sau khi chích ngừa COVID-19, cần thu kết quả gì?

PGS TS Nguyễn Hữu Đức

(https://tuoitre.vn/sau-khi-chich-ngua-covid-19-can-thu-ket-qua-gi-20211004210956802.htm)

TTO – Vắc xin là chế phẩm sinh học (dùng mầm bệnh chết, sống hay một phần mầm bệnh, thậm chí là một đoạn DNA hay RNA) được đưa vào cơ thể để hệ miễn dịch tập luyện nhận diện, ghi nhớ hình dáng, tác động của “mầm bệnh”. Vắc xin tạo miễn dịch bảo vệ.

Cấu trúc hình hài của SARS-CoV-2, virus gây COVID-19, rất đơn giản, chỉ gồm lõi là bộ gene của acid nucleic là RNA, và bao quanh bộ gen là lớp vỏ glycoprotein. Lớp vỏ đặc trưng của SARS-CoV-2 có các gai glycoprotein có hình dạng tua tủa giống chiếc vương miện.

Dựa vào bộ gene của các loại coronavirus người ta thấy rằng phần lớn của các bộ gene này khá giống nhau, chỉ có phần vỏ bọc glycoprotein với các gai (spike) gọi chung là protein S, mà virus dùng để bám và chui vào tế bào phổi của người là khá chuyên biệt cho mỗi loại và gene tạo ra chúng là đặc hiệu. Vì vậy, phần nhiều các nhà khoa học dùng các gai của SARS-CoV-2 làm kháng nguyên sản xuất kháng thể tạo vắc xin dùng cho người.

Cách tạo các vắc xin phòng chống COVID-19 đang dùng hiện nay có 4 loại: vắc xin mRNA, vắc xin vector, vắc xin tiểu đơn vị tái tổ hợp và vắc xin chứa virus bất hoạt.

Tại sao lại là “có kháng thể”?

Vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna là vắc xin mRNA. Vắc xin này dùng công nghệ di truyền trích mã di truyền của SARS-CoV-2 là RNA, cụ thể là mRNA (RNA thông tin, có chức năng truyền thông tin di truyền từ DNA đến ribôxôm để tổng hợp protein) của virus, để khi tiếp xúc cơ thể sẽ kích hoạt chức năng sinh kháng thể chống SARS-CoV-2 ở người được tiêm chủng.

Vắc xin của AstraZeneca và Johnson&Johnson có cơ chế gọi là vắc xin vector. Vắc xin loại này dùng mẫu protein là các gai của SARS-CoV-2 đưa vào vi sinh vật vô hại là virus adeno gây cảm lạnh thông thường ở loài tinh tinh, virus này gọi là vector mất khả năng sao chép nhưng có chứa vật chất di truyền là DNA có gene tạo protein S gai bề mặt của virus, rồi làm virus sinh sôi nảy nở thật nhiều để tạo vắc xin.

Sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca và Johnson&Johnson, vắc xin sẽ mang mã di truyền của virus cảm lạnh là DNA đã được quy định tạo protein S, cơ thể người được tiêm vắc xin bắt đầu tự tạo ra protein S. Các tế bào miễn dịch trong máu của bạn nhận diện protein S là “kẻ xâm nhập”, sẽ kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch tạo kháng thể chống protein S.

Vắc xin Covax do Hãng Nanogen (Việt Nam) nghiên cứu và phát triển được gọi là vắc xin tiểu đơn vị tái tổ hợp (recombinant subunit vaccine). Gọi là tái tổ hợp bởi vì thành phần SARS-CoV-2 được tạo ra trong phòng thí nghiệm chứ không phải được phân lập trực tiếp từ virus..

Hai vắc xin của hai công ty dược phẩm Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc) thì sao? Vắc xin của Sinopharm và Sinovac được gọi là vắc xin bất hoạt, vì dùng chính virus SARS-CoV-2 còn sống làm cho bất hoạt (inactivated). Họ nuôi cấy virus SARS-CoV-2 với số lượng lớn trên tế bào thận khỉ và bất hoạt chúng bằng beta-propriolactone để tạo vắc xin.

Khi nào tạo được miễn dịch bảo vệ?

Miễn dịch bảo vệ do vắc xin tạo ra là sự đề kháng của chính cơ thể chống lại sự xâm nhập, sự nhân lên và khả năng sinh bệnh của những vi sinh vật gây bệnh. Cơ chế hoạt động của vắc xin ngừa COVID-19 là các protein S có trong vắc xin hoặc được tế bào cơ thể tạo ra do chích vắc xin (vắc xin vector DNA hay vắc xin mRNA), các protein S trở thành kháng nguyên, để từ đó cơ thể sinh ra kháng thể vô hiệu hóa các kháng nguyên này.

Khi tiêm chủng vắc xin, chúng ta được bảo vệ bởi không phải 1 mà 2 hệ thống phòng thủ rất mạnh và liên hệ chặt chẽ: các kháng thể và các tế bào bạch cầu gọi là tế bào trí nhớ (memory cells).

Khi virus là SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, các tế bào bạch cầu đặc biệt là các tế bào B (B-cell hay còn gọi là B-lymphocytes) xung trận. Các tế bào B có khả năng phân biệt các tế bào của ta (trong cơ thể) và tế bào lạ là mầm bệnh xâm nhập. Các tế bào B sẽ bám lấy chất lạ là mầm bệnh, và có phản ứng bằng cách sản xuất thật nhiều chất gọi là kháng thể. Đó chính là các immunoglobin (Ig), đặc biệt IgM là các protein đặc biệt có tác dụng vô hiệu hóa các kháng nguyên tương ứng là mầm bệnh. Sau đó, với sự trợ giúp của tế bào T (cũng là một loại tế bào bạch cầu), tế bào B có thể chuyển sang sản xuất kháng thể IgG, IgA hoặc IgE. Và đây cũng là hệ thống phòng thủ thứ nhất.

Hệ thống phòng thủ thứ hai là các tế bào nhớ. Có một số tế bào B sau khi tiếp xúc với kháng nguyên là mầm bệnh biến dạng để trở thành “tế bào nhớ”. Các tế bào này sống rất lâu trong cơ thể và “nhớ” rất lâu những mầm bệnh mà chúng đã có lần tấn công, nên sau này có khả năng sản xuất nhanh chóng kháng thể chuyên biệt để chống lại mầm bệnh mà cơ thể đã bị nhiễm trước đây nay nhiễm lại.

Xét nghiệm kháng thể bằng 0 sau chích ngừa không đáng lo

Vắc xin có tác dụng bảo vệ lâu dài không phải chỉ giúp tạo ra kháng thể, mà là giúp tạo ra các tế bào có trí nhớ. Các tế bào nhớ này tồn tại lâu dài trong hệ tuần hoàn, trong các hạch bạch huyết, và tồn tại lâu hơn nhiều so với kháng thể.

Do có hai hệ thống phòng thủ tạo ra bởi chích vắc xin nên chúng ta sẽ không lo lắng nếu sau chích vắc xin ngừa COVID-19 mà xét nghiệm lại thấy cơ thể không có kháng thể (kháng thể bằng 0). Vì lý do nào đó, trong thời điểm xét nghiệm kháng thể cơ thể không có kháng thể nhưng đừng lo, chúng ta vẫn còn có các tế bào nhớ, chúng sẽ tạo ra kháng thể khi cần.

Sở Y tế TP.HCM gửi văn bản khẩn: Không xét nghiệm kháng thể không cần thiết, sai mục đích

TTO – Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM không sử dụng xét nghiệm kháng thể COVID-19 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

(NHĐ)

 

 

Filed Under: Hỏi đáp, Nghiên cứu khoa học, giảng dạy, Thầy thuốc và bệnh nhân

Thảo Phương: Cùng BS Đỗ Hồng Ngọc trả lời: “Trẻ nghỉ hè để làm gì?”

03/05/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Cùng BS Đỗ Hồng Ngọc trả lời: ‘Trẻ nghỉ hè để làm gì?’

(https://plo.vn/xa-hoi/cung-bs-do-hong-ngoc-tra-loi-tre-nghi-he-de-lam-gi-981576.html)

THẢO PHƯƠNG

(PLO)- Những điều mà BS Đỗ Hồng Ngọc khuyên học sinh nên làm vào đợt nghỉ hè: làm thơ, tập nấu ăn và… ngủ.

Gần đây, trong buổi trò chuyện cùng với  các phụ huynh và học sinh tại trung tâm Anh ngữ SEAMEO Retrac (CN 25.4.2021), BS Đỗ Hồng Ngọc đã có những chia sẻ thiết thực về một vấn đề thời sự, đó là học sinh nên làm gì vào dịp nghỉ hè.

Tiếc nhớ “Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê”

Trên trang nhà dohongngoc.com của mình, BS Đỗ Hồng Ngọc viết: “Nghỉ hè để làm gì? Đây là một câu hỏi khá hóc búa. Nếu là một câu hỏi bình thường như nghỉ hè nên làm gì thì dễ đưa ra những lời khuyên với một bác sĩ Nhi khoa như tôi, đằng này hỏi “để làm gì” thì khó quá! Cho nên câu trả lời “tốt nhất” của tôi là Nghỉ Hè Để Làm Thơ!

Làm thơ ư? Tôi không làm được nên mượn một bài thơ đã có từ 80 năm trước của thi sĩ Xuân Tâm, bài Nghỉ hè trong tập Lời non trẻ – 1941, thấy trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân”.

Xin trích đoạn mở đầu bài thơ mà BS Đỗ Hồng Ngọc nhắc tới như sau:

“Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,

Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,

Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!”

Theo đó, trong buổi chia sẻ, BS Đỗ Hồng Ngọc còn cẩn thận phân tích từng câu thơ của thi sĩ Xuân Tâm và chỉ ra rằng khoảng thời gian nghỉ hè của thanh niên hồi đó thật sung sướng biết bao. “Còn học sinh bây giờ, chín mươi ngày quần quật học thêm để cha mẹ vui lòng và hãnh diện”- BS cám cảnh. BS còn nói thêm, vì cha mẹ bắt con cái học thêm nhiều nên trẻ con bây giờ dễ dẫn đến trầm cảm.

Nói về trầm cảm, BS đã có những phân tích về một chứng bệnh thời đại mang tên SAD (nỗi buồn). Mà thực ra SAD là chứng bệnh viết tắt của ba chữ tiếng Anh, cụ thể là Stress: Sự căng thẳng (căng thẳng vì muốn thi đua và tự tạo sức ép cho bản thân); Axiety: Sự lo âu, sợ hãi và Depression: Trầm cảm. Mà chứng bệnh trầm cảm sẽ dễ dẫn đến tự tử.

Chính vì thế, BS Đỗ Hồng Ngọc khuyên phụ huynh nên cho con em thời gian để vui chơi, thư giãn và nạp năng lượng. Điều đó không chỉ giúp các con tránh được nguy cơ trầm cảm mà còn giúp trẻ nâng cao chỉ số IQ – Trí tuệ, EQ – Cảm xúc và SQ – Khả năng giao tiếp.

Nghỉ hè để tập nấu ăn– cách tốt để trẻ thư giãn

Có một câu hỏi mà BS Đỗ Hồng Ngọc đặt ra: “Có ông bố bà mẹ nào đủ can đảm cho trẻ vứt hết sách vở để mà chơi thỏa thích trong dịp nghỉ hè hay không?”. Dưới khán phòng, không một cánh tay của ông bố bà mẹ nào được giơ lên cả. Bác sĩ cho rằng đấy cũng là điều dễ hiểu bởi đa số cha mẹ đều muốn con cái tiếp nối những ước mơ còn dang dở của mình.

Cùng BS Đỗ Hồng Ngọc trả lời: 'Trẻ nghỉ hè để làm gì?' - ảnh 2
BS Đỗ Hồng Ngọc giao lưu cùng các học sinh. Ảnh: BTC

Đa số cha mẹ đều muốn con mình học hành thiệt nhiều và đạt được những thành tựu lớn lao. Tuy nhiên, BS Đỗ Hồng Ngọc khẳng định cha mẹ thương con không chỉ đơn thuần là muốn con có nhiều bằng cấp cao, thương con là phải để con học những kĩ năng mềm: Làm thế nào để hạnh phúc?

Dù rằng những kiến thức khoa học là rất cần thiết cho sự thành công của con sau này, nhưng những kĩ năng mềm như nấu ăn, ca hát sẽ làm cho con trẻ cảm thấy vui vẻ hạnh phúc. Hiện tại, một số trường ở nước ngoài đã có môn học “Hạnh phúc” dạy cho trẻ con cách làm thế nào để hạnh phúc. Vậy tại sao chúng ta lại không tạo điều kiện để con trẻ có được khoảng thời gian nghỉ hè thật sự trọn vẹn và hạnh phúc?

Tập nấu ăn cũng là một trong những cách giúp con trẻ thư giãn. Khi biết nấu ăn, trẻ sẽ biết cách tự chăm sóc bản thân. Đặt trường hợp nếu ba mẹ bận công tác, không kịp làm bữa tối cho con thì ngay lúc đó, con trẻ sẽ tự biết vào bếp làm một bữa tối cho chính bản thân mình mà không cần phải nhịn đói đợi mẹ về. Đặc biệt, khi biết nấu ăn, con trẻ sẽ biết phân biệt những thức ăn nào là có lợi và không có lợi. Điều đó sẽ rất có ích cho sức khỏe và sự phát triển trí não của các con.

Thương con, đơn giản chỉ là để con được ngủ đủ giấc

Dù phụ huynh rất quan tâm đến sức khỏe của con nhưng chỉ vì muốn con học hành nhiều mà vô tình chính phụ huynh lại khiến con mình rơi vào tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ, học trước quên sau,… Trong buổi giao lưu, có một phụ huynh hỏi bác sĩ: “Không hiểu tại sao con tôi lại chỉ muốn ở nhà ngủ thay vì đi du lịch hè cùng gia đình?”. Bác sĩ không cần suy nghĩ mà trả lời ngay: “Tại vì con trẻ đã quá mệt rồi”.

Não bộ của chúng ta chỉ tiếp nhận có chừng mực, khi nạp vào quá nhiều kiến thức trong thời gian ngắn, não bộ sẽ xảy ra tình trạng nhớ trước quên sau. Đây là lúc chúng ta nên ngủ một giấc để cái đầu của mình được trống không. Con trẻ cũng vậy, cũng cần được ngủ nghỉ thay vì ngồi làm rất nhiều bài tập trong tình trạng mệt mỏi, ngáp ngắn ngáp dài.

Trong suốt khoảng thời gian miệt mài học hành, học sinh đã quá mệt mỏi và căng thẳng. Vậy thì nghỉ hè để làm gì? Nghỉ hè là để con trẻ được nghỉ ngơi và nạp năng lượng cho những mùa học tiếp theo.

Bác sĩ khẳng định ngủ nghỉ đầy đủ là rất cần thiết cho việc phát triển trí não và chiều cao của con trẻ, vì trong giấc ngủ, kích thích tố tăng trưởng (Growth Hormone) được sản sinh. Ngủ để tái tạo năng lượng, ngủ để thức dậy cơ thể sẽ khỏe khoắn và tỉnh táo hơn. Chính vì thế, cha mẹ nên tôn trọng giấc ngủ của con và tạo điều kiện cho con ngủ đủ giấc. Cho trẻ vận động thể lực hay đọc sách là một trong những cách giúp trẻ ngủ ngon và sâu hơn.

Bắt trẻ “học” trong 3 tháng “nghỉ” là hơi ác

BS Đỗ Hồng Ngọc đã phân tích: Trong cụm từ “nghỉ hè” thì nghỉ nghĩa là ngưng. Vậy thì ba tháng “nghỉ hè” phải thực sự là thời gian nghỉ ngơi của học sinh. Vì thế bắt học sinh học thêm lúc nghỉ hè là một điều “hơi ác”.

Một số phụ huynh muốn tranh thủ thời gian nghỉ hè để đăng ký cho con các lớp học ôn thi vào trường chuyên. Tuy nhiên bác sĩ khuyên phụ huynh không nên cưỡng bức con trẻ phải thi vào trường chuyên, vì quan trọng là phải chuyên cần, chăm chỉ thì học ở đâu cũng đều tốt cả.

Điều đặc biệt, mỗi cha mẹ đừng bao giờ đem những đứa trẻ ra để so sánh. Vì khi so sánh, dù kết quả có thế nào thì tất cả chúng ta cũng không được vui vẻ. Vô hình trung, chính chúng ta sẽ tạo áp lực đè nén con trẻ khiến chúng trở nên tự ti và nhút nhát.

Chung quy lại, BS Đỗ Hồng Ngọc cho rằng nghỉ hè là khoảng thời gian để học sinh được nghỉ ngơi. Nghỉ hè không phải là bỏ học hoàn toàn nhưng nếu có học thì cũng nên học những kĩ năng mềm giúp con trẻ vui vẻ và hạnh phúc. Không nên bắt ép con trẻ học hành quá nhiều trong mùa hè khi mà cả năm qua chỉ toàn là học với học. Hãy để con trẻ có một mùa hè thật đúng nghĩa!

THẢO PHƯƠNG

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Góc nhìn - nhận định, Thầy thuốc và bệnh nhân

Có Một Con Mọt Sách

26/03/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Có Một Con Mọt Sách

(Nxb Tp.HCM và First News tái bản lần thứ tư, 3.2021)

 

 

 

Với những dòng bình luận thấy trên:

http://reviewsach.club/review-co-mot-con-mot-sach/

 

Độc giả Ngọc Ánh nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Các câu chuyện cổ tích được BS Đỗ Hồng Ngọc – “bác sĩ của bà mẹ và trẻ con” – viết lại một cách sáng tạo và độc đáo. Cũng không phải dạng vừa đâu! Lồng vào những câu chuyện ngộ nghĩnh là lời khuyên vui nhộn, nhẹ nhàng nhắc bé biết giữ mắt khỏe để không cận thị, biết giữ gìn vệ sinh và sức khỏe cơ thể, tránh nhiễm giun sán và phòng tránh những tai nạn thường gặp. Cũng không phải dạng vừa đâu! Cũng không phải dạng vừa đâu!

Sách siêu dễ thương ạ.
Màu sắc đẹp. Hình minh họa đẹp. Nhiều thông tin cực dễ thương, và bổ ích vớii bé.
Tặng cho cháu mình, bé rất thích.

 

Độc giả Trân Thuy nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Đây là cuốn truyện rất tốt để đọc hàng ngày . Những câu chuyện sẽ giúp các bạn học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về những căn bệnh thường gặp từ đó có kiến thức để phòng ngừa tránh xa . Mình thường đọc đi đọc lại cho bé nhà mình mà bé vẫn rất thích nghe . Những câu truyện như vậy rất bổ ích và giúp thêm cho các bậc phụ huynh trong hành trình giáo dục con em mình , trẻ nhỏ nên học tập noi theo những điều tốt đẹp ý nghĩa . Phụ huynh nên mua cho con.

 

Độc giả Nguyễn Mến nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Chúng ta còn bắt gặp tác giả – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã “hóa thân” trở thành nhân vật “chú bác sĩ” tốt bụng, hài hước và luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của các bạn nhỏ. Qua từng câu chuyện, các bé sẽ học được những kiến thức bổ ích để tự chăm sóc bản thân và chia sẻ với những người xung quanh.

Mình thấy đây là một cuốn sách rất hữu ích đối với các em thiếu nhi và cả phụ huynh nữa. Nội dung sách chủ yếu là những căn bệnh rất dễ gặp hàng ngày và cách phòng ngừa những căn bệnh đó. Với lối kể chuyện hài hước, dí dỏm của tác giả, kèm theo những hình ảnh minh họa rất ngộ nghĩnh đáng yêu, do đó mà làm cho người đọc rất hứng thú và dễ nhớ. Ngoài ra, theo tôi thấy thì sách cũng rất thích hợp để các phụ huynh đọc cho những bé chưa biết đọc. Cảm ơn tác giả rất nhiều và mong có nhiều cuốn sách hữu ích như vậy nữa.

 

Độc giả Nguyễn Tâm nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Cuốn sách gồm 7 truyện tranh ngắn và gần gũi: Có một con mọt sách; Cá bảy màu; Giếng nước mùa xuân; Một cuộc du lịch kỳ quái; Có “Chí” thì… hư; Cái mũi để chi; Nghỉ hè, nên làm gì? Điều thú vị ở tập sách nhỏ này chính là những kiến thức bổ ích về sức khỏe, về vệ sinh cá nhân được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lồng ghép trong những câu chuyện nhẹ nhàng. Không lạ lắm! Như trong truyện được chọn làm tiêu đề cho tập sách – Có một con mọt sách, các bé sẽ được nghe câu chuyện về cậu bé Sinh đam mê đọc sách nhưng đọc không đúng kỹ thuật nên bị biến thành con mọt, phải bò trên trang sách. Vì vậy, các bé muốn không bị biến thành con mọt sách thì nên đọc sách đúng kỹ thuật và luôn vệ sinh mắt đúng cách. Không lạ lắm! Điều quan trọng nữa là các bé cần được hướng dẫn chọn lựa những sách tốt, sách có kiến thức bổ ích.

Những câu truyện nhỏ trong sách rất hữu ích để làm ví dụ , minh chứng rõ ràng cho những tật xấu mà mình nhắc các bé thường xuyên như : đọc sách quá gần mắt, đọc nơi thiếu ánh sáng , căn móng tay , giữ vệ sinh cá nhân kém thì sẽ bị thế nào , lười vận động thì sẽ ra sao , vì sao bị nghẹt mũi … Những thông tin cần thiết để phụ huynh có căn cứ rõ ràng chứ không phải là hù doạ trẻ .
Cảm ơn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ạ !

 

Độc giả Tuong Nhan nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Câu chuyện ” Một cuộc du lịch kỳ quái” bác sĩ sẽ kể cho các bé nghe hành trình “chu du” của con lãi trong cơ thể người và tác hại khi lãi “hoành hành” trong cơ thể của chúng ta. Cuối cùng mọi thứ sẽ ổn thôi. Từ đó, bác sĩ bật mí cách phòng ngừa lãi và nếu không may bị “lãi chui vào cơ thể” thì nên xỗ lãi bằng cách nào… Các bé sẽ còn tìm thấy những kiến thức như vậy trong các câu chuyện như Cái mũi để chi, Nghỉ hè nên làm gì, Có “Chí” thì… hư…. Cuối cùng mọi thứ sẽ ổn thôi.

Đây là cuốn sách đầu tiên của Bác Đỗ Hồng Ngọc mà mình mua. Quá thích! Nội dung rất bổ ích cho trẻ nhỏ, hữu ích hơn bố mẹ tự giải thích cho con rất nhiều. Cách viết dí dỏm, giải thích dễ hiểu lại kèm theo hình minh họa rất dễ thương. Con gái mình đọc đi đọc lại không chán. Ngày thường ngồi bất kỳ chỗ nào bạn ấy cũng viết, rồi đọc nhưng từ khi đọc xong “Con Mọt Sách” thì nghiêm chỉnh hơn hẳn :). Bạn cũng siêng tắm gội hơn vì đã hiểu “Có chí… thì hư” 🙂
Cám ơn Tiki đã giới thiệu cuốn sách này.

 

Độc giả Nguyễn Phương Linh nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Theo tác giả, những câu chuyện trong Có một con mọt sách là những chuyện kể được ông viết cho trẻ em trên một tờ báo thiếu nhi cách đây 30 năm. Tuy nhiên, nội dung vẫn còn rất thời sự, và đặc biệt những câu chuyện ấy được trở lại với một định dạng mới mẻ không phải là “truyện tranh” mà là “tranh truyện” dành cho bạn đọc từ… lớp 1 đến sau đại học. Ôi.Thật bất ngờ vì điều này!

Quyển sách này được vote những 5* cùng với danh tiếng của tác giả khiến tôi kỳ vọng nhiều về 1 quyển sách có tính chất giáo dục cao do người Việt Nam viết. Quả thực là cách viết rất kiểu VN, nhưng theo quan điểm của tôi, là đáng phải điều chỉnh.

Người VN hay có thói quen giáo dục trẻ con theo kiểu dọa nạt. Nhất là dọa nạt theo kiểu rất phản khoa học, vô căn cứ: 1 ví dụ trong quyển sách này, trang 15, truyện Có 1 con mọt sách, tác giả nói: nếu trẻ mải chơi game, dí sát mắt vô màn hình máy tính, tivi thì sẽ trở thành một con …bò, “tại vì nó mê game, ko ham học nên nó sẽ ngu như bò…rồi còn bị điên nên sẽ thành “bò điên” đó biết không!”

Cá nhân mình rất không ủng hộ cách nói chuyện và dạy dỗ trẻ con như vậy.

 

Độc giả Mai Khánh nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Cô bé út nhà mình rất thích cuốn sách này, và mình cũng vậy! Có lẽ tác giả đã hiểu được cái khó trong việc giải thích vấn đề cho tụi nhỏ – đối tượng tò mò, hay hỏi, hay lý sự nhưng lại chưa biết nhiều về kiến thức khoa học. Nhờ cuốn sách này các bạn nhỏ có thể tự đọc và hiểu được những kiến thức thiết yếu về sức khỏe cá nhân thông qua những câu chuyện lý thú rồi sau đó tự giác thực hiện. Người lớn thì có thêm những cách hay để giải thích “Vì sao phải…” cho dễ hiểu.

 

Độc giả huynh linh nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Để viết được những quyển sách “khoa học” dễ đọc như vậy mình nghĩ ngoài chuyên môn ra bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc còn mà một nhà văn đại tài. Quyển sách này phù hợp với trẻ khoảng 3 tuổi để hiểu về chăm sóc sức khỏe của mình. Cha mẹ có thể đọc cho con và giảng giải để trẻ hiểu rõ hơn. Cách viết của tác giả gần gũi với các em thiếu nhi. Thêm một điểm cộng của sách là có hình minh họa vui nhộn và màu sắc. Nhờ đọc review của mọi người là mình đã chọn được 1 quyển sách ưng ý cho con.

 

Độc giả Nguyễn Thị Tuyết Vy nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Tất cả nội dung trong cuốn truyện tranh này xoay quanh các căn bệnh và cách phòng ngừa những căn bệnh đó. Mình thấy đây quả là một cuốn sách hữu ích đối với cha mẹ lẫn các bé trong nhà, từ nhỏ đến lớn. Một cuốn sách bổ ích cho tất cả mọi người và tất nhiên trong đó có tôi (người đã đặt mua cuốn sách tuyệt vời này). Những cuốn sách do bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết đều mang những ý nghĩa riêng của nó và chứa đầy những tình yêu dành cho mọi người . Điều đó thể hiện qua từng trang sách mà ông đã viết.

 

Độc giả Do Quyet Tien nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Sách trình bày đẹp, nhiều hình, chữ to, thích hợp với những sách ngắn vui vẻ dành cho trẻ em lớp 1-3 (đã biết đọc và hiểu được nội dung sách). Giọng văn của BS. Đỗ Hồng Ngọc như thường thấy, rất hài hước, thằng nhóc nhà mình thấy để sách trên bàn là tự lôi ra đọc, và rất thích thú với những chi tiết như đọc nhiều quá thì biến thành con mọt, rồi không đọc sách mà chỉ chơi game thì ngu như bò :). Vui vẻ mà vẫn nhắc nhở nhẹ nhàng cho bọn nhóc về những thói quen không tốt.

 

Độc giả Sơn Đại Ca nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Sách có bìa trình bày rất đẹp, các trang sách bên trong cũng có chất liệu giấy rất tốt. Giấy dày bóng và nhiều màu sắc hình vẽ có chất liệu như những trang báo xuân hay tạp chí một tháng ra một lần.
Về trình bày các trang thì sách có nhiều mẫu chữ được in đẹp, nhiều màu sắc khác nhau và theo lối truyện tranh với nhiều hình minh họa gần gũi, dễ thương. Các câu chuyện được bắt đầu một cách tự nhiên và lồng vào đó là những bài học về vệ sinh, cách đọc sách để không cận thị, và nhiều bài học khác nữa. Sách có thể dùng cho phụ huynh đọc cho bé nghe hoặc các bé đã biết đọc chắc chắn khi đọc cũng rất thích. Con tôi rất thích sách khi được mua về cho cháu đọc.

 

Độc giả Đinh Thanh Thảo nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Quyển sách có trình bày, màu sắc khá đẹp, bắt mắt các bé. Những câu chuyện cổ tích được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khéo léo lồng ghép vào những vấn đề sức khoẻ, vệ sinh cho các bé nhẹ nhàng, gần gũi làm cho các bé nhớ lâu và dễ hiểu.
Quyển sách đã trả lời cho các bé 1 số câu hỏi “tại sao” của mình nên các bé rất thích. Ngày nào cũng bắt mẹ đọc sách cho và chăm chú lắng nghe. Nhờ vậy mà bé bỏ bớt một số tật xấu như cắn móng tay, nghịch đất, đứng sát tivi.

 

Độc giả Hạ Linh nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Phải nói ngay là cuốn sách này rất dễ thương, Dễ thương từ thiết kể mỹ thuật làm nên bìa sách và tranh vẽ quá là bắt mắt và gần gũi. Nội dung trong sách là những kiến thức bổ ích dành cho các em nhỏ, nhưng tác giả – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có cách viết thật nhẹ nhàng. Những thông tin cứ được tiếp nhận một cách dễ dàng như khi được nghe kể một câu chuyện mang màu sắc nhẹ nhàng thôi. Sách gọn, mỏng, không mất quá nhiều thì giờ để hoàn thành việc đọc.

 

Độc giả Nguyễn Thị Ly Na nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Đã từng đọc nhiều tác phẩm của BS Đỗ Hồng Ngọc như Thư Gửi Người Bận Rộn, Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng rồi các mục hỏi đáp của ông trên các báo nên tôi rất thích cách hành văn của ông, rất hóm hỉnh và gần gũi mà thông qua đó đã truyền tải được những kiến thức giáo dục sức khỏe của ông. Cuốn sách Có Một Con Mọt Sách cũng vậy, vẫn giọng văn hóm hỉnh kèm theo tranh minh họa rất dễ thương và sinh động, từng lời khuyên của ông rất dễ nhớ và dễ học theo. Với sách này cha mẹ có thể vừa đọc vừa giảng giải cho trẻ, rất thích hợp để đọc khi trẻ lên giường chuẩn bị ngủ. Mong BS Đỗ Hồng Ngọc sẽ có nhiều cuốn sách hay như sách này.

 

Độc giả Phạm Hương nhận xét về tác phẩm Có Một Con Mọt Sách

Cuốn sách giúp ích nhiều cho đời sống bởi vì liên quan đến sức khỏe là điều không nên bỏ quên . Có nhiều câu chuyện bảo vệ sức khỏe và cách phòng tránh bệnh tật . Điều mà ít người có thể hiểu rõ về nó thì bác sĩ đưa ra khá đầy đủ . Cái nhìn sâu sắc thể hiện sự quan tâm đến trẻ thơ của ông giúp cho sự phát triển toàn diện mà không bị xâm nhập vào cơ thể những vi khuẩn môi trường tự nhiên, đưa ra khái niệm về căn bệnh nên được nhiều người quan tâm đến.

(25.3.2021)

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Thầy thuốc và bệnh nhân, Đọc sách

Bs Phạm Nguyên Quý: “Dược tính” trong tâm

03/02/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

“Dược tính” trong tâm

Bs Phạm Nguyên Quý (*)

 

Tôi từng khóc thầm vì bài học mà bệnh nhân của tôi đã vô tình dạy bác sĩ.

Tôi vẫn nhớ như in lần khám với bà, bệnh nhân 70 tuổi không may mắc ung thư tụy di căn phổi. Bà có nhiều dịch tích trong ngực, còn gọi là tràn dịch màng phổi, và cần chăm sóc giảm nhẹ. Bốn tháng trước, bà còn bị thêm di căn da – thành ngực, liên quan tới thủ thuật đặt ống thông để giảm dịch ngực ở một bệnh viện khác. Vì đau ở thành ngực, bà cũng đã được xạ trị vào khối u. Cơn đau được khống chế một thời gian, khi bị đau lại, bà được giới thiệu tới bệnh viện của tôi bởi gần nhà.

Chúng tôi nói chuyện thăm hỏi ban đầu khá vui vẻ, nhưng khi tôi sờ vào cục u trên da để thăm khám, bà đột nhiên bật khóc. Tôi hơi hoảng, liền hỏi ngay tại sao.

“Bàn tay bác sĩ ấm làm tôi dễ chịu quá”, bà nói. Bà thật tình kể tiếp một chuyện bất ngờ hơn. Đi khám ở các bệnh viện bốn tháng qua, bà không được ai chạm tới chỗ đau đó. Ở đâu, người ta cũng chỉ hỏi bệnh, kê đơn thuốc giảm đau, xem hình chụp CT rồi chỉ cho bà cục u trên màn hình máy tính.

Tôi vừa nghe chuyện vừa nghĩ tới cách giải thích để bênh vực cho những đồng nghiệp bận rộn của mình. Rằng khối u đã quá rõ ràng trên hình ảnh nên bác sĩ nghĩ rằng không cần phải chạm tới, hay bác sĩ bận rộn quá không thể chờ người bệnh kéo áo lên xem. Việc chạm vào cục u thường không thay đổi “chiến lược điều trị”, và có thể bác sĩ cũng đã không có thời gian nghĩ tới cảm xúc của bệnh nhân.

May thay, bà không khóc vì giận bác sĩ mà vì cơn đau dai dẳng tự nhiên mất đi không ngờ. Bà không biết rằng tôi cũng đã khóc thầm sau khi gặp bà, từ bài học mà bà đã vô tình dạy cho bác sĩ. Tôi khóc vì hóa ra bàn tay vụng về của mình lại có thể ý nghĩa đến vậy với một ai đó.

Mấy tháng sau, một bệnh nhân khác nói với tôi rằng cô cũng cảm thấy dễ chịu khi được bác sĩ thăm khám. Tôi thầm cảm ơn cô vì đã giúp các bác sĩ trẻ như tôi thêm động lực. Bệnh nhân vừa là người thầy của bác sĩ, vừa làm nghề thầy thuốc trở nên ý nghĩa.

Hầu hết bệnh nhân thật ra kỳ vọng khá lớn vào việc được bác sĩ thăm khám trực tiếp. Hầu hết họ vẫn nghĩ rằng bác sĩ phải sờ – nhìn – gõ – nghe hoặc ít nhất “sờ vào người” thì mới gọi là “đi khám”. Cho dù các chỉ số như huyết áp, nhịp tim đã có y tá lấy bằng máy hoặc đo tự động, nhiều bệnh nhân ở Nhật nói với tôi rằng họ vẫn muốn được bác sĩ bắt mạch “truyền thống” dù chỉ vài giây. Trong bối cảnh phòng khám bận rộn, nhu cầu “kinh điển” này có thể khó thực hiện, nhưng tôi luôn tự nhắc mình để không làm bệnh nhân buồn lòng.

Lần khác, tôi có duyên gặp một bệnh nhân bị khó thở vì ung thư phổi kèm tràn dịch màng phổi. Các bác sĩ trước đó đã nói với bà rằng khó thở vì “phổi đã ngập nước”. Sau khi gõ và nghe tiếng phổi của bà, tôi cười, nói với bà rằng dịch chỉ chiếm 1/3 ngực và 2/3 còn lại “vẫn chạy tốt”. Bà bớt khó thở ngay chiều hôm đó.

Thật khó tin, một bệnh nhân vẫn than khó thở với thuốc an thần, morphine liều tối ưu lại khỏe hơn chỉ nhờ một câu nói. Khó tin hơn, bà cũng đã là người nhận dự đoán “có lẽ chỉ còn sống tầm sáu tháng”, nhưng rốt cuộc sống lâu gấp bốn lần.

“Chính bác sĩ còn chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với họ vào ngày mai, sao có thể dự đoán chính xác thời gian sống của bà?”, bệnh nhân cười phá lên gật gù khi tôi nói tiếu lâm như vậy.

Bằng việc vực dậy niềm tin, tinh thần của bà đã cải thiện rõ rệt. Với một số biện pháp khác như thay đổi tư thế nằm, ngồi cho dễ chịu hơn, dùng thêm các dụng cụ hỗ trợ để bà tập trung vào hiện thực và tiếp tục sở thích đan len, chúng tôi đã giúp bà đã sống thêm một thời gian ý nghĩa.

Nói chuyện với bệnh nhân, nhất là người mắc ung thư giai đoạn cuối, là cả một nghệ thuật. Nhiều người hỏi rằng như vậy có gọi là nói dối bệnh nhân hay không?

Khi ly nước chỉ còn 1/3, tuyên bố “mất hết 2/3 rồi” hay “vẫn còn 1/3 đấy” không thay đổi sự thật phũ phàng, nhưng có thể thay đổi nhận thức về cuộc sống của người bệnh. Bệnh nhân không chỉ đau khổ vì sự thật, mà còn đau khổ vì cách diễn giải sự thật đó. Đôi khi, đau khổ là do chính người bệnh hoặc người thân tự ám thị, tự liên tưởng mà bác sĩ phải là người nhận ra và giải quyết những khúc mắc thầm kín đó.

Một bác sĩ đàn anh nói với tôi rằng điều này đã được viết trong Kinh Dược sư từ mấy nghìn năm trước. Người thầy thuốc cần uốn lưỡi bảy lần khi nói chuyện, với tâm thanh tịnh cầu nguyện sự tốt lành cho bệnh nhân. Nghe thật mơ hồ, nhưng những điều Đức Phật dạy không phải không có lý.

Nhiều bệnh nhân ở Việt Nam nói với tôi rằng, cũng là loại thuốc đó nhưng khi gặp được bác sĩ ân cần quan tâm, giao tiếp bằng thân, khẩu, ý tốt đẹp thì họ thường tự tin hơn vào kết quả điều trị.

Đức Bồ tát Phổ Hiền từng nói với đồ đệ rằng: “hãy vào rừng, tìm những loại cỏ cây không phải là thuốc mang về đây cho ta”, ngụ ý rằng cái gì cũng là thuốc mà cũng không phải là thuốc. Tất cả phụ thuộc cách dùng và hiệu quả còn phụ thuộc vào “dược tính” trong tâm mỗi người. Ai cũng có khả năng trở thành Phật dược, chính là bởi dược tính trong tâm mình.

Tôi viết những dòng này khi thế giới đang hoang mang vì dịch bệnh. Trong thời buổi vật chất được ưu ái, thông tin lan tràn trên mạng, nhiều bệnh nhân dễ bị lung lạc bởi các “bài thuốc” hay “điều trị tiên tiến” qua Youtube, Facebook, Google hoặc nghĩ rằng phải chụp chiếu bằng máy móc hiện đại mới yên tâm. Lời nói của bác sĩ nhiều khi không được xem trọng. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng sẽ có lúc người ta nhận ra, không gì thay thế được giá trị của “dược tính” trong mỗi người thầy thuốc.

“Tiền bạc, danh vọng có thể là mục tiêu mà nhiều người hướng đến trong thời gian ngắn, nhưng nuôi dưỡng được dược tính mới là yếu tố giúp bình an lâu dài”, thầy tôi, một người Nhật, nói với chúng tôi như vậy.

Phạm Nguyên Quý

(*) Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyên Quý hiện là bác sĩ điều trị tại Khoa Ung thư nội, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren; nghiên cứu viên tại Khoa Y, Đại học Kyoto.

(Nguồn: https://vnexpress.net/tac-gia/pham-nguyen-quy-1356.html)

 

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Thầy thuốc và bệnh nhân

Về một cuốn sách… xưa: “SỨC KHỎE GIA ĐÌNH”

25/05/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Về một cuốn sách… xưa:

“Sức Khỏe Gia Đình”

Ghi chú: Cô Khánh Tâm, ở báo Phụ Nữ Tp.HCM hôm rồi muốn tôi kể lại vài chuyện liên quan báo Phụ Nữ Tp.HCM nhân dịp Kỷ niệm 45 năm thành lập của báo. Tôi đã gởi cô vài tư liệu để tùy nghi.

Năm 2008-2009, suốt hai năm liền, mỗi tuần tôi viết cho báo Phụ Nữ Tp.HCM một bài ngắn (quy định 600 chữ), Mục GIA ĐÌNH VUI KHỎE. Đây là một Mục được đánh giá “ăn khách” lúc đó, đăng ngay ở trang nhứt của báo, với một hình minh họa rất dễ thương.

Sau, tôi tập hợp lại, hoàn chỉnh, in thành cuốn SUC KHOE GIA ĐÌNH do Nhà xuất bản Tổng hợp TP. thực hiện. Sách được giới thiệu ngay trong Hội sách 2010 và cũng đã được tái bản nhiều lần.

Chuyện cũ, đã hơn mười năm rồi, nhưng Sức Khỏe Gia Đình vẫn thực sự còn có giá trị vì đề cập vấn đề sức khỏe một cách toàn diện, không chỉ đơn thuần là y tế, bệnh tật…

Một cô giáo ở Trà Vinh, Lê Uyển Văn viết một bài nhận xét rất thú vị (2010) và mới đây, Trần Thiên Dũng ở Canberra Úc (2020) vừa viết bức thư “cảo thơm lần giở” cũng vui vui…

Xin được chia sẻ.

ĐHN

 

 

11/03/2010

Lời Ngỏ cuốn “Sức Khỏe Gia Đình” (2010)

Ta đang sống trong một thời đại ngộ nghỉnh. Thực phẩm béo bổ ê hề, sẵn sàng dụ dỗ ta làm cho ta… béo phệ để sinh ra vô số bệnh tật, rồi cạnh đó, lại mở ra nhiều bệnh viện, nhà thuốc để cứu vớt ta, chăm sóc chữa trị cho ta. Cũng vậy, bia rượu thuốc lá tràn lan, sẵn sàng dụ dỗ ta làm cho ta… gặp đủ thứ tai nạn thương tích, ung thư này nọ rồi cạnh đó tổ chức cấp cứu chấn thương, đặt thêm giường bệnh… Cuộc sống tốc độ, đầy cạnh tranh, căng thẳng, mọi người hùng hục lao vào kiếm tiền cho thật nhiều, phung phí sức khỏe, để rồi dùng tiền đó phục hồi sức khoẻ…

Y học ngày càng tiến bộ, kỹ thuật ngày càng cao, thuốc men ngày càng nhiều thì… bệnh tật cũng ngày càng phát triển, gia tăng, đôi khi đe dọa cả hành tinh…

Các nghiên cứu cho thấy khi fastfood tiến từ Bắc Mỹ xuống Nam Mỹ thì đồng thời béo phì và bệnh tật cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Khi thuốc lá, rượu bia bị hạn chế, cấm ngặt ở các nước phát triển thì họ đẩy mạnh sản xuất ở các nước nghèo khó…Rồi bò thì điên, heo thì tai xanh, trâu dê thì lở mồm long móng, rau trái đầy hóa chất, thuốc trừ sâu, sữa cho trẻ con cũng chẳng an toàn, bánh mứt hạt dưa đầy đe dọa… Rồi đây khi cây rừng không còn xanh lá, Oxygen cũng không còn đủ, khí quyển nóng dần lên, ngột ngạt, mọi người sẽ cùng khò khè khó thở và lúc đó Oxygen được giành giật cho vào bình để bán. Trốn chạy vào đâu?

Đó chính là lúc bản thân ta, gia đình ta phải tự cứu lấy mình… trước khi trời cứu!

Bởi chỉ có gia đình mới có thứ tình yêu thương đích thực, mới là bóng mát chở che cho mỗi thành viên. Bởi chỉ có gia đình mới có thể đem lại sự sảng khoái (well being) về thể chất, tâm thần và xã hội, để từ đó mà có được niềm vui và hạnh phúc. Một cách hít thở đơn giản, một cách rèn luyện thân tâm không tốn kém thời gian… đủ đem lại sự sảng khoái, thong dong cho cuộc sống bộn bề. Một bữa cơm sum hợp, lành mạnh, đạm bạc trong thời buổi ngộ nghỉnh này… đủ đem lại sức khỏe, niềm vui cho mọi người trong gia đình.  Sức khoẻ, niềm vui không phải tự trên trời rơi xuống, không phải bỗng dưng mà có vậy!

Tôi chân thành cảm ơn báo Phụ Nữ Tp.HCM trong suốt hai năm qua đã dành cho tôi một góc Gia đình vui khỏe, ở đó tôi có dịp được lắng nghe, được chia sẻ cùng bạn đọc gần xa, và nay tập hợp, sắp xếp lại để hình thành tập sách nhỏ này gởi tới bạn bè. Tôi cũng cảm ơn NXB Tổng hợp Tp.HCM đã giúp cho tập sách kịp thời ra mắt trong dịp Hội sách Tp.HCM năm 2010.

Trân trọng,

  1. Đỗ Hồng Ngọc

……………………………………………………….

 

“Sức khỏe gia đình” – Cuốn sách của mọi nhà

31/03/2010

Ra mắt bạn đọc lần đầu tiên tại Hội sách TP.HCM năm 2010, cuốn sách “Sức khỏe Gia đình” của BS Đỗ Hồng Ngọc vẫn còn “nóng hổi”. Thế nhưng với những ai yêu quý vị bác sĩ này cũng như quan tâm  đến những bài viết của ông sẽ dễ dàng nhận thấy tập sách “Sức khỏe gia đình” là tập hợp những bài viết suốt hơn 2 năm qua (2008-2009) trong chuyên mục “Gia đình vui khỏe” rất “ăn khách” của ông trên báo Phụ nữ TP.HCM .

Nhận xét về  cuốn sách này, Dược sĩ Phan Minh Tịnh viết: “Đây là một quyển sách cần thiết cho mỗi gia đình. Với lời văn giản dị, dễ hiểu, sẽ giúp người đọc tiếp nhận dễ dàng các kiến thức về y khoa, hầu biết cách phòng ngừa và đối phó với một số bệnh tật thông thường”…

 

                                     Quang cảnh buổi giao lưu tại Hội sách Tp.HCM 2010.

Khi tập hợp thành sách, những bài viết này đã được sắp xếp lại theo một tổng thể nhất quán có chủ đề từ những bài viết rời rạc. Là bác sĩ nhưng văn phong trong từng bài viết của ông không hề “hàn lâm” mà ngược lại rất giản dị, gần gũi, sống động và dễ hiểu… nên từ giới bình dân đến trí thức đều có thể “lĩnh hội” được.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ký tên sách cho độc giả (tại Hội sách Tp HCM 2010)

Cuốn sách “Sức khỏe gia đình” phản ánh nhiều vấn đề xã hội “nóng” thông qua các vấn đề sức khỏe. Từ chuyện ăn uống, thuốc lá, rượu bia, sức khỏe tâm thần đến cả việc thi rớt, chứng khoán, kẹt xe, lô cốt… đều được tác giả vẽ ra hết sức sinh động. Một cuốn sách gối đầu giường của chúng ta lúc ốm đau hay cả khi đang khỏe mạnh để vui khỏe hơn và yêu đời hơn.

K.T

…………………………………….

Lê Uyển Văn (Trà Vinh)

07/04/2010

 

Hạnh phúc của người mẹ ở cuối ngày là được nhìn con mình trong giấc ngủ, hơi thở nhẹ nhàng, khuôn mặt thanh thản như thoáng nét cười; hạnh phúc nhiều hơn khi nhìn thấy bên gối con là một cuốn sách. Tôi đang hưởng niềm hạnh phúc ấy, lòng vui râm ran khi nhìn thấy “các chàng trai” chuyền nhau đọc cuốn “ Sức khỏe gia đình” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Không vui sao đựơc, khi tôi biết từ cuốn sách này các con tôi ( cả gia đình tôi) sẽ học được nhiều điều. Trước nhất, chúng hiểu rằng “chỉ có gia đình mới có tình yêu thương đích thực, mới là bóng mát chở che cho mỗi thành viên…”, hiểu được điều giản dị : FAMILY là Father And Mother I Love You !

Cuốn sách dày trên 300 trang, gói hành trình của đời người bằng những điểm trọng yếu nhất trong mỗi giai đoạn . Vẫn là phong cách của Đỗ Hồng Ngọc, con chữ của Đỗ Hồng Ngọc – lấp lánh yêu thương – sao như lần đầu được gặp, chúng tôi đọc mải miết, những kiến thức đã từng biết bỗng trở nên gần gũi và sống động lạ thường.

Không đúc kết nào gọn gàng hơn “ BUSĂC” – phổ biến những điều căn bản nhất để nuôi con sao cho khỏe mạnh. Không cách so sánh nào cụ thể, dễ nắm bắt mà xúc động hơn cách hướng dẫn làm dung dịch như Oresol tại nhà : “…pha xong nếm thử thấy nó y như nước mắt là được / Nước mắt ở đâu mà thử?/ Thì bà mẹ nào có con tiêu chảy cấp mà không khóc chứ ?”. Cũng không gì thuyết phục hơn khi khuyên mẹ tự làm thức ăn cho con: “Bây giờ có nhiều thức ăn làm sẵn / Phải, nhưng không có thứ “tình thương” làm sẵn nào cả !”….

… “ Mẹ cứ kỳ vọng vào con đi” ,“ Có hiểu mới thương” ,“ Quân tử “trả thù” mười năm chưa muộn” “ Thương nhớ…đòn roi” …đều là những “ Bài học quý giá” mà tôi, các con tôi đang rất cần. Có những điều, tôi không sao nói được với con mình thì tác giả đã nói hộ rồi, tôi chỉ cần hỏi “ con đã đọc “bài học quý giá” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chưa?”, con đáp “ dạ, rồi !” ,tôi nghe như trút vài gánh đá, đọc rồi nghĩa là con hiểu con phải làm gì để đối diện với kỳ thi đang rất gần kề.

Có ai như tôi không, từng tuổi này mới vỡ lẽ ra “khi nào thì người ta có thể bắt đầu yêu?”. Đó là khi biết yêu chân chính. “ Tình yêu thứ thiệt” phải thứ tình giúp ta thêm năng lực, thêm yêu quý cuộc đời; thúc đẩy ta giỏi giang hơn, hăng say hơn trong công việc ; giúp ta có khả năng chấp nhận, tấm lòng rộng mở, chứ không phải muốn chiếm hữu hay chuyển hóa người mình yêu ; giúp ta tăng lòng tự trọng, tin cậy lẫn nhau, đối với nhau chân thành và có trách nhiệm….Tôi học được điều này một cách muộn mằn từ những trang sách về sức khỏe !

Tôi vẫn chưa nghiền ngẫm hết cuốn sách “ Sức khỏe gia đình” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhưng tôi nóng lòng muốn chia sẻ với mọi người về cuốn sách rất xứng đáng nằm ở nơi trang trọng trong tủ sách của mọi gia đình nên viết bài này. Cũng như ngày mai, tôi sẽ đọc cho học sinh của mình nghe “ Ai bảo chăn trâu là khổ?”. Rất mong trời mau sáng, để chóng đến ngày mai…..

…………………………

Trần Thiên Dũng (Canberra, ÚC)

30/03/2020

 

Cảo thơm lần giở

lá thư Úc Châu
Anh Ngọc ơi
Hổm rày truyền hình,báo chí Úc loan liên tiếp các biện pháp của chính phủ nhằm khuyến khích mọi người chung sức vượt qua khó khăn về sức khỏe, kinh tế, lẫn tinh thần để do COVID-19 tạo nên.
Tình cờ em lấy trên kệ sách quyển “Sức Khỏe Gia Đình” của anh xuất bản cuối tháng 3 năm 2010. 10 năm rồi còn gì!
Lần giở ra lại nhằm ngay bài viết “Cúm và những câu hỏi nóng bỏng”. Anh trả lời hai câu hỏi nóng bỏng 1) Nên hay không nên mang khẩu trang? và 2) Nên hay không nên làm xét nghiệm.
Cứ như xin xăm ấy. Những hàng chữ dí dỏm trả lời thật dễ hiểu, hết lo.
Anh lại khuyên thêm làm nhẹ cả người: “Bệnh cúm đã có từ nhiều ngàn năm trước và sẽ tiếp tục nhiều ngàn năm sau. Có điều khi virus cúm thay hình đổi dạng mà ta chưa kịp thích nghi, chưa có sức đề kháng thì ta bị bệnh. Đã có những trận dịch cúm xảy ra trong lịch sử y học. Sau đó là một giai đoạn “sống chung hòa bình”.
Mong cho hòa bình sớm tới, anh nhỉ.
Mừng 10 năm “Sức Khỏe Gia Đình” ra đời
Cám ơn hiền huynh nhiều lắm.

ngu đệ xứ Úc

dũng
Canberra 30 tháng 3 năm 2020

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Ở nơi xa thầy thuốc, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Thầy thuốc và bệnh nhân

Bs Lê Quang Khánh: CÔ VI Ở ÚC (tiếp theo)

31/03/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

CÔ VI Ở ÚC (tiếp theo)

Lê Quang Khánh

Ngày 26 tháng 3. Ở Victoria có 520 người bị nhiễm,  3 người chết.  Thảo cầm viên đóng cửa. Tin trên TV cho biết công ty thương  mại Myers, có từ 120 năm nay, đóng cửa, sa thải hàng chục ngàn nhân viên. Cơ  quan thất nghiệp Centre Link người  người sắp hàng thật dài chờ ghi tên thất nghiệp và lãnh phụ cấp trả tiền mướn nhà ở, tiền ăn. Thật là lạ vì có thể đăng ký thất nghiệp qua mạng tại nhà, mà sao phải sắp hàng cả ngày vậy, lỡ bị lây nhiễm thì sao. Ờ, mà đâu phải ai cũng xử dụng được mạng đâu. Tiền không có, việc tìm không ra, thì chờ chết đói trước khi chết ngộp vì Cô Vi à?.

Đường thì vắng, nhưng cũng còn xe. Tiệm ăn thì đóng, dù không được ngồi ăn nhưng mua và mang thức ăn đi thì được. Các siêu thị lớn nhỏ vẫn mở và không đông khách quá. Giá có lên chút ít vì không cần có giá cạnh tranh. Cửa hàng kho Bunning, bán đồ xử dụng trong nhà và ngoài vườn, bỗng tấp nập, vì người ta sợ  có lệnh đóng cửa. Kết quả là phải xếp hàng, vì chỉ được tụ hợp dưới 100 người,  4 mét vuông một người,  2 người ra cửa thì 2 người vào.

Trời nóng ấm nên bải biển St Kilda đông đúc. Ngày mai hay mốt bải biển sẽ bị đóng luôn.

Trên TV thủ tướng Anh và 2 nhân viên y tế cao cấp bị nhiễm Cô Vi. Vậy mà họ vẫn “phớt tỉnh Ăng Lê” la lên là họ dương tính với  Cô Vi nữa chớ, là làm việc ở nhà và lảnh lương đủ? Không hiểu họ khôn hay dại chớ có mấy ông lớn cỡ đó ở mấy nuóc khác, họ giấu, giấu kín mít. Nghĩ cũng hay chớ mấy ông lớn Anh nói , tôi cũng bệnh quí vị coi chừng, hay nôm na là, qua mà bệnh thì bậu cẩn thận nhe. .

Chủng ngừa thì được, nhưng đâu có chắc vì Cô Vi 19 biến dạng thành Cô Vi 20, 21…rồi thành Cô Gi…à 69 thì sao?

Ngoài khơi của Úc có 4 thuyền du lịch mà chuyện cập bến bị rắc rối vì có người nhiễm và có người bệnh nặng. Đi chơi vui mà bị nhốt trong phòng của thuyền, không biết bao giờ bị bệnh, bao giờ được xuống thuyền, thì mất vui, mà rầu thúi ruột.

Nhân viên làm việc trên thuyền bị nhiễm bệnh khá đông vì phải ở chung nhiều người 1 phòng. Hơn 200 người Đức được chánh phủ  Đức mướn phi cơ cho hồi hương. Người Úc hay khách trên thuyền bệnh  nặng thì được xuống thuyền, được điều trị và bị cách ly.

Chỉ còn 2 giờ  nữa thì tất cả người Úc trở  về từ ngoại quốc sẽ bị/được chở từ phi trường đến 1 khách sạn ở Melbourne để  cách ly. Họ ở trong 1 phòng trong thời  gian 14 ngày, miễn phí, có ăn uống, TV, và ở ngoài cửa có lính, cảnh sát, và an ninh khách sạn gác. Hiện trên 2/3 trường hợp  nhiễm là dân về từ  ngoại quốc. Biện pháp cách ly cưỡng bách, tập trung trong các phòng kiểu nầy Úc đi sau hơn nhiều nước rồi. Đây là lần đầu tiên được chánh phủ tiểu bang Úc cho ăn ở miễn phí trong khách sạn 4 hay 5 sao. Vậy mà tại sao không ai vui vậy?

Ở Melbourne người Úc người Âu dù đi ngoài đường hay trong siêu thị đều không mang khẩu trang làm mình nhìn thấy thoải mái hơn. Ở khu người Hoa,  người Á châu nhân viên bán hàng đều đeo khẩu trang còn nguòi đi đường  hay khách hàng phần lớn đeo khẩu trang. Cùng một chỗ mà 2 văn hóa khác nhau. Còn mình hả, mình là người vốn đa văn hóa nên trong túi lúc nào cũng mang theo khẩu trang. Khi vào khu nhiều người Úc người Âu thì giữ khẩu trang trong túi, nhìn quanh thấy như thường, nên yên tâm, thoải mái. Vào khu người Hoa, người Á châu, thì mang khẩu  trang vào mà cảm thấy yên tâm nhưng hơi khó thở hơn. Nhập gia tùy tục, hay đi với  Phật mặc cà sa, đi với  ma mặc áo giấy mà.

Cô Vi ảnh hưởng  đến công ăn việc làm,  kinh tế, thị trường buôn bán, lưu thông mà còn đến sản xuất nửa. Một hảng sản xuất mỹ phẩm chuyển sang làm khăn ướt  sát trùng. Sản phẩm nội địa được bán chạy hơn. Hàng hóa nhập cảng thì mắc hơn vì đô Úc giảm giá.

Mấy đứa con sợ ba mẹ già dễ bị lây nhiễm nên không cho đi chợ. Ba mẹ làm danh sách đưa tụi nó đi chợ mua thực phẩm. Đem bao thực phẩm về để ngoài cửa và gọi điện thoại cho hay. Ba mẹ bước ra khỏi cửa thì không cho tới gần, rồi dặn kỹ phải để  bao thực phẩm ngoài cửa 2 hay 3 giờ mới được đem vô nhà. Vì không phải ở cao ốc chung cư nên không sao, chớ có thể lần mở cửa sau, bao bì không còn và phải đi chợ thêm lần nữa.

Hãng xưởng, công ty, nhà hàng trường  học đóng cửa hết. Cha con chồng vợ sum hợp cùng nhà. Trời thu mà nắng ấm 26 đến 29 độ. Lá vàng, lá đỏ rực rỡ tuyệt đẹp làm sao dân Úc ở nhà được. Bờ biển St Kilda gần thành phố nên đông đúc nguy hiểm lây lan nên bị đóng cửa thì đổ ra các nơi  xa hơn,  từ Angle Sea đến Port Campell vui chơi.  Nướng thịt trên lò điện, ăn BBQ trong công viên thiệt là vui nhộn như những ngày lễ  lớn, chỉ khác là phải giữ khoảng cách an toàn và không tụ tập thành nhóm. Gia đình đi pinic trên bải cỏ gần bờ biển . Ông bà đi xe riêng và không đụng đến mấy cháu khi đang picnic. TV chiếu xe cộ đậu đầy , dài theo con đường như mùa hè mỗi năm vui ơi là vui. Cũng nhờ Cô Vi, cha mẹ nghỉ việc, con cái nghỉ học, gia đình đoàn tụ và trời ấm đẹp quá, không đi biển sao được. TV  cũng chiếu bà con ở chung cư ra hành lang ca hát, nhảy múa như bên Ý. TV nói thêm, lượng rượu sử dụng tăng lên 40%. Không phải rượu sát trùng chùi tay đâu, rượu  uống đó. Uống cho vui, cho giải sầu, giảm lo mà. Không uống nhiều thì vui, uống nhiều thì say sỉnh bạo hành gia đình, nhất là khi việc làm không có, thức ăn, đồ dùng khan hiếm. Dịch kéo dài bạo hành vượt  khỏi  nhà, ra đường phố , vào thành phố, lan ra cả nước,  trần gian biến thành địa ngục. Bởi vậy chúng sanh… Úc, không biết khổ, tưởng là vui, lặn ngụp trong si mê, trầm luân đau khổ, bệnh hoạn… biết chừng nào thoát.

Bởi  vậy, thủ tướng Úc và nội các, các thủ  hiến họp nhau hàng ngày kêu gọi ở nhà, cách ly. Khuyến cáo các bô lão trên 70, không ra khỏi nhà, Cô Vi thấy được vật cho nín thở luôn. Tổ  chức giúp đỡ  người lớn tuổi và cô đơn với những kiện hàng nhu yếu phẩm, hay các bữa ăn làm sẵn, giao tận nhà. Bs Đỗ Hồng Ngọc nói “Thời  bây giờ tốt nhứt là Độc cư, Thiền định, Kham nhẫn, Tri túc”. Chắc ông thủ tướng Úc với  Bs ĐHN biểu mình ở nhà vì mình hơn 70 rồi?

Úc có 4000 người bị nhiễm, 16 người chết phần lớn là các bô lão. Hơn 2 phần 3 người  nhiễm là từ ngoại quốc trở về  Úc. Số  tử vong trên thế giới là 30,000. Đó là số chánh thức.

Ngày 30 tháng 3, TV chiếu những hành khách xuống phi trường Úc, đi qua máy hồng ngoại để được xem thân nhiệt, khai báo sức khỏe, gặp y tá, được đưa lên xe buýt. Cảnh sát, quân đội hộ tống đưa về khách sạn. Cuộc hành trình từ phi trường về khách sạn tốn hơn 3 giờ. Hành khách mang khẩu trang, cảnh sát mang kiếng trong bảo vệ ( protective glasses) mà không có khẩu trang, quân đội thì không đeo gì hết. Không hiểu tại sao mà khác nhau vậy. Hành khách đi trên phi cơ trống trơn, 1 người ngồi 2, 3 hàng. Nếu đi từ Mỹ về Úc thì tốn 16 đến 19 giờ, đến Úc hành khách chỉ  muốn về nhà mà thôi. Có người than vãn là phòng nhỏ, là mất tự do, bị giam cầm trái luật… Họ chưa bị kẹt trên du thuyền, chưa kẹt ở ngoại quốc mà không ra được, hay bị bệnh phải nằm nhà thương ngoại quốc… nên chưa biết hết.

Dân chúng liên lạc nhau bằng điện thoại cầm tay, vi tính, photo, video, Apps, khám bệnh qua màn hình Tele GP , nhảy múa ca hát qua web sites .

Chương  trình tin tức TV cũng bị ảnh hưỡng. Ngoài chuyện Cô Vi ra thì không có tin tức về đánh lộn cả băng, không có ăn cướp vì tiệm đóng cửa, không có tai nạn giao thông vì dân chúng ở nhà và đường trống trơn…

Ngày xưa, thấy cô em nhỏ  bé xinh xinh, nên đem vào lòng , đem vào nhà,  sau bị nhức tim, long não. Bây giờ, cô Vi trẻ trung, hết sức nhỏ bé, tí ti, đem vào người,  mang vào nhà nên nhức đầu,  đau phế phổi, sanh ngột ngạt. Đừng thấy nhỏ mà khinh dễ, không coi chừng, chết nín thở không kịp ngáp đó.

Ngày xưa nghe chửi “Thằng mắc dịch, đi chỗ khác chơi ” hay ” Đồ già dịch, không nên nết, chết đâu chết hắc cho rồi”.  Tưởng là chửi  nhẹ nhẹ thôi, gay gắt ít thôi. Bây giờ,  qua gần hết cuộc đời,  mới  hiểu dịch là thế nào. Mới biết mấy câu chửi là chửi  nặng.

Thằng mắc dịch mà ho thì mình chạy chỗ khác thiệt lẹ. Ông già mắc dịch, khỏi  cần trù ổng cũng chết.

Cô bé hàng xóm ho dữ quá. Ngày xưa, tiếng ho sao thánh thót, dễ thương.  Bây giờ nghe sao rờn rợn như  tiếng Cô Vi mời  gọi. Chạy lẹ vào nhà, đóng cửa kín. Thở đều, bình tĩnh rồi bèn đọc:

Cô vô, cô vô, tất bệnh, tất bệnh.

Cô ra, cô ra, khỏe ra, khỏe re.

Xa ta ra, xa ta ra 

Xa thiệt xa, thiệt là xa.

Liền thấy  tâm yên.

 

(LQK, Melbourne 31.3.2020)

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Thầy thuốc và bệnh nhân

Thư bạn xa xôi: Cảo thơm lần giở

31/03/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

30/3/2020-lá thư Úc Châu

Cảo thơm lần giở


Anh Ngọc ơi
Hổm rày truyền hình,báo chí Úc loan liên tiếp các biện pháp của chính phủ nhằm khuyến khích mọi người chung sức vượt qua khó khăn về sức khỏe, kinh tế, lẫn tinh thần do COVID-19 tạo nên.
Tình cờ em lấy trên kệ sách quyển “Sức Khỏe Gia Đình” của anh xuất bản cuối tháng 3 năm 2010.

Mười năm rồi còn gì!
Lần giở ra lại nhằm ngay bài viết “Cúm và những câu hỏi nóng bỏng”. Anh trả lời hai câu hỏi nóng bỏng 1) Nên hay không nên mang khẩu trang? và 2) Nên hay không nên làm xét nghiệm?
Cứ như xin xăm ấy. Những hàng chữ dí dỏm trả lời thật dễ hiểu, hết lo.
Anh lại khuyên thêm làm nhẹ cả người: “Bệnh cúm đã có từ nhiều ngàn năm trước và sẽ tiếp tục nhiều ngàn năm sau. Có điều khi virus cúm thay hình đổi dạng mà ta chưa kịp thích nghi, chưa có sức đề kháng thì ta bị bệnh. Đã có những trận dịch cúm xảy ra trong lịch sử y học. Sau đó là một giai đoạn “sống chung hòa bình”.
Mong cho hòa bình sớm tới, anh nhỉ.
Mừng 10 năm “Sức Khỏe Gia Đình” ra đời
Cám ơn hiền huynh nhiều lắm.

ngu đệ xứ Úc

dũng

………………………………………….

Đỗ Hồng Ngọc- Trần Thiên Dũng- Tuyết Nông
tại Canberra 10-2019

Ghi chú: dũng “ngu đệ xứ Úc” là Trần Thiên Dũng và vợ là tuyet nong ở Canberra mà kỳ rồi đi Úc, tôi có dịp ghé thăm để hỏi về “mô hình bệnh tật” xứ Kanguru này, chuẩn bị cho buổi Nói chuyện của tôi tại chùa Quang Minh Melbourne. Dũng và Tuyết du học ở Nhật trước 75, sau về làm việc ở Canberra Úc hơn 30 năm nay. Hai mươi năm trước, chúng tôi có dịp gặp nhau ở Saigon, cùng gia đình đi chuyến về Hà Tiên năm đó. Tôi còn nhớ chúng tôi có ghé Long Xuyên, thăm nhà học giả Nguyễn Hiến Lê, rồi khi ở Hà Tiên, có ghé thăm Nữ sĩ Mộng Tuyết Thất tiểu muội, phu nhân nhà thơ Đông Hồ. Lần đi đó, Dũng thấy anh em rất hợp ý nhau nên lúc thăm Hòn Phụ tử ở Hà Tiên, Dũng bảo mình kết nghĩa với nhau đi anh Ngọc nhé. Dũng nhỏ hơn tôi 6 tuổi làm em. Đây là người anh em kết nghĩa duy nhất của tôi cho đến bây giờ. Thường viết cho nhau, tôi gọi Dũng “hiền đệ”, nhưng Dũng không chịu, cứ xưng là “ngu đệ”. Thôi kệ. Mình thành “ngu huynh” vậy.

Dũng tình cờ giở lại cuốn “Sức Khỏe Gia Đình” của tôi, in tháng 3 năm 2010 và giống như “xin xăm” lại trúng ngay bài viết về Cúm của tôi. Lúc đó, ngoài HIV/AIDS còn có Cúm A H5N1 đang bùng phát dữ dội. Tôi viết bài “Cúm ơn là Cúm” trên www.dohongngoc.com để thông tin thêm cho bà con bớt hoang mang (ngày 30.7.2009), sau in lại trong cuốn Sức khỏe gia đình (Nxb Tổng hợp Tp.HCM).

 

://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/cum-oi-la-cum/

 

Dĩ nhiên, Cúm H5N1 còn “dễ thở” hơn Covid-19 bây giờ. Covid-19 đã trở thành một đại dịch toàn cầu (Pandemic) và gây tử vong rất cao. Các biện pháp phòng bệnh như cách ly cộng đồng, buộc mang khẩu trang tuyệt đối, giữ khoảng cách 2m v.v… là rất thiết yếu để phòng tránh bệnh cá nhân và giảm lây lan. Các xét nghiệm cũng rất cần thiết để giúp chẩn đoán và giám sát bệnh. Hiện có 2 loại xét nghiệm là tìm kháng nguyên (antigène) và tìm kháng thể (anticorp) có ý nghĩa khác nhau nhưng rất cần thiết. Tuyệt đối làm theo lời hướng dẫn chính thức của Y tế và không nên tin những thông tin rất linh tinh về chữa bệnh trong thời đại gọi là “infodemic” (dịch thông tin) có thể gây nguy hiểm.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Thầy thuốc và bệnh nhân

thư Bs Lê Quang Khánh: “CÔ VI Ở ÚC”

27/03/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

CÔ VI Ở ÚC

Bs Lê Quang Khánh

Ghi chú: Bác sĩ Lê Quang Khánh là người bạn thân thiết, đồng môn với tôi ở Y khoa Đại học đường Saigon (khóa 1962-1969) hiện cư ngụ tại Melbourne, Australia. Vừa rồi, chúng tôi có dịp gặp nhau ở Úc và tôi có ghi lại trong loat bài “Úc du…Một chuyến” (https://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/uc-du-mo%CC%A3t-chuyen-ky-3/. ).

Đỗ Hồng Ngọc và Lê Quang Khánh, Melbourne 10.2019

Chúng tôi thường gởi hình ảnh, thư từ cho nhau và gần đây, thư anh viết nhiều về tình hình đời sống trong thời “Cô Vi” ở Úc.

Xin được chia sẻ cùng bè bạn thân quen.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

  

Từ  hôm 20 tháng 3, các cuộc tụ hội trên 100 người  đều bị cấm và tiền phạt là $ Au110.000 . Rồi lệnh cấm xuất ngoại du lịch ban hành. Nếu cho phép chắc cũng chẳng ai dám đi vì chưa chắc đến được và vào được xứ ngoài. Tất cả mọi người từ ngoại quốc trở về Úc đều phải tự cách ly tại nhà 14 ngày. Từ 21 giờ ngày 20 tháng 3, biên giới Úc sẽ đóng cửa. Chỉ trừ những người có quốc tịch Úc hay thường trú Úc mới được vào nước. Có hàng ngàn người Úc bị kẹt lại ở  ngoại quốc vì không ra được xứ đó.  Hiện có 35 thuyền du lịch có người Úc chưa cập bến được .

Nhiều hồ tắm, thư  viện thành phố địa phương đã đóng cửa. Tiệm ăn vắng người và có tiệm đóng cửa luôn. Những tiệm tạp hóa có tiệm đóng cửa vì thiếu hàng hóa hay vì chủ hay nhân viên không muốn nhiễm bệnh vì tiếp xúc với khách hàng.

Trường  học vẫn còn mở cửa, các siêu thị vẫn đông. Chợ vắng người hơn.

Vườn tược thì vẫn xanh tươi . Hoa vẫn nở, ong bướm vẫn lượn bay. Sao mấy Cô không nhập mấy con chuột  mấy con possum cho nhà vườn nhờ! Trong lúc đó, mấy con bọ aphid thường ăn lá non cây hồng, bông bụp, lá hành, hẹ , tỏi mà thôi bây giờ tấn công lá khổ  qua non luôn. Không biết có bị cúm côrona rồi ăn lá khổ qua để tự chữa bệnh hay không. Biết đâu lá khổ qua trị được con corona.

Các hãng máy bay dẹp các chuyến bay, máy bay nằm yên trong sân bay 90%. 80% hay trên 30,000 người bị mất việc. Nhà hàng trống vắng hay đóng cửa.

Trời  nóng ấm và được nghỉ việc nên  bải biển  Bondi beach ở Sydney đầy nghẹt người , hồn nhiên vô tư tắm nắng và giỡn sóng. Thiên hạ cho là đang ở ngoài trời, mà nhiệt độ nóng thì Cô Vi hay Cô Rô không chiếu cố đến đâu.  Nhưng sau hai ngày chính quyền địa phuong đóng cửa  bãi biển. Uổng thiệt! Cô Vi nói.

Cuối tuần ông bà ngoại đến nhà thăm con và cháu. Mấy đứa cháu lúc đang chơi, thấy ông bà ngoại bước vào, 2 đứa chạy thiệt nhanh lên lầu còn đứa nữa chạy không kịp thấy bà ngoại cứ tiến tới gần bèn tròn mắt nhìn và nói “You touch me, you die” (Bà mà đụng cháu cháu, bà chết). Khác với những lần trước bà cháu ôm nhau .

Vợ chồng chở mấy đứa cháu đến thăm ông bà nội. Gặp ông bà nội mấy cháu vẩy tay và nói :”hello”, và tránh chạm mắt với ông bà nội. Chắc sợ bị nhiễm sau khi chạm mắt. Bác sĩ gia đình lên mạng xã-hội khuyên không cho trẻ em tiếpxúc với người già  vì sợ lây bệnh cho người già, họ có sức kháng bệnh yếu.

Ở tiệm bán quần áo của công ty Just…  . món hàng bán nhanh nhứt là đồ ngủ, pyjama, không biết tại sao?

Giá xăng là 115.9 so với giá 165.9 lúc trước.  Hối xuất tương đương với 1 đô Úc hiện nay là 52 cents  đô Mỹ.

Hôm nay 22 tháng 3 “ngã phu nhân” đi lễ nhà thờ nhưng cửa vẫn mở mà không có lễ, cha và vài người cầu nguyện riêng rẽ. Có nhà thờ làm lễ với dưới 100 tín đồ, nhà thờ khác đóng cửa hoàn toàn. Lễ Phục sinh gần đến, con chiên không được dự lễ. Phật Đản, các Phật tử ít tới chùa hơn. Thành tâm cầu nguyện các Đấng Thiên Liêng Tối cao cũng không giúp được gì.  Cô Vi dữ tợn tiệt, không sợ Đấng nào hết.

Tối nay  biên giới giữa các tiểu bang sẽ bị đóng. Các trường học cũng bị /được đóng cửa trong vòng 48 giờ. Nếu tình trạng tệ hơn, từng vùng, thị trấn trong tiểu bang sẽ bị phong tỏa. Các siêu thị vẫn mở cửa, lúc mở cửa có khoảng dưới 20  người đứng chờ, khi mở cửa, mọi người đi vào từ từ không chen lấn xô đẩy. Hàng hóa ít hơn và nhiều mặt hàng vắng đi trên kệ. Có tiệm tạp hóa Á châu đã đóng cửa nhưng phần lớn còn mở. Tiệm đóng cửa vì hết hàng,  mà cũng vì chủ tiệm sợ bị lây nhiễm. Trong các phim giả tưởng, sau thế chiến nguyên tử, thiên tai, đại dịch, chiến tranh giữa các hành tinh, zoombies, tài tử chánh phá cửa siêu thị hay tiệm tạp hóa nhỏ, để lấy thức ăn hộp, đồ ăn nấu sẵn và nước. Trong siêu thị hiện tại đồ hộp,  đồ đông lạnh biến mất, nhưng nước chai vẫn còn. Khi nào điện nước, khí đốt không có mới thiệt là mệt.

Hiện bây giờ muốn được thử nghiệm để biết có bị nhiễm không cũng khó khăn. Phải liên lạc bằng điện thoại trước, kể rõ triệu chứng và nguồn lây. Sau khi được sàng lọc, phân loại xong thì phải  xếp hàng chờ 5 hay 6 giờ mới  được thử. Một que cây với đầu bông gòn thọc vào mũi, thốn ghê đi, một que cây khác quét vào cổ  họng, làm nhợn lắm, và mẫu xét nghiệm được đi cấy tìm vi khuẩn, 2 hay 3 ngày sau mới được kết quả. Ngồi đợi xếp hàng hàng giờ ở bệnh viện không bệnh cũng thành bệnh. Nam Hàn có sản xuất mẩu thử nghiệm kháng thể trong máu, cho biết kết quả từ giọt máu trích từ đầu ngón tay trong 10 phút. Dương tính thì đã bị nhiễm , nhưng  âm tính thì chưa chắc không bị nhiễm mà có thể mới nhiễm nên chưa đủ hay chưa có kháng thể. Úc đã thử máu hơn 200,000 người.

Phương cách tốt nhất để chận sự phát triển cũa dịch cúm là ngừa lây nhiễm  bằng  cách ly. Tuy không tốn kém cho cá nhân nhưng ảnh hưởng nặng nề trên kinh tế quốc gia. Khẩu trang chỉ giới hạn sự truyền lan qua không khí, nhưng vi khuẩn còn sống nhiều ngày ở nhưng đồ vật quanh người bệnh để rồi truyền bệnh cho người khác.

Hạn hán, bão lụt, đại dịch tuy được kể trong kinh các tôn giáo như triệu chứng của tận thế, nhưng thế giới đã trải qua nhiều thiên tai và đại dịch mà thế giới vẫn còn, và dân số cứ tăng trưởng. Trong lịch sử thế giới, đại dịch giết hàng triệu người,  1/3 dân Á châu và 2/3 dân Âu châu, dịch Cô Vi nầy mới có dưới 5 ngàn tử vong , còn ít hơn số  tử do tai nạn lưu  thông . Dịch lan nhanh vì phương tiện di chuyển nhanh, nhưng sẽ tắt sớm nhờ phương  pháp ngừa lây lan và điều trị hiệu quả.

Ngày 23 tháng 3,  số  người bị nhiễm tăng lên. Từ 12 giờ trưa hôm nay trung tâm thể thao và hồ tắm đóng cữa nên mọi người  về nhà sớm hơn. Lái xe chạy đến thư viện , thì thấy còn mở cửa. Vào gặp nhân viên được cho biết là ngày mai thư viện sẽ đóng cửa, nên mượn thêm vài quyển sách nữa, tích trữ để đọc vài tháng. Hạn cuối trả sách là 17/ 07 cách hơn 4 tháng sau. Thường sách cho mượn chỉ 1 tháng. Không biết chừng nào thư viện mở cửa lại.

Nhà hàng, quán cà phê, trường học cũng đóng cửa. Nhà hàng có thể bán thức ăn mang đi mà không ăn tại bàn

Phòng nộp đơn thất nghiệp thật đông,  người ta xếp hàng nối đuôi thật dài vì có nhiều người chờ và khoảng cách với người trước và sau là 1 thước rưởi.

Ngày 25 tháng 3, ở New South Whale số người bị nhiễm tăng lên, phần lớn do từ khách trên các thuyền du lịch trở về nước. Có 1 đứa nhỏ dưới 10 tháng, và 2 đứa nhỏ dưới 10 tuổi  bị nhiễm,  lây từ người bênh cùng nhà. Bệnh nhẹ thôi. Chắc Cô Vi thấy dễ thương  nên nựng chút mà.

Biện pháp ngừa lây trở nên nghiêm nhặt hơn. Đặc biệt là các tiệm, các trung tâm thẩm mỹ phải đóng cửa, nhưng các tiệm hớt tóc thì còn đuọc mở. Đúng là kỳ thị đối với mấy bà, mấy cô (tại cô Vi đó!). Chỉ một người khách với một thợ mà thôi. Những giới hạn khác là chỉ có 5 người cho đám cưới, 10 người cho đám ma. Du lịch ra ngoại quốc đều bị  ngưng lại. Những người Việt đang ở Úc với con đang bị rắc rối vì không có máy bay đi về , mà gần hết thời gian 3 tháng cho phép lưu trú tại Úc với con.

Lê Quang Khánh

(Melbourne, Mar 25, 2020, 5:32 PM)

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Thầy thuốc và bệnh nhân

Thư gởi bạn (26.3.2020) liên quan Covid-19

26/03/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

THƯ GỞI BẠN…

Bộ Y tế khuyến cáo không dùng buồng khử khuẩn, phòng áp lực âm phòng chống COVID-19

 

Bạn thân mến,

Hôm qua, một “bạn xa xôi” đã mừng rỡ báo tin đã có thể chữa được bệnh Covid-19 của một bác sĩ ở New York, trộn 2-3 thứ thuốc gì đó với nhau, chữa lành 100% bệnh nhân. Tin đã bị bác bỏ ngay tức khắc sau đó. GS Huỳnh Chiếu Đẳng, của “quán bên đường” mỗi ngày cũng bắt bao nhiêu là “vịt cồ” trong thời buổi đầy Fake News này.

Do hoang mang, sợ hãi trong mùa dịch Covid-19, các tin đồn đủ loại thuốc men, đủ cách phòng bệnh, chữa bệnh tung ra, nhiều khi dưới danh nghĩa là ngành y, là bác sĩ, là nhà khoa học v.v… dẫn tới tình trạng lạm dụng, gây nguy hiểm thêm cho sức khỏe như đã có trường hợp bị ngộ độc thuốc đến tử vong…

Cần hết sức tỉnh táo và thực hiện đúng những khuyến cáo chính thức của Bộ Y Tế là tốt nhất.

Báo Tuổi Trẻ chiều nay có bản tin này kịp lúc. Rất mong các cơ quan truyền thông chỉ đưa ra các thông tin có kiểm chứng, tránh tình trạng “mê tín dị đoan” đủ loại ngày càng nhiều thêm, gây hại cho cộng đồng.

Thư này không chỉ gởi cho “bạn xa xôi” mà cả cho “bạn gần gũi” nữa nhé.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

Bộ Y tế khuyến cáo không dùng buồng khử khuẩn, phòng áp lực âm phòng chống COVID-19

26/03/2020 16:28 GMT+7

TTO – Trong thời gian Bộ Y tế xem xét, đánh giá hiệu quả của buồng khử khuẩn toàn thân, người dân và các cơ quan, tổ chức không sử dụng để bảo đảm an toàn.

 

Thời gian qua nhiều tổ chức, viện nghiên cứu của ngành y đã giới thiệu và đưa sản phẩm buồng khử khuẩn toàn thân di động vào sử dụng, nhiều cơ quan đã lắp đặt sản phẩm này.

Nhưng chiều nay 26-3, Cục Quản lý môi trường y tế đã có văn bản cho biết đây là sáng kiến về các giải pháp hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cũng đã nhận được đề xuất nghiên cứu của đơn vị trực thuộc về buồng khử khuẩn toàn thân di động.

Tuy nhiên, đề xuất chưa được hội đồng khoa học cấp bộ thông qua do chưa đủ tài liệu minh chứng và cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus và an toàn đối với người sử dụng.

Trong thời gian Bộ Y tế xem xét, đánh giá, Bộ Y tế khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng để đảm bảo an toàn.

Người dân hãy thực hiện những biện pháp dự phòng đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả như không đi ra ngoài nếu không cần thiết, nếu phải đi ra ngoài thì giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2m và đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có nồng độ cồn ít nhất 60%…

Buồng khử khuẩn toàn thân đang được đề xuất hiện nay về cấu tạo thường gồm 1 buồng (phun sương dung dịch clo hoạt tính) hoặc gồm 2 buồng nối tiếp nhau; buồng 1 phun khí ozone nồng độ 0,12ppm trong 30 giây, tiếp đến buồng 2 có phun sương (hạt sương 5µm) nước điện hóa (là dung dịch anolyte hay nước Javen, khử khuẩn bằng clo hoạt tính) trong 30 giây.

Ozone là chất gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh đường hô hấp. Theo khuyến cáo của Viện quốc gia về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp Mỹ, nồng độ ozone trong không khí không được vượt quá 0,10ppm tại bất cứ thời điểm nào. Không có khuyến cáo dùng ozone để khử khuẩn quần áo, da người trong điều kiện bình thường.

Hiện cũng chưa có nghiên cứu nào được công bố chỉ ra dung dịch clo hoạt tính dạng phun sương có tác dụng khử khuẩn quần áo, da người trong vòng 30 giây. Clo hoạt tính dạng phun sương dễ xâm nhập vào đường hô hấp và phổi gây hại cho con người khi hít phải. Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo áp dụng phương pháp phun sương trong khử khuẩn bề mặt.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo phòng áp lực âm là một phương pháp cách ly được sử dụng trong các bệnh viện để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo, không phải dùng để điều trị bệnh.

Phòng áp lực âm có cấu tạo gồm 2 phòng là phòng đệm và phòng điều trị. Không khí từ bên ngoài sẽ đi qua phòng đệm vào phòng điều trị. Trong phòng điều trị có hệ thống đẩy không khí qua bộ lọc không khí hiệu suất cao (HEPA), sau đó bơm ra ngoài. Không khí bơm ra ngoài không chứa virus vì virus đã được giữ lại tại bộ lọc. Vì vậy, phòng áp lực âm chỉ làm giảm lượng virus có trong không khí mà không có khả năng diệt virus.

Ngoài ra, khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện sẽ phát tán các giọt bắn có chứa virus và vẫn còn một lượng virus này bám trên các bề mặt trong phòng mà không bị hút theo luồng không khí. Do vậy, phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân nếu không thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ.

Hiện nay chi phí xây dựng một phòng áp lực âm rất lớn, việc xây dựng phức tạp, tốn nhiều thời gian, quy trình vận hành để đảm bảo không xảy ra hiện tượng đảo ngược chiều luồng không khí và xử lý bộ lọc an toàn tốn kém và đòi hỏi kỹ thuật cao.

Mỗi phòng áp lực âm hiện chỉ có thể sử dụng cho một bệnh nhân. Vì vậy, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt và đào tạo để vận hành phòng áp lực âm sẽ không đáp ứng kịp thời yêu cầu chống dịch COVID-19.

Các bệnh viện chưa có phòng áp lực âm nên tập trung thực hiện các biện pháp cách ly bệnh nhân nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả như bố trí phòng cách ly bệnh nhân thông thoáng, sử dụng thông khí hỗn hợp hoặc thông khí tự nhiên… theo đúng hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế và đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn tốt.

(26.3.2020)

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Thầy thuốc và bệnh nhân

Thư gởi bạn xa xôi (12.3.2020): Một lời Tựa của NHL

12/03/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi (12.3.2020)

Lời Tựa của NHL

Cuốn Nguyễn Hiến Lê, Những lời tựa và bài giới thiệu sách  do Nguyễn Hiền Đức sưu tầm có nhắc đến khoảng trên 10 Tựa sách do NHL viết, trong đó có bài Tựa cho cuốn Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò của Đỗ Hồng Ngọc, năm 1972.

Để trả lời thêm vài câu hỏi của bạn vừa đặt ra, mình xin được nhắc lại bài viết từ năm 2011, và kèm theo đây như một kỷ niệm, là thủ bút của cụ NHL viết cho cuốn “Những tật bệnh thông thuờng trong lứa tuổi học trò” của Đỗ Hồng Ngọc vậy nhé.

Đặc điểm của người già là hay kể chuyện xưa mà! Đời người có 3 hồi: Hồi trẻ, Hồi trung niên và Hồi đó, nhớ không?

****

“Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò” là cuốn sách đầu tay của tôi trong loại y học phổ cập. Sách do tác giả tự xuất bản (La Ngà) (*), năm 1972 tại Saigon ( Nguyễn Hiến Lê đề tựa, in tại nhà in Trí Đăng, Lá Bối phát hành) được sự đón nhận nồng nhiệt của sinh viên học sinh và các bậc phụ huynh thời bấy giờ.

Ra trường vài ba năm tôi bắt tay ngay vào việc viết cuốn sách này, như để giải tỏa cho chính bản thân mình những bức xúc thuở còn đi học mà không biết hỏi ai, không dám hỏi ai! Thời đó, quả thực những lo âu, những băn khoăn thắc mắc của lứa tuổi mới lớn. vấn đề sức khỏe vị thành niên – phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi mới lớn- ít được để ý.  Suốt thời niên thiếu, tôi mắc nhiều thứ bệnh, tuổi dậy thì lắm nỗi âu lo, sợ hãi, thắc mắc không biết hỏi ai. Cho nên khi học y, tôi chú ý lãnh vực này và ngay khi ra trường thì viết ngay kẻo… quên! Tôi sợ để lâu ngày rồi mình thành một ông… bác sĩ, khệ nệ, nghiêm khắc, lạnh lùng… Sách do vậy đã đáp ứng một nhu cầu xã hội.

Trong bài Tựa, ông Nguyễn Hiến Lê rất khen ngợi sự bổ ích của cuốn sách. Thầy Từ Mẫn (Lá Bối) đã “mua đứt” toàn bộ để phát hành ngay khi sách còn đang sắp chữ trong nhà in Trí Đăng… Nhà văn bác sĩ Ngô Thế Vinh bảo đây sẽ là cuốn sách vào loại “kinh điển”, còn nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đưa tên sách vào một truyện ngắn viết về tuổi học trò của anh (Học Trò, Vàng Son, 1973)… Một chi tiết cảm động: nhà nghiên cứu Lê Anh Dũng (Huệ Khải) bây giờ vẫn nhắc hồi nhỏ anh đọc cuốn sách đó đã viết thư nêu thắc mắc đến tác giả và nay anh vẫn còn giữ bức thư trả lời của tôi như một kỷ niệm! Nhà văn Trần Phong Giao, thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nói đã bắt con anh học thuộc lòng một chương trong cuốn sách…

Sách được tái bản nhiều lần, có lần do họa sị Lê Vĩnh Ngọc vẽ bìa rất “lãng mạn”. Sau này tôi còn thấy có bản chụp, in lại bên Mỹ, đề giá $6.50! Có người “xúi” tôi kiện, đòi tác quyền, tôi nói sách mình được phổ biến như vậy là quý hóa rồi, kiện cáo cái nỗi gì!
Sau 1975, sách được nhà xuất bản Thành phố HCM in lại, với nhiều tựa khác nhau có chỉnh sửa và cập nhật…

Trân trọng,
Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon 3.2011)

…………………………………..

(*) Thời đó, tác giả có thể tự mình đứng tên làm Nhà xuất bản, tự in, tự phát hành. Như Nxb Phạm Cao Tùng, Nxb Nguyễn Hiến Lê… và Nxb La Ngà của Đỗ Hồng Ngọc, in được 2 cuốn: Những tật bệnh thông thường…(1972) và Viết cho các Bà mẹ sinh con đầu lòng (1974) 

——————————————————————————————-

Lời ngỏ

( Viết trong lần xuất bản đầu tiên, 1972 )

Tôi viết những dòng này cho em. Trong khi viết, tôi không nghĩ là tôi đang viết mà là đang được nói chuyện cùng em. Và em ngồi đó, trước mặt tôi, thoáng một chút âu lo trên vầng trán, một chút bẽn lẽn trong đôi mắt và rất nhiều băn khoăn thắc mắc trong tâm hồn, cũng như tôi, cách đây không lâu trong lứa tuổi của em bây giờ.

Những băn khoăn thắc mắc đó của em- mà “người lớn” không sao hiểu nổi, cho là ngớ ngẩn, buốn cười- đôi khi là cả những ”vấn đề “ đối với em, trong đó có những thành kiến, những sai lầm ít nhiều tai hại cho chính sức khỏe em và ngay cả sự học hành của em nữa. Có nhiều thắc mắc vượt khỏi phạm vi thuần túy của y học mà tôi có dịp nghe trong thời gian tôi còn dạy ở một vài tư thục, rất khó trả lời, chẳng hạn có thứ thuốc nào uống cho nhớ lâu, có thứ thuốc nào uống cho khỏi làm biếng, bớt chán nản viêc học… bên cạnh những thắc mắc thông thường như về mụn trứng cá, bón, trĩ, nhức đầu… Cho nên trong quyển sách nhỏ này nhiều khi tôi đã vượt ra ngoài phạm vi “chuyên môn” của một y sĩ (*), để nói với em về những điều khác nữa, từ những kinh nghiệm cá nhân và những hiểu biết mà tôi có được.

Em đã tin cậy mà thẳng thắn tỏ bày thì tôi cũng chân thành giải đáp trong sự cố gắng của tôi, như vậy cũng đáng qúy phải không? Có thể tôi sẽ mắc phải nhiều lầm lẫn, bởi vì ngay trong phạm vi y học không thôi cũng đã là một khu rừng mênh mông, bí mật, thuốc tiên đã nhiều mà độc dược cũng lắm, cho nên rất ít y sĩ chịu viết sách vì khiêm nhường cũng có mà vì thận trọng nhiều hơn.

Hơn nữa những tật bệnh trong lứa tuổi học trò lại rất phức tạp, bởi vì không có giai đoạn nào có nhiều biến đổi tâm sinh lý như ở tuổi tiền dây thì của em. Vì thế tôi tự giới hạn, chĩ đề cập những tật bệnh thông thường gây nhiều băn khoăn thắc mắc nhất ở tuổi em thôi, và cố gắng gỉai đáp những thắc mắc đó, giải toả những thành kiến sai lầm nếu có, chú trọng nhiều về vệ sinh tâm thể hơn là vấn đề điều trị, bởi người bệnh không thể tự chữa trị bằng những toa thuốc trong các sách y học.

Một câu nói đã cũ, nhưng vẫn còn đúng trong y khoa là “chỉ có người bệnh chớ không có bệnh”. Vì cùng một thứ bệnh như nhau mà ở mỗi người bệnh, cách điều trị phải một khác, tùy bệnh trạng, tuổi tác, sức khỏe … và nhất là tâm lý họ.

Cũng vì ý nghĩ đang được tiếp chuyện trực tiếp cùng em, tôi đã viết bằng một giọng thân mật và cố gắng trình bày thực giản dị, tránh những lý thuyết, những danh từ chuyên môn dễ nhàm chán.

Một người nào đó đã nói “bệnh tật là kết quả của những lỗi lầm”. Nghĩ lại, tôi thấy mình đã mắc phải quá nhiều lầm lỗi trong suốt tuổi ấu thơ nên đến bây giờ vẫn còn gánh chịu những hậu quả.

Nếu những dòng chữ trong quyển sách nhỏ này giúp em tránh được ít nhiều lầm lỗi, giúp em tin tưởng, vui vẻ học hành thì tôi có thể coi như đã thành công.

Tôi chân thành mong ước các bậc đàn anh vui lòng chỉ giáo tôi những chỗ sơ suất và các vị phụ huynh, các em học sinh chỉ cho tôi những chỗ thiếu sót, chắc chắn không ít.

Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc
………………………
(*) Y sĩ= Bác sĩ y khoa (chức danh của bác sĩ ở miền Nam trước 1975, như Y sĩ trưởng, Y sĩ đoàn v.v…). Sau 1975, Y sĩ là một học vị trung cấp trong ngành y, phải qua một kỳ thi tuyển theo học hệ Chuyên tu 4 năm mới trở thành bác sĩ.

——————————————————————————————-

Tựa của Nguyễn Hiến Lê

Tôi được quen Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từ mười mấy năm trước. Hồi đó ông là một thanh niên ít nói, đa cảm, thành thực, giản dị, có nhiệt tâm và yêu văn nghệ. Khi còn học Y Khoa, ông đã có thơ, văn đăng báo và ông là một trong những sinh viên tranh đấu kiên nhẫn nhất để tiếng Việt được dùng làm chuyển ngữ ở Đại Học. Ông nghĩ rằng một nhà trí thức Việt Nam, ngoài công việc chuyên môn ra, phải phổ biến những kiến thức của mình trong đại chúng thì mới có thể gọi là làm tròn nhiệm vụ trong giai đoạn này được.

Tôi mến ông ở điểm đó và hôm nay tôi mừng rằng ông đã bắt đầu thực hiện được chí hướng.

Tập này là tác phẩm đầu tay của ông. Ông dùng kinh nghiệm bản thân khi đi học và dạy học (vì như một số sinh viên khác, ông phải tự túc), cùng những sở đắc trong ngành y khoa để hướng dẫn các bạn học sinh trong việc giữ gìn sức khỏe, ngừa trước những bệnh thông thường và khi bệnh đã phát thì nên làm gì. Yêu nghề và có lương tâm, ông không mách thuốc bừa bãi như thỉnh thoảng chúng ta thấy trên một số báo, ông phản đối thái độ “vô trách nhiệm” đó.

Tôi không biết gì về y học, nhưng tôi thấy nhiều điều ông khuyên trong chương I (bệnh cận thị…), chương VIII (bệnh nhức đầu), chương XI (bệnh bón)… rất có lương tri, giá được biết từ hồi thiếu niên thì có lợi cho tôi lắm.

Một điểm đáng khen nữa là ông không có thành kiến, cái gì không biết thì nhận là không biết, lại có công tam, như khi ông nhận xét về phương pháp dưỡng sinh của Ohsawa…

Chương tôi thích nhất, và theo tôi, cũng ích lợi nhất, là chương cuối: “Đi khám bác sĩ”. Từ lâu tôi vẫn mong có ai chỉ dẫn cho tôi hiểu tâm lí, trọng trách cùng nhiệm vụ của y sĩ, bệnh nhân nên có thái độ ra sao, khi đi y sĩ, nên “hợp tác” với y sĩ cách nào để cho bệnh mau hết, nên dùng thuốc ra sao v.v…và bây giờ tôi mới thấy Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trình bày rành mạch sơ lược những kiến thức thông thường cần thiết cho mọi người đó. Tôi mong rằng sau này ông sẽ đào sâu vấn đề mà viết thành một tập riêng.

Văn ông lưu loát, sáng sủa, giọng ông thân mật, nhiều chỗ dí dỏm:

“Trừ một số rất ít được uống nước sâm trong những ngày học thi (và thường thì thi rớt) còn phần lớn các em phải đi làm thêm một buổi để có chút đỉnh tiền” (chương 18).

Có chỗ mỉa mai chua chát một cách nhẹ nhàng:

“Vì nếu thi rớt, ở thời đại chúng ta không phải em chỉ bị ăn ớt (thi không ăn ớt thế mà cay – Tú Xương) mà có khi còn bị ăn đạn!” (chương 22).

Có chỗ lại nên thơ:

“Tới một tuổi nào đó, ta quan tâm rất nhiều đến thân thể mình. Ta lắng nghe thân thể mình phát triển như chú dế mèn lắng nghe tiếng cỏ mọc trong đêm khuya…” (chương 17).

Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị.

Saigon Tết Nhâm Tí
NGUYỄN HIẾN-LÊ

(1971)

Comments

  1. Lê Uyển Văn says (18/03/2011 at 4:16 chiều)

Kỳ lạ quá! là một cuốn sách về Y học, về bệnh tật, mà đọc lời ngỏ của tác giả và lời tựa của Nguyễn Hiến Lê cũng khiến lòng dạt dào xúc động. Quả thật, cuốn sách không đồ sộ nhưng xếp vào loại sách “kinh điển” như lời Nhà văn bác sĩ Ngô Thế Vinh cũng không ngoa!

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Thầy thuốc và bệnh nhân, Vài đoạn hồi ký, Viết cho tuổi mới lớn

Tịnh Thy: Giật mình để ‘biết ơn mình’

29/12/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Giật mình để ‘biết ơn mình’

26/12/2019 15:59 GMT+7

TTO – Biết ơn mình là biết quý những giây phút hiện tại, là không trốn chạy tuổi tác mà hiểu, chấp nhận và thưởng thức nó.

 

Giật mình, vì lâu nay ta thường phàn nàn, đòi hỏi ở mình mà quên biết ơn mình.

Tập tản văn Biết ơn mình tập hợp những bài viết có cùng chủ đề “sức khỏe và đời sống” dành cho tuổi già và những tuổi không thể “thoát già”.

Từ những trải nghiệm của chính bản thân trong đời sống và trong nghề nghiệp, tác giả – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đề cập đến tâm sinh lý tuổi già và những cách thức “già sao cho sướng”; ngõ hầu mang lại cho người đọc một đời sống thảnh thơi, an lạc ngay trong thực tại.

Biết ơn mình là biết quý những giây phút hiện tại, là không trốn chạy tuổi tác mà hiểu, chấp nhận và thưởng thức nó. Khi biết thưởng thức thì quả có nhiều điều thú vị để khám phá.

Biết ơn mình là lắng nghe sự mách bảo của cơ thể; chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của mình qua từng miếng ăn giấc ngủ, cách thức hít thở, những rung cảm tâm hồn…

Học giả Nguyễn Hiến Lê từng nhận định có tính phổ quát khi viết lời tựa cho một cuốn sách của Đỗ Hồng Ngọc: “Một bác sĩ mà là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”.

Vẫn với văn phong dí dỏm, lối viết nhẹ nhàng, giản dị khi chuyển tải những vấn đề đáng ngại của tuổi tác, lại một lần nữa, nhà văn – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sẽ khiến bạn đọc ngạc nhiên một cách thú vị qua tập sách này.

Tịnh Thy

 

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Thầy thuốc và bệnh nhân, Vài đoạn hồi ký

Biết ơn mình để có nếp sống mạnh khỏe hơn

03/12/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Biết ơn mình để có nếp sống mạnh khỏe hơn

SGGP Thứ Hai, 2/12/2019 08:06

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nổi tiếng với những cuốn sách, những kiến thức y học được truyền tải một cách cô đọng dễ hiểu, giúp độc giả am tường hơn về bản thân, không chỉ về sức khỏe sinh học mà còn trên phương diện tinh thần.

Biết ơn mình để có nếp sống mạnh khỏe hơn

Ở vào tuổi 80, nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Chút nắng vàng… giờ đây cũng vội!”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho rằng cần phải “về thu xếp lại”. Cuốn sách Biết ơn mình (Phương Nam và NXB Văn hóa – Văn nghệ) được ra đời cũng nằm trong nguồn cảm hứng như vậy.

“Về thu xếp lại” theo như chia sẻ của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là nhặt nhạnh, gom góp, chắt lọc, sắp xếp lại… Giống như các bài viết trong sách, được tác giả chắt lọc, gom góp và sắp xếp theo một chủ đề chung là “Sức khỏe và đời sống” của một người có tuổi, để mong có một nếp sống mạnh khỏe hơn, an lạc hơn. Trong bài viết mở đầu tương đối dài, được dùng làm tên cho cả tập sách, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chỉ ra một thực tế: chúng ta được dạy nói lời cảm ơn khi có ai đó giúp mình, nhưng dường như chưa bao giờ được dạy nói cảm ơn với chính mình. Thậm chí, không ít người còn xem đó là một điều lố bịch, kỳ cục, không cần thiết. Bằng kiến thức chuyên môn của một bác sĩ kết hợp với sự duyên dáng của một người viết lâu năm, tác giả Đỗ Hồng Ngọc đã lần lượt mang đến cho người đọc những thông tin thú vị đằng sau cơ chế sinh học của từng bộ phận trên cơ thể: bộ xương, bộ máy tuần hoàn, buồng phổi, hệ thống hô hấp, hệ tiêu hóa…

Hiểu rõ về cơ thể, về những điều kỳ diệu mà từng bộ phận của cơ thể mang lại cũng chính là sự biết ơn chính mình. Bởi lẽ, chỉ khi nào biết ơn chính mình, thì chúng ta mới quan tâm và lắng nghe cơ thể, giúp thân tâm luôn mạnh khỏe, như chia sẻ của viện sĩ Muculin, được trích dẫn trong bài viết của tác giả: “Chúng ta không theo dõi bản thân mình mà để cho cơ thể làm việc đến hao mòn, vì vậy nó dễ bị hư hỏng sớm”. Ở các bài viết còn lại: Những bệnh… “vô duyên”; Một chút lan man; Những cái thiếu ở người già; Đừng quên… cái ruột già; Bệnh nhân… già và thầy thuốc…, tác giả đóng vai trò như một người bạn thủ thỉ, tâm tình những vấn đề hay vướng mắc mà bất cứ người già nào cũng quan tâm hay phải đối diện. Như đã nói, những bài viết này mong đạt đến nếp sống mạnh khỏe, kể cả khi “gió heo may đã về”!

HỒ SƠN

(sggp.org.vn 2.12.2019)

Filed Under: Gío heo may đã về ...., Góc nhìn - nhận định, Thầy thuốc và bệnh nhân

“Không, bệnh nhân không phải người tiêu dùng…”

07/05/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

“Không, bệnh nhân không phải người tiêu dùng…”
(Theo TRITHUCVN, 06.5.2019)

Dưới đây là nội dung bài phát biểu rất đáng chú ý của bác sĩ Arthur Caplan, được đăng trên trang Medscape vào tháng 4/2019, về vấn đề đạo đức y khoa, quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân trong thời đại ngày nay.

https://www.medscape.com/viewarticle/911562

Xin chào mọi người, tôi là Arthur Caplan. Tôi đang công tác tại Trường Y thuộc Đại học New York, chủ nhiệm Khoa Đạo đức Y khoa. Trong một bài báo được đăng tải gần đây của các học giả tại Trung tâm Hastings – một viện nghiên cứu về đạo đức sinh học tại Garrison, New York, các tác giả đã đưa ra một lập luận rất thú vị: bệnh nhân không nên bị xem là người tiêu dùng.

Tôi thực sự đồng tình với quan điểm này. Tôi còn muốn bổ sung thêm rằng: các bác sĩ không nên bị xem là nhà cung cấp. Trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta hiện nay, thiên hướng kinh doanh đang ngày một định hình và thay đổi khái niệm về mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Các học giả tại Hastings lập luận rằng nói bệnh nhân là người tiêu dùng đồng nghĩa với việc họ có các lựa chọn và hành động [mang đặc tính của người tiêu dùng], nhưng thực chất những bệnh nhân và những người sẽ là bệnh nhân ấy không có sự lựa chọn. Ví dụ, nếu tôi là một người tiêu dùng, tôi có thể đi mua bia, hoặc tôi sẽ chọn nên đi nghỉ mát ở đâu và tại khách sạn nào. Tôi có thể tìm kiếm trên các website và nghiên cứu thông tin các sản phẩm. Tôi có thể kén cá chọn canh một chút, nếu tôi muốn vậy, và chọn cho mình sản phẩm hợp ý nhất.

Trái lại, một bệnh nhân hay người sắp là bệnh nhân ấy thường không có lựa chọn như vậy. Họ đang rơi vào một guồng máy và bị bảo phải tới bệnh viện, phòng khám hay làm thế này làm thế kia; họ không có lựa chọn sẽ làm gì. Nếu bạn đang sầu não vì một vấn đề sức khỏe từ trên trời rơi xuống, bạn sẽ không có thời gian đi mua sắm để ngắm nghía vị chuyên gia chỉnh hình này hay ông bác sĩ tiểu đường kia.

Bạn thường nhanh chóng nhận lấy những lời khuyên từ bạn bè hay bác sĩ gia đình, nhưng bạn không cư xử ở vị thế của một người tiêu dùng. Hành vi tiêu dùng không phải là một đặc tính của hệ thống chăm sóc sức khỏe, nó không thực sự là một ngành kinh doanh do thị trường dẫn dắt.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta không có thông tin, và bệnh nhân không có vị thế đi mua hàng hay tìm hiểu về sản phẩm trước khi ra quyết định như trong các thị trường bình thường khác. Tôi nghĩ họ ở vào một vị thế mong manh hơn rất nhiều, phụ thuộc hơn rất nhiều; họ thường phải loay hoay trong bóng tối và không có lựa chọn nào khác. Căn phòng cấp cứu người ta đưa bạn vào ấy không phải là nơi bạn mua hàng online. Tôi nghĩ chúng ta nên dừng nói về các bệnh nhân cứ như thể họ là người tiêu dùng.

Lương y nên như từ mẫu, chứ không phải thương nhân.
Tôi biết mọi người đang cảm thấy phấn khích với thời buổi hiện đại này, khi chúng ta đưa những cách làm của các ngành khác, như ngành kinh doanh khách sạn [vào để áp dụng cho chữa bệnh], chúng ta cố gắng để bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn với những bữa ăn ngon và các tấm trải giường thơm tho sạch sẽ.

Nhưng tôi lại cảm thấy lo với xu hướng này vì tôi không nghĩ bệnh viện nên biến thành khách sạn. Chúng nên là nơi có ít sự lây nhiễm, điều trị hiệu quả, bệnh nhân bớt đau đớn, nếu xét tới những gì chúng ta đang làm tại đây. Tôi cảm thấy không yên tâm vì xu hướng tiếp thị bán hàng kiểu ấy.

Xét về tổng thế, tôi không muốn thay thế đạo đức nghề y và sự chuyên nghiệp của bác sĩ bằng những thuật ngữ và đạo đức kinh doanh. Tôi không nghĩ điều đó tốt cho bệnh nhân. Tôi nghĩ nó sẽ bắt đầu dẫn khởi những suy nghĩ để làm sao vận hành hệ thống kinh doanh [cho tốt]. Điều này không tốt cho các bác sĩ, vì nó bắt đầu khiến họ cảm thấy mình như những con tốt hoặc đại lý bán hàng và đánh mất đi vị thế chuyên nghiệp cùng sự tôn trọng và uy tín của nghề.

Tôi biết chữa bệnh là phải dính đến tiền; tôi không ngây thơ về điều đó. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phải xây dựng một mô hình kinh doanh trong khi cố gắng ra quyết định phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân.

Tôi là Arthur Caplan của Trường Y New York. Cảm ơn các vị đã theo dõi.

 

…………………………………………………

Cảm ơn Dr HKCUONG đã chuyển.(ĐHN).

Nếu có thể, xin tham khảo thêm clip “Trò chuyện đầu năm hoc” với các sinh viên ĐHYK Phạm Ngọc Thạch (10.2018) của Bs Đỗ Hồng Ngọc theo link:

https://www.dohongngoc.com/web/nghien-cuu-khoa-hoc-giang-day/y-duc-khoa-hoc-hanh-vi-giao-duc-suc-khoe/

 

 

Filed Under: Nghiên cứu khoa học, giảng dạy, Thầy thuốc và bệnh nhân

  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 12
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Hội quán Các Bà Mẹ: Giao lưu với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn “Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật”

Dương Mình Trí: cảm nghĩ nhân đọc “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật”

Đỗ Hồng Ngọc với “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật”

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Mấy ngày Tết
  • Nguyên Giác: Mẹ dạy con ngồi như núi
  • Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần
  • Thích Phước An: GIÓ BẤC CUỐI NĂM

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Hai Lấp Vò trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • đỗ xuân đạm trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Độc giả trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Bản nhạc Mũi Né
  • Thạch trong Bản nhạc Mũi Né
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “ÁO XƯA DÙ NHÀU…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).
  • PN trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email