Về một cuốn sách… xưa:
“Sức Khỏe Gia Đình”
Ghi chú: Cô Khánh Tâm, ở báo Phụ Nữ Tp.HCM hôm rồi muốn tôi kể lại vài chuyện liên quan báo Phụ Nữ Tp.HCM nhân dịp Kỷ niệm 45 năm thành lập của báo. Tôi đã gởi cô vài tư liệu để tùy nghi.
Năm 2008-2009, suốt hai năm liền, mỗi tuần tôi viết cho báo Phụ Nữ Tp.HCM một bài ngắn (quy định 600 chữ), Mục GIA ĐÌNH VUI KHỎE. Đây là một Mục được đánh giá “ăn khách” lúc đó, đăng ngay ở trang nhứt của báo, với một hình minh họa rất dễ thương.
Sau, tôi tập hợp lại, hoàn chỉnh, in thành cuốn SUC KHOE GIA ĐÌNH do Nhà xuất bản Tổng hợp TP. thực hiện. Sách được giới thiệu ngay trong Hội sách 2010 và cũng đã được tái bản nhiều lần.
Chuyện cũ, đã hơn mười năm rồi, nhưng Sức Khỏe Gia Đình vẫn thực sự còn có giá trị vì đề cập vấn đề sức khỏe một cách toàn diện, không chỉ đơn thuần là y tế, bệnh tật…
Một cô giáo ở Trà Vinh, Lê Uyển Văn viết một bài nhận xét rất thú vị (2010) và mới đây, Trần Thiên Dũng ở Canberra Úc (2020) vừa viết bức thư “cảo thơm lần giở” cũng vui vui…
Xin được chia sẻ.
ĐHN
11/03/2010
Lời Ngỏ cuốn “Sức Khỏe Gia Đình” (2010)
Ta đang sống trong một thời đại ngộ nghỉnh. Thực phẩm béo bổ ê hề, sẵn sàng dụ dỗ ta làm cho ta… béo phệ để sinh ra vô số bệnh tật, rồi cạnh đó, lại mở ra nhiều bệnh viện, nhà thuốc để cứu vớt ta, chăm sóc chữa trị cho ta. Cũng vậy, bia rượu thuốc lá tràn lan, sẵn sàng dụ dỗ ta làm cho ta… gặp đủ thứ tai nạn thương tích, ung thư này nọ rồi cạnh đó tổ chức cấp cứu chấn thương, đặt thêm giường bệnh… Cuộc sống tốc độ, đầy cạnh tranh, căng thẳng, mọi người hùng hục lao vào kiếm tiền cho thật nhiều, phung phí sức khỏe, để rồi dùng tiền đó phục hồi sức khoẻ…
Y học ngày càng tiến bộ, kỹ thuật ngày càng cao, thuốc men ngày càng nhiều thì… bệnh tật cũng ngày càng phát triển, gia tăng, đôi khi đe dọa cả hành tinh…
Các nghiên cứu cho thấy khi fastfood tiến từ Bắc Mỹ xuống Nam Mỹ thì đồng thời béo phì và bệnh tật cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Khi thuốc lá, rượu bia bị hạn chế, cấm ngặt ở các nước phát triển thì họ đẩy mạnh sản xuất ở các nước nghèo khó…Rồi bò thì điên, heo thì tai xanh, trâu dê thì lở mồm long móng, rau trái đầy hóa chất, thuốc trừ sâu, sữa cho trẻ con cũng chẳng an toàn, bánh mứt hạt dưa đầy đe dọa… Rồi đây khi cây rừng không còn xanh lá, Oxygen cũng không còn đủ, khí quyển nóng dần lên, ngột ngạt, mọi người sẽ cùng khò khè khó thở và lúc đó Oxygen được giành giật cho vào bình để bán. Trốn chạy vào đâu?
Đó chính là lúc bản thân ta, gia đình ta phải tự cứu lấy mình… trước khi trời cứu!
Bởi chỉ có gia đình mới có thứ tình yêu thương đích thực, mới là bóng mát chở che cho mỗi thành viên. Bởi chỉ có gia đình mới có thể đem lại sự sảng khoái (well being) về thể chất, tâm thần và xã hội, để từ đó mà có được niềm vui và hạnh phúc. Một cách hít thở đơn giản, một cách rèn luyện thân tâm không tốn kém thời gian… đủ đem lại sự sảng khoái, thong dong cho cuộc sống bộn bề. Một bữa cơm sum hợp, lành mạnh, đạm bạc trong thời buổi ngộ nghỉnh này… đủ đem lại sức khỏe, niềm vui cho mọi người trong gia đình. Sức khoẻ, niềm vui không phải tự trên trời rơi xuống, không phải bỗng dưng mà có vậy!
Tôi chân thành cảm ơn báo Phụ Nữ Tp.HCM trong suốt hai năm qua đã dành cho tôi một góc Gia đình vui khỏe, ở đó tôi có dịp được lắng nghe, được chia sẻ cùng bạn đọc gần xa, và nay tập hợp, sắp xếp lại để hình thành tập sách nhỏ này gởi tới bạn bè. Tôi cũng cảm ơn NXB Tổng hợp Tp.HCM đã giúp cho tập sách kịp thời ra mắt trong dịp Hội sách Tp.HCM năm 2010.
Trân trọng,
- Đỗ Hồng Ngọc
……………………………………………………….
“Sức khỏe gia đình” – Cuốn sách của mọi nhà
31/03/2010
Ra mắt bạn đọc lần đầu tiên tại Hội sách TP.HCM năm 2010, cuốn sách “Sức khỏe Gia đình” của BS Đỗ Hồng Ngọc vẫn còn “nóng hổi”. Thế nhưng với những ai yêu quý vị bác sĩ này cũng như quan tâm đến những bài viết của ông sẽ dễ dàng nhận thấy tập sách “Sức khỏe gia đình” là tập hợp những bài viết suốt hơn 2 năm qua (2008-2009) trong chuyên mục “Gia đình vui khỏe” rất “ăn khách” của ông trên báo Phụ nữ TP.HCM .
Nhận xét về cuốn sách này, Dược sĩ Phan Minh Tịnh viết: “Đây là một quyển sách cần thiết cho mỗi gia đình. Với lời văn giản dị, dễ hiểu, sẽ giúp người đọc tiếp nhận dễ dàng các kiến thức về y khoa, hầu biết cách phòng ngừa và đối phó với một số bệnh tật thông thường”…
Quang cảnh buổi giao lưu tại Hội sách Tp.HCM 2010.
Khi tập hợp thành sách, những bài viết này đã được sắp xếp lại theo một tổng thể nhất quán có chủ đề từ những bài viết rời rạc. Là bác sĩ nhưng văn phong trong từng bài viết của ông không hề “hàn lâm” mà ngược lại rất giản dị, gần gũi, sống động và dễ hiểu… nên từ giới bình dân đến trí thức đều có thể “lĩnh hội” được.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ký tên sách cho độc giả (tại Hội sách Tp HCM 2010)
Cuốn sách “Sức khỏe gia đình” phản ánh nhiều vấn đề xã hội “nóng” thông qua các vấn đề sức khỏe. Từ chuyện ăn uống, thuốc lá, rượu bia, sức khỏe tâm thần đến cả việc thi rớt, chứng khoán, kẹt xe, lô cốt… đều được tác giả vẽ ra hết sức sinh động. Một cuốn sách gối đầu giường của chúng ta lúc ốm đau hay cả khi đang khỏe mạnh để vui khỏe hơn và yêu đời hơn.
K.T
…………………………………….
Lê Uyển Văn (Trà Vinh)
07/04/2010
Hạnh phúc của người mẹ ở cuối ngày là được nhìn con mình trong giấc ngủ, hơi thở nhẹ nhàng, khuôn mặt thanh thản như thoáng nét cười; hạnh phúc nhiều hơn khi nhìn thấy bên gối con là một cuốn sách. Tôi đang hưởng niềm hạnh phúc ấy, lòng vui râm ran khi nhìn thấy “các chàng trai” chuyền nhau đọc cuốn “ Sức khỏe gia đình” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
Không vui sao đựơc, khi tôi biết từ cuốn sách này các con tôi ( cả gia đình tôi) sẽ học được nhiều điều. Trước nhất, chúng hiểu rằng “chỉ có gia đình mới có tình yêu thương đích thực, mới là bóng mát chở che cho mỗi thành viên…”, hiểu được điều giản dị : FAMILY là Father And Mother I Love You !
Cuốn sách dày trên 300 trang, gói hành trình của đời người bằng những điểm trọng yếu nhất trong mỗi giai đoạn . Vẫn là phong cách của Đỗ Hồng Ngọc, con chữ của Đỗ Hồng Ngọc – lấp lánh yêu thương – sao như lần đầu được gặp, chúng tôi đọc mải miết, những kiến thức đã từng biết bỗng trở nên gần gũi và sống động lạ thường.
Không đúc kết nào gọn gàng hơn “ BUSĂC” – phổ biến những điều căn bản nhất để nuôi con sao cho khỏe mạnh. Không cách so sánh nào cụ thể, dễ nắm bắt mà xúc động hơn cách hướng dẫn làm dung dịch như Oresol tại nhà : “…pha xong nếm thử thấy nó y như nước mắt là được / Nước mắt ở đâu mà thử?/ Thì bà mẹ nào có con tiêu chảy cấp mà không khóc chứ ?”. Cũng không gì thuyết phục hơn khi khuyên mẹ tự làm thức ăn cho con: “Bây giờ có nhiều thức ăn làm sẵn / Phải, nhưng không có thứ “tình thương” làm sẵn nào cả !”….
… “ Mẹ cứ kỳ vọng vào con đi” ,“ Có hiểu mới thương” ,“ Quân tử “trả thù” mười năm chưa muộn” “ Thương nhớ…đòn roi” …đều là những “ Bài học quý giá” mà tôi, các con tôi đang rất cần. Có những điều, tôi không sao nói được với con mình thì tác giả đã nói hộ rồi, tôi chỉ cần hỏi “ con đã đọc “bài học quý giá” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chưa?”, con đáp “ dạ, rồi !” ,tôi nghe như trút vài gánh đá, đọc rồi nghĩa là con hiểu con phải làm gì để đối diện với kỳ thi đang rất gần kề.
Có ai như tôi không, từng tuổi này mới vỡ lẽ ra “khi nào thì người ta có thể bắt đầu yêu?”. Đó là khi biết yêu chân chính. “ Tình yêu thứ thiệt” phải thứ tình giúp ta thêm năng lực, thêm yêu quý cuộc đời; thúc đẩy ta giỏi giang hơn, hăng say hơn trong công việc ; giúp ta có khả năng chấp nhận, tấm lòng rộng mở, chứ không phải muốn chiếm hữu hay chuyển hóa người mình yêu ; giúp ta tăng lòng tự trọng, tin cậy lẫn nhau, đối với nhau chân thành và có trách nhiệm….Tôi học được điều này một cách muộn mằn từ những trang sách về sức khỏe !
Tôi vẫn chưa nghiền ngẫm hết cuốn sách “ Sức khỏe gia đình” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhưng tôi nóng lòng muốn chia sẻ với mọi người về cuốn sách rất xứng đáng nằm ở nơi trang trọng trong tủ sách của mọi gia đình nên viết bài này. Cũng như ngày mai, tôi sẽ đọc cho học sinh của mình nghe “ Ai bảo chăn trâu là khổ?”. Rất mong trời mau sáng, để chóng đến ngày mai…..
…………………………
Trần Thiên Dũng (Canberra, ÚC)
30/03/2020
Cảo thơm lần giở
lá thư Úc Châu
Anh Ngọc ơi
Hổm rày truyền hình,báo chí Úc loan liên tiếp các biện pháp của chính phủ nhằm khuyến khích mọi người chung sức vượt qua khó khăn về sức khỏe, kinh tế, lẫn tinh thần để do COVID-19 tạo nên.
Tình cờ em lấy trên kệ sách quyển “Sức Khỏe Gia Đình” của anh xuất bản cuối tháng 3 năm 2010. 10 năm rồi còn gì!
Lần giở ra lại nhằm ngay bài viết “Cúm và những câu hỏi nóng bỏng”. Anh trả lời hai câu hỏi nóng bỏng 1) Nên hay không nên mang khẩu trang? và 2) Nên hay không nên làm xét nghiệm.
Cứ như xin xăm ấy. Những hàng chữ dí dỏm trả lời thật dễ hiểu, hết lo.
Anh lại khuyên thêm làm nhẹ cả người: “Bệnh cúm đã có từ nhiều ngàn năm trước và sẽ tiếp tục nhiều ngàn năm sau. Có điều khi virus cúm thay hình đổi dạng mà ta chưa kịp thích nghi, chưa có sức đề kháng thì ta bị bệnh. Đã có những trận dịch cúm xảy ra trong lịch sử y học. Sau đó là một giai đoạn “sống chung hòa bình”.
Mong cho hòa bình sớm tới, anh nhỉ.
Mừng 10 năm “Sức Khỏe Gia Đình” ra đời
Cám ơn hiền huynh nhiều lắm.
ngu đệ xứ Úc
dũng
Canberra 30 tháng 3 năm 2020
Để lại một bình luận