Thư gởi bạn xa xôi
Một buổi Trò chuyên tại Chùa Xá Lợi
Thứ bảy 12/4/25 vừa rồi, nhân Ngày Giỗ Cụ Mai Thọ Truyền (1905-1973), Ban Phật học Chùa Xá Lợi mời mình trao đổi một chút về “Vai trò người Cư sĩ hộ pháp trong thời đại truyền thông 4.0”.
Đề tài khó nhằn quá. Mình lại già cả rồi, chỉ muốn tránh xa những “thảo luận” này nọ, nhất là thời đại Truyền thông đang “khủng hoảng” như nay. Nhưng cũng không thể từ chối vì các bạn đều biết mình xưa từng làm ở Trung tâm Truyền thông & Giáo dục sức khoẻ… Thời gian cho mình chỉ có 45 phút, dành thì giờ cho Lễ tưởng niệm Cụ Mai Thọ Truyền nên… cũng đỡ vất vả!
Không ngờ mà cũng khá đông.
Em Nguyễn Van Quyền cũng đã chịu khó thu clip.
Cảm ơn Quyền, Anh Thư và các bạn…
Sau buổi Nói chuyện, cũng đã có vài phản hồi… Xin được chia sẻ.
Dương Minh Trí
Trong chủ đề buổi nói chuyện, có ba từ khóa chính: Cư sĩ, hộ pháp và thời đại truyền thông 4.0. Hai khái niệm đầu nói chung ý nghĩa không có gì thay đôi, còn khái niệm thứ 3 là mới – nó đã được Bác Ngọc giải thích khá rõ nghĩa và vẻ sơ đồ ra trên bảng bao gồm các thành phần sender, receiver, channel, feedback, noise … Tôi muốn nói vài ý về sơ đồ này:
- Sender gửi thông tin cho receiver thì đến lượt receiver này trở thành sender mới và lại gửi thông tin đi tiếp đến receiver mới … Vòng lặp này được lặp lại liên tục, kết quả là thông tin được lan truyền với tốc độ chóng mặt và đi khắp mọi nơi. Quá trình này có thể dẫn đến sự lan tỏa tích cực (thông điệp tốt) hoặc sự méo mó, sai lêch (tin giả, tam sao thất bản).
Trường hợp nếu nội dung liên quan đến giáo lý nhà Phật và không đúng chánh pháp, thì tà pháp phát tán khắp nơi.
- Một feedback được phản hồi từ receiver ngược trở về sender. Nếu feedback này là lời phê phán, chỉ trích, miệt thị, công kích thì sao nhỉ? Phần nhiều Sender cũng sẽ nổi giận đáp trả lại cũng với y chang lời feedback trên. Thế là thị phi sẽ lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ ánh sáng.
Người cư sĩ hộ pháp nếu chưa có đạo lực cao dễ bị nóng giận, phản ứng theo cảm xúc, rồi bị lôi cuốn vào thị phi này. Hóa ra chưa “độ” được người đã bị người “độ” lại.
- Thông tin được truyền từ sender sang receiver qua một channel (sóng radio, internet …). Một hacker có thể xâm nhập vào chanel, chặn tin nhắn, nghe lén, thay đổi nội dung và lại truyền đi. Đây gọi là hiện tượng nhiễu (noise). Kết quả thông tin bị bóp méo, sai lệch được lan truyền.
Trường hợp một bài giảng chánh pháp nếu rơi vào hiện tượng này thì có thể trở thành tà pháp (bị thay đổi ác ý). Từ đó có thể làm mất niềm tin vào Phật pháp trong cộng đồng mạng.
Thời đại truyền thông 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho người hộ pháp ngoài những hình thức hộ pháp truyền thống, nhưng cũng có rất nhiều thách thức mới được đặt ra.
Trước khi đóng vai trò “cư sĩ hộ pháp”, nên là một “cư sĩ” sống tốt với văn – tư – tu đã.
4. Trong buổi nói chuyện, Bác Ngọc có nhắc đến một khái niệm “Tâm truyền tâm” – một cách truyền đạt chân lý trong Thiền Tông giữa thầy (sender) và trò (receiver) thông qua trực nhận chứ không thông qua lời nói, văn tự. Một giai thoại nổi tiếng thể hiện cách truyền này là câu chuyện “Niêm hoa vi tiếu” – Đức Phật giơ cành hoa lên và Ngài Ca Diếp mĩm cười.
Tạm gọi “Tâm truyền tâm” cũng là một cách truyền thông. Như vậy channel trong trường hợp này là gì? Đó chỉ là một ánh mắt, nụ cười, cử chỉ nào đó của sender và cái vi diệu là receiver vẫn hiểu đúng điều thầy muốn khai ngộ. Đây là một dạng truyền thông thuần khiết, không nhiễu loạn, không hiểu lầm. Vì sao?
– “Tâm truyền tâm” không đi qua ngôn ngữ hay khái niệm, nên không bị giới hạn bởi từ ngữ mập mờ, cách hiểu khác biệt.
– Khi tâm của người truyền hoàn toàn thanh tịnh, định tĩnh, giác ngộ, và tâm người nhận trống rỗng, cởi mở, sẵn sàng đón nhận, thì sự tiếp xúc tâm linh ấy xảy ra trực tiếp, không qua trung gian suy nghĩ → không nhiễu, không hiểu sai.
Tuy nhiên, đó là nói trong trường hợp lý tưởng, còn trong thực tế thì sao? Nếu tâm người nhận chưa tĩnh, còn thành kiến, loạn động, vọng tưởng thì vẫn có thể hiểu sai điều thấy muốn truyền đạt.
Lăng Lệ Mai
Giữa ngày trăng tròn tháng ba, trong tinh thần “ẩm thủy tư nguyên” – uống nước nhớ nguồn, chúng con trở về Chùa Xá Lợi, thành kính dâng nén tâm hương tưởng niệm 52 năm ngày Ngài Chánh Trí – Mai Thọ Truyền về với Phật . Dẫu thời gian đã hơn nửa thế kỷ, nhưng ân đức và dấu ấn tuệ giác của Ngài vẫn còn đó – thâm trầm mà sáng tỏ giữa lòng người học Phật.
Sau lễ tưởng niệm, chúng con hữu duyên được tham dự buổi pháp thoại nhẹ nhàng mà sâu sắc của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – Bác, một bậc hiền trí, một người thầy mà chúng con kính quý từ lâu. Trong không khí trang nghiêm, Bác chia sẻ về những ân nghĩa sâu dày mà Ngài Chánh Trí để lại, như một đóa sen chưa từng rời khỏi bùn, luôn tỏa hương ngát giữa cuộc đời đầy biến động.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã chạm đến thứ cảm xúc rất thật rằng: thời đại 4.0 là thời đại mà “cả thế giới nằm gọn trong lòng bàn tay”. Một cái chạm màn hình có thể mở ra vô số thông tin, nhưng cũng dễ khiến lòng người dao động. Bác kể, mỗi ngày nhận cả trăm email, nhưng chỉ giữ lại vài cái để đọc, còn lại là phải… xoá. Vì có những dòng tưởng như sâu sắc, nhưng lại chỉ là sự giận dữ, thị phi và nhiễu loạn. Giữa bối cảnh truyền thông bùng nổ, Bác nhấn mạnh: người cư sĩ phải biết tự hộ trì chính mình, tự mình gìn giữ chánh niệm, tự mình học hỏi Phật pháp, đặc biệt phải biết phân biệt giữa chánh pháp và tà kiến. Bác nhắc: “Hộ pháp bây giờ là phải dám chống lại các hiện tượng mê tín dị đoan – những thứ đang lan truyền ngày càng mạnh mẽ qua mạng xã hội, qua AI, qua những lời đường mật mà thiếu căn cứ đạo lý”.
Điều khiến chúng con đặc biệt tâm đắc là khi Bác dẫn lại lời Phật dạy về bốn loại thức ăn: đoàn thực (thức ăn vật chất), xúc thực (cảm thọ từ xúc chạm), tư niệm thực (ý nghĩ và mơ ước), và thức thực (nhận thức, tâm thức). Để từ đó nhắc nhở mỗi chúng ta cần chánh niệm trong từng bữa ăn, từng xúc cảm, từng dòng suy nghĩ, và cả trong từng nhận thức mỗi ngày. Chỉ có như thế, ta mới có thể sống an và không gieo thêm lo âu cho chính mình và người khác.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng nhắc lại lời chư Tổ: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” – không trụ vào đâu cả, không cố chấp vào một hình thức nào, để khỏi sinh tâm tham, sân, si giữa thời đại vốn dễ khiến con người đánh mất chính mình. Đó là bài học lớn, nhất là với người hộ pháp – cần giữ tâm không dính mắc, nhưng không buông lơi.
Nhớ lúc còn thuở bé , chúng con đã đọc “Mực Tím” và say mê với những bài viết tuổi mới lớn của Bác. Rồi lớn lên, chúng con lại gặp Bác trong những trang sách “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng”, “Gió heo may đã về”, “Thư gửi người bận rộn”, “Biết ơn mình”, ”Ngàn cánh sen xanh biếc”… mỗi cuốn sách là một đóa hoa thiện lành thật dễ thương trong khu vườn tâm linh đang lớn dần theo năm tháng đời người.
Hạnh phúc hơn, khi gần một thập niên nay, chúng con lại có duyên được gần gũi, hầu chuyện và học hỏi trực tiếp với Bác. Ở Bác luôn toát lên một nguồn năng lượng rất đặc biệt: lạc quan, mạnh mẽ và tràn đầy yêu thương.
Bác là người thầy, người cha, đôi khi là người bạn vong niên – mà mỗi lần chúng con đọc lại sách Bác là một lần… tủm tỉm cười một mình. Cái cười hiền, nhẹ như mây trôi – vì thấy mình trong đó, thấy đời trong đó, và thấy cả một con đường thiền vị đang dần hé mở giữa bộn bề thế gian.
Chúng con tri ân Bác – người gieo duyên lành và đã tiếp thêm cho chúng con niềm tin, động lực và ánh sáng của chánh pháp.
(13.4.2015)
Thân mến,
Đỗ Hồng ngọc.