Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Báo Thuốc & Sức khỏe: Giúp người già được… sướng!

13/08/2015 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

Giúp người già được… sướng!

(http://thuocsuckhoe.com.vn/giup-nguoi-gia-duoc-suong-post1002220.html)

Sáng 12-8, BS Đỗ Hồng Ngọc đã có buổi giao lưu ra mắt sách Già sao cho sướng của mình ở cà phê sách Phương Nam, quận 11, TP.HCM.
Buổi giao lưu có đông người già đến tham dự. Nhiều vấn đề thú vị về cuộc sống của người già hiện đại được đặt ra, nhất là người già ở đô thị.

xem tiếp …

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Hỏi đáp

Giới thiệu trang “Hỏi bác sĩ Nhi Đồng”

07/06/2015 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

Giới thiệu trang “Hỏi bác sĩ Nhi Đồng”

http://www.hoibacsinhidong.net/

https://www.facebook.com/Hoibsnhidong

Do bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM sáng lập và phụ trách là một trang Web và Fanpage đáng tin cậy, nhằm giúp giải đáp thắc mắc của các ông bố bà mẹ trong việc nuôi con, chăm sóc con.

Đúng như bác sĩ Trương Hữu Khanh đã công bố, “Hỏi bác sĩ Nhi Đồng” là trang tư vấn sức khỏe, nhằm góp phần chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe trẻ em chớ không phải để chẩn đoán và điều trị, không thay thế người bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và chữa bệnh cho trẻ.

Vậy các thân hữu trang www.dohongngoc.com/web/ từ nay khi có các thắc mắc gì về sức khỏe trẻ em, vui lòng gởi câu hỏi đến “Hỏi bác sĩ Nhi Đồng” để được tư vấn nhé.

Cảm ơn BS Trương Hữu Khanh và trân trọng giới thiệu đến các thân hữu,

BS Đỗ Hồng Ngọc

(7.6.2015)

xem tiếp …

Filed Under: Hỏi đáp, Nuôi con, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Thầy thuốc và bệnh nhân

Vài câu hỏi đáp về Y khoa ngày trước

01/08/2014 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

Vài câu hỏi đáp về Y khoa ngày trước

Ghi chú: Một số đồng nghiệp trẻ muốn biết hồi xưa thời chúng tôi học hành Y khoa ra sao, trình luận án, đọc Lời thề Hippocrates và Văn bằng ngày trước thế nào, nay nhân dịp anh Khanh nêu câu hỏi trên www.dohongngoc.com/web/ tôi xin được trình bày rõ thêm như dưới đây.

ĐHN

xem tiếp …

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Hỏi đáp, Vài đoạn hồi ký

“Nỗi khổ của thần đồng”

12/07/2013 By Bac Si Do Hong Ngoc 7 Comments

Nỗi khổ của Thần đồng

Ghi chú: Gần đây nhiều bạn bè tôi vốn nay đã là “ông bà nội ngoại” băn khoăn hỏi thăm về chuyện có nên cho cháu theo học phương pháp giáo dục mới, giúp biết đọc, làm toán… rất sớm, mong trở thành một trẻ có tài năng phi thường, một “thần đồng”… như ba mẹ của bé mong muốn…. Đã có những cuộc tranh luận khá căng thẳng trong gia đình. Tôi nghĩ tốt nhất nên post lại bài viết này (năm 2009) và giới thiệu thêm tài liệu để các bạn tham khảo. Thân mến, ĐHN.

xem tiếp …

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Hỏi đáp, Thư gởi người bận rộn

Trò chuyện trên dutule.com kỳ 6

26/04/2013 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

Câu hỏi của Nguyệt Mai

Kính thưa anh,

Em đã được đọc những chia sẻ về Phật học của anh như “Nghĩ từ trái tim” và “Gươm báu trao tay”. Em muốn được nói lên lời cám ơn anh đã giúp em và độc giả có cơ hội hiểu về Bát Nhã Tâm Kinh và Kinh Kim Cang. Em rất thích thú với những ví dụ anh đưa ra, rất gần với “đời”, làm người đọc thấy đạo mà như đời, đời mà như đạo của anh, từ văn chương, lịch sử, cuộc đời…. Như những trích dẫn về thơ Bùi Giáng hay nhạc Trịnh Công Sơn, tiểu thuyết Kim Dung, vua Trần Nhân Tông…

xem tiếp …

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Hỏi đáp, Lõm bõm học Phật

Hà Nội Mới: “Đối thoại chủ nhật”

26/02/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 5 Comments

Báo HÀ NỘI MỚI (CN 26.2.2012)
Đối Thoại Chủ Nhật với BS Đỗ Hồng Ngọc
http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/Doi-thoai/539874/%C4%91au-dau-chua-do-se-khong-bao-gio-dut-benh!.htm
“Đau đâu chữa đó” sẽ không bao giờ chữa dứt bệnh!
Ở ông, tài năng y học và văn chương, con người khoa học và con người nghệ sĩ được lồng ghép và bổ trợ lẫn nhau một cách nhuần nhuyễn, dí dỏm mà uyên bác, gần gụi đến bình dị, thú vị đến mức học giả Nguyễn Hiến Lê từng nhận xét: “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị!”.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc -con người kỳ lạ đó- giờ đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Chắt lọc được từ chính những trải nghiệm cuộc sống, ông bảo, bác sĩ chỉ biết “đau đâu chữa đó” thì không bao giờ chữa dứt được bệnh, vì cái “khổ” vẫn ẩn tàng bên trong!

Ngô Sơn

PV: Thú thực, bác sĩ nổi tiếng trong y học với nhiều cuốn sách viết cho bà mẹ trẻ em nhưng tôi suýt nữa gọi bác sĩ là… cô?

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (BS ĐHN): Nhiều người cũng lầm như thế. Lúc tôi còn cộng tác ở báo Mực Tím, nhiều em viết thư: ”Thưa cô, em có điều này rất bí mật không dám nói với ai…”. Bây giờ nhiều ông sồn sồn vẫn tưởng tôi là một nữ bác sĩ… trẻ đẹp, đến lúc gặp mặt mới bật ngữa!
Nếu tự phác họa về mình, tôi thấy đó là một ông già mà tóc chưa bạc nhiều và thích viết lách lăng nhăng làm người ta cười… Là một bác sĩ nhà quê đến nỗi người ta không biết là bác sĩ vì toàn hướng dẫn người dân tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mình để ít phải lệ thuộc vào thầy vào thuốc…

PV: Tôi rất tâm đắc khi bác sĩ nói: “ Kẻ làm thầy thuốc có thể chữa được cái “đau” mà không chữa được cái “khổ”. Có thể chữa được cái “bệnh” mà không chữa được cái “hoạn”.

BS ĐHN: Tiếng Việt mình rất hay bạn ạ! Đau khổ. Bệnh hoạn. Cái đau sinh cái khổ, cái khổ đẻ cái đau… Bác sĩ được học để chữa cái đau. Mấy ai quan tâm đến cái khổ của người bệnh đằng sau cái đau đó? Nghiên cứu gần đây cho thấy 60-80% bệnh nhân đến bác sĩ là có nguyên nhân từ “stress” trong đời sống. Bác sĩ chỉ biết “đau đâu chữa đó” thì không bao giờ chữa dứt được bệnh, hết bệnh này sinh bệnh khác, vì cái “khổ” vẫn ẩn tàng bên trong! Mà cái khổ, không dễ chữa chút nào!

PV: Phải chăng bởi điều này nên bác sĩ bỏ ra 20 năm theo đuổi Bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe (trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) – bộ môn hầu như không có ở các Đại học Y khoa?

BS ĐHN: Khi mắc bệnh người ta cứ đổ cho vi trùng, vi-rút, nhưng nhiều bệnh tật lại do hành vi lối sống gây ra. Bây giờ người ta bệnh nhiều hơn xưa vì sao? Bởi hành vi lối sống của con người đã thay đổi. Đặc biệt do môi trường thiên nhiên, không khí, nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Đời sống căng thẳng gây bệnh tâm thần; ăn uống bất cẩn gây bệnh béo phì, tim mạch; môi trường bê bối gây bệnh ung thư; và các thứ tai nạn, thương tích. Sức khỏe phải là sự “sảng khoái” ở cả ba mặt: thể chất, tâm thần và xã hội.
Khi ở bệnh viện Nhi Đồng, tôi làm ở khoa cấp cứu 16 năm, hàng ngày thấy trẻ con chết nhiều quá nên nghĩ cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao dân trí để người dân tự biết bảo vệ, chăm sóc sức khỏe mình, gia đình mình. Rời bệnh viện Nhi đồng, tôi về phụ trách Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe suốt hơn 20 năm và đã hình thành Bộ môn Khoa học hành vi- Giáo dục sức khỏe này tại trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

PV: Bộ môn “không cần thuốc” này có chữa được bệnh?

BS ĐHN: Không hiệu quả trước mắt như mổ xẻ, thuốc men, nhưng hiệu quả bền chặt sâu. “Truyền thông trị liệu”,”Truyền thông thay đổi hành vi” không dễ tí nào! Nó là một khoa học, bao gồm cả tâm lý- xã hội- nhân chủng (văn hóa) ứng dụng vào ngành y, giúp cải thiện mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân và nâng cao y đức. Người bệnh không chỉ “đau” mà còn “khổ”. Làm sao người bác sĩ thấy được nỗi khổ sau nỗi đau, để thấu cảm với người bệnh. Một lời nói, một cử chỉ của thầy thuốc có thể làm cho bệnh nặng hơn hay nhẹ đi, vơi đi bạn ạ. Những kỹ năng ứng dụng này phải bằng tâm của người thầy thuốc.

PV: Bác sĩ nhìn thấy gì ở 2 chữ “y đức” hiện nay?

BS ĐHN: Nói y đức suông mà không có tay nghề thì… hại người ta nhiều hơn, làm người ta “đau” nhiều hơn. Còn giỏi kỹ thuật chuyên môn mà thiếu y đức thì làm cho người ta “khổ” nhiều hơn.
Thực tế, bên cạnh những chuyện không hay, đáng tiếc về y đức, đa số các bác sĩ, nhân viên ngành y nói chung âm thầm chịu đựng gian khổ, khó khăn trong đời sống để phục vụ bệnh nhân, phục vụ cộng đồng theo lý tưởng nhân bản mà nghề nghiệp đã truyền trao từ khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng.
Nhưng cũng phải thẳng thắn, tại sao thầy thuốc thường bị đem ra “mổ xẻ”, “răn đe”…? Tại sao mối “quan hệ” đầm ấm ngày nào nay trở thành “cơm không lành canh không ngọt”?
Thời tôi học Y khoa ở Saigon phải học 7 năm, trình luận án với lời thề Hippocrate, được cấp bằng Tiến sĩ y khoa quốc gia. Ngay năm thứ nhất đã học môn Tâm lý- Xã hội ứng dụng. Mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân rất được chú trọng có lẽ vì thời đó chưa có nhiều máy móc kỹ thuật cao như bây giờ nên “lâm sàng” được học rất kỹ. Đến năm thứ 5, chúng tôi phải học Nghĩa vụ luận Y khoa để khi ra trường biết cách hành xử với bệnh nhân, với cộng đồng và với đồng nghiệp sao cho tốt, cho đúng. Ra trường thì vào Y sĩ đoàn- một nghiệp đoàn nghề nghiệp- để được giám sát và bảo vệ trong quá trình hành nghề. Đại khái có nhiều điều xưa cũ, nhưng cần thiết ngay cả trong thời đại hiện nay.

PV: Bác sĩ đi theo nghề y, lại bắt duyên nghiệp văn chương thì quả là…

BS ĐHN: Tôi mê làm báo từ hồi học Đệ thất, Đệ lục (lớp 6, lớp 7 bây giờ). Lúc đầu làm báo tường, sau làm báo tập, in ronéo, mỗi năm ra… hai số. Nửa thế kỷ trước, năm 1962, đậu xong Tú Tài II, tôi phân vân trước ngã ba đường: vừa muốn học Y, lại muốn học Sư phạm, học Văn khoa. Sau cùng tôi chọn y, rồi học thêm Văn, rồi viết lách, giảng dạy… lai rai mấy chục năm nay. Tôi nghĩ, y là cái nghề như kỹ sư, thầy giáo… còn “văn” thì phải có cái “máu”, cái “gien” mới được.

PV: Khi viết báo, làm thơ liệu bác sĩ có bị cản trở bởi “cây kim tiêm, con dao mổ”?

BS ĐHN: Trái lại, nó còn “hỗ trợ” quấn quít lấy nhau, bổ sung cho nhau. Giống như đất sét thì phải có nước mới nặn nên hình được. Y khoa là một khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật mà! Ai bảo người nghệ sĩ không yêu nghề, không nghiêm túc còn vị thầy thuốc sao lại không thể có tâm hồn bay bỗng… nhỉ? Dĩ nhiên khi viết về y học thì phải hết sức thận trọng, chính xác và phải luôn quan tâm tới góc cạnh tâm lý xã hội của vấn đề chứ không đơn thuần chỉ ở góc độ bệnh lý. Khi làm thơ, viết tùy bút chẳng hạn thì có thể tự cho phép mình bay bỗng hơn… Cronin, Lỗ Tấn, Sommerset Maugham… đều là thầy thuốc cả đó chứ!

PV: Viết sách y học, bác sĩ tả việc khám, chữa bệnh với ngôn từ rất “sống” rất hình ảnh như “ nếu phân cứng, lục cục lòn hòn như cứt dê và mỗi lần đi bé phải rặn ì ạch đỏ mặt tía tai” hay “Khám chữa bệnh cho trẻ con có cái thú là chúng không… biết nói, thỉnh thoảng còn giật kiếng cận và ống nghe của mình, lúc cao hứng còn… “tè” vào mặt mình..” hoặc “ Một bà mẹ có con bị bón bao giờ cũng khổ sở bứt rứt, thấy con ì ạch mãi không ra cũng bặm môi bặm miệng rặn giùm con..” Tại sao bác sĩ không dùng thuật ngữ y khoa để “ an toàn” hơn? Phải chăng đó là sự kết hợp giữa nghệ thuật và y học?

BS ĐHN : “An toàn” hơn là sao? Tôi phải chọn thứ ngôn ngữ nào mà người đọc dễ hiểu nhất thế thôi. Tôi viết với sự chân thành và thấu cảm, nên bạn đọc của tôi khi đọc thấy có mình trong đó. Mỗi khi viết, tôi thấy mình không phải… viết mà đang trực tiếp được trò chuyện, trao đổi với người đọc của mình.
PV : Rất nhiều người bất ngờ khi trang web www.dohongngoc.com/web/ có lượng độc giả lớn (đã có 186.198 lượt người truy cập với 400.709 trang được đọc) lại của một “ông lão” đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” với những ngôn từ dí dỏm mà uyên thâm. Bác sĩ nghĩ gì về thế giới phẳng?

BS ĐHN: Không lẽ thế giới phẳng chỉ dành riêng cho giới trẻ thôi sao? Nhưng dựa vào đâu để phân định già hay trẻ? Nói như André Maurois, có người mới 20 đã quá già trong khi người 80 hãy còn rất trẻ!
Thực ra tôi mù tịt công nghệ thông tin. Tôi cũng không ưa cuộc sống ảo. Nhưng rồi do nhu cầu nghiên cứu, học hỏi, tôi cũng phải mò mẫm lên mạng lai rai. Bỗng thấy ngày càng nhiều những bài viết, những sách… của mình xuất hiện. Có nhiều chỗ sai sót, nhiều chỗ khuyết danh, tam sao thất bổn! Từ đó, mơ ước có cách nào gom góp lại, phân lọai ra, bổ sung thêm… để chính thức thành một tập tư liệu “động”, có thể chia sẻ với mọi người, làm chỗ giao lưu với bạn bè, tương tác với bạn đọc gần xa. Vả lại, thêm tuổi tác, có khi cũng cần thêm chút bận rộn nào chăng?…Năm 2009, có một bạn trẻ không quen biết “meo” tôi nói em đọc tôi từ hồi còn nhỏ trên Mực Tím, sẵn sàng giúp tôi làm một trang web. Và rồi chỉ vài hôm sau, đã thấy xuất hiện www.dohongngoc.com/web/ coi cũng ngồ ngộ.

PV: 3 năm với “.com” rồi! Thế giới phẳng trong mắt của bác sĩ thế nào?

BS ĐHN: Ban ngày thấy bạn bè trong nước, ban đêm thì bè bạn khắp năm châu! Thế giới phẳng giúp mọi người gần gũi nhau một cách kỳ lạ và giúp ta có cơ hội học hỏi không ngừng, nó làm cho mình thấy có… trách nhiệm hơn với những bày tỏ, viết lách của mình. Trái đất vẫn tròn, nhưng ngày càng nhỏ lại.

Các bạn trẻ SGC (Nhà cung cấp tên miền Việt Nam và quốc tế) bảo trang web đã được cái gì đó xếp vào hạng khá, 4/7 thì phải. Tôi hoàn toàn không hiểu ý nghĩa chuyện xếp hạng này. Không cần thiết và cũng không nên xếp hạng. Có một người bạn sẻ chia, ấy đã là hạnh phúc. Đo đếm mà chi!

Có người đề nghị nên thay đổi diện mạo cho nó hấp dẫn hơn. Thay đổi chi? Nhìn vào biết ngay là “nhà” của một ông già lười. Lúc cao hứng ba bốn bài một lúc, lâu chẳng có bài nào. Có bài đăng rồi quên đăng lại! Có người khuyên nên tổ chức trang cho có bài bản, xếp đặt cho nó đàng hoàng, dễ tìm kiếm v.v… Ối trời, bừa bãi là một sự sảng khoái khó có được trong thời buổi này, ở lứa tuổi này!

PV: Xin cảm ơn bác sĩ

Ngô Sơn

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Hỏi đáp

Mùa thi!

25/02/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 14 Comments

Ghi chú: Mới đó đã lại đến Mùa thi nữa rồi!
Thanh Nien Online gởi tôi mấy câu hỏi gọi là “Tư vấn mùa thi”, xin chia sẻ nơi đây cùng các bạn.
Thanh Niên Online
Ăn uống, ngủ nghỉ như thế nào để đảm bảo sức khỏe cho thí sinh
trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012.

1. Đây là thời kỳ các sĩ tử tăng tốc cho việc ôn thi ĐH-CĐ. Vấn đề sức khỏe được đặt ra. Theo bác sĩ, cần một chế độ dinh dưỡng như thế nào để đảm bảo sức khỏe ôn thi?

“Sức khỏe” đâu chỉ là chuyện có “một chế độ dinh dưỡng” như thế nào! Sức khỏe đâu chỉ nên quan tâm lúc học ôn thi ĐH-CĐ? Sức khỏe là một sự “sảng khoái” toàn diện về thể chất (physical), tâm thần (mental) và xã hội (social)!…Chế độ dinh dưỡng chỉ là một khía cạnh nhỏ của sự sảng khoái đó thôi. Trẻ không chỉ cần phải ăn đủ và ăn đúng, mà còn phải không thiếu không thừa. Ăn đầy đủ năng lượng (calori) và cân đối, tức đầy đủ các chất đạm, đường, dầu, rau trái. Trẻ còn cần không khí trong lành để hít thở. Và quan trọng hơn, cần một “không khí gia đình” êm ấm, không bị căng thẳng bởi sức ép của cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo, buộc phải thế này thế khác. Nào phải thi cho đậu, nào phải đạt điểm cho cao, nào phải vào cho được trường này trường nọ! Để có sức khỏe ôn thi còn cần phải ngủ đầy đủ. Ngủ nhiều nữa là khác để đầu óc được thảnh thơi, tỉnh táo, tiếp nhận bài học dễ dàng. Chớ cứ ráng thức khuya mà học, cột tóc vào ghế mà học cho khỏi ngủ gục thì đầu óc càng mụ mẩm, dễ bị tâm thần về sau dù có đậu hai ba bằng tiến sĩ!

2. Theo Bác sĩ giữa việc ăn, ngủ, nghỉ có tác động như thế nào đến chuyện ôn thi của thí sinh. Đặc biệt là áp lực chọn trường, ngành dự thi?

Hai chuyện này đâu có ăn nhập gì với nhau! “Áp lực” chọn trường, ngành dự thi là một chuyện hết sức vô lý. Tại sao lại áp lực, lại ép buộc trẻ phải học ngành này ngành kia khi trẻ thích ngành khác? Có em học bác sĩ để cha mẹ vui lòng, sau đó bỏ nghề ra làm kinh doanh, giàu quá cỡ… cha mẹ vui lòng hơn! Có em học để làm luật sư, sau thành ca sỹ, tiếng tăm vang dội hơn nhiều. Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép… “ngành”? Nghề này nghề kia nhiều khi do cái nghiệp mà ra. Cha mẹ sinh con trời sinh tính! Tôi cho rằng cha mẹ ngày nay không ai dại gì gây áp lực bất lợi cho trẻ. Nhiều trẻ đã bị tâm thần, đau khổ triền miên, ân hận cả đời, oán trách cha mẹ… vì đã “chọn nghiệp” sai, vì cha mẹ cưỡng ép v.v…
Ăn, ngủ, nghỉ… trong thời gian ôn thi là rất quan trọng. Bất cứ thi ngành nào, trường nào. Cơ thể ta như con ngựa kéo xe, có cho nó ăn đầy đủ, ngủ nghỉ đầy đủ… thì nó mới có sức mà kéo, nếu không nó bỏ ta ngang xương giữa đường thôi! Nhưng, tại sao phải đợi dến thời gian học thi mới lo chuyện ăn, ngủ, nghỉ… nhỉ? Nước đến chân mới nhảy thường khi không kịp!

3. Chế độ ăn uống hàng ngày cho các thí sinh như thế nào là hợp lý?

Không cần gì đặc biệt cả. Ngày thường thế nào thì những ngày ôn thi cũng thế thôi. Đừng có bày đặt nọ kia. Cả năm không ngó ngàng, tới ngày thi bày đặt vổ về như gà đá, gà chọi! Cứ đói thì ăn, khát thì uống. Thèm thứ gì ăn thứ đó, vì nhu cầu cơ thể đang cần, miễn là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm! Học thi, cần nhất là “ăn” không khí trong lành. Sáng sớm, thể dục, tắm rửa, thở bụng- đưa hơi xuống huyệt “đan điền”- rồi ngồi vào học (nằm học, đi học, đứng học… cách nào cũng được, miễn là thấy thoải mái). Sau không khí là đường, nước và Vitamin C. Chỉ cần một vài ly chanh đường là đủ cho thí sinh ôn thi rồi vì trong chanh, cam, chuối, cóc…có nhiều viatmin C lắm. Tự pha lấy mà uống. Lại không tốn tiền. Đừng có bày đặt nhõng nhẽo, đòi mẹ phải khuấy cho, “người yêu” phải khuấy cho mới chịu uống! Mấy em bày đặt, kiểu cọ, thì thường thi rớt vì mất thì giờ, vì sinh sự. Thèm chè, cứ ăn chè; thèm trứng, cứ ăn trứng…Thịt, cá, trứng, sữa, đậu… đều có nhiều protein (chất đạm). Quen ăn món gì thì cứ ăn món đó. Lâu nay không uống sữa, học thi bày đặt uống sữa… thông minh, thế nào cũng sình bụng, đau bụng, ỉa chảy. “Thông minh” đâu không thấy chỉ thấy “ngu dốt” thêm! Các loại thuốc giúp trí nhớ nọ kia chủ yếu làm cho ỷ lại, mau quên!

4. Có nhiều trường hợp các thí sinh bị cha mẹ “ép” ăn uống quá mức cần thiết. Ngược lại, có nhiều thí sinh không được cha mẹ để ý đến chuyện ăn uống trong giai đoạn này. Vậy, lời khuyên của bác sĩ đối với cha mẹ thí sinh?

Hãy để trẻ tự nhiên. Tự nhiên thì bao giờ cũng sảng khoái hơn là bị ép buộc. Không gì khó chịu cho bằng đang học ngon trớn mà bị kêu đi ăn, đi uống. Mất thì giờ, mất “tập trung”, rất khó lặp lại “không khí học tập” lúc đó. Cha mẹ quan tâm chỉ cần tăng cường vài món trẻ vẫn ưa thích hàng ngày như trứng vịt, chè đậu… Thích ăn trứng, cứ ăn, miễn là trứng không bị H5N1. Không phải vì ăn trứng gà trứng vịt mà bị không điểm đâu! Trứng rất bổ. Cũng không phải nhờ ăn chè đậu mà đậu đâu. Đậu cũng rất bổ. Tóm lại, không nên dị đoan mê tín.

5. Bác sĩ đã gặp trường hợp nào bị sa sút tinh thần, thể chất trong thời kỳ ôn thi mà có liên quan đến chế độ ăn hàng ngày chưa ạ? Nếu có, BS có thể dẫn chứng cụ thể?

Có. Thí dụ nhịn ăn nhịn uống dễ bị hạ đường huyết (hypoglycémie), tới ngày thi té xỉu trong phòng hoặc bị co giật đùng đùng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, rồi cho là “xui xẻo”. Có khi gần ngày thi ăn uống linh tinh bị “Táo Tháo” đuổi, ói mửa, ôm bụng chạy ra chạy vào, không còn đầu óc đâu để thi rồi cho là tại “số trời”!
Ăn, ngủ là hai chuyện rất quan trọng trong thời gian học thi. Ăn đủ, ngủ đủ là tốt nhất. Ăn đủ thì có calori để học, ngủ đủ thì não bô được “sạc pin” tốt, không “chai”, không bị hết pin đột ngột.

6. Lời khuyên của Bác sĩ đến các sĩ tử trước áp lực thi cử sắp tới?

Thi cử? Chuyện dễ òm. Không có gì phải “ầm ỉ” cả! Đậu cũng tốt, không đậu cũng tốt. Điều quan trọng là đã thực sự cố gắng hết mình! Thua keo này bày keo khác. Không học trường này thì học trường kia. Đời còn dài. Biết ra sao ngày sau? Que sera sera. Học là chuyện suốt đời mà!
Có hai điều đáng sợ: Một là không thích học ngành này mà bị ép phải học, ép phải thi cho đậu. Thiệt là vô duyên! Có em thích làm bác sĩ, kỹ sư… nhưng cũng có em thích làm ca sĩ, họa sĩ… Nhiều em thất bại ở trường thi mà lại rất thành công ở trường đời!
Hai là cha mẹ ngày xưa thi rớt… triền miên, nay lại muốn con hay con giỏi, thi đâu đậu đó cho nở mặt nở mũi với đời! Như vậy là bất công. Cái đó là ích kỷ, là thương mình chớ không phải thương con! Cha mẹ không nên cưỡng ép con. Trong lúc học thi, cha mẹ tử tế sẽ nhắc con: Thi “chơi” thôi nha. Đậu cũng tốt, không đậu cũng tốt, miễn là con đã cố gắng hết mình thôi! Được nghe như vậy, trẻ yên tâm, chắc chắn sẽ đậu!

BS. Đỗ Hồng Ngọc trả lời Phương Nga.
(Mùa thi,2012)

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Hỏi đáp, Thầy thuốc và bệnh nhân

Phỏng vấn BS Đỗ Hồng Ngọc

14/02/2012 By support2 2 Comments

Ghi chú: Ánh Ngọc, BTV đài PTTH Bình Dương phỏng vấn BS Đỗ Hồng Ngọc một số vấn đề nhân buổi Xuân về Tết đến.

Xin chia sẻ cùng các bạn.

xem tiếp …

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Hỏi đáp Tagged With: BS Do Hong Ngoc

TIÊU CHẢY Ở TRẺ CON

19/10/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 102 Comments

Ghi chú: Không ngờ bài viết “Phải làm gì khi bé bị tiêu chảy” trên trang www.dohongngoc.com/web/ này lại được đọc nhiều đến vậy! Không chỉ ở trong nước mà cả ở ngoài nước, gần như khắp nơi trên… “thế giới”. Thì ra đây là một chuyện “lớn” (đại sự) đúng nghĩa của kiếp nhân sinh, từ sơ sinh đến già lão. Rất nhiều câu hỏi đã gởi về đầy ưu tư lo lắng, đề nghị tư vấn, do vậy, xin có bài trả lời chung này vậy. Thân mến,

BS Đỗ Hồng Ngọc

Bà mẹ nào có con nhỏ bị tiêu chảy cũng thấy đắng chát cả miệng mồm, khô khốc cả cổ họng và chỉ mong sao cho bé được “cầm ỉa” ngay tức khắc, nghĩa là mong có cách nào làm dứt ngay cơn “ỉa chảy” của bé. Và đó là lý do tại sao trong phòng Cấp Cứu ở các khoa Nhi vẫn thường gặp những ca ngộ độc sái thuốc phiện, á phiện, thuốc chích thuốc uống này khác làm cho bé bị liệt ruột, bụng chướng lên, thở thoi thóp, đồng tử (con ngươi) teo nhỏ như đầu đinh ghim! Có trường hợp chết oan là vì vậy, không kể các trường hợp chết vì khô nước, mất nước trong cơ thể.

Tiêu chảy cấp thưc chất là một… phản xạ có ích cho cơ thể, nhằm tống hết chất độc ra ngoài đường ruột, một khi ruột bị rối loạn, bị nhiễm trùng, nhiễm độc, như trường hợp ngộ độc thực phẩm, dùng sữa ôi thiu… Còn trưòng hợp tiêu chảy kéo dài do sai dinh dưỡng (đưa đến suy dinh dưỡng), do dùng kháng sinh không đúng cách làm tiêu hủy những vi sinh vật vốn rất có ích trong đường ruột hoặc do trẻ “không chịu”, “không hạp” với một thứ sữa nào đó thì phải ngưng thuốc kháng sinh và điều chỉnh cách dinh dưỡng sao cho đúng. Có khi chỉ vì pha chế sữa không đúng (đặc quá hoặc loãng quá) cũng gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc bón… Nhiều bà mẹ bây giờ thích nghe bày vẻ, nghe quảng cáo, cứ thay sữa xoành xoạch. Trẻ chưa kịp làm quen với thứ sữa này đã phải làm quen sữa khác, đương nhiên phải “rối loạn tiêu hoá” thôi. Thức ăn dặm cũng vậy. Phải có thời gian cho bé quen một thứ thức ăn mới (thịt, cá, trứng, rau, đậu…), nếu thấy tốt, cứ nên tiếp tục, miễn là cân đối, đủ 4 nhóm “bột, đạm, dầu, rau” và thấy trẻ tăng cân tốt là được (Đọc thêm “Nuôi con sao cho giỏi” trong Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng). Cũng nên biết có thứ tiêu chảy không phải bệnh thường gặp ở bé bú sữa mẹ, gọi là tiêu chảy sinh lý, càng “lẹt xẹt”, “hoa cà hoa cải” càng mau lớn. Khi bắt đầu được cho ăn dặm (ăn sam) thì trẻ sẽ không còn tiêu chảy lẹt xẹt như vậy nữa.
Nhớ rằng tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ do siêu vi hay do E.Coli thì cũng phải 4-5 ngày mới khỏi, miễn là không bị mất nước, làm trầm trọng thêm. Nhiều bà mẹ đi khám bác sĩ vài ba hôm thấy không bớt, đến thầy “lang băm” cũng vừa đúng thời điểm dứt bệnh, thế là thầy nổi tiếng. Không kể trường hợp uống sái phiện như đã nói trên. Lỗi ở bác sĩ không chịu giải thích rõ, không hướng dẫn kỹ cho bà mẹ yên tâm.
Đa số các bà mẹ thấy con “ỉa ra nước” thì không dám cho uống nước, sợ càng uống càng ỉa thêm. Điều này sai! Bởi không cho uống, bé vẫn ỉa ra nước như thường! Nước này tứ đâu ra? Nước từ trong tế bào và từ trong máu. Do vậy, dễ dẫn tới khô máu, khô tế bào mà chết. Trên thế giới, hằng năm có vài ba triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì tiêu chảy mất nước như vậy, cũng chỉ vì bà mẹ không dám cho uống nước bù. Ngày nay, người ta biết rõ nguyên nhân gây tử vong của trẻ tiêu chảy không phải do nhiễm trùng mà do mất nước nên đã khuyến khích các bà mẹ cho con uống bù nước sớm khi trẻ vừa tiêu chảy. Nhờ vậy mà cứu được rất nhiều trẻ nhỏ. Nếu không cho uống nước thì bệnh sẽ nặng hơn và kéo dài hơn. Nếu không cho ăn thì trẻ sẽ đói, kiệt sức. Mặc dù ruột đang “yếu”, trẻ vẫn hấp thu được phần lớn thức ăn. Cần cho ăn nhiều bữa, ăn nhẹ, loãng, dễ tiêu… Pha sữa đúng cách và cho ăn trở lại bình thường càng sớm càng tốt, nếu cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nước uống bù trong tiêu chảy tốt nhất là Oresol, còn gọi là “nước biển khô”, có ở các Trạm Y tế hoặc các nhà thuốc, đem về pha vào một lít nước chín (đun sôi để nguội, phải pha với đúng một lít) cho bé uống bù ( cả người lớn bị tiêu chảy cũng vậy). Ở những nơi không tìm được Oresol thì pha nửa muỗng muối (loại muỗng cà phê 5ml) với sáu muỗng đường vào trong một lít nước chín. Nếu có chanh hay cam, nặn vào một ít càng tốt để có thêm chất muối Kali (potassium).

Điều quan trọng, không nên để trẻ tiêu chảy. Nên cho bú mẹ ít nhất 6 tháng. Bú mẹ thì yên tâm, khỏi phải lo gì cả! Nếu bú bình, thì phải giữ vệ sinh bình bú, núm vú thật tốt, pha chế đúng tỷ lệ. Biết cách cho ăn dặm. Nếu bé lỡ bị tiêu chảy thì bình tĩnh, cho uống bù nước sớm và đưa đến bác sĩ khi cần.

Filed Under: Hỏi đáp, Ở nơi xa thầy thuốc, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Thư từ Minnesota

11/10/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 17 Comments

Thư đi… Tin lại
Ghi chú: Nhat Duong 18 tuổi. Qua Mỹ lúc 16. Đang chuẩn bị học thi vào Y khoa. Hai năm sống ở Mỹ, em có những cảm nhận thật sâu sắc. Riêng với tôi còn là một bất ngờ, đáng quý. Vì thế, trên mục “Thư đi…Tin lại” kỳ này tôi muốn chia sẻ cùng các bạn trẻ và các vị phụ huynh một cái nhìn từ một người trẻ xa nhà. Tôi cũng đã mạn phép em chuyển thư này đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.

Nhat Duong nhatduong@yahoo.com

Minnesota, ngay 3 thang 10 nam 2011,

Kính gửi Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Kính thưa Bác sĩ,
Con tên là Nhat Duong, hiện nay đang học ở Mỹ. Con chỉ vừa mới qua đây được 2 năm, nay con đã 18 tuổi rồi; cái tuổi thiệt đẹp phải không Bác sĩ?
Trong khi viết những dòng này cho Bác sĩ, con có một cảm giác thật hồi hộp mà con nghĩ Bác sĩ- hơn 60 năm về trước- cũng đã trải qua khi “đánh bạo” viết thư cho cố học giả Nguyễn Hiến Lê. Hồi hộp vì không biết có được trả lời thư hay không, hoặc Bác sĩ sẽ đánh giá sức học, trình độ văn hóa qua cách viết của mình như thế nào…

Con, đặt chân lên nước Mỹ năm 16 tuổi, thấy mình thật may mắn vì đã được “hít thở” không khí Á Đông, cụ thể là Viet Nam, thấy được vẻ đẹp của thành phố Sai Gon thân yêu mỗi sáng, nét duyên dáng của tà áo dài nữ sinh sau mỗi giờ tan học mà nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong truyện Mắt Biếc là “một kỳ quan.” Nếu được chọn lại, con vẫn sẽ chọn mình được sinh ra và lớn lên ở Sai Gon, Viet Nam, dù cho sau này con có phải vất vả học tiếng Anh như thế nào đi chăng nữa. Đối với con, tiếng Việt đẹp một cách lạ kỳ, đặc biệt kể từ hồi con qua Mỹ đến giờ. Đẹp đên mức trong những lần thắp nhang khấn Phật, con đã xin Phật cho con mãi là người Viet Nam, kiếp này và cả những kiếp sau nữa…

Cơ duyên đã cho con được “gặp” Bác sĩ qua những tác phẩm như “Như ngàn thang thuốc bổ”, “Thầy thuốc và bệnh nhân”, “Gió heo may đã về”, “Thư gởi người bạn rộn”… từ rất sớm, năm đó con chỉ đang học lớp 8 mà thôi. Mà lại lén giấu ba mẹ để đọc, sợ ba mẹ phát hiện được lại nói mình “ông cụ non”! Mà đọc lén cũng có cái thú của nó, Bác sĩ đồng ý với con chứ? Cảm giác lúc đầu của con khi đọc lời tựa “Như ngàn thang thuốc bổ” là sự kính trọng xen lẫn sợ sệt khi nghe Bác sĩ làm việc “như điên trong nhiều năm trời,” để rồi bị “tai biến mạch máu não, phải mổ gấp.” Lúc đó con đã từ bỏ ý định trở thành Bác sĩ. Nhưng rồi những tác phẩm tiếp theo của Bác sĩ đã làm con phải suy nghĩ lại, thậm chí suy nghĩ rất nhiều. Tất cả những tác phẩm của Bác sĩ, ngọai trừ “Gươm báu trao tay” và “Nghĩ từ trái tim,” con không nhớ đã đọc bao nhiêu lần từ năm lớp 8 đến nay, nhưng đủ nhiều để con thấm thía những bài học trong đó. Nhờ Bác sĩ mà con không se sua quần áo, không đua đòi ba me này nọ; rằng chỉ có học giỏi mới được mọi người “mua chuộc”.
Cơ duyên cũng cho con “gặp” nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và học gỉa Nguyễn Hiến Lê qua những tác phẩm tuyệt hay của hai ông. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nuôi dưỡng hạt giống tuổi thơ trong con, giup con yêu Viet Nam hơn. Từ hồi đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh, con tự thay đổi mình rất nhiều. Không hiểu sao truyện Nguyễn Nhật Ánh vừa có tính chất giải trí vừa có tính giáo dục rất cao. Còn về học gỉa Nguyễn Hiến Lê, thật sự con chỉ biết thưởng thức những tác phẩm của ông mà không có bất cứ 1 lời phàn nàn nào, vì những tác phẩm được viết quá khéo và quá hay!
Thưa Bác sĩ, nãy giờ con trải lòng với Bác sĩ như vậy để Bác sĩ hiểu con hơn, ngoài ra để Bác sĩ có đủ “tư liệu, thông tin” để tư vấn cho con vấn đề sau đây:

Con đang theo học để thi vào Y khoa ở Mỹ. Mục tiêu của con là trở thành Bác sĩ, cứu chữa được thiệt nhiều người, đặc biệt là người nghèo. Mặc dù con biết Y khoa là ngành khó nhất ở Mỹ, phải có bằng cử nhân (bachelor degree) và điểm thi MCAT, cộng với những sinh hoạt ngoại khóa khác. Thế nên, con rất muốn nghe lời khuyên của Bác sĩ về việc làm thế nào để trở thành 1 vị bác sĩ tốt. Được vậy con cảm ơn Bác sĩ nhiều lắm…
Một chuyện nữa là Bác sĩ cho con lời khuyên chọn vợ như thế nào sau này. Con biết Bác sĩ sẽ nghĩ con lo chuyện “nữ nhi tình trường” mà không chú tâm vô học. Nhưng Bác sĩ ơi, con sợ rằng khi con cần hỏi thì Bác sĩ đã trăm tuổi rồi…

Chuyện cuối cùng là việc nên nuôi dạy con của con ở Việt Nam hay Mỹ. Con biết vấn đề này hơi nhạy cảm một tí, nhưng thực tình con rất muốn nuôi dạy con của con ở Việt Nam. Bác sĩ cũng đã biết nuôi dạy con cái khó như thế nào, đặc biệt ở Mỹ, nơi mà nếu muốn, đứa trẻ có thể gọi 911 bất cứ lúc nào để “bỏ bót” cha mẹ nó, cùng hằng trăm khác biệt văn hóa khác. Sẽ thật tuyệt vời nếu Bác sĩ có thể cho con một lời giải cho “bài toán” này.

Con thực tình xin lỗi Bác sĩ vì đã viết 1 bức thư dài như vậy (con biết Bác sĩ mới mổ cườm mắt gần đây), nhưng xin Bác sĩ hãy cho con 1 lời khuyên để con vững tin hơn trên bước đường con đã, đang, và sẽ chọn sau này…
Nhat Duong

Saigon 7.10.2011

Tg Nhat Duong,

1. Bác thật sự ngac nhiên thấy con mới 18 tuổi, đã qua Mỹ 2 năm rồi mà con viết tiếng Việt rất tốt, nhất là những suy nghĩ của con rất Việt Nam, có lẽ nhờ con đã sống trong một nền nếp văn hóa gia đình.
2. Không đến 60 năm đâu, mới 54 năm thôi. Đó là năm 1957 khi bác “đánh bạo” viết thư cho ông Nguyễn Hiến Lê hỏi ý kiến về chuyện học hành. Hồi đó viết thư tay chứ không như bây giờ có máy vi tính, có internet. Viết tay còn có thể bị đánh giá qua chữ viết nữa đó chứ (Đời người qua nét bút)!
3. Con có thể nói rõ hơn, tại sao con thấy may mắn vì được « hit thở » không khí Á Đông ? Cho vài ví dụ? Bởi nhiều bạn trẻ như con qua được đến Mỹ thì coi như mình được “giải thoát” và hội nhập vào văn hóa Mỹ rất nhanh! Có phải con sanh ra ở Saigon? Gia cảnh ra sao? Bố mẹ làm nghề gì? Như vậy Bác mới hiểu con nhiều hơn. À, đặc biệt con thấy tiếng Việt “đẹp một cách lạ kỳ” ở chỗ nào?
3. Đọc lén, thú lắm chứ! Nhưng lén đọc “bậy bạ” thì lại không nên. Có lẽ gia đình con, Ba mẹ con đã có sẵn một số sách của Bác nên con mới có cơ hội đọc lén? Con sợ ba mẹ phát hiện nói con là ông cụ non thì Bác thấy con trở thành ông cụ non thiệt rồi đó qua thư này! Con cho Bác biết, vì sao con đọc sách của Bác mà lại thích? Bác đâu có viết “tiểu thuyết” như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh?
4. Không se sua chưng diện, tốt. Có lẽ Ba mẹ con chắc cũng ngạc nhiên thấy có thằng con không se sua chưng diện, chỉ lo học hành, lo hoạch định tương lai từ nhỏ? Tại sao ngoại trừ Gươm báo trao tay và Nghĩ từ trái tim không đọc? Có phải vì nó khó hiểu hay vì nó viết về Phật giáo?
5. Con nhận xét về 2 tác giả Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Nhật Ánh rất đúng.( Bác mạn phép chuyển thư này đến nhà văn NNA, để ông thấy ông được giới trẻ đánh giá ra sao). Bác hy vọng NNA sẽ ngày càng nâng cao tính giáo dục của tác phẩm mình, sẽ có ích nhiều cho tuổi trẻ.
5. Con phải đặt Mục tiêu từng bước. Đừng đặt Mục tiêu quá xa. Phải xong Bachelor, phải chuẩn bị thi MCAT cho thật tốt… Sau đó mới tính chuyên trở thành một bác sĩ “tốt” là như thế nào được. Ở đời nhiều khi mình tính đường này nó ra đường khác. Bác chúc con “thuận buồm xuôi gió”, nhưng đừng đặt kỳ vọng quá xa, vì nếu không thành công sẽ dễ nản chí, ngã lòng. Đọc thư con, Bác biết con là người có ý chí, nghị lực, có “văn hóa” rộng. Như vậy, dù con không thành Bác sĩ đi nữa thì vẫn sẽ thành công trên đường đời, vẫn sẽ là một người tốt, giúp ich được cho gia đình và xã hội.
6. Chọn vợ? Đây là chỗ mà Bác nói con trở thành “ông cụ non”. Lo xa quá! Chọn vợ như thế nào ư? Nhiều khi phải có « duyên » và « nợ » con ạ ! Có duyên mà không nợ, có nợ mà không duyên, cũng không thành. Trong mọi tình huống, đều phải biết uyển chuyển, trung dung. Đặt nhiều điều kiện quá dễ thất bại lắm! Con có thể tìm đọc cuốn “Tương lai trong tay ta” của Nguyễn Hiến Lê. Ông có chỉ cách “chọn vợ” trong đó.
Con 18 tuổi chắc cũng đã bắt đầu quan tâm đến chuyện nam nữ, mới thấy “áo dài” nữ sinh đẹp như thế nào phải không? Vậy là tốt. Tốt vì con là “con trai” thực sự. Hãy để thời gian tập trung lo học. “Tình duyên” sẽ đến sau. Bác còn gần 30 năm nữa mới được… trăm tuổi. Lúc đó con cũng lớn bộn rồi! Đừng lo.
7. Chuyện “dạy con” để tới đó hẳn hay. Lúc đó, con sẽ có nhiều vấn đề để giải quyết lắm. Học xong con về Việt Nam hay ở Mỹ luôn? Vợ con là ai? Ý kiến vợ con thế nào? Con phải tôn trọng, bàn bạc. Ý kiến Ba mẹ con thế nào? Còn “Ba mẹ vợ” nữa chứ! Lỡ con cưới một cô gái Mỹ hay Tàu… thì sao? Ai biết được? Que sera sera. Dù sao, con cũng nên để dành cuốn Khi Người Ta Lớn và Tuổi Mới Lớn… cho con của con! Dù sao, con của con cũng nên được trui rèn trong nền văn hóa Việt phải không?
Trước mắt tập trung lo học, đạt Muc tiêu từng bước. Rèn nghị lực, nhân cách. Giữ gìn sức khỏe.
Chúc con mọi sự tốt lành.
BS Do Hong Ngoc.

Minnesota, ngay 7 thang 10 nam 2011

Kính thưa Bác sĩ,
Con thiệt không biết nói gì hơn là cảm ơn Bác sĩ đã trả lời thư của con. Từ hồi nhỏ đến giờ đây là lần đầu tiên có người trả lời thư cho con, mà lại là Bác sĩ nữa! Con thích lắm, cảm giác vừa hồi hộp, vừa vui mừng.

Lý do con nói rằng con “may mắn được hít thở không khí Á Đông” vì con thấy cuộc sống ở Mỹ sao mà cực quá! Người Mỹ có lẽ không biết khái niệm “sống nhàn nhã” như người phương Đông, lúc nào vẻ mặt cũng căng thẳng, âu lo, vì phải lo trả tiền nhà, tiền xe, tiền điện, nước,…Ngay cả trong cách ăn uống con cũng thấy người Mỹ đang tự hủy hoại bản thân mình. Bác sĩ biết không, bên này ở các cửa hàng người ta bán các “thanh dinh dưỡng” (nutrition bar), nhìn bề ngoài gióng như mấy thanh kẹo socola; ví dụ đến bữa trưa, nếu Bác sĩ không cảm thấy muốn ăn trưa thì Bác sĩ có thể ăn 1 “thanh dinh dưỡng” đó, bảo đảm no đến chiều (theo như lời 1 thầy giáo người Mỹ của con và nhiều người khác)! Con mặc dù chưa được học Y khoa đến nơi đến chốn, nhưng mới nghe qua cũng đã thấy khó tin rồi. Một chuyện nữa là chuyện con cái đối xử với cha mẹ. Sống bên Mỹ, chuyện con cái lớn tiếng với cha mẹ dường như đã thành…cơm bữa, hình như thiếu nó không được, thiếu thì không còn là Mỹ nữa. Nếu được giáo dục theo người Việt Nam, hẳn những bạn đó không bao giờ làm như vậy. Thêm nữa, chuyện con cái bỏ mặc cha mẹ một mình khi tuổi già sức yếu, thậm chí cho vào viện dưỡng lão, là con không chịu được. Nếu Bác sĩ biết rằng ở nơi con ở, đối diện với 1 viện dưỡng lão là …nhà quàn, thì Bác sĩ cũng sẽ bức xúc vô cùng. Một ví dụ nữa là chuyện ăn mặc của học sinh Mỹ. Nhiều người mặc quần xẻ….tới đầu gối, vào trường chỉ lo chưng diện, tai đeo iPod, bông tai (tại sao con trai lại đeo bông tai? Con không tài nào hiểu được), học hành thì lẹt đẹt, hoạ hoằn lắm mới có 1 người học kha khá. Con gái thì…càng làm con thấy tiếc những tà áo dài “2 phần gió thổi, 1 phần mây.” Trang điểm, đánh phấn, gắn lông mi giả,… Chưa đến 20 tuổi mà nhìn cứ như…ngoài 30! Trong lớp con có 1 cô bạn Mỹ, một lần ngồi nói chuyện xã giao mới biết rằng bạn đó không sống chung nhà với ba mẹ mà dọn ra ngoài sống với bạn trai 25 tuổi. Mà Bác sĩ biết bạn đó bao nhiêu tuổi không? Chỉ mới 19 mà thôi! Chuyện đáng nói ở đây là ba mẹ của bạn đó cũng đồng ý luôn! Trên đây chỉ là một vài ví dụ về những chuyện con thấy trước mắt, tất nhiên con không “vơ đũa cả nắm,” bởi vì vẫn còn những người Mỹ sống rất đàng hoàng, đúng mực, học hành giỏi giang. Bản thân con tiếp thu văn hóa Mỹ cũng rất nhanh; nhưng con chỉ “Mỹ” ở trường học thôi, về nhà con lại là người Việt Nam.

Con được sanh ra và lớn lên ở Sai Gon (nhà con gần chợ Vườn Chuối ở quận 3 đó Bác sĩ), nhưng quê của bên nội con là ở Hà Đông. Bố con là nhân viên ngân hàng, mẹ con là nhân viên văn phòng. Bố mẹ con sống rất đơn giản, tiết kiệm, chi tiêu có ghi sổ sách đàng hoàng, và đặc biệt là đề cao việc học. Lúc còn nhỏ, nếu đòi mẹ con mua đồ chơi thì nhất quyết mẹ con không mua, nhưng nếu mua sách đọc thì thoải mái. Mà tính con hay xúc động, đọc truyện thấy có con mèo đi lạc, đi hoài không tìm đường về nhà được là con …khóc ngon lành. Về việc con thấy tiếng Việt “đẹp một cách lạ kỳ” ít nhiều bị ảnh hưởng bởi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và… Bác sĩ. Ngôn từ trong truyện Nguyễn Nhật Ánh vừa phong phú, đa dạng, vừa dễ gây xúc động, làm tâm hồn mềm mại hơn; đặc biệt cốt truyện nửa thật nửa hư ảo, nhưng điều làm con thích là những câu chuyện ấy rất gần với cuộc sống hằng ngày của con. Duy chỉ có 1 điều làm con thấy hơi ghét nhà văn là hầu như truyện nào cũng có cái kết buồn ơi là buồn, lần nào đọc xong con buồn mất 2,3 ngày. Vậy mà vẫn thích đọc hoài. Con thấy cảm giác buồn này thiệt dễ chịu, cứ như là nếu không buồn thì không phải Nguyễn Nhật Ánh vậy!

Mặc dù Bác sĩ không viết “tiểu thuyết” như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhưng con thấy những câu chuyện của Bác sĩ có một cái gì đó vừa như những lời răn đe, dạy dỗ, vừa châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội phương Tây và Đông. Như con đã trình bày trong thư trước, cứ nhớ đến lời Bác sĩ dặn “ráng học tập Trần Minh khố chuối đậu trạng nguyên, lấy công chúa” là con như được tiếp thêm sức mạnh. Con hoàn toàn hiểu những gì Bác sĩ muốn gửi gấm đến người đọc trong chương đó. Một điều quan trọng nữa là tuổi thơ của Bác sĩ cũng khá… giống con, cũng bị đánh đòn, cũng đọc truyện lén. Cùng “cảnh ngộ” nên con thích đọc truyện Bác sĩ, chỉ đơn giản vậy thôi.

Về việc con không đọc “Nghĩ từ trái tim” và “Gươm báu trao tay” đúng như Bác sĩ đã “chẩn đoán”: nó hơi khó hiểu đối với con, mặc dù nhà con theo đạo Phat. Con cảm thấy hai tác phẩm này hơi… lạc lỏng giữa rừng tác phẩm Bác sĩ viết cho người đọc phổ thông. Con thích coi mấy dĩa CD mà trong đó Thầy giảng bài cho Phật tử nghe, lồng ghép ví dụ thực tế, như vậy con thích hơn.

Điều cuối cùng là về vấn đề “vợ, con.” Con rất cảm ơn lời khuyên của Bác sĩ và con hứa sẽ nghe theo. Nếu điều kiện cho phép, con vẫn thích về Việt Nam sống và làm việc hơn ở Mỹ.

Con xin phép Bác sĩ cho con dừng ở đây. Chúc Bác sĩ và gia đình luôn được nhiều sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Nhat Duong

Saigon 11.10,2011
Tg Nhat Duong,
Bác hiểu con đang bị một cú “sốc văn hóa”. Cần có thời gian. Điều quan trọng, hãy giữ gìn “bản sắc” văn hoá riêng của mình nhé. Khi con lớn thêm chút nữa, con sẽ đọc được “Nghĩ từ trái tim”…
Giữ sức khỏe và ráng học cho giỏi.
Bác Ngọc.

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Góc nhìn - nhận định, Hỏi đáp

CHUYỆN “LỚN” CỦA BÉ!

01/10/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 72 Comments

Bé vẫn đi tiêu đều đều mỗi ngày một hai lần nhưng vẫn là bón nếu phân cứng, lục cục lòn hòn như cứt dê và mỗi lần đi bé phải rặn ì ạch đỏ mặt tía tai. Trái lại, có bé năm bảy ngày mới đi tiêu một lần mà vẫn không bị coi là bón nếu phân mềm, nhão, có khuôn. Nói khác đi, bón không dựa vào số lần đi tiêu mà dựa vào tính chất của phân. Phân khô, đặc, cứng thì gọi là bón.

Một bà mẹ có con bị bón bao giờ cũng khổ sở bứt rứt, thấy con ì ạch mãi không ra cũng bặm môi bặm miệng rặn giùm con, và sẵn sàng mua một thứ thuốc gì đó bơm đít, hoặc lấy lá hành, lá trầu… ngoáy vào hậu môn bé, hy vọng làm cho bé đi được. Thực ra hâu môn chỉ là một cánh cửa cuối của trực tràng. Trực tràng phải co bóp thì mới tống phân ra được. Và để co bóp có hiệu quả, phân phải đủ to mới kích thích co bóp tống phân ra khỏi “cổng”. Ngoáy ngoáy chọc chọc ở “cổng” chỉ gây một tác dụng yếu, không mấy ý nghĩa. Riết rồi bé cứ đợi cho có bơm, có ngoáy mới chịu đi,không tự đi một mình được. Phân nằm trong trực tràng lâu, khô cứng lại, có khi cứng như đá, xé rách hậu môn làm chảy máu. Bị rách, bị chảy máu một lần như vậy bé sẽ đau lắm, sợ hãi lắm và rán nhịn cho đừng phải rách thêm. Thế là thành cái vòng luẩn quẩn!


Bón có tính di truyền, do sự phân bố của hệ thần kinh, do độ dài của ruột già v.v… nhưng quan trọng hơn cả là do dinh dưỡng sai lầm và do không tập thói quen tốt. Trẻ khoảng 15 tháng tuổi đã có thể giữ vệ sinh, biết kêu lên khi đi tiêu đi tiểu. Do vậy, “xi đái”, “xi ỉa” là tạo một phản xạ có điều kiện tốt cho bé. Bất đắt dĩ mới phải dùng thuốc uống hoặc thuốc bơm hậu môn. Khó chịu lắm. Nóng rát lắm. Cứ thử tự bơm cho mình môt lần đi thì biết.

Nếu bé bú mẹ, không có gì phải lo. Nếu bú sữa nhân tạo, phải coi kỹ hướng dẫn cách pha chế. Pha đặc quá, loãng quá đều gây… bón. Khi được 4 tháng tuổi bé đã có thể được tập cho ăn dặm (ăn sam), nghĩa là thêm thức ăn bên ngoài vào bữa sữa của bé. Nước luộc rau củ, luộc bầu bí, nước cháo loãng… dùng để pha sữa sẽ làm bé dễ đi tiêu hơn vì có chất xơ. Khi ăn được bột thì nhớ thêm rau củ, trái cây. Trong chuối, đu đủ… có dầu, giúp làm trơn ruột. Cần tập ăn dần nhưng chất có xơ. Tuy xơ không phải là thực phẩm, không cho năng lượng nhưng giúp làm phân đóng khuôn, đủ lớn để kích thích đầu dây thần kinh trực tràng tạo co bóp để tống phân ra ngoài. Thật sai lầm khi cho bé dùng một thứ nước cam … tinh khiết, đầy hương vị hoá học, nhưng không có chút “xơ múi” gì cả! Uống một ly cam như vậy không sao bằng ăn một vài múi cam tươi.


Tóm lại, bón thì mẹ khổ, con khổ, “tui” cũng… khổ!

BS Đỗ Hồng Ngọc.

Filed Under: Hỏi đáp, Nuôi con, Ở nơi xa thầy thuốc, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc

Chuyện lớn của Bé

01/10/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 107 Comments

Thư đi… Tin lại (2)

Thanh Tho
chu.thanh@gmail.com
Submitted on 2011/09/27 at 1:40 chiều

Thưa bác sĩ.
Em ở Hưng Yên muốn tìm mua quyển sách “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” của bác sĩ nhưng không biết phải làm thế nào. Mua trực tuyến thì đăng kí mấy lần toàn bị lỗi. Em muốn hỏi bác sĩ vấn đề như sau:
Con em được 3 tháng 20 ngày. tháng đầu tiền đi ngoài hoa cà hoa cải rất nhiều lần. Sang tháng thứ 2 thì 5 ngày sau cháu mới đi ngoài, phân sền sệt màu vàng dẻo như bột nếp. Cháu bú mẹ hoàn toàn. Sau đó 7 ngày cháu không đi ngoài, em phải hoà mật ong với nước ấm theo tỷ lệ 1: 3 thì cháu mới chịu đi ngoài. Mỗi lần đi ngoài cháu rặn trông rất đau. Cháu vẫn ngủ ngoan chơi ngoan. Hai hôm nay cháu kém bú, đánh rắm rất nhiều, mùi thối nhưng không đi ngoài được. Sáng nay em thụt mật ong thì cháu đi ngoài phân nhầy, có chỗ thì sệt, chỗ thì nước. Vậy em mong bác sĩ ttrả lời giúp em làm thế nào để cháu đi ị bình thường. Em ăn uống điều độ, cơm thịt nạc, rau ngót có ăn cả thịt bò và rau cải, rau khoai lang, mồng tơi. Em có cần thay đổi chế độ ăn không. Mong bác sĩ trả lời sơm vì ngày hôm nay cháu bú rất ít. Em cảm ơn bác sĩ nhiều

Trả lời:
Bú mẹ thuần túy thì không việc gì phải lo cả. Cho bé uống thêm nước cam vắt. Khi 4 tháng tuổi đã phải tập ăn dẵm (ăn sam). Nên thêm trái cây, cam, chuối, đu đủ… bé sẽ dễ đi tiêu. Mẹ không cần phải kiêng cữ. Ăn thêm rau trái thì tốt. Nhờ bạn nào ở Hà Nội hỏi mua sách giùm ở Nhà sách Fahasa hoặc Phương Nam.

Me Kem
dothanhhieu@gmail.com
Submitted on 2011/09/28 at 9:05 chiều

Chào bác sĩ!
Trường hợp của em cũng giống như bạn Tho trên. Bác sĩ cho em hoi thêm một chút. Cháu nhà em lúc sinh nặng 2,8kg. Hiện nay được 3 tháng 19 ngày bé nặng 5.8kg. Bé ít bú. Bú mẹ hoàn toàn và cũng không đi vệ sinh được. Đêm nằm ngủ bé lắc đầu mạnh, chân tay đạp loạn xạ xuống giường. Ngủ không ngon giấc. Ra nhiều mồ hôi sau gáy. Hằng ngày em vẫn cho cháu sưởi nắng khỏang 10 phút. Mọi người bảo bị còi xương và có hiện tượng suy dinh dưỡng. Vậy mong bác sĩ trả lời giúp em hiện tượng của bé là bị bệnh gì hay đơn thuần trẻ nhỏ là như vậy. nếu đi khám thì nên đi khám ở đâu thì hợp lí. Em ở Hà Nội. Mong bác si trả lời sớm giúp em. Em cảm ơn bác sĩ
Trả lời:
Bình thường khi trẻ được 5 tháng tuổi thì nặng gấp đôi lúc mới sanh. Bé chưa đầy 4 tháng mà đã nặng hơn gấp đôi, vậy là rất tốt rồi. Đó là nhờ sữa mẹ tốt. Mẹ nên ăn thêm trái cây: Cam, chuối, Đu đủ… bé sẽ dễ đi tiêu hơn.
Coi lại chỗ nằm của bé. Nóng nực quá chăng? Ủ ấm quá chăng? Nệm mềm quá chăng?
Không nghĩ còi xương hay SDD đâu. Nên tập ăn sam dần khi bé hơn 4 tháng tuổi nhé.

Me Gau
catminh@gmail.com
Submitted on 2011/09/29 at 11:15 sáng

Chào bác sĩ!
Con nhà em cũng gần 4 tháng tuổi, cũng bú mẹ hoàn toàn như trường hợp của hai mẹ trên, nhưng cũng không đi ngoài được. Mọi người cứ bảo cháu lành dạ. Có người lại bảo cháu sữa nóng. Nếu không thụt mật ong cho cháu thì 7 ngày cháu vấn không tự đi ngoài được. Em đã thử cứ mặc kệ thì 9 ngày bé cũng không đi ngoài. Hoảng quá lại phải thụt mật ong cho cháu đỡ khó chịu. Vậy bác sĩ cho em hỏi em có nên tiếp tục thụt mật ong cho cháu không. Nếu thụt thì có ảnh hưởng gì khôg. Nếu không thụt thì cháu lo em bé đầy bụng. Cháu đã thử làm các động tác xoay bụng, ngâm đít vào nước nóng nhưng không ăn thua. Mong bác sĩ trả lời giúp. Cảm ơn bác sĩ
Trả lời:
Vì sữa mẹ tốt, được hấp thu gần như trọn vẹn, không còn nhiều bã nên có khi mươi ngày mới đi tiêu một lần, vẫn không sao cả! Miễn phân bé mềm, tốt, và bé phát triển, tăng cân bình thường. Mẹ nên ăn thêm rau, trái. Cho bé uống thêm nước cam vắt, chuối chín tán nhuyễn…!

BS Đỗ Hồng Ngọc

Filed Under: Hỏi đáp, Nuôi con, Ở nơi xa thầy thuốc, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc

Ghi chép lang thang (9.2011)

23/09/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 6 Comments

Thư đi… Tin lại

2011/09/20 at 4:02 chiều (về Giáo dục sức khỏe và Nâng cao sức khỏe”)
Thưa thầy
Xin thầy giúp em hiểu và trả lời câu hỏi này được không ạ:
“how health promotion and health education can contribute to emancipation (the liberation) or manipulation (defeat) of individuals”
Em cảm ơn thầy! (dongthuanajou)

2011/09/21 at 8:26 sáng | Trả lời cho dong thuan.
Em cần cho biết “câu đó” nằm trong đoạn văn nào, từ tài liệu nào, ở đâu, của ai… (phải đọc toàn bộ mới hiểu nghĩa tác giả muốn đề cập) và tại sao em hỏi như vậy, phải chăng em đang vào thi vấn đáp? (Em đang học ngành gì? Ở đâu vậy?).
Em cung cấp thêm thông tin thì thầy mới giúp em được. Thân mến. ĐHN.

2011/09/21 at 3:43 chiều
Thưa thầy
Chương trình học của em là về Khoa học sức khoẻ tích hợp (integrative health science) và đây là câu hỏi thảo luận về vấn đề giáo dục sức khoẻ và nâng cao sức khoẻ nằm trong chương trình. Giáo viên đưa ra nhiều tài liệu đọc, từ “The birth of clinic” của tác giả Foucault đến “the forms of capital” của Bourdieu và rất nhiều tài liệu khác…dẫn dắt các giai đoạn phát triển của y học đến nay. Theo em hiểu, hẳn là giáo viên có ý hỏi: “GDSK và NCSK đã đóng góp bao nhiêu cho sự giải phóng con người” (to what extent health promotion and health education contributed to emancipation?) Câu này nằm trong đoạn sau: Health Education – Emancipation or Manipulation? (dongthuanajou).

2011/09/22 at 11:28 sáng | Trả lời cho dong thuan.
Cảm ơn em đã gởi thêm tài liệu. Tôi chắc em đang học ở Thụy Điển, không biết là em đi du học hay định cư? Ngành học của em rất quan trọng hiện nay. Thụy Đỉển là một đất nước phát triển, Y tế rất tốt, hơn cả Mỹ và Tây Âu. Vấn đề đặt ra trong câu đó để em thảo luận là “Y ĐỨC trong GDSK và NCSK”. Có thực sự “giải phóng” cho con người hay chỉ coi con người như cái máy, biến con người thành nô lệ, “hủy diệt” tự do cá nhân của họ? Anh có quyền gì bắt người ta phải thế này thế nọ “để có sức khỏe tốt” ? Khi anh ép buộc người ta phải thế này thế khác anh có vi phạm “nhân quyền” không, có can thiệp vào hành vi, lối sống của cá nhân người ta không, lấy cớ vì lợi ích của cộng đồng? của tập thể? Và quan trọng hơn, những điều anh “dạy dỗ” người ta đó có chắc là đúng không? Đại khái vậy. Người làm GDSK, NCSK phải có Y đức, đừng áp đặt.
Phải hiểu rằng mỗi nước có trình độ kinh tế văn hoá xã hội khác nhau. Như ở ta, dị đoan mê tín còn nhiều, phong tục tập quán nhiều nơi gây hại sức khỏe người dân, nhất là bà mẹ trẻ em… Thuốc lá vẫn là yếu tố hàng đầu gây Ung thư, Rượu là yếu tố hàng đầu của bệnh gan và tai nạn giao thông. Dân trí chưa cao, ý thức bảo vệ sức khoẻ cộng cộng còn thấp nên GDSK và NCSK là cần thiết. Dĩ nhiên phải có Y đức trong lãnh vực này. Phải tôn trọng và có cách ứng xử đúng đắn, phù hợp.
Nên “tranh luận” những vấn đề như vậy, để mở rộng tầm nhìn, nhiều góc độ trên một thế giới “toàn cầu hóa”. ĐHN.

2011/09/22 at 9:50 chiều
Thưa thầy
Những ý kiến của thầy quả thật rất sâu sắc và có ý nghĩa không chỉ với bài tập này mà còn giúp em định hướng lại cái nhìn một cách toàn diện hơn về cả chuơng trình học “integrative health science”. Em đang theo học Master của trường ĐH Kristianstad Thuỵ điển và em hy vọng sẽ được thầy chỉ bảo nhiều hơn nữa trong những chặng đường tiếp theo.
Xin kính chúc thầy sức khỏe! (dongthuanajou)

2011/09/19 at 5:27 chiều (về “Săn sóc sức khỏe ban đầu”)
Bs viết: những năm 1984-1986 khi tôi triển khai chương trình Săn sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em (Primary Child Care) tại phường 13, Quận 6, anh là người tích cực ủng hộ, động viên tôi vì anh hiểu rằng đây mới chính là con đường đúng đắn để mang lại sức khỏe cho trẻ em một cách căn cơ, không bị lệ thuộc vào bệnh viện, vào thầy vào thuốc. Và chương trình Hiệp Phước 1986. Đó có được gọi là xây dựng mô hình dự phòng tích cực không và đến nay công tác dự phòng có làm thêm được những mô hình nào khác nữa thưa bác sĩ? Nếu em muốn tham khảo tài liệu và kết quả chương trình đem lại thì tìm đọc ở đâu?
Xin cám ơn Bs về những đóng góp to lớn mà Bs đã làm cho SKCĐ. (Hienptt)

2011/09/20 at 8:08 sáng | Trả lời cho Hien.
Cảm ơn em. Tài liệu về Săn sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em tại Phường 13, Quận 6, Tp.HCM (1984-1986) tôi đã đăng tóm tắt trên Tạp chí Nhi Khoa số 1, Tp.HCM (khoảng năm 1988?). Không biết Thư viện BV Nhi đồng 1 và 2 có còn giữ không?
Tài liệu Chương Trinh Hiệp Phước đã in thành sách, có thể tìm tại Thư viện Trung tâm Truyền thông & Giáo dục sức khỏe, Tp. HCM, 59 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1.
Gần đây, công tác dự phòng ít được quan tâm như trước mà tập trung vào điều trị, mở thêm ngày càng nhiều bệnh viện và bệnh viện thì ngày càng “quá tải”! Hy vọng Bộ trưởng Y tế hiện nay xuất thân từ Y tế dự phòng sẽ có những quan điểm mới, cách làm mới, sẽ có những “mô hình dự phòng tích cực” mới. Thực chất SSSKBĐ thì gắn sức khỏe với phát triển, một triết lý nhân bản, công bằng xã hội, dựa trên toàn diện hệ thống y tế chứ không chỉ là “dự phòng bệnh tật” bạn ạ. Nên đọc thêm đề tài SSSKBĐ trên trang web này. ĐHN.

2011/09/21 at 4:58 chiều (về “Săn sóc sức khỏe ban đầu”)
Cám ơn Bs đã giải đáp sớm, em đã đọc nhiều lần bài “Chăm sóc sức khỏe ban đầu”, và em rất tâm đắc với nội dung: “Bởi vì vẫn còn đó trong Y tế:
Bất công, bất bình đẳng.
Quá tốn kém, nghèo nghèo thêm.
Ngày càng chuyên sâu, manh mún, không toàn diện. Không an toàn. Nhiều tai biến.
Định hướng sai. Nặng điều trị, kỹ thuật cao, tốn kém. Thương mại hoá, tập đoàn hoá.
Y tế cơ sở bị xói mòn, sụp đổ, nhẹ phòng bệnh.”
Em cũng có người thân là nạn nhân của một số các lỗi trên của ngành y mà đã phải ra đi trong độ tuổi có khả năng cống hiến nhiều nhất. Nền y tế của ta hiện nay nặng điều trị, kỹ thuật cao, tốn kém và không hiệu quả. Phòng bệnh hơn hẳn trị bệnh ở nhiều góc độ. Em có nguyện vọng thiết tha tìm ra mô hình Chăm sóc sức khỏe chủ động cho tất cả mọi người (săn sóc sức khỏe theo hướng dự phòng chủ động – chủ động phòng bệnh, tức là cung cấp kiến thức cho các cá thể nhằm tác động điều chỉnh hành vi không có lợi cho sức khỏe của mỗi người ngay từ thời kì khỏe mạnh, nhằm làm giảm khả năng xuất hiện của bệnh, tăng cường các yếu tố bảo vệ, loại bỏ các yếu tố nguy cơ). Bs có thể nhận lời giúp cố vấn cho em được không?
Với tất cả sự kính trọng và biết ơn xin gởi đến bác. (hienptt)

2011/09/16 at 10:50 sáng ( về “Cân bằng trong đời sống”)
Hay quá thầy ơi. Mở cái presentation lên, xong đeo phone vô, y như đang ngồi dự ở đó, chỉ tiếc là không nhìn thấy thầy thôi. Con thích câu chuyện này quá: quả banh công việc thì làm bằng cao su, rớt xuống thì nó tưng lên, còn quả banh sức khỏe, gia đình, bạn bè… thì bằng thủy tinh, rớt xuống nó bể… Cám ơn thầy đã chia sẻ. ( tv.Nguyengibc)

2011/09/22 at 10:36 chiều (về “Stress” và “Thiền”)
Cám ơn những bài viết của bs về stress và thiền. Nhờ đó tôi đã tự chữa bệnh stress của mình sau khi mắc bệnh tiểu đường type 2. Mặc dù đường huyết đã ổn định (thử máu hằng tháng) và huyết áp không cao, nhưng tôi thường xuyên tim bị hồi hộp tim đập liên hồi và mỗi lần như thế tôi lại vào bệnh viện ở khoa cấp cứu , bs cho vài viên thuốc uống hôm sau lại về , cứ nhứ thế mà mấy tháng trời chịu đựng , người lúc nào các cơ cũng căng cứng và tướng đi thì lom khom do sợ huyết áp tăng, càng sợ tim lại càng hồi hộp , cho đến một hôm đọc những lời bs viết về stress và thiền, thì tôi như sực tỉnh , vì biết bệnh mình không có gì trầm trọng, tự mình hù dọa mình và làm cho mình lúc nào cũng căng thẳng. Thế là tôi tập hít thở và thả lỏng thân, dần dần tôi cảm thấy khá và tự tin hơn, tim không còn hồi hộp nữa. Thật là từ bác sĩ tôi ngộ ra nhiều điều mà trước đó mình có đọc qua sách Phật, nhưng chưa trải qua nên chưa thấu hiểu được…Cám ơn bs rất nhiều. (loantrananh)

Filed Under: Hỏi đáp

Cân bằng trong cuộc sống giữa một thời đại nhiều chênh vênh

16/09/2011 By support2 2 Comments

Hương Thơ

Gần 300 khán giả tới tham dự đề tài “CÂN BẰNG CUỘC SỐNG”, đặc biệt là các bạn trẻ, các bạn sinh viên. Khán giả gửi tới thuyết trình viên nhiều phản hồi với những câu hỏi được nhìn từ các khía cạnh vào cuộc sống mà bạn trẻ cảm thấy nhiều bấp bênh trong thời đại hôm nay.
Chiều thứ 7, ngày 10/09/2011, tại hội trường B102, Chương Trình Chuyên Đề đã khai giảng Chuyên Đề Khóa 16 với đề tài thứ 119: “CÂN BẰNG TRONG CUỘC SỐNG”.
Với phong cách điềm đạm pha lẫn dí dỏm, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã đem đến cho khán giả những suy tư về tình trạng cuộc sống căng thẳng trong thời đại nhiều tiến bộ và đổi thay ngày nay, cùng với những phương pháp ứng phó.
Từ năm 1946, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khái niệm về sức khỏe như sau: Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well being; bien-être) về: thể chất (physical) tâm thần (mental)và xã hội (social), chứ không phải chỉ là không có bệnh hay tật.xem tiếp …

Filed Under: Hỏi đáp, Ở nơi xa thầy thuốc Tagged With: BS Đỗ Hồng Ngọc, can bang trong cuoc song giua mot thoi dai nhieu chenh venh

Giao lưu trực tuyến với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tại Nhà sách Phương Nam TP.HCM ngày 25.8.2011 ( tiếp theo )

25/08/2011 By support2 3 Comments

11. Câu 1: BS cảm nhận như thế nào về lứa tuổi teen hiện nay và thời teen của BS? Nếu được viết về lứa tuổi teen hiện nay BS có cảm thấy khó viết hơn lúc trước không ? Câu 2:Một lời khuyên cần thiết nhất đối với độc giả hiện nay BS sẽ nói điều gì ? (Lê Thanh Liêm – lethanhliem74@yahoo.com.vn – 25/08/2011 10:36)


Đỗ Hồng Ngọc:

Câu 1: Viết về tuổi teen hiện nay, tôi cảm thấy khó viết hơn lúc trước nhiều chứ. Tuổi teen hiện nay có vẻ biết quá nhiều và nhiều khi biết không chính xác, đặc biệt là những vấn đề về tình dục, giới tính. Tôi đã giữ Mục “phòng mạch Mực Tím” của báo Mực Tím suốt 12 năm trời, nhưng bây giờ đọc những câu hỏi đáp của các bạn teen tôi cũng giật mình.

Câu 2: Có phải bạn định nói độc giả tuổi teen không?Theo tôi, thì nên tìm những nguồn thông tin chính thức và phải biết tự bảo vệ mình, tự trách nhiệm về mình.xem tiếp …

Filed Under: Hỏi đáp, Ở nơi xa thầy thuốc

  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)

TẠP GHI (Lõm Bõm)

Nguyễn Xuân Thiệp: VỴ ƠI…

Truyện Phan Tấn Hải: QUÊN NHAU LÀ CHUYỆN KHÓ

Thêm một Tuổi Mới

PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Biết rồi còn hỏi

Ba tầng của tâm thức – Vô Kỵ ở tầng nào?

“An cư kiết hạ” trong mùa Covi

Thư gởi bạn (2.4.2020)

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Trần Hoài Thư: Thư Tết gửi bạn thơ Đỗ Nghê ở SG.
  • Trần Doãn Nho: Lạnh lùng Texas!
  • Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)
  • TẠP GHI (Lõm Bõm)
  • Nguyễn Xuân Thiệp: VỴ ƠI…

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong CHÚC MỪNG NĂM MỚI
  • Diêu Trong trong CHÚC MỪNG NĂM MỚI
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Sách Ở Trên Đường
  • Su Su Do trong Sách Ở Trên Đường
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Tĩnh lặng
  • Tịnh Phan trong Tĩnh lặng
  • Phan Minh Tịnh trong Tĩnh lặng
  • Trần Vạn Lợi trong Chuyện kể đêm Giáng Sinh
  • hai trầu trong Chuyến về Đà Lạt cùng Quán Văn
  • hai trầu trong Chuyến về Đà Lạt cùng Quán Văn

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email