Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Làm sao biết cha mẹ đã… già?

30/09/2022 By Bac Si Do Hong Ngoc 4 Comments

 

Làm sao biết cha mẹ đã… già?

Đỗ Hồng Ngọc

Cha mẹ thường nhìn đứa con 50 tuổi đầu của mình như một đứa con nít, còn đứa con lúc nào cũng nhìn cha mẹ như một người… lớn, chớ không thấy cha mẹ đã già!

Mà già đến nhanh lắm! Cho nên muốn biết cha mẹ đã… già chưa thì chỉ còn có cách
quan sát họ đã có những dấu hiệu tâm sinh lý và những vấn đề về sức khỏe của tuổi
già chưa mà thôi. Biết sớm thì tốt, nhưng biết để quan tâm chăm sóc, can thiệp kịp
thời thôi chớ không phải để “dán nhãn” cho họ đã già nua, lỗi thời, rồi không để họ
còn được tự chủ, độc lập gì nữa cả!

Trước hết quan sát… cái bề ngoài của họ. Họ có lơ là chuyện ăn mặc thái quá
không? Có “mặc kệ” sao cũng được mọi thứ về chăm sóc bản thân mình không? Trí
nhớ còn tốt không hay đã bắt đầu lẩm cẩm, quên trước quên sau, nhắc đi nhắc lại
hoài một chuyện? Có loay hoay tìm kiếng lão, kêu mất kiếng dù đang đeo trên mắt
không? Có nghễnh ngãng nghiêng tai bên này bên kia để nghe cho rõ hơn không? Có
kêu TiVi mờ, báo chí sao in chữ ngày càng nhỏ khó đọc không? Có dễ trợt, dễ té,
bước đi chầm chậm, lê chân trên mặt đất để dễ bị vấp không? Có kêu đau lưng nhức
mỏi thường xuyên không? Có bỏ quên chìa khóa, điện thoại nơi này nơi kia tìm
kiếm vất vả không? Có thỉnh thoảng quên tắt lò ga, quên khoá cửa… không?
Chờ đến lúc họ không nhớ con cháu đứa nào là đứa nào, quên cả đường đi lối về và
quên cả tên vợ tên chồng thì tình trạng đã quá nặng!

Rồi để ý coi họ ăn uống có còn biết ngon không? Họ ngủ có dễ không hay trằn trọc
loay hoay suốt đêm? Họ có còn ham đi đây đi đó, cà phê cà pháo với bạn bè không?
Có còn mê coi đá banh, tennis… như xưa không? Có ôm TiVi suốt ngày rồi nhầm
tưởng cảnh tượng trong phim ảnh là sự thật ngoài đời không?

Rồi để ý coi họ có bắt đầu thở hào hễn nặng nhọc… khi leo cầu thang trong nhà
không? Họ có bắt đầu đái đêm nhiều lần hay dễ bị dị ứng khi ăn một món đồ ăn
quen thuộc không? Họ có bị bón thường xuyên không?…

Tóm lại, quan sát kỹ một chút sẽ thấy những thay đổi và tốc độ thay đổi ngày càng
nhanh của một người già. Và, có “kế hoạch già” cho họ là một cách báo hiếu tốt đẹp
nhất!

(Bs Đỗ Hồng Ngọc).

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

ĐỖ HỒNG NGỌC – Du Tử Lê, “tung cánh vàng xưa hạc vút bay”

25/07/2022 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

ĐỖ HỒNG NGỌC – Du Tử Lê, “tung cánh vàng xưa hạc vút bay”

24 Tháng Bảy 2022 9:13 SA
(Nguồn: https://dutule.com/a10487/do-hong-ngoc-du-tu-le-tung-canh-vang-xua-hac-vut-bay-)

 

Trang dutule.com, ngày 3 tháng 9-2010 có một tin ngộ:

“ Đỗ Hồng Ngọc và, puzzle… thơ!”

Tháng 10 năm 2009, Cơ sở H.T. Productions ấn hành thi phẩm “năm chữ du tử lê và, mười hai bài thơ, mới.” 

Bằng vào tình bạn có với nhau tự những năm đầu thập niên 1960 ở Saigòn, nhà thơ Đỗ Nghê (Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,) đã nhặt một số câu trong nhiều bài năm chữ khác nhau của Du Tử Lê, sắp lại theo kiểu…những mảnh puzzle, thành một bài thơ khác. Khá dài. Gửi ngược lại cho bạn.

Tác giả “năm chữ du tử lê và, mười hai bài thơ, mới” cho biết, ông thích lắm, cuộc đùa nghịch mang tính văn chương và, ý nghĩa này.

Hôm nay, chúng tôi xin gửi tới quý thân hữu trang nhà dutule.com tác phẩm “phối hợp nghệ thuật” của nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhan đề “năm chữ du tử lê và,”. Như một món quà tinh thần nhỏ, trong lãnh vực chữ nghĩa của hai tác giả hiện đang sống ở hai đầu… trái đất.

Trân trọng. 

______

DoHongNgoc_600

Nhà văn Đỗ Nghê (trái) và nhà thơ Du Tử Lê (Hình: dutule.com)

Xin được nói rõ thêm một chút.

Cuối năm ngoái, Lữ Quỳnh mang về tôi tập thơ “năm chữ du tử lê và, mười hai bài thơ, mới” với những minh họa rất thơ của Đinh Cường, có kèm cả CD do chính Du Tử Lê đọc. Anh ghi: “gửi người thầy thuốc – nhà thơ dễ thương nhất nước, Đỗ Hồng Ngọc”.

Tôi lần giở. Ngạc nhiên thấy có mấy dòng “căn dặn” độc giả: “… Xin đừng đọc quá 3 bài thơ năm chữ, và không nhiều hơn 1 bài, ở những thể loại thơ khác của tôi, trong mỗi lần đọc. Trân trọng. DTL”.

Tôi cười. Đúng là dutule! Rõ ràng nhà thơ đã tự “chẩn đoán” ra cái bệnh của thơ mình. Anh biết nếu độc giả mà đọc một lèo nhiều bài thơ 5 chữ của anh thế nào cũng mắc nghẹn, phát ách, hoặc… tẩu hỏa nhập ma! Nhiều năm nay, đọc thơ Du Tử Lê đôi khi tôi cũng “phát ách” như thế. Nào phẩy, nào chấm, nào gạch ngang, gạch dọc… Dĩ nhiên nó đều mang những thông điệp, những ý nghĩa. Nhưng… phát ách! Làm như cứ phải nhập “vô lượng nghĩa xứ định” trước khi đọc vậy! Tôi bèn thử nghe CD xem sao. Ô kìa, trong CD lại khác hẳn. Anh đọc thơ trơn tru bằng thứ chất giọng truyền cảm của mình như ngày nào. Thì ra khi đọc, anh đọc theo cái nghĩa. Khi viết, anh viết theo cái ngữ.

Tôi vốn thích thơ dutule vì cái tình, hình ảnh, nhạc điệu, nhất là cái “tứ” rất riêng của anh. Lần này, vì bị anh “cấm” không cho đọc quá 3 bài thơ năm chữ của anh, tôi bèn lật xem thử cái Mục lục trước. Và ơ hay! Tôi phát hiện ra một bài thơ năm chữ rất dutule ở đây. Chính cái Mục Lục đó với tôi, đã là một bài thơ năm chữ, có thể còn là một bài hay nhất trong tập thơ này. Tôi tủm tỉm cười, chép lại và gởi cho bạn xem anh có nhận ra là bài thơ nào, tự đâu, bao giờ không. Anh rất vui, đúng là thơ dutule nhưng đã… không nhận ra bài thơ “trời ơi” này đã từ cái Mục lục ghép thành!

(dưới đây là bài “thơ” do Đỗ Nghê ghép từ tựa các bài thơ 5 chữ trong Mục Lục tập thơ DTL)

 

 năm chữ du tử lê và, 

trở giấc cùng hư vô,
chưa ai từng có mặt,
chúng ta những đứa trẻ
cần quá đi tình yêu.

bão đi qua bàn tay,
sương, chiều, trên môi đấy,
tôi: được người cứu chuộc,
gai lũy thừa vết xước,

nuôi tôi lời hứa, dối,
môi nhỏ nhắn nỗi buồn,
những ngón tay biệt, ly,
trong tiếng cười quặt quẹo,

tâm chất đầy phế liệu,
xúc xiểm tôi, mùi hương,
trăng khuyết chiều hóa trị,
môi nhỏ nhắn nỗi buồn,

tín cẩn tôi: nỗi đau
chúng ta ngoài thế giới
nhận mũi đinh tuyệt vọng,
niết bàn nanh chó sói,

dutule

 

Dĩ nhiên, đúng như anh nói, chỉ là một chuyện đùa vui trong chỗ bạn bè.

______

DoHongNgoc-DTL-2008-content-content

Phải nói dutule “lừng lẫy” với thơ đã từ lâu, xứng đáng ngồi một mình một vuôn chiếu (luân hoán), nhưng với tôi, có một điều muốn nói riêng với bạn: du tử lê khổ quá, với thơ!

Mà không phải mình tôi đâu. Đọc Nguyễn Vy Khanh coi. Ông có những nhận xét thấu đáo. (https://luanhoan.net/Bai%20Moi%20Trong%20Ngay/html/bm%2016-4-03.htm)

Du Tử Lê đã liên tục thử nghiệm, canh tân, suốt cuộc đời làm thơ và có vẻ không lùi bước! Ông muốn làm mới ngôn ngữ, biến hóa cấu trúc, cách đặt câu, chấm câu, làm mới cách diễn tả thơ (và văn) trên trang giấy, đem thị giác mới đến với thơ.

 Du Tử Lê cho rằng đời sống hiện nay như những mảnh vụn, nên xử dụng những dấu chấm, phẩy để cắt vụn câu thơ…. Dùng dấu gạch chéo slash / để cho phép người đọc đổi vị trí chữ theo ý riêng, làm nhịp đi của câu thơ được ngắt lại; tính và chiều đi tới của câu thơ được cởi bỏ để thơ có tự do chuyển động hai chiều và (…), người đọc tự do đổi vị trí các chữ hoặc nhóm chữ đứng trước gạch chéo đến một vị trí khác trong câu thơ nếu muốn (…) thay thế giới tự (preposition) với thí dụ “Rừng / tôi / sâu / thở / nốt chân trời” trong đó ba chữ Tôi / Sâu / Thở có thể đổi vị trí để thành những câu và ý nghĩa khác câu nguyên bản. Rồi “chẻ chữ để thêm nghĩa”: “Sương, trần thân mây chia, ly / nhập chung nỗi chết : sầu khô, héo về” ( Chấm Dứt Luân Hồi : Em Bước Ra). “Và, ngày cù sương: bay lên / nắng thâu phế liệu; em truyền nhiễm, thơ / (…) và chiều cù ta: chìm, rơi / ai /vai / bồ tát / tim / ngồi ghế sau” (Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà).

(…)

Tôi thấy thương dutule! Tự nhiên làm khổ mình với thơ! Khi về Việt Nam năm 2009, anh vạch bụng, chìa tôi xem vết mổ K đại tràng với cái túi đeo lủng lẳng bên hông… Tôi nhìn khí sắc anh nói không sao đâu. Rồi tôi nghĩ thơ anh phải chăng cũng ít nhiều bị ảnh hưởng với những  “buổi chiều hóa trị”, và cái tủi lủng lẳng kia… Những lần sau, tôi cùng Du Tử Lê, Vũ Hoàng, Phạm Chu Sa ngồi cafe quán cốc, cũng có nhắc một chút về chuyện… “mần” thơ. Chàng có vẻ lắng nghe. Những lần sau nữa, với Thân Trọng Minh, Hạnh Tuyền và vài thân hữu, chúng tôi chỉ nói chuyên món ăn… quán Lục Tỉnh dưới cơn mưa mùa hạ…

Tôi thấy thơ dutule tự nó đã hay từ trong cốt cách, từ trong tiếng Mẹ của anh, không cần “phu chữ” thịt bắp vai u…

Bởi thơ đi thẳng vào tâm hồn người mà tâm hồn vốn… “vô tướng” (phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, Kim Cang kinh)…

Vốn nhà quê thứ thiệt, tôi ưa những câu thơ như thò tay ngắt một cọng ngò/ thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ, hoặc trèo lên cây bưởi hái hoa… nó chân chất, mà thiệt ra đàng sau đó là cả một mênh mông của chân không diệu hữu…

_______
DoHongNgoc-DTL-content

Hơn nửa thế kỷ trước, Đỗ Nghê là người giới thiệu Thơ Du Tử Lê, trên tập san Tin Sách do Trung Tâm Văn Bút Việt Nam xuất bản, bộ mới, số 38, tháng 5-1965, tập thơ đầu tay của anh, do chính tác giả tự xuất bản.

. Chúng tôi chưa hề quen biết nhau. Tôi viết bằng tâm cảm của một người yêu thơ.

Tôi chưa biết Du tử Lê, nhưng đọc thơ anh tôi thấy như quen đã từ lâu, rất gần gũi (…). Du tử Lê đến bằng bước chân ca dao, ngọt ngào, tình tứ, bằng một tâm hồn yếu đuối, đam mê và rất nhiều dằn vặt, xót xa về quê hương, về số kiếp…

tôi còn tiếng nói

tôi còn linh hồn

tôi còn dĩ vãng

tôi còn quê hương

tôi còn lịch sử

tôi còn là tôi

(tuyên ngôn)

(…) Thơ Du tử Lê giản dị mà không thiếu truyền cảm vì đã nói lên ý nghĩ thực: không cầu kỳ, không ngạo nghễ, kiêu sa như phần đông những nhà làm thơ thời thượng.

Bắt đầu một ngày

Con người múa may

…..

Kết thúc một ngày

Con người thua cay…

(Một ngày của con người)

(…) Bên cạnh một Du tử Lê đầy hoang mang, khắc khoải, thao thức đó, còn có một Du tử Lê mềm yếu, đam mê, lãng mạn. Ở đây Du tử Lê cũng trung thành với kỹ thuật của anh. Không có những cầu kỳ, bí hiểm, sáo ngữ mà là những lời ca dao (…)

* tình tôi đam mê hồn tôi yếu đuối

ánh mắt nụ cười em đã giết tôi…

* mai em có con tay bế tay bồng

mai em yêu con, mai em thương chồng

tôi chỉ xin em một lần kể lại

chuyện em sang sông: có tôi đau lòng

                          (thư cho em)

Và cái nhìn đầy triết lý bi quan:

cầm bằng bãi gió mây qua

đôi chân nhỏ dại lỡ sa vào đời

cầm bằng nước mắt trôi xuôi

tiếng đâu thê thảm ru dài không gian

(Cầm bằng) 

(Đỗ Nghê- Tin sách Bộ mới, số 38, tháng 5-1965 trang 9-11)

Không biết Du Tử Lê bây giờ khi đọc lại những dòng này thấy sao, có ngượng, có thấy hồi xưa mình… ngây thơ quá, thơ gì mà thiệt thà quá! Lúc đó bọn tôi đều mới ngoài hai mươi!

Những năm gần đây, khi có dịp gặp lại nhau ở Saigon, Du Tử Lê  thường nhắc: Thời đó, một nhà thơ trẻ, có tập thơ đầu tay bao giờ cũng bị… đập, vậy mà Đỗ Nghê đã viết những lời trang trọng. Còn tôi, tôi cũng nói với bạn rằng tôi nghĩ thơ là tấc lòng, “thốn tâm thiên cổ”, cái còn lại là cái tình. Chẳng hạn, với tôi, khi nhắc Du Tử Lê tôi chỉ còn nhớ  “Như loài chim bói cá. Trên cọc nhọn trăm năm. Tôi tìm đời đánh mất… Thụy ơi, và tình ơi…” (Khúc thụy du, DTL) hay gần đây “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển / Đời lưu vong không cả một ngôi mồ / Vùi đất lạ thịt xương e khó rã / Hồn không đi, sao trở lại quê nhà” (DTL). Nhiều câu chữ, chấm, phẩy, cấu trúc nọ kia tôi không nhớ đâu, mà cũng chẳng cần nhớ, nhưng cái tình trong thụy ơi và tình ơi hay hãy đem tôi ra biển thì tôi không thể nào quên.

Tôi bỗng nhớ trên Tạp chí Thơ, có một bài viết về thơ “tương tác”, rằng với hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương:

“Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Đời vắng em rồi say với ai?”

có thể đọc theo lối ngắt dòng, ngắt chữ thành:

Em ơi /

Bình rượu khô /

Lửa tắt.

Vắng em /

Say với ai /

Rồi đời!

 

Nhớ năm 1973 thì phải, dutule ôm thằng con nhỏ chạy vào bệnh viện Nhi đồng tìm tôi ở phòng Cấp cứu. Thằng nhỏ bị bệnh Bạch hầu (Dipthérie) nặng, màng giả (fausse membrane) đã lan rộng, chặn nghẹt cổ họng làm hết thở!  Bé lập tức được đặt ống nội khí quản giúp thở, làm hô hấp nhân tạo và chích huyết thanh, vaccin, cùng kháng sinh các thứ…

Rồi một tối nọ, anh gọi tôi khẩn cấp: Đỗ Nghê đến “cứu” mình với! Thì ra có một nữ độc giả ái mộ thơ Du Tử Lê đang ngồi đợi anh ở quán café H, Đakao. Anh kẹt vì một lý do gì đó không biết, nhờ tôi tới “cứu bồ”. Tôi xách xe đến gặp cô nàng trò truyện… suốt buổi về thơ Du Tử Lê!  Mấy chục năm sau, gặp lại Du Tử Lê và phu nhân của anh về thăm quê hương hóa ra là nàng… Chính là cô gái mê thơ dutule tôi đã gặp năm xưa ở quán café!

Có người nói anh có số đào hoa! Có người nói anh có cái giọng khiến con kiến… trong hang cũng phải bò ra! Tôi không biết. Với tôi, anh vẫn vậy. Nhỏ nhẹ. Dễ thương. Lãng mạn. Sâu sắc.
Năm 2017, bỗng có bài viết trên dutule.com về thơ đỗ hồng ngọc/ đỗ nghê, như là một lời trần tình, một trao đổi những nghĩ suy về thơ và “mần” thơ của chúng tôi:

           Đỗ Hồng Ngọc, thơ như một hạnh phúc?

dutule.com  21.11. 2017

Du Tử Lê

Nhiều độc giả (kể cả một số người có làm thơ), nói với tôi rằng, biết làm thơ và làm được thơ là một hạnh phúc! Tôi nghĩ khác.

Với tôi, trừ những người đến với thi ca như một thời thượng, làm dáng, hoặc, một cuộc du ngoạn ngắn hạn thì; làm thơ là một lao động (tinh thần,) vất vả. Một thao tác trí tuệ ngặt nghèo. Thường khi bất lực. Đuối sức. Với tôi, đó là một cuộc chạy đua việt dã không đích đến. Không bạn đồng hành. Khi đối diện với bài thơ thì, chỉ có mình y, cùng lắm là… chiếc bóng.

Ngoài ra, tôi chưa thấy một cá nhân bình thường, không bị một khuyết tật tinh thần nào, lại ở được bền lâu, với thi ca. Tôi cũng chưa thấy một cá nhân thỏa mãn mọi lãnh vực trong đời thường, có thể tạo được một hôn phối tốt đẹp với thi ca. Tại sao?

Xin thưa, vì căn bản, thi ca là đỉnh ngọn chênh vênh, nhọn, sắc nhất của định mệnh bất toàn.
Vì căn bản, thi ca là cõi trú đầu tiên và, cuối cùng của những tâm hồn bất an.
Những sinh phần liu điu, cần sự cân bằng sinh-thái-tinh-thần…

Hiểu như thế, với tôi, nhà thơ trước nhất, là người thợ đào bới để làm mới những con chữ đã cũ, hoặc hình ảnh, chân dung những mảnh đời đã mất. Khi tìm được những hầm mỏ chữ, nghĩa, những “trầm tích” gặp được ở độ sâu đủ thì, tôi cho, đó là lúc nhà thơ sức thả mình, rớt xuống. Y hoàn tất cuộc đua việt-dã-trí-tuệ (một mình.) Y hoàn tất trận đánh sinh, tử (dài lâu), với địch thủ trên cơ: Định mệnh. Y san bằng mọi bất toàn. Y cân bằng sinh-thái-thân-tâm. Nhưng, đau đớn thay, đó cũng là lúc, y thấy tận cùng vẫn là thất bại, hiểu theo nghĩa nào đấy – – Để rồi y lại khởi sự một lên đường khác (?)

Trên hành trình chữ nghĩa, ở đôi ba giao lộ, tôi may mắn được gặp một số bằng hữu. Những thi sĩ. Trong đó, có Đỗ Hồng Ngọc. Thi sĩ.
Tôi không chủ quan nghĩ rằng, Đỗ Hồng Ngọc, sẽ sẵn sàng chia sẻ những quan điểm của tôi về thi ca và, đời sống: Chữ nghĩa và sự bất toàn. Khuyết tật và định mệnh.
Nhưng, là người dõi theo hành trình văn chương của Đỗ Hồng Ngọc, trên dưới sáu mươi năm qua – – Từ những bài thơ đầu đời, tới những bài thơ mới nhất trong thi phẩm “Thơ Ngắn / Đỗ Nghê” (của năm 2017), tôi nghĩ, Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc, thi sĩ, không chỉ muốn hoàn tất cuộc đua việt-dã-trí-tuệ (một mình). Ông cũng không chỉ muốn hoàn tất trận đánh sinh, tử (dài lâu,) với địch thủ trên cơ, định mệnh. Mà, ông còn muốn trả ơn người, tạ ơn đời bằng chính những lao tác tinh thần, song song với những lao động đời thường, với tư cách một bác sĩ, của ông nữa.
Ở quá xa, tôi không thể tìm đến ông (như ngày nào), để ngả mũ chào ông: Một thi sĩ. Tôi viết xuống, những dòng chữ này, như một lời xin lỗi, thi sĩ.

Hôm nay, giữa thập niên 2010s của một thiên niên kỷ khác, tôi lại thấy tôi sẽ rất không phải với họ Đỗ, nếu không sớm nói với Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc rằng, cá nhân tôi, cũng rất biết ơn ông với những trang văn xuôi đẹp như thơ, ông gửi cho người, cho đời. Thí dụ “Gió heo may đã về”. Thí dụ “Già ơi…Chào bạn”. Thí dụ “Nghĩ từ trái tim”. Thí dụ mới đây: “Ghi chép lang thang”… và nhiều nữa!

Tôi thích lắm tựa đề của tác phẩm của họ Đỗ. Ông gọi đó là những “Ghi chép lang thang”, đúng nghĩa… lang thang – – Nơi trang 287 và 288 của tác phẩm này, khi phải trả lời câu hỏi của độc giả Lê Uyển Văn, tác giả giải thích, ghi chép lang thang, thực ra là những ghi chép không đầu không đuôi, kiểu “cà kê dê ngỗng” trong lúc lang thang nơi này hay nơi khác. Ông chợt nghĩ, chợt nghe, chợt nhớ… một điều gì đó có khi chỉ là mùi khoai nướng, có khi chỉ là mùi dĩa bánh căn, mùi cá khô đuối xúc hột vịt…, thậm chí mùi phân trâu bò trên đường làng cũ, nhưng cũng có khi là một câu nói đanh thép của nhà vua trong bảo tàng viện với hàng trăm chiếc… thuyền thúng giăng ngang bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng một ngày lộng gió…

Cũng trong 2 trang sách vừa kể, với bản chất khiêm cung, luôn chọn vị trí cách xa ánh đèn sân khấu tiền trường, giấu mặt trước những lời khen dù chân thật của đám đông, Đỗ Hồng Ngọc đã viết thêm:
Tác phẩm “Ghi chép lang thang” của ông, không phải là chuyện ‘văn chương chi sự’ mà, chỉ là những ghi chép riêng tư cho đừng quên với người tuổi tác.

Thế rồi thế giới bỗng nhiên phẳng, người người trong nháy mắt có thể tâm tình trao đổi cùng nhau, bèn cùng mò mẫm mà “tung” lên cho bạn bè gần xa khắng khít nhau hơn. Ghi chép lang thang như vậy cũng chỉ là những cảm xúc bất chợt, không tính toán, không… hư cấu. Mà thực ra ‘ghi chép’ cũng chẳng phải là “ghi chép”… Ông nói:

“… Có khi viết lách lăng nhăng dòm trông giống bài thơ mà không biết có phải thơ không, hoặc có khi ngoằn ngoèo như một phác thảo… mà không biết phải họa không”…

Sau này, được đọc nhiều bài biết của bằng hữu về cõi giới văn chương Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc, tôi thấy dường như quan điểm của tôi về văn chương của Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc, có nhiều phần nghịch với quan điểm của nhiều tác giả khác.

Thí dụ nhà văn Nguyễn Lệ Uyên, khi viết về thế giới thi ca Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc, trong bài tựa đề “Khói trời phương đông”, đã ghi nhận rằng, Với hơn 30 tác phẩm đã xuất bản từ năm 1967 đến nay, từ những bài tùy bút cho đến thơ, họ Đỗ luôn trân trọng với chữ nghĩa. Ông không hề đùa cợt với chữ nghĩa, “lên gân” cho mọi sự vật… Ông cẩn thận quan sát những hiện tượng quanh mình, trong chính cuộc đời mình y như người thầy thuốc chẩn đoán căn bệnh cho bệnh nhân. Bởi vì căn bản ông là một thầy thuốc yêu nghề, có lương tâm.

Ngoài cốt cách văn chương, những suy nghĩ của họ Đỗ về các vấn đề xã hội, đời sống, không xa vời; nó gần gũi, quanh quẩn, ẩn núp đâu đó quanh ta mà ta chưa thể nhìn thấy; chỉ đợi khi ông viết lên, đọc lại, ta mới chợt thấy ra…Nó vẫn có đấy nhưng ta không nhìn thấy, không nghĩ ra được nhỉ?

Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên nhấn mạnh rằng, những điều bình thường cũ rích, trong đời sống, nhưng qua ngòi bút của Đỗ Hồng Ngọc, chúng được “hóa giải, đã giúp ta từ bỏ thói quen nhìn, nghĩ đời sống quanh ta, một cách hạn hẹp… bất cập –  Để từ đó, ta có được cái nhìn cởi mở, thênh thang, không thiên kiến…”

Tôi cũng không quên mới đây, nhà thơ Phạm Chu Sa đã ghi nhận một cách chi tiết, chân tình về Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc. Nhưng dù các bài viết về cõi-giới văn chương của ông, thâm trầm hay nhẹ nhàng, đơn giản thì, tự thân những bài viết ấy, cũng đã thắp sáng những thành tựu, hiểu theo nghĩa “hạnh phúc” mà Đỗ Hồng Ngọc đã đạt được.

Nhà thơ Phạm Chu Sa cho rằng, nhiều người nghĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ làm thơ, viết văn và gọi anh là bác sĩ-nhà văn, nhưng Phạm Chu Sa cho biết, ông vẫn thích gọi Đỗ Hồng Ngọc là “thi sĩ hơn là bác sĩ,” bởi vì Đỗ Hồng Ngọc có cốt cách thi sĩ trong con người bác sĩ.

Phạm Chu Sa kể rằng Đỗ Hồng Ngọc làm thơ và có thơ in từ thời sinh viên – tập “Tình Người” (xuất bản năm 1967), ký bút hiệu Đỗ Nghê. Mấy năm sau khi ra trường là “Thơ Đỗ Nghê” (in năm 1973). Tập thơ đã gây được tiếng vang trong văn đàn thuở đó. Sau này ông trích một số bài trong hai tập thơ trên in lại trong các tập thơ “Giữa Hoàng Hôn Xưa” (1993), “Thư Cho Bé Sơ Sinh và Những Bài Thơ Khác” (2010).

Bài thơ làm tựa chính “Thư Cho Bé Sơ Sinh…” Đỗ Hồng Ngọc viết năm 1965, khi còn là sinh viên y khoa thực tập tại bệnh viện Từ Dũ: “Khi em cất tiếng khóc chào đời/ Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười/ Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao kẻ cười người khóc/ Trong cùng một cảnh ngộ nghe em…/ Khi anh cắt rún cho em/ Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ… Thôi trân trọng chào em/ Mời em nhập cuộc/ Chúng mình cùng chung/ Số phận con người” (Một bài thơ đặc biệt vì dường như chưa nhà thơ nào viết về đề tài này).

(…) Để chấm dứt bài viết của mình, nhà thơ Phạm Chu Sa khẳng định: “Tôi nghĩ sau này người ta có thể quên một bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhưng người ta không quên Đỗ Hồng Ngọc thi sĩ.”

Không chỉ Nguyễn Lệ Uyên hay Phạm Chu Sa mà còn nhiều bằng hữu khác, ghi nhận về tiếng thơ Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc như một thành tựu tốt đẹp, dẫn người đọc tới kết luận những người làm thơ, được nhiều người ưa thích, là những người có được cho họ niềm hạnh phúc tinh khiết trong cuộc sống thực tế chấp chới những khổ đau, bất toàn này.

Đa số bằng hữu của họ Đỗ cho rằng về hạnh phúc có được từ thơ, của Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc khiến tôi thấy cảm nhận của tôi về những “lao động” thi ca của những người làm thơ có phần không đúng. Ít nhất cũng đối với Đỗ Nghê.

Tôi càng thấy sự “cường điệu hóa” (?) của tôi về hành trình của thi ca của Đỗ Nghê trong quá khứ là những nhận định thiếu cơ sở – tiêu biểu là thi phẩm mới nhất, có tên “Thơ Ngắn / Đỗ Nghê” của ông.

Tôi không muốn nói về những bài thơ ngắn của họ Đỗ, có xu hướng thơ Haiku của Nhật bản: Ngợi ca thiên nhiên hoặc tương tác giữa con người và vũ trụ,… đã hiện diện khá nhiều trong thi phẩm mới nhất của ông.

Người đọc sẽ rất khó tìm thấy những bày tỏ bi quan, hoặc than thở, “vật vã” trong thơ Đỗ Nghê, nhất là với thi phẩm “Thơ Ngắn/Đỗ Nghê” mới ấn hành những ngày cuối năm 2017 này. Ngay cả khi tác giả viết về phần thịt, xương đã mất, như:

“Mỗi năm
Mỗi người
Thêm một tuổi
Chỉ mình con
Mãi mãi
Tuổi đôi mươi…”

(Bài “La Ngà 3” – 1990)

Hoặc tương quan với kẻ khác:

“Khi nhìn nhau xa lạ
Là rất đỗi thân quen
Khi nói năng vô nghĩa
Là thác reo trong hồn.”
(Bài “Không Tên”)

“Lá chín vàng
Lá rụng
Về cội
Em chín vàng
Chắc rụng
Về anh.”
(Bài “Lá”)

Hay ảnh hưởng của thiên nhiên, vũ trụ lớn vào vũ trụ nhỏ là cá nhân con người:

“Tuyết bay
Bay nhẹ
Phố tàu

Gió co
Ro lạnh
Phố
Đìu hiu
Theo”
(Bài “Tuyết” – Boston, 1993)

“Chiều thu
Nghe tiếng quạ

Giật mình
Nỗi xa nhà

Nhớ sao
Mà nhớ
Quá!”
(Bài “Thu” – Boston, 1993)

“Nước xanh như ngọc
Sâu đến tận trời
Vốc lên một vốc
Ơi mùa Xuân ơi!”
(Bài “Tuyền Lâm”)

Ngay cả khi nhớ tới và viết về đứa con đã mất của mình, một tai họa khủng khiếp, ai cũng tưởng, Đỗ Nghê sẽ không thể vượt qua được. Nhưng, tâm thái của một hành giả: Hiểu thấu sống, chết… cách gì cũng không ra khỏi lẽ vô thường, họ Đỗ đã nhìn sự việc như một bài học tự nhiên đời sống mà thôi:

“Ba dạy con
Mỗi ngày
Một chút

Không bài học nào
Như ba đã học
Từ con

Nỗi mất!”
(Bài “La Ngà 5” – 1990)

Hoặc về người mẹ đã qua đời mình, ông vẫn có cái thanh tịnh lạc quan, của một tâm thức không còn trụ, bám vào mất còn:

“Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…”
(Bài “Bông Hồng Cho Mẹ” – 2012)

Hoặc:

“Mẹ tôi cứ vẫn cười cười như thế
suốt ba năm trên bàn thờ!”
(Trích “Nụ Cười Của Mẹ” – 2014)

Tôi cho những phong thái kể trên của Đỗ Nghê là phong thái của một hành giả đã khu trừ được cái tâm nhiễu loạn, nguồn gốc của cái “tôi,” để thong dong dạo chơi giữa vườn đời…

Tôi thấy trong Đỗ Nghê không chỉ có một thi sĩ mà, thi sĩ ấy, còn song sinh với một thiền gia nữa. Như thiên/địa, nhật/nguyệt, tuy hai mà, thực ra cũng chỉ là một thôi. (Du Tử Lê)

 

Ngày 7.10.2019 Du Tử Lê qua đời tại Mỹ. Không ai đưa anh ra biển, nhưng dẫu sao anh cũng đã trở về quê mẹ.

Tôi đang ở Úc, chỉ kịp viết gởi về bạn mấy câu:

Rồi cũng về thôi du tử ơi

Bao năm lưu lạc xứ con người

Một hôm sực nhớ về quê mẹ

Tung cánh vàng xưa hạc vút bay…

 

Đỗ Hồng Ngọc

(2019).

 

 

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Nghỉ Hè Để Làm Gì?

24/04/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 6 Comments

 

 

NGHỈ HÈ ĐỂ LÀM GÌ?

 

 

báo phunuhiendai.vn

Đầu mùa hạ, cũng là mùa học sinh bắt đầu bước vào mùa thi trước khi được nghỉ hè.
Nhiều học sinh than phiền là mau quên quá. Học đâu quên đó. Vì thế mà học không khá được. Nhiều bạn đã dùng thuốc “giúp trí nhớ” để hy vọng khá hơn, nhưng chẳng đi đến đâu!
Học đâu quên đó, làm sao đây?
Câu trả lời của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: những ngày học thi cần ăn uống giản dị để bao tử đỡ vất vả, tập trung trí nhớ cho việc học, biết vận động thể lực, biết tổ chức việc học, nghỉ ngơi đầy đủ, không ỷ lại vào các thú thuốc bổ, thuốc giúp trí nhớ nhảm nhí thì mới mong thi đâu đậu đó.
Con thi mà cha mẹ căng thẳng còn hơn con.
Rồi mong cho con thi xong, chưa kịp nghỉ hè đã tính tới chuyện học tiếp. Vậy là hết mùa thi tới mùa học.
Sáng chủ nhựt này, ngày 25/04/2021, mời các bậc cha mẹ cùng các bạn trẻ, bạn nhỏ đến với buổi trò chuyện để cùng chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc của con trẻ từ lúc mới sinh cho tới khi con lớn.
Những mối bận tâm của mình, của con về sức khỏe tinh thần và thể chất.
BTC hân hạnh đón tiếp các bạn trẻ một thời của báo Mực Tím, người đang ở Tuổi Gió Heo May, người đã từng nuôi con theo sách “Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng” và những người muốn con trẻ hè này được chăm sóc “cửa sổ tâm hồn” thiệt tốt, con vừa nghỉ hè, vừa chơi, vừa học mà vẫn vui.
Chương trình không thu phí.
………………………………………………………………….
Ngân Hà (báo Thế Giới Tiếp Thị)

Một sớm mai chủ nhật ngắm mặt trời trong tiếng chim ca.

Đó là thanh âm của cuộc đời chúng ta, có lẽ giây phút nào đó ta đã bỏ quên nó trong ký ức.
Lũ trẻ con thì ngày nào cũng trông ngóng sớm mai thức giấc sẽ là… MÙA HÈ CỦA CHÚNG.

Bởi chỉ có những ngày nghỉ hè mới thoát khỏi dậy sớm đến trường và đêm thì chong đèn khuya học bài. Đừng nói về sự học ở đây nữa. Nói về sự chơi đi, HÈ VỀ RỒI MÀ!

Một hôm, Anna nói với tôi: “Mẹ, con có đi học thêm để thi vào trường… gì đó không?”. Tôi hỏi lại con: “Vậy con có muốn mùa hè này con đi học ôn thi không hay con đi về Nha Trang tắm biển? Suy nghĩ kỹ rồi trả lời mẹ nha”.
Cô bé chạy về phòng một lúc thì quay lại nói: “Mẹ, con muốn đi chơi, đi tắm biển và học vẽ. Nhưng con cũng muốn thi vào trường gì đó. Con đã… bốc thăm. Kết quả là con phải học thi. Nhưng con vẫn tiếc là nếu học thi sẽ không được đi chơi. Bây giờ con không trả lời được, mẹ giúp con nha!”.

Câu hỏi của con cũng không khó mà sao lại rất khó trả lời thấu đáo.
Tôi muốn gởi câu hỏi này đến bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc- một chuyên gia về … trẻ con và cho cả các bậc cha mẹ nữa, thậm chí là cả với các ông bà. Ai cũng biết bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc với hơn 40 tác phẩm của ông viết về cuộc đời rất đỗi bình thường của chúng ta, nhưng làm thế nào để sống cho An Lạc và Hài Hòa thì chỉ có ông mới mô tả được, vì chính ông cũng đã trải nghiệm và với tinh thần của một “thiền sư”, ông cũng như một người dẫn đường để cho chúng ta có những quyết định đúng đắn trong đời, và cho cả những thế hệ sau này sẽ lo cho vị lai của con người.

Ngân Hà

Và rất nhiều những câu hỏi…
* Trần Lê Thanh Lâm, phụ huynh:
Thưa bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, em có cháu đang học lớp 9 chuẩn bị thi học kỳ và 2, hiện tại cháu học thêm và làm bài tập rất nhiều. Sắp tới hè, em hỏi cháu muốn gì sau khi thi xong, có phải cháu muốn ba mẹ cho đi chơi hay không thì cháu nói chỉ thích ngủ thôi, không muốn đi đâu cả. Nhưng em lại muốn đưa cháu đi biển nghỉ hè. Vậy theo bác sĩ nên chiều theo con hay cứ đưa cháu đi vì cháu về biển cháu cũng được ngủ mà, ngoại trừ lúc sáng dạy tắm biển sớm thôi vì tắm biển sáng sớm có ích và đỡ nắng hơn chăng? Em xin cảm ơn bác sĩ nhiều.
* Hoàng Thu Hồng, phụ huynh
Kính gửi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, con em năm nay đang học lớp 10, nhưng thời gian gần đây không chịu ăn nên không có sức học, hỏi thì cháu nói là cháu muốn nhịn ăn cho gầy đi vì con gái lớp cháu đứa nào cũng mi-nhon xinh đẹp cả, nếu cháu mập thì bị chế giễu. Làm thế nào để giúp cho con được ăn uống đầy đủ vậy bác ơi. Liệu hè này có nên cho cháu đi nghỉ hè để cháu ăn uống tốt hơn hay tập môn thể thao nào để cháu mập lên hả bác sĩ?
* Nguyễn Minh Thành, phụ huynh

Bác sĩ Đỗ Hồng  Ngọc là người cháu rất kính trọng, cháu xin hỏi bác một điều: làm thế nào để cho mọi người thay đổi cách nghĩ và trong giáo dục, đừng bắt trẻ học nhiều như hiện nay? Làm thế nào để học sinh có một mùa hè nghỉ ngơi đúng nghĩa thay vì học thêm và học hè đủ thứ? Cháu cảm ơn bác rất nhiều.

* Chân Khanh, học sinh trường TH Việt Mỹ

Cháu chào bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cháu rất thích được nghỉ hè nhưng cháu cũng thích thi vào trường chuyên để được học giỏi, làm thế nào bây giờ hả bác? bác ơi, bác cho cháu lời khuyên được không ạ, cháu cảm ơn bác nhiều ạ.

* Thu Trang, phụ huynh

Thưa BS, cháu có 2 con trai (1 đứa 7 tuổi, 1 đứa 13 tuổi) dù đã mua sách, động viên rất nhiều lần để 2 con đọc sách nhưng con cũng chỉ đọc được mấy trang, có lúc cũng đọc được hết 1 cuốn nhưng lại là truyện tranh. Cháu thấy 2 con mê xem tivi, youtube, điện thoại hơn là đọc sách. Vậy cháu phải làm gì để giúp con tìm thấy thú vui trên trang sách. Xin bác sĩ tư vấn giúp ạ?

……………………………………..

Đỗ Hồng Ngọc trả lời chung:

Xin thưa,
Vài ba năm nay tôi thường né tránh các buổi giao lưu, trò chuyện ở chỗ đông người như trước kia. Đã 82 (tuổi ta) rồi, già cả rồi, nên “lặn” đi chỗ khác chơi!
Nhưng Hội quán Các Bà Mẹ là chỗ thân tình, muốn tôi chịu khó gặp gỡ mọi người hôm nay để cùng bàn về một vấn đề rất “thời sự” với phụ huynh và mấy nhóc, chuẩn bị đón một mùa Nghỉ Hè trong thời buổi “Bình Thường Mới”.
Một câu hỏi khá hốc búa đặt ra cho tôi: NGHỈ HÈ ĐỂ LÀM GÌ?
Nếu là một câu hỏi bình thường như Nghỉ Hè Nên Làm Gì thì dễ đưa ra những lời khuyên với một bác sĩ Nhi khoa như tôi, đầu này hỏi “để làm gì” thì khó quá!
Cho nên câu trả lời “tốt nhất” của tôi là Nghỉ Hè Để Làm Thơ!
Làm thơ ư? Tôi không làm được nên mượn một bài thơ đã có từ 80 năm trước của Thi sĩ Xuân Tâm, bài Nghỉ Hè trong tập Lời non trẻ 1941, thấy trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân.

Bài thơ như sau:

NGHỈ HÈ

Xuân Tâm

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,

Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,

Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ !

Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã

Lời trên môi, chen chúc nối nghìn câu

Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu

Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.

Trong khoảnh khắc, sách bài là giấy cũ.

Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông.

Trên đường làng huyết phượng nở thành bông,

Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.

Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót,

Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui.

Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi,

Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.

(Lời tim non,1941)

……………………………………………………….

Một vài hình ảnh về buổi Trò chuyện: NGHỈ HÈ ĐỂ LÀM GÌ?

 

Hội trường SEAMEO Saigon, sáng Chủ nhật 25.4.2021. Thời Covid, nên Hq Các Bà Mẹ chỉ nhận 50 người tham dự. Giữ khoảng cách, mang khẩu trang và đo thân nhiệt khi bước vào cổng.

Trò chuyện cùng các bé…

Và… với người cao tuổi. Thật thú vị khi cháu bé mới lên 8 và bà thì đã 80 cùng đến buổi “Nghỉ hè để làm gì?” hôm nay…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sau khi “bình” bài thơ NGHỈ HÈ của Xuân Tâm (1941), tôi bắt đầu trả lời lần lượt các câu hỏi đặt ra. Hơn 90 phút trôi qua thật nhanh, đã hết giờ chính thức.

 

Rồi ký sách tặng các bé…
Chưa bao giờ có một không khí cảm động vậy với sách! Trẻ đã có vẻ… mê đọc sách dịp hè rồi chăng?

 

và cả người lớn…

 

Cạnh đó, các bạn khác cũng đang lựa sách…

 

 

 

 

 

 

 

 

(Hình: Nguyễn Văn Quyền).

Quyền hứa nay mai sẽ có video clip để các phụ huynh không đến dự được buổi hôm nay có thể theo dõi. Cảm ơn nvquyen.

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc

Hai Trầu và Đỗ Hồng Ngọc: NHỮNG LÁ THƯ TỪ KINH XÁNG

13/09/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

“Về Thu Xếp Lại”

Hai Trầu: NHỮNG LÁ THƯ TỪ KINH XÁNG

 

Ghi chú: Anh Hai Trầu Lương Thư Trung năm nay mới 78 tuổi nhưng cũng muốn bắt chước tôi “Về thu xếp lại”, nhất là vào thời buổi co ro do Corona virus này, đã phải ru rú trong xó nhà nhiều ngày nhớ bè nhớ bạn, bèn gom góp mấy bức thư viết từ Kinh xáng Bốn Tổng “phỏng vấn” tôi trên trang nhà dutule.com từ năm 2013, gởi tôi gọi là “để dành” coi cho vui.
Xin post lại đây, chia sẻ cùng bè bạn thân quen, rỗi rảnh, lai rai đọc nhe.
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.
(12.9.2020)

……………………………….

Lời thưa của Hai Trầu:
Thưa bạn,
Trong cuộc trò chuyện với Bác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc trên trang nhà dutule.com kéo dài tròn ba tháng (từ 15-3-2013 đến 14-6-2013), tôi có 4 “Lá Thư Từ Kinh Xáng”để trò chuyện với bác sĩ; vì là một diễn đàn chung có nhiều bạn đọc cùng vào đặt câu hỏi với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về mọi vấn đề nên những lá thư trao đổi qua lại giữa tôi và bác sĩ thường bị cách quãng nhưng nó lại liền một mạch vì mục đích của tôi là muốn hỏi thăm bác sĩ về việc sáng tác của ông cũng như về nhà văn Nguyễn Hiến Lê và bác sĩ Ngô Thế Vinh là hai nhân vật mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc rất thân quen và gần gũi. Đó là chưa kể vì lý do giới hạn của các trang trò chuyện trên dutule.com, do vậy mà các lá thư từ kinh xáng đều bị lược bớt cho ngắn lại nên không còn nguyên vẹn các chi tiết mà tôi muốn bày tỏ. Chính vì vậy nên nay tôi có ý đúc kết lại các lần trao đổi này theo các lá thư đã gởi và xin được trân trọng giới thiệu cùng các bạn.
Trân trọng,
Hai Trầu
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 16 tháng 6 năm 2013
—————-

I. Kinh xáng Bốn Tổng ngày 15 tháng 03 năm 2013

Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,

Nhắc đến Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, không thể không nhắc đến bài viết “Nguyễn Hiến Lê và tôi”, đăng trên tạp chí Bách Khoa số 426 ngày 24-4-1975, tác giả viết:
“Tôi biết có những tác giả sản xuất còn mạnh hơn ông, viết mau và viết mạnh hơn ông, nhưng đọc họ, người ta thấy rõ ràng là những tác phẩm máy móc, sản xuất hàng loạt..Ở ông [Nguyễn Hiến Lê] thì không. Ở ông là con người. Tác phẩm của ông là con người ông. Ông “dạy” cho thanh niên rèn nghị lực thì chính ông là một tấm gương nghị lực; ông viết về tổ chức thì nếp sống của ông là một sự tổ chức; ông viết về tự học thì chính ông đã nhờ tự học mà thành công.Nhờ viết từ những kinh nghiệm sống thực đó, người đọc thấy gần gũi với ông và những lời ông chỉ dẫn đều ứng dụng được.”
Qua đoạn văn của bác sĩ mà tôi vừa trích dẫn, xin thưa bác sĩ, ngoài nhận xét vừa nêu, bác sĩ có thể chia sẻ thêm với bạn đọc về các nội dung khác trong bài viết ấy không?
Qua rồi 38 năm, thời gian cũng đã khá dài, nếu có phải nhận định lại, bác sĩ có thay đổi hoặc bổ túc thêm về cài nhìn của mình đối với thầy Nguyễn Hiến Lê không và nếu có bác sĩ sẽ bổ túc những điểm nào?
Bác sĩ có thể kể lại những lần bác sĩ gần gũi hoặc gặp gỡ cùng những kỷ niệm đáng nhớ với nhà văn Nguyễn Hiến Lê không?
Ngoài ra, dù là một người sống với ruộng đồng, nhưng qua theo dõi các sinh hoạt văn chương, tôi nhận thấy có nhiều vị bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ viết văn làm thơ như xa xưa có bác sĩ William Somerset Maugham viết Kiếp Người; Việt Nam mình có bác sĩ Ngô Thế Vinh với Vòng Đai Xanh và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác lúc sau này như “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng”, “Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch”; rồi còn có bác sĩ Thân Trọng Minh với bút hiệu Lữ Kiều với tập truyện Trên Đồi Là Lô Cốt, một tập truyện gợi cho tôi biết bao nhung nhớ về những ngày thơ mộng của tuổi hai mươi thuở nào; thêm nữa có dược sĩ Ngô Nguyên Nghiễm ở Châu Đốc làm thơ, bác sĩ Nguyễn Đức Tùng làm thơ ở bên Canada, bác sĩ Hoàng Chính viết văn cũng ở bên Canada, nha sĩ Đăng Khánh làm thơ ở Houston, bên Mỹ ; bác sĩ Trần Văn Tích viết văn bên Đức và có lẽ còn nhiều vị khác nữa mà tôi chưa được biết… Ngay như bác sĩ, qua lời giới thiệu trên trang nhà Du Tử Lê, bác sĩ vừa viết văn vừa làm thơ. Vậy qua kinh nghiệm chính mình, bác sĩ có thể chia sẻ với bạn đọc vì sao các vị theo ngành thuốc thường lại mê viết văn làm thơ nhiều như vậy ? Có phải do bẩm sinh của mỗi cá nhân hay là do có một truyền thống lâu đời nào không, thưa bác sĩ ?
Trân trọng kính chào bác sĩ.
Hai Trầu

 

Đỗ Hồng Ngọc trả lời:

Sài Gòn, ngày 19.3.2013
Anh Hai Trầu ơi,
Rất cám ơn anh đã “mở hàng” cho mục Trò chuyện lần này trên trang Du Tử Lê. Khi nhận lời làm “khách mời” kỳ này tôi cũng lo lo, sợ “ế” thì tội nghiệp cho dutule.com lắm!
Xin được trả lời 2 câu hỏi của anh: Về Nguyễn Hiến Lê (NHL), anh Hai Trầu ơi, tôi phục anh còn nhớ bài viết của tôi trên tạp chí BK số 426 ngày 24-4-1975. Đó cũng là số báo cuối cùng của BK. Đã 38 năm rồi chớ ít gì! Tôi may mắn được quen biết với ông NHL từ năm 1957 đến năm ông mất, 1984. Suốt thời gian đó, tôi thường gặp ông, khi trực tiếp khi thư từ qua lại. Đến nay tôi vẫn còn giữ nhiều thư viết tay của ông như một kỷ niệm. Tôi học được ở ông lối sống và lối viết.Ông là tấm gương nghị lực, gương tự học, chọn con đường làm văn hoá suốt đời mình.Câu “châm ngôn” của ông là “Viết để học và học để viết”.Tôi chịu lắm.Chỉ có cách đó mình mới học được nhiều, học được sâu. Tôi bây giờ còn đi dạy và vẫn nghĩ: “Dạy để học và học để dạy”. Ấy là bắt chước ông đó.

Anh hỏi tôi có “bổ túc” gì thêm không trong nhận định của tôi về ông trước đây? Xin thưa tôi vẫn luôn nghĩ ông là một “người hiền”- người hiền Nam bộ, dù sinh ở đất Bắc. Khiêm tốn, giản dị, chính trực. Chắc anh đã đọc Hồi ký của ông rồi thì biết.Ông sống tri túc, kham nhẫn, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”.Năm 1986, hai năm sau ngày ông mất, báo Thanh Niên nhờ tôi viết một bài về ông.Đó là bài đầu tiên viết về Nguyễn Hiến Lê sau 1975.Tôi đặt tựa là “Nguyễn Hiến Lê, nhà giáo dục”, nhưng tòa soạn sửa thành “NHL, một tấm gương kiên nhẫn”.Tôi nghĩ ông xứng đáng được gọi là “Nhà giáo dục”.Anh biết không, thật bất ngờ khi sách của ông bây giờ được rất nhiều bạn trẻ ở miền Bắc đọc, nghiền ngẫm, ứng dụng.Họ thực hiện các tủ sách Nguyễn Hiến Lê, trao đổi cho nhau. Vừa rồi còn có nhóm thanh niên tổ chức một chuyến đi xuyên Việt bằng xe gắn máy từ Bắc vào tận Đồng Tháp viếng mộ cụ Nguyễn, họ mặc áo pull có in hình ông, gắn cờ có hình ông lên xe nữa! Tóm lại, họ đã coi ông là một “thần tượng”.Ngộ quá chớ phải không anh?
Trong cuốn “Nhớ đến một người” tôi có viết kỹ hơn về Nguyễn Hiến Lê. Có dịp tôi sẽ xin gởi tặng anh Hai một cuốn!
Về câu hỏi thứ hai của anh vì sao mà nhiều thầy thuốc (y nha dược sĩ…) viết văn, làm thơ làm nhạc, vẽ tranh…? Anh có kể trường hợp Somerset Maugham, chắc cũng nên nhắc Tchekov, Cronin v.v… Việt Nam mình không thiếu.Tôi nghĩ những người thầy thuốc viết văn thì cũng như nhà giáo, kỹ sư, luật sư… viết văn vậy thôi.Một đằng là cái “nghề” và một đằng là cái “nghiệp”.Cái “nghiệp” thì nó gắn vào trong gène rồi, còn cái “nghề” thì ai cũng phải có để kiếm sống. Anh nhớ Huy Cận là kỹ sư nông nghiệp, còn Xuân Diệu là công chức nhà Đoan?… Viết văn làm thơ phải là chuyện “máu mê” từ nhỏ, trước khi người ta học để trở thành thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư… Dĩ nhiên, môi trường hành nghề cũng có tác động. Người làm nghề y gần gũi với nỗi đau nỗi khổ của kiếp người, dễ xúc động, dễ trầm tư và thúc đẩy cầm lấy cây viết! Tôi thì mê văn chương từ nhỏ. Hồi đậu tú tài toàn phần xong, tôi hỏi ý kiến ông Nguyễn Hiến Lê nên học văn khoa (theosở thích mình) hay học y khoa (theo ý muốn gia đình). Ông khuyên nên học… y khoa để giúp ích cho đời cụ thể hơn. Rồi nếu nuôi dưỡng được năng khiếu văn chương thì hành nghề y chừng mươi năm sẽ có nhiều điều để viết lắm! Nghe lời ông, tôi thi vào y khoa và ghi danh học… văn khoa!

Kính mến,
Đỗ Hồng Ngọc

……………………………………………………………….

II. Kinh xáng Bốn Tổng ngày 20 tháng 3 năm 2013

Kính chào bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Xin chân thành đa tạ bác sĩ đã có lòng yêu mến và giải đáp vài ba ý kiến của một bạn đọc nhà quê già như tôi rất tận tình, những lời giải đáp ấy rất gần gũi, thân ái giống như tấm lòng của một vị thầy thuốc ân cần, tử tế, nhân từ dành cho một bệnh nhân đang cần một vị lương y vậy!
Theo tài liệu bút lục của nhiều nhà thì số báo Bách Khoa 426 ngày 24-4-1975 là số chót, có các bài tạp chí Bách Khoa giới thiệu nhà văn Nguyễn Hiến Lê nhân cuốn sách thứ 100 của ông ra đời, đó là cuốn “Mười Câu Chuyện Văn Chương” do nhà Trí Đăng xuất bản. Được biết, sau này thầy Nguyễn Hiến Lê còn nhiều cuốn sách biên khảo quý báu nữa, và có lẽ cuốn sau cùng là cuốn “Sử Trung Quốc” do nhà Văn Nghệ bên California xuất bản vào năm 2003.
Thưa bác sĩ, tôi hồi nhỏ , những năm 1950, từ kinh xáng Bốn Tổng có dịp theo xuồng ra Long Xuyên , rồi sau này, khi tôi được vào học trường Khuyến Học, rồi trường Trung học Thoại Ngọc Hầu ở Long Xuyên thì Thầy đã lên Sài Gòn, nhưng hình bóng Thầy vẫn thấp thoáng nơi các lớp học vào hai năm Thầy dạy tại trường Thoại Ngọc Hầu này vào thời ông Nguyễn Ngọc Thơ còn làm Tỉnh Trưởng. Mãi đến sau năm 1975, khoảng cuối năm 1979 hoặc tháng 02 năm 1980, Thầy Nguyễn Hiến Lê mới dọn về lại Long Xuyên ở luôn những ngày tuổi già nơi đường Gia Long ấy.
Hồi nhỏ tôi ở trọ trên Cua Lò Thiêu, đi học phải đi bộ dọc theo con đường Tạ Thu Thâu qua cây cầu sắt ngay Ty Trường Tiền, rồi đi dọc theo đường Gia Long tới trường; chúng tôi thường đi bộ ngang qua nhà Thầy nằm trên đường Gia Long với con kinh lộ mùa nước cỏ tháng mười một, tháng chạp âm lịch, nhằm mùa cá dại nên cá lòng tong, cá nhái nổi bèo mặt nước.
Là dân quê tụi tôi, dường như ai cũng thích đọc sách của Thầy. Từ cuốn đầu tay “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười” tới cuốn sau cùng , cuốn nào cũng thích mà nhất là các cuốn thuộc loại sách “Học Làm Người” nhưng chỉ âm thầm tìm đọc sách thôi chứ không có ý tìm gặp hoặc viết thư từ gì vì hổng dám làm phiền, làm quen với những người nổi tiếng. Hồi xưa khác chứ không có hiện tượng như ngày nay người ta ngưỡng mộ Nguyễn Hiến Lê như bác sĩ vừa nhắc:
“Anh biết không, thật bất ngờ khi sách của ông bây giờ được rất nhiều bạn trẻ ở miền Bắc đọc, nghiền ngẫm, ứng dụng.Họ thực hiện các tủ sách Nguyễn Hiến Lê, trao đổi cho nhau. Vừa rồi còn có nhóm thanh niên tổ chức một chuyến đi xuyên Việt bằng xe gắn máy từ Bắc vào tận Đồng Tháp viếng mộ cụ Nguyễn, họ mặc áo pull có in hình ông, gắn cờ có hình ông lên xe nữa! Tóm lại, họ đã coi ông là một “thần tượng”.Ngộ quá chớ phải không anh? “
Thú thật với bác sĩ, ngày nay tuổi tôi cũng già quá mạng rồi, mỗi ngày tôi ngoài việc nhìn đồng ruộng mà tiếc cho những ngày mùa lúa mùa cách nay sáu bảy chục năm, lúa thôi là lúa, bạt ngàn san dã, chạy mút tận chân trời, mà chợt buồn sao thời gian trôi qua quá mau, tuổi ấu thơ nhà quê với những ngày mùa cắt gặt theo cộ trâu, cộ bò mót lúa bông rơi rớt hồi xa xưa ấy nay chẳng còn! Ngoài những thương nhớ ấy, tôi chỉ còn mỗi việc là đọc lại sách của thầy Nguyễn Hiến Lê, tôi có khoảng gần 100 cuốn của Thầy. Thú thiệt nhe bác sĩ, mình chỉ đọc các bài “TỰA” trong các cuốn sách ấy của Thầy thôi là thấy cũng đáng đồng tiền bát gạo rồi bác sĩ ơi! Còn bác sĩ thì sao, bác sĩ có nhận xét gì về các bài “TỰA” trong các sách của Nguyễn Hiến Lê?Ngoài ra, bác sĩ có nhận xét gì về bút pháp của Nguyễn Hiến Lê trong các sách của Thầy?
Thêm vào đó, bác sĩ đã trải qua nhiều thời kỳ văn học Việt Nam, bác sĩ có thể chia sẽ với bạn đọc về cái nhìn của mình qua các thời kỳ văn học ấy được không, chẳng hạn thời kỳ văn học Miền Nam Việt Nam 1954-1975, thời kỳ văn học Việt Nam từ 1975 tới nay ở Sài Gòn cũng như ở hải ngoại sau 38 năm qua? Trong các giai đoạn văn học này của Việt Nam, theo bác sĩ, có những tác giả và tác phẩm nào bất hủ không, thưa bác sĩ?
Vì “trò chuyện với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc”, nên tôi có ý hơi lòng vòng, mong bác sĩ và bạn đọc rộng lòng bỏ lỗi cho. Xin cảm ơn bác sĩ và bạn đọc nhiều lắm.Và không quên cảm ơn bác sĩ có nhã ý tặng sách.
Kính thư,
Hai Trầu

 

Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
Sài Gòn ngày 14-04-2013

Kính anh Hai Trầu,
Rất cảm động, lại được thư anh hỏi han và chia sẻ trên dutule.com. Thú thực, có một “bạn đọc nhà quê già” như anh Hai, với tôi, là một hạnh phúc, bởi tôi cũng là một bác sĩ “nhà quê già” không kém đó anh Hai (*). Thế hệ chúng ta có lẽ cũng lại là một thế hệ lạc lõng, cho nên rất gần gũi nhau.
Đúng như anh nói.Sử Trung Quốc là cuốn biên khảo sau cùng của Nguyễn Hiến Lê.À, anh vừa gọi “Thầy” Nguyễn Hiến Lê mặc dù chưa hề học với ông ngày nào.Và có lẽ thế hệ chúng ta nhiều người cũng nhận ông là “Thầy” dù chưa hề học với ông ngày nào anh nhỉ?Trong bài báo “Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi” viết năm 1975 trên Bách Khoa, tôi cũng đã nói lên điều này. Câu anh viết: “nhưng hình bóng Thầy vẫn thấp thoáng nơi các lớp học vào hai năm Thầy dạy tại trường Thoại Ngọc Hầu này” rất cảm động, chứng tỏ mặc dù chỉ dạy học có hai năm, ông cũng đã để lại “hình bóng” tốt đẹp cho nhiều lứa học trò về sau. Nhờ cái gì vậy?Nhờ tấm lòng của một “bậc thầy” phải không anh?Không chỉ là kiến thức đâu mà chính là “thân giáo” đó.
Về cách viết TỰA của Nguyễn Hiến Lê, đúng vậy đó anh Hai.Cách viết TỰA của ông cũng đặc biệt, đáng “đồng tiền bát gạo” lắm.Nó chân thành và thấu cảm thực sự anh à, cho nên nó mới đi vào lòng người.Không phải chỉ những bài tựa viết cho riêng sách của mình đâu mà cả những bài tựa ông viết cho người khác. Anh thử đọc bài tựa ông viết cho cuốn “QÊ HƯƠNG” của Nguiễn Ngu Í thì thấy. Tôi may mắn cũng được ông viết cho một bài tựa ở cuốn “Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò”, cuốn sách đầu tay của tôi do La Ngà xuất bản và Lá Bối phát hành, năm 1972. Tôi vẫn còn giữ “thủ bút” của ông như một kỷ niệm đó anh Hai. Tôi nhớ câu kết của ông trong bài tựa này:“Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”! Ông viết vậy có lẽ vì từ năm 1967, tôi đã gởi tặng ông tập thơ đầu tay của tôi Tình Người (thơ Đỗ Nghê).(**)
Ôi, “chia sẻ với bạn đọc về cái nhìn của mình qua các thời kỳ văn học” ư? Dạ cái “vụ” này xin anh Hai tha cho! Tôi làm sao dám nói về những điều to tát như vậy! Xin anh hỏi các nhà phê bình văn học vậy nhé. Hình như Võ Phiến, một nhà văn lớn, đã có một cuốn nhận định gì đó về văn học Việt Nam cũng gặp không ít những phiền toái! Ngay cả Hoài Thanh và Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan… ngày xưa cũng vậy! Nhưng vì anh Hai đã hỏi thì tôi cũng xin thưa rằng tôi chỉ thấy các đợt sóng văn học cứ tuần tự luân phiên vỗ bờ, và bên dưới đó là… mênh mông nước!
Cảm ơn anh Hai đã chịu khó đọc.
Thân kính.
Đỗ Hồng Ngọc
………………………………………..
(*)http://www.dohongngoc.com/web/o-noi-xa-thay-thuoc/thay-thuoc-va-benh-nhan/bac-si-nha-que/
…………………………………………………………………

 

III. Kinh xáng Bốn Tổng ngày 15 tháng 04 năm 2013

Kính chào bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Tôi vừa nhận được thơ hồi âm của bác sĩ, nên trong bụng tôi mừng quá mạng! Thơ bác sĩ viết cho một bạn đọc nhà quê già mà rất chí tình, đồng cảm, chẳng hạn có đoạn bác sĩ viết rất cảm động: “Thế hệ chúng ta có lẽ cũng lại là một thế hệ lạc lõng, cho nên rất gần gũi nhau.”
Qua giới thiệu của trang nhà Du Tử Lê, được biết bác sĩ tuổi Canh Thìn, sanh năm 1940, tôi tuổi Nhâm Ngọ, nhỏ hơn bác sĩ hai tuổi, nhưng chắc tôi cũng cùng với bác sĩ là được sanh ra giữa những mùa ly loạn nơi các làng quê rồi lớn lên giữa ruộng vườn, theo học trường làng; rồi sống qua mấy mươi năm chiến tranh nên lúc nào cũng thấp thoáng bên mình những “lạc lõng”; “lạc lõng” từ những ngày thơ ấu chạy giặc tản cư cho tới những ngày già nua lụm cụm như bây giờ; “lạc lõng” từ trong gia đình cho tới bà con, chòm xóm, láng giềng và bằng hữu nữa khi mỗi người mỗi ngã trôi giạt bềnh bồng khắp mọi miền, chẳng khác nào khi một mình đi trên bờ bi nhìn cánh đồng lúa mênh mông mà bóng hình mình in lên mặt ruộng lúc nắng chiều chênh chếch về hướng tây giữa lúc chiều tà! Thành ra, nhiều lúc tôi tự nhìn lại mình, nhìn lại thân phận dân quê tụi tôi, tôi thầm cảm ơn bác sĩ có lòng với dân quê tụi tôi dữ lắm! Một người không thể làm hết mọi việc nhưng làm được một việc ý nghĩa cũng xứng đáng sống với đời sống này rồi vậy!
Qua trả lời thơ của Cô Sáu Sa Đéc trên Dutule.com, bác sĩ đã viết: “Cảm ơn Cô Sáu. Tôi viết cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” năm 1974, lúc đó tôi cũng vừa mới có 3 đứa con “đầu lòng” nên đã có ít nhiều kinh nghiệm, lại đang làm ở khoa Cấp Cứu bệnh viện Nhi đồng Saigon nên hằng ngày gặp nhiều trường hợp rất thương tâm, vì thế mà thấy cần phải viết. Viết xong, tôi có đưa nhờ ông Nguyễn Hiến Lê coi qua. Ông nói: “Đọc cuốn này thấy cháu là một bác sĩ nhi khoa tốt.Nhưng cháu viết cho ai đây? Cho những người có học ở thành thị, còn bà con ở thôn quê ít học thì sao?”. Vì câu nói này, sau đó tôi có viết thêm cuốn : “Săn sóc con em nơi xa thầy thuốc…”
Theo tôi, với “Săn sóc con em nơi xa thầy thuốc…”, bác sĩ đã mang tặng cho đời, cho dân quê chúng tôi một món quà đầy ý nghĩa vậy!
Ngoài ra, trong thơ bác sĩ có nhắc cách tôi gọi Thầy Nguyễn Hiến Lê bằng “Thầy”, bác sĩ viết: “À, anh vừa gọi “Thầy” Nguyễn Hiến Lê mặc dù chưa hề học với ông ngày nào. Và có lẽ thế hệ chúng ta nhiều người cũng nhận ông là “Thầy” dù chưa hề học với ông ngày nào anh nhỉ?”
Thưa bác sĩ,
Dân quê tụi tôi dường như không biết từ lúc nào, họ luôn luôn có lòng kính trọng những người biết chữ. Hồi đời xưa thì các bậc túc Nho đều được bà con tôn xưng là Thầy. Chẳng hạn như ở làng Cái Tàu Thượng nằm bên bờ sông Tiền Giang, những năm 1930-1940, có Thầy Bùi Xuân Hòa một bậc tinh thông chữ Nho, những bài minh trên bảo tháp của ngài Yết Ma Trụ Trì chùa Tân Phước Tự tại làng Tân Bình thuộc quận Lấp Vò trước kia thuộc Long Xuyên, sau này thuộc Sa Đéc, là do Thầy đặt để và được khắc lên bảo tháp, nay vẫn còn. Rồi có dịp tôi về ngang qua làng Tân Bình, tôi may mắn được gặp Thầy Bảy Lạc, cũng là một bậc túc Nho của làng Tân Bình, Thầy mới chép cho tôi xin sáu bài minh trên bảo tháp ấy qua nét chữ rất sắc sảo, tài hoa của Thầy Bảy Lạc gợi cho chúng tôi, các thế hệ hậu sinh trong làng như tôi, rất lấy làm vinh hạnh làng quê mình có vị các vị Thầy hay chữ; nhưng nay thì các bậc tiền hiền ấy cũng đã ra người thiên cổ hết rồi, bác sĩ ơi!

Đó là nói về dân quê quý trọng các bậc túc Nho một thời và ai biết chữ là họ tôn xưng là bậc Thầy. Rồi trong cái nề nếp đạo đức “tôn sư trọng đạo” ấy, dân quê chúng tôi còn được các đấng sanh thành, các bậc tiền hiền dìu dắt dạy dỗ theo cái nếp nhà xưa cũ nữa. Chẳng hạn có lần tôi kể với anh Tô Thẩm Huy về cái nếp nhà này và nay xin lò mò chép lại tỏ bày cùng bác sĩ:
“Thêm vào đó, cái nền lễ nghĩa nơi các làng quê vào những năm xa xưa ấy một phần nữa nó còn được tô bồi bằng việc thờ phượng Thánh Thần, Trời Phật qua các đình miếu, chùa chiền, những nơi chốn trang nghiêm ấy là một trong những biểu tượng của sự kết hợp giữa các đấng thiêng liêng với con người một cách hài hoà; nó chẳng những phù hợp với đời sống tinh thần của dân quê mình vốn coi Trời Đất là trọng, mà còn là biểu hiện một quan niệm về đời sống thuận cùng Trời Đất và hợp Con Người lân láng vậy ! Tôi cũng xin được gợi nhớ ra đây những lời dạy từ các trang sách rầt cũ của các bậc thánh hiền như Minh Tâm Bửu Giám, Quốc Văn Giáo Khoa Thư; những trang sách rất cũ và thật là đơn sơ mà hàm súc ấy, nó rất thâm thuý mà gần với làng quê, nó rất cao siêu mà thiết thực trong đời sống thường ngày của cư dân nơi những miếng ruộng, mảnh vườn quanh năm xanh một màu xanh của thiên nhiên tươi mát ấy… Trải qua nhiều đời, từ ông Cố, ông Nội tôi, rồi đến đời Tía Má tôi, tôi còn giữ được mấy trang sách Minh Tâm Bửu Giám này được nẹp bằng hai thanh tre với chỉ gai kết lại là một trong những vật quí báu còn sót lại qua biết bao mùa binh biến, những trang sách có tuổi thọ nhiều hơn tuổi đời những người cùng thế hệ với tôi mà tôi đã được học từ những ngày còn nhỏ, cũng xin gởi kèm theo đây như một di tích về cái nền đạo nghĩa ở nhà quê vùng làng Tân Bình tôi qua gần trăm năm ấy đến bây giờ. Tất cả, đó có thể gọi là những tinh chất làm nền cho một phong vị sống đẹp của dân quê miệt vườn ruộng miền Tây Nam Phần từ những năm xa xưa ấy vậy.”
Thưa bác sĩ,
Từ cái nền lễ nghĩa đó, nó được truyền đi truyền lại nhiều đời, rồi lâu dần hết đời này tới đời khác, nó hóa thành cái nếp quen tôn kính các bậc thánh hiền, và việc kính thầy, trọng thầy dạy chữ, dạy nghề nó thấm vào lòng mình như máu chảy trong tim vậy!

Người nhà quê nó lớn được một phần là nhờ có lòng biết tôn kính các bậc ân sư dạy cho mình vậy. Thuở nhỏ, chúng tôi học vở lòng với thầy Chín Nhậm ở Cầu Nhà Lầu (Mặc Cần Dưng), rồi học Sơ Đẳng Tiểu Học bắt đầu lớp Năm với Thầy Cầm, lớp Tư với Thầy Trang, lớp Ba với Thầy Ngân; lên bậc Tiểu Học, chúng tôi học với Thầy Nhì dạy lớp Nhì, lớp Nhứt vớ Thầy Nguyễn Văn Chánh kiêm Hiệu Trưởng trường Tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa (Mặc Cần Dưng, Long Xuyên). Vậy mà rồi từ những năm 1949-1956, cách nay sáu bảy chục năm và các Thầy thì đã ra người thiên cổ hết rồi, nhưng mỗi lần có dịp nhắc lại, như hôm nay chia sẻ cùng bác sĩ sao trong lòng tôi vẫn thấy bồi hồi thương Thầy hoài như lúc mình còn bé bỏng ê a học vần xuôi vần ngược vậy! Tiếp theo cái lòng kính và trọng Thầy ấy, dường như học trò chúng tôi thuở ấy khi lên tới Trung Học, đứa nào cũng gọi các Thầy dạy lớp mình bằng Thầy đã đành, mà các Thầy không trực tiếp dạy mình, mình cũng tôn xưng bằng THẦY với tất cả lòng kính nễ. Chẳng những học trò gọi Thầy mình bằng Thầy như vậy mà ngay cả “Phụ Huynh Học Sinh” cũng gọi các vị Thầy của con mình bằng Thầy nữa. Thế nên, có thể nói cái nề nếp giáo dục ngày xưa ở thôn quê là lấy cái nề nếp kính trọng Thầy làm cái đạo chánh vậy! Nhớ có lần học trò chúng tôi mấy ngàn đứa gồm tất cả các trường trong tỉnh lỵ Long Xuyên tiễn Thầy Lê Công Chánh dạy môn Sử Ký lớp Đệ Ngũ đến nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang Long Xuyên trên đường đi vô Núi Sập, mà ngày nay là chỗ Viện Đại Học An Giang cất gần đó, đứa nào cũng khóc khi nghe bài điếu văn vô cùng cảm động của Thầy Nguyễn Văn Mùi tiễn Thầy Chánh về bên kia thế giới!
Do vậy, theo ý nhà quê của tôi, cái đạo trọng Thầy là cái đạo cũ nhưng nó vẫn mới và rất cần dù ở thời nào! Cái đạo ấy nó làm mới đời sống trong mỗi người; người biết giữ cái đạo ấy, tâm hồn của họ sẽ giàu có còn hơn là tiền bạc và danh vọng, chức phận cao vòi vọi vậy!

Thưa bác sĩ,

Đó là vài ba ý nghĩ khi tôi gọi bác sĩ hay gọi nhà văn Nguyễn Hiến Lê bằng THẦY là có ý vậy. Giờ xin bác sĩ chia sẻ vài điều về việc trước tác của bác sĩ nhe bác sĩ! Khi nào thì bác sĩ dùng VĂN và khi nào bác sĩ dùng THƠ để chuyên chở những ý tưởng của mình? Bài thơ đầu tiên bác sĩ gởi đăng ở tạp chí nào?Có lần nào bác sĩ bị các ông chủ bút từ chối đăng bài của bác sĩ không?Nếu có, cảm tưởng của bác sĩ lúc bấy giờ thế nào?Bác sĩ có làm thơ tình lãng mạn không, nếu có, xin bác sĩ cho bạn đọc được đọc một bài mà bác sĩ ưng ý nhứt nhe bác sĩ?
Kính chúc bác sĩ vạn an.
Kính thư,
Hai Trầu

 

Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
22-5-2013
Thưa anh Hai Trầu,
Cảm ơn thạnh tình của anh Hai.Anh nói rất đúng, lứa mình phải nói là lứa “lạc lõng”, học hành cà ịch cà đụi là chuyện bình thường.Suốt những năm tản cư tôi cứ học hoài một lớp, lớp 3. Sau này nhờ biết tổchức việc học theo hướng dẫn trong cuốn “Kim chỉ nam của học sinh” của Nguyễn Hiến Lê (1957) mà tôi học nhảy lớp, bỏ cả đệ tứ và đệ tam để thi Tú tài I và II, rồi đậu vào Y khoa. Anh nhớ hồi đó thi Tú tài đậu chừng 10% , mỗi năm thi 2 kỳ, gồm cả thi viết và thi vấn đáp. Anh nhớ hồi đó lứa mình mà “rớt Tú tài…”. Nhưng thôi, nói mãi chuyện xưa không nên! Người ta bảo đời người có ba hồi: “hồi trẻ”, “hồi trung niên” và… “hồi đó”! Khi nào mình cứ “hồi đó” hoài chứng tỏ là mình “già quá mạng” rồi phải không anh Hai.
Giờ xin nói chuyện “trước tác” của tôi nhe. Tôi mê văn thơ từ hồi nhỏ, đọc gần hết tủ sách trong một tiệm cho mướn sách ở Phan Thiết. Cô Hai tôi ( xe lửa trúng mìn, gãy cả 2 chân) cư ngụ trong một ngôi chùa nhỏ,thường kêu tôi đi mướn sách về cho cô đọc, nhưng lại cấm tôi đọc vì con nít đọc truyện không tốt, mê, bỏhọc. Mỗi lần đi mướn truyện, tôi lén đọc hết dọc đường đi, có khi ngồi gốc cây đọc xong mới về.Tôi còn ghi chép tóm tắt nội dung, các nhận xét của mình vào một cuốn vở.Tôi nhớ những bài văn của mình hồi học lớp Nhứt (lớp 5) thường được thầy khen và đọc trước lớp.Rồi cậu tôi là ông Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư làm báo ở Saigon về thăm, cho một đống sách báo, tranh ảnh.Tôi mê tít.
Những bài thơ học trò thôi không nhắc. Bài thơ đầu tiên đăng trên báo Bách Khoa năm 1960, ký với một cái tên tắt. Tuy biết ông Ngu Í cậu mình làm ở đó nhưng tôi giấu ông. Khi báo đăng, tôi mới nói.Ông ngạc nhiên và khen ngợi. Sau đó tôi lấy bút hiệu Đỗ Nghê và đăng nhiều thơ trên Bách Khoa, Mai, trong Ban biên tập báo Tình Thương (với Phạm Đình Vy, Ngô Thế Vinh, Trần Mộng Lâm…) rồi ở trong nhóm chủ trương bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức (Nguyên Minh, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Lê Ký Thương…)
Năm 1967, đang là sinh viên y, tôi in tập thơ đầu tay: Tình Người và sau đó là các tập Thơ ĐỗNghê (1974), Giữa hoàng hôn xưa (1993), Vòng quanh (1997), Thưcho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010)…
Tôi không viết “chuyên nghiệp” được như Thầy Nguyễn Hiến Lê, tôi chỉ viết khi có hứng. Bây giờ có máy vi tính cũng tiện. Khi hứng đến, tôi cứ viết ào ào rồi để đó, năm bảy ngày sau cho nó “hoai” đi mới “chỉnh”lại đôi chút. Tuy nhiên, khi báo đặt bài gấp thì cũng viết ngay được. Lâu lâu gom lại có thể in thành một cuốn sách như Thư gởi người bận rộn, Chẳng cũng khoái ru, Nhớ đến một người… Tôi không viết được truyện anh Hai à, vì không có khả năng… hư cấu!
Nhớ lại, năm 1965 tôi cũng có một truyện ngắn đã đăng trên báo Mai, sau này thấy in lại trong tuyển tập truyện ngắn nhiều tác giả của NXB TRẺ, năm 1998: CUỘC ĐI DẠO TÌNH CẢM.
Đây cũng là truyện ngắn duy nhất của tôi đó anh Hai Trầu ơi.
“Để đáp lại tấm thạnh tình” của anh và bạn đọc, xin gởi tặng một bài thơ, viết ngày sóng thần ập vào Fukushima, Nhật Bản:

Giả sử

Giả sử sóng thần ập vào Nha Trang
Ập vào Mũi Né
Anh chỉ kịp quẳng em lên một chiếc thuyền thúng
Vút qua những ngọn dừa
Những đồi cát trắng
Em nhớ mang theo đôi quả trứng
Vài nắm cơm
Vài hạt giống
Đừng quên mấy trái ớt xanh…
Biếtđâu mai này
Ta làm An Tiêm
Trở về làng cũ
Nơi này ta sẽ gọi là Nha Trang
Nơi kia gọi là Mũi Né…
Cho nên
Sao chẳng sớm mà thương nhau hơn?
ĐỗNghê
(2011)
……………………………………………………………………

IV. Kinh xáng Bốn Tổng ngày 22 tháng 5 năm 2013.

Kính chào bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,

Nhận được lá thơ trả lời của Bác sĩ về việc trước tác thơ văn, mà nhất là được đọc bài thơ Mũi Né, mà Bác sĩ làm cách nay 43 năm, làm tôi nhớ quá một thời lang bạt khắp các vùng Mũi Né, Sông Mao (Hải Ninh), Phan Lý Chàm, Tuy Phong ngoài Phan Thiết của Bác sĩ quá mạng! Những ngày tháng khi tuổi đời vừa mới lớn ấy rồi lại có mộng đi đó đi đây, vậy mà rồi tôi lại được đi tới quê nhà của Bác sĩ. Tôi còn nhớ tỉnh Bình Thuận nằm dọc theo quốc lộ I chạy dài từ trong này giáp với Bình Tuy với Rừng Lá, Căn Cứ 4, Căn Cứ 5 ra tới ngoài kia giáp với Suối Vĩnh Hảo, bải biển Cà Ná của tỉnh Ninh Thuận mà hai bên quốc lộ là rừng chồi rải đều lên mặt đất với phía trong xa xa là dãy Trường Sơn chập chùng núi là núi và bên này quốc lộ xa xa chạy về hướng biển bạt ngàn… Dường như từ lâu lắm rồi, có tới hơn bốn mươi năm, tôi chưa có dịp trở lại Phan Thiết lần nào nhưng sao trong lòng tôi vẫn không quên Phan Thiết của Bác sĩ, mà nhất là lại được đọc bài thơ Mũi Né của bác sĩ nữa!

“Em có về thăm Mũi Né không?
Hình như trời đã sắp vào xuân
Hình như gió bấc lùa trong Tết
Những chuyến xe đò giục bước chân.”
…..

Thưa Bác sĩ,
Trong thư vừa rồi bác sĩ có nhắc Bác sĩ Ngô Thế Vinh, tôi có lần đã đọc vài tác phẩm của nhà văn Ngô Thế Vinh như Mây Bão (1963), Bóng Đêm (1964), Vòng Đai Xanh (1970, 1987), Mặt Trận Ở Sài Gòn (1996), “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng”(2000), và “Mékong Dòng Sông Nghẽn Mạch” (2007), được biết thời còn là sinh viên đại học Y Khoa Sài Gòn, bác sĩ và nhà văn Ngô Thế Vinh cùng làm tờ báo Tình Thương của trường này, bác sĩ có thể chia sẻ với bạn đọc vài kỷ niệm giữa Bác sĩ và nhà văn Ngô Thế Vinh trong những ngày làm báo sinh viên này được không? Và khi nào báo Tình Thương đình bản và vì sao báo đình bản, thưa bác sĩ?
Đặc biệt, giữa hai tờ báo Tình Thương và Ý Thức, bác sĩ là một trong các tên tuổi trong Ban Biên Tập, nay qua rồi hơn 40 năm, bác sĩ có cái nhìn nào về cách làm tờ báo sinh viên và tờ báo ở ngoài đời, chẳng hạn làm báo nào dễ hơn hoặc khó hơn, thuận lợi hoặc trở ngại, và có lần nào Bác sĩ hạnh phúc cũng như mệt mỏi với các tờ báo mà Bác sĩ cùng các nhà văn khác đồng khai sinh ra nó?
Kính chúc bác sĩ luôn dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.
Kính thư,
Hai Trầu

 

Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
Sài Gòn ngày 14 tháng 6 năm 2013
Anh Hai Trầu ơi,
Tôi với anh Hai mà cứ trao đổi qua lại trên dutule.com như vầy hoài chắc bạn đọc sẽ ngán! Cũng có mấy câu hỏi về… Phật pháp, về… bệnh hoạn, nhưng đã ra ngoài khuôn khổ cuộc Trò chuyện về văn học nghệ thuật trên dutule.com rồi!
Kỳ này, anh hỏi tôi về chuyện nguyệt san Tình Thương của sinh viên y khoa 50 năm về trước với Ngô Thế Vinh và về bán nguyệt san Ý Thức của Nguyên Minh và bằng hữu là hai tờ báo tôi có dịp tham gia nên xin được trả lời anh vắn tắt như sau:
Nhà văn – bác sĩ Ngô Thế Vinh học trên tôi một năm, nhưng như anh biết, hồi đó học y khoa đến 7 năm, lại cùng làm báo Tình Thương chung với nhau nên chúng tôi rất thân thiết. Ngay hồi sinh viên, Ngô Thế Vinhđã nổi tiếng với các tiểu thuyết Mây Bão, Bóng Đêm, rồi sau này là Vòng Đai Xanh và những năm gần đây, anh chuyên khảo về dòng sông Cửu Long với những cuốn sách rất có giá trị. Anh từng lặn lội lên đến tận nguồn Mékong và cảnh báo dòng Mékong sẽ nghẽn mạch, cũng như đã thấy trước Biển Động sẽ dậy sóng như thế nào.Nói về Tình Thương của Sinh viên Y khoa thời đó, không ai viết rõ hơn Ngô Thế Vinh vì anh là Thư ký tòa soạn. Anh Hai chịu khó đọc bài viết năm 2009 này của Ngô Thế Vinh theo địa chỉ: www.luanhoan.net/GioiThieuTacGia/html/22-3-13%20gttg%2010.pdf nhé. Tôi chỉ ghi lại đây vài dòng phần mở đầu và kết:
“Thời gian ở trường Y khoa, đó thực sự là những năm xanh của một đời người. Không phải chỉ có học, chúng tôi còn có những bận rộn ngoài chuyên môn y khoa nhưhoạt động sinh viên và cùng với các bạn trông nom tờ báo Tình Thương. Tờ báo ấy ra đời trong một hoàn cảnh và thời điểm đặc biệt ngay sau biến động tháng 11 năm 1963”.
(…)

“Có thể khái quát mà nói rằng, cho dù giữa những năm chiến tranh, báo Tình Thương đã thể hiện được một tinh thần tự trị đại học, trong sinh hoạt tương đối có tựdo, có tinh thần dân chủ, tôn trọng khác biệt, trong một mẫu số chung rộng rãi và đoàn kết cùng hướng tới một xã hội nhân bản. Viết về lịch sử trường Đại học Y Khoa Sài Gòn, có lẽ không nên lãng quên tờ báo Tình Thương. Điều đáng tiếc là Tình Thương đã không tồn tại lâu dài để trở thành một truyền thống và như một nhịp cầu giữa vòng thành y khoa ra bên ngoài xã hội”.
(“Tìm lại thời gian đã mất, Nguyệt san Tình Thương, 1963-1967. Tiếng nói của Sinh viên Y khoa”, Ngô Thế Vinh, 2009)
Còn về Bán nguyệt san Ý Thức, cũng xin mời anh xem bài viết của Lữ Quỳnh, một người trong nhóm chủ trương trên www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13905
(…) Cho đến khoảng năm 1969, Lữ Kiều từ Phú Quốc, Lữ Quỳnh, Châu Văn Thuận từ Qui Nhơn, Hồ Thủy Giũ từ Quảng Nam, Nguyên Minh, Trần Hữu Ngũ ở Phan Rang đã có cuộc họp mặt bàn chuyện làm báo. Tờ Gió Mai được đổi tên: tạp chí Ý Thức. Và,tòa soạn theo chân người viết.Tuy in ronéo, tờ báo được trình bày rất đẹp và phổ biến khá rộng. Nhóm chủ trương có thêm Lê Ký Thương, Ðỗ Nghê (Ðỗ Hồng Ngọc ), Trần Hoài Thư, Võ Tấn Khanh.
Qua năm 1970, tạp chí Ý Thức xin giấy phép ấn hành ở Sài Gòn. Mỗi tháng 2 số ( bán nguyệt san). Số báo ra mắt ngày 01-10-1970 dưới tiêu đề Bán Nguyệt San Văn Học Nghệ Thuật Ý Thứcvới truyện ngắn Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Ngụy Ngữ, Nguyên Minh; Truyện dài Từ Kế Tường; Kịch Lữ Kiều; Ðọc sách: Quê Người của Dương Nghiễm Mậu… Nhóm chủ trương lúc này thêm: Ngụy Ngữ, Nguyễn Mộng Giác, Lê Văn Ngăn, Trần Hữu Lục.
Bên cạnh Bán Nguyệt San Ý Thức, còn có nhà xuất bản Ý Thức. Trong mấy năm đầu của thập kỷ 70, đã lần lượt ấn hành nhiều tác phẩm của Ðỗ Nghê, Lê Ký Thương, Trần Hoài Thư, Lữ Quỳnh, Nguyên Minh, Nàng Lai. Nhiều bản dịch văn học và lịch sửcủa Trần Quang Huề, Nguyên Thạnh, Minh Quân, Lê Ký Thương… Bán nguyệt san Ý Thức qua năm thứ hai có phần chệch hướng, không còn là tờ báo vốn có tiếng dấn thân tích cực, chống lại thứ văn nghệ salon, viễn mơ tràn ngập lúc bấy giờ.Ý Thức số 24 phát hành xong thì đình bản.
Bấy giờ giữa năm 2008 này, nhìn lại, nhóm chủ trương tạp chí Ý Thức đã phiêu bạt khắp nơi, thật khó để hình dung ra một buổi họp mặt như ngày nào! Nhưng, không như Nguyễn Mộng Giác nghĩ “40 năm qua, từ những thanh niên hăm hở đi tìm một giải pháp cho thời thế và cho văn chương, họ đã bắt đầu trở thành những ông già chậm rãi, mỏi mệt, cuộc vui hằng ngày không phải là những hăm hở mở đường phá núi, mà là ngồi lặng yên bên chồng sách cũ”. Họ, tuy tuổi tác có cao, sức khỏe không còn như ngày nào, nhưng vẫn giữ liên lạc với nhau, vẫn trao đổi chuyện văn chương, vẫn viết lách, in ấn: một Trần Hoài Thư ở New Jersey miệt mài với Thư Quán Bản Thảo, một Nguyên Minh ở Saigon vẫn đều đặn ra tập san Quán Văn…
(Những kỷ niệm của một thời Ý Thức. Lữ Quỳnh, 2008).

Anh thấy đó, tất cả chúng ta đều có một thời tuổi trẻ như vậy!
Chúc anh Hai Trầu sức khỏe,
Thân mến.

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định

“ĂN VÓC HỌC HAY”

09/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

ĂN VÓC HỌC HAY

Ghi chú: In lần đầu năm 2012, đã tái bản vài ba lần gì đó. Nay làm mới. Mới gì? Mới cái bìa. Cái bìa lần này tôi không xem tới xem lui gì nữa. Cũng chẳng góp ý kiến ý cò gì nũa. Viết cho mấy em bây giờ, cách xa mình đến hơn 60 năm, hãy để cho các em có cách nghĩ riêng, nhìn riêng. Cái mình tưởng hay tưởng đẹp có thể chán ngắt với mấy nhỏ.

Cho nên cái bìa lần này vàng chóe, chữ nghĩa hình ảnh… hạp tụi nhỏ (theo lời Nhà xuất bản). Thôi kệ. Cái chính vẫn là nội dung. Thêm một ít đề mục, câu chữ cho hợp thời! Hồi đó lo H5N1 thì bây giờ lo Covid-19, rồi S.A.D… (Stress; Anxiety; Depression).

Và bởi vì “hôm nay còn thi, mai kia còn thi…” thì cũng cần nhắc lại một chút vậy.

Thân mến,

Bs Đỗ Hồng Ngọc.

(9.8.2020)

 

 

Lời ngỏ

Ăn vóc học hay là một tuyển tập những bài viết – mới có cũ có – của tôi trong nhiều năm qua liên quan tới chuyện “Ăn” chuyện “Học” của người bạn trẻ.

Người xưa nói “Một linh hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”, và như vậy, cũng có nghĩa là “một thân thể tráng kiện” chỉ có thể có ở “một linh hồn minh mẫn”.

Thân và tâm không thể tách rời nhau.

Tương lai trong tay ta. Em biết rồi đó!

Đây không phải là một cuốn sách y học. Bởi khi cần đến y học thì đã có các bệnh viện, các thầy thuốc. Đây là những chuyện đời thường, hằng ngày chúng ta vẫn gặp, chuyện cái ăn, cái mặc, nếp nghĩ, nếp làm… Nhưng nó lại là cái cớ để chúng ta có dịp trò chuyện thân tình với nhau hôm nay, giữa một người đi trước và một người đi sau – giữa hai thế hệ – cách nhau hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn rất nhiều điều gần gũi nhau.

Cho nên khi viết cho em, khi nói với em, cũng chính là cơ hội để tôi nhìn lại tôi.

Xin cảm ơn em!

Đỗ Hồng Ngọc

(6.2020)

…………………………………………………………

Mùa thi đến rồi đó! 

* Bác sĩ có thể cho biết vai trò của việc giữ gìn sức khỏe trong cuộc sống con người nói chung, trong mỗi kỳ thi nói riêng?

– Như ta vẫn thường nói “sức khỏe là vốn quý nhất của con người”. Quả đúng vậy. Không có sức khỏe thì không thể làm được việc gì hết, kể cả chuyện học hành thi cử! Thậm chí có những người học rất giỏi mà sau đó mắc bệnh lao phổi, tim mạch hay tâm thần… thì cũng chẳng đến đâu. Mỗi kỳ thi là một cuộc đo tài ganh sức, đòi hỏi trí tuệ và cả… cơ bắp nữa. Phải có sức khỏe cả thân và tâm thì mới thành công. “Một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện” phải không? Thi cử là một stress lớn cho mỗi thí sinh nên phải có cách vượt qua. Muốn vậy, cần có sự chăm sóc tốt sức khỏe thể chất và tâm thần trong suốt quá trình học hành, thi cử. Nhiều người đợi nước đến chân mới nhảy nên nhảy không kịp, lọt tõm xuống ao. Muốn đi đường dài thì phải chăm sóc ngựa, chăm sóc xe… không đợi đến nước rút!

* Ăn uống như thế nào là hợp lý trong mùa thi?

– Không đợi đến mùa thi mới lo ăn uống hợp lý. Ăn uống là chuyện thường ngày mà! Thế nhưng, trong mùa thi thì chuyện ăn uống trở nên quan trọng hơn. Chẳng hạn, học thiệt xuất sắc, chuẩn bị đâu đó sẵn sàng để đi thi, chắc mẽm kỳ này sẽ đậu cao, ai dè tới ngày thi thì bị Tào Tháo đuổi chạy không kịp thì học giỏi cách mấy cũng rớt! Cho nên không có gì đáng tiếc hơn những ngày sắp thi mà ăn uống bậy bạ ngoài đường, không đảm bảo “an toàn vệ sinh thực phẩm”! Một câu hỏi thông thường khác là ăn gì thi cho dễ đậu? Câu trả lời là ăn gì thi cũng dễ đậu cả, miễn là ăn no, đủ chất, học hành đàng hoàng, giữ gìn sức khỏe tốt. Ngày thi mà đau bụng ói mửa, mà xây xẩm, chóng mặt, té xỉu trong phòng thi vì hạ đường huyết (quá đói) thì không thể nào đậu được! Còn người đã học có kế hoạch, ôn tập kỹ lưỡng thì ăn chè đậu cũng đậu mà ăn trứng vịt cũng đậu! Đừng có dị đoan mê tín! Trứng cũng bổ như đậu, miễn là đừng ăn trứng bị H5N1 (cúm gia cầm) là được! Tóm lại, nên quan tâm đến “cái ăn”. Ăn đủ chất và lượng. Giống như đổ xăng, nếu xăng pha nước thì xe chạy không được. Nhớ, không cần tẩm bổ với cao lương mỹ vị gì cả, không cần sâm cao ly, nước tăng lực gì cả, vì nếu cứ lo chuyện ăn uống tẩm bổ này nọ thì sẽ không còn thì giờ tập trung cho việc học. Thật sai lầm khi những ngày này phụ huynh bắt con em phải ăn thức này thức khác để tẩm bổ! Món ăn nào trẻ thích và vệ sinh, an toàn đều tốt cả. Khoái khẩu thì ăn sẽ ngon, học sẽ giỏi. Một em ở vùng biển quen ăn mắm, cá khô… bỗng được ăn thịt bò bít-tết khoai tây chiên thế nào cũng sình bụng, phát ách, ói mửa… và thi rớt!

* Thời gian ôn thi thường tạo cảm giác căng thẳng – mất ngủ, vậy làm cách nào để có giấc ngủ ngon và say?

– Thi cử là một stress lớn. Stress dễ làm mất ngủ. Ngủ rất cần thiết để giải stress, giảm stress. Ngủ đủ, ngủ ngon thì học sẽ mau thuộc bài hơn. Có em ráng uống cà phê đậm, trà đậm để thức khuya học, thậm chí có em cột mình vào ghế cho khỏi ngủ gục… đều là những cách làm sai lầm. Tế bào thần kinh một khi đã quá mệt mỏi, lại bị cưỡng bức nữa thì dễ bị kiệt sức, không hồi phục, dẫn đến tâm thần. Tốt nhất là khi học quá căng, cảm thấy quá mệt mỏi thì nên nghỉ. Nghỉ trước khi mệt càng tốt. Đi một bài quyền, ca hát nhảy múa gì đó, tắm rửa một cái chẳng hạn để… thay đổi không khí. Sau đó học lại, sẽ thấy tốt hơn. Ngủ rất cần thiết. Trong giấc ngủ, các tế bào thần kinh não bộ được thư giãn, được phục hồi sau thời gian căng thẳng. Giống như điện thoại hết pin cần phải sạc lại, mất vài giờ nhưng sau đó pin đầy, làm việc tốt hơn. Để ngủ ngon thì phải có kế hoạch học ôn từ sớm. Không nên dùng những thứ kích thích thần kinh. Một “kỹ thuật” giúp dễ ngủ là “lắng nghe hơi thở của mình”, không quan tâm tới bất cứ điều gì khác, không cần đếm sao trên trời… Cứ theo dõi hơi thở của mình một lúc sẽ ngủ được ngon và sâu.

* Phong độ thư thái, tự tin sẽ giúp các bạn đạt kết quả tốt, thế nhưng để đạt được cảm giác này là điều không dễ? 

– Dĩ nhiên. Chỉ những người học hành kỹ lưỡng, hoàn tất chương trình đầy đủ, chuẩn bị đâu đó sẵn sàng cho ngày thi thì mới thư thái tự tin được. Mặc dù lúc đi thi, người đó vẫn có thể có cảm giác như bị tràn ngập, không nhớ được gì cả, nhưng khi đề thi ra thì đầu óc tự nhiên tập trung lại một điểm, trí nhớ sẽ phục hồi, làm bài rất dễ dàng. Một người học lõm bõm, đánh tủ, thường không thể tự tin, không thể thoải mái. Một người uống thuốc kích thích thì cảm thấy rất tỉnh táo, “rất tự tin”, nhưng làm bài sai bét mà không hay! Một kỹ thuật để giảm stress, để có phong thái tự tin là… thở sâu, đưa hơi xuống “huyệt đan điền” (dưới rốn 3 đốt ngón tay) và quan sát, theo dõi hơi thở. Thở chậm, sâu, đều, sẽ làm cho phong thái trở nên điềm đạm. Lúc đó thi cử sẽ là một… trò chơi. Thi “chơi” cũng đậu! Còn căng thẳng quá, tự cao tự đại quá thì thường hỏng! Phụ huynh… thông minh, thường khuyên con em trước kỳ thi rằng không có gì phải lo. Đậu cũng được, rớt chẳng sao. Thua keo này bày keo khác. Phụ huynh nào đặt nhiều kỳ vọng, đặt chỉ tiêu này nọ, giải thưởng tiền bạc này nọ… thường thất vọng to! Nhiều em thi rớt, thấy phụ huynh quá đau lòng, bèn “trả hiếu” cho cha mẹ bằng cách… tự tử chết quách đi cho xong! Mùa thi nào cũng phải cấp cứu những tình huống đáng tiếc này. Lỗi ở phụ huynh. Đường còn dài. Đâu phải chỉ có thi cử ở trường ốc. Nhiều người thành đạt trên trường đời chẳng hề tốt nghiệp một thứ đại học nào cả! Một em học giỏi, IQ (Intelligent Quotient) rất cao, mà ra đời nhiều khi lại thất bại, thua xa một em học trung bình mà EQ (Emotional Quotient) tốt! (Xem bài IQ và EQ).

* Việc lạm dụng “thần dược” trong mùa thi đã để lại nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe, BS chia sẻ gì về vấn đề này?

– Không có chuyện “thần dược” trong mùa thi. Chỉ là để gạt gẫm nhau thôi. Một ly nước chanh đường, một không khí thoáng đãng cùng với kế hoạch ôn tập từng bước quy củ chính là thần dược. Nhắc lại, tự học mới quan trọng. Học kỹ theo chương trình là đủ. Ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ, thể dục thể thao đàng hoàng, biết cách giảm stress thì thi sẽ dễ đậu. Bói toán, dị đoan mê tín, tin tưởng “thần dược” này nọ thì hy vọng rất ít vì đã mất tập trung, đã chia trí. Thủ khoa các kỳ thi đại học thường là những em học trường huyện, chưa bao giờ học thêm, ăn uống thậm chí còn thiếu thốn, chỉ có học kỹ theo chương trình và có sự chuyên tâm tự học thì sẽ thành công. Học tủ, học kèm, học thêm… dễ thi rớt vì mất thì giờ cho ăn diện, cho điệu đàng, cho tán gẫu, tầm phào đáng tiếc. Tin tưởng vào “thần dược” là nhảm nhí!

* Xin cám ơn Bác sĩ.

(Báo Giáo Dục TP.HCM)

 

 

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Tuổi mới lớn

Bs Đỗ Hồng Ngọc ra mắt sách “Để làm gì”

20/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ra mắt sách “Để làm gì”

(http://ictvietnam.vn)

“Để làm gì” là tác phẩm mới nhất của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vừa được Nhà Xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ra mắt bạn đọc với một không gian sống đầy trải nghiệm của chính tác giả.
 
Tựa sách “Để làm gì” của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc xuất phát từ câu nói của André Maurois, rằng “khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý “Để làm gì”, lúc đó mình đã già thiệt rồi”. Từ cái ý của Maurois về “nghệ thuật già” ấy, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thú nhận rằng lâu nay ông biết mình già, nhưng quả thật ông vẫn đang nghĩ là mình đang “già giả” thôi.

Trong cuốn sách này, tác giả vừa cảm nhận tuổi già của chính mình, vừa lục soạn lại mớ gia tài trước tác bấy lâu nay trong ý niệm thường trực “để làm gì”, rồi gạn lọc lại, hình thành thêm một quyển sách.

 

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ra mắt sách: Để làm gì - Ảnh 1.

Cuốn sách mới nhất của Nhà văn, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

 

Bạn đọc sẽ được chính những trang sách dẫn dắt theo bước tác giả về lại không gian sống của nhiều “cảnh giới”. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có cách kể chuyện như sực nhớ lại chuyện hay hay của chính mình, tiện chỗ bạn bè nên kể lại cho vui, vậy mà người đọc bị cuốn theo lúc nào không biết, đọc như sợ hết mất quyển sách, đọc “dè sẻn” để tìm lại chính mình trong đó.

Dường như với người bạn nào, Đỗ Hồng Ngọc đều nhìn ra cái hay để học, từ ông bạn Hai Trầu với câu thơ tuy chợ búa mà vẫn ý đạo: Đạo cang thường chẳng phải cá tôm/ Đang mua mớ nọ, chạy chồm mớ kia; đến ý tưởng “Thy đạo” của Nguyễn Bắc Sơn như một điểm bấu víu trong những tháng ngày chông chênh tuổi tác.

Tiếp theo, rồi Hoài Khanh lúc cuối đời vẫn kịp nhắc ông chữ trơ vơ khác với chơ vơ hay cũng chính bạn bè cắt nghĩa cho ông những địa danh mang phương ngữ Chàm xưa: Tà là núi (Tà Zôn, Tà Cú, Tà Pao), La là sông (La Ngâu, La Ngà, La Gi), Hàm là ruộng (Hàm Tân, Hàm Thuận, Hàm Cường)…

Bạn đọc thấy mình trôi theo biết bao điều thú vị qua câu chữ, ngoảnh lại nhìn cái nhan đề sách, bừng tỉnh nhận ra: thì chỉ cần vậy thôi chứ đâu cần phải hỏi “để làm gì?”.

Có những bài đầy chất thơ, xen kẽ với mọi đề tài viết theo ngẫu hứng, rồi những bài cảm nhận về các tác giả, mà loại nào cũng được viết dưới lăng kính thơ mộng để chuyển tải những suy nghĩ uyên bác một cách thâm trầm, nhẹ nhàng.

Đó là điểm đặc biệt của bút pháp Đỗ Hồng Ngọc. Lôi cuốn người đọc bằng sự hiểu biết sâu rộng, nhẹ nhàng chứ không phải kiểu giáo điều, cứng nhắc, máy móc, thay vào đó là lời thì thầm nhỏ to tâm sự…

Nhà văn, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc gia nhập giới viết văn từ trước 1975, tính đến nay đã in ngót 40 đầu sách.

N.N
Và, một clip ngắn trên HTV 9, Chủ Nhật 19.7.2020:
https://drive.google.com/file/d/10pCLzJRH5QGGACDszNeYN4n53krJg8aV/view?zarsrc=30

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Nguyễn Hiền-Đức và Đỗ Hồng Ngọc

18/02/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Nguyễn Hiền-Đức và Đỗ Hồng Ngọc

Đỗ Hồng Ngọc

Sáng nay “Tệp tuyển” TÔI HỌC PHẬT của Đỗ Hồng Ngọc do Nguyễn Hiền-Đức “tổ chức bản thảo” vừa được giới thiệu trên trang tranthinguyetmai  (https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2020/02/16/nguyen-hien-duc-voi-toi-hoc-phat-cua-do-hong-ngoc/) thì đã có vài “bạn xa xôi” phone hỏi tôi thêm về mối “duyên” nào khá đặc biệt của tôi với anh 5 Hiền (Nguyễn Hiền-Đức) sao hay vậy?

Xin được nhắc lại  Lời Ngỏ trong “Tệp tuyển” TÔI HỌC PHẬT tôi đã viết:

“Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

Vào tuổi 80, tôi nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” như người bạn nhạc sĩ họ Trịnh kia đã nói. Về thu xếp lại, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”, vì rất nhanh thôi, các tế bào thân xác kia đã có vẻ rả rượi, ù lì, và cũng rất nhanh thôi các tế bào thần kinh nọ cũng mịt mờ, mỏi mệt, nhớ trước quên sau… Đầu năm 2019, tôi gom góp in cuốn Về thu xếp lại như một cột mốc, một hẹn hò, rồi cuối năm tiếp tục gom góp in thêm cuốn Biết ơn mình như một nhắc nhở… Bên cạnh đó, cũng đã tạm một tệp bản thảo Đi để Học, Ghi chép lang thang, Như không thôi đi được!… chủ yếu là một dịp để giúp “Nhìn lại mình”… Tôi cũng mong gom góp, tập hợp được một số bài viết, một số quyển sách nhỏ những lời biên chép bấy nay trong lúc lõm bõm học Phật, thấp thoáng lời kinh, làm thành một tệp để ngẫm ngợi khi cần. Muốn thì muốn vậy, nhưng lực bất tòng tâm!

Duyên may lại đến.
Cách đây mấy năm (6.2.2015), một buổi chiều, khi đi café với một người bạn trẻ về đến nhà thì nhận được 5 cuốn bản thảo “Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc” dày hơn ngàn trang A4 của một người không quen biết gởi tặng. Giật mình. Ai vậy cà? Thấy có kẹp mảnh giấy nhỏ, ghi số điện thoại tên Nguyễn Hiền Đức. Bèn phone thăm hỏi mới biết đó là một bạn đọc quý mến mình, đã “dõi theo” hành trình viết lách của mình từ lâu, nay tỉ mẩn ghi chép lại cả một tuyển tập đồ sộ gởi tặng và nói còn sẽ gởi tiếp mấy tập nữa! Lúc đầu tưởng anh gom góp từ trên mạng, nhưng không, anh cho biết anh đã gò lưng đánh máy từ những trang sách mà anh ưa thích! Thời buổi này. Lạ thiệt.

Hẹn gặp, mới biết Nguyễn Hiền Đức, tên thật là Nguyễn Hiền (thường gọi 5 Hiền), còn Đức là tên vợ, chị Phùng Ngọc Đức, nên lấy bút danh Nguyễn Hiền-Đức, quê gốc Hội An, trước 1975 từng có thời là Thư ký Tòa soạn của tạp chí Tư Tưởng, Đại học Vạn Hạnh, thư ký riêng của HT Thích Minh Châu… Anh tốt nghiệp Báo chí và Xã hội học, rồi cao học Sử ở Đại học Vạn Hạnh. Đó là một người gầy gò, trông khắc khổ, nghiêm túc, nhưng rất nhiệt tâm và nói chung… dễ thương…”

Anh 5 Hiền đã “giải trình” cách “làm tuyển tập” khá ly kỳ của anh như sau:

Tôi bắt đầu “gõ” và “gõ”, mải mê “gõ” cuốn “TUYỂN TẬP ĐỖ HỒNG NGỌC – THẤP THOÁNG LỜI KINH” này từ năm 2010 và kết thúc năm 2018. Tôi rất thích từ “Thấp thoáng” vì nó thể hiện rất rõ, rất đúng cái chất “thấp thoáng”, “lõm bõm” của tôi khi học Phật.
Ngay trong bước đầu “tập tễnh học Phật” tôi đã chọn cách học hợp với sở thích của mình. Đó là chọn bài, chọn sách rồi… rị mọ. cặm cụi, kiên trì “gõ” vào máy. Cách làm này giúp tôi đọc chậm, đọc kỹ từng đoạn, từng trang, từng bài, rồi chú tâm sửa lỗi. Tôi đọc ít nhất 5 lần cho mỗi trang với lòng thanh thản, thư thái. Tôi không “ép” mình phải ghi, phải nhớ một điều gì cứ để nó trôi chảy như một dòng sông. Rồi biết đâu mười năm sau, hay hơn nữa những gì tôi đã đọc, đã “gõ” sẽ giúp tôi nhiều hơn, tốt hơn trên con đường học Phật. Tôi chỉ đặt ra một thứ kỷ luật tự giác mà tôi phải tuân thủ, đó là mỗi ngày “gõ” ít nhất 5 trang, mỗi tháng tối thiểu 120 trang học Phật.

* * *

Dịp này, xin post lại đây bài viết “Thử sơ phác chân dung Đỗ Hồng Ngọc” của Nguyễn Hiền-Đức (năm 2014) vậy nhé.

Thân mến.

 

 

THỬ SƠ PHÁC CHÂN DUNG

ĐỖ HỒNG NGỌC

 

Nguyễn Hiền-Đức

(Tổng hợp và giới thiệu, 2014)

 

Tôi đọc lại các tác phẩm của Đỗ Hồng Ngọc và gom góp những bài ông trả lời phỏng vấn, trò chuyện đăng trên các báo, tạp chí, kể cả trang mạng www.dohongngoc.com/web/, rồi những bài viết, những cảm nhận của nhiều tác giả, nhiều bạn đọc trong và ngoài nước… để mong sơ phác được phần nào chân dung ông. Tôi lúng túng, loay hoay mãi. Bài viết lần đầu là Sơ phác chân dung Đỗ Hồng Ngọc qua những trang văn, trang đời. Rồi bỏ. Đến Sơ phác tiểu truyện Đỗ Hồng Ngọc. Lại thấy không ổn. Và đây là bài viết lần thứ ba.

Tôi cũng đọc lại những bài của học giả Nguyễn Hiến Lê viết về những người bạn văn thân thiết như Đông Hồ, Quách Tấn, Giản Chi, Nguiễn Ngu Í…  trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê. Lại đọc thêm Nhớ bạn của Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc, tiếp đến là Bạn bè một thuở của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, và cả Buồn buồn Vui vui của người anh chí cốt của tôi vừa đột ngột rời cõi tạm  (13.02.2014): Anh Năm Nguyễn Quang Sáng.

Riêng Đỗ Hồng Ngọc tôi gom lại những bài tạm gọi là “ký sự nhân vật” hoặc “Phác thảo chân dung”… ông viết về Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Khắc Viện, Nguiễn Ngu Í, Dương Cẩm Chương, Ngô Gia Hy, Trương Thìn, Trần Văn Khê, Trịnh Công Sơn, Cao Huy Thuần… đến những người bạn thân thiết của ông đang hoạt động trên nhiều lãnh vực…

Tôi lại tiếp tục đọc, tiếp tục “vịn” vào người khác. Tôi đọc Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – một số chân dung. Trong Đôi điều tâm niệm, nhà báo kỳ cựu Hàm Châu viết: “… Khi viết về cuộc đời và sự nghiệp một nhân vật cùng thời, tác giả may mắn hơn ở chỗ có thể “diện kiến, phiếm đàm” với chính nhân vật ấy. Nghề làm báo tạo thuận lợi cho việc giao tiếp. Bởi thế có nhà lý luận báo chí cho rằng, một phóng viên giỏi, với cuốn sổ tay, chiếc máy ghi âm – ghi hình và tài năng phân tích, đánh giá, rất có thể trở thành một “nhà chép sử đương đại” qua các tác phẩm ký chân xác, đáng tin về những sự kiện, con người của thời đại anh ta đang sống”.

Rồi tôi lại đọc Nguiễn Ngu Í – Cuộc đời và Văn nghiệp của Châu Hải Kỳ viết về “kỳ công” của Nguiễn Ngu Í khi đi phỏng vấn: “… Với chiếc mô-bi-lết già nua, hay chiếc xe đạp cọc cạch, anh đi sớm, về khuya, bất kỳ mưa nắng, và đôi khi bất kể cả giờ giới nghiêm nữa. Muốn gợi đúng được không khí “Sống và Viết” của người mình tìm hiểu, anh lại phải tới ăn và ngủ với người đó có khi hai ba lượt, có lần tới hai ba ngày. Rồi muốn người được phỏng vấn xác nhận điều mình đã phát biểu và thực sự yên tâm đối với bài báo nói về mình, mỗi khi viết xong, anh lại chịu khó đưa bản thảo tới cho xem lại để tùy tiện sửa chữa…” (Sđd., NXB Văn hóa Thông tin, 1993, tr. 54).

Tôi cứ nghĩ mình phải đọc nhiều như vậy để mong “cảm” được một điều gì đó, “nhập” được một điều gì đó, “ngẫm” được một điều gì đó, “ngấm” được một điều gì đó để mà sơ phác chân dung Đỗ Hồng Ngọc không đến nỗi tệ quá! Vậy mà không phải vậy!

Thưa trình dài dòng như vậy cũng chỉ để nói lên một điều rằng tôi có rất nhiều hạn chế khi sơ phác chân dung Đỗ Hồng Ngọc. Tôi “theo dõi” khá kỹ về Đỗ Hồng Ngọc ít nhất từ năm 1967, khi người bạn thân cùng lớp với tôi ở Đại học Vạn Hạnh là nhạc sĩ Miên Đức Thắng phổ nhạc thơ Đỗ Hồng Ngọc và trình diễn những nhạc phẩm “phản chiến”, nhưng mãi đến nay tôi chưa một lần gặp gỡ Đỗ Hồng Ngọc. Người anh, người bạn đồng hương khá thân với tôi là nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng có lần phone cho tôi: “Ê, Năm Hiền, 9 giờ sáng mai cà phê nghe, tại…. ngồi với Đỗ Hồng Ngọc, Trương Thìn, có cả nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương nữa, và nhiều bạn bè khác. Nói chuyện vui vẻ và thú vị lắm. Nhớ đó”. Tôi dạ vâng nhưng cuối cùng rồi không dám đến vì nghĩ mình hoàn toàn “ngoại đạo”; ngại sự có mặt ngu ngơ và lêu bêu của mình có thể làm hỏng cuộc gặp gỡ vui vẻ của những nghệ sĩ, bác sĩ nổi tiếng đó. Mãi đến nay tôi vẫn chưa một lần “diện kiến, phiếm đàm” với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – vốn là người mà tôi yêu thích và kính trọng về nhiều mặt. Không có cơ hội “diện kiến, phiếm đàm” với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, không có một cơ hội nào học hỏi trực tiếp từ ông, điều ấy có nghĩa là tôi thực sự không có bất cứ một điều kiện nào, một kỷ niệm gì, một “chất liệu” gì để mà bạo gan sơ phác chân dung Đỗ Hồng Ngọc!

Tôi chỉ còn cách là đọc một số bài viết, bài trả lời phỏng vấn của Đỗ Hồng Ngọc, một số bài viết của các tác giả viết về Đỗ Hồng Ngọc, nhặt nhạnh đây đó một số ý kiến, nhớ nhớ, ghi ghi rồi tổng hợp và chắp vá để “làm” bài này. Tất cả những gì trích dẫn sau đây đều là của Đỗ Hồng Ngọc, thỉnh thoảng tôi có nêu lên một số ý kiến cá nhân, một số nhận xét của các tác giả cùng thời Đỗ Hồng Ngọc với mong muốn làm rõ hơn chân dung đa dạng, phong phú, nhiều vẻ rất đáng yêu và đáng trọng của Đỗ Hồng Ngọc.

Vì vậy, tôi mong bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc “từ bi hỷ xả” mà tha thứ và thông cảm cho. Mong người bạn, người em thân thiết của tôi là bác sĩ Huỳnh Kim Hơn (Hội An) mạnh tay sửa chữa, bổ sung. Và, mong các bạn tôi nếu vô tình đọc bài này và bộ Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc thì rộng lòng góp ý, bổ sung và sửa chữa cho. Tôi cung kính biết ơn.

Và, bây giờ là những “ghi chép lang thang” của tôi về Đỗ Hồng Ngọc.

  1. TUỔI THƠ Ở QUÊ NHÀ

1.1. Một tuổi thơ côi cút và cơ cực…

Đỗ Hồng Ngọc, là tên thật. Khi làm thơ ký Đỗ Nghê (ghép họ cha và họ mẹ). Sinh năm Canh Thìn 1940, (không ghi ngày, tháng) tại Lagi, Hàm Tân, Bình Thuận. Ngoài ra ông còn một bút hiệu nữa là Giang Hồng Vân khi viết bài Dẫn nhập cho tập “Qê hương” của người cậu (Nguiễn Ngu Í).

Họ và tên cha: chúng tôi chỉ tìm thấy các chi tiết sau đây:

– “Cha tôi mất khi tản cư ở rừng Bàu Lời vì thiếu thầy, thiếu thuốc khi tôi mới 12 tuổi”;

– Còn nhớ năm 1960, cậu mợ [tức cậu mợ Nguiễn Ngu Í] về Hàm Tân làm mộ cho ông bà, tôi cùng cậu mợ và vài người bà con đi bộ từ Lagi lên Tam Tân (Tân Hải) dọc theo biển, con đường hồi nhỏ tôi vẫn thường đi lại, dài trên mười lăm cây số. Biển mênh mông, rừng dương vi vút. Đến Nước Nhỉ, cậu dừng chân nghỉ và nằm lim dim trên đống cát gạch vụn, dưới bóng mát của những bụi dứa gai um tùm nhìn lên trời mây… Một lúc cậu gọi tôi đến và đọc cho tôi nghe bài thơ cậu vừa làm. Tôi còn nhớ mấy câu:

Nằm đây mà ngó lên trời

Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa

Nằm đây mà nhớ mơ hồ

Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu…

Thì ra cậu nhớ mấy người bạn cũ, đã cùng nhau xây cái giếng Nguồn Chung này cho khách bộ hành qua đường nghỉ ngơi, uống nước ngọt nhỉ ra từ động cát, giữa trưa nắng gắt trên đường dọc biển mênh mông đầy nắng và gió. Bài thơ còn dài, tôi không nhớ hết, trong đó có câu “Ới Trì, Di, Thảo xe trâu…”. Trì là ba tôi, đã mất từ lâu (tên đầy đủ của ông là Đỗ Đơn Trì, mất năm 1952). Họ và tên mẹ: Nghê Thị Như, nhưng khi đi làm thẻ căn cước, người làm hộ tịch  ghi bừa là họ Lê. Theo Đỗ Hồng Ngọc, cụ Như “sống thọ (94 tuổi), vẫn còn sáng suốt tuy hai chân đã yếu liệt. Ngày tôi còn nhỏ, vẫn thường được nghe bà đọc Kiều và ca dao, hát ru… dù bà chỉ biết đọc biết viết”. Cụ bà Nghê Thị Như mất năm 2011.

Quê ngoại của cậu ngay dưới chân núi Tà Cú, nơi có tượng Phật nằm, dài 49 m, xưa thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy, nay là huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, cách Phan Thiết 30 km, một nơi chưa kịp đô thị hóa, nên còn mang dáng dấp “nhà quê”, rất dễ thương.

“Khi Mẹ mất, đưa bà về bên ngoại ở Hiệp Nghĩa cho gần gũi với dòng họ, ông bà, dì cậu, bà con cô bác… Còn Ba thì mất đã hơn 60 năm trước, thời 9 năm kháng chiến cũng được chôn cất nơi đây, chắc chờ đợi cũng đã lâu. Còn quê nội thì ở Lagi, nay đã là một thị xã, cách Hiệp Nghĩa chừng 15 km, đi ngang qua Tam Tân (Tân Hải) là nơi sinh quán của cậu Ngu Í – cho nên ông còn có các bút danh Tân Fong Hiệb (theo lối viết của ông), ghép từ Tam Tân, Phong Điền, Hiệp Nghĩa”.

– Lúc 5 tuổi, cậu bé Đỗ Hồng Ngọc cùng gia đình tản cư lên rừng ở vùng Láng Găng, Bưng Riềng, Xuyên Mộc… Bị sốt rét triền miên, kiết lỵ, suy dinh dưỡng… đủ thứ.

– Khi cha mất, mẹ cậu rời xóm tản cư trong rừng Bàu Lời, dẫn bốn anh em cậu về thị xã Phan Thiết tá túc ở nhà cô Hai, ngụ trong chùa Hải Nam. Cô Hai bị tật nguyền, không đi đứng được, tu ở chùa. Cô có ba người con chết trong lũ lụt năm Thìn (1952). Vào thời điểm này, Đỗ Hồng Ngọc rất ốm o, da xanh mét, lá lách sưng to. Mỗi ngày cậu vẫn thường qua lại bằng đò ngang để đến nhà thương thí chích thuốc! Riết rồi cậu ghiền cái mùi nhà thương. Cô Hai của cậu Ngọc nghèo lắm. Bà sống bằng nghề chằm lá buông, cậu Ngọc phụ phơi lá trong sân chùa và cậu phải ào ào cuốn lá… chạy khi trời mưa! Nhà nghèo nên sáng nào mọi người cũng ăn một chén cháo trắng với muối. Nhưng cô Hai và các chị của Ngọc rất mê truyện Tàu, mê tiểu thuyết đủ loại. Cậu được sai đi mướn truyện nhưng cấm đọc (vì con nít đọc truyện không tốt). Nhưng cậu bé Ngọc thường lén đọc trên đường đi, dưới gốc cây, nơi bệ đá cổng chùa, trên đò, trước khi mang về, kể cả trùm chăn đọc… lén. Cậu đọc tuốt hết, không chừa thứ gì trong tiệm cho thuê sách đó. Cậu mê sách đến nỗi: “Tôi khóc với Chiêu Quân cống Hồ, sảng khoái với Anh hùng náo, buồn bã với Tố Tâm, Anh phải sống… Rồi Tam quốc, Hán Sở tranh hùng, Đông Châu liệt quốc, Thủy Hử… Tôi được dạy phải tôn trọng chữ thánh hiền, không được lấy giấy báo đi vệ sinh! Tóm lại, bao trùm một không khí huyền hoặc trong một cái chùa Tàu với sách vở và chữ nghĩa”.

Cậu bé Đỗ Hồng Ngọc, biết yêu và yêu sớm. Rung động đầu đời lúc lên 8 và yêu, và… “mê” cô bạn cùng lớp lúc 12 tuổi!

Lúc nhỏ Đỗ Hồng Ngọc ít nói, bị cận thị gần 3 độ nên bị hiểu lầm là một kẻ… khinh người! Cậu còn bị bệnh đau bao tử, xuất huyết tiêu hóa phải đi cấp cứu rồi hơn 20 năm sau cậu đã từng được mổ cườm – cườm chấn thương sinh biến chứng. Gần đây thì mổ cườm già ở mắt còn lại… Không chỉ bị cườm già mà còn thoái hóa hoàng điểm nên mắt mổ xong cũng sẽ nhìn kém so với những trường hợp khác. Năm 1997, Đỗ Hồng Ngọc bị một cơn tai biến mạch máu não phải mổ sọ não…

Cậu lại vốn ít cười. Ngay từ nhỏ, người ta đã gọi cậu là “một ông cụ non”, vì lúc nào cũng có vẻ đạo mạo, nghiêm túc quá. Đỗ Hồng Ngọc tự họa mình như sau: “…Cái hình tôi chụp ở tiệm hình Liên Hoa lúc 12 tuổi. Xanh lè, suy dinh dưỡng, cân được 25 kg ở nhà thuốc tây Phạm Tư Tề, mắt lồi (mắt ốc bươu), mũi bự, tai vểnh, mặt quạu đeo…!”.

Đỗ Hồng Ngọc phụ mẹ bán hàng xén tại chợ Lagi (Phan Thiết). Cậu tỏ ra nhanh nhẹn tháo vát trong việc “mua bán, theo xe cá nước đá vào Sài Gòn bổ hàng và lo cơm nước cho mẹ. Khi tản cư về, cậu bị trễ học đến 3 năm và cậu bị mặc cảm vì lớn hơn bạn đồng học cùng lớp đến mấy tuổi! Cậu quyết chí lấy lại “thời gian đã mất”!

Đỗ Hồng Ngọc ngay từ nhỏ đã ham học, ham đọc nên cậu đã viết hai câu Ca dao này treo trước mặt, rồi vừa học vừa tủm tỉm cười:

Những anh mít đặc thôi thời

Ai còn mua chuộc đón mời làm chi!

“Thế rồi, một hôm cậu Ngu Í điên của tôi đến thăm. Người ta nói ông điên vì ngộ chữ, vì học nhiều quá hóa điên… Thấy tôi đã 12 tuổi rồi mà học hành ấm ớ trong rừng, ông dẫn tôi tới trường Tiểu học của một người bạn, gởi cho học. Ông còn tặng tôi một đống sách báo từ Sài Gòn mang về. Tôi mê tít”. Đỗ Hồng Ngọc nhớ lại: “Mười hai tuổi, biết đọc, biết viết, làm toán khá, còn chưa biết chữ “le, la” trong tiếng Pháp, mà hồi đó, học trò tiểu học đã học tiếng Pháp rồi. Tôi hoảng lắm”.

“Cậu Ngu Í gởi tôi vào học ở một trường tư trong chùa [Trường Bạch Vân trong Chùa Bà]. Mới đầu học thử lớp Ba, rồi chỉ bốn tháng sau, vào thẳng lớp Nhất (lớp 5), và học rất giỏi nên được miễn học phí. Năm 1954, Đỗ Hồng Ngọc thi đậu cao [hạng 7, được học bổng] vào Đệ thất (lớp 6) trường Phan Bội Châu [Phan Thiết]… Hằng ngày cậu vừa đi học vừa lo cơm nước cho mẹ và giúp mẹ bán chiếu nón ngoài chợ. Thế rồi, gia đình cậu đột ngột theo cô Hai dời về thị xã Lagi, tỉnh Bình Tuy, quê cũ của họ hàng phía nội cậu. Lúc này cậu đang học Đệ thất trường Phan Bội Châu, sắp lên lớp Đệ lục, vậy mà phải bỏ trường bỏ lớp nên cậu tiếc nuối đến nản lòng.

Tỉnh Bình Tuy mới thành lập, chưa có trường trung học. Hai năm liền không có trường học, cậu giúp mẹ bán hàng xén tại chợ Lagi. Ba năm sau mới có lớp Đệ thất đầu tiên, cậu xin học lại. Lần này trường học trong một nhà thờ xứ đạo. Hết chùa tới nhà thờ! Nhớ lại hồi Tiểu học cậu đã từng học nhảy (bỏ lớp) tưng bừng, cậu tính chuyện học nhảy tiếp để theo kịp bạn bè. Năm học lớp Đệ lục, nhân một chuyến theo xe chở cá nước đá về Sài Gòn bổ hàng cho mẹ, cậu lang thang lề đường nơi bán sách cũ, vớ được cuốn Kim chỉ nam của học sinh của Nguyễn Hiến Lê. Cậu đọc thấy trúng ý mình quá bèn đánh bạo viết thư hỏi ý kiến ông, nói muốn học nhảy, có nên không. Học giả Nguyễn Hiến Lê trả lời ngay: “Cháu có thể học nhảy được, vì đọc thư, thấy cháu có thể học lớp Đệ tứ (lớp 9) rồi đó”. Cùng với Kim chỉ nam của học sinh, chắc Đỗ Hồng Ngọc cũng đã nghiền ngẫm cuốn Bí quyết thi đậu… của Nguyễn Hiến Lê!

Thế là cậu bèn lập chương trình học nhảy (bỏ lớp đệ Tứ -lớp 9). Cậu thi thí sinh tự do Trung học đệ nhất cấp, đậu ngay. Từ “thắng lợi” đó, cậu lại “nhảy” tiếp, bỏ Đệ tam, đậu Tú tài I, được vào học lớp Đệ nhất trường Võ Trường Toản Sài Gòn. Cuối năm cậu được phần thưởng danh dự toàn trường và thi đậu Tú tài II hạng khá, [tôi nhớ thời đó các kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp, Tú tài bán phần, Tú tài toàn phần, tùy theo số điểm sẽ được xếp các thứ hạng như sau: Tối Ưu, Ưu, Bình, Bình thứ và Thứ – NHĐ] rồi thi đậu vào Y khoa. Xin được nói thêm rằng: cụ Nguyễn Hiến Lê trong Kim chỉ nam của học sinh cực kỳ “đả phá” việc ‘học nhảy”, “học tủ”. Thế mà Cụ lại “khuyến khích” Đỗ Hồng Ngọc học nhảy và nhảy đến mấy cấp, mấy lớp. Học nhảy như thế mà Đỗ Hồng Ngọc lại học rất giỏi. Rõ là cụ Lê tinh thật!

– Từ những ngày còn học phổ thông ở quê nhà, cậu bé Đỗ Hồng Ngọc đã có những bài thơ đăng trên báo. Bài thơ đầu tiên của Đỗ Hồng Ngọc đăng trên tạp chí Bách Khoa với một cái tên tắt. Khi biết những bài thơ đó là của cháu mình, ông Ngu Í ngạc nhiên và khen ngợi. Sau đó cậu lấy bút hiệu Đỗ Nghê và đăng nhiều bài thơ trên Bách Khoa, Tình Thương… rồi ở trong nhóm chủ trương bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức.

Nhiều bài thơ được bạn bè “đánh giá cao” như Em còn sống mãi, Tâm sự Lạc Long Quân, Thư cho bé sơ sinh, Lời ru, Cổ tích về ngôn ngữ v.v… Sau này ông tập hợp in trong tập thơ đầu tay: Tình người, Ý Thức xuất bản, 1967.

Ngay từ hồi học Đệ thất, Đệ lục (lớp 6, lớp 7 bây giờ), Đỗ Hồng Ngọc đã mê văn chương, mê làm báo, làm thơ, vẽ tranh. Lúc đầu làm báo tường, sau làm báo tập, in ronéo, mỗi năm ra… hai số. Hồi 12 tuổi, cậu đã viết nhật ký, viết nhận xét phê bình này nọ mỗi khi đọc xong một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn nào đó… Cậu muốn trở thành “nhà văn”, “nhà báo” như cậu mình – ông Nguiễn Ngu Í!

Nhớ lại tuổi thơ cơ cực của mình, Đỗ Hồng Ngọc viết một câu thơ rất lạ, đau buốt vô cùng: “Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ…”.

1.2. Hai người có ảnh hưởng lớn trong quãng đời tuổi trẻ và… trong suốt cuộc đời Đỗ Hồng Ngọc

Đỗ Hồng Ngọc rất dè dặt, kín đáo và kiệm lời khi đề cập đến những người thân. Không thấy ông viết về ngày tháng năm sinh của Ba Mẹ ông. Ông cũng không nói gì về những kỷ niệm và ảnh hưởng của ba mẹ đối với ông và những người ruột rà của ông. Không một chi tiết nào ông viết về anh chị em ruột thịt. Thế nhưng, ông nghĩ, ông viết một cách trân trọng, tràn đầy niềm thương yêu ngưỡng mộ và kính phục đối với hai người gây ảnh hưởng lớn trong quãng đời tuổi trẻ của mình là người cậu Nguiễn Ngu Í (Nguyễn Hữu Ngư) và học giả Nguyễn Hiến Lê.

Nói là ảnh hưởng lớn trong quãng đời tuổi thơ của Đỗ Hồng Ngọc, nhưng cả Nguiễn Ngu Í và Nguyễn Hiến Lê đều là hai người để lại những dấu ấn, những tình cảm, những bài học sâu đậm và quý giá không thể nào quên trong suốt cuộc đời Đỗ Hồng Ngọc!

1.2.1. Nguiễn Ngu Í – Đỗ Hồng Ngọc

Nguyễn Hữu Ngư (1921-1979), nhà văn, nhà giáo, nhà báo có nhiều bút danh trong đó có bút danh Nguiễn Ngu Í (với I cụt). Mẹ ông họ Nghê, tên Mỹ, ở Tam Tân, Phong Điền và Hiệp Nghĩa, nay thuộc huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Cha ông là nhà giáo Nguyễn Hữu Hoàn gốc Hà Tĩnh, có tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.

Đỗ Hồng Ngọc cho biết: cậu ông – Ngu Í – “là một nhà báo, một nhà văn, nhà thơ, nhà giáo… và là một người… điên thứ thiệt. Từ năm 1939, lúc 18 tuổi, đang học Pétrus Ký, ông đã vào nhà thương điên Chợ Quán mấy lần và đã có những bài thơ rất điên từ thưở đó. Nhưng mãi đến năm 1973 ông mới chịu cho in một tập thơ lấy tên là Có những bài thơ do Trí Đăng xuất bản”. Dù nhà Trí Đăng không in bìa cho ông nhưng ông vẫn tỉnh queo đem phát hành… cho bè bạn.

Nguiễn Ngu Í “dấn thân” vào nhiều lãnh vực và lãnh vực nào ông cũng khá “nổi tiếng”. Những người trong gia đình, họ hàng và bạn thân của ông đều mến cái tình, cái tài của ông, nhưng họ cũng rất … ái ngại về cái cá tính quá mạnh mẽ, quá quyết liệt của ông, nhất là cái “điên” và cái “ngông” bất chợt của ông. Đọc mục IV. – “Chân dung dưới mắt người gần, kẻ xa” trong cuốn Nguiễn Ngu Í – Cuộc đời và Văn nghiệp của Châu Hải Kỳ chúng ta sẽ thấy những điều đó qua ý kiến ngắn của những người trong gia đình, bà con và cả những người đã nổi tiếng thời đó như Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Văn Đồng, Huỳnh Văn Tiểng, Vũ Khương Ninh, Đỗ Hồng Lan (từ năm 1947), cho đến Lê Văn Trương, Lê Ngọc Trụ, Võ Hồng, Nguyễn Hiến Lê (trong những năm 1960…).

Nghiên cứu Quan niệm sáng tác về Văn, Họa, Nhạc của Nguiễn Ngu Í, Châu Hải Kỳ viết: “Sống và Viết… là một kỳ công có một giá trị đặc sắc mà ở nước ta từ thời kỳ thành lập đến nay chưa ai thực hiện nên một công trình dài lâu về loại này như thế. Có thể nói là cuốn sách phỏng vấn đàm thoại xuất hiện đầu tiên trong Văn học sử Việt Nam đã đem lại cho người đọc sự mê say hào hứng cao độ. Tác phẩm gồm 12 bài phỏng vấn, đàm thoại với các nhà văn, thơ, kịch, biên khảo v.v… đã đăng trên tạp chí Bách Khoa được góp thành sách nhan đề “Sống và Viết với…”, xuất bản năm 1966. Lần lượt anh đưa người đọc đi chuyện trò, tâm sự cùng Nhất Linh, Lê Văn Trương, Á Nam Trần Tuấn Khải, Lê Văn Siêu, Doãn Quốc Sỹ, Đông Hồ, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lê Ngọc Trụ, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Hiến Lê, Hồ Hữu Tường. Đi thật nhọc nhằn, vất vả, có khi mệt thở không ra hơi, bất kể trưa chiều khuya sớm… thế mà còn phải chờ phải đợi, hẹn trước, khất sau… Nhưng người đọc không chán, vẫn hăm hở, thích thú, một mực theo bám gót người dẫn đắt. Bởi mỗi nơi khung cảnh mỗi lạ, mỗi gia chủ đón tiếp chuyện trò đối đáp mỗi khác. Mà người đưa đường thì khéo quá, tài tình quá, vừa niềm nở thân mật, vừa vui vẻ dí dỏm, vừa duyên dáng dịu dàng, vừa mê mải hăng say…; người đi theo học hỏi được thật nhiều”. (Châu Hải Kỳ, Sđd., tr. 112-113).

Một số tác phẩm đã xuất bản của Nguiễn Ngu Í: Lịch sử Việt Nam Đệ thất, Hồ Thơm-Nguyễn Huệ-Quang Trung – Giấc mộng chưa thành, Suối bùn reo, Khi người chết có mặt (tiểu thuyết), Sống và Viết với…, Qê hương, Có những bài thơ…Thơ điên… thứ thiệt (chung với Bùi Giáng và nhiều người “điên thiệt” ở Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, 1970). Riêng 2 tập Sống và Vẽ, Sống và Đàn (chưa xuất bản)…

Theo Đỗ Hồng Ngọc: “Năm 1997, gia đình có làm một cuốn Ngu Í qua ký ức người thân với nhiều bài viết của Trần Văn Khê, Huỳnh Văn Tiểng, Bà Tùng Long, Lê Ngộ Châu, Lê Phương Chi, Đỗ Đơn Chiếu, Hoàng Hương Trang, Hồ Trường An, Đỗ Hồng Ngọc, Phan Chính… vẫn chưa được in.

Đỗ Hồng Ngọc nghĩ và nhớ về cậu Nguiễn Ngu Í như sau:

– “Nhiều người biết đến ông như một nhà báo… với loạt bài phỏng vấn văn nghệ sĩ rất tài hoa trên tạp chí Bách Khoa, trên 40 năm về trước; nhiều người biết đến ông như một nhà giáo dạy văn, dạy sử ở nhiều trường tư thục Sài Gòn… Nhưng ông, trước hết là một người làm thơ, một người làm thơ đặc biệt hơn bất cứ một người làm thơ nào khác: Thơ điên. Thơ ông là cuộc đời riêng ông. Có khi là tiếng thét uất hận, có khi là một tiếng lòng thổn thức, có khi là nỗi hờn căm, khi khác là những tiếng hát dịu dàng âu yếm thiết tha, tùy lúc bài thơ được viết giữa các cơn điên hay ngay trong cơn điên, giữa những ngày tháng nằm vùi trong Bệnh viện Tâm thần Chợ Quán hay Dưỡng trí viện Biên Hòa”.

– “Thơ ông có thể người ta thích, có thể người ta không thích, nhưng đọc thơ ông bao giờ cũng có cảm giác rờn rợn. Ông làm thơ rất nhanh. Thơ như túa ra, ứa ra, chạy ra từ trong não chất. Không cầu kỳ, không đẽo gọt, nhiều bài sần sùi, đọc cứ nghe ấm ách, cũng có những bài mượt như nhung. Đọc thơ mà hiểu ông thì thấy thương, thương một con người có chí, có lòng mà không sao đạt được ước nguyện. Rồi thôi, rồi thành tro bụi như hai câu thơ ông viết sẵn cho mình:

Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi

Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi!

Nhiều bài thơ ông chép vội trên mảnh giấy gói đồ, phong bì, bao thuốc lá… Nhiều đêm ông lên cơn, đến gọi cửa nhà tôi lúc 2 giờ sáng, đọc thơ cho tôi nghe rồi “chửi cả và thiên hạ”, cả tôi và ông. Sau đó ông tắm rửa, ăn uống chút gì đó rồi khệ nệ ôm một chồng sách ra đi. Trời cản cũng không nổi! Hỏi đi đâu, ông nói không biết. Có hôm nghe ông nằm giữa xa lộ Biên Hòa cho xe Mỹ cán, họ bắt ông chở thẳng vào Dưỡng trí viện. Đến thăm thấy ông ngủ say như chết sau khi được uống thuốc an thần liều mạnh, đưa mấy ngón chân Giao chỉ to bè ra ngoài ngoáy xoắn vào nhau, tôi vẽ ngay một bức ký họa, ông thích lắm nhưng đã làm mất tiêu. Có lần tôi đưa ông vào Bệnh viện Chợ Quán, người ta chạy điện cho ông, ông giựt đùng đùng như con cá nằm trên thớt. Sau đó bất tỉnh, xụi lơ, tay chân quặt quẹo xùi bọt mép. Rồi khi tỉnh dậy ông làm những bài thơ rất quái dị, nhiều bài rất hay.

Đọc thơ ông mà thương cho một kiếp người tài hoa, bất đắc chí…”.

Đỗ Hồng Ngọc đã “đúc kết” một cách chân thành và cảm động về người cậu có ảnh hưởng lớn trong quãng đời tuổi trẻ của ông như sau:

– “Bây giờ mỗi lần nhớ tới cậu thì tôi thường tự hỏi hồi bằng tuổi cậu, tôi có làm được điều gì đó cho ai như cậu đã làm cho tôi không và tự nhiên tôi thấy lòng mình rộng mở, thanh thản, muốn giúp đỡ, chia sẻ…”.

– “Ông và tôi có tình ruột rà. Mẹ tôi và ông là hai chị em cô cậu ruột. Có lần ông nói, hồi tôi mới sanh, ông đã đưa võng và đọc thơ cho tôi nghe rồi! Có lẽ vì vậy mà khi lớn lên, sống gần gũi với ông, ông luôn luôn chia sẻ cùng tôi những bài thơ ông mới viết…”.

“… Thế nhưng cậu đã làm được nhiều việc hơn cậu tưởng, và những người thân, những bạn bè, con cháu, người quen biết… không ai là không quý mến cậu, không ai là không thấy được cái tình của cậu đằm thắm, mênh mông, thành thục, sâu lắng. Những ai đã gần gũi cậu chắc sẽ cảm nhận được cái tình đó, cái tình vượt trên những cái tình bình thường. Riêng tôi, tôi luôn nhớ cậu và nhớ những ngày còn thơ, cậu đã thay mẹ tôi, dẫn tôi đến trường học, một ngôi trường tiểu học nhỏ bên bờ sông Cà Ty, Phan Thiết. Mới đó mà đã hơn bốn mươi năm”…(1996).

Trong lời Tựa cuốn Nguiễn Ngu Í – Cuộc đời và Văn nghiệp của Châu Hải Kỳ, Nguyễn Hiến Lê viết: “Chúng ta ai cũng biết những bài Thơ điên và tài phỏng vấn của Nguyễn Hữu Ngư, nhưng ít ai chú ý tới những tác phẩm lịch sử có tính cách giáo khoa hoặc phổ thông của anh, như cuốn Lịch sử Việt Nam Đệ thất, Hồ Thơm – Nguyễn Huệ – Quang Trung… mà chính trong tác phẩm này anh mới phơi bày hết lòng yêu nước của anh, giọng luôn luôn thiết tha đôi khi “bay bướm”, rõ ràng là của một người vừa có “máu cách mạng”, vừa có “hồn nghệ sĩ” (Sđd., tr. 6).

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê có đoạn viết về Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư: “Nguyễn Hữu Ngư quả là một kỳ nhân ở nước ta mà tập “Qê hương” của ông cũng là một kỳ thư: nội dung thật loạn, đủ các thể, đủ thứ tài liệu, không thể đặt nó vào loại nào được cả”. Và: “… nhưng riêng tôi cho nó là một kỳ thư, chưa hề thấy trong văn học Việt Nam, và tất cả những bạn của anh Nguyễn Hữu Ngư tất đều nhận như tôi rằng cuốn này biểu lộ rõ nhất – tuy chưa hết – tâm hồn khả ái và cái tình dào dạt của anh. Người sau có muốn chép lại đời anh – một đời đau khổ nhất mà cũng đặc biệt nhất trong giới văn sĩ hiện đại – tất phải dùng nó làm tài liệu chính…”.

Giới thiệu Nguyễn Hữu Ngư và tập Qê hương, Nguyễn Hiến Lê viết: “Con người của anh hoàn toàn là tình cảm: tình nước, tình nhà, tình bè bạn, tình vợ con, tình thầy trò, tình người, mà văn thơ anh cũng chứa chan những tình cảm đó”.

Nguiễn Ngu Í mất năm 1979, sau khi ở Dưỡng trí viện Biên Hòa về nhà được độ một tháng. Bạn bè ai cũng thương tiếc.

1.2.2. Nguyễn Hiến Lê – Đỗ Hồng Ngọc

Những năm tháng học Trung học ở quê nhà, Đỗ Hồng Ngọc đã nghiền ngẫm những cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê như: Kim chỉ nam của học sinh, Bí quyết thi đậu…, Rèn nghị lực để lập thân, Tự học để thành công v.v… Trong đó Đỗ Hồng Ngọc xem Kim chỉ nam của học sinh là một “cuốn sách làm thay đổi cuộc đời” ông. Mặc dù không được học với Nguyễn Hiến Lê ngày nào trên ghế nhà trường nhưng Đỗ Hồng Ngọc luôn luôn xem cụ Lê là một vị thầy lớn, đã dạy ông cách sống, cách học và cách viết. Với Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Hiến Lê xứng đáng được gọi là “Nhà giáo dục”.

Trong bài Ngọn lửa in trong Như thị, Đỗ Hồng Ngọc viết: “Ai cũng có những người thầy trong đời mình, đã nhen cho mình ngọn lửa ấm nồng, cách này hay cách khác. Người thầy đó không nhứt thiết dạy mình trên ghế nhà trường, trên bục giảng đường. Miễn là có một tần số để nhận ra ngọn lửa truyền trao, và nhen nhóm. Đến một lúc nào đó ta bỗng nhận ra “bán tự vi sư” – nửa chữ cũng thầy! Người “đã nhen cho mình ngọn lửa ấm nồng, cách này hay cách khác”, ở đây, theo tôi (NHĐ) đó là ông thầy thuốc bắc, Bác hai Cương, đã chữa bệnh cho cậu bé Ngọc khi ở quê nhà và nhiều vị thầy khả kính khác, nhưng tôi vẫn nghĩ trước hết đó phải là Thầy Nguyễn Hiến Lê vậy!

Đỗ Hồng Ngọc cho biết: “Tôi may mắn được quen biết với ông Nguyễn Hiến Lê từ năm 1957. Tôi gặp gỡ và thư từ qua lại với ông từ năm 1960 cho đến khi ông mất, năm 1984. Đến nay tôi vẫn còn giữ nhiều thư viết tay của ông như một kỷ niệm. Tôi học được ở ông lối sống và lối viết. Ông là tấm gương nghị lực, gương tự học, chọn con đường làm văn hóa suốt đời mình. Câu “châm ngôn” của ông là “Viết để học và học để viết”. Tôi chịu lắm. Chỉ có cách đó mình mới học được nhiều hơn, học được sâu. Tôi bây giờ còn đi dạy và vẫn nghĩ: “Dạy để học và học để dạy”. Ấy là bắt chước ông đó.

Chính ông đã khuyến khích tôi học y khoa và khi trở thành bác sĩ thì tôi là người thường xuyên thăm bệnh cho ông, tư vấn cho ông những vấn đề về sức khỏe, dù ông có người bạn thân là bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, như là một bác sĩ “riêng” từ trước. Ông mắc nhiều thứ bệnh từ lao đến bao tử, trĩ… Cứ mỗi lần tập trung viết một cuốn sách nào đó ông lại lên cơn đau bao tử…”.

Từ khởi điểm giàu ấn tượng và nhiều ý nghĩa sâu đậm mà Đỗ Hồng Ngọc đã nhận được từ Nguyễn Hiến Lê như đã nói trên, càng về sau, mối quan hệ Nguyễn Hiến Lê – Đỗ Hồng Ngọc thực sự đã là mối quan hệ thầy – trò – bạn -bè – thân – thiết – tâm – giao thực sự chân tình, cảm động. Đó chính là một quan hệ hỗ tương tác động lên nhau. Nguyễn Hiến Lê xem Đỗ Hồng Ngọc là người bạn trẻ thân thiết, một người học trò “chân truyền” của ông, và Nguyễn Hiến Lê coi bài viết “Nguyễn Hiến Lê và tôi” (của Đỗ Hồng Ngọc) nhân tạp chí Bách Khoa ra số đặc biệt kỷ niệm 100 đầu sách là một món quà quý giá nhất của ông. Thầy – trò đối xử với nhau bình đẳng, tự trọng và kính trọng nhau, bổ sung nhau như những người thầy – bạn với ý nghĩa đẹp đẽ và cao quý nhất của từ này. Nhiều chi tiết, nhiều sự kiện trong mới quan hệ thầy – trò này làm chúng ta xúc động, càng quý trọng và kính quý hai ông qua lời kể sau đây của Đỗ Hồng Ngọc:

– “ Thỉnh thoảng khi có chuyện thắc mắc, chuyện vui buồn gì mà không tiện đến thăm, tôi viết thư cho ông. Lần nào ông cũng sốt sắng trả lời, ân cần chỉ dẫn, khuyến khích tôi”.

– “… Lần này tôi cũng mang đến ông Nguyễn Hiến Lê nhờ đọc giùm [tức cuốn Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng – NHĐ]. Đọc xong, ông bảo: “Cháu đúng là một thầy thuốc nhi khoa tốt, yêu trẻ con, nhưng cuốn sách này hình như chỉ nhằm cho các bà mẹ có học ở đô thị, còn ở nông thôn, các bà mẹ ít học thì sao?”. Ông đọc kỹ, cặm cụi sửa cho tôi chỗ dùng từ sai, có thể gây hiểu lầm, nêu các thắc mắc… để tôi làm rõ thêm. Sau này tôi đã viết thêm các cuốn: Nuôi con, Chăm sóc con em ở nơi xa thầy thuốc… cũng chính từ góp ý của ông lúc đó”.

– “Với tôi, ông là một tấm gương sáng. Tấm gương của Nghị lực, của Tự học và của Phụng sự. Ông tận tụy cả đời viết sách, đem kinh nghiệm bản thân ra hướng dẫn thanh thiếu niên, mong giúp được cho người khác chút gì, lúc bỏ cây viết ra thì vớ ngay cuốn sách để đọc, để học không ngừng. Tôi đoán sở dĩ ông đã không nhận một chức vụ gì trong guồng máy công quyền là để giữ cho ngòi bút mình độc lập, để có thể đóng trọn vai trò giám sát của người trí thức mà Alain đã nói. Nhờ đó ông không có mặc cảm, thấy điều gì đáng khen thì khen, điều gì không ưa thì nói. Và ông đã nói bất cứ điều gì từ việc dịch sách, chuyển ngữ đến việc nhân mãn, ô nhiễm… Có thể đôi lúc ông cũng sai lầm, nhưng điều quan trọng là ông đã thành thực với chính ông”.

– “Tôi biết có những tác giả “sản xuất” còn mạnh hơn ông, viết mau và viết mạnh hơn ông, nhưng đọc họ người ta thấy rõ ràng là những tác phẩm máy móc, sản xuất hàng loạt. Ở ông Nguyễn Hiến Lê thì không. Ở ông là con người. Tác phẩm của ông là con người ông. Ông “dạy” cho thanh niên rèn nghị lực thì chính ông là một tấm gương nghị lực; ông viết về tổ chức thì chính nếp sống của ông là một sự tổ chức; ông viết về tự học thì chính ông đã nhờ tự học mà thành công. Nhờ viết từ những kinh nghiệm sống thực đó, người đọc thấy gần gũi với ông và những lời ông chỉ dẫn đều ứng dụng được”.

– “Và với riêng tôi, Nguyễn Hiến Lê còn để lại biết bao niềm trân trọng và trìu mến để tôi được “Nhớ đến một người” giữa “mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió” của Hà Nội hôm nay”. (Đỗ Hồng Ngọc. Nhớ đến một người, NXB Hội Nhà văn, 2010, tr. 7-11).

Đỗ Hồng Ngọc rất được Nguyễn Hiến Lê tin yêu và kỳ vọng. Điều đó thể hiện rõ ở việc Nguyễn Hiến Lê trong Hồi ký đã viết về Đỗ Hồng Ngọc ít nhất là bốn lần (Hồi ký… tr. 298, 402, 421, 438). Đây là điều quý và hiếm đối với một tác giả “trẻ” như Đỗ Hồng Ngọc.

– “Thanh niên đó [tức Đỗ Hồng Ngọc] từ mươi năm nay đã thành một người bạn thân của tôi”. (Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Học, 1993, tr. 298).

– “Một độc giả, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã nhận thấy điểm đó, viết trong bài Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi (Bách Khoa số 426 ngày 20.4.1975): Và cũng nhờ vậy mà loại “Học làm người” của tôi được độc giả tin cậy nhất” (Hồi ký… Sđd., tr. 402).

Đầu năm 1974, Đỗ Hồng Ngọc gởi tặng Nguyễn Hiến Lê bài thơ mới viết: Đi cho đỡ nhớ, ghi lại cảm xúc của mình trong ngày đầu tiên trên chuyến xe lửa nối liền Sài Gòn – Biên Hòa mà mơ một chuyến tàu thống nhất… Cụ Lê liền trả lời: Bài “Đi cho đỡ nhớ” cảm hứng mới mẻ đấy, mà thú. Đọc hoài thơ yêu nhau và nhớ nhau, với thơ chiến tranh, ngán quá rồi. Nhưng cháu làm cho tôi thèm đi quá…

Bài đầu trong cuốn Nhớ đến một người, Đỗ Hồng Ngọc viết: “Nhớ đến một người” đó, với tôi, là nhớ Nguyễn Hiến Lê, một người Hà Nội, một học giả, một nhà trí thức chân chính ngày nay được cả nước biết đến”.

Năm 1978, Nguyễn Hiến Lê nhận được một bưu thiếp Đỗ Hồng Ngọc gởi từ Hà Nội và cụ Lê trả lời: Cảm động nhất là câu: “Cháu đến thăm Văn Miếu, nghĩ đến bác nhiều”. Tôi hiểu rồi, chắc cháu nhớ một đoạn cuối tập Bí quyết thi đậu của tôi. Cảm ơn cháu nhiều lắm. Cháu hiểu tôi. Cháu làm tôi nhớ hồi trẻ tôi học ở trường Bưởi (trường Chu Văn An bây giờ) ngoài đó quá…

Đỗ Hồng Ngọc đã viết nhiều bài về người Thầy / người bạn thân thiết của mình là Nguyễn Hiến Lê: Nhớ đến một người, Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi, Nguyễn Hiến Lê – một tấm gương kiên nhẫn, Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời, Con đường văn hóa đã nối dài…

Và Đỗ Hồng Ngọc đã khái quát về ảnh hưởng lớn của Nguyễn Hiến Lê đối với quãng đời tuổi trẻ của ông như sau:

– “Cuộc đời ông quả thực là một tác phẩm lớn. Tôi ước mong trong tuổi già ông sẽ viết hồi ký, kể lại đời mình cho bọn trẻ chúng tôi đọc như André Maurois viết Un ami qui s’appelait moi vậy. Tôi là độc giả của ông từ ngày còn là một học trò Đệ thất, lại được quen biết ông hơn mười lăm năm nay, nghĩ lại, nếu trong thời thơ ấu không được đọc những sách đó của ông, không được gặp ông, có lẽ tôi đã khác; nên tuy không được may mắn học với ông ngày nào, từ lâu tôi vẫn xem ông là một vị thầy của mình, hơn thế, một người thân. Tôi đâu có cần phải nói lời cám ơn ông!”

– “Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của ông. Cuốn sách đầu tay của tôi Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò, chỉ là phần bổ túc cho cuốn Kim chỉ nam của học sinh. Sau đó tôi viết thêm một cuốn khác, cũng loại y học phổ thông, cũng nằm trong chiều hướng nâng cao trình độ đại chúng mà ông đã vạch…”.

Tôi cảm nhận rằng thầy trò – bạn bè Nguyễn Hiến Lê – Đỗ Hồng Ngọc có những điểm giống nhau và khác nhau như sau:

Rất giống nhau:

– Cha mất sớm (Nguyễn Hiến Lê mất cha khi mới 8 tuổi, Đỗ Hồng Ngọc mất cha lúc 12 tuổi). Cả hai đều nhờ sự buôn bán tảo tần, đức cần kiệm, hy sinh và một tình yêu thương vô hạn của người mẹ mà được học hành và thành nhân. Nguyễn Hiến Lê dù sao cũng còn may mắn hơn Đỗ Hồng Ngọc vì còn có một bà ngoại “tuyệt vời”! Cả hai đều mắc nhiều bệnh từ nhỏ.

– Cả hai đều là tấm gương sáng của nghị lực vượt khó, tự học, tinh thần làm việc nghiêm túc. Nguyễn Hiến Lê và Đỗ Hồng Ngọc đều thể hiện nhân cách của một người trí thức chân chính.

– Tận tụy cả đời viết sách, đem kinh nghiệm bản thân ra mà cống hiến cho đời, tâm huyết với việc nâng cao trình độ đại chúng. Mê đọc sách. Cả đời thực hiện phương châm: Học để viết và Viết để học.

– Luôn luôn thành thực với chính mình trong lối sống và trong tác phẩm.

– Thực hành một triết lý sống tri túc, không ham làm giàu, không cầu chức vị, không ham danh lợi. Cuộc sống luôn đơn giản, trong sạch, khiêm cung, biết đủ. Không rượu chè, bài bạc; không thích nơi ồn ào, náo động. Cả hai thầy – trò đều yêu thích Nguyễn Công Trứ và Tô Đông Pha. “Tôi yêu Nguyễn Công Trứ, một người hào hùng mà khoáng đạt – Nguyễn Hiến Lê). Đỗ Hồng Ngọc yêu thích Nguyễn Công Trứ vì cụ Trứ “lúc làm quan to, lúc làm lính thú đều… vui cả. Cụ là một nhà nho khoáng đạt, một thi sĩ đích thực”.

– Tâm huyết, chân tình, và quan tâm một cách đầy trách nhiệm đối với việc chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng sống cho những người cùng thời và nhất là cho thế hệ trẻ – thế hệ ngày mai.

– Tư tưởng, tâm hướng và tấm lòng hai ông rất trong sáng, rất chính trực thể hiện rất rõ qua những tác phẩm của mình. Hai ông viết đều từ kinh nghiệm bản thân, đều từ sự trải nghiệm bản thân nên lời văn giản dị, dễ hiểu, dễ gần gũi và có tính thuyết phục cao và nhất là trung thực trước hết với chính mình nên được độc giả quý trọng. Những điều hai ông viết, nói và sống đều được độc giả tin cậy, vận dụng và áp dụng được vào đời sống của mình.

Nhà xuất bản Văn Học trong Lời giới thiệu cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê đã viết: “… Chúng ta cũng nhận ra rằng Nguyễn Hiến Lê “… Mỗi tác phẩm của ông là một công trình khoa học thể hiện một sự lao động cần mẫn, một trái tim say mê nồng nàn cuộc sống, một tâm hồn nhạy cảm và một trí tuệ uyên thâm tuyệt vời. Tất cả những việc đó cho ông một chỗ đứng đầy trân trọng trong người đọc trong và ngoài nước”. Đây là một nhận xét đúng đắn và sâu sắc dành cho cụ Nguyễn, và tôi nghĩ cũng rất xứng đáng dành cho cả Đỗ Hồng Ngọc.

Có một số điều hai thầy trò Nguyễn Hiến Lê – Đỗ Hồng Ngọc không giống nhau: Khi Đỗ Hồng Ngọc tặng Nguyễn Hiến Lê một bộ kiếm hiệp Cô gái đồ long 6 cuốn của Kim Dung với mong muốn ông xả bớt stress nhưng cụ Lê cố gắng lắm chỉ đọc được một ít rồi trả lại, không sao đọc nổi, bảo phí thì giờ vô ích! Ngược lại, Đỗ Hồng Ngọc thì lại… rất thích đọc Kim Dung, đến nỗi ông bảo: “Từ ngày nghiền ngẫm kinh sách Phật, thấy cũng mê như đọc kiếm hiệp”. Nguyễn Hiến Lê hút thuốc nhiều quá, còn Đỗ Hồng Ngọc chẳng ưa thuốc lá chút nào!

Điều không giống nhau rõ nhất là cụ Nguyễn Hiến Lê không “ưa” đạo Phật, nên cụ chỉ thích nghiên cứu Khổng Tử thôi! Nguyễn Hiến Lê không viết một tác phẩm nào về Phật giáo, không trả lời những ai hỏi ông về Phật giáo, cũng không chỉ cho người khác những kinh, sách Phật học cần đọc. Ông chỉ viết có mỗi một bài Huyền Trang và công cuộc thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của nhân loại, in trong Ý chí sắt đá, nhưng đó lại là một bài hay nhất viết về Huyền Trang mà các vị cao tăng và nhiều độc giả trong và ngoài đạo Phật đều phải công tâm thừa nhận. Trong khi đó Đỗ Hồng Ngọc, vào năm 1997, bị tai biến mạch máu não. Sau cơn bệnh thập tử nhứt sinh này, Đỗ Hồng Ngọc đã “ngộ” ra nhiều điều:

– “Hơn 15 năm nay, tôi nghiền ngẫm và thực hành những lời Phật dạy, mong tìm trong đó phương cách chữa cái đau, cái khổ cho mình và cho người với cái nhìn khoa học, y học, hoàn toàn không mê tín dị đoan”.

– “Tôi đến với thiền, với phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và nghiền ngẫm “hành thâm” Bát Nhã Tâm Kinh. Rồi 5 năm sau là Kim Cang, 5 năm tiếp theo là Diệu Pháp Liên Hoa…  Phải qua trải nghiệm ranh giới giữa sống và chết như thế, tôi mới nhận ra được nhiều thứ hơn… Là một người thầy thuốc, tôi mong tìm một phương cách chữa bệnh tinh thần cho chính mình và giúp đỡ mọi người, nên sau Tâm Kinh, tôi tiếp tục học hỏi thực tập thêm nhiều kinh Phật khác”.

Viết đến đây, tôi sực nhớ đến cuốn sách vào loại độc nhất vô nhị trong Văn học sử Việt Nam. Đó là cuốn Quách Tấn – Nguyễn Hiến Lê – Những bức thư đầm ấm, sách khổ 14,5 x 20,5 cm, dày 560 trang, chọn in 170 trong 200 bức thư mà hai học giả uyên thâm đáng kính này viết cho nhau. Rồi bỗng dưng nhớ đến một đoạn rưng rưng của nhà văn Võ Hồng, lúc đã gần 80, khi nghe tin bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc bị tai biến mạch máu não, ông chân thành nguyện cầu: “Mười hai giờ khuya, moa ra sân thượng, quỳ hướng về sao Bắc Đẩu hết lòng cầu nguyện cho toa tai qua nạn khỏi”. Tình bạn sao mà thắm thiết, thiêng liêng thế. Làm sao không yêu quý cuộc đời, không yêu quý con người cho được!.

Nguiễn Ngu Í và Nguyễn Hiến Lê đã có những ảnh hưởng lớn lao và sâu sắc trong cuộc đời của Đỗ Hồng Ngọc ngay từ quãng đời tuổi trẻ của Đỗ Hồng Ngọc, làm cho tôi thèm viết bài tạm đặt nhan đề là: “Nguiễn Ngu Í – Nguyễn Hiến Lê – Đỗ Hồng Ngọc: tỏa sáng trong tôi”.

Năm nay bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã 75 tuổi ta rồi (2014). Cái tuổi đã chín muồi, đã lịch lãm, đã trải nghiệm và chiêm nghiệm được nhiều điều về bản thân, gia đình, bè bạn, nghề nghiệp. Ông cũng đã trải qua những biến thiên dữ dội của thời cuộc. Ông lại có những mối quan hệ xã hội khá rộng rãi và hiểu biết tường tận về nhiều việc, nhiều người dưới cái nhìn, cái cảm của một người giàu Phật tính, thấm nhuần triết học Phật giáo. Vì vậy, tôi kính cẩn thưa trình với ông rằng tôi mong sớm được Hồi ký của ông. Nhớ lại, ông đã nhiều lần “thúc hối” thầy mình là Nguyễn Hiến Lê viết hồi ký như André Maurois đã từng làm với Un ami qui s’appelait moi vậy! Cụ Nguyễn Hiến Lê lúc đầu băn khoăn không biết mình sẽ viết gì trong hồi ký này và chỉ mong viết được vài trăm trang thôi. Thế mà tháng 9. 1980, cụ Lê đã hoàn thành cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Học in lần đầu 1993, mặc dù nhà xuất bản “xin để lại sau một thời gian nữa” các chương XXI, XXII, XXIV… nhưng sách cũng đến 800 trang. Trước nay tôi vốn thích đọc Hồi ký, và các cuốn hồi ký mà tôi thích nhất vẫn là cuốn của Nguyễn Hiến Lê, Đào Duy Anh, Quách Tấn, Trần Văn Khê…, và, chắc chắn sẽ rất thích Hồi ký Đỗ Hồng Ngọc. Tôi không dám nói sai lời và cũng như nhiều độc giả “chiến hữu” chí cốt của Đỗ Hồng Ngọc nóng lòng chờ đợi Hồi ký Đỗ Hồng Ngọc.

Tôi nghĩ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có nhiều điều kiện thuận lợi, có nhiều cơ duyên tốt lành để khởi sự sớm hoàn thành tập hồi ký được nhiều, rất nhiều người chờ đọc, đón đọc. Xin đề nghị bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết, cho in báo, trên mạng từng bài, từng phần hồi ký như cụ Nguyễn Hiến Lê đã từng làm. Và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng đã làm “lai rai” một số bài: Một chút tôi, Ghi chép lang thang, Vài đoạn hồi ký… Mong lắm thay, thưa bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc!

 

Nguyễn Hiền-Đức (2014)

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Trần Vấn Lệ gởi Luân Hoán

03/02/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

Trần Vấn Lệ gởi Luân Hoán

kể chuyện về Đỗ Hồng Ngọc

(Ghi chú: Sáng nay mới nhận được bài này của Trần Vấn Lệ. Bài TVL viết cho website Vuông Chiếu của Luân Hoán, nhắc chuyện gặp Đỗ Hồng Ngọc ở Saigon… Bài hơi… cũ (2018) nhưng vẫn còn… hay! Đọc TVL vẫn luôn thấy được cái duyên ngầm của anh (mà Khuất Đẩu cũng đã phải khen khi TVL viết về Thơ Đỗ Nghê dạo nọ) nên tuy TVL có già hơn xưa chút đỉnh mà cũng có hằng tỷ bài thơ tình viết cho hàng tỷ người yêu thơ mình (lời TVL).

Coi vui nhé,

ĐHN 

…………………………………………………………

Ngày 19 tháng Ba năm 2018 này là ngày “chu niên” thứ Mười Chín của Vuông Chiếu – website của anh Luân Hoán, bạn cùng khóa SQTB 24 với tôi, là bạn của rất nhiều người yêu thich Thơ Luân Hoán hơn nửa Thế Kỷ rồi  (Luân Hoán làm thơ có tiếng tăm từ năm 1966…không biết đến bao giờ nữa, nhưng dù hơn Nửa Thế Kỷ, thực tế thì tài thơ của Luân Hoán chạy dài…đã qua hai Thế Kỷ, 20 và 21), anh cho tôi biết anh sẽ “ưu ái” cho một bài viết xuôi của tôi…về chuyện gì cũng “ổn”.  Tôi hứa mà cứ lê la hơn hai tuần rồi!  Hễ ngồi trước computer thì thơ nhảy ra như bầy cóc nhái để chiều hôm qua, rồi sáng hôm nay, anh lại email nhắc…Tôi thật đáng trách, đáng ghét…đáng bị trọng cấm lắm nhen!

Tôi vào đề như trên vì tôi muốn cò cưa, muốn “cân hồ”, muốn câu giờ chớ tình ngay lý gian tôi không dám làm Luân Hoán bực bội đâu.  Anh đã từng đau vì mất một chân trên chiến trường ngày xưa, đã lâu lòng anh nguội, bây giờ mà “mất niềm tin” nơi tôi nữa thí chắc anh đau thêm?

Tôi có “cù nhày”, xin anh xá tội nha, anh Luân Hoán!

*

Tôi viết về Đỗ Hồng Ngọc nè…

Đỗ Hồng Ngọc – Y khoa Bác Sĩ tốt nghiệp trường đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1969 , cũng là nhà thơ Đỗ Nghê (mà trong cuốn Sống Và Viết Với…của Nguiễn Ngu Í, cậu ruột của Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc, em ruột của Má ruột Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc, lại viết bút danh của cháu mình là Đỗ Ngê…)Thi sĩ Đỗ Nghê đã có nhiều tập thơ in thành sách, trước và sau biến cố Ba Mươi Tháng Bốn Năm Ngàn Chín Bảy Lăm:  Tình Người, Thơ Đỗ Nghê, Giữa Hoàng Hôn Xưa, Vòng Quanh, Thư Cho Bé Sơ Sanh & Những Bài Thơ Khác; mới nhất trong năm 2017 là tập Thơ Ngắn…mới toanh!  Văn sĩ Đỗ Hồng Ngọc không thấy có tập truyện hay cuốn tiểu thuyết nào, chỉ thấy “cái tài viết văn xuôi của chàng” là Tùy Bút.  Đỗ Hồng Ngọc ký tên thật là Đỗ Hồng Ngọc trên những tập Tùy Bút này: Gió Heo May Đã Về, Già ơi…Chào Bạn, Những Người Trẻ Lạ Lùng, Thư Gửi Người Bận Rộn, Như Thị, Cũng Chẳng Khoái Ru, Nhớ Đến Một Người, Ăn Vóc Học Hay, Ghi Chép Lang Thang…, Nghĩ Từ Trái Tim, Gươm Báu Trao Tay, Ngàn Cánh Sen Biếc, Một Hôm Gặp Lại.  Chắc chắn trong tương lai gần, Đỗ Hồng Ngọc sẽ còn ra thêm vài cuốn nữa!

Năm 2016 tôi có chuyến về thăm gia đình ở Phan Thiết, tôi có gặp Đỗ Hồng Ngọc bằng-da-bằng-thịt tại Sài Gòn ngay lúc tôi vừa rời phi trường Tân Sơn Nhứt để về khách sạn.  Ôi bạn tôi…giống tôi:  Già!  Xa nhau từ năm 1955 đến năm 2016 mới gặp lại, ai còn sống mà không già khú đế?  Tay bắt mặt mừng, và khách sáo như không khách sáo: Cả hai đều ứa nước mắt.  Cả hai đều gọi tên nhau như…hổi nhỏ:  Ồ Ngọc!  Ồ Lệ!  Rồi, trước khi cầm đũa bữa cơm trưa, hai đứa mặc kệ lu bù người khách mời của BS Đỗ Hồng Ngọc, hai đứa chúng tôi nhắc lại một vài chuyện của thời tí hon:  Trong lớp mìnhcó hai thằng trùng họ trùng tên, chỉ khác có tên lót là Đỗ Hồng Ngọc và Đỗ Hoàng Ngọc.  Đỗ Hồng Ngọc biến mất khỏi trường Trung Học Phan Bội Châu Phan Thiết từ niên khóa 1955-1956 trở đi…biền biệt.  Năm 1989, tôi mới thấy lại cái tên Đỗ Hồng Ngọc trên báo trong nước.  Đỗ Hoàng Ngọc thì chúng tôi xa nhau sau khi hết học Đệ Tứ Phan Bội Châu, Phan Thiết.  Năm 1967, tôi về nhận nhiệm vụ lính tại Tiểu Khu Bình Thuận, đeo lon Chuẩn Úy, tôi có thấy Đỗ Hoàng Ngọc mang lon Trung Úy.  Hình như nó không muốn…chào cấp dưới mà tôi cũng ngại chào cấp trên (vì phải chào đúng nghi thức nhà binh đối với tôi, anh chàng lính sữa).  Tôi có gặp lại lần nữa Đỗ Hoàng Ngọc, chúng tôi thấy nhau, không chào hỏi vì lệnh trại giam cấm mọi sự “liên hệ”.  Chuyển dịch hoài hoài, tôi không biết Đỗ Hoàng Ngọc còn sống hay ra sao, sau đó, sau này… (*)

Nay, hội ngộ Đỗ Hồng Ngọc thật tình…cứ ngỡ mình gặp ma!  Thời gian như nước chảy qua, tại sao con người hay đi ngược lại nhỉ? Tìm gì trong quá khứ?  Những nụ cười thắm tươi?  Những giọt lệ đoanh tròng?  Ôi, tìm gì cũng được…cốt là thấy cái bóng cái hình của cố nhân!

Viết tới đây, tôi sực nhớ mấy câu thơ của Hà Liên Tử trong tập Tiếng Bên Trời:

 

Mười năm xưa, mười năm sau

Một hình bóng cũ xóa màu thời gian

Cầm như đã lỡ nhip đàn

Cố nhân ôi bấy ngỡ ngàng cố nhân!

 

Giữa Đỗ Hồng Ngọc và tôi không đến nỗi nào như thế.  Tôi là một “tù binh” đã thành người ngoại quốc, Đỗ Hồng Ngọc về hưu lâu rồi, không dính dấp chính trị.  Đỗ Hồng Ngọc là một Thầy Thuốc, là một nhà văn…Tất cả “bình dị” trong cuộc tâm tình của tôi, người xa; bên các bạn, người trong cuộc bể dâu.  Chúng tôi nhắc diều tiên quyết Nguyễn Công Trứ từng dạy:  Thân còn chưa có, có chi danh?  Không nổ.  Không ai nổ.  Có cái “cục” gì mà nổ!  Lời của Thiên Chúa nói với Adam và Eva thật chí lý:  Ta tạo các ngươi từ đất, rồi các ngươi sẽ trở về với cát bụi…Cổng Vườn Địa Đàng đã khép rồi, vĩnh viễn!

Tôi đọc được trên báo Thế Giới Tiếp Thị phát hành tại Sài Gòn…mới, có bài Phỏng Vấn Bác Sĩ – Nhà Văn – Nhà Thơ Đỗ Hồng Ngọc, thấy như cái “duyên” bèn copy paste vào đây chơi cho vui:

 

Báo THẾ GIỚI TIẾP THỊ ONLINE
Thứ hai, 26/02/2018
20:10 GMT + 7

thegioitiepthi.vn

 

Y khoa là một môn khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật. Nó gắn liền với thân và tâm của con người. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị Online như vậy nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).

Thế Giới Tiếp Thị Online: Là một người làm chuyên môn về khoa học có vẻ hơi khô khan, nhưng những tác phẩm của ông lại cho thấy ông là một nghệ sĩ khoáng đạt, trẻ trung và rất nhạy cảm. Vậy thực ra ông “ưa” con người nào của mình?

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: Tôi “làm thơ” trước khi “làm bác sĩ”… Bác sĩ là một cái “nghề”, còn thơ là một cái “nghiệp”. Thời trung học, tôi đã có những bài thơ đăng báo. Nó tự nhiên mà đến. Nó gần như không học, gần như không “làm”. Khi đậu Tú tài II xong (năm 1962) thì tôi thi vào trường Y để học “làm bác sĩ’’. Vùng quê tôi nghèo, thiếu thầy thiếu thuốc, tôi nghĩ làm bác sĩ thì có thể giúp ích được cho mình và cho nhiều người hơn. Nhưng vì đam mê văn chương, tôi ghi danh học thêm bên Văn khoa, và sau đó còn học thêm bên Xã hội học. Thời đó, chỉ có y khoa, sư phạm và kỹ thuật Phú Thọ mới phải thi đầu vào, còn các ngành khác chỉ cần ghi danh học. Nên học thiệt là “sướng’’!

Chính học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã khuyên tôi nên học bác sĩ. Ông nói, làm bác sĩ giúp ích được cụ thể cho người, rồi chừng mươi năm hành nghề, có dịp tiếp xúc với bao cảnh đời, bao con người, nếu có tâm hồn nghệ thuật thì sẽ có thể viết văn. Nhiều nhà văn xuất thân bác sĩ như Sommerset Maugham, Tchekov, Cronin…

Y khoa là một khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật. Nó gắn liền với thân và tâm của con người. Mà cái gì đã liên quan đến con người thì luôn là một “nghệ thuật’’ chứ, phải không? Cho nên ngày nào y khoa trở thành hoàn toàn máy móc thì nguy cho con người lắm! Khi máy móc hóa hay thương mại hóa mối quan hệ “thầy thuốc – bệnh nhân’’ thì có nhiều vấn đề đặt ra.

Khi thực tập ca “đỡ đẻ” đầu tiên ở Bênh viện Từ Dũ (1965) tôi đã viết bài thơ “Thư cho bé sơ sinh’’. Tập thơ đầu tay của tôi, năm 1967, có tên là Tình Người, khi đang học năm thứ 5 tại Y khoa Đại học đường Saigon.

Tóm lại, y khoa không xa lạ với “một nghệ sĩ khoáng đạt, trẻ trung và nhạy cảm”.

Vậy  “Ưa con người nào của mình hơn” đâu cần phải trả lời nữa phải không?

 

Theo ông, nghề bác sĩ ở Việt Nam có thể coi là thiệt thòi không khi thu nhập và áp lực công việc chưa tương xứng?

– Tôi là một thầy thuốc già, cho phép hay nhắc chuyện xưa để “ôn cố tri tân” nhé. Thời tôi học Y phải 7 năm. Thi đầu vào không dễ, đậu chừng hơn 10%. Tôi còn nhớ ngoài những môn lý, hóa, sinh, sinh ngữ… thường lệ, còn có thêm 20 câu hỏi tổng quát về văn hóa… như âm nhạc, hội họa, sử, địa, về Biển Thước, Hoa Đà, Hải Thượng Lãn Ông, Hippocrate và những câu về đời sống xã hội như “giá gạo trên thị trường bao nhiêu một ký?”, “giá than trên thị trường bao nhiêu một ký?”… Rõ ràng là một cách thăm dò không chỉ kiến thức tổng quát của người thầy thuốc tương lai mà thăm dò cả sự hiểu biết về tình hình đời sống thực tế xung quanh.

Ra trường phải trình luận án để được cấp bằng Tiến sĩ Y khoa quốc gia (Doctorat en Medecine, Diplôme d’’Etat) và phải ghi danh vào Y sĩ đoàn (Chữ Y sĩ ở đây để chỉ người làm nghề y chớ không phải một cấp bực trung cấp trong ngành y như sau năm 1975). Y sĩ đoàn (nghiệp đoàn nghề nghiệp của bác sĩ) sẽ quản lý, giám sát nghề nghiệp cho bác sĩ, đảm bảo hành nghề đúng nghĩa vụ và lời thề Hippocrate khi tốt nghiệp, xử phạt khi có sai phạm, bênh vực khi bị oan khuất, hành hung… Nhờ hệ thống này, nghề y được tôn trọng vì họ luôn xử lý công bằng, tránh những ảnh hưởng tác động từ bên ngoài, đỡ gánh nặng cho quản lý nhà nước, hành chánh. Tiếc thay, sau này không còn nữa nên nhiều vụ kiện tụng xảy ra, nhiều vụ bạo lực hành hung bác sĩ đáng tiếc!

Về đời sống bác sĩ, thì lương hướng khi ra trường với chỉ số 720 (học 7 năm) được khoảng 12 ngàn đồng (giá vàng thị trường là 9 ngàn) nên họ chỉ phải lo tập trung cho nghề nghiệp, sao cho giỏi, cho có đạo đức tốt, thăng tiến trong nghề nghiệp. Dĩ nhiên cũng có những vụ không hay… nhưng đều được Y sĩ đoàn xử lý thỏa đáng.

Ngày nay, bác sĩ học 6 năm, cũng “trầy vi tróc vẩy” nhưng ra trường được coi như ngang cấp cử nhân 4 năm, hệ số lương 2.34… gì đó nên nơi nào, người nào cũng phải lo “cải thiện đời sống”…  Dĩ nhiên bác sĩ thời nay nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học y học nên tài năng hơn chúng tôi ngày xưa nhiều. Sự vô lý ở chỗ một cử nhân 4 năm, học thêm 2 năm thì đã là “thạc sĩ” còn bác sĩ 6 năm thì coi như cử nhân!

Rõ ràng với nghề y ở Việt Nam ngày nay “thu nhập và áp lực công việc chưa tương xứng”, nhưng đáng ngại hơn là ngày càng nhiều vụ vi phạm đạo đức, càng nhiều vụ hành hung thầy thuốc không được giải quyết rốt ráo. Có cái gì đó bất thường ở đây trong mối tương quan thầy thuốc – bệnh nhân vốn đầm ấm từ ngày xa xưa.

Mối tương quan thầy thuốc – bệnh nhân đã có nhiều thay đổi, thưa bác sĩ?

– Thời xa xưa, thầy thuốc là “phù thủy”, mối quan hệ là bất bình đẳng, cha chú, gọi dạ bảo vâng. Rồi khi ngành y bị thương mại hóa, bệnh nhân trở thành khách hàng, người tiêu thụ (consumer) còn thầy thuốc thành người cung cấp dịch vụ (health care provider) thì “khách hàng là Thượng đế”, nên phải chiều chuộng bệnh nhân, cung cấp càng nhiều dịch vụ càng tốt để làm… kinh tế!

Mới đây, ở Mỹ đã có một phim báo động: Một nền y học vì đồng tiền (Money-driven Medicine). Cả hai mối tương quan đó đều không tốt, không phải. Ngày nay khuynh hướng là cần có sự hợp tác, đồng thuận hai chiều và cần tôn trọng tính tự chủ của hai bên (autonomy). Vì thế vai trò truyền thông giữa thầy thuốc bệnh nhân trở nên rất quyết định, nên đã có khái niệm “truyền thông trị liệu” (therapeutic communication).

Người thầy thuốc hôm nay cần có nền tảng văn hóa rộng. Học về truyền thông, về khoa học hành vi (tâm lý, xã hội, nhân chủng…), về giáo dục sức khỏe, nâng cao sức khỏe, quan tâm tới chất lượng cuộc sống chứ không chỉ biết chữa bệnh tật. Mô hình bệnh tật nay cũng đã thay đổi. Bệnh nhân ngày càng trở thành “thầy thuốc” cho chính mình, không bị lệ thuộc vào thầy vào thuốc như xưa. Thế nhưng cũng có những nguy cơ như dựa vào thông tin trên Internet bệnh nhân tự chẩn đoán, tự điều trị dẫn đến những hậu quả đáng tiếc khác.

Một cuộc sống hạnh phúc, một cá nhân hạnh phúc, theo quan điểm của ông là gì?

– Có thứ hạnh phúc bền bỉ, lâu dài và có thứ hạnh phúc mong manh, chốc lát. Một người trúng số độc đắc sẽ rất hạnh phúc, một người đoạt vương miện hoa hậu sẽ rất hạnh phúc… Nhưng đó thường là hạnh phúc trong chốc lát, vì chẳng bao lâu nó bay biến… Hạnh phúc lâu dài thì đó chính là sự an lạc trong thân tâm. Có thể tóm trong mấy chữ là từ bi hỷ xả. Có tâm Từ ái thì tâm hồn luôn rộng mở, biết yêu mình, yêu người, yêu thiên nhiên, biết bảo về môi trường sống, môi trường văn hóa tốt đẹp; có tâm Bi mẫn thì biết sẻ chia, đùm bọc, giúp đỡ… Có tâm Hỷ thì xóa bỏ được lòng ghen ghét, ganh tỵ, hận thù và có tâm Xả thì biết đủ, kham nhẫn tri túc…Thứ hạnh phúc đó có thể sẻ chia, lan tỏa.

Hiện nay trong thời đại đầy bất trắc, lo âu, một số quốc gia đã đi tìm một thứ hạnh phúc bền bỉ lâu dài cho quốc dân qua khái niệm GNH (Gross National Happiness = Tổng hạnh phúc quốc gia) thay vì GNP (Gross National Product = Tổng sản phẩm quốc nội) là chỉ dựa trên tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Người ta nhận ra nhiều quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao mà người dân không có được hạnh phúc. GNH dựa trên 4 yếu tố chính: bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa, sức khỏe và tuổi thọ, chánh quyền vì dân…

Tóm lại, hạnh phúc cá nhân quyện trong hạnh phúc tổng thể.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ với bạn đọc Thế Giới Tiếp Thị Online.

HOA ĐINH

…………………………………………………………………………………..

 

Đấy, các bạn biết ít nhiều về ” sanh hoạt” của Đỗ Hồng Ngọc rồi nhé.  Gọi Đỗ Hồng Ngọc là Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc hay nhà thơ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, cũng “duyên” thôi.  Trong chuyến về của tôi sau hai mươi bảy năm “trời ơi đất hỡi”, Đỗ Hồng Ngọc ký tặng cho tôi tập Tùy Bút mới nhất, Một Hôm Gặp Lại xuất bản bởi Nhà Xuất Bản Văn Hóa – Văn Nghệ TP HCM VN.

Đây là một cuốn sách khá dày của Đỗ Hồng Ngọc, 300 trang, khổ sách, vuông vắn, dễ thương.  Đọc tùy bút của Đỗ Hồng Ngọc, nếu nhà văn Duyên Anh mà còn, chắc chắn Duyên Anh chỉ phán một câu:  “Sướng Rên Mé Đìu Hiu!”.

Tôi từng “mê” tùy bút của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng.  Có nhiều năm rất chờ mong tác phẩm mới của Võ Phiến viết về Tùy Bút.  Nay đọc Một Hôm Gặp Lại…tôi thấy Tùy Bút là một thể văn đẹp, mềm mại, tao nhã không khác gì Thơ!  Xưa, xưa lắm Phạm Đình Hổ có cuốn Vũ Trung Tùy Bút…mô tả, cô đọng, hâm nóng chỉ vài ba giọt mưa trên tàu lá chuối mà đã ấm cả lòng người.  Bậy giờ đọc Một Hôm Gặp Lại của Đỗ Hồng Ngọc, xếp sách mấy lần, gần hai năm tròn trịa, vẫn nghe lòng nao nao, êm ru và diệu vợi…Té ra bạn tôi là Khách-Đa-Tài!

*

Tôi muốn viết một bài “nhận định” về cuốn Tùy Bút Một Hôm Gặp Lại của Đỗ Hồng Ngọc, nhưng không thể rồi!  Một là tôi đang nghe trong người mình có chuyển biến không ưng bụng.  Nhìn qua những lọ thuốc bên cạnh nhớ sáng nay chưa uống thứ nào, hèn chi mà nó rêm mình! Là tôi phải đi uống thuốc vậy!  Hai là…giữ lời hứa với anh Luân Hoán, viết một bài và gửi qua Canada liền liền tú xuỵt, hẹn lâu quá nhen…Ôi chuyện gì cũng dang đở!  Hồ Dzếnh có bài thơ Ngập Ngừng, có hai câu như sấm…sét:  “Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở, tình mất vui khi đã vẹn câu thề!”.

Bạn đọc yêu quý ơi, hãy tìm cuốn Một Hôm Gặp Lại của Đỗ Hồng Ngọc đọc đi…rồi đọc lại.  Nếu những lời tôi “mạ kền mạ bạc” về một “ông Bác Sĩ Viết Văn” là không đúng sự thật, xin nói cho tôi biết.  Và…cái câu “Biết Chết Liền” nghe thơm thảo cả một miền Nam yêu dấu!

Vậy nha…anh Luân Hoán!

Trần Vấn Lệ

…………………………………….

(*) TVL ơi, mới đây mình có gặp lại Đỗ Hoàng Ngọc cùng nhóm bạn Phan Bội Châu ngày xưa. Cũng trên 60 năm rồi mới gặp nhau. Đỗ Hoàng Ngọc học về ngành Hóa ở Bách Khoa thời đó. Nay thấy khỏe vui. Mừng. (ĐHN)

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Tủ sách gia đình: “BIẾT ƠN MÌNH”

07/12/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Tủ sách gia đình

BIẾT ƠN MÌNH

của Đỗ Hồng Ngọc

 

Ngay từ lời ngỏ, tác giả đã giới thiệu nội dung cuốn sách của mình là một tập hợp gồm mười hai bài viết sắp xếp lại thành một tập riêng về “Sức khỏe và Đời sống” của một người có tuổi.

Nhưng người “có tuổi” tám mươi này, không phải bây giờ mới sắp xếp, mà đã từ lâu lắm rồi. Lục tuần (60) đã có Già ơi, chào bạn,  Gió heo may đã về… tới thất tuần bảy mươi thì có  Già sao cho sướng và… Về thu xếp lại cũng mới đây thôi.

Giờ thì ông mới đúc kết để nhắc nhở mọi người nên “Biết ơn mình” càng sớm càng tốt.

Ông nói: “Từ thuở nhỏ ta được dạy nói cảm ơn khi ai đó giúp mình. Lời cám ơn không phải để xã giao mà thật sự biểu lộ lòng biết ơn chân thành của mình đối với người đó. Thế nhưng có lẽ chưa bao giờ ta được dạy nói lời cảm ơn ta vì nhiều khi ta coi chuyện cảm ơn mình là một điều gì đó lố bịch, kỳ cục, không cần thiết! Trái lại nhiều khi ta còn có khuynh hướng nói xấu mình, bất mãn với mình, thậm chí… nguyền rủa mình”.

Điều này nghe thật đúng quá đúng, ông dẫn chuyện hấp dẫn vầy, phải đọc tiếp coi có đúng nữa hay không, ai dè, ông kể hồi trẻ mình muốn mình chết đi cho rồi chỉ vì mụn trứng cá, cũng đúng luôn, tới khi đứng tuổi thấy da nhăn nheo cũng “buồn muốn chết”… vậy là ta không hề biết, chính thân thể ta đã giúp ta đứng vững tới năm mươi, sáu mươi tuổi… mà ta vẫn chưa ý thức phải chăm sóc cho nó để nó được “tiếp tục chạy tốt” đến bảy mươi, tám mươi thì quả là ta đã tự giết mình chứ không còn biết thương mình nữa.

Hiểu về mình để thương mình và khi đã nhận biết về mình, mới “biết ơn mình” đã giúp chính ta dẻo dai, minh mẫn, khỏe khoắn để không làm khổ con cháu.

Nói tới đây mới thấy biết ơn mình quan trọng thế nào. Bởi khi ta không biết lắng nghe cơ thể của ta, không biết ơn chính ta để trả ơn bằng dưỡng dục, săn sóc bản thân mình, đến một ngày ta đổ bệnh, già yếu không đứng vững, nằm đó nhìn con cháu thay phiên dắt dìu, bận rộn chăm sóc, có khi ta đổ quạu nó cũng mệt mỏi, đau khổ mà khóc theo. Vậy là ta đã tự hại thân ta lại còn làm phiền con cháu. Nó không oán thán là may, nhưng nói nó cứ vì chữ hiếu để chăm sóc ta từ bữa ăn đến vệ sinh với thân xác nặng nề (chứ có nhỏ nhắn như đứa bé ấu thơ đâu), thì thật là khổ hết sức!

Thế nên, tự biết chăm sóc mình, chính là để lại bao nhiêu “ơn mưa móc”, phúc đức cho con cháu mình rồi, chứ không cần nói chuyện gì cao xa. 

Quay trở lại, muốn biết tự chăm sóc lấy mình, tuổi già mình, thì trước hết, phải “biết ơn mình”.

Khi đã biết ơn mình rồi thì thấy “đã” lắm. “Từ ngày biết thương “thân thể” của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi… cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho thân thể của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá!”. (Một chút lan man, trang 55).

Đọc sách của tác giả Đỗ Hồng Ngọc rồi, sẽ thấy bớt băn khoăn hơn ở cuộc đời này nhiều thứ, nhất là chuyện phải trái đúng sai, chuyện ganh đua được mất… bởi vì “lời đà-la-ni” thật huyền nhiệm này: “… Thân tâm an tịnh/Không còn ý tưởng/Chẳng có thời gian/ Hạt bụi lang thang/ Dính vào hơi thở/Duyên sinh vô ngã/ Ngũ uẩn giai không/ Từ đó thong dong/ Thõng tay vào chợ…” (Trích bài vè thiền tập: Thả lỏng toàn thân thả lỏng chưa? của tác giả).

Tịnh Thủy

 

Buổi Ra mắt sách Biết Ơn Mình do Hội quán Các Bà Mẹ và PNB tổ chức ngày 29.11.2019.

 

 

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định

Có một buổi Giao lưu về “Biết Ơn Mình”

27/11/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thân mời các bạn tham dự buổi Giao lưu-Ra mắt sách:

Phương Nam Book và Hội quán Các Bà Mẹ tổ chức buổi “Giao lưu- Ra mắt sách” BIẾT ƠN MÌNH của Đỗ Hồng Ngọc.

Nghe nói CBM sẽ… mặc áo dài (?), và nhạc sĩ Trần Văn Quang sẽ hát TCS nữa!

Rảnh ghé vui nhe.

………………………………………….

Vừa rồi tôi có gởi sách tặng một… doanh nhân trẻ ở một nơi xa, anh trả lời:

“… dạ em cảm ơn anh rất nhiều, em đã nhận sách và đã đọc được một phần, sách hay thì chắc rồi nhưng tuyệt vời là rất cần cho những người quên cảm ơn mình như em đây…” (T.A)

 

(ảnh Thảo Nhiên)

……………………………………………………….

Vài hình ảnh buổi Giao lưu – Ra mắt sách BIẾT ƠN MÌNH 29.11.2019

Buổi Giao lưu- Ra mắt sách “Biết Ơn Mình” của ĐHN do PNB và Hq Các bà mẹ tổ chức, 29.11.2019. Dịp này, nhạc sĩ Trần Văn Quang đã hát “Tạ Ơn” của Trịnh Công Sơn và một nữ khán giả (Thanh Hà) hát “Thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh/ Phan Huỳnh Điểu… “mùa thu vào hoa cúc/ chỉ còn anh và em/ là của mùa thu cũ…”. (ghi chú: MC Vũ Hồng Loan, áo đỏ)

 

Một bé say mê đọc Biết Ơn Mình…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đông Vy thay mặt PNB cảm ơn quý thân hữu và BTC…

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Thư gởi người bận rộn

Nhân năm học mới, đọc lại “Phỏng vấn Bs Đỗ Hồng Ngọc”

25/09/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

Ghi chú: Chiều hôm qua, 24.9.2019, là buổi học đầu năm dành cho Sinh viên Năm thứ nhất Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Tp HCM, do Bộ môn Y đức-Khoa học hành vi-Giáo dục sức khỏe (mà tôi nguyên là Trưởng Bộ môn và sau đó là Cố vấn) phụ trách, Bộ môn đã có nhã ý mời tôi tiếp tục giảng cho các em như mọi năm nhưng tôi đã từ chối vì biết mình tuổi tác cách biệt đã hơn 60 năm, mà khoa học y học ngày nay tiến bộ như vũ bão…

Tuy vậy, bài “phỏng vấn Bs Đỗ Hồng Ngọc” của Hà Thanh, báo Tuổi Trẻ, trong “Chuyên mục Thời tuổi trẻ của tôi” trước đây có thể “post” lại để các em tham khảo vì có những câu hỏi liên quan đến vấn đề “chọn nghiệp”, vấn đề y đức v.v…

Cảm ơn Hà Thanh.

ĐHN

…………………………………………………………………

 

Hà Thanh phỏng vấn Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

(Chuyên mục “Thời Tuổi trẻ của tôi” 2011- tuoitre.vn)

 

Xin bác sĩ tự “phác họa” đôi dòng về mình?

Đó là một người có cái tên rất “đàn bà” nhưng lại làmột người đàn ông thứ thiệt. Hồi tôi giữ mục Phòng mạch Mực Tím trên báo Mực Tím dành cho tuổi mới lớn, nhiều em viết thư: Thưa cô, em có điều này rất bí mật, không dám nói với ai…

Thứ hai, đó là một ông già mà nhiều người tưởng hãy còn trẻ lắm, nhờ tóc chưa bạc nhiều và viết lách lăng nhăng làm cho người ta cười…

Thứ ba, đó là một bác sĩ nhà quê đến nỗi người ta không biết là bác sĩ, vì toàn nói chuyện làm sao cho người ta biết tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe mình, ít phải lệ thuộc vào thầy vào thuốc…

 

Ai là người có ảnh hưởng lớn trong quãng đời tuổi trẻ đã qua của bác sĩ? Bác sĩ kể cho nghe một chút về người đó đi ạ?

Hai người. Cậu tôi, ông Nguiễn Ngu Í (Nguyễn Hữu Ngư). Ông là một nhà báo nổi tiếng trên Bách Khoa của hơn nửa thế kỷ trước ở Saigon, nhưng cũng là một người điên nổi tiếng, điên thứ thiệt, từng nằm nhà thương Chợ Quán, dưỡng trí viện Biên Hòa nhiều lần… Lúc ở dưỡng trí viện, ông có xuất bản một tập thơ lấy tên là “Thơ điên thứ thiệt”, với sự góp mặt của Bùi Giáng và nhiều “bạn thơ” khác đang nằm ở đó… Người thứ hai là học giả Nguyễn Hiến Lê. Mặc dù không được học với ông ngày nào trên ghế nhà trường nhưng với tôi, ông vẫn là một vị thầy lớn vì ông đã dạy tôi cách sống, cách học và cách viết…

 

Bác sĩ đã trải qua tuổi thơ như thế nào ạ?

Lúc 5 tuổi thì tôi cùng gia đình tản cư lên rừng ở vùng Láng Găng, Bưng Riềng, Xuyên Mộc… Bị sốt rét triền miên, kiết lỵ, suy dinh dưỡng… đủ thứ. Khi cha tôi mất thì tôi 12 tuổi, theo mẹ về Phan Thiết tá túc trong một ngôi chùa với người cô bị tật nguyền. Tôi nhớ lúc đó cân nặng được 25kg, da xanh mét, lá lách sưng to. Mỗi ngày đi nhà thương thí để chích thuốc. Riết rồi ghiền cái mùi nhà thương. Cô tôi nghèo lắm. Sống bằng nghề chằm lá buông. Tôi phụ phơi lá trong sân chùa. Nhớ những khi trời mưa thì ào ào cuốn lá… chạy! Sáng nào mọi người cũng ăn một chén cháo trắng. Có điều cô và các chị tôi rất mê truyện Tàu, mê tiểu thuyết đủ loại. Tôi được sai đi mướn truyện nhưng cấm đọc (vì con nít mê đọc truyện không tốt). Tôi thường lén đọc trên đường đi, dưới gốc cây, nơi bệ đá cổng chùa… trước khi mang về. Đọc tuốt hết, không chừa thứ gì trong tiệm cho thuê sách đó. Tôi được dạy phải tôn trọng chữ thánh hiền, không được lấy giấy báo đi vệ sinh! Thế rồi, một hôm cậu Ngu Í điên của tôi đến thăm. Người ta nói ông điên vì ngộ chữ, vì học nhiều quá hóa điên. (Ở quê tôi ông là người hay chữ nhất, được bà con rất quý trọng. Ông là bạn học cùng tuổi cùng lớp với Trần Văn Khê, Lưu Hữu Phước… ở trường Petrus Ký thời đó). Thấy tôi 12 tuổi rồi mà học hành ấm ớ trong rừng, ông dẫn tôi tới trường tiểu học của một người bạn, gởi cho học miễn phí. Ông còn tặng tôi một đống sách báo từ Saigon mang về. Tôi mê tít.

 

Việc học ngày xưa của bác sĩ như thế nào? Bác sĩ hãy kể cho nghe những kỷ niệm khó quên ở khoảng thời gian này?

Mới đầu trường cho tôi vào học thử lớp Ba. Vài tháng sau, nói tôi học được, cho lên lớp Nhì (lớp 4 bây giờ). Vài tháng sau nữa cho tôi vào thẳng lớp Nhất (lớp 5). Trường tư, trong một ngôi chùa, điều kiện nếu học giỏi thì được miễn học phí. Tôi học giỏi. Cuối năm nhất lớp, chở phần thưởng về… chùa bằng xe xích lô! Cô tôi khen ngợi thưởng cho 10 đồng, đủ ăn 5 chén chè sâm bổ lượng với mấy người bạn thân! Nghĩ lại, tôi thấy cái hồi học tùm lum trong rừng hóa ra mình đã được “luyện nội công” mà không hay, rồi lúc ở chùa luyện cả đống truyện Tàu và tiểu thuyết nữa. Hồi 12 tuổi, tôi viết nhật ký, viết nhận xét phê bình này nọ mỗi khi đọc xong một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn nào đó… Tôi thi đậu cao vào Đệ thất (lớp 6) Phan Bội Châu… Hằng ngày vừa đi học, vừa lo cơm nước cho mẹ tôi bán hàng ngoài chợ. Thế rồi, giữa chừng lại bỏ học, vì cả gia đình dời về quê cũ Lagi, Bình Tuy. Tỉnh mới thành lập, chưa có trường trung học. Tôi lại thất học, phụ bán hàng xén với mẹ ở chợ Lagi. Ba năm sau mới có lớp Đệ thất đầu tiên trong một ngôi nhà thờ (hết chùa tới nhà thờ!). Nhớ lại chuyện học nhảy lớp tưng bừng của mình hồi nhỏ, tôi tính chuyện học nhảy tiếp để theo kịp bạn bè. Nhân một chuyến theo xe chở cá nước đá về Saigon bổ hàng cho mẹ, tôi lang thang lề đường, nơi bán sách cũ, vớ được cuốn “Kim chỉ nam của học sinh” của tác giả Nguyễn Hiến Lê. Tôi đọc, thấy trúng ý mình quá. Tôi bèn đánh bạo viết thư hỏi ý kiến ông, nói muốn học nhảy lớp, có nên không. Ông trả lời ngay: Cháu có thể học nhảy lớp được, vì đọc thư, thấy sức cháu có thể học lớp Đệ tứ (lớp 9) rồi đó. Tôi bèn lập chương trình học nhảy lớp. Thi đậu ngay Trung học đệ nhất cấp, lại nhảy tiếp, bỏ đệ tam, đậu Tú tài I rồi Tú tài II, sau đó đậu vào trường Y khoa. Y khoa thời đó học 7 năm, ra Tiến sĩ Y khoa quốc gia. Hết nhảy được nữa! Tuy vậy, tôi cũng đã ghi danh học thêm Văn khoa, Xã hội học, những ngành mà tôi thích. Tóm lại, tôi mê học và học cho đã. Tôi thấy mình hên, thi đâu đậu đó, nhưng phải nói là nhờ biết cách học, nhất là biết cách tự học. Tôi nghĩ học sinh muốn giỏi phải có chí và biết tự học. Những năm này tôi đã vào Saigon “du học”, ở nhà trọ, ăn cơm tháng trong khu ổ chuột Bàn Cờ và thường xuyên đến thăm ông Nguyễn Hiến Lê. Ông luôn động viên, khuyến khích việc học của tôi. Trong một bức thư ông viết mong sau này tôi dùng ngòi bút để mang lại lợi ích cho nhiều người hơn trong nghề nghiệp bác sĩ của mình. Khi báo Bách Khoa ra số đặc biệt kỷ niệm 100 đầu sách của ông, tôi viết bài “Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi”. Ông nói đây là “món quà” quý nhất của ông. Ông đã coi tôi như một người học trò “chân truyền” rồi vậy.

 

Vì sao bác sĩ chọn nghề Y? Đi trên con đường này một thời gian dài, có lúc nào bác sĩ muốn rẽ sang một hướng khác hoặc thoáng nghĩ rằng mình đã không chọn đúng con đường phù hợp với mình hay không?

Trước hết có lẽ vì thấy cha mình chết trong rừng do thiếu thầy thiếu thuốc, bản thân hồi nhỏ phải vào nhà thương thí thường xuyên, nên tôi có ý muốn học Y. Thế nhưng khi đậu Tú tài toàn phần xong, tôi băn khoăn trước ngã ba đường giữa học Y, học Sư phạm hay học Văn khoa. Cái nào cũng thích. Ông Nguyễn Hiến Lê lần nữa lại khuyên nên học Y để giúp gia đình, giúp đời cụ thể hơn, nếu học giỏi có thể dạy học và nếu có tâm hồn, vẫn có thể viết lách được. Đã có nhiều nhà văn là bác sĩ như Tchekhov, Cronin, Somerset Maugham… Tôi đã làm đúng như thế thật.

Sao lại phải rẽ sang hướng khác? Y khoa là một khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật. Tiếp cận với những cảnh đời, những con người, chẳng phải cũng là một nguồn cảm xúc để cầm lấy cây bút sao?

 

Kỷ niệm nào sâu sắc nhất trong công việc của bác sĩ?

Ra trường ba năm, tôi viết cuốn sách đầu tay: Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972). Cuốn sách này do ông Nguyễn Hiến Lê đề tựa. Ông viết rất trang trọng và có một câu mà tôi nhớ mãi: “Một bác sĩ mà là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”. Tôi mê văn chương, làm thơ, vẽ tranh… từ nhỏ. Khi còn là sinh viên, đã xuất bản thơ, viết báo… Nói khác đi, không phải ra trường làm bác sĩ rồi mới cầm bút. Với tôi, bác sĩ là cái “nghề”, còn văn chương là cái “nghiệp”. Tôi mê cả hai.

 

Bác sĩ có thể kể vài kỷ niệm về những lúc bị công việc cuốn hút mà quên đi sức  khỏe của mình được không ạ? Gia đình có than phiền, “rầy rà” để bác sĩ chú tâm hơn đến sức khỏe của bản thân và chăm lo gia đình nhiều hơn không?

Tôi có tật xấu: mê học cũng như mê làm việc. Cái gì mê quá cũng không tốt. Một lần bị xuất huyết tiêu hóa, ngất xỉu trong toilet lúc đang khám bệnh phải đưa đi cấp cứu. Một lần bị tai biến mạch máu não phải mổ sọ với hai lỗ thủng… Lần mổ sọ não có một kỷ niệm đáng nhớ: Lúc đang còn nằm trần truồng trong phòng hậu phẫu, chỉ đắp một tấm “ra” trắng mỏng trên người thì một em điều dưỡng tới chích thuốc, hỏi có phải là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc Phòng mạch Mực Tím không, tôi ú ớ gật thì nghe em kêu lên mừng rỡ: Các bạn ơi, lại “coi” bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nè! Bốn năm cô chạy tới quanh giường coi mình trong tình thế đó! Thì ra lâu nay đọc báo Mực Tím, các em biết tên mà chưa biết mặt… Rồi tôi còn nghe kể bạn bè mở tiệc ăn mừng. Không phải mừng tôi bệnh nặng mà mừng họ chưa bệnh. Lâu nay tôi vẫn là người thường khuyên họ đừng uống rượu, đừng hút thuốc lá mà!

Tôi may mắn được gia đình ủng hộ, vì biết tánh tôi vậy, không “rầy rà” chi cả! Tôi vẫn nhớ ông Nguyễn Hiến Lê khuyên: Đừng để nghèo túng, nhưng khi đủ ăn rồi thì đừng ham làm giàu, dành thì giờ làm chuyện khác có ích hơn…

 

Ai cũng có những lúc đau buồn, tức giận, chống chếnh… trong cuộc sống riêng. Có bao giờ tâm trạng đó làm ảnh hưởng đến công việc của bác sĩ không? Bác sĩ làm cách nào để tránh hay giảm bớt?

Có chứ. Nhưng cũng phải vượt qua thôi. Những năm có tuổi, nhất là sau đợt bị tai biến, tôi nghiên cứu sâu và thực hành thiền, thấy có nhiều hiệu quả, góp phần giải stress và giữ đời sống cân bằng hơn. Đặc biệt trong thời buổi hiện nay cuộc sống có quá nhiều căng thẳng thì ở góc độ y học, thiền đã được nghiên cứu như một liệu pháp. Thực tế, thiền không chỉ dừng ở đó.

 

Theo bác sĩ, y đức có quan trọng hơn tay nghề, kỹ thuật chuyên môn không? Bác sĩ từng trả lời trên tạp chí Sống khỏe rằng “Chuyện y đức của người thầy thuốc hôm nay – đang bị xã hội ta thán – thì không phải lỗi ở họ”. Bác sĩ có thể nói rõ hơn về điều này không ạ?

Không nên tách bạch. Hai cái là một. Có y đức suông mà không có tay nghề, kỹ thuật chuyên môn thì… hại người ta nhiều hơn, làm cho người ta “đau” nhiều hơn. Còn giỏi kỹ thuật chuyên môn mà thiếu y đức thì làm cho người ta “khổ” nhiều hơn. Người thầy thuốc phải quan tâm cả cái đau và cái khổ của con người. Tiếng Việt ta thật dễ thương: đau khổ, bệnh hoạn… luôn là những từ kép!

Y đức không đơn giản, không phải là một khẩu hiệu. Nó phải được học tập và rèn luyện xuyên suốt trong quá trình học y khoa nhiều năm và trong quá trình hành nghề. Nó phải được dạy đầy đủ ở trường, riêng và chung với các môn học khác. Rồi về tổ chức, phải có nghiệp đoàn nghề nghiệp (Bác sĩ Đoàn chẳng hạn) để quản lý chuyên ngành, với những đặc thù riêng của nó, có luật lệ riêng phải tuân thủ, đó là Nghĩa vụ luận y khoa (Déontologie médicale), quy định từng hành vi trong mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân. Nghề y là một nghề đặc biệt, đào tạo lâu dài, nặng nhọc, trách nhiệm cao, “người bệnh phó thác tánh mạng” trong tay thầy thuốc nên họ cần được xã hội tôn trọng và “đối xử” đúng mực. Hiện nay có khuynh hướng coi bác sĩ tốt nghiệp y khoa 6 năm như một cử nhân đại học 4 năm và lương hướng của một bác sĩ trẻ mới ra trường chỉ bằng… một phần ba người nuôi bệnh ở các bệnh viện! Đó là những “chuyện lạ” ngoài tầm tay của người thầy thuốc vậy.

 

Khi bắt đầu qua tuổi hưu, bác sĩ có hụt hẫng không ạ? Bác sĩ đã trải qua bước chuyển đó như thế nào?

Tôi không cảm thấy có bước chuyển nào cả! Nghề y vốn là một nghề độc lập. Người thầy thuốc có thể làm việc suốt đời nếu còn đủ sức khỏe. Nghề văn cũng vậy, là một nghề tự chủ, có thể làm việc suốt đời, nếu còn thấy hứng thú…

 

Bác sĩ có lời khuyên gì cho những bạn trẻ mong muốn chọn ngành y làm con đường đi ạ?

Rất hoan nghênh các bạn trẻ này. Đây là một ngành đang có nhu cầu rất lớn của xã hội. Nhưng chọn học y là chọn con đường gian nan, hằng ngày trực diện với những nỗi khổ niềm đau của kiếp người (sanh, bệnh, lão, tử)… Phải thực sự yêu nghề và có năng lực. Nói chung, học y cần có một lý tưởng nhân đạo, một “tiếng gọi sâu thẳm” (vocation) của nghề nghiệp. Nếu học y để mong đầu tư… làm giàu trên bệnh nhân thì không nên! Thực ra học y cũng rất thú vị, nhiều thử thách, đòi hỏi trách nhiệm cao. luôn đứng trước lương tâm của mình. Hạnh phúc rất lớn khi thấy mình sống hữu ích cho gia đình, cho cộng đồng, cho xã hội. Bà con mình thường nói “Cứu sống một mạng người bằng lập… năm bảy kiểng chùa” phải không?

 

Cảm ơn bác sĩ rất nhiều ạ.

 

Hà Thanh

(thanhlth@tuoitre.com.vn)

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Nhạc sĩ Dương Thụ: “Café” với Đỗ Hồng Ngọc

23/07/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Nhạc sĩ Dương Thụ: “Café” với Đỗ Hồng Ngọc 13.7.2019

 

nvquyen vừa gởi clip ghi buổi “Tâm tình” của Đỗ Hồng Ngọc với Dương Thụ và các bạn tại CAFE THỨ BẢY ngày 13.7.2019 vừa qua. Xin chia sẻ.

Đa tạ nvquyen.

ĐHN.

 

Viết thêm:

Có vài bạn “phàn nàn” rằng nghe nhạc sĩ Dương Thụ hỏi về thơ tình Đỗ Nghê mà tôi cứ như “né” đi. Nay xin gởi bài thơ Mũi Né này (đã đăng trên Bách Khoa, 1970) và nay nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã phổ nhạc với tiếng hát Thu Vàng để tặng các bạn vậy nhé.

Bài này nvquyen cũng đã chuẩn bị để trình chiếu hôm đó nhưng thấy ít thời gian nên ngưng.

Cảm ơn nvquyen.

Trân trọng.

(ĐHN)

 

 

Và đây là bài thơ Xin Cám ơn, cám ơn tôi viết ngày còn nằm ở BV mà bạn Quách Mạnh Kha đã đặt câu hỏi trong buổi Giao lưu 13.7.2019 tại Cafe Dương Thụ:

Xin Cám ơn, cám ơn

Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta gục ngã
Như cỏ cây trước cơn bão dữ
Như con thuyền tung hê lên vách núi cao

Cho ta trở về làm con thú hoang sơ
Trần truồng như nhộng
Kẻ cạo đầu người lột da
Kẻ đục sọ người giúp thở

Kẻ đặt ống sonde vào đường tiểu
Người bơm thuốc qua dịch truyền
Cho ta trở về làm con thú trinh nguyên
Cho ta trở về làm em bé sơ sinh
Không lý trí không nghĩ suy không toan tính.

Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo như cơn bão dữ
Bản tin thời tiết chưa kịp loan truyền
Quất qua đời ta cây cỏ
Để khi tỉnh dậy ta nhìn ra em
Nhớ tiếng người này nhìn ra người nọ
Gọi tên người này nhớ mặt người kia
Như đã qua một kiếp khác
Bao năm xa vắng quê nhà!

Nhớ bước chân trâu nhớ giàn bông bí
Nhớ cây khế ngọt nhớ trái dừa xanh
Nhớ tiếng mẹ già nhớ đàn con trẻ,
Nhớ người hàng xóm lâu nay còn lạ
Nhớ những người thương nhớ luôn người ghét
Thấy ai cũng tôi nghiệp
Như ta
Đã bao lâu ta không sống với mình
Ta có ta mà quên ta phứt.

Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta kịp lúc
Cho ta trở lại với mình
Ta muốn ôm hôn tất cả mọi người
Và ôm hôn ta nữa
Cái đầu trọc lóc bình vôi
Hai lỗ thủng và 18 vết khâu từ ái
Ta ngạc nhiên lắng nghe mình thở
Lắng nghe sự sống cục cựa trong mình.

Xin cám ơn, cám ơn
Những cơn đau vật vã toát mồ hôi
Những nhức buốt thiệt thà thú vật
Khi đứng được hai chân như con người
Thật vô cùng hạnh phúc
Khi bước đi những bước con người
Khi còn được nghe được nói
Được cầm cây viết vẽ bâng quơ
Được đọc vài trang báo
Ôi phép lạ nhiệm mầu!

Những hòn sỏi bỗng có linh hồn
Những lá cây đong đưa lạ lẫm
Tiếng chim và ánh nắng
Như đã lâu rồi ta mới gặp nhau
Như đã lâu rồi ta mới quen nhau…

Xin cám ơn, cám ơn
Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta gục ngã
Cho ta trở về làm con thú trinh nguyên
Cho ta trở về làm em bé sơ sinh
Tràn đầy hạnh phúc
Để ta biết chắc một điều có thực
Tình yêu
Đã giúp ta tìm lại chính mình
Đã giúp ta vượt thoát!

Đỗ Hồng Ngọc
(Bệnh viện AB 12/1997)

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Vài đoạn hồi ký

Trò chuyện với Đỗ Hồng Ngọc: “Về Thu Xếp Lại…”

17/05/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

 

Hội quán Các Bà Mẹ (CBM)

Trò chuyện với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn: “Về Thu Xếp Lại…”

Ghi chú: Buổi Trò chuyện thân mật này (ngày 11.5.2019) đã được anh Vincent Ngo thu hình và đưa lên youtube, do vậy, tôi chỉ đưa thêm vài hình ảnh bên lề và chú thích lai rai để ‘bổ sung” thôi nhé.

Thân mến,

ĐHN

 

 

Vincent Ngo… đạo diễn!

Càphê khoai bắp, chuối… theo “truyền thống” trước khi chính thức “Trò chuyện”.
Nhạc sĩ Trần Văn Quang đang hướng dẫn cho ca sĩ…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vì là một buổi trò chuyện thân mật nên… chỉ mời một ít bè bạn gần gũi…

 

 

 

 

 

 

Tuy vậy, CBM cũng chu đáo, mời một MC duyên dáng mới ngoài 20 cho thêm phần sinh động…

 

 

Họa sĩ Lê Ký Thương, tác giả bức tranh bìa rất đẹp và nhiều ý nghĩa đã bị… “quay” khá kỹ! Đôi khi phải nhờ “quyền trợ giúp” từ phu nhân Cao Kim ngồi cạnh bên!

Nhà báo ca sĩ Ngân Hà hát tặng bài “Bốn mùa thay lá” của TCS.

Một bà mẹ đến từ Nha Trang với “Phôi Pha”…

 

và… Đỗ Hồng Ngọc của 20 năm về trước trên bãi biễn Lagi…

Phần 1:

 

 

Phấn 2 (tiếp theo)

 

Cảm ơn Vincent Ngo.

(Sg 21.5.2019)

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Ghi chép lang thang, Vài đoạn hồi ký

Thư, từ một người bạn không quen biết

08/04/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

 

Thư, từ một người bạn không quen biết

 

Ghi chú: Đi Nepal về, tôi nhận được một email của một người không quen biết, một bạn đồng nghiệp (cùng nghề Y) từ Mỹ, cô PV, pháp danh Tâm Danh ở Oklahoma.

Thư viết rất cảm động. Có vẻ đã lâu, cô không dùng tiếng Việt nên viết tiếng Viết lẫn tiếng Anh, dấu hỏi ngã thì be bét, nhưng có những từ ngữ sử dụng khiến tôi không khỏi giật mình. thí dụ tiếng Việt mình hay nói “Mừng hết lớn!” thì cô viết “Mừng.. hết già!”. Dĩ nhiên là một lối chơi chữ, chứng tỏ cái humurous rất độc đáo. Cô dùng từ “dharma… hiccup” (hiccup là nức cụt) cũng rất ngộ nghĩnh. Tôi xin phép cô cho chia sẻ với bè bạn thân quen nơi đây, cô đã đồng ý và dặn giấu giùm cái địa chỉ email thôi.

Một lần nữa, cảm ơn cô Tâm Danh.

Đỗ Hồng Ngọc.

……………………………………………………………………………

Email độc giả PV (USA)

PV <…@gmail.com>
Mar 12, 2019, 11:45 PM (15 hours ago)

to me

Kính thưa bác sỉ Đổ Hồng Ngọc,

Tôi tên là PV, pháp danh Tâm Danh , năm nay 67t , ở  tiểu bang Oklahoma hôm nay mạo muội  làm gan  ” nín thở”  bạo dạn  viết vài lời kính thăm bs . Do duyên lành cách đây hơn 1 tháng tôi ” khám phá ” các video của bs trên youtube.  Cái clip đầu tiên tôi coi là buổi nói chuyện của bs ở chùa Hoằng Pháp .
Thưa bs , tôi làm y tá ( Registered Nurse ) ở ICU  và PACU ( recovery room) hơn 30 năm  cho nên khi biết speaker là một bs  thì tôi rất tò mò lắng nghe và sau đó thì tôi bị ….hooked vô luôn !!!
Kính thưa  bs, tôi ở Mỹ 44 năm nhưng chỉ có 1lần  về nước VN cách đây trên 10 năm  chừng mười ngày để chủ đích là thăm cố Ni Sư Thích Nữ Trí Hải và tôi có duyên gặp được NS ( trước đó tôi hoàn toàn không biết NS….)
Sau đó NS viên tịch thì cái duyên của tôi với nước VN kể như là ….ngàn trùng xa cách !
Chính tôi không thể tưởng tượng được là ngày hôm nay tôi ngồi đây viết email để thăm, để connect với  một người ở bên VN mà tôi hoàn toàn không biết  ! Lành thay !
có lẻ luật vô thường nó works really well trong trường hợp nầy vậy !
Thua bs, tôi biết được email của bs là do coi cái clip GƯƠNG SÁNG KỲ 7 do chùa Giác ngộ tổ chức….trong đó có đề email của bs.
Hy vọng bs vẩn còn dùng cái email nầy ….
tuy tay tôi viết như thế nầy chứ trong tim rất hồi hộp vì không sure có tới tay bs hay không nên tôi không dám viết nhiều . Thật ra tôi cũng không nên dài dòng tán thán bs làm gì vì những lời đó bs đã nghe quá nhiều trong đời rồi, tôi có nói thêm cũng không hay bằng các chư vị đó đâu …Lòng ngưỡng mộ của tôi đối với bs, đối với universe nầy không thể nào diển tã bằng lời được .  tôi chỉ biết nói một cách rất simple , very simple là sau khi coi, nghe, thấy bs  qua  một số clips ở Youtube nó đã cũng cố đức tin tôi vào con đường bồ tát đạo, hành bồ tát hạnh mà xưa nay tôi chỉ biết qua phương diện mơ hồ ở bình diện của cái brain nhưng không lọt được xuống trái tim  .
Sự hiện diện physically và cuộc sống spiritually  của bs là bài kinh sống về bồ tát đạo. Một bài kinh rất dể hiểu, down to earth …không có gì rắc rối phải nặn óc suy nghỉ hoài cũng …không hiểu!
Khi tôi click vô chử send gởi thơ nầy  thì  tôi chỉ biết chấp tay cầu nguyện nó ” bay ” vào mắt bs  chứ tôi hoàn toàn không còn control được bất cứ một cái gì trong …pháp giới, nếu tôi  đây ” phước dầy nghiệp mỏng” thì tôi sẻ được bs hồi âm còn bằng không tôi cũng rất hoan hỷ là tôi đả gởi ra một grateful energy đi vào vủ trụ là tôi may mắn ” sống dai” để có duyên thấy nước VN quá còn may mắn có những bồ tát chịu khó  reincarnated độ đời  và tôi cũng biết thế nào là cái cảnh..” phàm thánh đồng cư ”  hay  nghe trong kinh ….
nguyện đem công đức viết thơ nầy hồi hướng về cho bs trường thọ , an vui tự tại trong hạnh nguyện dìu dắt tha nhân từ bóng tối ra ánh sáng.

Cuối đông

Kính thư
Tâm Danh

………………………………………………………………………………………………………….

 

Ngọc Đỗ
13.03.2019
2:47 PM (0 minutes ago)

Thân gởi Cô Tâm Danh

Tôi là Đỗ Hồng Ngọc đây. Tôi vừa đi Nepal thăm Lumbini – nơi Đức Phật đản sanh- về trưa hôm qua thì tối đã nhận được email này của cô Tâm Danh. Tôi rất vui và cảm động, có người đồng nghiệp ở nơi xa xôi mà gần gũi.

Tính về tuổi đời, thì tôi có lẽ hơn Cô một con giáp (?). Tôi sinh 1940. Vậy coi như anh em trong nhà thôi.

Tôi làm ở ICU bệnh viện Nhi đồng Saigon hơn 15 năm. Sau về làm Health Education-Promotion, giờ thì già, nghỉ việc.

Hiện có trang web www.dohongngoc.com của tôi, lúc nào cô rảnh rỗi vào coi cho vui.

Tôi cũng chỉ học Phật lõm bõm thôi. Có dịp trao đổi với Cô cũng rất hay vậy.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

………………………………………………………………………………………..

Fri, Mar 15, 12:10 AM
Bác sỉ Đỗ Hồng Ngọc kính mến,
Nhận được hồi âm của bs làm tôi thấy có một niềm vui dâng lên trong lòng. bs rất là từ bi , tuy mới đi hành hương về , giờ giấc chưa lấy lại thăng bằng vậy mà chịu khó viết ngay lại cho tôi.  Cám ơn bs nhiều lắm. BS đi thăm Lumbini có vui ( và mệt ) không vậy ? Ở cái tuổi 79 mà còn đầy đủ sức khoẻ  leo lên máy và  hội  đủ nhân duyên phúc đức đi về thăm  xứ Phật như vậy quả là bất khả bàn. Thấy  bs như vậy tôi đây phát nguyện cho chính cá nhân tôi và tất cả mọi người đều được  cái phước đằng vân chu du pháp hỷ an nhiên tự tại ở cái tuổi golden age như bs vậy .
Đúng như bs đoán  là bs hơn tôi 1 con giáp, tôi sanh 1952. Khi bs được 12t thì tôi mới tà tà ” đăng ký”  hội nhập cỏi human realm , vậy tôi tự hỏi trong vòng 12 năm đó  hay trước đó đó nửa thì tôi là ai ?  ở đâu ? và làm cái gì ?! Thắc mắc cho vui vậy thôi chứ cái đó không mấy quan trọng  với tôi lắm đâu vì dầu cho có biết được tôi là Ai trong quá khứ thì cũng không make được gì difference cho cái TÔI  hiện tại nầy, chỉ có cái …” tui ” trong present moment nầy, giờ phút nầy, trong cái physical body nầy mới đáng cần đáng chú ý và cần take good care nó mà thôi….
Hôm nay tôi có một chuyện rất interesting muốn share với bs: tôi không có coi youtube xưa nay (nhất là youtube nói tiếng VN) , tôi  RẤT YÊU thích đọc sách ( tiếng Anh). Sách vở là người bạn dể thương nhất.  ngoài ra tôi thich trồng hoa làm vườn, nó rất là relaxing and very zen ! cứ nhìn một bông hoa nở  rồi tàn ra từ một cái hột nhỏ xíu hay mùa xuân thấy hoa trổ ra từ cái củ nằm trong lòng đất nhiều năm làm cho tôi nghỉ đến quá trình sanh trụ dị diệt  hay sanh lảo bịnh tử mà mình thường nghe nói …..Tôi không coi phim bộ lê thê tình cảm như các người VN, tôi không nghe hay coi TV hay đài VN … ( nghe tới đây chắc bs lắc đầu chắc lưởi nói sao con nhỏ nầy nó ….mất gốc dữ vậy cà?) Tóm lại cuộc sống của tôi rất simple. Chổ tôi ở rất ít người VN …đi làm thì tiếp xúc với người Mỹ cho nên tiếng VN của tôi nó lung tung và bỏ dấu hỏi ngã sai be bét….
Tôi không có vô youtube nghe các thầy cô VN giảng vì tôi không hiểu các danh từ đặc sệt phiên âm từ tiếng phạn hay tiếng Tàu rất lạ ….., nghe rất là lùng bùng lổ tai  và cao xa bí mật  quá…., ngoài ra tôi củng không thấy nói là các giáo lý đó được đem ra áp dụng vào đời sống (daily life) như thế nào ? HOW?
Nghe bác sỉ nói :” có người đồng nghiệp ở nơi xa xôi mà gần gủi” làm cho tôi cám ơn sự rộng lượng cùa bs. Tôi chỉ là  hậu sanh , đáng hàng em út ….Về mặt thế gian pháp thì tôi và bs rất khác nhau: tuổi tác, kinh nghiệm, tài năng….( bác sỉ, thi sỉ, hoạ sỉ …) còn tôi đây biểu vẻ cái vòng tròn cũng …không được tròn cho mấy !!! Ngoài ra chưa kể nơi ” trụ xứ & y báo” của bs thì nó hoàn toàn khác biệt….On the scale from 1 to 10 thì bs ở mức 8, còn tôi thì chừng 3 là cùng …nhưng nhờ bs rất compassionate dơ tay cuối xuống nên tôi được encouraged  thoài mái viết thư cho bs mà không…” sợ”  hay bị mấy cái  ” multiple  Sỉ “… kia nó intimidate. Lần đầu nhìn bs nói ở chùa HP, tôi thấy bs là một người có thực chất an lạc hài hoà, rất humble và cũng có tánh rất là humorous. sau khi nghe hết buổi nói chuyện đó tôi có thể nói bs đã digest được những gì bs tìm học trong Phật pháp. Đa số biết rất nhiều về Phất pháp nhưng kẹt ở trong bình diện intelligence chứ không áp dụng hay pracice vào đời sống …( hay không biết áp dụng như thế nào ?!)… và đó là một hiện tượng gọi là…là…undigested dharma  hay là dharma bị….hiccup !  :-))
về phương diện spirituality thì tôi đây xin được xếp hàng lấy thẻ làm ….” đồng NGHIỆP”  ( same karma)  với  bs vì sự suy tư của tôi về đời và ĐẠO rất giống bs. Vì tôi luôn tự hỏi HOW? hay WHY?  ect….ect…..
xưa nay tôi không thấy có ai mấy quan tâm hay suy tư về đạo phật như tôi nên tôi rất là … “độc hành độc bộ ”  lang thang trong cái path nầy , cho đến cái ngày ….” nghiệp mòn phước  tăng”  ? thì đùng 1 cái …..chủng tử “bs Đỗ Hồng Ngọc”   trong Alaya thức hiện hành lên trên bình diện tâm thức của tôi !  WOW! WOW! như vậy là tôi được…” giải oan”. Tôi mừng ….” hết  già ” luôn . 🙂
Khi nghe bs kể lại kinh nghiệm sau khi ca mổ craniotomy để removed hematoma…, bs nằm trong phòng nhà thương nhìn ra cửa sổ thấy cái gì CŨNG KHÁC, CŨNG ĐẸP lạ lùng như chưa từng thấy bao giờ… sau đó tuộc xuống giường đi được thì thấy đó là MIRACLE…., nhìn cái đầu troc trong gương cũng thấy bs ….ĐẸP TRAI  quá xá , VUI quá xá…..và sau đó cái life của bs làm 1 phùa U TURN quay lại và turn on cái GPS đời mình .
Lúc nghe như vậy tôi ” khoái chí” mĩm cười nói bs ĐHN là “loai ngựa thứ nhất” mà trong kinh thường đưa ra làm ví dụ đây! Mới bị ông chủ “suffering” liếc nhẹ qua 1 cái là tự biết mình phải làm gì rồi chứ không phải như hàng ngựa thứ ba phải đợi  karma nó quất cho chảy máu rách da  thì mới bắt đầu nhất chân cất bước !
Tôi vô cùng thán phục và kính quý bs  rất lợi căn & phước báu .

Bác sỉ đã dùng chính những khó khăn trở ngại của đời bs làm cái ( spiritual )  PATH. bs đã taking the unfavorable circumstances như illness, loss và used it as a spiritual path , the path to nirvana, to pure land, to the great awakening… nhờ following that path mà ngày nay bs đã tìm được happiness – not from outside, but from inside !
Tóm lại, tôi là người ít dùng hay search internet… nay tôi quá ngạc nhiên tôi lại “chun vô youtube” một cách ngon lành ! Bs ít nhiều đã change cuộc sống trầm lặng boring của tôi!

Thưa bs, thơ quá dài và tôi nói lung tung len ten quá… nhưng không dùng ngôn từ thì làm sao bs biết được tôi nghỉ gì bên kia bờ Thái bình dương?
cuối thơ tôi chỉ biết chấp tay cám ơn tam bảo, đất trời đã bơm pure oxygen vào tâm tôi, đã truyền new blood vào tim tôi . Tôi chỉ biết mỉm cưởi bắc chước ngài Huệ Năng thốt lên 5 lần câu ĐÂU NGỜ…&  ĐÂU NGỜ….để kết thúc lá thơ nầy.
chúc bs mau lấy lại giờ giấc & sức khoẻ sau chuyến hành hương.

Thân kính
Tâm Danh

PS: cám ơn bs cho biết cái web, tôi có vào xem rất là hay

…………………………………………………………………………………..

 

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Nghĩ từ trái tim, Thư đi tin lại, Vài đoạn hồi ký

Trẻ mê vi tính, máy tính bảng: Không đáng lo!

24/01/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Trẻ mê vi tính, máy tính bảng: Không đáng lo!

Ghi chú: Gs Huỳnh Chiếu Đẳng thân quen của chúng ta với trang Quán Ven Đường rất thú vị vừa đưa thông tin về một nghiên cứu nghiêm túc của Oxford khuyên các bậc phụ huynh không phải quá lo khi con cháu mê vi tính, máy tính bảng… Dưới đây là bài viết trên QVĐ của GS HCĐ. Xin phép Gs HCĐ cho chia sẻ với bạn bè nơi đây.

Đa tạ,

ĐHN.

HCD: Tóm tắt nguyên bài báo: Không có gì ngạc nhiên khi nhiều phụ huynh ngày nay vô cùng lo lắng về thời gian dùng màn hình của trẻ con. (Trước đây) Một loạt các nghiên cứu, nhiều nghiên cứu do giáo sư tâm lý học của Đại học bang San Diego Jean Twenge dẫn đầu đã tuyên bố rằng việc nhìn chằm chằm vào màn hình đã dẫn đến mức độ đáng lo ngại, gây trầm cảm và “đau khổ” nói chung (general misery) ở những người trẻ tuổi. Nó có vẻ là sai.
Theo một nghiên cứu mới của Đại học Oxford khá nghiêm ngặt được công bố trên tạp chí Nature Human Behavior. Đại Học Oxford nghiên cứu chặt chẽ trên thống kê khoảng 350.000 người trẻ , các nhà khoa học Oxford đã đưa ra một kết luận khác đáng kinh ngạc: thời gian trên màn hình không gây hại cho trẻ em.

Theo bài viết (hấp dẫn) của Lydia Denworth trên tạp chí Khoa học Mỹ, phân tích mới, cẩn thận hơn cho thấy màn hình gần như không ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của trẻ em. Cell phone có làm cho trẻ em chán nản hơnkhông? Thưa không.
Có làm trẻ em tự tử nhiều hơn? Ích kỷ hơn? Bị cô lập hơn không?
Câu trả lời là không, không và không.
Đối với những người quan tâm và muốn hiểu biết sâu hơn về sự khác biệt giữa các phương pháp thống kê được sử dụng bởi nhóm nghiên cứu Oxford và những người nghiên cứu trước đây sử dụng, thì bài viết của Denworth cung cấp các chi tiết hấp dẫn. Nhưng đối với các bậc cha mẹ không thích mệt óc vì toán học, chuyện sẽ rất đơn giản: “theo kết quả nghiên cứu mới, phụ huynh có thể ngừng lo lắng về thời gian ngồi trước màn hình của con cái.”

Điều đó không có nghĩa là phụ huynh chỉ đưa cho con nhỏ cái iPad rồi an tâm lo chyện riêng. Nghiên cứu này cho thấy màn hình không thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em. Điều đó không có nghĩa là một thiếu niên cá lẻ nào đó sẽ không gặp vấn đề như bị màn hình thu hút (ám ảnh).

Nhưng tránh thời gian dùng màn hình quá mức không phải là quá khó. Denworth (người nghiên cứu) đã cho thấy sử dụng màn hình vừa phải – khoảng một đến hai giờ mỗi ngày vào các ngày trong tuần và nhiều hơn một chút vào cuối tuần là (về bản chất) không có hại.

Rút ngắn lại: cha mẹ nên chú ý đến trẻ con và đặt ra giới hạn hợp lý dựa trên tính cách và thói quen của chúng, nhưng không có lý do khoa học nào để phụ huynh phải mất ngủ vì con cái sử dụng máy cầm tay. Nếu bạn không sợ khoai tây, bạn cũng không nên quá lo lắng về con bạn dùng tablet, cell phone hay computer.
Các bạn đọc thấy khó hiểu thì nên đọc nguyên văn:

http://flip.it/l49._i
———-

 

Nhận xét cá nhân (của Gs HCĐ): Thấy có nhiều phụ huynh cho con chơi máy cầm tay thả cửa không giới hạn, đó là phương cách khỏi bị chúng làm phiền tốt nhất, đưa cho chúng cái cell phone hay tablet là được yên tỉnh ngay. Nhưng cũng có nhiều phụ huynh sợ con cháu chơi máy cầm tay, cấm tuyệt đối.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi thế nầy: Thằng cháu nội tôi ở với tơi từ khi nó lên 10 tháng (nó không ở nhà cha mẹ). Theo thời gian nó lớn lên dần nó cũng chơi tablet, rồi computer. (Có câu nói đùa: Ngày xưa trẻ con Mỹ sinh ra là biết lái xe ngay, ngày nay trẻ con sinh ra là biết xài tablet và computer chẳng cần ai dạy). Trước khi có những cuộc nghiên cứu về trẻ con và computer tablet cell phone , TV được thực hiện, xưa nay tôi chủ trương “vừa vừa phải phải” nên không cấm hẳn mà chỉ giới hạn thời gian cho cháu chơi máy cầm tay. Nay đọc những kết quả nghiên cứu mới nhất được công bố thấy là quyết định nầy đúng. Đúng là sao? Thưa là vì thấy kiến thức tổng quát của cháu hơn trẻ con trang lứa (hiện nó được 6 tuổi) không được đụng tới máy cầm tay. Sao biết là hơn?

Nói ra có thể có bạn cho là khoe cháu, thật sự thì có những chuyện nó biết nhiều hơn ông nội, hơn cha mẹ nó, và hơn cả thầy cô giáo nó. Có những chữ Anh nó dùng, những dữ kiện nó nói ra, cha mẹ nó và thầy cô giáo nó phải dùng Google search đọc thêm mới biết. Thí dụ bản đồ Mỹ, bản đồ thế giới, cờ, quốc thiều, quốc ca, những toà kiến trúc đặc biệt, của mỗi nước nó biết gần hết. Tôi tin là người lớn không nhớ nhiều như nó vì nó biết được độ lớn so với nhau, nằm tại đâu, tên gì (tháp Eiffel, tháp Đông Kinh cái nào cao hơn). Những bộ phận trong cơ thể con người nó nói tên chính xác, đồ vật gặp hàng ngày, xe cộ chạy ngoài đường, trái cây, rau cỏ… mọi thứ nó biết tên mỗi loại xe nhiều hơn ông nội lý do là nó xem trong tablet tên mỗi thứ bằng hình.

Những thứ đại loại như vậy không ai dạy nó hết, mà cũng không cần thiết cho nó hiện giờ nữa. Cha mẹ nó bận đi làm, thầy cô đâu dạy kiến thức khi nó dưới năm sáu tuổi, thế mà các tên các hành tinh, độ lớn so với nhau, toán, vật lý, hoá học, món ăn tên gì có hại hay lợi cho sức khoẻ… nó biết khá nhiều. Nó học lời đối thoại, học cách chào hỏi, học câu nói lịch sự, học vệ sinh… từ TV, từ Youtube. Tôi nghĩ là nếu không cho trẻ con chơi máy cầm tay, không cho xem TV thì chúng nó không học được những kiến thức vừa kể. Tablet, TV có chữ đi kèm hình cử động nên trẻ con học rất dễ hiểu hơn là người lớn dạy. Không riêng chi cháu tôi, thấy trong Youtube cũng thấy nhiểu đứa trẻ nhờ máy cầm tay mà biết nhiều như nó.

Tuy nhiên theo tôi phụ huynh nên cẩn thận để ý mấy thứ:
1. Không cho chơi máy cả ngày, trẻ con cần chơi ngoài trời hay những món đồ chơi khác nữa.

2. Không có đặt máy quá gần mắt. Không cho chơi cell phone, lý do là quá nhỏ nó phải để gần mắt mới thấy rõ. Computer và TV là hay nhất. Với tablet lúc nó nhỏ tôi làm cái khung gổ không cho nó kéo lại gần mắt.

3. Lâu lâu canh chừng đừng cho trẻ em xem những thứ có hại như games hay video đánh nhau, bắn nhau. Chương trình dạy trẻ con mọi lứa tuổi trên TV rất hay. Trước đây tôi download các video nầy bỏ vào hard disk để chiếu trên TV, nhiều năm nay thì cháu tôi tự tìm Youtube trong tablet hay TV.

HCĐ

(24.1.2019)

 

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Thầy thuốc và bệnh nhân

  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 8
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Hội quán Các Bà Mẹ: Giao lưu với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn “Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật”

Dương Mình Trí: cảm nghĩ nhân đọc “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật”

Đỗ Hồng Ngọc với “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật”

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Mấy ngày Tết
  • Nguyên Giác: Mẹ dạy con ngồi như núi
  • Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần
  • Thích Phước An: GIÓ BẤC CUỐI NĂM

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Hai Lấp Vò trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • đỗ xuân đạm trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Độc giả trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Bản nhạc Mũi Né
  • Thạch trong Bản nhạc Mũi Né
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “ÁO XƯA DÙ NHÀU…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).
  • PN trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email