Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)

23/02/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

TẠP GHI (kỳ 2)

(Lõm bõm)

 

Hơi thở

Tại sao phải thở? Thở ở đâu ra? Của ta chăng? Là ta chăng? Không. Nó ở ngoài ta. Nó tự động. Không khí, thứ ta hít thở đó ở đâu không biết, không thấy. Ngoài không gian, bao quanh Trái đất, gồm Oxgen, Nitrogen…. và một số khí hiếm. Nó tự động ùa vào phổi ta. Lý do: khi áp suất phổi âm (-) nó ùa vào, lấp đầy, rồi khi phổi đầy, áp suất dương (+) nó lại ùa ra. Nó cóc cần ta. Ta muốn hay không muốn thở nó cũng kệ. Nó cứ phình ra xẹp vào tự động vậy. Chỉ khi nào “lập trình” đã được thực hiện xong, nó… bèn từ giả, cuốn gói lên đường. Nhưng ta cần nó để sống. Thiếu nó, không có nó, chừng 4-5’ ta chết ngắt. Nhưng hồi ở trong bụng mẹ, ta sống mà chẳng cần nó. Mẹ cho ta dưỡng chất sẵn để lớn nhanh như thổi. Vậy phải chăng có thể sống mà không cần hơi thở như ở trong “bào thai Như Lai”? Có loại sinh vật (vi khuẩn kỵ khí, yếm khí chẳng hạn) sống không cần O2. Cây cỏ (thực vật) cũng không cần Oxy mà cần CO2. Có loài như vi khuẩn Clostridium khi môi trường thiếu Oxy thì nó gom tụ lại, vỏ bọc dày lên… “chịu đựng”, chờ khi có đủ Oxy lại sống lại như xưa! Cái đó gọi là “bào tử” (spore). Phải chăng các thiền sư vào Samadhi thì “sống” với trạng thái bào tử, thân thể họ không bị hủy diệt, không bị Oxyt hóa? Người ta có thể sống như… đang ở trong bụng mẹ không? Không bị Oxyt hóa thì không bị hủy hoại?

Có hai điều chú ý về sinh học: 1. Cơ hoành là cơ chính của hô hấp. Hít thở bằng cơ hoành là thở bụng, một phương pháp rất tốt để chữa lành thân và tâm. 2. Trung khu hô hấp nằm ở hành tủy, bên dưới vỏ não. Phật dạy Anapanasati (Quán niệm hơi thở, An-ban thủ ý, Nhập tức xuất tức niệm) chính là một cách giải phóng vỏ não.

 

Thấy “như thật”

Thấy như thật là thấy cái ly là cái ly, cái chén là cái chén… Nhưng “thấy như thật” cũng lại là thấy cái ly không phải là cái ly, cái chén không phải là cái chén. “Tức phi/ thị danh” thôi – vậy mà không phải vậy, chỉ là “giả danh”. Vì cái tướng, cái danh là giả, cho nên phải thấy được “thực tướng” (vô tướng). Thực tướng là Không, là duyên sinh, là không có tự tánh riêng biệt. Chẳng qua do cái tâm ta gán cho nó, vẻ vời cho nó. “Biến kế sở chấp” là sự tưởng tượng của ta vốn vô cùng phong phú, dẫn tới cái tưởng sai lầm. “Y tha khởi” dẫn tới cái ý sai lầm vì cái danh, cái tên gọi nào đó, khiến ta tưởng thiệt, bị dụ, lầm chết. Cho nên “thấy như thực” phải có Chánh trí. Vượt ra. Vượt lên. Có chánh trí thì thấy Như như, thấy như thực. Nhưng như thực không phải chỉ là không, không gì hết. Thấy như thật là thấy nó là nó, không bị thành kiến ngăn che, không bị cái ngã của ta can thiệp, “phân biệt” nọ kia để rồi đấu đá, tranh giành. Thấy như thực còn có nghĩa là thấy trong một tiến trình sinh-trụ-dị-diệt, thành-trụ-hoại-không, cái “giả/tạm”.

Nhưng, Chân Không mà Diệu Hữu.

Đừng quên.

 

Cái thấy cái nghe

Cái thấy chỉ là … cái thấy.

Cái nghe chỉ là… cái nghe.

Trơ trụi vậy thôi. Không cần gì khác nữa.

Nghĩa là không có “cái ta” trong đó. Khi có cái ta (Ngã) trong đó thì tức khắc mọi sự sẽ sinh chuyện. “Ta” thấy, ta nghe thì… khác với “nó” thấy nó nghe…! Mười người trăm ý. Bắt đầu chí chóe. Thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Cung tên, giáo mác, hỏa tiển… hạt nhân từ đó.

Trả cái thấy cái nghe về chính nó, cái sự thấy sự nghe trung tính đó.

Khi cái thấy cái nghe, sự thấy sự nghe trần trụi, được lột hết các lớp vỏ ý niệm khái niệm bọc nhiều tầng lớp quanh nó, nó sẽ tự sáng lên.

Bắt đầu thấy tánh. Tánh nghe. Tánh thấy. Phật đánh một tiếng chuông, hỏi nghe không? Dạ có nghe. Lúc sau, chuông im tiếng. Hỏi nghe không? Dạ không nghe. Lại đánh tiếng chuông lần nữa. Nghe không? Dạ có nghe. Phật cười: Tôi hỏi quý vị có “nghe” không chớ đâu hỏi “có nghe tiếng chuông” không? Lúc không có tiếng chuông các vị vẫn nghe “cái không nghe” đó chớ.

Nói khác đi, cái “tánh nghe” vẫn không… sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt. Còn nếu chỉ chăm chăm lo nghe tiếng chuông thì sẽ khen hay quá, tuyệt quá, linh thiêng quá… (và ngược lại). Ý nghĩ trong đầu mỗi người mà được AI phát ra tiếng thì… sẽ có một cuộc đấu đá tưng bừng!

Vô ngã là Niết bàn ư? Thực ra cái thấy vẫn là cái ta thấy. Cái nghe vẫn là cái ta nghe. Vấn đề là ta không còn dính mắc, không còn tham ái, chấp thủ. Núi vẫn là núi, sông vẫn là sông đó thôi, dù sau 30 năm tu tập!

Khi Phật giơ cành hoa sen lên, mọi người sẽ phân tích tìm hiểu ý nghĩa của cành hoa sen và của sự giơ lên đó của Phật với bao nhiêu là “biến kế sở chấp” bao nhiêu là “y tha khởi”… trong khi chỉ có một mình Ngài Cadiếp tủm tỉm cười. Thấy rồi. Nó vậy đó. Phật trao ngay “y bát” cho Cadiếp.

 

Đỗ Hồng Ngọc

23.2.2021

(còn tiếp)

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Lõm bõm học Phật, Phật học & Đời sống

TẠP GHI (Lõm Bõm)

21/02/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Tạp Ghi

(Lõm bõm)

Tới tuổi 80 tôi mới thấy mình già thiệt. Trước đó chỉ là già giả. Giả bộ già.

Dấu hiệu đầu tiên (triệu chứng) của già thiệt là Quên. Quên khủng khiếp. Quên kỳ cục.

Dấu hiệu đầu tiên của Già thiệt là Nhớ. Nhớ khủng khiếp. Nhớ kỳ cục.

Cho nên, tôi nghĩ phải ghi chép lõm bõm, lai rai một chút những bấy nay ngẫm nghĩ, học hành về Phật pháp cho chính mình, và nếu có thể thì chia sẻ cùng bè bạn thân thiết.

Vậy nha,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

Chúng sanh

Một vị Bồ Tát có lời nguyền: “Ngày nào còn một chúng sanh tôi nguyện không thành Phật?”

Vậy chẳng lẽ ông chế bom khinh khí, bom nguyên tử, bom vi trùng… tiêu diệt hết mọi loài để chỉ còn một mình mình trên thế gian này ư?

Vấn đề do đó phải hiểu “chúng sanh” là gì? “Chúng” là nhiều, “sanh” là sanh ra.

Cái gì do nhiều yếu tố (chúng) duyên hợp với nhau mà thành (sanh) thì gọi là… “chúng sanh”. Bản thân ta do ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) thì đó là một… chúng sanh.

Nhưng những ý tưởng trong đầu não ta cũng là những chúng sanh. Một niệm khởi lên là một chúng sanh. Ta bị cuốn hút vào đó, “phan duyên” mải miết không dừng được, không thoát được. Cho nên “Diệt độ chúng sanh” là khi không còn khởi niệm. “Vô niệm”.

Ta mất ngủ, ta lo lắng, ta âu sầu, dằn vặt… khổ đau vì trăm mối tơ vò, là bởi “chúng” “sanh” ra nhiều quá đó!

Phải chăng thực hiện được lời nguyền dễ thương này của vị Bồ Tát thì sẽ được ngủ yên, bớt lo lắng, trầm cảm… vì không còn “chúng sanh” nào cựa quậy trong tâm ta nữa. Chẳng cũng khoái ru?

 

Bố thí thân mạng

“Bố thí thân mạng mỗi ngày nhiều như cát sông Hằng” được không?

Được. Nhưng thân mạng đâu mà nhiều thế?

Bố thí là xả, buông. Mỗi hơi thở vào ra của ta là một kiếp sống. Một “thân mạng”.

Mà ta có cả 3 “thân”: Báo thân, Ứng thân và Pháp thân.

Báo thân là cái thân xác của ta, hình thành từ muôn ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào vốn là một sinh vật, cũng ăn cũng thở, cũng tạo năng lượng để sinh tồn, hoạt động, cũng tự hủy diệt và thay mới. Ta không muốn thay cũng không được. Nó quá date, nó hết xài, nó tự thay.

Ứng thân thì tùy cơ ứng biến, như tôn hành giả nhổ sợi lông thổi phù một cái ra trăm ngàn tôn hành giả múa may quay cuồng.

Pháp thân thì… thực chất là năng lượng, không chỉ là sóng là hạt…, mà phải vượt qua bờ bên kia (gate, gate, paragate…) để thấy “bổn lai vô nhất vật”…

Chừng ấy “thân mạng” không nhiều như cát sông Hằng ư?

Chỉ trong chánh định (samadhi) mới thấy cái sự bố thí, buông xả mênh mông đó.

 

Diệt tận định

“Diệt thọ tưởng định” còn gọi là “Diệt tận định” (cửu thiền, thiền thú 9) là một thứ định có thể “diệt tận” cái Thọ và cái Tưởng. Sao phải vậy? Vì cái thọ, cái tưởng làm ta khổ. Muốn “diệt khổ”  thì phải diệt cho hết cái thọ cái tưởng đó.

Thọ và Tưởng là hai yếu tố của ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hợp lại thành thân và tâm ta.

Không còn thọ tưởng thì cũng không còn hành thức.

Chỉ còn Sắc, Vairocana (Đại Nhật Như Lai).

Trong “Tứ niệm xứ”: Thân thọ tâm pháp thì Thân sinh thọ mà Tâm sinh pháp (tưởng).

Diệt thọ tưởng định là thiền thứ chín (cửu thiền), vượt qua tám thứ thiền sắc và  vô sắc giới.

Từ tứ thiền “xả niệm thanh tịnh” thì có thể đi thẳng vào Diệt tận định. Vì “phi tưởng phi phi tưởng” vẫn còn có tưởng. Diệt thọ tưởng định coi như “đã hết”, chỉ còn hơi thở như sợi chỉ mong manh hoặc gần như ngưng hẳn. Cơ thể quen dần sống trong tình trạng yếm khí (thiếu Oxygen), trở thành một “bào tử”.

 

Phật pháp

Pháp không phải do Phật làm ra, dù gọi là Phật pháp, hay như thường nói “Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp” (Tất cả các pháp đều là pháp Phật).

Pháp có sẵn đó. Không có Phật thì cũng có pháp. Nó vậy đó. Nhưng ta mờ mịt không nhận ra.  Phật nhờ có cái “Thấy Biết” (tri kiến Phật) nên được giải thoát, không còn khổ đau và Phật chỉ dạy lại ta con đường (Đạo) giải thoát đó!

Là sao? Là Phật thấy mọi sự vật hiện tượng không phải như cái trình hiện của nó vậy. Cái trình hiện kia chỉ là “giả tạm”. Giả và Tạm. Nó không thiệt. Bởi nó do nhiều thứ hợp lại mà thành. Nó có đó mà không phải có đó. Nói khác đi, nó chỉ là cái “tướng” giả (giả tướng)- chớ không phải thực tướng. Thực tường thì… “vô tướng”.

Vì biết là giả nên nó ra sao kệ nó. Việc gì ta phải buồn lo, sợ hãi. Chẳng những giả, nó còn là “tạm”, nó thay đổi không ngừng. Sanh trụ dị diệt. Không có lúc nào đứng yên. Hãy đợi đấy. Nó sẽ diễn biến, sẽ tiêu vong, như đã lập trình sẵn. Thấy như vậy, Biết như vậy mới gọi là cái thấy biết “như thật” thấy biết chân chánh. Mọi thứ do duyên khởi, duyên sinh.

Chẳng phải lỗi ta, chẳng phải vì ta, cớ sao còn vật vả khổ đau?

Đỗ Hồng Ngọc

21.2.2021

(còn tiếp)

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim, Phật học & Đời sống

Nguyễn Xuân Thiệp: VỴ ƠI…

19/02/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thursday, February 18, 2021

VỴ ƠI…

nguyễnxuânthiệp
vỵ ơi
đã nhận được quán văn tôi gởi
tới đâu rồi
hãy là cánh bướm
bay trên đóa tường vy
tôi tặng bạn đó
bông tường vy mà tôi yêu quý
thôi gặp đức bồ đề đạt ma nhé
và nhìn chiếc hài cỏ
treo trên vầng trăng
tôi khóc bạn
như ngày nào tôi khóc đinh cường
NXT
Ngày bạn bè thăm Vỵ ở nursing home

Nguyễn Xuân Thiệp: Phovanblog.blogspot

……………………………………………………………………………….

 

Tiễn Bạn Hiền Nguyễn Lương Vỵ

Nguyễn Thị Khánh Minh

 

Nhạc trầm âm thấm buốt xương da
Không một ai thấy ta vừa chết…*

Anh nói
Tui một đời chỉ học tu thơ
Tim ban sơ nuôi hoài ánh lửa
Soi đêm đài. Điểm mặt ngu ngơ

Một bóng anh đi. Dặm trường con chữ
Từ hòn đất nâu. Bụi ớt quê nhà
Cánh chuồn mỏng kêu mưa. Trời cố xứ

Nơi khấp khểnh chân ra vào của mẹ
Chiều bên thềm. Xiên nắng quái trên vai
Hỏi, thằng Vỵ sao lâu rồi không thấy…

Anh hẹn
Nhất định tui phải về bên mẹ
Áo sờn vai hai bóng một vuông chiều
Như chưa từng, thưa mẹ! Biết bao nhiêu

Biết bao nhiêu! Trả lại đời hư ảo
Chiều mênh mông nghe sương khói mênh mông
Anh bay bổng. Con lần theo nếp áo…

Biết bao nhiêu! Hạt sương rung đầu cỏ
Một chấm ngàn thu. Người đi kẻ ở
Vô tận xa. Ơi vô tận hẹn về

Buổi tàn đông trời cuồng gió nổi
Lạnh nhân gian tung bao nhịp nối
Thôi xưa sau. Quên nhớ. Bước qua cầu

Thẫn thờ đêm sâu. Cong dấu hỏi
Ngẩn ngơ hạt lệ. Dấu than gầy!
Ly biệt ly tan đùa nhau vậy

Ngàn sương dấu hỏi dấu than bay…

Nguyễn thị khánh minh
Santa Ana, 18.2.2021

* Những chữ xiên là thơ Nguyễn Lương Vỵ

…………………………………………………………………………

 

GƯƠM BÁU

Nguyễn Lương Vỵ

 

Đỗ Hồng Ngọc & Nguyễn Lương Vỵ


Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ coi ngầu vậy mà rất dễ thương, nhỏ hơn mình cả một con… giáp. Hẹn gặp để tặng mình tập thơ dày cộp 700 trang mới in của anh: Tuyển tập THƠ bốn mươi lăm năm (1969-2014). Thơ anh nhiều nét mới, đượm thiền. Tập thơ có nhiều nhận định của những người quen: Bùi Giáng, Cung Tích Biền, Du Tử Lê, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Thị Khánh Minh, Trịnh Y Thư, Võ Chân Cửu, Hồ Ngạc Ngữ…
Mình lại đưa Vỵ đến cái quán quen, từng ngồi cafe với Tùng Duyên, Nguyệt Mai dạo nào.

 

(https://www.dohongngoc.com/web/lom-bom-hoc-phat/guom-bau-trao-tay-viet-ve-kim-cang/tho-nguyen-luong-vy-guom-bau/)

GƯƠM BÁU

Nguyễn Lương Vỵ

Tặng Bs Đỗ Hồng Ngọc
Nhân đọc “Gươm Báu Trao Tay”

A! Gươm báu Kim Cang
Bát Nhã Ba La Mật
Tâm kinh hiện tánh Phật
Thấu Ngũ Uẩn Giai Không
Sương trong vắt mênh mông
Tuyết đỏ ngời diệu nghĩa
Hạt bụi trùm thiên địa
Giây phút hóa thiên thu

A! Ưng Vô Sở Trụ… (*)
Vạn pháp nụ sen cười
Phương Ý vẹn mười mươi
Tròn vành trăng thinh lặng
Chớp âm trên đỉnh nắng
Rền vang trong tịch liêu
Chiếc lá rụng trong chiều
Núi ngồi nghe đá hát

A! Quay về chơn tâm
Chuông đưa xanh linh ngữ
Bái vọng mây thiền tự
Tri ân tuệ nhãn kinh
Vượt lên bóng với hình
Như nhiên liền sáng tỏ
Đất trời trong lá cỏ
Đáy hồ reo thiên cao…

NLV
05.2015
(*)Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (Ở cái nơi chẳng trụ vào đâu cả mà sanh tâm).
Trích từ kinh Kim Cang.

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Phật học & Đời sống

Truyện Phan Tấn Hải: QUÊN NHAU LÀ CHUYỆN KHÓ

12/02/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Quên nhau là chuyện khó

Truyện ngắn Phan Tấn Hải

 

Lần đó gặp lại cũng lạ. Có vẻ như những gì gặp gỡ và chia tay đều là tiền định. Lúc đó là khoảng năm 1999, hay 2000; nhiều người lên cơn sốt thiên niên kỷ gì đó, kiểu như sắp tận thế hay trời long đất lở gì đó. Tôi dự buổi thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở thành phố Pasadena, thuộc quận Los Angeles, và gặp lại cô nàng.
Nói cho đúng, chính cô nàng gặp lại tôi, vì trong đám đông nhiều ngàn người lúc rời hội trường, Mai đã gọi tên tôi và đưa tay lên thật cao để vẫy, ra dấu. Cũng lạ, làm thế nào sau nhiều thập niên xa nhau, tưởng như biệt tăm và cách mấy bờ đại dương, người ta lại có thể nhận ra nhau trong một đám đông nhiều ngàn người.
Tôi không nghĩ ra nổi; sau đó, tôi thú thật với cô nàng rằng tôi không thể nhận ra nàng trong đám đông như thế, tuy rằng nàng rất là độc đáo. Lúc đó, tôi nói với Mai, độc đáo nghĩa là em đẹp tuyệt vời, chỉ nhìn em thế này, anh quên hết những lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma mới nói hai tiếng đồng hồ vừa qua.
Từ Pháp hội Pasadena tới khi tôi viết những dòng này cũng đã mười mấy năm rồi, nhưng hình ảnh nàng vẫn đôi khi thoang thoảng hiện trong mơ, trong trí nhớ tôi mơ hồ như khói, phả lên một cặp môi son không đầy đặn, và đôi mắt nàng đầy các nỗi xao xuyến về cuộc đời. Cặp môi son và đôi mắt. Vâng, đúng vậy. Sau này tôi nghĩ, trong phim cũng không thể đẹp như hình ảnh tôi nhìn nàng sau Pháp hội đó.
Tôi lúc đó nói, có lẽ vì hôm đó tôi mặc một chiếc áo cũ kỹ, như dường sờn vai và khuỷu tay, nên dễ được nhận ra giữa những người chung quanh hầu hết mặc thứ trang phục để chụp hình – cần nói rằng, thời điểm đó, không có nhiều buổi thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Những năm đó, Internet còn thô sơ, chậm rì, không nhiều trang mạng, cho nên tới dự thuyết pháp của Ngài cũng là cơ hội để viết những bản tin riêng.
Mai nhìn vào mắt tôi. Lúc đó, hai đứa rủ nhau vào một tiệm kem nơi lối ra phố chính Pasadena. Tôi nhận ra những nếp nhăn bên viền mắt nàng. Mai nói, trời ạ, anh phải biết rằng Mai ngó anh là nhận ra liền chứ, cho dù có đứng thật xa, có đứng nhìn anh xuyên qua trăm sông nghìn núi. Sau này, tôi chôm bốn chữ này của nàng, đưa vào thơ, chỉ làm cho khác một chút. Nhưng tôi biết, không thể đưa đôi mắt và cặp môi son này vào thơ nổi; có lần tôi nói, nếu đưa hình ảnh của em vào thơ được, chữ tới một lúc nào đó sẽ ngún lửa và thiêu rụi các tiệm sách. Xong rồi, tôi nói, giỡn mà.
Tôi thích kiểu nói “trăm sông nghìn núi” của nàng, kiểu chữ “nghìn” thay vì chữ “ngàn,” cho dù hai đứa đều sinh ra ở Sài Gòn. Giọng Bắc của cô nàng không đổi, nhưng tôi biết, giọng Sài Gòn của tôi là pha đủ thứ rồi.
Từ lâu rồi, tôi không thể nhìn xa, đúng ra là đã tập thói quen là không bao giờ bận tâm tới những chuyện chung quanh ở ngoài sự chú tâm của mình. Gọi đó là thiền cũng được; hay chỉ nên gọi đơn giản là thấy nghe hay biết cái quanh mình, và chỉ để ý trong một tầm nhìn rất ngắn thôi, và chỉ nghe cái gì cần nghe thôi. Ngoài ra là chẳng bận tâm làm chi, vì cuộc đời có đủ thứ chuyện, hơi đâu mà nghĩ ngợi, dòm ngó, nghe ngóng chuyện khác cho mệt.

*

Đó cũng là lần đầu tiên tôi lên Pasadena, cách nơi tôi ở khoảng một giờ đồng hồ lái xe. Nhưng chuyện phải đi thì đi; thêm nữa, có tấm vé tham dự đặc biệt từ một người đàn chị trong nghề báo tặng, bảo phải tham dự rồi về viết bài tường thuật buổi thuyết pháp của vị lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng. Có vẻ như ai cũng mong đợi rằng tôi phải viết cái gì cho tử tế.
Tôi kể cho Mai nghe chuyện tôi có tấm vé mời đặc biệt, từ người đàn chị cũng là một học trò siêng năng của ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng ở Long Beach. Thế là có cơ duyên gặp lại Mai. Cô nàng mặc váy xanh, phủ dài tới qua đầu gối. Tôi nghĩ thầm, thế là già hết rồi; hình ảnh của tôi về Mai trước đó là áo dài trắng học trò, đi xe đạp.
Tôi nói trong khi chồm người qua nửa cái bàn mặt kính của tiệm Dairy Queen, trên đó có sơn đủ thứ hình gì đó để hấp dẫn bọn con nít, như dường nói thầm với nàng rằng người ta mong đợi anh phải viết cái gì cho tử tế đấy, hay là anh làm thơ tặng Mai nhé.
Cô nàng cười, lộ một chút răng khểnh ra, nói lái xe từ San Diego lên Pasadena, nghe anh nói một câu như thế là bay biến hết mệt nhọc rồi.
Tôi nói, Mai đã phạm một điều không nên trong Pháp hội này của ngài Đạt Lai Lạt Ma.
Cô nàng chau môi lại, như dường suy nghĩ, và nói là dự Pháp hội với tâm mình thành kính là tốt rồi, mà có gì là không nên đâu.
Tôi nói, có chớ. Đi dự Pháp hội, mà tô môi son là không nên nhé. Nói xong, tôi nghiêng người ra khỏi bàn, ngó cặp chân của nàng rồi nói thêm, để xem Mai mang giày cao gót cỡ nào, xin nhớ rằng ngày xưa Đức Phật cấm ngồi, cấm nằm giường cao, nghĩa bây giờ là cấm mang giày cao gót nhé. Thực ra, hễ nghĩ tới Mai, tôi vẫn tự nhiên nhớ mơ hồ rằng hồi nhỏ, từ khi còn rất nhỏ, nàng đã ưa đi chân trần. Ngó bàn chân trần của cô bé nhảy cò cò ngoài sân cát là hay chớ. Sau này, tôi cứ lo mãi, hình ảnh đẹp của đời này tràn ngập trong trí nhớ của mình, làm sao tu giải thoát nổi.
Nàng cười. Như dường chưa có ai nói chuyện Đức Phật cấm các cô mang giày cao gót.
Tôi nói thêm, bước ra Pháp hội, không chịu suy nghĩ về lời dạy của Ngài, lại cứ ngó chung quanh để thấy là có một người bạn xưa này. Cũng hỏng nhé.
Nàng nói, Mai biết chắc là anh sẽ tới đây.
Lòng tôi vui kể gì. Thực ra, lúc mới đầu tới là thấy trở ngại rồi. Khi xếp hàng tới lúc vào cổng vào hội trường, nhân viên nơi đây bắt phải gửi máy ảnh, vì không cho ai mang máy ảnh vào hội trường. Hẳn là cảnh sát Mỹ sợ mấy anh gián điệp Hoa Lục ám sát ngài Đạt Lai Lạt Ma, tôi đoán thế. Tôi gửi máy ảnh vào một phòng đặc biệt ngoài hội trường. Sau Pháp hội, mới được lấy máy ảnh ra.
Thời đó, cũng cần nói rằng, chưa hề có smartphone gì cả, cho nên mọi thứ bấy giờ đều đơn giản như cổ tích. Đúng vậy, chuyện y hệt như cổ tích: hình ảnh cô nàng ngồi với tôi trong một tiệm kem ở Pasadena, vào buổi chiều vừa nghe Pháp từ ngài Đạt Lai Lạt Ma. Tôi nghĩ, chỉ thiếu lá vàng rơi thôi, là thành một cuốn phim lãng mạn.
Tôi hỏi chuyện đời riêng. Mai nói rằng nàng bây giờ độc thân, vì cuộc hôn nhân đầu tiên đã tan vỡ, khi chưa kịp có con, vì tính tình dị biệt quá.
Tôi nói, tôi là một nhà báo độc thân, vì tính cũng dị thường, chẳng gần ai được. Tuy nói thế, nhưng trong đầu tôi mơ hồ nghĩ là, phải chi nàng về với tôi cho tới ngày cùng nhau rời cõi trần gian này. Nhung rồi tôi tự cười mình, sao nghĩ mãi linh tinh.
Tôi chợt thấy một sợi tóc bạc bên viền tai bên trái của nàng. Tóc nàng cắt ngắn, nên đâu có giấu nổi. Hóa ra, hai đứa đều vào tuổi ngũ thập cả rồi. Tôi thảng thốt muốn nói lên, rằng ngũ thập tri thiên mệnh rồi đấy, nhưng lại thôi.

*

Vâng, phải kể cho câu chuyện có đầu đuôi một chút.
Mai kém tôi một tuổi. Hai đứa ở cùng xóm, nơi đầu cổng đề-pô đường Nguyễn Thông. Ba tôi và ba của nàng cùng làm cho Sở Hỏa Xa. Ba tôi là trưởng tàu, nên đi theo xe lửa gần như hàng ngày. Còn ba của Mai làm gì đó ở ngay nơi ga Hòa Hưng, nơi có nhiều đầu máy xe lửa đậu lại, có lẽ để sửa chữa hay nghỉ ngơi, nhiều bãi đất trống với cỏ tranh mọc lưa thưa.
Trong trí nhớ ngổn ngang của tôi, vẫn là hình ảnh những cột gỗ dài và những đà sắt nằm nhiều nơi trong khu đất rộng thênh thang, từ cổng đề-pô Nguyễn Thông chạy suốt tới ga Hòa Hưng, rồi tới khu để đầu máy xe lửa bên kia lối ra đường Lê Văn Duyệt, đường này bây giờ đổi tên rồi.
Bình thường đi học về, bọn nhóc cả xóm chúng tôi đi bộ từ ga Hòa Hưng băng đi xuyên qua các ngõ hẻm trong xóm để tới rạp hát Thanh Vân, rồi từ đây băng qua đường là tới trường tiểu học Chí Hòa. Bọn con gái ưa đi riêng với nhau, con trai cũng thế. Đó là một thời đi bộ mệt nghỉ, mang cặp, chứ chưa có kiểu ba-lô như bọn trẻ bây giờ.
Nhà tôi kế bên nhà Mai. Ba của Mai lần đó vắng mặt nhiều ngày, và trông Mai và mẹ rất là lo lắng. Ba tôi nói nhỏ với má tôi, tình cờ tôi nghe được, rằng cảnh sát bắt ông Côn, ba của Mai, vì nghi ngờ là ông rời bỏ Việt Minh nhưng vẫn bí mật hoạt động cho miền Bắc, nên giữ để điều tra. Đó là thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vài tháng sau, ba của Mai được cho về đời thường, nhưng không làm việc ở ngành xe lửa nữa.
Mỗi buổi trưa đi học về, tôi đi ngang nhà Mai, lại thấy bác Côn ngồi nơi chiếc ghế, loại ghế lắc lư, chờ Mai. Lần nào cũng thế, tôi khoanh tay chào bác Côn, rồi mới băng qua để về nhà. Bác chỉ gật đầu trầm ngâm, tay lúc nào cũng không rời điếu thuốc lá Jade, phà khói liên tục; nhả khói ra cả mũi và miệng. Tóc bác hớt ngắn, hoa râm rồi. Tay bác gân guốc, trong khi điếu thuốc cầm ngắn ngủn làm lộ hẳn bàn tay quá khổ.
Phải nói rằng tôi lúc nào từ trường về nhà cũng đi nhanh, không có chuyện đi về tà tà như Mai và bọn con gái, cũng không kiểu la cà qua các xóm như bọn con trai khác. Bởi vì, tôi mê đọc kinh khủng, và má tôi tôi một tủ sách đủ thứ, từ Phong Thần, Tam Quốc Chí… cho tới Tự Lực Văn Đoàn. Lại nữa, vì ba tôi thường đi theo xe lửa, nên má tôi không muốn tôi đi học về trễ, cứ cho tôi đọc sách thoải mái; thường là má nói, có bài gì ở trường thì làm trước đi, rồi sau đó là bỏ mặc cho tôi ngồi với những cuốn sách trên gác. Do vậy, ngay từ thời lớp ba, lớp tư… tôi đã mang tiếng là khù khờ, vì không ưa la cà, hễ rời trường là thẳng một mạch về nhà.

*

Tôi cũng có một bí mật, nhưng không kể cho Mai biết làm chi. Những ngày cuối tuần, cô bé phải ra sân xi-măng phía sau nhà để giặt đồ, nấu cơm… Thời đó, con gái đã phải làm chuyện nhà đủ thứ, từ tuổi rất nhỏ. Tôi ngồi đọc sách từ trên căn gác, thỉnh thoảng ngó nghiêng xuống sân sau nhà nàng. Chẳng để làm gì cả, tôi cũng chẳng hiểu sao. Thực ra, lúc đó, tôi chỉ là tên nhóc tỳ, ưa ngồi đọc sách, ngó sang sau nhà một nhỏ bạn chỉ là vì cầm lòng chẳng đặng, nên phải ngó thôi.
Cũng trên căn gác gỗ này, một lần tôi bắt gặp ba tôi khóc. Đúng ra, chỉ là ứa nước mắt thôi. Trong những ngày nghỉ, không theo xe lửa, ba ưa ngồi trên căn gác này, vặn tới vặn lui chiếc radio hiệu Philips để nghe các đài BBC, VOA. Giờ phát thanh của các đài này thường là rạng sáng hay chập tối. Những lúc đó, ba ngồi nghiêng tai nghe chiếc radio đặt trên bàn, vặn âm thanh nho nhỏ thôi. Lúc đó tôi nghĩ, có lẽ chính phủ không cấm nghe đài nước ngoài, nhưng hẳn là ba không muốn bị hiểu nhầm như bác Côn hàng xóm. Đất nước chia đôi, nhiều chuyện cho người lớn bận tâm.
Ba tôi gốc người Hà Tĩnh, làm việc trên xe lửa, tới Nha Trang, gặp má tôi, cưới xong là đưa vào Sài Gòn ở. Đó là nhân duyên tôi sinh ra ở Sài Gòn. Thời đó, thỉnh thoảng tôi lại thấy ba nhận các tấm bưu thiếp. Đôi khi ba ứa nước mắt khi đọc bưu thiếp, và đôi khi ngồi nghe radio lại cảm động, nói tôi làm giùm ba ly nước trà; rồi ba chỉnh lại đôi mắt kính, ngó vào mặt số máy radio, dò tìm các làn sóng quốc tế. Có khi thời tiết khí hậu làm khó bắt sóng sao đó, ba lại đẩy chiếc radio hiệu Philips vào góc bàn, rồi lấy chiếc radio hiệu Sony ra dò làn sóng. Tôi chỉ cần nghe giọng ba bùi ngùi là biết đất nước đang có chuyển động gì đó.
Nhiều thập niên sau, sang Hoa Kỳ, tôi mới thấy mình cũng lây tính ưa cảm động đó. Tuy nhiên, chẳng có ai bắt gặp tôi trong các giây phút cảm động tương tự cả, phần vì tôi có mặt ngoài tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh – nhà báo là phải thế; có lẽ, chỉ trừ khi đọc tin về Biển Đông mới lộ ra bực mình thôi.
Suýt nữa là quên nói bí mật này: tôi thích nhất là nhìn thấy hình ảnh “con bé Mai” khi làm xong các thứ, là đứng dậy nơi sàn xi-măng, nghiêng người, một tay túm nơi đầu gối hai ống quần, và tay kia cầm chiếc thau nhỏ múc nước tưới vào hai bàn chân rồi chà hai bàn chân vào nhau cho sạch cát đất.
Tôi không hiểu tại sao tôi ưa thích nhìn hình ảnh này. Không phải chuyện hư hỏng tầm bậy gì đâu. Tôi chỉ mơ hồ thấy rằng hình ảnh đó rất đẹp, mà không hiểu tại sao. Không phải vì hai bàn chân xương xẩu của nhỏ Mai; đứng từ gác cao nhìn xuống, làm gì thấy bàn chân xương xẩu được nhỉ. Cũng không phải vì nhỏ Mai nghiêng người để lộ ra cái gì đâu; trời ạ, đã nói là không có chuyện hư hỏng gì mà.
Về sau, nhìn tranh các danh họa thế giới, tôi nhận ra nhiều họa sĩ thích vẽ người phụ nữ đứng nghiêng người. Dĩ nhiên, một vài họa sĩ vẽ người phụ nữ khỏa thân nghiêng người, nhưng đó là chuyện khác. Tôi nghĩ, phải chăng mình cũng có khiếu về hội họa và ưa thích cái bố cục như thế. Chẳng biết.
Sau này đọc Kinh Phật, tôi nghĩ ra rằng chuyện mình ưa ngó hình ảnh nhỏ Mai nghiêng người rửa chân được sách gọi là “tùy phiền não” – nghĩa là, niệm cứ khởi đi, khởi lại về một thứ gì đó. Những khi nhớ ra như thế, tôi lại như mỉm cười, khi nghĩ rằng, có thể, và có lẽ, nếu một hôm nào đó, tôi đưa tay nắm lấy bàn chân của nàng, và khi tay nhận ra bàn chân nàng đầy xương xẩu gầy gò, hẳn là sẽ không bao giờ khởi lên các thứ hình ảnh như thế nữa. Cũng chẳng biết nữa.
Thế rồi bác Côn chết. Lúc đó, Mai học lớp tư, tôi học lớp năm, nghĩa là đều còn nhỏ, chẳng hiểu gì về tử vong ly biệt.
Ba tôi nói là bác Côn chết vì lao phổi, hút thuốc nhiều quá mà. Má tôi nói với ba, không phải đâu, bác Côn hồi ở tù bị đánh dữ quá, chắc mang bệnh hậu. Má của Mai thỉnh một vị sư từ ngôi chùa trong xóm tới làm tang lễ. Ai hỏi, bác gái cũng chỉ bùi ngùi nói là bệnh rồi chết. Câu nói này hẳn là đúng muôn đời cho hầu hết các trường hợp, bệnh thì chết chớ.
Điều tôi nhớ nhất những ngày đó là hình ảnh nhỏ Mai mang khăn tang, tự nhiên đẹp ra hẳn, tự nhiên như thành người lớn, trang nghiêm. Mai không khóc nhiều, nhưng khi nói gì, tự nhiên giọng nghẹn ngào. Cũng lạ, có lúc trên đường đi học, tôi hỏi sao Mai không khóc sụt sùi khi đưa tang ba nhỉ? Mai nói, chỉ vì thấy mọi chuyện như không có thật, giống như mọi chuyện chỉ là giả bộ thôi, giống như trong phim, hay như trong truyện.
Mai cũng kể, tự nhiên rồi thuộc câu thần chú vãng sanh để cầu nguyện cho ba Mai. Cái gì như “Nam mô a di đa bà dạ…”
Tôi nói như an ủi cô bé, nhìn Mai mặc áo tang, mang khăn tang thấy tức cười quá. Tôi ngu dễ sợ, sao lại nói chuyện gì như thế. Đúng ra, tôi không dám nói rằng, cô bé trong bộ tang phục trông đẹp tuyệt vời. Nhưng xin nhớ, chúng tôi lúc đó chỉ là nhóc tỳ, mà thời đó trai gái còn xa nhau kinh khủng: tôi và Mai hệt như các nhân vật trong cuốn truyện cổ tích nằm ở các trang cách biệt, khi trang sách này mở ra, là trang sách kia khép lại. Vậy đó, chúng tôi là hàng xóm, là bạn cùng trường, là bạn ngó xuống từ gác gỗ vườn sau… nhưng vẫn là “bạn trăm sông nghìn núi” – đúng chữ cô nàng ưa nói.
Trời Pasadena sẫm tối. Hai đứa chúng tôi rủ nhau đi bộ, lấy cớ ngồi nghe pháp xong, lại ngồi ăn kem, nên cần đi bộ. Tôi không nhớ là ai rủ ai đi bộ, nhưng dặn nhau là chớ đi xa, chỉ đi vài phút thôi, vì quay lại tìm xe sẽ mệt. Chúng tôi đi dọc trên đường E. Colorado Blvd. về hướng đường Wilson Ave. Cũng chẳng hiểu tại sao lại phải đi trên hướng này. Tôi vẫn nhớ tên đường, vì lúc đó chỉ sợ khi quay lại để lấy xe, mà quên tên đường là hỏng.
Tôi đi bên nàng, bóng ngả dài trên các vuông gạch hè phố. Gió hơi lạnh lạnh. Bất giác, tôi nghĩ, tại sao mình không ôm nàng nhỉ. Có lúc vai tôi chạm vào vai nàng. Tôi nghĩ, phải chi đứng dưới đèn đường, ôm hôn nàng là tuyệt vời nhỉ. Nhiều kiếp sau cũng không quên nổi. Tôi nghĩ, có lẽ vị hộ pháp hộ giới ngăn trở, vì lý do gì đó. Tôi nắm tay nàng, kéo vào nhà sách Barnes & Noble, nói để mua tặng Mai một cuốn sách nhé.
Giữa những hàng kệ sách, Mai nhìn lên các bìa sách. Có khi cầm ra một cuốn, lật vài trang nhìn.
Tôi nói với Mai, tôi muốn tìm tập thơ “Twenty Poems of Love and a Song of Despair” của Pablo Neruda để tặng nàng. Thơ Neruda hay, và bản dịch Anh ngữ của W.S. Merwin đẹp tuyệt vời.
Tôi nhìn vào mắt nàng, nói như thì thầm rằng đây là thơ Neruda nhé, “Tình yêu thì quá ngắn, quên nhau lại quá dài… Love is so short, forgetting is so long.”
Mai nói, anh nhìn thẳng vào mắt Mai nhé, chúng mình chưa từng yêu nhau thì phải.
Tôi lại thấy vài sợi tóc bạc trên đầu Mai. Tôi tự thắc mắc, không lẽ chỉ trong vài phút, tóc bạc mọc nhanh như thế; hay hồi nãy, mình nhìn nàng không kỹ…

*

Mai bước tới khu để thiệp của nhà sách, nhấc lên một tấm thiệp từ ngăn kệ.
Tấm thiệp chỉ có hình một dòng sông, và chiếc ghe không người đang neo nơi bờ.
Tôi nói, thiệp này không có chữ, sao Mai không tìm thiệp có chữ để đỡ mất công viết, mà tặng ai đấy.
Mai nói, thiệp này để tặng anh đấy.
Tôi nhìn dòng sông mở ra trên tay nàng.
Mai đưa tấm thiệp lên môi nàng, in làn son trên môi vào trang trắng trong thiệp, rồi đưa cho tôi.
Tôi cầm thiệp, chưa kịp nhìn kỹ, đã thấy nàng quay lưng, bước vội ra ngoài cửa tiệm sách. Tôi nói vói theo, để anh tìm tập thơ cho Mai đã… nhưng nàng đã mất hút ngoài cửa.
Tôi cầm tấm thiệp có vết môi son, tới xếp hàng nơi quầy, chờ trả tiền. Khi bước ra, nàng đã như biến vào hư vô.
Tôi lái xe từ Pasadena về nhà. Căn phòng đã vắng, như dường vắng thêm. Sách để đầy các góc nhà, đầu tủ, đầu giường, xếp cả bên giường tựa vào vách, nhưng như dường tất cả các cuốn sách đang thì thầm chế giễu tôi, một tên khù khờ, không nắm tay được cô nào trong đời quá một phút đồng hồ. Vào nhà xong, tôi mới nhớ ra là quên máy ảnh nơi tiệm Dairy Queen rồi.
Tôi đặt tấm thiệp môi son, dựng đứng trên bàn, nhìn thấy vết môi son mở ra. Gió từ phố Bolsa tạt từ cửa sổ vào. Người tôi run rẩy, cái lạnh này còn hơn là cái lạnh trăm sông nghìn núi, tôi nghĩ.
Bệnh rồi, tôi nằm trùm mền, ngủ vùi, ngập trong hình ảnh của nàng, mái tóc ngắn với vài sợi bạc, tay xương xẩu, bờ vai nhỏ, tà áo xanh, và vết môi son trên tấm thiệp. Tôi tự nhủ, trước khi thiếp vào giấc ngủ, hóa ra đời mình chưa từng ôm hôn một ai.

*

Hai hôm sau, một bình hoa giao tới tòa soạn, đề tên tôi. Người gửi là Mai, từ San Diego.
Kẹp giữa mấy cành hoa hồng vàng là tấm thiệp nhỏ, với dòng chữ viết tay:
“Cảm ơn anh. Ngày mai em về Việt Nam, xuất gia. Mai.”
Không có địa chỉ nào để tôi trả lời hay tìm tới. Tự nhiên, hình ảnh cô bé năm xưa mang khăn tang hiện ra trong trí nhớ tôi, rồi âm vang tiếng mõ, tiếng kinh tụng, rồi âm đọc giọng Miền Trung của vị sư già, “Nam mô a di đa bà dạ…”
Hình ảnh cô bé chân trần nhảy cò cò ngoài sân cũng hiện lên trong đầu tôi. Tôi tự nhủ, có lẽ, người ta không cần tới thuyền để qua dòng sông sinh tử đâu, cứ mãi nhảy cò cò trong chiếc sân cát tuổi thơ cũng sẽ qua bờ. Tôi nghĩ thế, nhưng không chắc là Phật pháp có ý nào như thế. Chỉ có điều khó hiểu, vì sao những bước nhảy cò cò cứ mãi in sâu trong hồn mình như thế.
Tôi hiểu điều này, và có lẽ kinh cũng nói nơi nào đó: khi đi bộ với nàng trên phố Pasadena, tôi không ôm nàng, không hôn nàng vì ngờ ngợ như có ai ngăn cản, hẳn đó là vị hộ pháp hộ giới. Vì với người phát tâm xuất gia như nàng, có khi chỉ một nụ hôn cũng có thể kéo nàng đi chệch thêm nhiều kiếp sau. Tôi chỉ đoán thôi, về giáo lý thì tôi mù mờ. Ánh đèn trên phố Pasadena vẫn hắt mãi trên trí nhớ của tôi, sau pháp hội của ngài Đạt Lai Lạt Ma.
Nhiều năm sau, khi làm một bài thơ Thiền Ca cho anh bạn Trần Chí Phúc phổ nhạc, tôi có viết câu:
… chờ em, chờ em son nhạt môi, ta lạnh buốt bên sông…
Hình ảnh nàng hiện lên trong dòng chữ đó. Hiện lên trên vết son môi nàng để lại trên tấm thiệp, trên đó chiếc thuyền không người lặng lẽ bên sông. Và để lại trong hồn tôi. Ngày và đêm.
Tôi không nhận được tin gì về nàng nữa, từ đó. Tôi vẫn cầu nguyện cho nàng khi bắt đầu các buổi thiền tập hàng ngày. Và biết rằng, sẽ rất lâu, sẽ còn rất lâu, hình ảnh nàng mới nhạt đi trong tâm mình. Kể cả vết son.

Phan Tấn Hải

(trích từ tập truyện Thiếu nữ trong ngôi nhà bệnh)

(Nguồn: tranthinguyetmai.wordpress.com)

 

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Phật học & Đời sống

Thêm một Tuổi Mới

30/01/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thêm một tuổi mới

Đỗ Hồng Ngọc

Có người hỏi vì sao tôi không phải là bác sĩ lão khoa mà lại dám viết về… người già, nào Gió heo may đã về, nào Già ơi chào bạn, nào Già sao cho sướng…? Đúng vậy, tôi là một bác sĩ nhi khoa, bác sĩ của trẻ con, nhưng sở dĩ viết về người già là bởi vì  trước sau gì mấy nhóc nhỏ mà tôi đã và đang khám chữa bệnh cũng sẽ trở thành một người già, một ngày nào đó! Hơn năm mươi năm trước khi tôi thực tập ở bệnh viện Từ Dũ, đã có dịp đỡ đẻ cho một số trẻ sơ sinh, bây giờ nhớ lại, các nhóc đó  tuổi cũng đã “gió heo may” rồi còn gì! Còn mấy bệnh nhi tôi có dịp chữa trị ở Bệnh viện Nhi đồng Saigon và tại phòng mạch hằng mấy chục năm qua thì bây giờ cũng đã lại thấy mang con và cả cháu nữa đến khám bệnh. Cho nên làm gì có chuyện cách ngăn tuổi này tuổi nọ tuổi kia. Cuộc sống như một dòng sông đó thôi.

Lão khoa, nhi khoa…chẳng qua là một cách nói! Có người chưa hai mươi mà đã già…khú đế, có người tám mươi còn phơi phới tuổi xuân. Một thầy thuốc đàn anh của tôi thường nói : “Hãy chăm sóc các cụ từ trong bụng mẹ”! Đúng vậy, đợi các cụ ngáp ngáp rồi mới “tận tình chăm sóc” thì e rằng quá trễ, chẳng giúp ích được gì cho cuộc sống của họ, chẳng giúp các cụ  thêm vui, thêm khoẻ, thêm hạnh phúc…

Tổ chức Sức khoẻ Thế giới  (WHO) khi đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Năm quốc tế người cao tuổi, (1999) cũng đã khuyến cáo muốn cho các cụ được khoẻ mạnh thì phải cho Mẹ…các cụ được dinh dưỡng tốt trong lúc mang thai, trong lúc cho các cụ… bú mớm;  phải chích ngừa đầy đủ các bệnh nguy hiểm ngay từ nhỏ để các cụ không phải chịu cảnh tật nguyền bệnh hoạn sau này; phải dạy dỗ các cụ từ tuổi thiếu niên như không uống rượu, không hút thuốc lá… để các cụ sau này khỏi bị ung thư phổi, viêm phổi tắt nghẽn mạn tính,  xơ gan cổ trướng; giúp các cụ có thói quen tập thể dục, chơi thể thao, ăn uống đúng cách để sau này khỏi bị xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường v.v…Rồi khi lớn lên thì  tránh các nguy cơ bệnh lây truyền qua đường tình dục, tránh béo phì, loãng xương, thấp khớp…Và dĩ nhiên đảm bảo cho các cụ có một thu nhập hợp lý để không bị lệ thuộc, để sống có phẩm giá, tiếp tục hoạt động theo năng lực, đóng góp kinh nghiệm của mình cho con cháu,  được sự tôn trọng của xã hội, được thấy con thuận cháu hoà, gia đình hạnh phúc. Dĩ nhiên là bản thân các cụ  phải hiểu rõ những chuyển biến tâm sinh lý của mình qua từng lứa tuổi, nhờ đó mà thích nghi, mà điều chỉnh thái độ và hành vi của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới, với môi trường mới. Tóm lại, chăm sóc các cụ, nói cách nào đó, thực chất là công tác của … Nhi khoa. Hoặc cũng có thể nói nhi khoa chính là lão khoa, và lão khoa cũng chính là nhi khoa đó vậy! Ngành lão khoa ngày càng phát triển vì tuổi thọ con người ngày càng được nâng cao, không chỉ ở các nước giàu có mà ngay ở cả các nước nghčo cũng vậy là nhờ những tiến bộ của khoa học, của y học, của kiến thức vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ cũng như hiệu quả của sự cải thiện môi trường sống, của chế độ dinh dưỡng hợp lý…Thế nhưng, khi nói đến lão khoa, hình như người ta quá nặng về bệnh hoạn, về tàn phế hơn là đến sự sảng khoái toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội  phù hợp với tình trạng tuổi tác, giới tính, chất lượng cuộc sống của họ. Các thầy thuốc lão khoa  cũng thường lại là những thấy thuốc  trẻ, họ tuy có chuyên môn sâu trong chữa trị bệnh tật cho người cao tuổi nhưng chưa từng được trải nghiệm tuổi già, chưa được thưởng thức…cái già, chưa được hưởng thụ …cảnh già! Khi tôi viết cuốn “Gió heo may đã về” thì đó là lúc tôi đang thực sự nghe gió heo may, tôi đang sống với nó, sửng sốt và sảng khoái vì nó, âu lo và hồi hộp vì nó. Tôi  hiểu được nỗi khắc khoải “tôi ơi đừng tuyệt vọng”, nỗi bâng khuâng “tôi đang lắng nghe, tôi đang lắng nghe im lặng của tôi…” của Trịnh Công Sơn, và những bạn bč trang lứa. Nhưng phải đợi đến tuổi 60,  tôi mới dám viết  “Già ơi…chào bạn” – “Bonjour Vieillesse!”- như một tiếng reo vui, chào mừng nó, cái sự già đó! Đâu dễ mà già phải không?  Đến tuổi 75, tôi mới dám viết “Già sao cho sướng?”…

Cho mãi đến cuối thế kỷ 20, năm 1999, Liên Hợp Quốc mới có một “Năm” dành cho người cao tuổi, người già  trên toàn thế giới, gọi là “Năm quốc tế người cao tuổi” với khẩu hiệu là “Hãy sống một tuổi già tích cực” , bởi vì trước đó  người ta chỉ nghĩ tuổi già là tuổi của tàn phai, héo úa,  ăn hại, là gánh nặng xã hội…cho đến khi giật mình thấy không phải vậy! Con người ở tuổi nào cũng sẽ là gánh nặng cho xã hội, cũng ăn hại, cũng tàn phai… nếu sống không ra sống, sống mà như đã chết, sống mà không hạnh phúc, không có chất lượng cuộc sống, sống mà lệ thuộc, mà khổ đau triền miên…

Ngàn năm trước, ở nước ta, vào thời nhà Lý, Mãn Giác thiền sư đã có những câu thơ còn lưu truyền mãi đến nay với một cái nhìn tích cực về tuổi già:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai…
( Mãn Giác, 1052-1096)

Xuân ruỗi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già tới rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai…

(Ngô Tất Tố dịch)

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết! Thật vậy. Vẫn còn đó, nơi sân trước kia, đêm qua, một cành mai vàng rực rỡ đã nở, báo hiệu một sức sống mãnh liệt vẫn dâng tràn… Vậy đó, můa xuân dů đã phai, cành mai sân trước vẫn nở tươi thắm. Nụ cười vẫn lạc quan, cuộc sống vẫn tích cực, chủ động và sáng tạo không ngừng nếu những  người có tuổi được chuẩn bị trước để hiểu rõ sự đổi thay , để chấp nhận, để điều chỉnh, tưới tẩm những niềm vui cho chính bản thân mình, cùng với sự ý thức giúp đỡ của gia đình và xã hội thì sẽ giúp họ có một cuộc sống đầy chất lượng, nhiều hạnh phúc.

Theo WHO : “Sức khỏe của người già là phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), xã hội (social) và thể chất (physical)”.
Phát triển và duy trì được sự sảng khoái (well-being) và hoạt động chức năng (function) , bởi đa số các hoạt động chức năng xài lâu quá đều rệu rả, phần lớn đã “quá date”, dễ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, lo âu, trầm cảm… nói khác đi là khó mà… hạnh phúc. Thể chất thì “ba cao một thấp” (ba cao là cao máu (HA); cao đường (Tiểu đường); cao mỡ (Cholesterol xấu); còn một thấp là… Thấp khớp) đã đành mà tâm thần thì tám vạn bốn ngàn phiền não! Cho nên đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu là hoàn toàn hợp lý so với định nghĩa về sức khỏe ở người trẻ.
“Khổ” thì dĩ nhiên không thể có hạnh phúc. Con đường của Phật là con đường “Diệt Khổ”, con đường dẫn đến giải thoát.

Ở góc độ y sinh học, tâm lý xã hội học, thì những điều kiện để có một tuổi già hạnh phúc gồm:

Có sức khỏe tương đối ;
Tài chánh tự chủ;
Nhà ở an toàn; an ninh, môi trường thuận lợi;
Tự tại: chủ động sắp xếp cuộc sống riêng của mình,
Duy trì các mối quan hệ gia đình/ bè bạn;
Có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên,
Hoạt động phù hợp để thấy luôn sống hữu ích;
Gần gũi với thiên nhiên;
Hiểu luật vô thường và biết “Từ bi hỷ xả” với chính mình!

Cũng có thể nhìn theo Tháp MASLOW:

a) Nhu cầu sinh học: gồm những vấn đề cơ bản của tồn tại như : Ăn, Ngủ, Thở, Tình dục… (physical well-being).
b) Nhu cầu an toàn: nhà ở an toàn, môi trường xã hội tốt đẹp, an ninh, bảo đảm về kinh tế, đời sống quân bình…
c) Nhu cầu xã hội (social well-being): các mối quan hệ xã hội trong gia đình, hàng xóm, cộng đồng tốt đẹp…
d) Nhu cầu tự khẳng định: để luôn có được tôn trọng, đóng góp theo công sức cho xã hội, thấy mình sống có ích…
e) Nhu cầu tâm thần, tâm linh (mental well-being): hướng thượng, có một tôn giáo lành mạnh, tin tưởng ở sự sống thiện, nhân quả, nghiệp báo…

Có thể nhìn ở góc độ “Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức” ta cũng có thể hình dung gần giống với Tháp Nhu cầu của Maslow, và nếu có Chánh kiến để thấy Vô Thường/ Khổ/ Vô ngã/ Không/ Duyên sinh… thì đã có thể “độ nhất thiết khổ ách” rồi vậy!

(ĐHN)

Từ Quang, tập 35, Xuân Tân Sửu 2021

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Phật học & Đời sống

PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

25/01/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Lớp Phật Học và Đời Sống chùa Xá Lợi, 

Buổi học cuối năm, ngày 16.1.2021.

Buổi học cuối năm dành để trao đổi, rút kinh nghiệm những được, chưa được trong năm học vừa qua. Đây đã là năm thứ 3 của lớp Phật học và Đời sống tại chùa Phật học Xá Lợi này.

Năm thứ nhất đã có được 51 video clips, do Nguyễn Văn Quyền thực hiện và đã đưa lên youtube, được bạn bè khắp nơi theo dõi. Cuối năm đầu đã có một buổi “tổng kết” rất thú vị ở An Lạc Trang, Củ Chi. Năm thứ hai cũng có một buổi họp mặt thân mật ở Hồ Kỳ Hòa quận 10. Năm nay, do dịch Covid đã phải nghỉ vài tháng nhưng sau đó, lớp vẫn duy trì đều đặn nhờ anh Tô Văn Thiện “chủ xị”, anh Minh Ngọc thì bận với các lớp Hán văn Phật học, vì thế cũng thường vắng, tôi thì “già cả ốm yếu” vài ba tuần mới đến lớp một buổi. Lớp học do đó cũng “lõng lẽo” dần, nhưng các anh chị em vẫn tham dự tương đối đều đặn. Năm nay, phần “Phật học”, chủ yếu dựa vào cuốn Phật học phổ thông của thầy Thích Thiện Hoa (rất căn bản, nhưng đã viết từ 60 năm trước!) với một ít kinh sách khác (Tâm kinh, Pháp hoa…), nhưng  phần “Đời sống” quả là không dễ! Có những trao đổi khá “căng thẳng”, nhưng đó là phương cách của lớp đã đề ra từ đầu, với thảo luận, tranh luận, phản biện… để thấy phải “tùy duyên” “thuận pháp” thế nào cho đúng…

Mong rằng sắp tới, Năm Mới (vào năm thứ tư) các buổi học tập, chia sẻ sẽ mang nhiều hiệu quả thiết thực hơn.

Đỗ Hồng Ngọc.

 

Lớp Phật học và Đời sống, Buổi học cuối năm (ngày 16.1.2021)

 

 

từ trái: anh Tô Văn Thiện, anh Sơn, Thanh (Đào), Ngô, Thanh, Trí… hàng sau: Quyên, sau đó thêm Trung, Thủy, Trúc

 

 

từ trái: chị Ngọc, Loan, Hà, anh Vinh, Quyền, Thân, Linh…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

………………………………………………………………………………………………………

 

Minh Trí, lớp PHĐS gởi một câu hỏi:

Tu là gì?

Trả lời: Tu là “sửa”. Sửa cái gì? Cái gì hư thì sửa. Sửa mình gọi là “tu thân” nhớ không? Tu thân, tề gia, trị quốc… người xưa nói vậy. Xe mà hỏng quá thì ta “đại tu”… hoặc quăng đi, mua xe mới!

Tu theo Phật là “chuyển đổi”. Khổ đau thành an lạc. Phiền não thành Bồ đề. Dĩ nhiên muốn vậy cũng phải quăng bỏ mấy thứ lăng nhăng nó quấy ta. Cho nên trong “lục độ” (sáu cách tu tập) thì Bố thí dẫn đầu. Bố thí là quăng đi, bỏ đi. Thôi kệ đi!

Nguyên nhân của hư là do Tham Sân và Si. Tham là muốn. Muốn đủ thứ. “… lòng muốn còn nhiều đập gương xưa tìm bóng” (Đoàn Chuẩn). Muốn không được thì nổi điên lên, đó là sân, sân hận, tức tối, đỏ mặt tía tai, bầm gan tím ruột, nuôi hận trong lòng “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, “thù trả chưa xong đầu đã bạc”… Tất cả chỉ vì cái gốc là vô minh, là Si, là ngu muội, không thấy biết cái sự thật sờ sờ ra đó.

Cái sự thật sờ sờ ra đó là cái “vô thường”. Trăng rồi khuyết, hoa rồi tàn. Bóng câu qua cửa sổ. Đời người chỉ là một hơi thở, một nhúm bụi tro…

Nhưng Tu với ai? Tu ở đâu? Tu cách nào…?

Có gì đâu. Bệnh thì có thuôc chữa. Có thầy giỏi thì tốt. Nhưng “bác sĩ tốt nhất là chính mình”. Cho nên Phật dạy “hãy quay về nương tựa chính mình”. Kêu “quay về” là vì lâu nay ta có khuynh hướng “quay ra” tìm kiếm bên ngoài đâu đâu. Nhớ rằng Bác sĩ cũng không thể thở giùm ta, ho giùm ta, đau bụng giùm ta được.

Để chữa Tham thì dùng “Giới” (ngũ giới). Chữa Sân thì dùng “Định”, chữa Si thì dùng Huệ (Trí huệ, trí tuệ). Ba thứ thuốc đó có khi trộn lẫn nhau, có khi dùng riêng tùy triệu chứng biểu hiện của mỗi “bệnh nhân”.

Cho nên có khi phải nhờ đến thầy. Thầy giỏi mới được, chớ gặp “lang băm” thì tiêu.

Tu ở đâu? Ở đâu cũng được. Có người tu ở chùa. Có người tu ở nhà. Có người tu ngoài chợ. “Thứ nhứt là tu tại gia. Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Ý nói tu tại gia là khó nhứt vì bao thứ chằng chịt quấn quít chung quanh.

Phật dạy “Văn, Tư, Tu”. Phải học, phải nghe, phải gần gũi Thiện tri thức. Rồi phải ngẫm ngợi, suy tư, tìm hiểu cho thấu đáo, chớ vội tin, chớ vội nghe, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Sau cùng là phải Tu, nghĩa là thực hành. Tu luôn đi với Hành (tu hành) là vậy! Nhớ câu này không? “Tu mà không học là Tu mù. Học mà không tu là cái đãy sách”.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim, Phật học & Đời sống

Biết rồi còn hỏi

11/12/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Biết rồi còn hỏi!

 

Tôi ngồi trước tượng Phật

Viết lăng nhăng mỗi ngày

Để khi nào bí thì hỏi

Phật tủm tỉm cười

“Biết rồi còn hỏi!”

 

Sáng ra đường phố

Từng bước như đi dạo

Không thấy nở hoa sen (*)

Ngước mắt nhìn lên

Một tấm biển to chữ đỏ

“Đồ ngu cao cấp”

Cửa hàng Fashion

Rơi dấu hỏi…

 

Đâu cần trốn ra khỏi cổng thành

Xóm nghèo nơi tôi ở

Bên phải là nhà bảo sanh

Bên trái là bệnh viện

Đằng kia lớp dưỡng sinh

Đằng nọ nhà quàn vô lượng thọ…

 

Hằng ngày nghe tiếng khóc trẻ con

Nghe tiếng rên người lớn

Tôi nhắc Phật đừng buồn

Không được quạu quọ, không được cau có

Không được nhăn nhó…

Phật cười

“Phải! Nó vậy đó”

 

Đỗ Hồng Ngọc

(4.12.2020)

 

(Nursing House Q7)

Ghi chú: “Nursing House” (không phải Nursing Home) do tôi tự đặt ra để gọi căn nhà nhỏ… dành riêng để chăm sóc cho người già trong gia đình khi ốm đau cần tĩnh dưỡng…

……………………………….

(*) Từng bước nở hoa sen, Nhất Hạnh

Filed Under: Lõm bõm học Phật, Phật học & Đời sống, Vài đoạn hồi ký

Ba tầng của tâm thức – Vô Kỵ ở tầng nào?

04/10/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Ba tầng của tâm thức – Vô Kỵ ở tầng nào?

Hồ Đắc Đằng

 

Ghi chú: Bác sĩ Hồ Đắc Đằng tác giả “tập truyện Phật giáo” Vô Kỵ Học Võ đã post trên trang này (https://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/ho-dac-dang-vo-ky-hoc-vo/) rất được bạn đọc ưa thích và đề nghị… viết tiếp. Hồ Đắc Đằng hứa sẽ cố gắng viết dài dài cho đến khi Vô Kỵ gặp được Triệu Minh mới buông viết… để Vô Kỵ về vẽ lông mày cho hiền thê! Mời bạn xem nhe.

Rất cám ơn Đèn Biển (Võ Quang) đã trợn trừng đèn pha thâu đêm để gõ bài này từ thứ chữ viết tay trời ơi của Bs Hồ Đắc Đằng!

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

………………………………………………………………………..

 

Vốn là Vô Kỵ có 2 thằng bạn: một thằng ở gần nó và thằng kia thì ở xa lắm, nửa vòng trái đất. Thằng ở gần đâm ra ngã bệnh. Bệnh ung thư mới ghê chứ. Bữa nọ, nó gọi Vô Kỵ:

– Mới đi Chemo về như cái mền rách, cơm canh chẳng còn mùi vị gì cả, tóc thì rụng trụi lủi, chưa đi tu mà đã thành sư.

Rồi nó cười ha hả.

– Còn mấy cái muối vừng, muối mè thì sao?

– Được đáo để, chỉ còn mấy cái đó là còn nuốt được. Ngủ thì tốt lắm. Chẳng cần thuốc ngủ, thuốc an thần gì ráo. Có mấy thằng nó cứ lo mình depressed. Mình chẳng có depressed cái con m… gì cả. Cái ung thư để cho tụi oncologist nó lo. Mình lo chuyện mình. Quán vô thường, quán về Lão Bệnh Tử là đã nhất. Hết lo sợ chết, cụ ạ.

Đúng vậy, nhận xét mấy cái tiến bộ trong công việc tu tập tâm linh của hắn từ 6 tháng qua, Vô Kỵ nhận ra rõ rệt là cái thằng bạn gần này đã đạt được cái vô úy của Phật dạy: Hết sợ chết.

Nó bèn viết một cái thư cho thằng bạn ung thư Chemo, rụng tóc nầy:

– Nầy bạn, con người ta ai ai cũng biết là tất cả chúng ta đều phải chết một ngày nào đó. Con nít 10 tuổi là đã có cái kiến thức này. Cái kiến thức về Chết này là mình ở tầng thứ nhất của tâm thức đấy: tầng não.

Xuống một tầng là đến tầng tim. Ở tầng nầy, chẳng những mình biết là ai cũng sẽ chết, mình hiểu tận tâm can là nó như vậy: gọi là chết ở tầng tim.

Tự tại, ung dung, hết sợ chỉ còn bị Chemo giày vò xác thân mà tâm thì an bình. Hai anh em cười ha hả, đồng ý dời nhà từ tầng trên xuống tầng dưới cho nó sướng và để mấy cha oncologist muốn làm gì thì làm. Mình làm theo rơm rớp cho mấy ổng vui mà vợ con mình cũng vui luôn, buồn nôn, mất khẩu vị cũng chịu được.

Vô Kỵ nó mới gửi cái thư đó cho thằng bạn xa nửa vòng trái đất. Thằng nầy cũng cười ha hả lại chêm một câu:

– Khá lắm. Chết trên não đã dời đô xuống chết trong tim là khá lắm, nhưng chưa siêu! Dời đô xuống rốn thì mới siêu đấy!

Vô Kỵ nghe, nó ngẫm nghĩ khá lâu. Xuống rốn, xuống umbilicus có nghĩa gì nhỉ, mà thằng bạn xa này muốn chỉ? Nó lựa một lúc thầy nó rảnh rỗi, không ngồi thiền mà cũng không quét sân, nhổ cỏ, nó mang vấn đề ra hỏi thầy nó:

– Thưa thầy, thằng bạn kia muốn nói cái gì vậy? Dời nhà xuống ở cái rốn?

Thầy nó mỉm cười:

– Này Vô Kỵ, thầy không chắc là bạn con muốn nói gì. Nhưng thầy có vài cảm nghĩ về cái rốn nầy.

– Thưa thầy con biết rồi. Cái rốn là trọng tâm của cơ thể con người?

– Bậy bạ! Con chẳng biết giải phẫu học (Anatomy) của con người gì hết. Trọng tâm (Center of gravity) của con người không phải cái rún mà là cái nhiếp hộ tuyến (prostate)!

Vô Kỵ cụt hứng.

– Chắc con có nghe nói là trong võ thuật có nói đến chữ đan điền. Đó là chỗ cái rốn. Đem khí lực vào đan điền và xuất phát khí lực từ đan điền. Thầy không có hành pháp nầy nên thầy không chỉ dạy cho con được. Khí lực từ tâm. Muôn sự tại tâm mà tâm ở đâu thì không ai biết. Chỉ biết là khi con có tâm tại thân thì con tỉnh mà khi con tâm bất tại thân thì con ngủ mà Phật gọi là sleep walker. Thở vô, biết thở vô, thở ra, biết thở ra là tỉnh đấy. Tâm bay nhảy là tâm ngủ ngày. Thở là hiện tại, tại đây và bây giờ.

Cái rốn, cuống rốn và cái nhau (placenta)

Vô Kỵ con, con có biết cây trái nó cũng có nhau không? Cái hạt ở chính giữa là cái thai nhi. Cái gì nuôi cái hạt ở giữa sống được nhiều ngày nhiều tháng trước khi cái hột kia đụng mặt đất và đâm rễ ra để hấp thụ chất bổ dưỡng, nước từ đất? Chính là cái trái đó.

Cái trái của cái hột là cái nhau của thai nhi.

Này Vô Kỵ. Cả nhiều tuần sau khi trứng được thụ thai, thử máu, thử nước tiểu dương tính mà làm siêu âm chẳng thấy gì cả vì cái nhau còn nhỏ quá. Bao nhiêu phân bào là để tạo một cái cơ quan căn bản để tiếp tế, hậu cần cho thai nhi nầy: Cái nhau.

Kế đó, cái cuống rốn như sợi dây liên hệ của phi hành gia rời khỏi phi thuyền, chỉ còn sống được qua sợi dây cuống rún này.

Nhân loại mà sống được trong giai đoạn này là nhờ tiếp xúc hết sức chặt chẽ với mẹ. Quả địa cầu là mẹ của muôn loài, là lẽ sống của muôn loài, là nhân chứng của hiện hữu.

Con nhớ khi Đức Phật mới đắc đạo dưới cội Bồ đề, Ma Vương hiện lên cám dỗ. Ngài chỉ mỉm cười “Ta biết nhà ngươi rồi” và dùng bàn tay trái của Ngài chạm mặt đất như một nhân chứng: “My family is all humanity ; My home is Earth”. Chạm đất là về nhà. Nhà là vững vàng tám gió không động.

Ai ai cũng có một cái nhà mà mấy ai tìm trâu, thấy trâu và dắt trâu trở về nhà được!

Rốn là nhà mà từ đó con bám lúc con ra đời. Rốn cũng là đất mẹ, là nhà để con trở về lúc con tắt hơi.

Cắt cuống rốn, bơ vơ trong đời. Khi cái dây loằng ngoằng nhơn nhớt bị kẹp giữa 2 cái kềm nhỏ và cây dao của bà mụ cắt ra làm hai, con phải tự thở lấy, khóc oe oe và tự ăn lấy, nút chụt chụt. Con khóc là vì cái phòng sanh ồn ào quá, sáng chói quá, ai cười, ai khen con cóc cần. Con chỉ tiếc cái thiên đường êm ái, yên lặng, để con ngủ ngon mà không cần làm gì cả, cả ăn lẫn thở. Ôi, thời kỳ huyền diệu này không còn nữa khi bà mụ cắt cái cuống rốn này.

– Thưa thầy, tại sao khi tâm thức xuống đến rốn thì còn hơn là ở tầng tim nữa?

– Tầng tim là con hết sợ chết. Tầng rốn thì con đã về đến nhà rồi. Nếu sánh trong thập mục ngưu đồ (tranh chăn trâu), tầng tim là mục đồng ngồi mình trâu, thổi sáo, về nhà, tầng rốn là về đến nhà, tấm tranh thứ 10, không còn mục đồng cũng không còn trâu.

Vô Kỵ trầm ngâm, ngẫm nghĩ, lâu nay nó cứ muốn hỏi về tranh chăn trâu này mà nay có dịp thầy giảng luôn cũng được.

– Thưa thầy, khi người ta chết, có nhiều người muốn được về chết ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cái nhau của mẹ đã được hỏa thiêu từ ngày mình sanh.

– Vô Kỵ, con không có biết y khoa gì ráo. Con nói cái nhau của mẹ. Thật ra cái nhau là của con đấy. Cái trứng vừa được thụ tinh chính là con. Dĩ nhiên, từ mẹ cha cung cấp vật liệu cho con cất nhà. Cái nhau nầy là của con đấy. Nhà thương đốt cái bộ phận này của con như đốt một cái cơ quan mà con không còn cần dùng nữa. Con tự ăn, tự thở được rồi. Nhau rốn trở về đất mẹ, chờ con đến lúc con cũng trở về đất mẹ, đoàn tụ lại. Trở về nhà là vậy.

Nơi chôn nhau, cắt rốn này không tùy thuộc địa dư, vì tất cả nhân loại chưa có người nào mà nhau, rốn của họ được chôn trên thiên hà Andromeda. Vì vậy thái tử Sĩ Đạt Đa mới tuyên bố nhà của người là địa cầu. Đâu đâu cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của mình hết. Con học được gì, Vô Kỵ?

– Thưa thầy, nhau rốn là nhà của mình, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa y khoa. Mới sanh ra thì một phần căn bản nhất đã chết rồi, sau 100 năm chết một lần nữa, lại quay về nhà cũ cũng được thôi. Không gì ung dung tự tại bằng về đến nhà, thưa thầy.

Thầy nó mỉm cười, vui thấy Vô Kỵ đã hiểu.

 

HĐĐ.

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Lõm bõm học Phật, Phật học & Đời sống

“An cư kiết hạ” trong mùa Covi

18/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

“An cư kiết hạ” trong mùa Covi

Tạp Chí Từ Quang tập 33 Mừng Đại Lễ Vu Lan 2020 của Chùa Phật học Xá Lợi Tp.HCM, có Tin ngắn về Chương trình  “Chia sẻ kiến thức Phật pháp với Trường Hạ Chùa Phật học Xá Lợi”. Chương trình vừa kết thúc ngày 14.8.2020 với buổi nói chuyện của PGS TS Phạm Anh Dũng (Cư sĩ, Kiến trúc sư) với các tu sĩ mà ai nấy đều phải mang khẩu trang và ngồi giãn cách theo quy định phòng dịch Covid-19.

Hơn 2 tháng qua, từ 10/6 đến 14/8, hơn 20 vị tu sĩ từ các nơi đã tập trung về chùa dự “An cư Kiết hạ” (Trường Hạ) mỗi tuần có 2 buổi trao đổi với các Cư sĩ trong Ban Phật học: Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn về Lịch sử Phật giáo; Cư sĩ Minh Ngọc về Qui Sơn Cảnh Sách, và Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về Phật giáo với Sức khỏe. Các Tu sĩ đã tích cực tham gia trao đổi cùng các vị Cư sĩ để có cái nhìn rộng từ góc độ Đạo và Đời, “đến để mà thấy” như lời Phật dạy.

 

 

Thực ra thì từ năm 2017 đến nay, Chùa Phật học Xá Lợi Tp.HCM đã có “Chương trình đặc biệt” này dành cho các Tu sĩ “giao lưu” với Cư sĩ, bên cạnh việc Tu tập quy củ thường lệ trong mùa Trường hạ.

 

Một buổi “thảo luận nhóm” và giải đáp thắc mắc… (2017)

Buổi “bế giảng” thân mật (2017).

 

 

 

 

 

 

 

 

Năm ngoái (2019), được sự cho phép của Thầy Đồng Bổn, Trụ trì chùa Xá Lợi, em NVQuyền đã ghi hình các buổi trao đổi của tôi về Phật giáo với vấn đề Sức khỏe trong mùa Trường Hạ để làm tư liệu cho Chùa. Từ năm nay, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phát triển, việc tập trung về chùa học như trước đây rồi sẽ không còn dễ dàng nên Thầy Đồng Bổn đồng ý cho phổ biến phần Y học để các Thầy có thể tham khảo dù ở nơi xa.

Các Video clip này cũng đã được đưa lên trang Web chùa Phật học Xá Lợi TpHCM.

http://chuaxaloi.vn/tin-tuc/nhung-chia-se-kien-thuc-phat-phap/3264.html

Cảm ơn Cư sĩ Trí Bá, cư sĩ Trí Tâm và em NVQuyền.

Bs Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon, 18.8.2020)

………………………………………………………………………………

 

Bài 1:

 

Bài 2:

 

Bài 3

 

Bài 4:

 

Bài 5:

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim, Phật học & Đời sống

Thư gởi bạn (2.4.2020)

02/04/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

 

Thư gởi bạn (2.4.2020)

Về “Độc cư, Thiền định, Kham nhẫn, Tri túc” trong mùa “Cô-Vi 19”

Cảm ơn bạn đã hỏi thêm câu mình nói hôm trước: Thời buổi “Cô-Vi 19” hoành hành khắp thế giới này, thì với những người đã có “tuổi hơi cứng” như tụi mình nên thực hành các hạnh Độc Cư, Thiền Định, Kham Nhẫn, Tri Túc mà Phật đã dạy từ hơn hai ngàn sáu trăm năm trước để có một nếp sống An Lạc và Hạnh Phúc. Thực ra không chỉ với bọn mình mà cả những người bạn trẻ cũng nên học để có một cuốc sống an vui, mạnh khỏe, không mắc phải những thứ bệnh “thời đại” là những bệnh như S.A.D (Stress: căng thẳng; Anxiety: Lo âu, sợ hãi; Depression: Trầm cảm), hay “3 cao 1 thấp” (Cao đường, Cao mỡ, Cao máu và… Thấp khớp) cùng rất nhiều các thứ bệnh khác do hành vi lối sống gây ra…

 

Độc Cư

là “Ở một mình” “sống một mình”. Lúc dịch bệnh tràn lan như vầy thì lời khuyên tốt nhất là nên “ở nhà một mình” (Home Alone, nhớ không?). Mọi người nên Stayhome trong “Homestay” của mình. Bất đắc dĩ mới phải ra đường khi cần thiết, và phải luôn đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác và cũng để nhắc nhở mình đang mùa có dịch. Độc cư nhiều khi dễ căng thẳng, buồn chán, dễ gây lộn, dễ “phá thành sầu” bằng chai alcool (không phải để sát khuẩn) mà để sinh sự cho sự sinh.

Phật giảng một bài rất hay trong kinh “Người biết sống một mình”nhớ không? Đó là người sống với cái Tâm tĩnh lặng, trong sáng, không bị “trôi lăn” (cuốn) vào dĩ vãng hay tương lai bởi “dĩ vãng đã qua rồi/ tương lai thì chưa tới”. Họ an nhiên tự tại với “ở đây và bây giờ” (here and now).

Một người chui vào phòng kín, nhập thất, hoặc lên núi cao cất cái chòi nhỏ… để sống mười năm chưa chắc đã là “độc cư” bởi trong lòng còn mang mang : quân tử trả thù mười năm chưa muộn… nhớ không?

 

Thiền định 

một người bạn phương xa vừa gởi mình tấm hình này, rất dễ thương. Tự nó đã nói lên nhiều điều. Xin được chia sẻ:

 

Internet

“Nếu anh không thể đi ra ngoài được thì hãy đi… vào trong”

Dĩ nhiên đây là nói về thời “Cô-Vi 19” với lời khuyên phải “cách ly”, người cách ly người, nhà cách ly nhà, phố cách ly phố…

Chớ còn hồi xưa, thời Xuân Diệu:

Có một bận em ngồi xa anh quá,
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn.
Em xích gần thêm một chút: anh hờn.
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.

Còn Trịnh Công Sơn thì khéo hơn:

Ru em ngồi yên đấy

Tôi tìm cuộc tình cho…

Ngồi yên, đi vào trong (go inside)… dĩ nhiên không phải là Thiền định rồi.

Lục tổ Huệ Năng bảo: Ngoài không dính mắc là Thiền/ Trong không lay động là Định.

Vậy thì đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền cũng định. Đi ra ngoài đi vào trong gì cũng thiền cũng định.

Còn Trần Nhân Tông thì bảo:

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Trước cảnh mà tâm vẫn an, vẫn tịnh, thì chẳng cần hỏi tới Thiền làm chi!

Chẳng qua vì tâm ta như khỉ như vượn (tâm viên ý mã), dính mắc tùm lum nên mới vất vả lao đao bao điều.

Cho nên để có thể có tâm an tịnh, thiền là một cách thế trong rất nhiều cách thế. Tụng kinh niệm Phật mà đạt đến “nhất tâm bất loạn” thì cũng là Thiền. Tĩnh tâm cầu nguyện với lòng từ bi rộng mở thì cũng là thiền. Và tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác, cũng là thiền, một cách căn cơ nhất. Chánh niệm (Mindfulness) dẫn đến chánh định (Samadhi), từ đó mà có Chánh kiến, chánh Tư duy… trong Bát chánh đạo vậy.

Ngày nay, y học và tâm lý trị liệu, phân tâm học, cũng nghiên cứu ứng dụng Thiền để chữa trị những thứ bệnh thời đại. S.A.D, nghiện ngập, rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn hành vi… đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Dĩ nhiên, đó chỉ mới là phần ứng dụng của Thiền, chưa phải là thiền Phật giáo, được hướng dẫn kỹ trong Tứ niệm xứ (Satipatthana).

MBSR (Mindfulness-Based Stress Reduction) và MBCT (Mindfulness-Based Cognitive Therapy) là những ứng dụng thiền học tốt.

Dù sao, thiền cũng là cách giúp mình được an nhiên, tự tại… ít nhiều trong tình hình đầy hoang mang căng thẳng lúc dịch bệnh đang hoành hành.

Thiền còn giúp ta “quay về nương tựa chính mình”, nhìn lại mình xem đã bao lâu rồi tất tả ngược xuôi, rượt đuổi với bao “tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, kiêu mạn…”

Cho nên “If you can’t go outside, go inside”, cũng là một nhắc nhở tốt phải không?

 

Kham nhẫn 

Kham là chịu, nhẫn là nhịn.

Tục ngữ ta có câu: một sự nhịn chín sự lành.

Trong các yếu tố khiến “kham không nổi” thì “khẩu” (Lời nói) là yếu tố quan trọng nhất. Đã đành “ý dẫn các pháp”, nhưng ý chưa thể hiện thành hành vi. Khẩu mới ầm ỉ, náo nhiệt, là đầu mối sinh sự, gây chiến! Cho nên Phật dạy con mình là La Hầu La rất kỹ về “khẩu nghiệp”: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói lời hung ác… Rồi dạy con phải học hạnh của Đất để “nhẫn”: ném một thỏi vàng hay một đống rác xuống đất, đất vẫn « như như bất động »…

Nhưng nhẫn đến như Phật đối với Đề Bà Đạt Đa thì quá khó! Đề Bà Đạt Đa là em chú bác của Phật, cũng tu hành đàng hoàng nhưng lòng tham quá lớn, muốn thay Phật lãnh đạo tăng đoàn, từng ném đá giết Phật, từng khiến voi giày Phật, còn xúi giục con vua giết vua, chiếm ngôi v.v…

Vậy mà Đề Bà Đạt Đa được Phật ca ngợi hết lời. Hãy nghe Phật kể « công đức » của Đề Bà Đạt Đa : « Do nhờ ông Thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa này làm cho ta đầy đủ sáu pháp ba-la-mật, từ bi hỷ xả, mười trí lực, bốn món vô sở úy, bốn món nhiếp pháp, mười tám món bất cộng… và nhờ đó mà ta thành bực Chánh đẳng Chánh giác… ».  Nói khác đi, nhờ có sự “đối nghịch” như vậy mà Phật mới nhẫn nhục, tinh tấn, để trở thành vị Chánh đẳng Chánh giác. Đề Bà Đạt Đa xứng đáng là một Thiện tri thức, một vị Bồ tát “nghịch” bên cạnh Phật đó chứ! Và ngày nay ta cũng cần những vị Bồ-tát “nghịch” như thế.

Nhưng “kham nhẫn” trong lời khuyên của Phật thì không chỉ là sự chịu đựng, “nhịn nhục” với cái đáng giận, đáng ghét mà còn phải “kham nhẫn” cả với những đường mật, mê say vì dễ dẫn ta tới tham ái, chấp thủ.

“Kham nhẫn” với giận với hờn còn dễ hơn kham nhẫn với nhớ, với thương, phải không?

 

Tri túc

Tri túc là Biết đủ. Nhưng thế nào là đủ? Làm sao để biết đủ?

Lòng tham vốn không đáy. Lúc nào cũng muốn muốn muốn. Nào vạn tuế vạn vạn tuế, nào muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ, trường sanh bất tử…

Mà càng tham thì càng thấy thiếu. Người đẹp muốn đẹp hơn. Người giàu muốn giàu nữa. Người quyền chức thì muốn càng cao thêm mãi.

Nguyễn Công Trứ bảo: Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc? Biết đủ thì đủ! Đợi đủ bao giờ mới đủ? Bao giờ nghĩa là… còn lâu!

Ưng Bình Thúc Giạ Thị thì bảo trên con đường hoạn lộ:

Biết đủ dầu không chi cũng đủ

Nên lui đã có dịp thì lui… 

Cho nên Tri túc luôn đi đôi với Thiểu dục. Thiểu dục Tri túc. Bởi người it ham muốn thì may ra mới thấy là đã đủ, nghĩa là thôi, đủ rồi đó!

Có một cách “tri túc” hay là đừng bao giờ so sánh. Đã có so sánh thì có hơn thua. Hơn cũng khổ mà thua cũng khổ. Ngang bằng càng… khổ!

Thiểu dục Tri túc không có nghĩa ngăn cản sự tiến bộ của xã hội, của con người. Dĩ nhiên là tiến bộ theo hướng thiện, không làm khổ mình, khổ người, mà chỉ là để ngăn ngừa lòng tham không đáy, “ích kỷ hại nhân”, để có được một đời sống an lạc, hạnh phúc.

 

Nhưng, nói thì dễ, mà làm thì không dễ chút nào bạn ơi!

 

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

2.4.2020

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Phật học & Đời sống

Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo với “CÓ KHÔNG”

13/03/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

“CÓ KHÔNG”

nhạc Hoàng Quốc Bảo & thơ Đỗ Hồng Ngọc và giọng ca Thu Vàng, 

Vài ghi chú:

Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, hiệu Không Hư, tác giả của các tập nhạc nổi tiếng Tịnh Tâm Khúc (2004), Khúc Vô Thanh (2014) với nhiều bàì hát quen thuộc như Hồ Như, Tháng ngày gió xóa, Mưa trên thành phố cũ, Lên non quẫy mộng… qua các giọng ca quen thuộc của Hà Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Vũ Khanh…

Năm 2005, Hoàng Quốc Bảo… xuống tóc, trở thành Tỳ khưu Đăng Châu, trú tại thiền viện Đại Đăng LA.

“CÓ KHÔNG”, bài thơ được viết đã lâu, ngay sau một buổi ngồi thiền “quán niệm hơi thở” (Anapanasati) như  một cảm nhận rất riêng, tôi gởi tặng người bạn “thiền sư” Không Hư của mình, sau đó đã in lại trong tập Thơ Ngắn Đỗ Nghê (2017).  Hoàng Quốc Bảo viết ngay thành một ca khúc trầm lắng: CÓ KHÔNG tặng một người bạn nào đó.

 

 

 

 

 

Đỗ Hồng Ngọc & Hoàng Quốc Bảo

(Saigon 11.2019, ảnh Thân Trọng Minh)

Rồi anh gởi tôi mp3 bài hát được Diệu Nhân thể hiện, theo anh là thành công với một bài không dễ hát, dù chỉ với tiếng guitar đệm tài tử…

Mới đây, ca sĩ Thu Vàng đã thu âm bản CÓ KHÔNG tại Quoc Thanh Studio và  nvquyen đã dựng nên clip nhạc rất dễ thương này với những hình ảnh do tôi chụp trong những ngày lang thang ở Nepal (2018), dưới chân rặng Hy-mã-lạp-sơn, được hít thở thứ không khí trong lành và nhẹ tênh như có như không, được ngắm mặt trời nở bung như một đóa hoa ban sớm, và được trầm ngâm với những cội cây già nơi vườn xưa Ca-tỳ-la-vệ…

Xin được sẻ chia cùng bè bạn thân quen.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

 

Filed Under: Lõm bõm học Phật, Nghĩ từ trái tim, Phật học & Đời sống

Xá-lợi-phất và Duy-ma-cật

27/01/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Xá-lợi-phất và Duy-ma-cật

Đỗ Hồng Ngọc

 

(Internet)

Hôm đó ở thành Tỳ-da-ly,  Duy-ma-cật tiếp Bảo Tích và năm trăm vị vương tôn công tử, thiếu gia con nhà viên ngoại, là những “Bồ-tát tại gia” tương lai, đối tượng đích của buổi “huấn luyện đặc biệt” tại cái thất trống trơn của ông, có mặt Xá-lợi-phất, đệ tử trí tuệ bậc nhất của Phật và có cả Bồ tát Văn Thù cùng một số lớn các vị Đại đệ tử khác.

Lúc bấy giờ, Xá-lợi-phất thấy trong thất của Duy-ma-cật trống huơ trống hoắc không có giường ghế chi cả, liền đặt câu hỏi:

“Chư vị Bồ Tát và các Đại đệ tử này rồi sẽ ngồi ở đâu?”

Ai nấy chưng hửng. Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi và Duy-ma-cật đang thuyết giảng về con đường tu tập: “Bồ-tát phải có nội lực (trí huệ), phải có chiêu thức (phương tiện), biết dùng «sức phương tiện». Rồi nào Vô sở trụ, Vô sở đắc… rồi nào sống trong  thực tướng vô tướng mà vẫn thấy chân không diệu hữu… nào chuyện lớn như bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bố thí, trì giới, nhẫn nhục… thì một vị Đại đệ tử trí tuệ bật nhất của Đức Phật đặt một câu hỏi trớt quớt, tầm thường vậy sao?

Nhưng không. “ Rồi sẽ ngồi ở đâu?” rõ ràng là một vấn đề mấu chốt của buổi huấn luyện nhằm đào tạo các vị Bồ-tát tương lai này. “Rồi sẽ ngồi đâu?” phải đặt ra để xác định vai trò, vị trí, nhiệm vụ của một Bồ tát tại gia cũng như các Đại đệ tử muốn đi vào con đường Bồ tát đạo.

Từ đó, một câu hỏi tiếp theo sẽ là họ có đủ sức “ngồi” chưa? Họ có lòng đại bi, không “ái kiến” chưa? Có nhu hòa nhẫn nhục chưa? Có thấy biết và sống với “nhất thiết Không” chưa?

Nhiệm vụ trước hết của một vị Bồ-tát có lẽ phải là một vị Pháp sư chân chánh, truyền bá được giáo pháp của Phật để “thành tựu chúng sanh”. Những lời dạy của Phật trong kinh sách không chỉ để “thọ trì, đọc tụng” mà còn phải “biên chép, giảng nói”. Phải hiểu rõ ẩn nghĩa từng câu từng chữ trong kinh, phải biết diễn giải tùy tình huống, tùy đối tượng. Phật “khai thị”, nhưng chúng sanh phải tự mình “ngộ nhập” mới xong. Không chỉ vậy, không chỉ thuyết giảng bằng lời mà còn phải là một tấm gương “tự chứng, tự nội” của một thiền giả.

Để có thể làm một Pháp sư chân chánh thì phải đáp ứng 3 điều kiện: “Vào nhà Như Lai; Mặc áo Như Lai; Ngồi tòa Như Lai.. Vào nhà Như Lai là có lòng từ bi rộng lớn, thấy chúng sanh đều như cùng “chung một mái nhà”; mặc áo Như Lai là có đức nhu hòa nhẫn nhục; và quan trọng nhất là thấu triệt tánh Không, duyên sinh, vô ngã, thực tướng vô tướng…

Duy-ma-cật liền quay sang hỏi Bồ-tát Văn-thù: “Nhân giả  có biết cõi Phật nào có những tòa sư tử đủ các công đức, đẹp đẽ cao trọng, mầu nhiệm hơn hết?” dĩ nhiên là để mượn về làm chỗ ngồi cho các vị.
”Tòa sư tử đủ các công đức, đẹp đẽ cao trọng, mầu nhiệm hơn hết ” ư? Phải, tòa sư tử chính là nơi chư Phật, chư Bồ-tát ngồi thuyết pháp. Lời thuyết pháp như sư tử hống, như tiếng rống của sư tử. Trên thực tế, “tòa sư tử” đó có khi chỉ là một vệ cỏ, một gốc cây, một tọa cụ đơn sơ… nhưng nó đã trở thành “tòa sư tử” bởi chính vị Pháp sư chân chánh ngồi thuyết pháp trên đó.

Văn-thù đáp: “Cư sĩ, từ đây đi về phương đông, vượt qua số cõi nước nhiều như số cát ba mươi sáu sông Hằng, có một thế giới tên là Tu-di Tướng. Đức Phật cõi ấy hiện nay hiệu là Tu-di Đăng Vương, thân cao đến tám mươi bốn ngàn do-tuần. Tòa sư tử của ngài cũng cao đến tám mươi bốn ngàn do-tuần, nghiêm sức bậc nhất.”

Tức khắc, ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao rộng nghiêm tịnh cao đến tám mươi bốn ngàn do-tuần đó bay vèo đến thất của Duy-ma-cật mà không hề gây chướng ngại chi cả, bốn cõi thiên hạ cũng không có sự dồn ép chật chội, vẫn y nguyên như cũ…

Duy-ma-cật bảo Xá-lợi-phất: “Thỉnh ngài lên ngồi tòa sư tử.”
Xá-lợi-phất đáp: “Cư sĩ! Tòa ấy cao rộng quá, tôi không thể lên ngồi.”
Duy-ma-cật nói: “Thưa ngài Xá-lợi-phất! Ngài hãy lễ bái đức Như Lai Tu-di Đăng Vương, rồi sẽ ngồi được thôi!”

Lúc ấy, những vị Bồ Tát mới phát tâm cùng các Đại đệ tử liền “lễ bái” đức Như Lai Tu-di Đăng Vương. Các vị liền được ngồi lên các tòa sư tử.

“Lễ bái” là thực hành, là rèn luyện để có trí huệ sáng suốt, rộng lớn (Tu di Đăng vương), để thấy biết, để sống trong Như Lai thì mới có thể lên tòa sư tử đó mà ngồi để thuyết pháp, để làm một Pháp sư chân chánh.

Bấy giờ đã gần giờ ngọ, Xá-lợi-phất lại hỏi: “Sắp đến giờ thọ thực rồi. Các vị Bồ-tát này sẽ ăn thức gì đây?”.

Nữa. Vừa mới đòi hỏi chỗ ngồi giờ đến đòi hỏi chuyện ăn. Cứ đến lúc mọi người đang bay bổng trên chín từng mây với những lý luận cao vời thì Xá-lợi-phất lại kéo ngay xuống mặt đất!

Ăn không phải là chuyện hệ trọng sao? Đức Phật tới giờ ăn mà còn phải khoác y, trì bát vào thành khất thực, mang về đạo tràng ăn uống xong xuôi đâu đó rồi mới rửa chân lên ngồi… nhập định trước khi thuyết giảng Kim Cang Bát Nhã đó sao?

Dĩ nhiên, Xá-lợi-phất hỏi “các vị Bồ Tát này sẽ ăn thức gì đây” mang một ý nghĩa khác: các vị Bồ tát tại gia tương lai này sẽ được nuôi dưỡng bằng “thức ăn”gì đây  để có thể trưởng thưởng tâm Bồ đề mà thực hiện tốt các hoạt động của một vị Bồ-tát chân chánh nhằm “thành tựu chúng sanh”?

Duy-ma-cật lên tiếng: “ Xin đợi cho giây lát, tôi sẽ khiến quý vị được thứ thức ăn chưa từng có.”.

Thứ thức ăn chưa từng có ư? Với các vị vương tôn công tử, thiếu gia, con nhà trưởng giả này thì cao lương mỹ vị có gì là lạ, tổ yến hồng sâm, nem công chả phượng có gì là lạ.

Họ háo hức chờ đợi Duy-ma-cật mang lại thứ thức ăn “chưa từng có” là gì đây!

Thì ra… Duy-ma-cật mang đến một mùi hương! Một mùi hương thơm. Thứ “thức ăn” xin được từ cõi Chúng Hương của Phật Hương Tích!

Duy-ma-cật liền nhập vào Tam-muội, dùng sức thần thông khiến cho đại chúng nhìn thấy về hướng trên, cách đây nhiều cõi Phật liên tiếp nhau như số cát của bốn mươi hai con sông Hằng, có một cõi nước tên là Chúng Hương, hiện có đức Phật hiệu là Hương Tích ngự tại đó….

Phật dạy có bốn loại thức ăn để nuôi dưỡng thân và tâm. Đoàn thực, Xúc thực, Tư niệm thực, Thức thực. Đoàn thực là thứ thức ăn để nuôi thân được nói trước tiên. Không có thân sao có tâm? Không có sắc sao có thọ tưởng hành thức ? Tứ đại ngũ uẩn quan trọng quá chứ! Thân là một « bảo tháp » để tâm quay về nương tựa!  Nhìn 32 tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật mà coi, chắc chắn khác hẳn cái thời lang thang khổ hạnh, suýt chết, tâm thần lãng đãng, thân thể chỉ còn xương bọc da, sờ tay vào bụng thì đụng phải cột sống ! Nhờ một chén sữa mà tỉnh giấc dưới cội Bồ đề. Từ đó, Thành đạo. Từ đó, Chuyển pháp luân. Nhưng suốt đời Phật, ba y một bát, tiết độ, kham nhẫn, tri túc. Ngày nay người ta dễ chạy theo lợi dưỡng, món ngon vật lạ, để rồi béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút… khổ thân!

Mỗi khi gặp một vị Phật, sau khi cung kính đảnh lễ, thì câu chào hỏi đầu tiên bao giờ cũng là: “Việc ăn uống thức ngủ của Ngài ra sao ? Ngài ít bệnh ít não chăng? Khí lực được an ổn chăng?” Nghĩa là luôn luôn thăm hỏi một vị Phật, một vị Như Lai về những nhu cầu tồn tại của cuộc sống (physical needs): Ăn, uống, ngủ, nghỉ, bệnh đau, phiền não, hít thở…

Còn xúc thực, tư niệm thực… ngày nay mới thật đáng ngại. Sách báo, phim ảnh, truyền hình, công nghệ thông tin ngày càng phát triển càng mang đến những nguy cơ cao về đời sống tinh thần của con người. Dĩ nhiên không phải lỗi tại sự tiến bộ của khoa học.

Trở lại với thứ thức ăn chưa từng có của Duy-ma-cật mang về là một mùi hương! Một thứ hương thơm đủ để nuôi cả thân và tâm bất tận. Đó chính là Giới đức. Thứ hương thơm có thể bay cao, bay xa, bay ngược chiều gió!

Hương thơm giới đức không thể có trong một ngày một buổi. Phải được huân tập lâu ngày chày tháng. Giới từ luật nghi mà có nhưng giới cũng từ định, từ huệ. Hương thơm đó phải tích lũy từ từ mới đầy dần lên, mới sung mãn, tràn trề…

Cho nên Phật Hương Tích xuất hiện. Các vị Phật thật dễ thương. Lúc nào cũng sẵn sàng xuất hiện khi có ai đó cần đến ! Đức Phật Hương Tích lấy cái bát ở cõi Chúng Hương, đơm đầy cơm thơm, trao cho vị hóa Bồ Tát mang về cho Duy-ma-cật làm « Phật sự ». Phải đích thân Phật Hương Tích san sẻ món « cơm thơm » đó trao cho vị hóa Bồ-tát. Một pháp thí.

Duy-ma-cật mời: “Các nhân giả, hãy dùng món cơm cam-lộ của Như Lai, do lòng đại bi hun đúc mà thành”. Thứ « thức ăn chưa từng có” đó không sợ thiếu, luôn đủ cho tất cả mọi người, vì đó là một thứ « vô tận hương »…

Rõ ràng Xá-lợi-phất và Duy-ma-cật đã dựng nên một màn sắm vai (role playing) “tung hứng” làm cho buổi giảng trở nên hào hứng và sinh động…

(ĐHN)

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Lõm bõm học Phật, Phật học & Đời sống

Phật cười dưới trăng…

24/01/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Phật cười dưới trăng…

(Internet)

Chưa có khi nào Phật cười to như thế, cười sảng khoái, “cười hùng mạnh như vua sư tử…” giữa đêm trăng Lăng Già cùng với chúa đảo Ravana và thần dân của ông, với sự có mặt của hàng ngàn Bồ tát.

Giữa đỉnh núi ở trên đảo Lăng Già đêm trăng đó khi nhìn những ánh vàng bập bềnh trên sóng nước, vỡ tan, vỡ tan theo từng con sóng, Phật đã cất tiếng cười to. Ánh trăng vỡ tan rồi gom tụ lại. Rồi vỡ tan, rồi gom tụ lại. Thế giới muôn hồng ngàn tía cũng chỉ do Thức tâm tạo ra. Nó như huyễn, nó như mộng, như bào ảnh, như sương mai, như ánh chớp… Bên dưới đó, là Như Lai tạng, là A-lại-da vẫn im ả, “như như bất động”. Chỉ có cái thức tâm phân biệt của ta quậy phá chính ta. Cái tâm thanh tịnh bổn nhiên kia thì vẫn im ắng. Không lay động. Vẫn bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.

Vì thức khởi mà sự sinh. Thế giới chỉ là tâm thức của chính mình. Chúng sanh là ảo vật do ảo thuật gia là ta vẽ bày để rồi tự mình phan duyên, dính mắc, khổ đau…

Bồ tát thấy biết như vậy, thấy biết nhứt thiết duy tâm tạo, thấy chúng sanh là ảo vật do chính mình tạo ra rồi thức tâm phân biệt, chấp trước mà khổ đau bèn nói thẳng cho mọi người cùng biết. Nói thẳng ra như thế mới là “lòng Từ chân thật”, không giấu giếm, che đậy, không hù dọa, gạt gẫm nhau chi! “Trí chẳng đắc có không/ Mà hưng tâm đại bi”.

“Sao gọi là Từ? Bồ-tát nhờ hành Từ phương tiện nên thị hiện tất cả. Nhờ hành Từ không uẩn khúc nên lòng dạ trong sạch. Nhờ hành Từ không dối trá nên không có việc hư giả. Nhờ hành Từ an lạc nên được cái vui…

Sao gọi là Bi? Có được bao nhiêu công đức đều chia sẻ hết cho chúng sinh.

Sao gọi là Hỷ? Làm lợi ích cho chúng sinh thì vui vẻ không hối tiếc.

Sao gọi là Xả? Làm những việc phước đức mà không hề mong nhận được phước báo”. (Duy-ma-cật).

Tâm bất sinh thì vô sinh. Vô sinh thì vô sự.  Dứt mọi phân biệt của thức tâm thì không bị quậy phá nữa. Ở đó là Như Lai tạng. Nhất thiết chủng trí. Đại viên cảnh trí. Bởi cái thế giới đối tượng bên ngoài kia không gì khác hơn là chính cái Tâm.

Thấy biết Như Lai, thì sống với Như Lai, sống trong Như Lai, sống cùng Như lai. Cho nên Phật cười thật sảng khoái!

Đỗ Hồng Ngọc

(Đặc san Liễu Quán, Huế. Xuân Canh Tý 2020) 

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Phật học & Đời sống

Nguyễn Hiền Đức với “TÔI HỌC PHẬT” của Đỗ Hồng Ngọc

13/01/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

TÔI HỌC PHẬT

 

Lời ngỏ

Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

Vào tuổi 80, tôi nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” như người bạn nhạc sĩ họ Trịnh kia đã nói. Về thu xếp lại, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”, vì rất nhanh thôi, các tế bào thân xác kia đã có vẻ rả rượi, ù lì, và cũng rất nhanh thôi các tế bào thần kinh nọ cũng mịt mờ, mỏi mệt, nhớ trước quên sau… Đầu năm 2019, tôi gom góp in cuốn Về thu xếp lại như một cột mốc, một hẹn hò, rồi cuối năm tiếp tục gom góp in thêm cuốn Biết ơn mình như một nhắc nhở… Bên cạnh đó, cũng đã tạm một tệp bản thảo Đi để Học, Ghi chép lang thang, Như không thôi đi được!… chủ yếu là một dịp để giúp “Nhìn lại mình”… Tôi cũng mong gom góp, tập hợp được một số bài viết, một số quyển sách nhỏ những lời biên chép bấy nay trong lúc lõm bõm học Phật, thấp thoáng lời kinh, làm thành một tệp để ngẫm ngợi khi cần. Muốn thì muốn vậy, nhưng lực bất tòng tâm!

Duyên may lại đến.
Cách đây mấy năm, một buổi chiều, khi đi café với một người bạn trẻ về đến nhà thì nhận được 3 cuốn bản thảo “Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc” dày cả ngàn trang A4 của một người không quen biết gởi tặng. Giật mình. Ai vậy cà? Thấy có kẹp mảnh giấy nhỏ, ghi số điện thoại tên Nguyễn Hiền Đức. Bèn phone thăm hỏi mới biết đó là một bạn đọc quý mến mình, đã “dõi theo” hành trình viết lách của mình từ lâu, nay tỉ mẩn ghi chép lại cả một tuyển tập đồ sộ gởi tặng và nói còn sẽ gởi tiếp mấy tập nữa! Lúc đầu tưởng anh gom góp từ trên mạng, nhưng không, anh cho biết anh đã gò lưng đánh máy từ những trang sách mà anh ưa thích! Thời buổi này. Lạ thiệt.

Hẹn gặp, mới biết Nguyễn Hiền Đức (thường gọi 5 Hiền), trước 1975 từng có thời là Thư ký Tòa soạn của tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, thư ký riêng của HT Thích Minh Châu… Anh tốt nghiệp Báo chí và Xã hội học, rồi cao học Sử ở Đại học Vạn Hạnh. Đó là một người gầy gò, trông khắc khổ, nghiêm túc, nhưng rất nhiệt tâm và nói chung… dễ thương.

Rồi hãy nghe 5 Hiền “giải trình”:
Tôi bắt đầu “gõ” và “gõ”, mải mê “gõ” cuốn “TUYỂN TẬP ĐỖ HỒNG NGỌC – THẤP THOÁNG LỜI KINH” này từ năm 2010 và kết thúc năm 2018. Tôi rất thích từ “Thấp thoáng” vì nó thể hiện rất rõ, rất đúng cái chất “thấp thoáng”, “lõm bõm” của tôi khi học Phật.
Ngay trong bước đầu “tập tễnh học Phật” tôi đã chọn cách học hợp với sở thích của mình. Đó là chọn bài, chọn sách rồi… rị mọ. cặm cụi, kiên trì “gõ” vào máy. Cách làm này giúp tôi đọc chậm, đọc kỹ từng đoạn, từng trang, từng bài, rồi chú tâm sửa lỗi. Tôi đọc ít nhất 5 lần cho mỗi trang với lòng thanh thản, thư thái. Tôi không “ép” mình phải ghi, phải nhớ một điều gì cứ để nó trôi chảy như một dòng sông. Rồi biết đâu mười năm sau, hay hơn nữa những gì tôi đã đọc, đã “gõ” sẽ giúp tôi nhiều hơn, tốt hơn trên con đường học Phật. Tôi chỉ đặt ra một thứ kỷ luật tự giác mà tôi phải tuân thủ, đó là mỗi ngày “gõ” ít nhất 5 trang, mỗi tháng tối thiểu 120 trang học Phật.

* * *
Làm sao không cảm động với một người bạn chí tình như vậy.
Cho nên để 5 Hiền thực hiện đầy đủ bản thảo Tôi Học Phật này, tôi đã gởi thêm cho anh cuốn Cõi Phật Đâu Xa viết về kinh Duy-ma-cật cho “đủ bộ”. Và bảo anh cứ tùy nghi, làm cái mà anh gọi là “tổ chức bản thảo” theo ý riêng đi. Vui thôi mà! (Bùi Giáng).

Dĩ nhiên đây chỉ là bước đầu gom góp, tập hợp tư liệu, và chia sẻ cho những bạn bè thân thiết coi trước, và mong góp cho thêm nhiều ý kiến để hoàn chỉnh dần.

Đa tạ 5 Hiền (Nguyễn Hiền Đức), Nguyễn Minh Tiến và Phùng MInh Bảo đã giúp thực hiện “Tệp tuyển” này trên www.dohongngoc.com.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon,13.1.2020)

………………….

Ngoài trang www.dohongngoc.com, có thể đọc TÔI HỌC PHẬT trên các trang Quảng Đức và Thư Viện Hoa Sen theo các đường links:

https://quangduc.com/a67354/toi-hoc-phat-sach-pdf

https://thuvienhoasen.org/a33329/toi-hoc-phat

…………………………………………………………………………..

Ghi chú: Dưới trang sách, phía góc trái, có mũi tên lên xuống để lật trang tùy nghi.

TOI HOC PHAT. FINAL-1.2020

 

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Lõm bõm học Phật, Phật học & Đời sống, Vài đoạn hồi ký

Lời ngỏ viết cho Tuyển tập TÔI HỌC PHẬT

28/12/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Lời ngỏ

Tuyển tập TÔI HỌC PHẬT của Đỗ Hồng Ngọc

(bản thảo thưc hiện bởi 5 Hiền, Nguyễn Hiền Đức, 11.2019)

 

Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

Vào tuổi 80, tôi nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” như người bạn nhạc sĩ họ Trịnh kia đã nói. Về thu xếp lại, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”, vì rất nhanh thôi, các tế bào thân xác kia đã có vẻ rả rượi, ù lì, và cũng rất nhanh thôi các tế bào thần kinh nọ cũng mịt mờ, mỏi mệt, nhớ trước quên sau… Đầu năm 2019, tôi gom góp in cuốn Về thu xếp lại như một cột mốc, một hẹn hò, rồi cuối năm tiếp tục gom góp in thêm cuốn Biết ơn mình như một nhắc nhở… Bên cạnh đó, cũng đã tạm một tệp bản thảo Đi để Học, Ghi chép lang thang… chủ yếu là một dịp để giúp “Nhìn lại mình”… Tôi cũng mong gom góp, tập hợp được một số bài viết, một số quyển sách nhỏ những lời biên chép bấy nay trong lúc lõm bõm học Phật, thấp thoáng lời kinh, làm thành một tệp để ngẫm ngợi khi cần. Muốn thì muốn vậy, nhưng lực bất tòng tâm rồi.

Duyên may lại đến.

Cách đây mấy năm, một buổi chiều, khi đi café với một người bạn trẻ về đến nhà thì nhận được 3 cuốn bản thảo “Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc” dày cả ngàn trang A4 của một người không quen biết gởi tặng. Giật mình. Ai vậy cà? Thấy có kẹp mảnh giấy nhỏ, ghi số điện thoại tên Nguyễn Hiền Đức. Bèn phone thăm hỏi mới biết đó là một bạn đọc quý mến mình, đã “dõi theo” hành trình viết lách của mình từ lâu, nay tỉ mẩn ghi chép lại cả một tuyển tập đồ sộ gởi tặng và nói còn sẽ gởi tiếp mấy tập nữa! Lúc đầu tưởng anh gom góp từ trên mạng, nhưng không, anh cho biết anh đã gò lưng đánh máy từ những trang sách mà anh ưa thích! Thời buổi này. Lạ thiệt.

Rồi hẹn gặp, mới biết Nguyễn Hiền Đức (thường gọi 5 Hiền), trước 1975 từng có thời là Thư ký Tòa soạn của tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, thư ký riêng của HT Thích Minh Châu… Anh tốt nghiệp Báo chí và Xã hội học, rồi cao học Sử ở Đại học Vạn Hạnh. Đó là một người gầy gò, trông khắc khổ, nghiêm túc, nhưng rất nhiệt tâm và nói chung… dễ thương.

Bỗng nhiên anh… biến mất. Không tăm hơi!

Sau đó mới biết anh đã về định cư ở Cali mấy năm nay.

Cách đây chừng tháng, một người bạn bên kia nửa vòng trái đất cho hay tình cờ thấy có Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc “Thấp Thoáng Lời Kinh” trên Thư Viện Hoa Sen online.  Nghĩ chắc… 5 Hiền đây rồi! Và đúng vậy.

Hãy nghe 5 Hiền “giải trình”:

Tôi bắt đầu “gõ” và “gõ”, mải mê “gõ” cuốn “TUYỂN TẬP ĐỖ HỒNG NGỌC –  THẤP THOÁNG LỜI KINH” này từ năm 2010 và kết thúc năm 2018. Tôi rất thích từ “Thấp thoáng” vì nó thể hiện rất rõ, rất đúng cái chất “thấp thoáng”, “lõm bõm” của tôi khi học Phật.

Ngay trong bước đầu “tập tễnh học Phật” tôi đã chọn cách học hợp với sở thích của mình. Đó là chọn bài, chọn sách rồi… rị mọ. cặm cụi, kiên trì “gõ” vào máy. Cách làm này giúp tôi đọc chậm, đọc kỹ từng đoạn, từng trang, từng bài, rồi chú tâm sửa lỗi. Tôi đọc ít nhất 5 lần cho mỗi trang với lòng thanh thản, thư thái. Tôi không “ép” mình phải ghi, phải nhớ một điều gì cứ để nó trôi chảy như một dòng sông. Rồi biết đâu mười năm sau, hay hơn nữa những gì tôi đã đọc, đã “gõ” sẽ giúp tôi nhiều hơn, tốt hơn trên con đường học Phật. Tôi chỉ đặt ra một thứ kỷ luật tự giác mà tôi phải tuân thủ, đó là mỗi ngày “gõ” ít nhất 5 trang, mỗi tháng tối thiểu 120 trang học Phật.

Với cách này, tôi đã “gõ” được một số Tuyển tập học Phật của quý Thầy Minh Châu, Mãn Giác, Trí Tịnh, Nhất Hạnh, Thanh Từ, Chơn Thiện, Ni trưởng Trí Hải, Tuệ Sỹ… GS Cao Huy Thuần, BS Đỗ Hồng Ngọc, GS Hoang Phong v.v…

***

Làm sao không cảm động với một người bạn chí tình như vậy.

Cho nên để 5 Hiền thực hiện đầy đủ “Tuyển tập” Tôi Học Phật này, tôi đã gởi thêm cho anh cuốn Cõi Phật Đâu Xa viết về kinh Duy-ma-cật cho “đủ bộ”. Và bảo anh cứ tùy nghi, làm cái mà anh gọi là “tổ chức bản thảo” theo ý riêng. Dĩ nhiên đây chỉ là gom góp tập hợp tư liệu và chia sẻ cho vài bạn bè thân thiết trên mạng coi trước, không phổ biến rộng.

 

Rồi tôi cũng “giải trình” với 5 Hiền:

Tôi có chút “duyên” với Phật, nhưng đến với Phật rất trễ. Lại đến một mình.  Sanh ở Phan Thiết mấy ngày thì tôi được về ở nhà Ngoại, làng Phong Điền, Hiệp Nghĩa, dưới chân núi Tà Cú, nơi có chùa Linh Sơn Trường Thọ Tự. Nhỏ xíu, tôi đã được theo cha mẹ, các cậu, dì, lên chơi Chùa núi. Khi là sinh viên ở Saigon, tôi cũng đọc Bát Nhã, đọc Suzuki, Krisnamurti… nhưng đọc chỉ để mà đọc. Đến năm tuổi gần 60, sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh, tôi thấy mọi sự khác hẳn đi. Tôi đọc Tâm Kinh thấy không khó nữa. Như vỡ ra. Và với Tâm Kinh, tôi thấy chỉ cần học một chữ thôi. Chữ không. Từ đó mà vô trụ, vô trí, vô đắc. Từ đó mà gate, gate, paragate… Nó như giúp tôi trả lời câu hỏi cho chính mình, Why, tại sao? Tôi vẫn thường tự đặt ra cho mình câu hỏi “tại sao” như vậy. Rồi bằng cách nào đây (How?) để mà “hành thâm Bát nhã”? Câu trả lời là Kim Cang. Ở Kim Cang học Vô ngã ( nhân vô ngã, pháp vô ngã), và Thiền định. Dĩ nhiên không thể không học những bước cơ bản: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên…Không có chánh định làm sao có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ… Con đường từ thể nghiệm, thực nghiệm đến ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Ở Pháp Hoa học vô tướng, thực tướng, gặp Như Lai Đa Bảo của mình như luôn tủm tỉm cười chọc quê mình! Cái học y khoa, tâm lý học, xã hội học cũng đã giúp tôi thấy rõ hơn vai trò thầy thuốc, tham vấn viên của bậc Y vương qua hình tượng các vị Bồ tát Thường Bất Khinh, Dược Vương, Diệu Âm, Quán Thế Âm… để không chỉ học hiểu lời kinh mà còn vận dụng vào nghề nghiệp cho sáng tỏ hơn…  Ở Duy-ma-cật, học Bất nhị. Kinh mở ra một cách tiếp cận mới, sinh động, cho dòng chảy mênh mang rộng khắp.

Chắc chắn Phật không muốn chỉ có các đệ tử ngồi thiền định dưới gốc cây, tới giờ đi khất thực và đợi ngày nhập Niết bàn. Phật cần có những vị Bồ-tát đem đạo vào đời, tự giác giác tha. Thế nhưng, các Bồ-tát đầu tròn áo vuông cũng khó mà “thõng tay vào chợ” giữa thời đại bát nháo này. Vì thế mà cần Duy-ma-cật. Một thế hệ cư sĩ tại gia, nhằm thực hiện lý tưởng của Phổ Hiền Bô-tát…!

Rồi từ những điều học hỏi, nghiền ngẫm, thể nghiệm… bấy nay mà tôi mạnh dạn sẻ chia với “Thấp thoáng lời Kinh”,  “Thoảng hương Sen”, “Thiền và Sức khỏe”, “Nếp sống An lạc”… như một ứng dụng Phật pháp vào đời sống. Khi được hỏi “kinh nghiệm” về học Phật, tôi nghĩ trước hết, cần nắm được các thuật ngữ, sau đó là hiểu được các ẩn dụ, ẩn nghĩa, hàm chứa trong lời Kinh và quan trọng nhất là thực hành, ứng dụng vào đời sống, ở đây và bây giờ…

Những năm sau này, tôi có dịp cùng học với nhóm bạn về Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng Già… Con đường học Phật thênh thang như cánh rừng kia mà ta mới tiếp cận vài hạt bụi rơi từ nắm lá Simsapa dạo nọ.

***

Tôi muốn mượn những lời tâm tình này của Văn Công Tuấn khi giới thiệu các Tuyển tập của Nguyễn Hiền Đức để kết luận: 

…

Nỗi riêng mà lại là tình chung. Đây thật là những tài liệu vô cùng quý giá giúp cho tôi khỏi lạc lõng giữa rừng chữ. Mà đã quý như thế thì tôi không thể giữ cho riêng mình. Nghĩ vậy nên tôi mạn phép ghi vào đây để chư thiện hữu cùng thưởng ngoạn.

… Chẳng qua cũng chỉ muốn đem cõi lòng trải rộng thêm ra cùng bạn hữu gần xa thôi. Tựu chung, tất cả cũng chỉ vì một tấm lòng. Mà đã có tấm lòng thì phải … để gió cuốn đi (TCS)”.

 

Đỗ Hồng Ngọc.

(Saigon 12.2019)

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Phật học & Đời sống, Vài đoạn hồi ký

  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 6
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)

TẠP GHI (Lõm Bõm)

Nguyễn Xuân Thiệp: VỴ ƠI…

Truyện Phan Tấn Hải: QUÊN NHAU LÀ CHUYỆN KHÓ

Thêm một Tuổi Mới

PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Biết rồi còn hỏi

Ba tầng của tâm thức – Vô Kỵ ở tầng nào?

“An cư kiết hạ” trong mùa Covi

Thư gởi bạn (2.4.2020)

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Trần Hoài Thư: Thư Tết gửi bạn thơ Đỗ Nghê ở SG.
  • Trần Doãn Nho: Lạnh lùng Texas!
  • Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)
  • TẠP GHI (Lõm Bõm)
  • Nguyễn Xuân Thiệp: VỴ ƠI…

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong CHÚC MỪNG NĂM MỚI
  • Diêu Trong trong CHÚC MỪNG NĂM MỚI
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Sách Ở Trên Đường
  • Su Su Do trong Sách Ở Trên Đường
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Tĩnh lặng
  • Tịnh Phan trong Tĩnh lặng
  • Phan Minh Tịnh trong Tĩnh lặng
  • Trần Vạn Lợi trong Chuyện kể đêm Giáng Sinh
  • hai trầu trong Chuyến về Đà Lạt cùng Quán Văn
  • hai trầu trong Chuyến về Đà Lạt cùng Quán Văn

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email