Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Thơ Nguyễn Nam An: LAN NHỎ

17/02/2022 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

LAN NHỎ

Đi đâu người cũng theo ta cả
Mùa xuân cho nhau – này hương hoa
Lan ạ năm nay ngày vui đến
Ta lại đi vô rồi đi ra!

Cũng lâu người đỡ tay ta đó
Một gánh giang hồ một gánh lo
Thì ra năm tháng trôi qua hết
Chỉ có buồn này ngày một to

Nay kệ bơ vơ mùa xuân tới
Ra vườn ta ngắm lan làm vui
Ơn em khi nhớ bùi ngùi đó
Nhưng tận trời cao vói khó rồi

Đi đâu người cũng theo ta cả
Giữa ngày phố lạ hoa như ta
Cuối năm nắng rớt bờ rào mục
Ta rớt đời ta tận đâu xa

Người đâu mùa nắng ta trông lá
Ngữa mặt nhìn cây tìm hoa xưa
Phượng ôn đới tím mùa nay đã
Cúp vội phone nhau những chuyện thừa

Tháng chạp đu đưa ngày xuân tới
Bồi hồi ai gợi những chiêm bao
Sáng ra mở mắt còn trông với
Chập chờn bay ngày cũ… trời ơi!

Đi đâu người cũng như ta đợi
Mùa xuân rồi đơm hoa cho vui
………………………………..

Nguyễn Nam An

Filed Under: Gío heo may đã về ....

Thơ Lê Ký Thương: NHƯ MẸ. NHƯ EM. VÀ NHƯ BẠN

22/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

NHƯ MẸ. NHƯ EM. VÀ NHƯ BẠN

Lê Ký Thương

            I believe that you are the only root

            that keeps me still standing

                                    Nikos Kazantzakis

Tôi về giữa cơn mưa

gió xé làn áo mỏng

con chim cu gù trên ngọn sầu đông

chào tôi rỉa cánh

Mẹ rang nhã bắp vừa xong

bếp lửa còn thơm mùi bã mía

 

Bàn tay mẹ xương khô

mà vẫn đẹp như bàn tay người bạn gái

bàn tay – đôi cánh bao dung

ấp ủ tôi – chú gà nhỏ dại

chú gà con sợ những cơn mưa

những cơn mưa nhọn hoắc móng diều hâu

những cơn mưa tàn nhẫn phủ quanh đời

trùng trùng đường dây nghiệt ngã

 

Tôi ngồi bên Mẹ đêm nay

tóc Mẹ điểm hoa cau

nụ cười hân hoan mùa vạn thọ

bàn tay Mẹ nắm tay con

lời nói thoảng qua tàu lá chuối

vườn khuya sương bọc đốm sao

lòng tôi mảnh như giọt sương

ngủ yên trên sóng lá

quên hết thời phiêu bạt

 

Quên hết – quên hết

những ngày xuống đường tranh đấu

sau khi tuyệt thực về nhà

tay run run cầm ly sữa Mẹ pha

nhìn Mẹ nghẹn ngào…

con không còn hơi uống

 

Phải chăng tôi đã phản bội bạn bè

bởi vì tôi lãng mạn?

 

Quên hết – quên hết

tách nước trà miếng bánh đậu xanh

ở tòa soạn trên gác lửng nhà in

hay nửa đêm cùng cô bạn phóng viên

đi làm phóng sự

giữa đường trốn mưa dưới giàn thiên lý

nàng đã hát cho tôi nghe

tiếng hát vang vang mấy cành ly biệt

 

Quên hết – quên hết

phòng triễn lãm chỉ có hai người

những bức tranh màu lạnh

hay ly rượu mừng chưa kịp uống vội say

môi tê tái

 

Bây giờ tôi còn có mỗi niềm tin

nơi người bạn gái

dù chưa biết khi nào tôi vẽ được lòng nàng

nhưng nàng đã vẽ lên lòng tôi một tuyệt tác

bao năm qua trên bước đường lưu lạc

trên lòng tôi màu hoa khế chưa phai

đôi mắt mở tròn đôi mắt thỏ sớm mai

đã soi sáng đường tôi tiến tới

ôi! cái nhếch môi cười sao mà dịu vợi

suốt ngàn năm còn mãi vẻ thanh tân

nốt ruồi đen bên sóng mũi quá gần

đã điểm xuyết cho tình thêm cao  quí

nét bút cao xa nhưng quả là ủy mị

tất cả đều kết tụ một NÀNG THƠ

dạy tôi YÊU – dạy tôi SỐNG – dạy tôi CHỜ

như MẸ – như EM – và như BẠN

 

Bây giờ tôi còn có mỗi niềm tin

nơi người bạn gái

nàng là cội rễ duy nhất

giữ tôi đứng mãi.

 

LKT

1970 – 1974

(trong Bếp Lửa Còn Thơm Mùi Bã Mía)

……………………………..

Nguồn: http://phovanblog.blogspot.com/2020/08/nhu-me-nhu-em-va-nhu-ban.html

 

Filed Under: Gío heo may đã về ...., Nghĩ từ trái tim

Cao Kim: LẶNG

27/12/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

LẶNG (*)

Cao Kim

 

 

Ngày đầu năm ấy, quán cà phê vỉa hè chưa có khách ngồi. Mọi thứ dường như đều nhuốm không khí Tết. Trời se lạnh. Đường vắng xe, yên tĩnh. Có lẽ đêm trước, dân thành phố thức khuya đón giao thừa, những người trẻ vui chơi tận sáng và giờ này còn cuộn mình trong chăn. Thế mà hai người khách đầu tiên của quán cẩn thận đến trước cuộc hẹn nửa tiếng, hy vọng tìm được một chỗ ngồi thích hợp có thể ngắm hai ngọn tháp của ngôi giáo đường hàng trăm năm tuổi vút lên giữa khoảng trời xanh trong veo. Tay trong tay, họ chuyền cho nhau chút nồng nàn trong buổi sớm mai lành lạnh. Họ thư thả ngắm thời gian, không gian bình an của một năm mới và… ngắm nhau mà chẳng thốt một lời. Trời đất đang đẹp đến thế, dịu dàng đến thế, cớ sao phải làm kinh động không gian êm đềm quá thể này bằng ngôn ngữ nếu họ có thể trò chuyện với nhau trong thinh lặng!

Họ đang có những giây phút hiếm hoi khi cả thế giới bên trong lẫn bên ngòai đều lắng lại, không âm thanh thúc giục của những hồi chuông điện thọai, không ồn ào tiếng còi xe, không ngột ngạt của chen lấn giành giật, không mù mịt bụi của những cuộc rượt đuổi hụt hơi đường ngắn lẫn đường dài … Thế giới của họ bỗng chốc trong suốt, nhẹ tênh như ngọn gió vô hình vừa khẽ chạm vào da thịt họ giữa cuộc hành trình thênh thang.

Họ ngồi đó, yên lặng cảm nhận hương xuân cho đến khi những người bạn xuất hiện. Cuộc chuyện trò đầu năm cũng nhẹ nhàng như lòng người, như đất trời đang thơ thới. Lòng họ hân hoan theo những hạnh ngộ. Họ đang làm cái gạch nối để đưa những người đã biết mà chưa quen đến được với nhau. Họ nhìn thấy trong nụ cười của người này sự rạng rỡ của niềm vui, trong ánh mắt người kia vẻ hân hoan của ý nghĩ “tìm và đã gặp”. Họ nhìn sự dung dị của “người nổi tiếng” trước mặt mình mà thầm phục cái tâm bình lặng của anh. Nếu không phải là người đã nhìn thấu ý nghĩa cuộc đời, hẳn anh đã không có mặt trong thời điểm đặc biệt như hôm nay cho một cuộc gặp xem ra chẳng mấy quan trọng. Tâm chưa lặng, làm sao anh có được cách trò chuyện thân tình và giản dị với những người đang ngưỡng mộ anh mà không hề có chút kiểu cách của “sao”! Họ “thấy” anh đang nhẹ nhàng bơm từng nhịp sinh khí vào lồng ngực của kẻ sắp kiệt quệ niềm vui. Rồi khi lồng ngực ấy phập phồng những cảm xúc tưởng đã xa rời từ lâu không hẹn ngày quay lại, họ thấy anh nở nụ cười ý nhị. Bỗng dưng họ nhận ra cuộc đời này đơn giản xiết bao, dung dị xiết bao. Phức tạp chăng chỉ là do rối rắm của lòng người (những kẻ vừa tự nhốt mình trong bức tường rào kiên cố để bảo đảm sự an tòan lại vừa vùng vẫy trong tuyệt vọng để tìm kiếm tự do!). Đất im lặng. Trời có nói gì đâu. Mà sao họ nghe như có tiếng reo vui giữa không gian mênh mang thấp thoáng cây và gió. Họ đang lặng lẽ quay về với lòng mình, quên hết những điều thường phải nhớ, những điều mà mỗi ngày bận rộn dường như họ không được phép quên, chỉ biết phút giây này đây, họ đang nhìn thấy một nụ cười, một niềm vui, ánh mắt bồi hồi của những tâm hồn tràn trề xúc cảm. Họ đang được dự phần vào hạnh phúc của người khác, dù đó là thứ hạnh phúc rất đỗi nhỏ nhoi, và họ thấy tâm mình thật bình an.

Một ngày mới của năm mới đã bắt đầu như thế.

………………………………………………………………….

(*) CK viết về buổi gặp gỡ giữa Lê Ký Thương, Kim Quy, Khuất Đẩu, Huyền Chiêu và Đỗ Hồng Ngọc tại một quán cafe vỉa hè Saigon trước Nhà Thờ Đức Bà (2008).

Và 10 năm sau ở Đường Sách Saigon:

Từ trái: Đỗ Hồng Ngọc, Lê Ký Thương, Kim Quy, Khuất Đẩu, Huyền Chiêu (Đường Sách SG, 2017)

 

Viết thêm:

 

CÓ NGƯỜI LÒNG NHƯ KHĂN MỚI THÊU

Đã đọc bài của CK trên DHN blog. Vui và cảm dộng. HC luôn thích những bức ký họa của anh Ngọc. bức tranh  “mình năm đứa hôm nay gặp nhau, nâng ly cà phê…” rất…DHN.
Anh Khuất Đẩu  hay nói “cuối đời mình được gặp những người bạn mà mình yêu mến , cuộc sống cũng có hậu mà” riêng Huyền Chiêu  thì thầm nghĩ  “may mắn là cái duyên được  gặp CK đầu tiên để từ đó duyên lành tiếp nối”.
Huyền Chiêu ” không bao giờ quên được cái cảm giác trong sáng ấy, nẩy nở trong lòng tôi…” khi lần đầu tiên được hưởng một buổi sáng đầu năm trong không khí yên tĩnh đến bất ngờ của trung tâm Saigon.
Một buổi sáng kỳ lạ, không một bóng người trên đường, không tiếng còi xe inh ỏi. Buổi sáng  đó như chỉ dành riêng cho năm vị khách ‘có duyên thì gặp”.
Cám ơn quán cà phê nào đó đã mở cửa dón khách từ rất sớm trong một ngày mà ai cũng muốn lười biếng cuộn mình trong chăn ấm.
Cám ơn thành phố hồi đó đã chưa có lệnh cấm  bày bàn ghế trên vĩa hè.
Cám ơn những hàng me còn sót lại của một sài gòn xưa cũ đẻ cùng với màu gạch đỏ của Nhà Thờ Đức Bà làm cho mình có cảm giác như đang sống lại những ngày tháng cũ.
Cám ơn những người bạn ” biết nhau mà chưa thấy, cùng uống nước… văn chương” đã phải thức dậy sớm để  được ngồi cùng nhau trong hơi lạnh dịu dàng của một sáng sớm mùa xuân.
Vậy mà 10 lần “ngày đầu năm” đã qua đi rồi sao?

“Mười năm xưa đứng bên bờ giậu
đường xanh hoa muổi bay rì rào
có người lòng như khăn mới thêu (*)

Lại sắp đến một “ngày đầu năm” mới.
Lòng  rưng rưng nhớ lại giây phút thật yên bình ngồi bên những người bạn mới quen nay đã cùng ta xa dần ngày vui năm ấy.

Huyền Chiêu
(đầu năm 2020)
(*) lời ca TCS

……………………………………….

Nguyệt Mai:

Cám ơn anh Ngọc đã chia sẻ. Em yêu cái không khí yên lặng, bình an trong buổi gặp gỡ đầu năm này quá. Lại làm em nhớ đến những câu thơ của Lưu Trọng Lư: “Nhìn thôi mà chẳng nói… Có nói cũng không cùng”.

Nhưng anh trích câu hát của TCS :Mười năm chân bước trên đường dài/ gặp nhau không nói không nụ cười/ chút tình dường như hiu hắt bay… thì nghe buồn qua!

Mong an lạc ở cùng chúng ta.

……………………………………………………..

ĐHN

Đó là bài Có một dòng sông đã qua đời của Trịnh Công Sơn.

Mười năm chân bước trên đường dài/ gặp nhau không nói không nụ cười/ chút tình dường như hiu hắt bay…

Có lần bàn chân qua phố
thấy người / sóng lao xao bờ tôi…

(TCS)

(Nghĩa là nàng đi bên bờ kia cùng người tình/ chàng bờ bên này thấy… sóng lao xao…/ Từ đó… dòng sông mới… qua đời!).

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Gío heo may đã về ...., Vài đoạn hồi ký

Biết ơn mình để có nếp sống mạnh khỏe hơn

03/12/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Biết ơn mình để có nếp sống mạnh khỏe hơn

SGGP Thứ Hai, 2/12/2019 08:06

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nổi tiếng với những cuốn sách, những kiến thức y học được truyền tải một cách cô đọng dễ hiểu, giúp độc giả am tường hơn về bản thân, không chỉ về sức khỏe sinh học mà còn trên phương diện tinh thần.

Biết ơn mình để có nếp sống mạnh khỏe hơn

Ở vào tuổi 80, nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Chút nắng vàng… giờ đây cũng vội!”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho rằng cần phải “về thu xếp lại”. Cuốn sách Biết ơn mình (Phương Nam và NXB Văn hóa – Văn nghệ) được ra đời cũng nằm trong nguồn cảm hứng như vậy.

“Về thu xếp lại” theo như chia sẻ của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là nhặt nhạnh, gom góp, chắt lọc, sắp xếp lại… Giống như các bài viết trong sách, được tác giả chắt lọc, gom góp và sắp xếp theo một chủ đề chung là “Sức khỏe và đời sống” của một người có tuổi, để mong có một nếp sống mạnh khỏe hơn, an lạc hơn. Trong bài viết mở đầu tương đối dài, được dùng làm tên cho cả tập sách, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chỉ ra một thực tế: chúng ta được dạy nói lời cảm ơn khi có ai đó giúp mình, nhưng dường như chưa bao giờ được dạy nói cảm ơn với chính mình. Thậm chí, không ít người còn xem đó là một điều lố bịch, kỳ cục, không cần thiết. Bằng kiến thức chuyên môn của một bác sĩ kết hợp với sự duyên dáng của một người viết lâu năm, tác giả Đỗ Hồng Ngọc đã lần lượt mang đến cho người đọc những thông tin thú vị đằng sau cơ chế sinh học của từng bộ phận trên cơ thể: bộ xương, bộ máy tuần hoàn, buồng phổi, hệ thống hô hấp, hệ tiêu hóa…

Hiểu rõ về cơ thể, về những điều kỳ diệu mà từng bộ phận của cơ thể mang lại cũng chính là sự biết ơn chính mình. Bởi lẽ, chỉ khi nào biết ơn chính mình, thì chúng ta mới quan tâm và lắng nghe cơ thể, giúp thân tâm luôn mạnh khỏe, như chia sẻ của viện sĩ Muculin, được trích dẫn trong bài viết của tác giả: “Chúng ta không theo dõi bản thân mình mà để cho cơ thể làm việc đến hao mòn, vì vậy nó dễ bị hư hỏng sớm”. Ở các bài viết còn lại: Những bệnh… “vô duyên”; Một chút lan man; Những cái thiếu ở người già; Đừng quên… cái ruột già; Bệnh nhân… già và thầy thuốc…, tác giả đóng vai trò như một người bạn thủ thỉ, tâm tình những vấn đề hay vướng mắc mà bất cứ người già nào cũng quan tâm hay phải đối diện. Như đã nói, những bài viết này mong đạt đến nếp sống mạnh khỏe, kể cả khi “gió heo may đã về”!

HỒ SƠN

(sggp.org.vn 2.12.2019)

Filed Under: Gío heo may đã về ...., Góc nhìn - nhận định, Thầy thuốc và bệnh nhân

Có một buổi “Ra Mắt Sách”… như thế!

11/06/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi

Có một buổi “Ra Mắt Sách”… như thế!

Nghĩa là nó chẳng giống ai bạn ạ. Nó hơi kỳ cục. Thôi kệ. Bạn đã hỏi thì gởi vài tấm hình (phóng sự) và “bình luận” chút xíu cho vui thôi nhe.

Nó kỳ cục vì Ra mắt sách mà không phải để giới thiệu sách mới, không phải để làm PR, quảng bá, vì thực ra thì sách đã… cũ. Cuốn “Về Thu Xếp Lại…” của mình ấy mà. Phát hành đầu tháng 4.2019, qua tháng 5 đã “tái bản” lần 1, và mình cũng đã gởi tặng phần lớn các bạn cả rồi. Đọc chưa thì không biết. Có ý kiến ý cò gì thì không biết. Nhưng ít ra mọi người cũng đã thấy cái… tựa rồi, và cũng đã dòm qua cái hình bìa rồi. Thực tế, có lẽ chẳng ai muốn “thu xếp” cái gì cả cho thêm mệt. Thế nên buổi họp mặt “bỏ túi” hôm nay (Thứ bảy 8.6.2019) tại nhà Lê Ký Thương – Kim Quy là một buổi “Ra mắt… cái bìa sách” thì đúng hơn bạn ạ.

Cái bìa thiệt đẹp. Vẽ ông Bồ Đề Đạt Ma sau 9 năm diện bích, chỉ còn mỗi chiếc dép… quảy về cố hương!

Và, dịp này, mình đã không quên nhắc bạn bè qua những cái bìa sách xa xôi nữa:

Thơ Ngắn Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc) chẳng hạn, để kỷ niệm 50 năm… làm thơ, bìa do Lê Kỳ Thương trình bày (2017), cạnh tập thơ đầu tay TÌNH NGƯỜI, Đỗ Nghê 1967 do Lữ Kiều Thân Trọng Minh trình bày rất độc đáo với hình của Cocteau, rồi cuốn Gió heo may đã về, 25 năm về trước thì do Lữ Quỳnh trình bày, với hình của Đỗ Trung Quân và mới nhất, Về thu xếp lại… bìa của Lê Ký Thương… Mình đã mang cả 4 cuốn này đến buổi họp mặt để bạn bè ai chưa có thì nhận cho vui. Sách… “phát hành” chạy như tôm tươi!

Bạn thấy đó. Buổi gọi là Ra Mắt Sách (RMS, viết theo kiểu Khánh Minh)… “linh đình” như vậy là dịp rất tốt để nhắc đến bè bạn gắn kết bấy nay. Hôm nay còn có Nguyên Minh, một “Tống Giang” cũng có mặt, người được anh em bạn bè quý mến, “chủ xị” tạp chí văn chương Quán Văn bây giờ, đã ra được 65 số đặc biệt về các chân dung bằng hữu.

Đỗ Hồng Ngọc “phát biểu” đôi lời… nhắc đến Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Lê Ký Thương, Nguyên Minh, Đỗ Trung Quân…

một không khí… gần gũi

và… ấm áp!

Gia đình nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương vừa đến. Chị Hỷ Khương nghe nói vừa mới té hôm trước, mà nay quyết nhờ “Quận Mã” Bá Thùy đưa đến gặp anh em cho được! Vừa gặp chị đã kêu: Còn gặp nhau… thì sao hè? Ai đó đọc tiếp: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ và v.v… Chị vẫn cười rất Hỷ Khương. Năm nay đã 83 rồi đó.

Và bây giờ là tiếng hát của Quách Mạnh Kha với những bài Trịnh Công Sơn, Pham Duy… và tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Đình An. Bên cạnh là nhà văn Nguyễn Lệ Uyên, họa sĩ Lê Ký Thương, nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy, nhà giáo Ngọc Minh

 

 

 

Rồi đôi “uyên ương” Mỹ Lệ và Đình An không quên hát bài “Sông ơi cứ chảy…”, thơ Đỗ Hồng Ngọc do nhạc sĩ Thuần Nhiên Nguyễn Đức Vinh phổ nhạc…

Bất ngờ… Hồ Văn Thành và Nhựt Quang, hai “bạn trẻ” của thời Du Ca Nguyễn Đức Quang cùng song ca: Người yêu tôi bệnh: “Giờ còn có nhau giúp nhau cho thật nhiều/ Ngày nào mất nhau sớt chia chẳng được đâu…!”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bạn thấy đó, một buổi RMS kỳ cục! Hình như những ai đến dự buổi này dù không nói ra đều thấy rằng đã đến lúc nên “Về thu xếp lại…” đó thôi: Còn gặp nhau thì hãy cứ say/ Say tình say nghĩa bấy lâu nay/ Say thơ say nhạc say bè bạn… (Hỷ Khương) và Giờ còn có nhau, giúp nhau cho thật nhiều… (NĐQ)

Buổi RMS kỳ cục này cũng chỉ có bắp, khoai, chuối, xôi, chôm chôm, nhãn, ổi… và trà, càphê, sữa đậu nành, hột é… thế thôi.

Một bạn trẻ, Vũ Trung Kiên đến trễ, ôm tặng một lẵng hoa tươi:

 

Nhớ lại, Vũ Trung Kiên hôm nào đã viết:

“…Độc giả sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi đọc cuốn sách này: Có lúc tâm ta đắm chìm trong thâm trầm, suy tưởng; có lúc bật lên cười khúc khích như vừa phát hiện ra…chính mình mà lâu nay mình không chịu nhìn nhận…nó. Hỏi hay không? Hay! Hay sao nói coi? Không nói được! Có những cái hay nằm ngoài khả năng biểu đạt của ngôn ngữ. “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn làm chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị” (Nguyễn Hiến Lê, 1972). Hãy đọc cuốn sách này bằng cái tâm an của một người từng trải để lắng nghe tiếng thì thầm của tâm ta tìm về mách bảo. “Thưa rằng: nói nữa là sai/ Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào” (Bùi Giáng). Đọc Về thu xếp lại để bắt gặp mùa xuân và sống với một mùa xuân vĩnh cửu”.

(Vũ Trung Kiên)

 

Thân mến,

Hẹn thư sau,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

Ghi chú thêm: Có vài chi tiết vui vui, liên quan đến cuốn “Về Thu Xếp Lại…”:

  1. Đầu tháng 3/2019 lúc mình đang ở Nepal ( Kathmandu, tại Hymalayan Happiness Resort) thì cũng là lúc bản thảo VTXL sắp được in, còn vài chỗ cần trao đổi thêm, chủ yếu là lỗi morasse,  cách viết, một thứ “tản văn” rất gần với tùy bút v.v… Thế là Nhà xuất bản đã trao đổi qua email với mình để cũng bàn luận, chỉnh sửa… Nói… chung, với chiếc điện thoại di động nhỏ xíu, ngồi ở một nơi lạnh buốt, bên tách trà nóng, cách Saigon hằng mấy ngàn cây số, nhìn núi tuyết xa xa, vờn những đám mây trắng xóa, cạnh những thung lũng hun hút dưới chân Hymalaya mà…  sửa morasse cho bản in cuốn Về Thu Xếp Lại cũng có chút thú vị bất ngờ chớ phải không?
  2. Có một cú điện thoại từ vị thị giả của Hòa thượng Nhật Quang, Trụ trì thiền viện Thường Chiếu ở Long Thành kêu… gởi gấp cho Hòa thượng chừng chục cuốn VTXL để tặng các vị Thầy ở Thiền viện vì sách … rất hay, và rất có ích…! Còn Ni sư Hạnh Chiếu thiền viện Tâm Đức thì nói sẽ cho… photocopy thêm để tặng bà con… Phật tử. Tóm lại, VTXL sẽ được phổ biến… mạnh trong nhà chùa.
  3. “Chẳng cũng khoái ru?” (ĐHN)

 

 

 

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Gío heo may đã về ...., Vài đoạn hồi ký

thơ Trần Vấn Lệ: Cuối Năm Con Chó

28/01/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Cuối Năm Con Chó

Trần Vấn Lệ

Bão đã tan rồi.  Bão đã tan…
Tiêu sơ.  Thê thảm.  Một năm tàn
Người ta vui gượng.  Vui vì Tết
Hoa cũng gượng cười, nắng chói chan…

Cửa hiệu bày ra…hàng hóa cũ
Kèm theo cuốn lịch tặng bà con
Người qua, ghé lại, người đi tiếp
Có những người vui, có kẻ buồn…

Quán gió, cà phê nghi ngút khói
Có người hớn hở, kẻ trầm tư…
Tết, đầu tuần tới, như không Tết
Báo lật nhìn qua…không thấy thơ!

Hầu hết văn chương là chuyện cũ
Để buồn / để ngủ / để mà quên?
Chó tru vừa dứt, con heo ủn
Chính sự đoán mò chuyện tháng Giêng…

Một góc đời tôi ngó cảnh đời
Bạn vừa ghé bước để ngồi đôi
Rồi thì đứng dây…đi đâu mất
Phố rộng, người thưa, mây trắng trôi…

Bão đã tan rồi, buồn chẳng tan
Nhiều người bảo thế, đó, Quê Hương:
Tuổi cùng thế hệ ngày thưa thớt
“Hậu Duệ” thay vì xưng cháu con…

“Sáng nay con gái đâu nhiều quá
Những cánh tay trần như cánh chim!”
Hoàng Trúc Ly, thơ, ai mới đọc
Buồn cười.  Vắng vẻ. Tết vô duyên…

(TVL)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Gío heo may đã về ....

Dông dài cùng thơ ngắn Đỗ Nghê

25/02/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Dông dài cùng thơ ngắn Đỗ Nghê

(Tuổi Trẻ 22.02.2018)

Lam Điền

 Thật ra, cái duyên của thơ Đỗ Nghê (một bút danh bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc) chính là ở chỗ ngắn. Sau 5 tập thơ trình làng trong hơn nửa thế kỷ qua, đến nay, ông tự gọi tên tập thơ mới nhất của mình là “thơ ngắn”, dù hai chữ ấy kỳ thực không gây chú ý bằng cái tên “Đỗ Nghê” một lần nữa xuất hiện trong cộng đồng yêu thơ với nhan đề Thơ Ngắn Đỗ Nghê. Bởi từ những tác phẩm đầu tiên trình làng hồi thập niên 1960-1970, Đỗ Nghê đã có một kiểu duyên ngầm trong những bài thơ tượng thành từ sự bùng phát của cảm xúc hay ông tự chưng cất những suy tư đến cái độ mà Chu Hy xưa kia từng gọi rằng: như không thôi đi được.

Và nay, bạn yêu thơ dần dần nhận ra ý vị trong thơ ông cũng chính ở chỗ ngắn gọn của câu từ đã đẩy người đọc đến những hành trình dông dài của tâm sự và cảm nhận. Giở tập thơ mới in, thấy dấu vết “thơ ngắn” từng gắn bó trong hành trình thơ Đỗ Nghê từ mấy chục năm trước. Có những bài thật ngắn, trước sau chỉ có 6 từ: Giữa đêm/ thức giấc/ giữa ngày. Nhưng rồi cái “ý tại ngôn ngoại” của thơ ông lại nằm ở thông tin thuộc về… lạc khoản: Bài thơ ông làm trong chuyến đi Boston, cái không gian nửa vòng trái đất được đo bằng một giấc ngủ rồi vo lại trong 6 chữ kia, cũng là một “ca” thú vị về chuyện thơ được sinh ra như thế nào.

Ấy nhưng chỗ thú vị của thơ Đỗ Nghê lại nằm ở những dông dài. Làm sao dông dài cho được trong khi ngôn từ ngắn gọn vắn tắt thế kia? Thì như vậy mới là thơ, mới là thơ đáng đọc. Đỗ Nghê có thủ pháp kéo dài thơ bằng âm thanh chứ không phải bằng số chữ, hãy nghe ông tả cơn mưa trên Đông Hồ – Hà Tiên: Mưa trên Đông Hồ mưa mênh mông/ Tô Châu nghiêng mình nghe mưa giăng… Thủ pháp dùng đơn thanh cho thơ từ dạo “Ô hay buồn vương cây ngô đồng” của Bích Khê đến nay không còn mới nữa, nhưng dùng thủ pháp ấy để kéo dài câu thơ cho một cơn mưa dai, thì nghệ thuật đơn âm của thơ Đỗ Nghê lạ hẳn. Và rồi khách yêu thơ sẽ thấy mình bị cuốn vào những dông dài dễ thương trong thơ Đỗ Nghê tự bao giờ. Gạt qua những thủ pháp câu chữ, mới thấy tứ thơ và cảm xúc của Đỗ Nghê thật miên man bất tận. Ông viết về Hội An sớm, rồi lại viết Hội An đêm, ý tứ nào cũng đặc biệt: “mái chùa ôm vầng trăng” thuộc về Hội An sớm, mà “những linh hồn thức dậy” lại thuộc Hội An đêm. Rồi miên man nối những suy nghiệm cuộc đời: Đi giữa Sài Gòn/ phố nhà cao ngất/ hoa nở rực vàng/ mà không thấy tết…, nối những ý đạo bất ngờ như hoát ngộ: Tham chẳng còn/ sân cũng hết/ si đã tuyệt/ Niết Bàn/ tịch diệt/ để làm chi… Nhưng dông dài đáng kể của thơ chính ở chỗ thơ tình. Cái tình trong thơ Đỗ Nghê làm cách đây bốn mươi tám năm (1970) vẫn tươi nguyên bốc khói như không khoảng cách với thời nay: Và trong mắt nàng thời gian bốc khói/ Ta giật mình nghe ta đã ba mươi/ Ba mươi năm khà khà ba mươi tuổi/ Ta làm sao mà lòng ta chưa nguôi…

Có lẽ Đỗ Nghê và khách đồng điệu thơ ông cũng vậy: làm sao mà nguôi được!

(Lam Điền)

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Gío heo may đã về ...., Góc nhìn - nhận định

thư gởi bạn xa xôi 8.17 (tiếp)

15/08/2017 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

Thư gởi bạn xa xôi (tiếp)

Về Phan Thiết

 

Với mình thì ”Phan Thiết” luôn bao gồm cả Lagi và Mũi Né, cả Ma Lâm và Mương Mán.  Vậy là đông tây nam bắc có đủ cả. Cái vùng đó thật lạ. Ngoài địa danh Lagi (đọc là La Di, giọng Nam bộ) thì còn có La Gàn, La Ngâu, La Ngà… Núi thì có Tà Cú, Tà Dôn, Tà Đặng, Tà Lài, Tà Mon… Hàm thì có Hàm Tân, Hàm Thuận, Hàm Đức, Hàm Tiến… Có người bảo La là sông, Tà là núi và Hàm là ruộng. Mình chỉ biết vậy.  Mương Mán nổi tiếng với Ga Mương Mán, trên tuyến đường xe lửa Bắc Nam hàng trăm năm, bỗng dưng sau 75 bị đổi tên thành Ga Bình Thuận, chẳng hiểu tại sao. Có lẽ rồi đây Ga Tháp Chàm sẽ đổi thành Ga Ninh Thuận… và rồi ga Diêu Trì, ga, ga… tiếp tục đổi tên.

Về Phan Thiết, lúc nào cũng ghé Lagi. Thế nào cũng ghé Đập Đá Dựng. Một ly cà phê. Nhìn dòng nước chảy xiết. Ngày nào, mới đó mà đã hơn 60 năm, cùng bạn bè đạp xe vượt đồi, qua các trảng cỏ cao hơn đầu người, lên Đá Dựng tắm sông. Trần truồng như nhộng. Đến khi Bình Tuy làm cái đập nước, có cái nhà một cột giữa dòng, có những con lân đá mang tên mới là Đập Đá Dựng thì vẫn trần truồng như nhộng tắm sông cả bọn. Mới thôi.

 

 

Về Mũi Né lúc này muốn ngắm dừa “xứ Rạng” thì phải vào các resort may ra. Mà rừng dừa cũng già quá đỗi rồi.

 

 

Vườn dừa Rạng.

 

 

 

 

Thuyền thúng (Thúng chai) bây giờ cũng lạ. Xanh xanh đỏ đỏ cũng khá tươi.

 

 

Bàu Trắng, Bàu Sen xưa là một vùng tuyệt đẹp với đồi cát mênh mông, hồ nước mênh mông xanh ngút ngàn mà nay dấu xe đặc chủng du lịch cày xới không thương tiếc… Nhớ ngày nào đưa đoàn T4G đến thăm còn hoang sơ lắm.

 

 

May còn một chút làng chài ở Hòa Thắng, nơi có cái đảo nhỏ trông giống như một con Rùa biển gọi là Hòn Đú (Rùa biển vùng mình gọi là con Đú, nhớ không? Đú lên cát đẻ trứng hằng trăm quả, như trái bóng bàn, mềm mềm và vỏ dai chắc, vùi trong cát để ấp, khi nở ra hằng trăm con đú con đua nhau bò xuống biến…).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lần này về Phan Thiết mình còn ghé lên Ma Lâm. Tính gặp Ngô Đình Miên thăm mà bạn đi Saigon. Thôi ghé chụp cái hình chiếc ga xép nhỏ, ngày nào 12 tuổi, đi theo Chị Ba Oanh từ chùa HN lên thăm bác Năm H, anh Lìn, chị Nhạn… bằng xe lửa. Nay anh Lìn (Lâm Hồng Lân cũng vừa mới mất). Ma Lâm chỉ cách Phan Thiết 15km, thuộc Hàm Thuận Bắc, có đường đi thẳng lên Di Linh Đà Lạt, quốc lộ 28, ngang qua khu rừng nguyên sinh mênh mông đượm vẻ huyền bí nên từ xưa đã được gọi là Ma Lâm chăng? Ở đó có Đập Sông Quao hùng vĩ. Sông Quao đổ về Lương Sơn, Phan Rì, còn nhớ chứ? Lần này mình cũng có ghé thăm Đập Sông Quao. Năm xưa, còn Má, đã đưa Má đến đây.

 

Đập sông Quao

 

Ga xép Ma Lâm

Rồi ghé tạt ngang Chùa HN, nơi mình ở mấy năm tuổi thơ đi học Trường tiểu học Bạch Vân của cô Tiểu Sính (Hồ Thị Tiểu Sính, con Út cụ Hồ Tá Bang) rồi vào đệ thất trường Phan Bội Châu năm đó (1954)… Mấy cây điệp (phượng) to đỏ rực mùa hè và cây me khổng lồ ba người ôm không xuể trong sân chùa đã bị đốn chặt tự bao giờ, may còn sót lại một cây dừa ngơ ngác. Mới thôi.

 

 

 

 

 

Nhưng không thể không kể thêm rằng mỗi lần về Phan Thiết thế nào cũng phải ăn Bánh Căn và ăn chè “Mộng Cầm”, rồi uống trà Lipton đặc biệt chỉ thấy có ở Phan Thiết, quán cafe BM bên bờ biển Vĩnh Thủy (Thương Chánh).

 

 

Trà lipton nóng, tự pha chế. tự vắt trái quất, chanh, cam vào tách trà, có sẵn táo tàu, xí muội, cam thảo… các thứ! Rất ngon. Chỉ thấy có ở Phan Thiết.,

 

Vậy đó, vài chuyến về Phan Thiết gần đây của mình. Phải kể cho bạn nhớ quay quắt chơi!

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

Filed Under: Chẳng cũng khoái ru?, Ghi chép lang thang, Gío heo may đã về ...., Uncategorized

20 năm “Gió Heo May Đã Về”

02/07/2017 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

20 năm “Gió Heo May Đã Về”

Thư gởi bạn xa xôi,

Phạm Văn Nhàn ‘meo’ bảo Thư Quán Bản Thảo kỳ tới làm số đặc biệt về Lữ Quỳnh, viết gì cho bạn đi. Viết gì? Thơ Lữ Quỳnh mình đã viết không chỉ một lần: Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!… nhớ không? LQ cũng đã đưa vào tuyển tập.

Hôm nay nói chuyện khác nhé. Mình vốn đánh giá cao cái cách trình bày sách của LQ. Phải nói là bạn có cái ‘gu’ rất hạp với mính, vì thế mà cuốn Gió Heo May Đã Về cũng như tập thơ Vòng Quanh mình đều nhờ LQ trình bày sách. Càphê góc đường nào đó một buổi, trao đổi với nhau vài ba ý gì đó, tức khắc LQ  ‘dựng’ lên cuốn sách OK ngay! Trình bày sách không dễ đâu. Phải có nghệ thuật và phải có… tâm hồn, thấu cảm với tác giả.

Năm 1995, mình được 55 tuổi, vừa nghe chút ‘gió heo may…’ về, và cắm cúi viết. Một tùy bút không giống ai. Tiêu đề toàn là những ca từ của Trịnh Công Sơn, rồi đề từ trên mỗi chương cũng là ca từ TCS (về sau này có người nói nhờ đọc cuốn này mà thấu hiểu thêm về TCS đó bạn ạ!). Đưa Đỗ Trung Quân coi, Đỗ khoái chí viết ngay bài “Như sông vào biển” trên Tuổi Trẻ Chủ nhật ngày đó. Trịnh Công Sơn viết thêm mấy dòng, nét chữ bay bướm, như một lời Bạt. Mình chọn một số minh họa của Đỗ Trung Quân đưa vào các chương sách rất có ý nghĩa. Dĩ nhiên, không phải là một tùy bút y học, tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học gì cả mà là một thứ “tả pí lù”, đầy hoang mang của lứa tuổi chớm già này. Tựa sách lúc đầu là Tùy bút viết cho tuổi chớm già. Nghe nặng nề quá. Mình và LQ bàn bạc rồi đổi tựa thành Gió heo may đã về... Sách bất ngờ bán chạy như tôm tươi. Tái bản liên tục. Báo Sàigòn Tiếp Thị thăm dò đưa lên mục Best seller. Chuyện in sách, bán sách gì gì mình giao hết cho LQ lo. Lâu lâu bạn nói sắp tái bản. Lâu lâu bạn nói có chút tác quyền còm đủ càfé. Vậy thôi. Là sướng rồi.

Nay 2017, vừa đúng 20 năm, ngày phát hành Gió heo may đã về, mình nghĩ đến lúc nên đưa vài hình ảnh cuốn sách 20 năm trước coi cho vui nhé. Dịp này không quên cám ơn Trịnh Công Sơn, Đỗ Trung Quân và đặc biệt cảm ơn Lữ Quỳnh, người bạn “mát tay”, có tài trình bày sách… quý hiếm!

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

 

Bản viết tay của Trịnh Công Sơn:

Minh họa của Đỗ Trung Quân

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Gío heo may đã về ...., Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Ngày Của Cha

19/06/2017 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Ngày Của Cha

Nhà thơ Vũ Hoàng Thư gởi cho chúng ta để cùng chia sẻ:

Một chút nhẹ nhàng nhân ngày Father’s Day, xin gửi đến quý Từ Phụ nghe Shirley Horn với Here’s to Life.

May all your storms be weathered
And all that’s good get better…

Enjoy & Happy Father’s Day,
vht

———————————-

Here’s To Life

Lyrics – Phyllis Molinary, Music – Artie Butler

No complaints and no regrets
I still believe in chasing dreams and placing bets
And I have learned that all you give is all you get
So give it all you’ve got

I had my share, I drank my fill
And even though I’m satisfied, I’m hungry still
To see what’s down another road, beyond a hill
And do it all again

So here’s to life
And every joy it brings
Here’s to life
To dreamers and their dreams

Funny how the time just flies
How love can go from warm hellos to sad goodbyes
And leave you with the memories you’ve memorized
To keep your winters warm

But there’s no yes in yesterday
And who knows what tomorrow brings, or takes away
As long as I’m still in the game, I want to play
For laughs, for life, for love

So here’s to life
And every joy it brings
Here’s to life
To dreamers and their dreams
May all your storms be weathered
And all that’s good get better

Here’s to life
Here’s to love
And here’s to you

 

Và hãy nghe:

HereToLife_ShirleyHorn.mp3

https://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/15cbc487450926bd?projector=1

Đa tạ Vũ Hoàng Thư.

ĐHN

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Gío heo may đã về ...., Nghĩ từ trái tim

Đi Lễ

24/12/2015 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

tranh Đinh Cường

tranh Đinh Cường

 

ĐI LỄ

 

Đưa em đi Lễ

Vầng trăng treo nghiêng

Đường im tiếng bước

Cho gần nhau hơn

 

Em tin có Chúa

Ngự ở trên cao

Còn anh tin Chúa

Ngự ở trong nhau

 

Đưa em đi Lễ

Vầng trăng treo nghiêng

Em làm dấu thánh

Anh làm dấu em…

 

Đỗ Hồng Ngọc

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Gío heo may đã về ...., Nghĩ từ trái tim

Thư gởi bạn xa xôi (12.15)

09/12/2015 By support1

Mùa xưa

Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối
Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát
Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi…

(Suối mơ, Văn Cao)

IMG_sm 1

Nguyễn Quang Chơn ở Đà Nẵng, coi mấy tấm hình tưởng “Gánh hát” đã dọn đi đâu đó xa lắm nên mới kiếm được một chỗ hoang sơ bên cạnh dòng suối với những chiếc lá vàng đong đưa và những cánh “hoa lừng hương gió ngát”… như vầy. Ai dè ngay giữa lòng thành phố có một nơi chốn đó, miễn là chịu khó… tìm ra!

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Gío heo may đã về ...., Vài đoạn hồi ký

Một tuổi già hạnh phúc (tt)

16/04/2015 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

Lãng tai đâu chỉ mình ta!

PN diec 2 Thời buổi bây giờ người ta còn dễ điếc hơn xưa. Nhạc xập xình ầm ỉ với công xuất lớn ở các tụ điểm ca nhạc, rồi đám cưới mở hết volume, “hát với nhau” ầm ỉ chịu không nổi. Đầu váng mắt hoa lùng bùng lỗ tai nên người già trốn biệt. Nhưng ngày nay điếc ngày càng… trẻ hóa! Nghiên cứu cho thấy “nhóm trẻ” 40-59 tuổi ở Mỹ đã có…35% kêu gặp khó khăn khi trao đổi qua điện thoại; 24% hiểu sai, dẫn tới hiểu lầm; 9% cảm thấy cô độc gần như bị cách ly vì tai kém.
Kinh nghiệm là nếu bị lãng tai, đừng buồn! Ai biểu… già chi! Già thì nó vậy. Đâu phải chỉ mình ta. Tai kém mắt kém, cái gì cũng kém. Già mà tai thính, mắt tinh hoài thì ai chịu cho nổi!

xem tiếp …

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Gío heo may đã về ...., Những người trẻ lạ lùng, Thư gởi người bận rộn

Một tuổi già hạnh phúc (13)

11/03/2015 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

Hạnh phúc… nằm ở ruột già!

PN bon Khi còn trẻ, ta dễ thấy cái “ăn” là quan trọng, khi về già mới biết cái “chuyện lớn” kia càng quan trọng hơn! Triết gia Lâm Ngữ Đường bảo: “Hạnh phúc ư? Rất đơn giản. Nó nằm ở ruột già! Ruột già mà điều hòa thì ta hạnh phúc, còn không thì ta khổ sở. Chỉ có vậy thôi!” (Sống đẹp, bản dịch Nguyễn Hiến Lê). Ngày trước, trên báo Bách Khoa có một truyện ngắn tựa là “Chuột khâu đít”  kể ở một nhà kia, chuột nhiều quá, phá phách chịu không nổi. Nuôi mèo, đặt bẫy, thuốc chuột, keo dính chuột… chẳng ăn thua! Thế rồi gia chủ nghe người ta khuyên bắt lấy một con chuột to, khâu đít nó lại, rồi thả ra. Mới đầu chẳng có chuyện gì xảy ra nhưng chỉ vài ba hôm sau, con chuột bị khâu đít bắt đầu tấn công các con chuột khác, bởi vì nó đang khổ vì bón mà những con chuột khác cứ phây phây, chí chóe, thấy ghét! Từ đó không còn một con chuột nào dám lai vãng nhà ông ta nữa!

xem tiếp …

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Gío heo may đã về ...., Thầy thuốc và bệnh nhân

Một tuổi già hạnh phúc (10)

04/02/2015 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

Một góc riêng tư

Chỗ ở của người già cần thiết kế sao cho gọn gàng, gần gũi, ấm cúng, mà đầy đủ tiện nghi. Công-tắc điện vừa tầm tay với, không phải mò tìm, không phải chồm lên để nhấn nút. Đường đi vào toilet không có bậc cấp để tránh trượt chân, té ngã. Cửa toilet đủ rộng nếu phải dùng xe lăn. Thảm trải kín kẽ và bám dính để không bị trơn tuột là những điều tưởng nhỏ mà thật cần thiết để tránh tai nạn.

xem tiếp …

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Gío heo may đã về ...., Thư gởi người bận rộn

  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Hội quán Các Bà Mẹ: Giao lưu với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn “Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật”

Dương Mình Trí: cảm nghĩ nhân đọc “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật”

Đỗ Hồng Ngọc với “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật”

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Mấy ngày Tết
  • Nguyên Giác: Mẹ dạy con ngồi như núi
  • Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần
  • Thích Phước An: GIÓ BẤC CUỐI NĂM

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Hai Lấp Vò trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • đỗ xuân đạm trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Độc giả trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Bản nhạc Mũi Né
  • Thạch trong Bản nhạc Mũi Né
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “ÁO XƯA DÙ NHÀU…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).
  • PN trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email