Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Có một “Tháng sinh nhật”

01/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn (8.2020)

Có một “Tháng Sinh Nhật”

Đỗ Hồng Ngọc

Sáng 1.8.2020, ngủ dậy, mở “meo” đã vô cùng sửng sốt khi thấy một chùm bong bóng của một buổi “đại tiệc” mừng Sinh Nhật mình do Nguyệt Mai gởi tới, với rất nhiều thơ, văn, hình họa… bạn bè thân thiết khắp nơi gởi mừng Sinh Nhật 80 của mình!

Nhớ có lần mình đã thú thiệt:

Anh không có ngày sinh nhựt

Nên mỗi ngày là sinh nhựt của anh

Cảm ơn em

Nhớ đến anh

Ngày sinh nhựt!

(Do Hong Ngoc)

Nói cho đúng, mình chỉ có “Tháng Sinh Nhựt” (!). Vì bà Má nói tuổi thì Canh Thìn (1940), sanh tháng 8, ở nhà bảo sanh Cô mụ Bé, dưới chân cầu sắt Phan Thiết, ngày thì Bà không nhớ, giờ thì hình như… sáng sớm, vì thế Tử vi coi cũng không được! Tản cư trong rừng 7 năm, về thành trễ học, phải làm lại Thế vì Khai sanh 1943 (con Dê) để vào lớp. Tóm lại tuổi thì vừa Rồng vừa Dê.

Đọc những bài thơ, bức vẽ… rất dễ thương của bạn bè trên Trang nhà tranthinguyetmai.wordpress.com không sao không xúc động.

“Mít ướt. Nó vậy đó”

(https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2020/08/01/chuc-mung-sinh-nhat-bac-si-nha-tho-do-hong-ngoc/)

Xin phép được trích đôi bài nơi đây:

NGUYÊN GIÁC PHAN TẤN HẢI
MỪNG ANH NGỌC TÁM MƯƠI

.
Tám mươi nhìn thân ngũ uẩn
ngộ rằng sắc tức là không
lung linh như hư, như thật
biết mẹ chờ bên kia sông
.
Nửa khuya thì thầm với gió
nghe kìa thấp thoáng lời kinh
hương sen ủ vào giấy mực
thư thả viết từ trái tim
.
Đỗ Nghê một thời cầm bút
dòng thơ theo những chuyến phà
chảy khắp dặm nghìn sông núi
mới hay biển cũng là ta
.
Để làm gì, nào ai biết
bé sơ sinh, gửi tiếng cười
hôm nay về, thu xếp lại
nhiều năm nữa, mây lưng trời
.
Tám mươi già ơi chào bạn
dặn dò ngọn gió heo may
như thị, như thị, như thị
niềm vui gươm báu trao tay
.
Một thời tập nghề đỡ đẻ
viết thư tặng bé sơ sinh
giờ nhìn lại, xa phòng mổ
vào giữa chợ, biết ơn mình
.
Có phải một hôm gặp lại
có người tóc trắng rưng rưng
ngồi cảm thọ từng hơi thở
tắm vô thường khắp thịt xương
.
Vui vô cùng, khi học Phật
thấy trăng lên, ngộ Lăng già
mới hay khắp trời vô ngã
mới hay cõi Phật đâu xa
.
Tám mươi cành mai sân trước
nghe đời vui như gió đông
hoa bay khắp trời mưa pháp
ngẩng nhìn lòng nhẹ như không
.
Chắt hết tim gan phèo phổi
hóa thân mưa bụi lưng trời
giã biệt muôn ngàn kiếp trước
chim bay gió bạt lưng trời
.
Phật Phật Phật, khắp trời bất nhị
Thiền thiền thiền, kinh tụng không lời
Tâm tâm tâm, không người, không pháp
Đỗ Hồng Ngọc, cười mãi tám mươi.
.

ng pth
Gửi về quê nhà, mừng anh Đỗ Hồng Ngọc sinh nhật thứ 80.
Tháng 8/2020, nắng vàng phương ngoại.

Bài đã đăng trên Thư Viện Hoa Sen:

https://thuvienhoasen.org/a34321/mung-anh-ngoc-tam-muoi

 

Do Hong Ngoc by Dinh Truong Chinh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
TỦM TỈM ĐI. VỀ. TỚI.

Gửi Nguyệt Mai

Nguyệt Mai gửi e-mail bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Ở là cư ngụ hả Mai. Ở là lúc, thời gian, phải không Mai. Em nói hay thật đấy, tôi đang hình dung những bước chân tuổi 80 hôn trên đất (sư Nhất Hạnh bảo thiền hành với những bước chân như là hôn mặt đất vậy), tôi đang tưởng thời gian đang bắt tay tuổi 80. Mà ai bắt tay ai trước, với bản chất như thế thì chắc là anh Ngọc nhà mình rồi, Mai đồng ý không? Bỗng nhiên tôi mở lại những hình của anh Đỗ Hồng Ngọc, hầu hết là anh cười, mà cười tủm tỉm, mỉm cười. Khi tôi đọc văn thơ của anh lần nào cũng thầm nói, anh Ngọc là vậy, cứ thế mà tủm tỉm đi tủm tỉm về tủm tỉm tới. Hình ảnh đúng như bao người nhận xét, hòa nhã, thong dong, từ từ, nghĩa là tất cả những hình ảnh nào mang tính dừng lại, thì là anh đấy! Anh là mỉm cười, là tủm tỉm, là dừng lại. Tóm lại, là tự tại. Khiến tôi nghĩ đến câu hỏi của Vô Tận Ý bồ tát: “Thế Tôn, Quán Thế Âm dạo đi trong cõi ta bà như thế nào?” Tôi thích nghĩa dạo chơi này lắm, anh Đỗ Hồng Ngọc qua mấy chục pho sách tung tăng cõi bụi độ thoát bao tâm tư thì quả là dạo chơi như thế đúng không hả Nguyệt Mai?

Trong sách Biết Ơn Mình, anh viết,

Xây dựng hình ảnh về chính mình (self-image) rất quan trọng, nếu đó là một hình ảnh tích cực nó sẽ giúp cho mình tự tin hơn và từ đó ảnh hưởng đến “môi trường” xung quanh; còn nếu là một hình ảnh tiêu cực thì sẽ rất không hay.

Tôi nhớ đã nghe trong một pháp thoại của thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói, người đang mỉm cười là tỉnh thức, là chánh niệm, là lúc vững chãi thảnh thơi. Phải chăng anh Đỗ Hồng Ngọc luôn tự tại mỉm cười nên chi ba-con-nợ tham sân si kia chẳng có cửa mà vào? Thế có phải là Niết Bàn Lạc Trú như sư Nhất Hạnh giảng? Hình ảnh ấy đã để lại những tình cảm tích cực nơi người có dịp tiếp xúc anh hay tiếp xúc anh qua chữ nghĩa. Hình ảnh đó đối với riêng tôi như một nhắc nhở khi tôi lậm vào những thứ buồn bã linh tinh về cuộc sống về bịnh tật.

Nguyệt Mai bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Thì bây giờ chỉ nói cái gì liên quan đến cái tuổi thôi nhé Mai, mà nói về phạm trù này thì hầu như chiếm hết trong danh mục mấy chục cuốn sách của anh Đỗ Hồng Ngọc đấy, dám không! Tám mươi tuổi, nhìn dáng vẻ mặt anh thì thấy, ừ 80 thật (dạ thưa quả-táo-nhăn-nheo, can chi một chút eo sèo thời gian!), nhưng nghe anh nói chuyện, đọc văn anh thì ai cũng thốt lên, sao trẻ trung thế! Tôi nghĩ anh được phong thái như thế vì anh chấp nhận tuổi tác vui vẻ quá, đến tuổi nào thì reo tuổi ấy, đây là cách mà chị em mình nên bắt chước đó, Kim Quy, Duyên, Mai, Thu Vàng, Thanh Lương ơi, cái màu tóc bạc, cái da cổ nhăn nheo sẽ làm người ta quên ngó tới khi tiếp xúc với một ánh mắt ấm áp, một nụ cười thân thiện -nếu không tủm tỉm được thì cứ mở hết diện tích của cái miệng xinh, cũng tốt lắm-, khi nào đủ nội lực thì tức khắc tủm tỉm được thôi.

Mà anh đã vào mùa sinh nhật 80 ư anh Ngọc? Nhưng dường như ngày nào cũng là sinh nhật anh mà, nhớ câu thơ này không, Nguyệt Mai, khi em tổ chức sinh nhật anh Ngọc trên không gian ảo nên thơ của Những Tình Thân Ái?

 Anh không có ngày sinh nhật/ Nên mỗi ngày/ Là sinh nhật của anh… (Sinh Nhật)

… Mỗi ngày ta rơi rụng/ Mỗi ngày ta phục sinh (Vô Thường)

Ngày nào mở mắt ra cũng nhủ cười: -hôm nay sinh nhật mình- nên chi anh Đỗ Hồng Ngọc viết cả một loạt sách về cái nhân sinh quan reo tuổi -một võ công thâm hậu đủ sức mạnh để xoay sở với thời gian-. Đôi khi tôi nhìn những vết nhăn, vướng một bịnh nào đó của tuổi tác tôi cứ bị lôi về những kỷ niệm, làm sao tu để có được cái tuệ giác vô thường hầu ứng xử với những nỗi buồn ấy…

Ở đâu đó anh nói, đời người có ba hồi: Hồi trẻ, Hồi trung niên và Hồi đó. Cái Hồi đó này bao trùm cả ba hồi. Như giờ ai hỏi tôi đang ở hồi nào, chắc tôi trả lời, hồi đó, đúng lắm, vì ngay phút trả lời thì đã thành hồi đó rồi, nhưng không phải là hồi xưa đâu, là cái đã, vừa qua mà cứ lung linh rung rinh hiện tại. Thế thì em có hiểu thêm cái nghĩa của tủm tỉm không vậy, Nguyệt Mai? Anh lại bảo: … với tôi, tôi không hề biết mình đã có tuổi, tích tuổi, lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già, và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ (Thư Gửi Người Bạn Nhật Chưa Quen Biết). Bởi vậy mà tới tuổi nào anh cũng có vô số chuyện để đối thoại với chúng, và lúc nào cũng như đứng trước tấm gương tuổi mà hỏi, tôi bây giờ khác gì tôi xưa (Về Thu Xếp Lại), rồi tủm tỉm tay bắt mặt mừng với nó. Hẳn là thời gian cũng vui mừng khi có người bạn đồng điệu ngang cơ như thế. Luôn nhìn mình hỏi mình để thấy được từng lúc rơi rụng, phục sinh thì sao mà không vui vẻ với cái không ta để thanh thơi mỉm cười?

Mai ơi, em có như tôi, vô cùng “gato” cái dũng ấy của anh không? Hùng lực ấy đến từ đâu? Thưa ở nơi cái nhìn rất nên thơ về các giai đoạn đời người. Nên thơ nên chuyển hóa được sợ hãi lo buồn.

Trong Thư Cho Bé Sơ Sinh, anh viết:

Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười


… Khi người ta cắt rún cho bé thì từ đó cái lỗ rún trở nên một nơi chốn để nhớ về.

Khi vừa lìa khỏi êm ấm cõi lòng mẹ, thì có ngay sau đó hình ảnh lỗ rún như một quê hương để nhớ về. Anh đã nhìn nỗi chia lìa kia trữ tình làm sao!

Và khi đến tuổi hoang mang vô kể thì anh cho đó là một phép lạ:

Rồi khi người ta đến tuổi dậy thì, cũng một đợt “biến thái” đầy phép lạ nữa!… không chỉ thể xác mà cả tâm hồn! Người ta xa lạ cả với chính mình. Cao vọt lên, dài ngoằng ra, chỗ phình chỗ xẹp, chỗ lõm chỗ lồi, chỗ dư chỗ thiếu, làm người ta hoang mang vô kể! 

… Vậy đó bỗng dưng mà họ lớn (Huy Cận). Họ ở đây là… mình chớ không phải ai khác. Bỡ ngỡ xa lạ với mình ngày hôm qua, hôm kia… (Đỗ Hồng Ngọc)

Nếu Hồi đó có ai nói với tôi rằng, có một chiếc đũa thần gõ vào thân thể khiến nó thay đổi lạ lùng đến thế thì hẳn đã không phải “théc méc” lo sợ! Các cháu bây giờ thì đã có bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giải thích rồi, mà nói kiểu của bác thì hẳn đa số các cháu nghe xong sẽ làm văn làm thơ… Bởi có cái nghe như thế này:

“Tới một tuổi nào đó, ta quan tâm rất nhiều đến thân thể mình. Ta lắng nghe thân thể mình phát triển như chú dế mèn lắng nghe tiếng cỏ mọc trong đêm khuya…” (Những Tật Bịnh Thông Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò)

Nghe như thế thì hẳn chả lo sợ gì mà thay vào là nỗi hồi hộp thơ mộng, nghe má mình đang hồng lên, chờ một điều âm thầm nào đó đang khiến mình đẹp hơn lên… Nguyệt Mai ơi, phải mà mình được trở lại tuổi đó để được nghe như thế thì thú quá phải không Mai?

Rồi tới cái tuổi mà Đỗ Hồng Ngọc bảo: Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình… (Một Chút Lan Man)

… Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến…

A. Khi tình yêu tìm đến… vậy tất có cái hồi rất dài đó, anh Ngọc ơi, không chỉ tuổi hai mươi đâu, đó là Hồi yêu, nhìn lại những Reo Tuổi của anh xem, bất kể tuổi nào cũng có tình yêu hiện diện, sắc mầu biến hóa như chiếc kính vạn hoa. Lúc nào Đỗ Hồng Ngọc cũng nhận diện được Thương Yêu chung quanh mình. Nhận về rồi trao đi, rồi thủ thỉ với nhau, Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa! (Một Chút Lan Man)

Nguyệt Mai ơi, em bảo anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Nhưng với ý nghĩ lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già, và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ, thì tôi có kết luận rằng lúc nào ông anh nhà thơ lãng mạn của chúng ta cũng ở vào Hồi yêu. Yêu em, yêu người, yêu đời, yêu đạo.

Lúc tôi đọc Thơ Ngắn Đỗ Nghê, tôi có ghi chú dưới mấy bài thơ tình mấy chữ: trời ơi tình! Đã định bụng viết về mảng trời ơi này của anh, nhưng rồi lại xớ rớ đâu đó, giờ tôi xin chép lại đoạn viết ngắn ấy.

…
Thời gian chỉ còn là một đường tơ mong manh cho nỗi nhớ lay động. Hãy xem chàng làm gì để nguôi? Phải hét lên cho cây già hốt trẻ, phải gióng vang chuông trần cho ta bà biết nhớ…

Anh thương nhớ quá làm sao nói
Gọi tên em vang động gốc cây già…

(Quê Nhà)

… Nhớ ơi rung tiếng chuông trần
Em xa xôi biết có bần thần không?

(Chiang Mai)

Phải là tiếng chuông nhớ rất duyên nợ với rung động bần thần yểu điệu kia, nên Lá chín vàng / Lá rụng / Về cội / Em chín vàng / Chắc rụng / Về anh. (Lá 1994). Thế thì Thôi hết cồn cào / Thôi không quặn thắt / Chỉ còn âm ỉ / Chỉ còn triền miên (Nỗi Nhớ). Và bình yên. Có phải đã ước nguyện với nhau như thế?

Có thể nói tuổi cho tình yêu này?  Say mơ của tuổi hai mươi. Nồng nàn của tuổi ba mươi. Lắng thương sâu của tuổi bốn mươi. Và biến hóa nhiệm mầu của tuổi không tuổi…

Đưa em đi lễ
Vầng trăng treo nghiêng
Em làm dấu thánh
Anh làm dấu em.

(Đi Lễ 1997)

Anh hôn đằng sau
Anh hôn đằng trước
Anh hôn phía dưới
Anh hôn phía trên
Chiếc áo của em
Món quà em tặng
Chiếc áo lạ lùng
Có mùi biển mặn
Có mùi dừa xiêm
Có mùi cát trắng
Có mùi quê hương…

Paris 1997
(Món Quà)

Tinh nghịch, mộc mạc, giản dị, đằm thắm, cảm động. Em và quê hương giờ đây hòa vào nhau. Nhớ em là nhớ quê hương. Nhớ quê hương là nhớ em. Trời ơi là tình!

Cái tuổi nào mà có thể thủ thỉ những câu có thể đưa nhau tới nơi không sinh không diệt như vầy:

Cảm ơn em sợi bạc
Cảm ơn em sợi hung
Cảm ơn em năm tháng
Đã theo già cùng anh

(Theo Già)

Nguyệt Mai ơi, hẳn em cũng như tôi, đã rưng rưng khi đọc những câu thơ này, tôi cảm thấu được thời gian gắn bó đi theo màu tóc thủy chung của tình vợ chồng, của đạo vợ chồng. Chúng ta còn khóc huống chi là nhân vật Em kia, Mai nhỉ. Ai nói tuổi được của cái Đẹp?

Nguyệt Mai bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Tưởng tượng, một buổi sáng nắng rất đẹp hứa hẹn một dạo chơi Đường Sách, bỗng thấy anh mình ngồi trầm tư loay hoay giữa bộn bề sách vở thư từ tranh ảnh, ở mắt dường như có hạt thủy tinh, ngạc nhiên hỏi cớ vì sao, cái tủm tỉm cố hữu bỗng nghiêm trang, “Vào tuổi tám mươi, anh nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” Hơ, tôi thấy mắc cười quá, đồng ý việc thu xếp lại kia, nhưng “nhìn lại mình” thì anh lúc nào mà chẳng, mà thường trực nhìn lại mình cơ chứ, phải không Nguyệt Mai. Đọc xem: … tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa! Hiện tại với tôi thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai… (Một Chút Lan Man) Nhìn ra vậy chẳng phải là pháp tu của Người Biết Sống Một Mình? Thanh thơi với ở đây và bây giờ, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

… Mà bất ngờ vì tôi chợt “nhìn ra” tôi. “Nhìn ra” khác với thấy. Nhìn ra là “quán”. Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không… Quán là thấy rõ (chiếu kiến). Tôi bấy giờ không còn là tôi bây giờ. Tôi bấy giờ là tứ đại, là ngũ uẩn. (Tôi Chợt Nhìn Ra Tôi)

Và trong buổi ngồi thu lại những ký ức thời gian và xếp lại những vướng víu đa đoan ấy, anh đã tâm sự:

… Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

Nguyệt Mai có nhận thấy không từ cái thay đổi của tuổi mới lớn đến tuổi hơi già, già chút nữa, già thêm nữa đến…, anh Ngọc đều cảm nhận đó là những biến thái đầy phép lạ, diễn biến tuyệt vời, tôi gọi reo tuổi là vậy:

… Nó diễn biến tuyệt vời đến vậy, liên tục đổi thay đến vậy thì có gì đáng phàn nàn đâu, có gì mà không thể tủm tỉm cười một mình đâu. Cho nên nếu tôi có gì khác tôi xưa thì chính ở chỗ tôi có phần… khoái cái sự già nua tăng tốc đó của mình, tôi hồi hộp dõi theo nó, tôi cảm thấy nó… hợp lý, nói chung là… cũng dễ thương quá đó chớ! (Tôi Chợt Nhìn Ra Tôi)

Và “người không già không trẻ” này kể kinh nghiệm hưởng thụ cái dễ thương đó:

Một là thiếu bạn. Nhìn qua nhìn lại, bạn cứ rơi rụng dần… – Hai là thiếu… ăn. Không phải vì không có điều kiện ăn mà người già thường thích những món ăn kỳ cục, và phải lắng nghe mệnh lệnh của bao tử… – Ba là thiếu vận động! (Những Cái Thiếu Ở Người Già)

Nghe thì thấy anh Đỗ Hồng Ngọc chả thiếu cái nào, các bạn trong Gánh Hát Rong mở email từ hồi nảo hồi nao đến giờ có phải là anh thường xuyên ngao du sơn thủy cùng bạn hữu không? Lúc thì với hồng nhan tri kỷ của cuộc đời, lúc thì bạn cố cựu cỡ nửa thế kỷ như Lữ Kiều rồi thì Khuất Đẩu Lê Ký Thương Nguyễn Lệ Uyên Nguyên Minh Lữ Quỳnh… chưa kể một hàng dài người ái mộ xếp hàng chờ một chữ ký trên trang sách thơm, chưa kể ở khắp nơi có biết bao người đang cầm trên tay sách của anh, chưa kể Gánh Hát Rong còn có: Huyền Chiêu, Ngọc Vân, Kim Quy, Duyên, Thu Vàng, Nguyệt Mai, Thanh Lương, và Khánh Minh đây. Nói chung thì Người Trẻ Lạ Lùng Đỗ Hồng Ngọc kia lúc nào cũng có cái Bên Cạnh. Có khi thì em bé mò trai lượm ốc, có khi là người chủ quán cà phê, có khi thì cây bàng, tảng đá, có lúc là những thuyền thúng, còn không thì có nụ cười tủm tỉm trên môi. Đâu có thiếu bạn. Còn ăn ư, cũng không thiếu nốt, vì ngồi với bạn là có cái gì đó để cùng nhau nhâm nhi, thậm chí ngồi quán ăn xong thì có ai đó bí mật trả tiền rồi.  Mà đã đi lang thang hết núi tới rừng tới biển tới quê nhà thế thì sao thiếu vận động được, ôi chả trách người viết Biết Ơn Mình. Và chắc giờ đây sau khi Về Thu Xếp Lại và hỏi Để Làm Gì thì “Khi bạn hoàn tất việc sắp xếp lại căn nhà của mình, bạn sẽ thấy cuộc đời mình thay đổi một cách diệu kỳ.” Tôi cảm thấy cái diệu kỳ nhất, là nhận ra mình cần chậm lại, để nghe trái tim lên tiếng, để cảm nhận những chuyển biến dù nhỏ nhất xung quanh mình, trong bản thân mình” (Tìm Tết). Chậm lại, nghe tiếng trái tim, cho ta năng lực để thấm thía được hết những đau khổ và hạnh phúc, mới tu học được bốn tâm vô lượng mà Phật dạy để đối xử với người với mình trong hiểu và thương, phải vậy chăng?

Ở Hồi yêu ấy người-ta lại nói thêm, nghiên cứu cho thấy có vẻ như càng già người ta càng yêu nhiều hơn, yêu vội hơn và càng yêu thì càng sống khỏe sống vui hơn! Khi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội” thì mới thấy còn có bao nhiêu thời gian để yêu thương và được yêu thương? Nguyệt Mai bảo anh Ngọc đang ở sinh nhật 80 đấy. Nhớ anh có bài thơ rất tình:

thì viết cho anh một lá thư tình
trên tờ pelure xanh
như thuở em mười lăm…
… thời gian qua nhanh
em nay lên bảy tám
cũng vừa mười lăm
anh vẫn đợi hoài lá thư màu xanh
đọc run thuở đó…

(Biết Làm Gì Đây, 2020)

Khi đọc bài thơ trên của anh, tôi có trả lời, em nghĩ ừ hay mình viết một lá thư tình cho ai (cho cố nhân hay cho thời gian) trong lúc đang shelter in place này bằng giấy pelure xanh chăng? Có vậy mới quên được bầy quỷ Covid-19 đang hoành hành, và tuyệt thay tôi nhận được câu trả lời của anh, mà em chưa tới bảy mươi viết thư tình hơi quá sớm chăng? Ừ, thì cứ như Đỗ Hồng Ngọc, như Quang Dũng, em mãi là hai mươi tuổi, ta mãi là mùa xanh xưa…

Và, Nguyệt Mai ơi hãy nghe cùng tôi những tế bào sinh sôi khi đọc: Cái tuổi đẹp nhất của đời người theo tôi có lẽ ở vào lứa 65-75. Đó là lứa tuổi tuyệt vời nhất, sôi nổi nhất, hào hứng nhất… Tuổi vừa đủ chín tới…” (Lời Ngỏ – Về Thu Xếp Lại). Như vậy thì tất cả trong Gánh Hát Rong mình đang là tuổi chín tới đấy, nghe cực lãng mạn phải không các bạn trẻ lạ lùng của tôi? Ơi Huyền Chiêu Ngọc Vân Kim Quy, ơi Duyên Thanh Lương Thu Vàng ơi…

Santa Ana, Jul 24, 2020
ntkm

* Những chữ viết xiên trong bài là văn, thơ của tác giả Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

Chân dung BS Đỗ Hồng Ngọc Charcoal on paper 28 x 24” by Trương Đình Uyên

…………………………………………………………………………………….

Đa tạ Trương Đình Uyên. Đinh Trường Chinh và tất cả…

Phan Tấn Hải ơi, quả là “Nguyên Giác”…

Vui vô cùng, khi học Phật
thấy trăng lên, ngộ Lăng già
mới hay khắp trời vô ngã
mới hay cõi Phật đâu xa 

và Khánh Minh, Nguyệt Mai, Duyên, Thu Vàng, Thanh Lương… ơi,

Reo Tuổi đi em.

Cái Bên Cạnh đi em.

Trời ơi Tình đi em.

(Bold là những từ “chuyên biệt” của nhà thơ Khánh Minh trong bài viết)

ĐHN

(01.8.2020)

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Một chút tiểu sử, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

“Úc du”… một chuyến (kỳ 4)

29/10/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi

“Úc du”… một chuyến (kỳ 4)

Tour xe bus đi Sydney có ghé qua Canberra. Chọn tour xe bus để biết đó biết đây một chút là vậy, dù có đi hơi xa, khá mệt mỏi. Cứ khoảng vài tiếng xe dừng cho mọi người… xếp hàng chen chúc. Thôi kệ.

Mình ghé Canberra chủ yếu để gặp Trần Thiên Dũng và Tuyết Nông, hai vợ chồng người em kết nghĩa.

TTDũng sanh năm 1946, và Tuyết du học ở Nhật bản nhiều năm trước 75, sau về làm việc ở Canberra Úc, thời nơi đây còn rất “hoang sơ”… Không gì tốt hơn hỏi thăm Dũng-Tuyết “mô hình bệnh tật” của Úc trong một thế giới đổi thay nhanh như ngày nay… Cũng là để chuẩn bị cho các buổi Nói chuyện (Talk) của mình tại chùa Quang Minh, Melbourne với hai đề tài: 1) Sức khỏe: Thân và Tâm; 2) Thiền định- Hơi thở và Ăn Chay do thầy Trụ trì Phước Tấn “đặt hàng” từ hôm mới đến xứ Kanguru này.

 

Đỗ Hồng Ngọc với Trần Thiên Dũng & Tuyết Nông (Canberra 5.10.2019).

Xe bus đến Canberra đã quá tối, bỏ chương trình thăm Festival hoa Tulip thật đáng tiếc. Sáng sớm, mình vẫn ngồi thiền, tập thể dục như thường lệ. Anh Tuấn tập một kiểu lạ. Hỏi, anh nói đây là phương pháp “Lắc Bướm”. Mỗi sáng “lắc bướm” vài trăm cái thì khỏe hẳn. Thắc mắc sao gọi lắc bướm. Anh nói đây là yoga hồ điệp, mọi người quen gọi “lắc bướm” cho gọn vậy thôi. Rồi anh hỏi lại, sao ĐHN ngồi thiền phải dựa vào vách? có phải lấy năng lượng gì đó không? Có gì đâu, đít xẹp, ngồi không dựa vào vách thì bật ngửa!

Sáng, xe đưa đoàn đi tham quan Tòa nhà Quốc Hội. Trong đoàn 80% là người Hoa, hướng dẫn viên nói tiếng Tàu như gió. Mình hỏi một nhân viên bảo vệ chỗ nước uống, ông châm cho một tràng tiếng Tàu! Không. Tui, Việt Nam. Lúc đó mới xổ tiếng Anh. Mình vào ngay quán Cafe của tòa nhà QH làm một ly Capuchino thiệt sảng khoái, để mặc đoàn người được hướng dẫn đi lòng vòng.

Xe đưa đi tham quan tiếp một vòng các Tòa đại sứ rồi đến Bờ Hồ.

Ấn tượng nhất của mình ở Canberra đó là cái hồ nhân tạo mênh mông, tuyệt đẹp này. Đi lang thang trên bờ hồ bỗng nhớ quá Sông Hương. Nhớ Hoàng Nguyên. Nhớ một tà áo tím. Đành ngồi bệt xuống thôi và hít thở cái không khí trong lành cúa Canberra một buổi sáng mùa xuân sớm.

ảnh: Do Hong Ngoc

 

 

 

Chương trình tiếp đó ghé thăm Bảo Tàng Chiến Tranh. Mình nói với anh Tuấn, tôi không thích. Sẽ ngồi đây uống cafe chờ mọi người nhé. Rồi kể anh nghe: Có nhà báo phỏng vấn Einstein về hậu quả Thế chiến Thứ III, ông lắc đầu nói không biết, nhưng thế chiến thứ IV thì ông biết: Loài người sẽ đánh nhau bằng gạch, đá, đất cục…

Mình ngồi quán cà phê trước Bảo Tàng Chiến Tranh. À, có cái tượng này hay nha. Một người lính đang thân mật trò chuyện cùng chú chó cưng. Như vậy tốt hơn.

Từ Canberra về Sydney chừng 300km, không xa lắm, mà cũng thấm mệt rồi!

Sydney! Gặp Đỗ Hồng Trung Hòa, con Chú Mười. Vậy là ba anh em con ông Ba, ông Bảy, ông Mười… bỗng gặp nhau tại đây. Trái đất tròn và nhỏ xíu thiệt!

Từ trái: Đỗ Hồng Tuấn, Đỗ Hồng Trung Hòa và Đỗ Hồng Ngọc, Sydney 6.10.2019

Buổi tối, xe đưa đi thăm Thành phố về đêm. Ghé “sòng bạc” trước hết để mọi người thử vận. Mình kêu làm ơn chỉ cho mình cái máy gì bỏ đồng xu vào giựt một cái tiền đổ ra rào rào phải kiếm bao bố đựng. Người ta nói không có. Vậy thôi. Không chơi.

 

ảnh: Do Hong Ngoc.

 

 

Trưa hôm sau, đoàn đi ăn hải sản ở Fish Market và đi mua sắm đâu đó thì mình trốn. Nhờ em Hồng (Trung Hòa) cho đi xe lửa chơi, rồi ghé thăm Triển lãm Nghệ thuật đương đại ở Bảo Tàng mỹ thuật, ghé thăm di tích lịch sử, căn nhà xưa Cadmans Cottage… Mỏi quá, đành ngồi “thiền” giữa phố thị đông đúc người qua kẻ lại.

 

 

 

 

 

 

 

Sáng ngày, khởi hành sớm về Melbourne, 950km, mất 12 giờ đồng hồ. Đi ngang qua dòng sông phân biệt New South Wales  và Victoria lịch sử. Trời lạnh ngắt.

Hẹn thư sau,

Đỗ Hồng Ngọc.

(29.10.2019)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Một chút tiểu sử

Thơ Ngắn Đỗ Nghê (bản Anh ngữ: Phan Tấn Hải)

22/01/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thơ Ngắn Đỗ Nghê

(bản Anh ngữ Phan Tấn Hải, 01.2018)

Gởi bạn vài bài trong tập Thơ Ngắn Đỗ Nghê được dịch sang Anh ngữ bởi nhà thơ Phan Tấn Hải (Nguyên Giác):

 

Trái đất

Giữa đêm
Thức giấc
Giữa ngày…

Đỗ Nghê, Boston 1993
.
Earth
In middle of the night
Awakening
In middle of the day…

Do Nghe, Boston 1993

………………………………..

Sóng

Sóng
Quằn quại
Thét gào

Không  nhớ
Mình
Là nước

Đỗ Nghê

Waves

The waves
Wriggle
Roar

Forgetting
Of being
Water

Do Nghe
…………………………………….
         

Nước

Nước từ đâu đến
Nước trôi về đâu
Từ con suối nhỏ
Từ dòng sông sâu
Từ khe núi lở
Từ dưới nhịp cầu
Từ cơn thác lũ
Từ giọt mưa rơi

Nước đến từ đâu
Nước trôi về đâu
Từ cơn gió thoảng
Từ làn mây trôi
Từ hơi biển mặn
Từ phía mặt trời

Nước vẫn muôn đời
Không đi chẳng đến
Ai người nỡ hỏi
Nước đến từ đâu
Ai người nỡ hỏi
Nước trôi về đâu…

Đỗ Nghê, Paris 1997

 

Water

From where the water comes
To where the water flows
From a small stream
From a deep river
From a steep ravine
From beneath the bridges
From a massive flood
From falling raindrops
.
From where the water comes
To where the water flows
From a breeze of wind
From a floating cloud
From salty sea air
From the sun’s rays

Water forever
neither comes nor goes
Who has the heart to ask
from where the water comes
Who has the heart to ask
to where the water flows

 

Do Nghe, Paris, 1997

…………………………………………………………………………….

Bông hồng cho mẹ

Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…

Đỗ Nghê, 2012

A rose for Mom

I put on myself a white rose
and give Mom a red one
Mom, be sure to put it on a lapel
Grandma is waiting at the other shore of the river…

Do Nghe (2012)

…………………………………………………………………….

Giỗ một dòng sông

.

Sông ơi cứ chảy

Cứ chảy về trời

Cứ về biển khơi

Cứ làm suối ngọt

Cứ làm thác cao

Cứ đổ ầm ào

Cứ làm gió nổi

Cứ làm mây trôi…

Sông ơi cứ chảy

Chảy khắp châu thân

Chảy tràn ra mắt

Chảy vùi bên tai

Dòng sông không tắt

Dòng sông chảy hoài…

Đỗ Nghê

 

 

Memorial service for a river

Dear river, just keep flowing

keep flowing to the sky

keep flowing to the ocean

keep being a sweet stream

keep being a high waterfall

keep swirling and gushing 

keep becoming the howling wind

keep becoming the floating clouds

Dear river, just keep flowing

flow all over the body

flow throughout the eyes

flow all through the ears

The river doesn’t give up

The river flows forever…

Do Nghe

………………………………………………………………………………………….

 

 

Vè thiền tập


Thả lỏng toàn thân
Như treo móc áo
Ngồi xếp bằng tròn
Vai ngang lưng sổ
Dõi theo hơi thở
Như mượn từ xa
Khi vào khi ra
Khi sâu khi cạn

Chú tâm quãng lặng
“Pranasati”
Hơi thở xẹp xì
Thân tâm an tịnh
Không còn ý tưởng
Chẳng có thời gian
Hạt bụi lang thang
Dính vào hơi thở
Duyên sinh vô ngã
Ngũ uẩn giai không
Từ đó thong dong
Thõng tay vào chợ…

Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê)
 

 

Meditation verse

Relax your whole body
just like to hang clothes on a coat hanger
Sit in cross-legged position
with your back straight, shoulders horizontal
Focus your mind on the breaths
just like borrowing something from afar
Breathing in and out

Breathing deep and low
Focus your mind on the quiet between
“Pranasati”
When the breaths almost vanish
your mind and body become still and pure
Thoughts cease to exist
Time  disappears
Only the wandering dust
attaches to the breaths
See that all things are dependent arising and non-self
See that the five aggregates are emptiness
Thereafter you can leisurely
enter the marketplace.

Do Hong Ngoc (Do Nghe)
(translated by Phan Tấn Hải, 01-2018)

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Một chút tiểu sử, Uncategorized, Vài đoạn hồi ký

“Những người Thầy hạnh phúc…”

17/11/2016 By Bac Si Do Hong Ngoc 4 Comments

“Những người Thầy hạnh phúc…”

 

Tôi mê dạy học, mê văn chương và cũng mê làm nghề y. Hồi xưa, đậu Tú Tài 2 xong (1962), tôi băn khoăn không biết nên học Văn khoa, Sư phạm hay Y khoa… Ông Nguyễn Hiến Lê khuyên nên học y, vì ngành y có thể giúp đời cụ thể và nếu có tâm hồn, có năng khiếu thì làm nghề y cũng có thể viết văn và dạy học được. Tôi nghe lời.

Thực tế, ngay lúc còn là sinh viên y khoa, tôi đã dạy ở trường HTN bên Tân Định.  Thú vị, ngoài môn Vạn vật, tôi còn dạy cả môn Văn cho lớp Đệ ngũ (lớp 8)… Bây giờ nhiều em học sinh hồi đó còn mang… cháu ngoại đến nhờ tôi khám bệnh. Từ năm 1972 đến 1982 tôi dạy môn Nhi khoa cho Trường Nữ Hộ Sinh quốc gia (BV Từ Dũ). Ở đại học, tôi vẫn tiếp tục tham gia như một giảng viên thỉnh giảng ở Đại học Y dược Tp HCM (từ năm 1981 đến 1996) ở Bộ môn nhi của Giáo Sư Tạ Thị Ánh Hoa, hướng dẫn lâm sàng và đỡ đầu một số luận văn tốt nghiệp cho Sơ bộ chuyên khoa Nhi từ những năm xa xưa đó, bây giờ nhiều em cũng đã… về hưu! Từ năm 1989, tôi phụ trách Bộ môn Tâm lý-Xã hội học Sức khỏe của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (lúc đó còn mang tên Trung tâm đào tạo). Sau này Bô môn Tâm lý- Xã hôi học SK đổi tên thành Bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe, rồi nay là Y đức-Khoa học hành vi.

Năm kia, tôi quyết định… xin rút : “Biết đủ dầu không chi cũng đủ/ Nên lui đã có dịp thì lui”, (Ưng Bình Thúc Giạ Thị) về làm “cố vấn” từ xa cho các bạn trẻ!

Lại sắp tới ngày Nhà giáo 20/11 rồi, tôi xin ghi lại đây vài bài viết của các đồng nghiệp trẻ, thầy giáo Trương Trọng Hoàng và bác sĩ Nguyễn Thị Phương Trinh… như một kỷ niệm.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

xem tiếp …

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Một chút tiểu sử, Thầy thuốc và bệnh nhân

“Bạn bè lớp trước…”

27/07/2016 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

“Bạn bè lớp trước…”

Ghi chú của Đỗ Hồng Ngọc: Phan Đổng Lý (thường gọi Đổng Lý) là người bạn cũ của chúng tôi từ hồi Đệ thất (lớp 6, năm 1954) trường Phan Bội Châu, Phan Thiết. Mới thôi mà đã 62 năm chúng tôi mới gặp mặt nhau, tuy vẫn có tin qua lại giữa nhóm bạn năm châu bốn biển!

Đổng Lý mới ở Úc về chơi mấy hôm, tụ tập anh em “tào lao chi địa” thiệt vui. Bề ngoài trông anh có vẻ ngổ ngáo, láu lỉnh mà tính tình thì chân thật, bộc trực  dễ thương. Mắt sắc như dao, nói nói cười cười, chọc người này phá người nọ, miệng nói mà tay bấm bấm để nhắc cho biết “nói vậy mà không phải vậy đâu nhe!”. Rồi mà cùng cả cười!…

Đổng Lý là một người sâu sắc. Anh chuyên ngành Công tác xã hội (Social Work), làm phiên dịch và thông dịch từ trên 30 năm nay, giúp đỡ rất nhiều người gặp khó khăn trong nhiều tình huống. Nhờ có dịp tiếp xúc với đủ hạng người như vậy, anh có khả năng “tha tâm thông” khá tốt. Với riêng tôi, tuy chỉ học chung một thời gian ngắn ở PBC nhưng ĐL tỏ ra rất quý mến, tin tưởng, lúc nào cũng bảo anh em để hỏi ý kiến ĐHN, đợi ĐHN quyết định… Còn tôi thì một là khá bận bịu, hai là luôn né tránh những chốn phồn hoa, bởi chỉ biết “phá mồi” mà không biết nhậu, không biết hút, làm bè bạn dễ bực mình!

Nhớ mấy năm trước, nhà thơ Phan Bá Thụy Dương kể chuyện hồi đi học, ĐL ghét cay ghét đắng thầy Hiệu trưởng, “ gặp mặt thì làm ngơ” nhưng với cô con gái của thầy thì anh “gặp mặt mê mẩn ngó theo”. ĐL gọi cái đó là “Thù cha mà không ghét con”! Cô bé đó vào trường sau bọn mình vài năm, nay cũng đã ngoài 70 rồi, nhưng kiểu này nếu còn gặp lại, chắc ĐL vẫn còn mê mẩn ngó theo chớ chẳng chơi!…

Tưởng tượng đám bạn bè đầu bạc răng long, 62 năm mới gặp lại nhau, bây giờ người nào cũng U80, mừng mừng tủi tủi, tào lao chi địa một lúc bỗng thấy mình trẻ lại, như những đám con nít nghịch ngợm năm nào bên bờ sông Cà Ty, biển Thương Chánh, Phan Thiết.

Sau chuyến về VN lần này, ĐL bỗng hào hứng, trổ tài “mô tả” 3 người bạn già của mình dưới ngọn bút sắc lẻm của anh… Sau mỗi bài viết về một nhân vật, anh còn “có thơ làm chứng rằng” rất điệu nghệ nữa!

Ôi, “bạn bè lớp trước…” (NK)!

 

Đỗ Hồng Ngọc.

(Saigon 25.7.2016)

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Một chút tiểu sử, Vài đoạn hồi ký

Để Lại Cho Đỗ Hồng Ngọc Một Bài Thơ

25/06/2016 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

Để Lại Cho Đỗ Hồng Ngọc Một Bài Thơ

Trần Vấn Lệ

 

Trần Vấn Lệ và Đỗ Hồng Ngọc, gặp lại nhau sau 62 năm...

Trần Vấn Lệ và Đỗ Hồng Ngọc, gặp lại nhau sau 62 năm…

 
Bạn mình! Gặp lại bạn xưa
Giụi con mắt mãi, không ngờ… bạn ta!
Lâu ghê trở lại quê nhà
Giụi con mắt mãi, bạn già, mình sao?

Ba mươi năm cửa ngõ vào
Tưởng đâu cơn gió thổi ào, tự nhiên
Mặt mừng, tay bắt muốn điên:
Ba mươi năm nhỉ, bạn hiền… vào đi!

Mời vào… và chẳng nói chi
Nhìn hai mắt bạn, có gì thốn ta?
Mời vào, vào nhé, đừng ra
Đừng như cơn mộng thoáng qua một lần!

Tới đây, bạn ạ, dừng chân
Cầm tay cho chặt mà mừng gặp nhau
Tới đây, đời dẫu là ao
Nhưng hoa sen nở, xin chào cố nhân!

Xin chào, chào một mùa Xuân
Dẫu đang là Hạ, mình cần gì hơn?
Xin chào, tất cả dễ thương
Ly cà phê đắng thêm đường; cứ thêm!

Bạn ngày xưa, bước đã êm
Bạn bây giờ vẫn bước mềm thướt tha
Thời gian… hai đứa đều già
Nhưng kìa, non nước… mãi là nước non!

Bạn về… không thể ở luôn
Nghĩ câu sắp giã từ, buồn, trời ơi!
Núi sông ai khiến đổi dời?
Cảm ơn tình nghĩa xa xôi vẫn đầy…

Trần Vấn Lệ

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Một chút tiểu sử, Uncategorized, Vài đoạn hồi ký

bạn tôi

28/12/2014 By Bac Si Do Hong Ngoc 7 Comments

bạn tôi

Ghi chú: Coi cái hình rất ngầu của nhà thơ Trần Vấn Lệ trên nguyetmai.wordpress.com tôi cao hứng nguệch ngoặt mấy nét “trời ơi”… và viết đôi dòng gởi bạn.

Ngay tức khắc, bạn đã “reply”.

Đọc vui ngày cuối năm nhé.

(Tôi và Trần Vấn Lệ… cùng học Đệ thất Phan Bội Châu, Phan Thiết, năm 1954!)

ĐHN.

xem tiếp …

Filed Under: Chẳng cũng khoái ru?, Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Một chút tiểu sử

Thư gởi bạn xa xôi 1.2014

05/01/2014 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

Saigon, 4.1.14

 

Thư gởi bạn xa xôi,

 

Năm hãy còn Mới nên xin chúc bạn “Thân tâm thường An lạc”! Mới được đọc bài thơ của bạn, nghe hơi hướm… thiền lắm rồi đó! Mô Phật!

 

1) Hôm qua nhà thơ Trần Thiện Hiệp phone báo tin vui: Anh được bệnh viện cho về nhà tiếp tục điều trị sau khi khám toàn bộ với CT Scan, MRI, xét nghiệm các thứ thấy “cái gì cũng tốt”, trừ bị “liệt thần kinh số VII”.  Anh bị liệt thần kinh mặt, TK số VII, ngoại biên  bên phải nên mắt phải nhắm không kín, miệng trái hơi nhích. Tình trạng này cũng phải mấy tháng mới có thể phục hồi. Tóm lại bây giờ anh luôn mắt nhắm mắt mở, nhích mép “ngạo nghễ” nhìn đời! (Nói thiệt, đừng giận nha đại ca!) . Đọc thơ anh từ lâu cũng đã thấy thơ anh ngạo nghễ thế nào rồi!

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Một chút tiểu sử, Vài đoạn hồi ký

TẬP THƠ NHỎ ĐẦU TAY…

03/11/2013 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

BUỔI SÁNG CAFÉ Ở AQ &

TẬP THƠ NHỎ ĐẦU TAY…

 

Tạp Bút

MANG VIÊN LONG

 

Buổi sáng anh em gặp nhau ở Café AQ đường Điện Biên Phủ theo lời đề nghị của anh Đỗ Hồng Ngọc và anh Lữ Kiều. Cũng là duyên tình cờ nhân chuyến vào Saigon tái khám tim của tôi, trước khi về lại quê – tôi rất mong được “sum họp” một buổi với vài bạn văn cũ hiện đang sống và làm việc tại Saigon, đề trò chuyện thoải mái, cho vui. Trước đây, thỉnh thoảng, chúng tôi có gặp nhau, nhưng thường là trong một cuộc họp mặt chung, hay trong một “khung cảnh” không mấy thích hợp để… cà kê dê ngỗng đủ chuyện cũ mới cho thỏa!

xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Một chút tiểu sử, Vài đoạn hồi ký

Cựu học sinh “lão thành” trường Phan Bội Châu PT

02/07/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 9 Comments

Ghi chép lang thang

Buổi gặp gỡ của cựu học sinh “lão thành” PBC

Đỗ Hồng Ngọc

Trường Trung học Phan Bội Châu Phan Thiết được thành lập vào năm 1952, đến nay vừa tròn 60 năm. Nghe nói đến tháng 11 này, trường sẽ có một “đại lễ” kỷ niệm 60 năm, cũng là dịp thầy trò nhiều thế hệ gặp nhau ở thành Phan.
Không hẹn mà hôm 30/6/2012, tình cờ một nhóm bạn cựu học sinh “lão thành” PBC lại gặp nhau ở buổi khai mạc phòng Triển lãm tranh của một người bạn chung: Họa sĩ Cù Nguyễn, huy chương vàng 1966. Sau đó, kéo nhau ra một quán café bờ hồ, ngồi nhâm nhi biết bao chuyện cũ!xem tiếp …

Filed Under: Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Một chút tiểu sử, Vài đoạn hồi ký

Giới thiệu

12/08/2009 By linh.lt 205 Comments

“Một chút tôi”

Lời ngỏ cho dohongngoc.com

Tôi mù tịt công nghệ thông tin. Tôi cũng không ưa cuộc sống ảo. Dù vẫn biết cụôc sống ngỡ là thực này vẫn chỉ là mộng, huyễn, bào ảnh, sương mai.. Đối với tôi, vi tính là một cái máy đánh chữ, tiện lợi hơn một chút cho việc sửa bài, lưu bài…. dù vẫn kiếm tìm vất vả! Nhưng rồi do nhu cầu nghiên cứu, học hỏi, tôi cũng phải mò mẫm lên mạng lai rai. Bỗng thấy ngày càng nhiều những bài viết, những sách… của mình xuất hiện. Có nhiều chỗ sai sót, nhiều chỗ khuyết danh, tam sao thất bổn! Từ đó, mơ ước có cách nào đó gom góp lại, phân lọai ra, bổ sung thêm… để chính thức thành một tập tư liệu “động”, có thể chia sẻ với mọi người, làm chỗ giao lưu với bạn bè, tương tác với bạn đọc gần xa. Vả lại, thêm tuổi tác, có khi cũng cần thêm chút bận rộn nào chăng?…

Cầu được ước thấy. Một hôm, một người bạn trẻ không quen biết gởi tôi một cái “meo”, nói em đọc tôi từ hồi còn nhỏ trên Mực Tím, nay muốn đến thăm. Trò chuyện một lúc mới hay em chuyên về công nghệ thông tin, sẵn sàng giúp tôi làm một trang web riêng mình, tập hợp các bài víêt lại, làm chỗ trao đổi giao lưu, và có thể trở thành một nơi tham vấn, tư vấn sức khỏe cho bạn bè khi cần đến… Và rồi chỉ vài hôm sau, đã thấy xuất hiện dohongngoc.com coi cũng ngồ ngộ. Tôi nói muốn trang web của mình nghiêm túc, vì là một thầy thuốc, tôi phải chịu trách nhiệm về những gì mình viết, mình hướng dẫn chuyên môn. Dĩ nhiên, bên cạnh đó, có phần văn học, bay bổng hơn và phần đạo học, trầm lắng, vốn là những điều tôi vẫn đang sống và viết.

Hình như theo “truyền thống” của một trang nhà, tôi phải viết đôi lời tự giới thiệu: “About me” mới là phải phép. Tôi lần lữa mãi. Biết viết gì đây? Rồi nghĩ rằng hay là gom góp vài tư liệu đâu đó thành “Một chút tôi” cũng hay, một cơ hội để làm quen nhau vậy. Sẻ chia, ấy chính là hạnh phúc.

BS Đỗ Hồng Ngọc

Saigon, tháng 5. 2009

xem tiếp …

Filed Under: Một chút tiểu sử, Một chút tôi

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Hội quán Các Bà Mẹ: Giao lưu với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn “Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật”

Dương Mình Trí: cảm nghĩ nhân đọc “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật”

Đỗ Hồng Ngọc với “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật”

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Mấy ngày Tết
  • Nguyên Giác: Mẹ dạy con ngồi như núi
  • Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần
  • Thích Phước An: GIÓ BẤC CUỐI NĂM

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Hai Lấp Vò trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • đỗ xuân đạm trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Độc giả trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Bản nhạc Mũi Né
  • Thạch trong Bản nhạc Mũi Né
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “ÁO XƯA DÙ NHÀU…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).
  • PN trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email