Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần

20/01/2023 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần

"Im lặng như lời chia tay" - sách mới của GS.Cao Huy Thuần - Ảnh: HĐ
“Im lặng như lời chia tay” – sách mới của GS.Cao Huy Thuần – Ảnh: HĐ
———————-
20/01/2023 14:41
https://giacngo.vn/doc-im-lang-nhu-loi-chia-tay-cua-cao-huy-thuan-post65521.html
Đỗ Hồng Ngọc
———————-
GNO – Anh Cao Huy Thuần thân mến, nếu thỉnh thoảng ta mà vào được Tam muội Phổ Hiền, thì ta cũng có thể nhận ra cái “thiêng liêng” đó anh à, cái thiêng liêng từ “vô tưóng” – trong Như Lai tạng – bỗng “hiện tướng”… đùa vui giữa chốn Ta-bà đó thôi.
  • Anh Cao Huy Thuần gởi tôi tập Im Lặng, như lời chia tay… dặn để đọc mấy ngày Tết. Tôi nghĩ: chắc là Im Lặng thở dài… đây rồi! “Tôi đang lắng nghe tôi đang lắng nghe im lặng đời mình” (Trịnh Công Sơn)? Nhưng không. Cao Huy Thuần không thở dài! Anh nói về “thiêng liêng” về “chia tay mà không biệt ly của cánh hoa rơi”…

Bồng đứa bé mới sanh đỏ hỏn trên tay mà không thấy “thiêng liêng” sao? Đứa bé bỗng nhoẻn miệng cười không vì đâu cả mà không thấy “thiêng liêng” sao?… Người bạn, kêu sáng Mùng Một Tết chợt thấy “thiêng liêng”? Lạ quá. Thiêng liêng đến từ đâu? Thì đến từ thiêng liêng chớ từ đâu nữa! Từ cái nhoẻn miệng cười của đất trời, từ cái đất nước gió lửa run rẩy trong ta vì già nua giữa ngày Mồng Một Tết chớ đâu nữa!

Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần ảnh 1
Một trong những minh họa trong “Im lặng như lời chia tay” – Ảnh HĐ chụp lại từ sách

Họa sĩ Poussin (1594-1665), bàn tay run rẩy bệnh hoạn không chịu nghe lời ông nữa, ông phải từ giả bút màu với nỗi buồn chán… Nhưng, bất ngờ, những bức tranh run rẩy của ông về sau được giới phê bình tán thưởng hơn bao giờ hết. Họ phát hiện ra rằng “không phải tay họa sĩ run mà là thời gian run”.

Còn họa sĩ Cézanne (1839-1906) viết “Tôi già và bệnh, nhưng tôi thề sẽ chết trong khi vẽ…”. Danh họa Nhật, Hokusai nói từ năm 73 tuổi mới hiểu cấu trúc của thiên nhiên, bởi vậy, 80 ông sẽ, 90, 100, 110… ông sẽ…

Để rồi cuối cùng, Cao Huy Thuần và người bạn đồng ý “ly cà phê buổi sáng là thiêng liêng”, “cái má núm đồng tiền là thiêng liêng”, “cái răng khễnh là thiêng liêng”… Ôi chao!

Phật dạy có bốn thứ Ma thân thiết với ta. Phiền não ma, Ngũ ấm ma, Thiên ma, Tử ma. Tử ma chính là “thị giả” của ta, gần gũi ta và giúp đỡ ta, gắn với ta từ trong trứng nước. Tưởng là kẻ xấu mà không, hắn rất tử tế, luôn nhắc ta từng chút, nhờ vậy mà ta tránh biết bao tai ương, khổ nạn.

Nhìn lại, có hay không có tái sinh? Có hay không có “kiếp” sau? Có lần khi trò chuyện với Ni sư Trí Hải tôi hỏi một kiếp dài khoảng chừng 10 phút không cô? Cô cười, không trả lời. Có lẽ cô muốn nói… một kiếp dài cỡ một sát-na!

Thầy Tuệ Sỹ trong cuốn Tổng quan về Nghiệp viết: Có hay không có Nghiệp? Có hay không có Tự ngã? Có hay không có Thời gian?…

Nghiệp, là kinh nghiệm được tích lũy và tồn tại trong nhiều đời sống. Không có thời gian, không có ký ức thì lấy đâu cho nghiệp vận hành, tạo tác, lưu trữ, lưu xuất, dị thục, nhân quả? (Tuệ Sỹ)

Có thực không có nhiều đời sống? Một đời trước và đời sau – những đời sau- để cho ký ức gợi lại, nhân quả. Bằng chứng đâu?

Nhưng, nếu hỏi tôi tin không? Tôi tin. Tại sao tin? Không biết! Phải chăng, thỉnh thoảng ta gặp một người nào đó thấy như đã từng hẹn nhau từ muôn kiếp trước, hay một nơi chốn nào đó thấy như về mái nhà xưa?

Ký ức được lưu trữ ở đâu để tạo thành Nghiệp mà truyền đi? Khoa học não bộ trả lời: ở hippocampus (hồi hải mã) trong não. Thế nhưng, khi thân này tan rã, hippocampus và toàn bộ thể viền của não bộ cũng không còn, ký ức được tàng trữ trong thân vật lý này cũng biến mất theo. Phải chăng “ngoài cơ chế vật lý của ký ức, còn có sự tham gia của một yếu tố phi vật chất, không nhất thiết là ý thức, để lấy đó làm cơ sở tiếp cận đến vấn đề nghiệp tích lũy, cho đến trong đời sau được xử lý để cho quả dị thục của nó”? (Tuệ Sỹ).

Đức Phật dạy: Có nghiệp được tạo tác, có quả dị thục được lãnh thọ, nhưng không có người tạo tác, không có người lãnh thọ.

Nhà khoa học cũng bảo: “Có design nhưng không có designer”. Nhưng sao chim bồ câu thì cứ bay ngàn dặm về đưa thư, cá hồi cứ bốn năm lại quay về chốn cũ để sinh đẻ rồi chết? Ngày nay, sinh vật từ hạt đậu đến chuột bọ, khỉ vượn… cũng được can thiệp vào gène để tạo ra những “dị thục” những “quả” bất ngờ, gọi là transgenic.

“Je pense, donc je suis – Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” (Descartes). Vậy tôi không tư duy, thì không… có tôi? Phải chăng “vô niệm” thì vô ngã? Trong Tam muội Phổ Hiền (Samadhi) thì quả thấy vô ngã khi tan biến vào vô tướng của Như Lai tạng đó thôi. Cho nên nhìn mọi sự vật bằng cái nhìn Như Thực, cái nhìn “thật tướng vô tướng” thì chân không mà diệu hữu. Từ đó mà lý vô ngại, sự vô ngại, sự sự vô ngại vậy.

Ta cũng có thể bắt chước Descartes nói: “Tôi thở, vậy có tôi”. Nghĩa là nếu tôi không thở thì không có tôi. Nhưng cái thời tôi còn trong bụng mẹ, tôi cũng không thở mà vẫn có tôi đó thôi. Từ đó, suy ra rằng cái thời tôi… hết thở, ngừng thở, thì tôi vẫn còn đó chứ, sao không? Tôi lúc đó trở lại trong bào thai Mẹ (bào thai Như Lai) chứ? Tôi mới phải mang nghiệp theo để trả quả chứ? …

Tuệ Sỹ nói: Tồn tại trong quá khứ và vị lai là những thực thể vi tế, ẩn áo, không phải tri giác thường nghiệm mà có thể bắt nắm được.

Ta biết ngày nay, thời gian sẽ chảy chậm trong con tàu vũ trụ chạy nhanh. Với một vận tốc nào đó thời gian đứng lại. Cho nên Từ Thức lạc động Thiên thai là chuyện có thực.

Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần ảnh 2
Một trang trong “Im lặng như lời chia tay” – Ảnh HĐ chụp lại từ sách

***

Im lặng bông hoa nở. Im lặng bông hoa tàn. Hoa rụng, nhưng mỗi cánh hoa rơi, bao nhiêu chân bướm vẫn còn lưu dấu… Đâu là cách chia tay mà không biệt ly? (Im Lặng). Rồi Cao Huy Thuần dẫn bài thơ Feuille morte (lá chết) của Hermann Hess, tác giả Siddhartha (Câu chuyện dòng sông, Phùng Khánh, Phùng Thăng dịch, Saigon 1966). Anh “phát hiện” một điều thú vị: ngôn ngữ Việt không ai nói “lá chết” mà nói “lá khô”, “lá rụng”. Quét lá rụng, quét lá khô, không ai nói quét lá chết như ngôn ngữ Pháp, Đức. Bởi vì, lá không bao giờ chết. Nó khô, nó rụng, rồi nó tái sinh thành lá búp lá non (Im Lặng).

“Chân lý” ấy do hai con sên của nhà thơ Jacques Prévert trên đường đi dự đám tang một chiếc lá chết, tựa là: “Bài ca hai con sên đi dự đám tang”.

Hai con sên đi đưa

Đám tang chiếc lá chết

Hai cái vỏ thì đen

Hai sừng băng trắng hết…

Hỡi ôi khi chúng đến

Mùa xuân đã đến rồi

Bao nhiêu lá chết xong

Tất cả đều lại sống

Hai bạn sên chúng ta

Ôi buồn ôi thất vọng…

Rồi hai chú sên rủ nhau đi Paris chơi! Mùa hè đã lại đến. Nắng đã rực vàng, tưng bừng ca hát khắp nơi.

Hai chú sên trở về

Với xiết bao cảm xúc

Lòng tràn ngập hân hoan

Và vô biên hạnh phúc…

Ôi, làm sao hai chú sên đi dự đám tang chiếc lá chết buồn xo giữa mùa thu… mà nay lòng lại tràn đầy hân hoan, hạnh phúc? Ấy bởi vì chúng là sên. Chúng “bò như sên”! Bò hết cả mùa đông, chưa kịp đến nơi mà xuân đã về rồi! “Bao nhiêu lá chết xong/ Tất cả đều lại sống…”.

Tiễn mùa thu thì gặp mùa xuân. Tiễn cai chết thì gặp cái sống. Tiễn ảm đạm thì gặp tưng bừng. Hai con sên chia tay mà chẳng biết biệt ly là gì! (Im Lặng)

Cao Huy Thuần nói nhỏ: “chẳng có cả khái niệm”. Phải, chúng chẳng có cả khái niệm. Dĩ nhiên, Cao Huy Thuần đang nói về Kim Cang đó! Khi ta mà biết sống “ly niệm”, khi ta không còn bám chấp vào khái niệm… thì “trí bất đắc hữu vô”, thong dong, tự tại.

Nhớ Huy Cận xưa có 2 câu thơ: Hạnh phúc rất đơn sơ/ Nhịp đời xin bước chậm…

Bước chậm. Chậm như sên càng tốt. Cái tội nghiệp của thời đại này là cái gì cũng tốc độ. Già cũng tốc độ. Để chỉ kịp khi “nhìn lại mình đời đã xanh rêu” (Trịnh Công Sơn).

Hình như có một nhà văn Pháp nào đó nói về chuyện đi bộ (promenade): đi không phải để đến, đi lang thang, dừng lại chỗ này chỗ nọ, ngắm hạt sương mai lấp lánh, nghe tiếng chim hót líu lo, tiếng dế mèn đang gọi người yêu, những cọng cỏ non vươn mình dưới nắng sớm… Thiệt khác với…Marathon!

Anh Cao Huy Thuần thân mến, nếu thỉnh thoảng ta mà vào được Tam muội Phổ Hiền, thì ta cũng có thể nhận ra cái “thiêng liêng” đó anh à, cái thiêng liêng từ “vô tưóng” – trong Như Lai tạng – bỗng “hiện tướng”… đùa vui giữa chốn Ta-bà đó thôi.

Trước mắt, hãy nhấp một ly cà phê thiêng liêng buổi sáng đã nhé.

Năm mới. Tháng Giêng. Mồng Một Tết.

Còn nguyên vẹn cả một mùa Xuân…

(Nguyễn Bính).

 

(28 Tết Quý Mão, 2023)

Đỗ Hồng Ngọc/Báo Giác Ngộ

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Nghĩ từ trái tim

Hội quán Các Bà Mẹ: Giao lưu với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn “Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật”

30/07/2022 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Hội quán Các Bà Mẹ:

Giao lưu với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn “Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật”

Ngày 17.7.2022

Cảm ơn Ng. Văn Quyền đã thực hiện một clip thật dễ thương cho buổi Trò chuyện thân mật giữa Đỗ Hồng Ngọc và các bà mẹ, các thân hữu tại Hội Quán Các Bà Mẹ, số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Tp HCM, ngày 17.7.2022.

Địa điểm nằm trong khung cảnh một Chợ quê, dưới bóng cây đa cổ thụ, giữa lòng Saigon ồn ào náo nhiệt trong một buổi sáng Chủ nhật, quả là không dễ tìm! Lại còn cái căn gác nhỏ, ọp ẹp, chật chội, không cả ghế ngồi… Nhiều bạn đến trễ, không lên gác được phải bỏ về, cằn nhằn mãi…

Hội quán CBM thì nói có chỗ khang trang, rộng rãi, bề thế hơn… nhưng lỗi tại bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cứ đòi lấy một chỗ quê mùa, cũ kỹ, như chỗ một Bà Mẹ Quê ngày xa xưa đó vậy.

Mong thông cảm.

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

 

 

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Phật học & Đời sống, Vài đoạn hồi ký

Giao lưu với BS Đỗ Hồng Ngọc về “BÔNG HỒNG CHO MẸ & Những Cảm Nhận Học PHẬT”

12/07/2022 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

GIẤY MỜI

Mời các bạn đến tham dự buổi Trò Chuyện thân mật này nhé!

do Hội quán Các Bà Mẹ tổ chức, ngày CN 17.7.2022, tại số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, từ 8:30-10:30.

Sách do Quỹ Ấn Tống Hoa Sen chùa Phật học Xá Lợi thực hiện. Mỗi bạn tham dự được tặng một cuốn sách với chữ ký của tác giả để kỷ niệm.

Thân mến,

ĐHN

 

blue white halftone modern bright art. Blurred pattern raster effect background. Abstract creative graphic template. Business style.

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Gươm báu trao tay, Nghĩ từ trái tim, Thiền và Sức khỏe

Phật học & Đời sống: Bốn Lời Nguyện Rộng Lớn (Tứ Hoằng Thệ Nguyện)

07/07/2022 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Lớp Phật học & Đời sống, Chùa Xá Lợi Tp.HCM 25.6.2022:

Bốn Lời Nguyện Rộng Lớn (Tứ Hoằng Thệ Nguyện)

 

Buổi trao đổi về “Bốn Lời Nguyện Rộng Lớn” (Tứ Hoằng Thệ Nguyện) tại Lớp Phật học & Đời sống, chùa Phật học Xá Lợi Tp. HCM ngày 25.06.2022

Cảm ơn Nguyễn Văn Quyền (vquyen n) đã thực hiện clip này để chia sẻ cùng bè bạn.

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Nghĩ từ trái tim

KỲ 2: Lớp An Cư, chùa Xá Lợi, 2022

08/06/2022 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi (tiếp theo)

KỲ 2: Lớp An Cư, chùa Xá Lợi, 2022

Ngày 3.6.2022

Để tạo không khí thoải mái cho buổi học, tạo sự tham gia tích cực… cho lớp (vốn thường chỉ tiếp thu thụ động), mình vẽ lên bảng 9 điểm thế này rồi đưa ra một câu đố: Hãy kẻ 4 đường thẳng- và chỉ 4 đường mà thôi- không được nhắc viết lên- nối được cả 9 điểm này lại với nhau?

 

 

Các thầy có 5 phút. Kết quả: 1 trong 19 vị có mặt thực hiện được. Vậy là tốt lắm. Sau đó mọi người phân tích tại sao được và tại sao không? Mọi người nhận ra là do chính mình tự khu trú mình, đóng khung mình, chớ câu đố không hề cấm vượt ra ngoài khung để có thể giải quyết vấn đề. Từ đó, thấy ra nhiều vấn đề khác trong học và hành, trong đời sống và cả trong tu học. Mình cũng nói, hồi tôi bị đố, tôi cũng “bí” như đa số các thầy hôm nay.

Chủ đề chính buổi học thứ hai này là Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe và Các phương thức Bảo vệ và Nâng cao sức khỏe.

Yếu tố sinh học (Di truyền, gen, tâm thần…); Yếu tố Môi trường (sinh vật, vi sinh…)- bao gồm cả môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội;  Yếu tố hành vi lối sống cá nhân; Yếu tố: Hệ thống Y tế, chăm sóc bảo vệ sức khỏe… Vai trò của Phật giáo trên mỗi yếu tố này ra sao? Sự tham gia của các vị trong đời sống xã hội, trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, cụ thể như dịch Covid, Sốt xuất huyết, sốt rét… Vấn đề dinh dưỡng, các bệnh dịch mạn tính không lây hiện nay… như “3 cao 1 thấp” (cao đường, cao mỡ, cao máu và… thấp khớp) gặp không ít trong giới tu sĩ.

 

 

Đức Phật, bậc Y vương, đã đi trên con đường khoa học để “diệt Khổ” cho con người, từ Hội chứng (Khổ) đến Chẩn đoán (Tập), trị liệu (Diệt) và Nâng cao (Đạo). Từ đó, có những phương thuốc đối trị, chỉ chữa triệu chứng (tạm thời) và những phương thuốc chữa căn nguyên, rốt ráo. Dĩ nhiên tùy bệnh trạng, tùy bệnh nhân (căn cơ) mà cho thuốc phù hợp, có khi chỉ với Placebo cũng đủ! Trái lại, cho nặng “dose” quá, không đúng lúc,  cũng dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”!

 

 

 

Trong mọi trường hợp, cần thấy lục phủ ngũ tạng là một thể… thống nhất, không nên tách biệt từng phần riêng rẻ, mà phải thấy toàn diện thân tâm nhất như. Đó là một nền y học holistic cần thiết hiện nay trong thời đại khoa học y học, kỹ thuật phát triển, dễ chạy theo những manh mún. Một nền y học lành mạnh cần “bớt kỹ thuật mà thêm nhân văn” là vậy.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

(còn tiếp)

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Nghĩ từ trái tim

THỞ ĐỂ CHỮA BỆNH

31/03/2022 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Ghi chú:

Rất cảm ơn Bác sĩ Phan thị Liên Chi đã vừa gởi tặng tôi File Mp3 bài Nói Chuyện của tôi về “Thở Để Chữa Bệnh” tại Trung Tâm Mục Vụ Saigon ngày 10.3.2012 . 

Mới thôi mà đã 10 năm!

Không ngờ lúc đó mình đã 72 tuổi rồi mà còn đẹp… lão, giọng nói nghe còn tốt, và nội dung thấy vẫn còn có ích cho buổi hôm nay.

Cảm ơn nvquyen đã chuyển qua dạng youtube. 

Cũng xin phép anh Xuân Thái cho tôi “trích đoạn” bài viết của anh để “dẫn nhập” nhé. 

Xin được chia sẻ cùng bạn bè thân quen.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon, 03.2022)

………………………………………………………………………………………………………….

 

Thở để chữa bệnh

Xuân Thái

 

Vào lúc 14 giờ 30 chiều ngày 10/3/2012, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã nói về đề tài “Thở để chữa bệnh” tại Lầu 1 Trung Tâm Mục vụ Sài Gòn.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một cái tên rất quen thuộc không chỉ trong ngành Y, nhưng còn là một uy tín lớn trong giới Đạo học, đặc biệt về Thiền Phật giáo, ông đã có nhiều nghiên cứu công phu về Thiền học giúp ích rất nhiều người cho mọi lứa tuổi. Trang Web dohongngoc.com của ông là địa chỉ tin cậy của nhiều thành phần độc giả. Trang web của ông rất thực tế và đầy chất thơ, với giọng văn nhẹ nhàng, dí dỏm duyên dáng nhưng thật sâu sắc với nhiều độ lắng, nơi đây luôn là điểm đến cho những ai muốn sống vui tươi khỏe mạnh và thanh thản bình an.

Sau phần cầu nguyện của Sơ Maria Hồng Quế, Sơ đã ân cần giới thiệu BS Đỗ Hồng Ngọc với những lời lẽ trang trọng nhất, vì trước đây Sơ Hồng Quế từng là học trò của ông.

(…) Ông đã bắt đầu buổi nói chuyện một cách nhẹ nhàng gần gũi. Sau đó, ông nói về sự quan trọng của hơi thở qua các phương cách cấp cứu từ xa xưa đến hiện đại, cách nào đạt hiệu quả cao nhất, trước khi triển khai phần quan trọng nhất của đề tài “Thở để chữa bệnh”.

Sau phần nghỉ giải lao, mọi người được hướng dẫn thực hành Phép thở bụng, cùng với những trao đổi và giải đáp thắc mắc của các học viên, buổi học đã chấm dứt vào lúc 17h30 cùng ngày. (Xin tham khảo đầy đủ qua phần Audio)

Buổi học rất sinh động và thật thú vị với biết bao điều bổ ích, thời gian như vội vã trôi, không đủ cho nhiều câu hỏi chưa kịp đưa ra.

Xin cám ơn sự ân cần từ một tấm lòng.

(Xuân Thái)

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Nghĩ từ trái tim

THIỀN và TRÍ THỨC

31/12/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

THIỀN và TRÍ THỨC

Ghi chú: Một số bạn trẻ – đặc biệt trong giới trí thức- gần đây quan tâm nhiều tới lãnh vực thiền, đã gởi tôi nhiều câu hỏi. Tôi xin post lại bài viết này (đã cập nhật) để gởi đến các bạn, momg giải đáp được phần nào…  

Thân mến.

Đỗ Hồng Ngọc.

 

(internet)

 

Một hôm, nhạc sĩ Dương Thụ mời tôi đến Cà phê Thứ 7 của anh trò chuyện một bữa cho vui. Được thôi. Tôi vẫn thỉnh thoảng đến chỗ anh để uống cà phê và nghe chuyện trò mà.  Đề tài gì? Thiền và sức khỏe. Vấn đề đang rất được giới trí thức quan tâm. Căn phòng nhỏ xíu, nhưng trang nhã, ấm cúng. Một chỗ chơi nhạc thính phòng, họp mặt bạn bè kiểu salon thế kỷ 18- chỉ thiếu một nữ bá tước- để chuyện trò thân mật, cách biệt với ồn ào nhộn nhịp ngoài kia.

Đã thấy có các nhà văn, nhà báo, nhà giáo, học giả, nhà vật lý, kiến trúc sư, luật gia… và khá nhiều bạn trẻ. Cũng như mọi lần, câu hỏi đặt ra là vì sao bệnh viện mở ra ngày càng nhiều mà lúc nào cũng “quá tải”? Vì sao con người bây giờ tiện nghi dồi dào mà đau ốm triền miên? Vì sao bệnh nhiễm gia tăng trở lại và bệnh do hành vi lối sống ngày một phát triển trong khi khoa học y học tiến như vũ bão? Rõ ràng sức khỏe không phải là chuyện của y tế. Y tế chỉ làm mỗi việc “cứu tế về y khoa” khi ta đau ốm quặt quẹo. Sức khỏe lại là chuyện của mỗi người, của mọi người. Khi melamine ở trong sữa, kích thích tố sinh dục ở trong thịt, thuốc trừ sâu ở trong rau… thì bác sĩ làm sao? Khi bụi khói đầy đường, tiếng ồn đinh tai nhức óc thì bác sĩ làm sao? Tại sao nhiều diễn viên tài tử giàu có xinh đẹp bỗng một hôm thắt cổ hoặc uống thuốc độc tự tử? Tại sau lâu lâu một tỷ phú đại gia nhảy lầu? Thì ra đời sống càng tiện nghi, nhu cầu vật chất càng được thỏa mãn thì con người càng xa lạ với tự nhiên, với chính mình. Stress chính là nguyên nhân sâu xa của 60-90% bệnh lý đưa người ta đến bác sĩ. Mà bác sĩ thì chữa được cái đau chứ không chữa được cái khổ, chữa được cái bệnh, chứ không chữa được cái hoạn.  Cho nên cứ xà quần như vậy. Có cách nào không?

Có. Thiền. Thiền có thể góp phần giải quyết căn cơ. Thiền giúp ta biết “dừng lại”. Thôi đi! Thiền giúp ta nhận ra những “điên đảo mộng tưởng”. Nhưng thiền là gì? Cách nào? Hãy bắt đầu từ việc đơn giản nhất mà cốt lõi nhất. Đó là Thở. Thở bụng. Ô hay, thở phải bằng ngực chớ, phổi nằm ở ngực kia mà? Phổi nằm ở ngực, nhưng thở nằm ở bụng. Cứ nhìn một em bé đang ngủ say mà coi? Cứ nhìn một người bình thường đang ngủ yên mà coi? Chỉ có cái bụng là phình lên xẹp xuống, còn cái ngực thì… im re. Thật vậy, khi cái ngực mà khò khè, mà cò cử thì nó đã bị bệnh rồi, đã suyễn hoặc viêm phổi tắt nghẽn mạn tính rồi. Nói khác đi, cách thở sinh lý, thở thiên nhiên, thở bình thường chính là… thở bụng. Người khỏe thì luôn thở bụng nên thở bụng làm cho ta khỏe. Chỉ có vậy. “Bí quyết” nằm ở chỗ đơn giản nhất đó. Các phương pháp khí công, dưỡng sinh, yoga, thiền… đều bắt đầu bằng tập thở bụng. Tại sao phải tập? Bởi không biết tự lúc nào con người lại xa rời cái nguồn gốc tự nhiên của mình, bày ra trò thở ngực, cũng như thay vì ăn những thức ăn lành mạnh sẵn có trong thiên nhiên thì con người chế biến đủ kiểu cho nó hư đi. Do vậy, thở phải được rèn tập trở lại.

Về sinh lý, cơ hô hấp chính của ta là cơ hoành, vắt ngang giữa bụng và ngực chớ không phải cơ gian sườn hay cơ cổ. Khi các cơ gian sườn, cơ cổ mà ráng sức phì phò thì đã bệnh rồi. Phương pháp đơn giản, không tốn kém này hiện nay ngày càng được phổ biến ở các Trung tâm y khoa lớn trên thế giới đễ chữa stress, căn nguyên các bệnh dịch không lây như tim mạch, huyết áp, tiểu đường,  gout…

Nhưng, thiền không dừng ở đó. Sau thở bụng, bước tiếp theo là “dõi theo” và “suy tưởng” về cái hơi thở đó. Nó vào nó ra nó lên nó xuống nó phồng nó xẹp ra sao. “Dõi theo” khác với “theo dõi”. Theo dõi mệt lắm! Dõi theo thì ung dung hơn. Cứ thả cho nó sao thì sao, chỉ cần dõi theo và ghi nhận, không bình luận, không phê phán. Trí thức vốn hay bình luận, hay phê phán… nên trí thức thường thất bại trong thiền. Một người hàng thịt buông dao thành Phật. Trí thức còn lâu! Nhưng trí thức lại có cái hay của nó. Nó không dễ tin. Nó ngờ. Nhưng, đại nghi thì đại ngộ. Càng nghi càng ngộ. Hai ngàn sáu trăm năm trước, một nhà minh triết – Đức Phật- bảo đừng vội tin tôi, cứ đến nếm thử đi rồi biết. Đến và nếm thử. Đến là thực hành. Làm đi, đừng nói nữa. Vụ này nói không được, “bất khả thuyết”! Nếm là cảm nhận. Phải tự mình thể nghiệm để riêng mình cảm nhận, không thể nhờ ai khác. Thở mà cũng phải nhờ người khác thở giùm hay sao? Tôi ngạc nhiên thấy các ông thầy dạy “thở” bắt người ta làm theo ý mình. Làm theo sao được! Mỗi người có cái sinh lý, thể chất, tâm lý riêng của mình chứ. Nắm lấy nguyên tắc thôi, rồi thực hành theo kiểu của mình. Bắt chước người khác, “tẩu hỏa nhập ma” như chơi! Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn thuở sinh thời có lần nói với tôi là ông đi máy bay từ Hà Nội vào Saigon chỉ thở 60 lần là tới nơi, nghĩa là mỗi hơi thở của ông dài 2 phút. Máy bay bay 2 giờ, ông thở 60 lần. Còn ta, bắt chước ông sao được. Ông có cái sinh lý của ông, lại rèn tập từ thuở nhỏ.

Cái hay thứ hai của trí thức là “suy tưởng”. Thiền cần suy tưởng. Không phải suy tưởng bàn mưu tính kế để tranh bá đồ vương, gồm thâu lục quốc, nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị gì đâu!  Trước hết là suy tưởng về cái hơi thở đang vào đang ra kia! Nó ở đâu ra? Tại sao phải thở? Tưởng nó là của ta mà chẳng phải của ta. Tưởng nó ở trong ta mà hóa ra ở ngoài ta. Tưởng ta điều khiển nó mà thật ra nó cóc cần ta. Lợi ích bất ngờ là sự dõi theo và suy tưởng đó ai dè  giúp ta cắt đứt dòng “tâm viên ý mã” linh tinh khác, gom thân tâm ta về một mối là hơi thở của chính mình, ở đây và bây giờ, dứt bặt những âu lo phiền muộn. Nói khác đi, nó làm ta được “thảnh thơi”, nó giải stress, nghĩa là mang lại sức khỏe, an lạc, hạnh phúc.
Thiền có thể làm ta được thảnh thơi, giải stress, mang lại sức khỏe, an lạc, hạnh phúc ư? Tin được không? Có cơ sở khoa học nào không? Người trí thức sẽ hỏi. Đâu dễ tin. Và câu trả lời là có. It ra là về mặt sinh học. Thở chẳng phải trước hết là chuyện sinh học ư? Ta cần lấy Oxy từ bầu khí quyên đưa vào phổi, rồi máu mang Oxy đó đến từng tế bào trong cơ thể để tạo ra nặng lương cho sự sinh tồn và hoạt động của ta. Một người chạy đua 100m phải nín thở để chạy, đến nơi anh ta thở hào hển vì phải trả “nợ Oxy” đã vay mượn trong lúc nín thở. Cơ thể ta lúc nào cũng ở trong tình trạng căng cứng để hoạt động. Các cơ bắp luôn luôn co duỗi để giữ cho ta có một tư thế theo ý muốn. Sự căng cứng cơ bắp (tonus musculaire) đó tiêu thụ khoảng 40% năng lượng. Nếu có cách nào làm giảm sự căng cứng cơ ta sẽ tích lũy năng lượng đáng kể, cơ thể nhờ đó mà đỡ vất vả, sảng khoái hơn. Riêng não bộ tuy chỉ chiếm có 2% thể trọng mà tiêu tốn đến 25-30% năng lượng. Nếu có cách nào đó làm cho não bộ được nghỉ ngơi, tích lũy thêm một khối năng lượng đáng kể nữa, các tế bào nhờ đó mà đỡ vất vả, sảng khoái hơn! Sự sảng khoái đó trong thiền gọi là “thiền duyệt”. Câu hỏi đặt ra là tại sao não bộ lại xài phí tiêu hoang năng lượng nhiều đến vậy? Thì ra não lúc nào cũng ở trong trạng thái “điên cái đầu”, lúc nào cũng nghĩ ngợi lung tung, tâm viên ý mã! Trí thức- hoạt động trí não nhiều- càng dễ bãi hoãi, kiệt sức, quên trước quên sau, đến bác sĩ, bác sĩ chẩn đoán “Mệt mỏi kinh niên không rõ nguyên nhân” hay “Rối loạn thần kinh thực vật…”  nghĩa là bí!… Những lúc say mê làm việc trí thức thường quên thở để sau đó lại hào hển thở, trả nợ Oxy. Thiền vừa làm giãn cơ, vừa làm lắng dịu các hoạt động lăng xăng của não, nhờ đó mà giúp cơ thể thảnh thơi, an lạc. Hoạt động thể chất sau đó sẽ bền bỉ hơn, suy tưởng sau đó sẽ tập trung hơn, sáng suốt hơn.

Trong lúc tập trung dõi theo hơi thở như thế, những câu hỏi sẽ gợi lên: Tại sao ta cần Oxy (O2) – khí thải của cây xanh- trong khi cây xanh cần Carbonic (CO2) – khí thải của ta? Có sinh vật nào sống mà không cần Oxy không?…  Câu trả lời sẽ liên quan đến khí quyển, đến môi trường, đến cây xanh, đến sinh vật hiếm khí, vi khuẩn sống trong núi lửa, trong băng tuyết… Rồi nhìn ra mênh mông, thấy không chỉ một vũ trụ (universe) mà là đa vũ trụ (multiverse), tam thiên đại thiên thế giới, với trùng trùng duyên khởi … từ đó, có hôm nào nhận ra thực tướng vô tướng, cái mà bây giờ người ta gọi là “Theory of Everything”… hay như Stephen W. Hawking giật mình nhận ra cái The Grand Design, “vô sở tùng lai diệc vô sở khứ”. Thiệt ngộ, chỉ với C, H và O quấn quít lấy nhau, khi cần ngọt ngào thì ta có đường, khi cần chua chát thì ta có giấm, khi cần đắng cay lại có chút rượu mềm môi?

Khi bản đồ gen người được thiết lập, các nhà sinh học giật mình thấy cái cây cổ thụ ngoài sân chứa đến 70% gen người, ai dám bảo không có chuyện “thạch nữ giá bồ lang”? Cái cọng cải non xanh kia có đến 26% gen người, rồi ruồi giấm, chuột bọ… Chuột có đến 97,5% gen người nên mới có đám cưới chuột, mới có “chuột kêu chút chít trong rương / anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay”! Ễnh ương, tắc kè, thằn lằn, rắn mối… con nào cũng phì phò xì xụp, cũng phình phình xẹp xẹp cái bụng đó thôi…

Thiền còn giúp ta thấy sinh trụ dị diệt, thấy mỗi hơi thở là một kiếp người. Bé sơ sinh hít mạnh hơi vào thì cụ già thở hắt hơi ra. Giữa hai lần thở đó là những làn sóng lăn tăn, dài ngắn. Đừng tìm kiếm thần thông phép lạ. Thần thông phép lạ đầy rẫy quanh ta.

Nhưng thiền không dừng lại ở đó. Nó mở ra những khoảng mênh mông “bất khả tư nghì”!

***

 

Buổi trò chuyện chuyển sang phần hỏi đáp. Chỉ xin ghi lại vài câu.

  1. Kiếm hiệp nói “đưa hơi xuống huyệt đan điền” là sao?

Đó chính là cách thở bụng. Khi hít vào, đẩy cơ hoành xuống càng sâu càng tốt, xuống tận huyệt “đan điền”. Huyệt đan điền nằm dưới rún ba lóng tay, khoảng 4cm. Đan là thuốc, điền là ruộng. Đan điền nghĩa là ruộng thuốc. “Linh đan diệu dược”. Người xưa coi thở bụng là phương pháp luyện công tốt nhất, được sử dụng trong võ thuật và phép tu tiên để trường sinh bất lão. Thực ra cơ hoành chỉ di chuyển được khoảng 7 cm thôi, chưa quá rún, cũng đã đưa vào hơn 1,5 lít không khí rồi. Nhưng, cần để ý, ráng sức thở sâu quá sẽ dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Thất bại trong thiền thường là do lòng tham, ham muốn quá, muốn cho mau “thành đạt” mà!

2) Dùng ý dẫn khí đến những nơi mình muốn có được không? Chẳng hạn đến tận ngón tay, ngón chân, các khớp đang đau nhức? 

Được chớ. Ý dẫn các pháp mà! Về sinh học, hệ thống mao mạch dài đến 100.000 km (hai vòng rưỡi xích đạo quả đất chớ ít gì!) dẫn khí đến tận từng tế bào trong cơ thể con người. Mỗi tế bào thực chất là một… sinh vật, chúng hấp thu Oxy để tạo năng lượng. Dùng ý dẫn khí là một cách nói, nhấn mạnh khả năng đưa khí lưu chuyển toàn thân, đến từng tế bào nhờ hệ thống mao mạch này.

3) Tôi học theo cách thở âm và thở dương? Thở dương là đưa hơi qua mũi, theo nhâm mạch xuống đan điền, hậu môn, rồi nhíu hậu môn lại; thở âm là đưa hơi lên đỉnh đầu, theo đốc mạch đến hậu môn, nhíu hậu môn lại… để chữa trị các trạng thái rối loạn âm dương của thân tâm đúng không?

Đúng. Bí quyết nằm ở chỗ “nhíu hậu môn”. Những thứ khác thực chất vẫn là thở bụng, thở sâu. Khi vỏ não tập trung vào điều này thì không thể cùng lúc tập trung vào điều khác. Hai người sắp đánh nhau mà nghe nhà cháy sợ quá bỏ chạy quên đánh nhau. Cái “sợ” đã thay chỗ cho cái “giận” ở vỏ não. Một người ở trạng thái buồn bã (âm) hay trạng thái kích động (dương) mà biết tập trung vào hơi thở sâu, tập trung vào chuyện “nhíu hậu môn”  thì “công tắc” đã chuyển sang hướng khác ở vỏ não…

(www.dohongngoc.com 2010)

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Thiền và Sức khỏe

Thư gởi bạn xa xôi (4.12.2021): Nhóm Học Phật, chùa Xá Lợi

04/12/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi,

(4.12.2021)

10 Năm, NHÓM HỌC PHẬT,

Chùa Phật học Xá Lợi Tp.HCM (Saigon).

Ngày này, 10 năm trước, nhóm bạn mình thường gặp nhau ở Chùa Xá Lợi Tp.HCM (Saigon) đã quyết định hình thành Nhóm Học Phật (NHP) để cùng chia sẻ, trao đổi, học Phật với nhau. Nhóm được Thầy Đồng Bổn hết sức ủng hộ và thậm chí nhường phòng của Thầy cho NHP sinh hoạt. Mỗi tuần chúng tôi gặp nhau vào buổi sáng Thứ tư, cùng trao đổi, tranh luận… sôi nổi những vấn đề Phật học, liên quan đến đời sống, đến tâm linh, đến những kinh nghiệm, phương cách tu tập. Nhóm chỉ có 10 thành viên, không mở rộng, có tính “chuyên sâu” một chút vì trong nhóm có người Hán học, người Pali, người triết, người y, người Nguyên thủy, người Đại thừa…

Thỉnh thoảng tổ chức những buổi dã ngoại, đi thăm nơi này nơi khác, để học hỏi thêm. Từ Huế đến Đà Nẵng, Hội An, Quảng Trị, Đồng Nai, Phan Thiết, Đà Lạt, Gò Công, Sa đéc, Đồng Tháp, Vũng Tàu, Bà Rịa…

Dự định nhân kỷ niệm 10 năm, ngày 4.12 này sẽ Họp mặt các thành viên NHP cho vui, cũng để rút kinh nghiệm nhưng tình hình dịch bệnh chưa cho phép…

Do vậy, mình gởi bạn bức thư viết cho Thầy Đồng Bổn, Trụ trì chùa Xá Lơi và chọn vài hình ảnh coi vui thôi nhe.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

……………………………………………………

 

Nhóm Học Phật chùa Xá Lợi

Kính gởi Thầy Đồng Bổn, Trụ trì Chùa Xá Lợi Tp HCM,

Ngày 4.12.2021 là Ngày kỷ niệm 10 năm Nhóm Học Phật Chùa Xá Lợi sinh hoạt tại chùa trong suốt 10 năm qua, mỗi tuần một buổi vào sáng Thứ tư.

Giai đoạn đầu, Thầy đã nhường Phòng của Thầy cho Nhóm sinh hoạt,  và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhóm học tập. Tôi với tư cách Trưởng nhóm xin chân cảm ơn Thầy về nghĩa cử đó. Sau chúng tôi được chuyển về phòng sách của Thư viện chùa Xá Lợi một thời gian khá lâu, rồi về hẳn phòng Họp sinh hoạt học tập cho đến nay.

Nói chung, việc học rất nghiêm túc, thảo luận, tranh biện tự do, sôi nổi; học căn bản từ đầu với Tứ Diệu Đế, Tứ thập nhị chương, Bát đại nhân giác, Lý hoặc Luận (của Mâu Tử), rồi đến kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác, kinh Lăng Già…

Thành viên 10 người (không mở rộng) gồm Đỗ Hồng Ngọc, Trần Đình Sơn, Minh Ngọc, Trần Đức Hạ, Trần Phi Hùng, Tô Văn Thiện,Thanh Nguyên, Diệu Châu, Diệu Viên, Ngô Tiến Nhân… về sau thêm Huỳnh Đăng Khoa. Ngoài những buổi học tại Lớp, thỉnh thoảng tổ chức dã ngoại, thăm viếng các chùa chiền, giao lưu v.v… mở rộng thực tế.

Vài năm đầu, có tổ chức Kỷ niệm, và Thầy Đồng Bổn cũng đã đến tham dự vài lần, động viên mọi người, nhưng những năm sau này do bề bộn nhiều việc rồi dịch bệnh nên không tổ chức họp mặt kỷ niệm được.

Nay nhân kỷ niệm Ngày 10 năm Nhóm Học Phật hoạt động tại Chùa Xá Lợi, tôi viết Thư này thay mặt Anh Chị Em kính cảm ơn Sư Ông Hiển Tu, Thầy Đồng Bổn trụ trì, cùng toàn thể quý Thầy và nhân viên của chùa đã hỗ trợ Nhóm Học Phật trong suốt thời gian qua.

Trân trọng,

Đỗ Hồng Ngọc,

 

—

Hòa Thượng Thích Đồng Bổn: 

Nhân ngày kỷ niệm đệ thập chu niên của Nhóm học Phật,

Chào Bác Ngọc,

Tôi thay lời HT viện chủ và chư tăng, kính chúc Bác và Nhóm học Phật luôn an lành trong sự chở che của Tam bảo Xá Lợi.

Chúc Bác Ngọc luôn dồi dào sức khỏe để dẫn dắt anh em cùng học Phật.

Kính,

Thích Đồng Bổn

…………………………………………………………..

 

 

 

 

 

 

 

—

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Uncategorized, Vài đoạn hồi ký

Nói thêm về Phương pháp Thở Bụng

01/11/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Nói thêm về Phương pháp Thở Bụng

Ghi chú:  Một bạn trẻ vừa có thư hỏi trong Thiền tập có phải thở bụng không? Có chứ. Vì thở bụng là cách thở sinh lý tự nhiên mà. Không chỉ con người mà con ếch, con cóc, thằn lằn, rắn mối… gì cũng thở bằng bụng cả. Do đó, trong Thiền tập cũng phải thở bụng chứ. Lúc đầu dõi theo từng nhịp thở vào thở ra, thậm chí đếm… (chánh niệm), khi đã điều hòa thì không còn cần dõi theo hơi thở nữa, mà bắt đầu “quán sát”; ở giai đoạn thiền sâu hơn thì không còn cảm nhận có hơi thở nữa…   (ĐHN)

 

Nói thêm về Phương pháp Thở Bụng

(Abdominal -or diaphragmatic- breathing)

Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ, sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, học Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa năm 1941. Năm 1942, ông bị lao phồi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ. Từ năm 1943 đến năm 1948 ông phải chịu mổ 7 lần, cắt bỏ 8 cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái.  Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra một phương pháp… thở để tự chữa bệnh cho mình, và kết quả là ông đã sống đến tuổi 84 mới chết (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa, họat động tích cực, năng nổ trong nhiều lãnh vực! Chuyện khó tin nhưng có thật!

Tôi may mắn được quen biết  ông trong nhiều năm. Với tôi, ông vừa là đồng nghiệp, là đàn anh mà cũng là người thầy.  Ông là bác sĩ đồng thời là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm.  Ông là cố vấn của bộ môn Tâm lý-Xã hội học do tôi phụ trách tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Y tế Thành phố (nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) ngay từ hồi mới thành lập (1989).  Ông thường trao đổi với tôi điều này điều khác, về công việc viết lách, giảng dạy, và nhiều lần về phương pháp thở dưỡng sinh của ông. Trao đổi không chỉ về cơ thể học, sinh lý học mà cả về tâm lý học, đạo học.  Có lần ông mở áo cho tôi xem mấy vết mổ vẫn chưa hoàn toàn liền lạc trên ngực ông. Tôi phục ông ốm nhom ốm nhách mà làm việc thật dẻo dai, bền bĩ, gần như không biết mệt mỏi. Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc… thấy uể oải, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa “dung tích sống” như ông lại vẫn ung dung, thư thái. Ong cười “tiết lộ” với tôi, những buổi hội họp dông dài, vô bổ, ông chỉ ngồi… thở bụng, nhờ vậy mà ông không bị stress, không bị mệt.  Ông nói sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học này nọ mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu của ông. Trước kia tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến khi tôi bị cơn tai biến nặng (1997),  phải nằm viện dài ngay, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả có điều kỳ diệu! Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít  nhọc mệt hơn và sức khỏe tốt hơn.  Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc nhưng tôi chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết còn thì chỉ… dùng phương pháp thở bụng để tự chữa bệnh cho mình! Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải là cái gì hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, tài chí, dưỡng sinh…  của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.

Dưới đây là bài vè 12 câu dạy thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện:

Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được!

Nhiều độc giả viết thư, gởi email, điện thọai hỏi thêm về Phương pháp Thở Bụng này. Có người bảo sau 2 tháng “tập luyện” đã  thấy có kết quả tốt, dễ ăn, dễ ngủ, bớt căng thẳng và sảng khoái hơn, sức khỏe có tốt hơn, ít bệnh vặt hơn; có người hỏi cụ thể phải tập ngày mấy lần, mỗi lần mấy phút; có người hỏi phải ngồi ở tư thế nào v.v..  Một độc giả ở tận Hà Tiên, nói nhờ đã thử tập thở 2 tháng nay thấy khỏe hơn, nhưng sao mỗi lần tập chừng nửa giờ thì thấy choáng váng, tê rần, phải nghỉ 5 phút mới hết…

 

Trước hết cần nhớ rằng thở là chuyện bình thường. Ai cũng phải thở, lúc nào cũng phải thở và ở đâu cũng phải thở, nên đâu có cần phải có giờ giấc, tư thế nọ kia? Thực ra, thở bụng là cách thở sinh lý, tự nhiên nhất, trời sinh ra đã vậy rồi, không cần phải tập luyện gì cả!

Cứ quan sát  một bé đang ngủ ngon lành thì biết: Nó thở đều đều, nhẹ nhàng, và… thở bằng cái bụng! Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống thôi. Thở bụng là cách thở tự nhiên  không chỉ của người mà của…mọi loài. Thử quan sát con thằn lằn, con cắc kè., con ễnh ương… thì biết. Nó thở bằng bụng. Chỉ có cái bụng nó là phình ra xẹp vào đều đều thôi. Ấy là do cơ hoành (hoành cách mô) là cơ chính của hệ hô hấp. Chỉ cần cơ hoành nhích lên nhích xuống chút xíu là đã đủ cung cấp khí cho cơ thể rồi. Khi mệt, cần nhiều oxy hơn thì cơ hoành sẽ “thụt” mạnh hơn, nhanh hơn thế thôi. Tóm lại, nhớ rằng thở bụng là thở theo sinh lý, tự nhiên, không cần phải “tập luyện” vất vả gì cả, không cần phải giờ giấc, tư thế gì cả! “Ở đâu cũng đựơc/ Lúc nào cũng đựơc” là vậy.

Thứ hai là không nên ráng sức, gắng sức. Chỉ cần chuyên cần, kiên nhẫn để tạo thành thói quen tốt thế thôi. Ráng sức, muốn cho mau thành công thì sẽ dẫn đến … thất bại vì choáng váng, chóng mặt, tê rần… Tại sao vậy? Tại vì đã ráng sức, cố ép, thì sẽ gây rối lọan sự điều hoà tự nhiên của cơ thể. Cho nên người “ham” quá, ráng “luyện công” quá, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”! Ta thở bụng là để có sức khỏe, không phải để luyện nội công, để trở thành “chưởng môn” của một phái võ nào đâu! Người có tuổi, người bệnh mạn tính càng không nên ráng.  Nhưng phải kiên trì,  như đã nói, phải chừng sáu tháng mới quen, mới thấy hiệu quả. Nếu đang chữa bệnh nào đó ( tăng huyết áp, tiểu đừơng…) thì vẫn phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.. Thở bụng cũng như ăn uống, vận động đúng cách sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.

Thứ ba, nếu luôn nhớ mình đang thở, thì theo dõi luồng hơi thở ra, hơi thở vào sẽ rất tốt. Chưa quen thì đặt bàn tay lên bụng, thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống theo từng nhịp thở là đựọc. Lâu nay ta thở một cách phản xạ, vô thức, nếu ta thở mà có ý thức, biết mình đang thở, dõi theo nó thì sẽ giúp ta… quên các thứ chuyện lăng xăng bên ngoài, giúp tâm ta được tĩnh lặng. Tâm mà lăng xăng, dao động, nhiều ưu phiền, giận dữ… sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, làm ta kiệt sức, “thở không ra hơi”!

Câu “êm, chậm, sâu, đều” trong bài vè chưa cần phải tập. Còn lâu mới “êm chậm sâu đều” được! Cứ thở tự nhiên, vì không phải “luyện công” mà! Có người hỏi nên thở bằng mũi hay bằng miệng, vì có người khuyên phải hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng? Mũi dùng để thở. Không khí qua mũi sẽ được sưởi ấm, bụi bậm… sẽ bị lông mũi chặn lại. Do vậy nên thở bằng mũi tốt hơn, trừ phi quá mệt (leo leo cầu thang, chạy bộ…) hoặc bệnh, hoặc luyện khí công…

«Thót bụng thở ra» được nói đến đầu tiên vì thở ra quan trọng hơn ta tưởng. Thở ra giúp làm sạch các hốc phổi, đáy phổi, nơi khí dơ dễ đọng lại. Đặc biệt, với những người bị suyễn, bị bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD) càng cần tập luyện thì thở ra.

Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, hai lá phổi là một khối đặc, im lìm, không hoạt động, như chiếc dù xếp chặt trên lưng vận động viên. Khi người nhảy dù tung mình ra khỏi phi cơ thì dù mới tự động bung ra, bọc gió. Đứa bé “tung mình” ra khỏi lòng mẹ, hai lá phổi cũng bung ra như vậy do không khí tự động lùa vào, đó chính là hơi thở vào đầu tiên. Tiếng khóc chào đời lúc đó chính là hơi thở ra đầu tiên của bé chứng tỏ hệ hô hấp đã được “lắp đặt” xong, đã khởi động tốt…

Sự hô hấp thực chất xảy ra trên từng tế bào của cơ thể chớ không phải ở hai lá phổi. Phổi chỉ là một cái máy bơm, bơm khí vào-ra, “phình xẹp” vậy thôi. Để cho cái máy bơm đó làm việc tốt thì cần biết một chút về “cơ chế” của nó. Lồng ngực là cái xy-lanh (cylindre), còn pít-tông (piston) chính là cơ hoành – một bắp cơ lớn, nằm vắt ngang giữa bụng và ngực. Khi cơ hoành thụt lên thụt xuống (như cái bễ lò rèn) thì khí được hút vào đẩy ra ở phổi. Cơ hoành nhích lên nhích xuống 1cm đã hút hoặc đẩy được 250ml không khí. Cơ hoành có khả năng nhích lên xuống đến 7cm! Tóm lại, chính cơ hoành ở bụng mới là cơ hô hấp chính, đảm trách hơn 80% sự thông khí (Các cơ hô hấp khác chỉ chịu tránh nhiệm 20%). Do đó, thở bụng là cách thở sinh lý nhất, tự nhiên nhất!

Bác sĩ Dean Ornish, tác giả cuốn sách nổi tiếng Program for Reversing Heart Disease (Chương trình phục hồi bệnh tim) hướng dẫn cách thở bụng đơn giản, dễ làm: đặt một bàn tay lên bụng, khi thở vào thở ra, ta thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống nhịp nhàng là được.

Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy thiền, khí công, yoga… để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy cách thở bụng. Các phương pháp trị liệu nổi tiếng của các bác sĩ như Dean Ornish, Deepak Chopra v.v… căn bản cũng không ngoài cách… thở bụng, phối hợp với dinh dưỡng, vận động thể lực.

Phương pháp thở bụng (Abdominal -or diaphragmatic- breathing) không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… mà còn làm cho tâm được an, giảm stress trong cuộc sống hiện tại. Phải luyện tập chừng sáu tháng trở lên mới thành thói quen và thấy hiệu quả.

BS Đỗ Hồng Ngọc.

………………………………………………..

Đọc thêm: AI CÓ THỂ THỞ GIÙM AI?

Ai có thể thở giùm ai?

Filed Under: Gươm báu trao tay, Hỏi đáp, Thiền và Sức khỏe

Lắng nghe âm thanh của yên lặng

20/06/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Lắng nghe âm thanh của yên lặng

Bs Hồ Đắc Đằng 

Một buổi sáng mùa đông năm nọ, một hiện tượng kỳ lạ, chưa từng thấy đã xảy ra ở thác Niagara, NY. Hoàn toàn yên lặng. Một trong ngũ đại hồ, hồ Erie bị đóng băng không còn đổ nước xuống thác được và cả Niagara trở thành một tường đá đong cứng. Cái tiếng động ầm ỉ của thác đổ ngàn năm hôm đó nhường chỗ cho yên lặng hoàn toàn. Điều nầy không có nghĩa là cái yên lặng đó đã không có từ trước mà chì mới sinh ra buổi sáng mùa đông năm đó. Nó đã có từ lúc thác Niagara mới hình thành từ ngàn năm. Chỉ có điều người ta không ai để ý lắng nghe nó; Nó bị một chuỗi dài tiếng động che giấu nó. Bạn làm gì khi bạn đi kinh hành (walking meditation)?  Bạn chú tâm vô cái động tác bước , hay cái tiếng động làm ra bởi cái bàn chân khi nó chạm sàng gỗ hay thảm?  Cái chú tâm nầy nó liên tục hay nó có lúc nó gây ra tiếng động, làm cho bạn hay biết bước nhanh hay chậm ; và không có lúc bàn chân bạn còn chưa đụng sàn ? Dĩ nhiên là liên tục, cả chân đụng sàn hay chưa đụng sàn. Du khách của thác Niagara không phải hành giả kinh hành. Họ chỉ nghe được khi có tiếng động và có cái ảo tưỏng là cái gì không làm ra tiếng là không có.

Lắng nghe, hay biết mà không nghe gì cả

Khoảng 400 bác sĩ chăm chú nghe một thuyết trình viên hôm đó ở một buổi hội thảo CME tại Harvard năm 2015. Tôi là một trong nhóm ngồi nghe. “ Khi tôi hỏi quí vị có nghe không thì quý vị trả lời nhé”. Deepak Chopra báo cho toàn thính giả.

  • Quý vị nghe không?
  • Nghe “. Chúng tôi hớn hở la to
  • Bây giờ hãy nghe cho kỹ. Khi tôi hỏi “ Quý vị nghe không ?” thì khoang trả lời. Hãy lặng thinh, chờ cho đến khi tôi đưa ngón tay trỏ phải lên trời thì chừng đó mới trả lời nhé “. Sau đó thì ổng hỏi
  • Quý vị nghe không? Toàn thể im phăng phắc, hoàn toàn im lặng trong thính đường. Chúng tôi tuân lệnh, chăm chú nhìn ổng. Khoảng chừng 90 giây đồng hồ sau, ổng chỉ ngón tay trỏ phải lên trời. Chúng tôi đồng thanh la to:
  • Nghe”

Deepak Chopra tuyên bố: “ Cái khoảng thời gian 90 giây đó là pure awareness “.

Tôi hiễu ổng muốn nói tôi đã lắng nghe một cái hoàn toàn tĩnh lặng. Cả không có chấn động của âm thanh trong không khí mà cũng không có dao động trong ý tưởng. Yên lặng bên ngoài là một sự vắng mặt của tiếng động âm thanh. Định là một sự đứng lại của ý tưởng. Đó là Samadhi, hay còn gọi là stillness.

Hôm lễ Phật đản 26/5 vừa rồi, thiền sư Ajahn Amaro, đệ tử của Ajahn Chah, được mời giảng Dharma tại trụ sở Liên hiệp quốc tại NY.

Người thế tục hay xưng tán mấy cái mầu nhiệm lúc đức Phật đản sanh, như mới sanh đã đi 7 bước và có 7 đoá hoa sen nở dưới chân ngài. Cái mầu nhiệm thật sự mà đức Phật đã cống hiến cho nhân loại là cái ngài tìm thấy có sẵn trong tâm thức của mỗi người. Một cái hiện tượng hết sức bình thường mà không ai để ý. Đó là: “the feeling arises and passes away; The perception arises and passes away “.

Khoảng yên lặng giữa hai tiếng động và khoảng trống không giữa hai niệm.

Cái yên lặng đầy ý nghĩa của thác Niagara đóng băng  là cái tương đương của chú tâm, lắng nghe lệnh giơ ngón tay của Deepak Chopra trong 90 giây đồng hồ.

Cái ngàn năm yên lặng của Niagara không ai hay . Chỉ hay biết là nó có thật trong hai ngày . Sau đó lại chìm đắm trong thế giới của âm thanh. Hay biết < awareness > cái khoảng trống không , emptiness, giữa 2 niệm, cái trước đã qua mà cái kế tiếp chưa đến, là cái khả năng nghe được cái đứng yên, dừng lại của vô niệm mà Đỗ Hồng Ngọc nói. Nghe cái không động của Deepak Chopra làm thí nghiệm. Nghe cái Samadhi của các thiền sư như Dipa Ma. Nghe cái “ Stillness speak” của Ekkhart Tolle.

(HĐĐ)

8.6.2021

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Nghĩ từ trái tim

Hồ Đắc Đằng: VÔ KỴ HỌC BẮN CUNG

10/11/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Ghi chú: Bác sĩ Hồ Đắc Đằng là người bạn cùng khóa với tôi tại Y khoa Đại học đường Saigon (1962-1969) vừa có loạt bài viết rất thú vị về chuyện “Vô Kỵ Học Võ” đã được post trên trang này và được rất nhiều bạn bè chia sẻ. Anh tiếp tục có bài Vô Kỵ Học Lái Xe cũng rất độc đáo. Và hôm nay là bài “Vô Kỵ học bắn cung” với Đứng, Nắm, Nhắm, Buông… rất tuyệt vời.

Xin chia sẻ cùng các bạn.

Cảm ơn Hồ Đắc Đằng.

Đỗ Hồng Ngọc

PS Đa tạ Đèn Biển (Võ Quang), người đã chịu khó gõ Word từ bản viết tay “chữ bác sĩ” đọc không ra của Hồ Đắc Đằng.

……………………………………………………………….

Vô Kỵ học bắn cung

Hồ Đắc Đằng

Vô Kỵ đánh võ thì giỏi, tánh tình thì điềm đạm mà cái gì có dính dáng đến võ khí là nó sợ nhất. Nó không còn có một tâm thức nào làm người khác, vật khác đau nữa, nói chi là bắn với giết. Vì vậy khi hắn nghe thầy bảo thầy sẽ dạy nó bắn cung, hắn từ chối ngay tức khắc.

– Vô Kỵ nầy. Cái tư tưởng không bao giờ làm người khác đau của con quí báu vô cùng. Còn cái nghệ thuật bắn cung của thầy dạy đây chẳng những không bao giờ làm ai đau mà lại, nếu con thực hành đúng, nó sẽ làm cho mọi người vui.

Trước hết, con phải thấm nhuần vài nguyên tắc căn bản của cái nghệ thuật nầy. Hai nguyên tắc chánh:

1/ Thứ nhất: Bắn để đúng, không phải để được.

Người đời thường hiểu lầm cái nầy. Bắn cái gì là để được cái đó. Bắn con nai thì muốn con nai ngã xuống để lấy về ăn nhậu, khoe khoang. Bắn cho được là lấy vô. Bắn cho đúng là cho ra. Ai đi săn tìm hạnh phúc cho mình sẽ chỉ lấy vô được khoái lạc (excitement). Ai đi săn tìm hạnh phúc cho người sẽ tạo ra, cho ra hạnh phúc cả mình lẫn người.

– Thầy nói có lý, con có đọc đâu đó một tác giả Mỹ nói cái chi đó tương tự như vậy “In life, happiness is not a goal. Happiness is a by-product”, “The more you are looking for ít, the farther away it will evade you.”

– Con giỏi thật, đọc mà nhớ được mấy cái lặt vặt nầy. Thầy khen con đấy. Đó là phu nhân của một cựu tổng thống Mỹ, bà Eleanor Roosevelt.

2/ Thứ hai: Tâm thức khi bắn cung. Tâm thức của thân hữu, không bao giờ của thù nghịch.

Với 2 nguyên tắc nầy, thầy mới có thể dạy con cái nghệ thuật gần như thất truyền nầy. Người ta bây giờ cũng hay học bắn, bắn súng. Súng đạn không bao giờ ứng dụng được 2 nguyên tắc nầy của cung tiễn.

Vô Kỵ bắt đầu tò mò hơn. Từ khinh thường cung tiễn vì ý tưởng của bạo lực, vũ khí đến cái tò mò của tâm thức trong bắn cung.

Đứng

– Nầy Vô Kỵ. Đứng ở đây có 2 khía cạnh: Tư thế đứng cho vững của thân thể, con giỏi rồi, như lúc học võ, đứng lại như ngũ giới, có 5 cái không làm. Một khía cạnh khác là dừng lại. Tâm con chậm lại, dừng lại. Con còn nhớ một tâm nhanh là một tâm bệnh ; một tâm chậm là một tâm khỏe mạnh ; một tâm dừng lại là một tâm ngộ.

Hiện tại thầy đang dạy con ở cái chặng thứ hai nầy: chậm lại. Dừng hẳn lại là Ngộ đó con.

– Chừng nào mới Ngộ thưa thầy? – Vô Kỵ tò mò nhiều nên thiếu kiên nhẫn.

– Vô Kỵ con, đừng có nóng lòng, mong đợi một cái gì hết. Ngay cả mong đợi giác ngộ. Để yên cái giác ngộ đó. Chẳng có ai tranh đua đến trước, giữ chỗ sắp hàng như tụi Mỹ sắp hàng từ 3 giờ sáng để chờ bán hạ giá sau lễ Tạ ơn tháng nầy (After Thanksgiving sale).

Nắm

– Vô Kỵ. Cái nắm nầy là cái thứ 2 của 4 tác động của bắn cung: Đứng, Nắm, Ngắm và Buông.

Luôn luôn phải nắm cung bằng tay trái. Thầy biết con thuận tay trái. Sẽ dễ cho con tập. Sẽ dễ cho thầy dạy.

“Quái lạ, ai thuận tay nào, nắm tay ấy, sao lại phải nắm bằng tay trái nhỉ?” Vô Kỵ tự hỏi. Thầy nó biết ý, mới giải thích:

– Vô Kỵ nầy. Não bộ của người có 2 bán cầu não. Một phải, một trái. Hai cái làm việc hỗ trợ nhau nhưng luôn luôn có một bên mạnh hơn (dominant). Người thuận tay trái, bán cầu não bên phải mạnh hơn. Người nào thuận tay phải thì bán cầu não bên trái mạnh hơn.. Hơn nữa Vô Kỵ con phải biết, còn có vấn đề tâm lý nữa.

“Não trái, não phải mà dính đáng đến tâm lý mình?” Nó lại càng tò mò hơn nữa.

– Thần kinh học sau nầy khám phá ra cái nầy. Bán cầu trái thì thiên về phân tách, đo lường, lý luận và thắng với thua. Bán cầu phải thì lại khác, nó thiên về cảm nhận, tổng hợp, bao dung và từ bi! Đại khái như kiểu Nam tả, Nữ hữu của Á đông mình. Đừng có lộn với câu Tả trọng, Hữu khinh nhé, Vô Kỵ. Cái Tả trọng, Hữu kinh nầy là do người đặt ra, không phải thiên nhiên khoa học. Thầy chỉ dạy con cái thiên nhiên thôi. Chỉ cần nhớ bán cầu và tâm lý của mỗi bán cầu não.

– Làm sao họ khám phá ra mấy cái nầy, thưa thầy?

– Từ bệnh. Mấy thầy thuốc họ theo dõi tâm lý của mấy bệnh nhân trước và sau khi bị TBMMN (tai biến mạch máu não). Chính thầy đã nhận xét và thấy cái chuyện nầy có thật. Mấy ông bị bại xuội bên trái, tức là bị nhũn não bên bán cầu não phải. Trời đất ơi, mấy ổng trước bệnh khó một, sau khi bị TBMMN, khó gấp 3 lần. Cãi vã, kèn cựa, cãi chầy cãi cối. Mấy bà vợ chịu không nổi, Trái lại mấy người bị bại bên phải thì hiền lại hẳn. Hết cãi cọ, lý luận, trách móc như trước khi bệnh. Hiền hẳn lại, Người nhà ai cũng nhận thấy. Tại sao? Bán cầu não bên trái của mấy người nầy bị nhũn. Mà bên trái là tranh luận đó! Mấy bác sĩ hospitalist (chỉ làm việc trong bệnh viện thôi, không theo dõi bệnh nhân như PCP (Primacy Care Physician) nên họ không để ý mấy cái vụ tâm lý thay đổi nầy. Họ không biết bệnh nhân trước khi mấy bệnh nhân nầy nhập viện. Ra viện, họ cũng không theo dõi lâu dài. Giao lại cho PCP.

– À ra vậy – Vô Kỵ vỡ lẽ nhưng vẫn còn thắc mắc – Tại sao mấy cái khái niệm trái phải của bán cầu não lại liên hệ với nắm cung tay nào?

– Bao dung và từ bi. Đó là lý do để nắm cung tay nào. Cái tay hướng cung về đâu. Cái tay đó phải được điều khiển bởi cái tâm bao dung và từ bi. Cái tâm của bán cầu não phải.

Vô Kỵ ngẫm nghĩ, trầm tư. Nó đâu có ngờ tay nào cầm cung có tầm quan trọng như vậy. Chỉ nhắm. À ra vậy. Nhắm với lòng từ bi, bao dung, ôn hòa mới gọi là nhắm đúng. Không phải bắn trúng thôi là đủ.

Nhắm

– Cái nầy mới là cái chủ chốt đấy Vô Kỵ. Nhắm một cái đích. Một mục tiêu.

– Còn xa gần thì ra sao, thưa thầy?

– Giỏi, hỏi như vậy. Không phải gần mà dễ. Thiên hạ chỉ quan tâm đến mấy mục tiêu xa, khó thấy, mà quên mấy cái mục tiêu gần. Nhìn xa mà quên nhìn gần là lọt xuống ổ gà không hay đó con. Đời sống mỗi bước chân trước mặt là quan trọng hơn cái mục tiêu xa vời. Con vô trường học để ra trường kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ là đã được định rồi. Mỗi ngày đến lớp, đến bệnh viện để học là một công chuyện dài và lặn lội. Mục tiêu xa lâu lâu nhìn một cái là đủ. Mục tiêu gần phải nhìn hằng phút giây. Tỉnh thức trong mỗi bước đi: nhìn gần.

Mục tiêu di động

– Mục tiêu nó di động thì sao, thưa thầy?

– Mục tiêu nào cũng di động hết. Nghệ thuật bắn cung trong đời là mấy cái “di động” nầy. Cái ý muốn mục tiêu luôn đứng một chỗ là làm cho xạ thủ luôn luôn thất vọng. Mục tiêu trong đời sống là di động, là vô thường. Con phải biết hòa hợp cái nhắm của con vô cái di động nầy để hòa hợp với vũ trụ. Hòa hợp, harmony là một cái chung của một xạ thủ tài giỏi và một nhạc sĩ điêu luyện. Một lời nói, một tiếng nhạc mà hòa hợp nó sẽ làm lành lòng người. Súng đạn cũng bắn, tụi nó không được cái nầy. Súng đạn cũng cần nhắm nhưng không bao giờ hàn gắn cái gì cả. Chỉ tăng hận thù.

Nhắm cung và nhắm mắt.

– Trời đất, thưa thầy. Thầy giỡn sao chứ? Mở mắt, đèn sáng đây còn bắn không trúng, nói gì nhắm mắt – Vô Kỵ kinh ngạc.

– Vô Kỵ con. Cái nầy mới là cái tuyệt vời của cái nghệ thuật nầy. Mục tiêu ở bên ngoài mà người đời thường nhắm thì con không cần học thầy. Ai cũng dạy con được. Đó là nhắm vào sự được thua, thắng bại, là đời. Cái thầy dạy là nhắm vào bên trong. Mà khi cái nhắm nhìn nầy mà chánh rồi thì cái mục tiêu của con nó đã ở trên đầu mũi tên của con rồi, trước khi con giương cung.

Buông

– Thưa thầy, thầy chưa dạy giương cung – Vô Kỵ nhắc thầy nó.

– Cái nầy không cần dạy. Với sức lực dẻo dai mạnh mẽ của cánh tay mặt của con, con dư sức giương cung. Bây giờ con nhắm cung đã thuần thục, nhắm vào nội tâm; đứng đã điêu luyện, đứng trên tư thế của huynh đệ, từ bi, chỉ còn có cái cuối cùng là buông tên nầy.

– Thưa thầy, buông tên dễ ợt, kéo mới khó chứ – Vô Kỵ cãi lý với thầy nó.

– Vô Kỵ nầy. Cái nầy là cái khó nhất đấy con. Ai mà đứng đúng rồi, nhắm đúng rồi, mục tiêu đã ở rõ trong nhìn đúng thì đã đến trình độ thực hành cái tác phong cuối cùng nầy: buông tên. Buông tên là buông xả. Mũi tên đã đến đích trước khi rời tay con. Nhắm mắt, mục tiêu di động mà con đã bắn trúng hồng tâm là vì vậy.  Thân an tịnh, tâm từ bi, tự tại, nhắm mắt nhìn vào atrong thì tên tự nó bay đến hồng tâm, con thì buông xả. Có đích, có tên mà không có xạ thủ là vậy.

Vô Kỵ hân hoan đảnh lễ thầy.

HĐĐ

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Phật học & Đời sống

Krishnamurti: CÁI  TRỐNG  RỖNG NỘI  TÂM

16/08/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 4 Comments

 

CÁI  TRỐNG  RỖNG (1) NỘI  TÂM

Krishnamurti

Dịch giả: Nguyễn Tường Bách

(Cám ơn dong phan đã gởi. Đang đợi cuốn sách dịch này của NTB).

Cô đội trên đầu một chiếc giỏ to, một tay giữ cho khỏi rơi; cái giỏ hẳn phải nặng lắm nhưng trọng lượng của nó không hề làm lệch bước cô đi. Cô giữ thăng bằng một cách tuyệt vời, cô bước đi nhẹ nhàng và có nhịp. Tay cô mang vòng phát nhẹ tiếng kêu leng keng, chân mang giày xăng – đan đã cũ. Chiếc váy sari của cô đã rách và bẩn vì đã mặc quá nhiều. Thường thì cô có nhiều bạn cùng đi, ai nấy đều đội giỏ cả, nhưng hôm nay cô chỉ một mình trên con đường gập ghềnh. Mặt trời chưa đến nỗi quá nóng và trên bầu trời xanh nhiều con chim kên kên lượn những vòng rộng, cánh không hề vỗ. Dòng sông chảy yên lặng dọc bên đường. Thật là một buổi sáng rất bình an, và cô gái cô đơn với chiếc giỏ trên đầu dường như là tâm điểm của cái đẹp và ân sủng; tất cả mọi sự dường như hướng về cô và nhận cô làm một phần sự tồn tại của chính mình. Cô không phải là một đơn vị tách rời, mà là một phần của bạn và tôi, và của cây me kia. Cô không đi trước mặt tôi mà lại là tôi đang đi với chiếc giỏ trên đầu. Đây không phải là ảo giác, là cái tự nghĩ, cái mong ước và sự tự đồng hóa được bày vẽ ra – nếu có thì thật là xấu hết chỗ nói – mà là một chứng nghiệm tự nhiên và tức thì. Vài bước chân cách ly giữa chúng tôi đã biến mất; thời gian, ký ức và khoảng cách không gian, những điều do tư tưởng sinh ra, đã hoàn toàn biến mất. Chỉ còn một cô gái này chứ không có tôi đang nhìn cô. Và cũng còn một đoạn dài nữa mới đến phố chợ, chỗ mà cô sẽ bán những đồ đựng trong giỏ. Buổi tối cô sẽ về lại dọc theo con đường này, qua cầu tre nhỏ về tới làng, và sáng mai mới ra lại với chiếc giỏ đầy.

Anh rất đứng đắn, độ tuổi trung niên nhưng anh có một nụ cười vui thích và cũng còn rất khỏe mạnh. Ngồi xếp bằng trên sàn, anh nói tiếng Anh một cách ngập ngừng. Anh hơi bẽn lẽn vì đã học đại học và đậu bằng thạc sĩ nhưng đã nhiều năm nay anh không nói tiếng Anh và do đó quên đi cũng nhiều. Anh đọc một số kinh sách bằng tiếng Sanskrit, những từ Sanskrit hay được thốt ra trên môi anh. Anh cho biết tới đây để đặt vài câu hỏi về sự trống rỗng nội tâm, sự trống không của tâm. Rồi anh bắt đầu ca bằng tiếng Sanskrit và căn phòng tức khắc tràn ngập bởi một sự cộng hưởng sâu lắng, thanh tịnh và thấm đượm. Anh tiếp tục hát một hồi và thật là hân hoan khi được nghe anh hát. Khuôn mặt anh ngời sáng lên với ý nghĩa của mỗi từ trong câu hát, anh dò tìm nội dung những từ đó với một tình thương yêu. Anh không có chút giả tạo nào, anh quá đứng đắn đến nỗi không biết làm bộ tịch.

“Tôi rất vui mừng được ca những bài sloka (2) này trước mặt ông. Đối với tôi những bài ca này có ý nghĩa sâu xa và chứa đầy vẻ đẹp; tôi đã thiền định từ nhiều năm nay và những bài ca này là suối nguồn của sự hướng dẫn và sức mạnh. Tôi đã tập mình đừng dễ bị xúc động thế nhưng những bài ca Sloka này làm tôi dâng trào nước mắt. Âm hưởng của từ ngữ với nội dung phong phú của nó tràn đầy tim tôi để tôi thấy cuộc đời không còn vất vả và thống khổ nữa. Cũng như mọi người khác, tôi đã biết khổ; biết đến sinh tử và niềm đau của cuộc sống. Vợ tôi đã chết và sau đó tôi từ bỏ cuộc sống êm ấm của gia đình, và bây giờ tôi hiểu ý nghĩa của thái độ tình nguyện chấp nhận nghèo khổ. Tôi kể để cho ông hiểu thôi. Tôi không bị thất vọng, không cô đơn, hay tương tự như thế. Tâm tôi thấy vui thích trong nhiều thứ, nhưng cha tôi thường kể về các cuộc nói chuyện của ông, và một người quen khuyên tôi nên tìm gặp ông, và vì thế mà tôi đến đây”.
“Tôi muốn nghe ông nói về sự trống rỗng vô lượng”, anh nói tiếp, “tôi có cảm nhận về sự trống rỗng đó, và tôi có cảm giác đã chạm đến biên giới của nó trong những lần đi hành cước và thiền định”. Sau đó anh trích đoạn một bài ca sloka để giải thích chứng nghiệm của mình.

Krishnamurti: Cần phải nói rằng, thẩm quyền của một ai khác, dù to lớn tới mấy, cũng không chứng minh kinh nghiệm của anh là đúng hay sai. Chân lý không cần phải được chứng minh bằng hành động, nó cũng không lệ thuộc vào bất cứ thẩm quyền nào; thế nên hãy dẹp qua một bên tất cả thẩm quyền và truyền thống và hãy tự mình tìm ra chân lý cho chính mình.

“Điều đó thật là khó cho tôi vì tôi bị ngâm trong truyền thống – không phải truyền thống của thế gian mà trong giáo pháp của Gita, của Upanishad (3), vân vân… Có đúng là tôi nên bỏ cả đi hay sao? Tôi sẽ là người vô ơn bạc nghĩa không?”.

K: Trong việc này không hề có vấn đề biết ơn hay vô ơn; chúng ta đang nói về việc khám phá cái đúng hay cái sai của sự trống rỗng mà anh nói đến. Nếu anh đi theo con đường của thẩm quyền và truyền thống, những thứ đó là tri thức, thì anh chỉ chứng nghiệm những gì anh muốn chứng nghiệm, được thẩm quyền và truyền thống hổ trợ. Nó không phải là một sự phát hiện mới mẻ; thứ đó đã được biết tới, như một vật cần được anh nhận biết và chứng nghiệm. Thẩm quyền và truyền thống có thể sai lầm, chúng có thể chỉ là những ảo giác đầy tiện nghi. Muốn khám phá sự trống rỗng nọ là đích thực hay hư vọng, hay liệu nó chỉ là sự bày vẽ của tâm, tâm phải thoát khỏi mạng lưới của thẩm quyền và truyền thống.
“Liệu có lúc nào tâm thoát được khỏi mạng lưới đó không?”

K: Tâm không thể nào tự giải phóng mình, vì mỗi cố gắng tự giải phóng của nó chỉ dệt nên một mạng lưới khác mà trong đó nó lại bị ràng buộc. Sự tự tại không phải là cái đối nghịch với bất cứ cái gì, tự do không phải là tự do thoát khỏi một cái gì đó, đó không phải là tình trạng được cởi trói. Chính bản thân niềm mong ước được tự tại nuôi dưỡng cái tù ngục. Tự tại là dạng của sự tồn tại mà dạng đó không phải được sinh ra từước mong được tự tại. Khi tâm thấu hiểu được điều này và thấy cái hư vọng trong thẩm quyền lẫn truyền thống, thì cái hư vọng sẽ tự tan rã.

“Có thể tôi bị xui khiến khi đọc sách, hay khi suy tư về những điều trong sách; ngoài ra thì từ hồi còn nhỏ, tôi đã cảm nhận mơ hồ, như mơ, về một cái trống rỗng. Trong tôi luôn luôn có một sự gợi biết về nó, một cảm nhận bâng khuâng; và khi lớn lên, khi đọc các sách tôn giáo tôi cảm thấy cảm giác này còn mạnh hơn, sinh động hơn, chắc chắn hơn. Tôi cũng bắt đầu thấy những gì ông nói. Hầu như tôi hoàn toàn bị lệ thuộc vào sự miêu tả về những chứng nghiệm của người khác, như được ghi lại trong kinh sách. Tôi có thể từ bỏ sự lệ thuộc này vì thấy cần thiết phải làm, nhưng liệu tôi có thể sống lại được cái cảm nhận độc đáo, thanh tịnh nằm ngoài mọi ngôn từ được không?”.

K: Cái được làm sống lại không phải là cái sinh động, cái mới; đó chỉ là ký ức, một thứ đã chết, và anh không thể thổi sự sống vào trong cái đã chết. Sống lại và sống trong ký ức chỉ là sự nô lệ của sự tự kích thích, và một cái tâm mà lệ thuộc vào sự kích thích, dù ý thức hay không ý thức, thì chắc chắn sẽ cùn nhụt và trở thành vô cảm. Làm sống lại chỉ là kéo dài thêm sự thất vọng. Quay về quá khứ đã chết trong cơn khủng hoảng đang xảy ra là đi tìm một khuôn mẫu để sống, điều này chính là sự hủy hoại. Điều mà anh cảm nhận là tuổi thanh niên, hay chỉ mới ngày hôm qua thôi, điều đó đã qua, đã mất; nếu anh bám giữ vào quá khứ thì anh chỉ ngăn chận sự chứng nghiệm tươi tắn của cái mới mẻ.

“Như ông thấy, tôi thật sự nghiêm túc và đối với tôi có cái thôi thúc phải hiểu ngộ và hòa nhập được vào Tính Không (4) đó. Tôi cần phải làm gì?”.

K: Người ta phải xả bỏ tâm thức của những cái đã biết; tất cả tri thức mà ta đã tích lũy phải dứt bặt thì mới mong nhận được ảnh hưởng của tâm đang sống động. Tri thức luôn nói về quá khứ, nó là một quá trình của quá khứ và tâm phải thoát khỏi quá trình đó. Nhận thức là một giai đoạn của quá trình tri thức, đúng thế không?

“Thế là sao?”

K: Muốn nhận thức một vật, anh phải biết đến nó rồi hay phải kinh nghiệm về nó trước đó và những kinh nghiệm này được tích lũy thành tri thức, thành ký ức. Nhận thức xuất phát từ quá khứ. Có lẽ anh đã một lần chứng nghiệm cái trống không này; và khi đã có, anh khao khát có nữa. Cái chứng nghiệm độc đáo đó đã đến khi anh không truy tìm nó; bây giờ thì anh đang tìm và cái mà anh đang tìm không phải là Tính Không mà làsự tái diễn của một ký ức cũ. Nếu nó phải xảy ra lại lần nữa thì tất cả ký ức về nó, tất cả tri thức về nó, phải biến mất đã. Tất cả mọi sự tầm cầu phải ngưng bặt, vì sự tìm kiếm luôn luôn dựa vào mong ước được chứng nghiệm.

“Thật sự ông muốn nói là tôi không được phép tìm kiếm? Nghe thật là điều khó tin!”.

K: Động cơ của sự tìm kiếm thường đáng biết hơn bản thân sự tìm kiếm. Động cơ thâm nhập, dẫn dắt và hình thành sự tìm kiếm. Động cơ từ lòng sở cầu của anh là mong được chứng nghiệm cái chưa biết, được nhận thức ân sủng và tính chất vô hạn lượng của nó.Tâm sở cầu này sinh ra người chứng nghiệm, kẻ mong ước sự chứng nghiệm (5). Người chứng nghiệm đi tìm sự chứng nghiệm to lớn hơn, bao trùm hơn và quan trọng hơn. Khi tất cả mọi kinh nghiệm khác đã hết hấp dẫn, người chứng nghiệm nóng lòng tìm Tính Không; vì thế mà có người chứng nghiệm một bên và bên kia là vật được chứng nghiệm. Thế nên mối tranh chấp nhị nguyên đã hình thành giữa hai cái, người theo đuổi và vật bị theo đuổi.

“Tôi hiểu rất rõ điều này, vì nó chính là tình trạng hiện nay của tôi. Giờ thì tôi thấy mình đang bị ràng buộc trong một mạng lưới do mình tự tạo”.

K: Đó cũng là tình trạng của mọi kẻ tầm cầu khác thôi, không phải của riêng những ai đi tìm Thượng đế, Tính Không, vân vân… Mỗi ai có tham vọng và khao khát, kẻ đi tìm quyền lực, địa vị, tiếng tăm, mỗi ai yêu lý tưởng, mỗi ai sùng bái sự đạt đạo, mỗi ai xây dựng một vương quốc ảo tưởng – tất cả họ đều bị ràng buộc vào trong cùng một mạng lưới. Thế thì khi anh đã hiểu thấu toàn bộ ý nghĩa của sự tầm cầu, anh còn tiếp tục tìm kiếm Tính Không nữa không?

“Tôi hiểu nội dung sâu kín câu hỏi của ông và tôi cũng đã chấm dứt sự tìm kiếm”.

K: Nếu quả thật như thế thì tình trạng của tâm phi sở cầu như thế nào ?

“Tôi không biết, câu chuyện đối với tôi mới mẻ đến nỗi tôi phải cố tập trung hết sức mình và quan sát. Cho tôi vài phút trước khi tiếp tục”.

Sau khi nghỉ một lát, anh tiếp.

“Tôi nhận ra thật hết sức vi tế, thật khó khăn nếu không cho người chứng nghiệm, người quan sát hiện diện. Hầu như không thể cấm tư tưởng tạo tác ra người tư tưởng; thế nhưng hễ có người tư tưởng, có người chứng nghiệm thì rõ ràng phải có một sự chia cắt với cái được chứng nghiệm và như thế là có tranh chấp với nó. Và bây giờ ông lại hỏi, thế thì trạng thái của tâm vắng bóng tranh chấp nhị nguyên thì như thế nào?”.

K: Tranh chấp nhị nguyên hiện diện khi sự thèm muốn lấy dạng của người chứng nghiệm và theo đuổi cái phải được chứng nghiệm; vì cái phải được chứng nghiệm đó chẳng qua cũng do sự thèm muốn hình thành nên.

“Xin hãy kiên nhẫn với tôi, hãy từ từ để tôi hiểu những gì ông đang nói. Sự thèm muốn không những chỉ tạo nên người chứng nghiệm, người quan sát, mà còn sinh ra những cái phải được chứng nghiệm, vật bị quan sát. Thế nên ái dục là nguyên nhân của sự tách rời giữa người chứng nghiệm và cái được chứng nghiệm; và đó là sự phân biệt ngầm chứa tranh chấp nhị nguyên. Bây giờ ông hỏi trạng thái của tâm phi nhị nguyên, không bị ái dục lôi kéo thì sao? Nhưng làm sao trả lời câu hỏi này nếu bây giờ không có người quan sát chứng nghiệm cái vắng bóng ái dục này?”.

K: Khi anh ý thức về sự khiêm tốn của mình, không phải sự khiêm tốn chấm dứt ư? Có còn đạo đức nữa chăng khi anh cố tình thực hành đạo đức? Kiểu làm như thế chỉ tăng cường cho hoạt động vì tự ngã của mình, nó là kẻ chấm dứt đạo đức. Lúc mà anh ý thức mình đang hạnh phúc, lúc đó anh đã chấm dứt sự hạnh phúc. Tình trạng của tâm thế nào khi nó không bị ràng buộc bởi ái dục? Ý muốn tìm ra nó cũng là một phầncủa ái dục, nó sinh ra người chứng nghiệm và vật bị chứng nghiệm, không phải sao?

“Đúng vậy. Câu hỏi của ông là một cái bẫy cho tôi nhưng tôi cảm ơn ông đã nêu lên. Tôi thấy thêm tính chất vi tế của ái dục”.

K: Đó không phải là cái bẫy mà là câu hỏi tự nhiên và không thể tránh khỏi mà anh đã tự hỏi mình trong lúc nói chuyện. Nếu tâm không hết sức cảnh giác, tỉnh táo, thì nó sớm bị ràng buộc trong mạng lưới ái dục của chính nó.

“Câu hỏi cuối cùng: Tâm có khả năng thật sự thoát khỏi mọi ái dục tìm kiếm chứng nghiệm không, điều mà sẽ xóa bỏ ranh giới giữa người chứng nghiệm và vật được chứng nghiệm? (6 )”.

K: Anh hãy tự mình tìm ra. Nếu tâm hoàn toàn tự tại thoát khỏi mọi cấu trúc của ái dục thì tâm đâu có khác gì Tính Không?

Dịch giả : NGUYỄN TƯỜNG BÁCH

………………………………………………………………………………………………..

Ghi chú của người dịch

(1) Void. Từ này được dịch là “sự trống rỗng” hay “Tính Không” tùy theo nội dung câu chuyện.

(2) Thơ hay kệ bằng tiếng Sanskrit, thường gồm hai câu, mỗi câu 16 âm.

(3) Gita. Viết tắt của Bhagavad-Gita (Chí tôn ca) và Upanishad (Những bài thuyết giảng) là kinh sách then chốt của Ấn Độ giáo.

(4) Kể từ đây từ “Void”được dịch là Tính Không vì đã đi vào nội dung đích thực của triết học Tính Không.

( 5) “Tâm sở cầu sinh ra người chứng nghiệm” chứ không phải “người chứng nghiệm có tâm sở cầu”. Xin độc giả chú ý, đây là chỗ cần hiểu rõ: “Tâm sở cầu” tạo nên trong dòng tâm thức một chủ thể mà ta mệnh danh là “Người chứng nghiệm”. Không có tâm sở cầu thì cũng không có người chứng nghiệm.

(6) Khi ranh giới giữa người chứng nghiệm và vật được chứng nghiệm được xóa bỏ thì sẽ có tình trạng phi thường mà tác giả nói về cô bé đội giỏ trong phần đầu của bài này.

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Phật học & Đời sống

Tuệ Sỹ: PHƯƠNG NÀO CÕI TỊNH (viết từ cảm hứng “Cõi Phật Đâu Xa” của ĐHN)

03/08/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

Thư Đỗ Hồng Ngọc kính gởi Thầy Tuệ Sỹ

Vườn Chuối, 21.7.2019

Mới thôi mà đã hơn 2 năm, từ ngày Thầy gởi tôi bài  PHƯƠNG NÀO CÕI TỊNH “viêt từ cảm hứng Cõi Phật Đâu Xa của Đỗ Hồng Ngọc” và bảo để in vào sách khi tái bản.

Vừa rồi, máy vi tính của tôi bị hỏng toàn bộ ổ cứng, mất hết các dữ liệu. May sao người cháu “cứu” được một ít trong đó giữ lại được bản này. Tôi đọc lại mà rưng rứt, nhớ Tết nào cùng Thân Trọng Minh đến thăm thầy ở Thư quán Hương Tích, trò chuyện thật vui, đặc biệt về vở “nhạc kịch Duy-ma-cật”  vốn đầy kịch tính, từ những nhân vật “phản diện” cho đến bối cảnh, với những cao trào có thể mang tính nghệ thuật cao, với vai “Người dẫn truyện” của Văn Thù, vai Thiên nữ tán hoa cùng tiếng đàn hát dìu dặt, thanh thoát…

Tôi hiểu từ lâu thầy đã ấp ủ “kịch bản” này đâu đó sẵn rồi. Thân Trọng Minh và tôi chỉ đóng góp thêm vài ba ý cho thêm phần “hấp dẫn”. Thầy biết đó, Thân Trọng Minh vốn là người viết kịch! Cao Huy Thuần bên trời Tây nghe được cũng hết lòng ủng hộ và nói sẵn sàng sắm một vai…

Tôi nay đã 80 tuổi, già nhanh rồi, mà vừa trải qua những ngày không vui vì mất hết dữ liệu trong ổ cứng máy tính. Nhờ người cháu tậu cho cái ổ cứng mới nên nay vội viết thư này xin phép thầy hoan hỉ cho phép tôi đưa bài “Phương nào cõi tịnh” lên dohongngoc.com. Đây là trang web của riêng tôi, chỉ nhằm lưu trữ bài vở, và cũng in ra giấy để giữ.

Vừa rồi tôi nóng ruột, đã thử phone thầy và nhắn tin xin phép, mới hay Thầy và cả thầy Hạnh Viên đều đang nhập thất mùa An Cư Kiết Hạ.

Tôi hoàn toàn đồng ý với thầy:

“trình độ ngôn ngữ và năng lực tư duy của chúng ta vốn hữu hạn, cho nên bằng con đường nghệ thuật mà đi vào ngõ đạo có thể tương đối dễ hơn”…

Mong Thầy hoan hỷ nhấp một chung trà lão Triệu, với nụ cười rất tuệ sỹ vậy nhe.

Thân kính,

Đỗ Hồng Ngọc.

Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh và Thầy Tuệ Sỹ (Thư quán Hương Tích).

………………………………………………………………………………..

 

 

PHƯƠNG NÀO CÕI TỊNH

Tuệ Sỹ

(viêt từ cảm hứng “Cõi Phật Đâu Xa” của Đỗ Hồng Ngọc)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ta hỏi kiến nơi nào Cõi Tịnh,

Ngoài hư không có dấu chim bay?

Từ tiếng gọi màu đêm đất khổ,

Thắp tâm tư thay ánh mặt trời.

 

Lần đầu tiên tôi tình cờ gặp bản dịch Duy-ma-cật sở thuyết của ngài Huệ Hưng; hành tung ly kỳ và chuổi lý luận của Duy-ma-cật khiến đọc say mê, nhiều đoạn học thuộc lòng. Có thể không “choáng ngợp” như anh Cao Huy Thuần vì trình dộ nhận thức của tôi bấy giờ chỉ là của một cậu bé 14 tuổi, không thể sâu sắc như  vị giáo sư trẻ tốt nghiệp Đại học Luật khoa Huế. Một chú tiểu tu chùa Việt nhưng học kinh điển theo hệ Theravāda với các Sư người Lào, do đó cực kỳ kính trọng các A-la-hán, và vì vậy không có cảm giác Duy-ma-cật đã có thể triệt hạ địa vị các Đại Thanh văn. Lớn lên chút nữa, qua nhiều năm học thêm nhiều kinh luận Đại thừa, đọc thêm các nhà luận giải Trung hoa chê bai tư tưởng các vị Thanh văn thấp kêm, tâm tư nhỏ hẹp, và kêt án khá nặng là “hạng tiêu nha bại chủng”, hủy diệt mọi thứ mầm non và hạt giống tốt của giác ngộ.

Cùng với sự phát triển của loại “khẩu đầu Thiền”, thuyết lý Thiền tông trên đầu môi chót lưỡi, phát sinh một lớp sư tăng “cuồng thiền”: thỏng tay vào chợ, thanh lâu, hý viện, đâu chẳng là thanh tịnh đạo tràng. Nhưng với sự huân tập từ hồi còn là tiểu nhóc, tôi chưa hề cảm thấy, mặc dầu với lý luận biện tài vô ngại, Duy-ma-cật đã lấn lướt vượt qua các vị Thanh văn như thế nào. Tuy nhiều vị luận giải Trung hoa quả có chế diễu ngài Xá-lợi-phất, và nhiều vị Đại Thanh văn khác nữa, như khi ngài hỏi Duy-ma-cật các Thánh giả sẽ ăn cơm ở đâu, sẽ ngồi chỗ nào; dù vậy, tôi vẫn cảm thấy trong đó có ẩn ngữ mình chưa hiểu.

Cho tới một lúc, lớn thêm chút nữa, giữa xã hội xô bồ đảo điên, tăng đồ như một cộng đồng ô hợp, riêng Phật riêng thầy, riêng tông môn pháp phái, bấy giờ bỗng xuất hiện những cư sỹ lão thành cự phách, mà trình độ thâm hiểu giáo lý không nhường các bậc trưởng lão trong sơn môn. Bên trong, hiểu và hành sâu xa nội điển; bên ngoài nhạy bén trước các biến cố đảo điên của xã hội; hiểu đạo sâu mà hiểu đời rộng, tài và trí ấy, hiểu và hành ấy, đã góp phần rất lớn trong những đoạn đường khơi lạc nguồn mạch tư duy.

Không chỉ một Duy-ma-cật, mà có rất nhiều Duy-ma-cật, khoác nhiều hành trạng khác nhau trong nhiều địa vị xã hội khác nhau, đã từng xuất hiện ở đây, sống giữa chúng ta. Họ lăn lóc trong bụi đời, nếm đủ thứ “mùi tục lụy” nhưng vẫn không ngừng vươn lên theo chiều cao của Đạo Pháp. Trong một thời đại mà không còn tìm thấy thấp thoáng bóng dáng của Duy-ma-cật, Phật pháp đạo lý có thể chỉ như món hàng trong siêu thị; có lúc chỉ như gánh hàng rong trên hè phố.

Duy-ma-cật là ai mà được ví von như thế? Một nhân vật nửa lịch sử, nửa huyền thoại. Nhân cách ấy là tập hợp tất cả phẩm tính để được gọi là “đích tử”, con chân thật, của các đấng Giác Ngộ. Mỗi nhân cách nổi lên trong một thời đại lịch sử riêng biệt, trong mỗi thời đại ấy là những nhân cách từ phẩm chất và phẩm trật trong từng xã hội cá biệt. Nhân cách ấy ẩn mình đơn độc trong rừng sâu, hoặc hiện diện giữa chợ đời huyên náo, mà không gian bao trùm bởi trực tâm và thâm tâm. Trực tâm, mà Huyền Trang gọi là “thuần ý lạc (āśaya)”, đó chính là ý chí hướng thượng, nhìn đời bằng con mắt yêu thương, định hướng cho cuộc đời của mình và cùng với tất cả cùng đi lên bằng tình yêu và trí tuệ. Từ trực tâm ấy, với ý chí quyết định, kiên trì mục đích, đó gọi là thâm tâm, cũng nói là tăng thượng ý lạc (adhy-āśaya). Đó là nhân vật mà ta có thể gặp đâu đó.

Bằng thuần ý lạc địa, từ cơ sở đó mà bảy bước phát khởi tâm bồ đề, khởi từ tình yêu thâm thiết đối với Mẹ thân sinh, vì sự an lạc của Mẹ mà phát nguyện hành bồ-đề. Rồi với tình Mẹ bao la mà tâm nguyện bồ-đề cũng theo đó mà rộng lớn lên, theo một đường thẳng như tấm lòng ngay thẳng. Từ tâm tư thuần ý lạc địa ấy mà kiên định chí hướng, in sâu trong tận cũng tâm khảm, trong thâm tâm.

Thế nhưng có thể chúng ta dễ bị choáng ngợp bởi những từ ngữ mang tính triết học, do đó mà thấy Duy-ma-cật là một nhân vật cao diệu, xa vời. Vậy, chúng ta bắt đầu từ diễn tả bằng ngôn ngữ đời thường, như Đỗ Hồng Ngọc viết trong Cõi Phật Đâu Xa: anh viêt Kinh dễ dàng và cũng rất thận trọng cân nhắc, y như bác sỹ viết toa thuốc:

“Lòng ngay thẳng – trực tâm – chính là sự bình đẳng, không phân biệt, không kỳ thị … Không kỳ thị, không phân biệt đối xử mới có lòng tôn trọng như Thường Bất Khinh, mới có lòng Từ bi, Thấu cảm như Quán Thế Âm, mới có lòng Chân thành để “ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng” như Dược Vương. Tôn trọng, chân thành, thấu cảm phải dựa trên điều kiện tiên quyết không phân biệt, là Bình đẳng. Đó chính là Bất nhị.”

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa cũng sợ; chúng ta lại gặp một từ ngữ triết học rắc rối hơn nữa: “bất nhị.” Đó là nguyên lý chỉ đạo cho tư duy và hành động của Duy-ma-cật, khi ông nói với ngài Xá-lợi-phất: “Hiện các oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) mà vẫn không xuất tưởng thọ diệt định, đó mới chính là tĩnh tọa.” Hoặc khi ông chào đón Bồ-tát Văn-thù đến thăm bệnh, và ở đó, trong “Cõi Phật Đâu Xa”,  ta cũng nghe rõ như lời bệnh nhân chào đón y sỹ: “Lành thay, Văn-thù mới đến! Tướng chẳng đến mà đến. Tướng chẳng thấy mà thấy.” Bệnh chứng, bệnh nguyên, tất cả các tướng ấy, chẳng đến mà đến, chẳng thấy mà thấy; bệnh nhân không tìm đến y sỹ, và y sỹ không đi đến bệnh nhân.

Trong đối thoại này, Duy-ma-cật cũng chào đón Văn-thù bằng ngôn ngữ thông thường: svāgatam: nghĩa đen được hiểu đã đến một cách khéo léo, tốt đẹp; đây là một từ chào hỏi tương đương chính xác với lời chào tiếng Anh: “Welcom!” Từ chào hỏi này liên hệ đến từ Tathāgata: Như Lai, mà Kinh Kim cang định nghĩa: “Như Lai, vị khéo đến, vì không từ đâu đến, cũng không đi đến đâu.”  Nó cũng liên hệ các từ  Phạn gata, āgata, anāgata: đã đi, đã đến, không đến, chưa đến, đó là những từ mà chúng ta đọc hằng ngày trong Tâm Kinh: gate gate paragate parasaṃgate bodhi svāha. Đến mà không đến, đi mà không đi, là thể tính Như Lai: Tathāgata: tathā gata/āgata. Các vị Thánh giả chào nhau bằng ngôn ngữ đời thường mà trong đó vẫn bao hàm thế giới siêu việt.

Nhưng, tư tưởng bất nhị là căn nguyên tư tưởng của một nhánh trong triết học Vedānta, tiếng Phạn nói là advaita-vāda, dịch theo ngôn ngữ triết học quen dùng ngày nay, đó là chủ thuyết lý “Nhất nguyên Tuyệt đối”. Đạt đến nhất nguyên tuyệt đối, là đạt đến giải thoát, bấy giờ Phạm-Ngã đồng nhất, Tiểu ngã và Đại Ngã hiệp thành nhất thể tuyệt đối. Nói cách khác, Linh hồn và Thượng đế là Nhất thể Tuyệt đối. Kinh Phật không nhận có Thật Ngã tồn tại, dó đó không thừa nhận thuyết Nhất nguyên tuyệt đối này.

Để khỏi phái bối rối, choáng ngợp trước những từ ngữ và lý luận biện chứng siêu nghiệm, từ nhất nguyên tuyệt đối của Phạm-Ngã nhất thể, cho đến “Như Lai đến mà không đến, đi mà không đi”, chúng ta cũng có thể bắt đầu với nhận thức đơn giản hơn từ dẫn giải bởi Đỗ Hồng Ngọc, hiểu theo cách y sỹ chẩn đoán bệnh:

“Ở tại nơi sanh tử mà chẳng làm việc ô trược, trụ nơi Niết-bàn mà chẳng diệt độ mãi; hành tánh không mà vẫn trồng các cội công đức; hành vô tướng mà vẫn độ chúng sanh; hành vô khởi mà khởi tất cả thiện hạnh…”

Đây là đoạn dẫn tóm tắt khi Duy-ma-cật nói với Văn-thù về sở hành cảnh giới của Bồ-tát, môi trường hành đạo và đối tượng quán sát của Bồ-tát; trong đó nói hành tánh không (śūnyatā-gocara), hành vô tướng (animitta-gocara), là hai trong ba giải thoát môn mà một vị Thanh văn lập làm đối tượng quán sát để chứng nghiệm Niết-bàn. Ba giải thoát này là Không, Vô tướng, Vô nguyện (apraṇihita), hay nói là  Vô tác theo La-thập.  Chưa thấy và chưa biết Niết-bàn là gì thì chớ vội nói sinh tử và Niết-bàn là một, không hai. Thế nhưng, đây là những lời người bệnh nói với người thăm bệnh. Bệnh hay vô bệnh, sinh tử hay Niết-bàn, đây và đó qua lại trong ba ngõ: người bệnh vốn không, hiện tượng bệnh cũng không, cho nên không có gì để nói hy vọng hay tuyết vọng.

Những điều như vậy cũng không phải dễ hiểu; do đó chúng ta nên nghe lời dẫn từ Cõi Phật Đâu xa:

“Bồ-tát luôn đứng giữa hai bờ…” và tại đây ông giới thiệu lời trong ca khúc của Trịnh Công Sơn: trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyêt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về. Nếu đưa thẳng vào tư duy triết học thì lời nhạc của Trịnh Công Sơn không liên hệ gì đến pháp môn bất nhị. Nhưng nó cũng khiến chúng ta nhớ đến câu chuyện một nhạc công của Thiên đế Indra thất tình với một thiên nữ, bèn tìm đến đức Phât, hát lên “bản tình ca dâng Phật”, với đoạn tả tình thắm thiết: “Tôi yêu nàng như A-la-hán yêu Chánh Pháp”. Có lẽ chẳng có ca từ mô tả tình yêu chung thủy nào chân tình hơn thế. Lời nhạc đã lạ lùng với đôi tai người đọc kinh Phật nghiêm túc, mà câu trả lời của Phât cũng thất lạ lùng khó hiểu: “Hay lắm, nhạc hòa hợp với lời, lời hòa hợp với nhạc; trong đó có ái dục mà cũng có Niết-bàn,” Ái dục là tình yêu hệ lụy sắc dục, và Niết-bàn là cảnh giới ly dục. Há lại có nghĩa, từ trong ái dục mà thấy Niết-bàn, từ Niết-bàn mà thấy rõ thể tính của ái dục? Đơn giản hơn, từ bùn lầy hôi thối mà tìm thấy hoa sen?

Rốt cục, cửa dẫn vào pháp bất nhị này là đâu, là cái gì?

Chuyện tình nhạc công của Thiên đế diễn thành kịch bản để nói những điều không thể nói, vì tính chẩt phản diện được cấu trúc trong đó. Cũng thế đó, người đọc Duy-ma-cật sở thuyết có thể dễ dàng nhận ra bản văn này được cấu trúc theo thể loại kịch. Trong kịch bản, tính phản diện của các nhân vật được sử dụng để diễn tả nội dung theo ý nghĩa muốn nói.

Trong đoạn dẫn của Đỗ Hống Ngọc nêu trên, chúng ta thấy Bồ-tát tu tâm như một Thánh giả Thanh văn xuất thế, nhưng hành đạo như một phàm phu trong sinh tử: trong bùn mà chằng hôi tanh mùi bùn. Đó là căn bản của tư duy bất nhị. Thánh nhân xuất thế, và phàm phu sinh tử, hai mặt phàn diện mà lại đồng nhất thể tính. Người đọc nếu không nhìn ra những cặp phản diện trong Sở thuyết này tất sẽ thấy Duy-cật-đã đã “lấn lướt” các Thánh giả Thanh văn, đã “dồn ví” các ngài vào ngõ bí.

Trong kịch bản Duy-ma-cật sở thuyết, người ta nghe được những đối đáp tương xứng giữa Văn-thù và Duy-ma-cật, nhưng đây không phải là cặp nhân vật phản diện; mà trong đây Văn-thù chính là vai người dẫn kịch. Không có người dẫn kịch thì khó có thể hiểu nội dung của kịch bản. Đây là cấu trúc cổ điển của kịch. Như trong khi Văn-thù nói và hỏi, Duy-ma-cật im lặng; nếu không có Văn-thù như là vị dẫn kịch, thì sự im lăng của Duy-ma-cật chẳng có ý nghĩa gì; do đó đây không phải là cặp đối đáp phản diện.

Thực ra, Duy-ma-cật xuất hiện trong nhiều lớp áo khác nhau, nên đồng thời thủ vai phản diện cho nhiều vị Thánh giả, từ các A-la-hán cho đến các Bồ-tát. Khi ngài Xá-lợi-phất tĩnh tọa trong rừng vắng, Duy-ma-cật xuất hiện với lý luận sắc bén khiến cho vị Đại Thanh văn này không còn lời đối đáp. Dễ chừng người ta chỉ thấy một Tôn giả Xá-lợi-phất trong rừng vắng nhập tưởng thọ diệt tận định, thân tâm bất động, có thể lưu thọ hành để giữ cho thân thể tồn tại không mục rã qua một đại kiếp, hằng triệu năm của mặt trời; ấy thế nhưng lại không thấy ngài ôm bát lang thang trong hang cùng ngõ hẻm với cái bụng đói. Nếu để thọ hưởng an lạc tịch tĩnh chính mình qua hằng nghìn năm cho đến khi thân ấy mục rã nếu muôn, thế thì cần gì phải ăn để mà sống. Vậy ôm bát đi khất thực vì lẽ gì?  Vì cơn đói sẽ hành hạ bản thân, hay vì để thức tỉnh thế gian đang trầm luân trong khổ lụy? Thế thì Duy-ma-cật đi vào đời để xây dựng cho đời an vui có cao quý hơn ngài Xá-lợi-phất ngồi trong tịch nhiên bất động? Phải chăng tượng Phật ngồi bất động trên bàn chẳng ích lợi gì cho ai, chẳng bằng sư trụ trì tụng kinh cầu siêu, cầu an cho bá tánh? Đấy là cặp phản diện làm hiện rõ bản chất của tồn tại.

Mặt khác, trong phong thái Thánh giả xuất trần Xá-lợi-phất lại xuất hiện trước một phản diện là cô thiên nữ cực kỳ diễm lệ. Với sắc đẹp vượt lên cả hàng thiên hương quốc sắc ây, với vũ điệu thiên nữ tán hoa kỳ ảo hơn cả vũ khúc nghê thường ấy, cũng rất dễ khiến cho Đường Mimh Hoàng mất ngôi mất nước. Nhưng sao nàng sống chung trong một căn phòng trống trải với lão cư sỹ Duy-ma-cật; rồi lại xuất hiện múa hát trước các Thánh nhân xuất thế, những vị mà tâm tư lắng đọng không hề gợn sóng dục tình; hiện diện với ý nghĩa gì? Đối đáp giữa thiên nữ và Xá-lợi-phất đã dẫn cặp phản diện ô nhiễm và thanh tịnh lên đến kịch tính gay cấn, khiến cho Xá-lợi-phất biến hình thành thiên nữ kiều diễm, và thiên nữ biến hình thành Thánh giả Xá-lợi-phất nghiêm trang.

Nhận diện được những cặp nhân vật phản diện trong Kinh thì cũng có thể bằng hình ảnh ấy mà chiêm nghiệm thế nào là ý nghĩa bất nhị, bằng cánh cửa nào để đi vào cảnh giới bất nhị ấy.

Thêm nữa, ngoài những nhân vật phản diện, cũng nên đi sâu vào những bối cảnh phản diện. Khu vườn xoài, sở hữu của kỹ nữ Am-la-bà-lị, nơi các vương tôn công tử buông mình thả trôi trong dục vọng, lại trở thành nơi tịnh tu của các Thanh văn xuất thế, trong ô nhiễm mà không ô nhiễm. Tư gia của Duy-ma-cật, nơi ông tiếp những chính khách đang lao mình trong đấu trường quyền lực, những thương gia đang cạnh tranh ráo riết trên thương trường, mhưng chỗ ấy lại cũng là nơi lai vãng của các Thánh giả xuất trần, Thanh văn và Bồ tát. Tư gia của trưởng giả Duy-ma-cật, khu vườn xoài của kỹ nữ Am-la-bà-lị: cặp phản diện của náo nhiệt và tịch tĩnh, của ô nhiễm và thanh tịnh.

Giữa thế giới Ta-bà và cõi Phật Chúng Hương, tòa sư tử và thành Tì-la-da, cái vô cùng lớn đến trong cái vô cùng nhỏ, và cái nhỏ đi vào trong cái lớn: đây cũng là cặp phản diện bối cảnh làm lộ rõ thể tính tồn tại của thế gian, vũ trụ. Bằng hình ảnh đó mà tập luyện cho tư duy vượt ngoài khuôn sáo ước lệ, vượt qua thế giới thường nghiệm để vươn lên cảnh giới siêu nghiệm, bất khả tư nghị.

Như thế, đọc Duy-ma-cật sở thuyết như đang xem một kịch bản, với những nhân vật và bối cảnh phản diện, với những biến cố mang đầy kịch tính, đó là cách tự huấn luyện và tự trang bị cho mình một công cụ định hướng tự duy để vươn lên chiều cao của giác ngộ.

Trong khi chúng tôi cùng tìm hiểu ý nghĩa phản diện và kịch tính trong Duy-ma-cật sở thuyết, hai ông bạn cư sỹ Đỗ Hồng Ngọc và Thân Trong Minh tỏ ra tâm đắc và cao hứng, cố ý muốn viết lại một kịch bản và dàn dựng sân khấu như thế nào đó để có thể hiểu rõ hơn điều mà Kinh muốn chỉ điểm; vì trình độ ngôn ngữ và năng lực tư duy của chúng ta vốn hữu hạn, cho nên bằng con đường nghệ thuật mà đi vào ngõ đạo có thể tương đối dễ hơn.

Hy vọng các bạn cư sỹ thành tựu như ý. Riêng tôi, trở về thảo am thơ thẩn, gởi lại hai bạn cư sỹ hai câu thơ:

Nhà tranh mái cũ quen chừng,

Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn.

 

Thị ngạn am, tiết Lập xuân, Đinh dậu

Tuệ Sỹ

(3.2017)

 

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Nghĩ từ trái tim

Đọc “Về thu xếp lại…” của Đỗ Hồng Ngọc

04/04/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Đọc “Về thu xếp lại…” của Đỗ Hồng Ngọc

Nguyên Giác

 

(ảnh: kinhtethoidai)

Cảm giác đầu tiên khi đọc tác phẩm mới này của Đỗ Hồng Ngọc, có thể thấy rằng đây là những dòng chữ từ một người sắp ra đi… Chẳng phải sao, ngay trên tựa sách đã ghi là “Về thu xếp lại…” (VTXL).

Đúng là trong các tản văn có nói về tuổi già, về bệnh, về những người bạn đã ra đi – trong đó, ngay ở Lời Ngỏ là ghi lại hình ảnh tới thăm người bạn thân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tại phòng Săn sóc đặc biệt Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tác giả Đỗ Hồng Ngọc, một bác sĩ về hưu và đang giữ thói quen Thiền tập hàng ngày, tự ghi lại hình ảnh của mình, trích:

“…Thấy những bạn trẻ… trên dưới bảy mươi mà “gato”! Mới vài năm thôi mà mọi thứ đảo ngược cả rồi. Bây giờ có vẻ như tôi đang lùi dần về lại tuổi ấu thơ, tuổi chập chững, tuổi nằm nôi…” (Lời Ngỏ, VTXL)

Cần ghi nhận rằng chữ “gato” trong đoạn trên là tiếng lóng trong nước, có nghĩa “ghen ăn tức ở” dùng trong giới trẻ. Như thế, hình ảnh tuổi già dưới mắt ĐHN rất mực độc đáo: phải cao niên tới một tuổi nào đó, mới thấy mình như tuổi ấu thơ (vì trí nhớ lãng đãng rồi), thấy mình ở tuổi chập chững (vì đi lụm khụm rồi), thấy mình như tuổi nằm nôi (vì phần nhiều là nằm bệnh)…

Tuy nhiên, giọng văn không hề bi quan tí nào. Từng trang sách là những dòng chữ rất mực yêu thương trần gian này. Ông nói về già và bệnh, đồng thời đưa ra kinh nghiệm lạc quan của bản thân về Thiền tập, về quán niệm hơi thở, vể trải nghiệm những dòng chảy thời gian trên cơ thể, trên trí nhớ…

Đỗ Hồng Ngọc nói về khổ đau, nhưng chỉ xem như là chuyện hoa nở hoa tàn, như ở Chương cuối trong VTXL: “…tại vì có cái ta mà phát sanh phiền não, khổ đau. Pháp vận hành theo pháp, chẳng vì ta. Chẳng vì ta mà hoa nở hoa tàn. Nếu không can thiệp thì nó vậy là nó vậy. Sự phân biệt chính là can thiệp, dính mắc.”

Đỗ Hồng Ngọc nói về cái chết, nhưng chỉ xem như một quà tặng từ cõi trần gian, trong cùng chương vừa dẫn: “Thuốc đã sẵn có. Phật giáo nhìn cái chết là sự vận hành của pháp. Chết là sự chấm dứt tạm thời của một hiện tượng tạm thời, cái sống. Cho nên chết không phải là hết. Cái sống, một hiện tượng tạm thời và vận động không ngừng, vô thường thú vị, một bonus, nên cái chết cũng là vô thường, một bonus khác.”

Không phải là mượn lời của ai, hay dẫn lại từ sách, mà tất cả là từ kinh nghiệm của nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, cùng chương vừa dẫn: “Không phải là lý thuyết suông, mà là sự thực nghiệm, thể nghiệm ngay trên bản thân mình.  Hãy đến và nếm thử. Mô tả không được!”

Không phải nếm thử cái chết, tuy rằng Đức Phật có dạy pháp niệm tử. Nơi đây, nhà văn họ Đỗ nói rằng những thể nghiệm trong cõi trần gian tuyệt vời đó là từ bản thân ông khi sống với Kinh Phật, trích cùng chương vừa dẫn:

“Mà thấy Pháp tức là thấy Phật. Pháp nó tự vận hành. Không có người vận hành. Không có ta. Cho nên Phật dạy cách khác đơn giản hơn: Cái thấy chỉ là cái thấy. Cái nghe chỉ là cái nghe. Chỉ vậy. Khi có cái “ta” xen vào: Ta thấy, ta nghe… thì đã sinh sự. Có ta hay không có ta thì pháp nó cũng cứ vận hành như vậy. Nhưng bằng cách nào để sống được “cái thấy chỉ là cái thấy”? Vì ta không phải là gỗ đá, vô tri. Vấn đề chỉ ở chỗ không dính mắc. Cô hoa hậu xinh đẹp thì thấy là xinh đẹp, nhưng dính vào thì tiêu!”

Chỉ trong vòng mấy câu trên, chưa hết một đoạn văn, Đỗ Hồng Ngọc đã ghi lại “sự thực nghiệm, thể nghiệm ngay trên bản thân mình.  Hãy đến và nếm thử” một số bản kinh nhà Phật.

“Thấy Pháp tức là thấy Phật” là từ Kinh Tương Ưng SN 22.87, khi Đức Phật thăm ngài Vakkali đang bệnh, và nói: “Vakkali, hễ ai thấy Pháp là thấy ta; ai thấy ta là thấy Pháp.”

“Pháp nó tự vận hành. Không có người vận hành. Không có ta” là từ Luật duyên khởi, không hề có cái gì gọi là ta hay người. Trong Kinh Trung Bộ MN 115, Đức Phật nói: “Nếu cái này có, cái kia có; do cái này sanh, cái kia sanh. Nếu cái này không có, cái kia không có; do cái này diệt, cái kia diệt…” Không hề có bất kỳ ai vận hành, và cũng chẳng có cái ta nào.

Đỗ Hồng Ngọc lại tiếp rằng lời Phật dạy hãy giữ cái thấy nghe chỉ là cái thấy nghe… chính là từ Kinh Bahiya.

Họ Đỗ lại thêm rằng chỉ là ở chỗ không dính mắc… câu này là từ Kinh Kim Cương và rất nhiều kinh khác.

Đỗ Hồng Ngọc dẫn ra cội nguồn khổ là từ tham ái bằng hình ảnh cô hoa hậu xinh đẹp… cũng từ rất nhiều kinh.

Tuyệt vời cho nhà văn Đỗ Hồng Ngọc và cho bất kỳ ai đã có thể sống được như ông, khi đã “thể nghiệm ngay trên bản thân mình” những bản kinh Phật như thế.

Nhưng không khô khan hay trịnh trọng chút nào. Văn của Đỗ Hồng Ngọc không hề khô khan như các lớp toán hay vật lý chúng ta đã trải qua.

Trước tiên là cách đặt nhan đề, sách và chương sách – tất cả đều từ ngôn ngữ thơ mộng của Trịnh Công Sơn, người bạn thân của tác giả. Nhưng chính cách kể chuyện của Đỗ Hồng Ngọc mới là độc đáo, tuyệt vời, luôn luôn gây giựt mình cho độc giả.

Thí dụ, tuổi đẹp nhất của đời người? Như dường là hầu hết mọi người đều đoán sai… vì câu trả lời của Đỗ Hồng Ngọc là tuổi 65-75:

“Tôi nay ở tuổi 80. Thực lòng… đang tiếc mãi tuổi 75… Cái tuổi đẹp nhất của đời người theo tôi có lẽ ở vào lứa 65-75. Đó là lứa tuổi tuyệt vời nhất, sôi nổi nhất, hào hứng nhất… Tuổi vừa đủ chín tới, có thể rửa tay gác kiếm, tuyệt tích giang hồ…” (Lời ngỏ)

Tuổi 75 đẹp nhất? Bạn nhiều phần là sẽ đồng ý với tác giả Đỗ Hồng Ngọc, nếu bạn đọc xong tuyển tập tản văn này.

Đọc văn Đỗ Hồng Ngọc cũng cần có thái độ rất bình tỉnh… bởi vì khi kể về già và chết, ông đã gọi đó là diễn biến tuyệt vời. Như ông viết ở Chương Cát bụi tuyệt vời, trích:

“Có sinh ắt có tử, có tử ắt có sinh. Hơi vào có hơi ra và ngược lại. Cho nên người đạt đạo họ tỉnh queo, nôm na là họ… giác ngộ. Họ chẳng cần phải bối rối. Họ biết nó phải vậy. Như Thị.

Chu trình “khép kín” đó bắt đầu tăng tốc ở lứa 65-75 tuổi. Tăng tốc khô héo, tăng tốc nhăn nheo. Sự  tăng tốc của lứa tuổi này cũng làm ta há hốc, muốn kêu lên kinh ngạc… như ở tuổi dậy thì, tuổi mới lớn. Cái vòng đời nó diễn biến tuyệt vời đến vậy, liên tục đổi thay đến vậy thì có gì đáng phàn nàn đâu! Nhiều bạn cùng lứa than với tôi sao thế này sao thế khác, tôi thường chỉ nói “Ai biểu già chi?” rồi cười xòa với nhau mà không khỏi có chút … ngậm ngùi.”

Dĩ nhiên, Đỗ Hồng Ngọc khác rất nhiều với người đời thường (như tôi, chẳng hạn, một nhà văn không biết gì về y khoa). Đỗ Hồng Ngọc kể về thời sinh viên, chuyện xương người với đầu lâu là những thứ phải học kỹ, phải nhớ tên gọi và chức năng của từng hốc xương, khớp xương… Nhưng chuyện tu học thì, hiển nhiên là ai cũng có thể cảm nhận được những ghi nhận của họ Đỗ về Kinh Phật. Khi ông kể về trải nghiệm ngay trên cơ thể của ông.

Trong Chương Tôi chợt nhìn ra tôi của sách VTXL, tác giả kể về “tôi thấy tôi” – tức là thấy cái vô ngã, cái vô thường, và do vậy là cái thật tướng vô tướng, trích:

“…không phải bất ngờ vì tôi thấy tôi. Mà bất ngờ vì tôi chợt “nhìn ra” tôi. “Nhìn ra” khác với thấy. Nhìn ra là “quán”.  Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không… . Quán là thấy rõ (chiếu kiến). Tôi bấy giờ không còn là tôi bây giờ. Tôi bấy giờ là tứ đại, là ngũ uẩn. Và nếu quán một cách sâu sắc hơn, có thể thảng thốt kêu lên: “Bổn lai vô nhất vật”! (Lục tổ Huệ Năng)…

Có lần Phật hỏi Duy-ma-cật: Ông quán Như Lai thế nào? Duy-ma-cật đáp: Thì như quán pháp thân của Phật và của chính tôi thôi. Có gì khác nhau đâu!

Nhìn thì có thể thấy khác. Bởi nhìn thì qua mắt, nhãn căn. Quán thì không nhìn bằng mắt. Mà nhìn bằng cả năm thứ con mắt (ngũ nhãn) gồm nhục nhãn (mắt thịt), thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn.  Thú vị, khi quán thì cả Như Lai, Phật và Tôi… đều là một, không khác. Đó là đã thấy pháp thân, thật tướng vô tướng.”

Đỗ Hồng Ngọc còn dùng những hình ảnh để độc giả dễ hình dung xem thật tướng vô tướng đã héo đi thế nào, trích:

“…Trước hết tôi bây giờ già hơn tôi xưa, già thấy rõ, già tốc hành chớ không phải già lai rai như trước.

Nhiều hôm nhìn vào gương soi, tôi thấy mình như một quả táo để lâu ngày, héo dần, teo tóp, nhăn nheo. Nhưng có cái gì đó như cứng cỏi hơn, tuy quắt queo mà chỉ bay hơi nước, bay cái láng mượt, nuột nà của quả táo căng phồng, ngây thơ, tràn đầy thuở nào. Bây giờ thì co cụm lại, co rúm lại, gom tụ lại vào trong cái hột, cái lõi.”

Hình ảnh đi từ trừu tượng “cái tôi trong thật tướng vô tướng” trở về cái trước mắt, cái trên bàn của “cái tôi như quả táo héo mòn, nhăn nheo”… hình như chưa từng có nhà văn nào viết như thế. Nhưng đó cũng chính là sự thật của cõi này, khi Đức Phật tuyên thuyết về tứ diệu đế.

Trong khi phần lớn đều lo sợ già, lo sợ nhăn nheo, Đỗ Hồng Ngọc gọi đó là diễn biến tuyệt vời, và ông quan sát hàng ngày với thái độ xem chuyện lão hóa là “cũng dễ thương quá”… Họ Đỗ viết trong chương vừa dẫn:

“…Rồi đến cái tuổi gió heo may, dìu dịu, nhạt nhòa nhưng vẫn là tuổi năng nổ, hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả nhất để rồi chuyển sang tuổi già, tạm coi là sau tuổi 65, một chu trình “khép kín” đã lại bắt đầu: tăng tốc khô héo, tăng tốc nhăn nheo, tăng tốc ngược chiều đủ làm hết hồn, làm há hốc, muốn kêu lên kinh ngạc…

Nó diễn biến tuyệt vời đến vậy, liên tục đổi thay đến vậy thì có gì đáng phàn nàn đâu, có gì mà không thể tủm tỉm cười một mình đâu. Cho nên nếu tôi có gì khác tôi xưa thì chính ở chỗ tôi có phần… khoái cái sự già nua tăng tốc đó của mình, tôi hồi hộp dõi theo nó, tôi cảm thấy nó…hợp lý, nói chung là… cũng dễ thương quá đó chớ!

Ở tuổi 70 chưa thấy già đâu. Thậm chí đến 72, 73 vẫn còn thấy trẻ chán.” (ngưng trích)

Đỗ Hồng Ngọc kể chuyện đời thường của ông, qua đó cho thấy ông quán sát thân tâm liên tục, xem các diễn biến như xem hoa bay gió thổi, không hề khởi tâm kinh hãi với vô thường, trích cùng chương dẫn trên:

“…Nhiều khi, sáng dậy, nhìn vào gương soi tôi lại thấy tức cười. Tôi đó sao? Nhăn dần từng nét ngộ nghĩnh trên mắt trên da. Đôi khi muốn lấy viết vẽ nguệch ngoặc gương mặt thay đổi từng ngày của mình, từng ngày nhưng rất nhanh, thấy rõ chứ không như ngày xưa, nhiều năm mới nhận ra nét đổi thay. Tôi tức cười nhìn mình. Nó nhìn tôi cũng cười. Ngộ nghĩnh. Cười mà ráng. Không ráng thì nó trĩu nặng. Mấy tế bào của cơ mặt hình như sinh tật làm biếng, xệ xuống cho khỏe…

…Ghi tiếp “Nhật ký rời”: Chỉ còn mấy ngày nữa, đã đầy tám chục (tuổi ta). Phải nhanh chóng ghi lại vài điều kẻo quên.Thứ nhất, ở tuổi này tôi thấy tay mình ngày càng run. Làm cái gì mà cẩn thận thì đổ vỡ. Làm cái gì không tính trước thì được. Tùy cơ ưng biến thì tốt. Tay run đến nỗi viết cũng khó mà vẽ chơi cũng khó. Tôi phải vẽ kiểu “tốc họa”, vẽ như chớp, theo một cảm xúc bất chợt, không toan tính thì tốt. Ai bắt chước được cái run?” (ngưng trích)

Trong khi tác giả Đỗ Hồng Ngọc viết để kể về những trải nghiệm riêng, độc giả hiển nhiên là không mong đợi những chuyện ly kỳ như phim 007 hay truyện Z 28. Tất cả lời kể trong VTXL chỉ là những chi tiết đời thường, dưới mắt quan sát của người có thói quen thiền tập như Đỗ Hồng Ngọc đều đột nhiên trở thành đáng chú ý.

Thí dụ, tác giả Đỗ Hồng Ngọc kể về chuyện ngủ, chuyện thức dậy, chuyện ghi trên giấy từ đêm trước về những gì cần làm, chuyện xem trận banh, chuyện đọc tin trên báo chỉ cần liế qua cái tựa… nghĩa là chuyện đời thường soi rọi dưới mắt ông. Phải chăng đó là từ thói quen quán sát thân tâm?

Hay là khi tác giả tự soi gương, nhận ra tóc bạc, da nhăn… rồi chuyện ngồi thiền, quán niệm hơi thở, rồi niệm từ bi, niệm hỷ xả… rồi tự pha ly cà phê, rồi ngồi vào máy tính.

Cứ tà tà kể chuyện như thế, cuốn sách cũng hoàn tất. Tuy là chuyện đời thường, là chuyện của người già, nhưng thực sự không đời thường tí nào, cũng không già cỗi tí nào. Vì nơi đây, từng khoảnh khắc được  quan sát và kể lại, đã hiển lộ lên một thế giới rất mực lạc quan. Nói về già nhưng vẫn là thơ mộng rất mực, như đùa như giỡn… Nói về cái chết nhưng vẫn dịu dàng như nói với người bạn thân sắp gặp lại.

Như cách Đỗ Hồng Ngọc viết về bệnh:

“…Nhưng bệnh cũng có cái hay của nó chứ. Nó làm cho ta nhớ lại mình. Đã đành biết bệnh tật gắn vào mình từ trong trứng nước, thậm chí trước đó nữa, ở nơi ông bà cha mẹ mình từ ngàn xưa qua các gene di truyền nhiều thế hệ, nhưng cứ mỗi lần bệnh tật, với tôi, trở thành một cái giật mình. Mà cũng lạ, đường đường là một người thầy thuốc, học hành đàng hoàng, ra trường hơn nửa thế kỷ, nghề nghiệp chín chắn, nổi tiếng là người thầy thuốc “mát tay”, luôn quan tâm chăm lo giúp đỡ cho người khác khi có ai nhờ đến, cả bệnh thân lẫn bệnh tâm, vậy mà, với mình, tôi quên tôi tuốt. May thay, nhờ có bệnh nhắc. Mà không phải là bệnh nhẹ. Bệnh nhẹ không đủ nhắc tôi đâu…”

Hay như khi Đỗ Hồng Ngọc viết về cái chết, về cách luôn nhớ về cái chết:

“…Có cách nào để người ta luôn nhớ đến cái chết để được sống hạnh phúc hơn không?

Có đó. Cứ ngồi yên đó. Lăng nghe hơi thở của mình. Thở vào… thở ra. Một hơi thở là một cuộc sống. Thở ra rồi thở vào. Lại một cuộc sống mới. Thì ra…. sống và chết là một chu kỳ hình sin. Cái gọi là sống, cái gọi là chết. Gọi vậy thôi chớ không phải vậy. Có thể đảo ngược lại. Nhìn kỹ thì thấy cái chết mới là cái sống. Thở vào như sóng. Thở ra như nước. Sóng là nước. Nước là sóng. Tùy duyên. Bày đặt vui thôi mà!”

Trong tuyển tập VTXL, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc còn viết nhiều về ăn, ăn mặn hay ăn chay, về thỉnh thoảng nấu ăn, về bốn loại thức ăn theo quan điểm nhà Phật, về thuốc đông tây nam bắc, về thời đi học mỗi sáng ăn xôi, về dạo cảnh chùa, về những buổi đi uống cà phê cùng bạn, về những người bạn vắng dần, về Internet mang theo nước mắt nụ cười…

Nói về đời thường, và rồi nói về mật nghĩa cõi này. Tới những đoạn văn như thế, chúng ta tự nhiên đọc chậm lại, và có thể phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần, vì văn nơi đây nghe như thơ, như kệ, như nhạc, như thần chú, như mật nghĩa của pháp.

Thí dụ, như đoạn văn sau, khi Đỗ Hồng Ngọc viết:

“Phật có đến có đi. Có từ bi có hỷ xả. Có nói năng có im lặng. Có thể dùng âm thanh dùng ánh sáng dùng chuông mõ, tiếng tụng niệm mà thấy Phật. Nhưng Như Lai thì không. Không thể dùng âm thanh, ánh sáng mà thấy Như Lai. Kinh nói Như Lai thọ lượng mà không nói Phật thọ lượng vì Phật thọ lượng chỉ có hơn 80 năm! Kinh nói Như Lai thần lực mà không nói Phật thần lực vì Phật chẳng ưa chuyện thần thông. Kinh nói vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai mà không nói vào nhà Phật, mặc áo Phật, ngồi tòa Phật… Cho nên, Phật là Như Lai, mà Như Lai không phải Phật. Như Lai là Như Lai. Nó vậy đó…”

Đọc thấy Đỗ Hồng Ngọc viết chữ “vậy  đó” rất mực dịu dàng, nhưng từng chữ một vẫn nặng rất mực, kiên cố rất mực.

Trong sách, chúng ta đọc thấy Đỗ Hồng Ngọc còn viết nhiều nữa, như về Trần Nhân Tông, về Tuệ Trung Thượng Sĩ… Tác phẩm “Về thu xếp lại..” của Đỗ Hồng Ngọc không chỉ để đọc một lần. Sách này có thể nên đưa vào túi xách, nên mang theo bên người để thỉnh thoảng đọc lại. Để không sợ già, không sợ chết, để biết cách đùa giỡn với bệnh, và cũng để biết cách Thiền tập trong những cách tự quan sát thân tâm mình không rời.

Tuy rằng Đỗ Hồng Ngọc có cẩn trọng ghi rằng sách này là “góp nhặt từ những trang nhật kỳ rời, từ những ghi chép lang thang không ngày tháng, rải rác nơi nọ nơi kia… Rất riêng tư, và rất chủ quan…” nhưng các chuyện kể trong sách cũng là chung cho mọi phận người, nơi những dòng chữ của ông có thể giúp độc giả sống bình an giữa những bất an cõi này, sống yêu thương giữa những hoang mang cõi này.

Có thể tin rằng tác phẩm “Về thu xếp lại..” sẽ có một vị trí độc đáo trong văn học Việt Nam, và cũng rất đặc biệt sẽ là một cẩm nang sống cho nhiều người học Phật tương lai.

 

(Nguyên Giác Phan Tấn Hải. April 4, 2019)

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Nghĩ từ trái tim

Thư gởi bạn xa xôi (1.3.2019)

01/03/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Thư gởi bạn xa xôi (1.3.2019)

“Về thu xếp lại…”

Đúng là lúc đầu, tập “tản văn” này mình lấy Tựa là “Một ngày kia đến bờ” và post lên dohongngoc.com một vài đoạn… để bạn bè mình xem thử. Không ngờ dù đã “rao trước” chỉ dành cho ” người cao tuổi”, trên dưới 70 mới nên đọc mà các bạn trẻ cũng đọc, rồi kêu bác đổi tựa đi, tựa này nghe đầy “hù dọa”, bác nghĩ coi, con để cuốn sách này trong túi xách, đặt trên bàn, hay cầm trên tay vào quán càphê thì người ta dòm con… ra sao?

Vì thế mình đã đổi Tựa là: “Về thu xếp lại…. ” cũng là một ca từ của Trịnh. Một bạn trẻ viết: Tựa này con nghe thân mật, gần gũi hơn, cũng nhắn nhủ đó, nhưng nhẹ nhàng, không “hù dọa”…

Thiệt ra, lúc đầu khi viết, nghĩ viết để mình mình đọc, để tự “nhắc nhở” mình: Gate, Gate, Paragate, Parasamgate… thôi.

Nhưng đúng là “Về thu xếp lại…” có vẻ nhẹ nhàng hơn, dù cuối cùng thì “thu xếp lại” cũng là để “đến bờ” mà, phải không?

Thế rồi, Nhà xuất bản Tổng hợp Tp. HCM, nơi trước đây đã in Gió heo may đã về, Những người trẻ … lạ lùng, Già ơi… chào bạn!… đã sẵn sàng để in “Về thu xếp lại…”.

Gởi bạn cái bìa… coi trước cho vui.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay

  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 5
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Hội quán Các Bà Mẹ: Giao lưu với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn “Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật”

Dương Mình Trí: cảm nghĩ nhân đọc “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật”

Đỗ Hồng Ngọc với “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật”

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Mấy ngày Tết
  • Nguyên Giác: Mẹ dạy con ngồi như núi
  • Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần
  • Thích Phước An: GIÓ BẤC CUỐI NĂM

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Hai Lấp Vò trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • đỗ xuân đạm trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Độc giả trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Bản nhạc Mũi Né
  • Thạch trong Bản nhạc Mũi Né
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “ÁO XƯA DÙ NHÀU…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).
  • PN trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email