Đọc và Cảm “Một ngày kia… đến bờ”
Minh Lê
Các tùy bút của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thường ngắn, dễ hiểu và hấp dẫn như “tiểu thuyết”. Đã đọc là không dừng được. Từ ngữ giản dị, giọng văn thân mật, dí dỏm. Nhưng đừng tưởng bở, tác giả toàn viết kiểu “ý ở ngoài lời”. Đọc lần thứ nhứt, cười ha hả. Đọc lần thứ hai, cười tủm tỉm. Đọc lần thứ ba và thứ n, gật gù “đúng hen!”.
Rồi trong tập mới nhứt “Một ngày kia… đến bờ”, tác giả đổi kiểu viết. Nói chi tiết, cụ thể, tuy giọng văn vẫn rất “Đỗ Hồng Ngọc”. Anh Ngọc viết riêng cuốn này cho bạn bè “cùng một lứa”, những người nhiều kinh nghiệm sống và có hiểu biết về Phật pháp, nên với những người còn đang “bận rộn” và những người vừa mới “gió heo may đã về”, đoc vô rất dễ “tẩu hỏa nhập ma”.
Biết mình chưa đủ trình để hiểu, tôi thử cảm bằng… trái tim. Cảm nhận luôn chủ quan, nếu có chỗ nào sai mong Anh Ngọc sẽ cười tha thứ.
Trịnh Công Sơn viết trong bài “Phôi pha”: “Về ngồi trong những ngày, nhìn từng hôm nắng ngời, nhìn từng khi mưa bay”. Để thấy được vẻ đẹp của nắng, của mưa thì tâm ta phải bình an, không chộn rộn với suy tính, lo âu. Ai sống mà không suy tính, lo âu? Anh Ngọc dặn: “Khi thấy những ý tưởng nọ kia xuất hiện cũng là chuyện bình thường thôi. Cứ để tự nhiên. Nó đến rồi nó đi.” (tr. 89 – 90) Không thèm nghĩ nữa, cho hết mấy thứ “sinh sự” đó đi rồi thì lòng ta nhẹ, tha hồ “về lại nơi cuối trời làm mây trôi”.
Có người hỏi, nó cứ dính mắc hoài, làm sao buông? Vì cái hiểu “đủ duyên thì hiện, hết duyên thì tan” có thể vô đầu ta mà chưa vô được trái tim ta. Ta không chịu chấp nhận “chuyện phải tới nó sẽ tới”, rằng không phải lúc nào nắng cũng hay, mưa cũng đẹp. Anh Ngọc giải cứu liền: “Chẳng vì ta mà hoa nở, hoa tàn. Chẳng vì ta mà gió mát trăng thanh. Nhưng ta biết thưởng thức. Ta enjoy cuộc sống của mình trong từng giây phút.” (tr. 43) Nếu lúc nào ta cũng biết thưởng thức và “cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy” thì ta sẽ “ung dung, tự tại, an nhiên” (tr. 43).
Nhưng chừng đó chưa đủ. Câu hỏi “ta là ai, tại sao ta sinh ra và khi chết sẽ đi về đâu” vẫn còn ám ảnh. Cả vũ trụ này là một khối năng lượng, và định luật bảo toàn năng lượng đã được các nhà khoa học khẳng định từ lâu: “Không có năng lượng nào tự sinh ra hay mất đi, chúng chỉ thay đổi từ dạng này qua dạng khác”.
Ai làm chủ sự thay đổi đó? “Stephen Hawking bảo chắc chắn phải có một design, một thiết kế vĩ đại từ trong con virus đến khủng long… nhưng không có designer, không có nhà thiết kế. Nhưng tôi tin có một cái gì đó, gọi bằng tên gì cũng được, tạo ra cái trò chơi này và ngắm nghía thú vị.” (tr. 13) Cái “trò chơi” này, nói nôm na là game, nó vô cùng vô tận, nên chúng ta, người chơi game, cũng sẽ chơi dài dài.
Mục đích của game là Chân – Thiện – Mỹ, level của thế gian là đạt thành Phật, thành Phật rồi sẽ được “chơi” cấp cao hơn. Tuy vậy có những vị Phật và Bồ Tát muốn giúp chúng sinh mau lên level, nên chịu khó dạy bảo, dẫn dắt như đàn anh trong game chỉ cho đàn em cách đánh quái vật. Và khi đàn em thua hoài thì được an ủi: “Phật cười: Ta là Phật đã thành, Ông là Phật sẽ thành!” (tr. 47) Hồi nhỏ dù ta học dốt tới đâu mà có một thầy cô tin tưởng khuyến khích, chắc chắn ta sẽ gắng học và trở nên giỏi hơn. Phật biết rõ điều đó!
“Ai nói gì không biết chớ tôi tin có kiếp trước kiếp sau. Phải có, mới tạo được sự công bằng, hoàn hảo chứ!” (tr. 105) Rốt cuộc ta là ai? Ta là một khối năng lượng có ý thức, nhờ duyên mà mượn thân xác kiếp này để học những gì cần học, học chưa xong ta lại sang kiếp sau học tiếp. Sau mỗi lần “ngủm” trong game, ta lại hồi sinh với nhiều kinh nghiệm hơn, có khả năng tới gần đích hơn. Một ngày nào đó trong tương lai, ta sẽ đạt tới level của Phật.
Vậy có gì đâu mà buồn mà sợ? Anh Ngọc nói không chỉ cần sống vui (well-being) mà còn cần chết vui (well-dying). Biết cái chết là tất yếu, nên sống hết mình từng giây phút để không tiếc nuối khi cái chết đến – đó là “chết vui”. Biết sống vui thì ta sẽ dễ dàng “chết vui”, ngược lại ngộ ra “chết vui” thì sống vui đâu có khó.
“Một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua.” Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc luôn là cơn gió nồm nam mát rượi thổi bay sự oi bức trong đầu và trong lòng người đọc. Mọi thứ rồi sẽ “phôi pha”, nhưng những lời khai ngộ của Anh còn được nhớ hoài, như “bàn chân ai bước nhẹ, tựa hồn những năm xưa”.
Minh Lê
(Nha Trang, 05/2024)
Để lại một bình luận