Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Thư gởi bạn xa xôi: “TÌM… TẾT!”

30/01/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi,

“Tìm… Tết”

Hồi xưa, tức cách đây vài năm thôi, Tết còn tìm đến mình bạn ạ. Nay thì… ráng cũng không ra Tết. Vài năm trước thôi, cũng có cành đào, cành mai và đặc biệt rất nhiều cúc mâm xôi… trong nhà. Không muốn Tết mà nó cũng cứ Tết. Rồi bạn bè hẹn café, cà pháo, rồi học trò đến thăm, rồi con cháu tề tựu… Nay thì ráng cũng không ra. Bởi, chính trong ta có cái gì đó lặng ngắt, hình như… hormone thì phải. Nó lặng ngắt, nó tắt ngủm. Tám mươi rồi nó vậy chăng?

Vì vậy, mấy ngày gần Tết này… mình “tranh thủ” nhen nhóm lại, thử “tìm Tết” coi sao. Ngồi ở Đường Sách một mình, nhâm nhi tách café… ngắm người qua kẻ lại. Thì vẫn dập dìu tài tử giai nhân đó thôi. Có cái mới. Có người thấy như chỉ mặc áo mà không mặc quần, có người mặc áo dài với váy và quấn khăn… mỏ quạ? Chưa thấy ai nhai trầu bõm bẻm cả. Mới đây thấy bên Pháp có buổi trình diễn kịch nghệ mà từ diễn viên đến khán thính giả đều trần truồng như nhộng. Tình hình có vẻ dần dần đi vào thời… đồ đá, ăn lông ở lỗ rồi vậy. Tại vì ta chỉ có nhục nhãn, không có con mắt thiên nhãn ngàn năm để thấy biết đó thôi.

Như đã nói, mình thử đi “tìm Tết” xem sao.

Hẹn với các bạn trong Nhóm Học Phật ở chùa Xá Lợi, thứ bảy 26.1.19 tức 21 tháng chạp Mậu Tuất lên chùa Bửu Long thăm Sư Viên Minh. Sư lúc này cũng đã 75 tuổi rồi chớ ít gì, nhưng trông khỏe và… đắc đạo. Trò chuyện với Sư rất vui. Mình thân quen Sư cũng vài chục năm rồi nên khá thân tình. Mình nói tôi có mang tập thơ lên tặng thầy đây, thầy VM cười, lát nữa tôi cũng gởi tặng anh tập thơ. Thì ra thầy mới có tập Tĩnh Lặng:

Ra đi khắp bốn phương trời

Tìm ai mỏi gót muôn đời còn xa

Ta về gặp lại tình ta

Dấu chân viễn mộng chỉ là phù vân.

(Phù Vân, Viên Minh, Tĩnh Lặng)

………………………………

Một phen buông hết ngôn từ

Buông luôn cả một chữ như trên đầu

Thong dong thực tại nhiệm mầu

Niết-bàn, sinh tử… biển dâu khác gì!

(Như, Viên Minh, Tĩnh Lặng)

Chắc là thầy muốn  nhắc Thầy Phước Hậu:

Kinh điển lưu truyền tám vạn tư 
Học hành không thiếu cũng không dư 
Đến nay tính lại đà quên hết 
Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như

Mình nghĩ thiệt ra nhờ “nhớ trên đầu một chữ Như” mà mới  “Thong dong thực tại nhiệm mầu/ Niết-bàn, sinh tử… biển dâu khác gì!”. Thực tại là Pháp. Là Tùy duyên/ Thuận pháp.

Chùa Bửu Long, Quận 9, Tp HCM

Nhóm Học Phật. 26.1.2019 tại Chùa Bửu Long.

 

Chủ Nhật 27.1.19 có luôn 3 “shows”, dù sao cũng nên đi mỗi nơi một chút cho biết đó biết đây, xem bà con ăn Tết, chơi Tết ra sao:

Có một cuộc Triễn lãm mỹ thuật ở Đảo Kim Cương, Thủ Thiêm do họa sĩ bác sĩ Dương Đình Hùng tổ chức. Lâu nay mình chưa biết chỗ này ở đâu, ra sao. Lê Triều Điển, Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương… đều có tham dự. Nghe nói Lê Triều Điển trưng bày tượng gốm, Lê Ký Thương có 15 bức tranh Thiền, TTMinh nhiều tranh lạ nên phải đi đến xem thôi. Khu Hàm Long này có nhiều “biệt phủ” rất đẹp của các họa sĩ nổi tiếng, hôm nay trưng bày tác phẩm của các họa sĩ, điêu khắc gia. Mình có dịp gặp lại họa sĩ Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười), Hồ Hữu Thủ, Hoài Hương, Hồ Thanh, La Quang Thanh, Lý Khắc Nhu, Dương Đình Hùng và các bạn Lê Triều Điển, Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương… Dĩ nhiên mình là người ngoại đạo nên chỉ đứng ngoài… quan sát.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

quay về cố quận
(tranh thiền LKT)

 

thiền đi (tranh LKT)

Chiều đó đi dự Chương trình Nhạc Thiền “Tôi đang Lắng Nghe” của sư Minh Niệm tại Nhà hát Hòa Bình- một nhà hát lớn có đến 3000 chỗ ngồi đã đông nghẹt người!

Nghe chủ đề: “Tôi đang Lắng Nghe” tưởng là “Tôi đang lắng nghe… im lặng đời mình” của Trịnh Công Sơn, hóa ra không phải!

Mình nhận được cái Giấy Mời …của Ban Tổ Chức, trực tiếp từ Sư Minh Niệm, một vị tu sĩ khá thân quen, bởi ngay cuốn sách đầu tiên nổi tiếng của Sư là “Hiểu Về Trái Tim” cũng có một lời giới thiệu ngắn của mình, tác giả Nghĩ Từ Trái Tim gần gũi từ mươi năm trước. Có điều Nghĩ Từ Trái Tim mình viết về Tâm kinh Bát Nhã còn Hiểu Về Trái Tim của Sư MN thuộc lãnh vực tâm lý trị liệu.

Lúc đầu mình quyết định không đi vì trên Giấy mời thấy ghi: nữ phải mặc áo dài, nam áo vest, cà vạt… Mình đã trả lời: rất cảm ơn nhưng không đi vì hơn chục năm nay không hề mặc vest, cà vạt… gì cả. Ngay sau đó, được tin nhắn: Thầy con nói bác mặc gì cũng được, miễn là thoải mái … và đến dự muốn về lúc nào thì về. Vậy thì… OK.

Buổi nhạc thiền Tôi đang lắng nghe thì ra “mang tính chữa lành tâm hồn” có phần Tổn Thương và phần Chữa Lành khá lý thú. Tổn thương với những bài hát Hương lạc, Đền nhau, Mộng du, Góc tối… Còn chữa lành là nhưng bài của Trịnh Công Sơn: Tôi đang lắng nghe, Ru đời đi nhé, Để gió cuốn đi, Cho đời chút ơn…

Bên cạnh những bài hát bởi các ca sĩ thì có lời bình của Sư Minh Niệm… Chương trình của hai cha con Trần Mạnh Tuấn và An Trần thổi saxophone Một cõi đi về, Ru em từng ngón xuân nồng và tiết mục Múa… theo mình là hay nhất! Sau đó mình… “chạy”, vì còn một “show” nữa phải dự ở Vườn Minh Trân của anh Nguyễn Trí Dũng.

Đỗ Hồng Ngọc – Trần Mạnh Tuấn (27.1.2019) trước Rạp Hòa Bình.

 

Ở Vườn Minh Trân của Nguyễn Trí Dũng là một cái Hội Tết văn hóa Việt. NTDũng du học Nhật từ trước 75, về xây dựng trường Doanh Thương Trí Dũng và thực hiện nhiều Chương trình nối kết Việt-Nhật khá phong phú. Gởi bạn vài hình ảnh nhé:

 

Cô gái mặc áo dài truyền thống Việt rất đẹp là con gái Nguyễn Trí Dũng, mẹ người Nhật, tên cô là Tomoe, Mỹ Ái. Cô là họa sĩ, đang học tiếng Việt. Cách đây 12 năm, Đỗ Hồng Ngọc đã quen biết Mỹ Ái ở Nhật, lúc đó cô mới lên mười… (Minh Trân 27.1.2019)

 

Hai cha con Nguyễn Trí Dũng và Mỹ Ái đang biểu diễn… múa Sạp! (Minh Trân 27.1.2019)

Ngày thứ hai 28.1.2019 là 23 Tết, đưa Ông Táo về Trời. Ở chùa Xá Lợi có buổi Tổng kết hoạt động cuối năm theo thường lệ, Sư ông Viện chủ Hiển Tu, 97 tuổi Chúc Tết, và Thầy Đồng Bổn trụ trì “báo cáo tổng kết”…

Vậy đó, mấy ngày đi “Tìm… Tết” của mình ở đây, cũng xin… “báo cáo tổng kết” để bạn chia sẻ vậy nhé.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Ghi chép lang thang, Thư gởi người bận rộn, Uncategorized

Giới thiệu sách mới: ”Bỗng Nhiên Mà Họ Lớn”

13/02/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

Bỗng nhiên mà họ lớn

Bs Đỗ Hồng Ngọc

 

 

Từ lâu, người ta ít nói đến sức khỏe của tuổi mới lớn. Dễ hiểu thôi, vì ở tuổi mới lớn, người ta không còn nhỏ nữa để mắc bệnh trẻ con, người ta cũng chưa đủ lớn để có những nguy cơ của người đứng tuổi.
Từ lâu, người ta vẫn nghĩ rằng tuổi mới lớn – tuổi thanh thiếu niên – là tuổi nhiều sức khỏe, cường tráng, ít bệnh tật, không có gì đáng quan ngại. Thế nhưng, nay thì không phải vậy! Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) gần đây cảnh báo: “Chưa bao giờ tuổi trẻ phải đối phó với những hiểm họa ghê gớm như hôm nay!”. Thật thế, chưa bao giờ tuổi mới lớn phải sống trong tình trạng khó khăn: sự bùng nổ dân số; sự đô thị hóa với nếp sống lang thang bụi đời; bùng nổ thông tin và du lịch… Các giá trị đạo đức bị đảo lộn, nền tảng gia đình đứng trước những nguy cơ tan vỡ; áp lực nặng nề trên các lãnh vực kinh tế, giáo dục… dẫn đến rối loạn tâm lý, tự tử gia tăng ở người trẻ tuổi…
Ở các nước phát triển, từ lâu đã có ngành chuyên khoa y học của tuổi mới lớn (Adolescent Medicine) và có hệ thống bệnh viện dành cho tuổi mới lớn (Adolescent Clinics). Bác sĩ sau khi tốt nghiệp phải học thêm ít nhất ba năm để trở thành chuyên khoa Tuổi mới lớn. Ở nước ta chưa có. Từ năm 1972, tôi đã cho xuất bản cuốn Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò, và năm 1995 xuất bản cuốn Viết cho tuổi mới lớn (Tái bản có bổ sung với tựa KHI NGƯỜI TA LỚN, 2017). Sách được nhiều phụ huynh và các bạn học sinh hoan nghênh và khuyến khích tiếp tục đào sâu để hướng dẫn các em những điều thiết thực, gần gũi hơn nữa. Sách tuy đã được tái bản và cập nhật nhiều lần nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa đề cập, nhiều điều còn phải tránh né, chưa tiện viết ra vào thời điểm đó.

 Trong hơn 10 năm phụ trách trang Phòng Mạch Mực Tím của báo Mực Tím, báo dành cho tuổi mới lớn hiện nay, tôi đã nhận được hàng chục ngàn thư hỏi về đủ mọi thứ chuyện của các em. Có những bức thư thực bức xúc, thực cảm động, mà trang báo có hạn, không sao trả lời đầy đủ được, chỉ trả lời cho những trường hợp có tính chung nhất, nhưng vẫn còn rất hời hợt, phiến diện, chưa thực sự giúp các em tới nơi tới chốn. Trong tập sách này, tôi cố gắng “lấp các lỗ trống” đó, cố gắng đề cập những vấn đề thiết thực, bức xúc của các em một cách thẳng thắn để giúp các em có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh tật, không vướng mắc những lo âu vô cớ, để dồn sức cho việc học hành, rèn luyện trí, đức, thể lực…

Bs Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon, 01- 2018)

 

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc, Tuổi mới lớn

“Có một con Mọt Sách”

23/04/2015 By Bac Si Do Hong Ngoc 9 Comments

Có Một Con Mọt Sách

img127

Cuốn sách mới in xong ngày hôm qua, còn nóng hổi, dành cho các bé thiếu nhi mùa hè này.

xem tiếp …

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Thầy trò và ‘Cô bé lọ lem’

30/09/2014 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Ghi chú: Người “bạn xa xôi” gởi về tôi bài này ( không thấy ghi nguồn?) bảo “theo đó mà dạy cho các cháu nội ngoại của mình”. Tôi hiểu anh định nói đây là cách “giáo dục công dân” tốt nhất, cách mà bọn mình ngày xưa đã được học, từ những câu chuyện trong “Quốc văn giáo khoa thư”. Xin chia sẻ ở đây cùng các bậc phụ huynh và các thầy cô.

Cảm ơn người “bạn xa xôi” của tôi,

ĐHN

 

Co be lo lem 1

Thầy trò và ‘Cô bé lọ lem’

Trước tiên Thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?

Học sinh (HS): Em thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa nhưng không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.

Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?

HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Eo ôi, trông kinh lắm.

Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy.

xem tiếp …

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim

Đọc trong “Ngày Nhà giáo”

20/11/2013 By Bac Si Do Hong Ngoc 7 Comments

Ghi chú: Một người bạn gởi tôi bài viết này của tác giả Trần Đình Ngân (Đức) để đọc trong “Ngày Nhà giáo”. Một bài viết rất hay, đáng để chia sẻ cùng bè bạn nên xin phép anh Trần Đình Ngân cho trích đăng một đoạn nhé. Đa tạ.

ĐHN.

Chuyện “Lớp trưởng”

Trần Đình Ngân (Đức)

Tôi có cháu gái đằng vợ tên là Thanh Hòa. Từ ngày học mẫu giáo, cháu vốn khỏe mạnh, cứng cáp và thông minh. Khi cả bọn cùng lứa với kéo nhau lên lớp 1 trường Phan Phù Tiên, quận Thanh Xuân (Hà Nội), Hòa đương nhiên vẫn là đầu đàn, là lớp trưởng.
Gặp nhau năm Hòa lên lớp 2, vẫn với thành tích học tập tốt, vẫn lớp trưởng, quà thưởng dịp đó rất to. Vui chuyện, hỏi cháu về nhiệm vụ lớp trưởng, Hòa bẽn lẽn: nào hô các bạn đứng dậy chào thầy cô, nào lo trực nhật, lau bảng, nhắc các bạn giữ trật tự trong lớp… nhiều lắm!

xem tiếp …

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định

Ngày Của Mẹ

12/05/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 9 Comments

Ghi chú: Ngày Của Mẹ, có lẽ tốt nhất post lại một bài cũ dành cho… con.

Mẹ cứ kỳ vọng vào con đi!
Đỗ Hồng Ngọc

Tôi đọc được những dòng này của một thiếu nữ 15 tuổi trên một tờ báo dành cho tuổi mới lớn. Em viết về mẹ của mình.

“15 tuổi, tôi không còn quá nhỏ để mẹ lúc nào cũng chú ý “chi li” từng việc như: Tôi ăn cơm chưa, tôi… tắm chưa và bạn của tôi là những đứa nào?…
15 tuổi, mẹ vẫn còn đưa đón tôi đi học… Tôi xấu hổ với bạn bè, còn mẹ thì lo sợ xe cộ đông đúc…
Bao nhiêu lần tôi muốn hét lên: Mẹ đừng kỳ vọng gì vào con cả!
Bao nhiêu lần tôi muốn buông xuôi… để mẹ biết rằng tôi đã lớn và có thể quyết định những thứ ngoài “vòng kim cô” của mẹ.
Nếu có một điều ước, tôi chỉ muốn mình được…”tự do”.”

Tôi đọc mà buồn quá! Mẹ mà không được kỳ vọng gì vào con cả thì kỳ vọng vào ai? Ai có thể đỡ đần cho mẹ lúc già nua tuổi tác? Ai có thể lo lắng cho mẹ lúc ốm đau bệnh họan? Ai có thể chia ngọt sẻ bùi với mẹ lúc canh vắng đêm dài, với bao nỗi lo toan, nhọc nhằn không nói nên lời?
Tôi hiểu trong một lúc quá đỗi bực mình nào đó, em đã thốt lên những lời đau xót này với mẹ. Tôi chắc rằng, một ngày kia, khi tuổi đời thêm chồng chất, đọc lại những dòng này em sẽ vô cùng hối hận. Tôi hiểu rằng rồi đây khi đến lượt mình bế trên tay một đứa con đỏ hỏn, rứt ra từ núm ruột của mình thì em sẽ thấm thía nghĩ về mẹ mình ngày xưa, lúc đó nhiều khi mẹ đã không còn nữa! Tôi chắc rằng người mẹ khi đọc những dòng này của em sẽ không hề khóc, sẽ chỉ trìu mến nhìn đứa con thân yêu từ núm ruột mình rứt ra kia đang hờn dỗi và càng thương nó hơn. Khi nhìn con đã ngủ ngon lành sau cơn phiền muộn, mẹ sẽ kéo tấm chăn mỏng đắp thêm cho con, vuốt lại tóc con cho ngay ngắn, len lén hôn lên trán con thật nhẹ, rồi rón rén bước đi….
Nhớ lại những ngày xưa , mẹ có thể mỉm cười.. Những lúc bú mớm con cũng đã từng cắn mẹ đau điếng! Những lúc bệnh hoạn con cũng làm mẹ thức thâu đêm. Con ho mà mẹ ran lồng ngực. Con ỉa chảy mà mẹ đau thắt ruột gan. Mẹ không ngại ngần hôi hám, vấy bẩn để chăm sóc con. Có lúc ngửi mùi phân của con, có lúc ngửi mùi nước tiểu của con để theo dõi bệnh trạng báo cho bác sĩ. Sữa mẹ là những tế bào thân xác mẹ vỡ ra mà thành. Mẹ xanh xao đi để con được hồng hào. Mẹ lùn thấp xuống để con đựơc cao lớn lên. Mẹ loãng xương để con được cứng cáp. Mẹ nhăn nheo để con đầy đặn. Mẹ xấu xí từng ngày để con ngày càng rạng rỡ xinh tươi. Nhìn con lớn lên mẹ nhìn thấy mẹ ngày xưa. Con nói bi bô, con đi lững thững từng bước một… ngày nào! Mẹ hãnh diện nhìn con như dòng sông hãnh diện nhìn dòng nước chảy. Mẹ không kỳ vọng vào con thì kỳ vọng vào ai?
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn có môt bài hát rất dễ thương. Mỗi Tết đến, khi con “mừng tuổi mẹ” thì càng thấm thía “ngày con xa mẹ càng gần”! Không kỳ vọng vào con thì kỳ vọng vào ai?.
Rồi một ngày nào đó, chắc chắn con sẽ được “tự do”…, con sẽ thóat khỏi “vòng kim cô” của mẹ, không cần phải có một điều ước!
Sẽ không còn ai nữa chú ý “chi li” đến từng việc của con, ăn cơm chưa , tắm chưa, và bạn con là những đứa nào?…
Cho nên, tôi nghĩ ngay bây giờ em đã có thể ôm lấy mẹ và nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, mẹ cứ kỳ vọng vào con đi! Nhưng đừng tạo sức ép, đừng làm con quá đỗi lo âu. Con đã lớn rồi! Con sẽ không phụ lòng mẹ đâu! Mẹ cứ kỳ vọng vào con đi!

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Tuổi mới lớn, Viết cho tuổi mới lớn

“Hiểu và trò chuyện với con trẻ về giới tính” (3)

19/04/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 12 Comments

MỘT SỐ CÂU HỎI TRONG BUỔI GIAO LƯU 8/4/2012 (Tham Khảo)
1 BS ơi, con em 9 tuổi, cháu mới dậy thì nhưng vẫn còn trẻ con, chưa biết ngượng. Vậy làm sao để nói rõ cách tự bảo vệ bản thân vì cháu chưa hiểu?
2 Cháu 9 tuổi hỏi mẹ: Làm sao ba đưa tinh trùng vào cho mẹ được? Mong BS hướng dẫn để trả lời cho bé hiểu. Cám ơn BS.
3 Kính BS xin được chỉ dẫn PH phải giải thích như thế nào khi bé trai thắc mắc: mỗi khi mắc tiểu thì chim dựng đứng lên? ( Bé hỏi có phải do chim bé có xương không?) bé trai 9 tuổi. Xin cám ơn BS.

 
4 Thưa BS, con gái em 8 tuổi học lớp 2, dạo gần đây cô giáo có báo lại là em bé có biểu hiện giống như tự thủ dâm trong giờ ngủ trưa, em rất lo khi nhận tin này và đang bối rối không biết nói chuyện với con như thế nào để giúp bé không nên lặp lại hành động này. Mong BS tư vấn giúp em.
5 Bác Ngọc ơi, 2 thằng con trai em ( 1- 16 tuổi, 1- 12 tuổi) đã dậy thì hết rồi. Trước đây 2 đứa thường tắm chung, thậm chí chúng cùng chờ nhau đi học về để tắm chung. Khoảng 6 tháng nay thì cậu em không chịu tắm với anh Hai nữa và khi tắm thì đóng kín cửa, cài chốt cẩn thận, tắm cũng lâu hơn. Như vậy có gì là không ổn. Nếu có thì em phải làm sao? Trong khi cậu anh vẫn bình thường, đôi khi còn nói với em rằng: Bộ mày hổng giống tao hả? Tâm sự cùng bác Ngọc, xin bác có đôi lời cho em hiểu.
6 Con gái tôi năm nay 9 tuổi, tôi có cho cháu đọc cuốn “ Con được sinh ra như thế nào?” Cuốn sách nói về quá trình thụ tinh và hình thành mầm sống-> ra đời. Sau khi đọc, cháu thường hỏi tôi lúc nào có thể thụ tinh thành công. Tôi rất ngại khi cháu hỏi vì cháu chưa đến chu kỳ kinh nguyệt nên tôi chưa thể giải thích. Mong BS cho lời khuyên.
7 BS cho biết: “ Lý do nào hiện nay có thể gây nên việc dậy thì sớm ở bé trai và bé gái?”
8 Thưa BS, nhờ BS cho lời khuyên: 2 con trai của em năm nay 9 tuổi, đôi khi cả nhà cùng ngồi xem phim ( tâm lý XH hoặc hành động) đến cảnh nhạy cảm ( 2 người hôn nhau hoặc âu yếm nhau) thì ba mẹ nên làm gì? Chuyển sang kênh khác hay xem đó là chuyện bình thường? có 1 thằng rất mắc cỡ khi xem cảnh đó, chạy trốn hay giả bộ xem cảnh đó nhưng lại lén nhìn TV.
Tương tự như vậy, nó phản ứng khi thấy ba ôm hôn mẹ hoặc nằm kế bên mẹ. Vậy 2 vợ chồng cần cư xử như thế nào? ( Hiện nay cả nhà nằm ngủ chung 1 phòng)
9 Con trai lớp 3 hỏi: Vì sao mẹ sinh ra con. Em không biết trả lời ntn? Bố với mẹ giao phối như thế nào để sinh ra con?
10 Thưa BS, tôi có 1 bé 10 tuổi, đang học lớp 4. Cháu hay xem phim thấy cảnh những cảnh ôm nhau. Bé hỏi: tại sao họ không hôn giống như ba hôn con mà hôn miệng với nhau vậy ba, mà hôn như vậy thì có gì không? Sao ai cũng hôn như vậy? Tôi nên giải thích với cháu ntn thưa BS?
11 Em có 1 bé gái 9 tuổi- đang học lớp 3 nhưng tới giờ bé vẫn không chịu ngủ riêng mặc dù bé có phòng riêng. Một lần em tình cờ thấy bé lấy gương soi và lấy cả điện thoại của em để chụp bộ phận sinh dục của mình. Em rất bối rối, không biết nên xử trí như thế nào?
12 Thưa BS, xin hãy hướng dẫn tôi cách trò chuyện với con trẻ trong trường hợp: “ vợ chồng tôi gần gũi nhau và vô tình con gái 12 tuổi trông thấy. Cháu trở nên trầm lặng, còn tôi bối rối vô cùng…”
13 Xin BS cho biết khi nào bé trai có thể mặc quần lót thì phù hợp. Cháu sợ nếu cho bé mặc sớm quá thì bộ phận sinh dục sẽ không phát triển tốt.
14 Những phương pháp vệ sinh cần thiết đối với tuổi dậy thì. Ví dụ: có nên dùng nước rửa vệ sinh phụ nữ không? Kinh nguyệt không đều và đau thì có nên cho cháu uống thuốc không? Đi khám thì BS không cho thuốc gì cả.
15 Cháu ngoại tôi 9 tuổi ( bé gái), mỗi lần chơi giỡn với tôi, cháu thường hay nằm sấp và chồm lên và để chạm bộ phận sinh dục của cháu vào người tôi . Như vậy tôi có thể xem đó là có vấn đề về sinh lý hay không?
16 Nhà không có điều kiện để ba mẹ và con cái ngủ phòng riêng. Vậy nếu bọn trẻ nhìn thấy sinh hoạt vợ chồng thì phải giải thích làm sao ạ?
17 Bé trai học lớp 5, đang học GDGT về hỏi mẹ: làm sao ba xuất tinh được, trứng của mẹ ở đâu? Vậy tinh trùng dính trên quần áo mẹ? Bé ga-lăng hơn những bé trai khác và được các bé gái nhỏ tuổi hơn thích , bé cũng rất thích nhiều bé gái khác, nay bé này mai bá khác nên định hướng sự chung thủy cho bé ra sao?
18 Bé trai mới 11 tháng, mỗi lần cởi truồng hay lấy tay chọc phá con chim. Như vậy có nên cản con không được làm như vậy hay không, hoặc giải thích như thế nào cho bé rõ.
19 Con gái tôi 15 tuổi. Thỉnh thoảng cháu xin đi xem phim, hay đi sinh nhật bạn mỗi lần thế, cháu cùng nhóm bạn đi thành từng cặp một (mỗi bạn gái đi cùng 1 bạn trai). Tôi rất lo. Xin Bác sĩ cho lời khuyên:
– Tôi phải làm gì, khi cháu hay nói dối cha mẹ như vậy.
– Tôi có nên tiếp tục cho cháu đi mỗi khi cháu xin phép như vậy nữa không?
20 Con gái 9 tuổi hỏi: “Em bé được tạo ra như thế nào?”. Tôi hứa sẽ trả lời nhưng chưa nghĩ ra cách. Nhờ BS tư vấn.
21 Thưa Bác sĩ: Bé của cháu thường hỏi: Tại sao ba và mẹ sinh ra con? Tại sao con lại chui ra từ trong bụng mẹ?
22 Bé gái 9 tuổi bắt đầu có dấu hiệu dậy thì vậy có biện pháp nào làm chậm lại quá trình này cho đến đúng tuổi dậy thì (12-14 tuổi)
23 Mẹ ơi làm sao có bầu được vậy? Muốn sanh em trai hay gái thì làm sao? ( tại cháu nghe đi canh con trai, con gái từ hàng xóm).
24 Hiện tượng thủ dâm có xảy ra với trẻ 5 tuổi không? Con trai tôi 5 tuổi, mỗi tối trước khi ngủ, cháu cứ nằm sấp, lắc qua lắc lại và nói cảm thấy đã dễ chịu. Như vậy có phải là thủ dâm không. Bé còn nhỏ quá, giải thích như thế nào cho bé hiểu?
25 Xin hỏi Bác sĩ:
– Khi nào có thể bắt đầu giáo dục giới tính.
– Có thể chỉ cho cháu cách bảo vệ bản thân.
26 Làm thế nào để dạy con nói không với vấn đề tình dục sớm? Và làm sao để các con tâm sự với bố mẹ về vấn đề giới tính, tình dục? Xin Bác sĩ cho lời khuyên ạ. Xin cảm ơn.
27 Em có cháu gái năm nay 8 tuổi. Cháu luôn nghĩ mọi người ôm & nựng cháu là thương, quý cháu. Em rất sợ cháu chưa biết phân biệt giữa thương & sàm sỡ nhưng em chưa tìm ra cách nói phù hợp với lứa tuổi của cháu. Nếu nói theo cách người lớn hiểu thì cháu sẽ có thể có suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến đề phòng tất cả người khác phái, thậm chí tò mò tự tìm hiểu dẫn đến hiểu sai vấn đề. Hiện tại, em chỉ có thể nói: “Con đừng để ai sờ vào người con vì có thể tay người khác không sạch làm da con bị dị ứng.” Nhưng cháu hỏi lại “ Làm sao con tránh được?” thì em không biết cách trả lời. Mong BS giúp em.
28 Con trai của em năm nay 14 tuổi, cách đây 6 tháng cháu đi học về nói: “ mẹ ơi! Khi mẹ có bạn trai thì mẹ bao nhiêu tuổi?” và cháu nói luôn hôm nay con có bạn gái rồi mẹ ạ.”. Sau đó, bình quân khoảng 1,5 tháng em nghe cháu nói chia tay với bạn gái ấy rồi và chừng 1 tuần sau thì nghe nó nói con quen bạn khác”. Thưa BS, em băn khoăn có điều gì sai trật trong tâm lý của nó không? Làm sao để định hướng cho nó hướng đến sự bền vững trong khi thích, mến người bạn khác giới.
29 Con tôi 8 tuổi hơi bị hẹp bao qui đầu. Mong BS tư vấn nên cắt hay nong? Nên giải quyết ngay bây giờ hay từ từ. Nếu nong có ảnh hưởng tâm lý của bé không?
30 Con trai em 10 tuổi, có hành động thủ dâm nhiều lần mà mẹ cháu đã thấy ( khi tắm, khi ngồi học bài…). Mẹ cháu rất lo và đã lựa lời giải thích cho cháu hiểu tác hại, đồng thời hướng cháu tới các hoạt động khác như đàn, tập thể thao, đọc sách. Tuy nhiên khi không có ai ở gần ( khi tắm) thì cháu vẫn đôi lúc thủ dâm. Ba cháu cho rằng tuổi này như vậy là bình thường và không muốn “can thiệp’ hay tham gia ý kiến gì nhưng mẹ cháu lại lo việc này sẽ kéo dài, dẫn tới cháu làm với bạn gái ( sau này) sớm hơn thì sao? Việc này sẽ kéo dài bao lâu?Đây có phải là biểu hiện của dậy thì không? Có cách gì khác hơn để ngăn cản không?
31 Làm sao để nói và giải thích với 2 con trai ( 10 và 3 tuổi) khi các bé tình cờ thấy cảnh nóng trên phim ảnh hoặc nguy hiểm hơn là thấy được “ cảnh nóng” hay âu yếm của ba mẹ mình?
32 Con trai tôi 9 tuổi hỏi những câu sau: cưỡng bức là gì? Cưỡng dâm là gì? Hiếp dâm là gì? Con nghe người ta nói ô-môi là gì? Pê-đê là gì? Vậy cháu trong độ tuổi này chúng ta giải thích với cháu được chưa?
33 Trong gia đình tôi có 4 cháu gái và 1 cháu trai – không biết có ảnh hưởng gì về giới tính không? Nhưng cháu trai vẫn xem mình là phái nữ, cử chỉ và hành động của cháu không như các cháu trai khác. Tôi không biết phải xử sự như thế nào cho đúng mà không làm tổn thương hay ảnh hưởng đến tâm sinh lý của cháu.
34 Tôi có 1 cháu trai 10 tuổi và 1 cháu gái 11 tuổi nhiều lúc tôi cảm thấy bối rối khi giải thích về vấn đề giới tính với cả 2 cháu cùng 1 lúc, khi đó không biết diễn đạt ra sao? Xin BS tư vấn giúp.
35 BS có thể hướng dẫn những nguyên tắc giải thích các khái niệm về GDGT cho những độ tuổi khác nhau hoặc cho biết có những tài liệu nào hiện nay hướng dẫn về vấn đề này không?
36 Con trai cháu hiện nay 10 tuổi, bé rất tình cảm những lúc 2 mẹ con nằm cạnh nhau cháu thường ôm mẹ, sờ ti mẹ. Không hiểu có phải đó là bé tò mò về giới tính không ạ?
37 (……..)

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Hỏi-đáp, Thầy thuốc và bệnh nhân, Tuổi mới lớn

“Hiểu và trò chuyện với con trẻ về giới tính”(2)

19/04/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

MỘT SỐ THÔNG TIN
Báo Dân Trí, 09/04/2012 – 17:20

“Hiểu và trò chuyện với con trẻ về giới tính”

(Dân trí) – Sáng 8/4, hơn 500 phụ huynh có con trong độ tuổi tiểu học tại TPHCM đã tham dự hội thảo “Hiểu và trò chuyện với con trẻ về giới tính”.
Hội thảo do hệ thống Trường dân lập Quốc tế Việt Úc cùng Hội quán các bà mẹ TPHCM tổ chức.
Các ông bố bà mẹ có con trong đội tuổi 6 đến 12 tìm đến chương trình khi có chung nỗi lo: con dậy thì sớm. Cùng theo đó, trẻ có những biến đổi về tâm sinh lý với những biểu hiện khác lạ, tò mò, thích khám phá những điều xảy ra trong cơ thể… làm phụ huynh không khỏi bối rối.
Hầu hết, khi gặp các câu hỏi liên quan đến giới tính của con, phụ huynh thường lúng túng rồi né tránh bằng cách cho rằng con còn nhỏ chưa cần biết. Có người mẹ rơi vào cảnh hoảng loạn khi giáo viên phát hiện cô con gái mới 9 tuổi của chị có hành vi thủ dâm. Nhiều phụ huynh khác lại rối bời khi phát hiện con tò mò chụp hình, tìm hiểu về bộ phận sinh dục trên cơ thể hay có biểu hiện tình cảm yêu đương với bạn khác giới.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe TPHCM, nhấn mạnh trẻ có những hành vi “khám phá”, những rung động đầu đời bởi khi bước vào tuổi dậy thì hệ thống tiết tố sinh dục bắt đầu khởi động. Trong khi đó, trẻ lại không nhận được sự giúp đỡ để hiểu về cơ thể của mình vì người lớn thường hay né tránh, có người còn cho rằng đó là chuyện “bậy bạ”.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khuyên các bậc cha mẹ nên thẳng thắn, chân tình, cởi mở để cùng trao đổi các kiến thức về giới tính một cách khoa học với con, không phải đến khi con đã dậy thì mà nên bắt đầu suốt giai đoạn tuổi thơ cũng như tuổi tiền dậy thì. Qua đó xây dựng cho con chế độ dinh dưỡng, các hình thức vận động hợp lý cũng như hướng dẫn con biết giữ gìn vệ cơ thể đúng cách.
Nếu phụ huynh cho rằng việc giáo dục giới tính (GDGT) là công việc của nhà trường thì đó là một sai lầm. Vì việc GDGT phải được thực hiện càng sớm càng tốt và phải được bắt đầu từ dưới mái nhà gia đình. Bố mẹ, ông bà và ngay cả người giúp việc là người thầy đầu tiên của trẻ.
“Còn nếu người lớn giấu giếm có thể trẻ sẽ tự tìm hiểu qua những nguồn thông tin khác như Internet, qua bạn bè… dễ dẫn đến những nhận thức sai lệch vô cùng nguy hiểm”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhấn mạnh.
(theo Hoài Nam)

Tuổi Trẻ Online, 09/04/2012, 01:29 (GMT+7)

Chủ động “dạy” giới tính cho con trẻ

TT – Khoảng 500 cha mẹ đã đến tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề “Hiểu và trò chuyện với con trẻ về giới tính” do hội quán Các Bà Mẹ và hệ thống Trường dân lập quốc tế Việt – Úc tổ chức tại TP.HCM vào sáng 8-4.
Các ông bố bà mẹ đã đặt nhiều câu hỏi về tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản và cách giáo dục giới tính cho trẻ. Diễn giả – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho biết trẻ ngày nay dậy thì sớm hơn trước nên việc giáo dục giới tính cũng cần sớm hơn và phù hợp theo độ tuổi, sự hiểu biết của trẻ.
Cha mẹ cần chuẩn bị kiến thức và chủ động cung cấp thông tin có định hướng, đồng thời giải thích mọi thắc mắc của trẻ trên nền tảng khoa học. Đặc biệt, khi trò chuyện với con trẻ về giới tính cần chân thành, cởi mở, thấu cảm và tôn trọng trẻ.
Thái Bình (Tuoi Tre Online)

Báo Pháp Luật Tp.HCM 10.4.2012

Cha mẹ nên là thầy dạy giới tính của con

Hiện nay, xu hướng dậy thì sớm ở trẻ ngày càng gia tăng trong độ tuổi tiểu học. Đặc biệt các bé gái có dấu hiệu phát triển cơ thể từ trước tuổi lên 10. Đây là độ tuổi các em gặp nhiều khó khăn bởi sự phát triển không đồng đều giữa hai mặt tâm sinh lý, chưa sẵn sàng với những thay đổi trong cơ thể. Nhiều em rơi vào tình trạng hoang mang, khủng hoảng tâm lý.
Nguyên nhân trẻ dậy thì sớm là do thời tiết, dinh dưỡng và sự phát triển của xã hội đã kích thích sự phát triển của con người. Vì vậy, ngay từ nhỏ, trẻ cần có một chế độ dinh dưỡng tốt và vận động hợp lý. Không phải đến tuổi dậy thì cha mẹ mới dạy về giới tính cho con mà phải bắt đầu trong suốt giai đoạn tuổi thơ của con để con từ từ nhận thức rõ nét dần và có phương pháp chăm sóc, bảo vệ mình.
Nhiều phụ huynh và giáo viên xem đây là vấn đề quá tế nhị, bất bình thường nên tỏ ra ngại và rụt rè khi nói với con hoặc giải thích một cách hời hợt. Chính điều này càng khiến trẻ tò mò, sợ hãi rồi tự mình đi tìm hiểu những nguồn thông tin bên ngoài như Internet, bạn bè… rất dễ dẫn đến những nhận thức sai lệch về giới tính.
Cha mẹ phải vừa là bạn, vừa là chuyên gia tâm lý, vừa là thầy thuốc của con để tư vấn và hướng dẫn cho con một cách khoa học về sức khỏe giới tính, giúp con không bị động trong sự phát triển dần về tâm sinh lý của mình.
BS ĐỖ HỒNG NGỌC, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP.HCM, tại hội thảo “Hiểu và trò chuyện với con trẻ về giới tính” diễn ra sáng 8-4. Chương trình do hệ thống trường dân lập quốc tế Việt Úc và Hội quán Các bà mẹ tổ chức.
Phạm Anh

Báo Tuổi Trẻ 14/04/2012 07:22

TT (…) Hơn 500 cha mẹ đến dự chuyên đề “Hiểu và trò chuyện với con về giới tính” được tổ chức tại TP.HCM vào buổi sáng cuối tuần qua. Hàng chục câu hỏi được viết gửi lên trong lúc những cánh tay giơ lên không ngớt.
BS Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ, với mạng Internet, trẻ ngày nay “thông thái” hơn xưa nên hỏi đủ thứ về “chuyện người lớn” là đương nhiên. Ông cảnh báo xu hướng dậy thì sớm ở trẻ gia tăng trong độ tuổi tiểu học khiến trẻ gặp khó khăn do sự phát triển không đồng đều giữa hai mặt tâm và sinh lý. Thế nhưng, không ít cha mẹ vẫn tỏ ra rụt rè khi nói với con hoặc giải thích hời hợt, qua loa càng khiến trẻ tò mò, sợ hãi rồi tự tìm hiểu từ những nguồn như Internet, bạn bè… dễ dẫn đến những nhận thức sai lệch về giới tính.
BS Đỗ Hồng Ngọc nhấn mạnh dạy trẻ về tình dục là không đủ và không cần, bởi không cần dạy cũng biết. Cái cần dạy là cách ứng xử đúng với giới của mình và phù hợp với chuẩn mực xã hội: con trai phải thế này và con gái phải thế kia. Cha mẹ sẽ dễ dàng trao đổi về chuyện “khó nói” nếu coi đó là kiến thức khoa học, con biết đến đâu thì hỗ trợ đến đó. Đặc biệt, với các bé biết nhiều, cha mẹ thậm chí có thể chia sẻ kiến thức khoa học về quan hệ nam nữ, nhưng cần lựa lời cho có tính giáo dục và trên nền tảng của tình yêu. Chưa hết, cha mẹ cần chọn cách nói “bình thường và đơn giản” giống như cách nói của thầy thuốc. Ông minh họa: “Tử là con, cung là nơi ở giống như hoàng cung của vua ở, tử cung là nơi em bé ở khi chưa chào đời”.
Một cách khác, cha mẹ có thể tìm sách/tài liệu tốt về giáo dục giới tính rồi giả vờ “bỏ quên”, trẻ đang tò mò về chuyện đó tất lén đọc. Hoặc cha mẹ có thể cùng đọc, qua đó định hướng luôn cho trẻ. Đáng lưu ý, theo BS Đỗ Hồng Ngọc, cha mẹ cần làm bạn với trẻ qua thái độ tôn trọng, chân thành, không áp đặt, cần thấu cảm (đặt mình vào vị trí trẻ). Bởi theo ông, nếu trong nhà không có “bạn” (cha mẹ), trẻ sẽ tự đi tìm hiểu từ các nguồn bên ngoài vốn không an toàn. “Cha mẹ không thể và không nên tò tò theo từng bước chân con mà cần trang bị cho trẻ nội lực để lựa chọn. Trẻ chọn hướng này sẽ dẫn tới hậu quả này, hướng kia thì hậu quả khác” – ông nói.
(theo Thái Bình)

Giáo dục giới tính: Cần một chương trình toàn diện

(Dân Trí) Giáo dục giới tính là tiến trình suốt cả đời người, là chuyện phải làm hàng ngày, trước hết là ở gia đình nhằm trang bị kiến thức, hình thành nhân cách, tạo nên một nền tảng vững chắc cho sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản sau này.
Nó bao gồm những hiểu biết về phát triển tính dục, các mối quan hệ, hình ảnh về thể chất và vai trò giới, tình bạn, tình yêu, tình dục. Giáo dục giới tính đề cập đến các khía cạnh về sinh học, văn hoá xã hội, tâm lý và tâm linh của vấn đề giới tính, từ lĩnh vực nhận thức (thông tin) đến lĩnh vực tình cảm (cảm xúc, giá trị, thái độ) và lĩnh vực hành vi (kỹ năng truyền thông, giao tiếp và kỹ năng quyết định) của mỗi cá nhân.
Tính dục gắn với con người từ trong trứng nước. Khi thụ tinh thì đã sẵn các nhiễm sắc thể X,Y, phân định giới tính cho đứa trẻ, dù đến tháng thứ ba trong bụng mẹ, thai nhi mới có đủ bộ phận sinh dục! Thiên nhiên còn trang bị sẵn một hệ thống các tuyến sinh dục, để tới tuổi nào đó thì sẽ cho kích hoạt… tạo ra các kích thích tố cần thiết để phát triển giới tính. Chờ đến lúc đó mới “dạy” thì nhiều khi đã muộn!

Cha mẹ có bổn phận dạy con cái ngay từ trong gia đình, không thể “khoán” cho ai khác. Và phải dạy rất sớm vì đây là vấn đề liên quan đến nếp sống của mỗi gia đình, đến giá trị, lòng tin, thái độ và nhất là hành vi, hình thành nhân cách của mỗi con người để có một cuộc sống hạnh phúc về sau. Ngay từ lúc mới sinh, trẻ đã được học về tình yêu thương, trìu mến, vuốt ve, cưng nựng, học về những mối quan hệ anh chị em, cha mẹ, ông bà… Trẻ học về giới tính khi cha mẹ chăm sóc, chuyện trò hàng ngày, lúc vui chơi với chúng, lúc thay quần đổi áo cho chúng, dạy chúng biết các bộ phận của cơ thể từ mắt mũi, tai miệng, đến bộ phận sinh dục… Ngay từ lúc đó, trẻ đã học “không phân biệt đối xử” với các bộ phận trong cơ thể mình, và có trách nhiệm gìn giữ vệ sinh đâu đó đàng hoàng. Trẻ lớn dần thì hiểu biết sẽ mở rộng thêm về sinh lý học, về các hành vi, thái độ, giá trị liên quan giới tính của gia đình cũng như môi trường văn hoá xã hội chúng đang sống.

Thẳng thắn, chân tình, cởi mở và khoa học trong trao đổi là cách tốt nhất để truyền thông giữa cha mẹ và con cái suốt giai đoạn tuổi thơ cũng như ở tuổi tiền dậy thì và dậy thì, tuổi thanh niên, nhờ đó tạo nên một phương cách xử thế khi trẻ trưởng thành cho vấn đề sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản. Do vậy, cha mẹ cũng phải trang bị cho mình đủ kiến thức để tự tin và có phương pháp tiếp cận phù hợp với từng lứa tuổi.

Thế nhưng do từ trước người lớn chúng ta cũng chưa hề được “giáo dục giới tính” nên không tránh khỏi lúng túng. Do vậy, để có thể “vượt qua chính mình”, cần xem xét lại một số nhận thức, quan điểm của bản thân về giới tính, về tình dục để có thái độ thích hợp. Trang bị kiến thức cơ thể học, sinh lý học tuy vậy không khó bằng cách nhìn nhận vấn đề, tức “quan điểm” – cũng gọi là các “giá trị” – của chính bản thân. Cần thấy rằng khi nói đến tình dục, không thể chỉ nói chuyện giao hợp mà phải bao gồm toàn bộ các khía cạnh liên quan như thể chất, đạo đức, xã hội, tâm linh, tâm lý và cảm xúc. Giáo dục giới tính là giáo dục toàn diện các khía cạnh đó, chứ không phải chỉ dạy cách dùng bao cao su hay sử dụng thuốc ngừa thai.

Cần có một chương trình giáo dục giới tính toàn diện, không manh mún, lẻ tẻ, mà có hệ thống, được soạn thảo không bởi một vài cá nhân “có thẩm quyền” nào đó theo quan điểm riêng của họ rồi áp đặt cho mọi người mà phải do một nhóm chuyên viên y học, giáo dục, tâm lý xã hội… ngồi lại với nhau để thống nhất một số nguyên tắc cơ bản – các giá trị – để có tiếng nói chung. Chẳng hạn tính dục là một phần tự nhiên và lành mạnh của đời sống con người. Tính dục không đơn thuần là chuyện giao hợp. Với con người, tính dục bao hàm sinh học, đạo đức, xã hội, tâm linh, tâm lý, cảm xúc…

Mọi người ai cũng có nhân phẩm, mỗi người là một cá thể độc đáo trong bối cảnh văn hoá chung. Đừng vì thấy người ta khác mình mà cho là sai lạc, bệnh hoạn rồi đối xử kỳ thị, bất công. Mỗi cá nhân có kiểu hành xử tình dục riêng, miễn là không mang lại bệnh hoạn, tai hoạ cho mình hay cho người và không trái thuần phong mỹ tục, văn hoá chung của cộng đồng. Mỗi người tự quyết định và chịu trách nhiệm về hành vi tính dục của mình và những hậu quả nếu có. Do vậy, cần có đủ kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ. Cũng cần nhớ trẻ con thích “khám phá” và tò mò học hỏi về tính dục là một tiến trình phát triển tự nhiên.

Chương trình này sẽ không chỉ dành riêng cho các nhà giáo dục, cho nhà trường – từ nhà trẻ đến sau đại học – mà còn cho truyền thông đại chúng, cho các tổ chức xã hội, tôn giáo, và cho các bậc phụ huynh – kể cả người giúp việc trong gia đình… để tránh “ông nói gà bà nói vịt”.

Về nội dung, ít nhất phải đề cập về sự phát triển của con người – từ trong bụng mẹ đến tuổi trưởng thành, mối tương quan giữa các yếu tố thể chất, tâm lý, các mối quan hệ, tương tác, các kỹ năng cá nhân – đối với bản thân cũng như giữa người với người – đến các hành vi tính dục – dựa trên nền tảng văn hoá mỗi cộng đồng – rồi mới đến các vấn đề về sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản với các bệnh lây truyền qua đường tình dục v.v… Trong mỗi nội dung đó, phải dạy cả về kiến thức, thái độ, về các giá trị, về hành vi, lối sống, cách ứng xử phù hợp trong môi trường văn hoá của cộng đồng.
(Theo BS Đỗ Hồng Ngọc
Báo Saigon Tiếp Thị)

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Hỏi-đáp, Tuổi mới lớn

Thư từ Minnesota

11/10/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 17 Comments

Thư đi… Tin lại
Ghi chú: Nhat Duong 18 tuổi. Qua Mỹ lúc 16. Đang chuẩn bị học thi vào Y khoa. Hai năm sống ở Mỹ, em có những cảm nhận thật sâu sắc. Riêng với tôi còn là một bất ngờ, đáng quý. Vì thế, trên mục “Thư đi…Tin lại” kỳ này tôi muốn chia sẻ cùng các bạn trẻ và các vị phụ huynh một cái nhìn từ một người trẻ xa nhà. Tôi cũng đã mạn phép em chuyển thư này đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.

Nhat Duong nhatduong@yahoo.com

Minnesota, ngay 3 thang 10 nam 2011,

Kính gửi Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Kính thưa Bác sĩ,
Con tên là Nhat Duong, hiện nay đang học ở Mỹ. Con chỉ vừa mới qua đây được 2 năm, nay con đã 18 tuổi rồi; cái tuổi thiệt đẹp phải không Bác sĩ?
Trong khi viết những dòng này cho Bác sĩ, con có một cảm giác thật hồi hộp mà con nghĩ Bác sĩ- hơn 60 năm về trước- cũng đã trải qua khi “đánh bạo” viết thư cho cố học giả Nguyễn Hiến Lê. Hồi hộp vì không biết có được trả lời thư hay không, hoặc Bác sĩ sẽ đánh giá sức học, trình độ văn hóa qua cách viết của mình như thế nào…

Con, đặt chân lên nước Mỹ năm 16 tuổi, thấy mình thật may mắn vì đã được “hít thở” không khí Á Đông, cụ thể là Viet Nam, thấy được vẻ đẹp của thành phố Sai Gon thân yêu mỗi sáng, nét duyên dáng của tà áo dài nữ sinh sau mỗi giờ tan học mà nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong truyện Mắt Biếc là “một kỳ quan.” Nếu được chọn lại, con vẫn sẽ chọn mình được sinh ra và lớn lên ở Sai Gon, Viet Nam, dù cho sau này con có phải vất vả học tiếng Anh như thế nào đi chăng nữa. Đối với con, tiếng Việt đẹp một cách lạ kỳ, đặc biệt kể từ hồi con qua Mỹ đến giờ. Đẹp đên mức trong những lần thắp nhang khấn Phật, con đã xin Phật cho con mãi là người Viet Nam, kiếp này và cả những kiếp sau nữa…

Cơ duyên đã cho con được “gặp” Bác sĩ qua những tác phẩm như “Như ngàn thang thuốc bổ”, “Thầy thuốc và bệnh nhân”, “Gió heo may đã về”, “Thư gởi người bạn rộn”… từ rất sớm, năm đó con chỉ đang học lớp 8 mà thôi. Mà lại lén giấu ba mẹ để đọc, sợ ba mẹ phát hiện được lại nói mình “ông cụ non”! Mà đọc lén cũng có cái thú của nó, Bác sĩ đồng ý với con chứ? Cảm giác lúc đầu của con khi đọc lời tựa “Như ngàn thang thuốc bổ” là sự kính trọng xen lẫn sợ sệt khi nghe Bác sĩ làm việc “như điên trong nhiều năm trời,” để rồi bị “tai biến mạch máu não, phải mổ gấp.” Lúc đó con đã từ bỏ ý định trở thành Bác sĩ. Nhưng rồi những tác phẩm tiếp theo của Bác sĩ đã làm con phải suy nghĩ lại, thậm chí suy nghĩ rất nhiều. Tất cả những tác phẩm của Bác sĩ, ngọai trừ “Gươm báu trao tay” và “Nghĩ từ trái tim,” con không nhớ đã đọc bao nhiêu lần từ năm lớp 8 đến nay, nhưng đủ nhiều để con thấm thía những bài học trong đó. Nhờ Bác sĩ mà con không se sua quần áo, không đua đòi ba me này nọ; rằng chỉ có học giỏi mới được mọi người “mua chuộc”.
Cơ duyên cũng cho con “gặp” nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và học gỉa Nguyễn Hiến Lê qua những tác phẩm tuyệt hay của hai ông. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nuôi dưỡng hạt giống tuổi thơ trong con, giup con yêu Viet Nam hơn. Từ hồi đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh, con tự thay đổi mình rất nhiều. Không hiểu sao truyện Nguyễn Nhật Ánh vừa có tính chất giải trí vừa có tính giáo dục rất cao. Còn về học gỉa Nguyễn Hiến Lê, thật sự con chỉ biết thưởng thức những tác phẩm của ông mà không có bất cứ 1 lời phàn nàn nào, vì những tác phẩm được viết quá khéo và quá hay!
Thưa Bác sĩ, nãy giờ con trải lòng với Bác sĩ như vậy để Bác sĩ hiểu con hơn, ngoài ra để Bác sĩ có đủ “tư liệu, thông tin” để tư vấn cho con vấn đề sau đây:

Con đang theo học để thi vào Y khoa ở Mỹ. Mục tiêu của con là trở thành Bác sĩ, cứu chữa được thiệt nhiều người, đặc biệt là người nghèo. Mặc dù con biết Y khoa là ngành khó nhất ở Mỹ, phải có bằng cử nhân (bachelor degree) và điểm thi MCAT, cộng với những sinh hoạt ngoại khóa khác. Thế nên, con rất muốn nghe lời khuyên của Bác sĩ về việc làm thế nào để trở thành 1 vị bác sĩ tốt. Được vậy con cảm ơn Bác sĩ nhiều lắm…
Một chuyện nữa là Bác sĩ cho con lời khuyên chọn vợ như thế nào sau này. Con biết Bác sĩ sẽ nghĩ con lo chuyện “nữ nhi tình trường” mà không chú tâm vô học. Nhưng Bác sĩ ơi, con sợ rằng khi con cần hỏi thì Bác sĩ đã trăm tuổi rồi…

Chuyện cuối cùng là việc nên nuôi dạy con của con ở Việt Nam hay Mỹ. Con biết vấn đề này hơi nhạy cảm một tí, nhưng thực tình con rất muốn nuôi dạy con của con ở Việt Nam. Bác sĩ cũng đã biết nuôi dạy con cái khó như thế nào, đặc biệt ở Mỹ, nơi mà nếu muốn, đứa trẻ có thể gọi 911 bất cứ lúc nào để “bỏ bót” cha mẹ nó, cùng hằng trăm khác biệt văn hóa khác. Sẽ thật tuyệt vời nếu Bác sĩ có thể cho con một lời giải cho “bài toán” này.

Con thực tình xin lỗi Bác sĩ vì đã viết 1 bức thư dài như vậy (con biết Bác sĩ mới mổ cườm mắt gần đây), nhưng xin Bác sĩ hãy cho con 1 lời khuyên để con vững tin hơn trên bước đường con đã, đang, và sẽ chọn sau này…
Nhat Duong

Saigon 7.10.2011

Tg Nhat Duong,

1. Bác thật sự ngac nhiên thấy con mới 18 tuổi, đã qua Mỹ 2 năm rồi mà con viết tiếng Việt rất tốt, nhất là những suy nghĩ của con rất Việt Nam, có lẽ nhờ con đã sống trong một nền nếp văn hóa gia đình.
2. Không đến 60 năm đâu, mới 54 năm thôi. Đó là năm 1957 khi bác “đánh bạo” viết thư cho ông Nguyễn Hiến Lê hỏi ý kiến về chuyện học hành. Hồi đó viết thư tay chứ không như bây giờ có máy vi tính, có internet. Viết tay còn có thể bị đánh giá qua chữ viết nữa đó chứ (Đời người qua nét bút)!
3. Con có thể nói rõ hơn, tại sao con thấy may mắn vì được « hit thở » không khí Á Đông ? Cho vài ví dụ? Bởi nhiều bạn trẻ như con qua được đến Mỹ thì coi như mình được “giải thoát” và hội nhập vào văn hóa Mỹ rất nhanh! Có phải con sanh ra ở Saigon? Gia cảnh ra sao? Bố mẹ làm nghề gì? Như vậy Bác mới hiểu con nhiều hơn. À, đặc biệt con thấy tiếng Việt “đẹp một cách lạ kỳ” ở chỗ nào?
3. Đọc lén, thú lắm chứ! Nhưng lén đọc “bậy bạ” thì lại không nên. Có lẽ gia đình con, Ba mẹ con đã có sẵn một số sách của Bác nên con mới có cơ hội đọc lén? Con sợ ba mẹ phát hiện nói con là ông cụ non thì Bác thấy con trở thành ông cụ non thiệt rồi đó qua thư này! Con cho Bác biết, vì sao con đọc sách của Bác mà lại thích? Bác đâu có viết “tiểu thuyết” như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh?
4. Không se sua chưng diện, tốt. Có lẽ Ba mẹ con chắc cũng ngạc nhiên thấy có thằng con không se sua chưng diện, chỉ lo học hành, lo hoạch định tương lai từ nhỏ? Tại sao ngoại trừ Gươm báo trao tay và Nghĩ từ trái tim không đọc? Có phải vì nó khó hiểu hay vì nó viết về Phật giáo?
5. Con nhận xét về 2 tác giả Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Nhật Ánh rất đúng.( Bác mạn phép chuyển thư này đến nhà văn NNA, để ông thấy ông được giới trẻ đánh giá ra sao). Bác hy vọng NNA sẽ ngày càng nâng cao tính giáo dục của tác phẩm mình, sẽ có ích nhiều cho tuổi trẻ.
5. Con phải đặt Mục tiêu từng bước. Đừng đặt Mục tiêu quá xa. Phải xong Bachelor, phải chuẩn bị thi MCAT cho thật tốt… Sau đó mới tính chuyên trở thành một bác sĩ “tốt” là như thế nào được. Ở đời nhiều khi mình tính đường này nó ra đường khác. Bác chúc con “thuận buồm xuôi gió”, nhưng đừng đặt kỳ vọng quá xa, vì nếu không thành công sẽ dễ nản chí, ngã lòng. Đọc thư con, Bác biết con là người có ý chí, nghị lực, có “văn hóa” rộng. Như vậy, dù con không thành Bác sĩ đi nữa thì vẫn sẽ thành công trên đường đời, vẫn sẽ là một người tốt, giúp ich được cho gia đình và xã hội.
6. Chọn vợ? Đây là chỗ mà Bác nói con trở thành “ông cụ non”. Lo xa quá! Chọn vợ như thế nào ư? Nhiều khi phải có « duyên » và « nợ » con ạ ! Có duyên mà không nợ, có nợ mà không duyên, cũng không thành. Trong mọi tình huống, đều phải biết uyển chuyển, trung dung. Đặt nhiều điều kiện quá dễ thất bại lắm! Con có thể tìm đọc cuốn “Tương lai trong tay ta” của Nguyễn Hiến Lê. Ông có chỉ cách “chọn vợ” trong đó.
Con 18 tuổi chắc cũng đã bắt đầu quan tâm đến chuyện nam nữ, mới thấy “áo dài” nữ sinh đẹp như thế nào phải không? Vậy là tốt. Tốt vì con là “con trai” thực sự. Hãy để thời gian tập trung lo học. “Tình duyên” sẽ đến sau. Bác còn gần 30 năm nữa mới được… trăm tuổi. Lúc đó con cũng lớn bộn rồi! Đừng lo.
7. Chuyện “dạy con” để tới đó hẳn hay. Lúc đó, con sẽ có nhiều vấn đề để giải quyết lắm. Học xong con về Việt Nam hay ở Mỹ luôn? Vợ con là ai? Ý kiến vợ con thế nào? Con phải tôn trọng, bàn bạc. Ý kiến Ba mẹ con thế nào? Còn “Ba mẹ vợ” nữa chứ! Lỡ con cưới một cô gái Mỹ hay Tàu… thì sao? Ai biết được? Que sera sera. Dù sao, con cũng nên để dành cuốn Khi Người Ta Lớn và Tuổi Mới Lớn… cho con của con! Dù sao, con của con cũng nên được trui rèn trong nền văn hóa Việt phải không?
Trước mắt tập trung lo học, đạt Muc tiêu từng bước. Rèn nghị lực, nhân cách. Giữ gìn sức khỏe.
Chúc con mọi sự tốt lành.
BS Do Hong Ngoc.

Minnesota, ngay 7 thang 10 nam 2011

Kính thưa Bác sĩ,
Con thiệt không biết nói gì hơn là cảm ơn Bác sĩ đã trả lời thư của con. Từ hồi nhỏ đến giờ đây là lần đầu tiên có người trả lời thư cho con, mà lại là Bác sĩ nữa! Con thích lắm, cảm giác vừa hồi hộp, vừa vui mừng.

Lý do con nói rằng con “may mắn được hít thở không khí Á Đông” vì con thấy cuộc sống ở Mỹ sao mà cực quá! Người Mỹ có lẽ không biết khái niệm “sống nhàn nhã” như người phương Đông, lúc nào vẻ mặt cũng căng thẳng, âu lo, vì phải lo trả tiền nhà, tiền xe, tiền điện, nước,…Ngay cả trong cách ăn uống con cũng thấy người Mỹ đang tự hủy hoại bản thân mình. Bác sĩ biết không, bên này ở các cửa hàng người ta bán các “thanh dinh dưỡng” (nutrition bar), nhìn bề ngoài gióng như mấy thanh kẹo socola; ví dụ đến bữa trưa, nếu Bác sĩ không cảm thấy muốn ăn trưa thì Bác sĩ có thể ăn 1 “thanh dinh dưỡng” đó, bảo đảm no đến chiều (theo như lời 1 thầy giáo người Mỹ của con và nhiều người khác)! Con mặc dù chưa được học Y khoa đến nơi đến chốn, nhưng mới nghe qua cũng đã thấy khó tin rồi. Một chuyện nữa là chuyện con cái đối xử với cha mẹ. Sống bên Mỹ, chuyện con cái lớn tiếng với cha mẹ dường như đã thành…cơm bữa, hình như thiếu nó không được, thiếu thì không còn là Mỹ nữa. Nếu được giáo dục theo người Việt Nam, hẳn những bạn đó không bao giờ làm như vậy. Thêm nữa, chuyện con cái bỏ mặc cha mẹ một mình khi tuổi già sức yếu, thậm chí cho vào viện dưỡng lão, là con không chịu được. Nếu Bác sĩ biết rằng ở nơi con ở, đối diện với 1 viện dưỡng lão là …nhà quàn, thì Bác sĩ cũng sẽ bức xúc vô cùng. Một ví dụ nữa là chuyện ăn mặc của học sinh Mỹ. Nhiều người mặc quần xẻ….tới đầu gối, vào trường chỉ lo chưng diện, tai đeo iPod, bông tai (tại sao con trai lại đeo bông tai? Con không tài nào hiểu được), học hành thì lẹt đẹt, hoạ hoằn lắm mới có 1 người học kha khá. Con gái thì…càng làm con thấy tiếc những tà áo dài “2 phần gió thổi, 1 phần mây.” Trang điểm, đánh phấn, gắn lông mi giả,… Chưa đến 20 tuổi mà nhìn cứ như…ngoài 30! Trong lớp con có 1 cô bạn Mỹ, một lần ngồi nói chuyện xã giao mới biết rằng bạn đó không sống chung nhà với ba mẹ mà dọn ra ngoài sống với bạn trai 25 tuổi. Mà Bác sĩ biết bạn đó bao nhiêu tuổi không? Chỉ mới 19 mà thôi! Chuyện đáng nói ở đây là ba mẹ của bạn đó cũng đồng ý luôn! Trên đây chỉ là một vài ví dụ về những chuyện con thấy trước mắt, tất nhiên con không “vơ đũa cả nắm,” bởi vì vẫn còn những người Mỹ sống rất đàng hoàng, đúng mực, học hành giỏi giang. Bản thân con tiếp thu văn hóa Mỹ cũng rất nhanh; nhưng con chỉ “Mỹ” ở trường học thôi, về nhà con lại là người Việt Nam.

Con được sanh ra và lớn lên ở Sai Gon (nhà con gần chợ Vườn Chuối ở quận 3 đó Bác sĩ), nhưng quê của bên nội con là ở Hà Đông. Bố con là nhân viên ngân hàng, mẹ con là nhân viên văn phòng. Bố mẹ con sống rất đơn giản, tiết kiệm, chi tiêu có ghi sổ sách đàng hoàng, và đặc biệt là đề cao việc học. Lúc còn nhỏ, nếu đòi mẹ con mua đồ chơi thì nhất quyết mẹ con không mua, nhưng nếu mua sách đọc thì thoải mái. Mà tính con hay xúc động, đọc truyện thấy có con mèo đi lạc, đi hoài không tìm đường về nhà được là con …khóc ngon lành. Về việc con thấy tiếng Việt “đẹp một cách lạ kỳ” ít nhiều bị ảnh hưởng bởi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và… Bác sĩ. Ngôn từ trong truyện Nguyễn Nhật Ánh vừa phong phú, đa dạng, vừa dễ gây xúc động, làm tâm hồn mềm mại hơn; đặc biệt cốt truyện nửa thật nửa hư ảo, nhưng điều làm con thích là những câu chuyện ấy rất gần với cuộc sống hằng ngày của con. Duy chỉ có 1 điều làm con thấy hơi ghét nhà văn là hầu như truyện nào cũng có cái kết buồn ơi là buồn, lần nào đọc xong con buồn mất 2,3 ngày. Vậy mà vẫn thích đọc hoài. Con thấy cảm giác buồn này thiệt dễ chịu, cứ như là nếu không buồn thì không phải Nguyễn Nhật Ánh vậy!

Mặc dù Bác sĩ không viết “tiểu thuyết” như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhưng con thấy những câu chuyện của Bác sĩ có một cái gì đó vừa như những lời răn đe, dạy dỗ, vừa châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội phương Tây và Đông. Như con đã trình bày trong thư trước, cứ nhớ đến lời Bác sĩ dặn “ráng học tập Trần Minh khố chuối đậu trạng nguyên, lấy công chúa” là con như được tiếp thêm sức mạnh. Con hoàn toàn hiểu những gì Bác sĩ muốn gửi gấm đến người đọc trong chương đó. Một điều quan trọng nữa là tuổi thơ của Bác sĩ cũng khá… giống con, cũng bị đánh đòn, cũng đọc truyện lén. Cùng “cảnh ngộ” nên con thích đọc truyện Bác sĩ, chỉ đơn giản vậy thôi.

Về việc con không đọc “Nghĩ từ trái tim” và “Gươm báu trao tay” đúng như Bác sĩ đã “chẩn đoán”: nó hơi khó hiểu đối với con, mặc dù nhà con theo đạo Phat. Con cảm thấy hai tác phẩm này hơi… lạc lỏng giữa rừng tác phẩm Bác sĩ viết cho người đọc phổ thông. Con thích coi mấy dĩa CD mà trong đó Thầy giảng bài cho Phật tử nghe, lồng ghép ví dụ thực tế, như vậy con thích hơn.

Điều cuối cùng là về vấn đề “vợ, con.” Con rất cảm ơn lời khuyên của Bác sĩ và con hứa sẽ nghe theo. Nếu điều kiện cho phép, con vẫn thích về Việt Nam sống và làm việc hơn ở Mỹ.

Con xin phép Bác sĩ cho con dừng ở đây. Chúc Bác sĩ và gia đình luôn được nhiều sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Nhat Duong

Saigon 11.10,2011
Tg Nhat Duong,
Bác hiểu con đang bị một cú “sốc văn hóa”. Cần có thời gian. Điều quan trọng, hãy giữ gìn “bản sắc” văn hoá riêng của mình nhé. Khi con lớn thêm chút nữa, con sẽ đọc được “Nghĩ từ trái tim”…
Giữ sức khỏe và ráng học cho giỏi.
Bác Ngọc.

Filed Under: Bỗng nhiên mà họ lớn, Góc nhìn - nhận định, Hỏi đáp

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)

TẠP GHI (Lõm Bõm)

Nguyễn Xuân Thiệp: VỴ ƠI…

Truyện Phan Tấn Hải: QUÊN NHAU LÀ CHUYỆN KHÓ

Thêm một Tuổi Mới

PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Biết rồi còn hỏi

Ba tầng của tâm thức – Vô Kỵ ở tầng nào?

“An cư kiết hạ” trong mùa Covi

Thư gởi bạn (2.4.2020)

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Trần Hoài Thư: Thư Tết gửi bạn thơ Đỗ Nghê ở SG.
  • Trần Doãn Nho: Lạnh lùng Texas!
  • Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)
  • TẠP GHI (Lõm Bõm)
  • Nguyễn Xuân Thiệp: VỴ ƠI…

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong CHÚC MỪNG NĂM MỚI
  • Diêu Trong trong CHÚC MỪNG NĂM MỚI
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Sách Ở Trên Đường
  • Su Su Do trong Sách Ở Trên Đường
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Tĩnh lặng
  • Tịnh Phan trong Tĩnh lặng
  • Phan Minh Tịnh trong Tĩnh lặng
  • Trần Vạn Lợi trong Chuyện kể đêm Giáng Sinh
  • hai trầu trong Chuyến về Đà Lạt cùng Quán Văn
  • hai trầu trong Chuyến về Đà Lạt cùng Quán Văn

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email