Từ góc nhìn “Phê bình sinh thái”
về bài thơ “Rùng mình” của Đỗ Hồng Ngọc
Đỗ Thị Thanh Nga
(Học viên Cao học K31. Trường ĐH Sư Phạm Huế)
Rùng mình…
Tùng địa dũng xuất (Kinh Pháp Hoa)
Người rùng mình hỏi vì sao động đất sóng thần
cứ triền miên hết ngày này sang ngày khác?
Vì sao núi lửa cứ phun trào?
Vì sao băng tan vì sao bão táp…?
Vì sao trẻ con người già bị cuốn trôi bị thiêu đốt
thành phố tan hoang cửa nhà đổ nát
như món đồ chơi của một đứa trẻ đang giận dữ
Vì sao và vì sao?
Nhưng hãy lắng nghe
Dù trong giây lát
Trái đất cũng đang rùng mình tự hỏi
vì sao những ngọn núi cứ triền miên đổ sập?
vì sao những dòng sông nghẽn tắt?
vì sao những mủi đao cứ ngày đêm xoáy sâu vào lòng đất?
Vì sao chim rừng cá biển không chốn nương thân
Vì sao cổ thụ mầm xanh bị tận diệt
Vì sao lúa bắp phải cấy ghép gen người?…
Vì sao và vì sao?
Ta nương tựa vào nhau.
Nay có vẻ đã không còn cần nhau nữa!
Đất rùng mình phận đất…
Người rùng mình phận người…
(Tạp chí sông Hương, 4/6/2018)
Đỗ Hồng Ngọc (bút danh Đỗ Nghê) là một bác sĩ, thi sĩ, một nhà văn tận tụy với
nghề và tận tâm với đời. Nói như Nguyễn Hiến Lê: “…Một bác sĩ mà lại là một
thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị…”. Thơ của ông
vừa hồn nhiên, mộc mạc, pha chút lãng tử hiện đại; lời thơ ngẫu nhiên không theo
một khuôn khổ, nhưng người đọc lại tìm được một khoảng không bình yên. Ông
từng chia sẻ: “Tôi viết sách là những thể hiện riêng tư và chiêm nghiệm của tôi.
Khi mới ra trường, tôi viết cho học trò như người bạn, người anh viết cho bạn
mình, em mình. Khi tôi có con, tôi viết cho những bà mẹ sinh con đầu lòng. Đến
50 tuổi, tôi cảm thấy chút heo may và tôi viết “Gió heo may đã về”. 60 tuổi về
hưu, tôi viết “Già ơi chào bạn”…
Thơ tại sao mà làm ra? Là bởi “như không thôi đi được” (Chu Hy). Những người
làm thơ trên cõi nhân gian đều “không thôi đi được”. Không thể thôi đi tiếng nói
trước cuộc sống. Đó là tiếng nói được bật lên khi tâm hồn va chạm với những vấn
đề đau đớn của cuộc đời, những trằn trọc suy tư về phận mình, phận người và thế
giới xung quanh. Thế giới vốn bình yên bỗng dưng bị sụp đổ, môi trường bị tàn
phá, thiên tai dữ dội hơn… Bức xúc và đau đớn, lo âu và bất bình, mẫn cảm với
vấn đề môi trường có ý nghĩa toàn cầu, cũng có nghĩa là tính mệnh con người bị
đe dọa, những tiếng nói tự phát bằng văn nghệ đã cất lên. Trong dòng văn học
sinh thái của nước ta phải kể đến những tác giả như: Nguyễn Huy Thiệp, Lê Văn
Thảo, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Trương Gia Hòa, Mai Văn Phấn, Đặng
Bá Tiến, Trần Anh Thái…. Thơ “sinh thái” của Đỗ Hồng Ngọc viết chưa nhiều
nhưng đã góp tiếng nói riêng trong dòng văn học sinh thái. Một số bài thơ “sinh
thái” của ông như: Nước, Giỗ một dòng sông… Nhưng hay hơn cả có lẻ là bài thơ
“Rùng mình”. (In trên Tạp chí Sông Hương ngày 4 tháng 6 năm 2018).
Thiên nhiên trong thơ ông vốn giản dị, trong sáng, bình thản như hơi thở, như khí
trời. Nước, gió, trăng, sao, sông, sóng…vô thủy, vô chung, an nhiên tồn tại từ
ngàn năm trước đến ngàn năm sau:
Nước từ đâu đến
Nước trôi về đâu
Từ con suối nhỏ
Từ dòng sông sâu
Từ khe núi lở
Từ dưới nhịp cầu
Từ cơn thác lũ
Từ giọt mưa rơi…
Nước vẫn muôn đời
Không đi chẳng đến
Ai người nỡ hỏi
Nước đến từ đâu
Ai người nỡ hỏi
Nước trôi về đâu…
(Nước, Vòng Quanh, NXB Trẻ 1997)
Sông ơi cứ chảy
Cứ chảy về trời
Cứ về biển khơi
Cứ làm suối ngọt
Cứ làm thác cao
Cứ đổ ầm ào
Cứ làm gió nổi
Cứ làm mây trôi…
(Giỗ một dòng sông, Thơ Ngắn Đỗ Nghê, NXB Văn hoá – Văn nghệ, Tp.HCM 2017)
Vạn vật bình đẳng, sự hòa điệu giữa con người và vũ trụ mang lại cho người đọc
cảm nghiệm mới về thời gian, về sự sống trong guồng quay của tạo hóa. “Nó
thôi thúc con người ý thức về mối quan hệ của cá nhân và vũ trụ, để kết nối, để
sống hết mình trong sự sống chứ không phải để thở than nhân sinh như mộng”
(Tịnh Thy) Nhưng đến với bài thơ “Rùng mình” mối quan hệ giữa vạn vật và con
người không còn là mối quan hệ tương hổ, hài hòa mà là mối quan hệ đổ vỡ:
Người rùng mình hỏi vì sao động đất sóng thần cứ triền miên hết ngày này sang
ngày khác? Vì sao núi lửa cứ phun trào? Vì sao băng tan vì sao bão táp…? Vì sao
trẻ con người già bị cuốn trôi bị thiêu đốt thành phố tan hoang cửa nhà đổ nát
như món đồ chơi của một đứa trẻ đang giận dữ Vì sao và vì sao?…
Những hình tượng sinh thái chỉnh thể bị phá vỡ cấu trúc nên nảy ra bao tai họa:
động đất sóng thần, núi lửa, băng tan, trẻ con người già bị cuốn trôi bị thiêu đốt
thành phố tan hoang cửa nhà đổ nát như món đồ chơi…Con người “rùng mình”
hỏi – hỏi trái đất, hỏi vạn vật, hỏi thế giới xung quanh nhưng lại không tự hỏi
chính mình. Hướng ra bên ngoài với hàng loạt câu hỏi không có câu trả lời, con
người giận dữ như một đứa trẻ giận dữ? Những câu hỏi dồn dập như là một sự
thắc mắc, oán thán, hờn trách, đau đớn và bất lực trước những tai họa mà thiên
nhiên đã và đang mang đến. Nhưng có lẽ con người vẫn cứ vô tâm, vô tình, vô ơn
đến mức không nhận ra chính mình đang hủy hoại chính ngôi nhà của mình. Khi
mà những câu hỏi ai oán, đau đớn, dằn vặt, buồn thương và cả xót xa bật lên
nhưng không một lời đáp trả thì nhà thơ như một nhà khoa học, nhà sinh học, nhà
địa lí, nhà xã hội học đã yêu cầu ta hãy lắng nghe- lắng nghe tiếng nói của trái đất:
Nhưng hãy lắng nghe
Dù trong giây lát
Lắng nghe để thấy không chỉ con người kêu gào, đau đớn và tuyệt vọng mà cả trái
đất cũng đang “đau” đang “sợ”, đang “rùng mình” “tự hỏi”:
Trái đất cũng đang rùng mình tự hỏi vì sao những ngọn núi cứ triền miên đổ sập?
vì sao những dòng sông nghẽn tắt? vì sao những mũi đao cứ ngày đêm xoáy sâu
vào lòng đất? Vì sao chim rừng cá biển không chốn nương thân Vì sao cổ thụ
mầm xanh bị tận diệt Vì sao lúa bắp phải cấy ghép gen người?… Vì sao và vì
sao?
Ngay từ khi sinh ra, con người đã có tương quan mật thiết với môi trường sống.
Nhưng họ được dựng nên, được đặt vào trong thế giới với lời nhắn nhủ đong đầy
thương yêu: “Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt
đất”. Thời gian thấm thoát trôi nhanh, con người ít nghĩ tới, và chẳng mấy quan
tâm về mối tương quan với sinh thái. Nguy hại hơn, chính những hành động “bá
chủ” quá mức và thiếu ý thức của con người khiến cho Trái đất phải gánh gồng
nỗi đau, phải lâm cảnh hiểm nguy đến độ đang kêu gào than khóc.
Khi sáng tạo trời đất, Thiên Chúa chúc phúc và làm cho mọi sự đều tốt đẹp. Vẻ
đẹp tuyệt mỹ của của Ngôi nhà chung khiến thánh Phanxicô thành Assisi không
thể kìm lòng mà hát lên: “Con xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con”. Ngôi nhà
chung ấy sẽ mãi luôn tuyệt đẹp nếu như những ngọn núi không triền miên sụp đổ,
những dòng sông không tắc nghẽn…. Nếu con người kêu gào trong đau đớn và
tuyệt vọng thì trái đất cũng kêu gào trong đau đớn và tuyệt vọng. Trái đất vốn là
nhà, con người và vạn vật nương tựa, tương giao và bình đẳng. Giờ đây, trái đất
và con người vẫn nương tựa vào nhau nhưng cứ thờ ơ, vô cảm, và bỏ mặc nhau:
Ta nương tựa vào nhau.
Nay có vẻ đã không còn cần nhau nữa!
Đất rùng mình phận đất…
Người rùng mình phận người…
Dù đau đớn thì nỗi đau ấy cũng là nỗi đau riêng. Con người không hiểu vì sao
mình gặp tai họa, và tiếng khóc của trái đất cũng không ai nghe thấu để tất cả đều
“rùng mình”, đều sợ hãi, đều đổ vỡ. Vì sao?
Phải chăng vì sự cẩu thả, vô đạo, vô ơn mà gây nên thảm họa sinh thái. Nhà thơ là
người nói hộ cho tự nhiên và thay lời cho nhà khoa học: Trái đất cũng đang rùng
mình tự hỏi vì sao những ngọn núi cứ triền miên đổ sập? Là vì mũi đao cứ xoáy
sâu vào lòng đất và tất nhiên cũng là do rừng bị phá, núi đồi bị trọc hóa.
Từ đề tài cho thấy chủ đề sinh thái của bài là thái độ quan tâm, tôn trọng môi
trường – trái đất, là phải nhận thức con người với trái đất song hành quyền lợi và
tồn tại: Ta nương tựa vào nhau
Theo Laurence Buell (Anh): Văn học sinh thái là văn học viết vì một thế giới lâm
nguy nên cảm hứng cơ bản của thơ sinh thái là cảm hứng phê phán. Phê phán thói
cẩu thả, vô đạo, vô ơn của con người gây nên những thảm họa sinh thái. Từ cảm
hứng và chủ đề, bài nói riêng và văn chương sinh thái nói chung góp tiếng nói
phản biện để lay gọi, thức tỉnh thái độ, thay đổi tư duy của con người về môi
trường.
Từ cảm hứng phê phán mà các tác phẩm đượm chất bi ca, dư âm của tác phẩm là
nỗi buồn đau khắc khoải, là niềm sám hối của lương tri con người. Chất bi ca này
biểu hiện qua những hình ảnh sống động giàu tính khái quát: động đất, sóng thần,
núi lửa, băng tan, núi sụp đổ, dòng sông tắc nghẽn, chim rừng cá biển không chốn
nương thân…. dội lên từng hình ảnh sinh thái là một niềm đau nhức nhối:
Chất bi ca còn biểu hiện qua giọng điệu. Thơ Đỗ Hồng Ngọc vốn giản dị và hồn
nhiên. Nhưng trong bài thơ này lại là giọng điệu day dứt, dằn vặt, buồn đau.
Giọng điệu buồn đau đắng đót ấy đã phản ánh thời đại bi kịch của chúng ta: khoa
học phát triển nhưng bệnh tật thì nhiều hơn. Có thể nói nội hàm văn học sinh thái
có ý nghĩa giáo dục bằng con đường phản cảm. Văn học phải cất lên tiếng nói
đánh động ý thức, thay đổi quan niệm về sinh thái để cân bằng bảo vệ môi sinh và
thời gian không chờ đợi.
Đọc “Rùng mình” ta nhận thấy có cái tôi trải ra ba chiều không gian để lắng nghe
lời than thở, đắng cay của sông, đất, nước… Tư tưởng sinh thái nâng đỡ mà cái
tôi (cũng là tiếng nói của cái ta) lớn lao mang tầm vóc thời đại.
Thơ ca sinh thái đã xuất hiện tại Việt Nam gần ba thập niên trở lại đây, đạt được
những thành tựu cơ bản về nội dung tư tưởng song về thi tứ và bút pháp thì vẫn
chưa thật rõ rệt hoặc nổi bật sắc thái. Nhưng với bài thơ “Rùng mình” của Đỗ
Hồng Ngọc nhà thơ đã góp một tiếng nói trong đấu tranh bảo vệ môi trường cũng
chính là bảo vệ ngôi nhà của chúng ta.
(ĐTTN, Trường ĐHSP Huế)
9.2023
Để lại một bình luận