Ghi chú: Nhà báo Trần Ngọc Châu một hôm “phone” tôi nói muốn làm một cuộc trao đổi vấn đề “Sức khỏe cộng đồng của TP.HCM” trong Chương trình 45 phút của FBNC. Tôi biết anh đã đọc “Saigon bây giờ” trên www.dohongngoc.com/web/ nên muốn “triển khai” thêm. Tôi đồng ý, với điều kiện không cần có một “kịch bản” nào trước cả, chỉ tương tác với nhau thôi. Anh OK. Tuy vậy, anh yêu cầu tôi mặc áo veste cho nghiêm túc vì đây là “format” của Chương trình 45 phút lâu nay. Đến nơi người ta mời tôi vào phòng “trang điểm”. Tôi nói với cô phụ trách, tôi muốn để y như tôi vậy. Nếu trang điểm thì tôi thành người khác mất! Tóc tôi phải bù xù, quăn quíu mới ra tôi. Vả lại, “Thầy già con hát trẻ”, tôi là thầy thuốc, nên cứ để già vầy mới tốt! Cô chỉ xin chấm một chút phấn lên trán cho bớt mồ hôi thôi!xem tiếp …
“TUỔI GIÀ và SỨC KHỎE”
Ngày sức khỏe thế giới 2012
TUỔI GIÀ và SỨC KHỎE
Đỗ Hồng Ngọc
Hằng năm, Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) lấy ngày 7- 4 làm “Ngày Sức Khỏe Thế Giới”, đề ra Ưu tiên về một vấn đề Sức khỏe của năm, nhằm kêu gọi sự quan tâm của cả cộng đồng từ các nhà lãnh đạo đến toàn dân, tạo nên một hành động tập thể để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho mọi người.
Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay 2012 có Chủ đề là “Tuổi già và Sức khỏe” với khẩu hiệu: “Sức khỏe tốt góp thêm đời cho năm tháng”.(ĐHN tạm dịch).
(Ageing and health: “Good health adds life to years”).
Thế giới già đi một cách nhanh chóng. Không bao lâu nữa, những người trên 65 tuổi sẽ đông hơn những trẻ em dưới 5 tuổi ở bất cứ quốc gia nào dù đã phát triển hay đang phát triển, đặt ra nhiều vấn đế lớn cho xã hội. Người gìa có phải là kẻ “vô tích sự” không, có phải là một gánh nặng không, hay trái lại, một nguồn lực quý giá của gia đình, của cộng đồng và xã hội, một “túi khôn muôn đời” dù khoa học kỹ thuật có tiến nhanh đến đâu! Có sức khỏe tốt, tuổi già sẽ có được chất lượng cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, an lạc hơn, và nhờ đó đóng góp không ngừng cho gia đình và cộng đồng.
Ai rồi cũng sẽ già, dù giàu hay nghèo, dù đàn ông hay đàn bà, còn trẻ hay đã có tuổi và đang sống bất cứ ở nơi đâu. Cho nên vấn đề làm sao để có một tuổi già khỏe mạnh là mối quan tâm của tất cả chúng ta. Đó chính là chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay vậy.
Thở đúng cách để chữa bệnh
Xuân Thái
(Cảm nghĩ về buổi nói chuyện THỞ ĐỂ CHỮA BỆNH của BS Đỗ Hồng Ngọc)
Từ hàng ngàn năm nay, con người đã biết tự chữa bệnh cho mình qua Yoga, Khí công và Thiền học. Tuy nhiên, qua các cánh rừng lý luận bao la đầy vẻ âm u kỳ bí của các pháp môn này đã làm cho nhiều người ngán ngại, sợ hãi.
Dù vậy, tất cả các pháp môn ấy giống nhau ở một điểm chung nhất, đó là đều thấy hơi thở là trọng yếu hàng đầu, hơi thở quyết định sức khỏe và sự sống.
Có thể nhịn ăn nhiều tuần lễ cũng không sao, nhịn uống nhiều giờ vẫn chưa có gì trầm trọng nguy hiểm, nhưng chỉ ngưng thở 10 phút thì sự cố liền xảy ra và có thể gây mất mạng như chơi.
Yoga cho rằng: 99 % con người hiện nay đều KHÔNG BIẾT THỞ.
Đã sống ai mà không thở, cũng chẳng cần phải học hỏi hoặc tập tành gì nhưng ai cũng thở được.xem tiếp …
Tập thở để chữa bệnh và sống cho hiện tại
Tạ Ân Phúc
(Tường thuật buổi nói chuyện THỞ ĐỂ CHỮA BỆNH của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc)
Trong cuộc sống hàng ngày, người ta thường hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia đình, công ăn việc làm… Có thể thấy sức khỏe là vốn quý của con người, nó liên quan đến thể chất, tinh thần và xã hội, nhưng thông thường người ta hay lưu tâm về thể chất hơn và nó thể hiện qua tình trạng có bệnh hoặc thương tật hay không. Khi sức khỏe thể chất suy giảm, chúng ta thường nghĩ đến việc ăn uống bồi bổ và chữa trị thông qua thuốc men, ít ai chăm lo hay quan tâm đến hơi thở của người bệnh. Thực ra, thở rất quan trọng đối với sức khỏe, có khi nó còn quan trọng hơn cả ăn uống. Thở liên quan đến việc cung cấp oxy nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Không chỉ đối với người bệnh mà đối với người ở trạng thái sức khỏe bình thường, đôi khi chúng ta vẫn thiếu oxy trong cơ thể do phải sống trong môi trường khói bụi, ô nhiễm. Thật cần thiết để tập luyện hơi thở, từ đó cơ thể có đủ lượng oxy để nuôi dưỡng những tế bào đang hoạt động và làm khôi phục các tế bào bị tổn thương. Nhận biết và kiểm soát hơi thở đúng phương pháp sẽ giúp con người khỏe mạnh và là một trong những phương pháp chữa trị bệnh tật.xem tiếp …
Để giảm tải bệnh viện
Ghi chú: Bài này đã được trích một phần đăng trên báo Phụ Nữ Tp.HCM nhân ngày Thầy thuốc VN 27.2 vừa qua. Nay đăng lại toàn văn để chia sẻ cùng các bạn về một vấn đề “nóng” hiện nay của ngành Y.
ĐHN.
Quá tải bệnh viện đang là một vấn nạn lớn của ngành y tế nhiều năm qua chưa giải quyết được. Thực ra, giảm tải bệnh viện không khó ! Câu hỏi cần đặt ra là : Tại sao quá tải ? Quá tải ở đâu ? Làm cách nào để giảm tải ?…
Và câu trả lời đơn giản: Quá tải là bởi vì bệnh nhân quá đông, bệnh viện không đủ giường nằm, nhân viên thiếu… ; y tế tuyến dưới không đủ điều kiện cơ sở vật chất, không tạo được niềm tin, bệnh nhân dồn về tuyến trên v.v…
Vậy nếu có cách nào đó làm cho dân ít bệnh đi, giường dôi ra, tăng niềm tin vào y tế ở tuyến dưới ( gọi là y tế cơ sở), sẽ giải quyết được vấn đề.xem tiếp …
Phỏng vấn BS Đỗ Hồng Ngọc
Ghi chú: Ánh Ngọc, BTV đài PTTH Bình Dương phỏng vấn BS Đỗ Hồng Ngọc một số vấn đề nhân buổi Xuân về Tết đến.
Xin chia sẻ cùng các bạn.
Thiền và Quán
Kinh Kim Cang bắt đầu bằng một chuyện rất đỗi đời thường là “ăn ngủ, đi đứng nằm ngồi, hít thở…” và kết thúc cũng bằng một chuyện rất đỗi đời thường là nhìn mọi sự như “mộng, huyễn, bào ảnh, sấm chớp…”. Thì ra những cái sờ sờ đó, những cái tầm thường đó mới là sự sống, mới là cụôc sống. Những “thực tại hiện tiền” đó mới là kiếp người. Phật từ chối nói về những chuyện siêu hình cao xa, những chuyện thần thông quái lạ. Hãy cứu lấy người đang bị trúng tên. Rút mũi tên ra, làm sạch vết thương, khử độc, băng bó. . cái đã! Hạnh phúc không ở đâu xa, không từ trên trời rơi xuống, cũng không phải do ai ban phát. Hạnh phúc ở trong ta và ở quanh ta. Hạnh phúc hay khổ đau, thiên đàng hay địa ngục là những cái do ta tự… tạo ra cho mình, nên cũng phải do ta tự xoay chuyển lấy. “Phiền não vô tận” kia thực ra cũng chính là bồ đề vô lượng nọ!
VTV1 “Câu chuyện cuộc sống”
Trò chuyện với BS Đỗ Hồng Ngọc
Ghi chép lang thang 1.10
“GIÀ KHÚ… ĐẾ!”
Ghi chú: 1 Tháng 10 là Ngày NGƯỜI CAO TUỔI. Có bạn trách sao thấy cứ viết đề tài trẻ con hoài! Vậy nên, có bài “Già khú… đế” này riêng tặng bạn bè tôi, những người đang hoặc sẽ… “khú đế”. Trên 70 tuổi mới nên đọc…
Đỗ Hồng Ngọc
1. “Già khú” là giai đoạn một, thêm một bước nữa thì gọi là “già khú… đế”. Khú, Từ diển tiếng Việt bảo là “để thâm lại và có mùi hôi”, thí dụ dưa khú, tức là một thứ dưa để lâu quá, sắp hư. Khú đế là “vua” của khú, hơn hẳn các khú!
Thật là một sai lầm lớn khi ta nghĩ rằng già sẽ đến từ từ, cứ từ từ mà thích nghi, mà giải quyết mọi chuyện lần lượt. Không đâu. Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt lên. Không những xồng xộc nó còn gia tốc, tàn bạo như cơn sóng vỗ vào bờ đá, vội vã để mau chóng nhập vào dòng nước cuồn cuộn đuổi theo sau. Nó mạnh mẽ và tàn nhẫn, tung tóe, tan tác, lắng chìm, không một chút xót thương. Nó lãnh đạm bởi nhiệm vụ nó phải thế. Nó thú vị bởi nó không phân biệt. Giàu nghèo sang hèn, da trắng da đen… Còn ta, ta chần chờ, chểnh mãn, làm ngơ… Hãy đợi đấy. Đi đâu mà vội… Không đâu! Một hôm già bỗng chuyển hệ sang già…khú, rồi khú đế đột ngột làm đảo lộn mọi thứ tính toan. Quên tuốt những ký ức, lẫn lộn điều nọ với điều kia, thứ này với thứ khác, tai không nghe rõ, nói không trôi chảy, mắt không nhìn tinh… như làn sóng đã bắt đầu tung tóe!
Già đến đột ngột và tàn bạo. Như một cơn động đất, không cần phải hỏi han, không cần báo trước. Như một cơn bão dữ, thổi ào qua, cuốn tất cả không thương tiếc. Khi nó khú đế, nó sẵn sàng làm ta trở nên lố bịch, buồn cười, ngớ ngẩn, đáng thương. Khi nhìn quanh những người già khú đế mà… còn khỏe, ta nghĩ ta chắc cũng sẽ như họ. Còn lâu. Số người như vậy rất hiếm.
Nhưng, như vậy phải chăng làm ta sẽ nhìn đời bi quan ? Không đâu. Trái lại. Nó làm cho cuộc sống của ta có chất lượng hơn, có ý nghĩa hơn. Người ta không cảm nhận được thời gian vì thực ra chẳng có thời gian.
2. Thỉnh thoảng gặp người bạn thân lâu ngày chưa gặp lại, thấy bạn sao mà nhăn nheo, già khú, hỏi mới biết còn nhỏ hơn mình vài tuổi! Bạn kể cho nghe chuyện đôi khi gặp lại « người xưa » của bạn, tưởng tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng, người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang… Ai dè không vậy. Đôi mắt huyền xưa, chiếc mũi dọc dừa… bây giờ khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang; vai gầy guộc nhỏ, từng ngón xuân nồng bây giờ chuối ngự…. Còn ta thì sao? Nguyên Sa bảo ta chỉ có thể đo đếm tuổi mình qua ánh mắt cố nhân. Thử nhìn vào gương. Có gì khác lạ đâu nào? Ấy là bởi mình quen nhau quá rồi nên chẳng kịp thấy đổi thay. Thế nhưng, đã không còn những dấu chân chim ở khóe mắt mà hằn sâu như vạn lý trường thành… Khóe miệng thì nặng nề trễ xuống như bị sức hút của quả đất. Ở một nơi không có trọng lực chắc không đến nỗi?
Bạn nhắc toàn chuyện nửa thế kỷ trước… Nào đi cắm trại Suối Lồ Ồ với Nguiễn Ngu Í, Lê Phương Chi, Hồ Xích Tú, Nguyễn Công Thuần, Quách Giao…, nào lang thang chợ sách vỉa hè Saigon, “truy lùng” sách quý, nào cà phê chiều tím, chiều nhớ thương ai… Mấy đứa cháu nội mười bảy mười tám ra vòng tay chào bác, chào bác… Bạn quắc mắt: “Ông” chớ sao lại bác! Thấy chưa, tụi nó gọi ông bằng ông nội mà gọi tui bằng bác, thấy chưa?
Bạn có khoảng đất rộng chơi cây kiểng một thời. Cả một vườn mai vàng rực cho những ngày Tết nay đà xơ xác. Căn nhà rộng đã nhường cho các con, cất một mái nho nhỏ bên cạnh như một cái am cốc, một tủ sách, một cái TV, và nhất định không xài điện thoại di động, vi tính… Đủ rồi đó, nay mai, sẽ dọn dần về những căn nhà nhỏ hơn, nhỏ hơn nữa. Rồi cùng mà cười. Bạn nói đã làm xong di chúc. Và cũng đã căn dặn, rải xuống sông Soài Rạp, quê nhà.
Phone cho người bạn ở tận miền Trung xem bạn đã khú ra sao. Bạn đi vắng. Không biết đi đâu. Chị càu nhàu. Hỏi “tình hình” sao rồi? Chịu hổng nổi ổng. Chị nói. Tôi chỉ muốn “cắn” ổng mấy cái! Ấy, chớ, đừng. Đừng cắn. Chị mà cắn ổng người ta tưởng chị “mê” ổng lắm đó. Tục ngữ có câu: “Yêu nhau lắm cắn nhau đau” mà, nhớ không? Hồi xưa hai ông bà mê nhau như điếu đổ! Anh bạn làm thầy giáo, một nhà thơ rất dễ thương, lấy bút hiệu con gái để dễ đăng những bài thơ mượt mà trên các báo thời đó. Giờ anh đi lai rai chỗ bạn bè, em cháu, những chốn chùa chiền…
3. Nhân có bác sĩ Thịnh ở Mỹ về , chúng tôi ơi ới gọi nhau rôm rả ở một quán hải sản thành phố. Theo lời một anh bạn, quán hải sản có cấu trúc mỗi phòng như một khoang thuyền để mọi người lắc lư cùng sóng gió.
Thiệt là tay bắt mặt mừng. Nhiều khi ngớ ra. Biết mặt mà quên tên. Biết tên mà quên mặt. Học chung với nhau dưới mái trường y khoa Saigon đằng đẵng bảy năm trời, không thể không quen, vậy mà đôi lúc cũng ngỡ ngàng, chưng hửng! Người thì hom hem… người thì béo ị… người bạc trắng, người cà khêu… Ôi cái thời sinh viên y khoa hào hoa phong nhã, tếu táo vung trời! Có lẽ do cái sự học y dài lâu và nghiệt ngã, tiếp cận bao nỗi con người… nên bọn y khoa nổi tiếng là tiếu lâm hạng nhứt, mặc dù học hành nghiêm túc chẳng ai bằng! Nhớ thời đó, ai vào y khoa cũng bị đặt cho một cái “biệt danh”, cái “hỗn danh”, cái “tục danh” chịu hổng nổi, rồi chết cứng với tên gọi đó suốt đời. Bạn bè gặp nhau chỉ cần kêu một tiếng thì cả một dĩ vãng ùa về…! Tên có thể quên chớ tục danh thì khó mà không nhớ. Thịnh, là Thịnh Văn Chương, “Chương còm”. Qua Mỹ mất tên, còn họ, “Doctor Thịnh”! Tại sao còm? Bởi còn có Chương “chuột”, rồi Cầm “chim”, Sơn “gà”…Tại sao chuột? Nhìn nó… chuột, thế thôi. Còm nay đã hết còm, chuột nay không còn chuột. Thế mà cái “tục danh” còn đeo đẳng mãi làm nhớ cái anh ốm nhom, lòm còm mà nhanh nhẹn, cái anh thấp lùn mà lém lĩnh, thông minh…. Còn anh bạn Mai cao nhòng, ngất ngưỡng, hình như có lúc làm ban đại diện lớp, được gọi là “Mai vói” (phát âm theo giọng Nam bộ!), bởi ai muốn nói chuyện với anh cũng phải vói lên một chút!. Rồi bạn C – có lẽ vì nghiêm trang, ít khi đùa giỡn – nên được gọi là “ C bặt”. Nhưng chuyện của anh bây giờ là một tấm gương luôn được bạn bè nhắc tới. Anh bị đủ thứ bệnh, toàn bệnh nặng, biến chứng tùm lum, mấy phen tưởng đã xong, thế rồi anh quyết định tự xây cho mình một cái kim tĩnh… Từ đó anh khỏe hẳn ra, không thèm bệnh, không thèm chết nữa!
Bỗng có bạn hỏi, Lộc bây giờ ở đâu? Lộc nào? Lộc nào? Nhao nhao lên. Lộc “tr” hả? Đang ở Úc, rồi Q heo, rồi H “nám”, để khác với H “Rhade”, H “mù”, H “con”… Rồi Cường “sùi”, Thăng “lùn”, Bá… kẻ còn người mất. Cả đám bác sĩ vào trường y nửa thế kỷ trước bây giờ đều trên dưới bảy mươi không mấy ai là không bệnh tật! Đã bệnh thì toàn thứ dữ. Bác sĩ mà! Nhồi máu cơ tim, nong, stent, by pass… tai biến mạch máu não, tiểu đường, thận, khớp,…
Nhưng thật lạ lùng, bạn bè cũ cứ ngồi với nhau một lúc nhắc những chuyện xưa bỗng dưng ai nấy đều trẻ lại không ngờ. Trẻ như không hề có thời gian.
(ĐHN)
Viết nhân năm học mới: Thầy Đỗ Hồng Ngọc
ThS BS Trương Trọng Hoàng
Hôm nay dù chưa đến ngày 20/11 tôi vẫn muốn viết về BS Đỗ Hồng Ngọc – một người Thầy với phong cách giảng dạy đặc biệt đã để lại những ấn tượng và ảnh hưởng sâu sắc đối với công việc giảng dạy của tôi.
Lớp Y1A Đai học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (12.9.2011)
Còn nhớ cách đây đã lâu lắm rồi, ngày tôi học năm thứ 4 Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được học một buổi với Thầy – chỉ một buổi thôi nhưng đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm. Ngày đó Thầy đến lớp, giảng bài Săn sóc sức khỏe ban đầu trong Nhi khoa, khác với tất cả các giảng viên khác đó là Thầy chỉ giảng bằng hình. Thời đó hình không phải dễ làm, phải chụp bằng phim dương bản (slide), vô khung và phải dùng máy chiếu slide để trình chiếu. Và chính là nhờ những hình ảnh ấy của Thầy mà tôi thấy được Săn sóc sức khỏe ban đầu là những hoạt động thực tế, thấy được cuộc sống thật, thấy được những cảm xúc của người dân thể hiện qua những nụ cười, những vẻ mặt hân hoan, những hoạt động tích cực của họ. Nhờ đó mà tôi có được những cảm nhận sâu sắc, điều mà những bài giảng khác không cho tôi được và đó chính là điều mà tôi nhớ nhất.xem tiếp …
“Cân Bằng Cuộc Sống”, hạnh phúc trong tầm tay mỗi người
Trong cuộc sống hiện đại, ngay trong lòng xã hội Việt Nam, ngày nay người ta phải nỗ lực nhiều hơn, bươn chãi nhiều hơn để có thể đáp ứng nhu cầu của cuộc sống cá nhân và gia đình. Người ta lao vào công việc như một cái máy được lập trình sẵn, mà quên đi những nhu cầu khác về thể chất, tinh thần và tâm linh, cũng như lơ là trong các mối quan hệ với bằng hữu, gia đình và xã hội. Điều đó làm cho cuộc sống con người trở nên mất cân bằng, dễ rơi vào trạng thái căng thẳng (stress) và dẫn đến nhiều căn bệnh cũng như những hệ lụy khác. Liệu có cách nào dung hòa giữa công việc và phần còn lại của của cuộc sống mỗi người?
Sau ba tháng nghỉ hè, kể từ chương trình Mừng Ngày Của Cha 12/06, chiều thứ Bảy ngày 10/09/2011, Chương Trình Chuyên Đề thuộc Ban Mục Vụ Gia Đình Sài Gòn đã hoạt động trở lại, với loạt đề tài về kỹ năng làm chủ bản thân. “CÂN BẰNG TRONG CUỘC SỐNG” là đề tài được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Trưởng Bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, nhằm trả lời câu hỏi trên trong bầu khí giao lưu, vui tươi, thoải mái với gần 300 người tham dự. Với vẻ bề ngoài còn rất trẻ trung, thật khó có thể hình dung đó là một diễn giả 71 tuổi, bác sĩ đã trình bày đề tài bằng phong cách đĩnh đạc của người có trải nghiệm về mặt xã hội cũng như uyên thâm về y khoa, nhưng không kém phần dí dỏm, gây cười, thu hút giới trẻ như bác sĩ đã từng gây ấn tượng với bao học sinh, sinh viên khi phụ trách “Phòng mạch Mực Tím” nổi tiếng trong một thời gian dài.
Dưới tác động của thế giới hiện đại, với thông tin bùng nổ, mọi thứ tiện lợi, bác sĩ đã đặt ra vấn đề với hàng loạt câu hỏi: Tại sao người xưa thảnh thơi, có cuộc sống cân bằng hơn chúng ta bây giờ? Tại sao người xưa nghèo khó mà vẫn “nuôi con giỏi dạy con ngoan”? Tại sao…??
Ngày xưa, người đàn ông là trụ cột trong nhà, đi làm kiếm tiền nuôi sống cả gia đình; Người phụ nữ chủ yếu được giao trọng trách nuôi con, dù trình độ học vấn không cao, nhưng có thể nói đã nuôi dạy con rất tốt. Nhưng giờ đây cả đàn ông và phụ nữ đều phải làm việc “đầu tắt mặt tối”, 12-16 giờ /ngày (kể cả ăn trưa, đi lại…). Luôn căng thẳng với nạn kẹt xe, khói bụi, lô cốt, tai nạn giao thông…. Về nhà chỉ còn ít giờ cho cơm nước, ngủ, nghỉ, giải trí, lo cho con cái… hành trang mang về nhà là bao nỗi bực dọc, bao việc chưa giải quyết xong… bơ phờ, hốc hác.
Thời buổi hiện đại ngày nay với những phương tiện tối tân, dường như cả thế giới được gói gọn trong lòng bàn tay, nhưng những lời than thở về đời sống lại thường xuyên được bắt gặp trong các buổi tham vấn vì cuộc sống cứ thế lặp đi lặp lại: “Sáng vác ô đi, tối vác về”, gia đình chán nản, bản thân chán nản.
Sức khỏe là yếu tố quan trọng trong cuộc sống mỗi người, nhưng ít ai quan tâm thực sự sức khỏe là gì? Theo định nghĩa của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) vào năm 1946, sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well being; bien-être) về thể chất (physical), tâm thần (mental), xã hội (social). Rõ ràng, sức khỏe không chỉ được đo lường bằng tình trạng có bệnh hay không có bệnh như nhiều người lầm tưởng. Chính vì thế, nhìn vẻ bề ngoài không thể biết chính xác sức khỏe của một người, nhất là về sức khỏe tâm thần và tâm linh.
Ngày nay, sức khỏe xã hội là điều cũng đáng được quan tâm khi người ta thường xuyên gặp phải những bức xúc, bực bội trong cuộc sống: ra đường gặp lô cốt, đến cơ quan công quyền gặp điều khó chịu, đến bệnh viện thì chật chội, bất an.
Bác sĩ đã dí dỏm khi nói đến cái thâm sâu trong tiếng Việt: Đau khổ là đau thể chất, khổ nỗi niềm; Bệnh hoạn: có bệnh là có hoạn nạn. Ngành y tế chỉ chăm lo mở bệnh viện cho nhiều, đó là điều nguy cơ vì chỉ quan tâm đến bệnh hoạn mà không quan tâm đến sức khỏe thực sự có cả về tâm thần và xã hội.
Một trong những vấn đề có liên quan đến sức khỏe tâm thần và xã hội chính là stress (căng thẳng tinh thần). Stress là nguyên nhân tiềm ẩn của 60-90% bệnh nhân đến khám bác sĩ. Nó gây nhiều bệnh chứng dẫn đến trầm cảm, tự tử, giảm chất lượng cuộc sống. Nhưng có một điều may mắn là đối với stress thì phòng bệnh dễ hơn trị bệnh, và một đời sống cân bằng là cách phòng stress tốt nhất.
Những bức hình vui đã nói lên những hoạt động có thể xảy ra trong đời sống hiện đại, khi có người nói rằng “Có 2 lần trong ngày tôi cảm thấy stress là ngày và đêm”. Đó là hình ảnh người người phụ nữ xoay lưng vừa bế đứa con với đôi mắt như diễn tả đôi mắt người mẹ, vừa phải làm việc trên máy vi tính xách tay; vừa phải lo cho công việc bếp núc; Hình ảnh người phụ nữ mở to miệng hét vào điện thoại; Hình ảnh người đàn ông vừa chạy như bay, tay xách vali, tay cầm điện thoại nghe với vẻ mặt căng thẳng.
Để nhận diện được stress cần biết những dấu hiệu của stress, bao gồm:
– Những dấu hiệu về nhận thức: Giảm sút trí nhớ; Do dự, khó tập trung; Suy nghĩ không logic; Phán đoán sai ; Chỉ thấy mặt tiêu cực; Mất định hướng; Hoang mang, sợ hãi.
– Những dấu hiệu về cảm xúc: Buồn rầu; Dao động, bứt rứt; Tâm tính bất thường; Kích động/Thiếu kiên nhẫn; Không thể thư giãn; Dễ cáu gắt, căng thẳng; Cảm giác bị tràn ngập, cô đơn; Trầm cảm…
– Những dấu hiệu về thể chất: Nhức đầu, đau lưng, đau cột sống cổ; Rối loạn tiêu hóa, bón…; Răng miệng hôi; Mất ngủ/ Tức ngực; Thị giác kém; Mụn, chàm ngoài da; Yếu sinh lý…; Dễ cảm cúm, nhiễm trùng…
– Những dấu hiệu về hành vi: Rối loạn dinh dưỡng (Béo phì,Gầy); Xa lánh mọi người; Tìm đến rượu, thuốc lá, ma túy…; Căng thẳng (Cắn móng tay, đi lui đi tới)…; Nghiến răng, nhai nhóp nhép… ; Hoạt động quá đáng (mua sắm, thể dục…); Phản ứng quá độ/ Dễ gây sự…
Cân bằng cuộc sống, cách nào? Vấn đề này đặt ra cho xã hội hiện đại là giải quyết làm sao để cân bằng cuộc sống. Cuộc sống như một bánh xe đang lăn, khi bánh xe mà phình chỗ này, xẹp chỗ kia thì nó chạy không đều được. Người ta đưa ra những thứ ảnh hưởng đến bánh xe cuộc sống như tài chính, gia đình, tâm thần, công ăn việc làm, xã hội, thể chất, tâm linh… tất cả những thứ đó cần phải đều nhau để bánh xe lăn tròn.
Cuộc sống người ta được ví như một người làm xiếc với những trái banh. Trái banh công việc được ví như trái banh cao su, thả nó xuống thì nó dội lên, công việc có mất đi thì cũng sẽ có lại, còn những trái banh khác là trái banh bằng thủy tinh, nó rớt xuống thì sứt mẻ, vỡ vụn, thế nên gia đình nếu gãy đổ thì khó hàn gắn lại, sức khỏe mà tiêu đi thì khó phục hồi lại…
Các biện pháp giúp cân bằng cuộc sống:
– “Từ bi với mình”: đừng làm cho mình đau khổ, bệnh tật mà cần quan tâm đến bản thân một chút. Cần bớt tham sân si, nếu tham nhiều, cứ muốn điều này đến điều khác sẽ dễ dẫn đến giận dữ, phải biết cách sống trong hiện tại. Trong tiếng Anh có chữ present có 3 nghĩa thật hay vừa là có mặt, là hiện tại, và là món quà: có mặt trong giây phút hiện tại đó là món quà của cuộc sống.
– Xác định mục tiêu vừa tầm: muốn nhiều quá, ôm đồm quá sẽ không đạt tới được, gây ra đau khổ.
– Chọn ưu tiên: chọn điều gì trước thì tập trung vào điều đó như phải chọn giữa gia đình, tình yêu hay tiền bạc…
– Phân bố thời gian: có thời khóa biểu và phải biết ủy quyền, nếu không biết ủy quyền thì tự làm khổ mình vì quá ôm đồm. Chronophage: nuốt thời gian, có những điều làm cho người ta mất thời giờ vô ích nên cần phải tránh bớt điều không cần thiết cho cuộc sống.
– Cần phải có kế hoạch, nhưng kế hoạch đừng quá máy móc, dễ gây đổ vỡ.
– Cần chú ý đến môi trường làm việc kể cả môi trường xã hội, các phương tiện phục vụ công việc. Con người căng thẳng thì dễ dẫn đến các nguy cơ. Trước đây, trong các công ty lớn ở Nhật người ta tạo ra những phòng có bao cát dán hình nộm giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng để nhân viên đấm vào đó như là một hình thức xả stress.
– Cần có những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp: tôn trọng, chân thành tạo sự tin tưởng của người khác, thấu cảm để đặt mình vào vị của người khác, để hiểu rõ sự việc, hiểu được hết họ, người nào có khả năng thấu cảm người khác người đó sẽ dễ thành công.
– Sử dụng công nghệ: đừng để bị lệ thuộc vì nhiều khi mất thời giờ hơn là hiệu quả, nhiều khi nó làm phá vỡ khung cảnh tự nhiên và làm cho con người bị lệ thuộc.
– Đừng ôm công việc cơ quan đem về nhà; Gần gũi với thiên nhiên; Đừng quên chăm sóc sức khỏe. “Self care”: cần tự chăm sóc mình, tốt nhất là có một “bác sĩ riêng” là những người quen biết để khỏi hoang mang trong vấn đề y tế; Dành thời gian cho bản thân;
– Giảm “Stress” bằng cách thở bụng, tập thiền, Yoga, du ngoạn, giải trí…
– Dinh dưỡng hợp lý: Theo tháp dinh dưỡng, theo bốn nhóm thức ăn và cách ăn.
– Cần tìm niềm vui trong hoạt động giải trí, sáng tạo: Viết, vẽ, ca, hát, nhảy múa… chụp hình, quay phim, cắm hoa, nấu ăn…“Cầm kỳ thi họa”, tận dụng mặt có lợi trong thời đại Internet.
– Với gia đình, đó là mối quan tâm lớn cần để ý. Nếu không, gia đình không còn là tế bào của xã hội nữa, mà là nơi đào tạo ra những người xấu, những thế hệ tương lai không tốt nữa. Vì thế cần dành thời gian cho gia đình;
– “Từ bi hỷ xả”, quan tâm đến người chung quanh… Sống trong hiện tại, đừng so sánh, đừng bắt mình phải giống người khác, đừng chạy theo thành tích, sống dối trá, khoe khoang, hình thức (xe cộ, quần áo, hàng hiệu…).
Cách thực hành để tìm ra sự không cân bằng trong đời sống của mình là vẽ ra sơ đồ những vòng tròn đồng tâm, sau đó chia thành 6 hoặc 8 phần bằng nhau và ghi vào đó những mục tiêu muốn theo đuổi tùy theo mỗi người. Chẳng hạn: công việc, sức khỏe, tài chính, sở thích, vui cười – những thử thách, học hỏi, bạn bè, gia đình. Sau đó tô màu đánh dấu đo lường mức độ quan tâm của mình trong từng lĩnh vực. Vùng tô màu nào càng gần tâm thì mức độ quan tâm càng ít. Các vùng tô màu càng không đều nhau thì sự mất cân bằng trong đời sống càng lớn.
Mục đích của việc vẽ ra sơ đồ này là làm cho người ta nhận ra mình đang thiếu sót hoặc quan tâm quá mức lĩnh vực nào, cần để ý hoặc giảm thiểu sự quan tâm để cân bằng các lĩnh vực trong cuộc sống. Đôi khi người ta cũng phải biết bỏ đi, tự giải phóng mình, phải có thời gian cách ly với những nguyên nhân gây stress trong đời sống của mình.
Nếu muốn giữ sức khỏe cần phải thực hiện theo nguyên tắc SAFER: Không thuốc lá (Smoking), Giảm rượu (Alcohol), Dinh dưỡng đúng (Food), Vận động (Exercise), Thở (Respiration). Cần tự nhắc nhở mình cắt bớt những nguy cơ dẫn đến bệnh tật hoặc sự căng thẳng không cần thiết trong cuộc sống. Nếu có điều kiện vận động tốt thì đó là điều quá quý báu hay có chế độ dinh dưỡng đúng cách cũng làm người ta không bị cuốn hút vào những thực phẩm mà hiện nay có nhiều vấn đề cần lưu tâm.
Muốn cân bằng cuộc sống cần phải quan tâm đến nhiều điều và cần nhớ rằng tự mình mới có thể điều chỉnh được, chứ bác sĩ không thể làm thay việc đó. Điều này không quá khó mà tất cả nều nằm trong tầm tay của mỗi người để công việc và đời sống cân bằng với nhau.
Sau khi kết thúc đề tài, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã dành thời gian để tận tình trả lời các câu hỏi mà khán giả đặt ra: về thiền theo quan điểm y học để giảm stress; về tinh thần cầu tiến; sự khác biệt giữa phấn đấu và tham vọng trong cuộc sống; giữa công việc và cuộc sống. Bác sĩ đã chân thành chia sẻ về những biến cố trong cuộc đời mình, để từ đó thay đổi cách sống, cách làm việc, nhằm nhận ra sự đơn sơ của hạnh phúc để có cuộc sống cân bằng.
Tạ Ân Phúc.
(tường thuật)
Cân bằng trong cuộc sống giữa một thời đại nhiều chênh vênh
Hương Thơ
Gần 300 khán giả tới tham dự đề tài “CÂN BẰNG CUỘC SỐNG”, đặc biệt là các bạn trẻ, các bạn sinh viên. Khán giả gửi tới thuyết trình viên nhiều phản hồi với những câu hỏi được nhìn từ các khía cạnh vào cuộc sống mà bạn trẻ cảm thấy nhiều bấp bênh trong thời đại hôm nay.
Chiều thứ 7, ngày 10/09/2011, tại hội trường B102, Chương Trình Chuyên Đề đã khai giảng Chuyên Đề Khóa 16 với đề tài thứ 119: “CÂN BẰNG TRONG CUỘC SỐNG”.
Với phong cách điềm đạm pha lẫn dí dỏm, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã đem đến cho khán giả những suy tư về tình trạng cuộc sống căng thẳng trong thời đại nhiều tiến bộ và đổi thay ngày nay, cùng với những phương pháp ứng phó.
Từ năm 1946, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khái niệm về sức khỏe như sau: Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well being; bien-être) về: thể chất (physical) tâm thần (mental)và xã hội (social), chứ không phải chỉ là không có bệnh hay tật.xem tiếp …
Một vài hình ảnh
Giao lưu với bạn đọc Cần Thơ ngày 26/8/2011
Ghi chú: Tôi bàn trước với Ngọc Đức, MC của buổi Giao lưu rằng tôi muốn có một buổi trò chuyện thân tình, gần gũi và sâu lắng, dành nhiều thì giờ cho phần hỏi đáp từ phía bạn đọc. Hội trường rộng, đã đông vui những bạn bè dù có một cơn mưa nhỏ. Hơn 200 người đã đến dự. Có người đến từ Kiên Giang, thật cảm động. Một số các bạn ở Đài truyền hình Cần Thơ và báo chí cũng đến. Một thầy giáo, giảng viên Đại học Cần Thơ lên hát tặng một bài Trịnh Công Sơn, một cô hát tặng Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ…
Nhiều bạn bè chưa từng biết mặt nhưng thực ra đã thân thiết từ lâu qua những trang sách… Xin cho gởi lời tri ân đến các bạn và hẹn một dịp khác với Cần Thơ.
Giao lưu với bạn đọc Đà Lạt ngày 28/8/2011
Từ Cần Thơ “vút” lên ĐàLạt, cuộc hành trình đường xa vất vả nhưng khí hậu mát mẻ của Đà Lạt đã làm tan biến nhanh những cơn mệt nhọc. Tay bắt mặt mừng. Những bạn bè thân thiết, những độc giả mến yêu. Buổi giao lưu trở nên sôi nổi với những câu hỏi thú vị và sâu sắc từ những bạn trẻ. Những tấm ảnh kỷ niệm với nụ cười rạng rỡ khó quên. Sau buổi giao lưu, nhiều người nán lại… đã trở thành buổi tham vấn sức khỏe ngoài chương trình!
Trò chuyện với các Ni và các bé mồ côi chùa Nguyên Không (Đà Lạt)
Tranh thủ buổi chiều Chủ nhật 28.8, tôi ghé thăm Chùa Nguyên Không của sư Tâm Hạnh để gặp gỡ các Ni cô và các em bé mồ côi đang được nuôi dưỡng tại đây. Đó là một buổi trao đổi về đề tài Tuổi mới lớn, về sức khỏe cho người tu tập… Các em đã nêu hằng chục “thắc mắc không biết hỏi ai” và được trả lời thỏa đáng… Tôi đã 2 lần lỗi hẹn với Nguyên Không cho các lớp học tổ chức tại chùa mùa An cư vừa qua nên lần này cố gắng đến thăm lại.
Giao lưu trực tuyến với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tại Nhà sách Phương Nam TP.HCM ngày 25.8.2011 ( tiếp theo )
11. Câu 1: BS cảm nhận như thế nào về lứa tuổi teen hiện nay và thời teen của BS? Nếu được viết về lứa tuổi teen hiện nay BS có cảm thấy khó viết hơn lúc trước không ? Câu 2:Một lời khuyên cần thiết nhất đối với độc giả hiện nay BS sẽ nói điều gì ? (Lê Thanh Liêm – lethanhliem74@yahoo.com.vn – 25/08/2011 10:36)
Câu 1: Viết về tuổi teen hiện nay, tôi cảm thấy khó viết hơn lúc trước nhiều chứ. Tuổi teen hiện nay có vẻ biết quá nhiều và nhiều khi biết không chính xác, đặc biệt là những vấn đề về tình dục, giới tính. Tôi đã giữ Mục “phòng mạch Mực Tím” của báo Mực Tím suốt 12 năm trời, nhưng bây giờ đọc những câu hỏi đáp của các bạn teen tôi cũng giật mình.
Câu 2: Có phải bạn định nói độc giả tuổi teen không?Theo tôi, thì nên tìm những nguồn thông tin chính thức và phải biết tự bảo vệ mình, tự trách nhiệm về mình.xem tiếp …
Giao lưu trực tuyến với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tại Nhà sách Phương Nam TP.HCM ngày 25.8.2011
1. Bác sĩ ơi dạo này em thấy hay nặng đầu, người cứ như đi trên mây, nghĩ một đằng nói một nẻo. Lúc trước có nhiều thứ chớp mắt một cái là nhớ vanh vách, nhưng giờ cái số CMND của em cũng quên tuốt luốt, từ trưa đến giờ em ngồi mà chỉ nhớ được 2 con số trong đó, người của mình nhưng không biết não của ai,… Trước giờ chưa bao giờ em lâm vào tình trạng này. Đôi khi thấy bế tắc và bất ổn, dù hiện tại không có gì khiến em buồn phiền hay lo âu, chỉ có công việc thôi. Không biết đó có phải là nguyên nhân? Và em phải làm cách nào ? (NGOC ANH – ngocanh2311us@yahoo.com – 25/08/2011 09:37)
Đỗ Hồng Ngọc: Chứng tỏ em đang bị stress rất nặng. Nếu để kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, nguy hiểm. Trước mắt nếu có thể được tạm dừng công việc một thời gian, cách ly hẳn công việc hoặc thay đổi một công việc khác phù hợp hơn để tránh bị áp lực quá nặng. Đồng thời cũng có thể tập luyện các phương pháp dưỡng sinh, thở bụng, yoga, thiền… cũng có thể hỗ trợ cho việc phục hồi sức khoẻ.xem tiếp …
