Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Tuệ Sỹ: PHƯƠNG NÀO CÕI TỊNH (viết từ cảm hứng “Cõi Phật Đâu Xa” của ĐHN)

03/08/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

Thư Đỗ Hồng Ngọc kính gởi Thầy Tuệ Sỹ

Vườn Chuối, 21.7.2019

Mới thôi mà đã hơn 2 năm, từ ngày Thầy gởi tôi bài  PHƯƠNG NÀO CÕI TỊNH “viêt từ cảm hứng Cõi Phật Đâu Xa của Đỗ Hồng Ngọc” và bảo để in vào sách khi tái bản.

Vừa rồi, máy vi tính của tôi bị hỏng toàn bộ ổ cứng, mất hết các dữ liệu. May sao người cháu “cứu” được một ít trong đó giữ lại được bản này. Tôi đọc lại mà rưng rứt, nhớ Tết nào cùng Thân Trọng Minh đến thăm thầy ở Thư quán Hương Tích, trò chuyện thật vui, đặc biệt về vở “nhạc kịch Duy-ma-cật”  vốn đầy kịch tính, từ những nhân vật “phản diện” cho đến bối cảnh, với những cao trào có thể mang tính nghệ thuật cao, với vai “Người dẫn truyện” của Văn Thù, vai Thiên nữ tán hoa cùng tiếng đàn hát dìu dặt, thanh thoát…

Tôi hiểu từ lâu thầy đã ấp ủ “kịch bản” này đâu đó sẵn rồi. Thân Trọng Minh và tôi chỉ đóng góp thêm vài ba ý cho thêm phần “hấp dẫn”. Thầy biết đó, Thân Trọng Minh vốn là người viết kịch! Cao Huy Thuần bên trời Tây nghe được cũng hết lòng ủng hộ và nói sẵn sàng sắm một vai…

Tôi nay đã 80 tuổi, già nhanh rồi, mà vừa trải qua những ngày không vui vì mất hết dữ liệu trong ổ cứng máy tính. Nhờ người cháu tậu cho cái ổ cứng mới nên nay vội viết thư này xin phép thầy hoan hỉ cho phép tôi đưa bài “Phương nào cõi tịnh” lên dohongngoc.com. Đây là trang web của riêng tôi, chỉ nhằm lưu trữ bài vở, và cũng in ra giấy để giữ.

Vừa rồi tôi nóng ruột, đã thử phone thầy và nhắn tin xin phép, mới hay Thầy và cả thầy Hạnh Viên đều đang nhập thất mùa An Cư Kiết Hạ.

Tôi hoàn toàn đồng ý với thầy:

“trình độ ngôn ngữ và năng lực tư duy của chúng ta vốn hữu hạn, cho nên bằng con đường nghệ thuật mà đi vào ngõ đạo có thể tương đối dễ hơn”…

Mong Thầy hoan hỷ nhấp một chung trà lão Triệu, với nụ cười rất tuệ sỹ vậy nhe.

Thân kính,

Đỗ Hồng Ngọc.

Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh và Thầy Tuệ Sỹ (Thư quán Hương Tích).

………………………………………………………………………………..

 

 

PHƯƠNG NÀO CÕI TỊNH

Tuệ Sỹ

(viêt từ cảm hứng “Cõi Phật Đâu Xa” của Đỗ Hồng Ngọc)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ta hỏi kiến nơi nào Cõi Tịnh,

Ngoài hư không có dấu chim bay?

Từ tiếng gọi màu đêm đất khổ,

Thắp tâm tư thay ánh mặt trời.

 

Lần đầu tiên tôi tình cờ gặp bản dịch Duy-ma-cật sở thuyết của ngài Huệ Hưng; hành tung ly kỳ và chuổi lý luận của Duy-ma-cật khiến đọc say mê, nhiều đoạn học thuộc lòng. Có thể không “choáng ngợp” như anh Cao Huy Thuần vì trình dộ nhận thức của tôi bấy giờ chỉ là của một cậu bé 14 tuổi, không thể sâu sắc như  vị giáo sư trẻ tốt nghiệp Đại học Luật khoa Huế. Một chú tiểu tu chùa Việt nhưng học kinh điển theo hệ Theravāda với các Sư người Lào, do đó cực kỳ kính trọng các A-la-hán, và vì vậy không có cảm giác Duy-ma-cật đã có thể triệt hạ địa vị các Đại Thanh văn. Lớn lên chút nữa, qua nhiều năm học thêm nhiều kinh luận Đại thừa, đọc thêm các nhà luận giải Trung hoa chê bai tư tưởng các vị Thanh văn thấp kêm, tâm tư nhỏ hẹp, và kêt án khá nặng là “hạng tiêu nha bại chủng”, hủy diệt mọi thứ mầm non và hạt giống tốt của giác ngộ.

Cùng với sự phát triển của loại “khẩu đầu Thiền”, thuyết lý Thiền tông trên đầu môi chót lưỡi, phát sinh một lớp sư tăng “cuồng thiền”: thỏng tay vào chợ, thanh lâu, hý viện, đâu chẳng là thanh tịnh đạo tràng. Nhưng với sự huân tập từ hồi còn là tiểu nhóc, tôi chưa hề cảm thấy, mặc dầu với lý luận biện tài vô ngại, Duy-ma-cật đã lấn lướt vượt qua các vị Thanh văn như thế nào. Tuy nhiều vị luận giải Trung hoa quả có chế diễu ngài Xá-lợi-phất, và nhiều vị Đại Thanh văn khác nữa, như khi ngài hỏi Duy-ma-cật các Thánh giả sẽ ăn cơm ở đâu, sẽ ngồi chỗ nào; dù vậy, tôi vẫn cảm thấy trong đó có ẩn ngữ mình chưa hiểu.

Cho tới một lúc, lớn thêm chút nữa, giữa xã hội xô bồ đảo điên, tăng đồ như một cộng đồng ô hợp, riêng Phật riêng thầy, riêng tông môn pháp phái, bấy giờ bỗng xuất hiện những cư sỹ lão thành cự phách, mà trình độ thâm hiểu giáo lý không nhường các bậc trưởng lão trong sơn môn. Bên trong, hiểu và hành sâu xa nội điển; bên ngoài nhạy bén trước các biến cố đảo điên của xã hội; hiểu đạo sâu mà hiểu đời rộng, tài và trí ấy, hiểu và hành ấy, đã góp phần rất lớn trong những đoạn đường khơi lạc nguồn mạch tư duy.

Không chỉ một Duy-ma-cật, mà có rất nhiều Duy-ma-cật, khoác nhiều hành trạng khác nhau trong nhiều địa vị xã hội khác nhau, đã từng xuất hiện ở đây, sống giữa chúng ta. Họ lăn lóc trong bụi đời, nếm đủ thứ “mùi tục lụy” nhưng vẫn không ngừng vươn lên theo chiều cao của Đạo Pháp. Trong một thời đại mà không còn tìm thấy thấp thoáng bóng dáng của Duy-ma-cật, Phật pháp đạo lý có thể chỉ như món hàng trong siêu thị; có lúc chỉ như gánh hàng rong trên hè phố.

Duy-ma-cật là ai mà được ví von như thế? Một nhân vật nửa lịch sử, nửa huyền thoại. Nhân cách ấy là tập hợp tất cả phẩm tính để được gọi là “đích tử”, con chân thật, của các đấng Giác Ngộ. Mỗi nhân cách nổi lên trong một thời đại lịch sử riêng biệt, trong mỗi thời đại ấy là những nhân cách từ phẩm chất và phẩm trật trong từng xã hội cá biệt. Nhân cách ấy ẩn mình đơn độc trong rừng sâu, hoặc hiện diện giữa chợ đời huyên náo, mà không gian bao trùm bởi trực tâm và thâm tâm. Trực tâm, mà Huyền Trang gọi là “thuần ý lạc (āśaya)”, đó chính là ý chí hướng thượng, nhìn đời bằng con mắt yêu thương, định hướng cho cuộc đời của mình và cùng với tất cả cùng đi lên bằng tình yêu và trí tuệ. Từ trực tâm ấy, với ý chí quyết định, kiên trì mục đích, đó gọi là thâm tâm, cũng nói là tăng thượng ý lạc (adhy-āśaya). Đó là nhân vật mà ta có thể gặp đâu đó.

Bằng thuần ý lạc địa, từ cơ sở đó mà bảy bước phát khởi tâm bồ đề, khởi từ tình yêu thâm thiết đối với Mẹ thân sinh, vì sự an lạc của Mẹ mà phát nguyện hành bồ-đề. Rồi với tình Mẹ bao la mà tâm nguyện bồ-đề cũng theo đó mà rộng lớn lên, theo một đường thẳng như tấm lòng ngay thẳng. Từ tâm tư thuần ý lạc địa ấy mà kiên định chí hướng, in sâu trong tận cũng tâm khảm, trong thâm tâm.

Thế nhưng có thể chúng ta dễ bị choáng ngợp bởi những từ ngữ mang tính triết học, do đó mà thấy Duy-ma-cật là một nhân vật cao diệu, xa vời. Vậy, chúng ta bắt đầu từ diễn tả bằng ngôn ngữ đời thường, như Đỗ Hồng Ngọc viết trong Cõi Phật Đâu Xa: anh viêt Kinh dễ dàng và cũng rất thận trọng cân nhắc, y như bác sỹ viết toa thuốc:

“Lòng ngay thẳng – trực tâm – chính là sự bình đẳng, không phân biệt, không kỳ thị … Không kỳ thị, không phân biệt đối xử mới có lòng tôn trọng như Thường Bất Khinh, mới có lòng Từ bi, Thấu cảm như Quán Thế Âm, mới có lòng Chân thành để “ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng” như Dược Vương. Tôn trọng, chân thành, thấu cảm phải dựa trên điều kiện tiên quyết không phân biệt, là Bình đẳng. Đó chính là Bất nhị.”

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa cũng sợ; chúng ta lại gặp một từ ngữ triết học rắc rối hơn nữa: “bất nhị.” Đó là nguyên lý chỉ đạo cho tư duy và hành động của Duy-ma-cật, khi ông nói với ngài Xá-lợi-phất: “Hiện các oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) mà vẫn không xuất tưởng thọ diệt định, đó mới chính là tĩnh tọa.” Hoặc khi ông chào đón Bồ-tát Văn-thù đến thăm bệnh, và ở đó, trong “Cõi Phật Đâu Xa”,  ta cũng nghe rõ như lời bệnh nhân chào đón y sỹ: “Lành thay, Văn-thù mới đến! Tướng chẳng đến mà đến. Tướng chẳng thấy mà thấy.” Bệnh chứng, bệnh nguyên, tất cả các tướng ấy, chẳng đến mà đến, chẳng thấy mà thấy; bệnh nhân không tìm đến y sỹ, và y sỹ không đi đến bệnh nhân.

Trong đối thoại này, Duy-ma-cật cũng chào đón Văn-thù bằng ngôn ngữ thông thường: svāgatam: nghĩa đen được hiểu đã đến một cách khéo léo, tốt đẹp; đây là một từ chào hỏi tương đương chính xác với lời chào tiếng Anh: “Welcom!” Từ chào hỏi này liên hệ đến từ Tathāgata: Như Lai, mà Kinh Kim cang định nghĩa: “Như Lai, vị khéo đến, vì không từ đâu đến, cũng không đi đến đâu.”  Nó cũng liên hệ các từ  Phạn gata, āgata, anāgata: đã đi, đã đến, không đến, chưa đến, đó là những từ mà chúng ta đọc hằng ngày trong Tâm Kinh: gate gate paragate parasaṃgate bodhi svāha. Đến mà không đến, đi mà không đi, là thể tính Như Lai: Tathāgata: tathā gata/āgata. Các vị Thánh giả chào nhau bằng ngôn ngữ đời thường mà trong đó vẫn bao hàm thế giới siêu việt.

Nhưng, tư tưởng bất nhị là căn nguyên tư tưởng của một nhánh trong triết học Vedānta, tiếng Phạn nói là advaita-vāda, dịch theo ngôn ngữ triết học quen dùng ngày nay, đó là chủ thuyết lý “Nhất nguyên Tuyệt đối”. Đạt đến nhất nguyên tuyệt đối, là đạt đến giải thoát, bấy giờ Phạm-Ngã đồng nhất, Tiểu ngã và Đại Ngã hiệp thành nhất thể tuyệt đối. Nói cách khác, Linh hồn và Thượng đế là Nhất thể Tuyệt đối. Kinh Phật không nhận có Thật Ngã tồn tại, dó đó không thừa nhận thuyết Nhất nguyên tuyệt đối này.

Để khỏi phái bối rối, choáng ngợp trước những từ ngữ và lý luận biện chứng siêu nghiệm, từ nhất nguyên tuyệt đối của Phạm-Ngã nhất thể, cho đến “Như Lai đến mà không đến, đi mà không đi”, chúng ta cũng có thể bắt đầu với nhận thức đơn giản hơn từ dẫn giải bởi Đỗ Hồng Ngọc, hiểu theo cách y sỹ chẩn đoán bệnh:

“Ở tại nơi sanh tử mà chẳng làm việc ô trược, trụ nơi Niết-bàn mà chẳng diệt độ mãi; hành tánh không mà vẫn trồng các cội công đức; hành vô tướng mà vẫn độ chúng sanh; hành vô khởi mà khởi tất cả thiện hạnh…”

Đây là đoạn dẫn tóm tắt khi Duy-ma-cật nói với Văn-thù về sở hành cảnh giới của Bồ-tát, môi trường hành đạo và đối tượng quán sát của Bồ-tát; trong đó nói hành tánh không (śūnyatā-gocara), hành vô tướng (animitta-gocara), là hai trong ba giải thoát môn mà một vị Thanh văn lập làm đối tượng quán sát để chứng nghiệm Niết-bàn. Ba giải thoát này là Không, Vô tướng, Vô nguyện (apraṇihita), hay nói là  Vô tác theo La-thập.  Chưa thấy và chưa biết Niết-bàn là gì thì chớ vội nói sinh tử và Niết-bàn là một, không hai. Thế nhưng, đây là những lời người bệnh nói với người thăm bệnh. Bệnh hay vô bệnh, sinh tử hay Niết-bàn, đây và đó qua lại trong ba ngõ: người bệnh vốn không, hiện tượng bệnh cũng không, cho nên không có gì để nói hy vọng hay tuyết vọng.

Những điều như vậy cũng không phải dễ hiểu; do đó chúng ta nên nghe lời dẫn từ Cõi Phật Đâu xa:

“Bồ-tát luôn đứng giữa hai bờ…” và tại đây ông giới thiệu lời trong ca khúc của Trịnh Công Sơn: trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyêt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về. Nếu đưa thẳng vào tư duy triết học thì lời nhạc của Trịnh Công Sơn không liên hệ gì đến pháp môn bất nhị. Nhưng nó cũng khiến chúng ta nhớ đến câu chuyện một nhạc công của Thiên đế Indra thất tình với một thiên nữ, bèn tìm đến đức Phât, hát lên “bản tình ca dâng Phật”, với đoạn tả tình thắm thiết: “Tôi yêu nàng như A-la-hán yêu Chánh Pháp”. Có lẽ chẳng có ca từ mô tả tình yêu chung thủy nào chân tình hơn thế. Lời nhạc đã lạ lùng với đôi tai người đọc kinh Phật nghiêm túc, mà câu trả lời của Phât cũng thất lạ lùng khó hiểu: “Hay lắm, nhạc hòa hợp với lời, lời hòa hợp với nhạc; trong đó có ái dục mà cũng có Niết-bàn,” Ái dục là tình yêu hệ lụy sắc dục, và Niết-bàn là cảnh giới ly dục. Há lại có nghĩa, từ trong ái dục mà thấy Niết-bàn, từ Niết-bàn mà thấy rõ thể tính của ái dục? Đơn giản hơn, từ bùn lầy hôi thối mà tìm thấy hoa sen?

Rốt cục, cửa dẫn vào pháp bất nhị này là đâu, là cái gì?

Chuyện tình nhạc công của Thiên đế diễn thành kịch bản để nói những điều không thể nói, vì tính chẩt phản diện được cấu trúc trong đó. Cũng thế đó, người đọc Duy-ma-cật sở thuyết có thể dễ dàng nhận ra bản văn này được cấu trúc theo thể loại kịch. Trong kịch bản, tính phản diện của các nhân vật được sử dụng để diễn tả nội dung theo ý nghĩa muốn nói.

Trong đoạn dẫn của Đỗ Hống Ngọc nêu trên, chúng ta thấy Bồ-tát tu tâm như một Thánh giả Thanh văn xuất thế, nhưng hành đạo như một phàm phu trong sinh tử: trong bùn mà chằng hôi tanh mùi bùn. Đó là căn bản của tư duy bất nhị. Thánh nhân xuất thế, và phàm phu sinh tử, hai mặt phàn diện mà lại đồng nhất thể tính. Người đọc nếu không nhìn ra những cặp phản diện trong Sở thuyết này tất sẽ thấy Duy-cật-đã đã “lấn lướt” các Thánh giả Thanh văn, đã “dồn ví” các ngài vào ngõ bí.

Trong kịch bản Duy-ma-cật sở thuyết, người ta nghe được những đối đáp tương xứng giữa Văn-thù và Duy-ma-cật, nhưng đây không phải là cặp nhân vật phản diện; mà trong đây Văn-thù chính là vai người dẫn kịch. Không có người dẫn kịch thì khó có thể hiểu nội dung của kịch bản. Đây là cấu trúc cổ điển của kịch. Như trong khi Văn-thù nói và hỏi, Duy-ma-cật im lặng; nếu không có Văn-thù như là vị dẫn kịch, thì sự im lăng của Duy-ma-cật chẳng có ý nghĩa gì; do đó đây không phải là cặp đối đáp phản diện.

Thực ra, Duy-ma-cật xuất hiện trong nhiều lớp áo khác nhau, nên đồng thời thủ vai phản diện cho nhiều vị Thánh giả, từ các A-la-hán cho đến các Bồ-tát. Khi ngài Xá-lợi-phất tĩnh tọa trong rừng vắng, Duy-ma-cật xuất hiện với lý luận sắc bén khiến cho vị Đại Thanh văn này không còn lời đối đáp. Dễ chừng người ta chỉ thấy một Tôn giả Xá-lợi-phất trong rừng vắng nhập tưởng thọ diệt tận định, thân tâm bất động, có thể lưu thọ hành để giữ cho thân thể tồn tại không mục rã qua một đại kiếp, hằng triệu năm của mặt trời; ấy thế nhưng lại không thấy ngài ôm bát lang thang trong hang cùng ngõ hẻm với cái bụng đói. Nếu để thọ hưởng an lạc tịch tĩnh chính mình qua hằng nghìn năm cho đến khi thân ấy mục rã nếu muôn, thế thì cần gì phải ăn để mà sống. Vậy ôm bát đi khất thực vì lẽ gì?  Vì cơn đói sẽ hành hạ bản thân, hay vì để thức tỉnh thế gian đang trầm luân trong khổ lụy? Thế thì Duy-ma-cật đi vào đời để xây dựng cho đời an vui có cao quý hơn ngài Xá-lợi-phất ngồi trong tịch nhiên bất động? Phải chăng tượng Phật ngồi bất động trên bàn chẳng ích lợi gì cho ai, chẳng bằng sư trụ trì tụng kinh cầu siêu, cầu an cho bá tánh? Đấy là cặp phản diện làm hiện rõ bản chất của tồn tại.

Mặt khác, trong phong thái Thánh giả xuất trần Xá-lợi-phất lại xuất hiện trước một phản diện là cô thiên nữ cực kỳ diễm lệ. Với sắc đẹp vượt lên cả hàng thiên hương quốc sắc ây, với vũ điệu thiên nữ tán hoa kỳ ảo hơn cả vũ khúc nghê thường ấy, cũng rất dễ khiến cho Đường Mimh Hoàng mất ngôi mất nước. Nhưng sao nàng sống chung trong một căn phòng trống trải với lão cư sỹ Duy-ma-cật; rồi lại xuất hiện múa hát trước các Thánh nhân xuất thế, những vị mà tâm tư lắng đọng không hề gợn sóng dục tình; hiện diện với ý nghĩa gì? Đối đáp giữa thiên nữ và Xá-lợi-phất đã dẫn cặp phản diện ô nhiễm và thanh tịnh lên đến kịch tính gay cấn, khiến cho Xá-lợi-phất biến hình thành thiên nữ kiều diễm, và thiên nữ biến hình thành Thánh giả Xá-lợi-phất nghiêm trang.

Nhận diện được những cặp nhân vật phản diện trong Kinh thì cũng có thể bằng hình ảnh ấy mà chiêm nghiệm thế nào là ý nghĩa bất nhị, bằng cánh cửa nào để đi vào cảnh giới bất nhị ấy.

Thêm nữa, ngoài những nhân vật phản diện, cũng nên đi sâu vào những bối cảnh phản diện. Khu vườn xoài, sở hữu của kỹ nữ Am-la-bà-lị, nơi các vương tôn công tử buông mình thả trôi trong dục vọng, lại trở thành nơi tịnh tu của các Thanh văn xuất thế, trong ô nhiễm mà không ô nhiễm. Tư gia của Duy-ma-cật, nơi ông tiếp những chính khách đang lao mình trong đấu trường quyền lực, những thương gia đang cạnh tranh ráo riết trên thương trường, mhưng chỗ ấy lại cũng là nơi lai vãng của các Thánh giả xuất trần, Thanh văn và Bồ tát. Tư gia của trưởng giả Duy-ma-cật, khu vườn xoài của kỹ nữ Am-la-bà-lị: cặp phản diện của náo nhiệt và tịch tĩnh, của ô nhiễm và thanh tịnh.

Giữa thế giới Ta-bà và cõi Phật Chúng Hương, tòa sư tử và thành Tì-la-da, cái vô cùng lớn đến trong cái vô cùng nhỏ, và cái nhỏ đi vào trong cái lớn: đây cũng là cặp phản diện bối cảnh làm lộ rõ thể tính tồn tại của thế gian, vũ trụ. Bằng hình ảnh đó mà tập luyện cho tư duy vượt ngoài khuôn sáo ước lệ, vượt qua thế giới thường nghiệm để vươn lên cảnh giới siêu nghiệm, bất khả tư nghị.

Như thế, đọc Duy-ma-cật sở thuyết như đang xem một kịch bản, với những nhân vật và bối cảnh phản diện, với những biến cố mang đầy kịch tính, đó là cách tự huấn luyện và tự trang bị cho mình một công cụ định hướng tự duy để vươn lên chiều cao của giác ngộ.

Trong khi chúng tôi cùng tìm hiểu ý nghĩa phản diện và kịch tính trong Duy-ma-cật sở thuyết, hai ông bạn cư sỹ Đỗ Hồng Ngọc và Thân Trong Minh tỏ ra tâm đắc và cao hứng, cố ý muốn viết lại một kịch bản và dàn dựng sân khấu như thế nào đó để có thể hiểu rõ hơn điều mà Kinh muốn chỉ điểm; vì trình độ ngôn ngữ và năng lực tư duy của chúng ta vốn hữu hạn, cho nên bằng con đường nghệ thuật mà đi vào ngõ đạo có thể tương đối dễ hơn.

Hy vọng các bạn cư sỹ thành tựu như ý. Riêng tôi, trở về thảo am thơ thẩn, gởi lại hai bạn cư sỹ hai câu thơ:

Nhà tranh mái cũ quen chừng,

Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn.

 

Thị ngạn am, tiết Lập xuân, Đinh dậu

Tuệ Sỹ

(3.2017)

 

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Nghĩ từ trái tim

“Café” Dương Thụ – Đỗ Hồng Ngọc (tiếp theo)

03/08/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi,

“Café” Dương Thụ – Đỗ Hồng Ngọc (tiếp theo)

Cám ơn bạn đã chịu khó ngồi nghe toàn bộ buổi “Café” Dương Thụ – Đỗ Hồng Ngọc từ 12h đêm đến 1:30 sáng! Dài quá phải không? “Mấy ông già nhiều chuyện” quá phải không? Có bạn bên kia nửa vòng trái đất bảo phải nghe 2,3 lần mới hết, kể cả mấy bài hát! Có bạn còn bảo nghe đi rồi nghe lại…

Nhưng, đa số “thắc mắc”: thế thì bài hát “Thư cho bé sơ sinh” của Phạm Trọng Cầu phổ thơ Đỗ Hồng Ngọc vẫn chưa có ai hát ư? Chưa. Trước đây có ca sĩ Thu Vàng bảo đã hát “nháp” thử mà không dễ, bởi PTC phổ bài thơ gần như thành “nhạc kịch”!

May thay, sau này, nhạc sĩ Võ Tá Hân đã phổ nhạc bài thơ Thư cho bé sơ sinh và đã đưa lên youtube một clip rất hay với những hình ảnh minh họa do Giao Trinh (Diệu Hạnh) thực hiện.

Mời bạn thử nghe xem nhé.

Thân mến,

ĐHN.

 

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Vài đoạn hồi ký

Một hôm gặp lại Nguyễn Xuân Thiệp

22/07/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi (7.2019)…

Một hôm gặp lại Nguyễn Xuân Thiệp

Bạn biết đó, mình vừa mất toàn bộ các bài viết, draft, hình ảnh… trong cái “ổ cứng” kỳ cục gì đó của máy vi tính… Đứa cháu nói để con ráng “cứu” dữ liệu xem sao. Thất bại. Mà như bạn biết, “Thất bại là mẹ đẻ của… đại bại” nên không có gì đáng ngạc nhiên.

Lò mò thế nào, lượm được bài Nguyễn Xuân Thiệp đọc “Một Hôm Gặp Lại” của Đỗ Hồng Ngọc. Trời ơi, xưa giờ chưa thấy một bài “đọc sách” nào trời ơi đất hỡi như vậy. Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, chủ xị phovanblog bạn nhớ chứ? Mình chưa gặp anh lần nào mà đã thân thiết lắm. Anh lứa lớn, bạn với anh Cao Huy Thuần mà. Cao Huy Thuần bảo ngay từ hồi còn bé, chơi với nhau chỉ thấy Nguyễn Xuân Thiệp làm thơ! Và thơ anh ngay từ thời xa xưa đó không chỉ có từ có tứ có âm có vận mà còn rất “tân hình thức” nữa. Những dấu chấm đột ngột, những ngắt dòng đột ngột… đã khiến câu thơ sửng sốt thành vô số tứ thơ, bài thơ…

Và như thế, Nguyễn Xuân Thiệp đã “đọc sách” Một Hôm Gặp Lại của Đỗ Hồng Ngọc. Một bài đọc sách kỳ cục, một bài rất thơ nguyễn xuân thiệp… Rảnh đọc lai rai vậy nhé.

Ta sẽ giật mình “gặp lại” biết bao người, biết bao nỗi niềm từ Bồ Tùng Linh đến Nguyễn Du, Saint Exupery, rồi Bùi Giáng, Mai Thảo, Quách Thoại, Hoàng Ngọc Biên, Diễm Châu, Trịnh Công Sơn, Đỗ Trung Quân, Từ Thế Mộng, Nguyễn Bắc Sơn, rồi Đinh Cường, Bửu Ý, Nguyễn Đức Sơn, Hà Thanh, rồi Võ Phiến, Trang Thế Hy, Thận Nhiên, Diễm Tú, Hoàng Chu, Xuân Phước, Kim Phượng, rồi Trần Hoài Thư và Yến, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Lê Ký Thương…

Và vì thế, không có lý do gì ta chẳng “gặp lại” Nguyễn Xuân Thiệp “một hôm”,

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

(Sg 22.7.2019)

 

 

MỘT HÔM GẶP LẠI*

Nguyễn Xuân Thiệp

 

 

Bạn từ quê nhà gởi cho cuốn sách

ôi. món quà quý giá biết bao

và tôi gặp lại

chàng hoàng tử bé

với hình con trăn nuốt con voi. đang nằm nghỉ. như chiếc nón úp

đơn giản vậy. mà người lớn không ai hiểu cả

và cậu đã trồng. một cây hồng. trên hành tinh bé xíu

saint-exupéry ơi. ông sẽ sống mãi. với cây hoa hồng. và chàng hoàng tử bé này

tôi cũng thấy. mình là người đi chia lửa. như lời phật nói
ghi trong sách đỗ hồng ngọc

tôi đi chia. hơi ấm. của một mối tình đã chết. với làn hương. mê

tôi cũng chia. ánh đèn của một sân ga nhỏ. tiếng chuông xe điện leng keng. bên bờ sông vắng

cùng những cánh môi khô

của cánh đồng gai

và cả mùi hôi. của một vùng biển quê nhà

ôi ngọn lửa của tôi

không được như lời phật dạy

thơ tôi. rồi sẽ tắt. cùng đời tôi

may thay. tôi gặp lại. dòng sông thuở bé, như thanh kiếm dựng giữa trời. trong thơ cao bá quát

sông hương đó anh ngọc ơi
dòng sông đã theo tôi. trên khắp chặng đường tôi qua

qua nắng. qua mưa. và tuyết phủ

trận thunderstorm

và mùa thu. trên quảng trường harvard square. của boston

trên chuyến xe lửa ngày nào

tôi cũng làm người kể thơ

cho cô susan nghe

những câu thơ bụi. có mùi thơm của cánh hoa khô. trên vỉa hè

tôi gặp lại. trịnh công sơn. với miệng cười khúc khích trên lưng

và con tinh yêu thương. vô tình chợt gọi**

mặt trăng. nằm ngủ trên đồng cỏ khô

 

Khi ở thành phố Garland, June 2016

*Tuyển tập Tùy Bút Đỗ Hồng Ngọc

**Ca từ Trịnh Công Sơn

(http://phovanblog.blogspot.com/2016/06/mot-hom-gap-lai.html)

………………………………………………………….

MỘT HÔM GẶP LẠI. TIẾP TỤC…

nguyễn xuân thiệp

 

anh đỗ hồng ngọc ơi

hôm nay thấy có hứng chút chút

nên muốn được cùng anh

trở lại với mùa thu boston

cùng anh đi trên chuyến bus. có cô susan

ngồi kể thơ

vẫn là thơ của anh chàng đỗ trung quân

nhưng không phải. chùm khế ngọt. hay giỏ xe chở đầy hoa phượng.

đỏ

những thứ ấy là của tuổi học trò. xưa rồi

mình già đầu

chơi thứ khác

có chút xì ke. đế. và thêm chút gái. càng phê

vâng. ta sẽ kể cho susan nghe. chuyện cùng với chàng thi sĩ họ đỗ. gầy còm

ngồi trong garage để xe. nhưng không có xe

xe nằm ngoài đường

đây là nhà hoàng ngọc biên

người tôi quen thân

ngồi ở đây. nhé susan. ta vừa uống bia. vừa hút thuốc lá. nói chuyện văn chương. thời thế. cả chuyện cá chết. và biển thúi

chuyện cô học trò hát rap

và obama núp mưa. trong quán chiều. hà nội

chung quanh chỗ chúng ta ngồi. có hơi sương mù. và chú sóc giỡn chơi

ô. anh và susan. có ngửi thấy mùi của những bông khuynh diệp vàng cháy khét. diễm châu đang dùng quẹt ga đốt. trên đường chiều trương định. có tiếng chuông nhà thờ xa

diễm châu giờ đã chết

anh ngọc ơi

còn tôi đây, muốn kiếm một bà già dẫn mình ra bờ sông tình tự. nhưng hỡi ơi. bà ấy chỉ thích đi kéo máy casino

chán không. chung quanh tôi cũng có dăm cô sồn sồn. nhưng mấy cô này chỉ muốn đi với kép trẻ. tiên sư cái sự đời

thôi thì ta trở về với cô bé có mái tóc bánh bèo. nhớ lại thời mình chăn trâu. đầu húi cua. khét nắng

đời đơn sơ vậy mà vui. lại được cùng cô bé cạp chung củ khoai lang nướng. có mùi sùng. như tôi với cô bé thỏ. thời vương phủ

đêm qua. tôi đi bụi ở nhà diễm tú. cùng với nghĩa và thận nhiên hát quán bên đường. tôi chỉ hát ké thôi, vì sợ hư bè như nhật hoàng nói

ôi. mình gặp lại cô bé mái tóc bánh bèo trong một quán bar khuya. hình như là the house of the rising sun

em bây giờ. bẹo hình hài. đem thân xác hiến cho phường tục tử. kiếm tiền

còn tôi làm nghề viết mướn

em hỏi đời buồn hay vui

tôi đáp. buồn hay vui. thì cứ hỏi cuộc đời

tới đây. tôi cầm ly rượu đập xuống bàn. đánh rầm

khiến  hoàng chu đứng gần đó. giật mình. trợn mắt. ngạc nhiên

(còn tiếp)

NXT

…………………………………………………………………

 

Lần nữa. MỘT HÔM GẶP LẠI

Nguyễn Xuân Thiệp

 

anh đỗ hồng ngọc thân

đêm qua. một trận thunderstorm. kéo qua bầu trời

tỉnh giấc. ba giờ sáng

tôi nghe như tiếng không lộ thiền sư. hú rền. lạnh thái hư

nhìn ra. thấy bóng đinh cường. bạn chúng ta. mặc áo tím. đi trong mưa. qua rừng natick. có tiếng còi tàu

vọng lại

và tôi muốn khóc

gọi thầm tên nhau. như sơn. gọi thầm. gọi thầm tên nhau. đừng bỏ tôi đi*

ơi hà thanh. … xứ huế bây giờ / vẫn còn núi ngự bên bờ sông hương**. bùi giáng ngày nào đã hạ bút.

vậy mà hà bỏ đi sao. huế và hà thanh. chưa ai hát hải ngoại thương ca hay bằng hà. cả mình và nguyễn

xuân phước đều mê. đêm qua nhân giỗ đầu của hắn mình vừa nghe lại. đêm trên trời có một vầng trăng.

trăng của dòng sông xanh đó. hà ạ.

vừa dẫn thơ. bỗng thấy bùi giáng chợt hiện

đứng múa. trên ngã ba đường bà lê chân. tân định

bùi giáng. lưng đeo đầy túi cói. và lon cóng

cầm chiếc quạt

đưa cao. hát

em ơi. em đẹp vô cùng

vì em có cái lạ lùng bên trong**

a. cái lạ lùng bên trong là gì. đọc một hôm gặp lại của đỗ hồng ngọc. chỉ thấy anh ỡm ờ. không chỉ đích

xác

tức quá. bèn tìm cho ra

và rồi chợt ngộ

đúng rồi. cái chỗ đặt của mai thảo*** đó mà. thảo nào

nhiều người mê

như mê sến già nam. ý. đừng. mê sến nữ trẻ thôi

bỗng dưng. thèm đi ra bãi biển phan thiết của anh đỗ hồng ngọc. ăn cái bánh căn. rồi tắm biển. không sợ

cá chết. nước nhiễm độc

ở đây tôi gặp. từ thế mộng và nguyễn bắc sơn. ngồi nhậu trong một quán lá bên đường. đọc thơ

tôi nghe. mấy hôm nay biển thở dài / thì ra em bệnh đã vài bốn hôm…**** và nghe. ta vốn ghét đàn bà

như ghét cứt / nhưng vì sao ta lại yêu em…*****

ôi. ghét đàn bà ư. ở đó mà tin mấy ông nhà thơ. tui thì đàn bà nào cũng mê và còn dại gái nữa. như một

chị bạn xinh đẹp ở đây từng nhận xét

hơn thế nữa. muốn làm chàng trai ở rể được người yêu cẩn thận dặn dò. chuột kêu chút chít trong rương

/ anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay

và làm chàng thư sinh mặt trắng của bồ tùng linh gặp cô ma nữ hỏi không đáp bèn giao hoan

thôi. nói chuyện bậy bạ quá trời. đó là do ông đỗ hồng ngọc đầu têu. xin người yêu đứng đắn của tôi ở

bên bờ tây đừng rầy la. tội nghiệp

thôi. chuyện nghiêm chỉnh vậy

trước hết là chuyện ông võ phiến. cùng bạn. ngồi nhìn bồ câu bay. lâu lâu con mái xòe đuôi để con đực

“lắp ráp”. rồi lại bay đi. trưa nào cũng bay******

trời ơi. lại nói bậy rồi. cho dù nói theo hai ông đỗ hồng ngọc và võ phiến. xin trở về với các bạn ta. chắc

ăn hơn

đinh cường chẳng hạn. không bao giờ nói bậy. chỉ nói những lời có cánh dễ thương. nên được bạn bè

yêu mến. xin kể ra đây tựa đề những đoạn ghi của cường theo sách đỗ hồng ngọc. đoạn ghi ngắn nhớ

ngày 15 tháng 3 sinh nhật cháu. cho con dốc sâu xuống thân trọng điền trang. thăm những nhà ga sắp

hồi sinh. thức dậy ngồi im trong đêm khuya. tạm biệt sài gòn lần nào cũng mưa chiều nặng hạt. từ đà lạt

thuê xe tắc xi cùng bửy ý về thăm sơn núi. v.v…

cường ơi. tôi muốn một hôm nào đó. xin trở lại thăm cái basement của bạn. ngắm các bức tranh. những

chân dung bạn bè. và nhìn hình chụp bạn cùng tôn nữ kim phượng. thời còn trẻ. nắm tay nhau chạy

xuống đồi. với tôi tấm hình này là đẹp nhất trong những trang đẹp của đời bạn

và lữ kiều. người chủ dễ thương của thân trọng điền trang ở đà lạt. chàng yêu thơ từ lúc trẻ. không hề

coi thơ là thứ để trang sức. chàng viết. con dế mèn có thể hát để mà hát nhưng tôi không thể viết để mà

viết

còn lê ký thương nữa. người luôn bị ám ảnh bởi bông sen. mải mê vẽ nó. để rồi cuối cùng thị được và

sụp lạy cúi đầu như quách thoại trước bông thược dược…

lại nữa. tôi từng đọc và mê chiếc piano treo ngược và những giấc mơ của lữ quỳnh có bạn bè cười nói

đông vui, ấm áp. lữ quỳnh từ bao lâu nay vẫn là người thiết tha, thủy chung với bạn. những niềm vui, nỗi

buồn của anh hầu như lúc nào cũng có bóng người bạn bên mình. nhưng theo đỗ hồng ngọc, thơ lữ

quỳnh gần đây đọng một nỗi sầu dằng dặc đến phải kêu lên “đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi”!

với trần hoài thư. người chủ thư quán bản thảo và thư ấn quán. vẫn là con bìm bịp gọi chiều nước lên.

anh và chị yến đã bỏ bao công sức và thì giờ cho những công trình văn học miền nam. có hôm trên

đường tới thư viện tìm tài liệu. giữa tiểu bang mênh mông. anh và chị yến dừng xe thổn thức. chị yến giờ

này nằm một chỗ trong nursing home. anh một mình ra báo in sách. ôi. văn chương vô mệnh lụy phần

dư. là nguyễn du hay là anh đó. hả anh thư. son phấn có thần chôn vẫn hận. văn chương không mệnh

đốt đi lụy vẫn còn*******. ôi. tôi vẫn mong tới thăm anh và chị yến một lần mà không có ai cùng đi.

anh đỗ hồng ngọc ơi. bây giờ cho nổ sảng chút chơi nha

trong dư vang tiếng sấm. đọc lại thơ mình tôi thấy hiện lên cây sequoia ngàn tuổi. sừng sững giữa đại

ngàn. ngọn vươn tới trăng sao

 

Khi ở Garland. Đêm 17 tháng 6. 2016

Nguyễn Xuân Thiệp

(nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 71, tháng 7. 2016)

………………………………………………………………………….

*Ca từ Trịnh Công Sơn

**Thơ Bùi Giáng

***Đặt tay vào chỗ không thể đặt…

(Chỗ Đặt. Mai Thảo)

****Thơ Từ Thế Mộng

*****Thơ Nguyễn Bắc Sơn

******Văn Võ Phiến

*******Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

          Văn chương vô mệnh lụy phần dư.

(Nguyễn Du. Độc Tiểu Thanh Ký)

 

Filed Under: Chẳng cũng khoái ru?, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Ns Dương Thụ: Thư mời Cafe Thứ bảy 13.7.2019

09/07/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Salon Văn Hóa Cà Phê Thứ Bảy 13/7/2019

Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy

CÀ PHÊ THỨ BẢY
THƯ MỜI
CÀ PHÊ GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI

Anh chị và các bạn thân mến!
Vào lúc 9 giờ sáng thứ bảy 13/07/2019
tại SALON VĂN HÓA quán CÀ PHÊ THỨ BẢY,
lầu 1, số 38 Võ Văn Tần Q.3 TPHCM
sẽ diễn ra buổi CÀ PHÊ GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI
“Cà phê” với BS ĐỖ HỒNG NGỌC
Chủ đề: TÂM TÌNH CỦA MỘT NHÀ KHOA HỌC
 – NHÀ VĂN ĐỖ HỒNG NGỌC
Chủ trì:  DƯƠNG THỤ
Rất mong các bạn đến tham dự.
Hân hạnh được đón tiếp

GĐ CPTB
Dương Thụ

__________________

LỜI DẪN

“Đỗ Hồng Ngọc nổi tiếng từ rất sớm. Trước năm 1975, anh sáng tác thơ với bút danh Đỗ Nghê, đã có tác phẩm đăng trên các báo Bách Khoa, Tình Thương… Nhiều bài nổi tiếng như Em còn sống mãi, Tâm sự Lạc Long Quân, Lời ru, Cổ tích về ngôn ngữ  v.v… Sau này anh đã tập hợp in trong tập thơ đầu tay Tình người, xuất bản năm 1967.

Nhớ đến anh, lập tức những câu thơ trong bài Thư cho bé sơ sinh thấm đẫm tính nhân văn, thấu hiểu lẽ vô thường trong cõi nhân sinh lại vọng về trí nhớ: Khi anh cắt rún cho em/ Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ

Từ 1972, nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê nhận xét về anh: “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”. Câu này, càng về sau lại càng thấy đúng.

Từ quyển sách Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972), và nhất là Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (1974) đã tái bản rất nhiều lần, đáng chú ý nhất là các tập sách mà anh phân loại một cách dí dỏm là viết cho “Tuổi hườm hườm” như Gió heo may đã về;   Già ơi… chào bạn, Chẳng cũng khoái ru?,  Những người trẻ lạ lùng, Thư gởi người bận rộn… Những năm tháng gần đây, anh đã chú tâm nghiên cứu về Phật học, về thiền. Có thể kể đến những tập sách như Nghĩ từ trái tim, Gươm báu trao tay, Thiền và Sức khỏe, Gì đẹp bằng sen?… Đọc anh còn là một cách thư giãn, như được trò chuyện với một người bạn gần gũi và thân mật.

Nhắc đến bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, lập tức chúng ta nghĩ ngay đến một nhân vật khá đặc biệt: lãng tử và phiêu bồng trong thơ, dí dỏm và mạch lạc khi viết về y học, trầm mặc và sâu lắng trong tạp bút và thỉnh thoảng ông cũng ký họa chân dung bạn bè… Ông không ồn ào và gần như ít la cà chốn đông người. Và cứ thế, lặng lẽ sống an nhiên và lao động hết mình, ông đã có nhiều tác phẩm quen thuộc với bạn đọc.”

(Trích trong bài viết “Một người bạn gần gũi và thân mật” của nhà thơ Lê Minh Quốc).

Một con người như thế sẽ tâm tình với  chúng ta trong buổi cà phê mà CPTB đặc biệt dành cho ông.

__________________

VÀI NÉT VỀ DIỄN GIẢ

Image result for bs do hong ngoc

Tiến sĩ Y khoa quốc gia, tốt nghiệp Y khoa Đại học đường Saigon, năm 1969.
Tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Harvard Hoa Kỳ (1993) và Giáo dục sức khỏe tại  CFES, Pháp (1997).
Nguyên giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Tp.HCM.
Nguyên giảng viên thỉnh giảng Đại học Y dược; nguyên Trưởng Bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe, Cố vấn Bộ môn Y đức-Khoa học hành vi Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Tp.HCM.

Website: www.dohongngoc.com
Email: dohongngocbs@gmail.com

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn xa xôi (1.7.2019)

01/07/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi

Ra mắt sách ở “Chuồng Cu Quán Văn”

Bạn ơi, cái tên gọi “Chuồng Cu Quán Văn” là do mình đặt ra cho cái “tòa soạn” này của Quán Văn từ ngày đầu và nay nó đã đi vào… lịch sử “văn học”.

Phải, đó là một cái phòng rộng khoảng hơn mười mét vuông một chút, kê cái bàn vi tính, mấy tủ sách báo, chỉ chừa vài góc cho bạn bè ngồi chen chúc của ông chủ “Quán Văn” Nguyên Minh. Từ ngày xa rời tờ bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức với nỗi nhớ khôn nguôi, Nguyên Minh bệnh lên bệnh xuống cho đến khi gây dựng lại “sự nghiệp” với cái tòa soạn chuồng cu này ông mới bỗng khỏe re không ngờ! Thì ra tại cái máu mê văn chương, mê sách báo, mê in ấn của Nguyên Minh. Có lần mình nghe Nguyên Minh nói mà cảm động: “cứ nghe tiếng máy in chạy soàn soạc là bệnh gì mình cũng hết”!

Gần 80 tuổi đầu, tóc còn loe hoe mấy sợi, râu lưa thưa cũng đã trắng phau, da nhăn xếp lớp lớp , chỉ có đôi mắt là sáng và cái miệng có chút móm duyên khi có đông vui bè bạn… Nguyên Minh khi cần phát biểu gì đó thì nửa chừng nghẹn, chảy nước mắt, còn khi nghe ai hát “Anh còn nợ em” thì… rống lên. Mới đầu tưởng hắn nợ cô nào, ai dè nợ… chuyện văn chương, sách báo!

Ngồi trong chuồng Cu, dòm qua cái khung cửa sổ bằng B40, thấy một thảm cỏ xanh mênh mông và những chuyến máy bay lên xuống liên tiếp. Nguyên Minh hãnh diện giới thiệu: Nhà mình rộng, đất rộng, nhưng dành để trồng cỏ và cho máy bay lên xuống coi chơi! Thì ra, cái chuồng cu Tòa soạn nằm sát sân bay!

Những năm gần đây, chỗ chuồng cu này ngoài dùng làm tòa soạn Quán Văn còn là nơi “Ra mắt sách”… của anh chị em giữa vòng thân mật bạn bè. Những buổi Rms kiểu này gần như là một buổi họp mặt potluck… mỗi người tự mang đến khoai, bắp, xôi, chuối…  và cả rượu, bia, thịt nướng… các thứ. Dĩ nhiên không thiếu hoa cùng tiếng đàn hát…

Thứ bảy rồi, 29.6.2019, “Ra mắt” cùng lúc 2 cuốn sách, một của Đặng Châu Long, và một của Trần Thị Trúc Hạ.

Thôi, tốt nhất là nghe Nguyễn Thị Tịnh Thy viết về Rung Nhẹ Tơ Văn của Đặng Châu Long:

“…Bằng trái tim nhân ái, bao dung và thấu hiểu lẽ đời, Đặng Châu Long rất nhiều lần cảm ơn đời đã cho anh những cuộc gặp đượm nhân văn đó trong nhiều tập bút ký Viết để nhớ. Và lần này anh dành riêng cho cuộc gặp văn chương với tác phẩm Rung nhẹ tơ văn.

Rung nhẹ tơ văn khe khẽ thôi, để hồn ta quấn quýt hồn người, để nụ cười không bao giờ tắt giữa những con người biết trọng tình hơn trọng chữ…” (NTTịnhThy 6.2019).

Và về Giấc Mơ Của Cỏ của Trần Thị Trúc Hạ:

“Khi tinh nghịch dí dỏm, khi khắc khoải da diết… Trần Thị Trúc Hạ cuốn hút ta bằng ký ức của thời thiếu nữ hồn nhiên kiêu sa và thời thiếu phụ ưu tư đa cảm… Giấc mơ của cỏ quặn thắt nỗi niềm thương cảm cho những điều chia xa, mất mát, dở dang…

Đi qua nhũng dâu bể của con người và thế sự, giấc mơ ấy vẫn luôn bền bỉ, hiền lành, giản dị và bao dung như cỏ…” (NTTịnh Thy).

Bây giờ mình nhường lời cho Đặng Châu Long thì tốt hơn nhé.

Thân mến,

Hẹn thư sau.

Đỗ Hồng Ngọc

(1.7.2019)

………………………………………………………………………………

 

VÌ NHAU RUNG NHẸ TƠ VĂN  CÙNG GIẤC MƠ CỦA CỎ

Đặng Châu Long

Mười hai mét vuông trong căn phòng nhỏ bé của tòa sọan Quán Văn đã trở nên thân thiết với tất cả chúng tôi từ gần tám năm nay. Ngày bình thường, nơi này bề bộn sách, giấy, máy in lớn nhỏ. Đều đặn mỗi sáng, lúc bốn giờ, anh Nguyên Minh bắt dầu ngày mới của anh tại nơi đây. Tiếng máy in lại vang lên thay thế tiếng chuông công phu đầu ngày. Một mình. Anh vẫn cặm cụi trò chơi văn chương cùng máy in, mực, giấy, trong niềm vui bất tận suốt  gần ba ngàn ngày như thế.

(…)

“Chủ xị” Nguyên Minh làm hột nhưn ngồi giữa…

Buổi sáng trời dịu không nắng. Tôi và Hạnh chạy đến tòa soạn thật sớm để phụ anh Nguyên Minh sắp đặt lại. Con số người dự trù là 20, có thể tăng thêm một vài. Trong khi bốn bên phòng chỉ chứa tối đa là 16, chưa kể những bạn hơi quá khổ, khổ quá, nhưng thân tình.

(…)

Lương Minh, Nguyễn An Bình, Đoàn văn Khánh đến, rồi anh Đỗ Hồng Ngọc cũng sang dù trưa nay anh bận một cuộc hẹn. Chỉ chưa đầy mười lăm phút sau phòng nhỏ đã chật chội tiếng cười vui của Anh Nguyên Minh&chị Lan, Vũ Trọng Quang&Quý, Trương văn Dân&Elena, Nguyên Cẩn&Ngọc Anh, Ngô Thị Mỹ Lệ&An, Đặng Châu Long&Hạnh, anh Đỗ Hồng Ngọc, Đoàn văn Khánh, Lương Minh, Hoàng Kim Oanh, Nguyễn An Bình, Quách Mạnh Kha, An Thảo, Quang Đặng, Trần Thị Trúc Hạ, Dung Thị Vân, Hoài Huyền Thanh, hai mươi ba người chen chúc chia nhau ngồi trong không gian 12 mét vuông. Nếu trừ đi không gian dành cho khu vực máy in, máy laptop và bàn thì mỗi người chỉ còn dưới nửa mét vuông. Chúng tôi đang cô đặc lại đến mức phải hạn chế từng động tác thừa. Chỉ có tiếng cười nói vô hạn định.

Không hẹn nhau, mỗi bạn mang một món: bia, rượu, xôi gói bánh tráng phồng, thịt nướng, bắp xảo, măng cụt, bánh các kiểu, bánh mì pâté, hoa hướng dương….bàn không đủ chất, cũng là vui.

Anh Nguyên Minh khai màn bằng một bài nói dở nhất của anh chỉ vì cảm xúc không nói được thành lời. Tôi coi đó là lời vô ngôn về tình thân ý nghĩa nhất của nhóm khi lòng đã dậy tuôn xúc cảm. Trúc Hạ đỡ lời anh Nguyên Minh kết luận: Hôm nay chúng ta lại thấy nhau, vui và “dzô” là đủ. Đúng, ờ thì dzô, ba chục lon bia cho 23 người cũng đã là nhiều. Và 4 giờ chen chúc cùng nhau vui đã là quá ít.

Tôi chật vật ghi hình. Tôi nói phòng này có dùng flycam cũng không ghi được toàn cảnh vì thiếu độ cao. Chiếc máy ảnh được chuyền tay nhau cùng ghi toàn cảnh rời. Những hình ảnh thật ngộ nghỉnh.

Trần Thị Trúc Hạ và Giấc Mơ Của Cỏ, với bìa Lê Ký Thương!

Đặng Châu Long

 

Đình An và Mỹ Lệ song ca 2 bài nhạc phổ thơ rất hay của Vũ Trọng Quang, và bây giờ là tiếng hát của Quách Mạnh Kha với An Thảo: Gọi người yêu dấu của Vũ Đức Nghiêm “…thương em mong manh như một cành lan”

“Sân khấu” hôm nay là khung cửa be bé của phòng. Chỉ còn nơi đó còn chừa lại chút không gian. Mà chỉ cần có chỗ đứng và hát bằng cả lồng ngực cùng nhau. An Thảo, con của Trần Hữu Hội cũng hòa vui cùng mọi người, hứa hẹn là một thành viên thường xuyên đồng hành cùng thân hữu. Nguyễn Thị Tịnh Thy háo hức từ Huế gọi hùn vui, chào mọi bằng hữu bằng hình ảnh từ video, hẹn ngày ra mắt Quán Văn sau.

(ĐCL)

29-06-2019

……………………………………………………………………………..

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Nguyên Cẩn đọc “Về Thu Xếp Lại…” của Đỗ Hồng Ngọc

28/06/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Tản mạn khi đọc  “Về thu xếp lại…”

 của Đỗ Hồng Ngọc

 

Từ “ cát bụi tuyệt vời “ đến “ cát bụi mệt nhoài “

Từ trái: Trương Văn Dân, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyên Cẩn
(Cafe Bờ kè Elena Pullino Trương, Saigon 6.2019)

Đỗ Hồng Ngọc (ĐHN) mở đầu quyển sách mới nhất  gồm 10  chương  của mình bằng chương “ Cát bụi tuyệt vời…” .Anh viết :”   “ Cái hình ảnh lấy cát bụi vo thành một cục rồi thổi vào đó một hơi dài để vươn vai lớn dậy làm người thì thật là thú vị . “ Nhưng  “ Có điều để cái “ cái bụi tuyệt vời  “ này trở thành “ cát bụi mệt nhoài “ là lỗi tại ta .” Tạ sao vậy ? Chúng ta đều biết rằng cơ thể của mình khi sinh ra đã được lập trình sẵn đến giờ G thì nó sẽ ra đi , thậm chí sớm hơn nếu gặp tai nạn . “ Sinh thành hoại diệt” là quy luật  ai cũng biết . Từ xa xưa  trong tiếng La tinh khi nói về con người , người ta dùng từ Homo , bắt nguồn từ Humus nghĩa là cát bụi  và cũng từ căn ngữ ấy mà con người phải hiểu phải sống  khiêm cung , nhún nhường , kính trọng những gì làm nên sự sống ( Homo- Humus –Humble – Humility…)  Nhưng sao “ cát bụi mệt nhoài ‘? Vì ta thôi ! Ta không biết tận hưởng cuộc  sống này , ta loay hoay trong những ước mơ , tham vọng , mưu đồ  toan tính và biến cuộc sống này trở thành nơi đấu tranh hay tệ hơn nơi giành giật niềm vui , thành đạt có khi từ tay người khác

Tác giả nhìn  vòng đời của con người trôi qua một cách lặng  lẽ với sự hiểu biết những nguyên lý vận hành cua nó vì bản thân anh là bác  sĩ “ Nhiều khi ,sáng dậy , nhìn  vào gương soi tôi lại thấy  tức cười .Tôi đó  sao ? Nhăn dần từng nét ngộ nghĩnh trên mặt trên da…Mấy tế bào của cơ mặt  hình như sinh tật làm biếng  , xệ xuống cho khỏe .” Anh cũng chợt nhận ra “ Lâu nay tôi hoang phí năng lượng vào những chuyện không đâu cho nên cơ thể căng cứng , rã rời. Lúc nào phổi cũng phải bơm hơi cho kịp , tế bào cũng hì hục sản xuất năng lượng .”  (Tôi chợt nhìn ra tôi )

Thu xếp hay buông thư  ?

Từ “ Gió heo may đã về “ ĐHN  đã nhìn thấy tuổi già lặng lẽ  bước đến ở tuổi 55 , đến 60 anh lại “ Già ơi …, chào bạn !“ . Đến  75 anh còn thủ thỉ “ Già sao cho sướng ? Nay thì đã 80 rồi , trên cả thượng thọ , anh thấy cần phải “Về thu xếp lại “.   Anh thu  xếp cái  gì ? Cho ai ? Trước hết , anh thu xếp giờ giấc cho chính mình . Thu mà không thu . Mặc kệ nó . Muốn ăn thì  ăn ; muốn ngủ thì ngủ , không đặt ra chương trình “ hành động “ cho mỗi ngày .Nhưng cũng phải có  chút kỷ luật , ngăn nắp : ăn vừa đủ  , ngủ vừa đủ , làm việc lai rai  cho đỡ mụ mị đầu óc ,và đặc biệt rèn luyện thân tâm qua việc ngồi thiền , nhưng ngồi cũng vừa đủ , tránh “ tẩu hỏa nhập ma. “ Kể cả thở ,“Bây giờ tôi chủ trương thở vừa đủ xài . xài ít thì thở ít.” Nhân nói chuyện thu xếp, tình cờ hôm nọ  vào nhà sách Phương Nam  , tôi mua được quyển “ The Life- Changing Magic of Tidying “ của Marie Kondo ,  đọc  để thay đổi thói quen hành vi của chính mình  vì tôi vốn dĩ luộm thuộm, lôi thôi bị rầy hoài mà vẫn quen tật ‘ lộn xộn ‘, sách vở để lung tung !  Trong sách , ngay phần mở đầu tác giả đã viết “Khi bạn hoàn tất việc sắp xếp lại căn nhà của mình  , bạn sẽ thấy  cuộc đời mình thay đổi một cách diệu kỳ. “ Một đoạn khác tác giả viết “ Nó cũng hệt  như thực  hành “ phong thủy “ , khi  bạn thu xếp căn nhà  của mình trong một trật tự hoàn hảo thì bàn ghế và các vật trang trí sẽ mang lại sức sống cho ngôi nhà đó .” , và cho  rằng khi bạn thu xếp đồ đạc quanh mình gọn gàng , bạn đã ‘lập trình ‘lại tâm mình .  Nguyên tắc căn bản đầu tiên là : Phải biết vứt đi ! Nghĩa là bỏ đi hết  những thứ không cần , không dùng , kể cả sách vở  không đọc , hay dự tính sẽ  đọc…. Làm những gì cần phải làm . Nói như ĐHN là “ rửa tay gác kiếm “ . Giờ đây , anh không khám bệnh , chỉ dự tham vấn thôi.”Dạy ít dần . dạy, chủ yếu là kể chuyện đời xưa cho sinh viên nghe , không dạy kiến thức , kỹ năng mà dạy về thái  độ , về mối quan hệ thẩy thuốc , bệnh nhân , về y nghiệp, y đức.Đó là cách  tôi “chọn ưu tiên” và “ tối ưu hóa “ việc của mình ở tuổi gìà này  “ , cũng là  biết sắp xếp công việc phù hợp tuổi tác và sức khỏe.

Đó là việc bên ngoài .Còn  bên trong thì sao ? Anh ĐHN muốn ta sắp xếp cái “ phong thủy” bên trong vốn lộn xộn ,“ tâm viên ý mã “ như khi anh viết Chương “ Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi “,  anh đề cập đên chuyện cảm xúc tuổi già , dễ mau  nước mắt , xem phim , đọc truyện tới đoạn nào lâm ly là khóc , khóc không kiểm soát  được . Tôi đã chứng kiến nhiều lần việc này ở  những người bạn U- 70 hay U-80 của mình : có người  đi công tác ra Côn Đảo với tôi nghe kể chuyện về các tù nhân  ngày xưa trong các trại  , khóc ngon lành , khóc không dỗ được ; hay có người chỉ cần nghe lại nghe một bài hát quen thuộc là khóc  , bất kể ở đâu …Thế nên thu xếp lại là điều chỉnh mình “ , sắp xếp cái “ đồng hồ sinh học “ cho nó sao cho ổn hơn , để nhận ra  cuối đời  rằng “ trăm  vết thương rồi như đá ngây ngô . “và cũng  hiểu rằng  cái chết đã được lập trình ngay khi sinh ra như đã nói ở trên .

Là bác sĩ đồng thời lại “ thâm  nhập kinh tạng “ khá sâu sắc , ĐHN hiểu ‘ ngũ uẩn giai  không “ , hiểu lý vô thường ,vô ngã của thân tâm ta  , của vạn pháp quanh ta. Anh hiểu  bốn sự thật  mầu nhiệm, mà Đức Phật dậy , khởi đi từ Khổ đế gồm Khổ khổ , Hành khổ và Hoại  khổ ví như đau răng là khổ mà không  đau răng cũng là khổ vì hễ  có răng là có khổ ,có thân là có bệnh như lẽ tất yếu mà mầm  hoại  diệt nằm trong cái được sinh ra . Đó là ý nghĩa của Tập  đế – nguồn gốc của các khổ . ĐHN muốn ta “ giành lại chủ quyền “ trong những ngày tháng  cuối khi ta phải biết kết hợp thân tâm .Nói như Thiền sư Nhất Hạnh “ Tâm ta là một vương quốc với lãnh thổ khá rộng bao gồm sắc, thọ. tưởng .hành và thức . Nếu ta  để cho những cảm xúc  và tri giác bị kéo đi bởi  những thói quen và tập khí thì ta đánh mất chủ quyền  ngay trên lãnh thổ chính mình “ (TNH-Con đã có đường đi )

Anh tìm đến cội nguồn của phiền muộn , của vô minh khi viết  “ Kiến tánh là Giác Ngộ  . Dễ không ? Còn  lâu.Nói chung thì vì cái tâm mình  nó lờ mờ , nó tù mù , nó u tối nên sinh ra tham lam . Gì cũng muốn , bao nhiêu cũng không đủ…Rồi cũng vì cái tâm lờ mờ ….nên sanh ra giận ( sân ) . No mất ngon giận mất khôn .  Cuối cùng anh trở về với tự thân mình “ Nghiệp từ thân khẩu ý mà nên. Cho nên chỉ có  ta mới cửu được ta .Cho nên phải quay lại với mình , phải nương tựa chính mình  , còn tìm kiếm đâu xa”  (Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt )

Chúng ta biết theo nhà Phật , nếu bát chánh đạo là con  đường đưa đến giải  thoát thì bát tà đạo  là con đường đưa đến khổ đau ví dụ như  tà niệm  lúc nào cũng muốn làm sao có nhiều quyền hành danh vọng và sắc dục  hay tà tinh tấn là mải mê làm việc quên cả việc chăm lo bản thân và gia đình  ….Ta phải về nương ‘ hải đảo tự thân “ vì khổ đau có mặt cùng lúc với  hạnh phúc. Chỉ vì ta không biết  .Thế nên Nhà Phật  dạy Diệt đế là sự  vắng mặt của khổ đau như là bóng tối và ánh sáng . Trong ta vửa có bùn lại vừa có sen , có cả rác và hoa .

Bác sĩ họ Đỗ bàn sâu  về ngồi thiền . Trong   vài Chương sau cùng ,  anh viết về “ Tứ niệm xứ “ , về phương pháp thiền quán  theo Kinh An Ban Thủ ý. Anh nói  về hơi thở và cách thở “ Cứ ngồi yên đó , lắng nghe  hơi thở của mình . Thở vào …thở ra . Một  hơi thở là một cuộc sống “ .. Không có hơi thở nào của hôm qua ,Không có hơi thở nào của ngày mai . hơi thở chỉ có hôm nay .Ở đây và bây giờ . Cho nên biết thở là biết  sống ở đây và bây giờ . Người nào luôn nhớ cái chết thì sống hạnh phúc ”( Đôi khi trên lá khô một  dòng suối ) Nói theo giáo lý nhà Phật thì đó chính là” Hiện pháp lạc trú “ hay Sức mạnh của hiện tại ( The Power of Now ). Anh cũng nói “ Thở sẽ tự động điều  chỉnh theo nhu cầu năng lượng của hành  giả .. Cảm nhận lúc đó như tan vào hư không  , không còn ngã , nhân , chúng sanh thọ giả gì nữa .”Nhờ “ quán hơi thở “ ta sẽ thấy hay nhận ra những nguyên lý khác của sự sống, của các pháp quanh ta .“ Một chiếc lá vàng rơi, người thi sĩ thấy cả mùa thu .. nhưng người quán chiếu lại thấy sự vô thường , vô ngã ,bất sinh bất diệt” ( Trời cao đất rộng một mình tôi đi )

ĐHN nói rằng nhờ học Phật  khiến thân tâm   trở về hợp nhất nên anh  “ Ăn được , ngủ được , tức ăn ngon , ngủ yên , làm việc nghiên cứu , giảng dạy viết  lách ít mệt mỏi , suy nghĩ tập trung tốt  …Sau đó biết thưởng thức cuộc sống , bớt sợ hãi , bớt lo toan tính toán … Không phải là lý thuyết suông mà là sự  thể nghiệm làm ngay trên bản  thân mình ..”( Để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười ) .

Chúng ta biết thiền ( Dhyana) nghĩa là buông thư , dừng lại , trong khi chúng ta ai cũng mang  hạt giống ham muốn , rong ruổi ,tìm kiếm . Nhà thơ Vũ Hoàng Chương từng viết :

”Lang thang từ độ luân hồi

U minh nẻo trước xa xôi dặm về  (VHC- Nguyện Cầu )

Đề làm điều này nhà Phật dạy ta dùng  chánh niệm .Niệm là chú tâm quán sát , là biết  những gì đang xảy ra quanh ta và quan trọng hơn , trong ta , Phải thu xếp lại ,nói như ĐHN  ,niệm để đạt samadhi ( định ), nếu không sẽ không thể có tuệ giác được . Nhờ đó ta hiểu biết  rốt ráo về nguồn gốc nỗi khổ và phương pháp diệt trừ những nỗi khổ ấy , chuyển  hóa tận gốc những phiền  muộn bằng Đạo đế .Thiền sư  Nhất Hạnh dạy ta phải biết “ ôm ấp  niềm đau “vì trong chúng ta  ai cũng có một chút bệnh ,không nhiều thì  ít , nên  kinh An ban thủ ý có một bài thực tập “ An tịnh thân  hành “ và một bài “ An tịnh tâm hành “, nghĩa là  buông thư thân rồi tiếp theo là buông thư thân .Người viết “  Chúng ta  thường có hai khuynh hướng tư duy , một là đi tới cái giận ,hai là đi tới cái thương . Nhưng khổ nỗi tư duy ta cứ thích chạy  về phía giận hờn và trừng phạt .”(TNH-sđd) Người ta trước những biến động cuộc đời  thường đi xa cái tâm ‘ trong sáng ngây thơ “ ban đầu của mình như lời thơ Bùi Giáng :’

Hỏi tên ? Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa

Gọi tên là một  hai ba

Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm

Kinh Phật nói vạn pháp  như mộng ,huyễn ,bọt sóng , hết thảy đều vô thường biến ảo . Có người giải  thích  hai câu sau là pháp ngồi thiền , sổ tức , đếm hơi thở trở về với bản thể chân tâm còn đo là vì tâm còn  mong cầu , nghi hoặc . Con người phai biết chấp nhận cả họa và phúc  mới đạt được an lạc , bình tâm .

VTXL viết nhẹ nhàng sâu lắng với 10 chương đều bắt đầu bằng những ca từ trong các bản  nhạc  Trịnh Công Sơn như một cẩm  nang thực hành chứ không thuần lý thuyết , trong đó chứa đựng cả một nền tảng Phật pháp uyên bác và những nguyên lý thiền quán giúp ta “ thu xếp “ lòng mình nhẹ nhàng . Có người rất thân với tôi dã tâm sự  “ Đọc xong VTXL,mình  mới thấy cuộc sống này đáng yêu đáng qúy biết chừng nào vì quỹ thời gian gần cạn  kiệt , chẳng nên so đo suy tính thiệt hơn với đời nhiều quá

Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

Đành không trải hết được lòng ta ” ( Ta về – Tô Thùy Yên )

Trong Chương cuối ,  ĐHN viết :” Tóm lại vì có cái ta mà phát  sinh phiền não khổ đau. Pháp vận hành theo pháp, chẳng vì ta . ”( Để lại thiên thu hình dáng nụ cười ). Chúng ta hiểu thư giãn là hạnh phúc nhưng đồng thời cũng  vẫn phải cảm ơn cuộc đời ,cảm ơn  cha mẹ , thầy tổ ,chúng sinh, cả đất  và trời che chở cho ta , nghĩa là vạn  pháp vì biết ơn cũng là hạnh phúc .Ta cảm nhận tâm tình  của  thi nhân khi viết :

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất  trời

Cảm ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ nỗi lẻ loi.

( Tô Thùy Yên-Ta về )

Đó cũng là nguyên tắc bất nhị khi chủ thể và đối tượng là một mà bác sĩ họ Đỗ đề cập thoáng qua khi nói đến Tứ niệm xứ .

Trong cái “ thế giới vui “ấy , ĐHN viết “ Xưa nay chưa ai  mô tả một sự “ Cực Khoái “. Nếm trải mới biết . Cuối cùng là  tìm  một nụ cười . Nụ cười ấy là sự giác ngộ , giải thoát. “ (Để lại thiên thu hình dáng nụ cười) Cuộc đời như ai đó nói là đo hay đếm bằng những nụ cười . Hãy “ thu xếp lại “ lòng mình để tìm  nụ cười ấy ,theo tôi là tâm huyết của  tác giả  trong “Về Thu Xếp Lại…”.

 

Nguyên Cẩn

(6.2019)

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Ca sĩ Lâm Dung với “Bông hồng cho Mẹ”

17/06/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Ca sĩ Lâm Dung với “Bông hồng cho Mẹ”

Tôi vừa nhận được youtube này từ Ca sĩ Lâm Dung. Cô Lâm Dung đã trình bày đầy cảm xúc và trang trọng bài Bông Hồng Cho Mẹ của nhạc sĩ Võ Tá Hân (phổ thơ Đỗ Hồng Ngọc) trong buổi Sinh hoạt Văn nghệ tại Viện Việt-Học, thứ bảy 8.6.2019 vừa qua.

Chân thành cảm ơn ca sĩ Lâm Dung, nhạc sĩ Võ Tá Hân và cô MC (chưa được biết tên) là người đã có lời giới thiệu đầy xúc động…

Xin được chia sẻ nơi đây cùng bè bạn.

Trân trọng,

Đỗ Hồng Ngọc.

(Anh Võ Tá Hân vừa cho biết cô MC tên là Giáng Tuyết. Lần nữa, xin cảm ơn Giáng Tuyết). 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Bàu Lời: “… chút ấu thơ”

13/06/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi

Bàu Lời: “… chút ấu thơ”

Đúng là mình vừa về thăm lại Bàu Lời, nơi chốn xưa, mình đã sống những ngày tuổi nhỏ, từ 10 đến 12 tuổi với Ba Má và các em… Đó là những năm 1950-1952 thời kháng chiến chống Pháp đầy bom đạn, tản cư, chạy hết vùng này sang vùng khác, hết nhà này bị đốt sang nhà  kia bị đốt… Dĩ nhiên, toàn nhà lá, cất tạm bợ trong rừng sâu, nước độc… Nhưng nhà nào tuy lợp lá mà cũng có rào kiên cố, bởi cọp có thể về viếng bất cứ lúc nào. Mình vẫn bị sốt rét cơn run bần bật, da mét chẹt, xanh lè xanh lét, ốm nhom ốm nhách, lá lách sưng to… Hết chạy từ Phò Trì, Láng Găng, Rừng Khỉ, đến Bàu Mưa, Bưng Thị… về đến Bàu Lời thì đã “khá giả” hẳn vì có vườn, có bàu nước, có rẫy bắp và những giồng khoai lang… đặc biệt là gần đó, đã có trường học, trường Nam Bình (thường gọi là trường Gò Ông Nồm). BaMá  thấy đã đến lúc cần dời nhà về gần trường để mình còn đi học, bớt ham chơi bắn bi, đá dế…   Thời đó Bàu Lời vẫn là một khu rừng rậm, với những cây dầu, cây sao, bằng lăng cao vút. Quanh lớp học có những hầm trú ẩn chữ U chữ V để khi máy bay tới thì học trò nhanh chân nhảy xuống hầm. Cạnh nhà, dưới gốc mấy cây dầu to cũng có một cái hầm trú ẩn. Trong nhà thì Má chuẩn bị quang gánh sẵn sàng tất cả các thứ “nhu yếu” để nghe báo động thì… kịp chạy. Cũng nơi Bàu Lời này, Ba mình đã chết năm 1952, lúc còn rất trẻ, mới 33 tuổi! Từ đó mấy mẹ con mới “chạy” về Phan Thiết trú ngụ trong chùa dưới sự đùm bọc của Cô Hai. “Ông già” mình trước chiến tranh, là một người chơi đàn violon, đóng kịch, ở trong đội banh của Lagi…

Bạn tưởng tượng coi, năm nay ở tuổi 80, mình quyết định phải về thăm Bàu Lời một chuyến, sau gần 70 năm xa cách chớ ít gì. Ôi, ngôi vườn xưa nay đã sum suê quá! Cau thiệt cao. Dừa sai trái. Xoài, đu đủ, chuối, mít… Ngôi nhà suốt 70 năm qua chắc trải qua nhiều đời chủ (?), nay đã được xây lại tử tế rồi. Nhưng bàu nước vẫn còn đó, động cát phía sau thì đã xanh um vườn thanh long… Đặc biệt, cái giếng nước bằng gạch xây vẫn còn nguyên đó, tuy thành giếng đã vỡ và lòng giếng cũng đã thay bằng một ống bi. Một thời, những năm 1955-60 người ta gọi là Giếng thần, múc nước giếng về chữa bệnh. Nghe nói xe lam ba  bánh mang thùng thùng tới chở nước đi bán khắp nơi… Cũng lạ. Dĩ nhiên là có phần mê tín thôi, nhưng hẳn duộc đất có bàu nước này chứa những “khoáng chất” gì đó chăng…

Và dưới đây là một vài hình ảnh ngôi vườn xưa của gia đình mình ở Bàu Lời (nay là thôn Hiệp Lễ, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận)…

Ngôi vườn xưa ở Bàu Lời, 70 năm về thăm lại (4.2019). Xa xa là Núi Cú, nơi có chùa Linh Sơn Trường Thọ Tự. Xưa Bàu Lời là khu rừng già, nay toàn vườn thanh long (thôn Hiếp Lễ).

 

 

 

 

 

 

Vườn cau cao vút dưới nắng hè. Mo cau rụng rợp trên nền đất vườn. Và mình đã nhặt hai chiếc mo cau về đặt ở bàn thờ Ba Má. Bây giờ ít thấy ở đâu có cây cau xưa vậy. Cau bây giơ lùn tẹt, ốm nhom, thấp chũn. Và ngày càng thấy nhiều cau kiểng…

 

Giếng xưa. “Trạm trạm nhất phiến tâm/ Minh nguyệt cổ tỉnh thủy” (Nguyễn Du).

 

 

Chắp tay cảm tạ.

Trò chuyện với Bà hai M, gia chủ.

Vườn xưa nơi Bàu Lời. (Bàu là một hồ nước thiên nhiên, tích tụ nước trên Giòng đổ về, có lẽ nhờ vậy, cây trái tốt tươi, cau dừa sum suê, sầm uất…

Cây đu đủ cạnh nhà… gợi nhớ cây đu đủ xưa đổ sụp ngày “Ông già” mất.

Cây xoài sai trái, nằm đúng vị trí câu đào (điều lộn hột) ngày xưa… trên đường xuống Giếng.

“… ngồi nhớ lại/ từng câu chuyện ngày xưa…” (TCS). Mới thôi, đã gần 70 năm, một đời người!

Khu vườn xưa… rất xưa!

 

Thân mến,

Hẹn thư sau,

Đỗ Hồng Ngọc

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Mười năm… dohongngoc.com

31/05/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Thư gởi bạn xa xôi,

Mười năm… dohongngoc.com

Bạn nhắc đúng đó. Cảm ơn bạn. Mười năm… rồi chớ chơi sao. Mới thôi. Và tháng 5 này thì vừa tròn. “Mười năm chân bước trên đường dài…” mình vẫn còn thấy “sóng lao xao bờ tôi…” (TCS) đó chứ sao không?

Nhưng… quả là thời gian nhanh quá. Bóng câu qua cửa sổ. Người xưa nói vậy. Bây giờ thì phản lực qua cửa sổ. Còn có chút tình thôi. Cho nên gom góp một chút như một kỷ niệm. Chia sẻ với bạn bè thân thiết.

1.  Nhớ mới hôm nào hai bạn trẻ Phùng Minh Bảo và Lê Thị Thùy Linh bế đứa con còn nhỏ xíu trên tay đến thăm, nói các em là độc giả của “Chú Ngọc” từ hồi Mực Tím muốn giúp chú làm một trang web tập hợp các bài viết của chú để lưu trữ và chia sẻ cùng mọi người.

Ừ, thì làm. Cho vui mà. Về hưu cũng nên bày ra cái gì đó cho bận rộn chút chứ phải không? Làm trang web chắc cũng như trồng kiểng, tưới cây, nuôi gà, quét sân… vậy chớ gì. Lúc đầu mỗi mỗi đều phải nhờ các em … rồi lần mò cũng tự làm được. Vui vì có nhiều bạn bè khắp nơi chia sẻ, bình luận, hỏi đáp… cho đầu óc bớt cằn khô.

Phùng Minh Bảo bày tỏ: “Tôi biết Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc (BS ĐHN) đã hơn 20 năm, cái biết của tôi cũng là cái biết giống như hàng vạn bạn trẻ độc giả báo Mực Tím – Khăn Quàng Đỏ với Mục “Phòng mạch MỰC TÍM “ của Bs ĐHN, với nhiều câu hỏi về các vấn đề của tuổi mới lớn và các câu trả lời rất dí dỏm, hấp dẫn và khoa học, tôi đã rất khâm phục phong cách viết văn và kiến thức của ông, mong ước được gặp ông trực tiếp vào một ngày nào đó.
Khoảng 3/2009, tôi mạnh dạn đến gặp ông tại Trung Tâm Truyền Thông – Giáo dục sức khỏe TP.HCM vào đúng lúc Bs ĐHN sắp nghỉ hưu. Ngay ngày gặp mặt đầu tiên, tôi biết, tôi có thể giúp ông tiếp tục cống hiến trí tuệ cho xã hội, giúp ông tiếp tục gửi thông điệp mang tình thương tới cho bạn bè, học trò, bạn đọc mọi lứa tuổi, ở khắp mọi nơi trên thế giới từ chính ngôi nhà của ông, vào lúc phù hợp nhất của ông bằng phương thức mà tôi làm tốt nhất: máy tính, Internet va website. Tôi đề nghị thiết lập một website mang tên ông: www.dohongngoc.com/web/ và hơi ngạc nhiên một chút vì ông đã lớn tuổi rồi mà những việc này cũng dễ tiếp thu, ông đồng ý ngay… Lúc đầu chúng tôi phải giúp, nhưng về sau tự ông viết và post lên, tự chỉnh sửa lấy…”.

2.  Vài con số thống kê:

 

Tuy trang web hình thành từ tháng 5.2009 nhưng đến tháng 8.2011 Phùng Minh Bảo mới thiết lập bảng thống kê. Theo đó, đến nay đã có 1336 bài viết, với 6607 bình luận (comments).

Số người truy cập: 1.110.019

Số trang được đọc: 2.442.534 trang, trung bình 2,2 trang/ một truy cập.

 

3. Một vài “phản hồi” của bạn đọc (đã thay đổi địa chỉ email):

(Xin phép các bạn cho ghi lại nơi đây. Chân thành cảm ơn).

quancong@gmail.com

Em thich cai nhin trang nha cua website nay, cach dung “font”, “mau”, va cach trinh bay. Em de y xem anh co trang “doi thoai” khong, thi thay cach anh bay to y kien doi voi nhieu cau hoi bang cach dung mot bai viet de tom tat va huong dan. Em nghi day co le la cach hay nhat de duy tri “doi thoai” voi nguoi doc, gon gang hon cach “go roi to long” cua nhieu websites khac. (…) Gioi tre va nguoi doc co nhieu dieu hoc hoi duoc qua noi dung cua trang web: cai hon nhien, tu tai, cai nhin vo tu, tich cuc cua cuoc song…

phanthuy@yahoo.com
Khi tìm được trang web này con cảm thấy rất vui. Mỗi lần sau khi lên mạng tìm kiếm đủ thứ thông tin, trước khi offline, con lại vô đây đọc, những bài viết của thầy nhắc nhở con phải trở về. Tâm con bớt lung tung sau khi lang thang trên mạng… Àh, con còn một chuyện nữa. Đó là con đang là một sinh viên y dược. Con rất muốn được trở thành một bác sĩ như thầy…

thanhxuan@yahoo.com
Hôm nay tình cờ search trên mạng gặp được trang web của bác em rất vui mừng. Không ngờ hôm nay gặp được bác, em mừng như bắt được vàng. Em vội add vào favorite liền, em sợ bác “chạy” đi đâu mất.

trieuminh020708@hotmail.com
Web của Bác ngon lành nhá! có youtube nữa, cám ơn người giúp nó. TM sẻ nhớ họ đấy…

nhamnh@yahoo.com
Đã từng cười rúc rich khi đọc “Thư gửi người bận rộn”,”Như thị..” và nhiều nhiều lắm những tạp văn của Bác sỹ (…). Những bài viết thật duyên, những cái nhin ý nhị, thấu suốt… Thật mong Bác sỹ mạnh khỏe, có nhiều bài tạp bút nho nhỏ cho mọi người cùng thưởng lãm. Thật vui vì biết blog này. Cảm ơn Bác sỹ.

thduong@yahoo.com
… lần đầu gặp trang web này tự nhiên con thấy mừng mừng tủi tủi , vì từ này khỏi cần đi nhà sách ngó nghiêng xem bác có sách mới nào chưa để còn mua về thủ kĩ , đọc rồi để dành mai mốt già đọc tiếp . Hahaha , đừng tưởng con nói giỡn , con nói rất thiệt , tủi vì sao giờ này mình mới biết, mừng vì đã gặp ” người trong mộng ” ( mơ một lần gặp bác sĩ , ra đường lâu lâu ngó tới ngó lui coi có tình cờ gặp không). Những bài viết của bác sĩ cứ ngấm dần vào con, từng ngày từng ngày, từ khi con 16 tuổi ( lúc đó con mua tặng mẹ quyển ” Gió heo may đã về ” và đọc ké ) rồi cứ vậy, trẻ măng mà cứ suốt ngày “gió heo may ” với “già ơi ”, người nào không hiểu tưởng con không bình thường . Về sau này, những ” Như thị ” ” Bát nhã tâm kinh ” của bác vẫn theo con từng ngày, con chưa ngộ ra nhiều điều, nhưng có sao đâu, sống là trải nghiệm từng ngày mà phải không bác… Nhà con giờ rất nhiều người “nghiện” bác, có trang web này chắc sẽ rất vui, cảm ơn bác sĩ đã lập web, cảm ơn luôn người độc giả đã làm web cho bác sĩ…

huynhthi@yahoo.com
Thật là đại phước,thật là hữu duyên khi con gặp được trang web này. Cuộc sống con vốn bận rộn, ở quê (Cai Lậy), yêu thích ngành y, yêu văn chương, yêu nhạc Trịnh, thích học Phật, lúc trước rất cầu toàn, bỗng dưng như trúng được kho báu… Thế giới phẳng thật kỳ diệu!!!
Con lưu ngay vào máy và đọc say mê khi vắng khách hàng, có lẽ chư Phật mười phương đã “gửi” đến cõi ta bà này một sứ giả để trị tâm bệnh và thân bệnh cho chúng sanh chăng?!
Con kính chúc bác sĩ vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng cát tường để luôn là cầu nối giữa phật pháp – khoa học – văn học – và chúng sanh…

quynhanh@vtv.gov.vn
…Tình cờ vào được trang web của bác, con rất mừng. Cứ như được gặp lại người quen cũ. Con “quen” bác từ khi con bắt đầu mang thai cháu đầu lòng. Năm nay, cháu đã 20 tuổi. Hồi đó, đúng là con đã gối đầu giường quyến sách “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” của bác…

langthang@gmail.com
…Lại tra thêm trên mạng, ra trang nè; trang mạng của bác mang vẻ fiêu du lãng tử mà cũng thâm sâu lắm^^. Cháu học ở trường, học tôn giáo…

phuthuy@yahoo.com
Gặp được chú mừng quá không biệt hỏi cái gì trươc cái gì sau nữa. Bữa nay sao mò mẫm tìm được trang web của chú. Cám ơn trời hehe.

ngquynh@gmail.com
Ngưỡng mộ chú lắm, đặc biệt là tài viết văn của chú, nhẹ nhàng mà thâm thúy. Đọc chú mới thấy tâm hồn con người trở nên đẹp với chút văn thơ. Đọc chú thấy sao tiếng Việt mình thật đẹp (đọc sách giáo khoa văn học có khi lại khó thấy!).
Cháu dốt văn số một, đọc chú cháu thấy cái ý nghĩa của văn chương. .

muitran@yahoo.com
Có “chôm” vài bài của BS đưa vào trang nhật ký của gia đình, dĩ nhiên là có ghi đủ đường link, để bạn bè và con cháu sau này có ghé mắt vào xem thì cũng theo đường link mà vào trang nhà của BS để mà suy gẫm thêm.

hodinh@yahoo.com
Cảm cúm con uống vài viên tylenol …. Còn Stress quá thì con uống ” dohongngoc.com ” bớt liền . Mang ơn Bác lắm vì lòng tử tế của Bác dành cho mọi người trong đó có con . Mong Bác luôn an vui .

rosa@yahoo.com
… Từ ngày cháu phát hiện ra trang web này, cuộc đời cháu như có thêm niềm vui mới và cháu như tìm thấy sức mạnh, niềm tin mới. Đọc những bài viết của Bác Sĩ, nhiều khi cháu muốn phá lên cười, nhiều khi lại thấy bâng khuâng ray rứt muốn rơi nước mắt. Mỗi bài viết một cảm xúc và khi đọc lại, cháu lại tìm thấy cảm xúc mới. Cháu hiểu thêm về cuộc đời và về bản thân mình.

hiep@gmail.com

Le ra trang web nay phai co mat truoc day chu khong phai den bay gio! Boi nhung dong chu ma bac si Do Hong Ngoc viet ra that su gia tri, that su huu ich, nhe nhang thoi nhung sau sac, nhu chinh cuoc doi anh, nhu chinh nep song cua anh!

 

Một lần nữa, đa tạ các bạn.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

(31.5.2019)

 

 

Filed Under: ".com"... 2 năm nhìn lại!, Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Phật Đản (PL 2563): Về thăm đất Phật, Nepal

17/05/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Phật Đản (PL 2563)

Đỗ Hồng Ngọc

Ghi chú: Bài viết này đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 321 ngày 15.5.2019. Nhân dịp Phật Đản 15.4 Kỷ Hợi (PL 2563), xin được chia sẻ lại nơi đây (thêm vài hình ảnh riêng).

Trân trọng,

ĐHN.

 

Trong buổi kể chuyện và trình chiếu một số hình ảnh về chuyến về thăm đất Phật Nepal, Lâm-tì-ni của tôi cho nhóm bạn trong Chương trình Phật học và Đời sống ở Chùa Xá-Lợi, có một bạn trẻ đặt câu hỏi: Bác có thấy “động tâm” không khi được đến Lâm-tì-ni nơi Phật đản sanh và bác có ý định đi thăm tiếp 3 nơi nữa cho đủ “Tứ động tâm” không? Tôi trả lời là với Đức Phật lịch sử thì lúc nào tôi cũng thấy “động tâm” và ở đâu tôi cũng thấy “động tâm” cả, không nhất thiết phải đến tận Lâm-ti-ni hay đi cho đủ 4 thánh tích…

Cả chục năm nay chưa hề đi đâu xa khỏi nhà…, thế mà một ông già 80 tuổi là tôi,  bỗng nhiên bay vèo đến Himalaya (Hi-mã-lạp-sơn) ngắm núi tuyết rồi kêu lên núi tưởng là mây, mây tưởng là núi…  Thế giới có 10 đỉnh núi cao nhất thì Nepal đã có đến 8, kể cả Everest, 8848m. Chỗ tôi trú nằm trong rặng Himalaya nhưng chỉ cao hơn 2500m thôi, nghĩa là lùn tẹt, so với Everest nhưng cũng còn cao hơn Đà Lạt mình cả ngàn thước! Vậy mà đã lạnh buốt đầu tháng 3 này. Đêm 7-8 độ C, ngày 13-14 độ C. May mà có cái máy… sưởi. Đồi núi trùng trùng điệp điệp. Không khí đã nghe loãng. Thở nhẹ như bay bay.

(Một góc Nepal, Hymalaya, ảnh ĐHN 3.2019)

Chuyến đi Nepal này khá bất ngờ với tôi. Năm ngoái, hai vợ chồng bác sĩ Thủy – học trò cũ của tôi và là đệ tử của thầy Huyền Diệu – ở Úc mời thầy đi Nepal một chuyến cho biết “vì thầy là con Phật, phải về thăm xứ Phật một lần”. Rồi có thư mời của thầy Huyền Diệu nữa, nhưng tôi vẫn lần lữa mãi không đi, vì sợ lạnh, sợ độ cao, “sức khỏe không cho phép”! Lần này Thủy nói có Ba Má em đi nữa, mà ông bà đều lớn tuổi hơn thầy. Ừ, thì đi.

Phi trường Kathmandu, thủ đô Nepal là một Mandala giữa thung lũng bao bọc bởi núi là núi. Bụi khói mịt mù. Xe cộ nhớn nhác- vì lái bên trái- làm cứ giật mình đánh thót. Người Nepal lắc đầu là OK. Gật đầu là từ chối. Chủ nhật là ngày làm việc. Thứ hai mới là ngày nghỉ. Giao dịch, ăn uống bằng tay phải. Tay trái để…. vệ sinh. Đàn ông có uy tín lớn trong nhà. Ban ngày đi làm gì không biết, nhưng chiều về, vợ mang nước rửa chân cho… Giữa phố thị có khu vực… dành làm nơi thiêu xác lộ thiên. Có nhiều tiếng quạ quang quác. Nepal có 26 triệu dân, gồm 100 dân tộc và 123 ngôn ngữ, ngôn ngữ chính là Nepali. Đồng tiền là Rupee. Một USD bằng hơn trăm rupee. Năm 2015 Nepal bị một trận động đất chết đến 8000 người, bị thương 20.000 và hằng trăm ngàn ngôi nhà bị chôn vùi. Khu vực tôi đến ở – Himalayan Happiness Resort- thuộc vùng Dhulikhel, cách Kathmandu hơn 36 km, nhưng có khi phải đi 2 tiếng đồng hồ mới tới vì kẹt xe và đường đèo núi.  Nơi đây chỉ còn cách Tây Tạng ba chục cây số! Thầy Huyền Diệu (HD) đã đợi sẵn. Thầy nói thầy đã đi 27 tiếng đồng hồ bằng xe bus từ Bồ Đề đạo tràng (Bodh Gaya) về đây chờ mọi người. Chưa chi đã thử sức leo gần hai trăm bậc thang để về phòng nghỉ. Mình được ưu tiên ở một phòng… đẹp nhất, để nhìn quang cảnh thung lũng và núi tuyết của Himalaya xa xa.

Khí hậu, độ cao, với không khí khá loãng nhưng thấy dễ chịu, có lẽ nhờ khung cảnh trời đất bao la quá đẹp. Sáng sớm, mở màn cửa ra thì ôi chao, một cảnh sắc tuyệt vời, mê mẩn. Mặt trời sắp ló dạng, tươm một màu tim tím rồi vàng hườm rồi hồng đượm… ở chân trời, cắt từng nét bởi đồi núi chập chùng và những ngọn cây chới với… Đã có tiếng thầy HD đến tận phòng thăm hỏi và mời đi uống trà, cafe sáng, ngắm… mặt trời lên!

Về tuổi đời thầy HD còn ít hơn tôi đến 6 tuổi, trông… đẹp trai, cao ráo, năng động, tháo vát, rất nhiệt tâm và có đường lối tu tập riêng, gọi là “mật pháp” với những “mầu nhiệm” “phép lạ” dựa trên kinh Pháp Hoa… “nhất tự nhất bái”! Kinh Pháp Hoa không lạ với tôi, vì đã nhiều năm nghiền ngẫm và viết cuốn “Ngàn cánh sen xanh biếc” nhưng cách thực hành của thầy HD thì tôi thấy cần phải tìm hiểu và lý giải thêm.

Buổi tối, đáp lại câu hỏi của thầy, tôi trình bày nền Y học hiện đại đang gặp những khó khăn gì, tại sao có khuynh hướng tiến về một thứ Y học toàn diện (Holistic Medicine) – mà hai bác sĩ Diệu Thủy, Minh Sơn đang theo đuổi- về các thứ bệnh thời đại S.A.D (Stress, Anxiety, Depression) phải trị liệu với Thiền học, rồi gần đây, “21 Bài học cho Thế kỷ 21” của Yuval Noah Harari nêu hai vấn đề nổi cộm: Công nghệ sinh học và AI (Artificial Intelligence, trí thông minh nhân tạo). Phải chăng, rồi đây công nghệ sinh học sẽ tạo ra phần “sắc”, còn AI sẽ tạo ra “thọ, tưởng, hành, thức” để rồi sẽ có một chủng loại người với “ngũ uẩn” mới?

Sáng hôm sau, tôi đề nghị cho đi thăm làng, thăm “dân cho biết sự tình”, bởi cái máu làm Sức khỏe cộng đồng, Y tế công cộng trong tôi vẫn còn nặng lắm. Vui quá, Liz (Trúc), con của bác sĩ Thủy là người đang làm việc trong lãnh vực này. Tiếng Việt cháu không rành lắm, lại sống với người chồng Ấn độ (sanh tại Úc) nên tôi có dịp… ôn tiếng Anh lõm bõm của mình. Nào Community Diagnosis (Chẩn đoán cộng đồng); Community Involvement (tham gia cộng đồng), nào Intersectoral Cooperation (phối hợp liên ngành), nào Appropriate Technology (kỹ thuật học thích hợp)… ! Rồi đến thăm một gia đình theo đạo Phật, tiếp xúc với Hiệu trưởng một trường Tiểu học để chuẩn bị cho buổi khám sức khỏe cho bà con ngày hôm sau.

***

Từ Kathmandu đến Lumbini (Lâm-tì-ni) chỉ dài 320km mà đường bộ đi mất khoảng 16-20 tiếng đồng hồ. Đường đèo núi xuyên Himalaya rất khó đi. Buổi sáng đoàn rời Dhunlikhel để về Lumbini (Lâm-tì-ni). Mọi người cầu nguyện và đọc kinh suốt một đoạn đường. Đây là quãng đường đèo nguy hiểm nhất.

Đoàn nghỉ một đêm ở Bandipur, một điểm du lịch nổi tiếng, trên con đường Tơ Lụa ngày xưa từ thế kỷ XIV, vẫn còn dấu tích những căn nhà cổ, bằng đất và đá. Khung cảnh rất đẹp. Một khu phố cổ … nhà nghỉ, cửa hàng và khá nhiều du khách phương Tây đang thưởng thức cảnh thanh nhàn. Trưa hôm sau, đoàn rời Bandipur để về Lumbini. Tôi thử đếm có bao nhiêu đoạn quanh cùi chỏ khi xe lên xuống ngọn núi này (không kể những đoạn quanh không gắt). Trời ạ, 67 khúc quanh “cùi chỏ”! Hèn chi mà người ta nói đi đoạn đường này người chưa quen chỉ có việc… tụng kinh và nhắm mắt!

Đến Lumbini đã khá chiều. Việt Nam Phật quốc tự đây rồi. Hai con hạc vung cánh như múa và quang quác kêu lên mừng rỡ. Trời vẫn còn lạnh, nhất là về đêm, 12-13 độ C.  Muốn tắm phải xách nước nóng từ nhà bếp lên lầu, khá xa. Đã ba ngày không tắm rồi. Tôi nói với sư chú MN ở chùa như một lời… xin lỗi thì chú nói ở đây bảy ngày không tắm là thường đó bác ạ.  Các bữa cơm self-service, chay trường, rất ngon. Đêm ngủ khá nhiều muỗi. Thỉnh thoảng nghe tiếng chó sói (?) tru.

Có điều đến Việt Nam Phật quốc tự ở Lâm-ti-ni thấy như đã về đến nhà mình rồi vậy! Cũng lũy tre, ruộng lúa, bờ ao, ngọn cỏ, cũng vườn rau, cây cầu… Mái chùa cong vút trong nắng chiều. Cổng chùa thân quen quá… Tôi nghĩ phải cảm ơn thầy Huyền Diệu thôi. Đã dựng nên một ngôi chùa Việt rất sớm nơi đất Phật đản sanh, Lâm-tì-ni này vậy. Việt Nam phật quốc tự khởi công từ 1993, hoàn thành 2005. Lần lượt nhiều ngôi chùa của các quốc gia khác đã được dựng nên. Chùa Nepal, chùa Tây Tạng, chùa Trung quốc, chùa Thái, chùa Myanmar… và cả một số nước Tây phương như Đức, Thụy sĩ, Áo… Đặc biệt ngôi Tháp Hòa bình, chùa Nhật có vẻ bề thế nhất vì nối trực diện với khu thánh tích.

***

Hoàng hậu Mayadevi hôm đó vội vã lên đường về kinh đô Ka-tì-la-vệ (Kapilavastu) để kịp sanh hoàng tử nhưng vừa đến Lâm-ti-ni thì cơn đau đã rột, không thể cất bước được nữa. Ở đó đã có ao nước mát, đã có cây Bồ đề tỏa bóng râm. Trong đoàn tháp tùng Hoàng hậu hôm đó đã có các cô mụ, các ngự y. Khi Hoàng hậu vin cành Bồ đề ráng rặn sanh thì không còn kịp nữa. Người ta đã phải giúp Bà sanh bằng Cesarien. Và vì thời đó kỹ thuật vô trùng chưa tốt, Hoàng hậu đã bị nhiễm trùng hậu sản mà chết. Phật đã là một con người. Đã sanh ra. Đã khổ đau. Đã hạnh phúc. Và đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, từ bỏ vương quyền để một mình lang thang vào rừng sâu, sống đời khổ hạnh, mong tìm con đường giải thoát cho mình và cho chúng sanh. Suốt 6 năm vất vưỡng trong rừng sâu, ngày ăn một hạt mè, đêm ngủ trong nghĩa địa hay trên cành cây, người chỉ còn xương bọc da, sờ tay vào bụng thì đụng ngay đốt sống thắt lưng, đầu óc bắt đầu choáng váng, tù mù… (Narada, Đức Phật và Phật pháp), may sao nhờ chén sữa của cô gái Sujata mà tỉnh lại, nhận rõ lối tu khổ hạnh, hành xác là sai lầm, quyết tâm đi vào con đường trung đạo để rồi giác ngộ sau 49 ngày thiền định dưới cội Bồ đề . “Thiên thượng thiên ha, duy ngã độc tôn” chỉ có nghĩa là chính Ta chớ không phải ai khác, chính ta mới có thể làm khổ ta, chính ta mới có thể làm ta an lạc, hạnh phúc. Phải quay về nương tựa chính mình thôi. Thấy biết vô thường, khổ, không, vô ngã, thực tướng vô tướng… mà vượt thoát sanh tử. Ơ hay, thì ra tất cả mọi người đều sẵn có Phật tính, không phải tìm kiếm đâu xa. Chỉ vì vô minh che khuất. Chỉ vì tham sân si, mạn nghi tà kiến… che khuất. “Vô trí diệc vô đắc”. Ta chưa từng nói một câu nào cả. Chưa từng dạy cho ai điều gì cả. Phật bảo vậy. Vẫn duyên khởi duyên sinh đó thôi.

Lâm-tì-ni rộng 774 ha. Ngang 1,8km. Dài 4,8km. Do một Kiến trúc sư nổi tiếng của Nhật là Kenzo Tange nghiên cứu thiết kế tổng thể suốt 8 năm, từ 1970 đến 1978. Theo đó, Lâm-tì-ni có 3 khu vực: khu Làng mới Lâm-tì-ni, khu Tự viện và khu Vườn thiêng, thánh địa, với nhiều di tích: Trụ đá của Vua A-dục (Ashoka), đền thờ Hoàng Hậu Mayadevi, Ao nước, Cây Bồ đề. Năm 249 TCN, Vua Ashoka đã tìm ra đúng nơi Phật đản sanh và dựng Trụ đá làm dấu tích, ghi rõ dòng chữ Pali vẫn còn đó. Huyền Trang (602-664) đi thỉnh kinh có ghé qua đây. Nhưng rồi Lâm-tì-ni rơi vào quên lãng, mãi đến năm 1896 mới được hai nhà khảo cổ người Đức là Futher và Bhuler tìm được trụ đá của vua A Dục và công bố. Ngày nay Lâm-tì-ni đã được Unesco công nhận là Di tích Văn hóa Thế giới và được trùng tu ngày càng trang nghiêm, hùng vĩ. Các vị Tổng Thư ký Liên hợp quốc từ U Than đến Ban Ki-moon đều đã đến thăm viếng Lâm-tì-ni.

Con kênh đào thẳng tắp chạy từ Tháp Hòa bình (Chùa Nhật) đến trụ đá của vua Ashoka đã thấy có thuyền máy xình xịch đưa khách hành hương. Mình đề nghị nên mang vài cái thuyền thúng (ở Phan Thiết rất đẹp) về đây sẽ thu hút du khách vì sự độc đáo. Hoặc ít ra, nơi đây cũng nên có những chiếc  “thuyền nan nhẹ lướt” chèo tay như ở Suối Yến chùa Hương!

 

 

Nhiều nhóm Tu sĩ và Phật tử thập phương đang chiêm bái Vườn thiêng Lâm-tì-ni quanh Cột đá Vua Ashoka. Họ đọc kinh, tụng niệm vô cùng thành kính.  Nhóm nhiễu quanh trụ đá, nhóm kinh hành quanh hồ nước thiêng, nhóm tụ tập dưới táng cây Bồ đề… Mọi người lần lượt xếp hàng vào viếng đền Mayadevi (cấm chụp hình).  Tôi vẫn lang thang một mình, quan sát, dòm ngó, ngơ ngác… Thực lòng, chỉ thấy một sự… náo nhiệt mà chưa thấy “động tâm” chi. Chỉ đến khi bắt gặp một chiếc lá bồ đề rơi lẻ loi trên đụn gạch xưa cũ vốn là những nấm mồ vài ngàn năm trước của các đệ tử Phật mới thấy xúc động!

Ngay buổi chiều đó, đoàn đi thăm Kapilavastu (Ca-tì-la-vệ) cách đó khoảng 30 cây số. Đường xấu, đang sửa chữa, bụi khói mù mịt. Thỉnh thoảng thấy một vài cánh đồng… khô khốc…  mùa nóng sắp tới, ở đây 49-50 độ C là bình thường!

Đây rồi. Ca-tì-la-vệ. Kinh thành trù phú ngày xưa của Tịnh Phạn Vương, dòng dõi Sakya uy dũng, phụ vương của thái tử Tất Đạt Đa. Bây giờ chỉ còn là một khu vườn hoang vắng, trơ trụi dưới nắng hanh. Quanh co là những cổ thụ sừng sững, dáng uy nghi đường bệ… Có cái gì đó nhói lòng nơi đây. Chính là một sự “động tâm” rất lớn của riêng tôi. Chính nơi đây, thái tử Tất Đạt Đa đã nhận ra nỗi khổ đau của kiếp người … Chính nơi đây, thái tử Tất Đạt Đa đã vượt rào thoát ra khỏi cổng thành giữa đêm khuya, từ biệt vương quyền, từ biệt phú quý vinh hoa… quyết tâm tìm “đạo sáng cứu chúng sanh”… Phải, chính nơi đây, tôi mới bắt gặp sự “động tâm” thực sự trong không khí yên ắng của buổi trưa hè ngay trên đất Phật. Chỉ còn những đống gạch. Này là chỗ ăn chỗ ở, này là giếng nước, ao sen…Tôi cứ lang thang và lắng nghe một mình. Nhặt một cánh hoa lửa. Đặt vào lòng bàn tay. Nhìn gốc cổ thụ có hình dáng như một apsara đang múa hát…

(Ca-tì-la-vệ, ảnh ĐHN)

Chỗ cổng thành thái tử Tất Đạt Đa đã “trốn” đi, hiện chỉ còn hai cây cổ thụ. Bên ngoài còn có gò mộ của con ngựa đã đưa thái tử đi quanh thành, nhất định không chịu về lại chuồng cũ.

Từ thành Ca-tỳ-la-vệ về, đoàn ghé thăm Kundan nơi Phật khi thành đạo đã trở về thăm Vua cha và độ cho Vua cha, hoàng hậu cùng vợ con. Lúc này La-hầu-la đã lên 7 tuổi và xin xuất gia theo Phật. Hiện vẫn còn các ngôi tháp mộ của Vua Tịnh Phạn và hoàng hậu.

Buổi tối đó, như đã hứa, tôi nêu vấn đề thảo luận về pháp hành của thầy Huyền Diệu là lạy từng chữ Kinh Pháp Hoa như một “mật pháp” .

Dịp này tôi trình bày với thầy HD và các đệ tử về kinh Pháp Hoa dưới góc nhìn khác. Tôi nói kinh có nhiều ẩn dụ, ẩn nghĩa cần được hiểu. Pháp Hoa là kinh tối thượng thừa vì là Phật thừa, không còn chia chẽ gì nữa, nhằm “khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”. Kinh dạy các hạnh bồ tát như Tôn trọng (Thường Bất Khinh), Chân thành (Dược Vương), Thấu cảm (Quán Thế Âm) và những bài học tuyệt vời khác để thấy Thực tướng Vô tướng, thấy Pháp thân Như Lai, mà nếu học được thì đã có một đời sống an lạc, tự tại, đem lại hạnh phúc cho mình cho người trong bất cứ thời đại nào, xã hội nào… Thầy HD nói bác sĩ là nhà khoa học, nhưng cũng cần thấy phần tín ngưỡng “mật pháp” rất huyền bí…

Lý giải về hiệu quả của pháp hành lạy từng chữ  hoặc đơn thuần chỉ niệm tên kinh Pháp Hoa, thì một khi có Tín tâm cao độ sẽ có Niệm rồi dẫn tới Định, Huệ (Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ). Ở góc độ sinh học thì khi lạy (đúng cách) một lúc, cơ thể sẽ tiết ra endorphine, một thứ morphine nội sinh cho cảm giác sảng khoái, dễ chịu; và một khi liên tục niệm một câu, một chữ nào đó (trong Kinh) thì  tạp niệm không thể xen vào vỏ não, nhờ đó mà dễ “nhất tâm bất loạn”… Cuối buổi trao đổi, một đệ tử của thầy HD nói cảm ơn anh Ngọc, bây giờ thì em đã được mở rộng tầm nhìn khi học và hành kinh Pháp Hoa!

Đã đến lúc phải chia tay Lumbini rồi! Chuyền về này tôi và nhóm bạn trẻ được đi máy bay! Thiệt là thú vị. Biết thế nào là cái sân bay tí xíu của Lâm-tì-ni, với một vài chuyến bay mỗi ngày, chỉ chở được vài chục người mỗi chuyến và luôn trễ vài tiếng đồng hồ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng ai cũng nói đi máy bay thì sướng lắm vì chỉ bay 30 phút là tới Kathmandu, không phải mất cả ngày đường vất vả như đi đường bộ. Phi trường Lumbini hình như đang được sửa chữa, nâng cấp vì ngày càng có nhiều đoàn hành hương về đất Phật. May mắn, máy bay hôm nay đúng giờ và chuyến ATR 72 này khá to, lịch sự, chở đến 60-70 người.

Đến phi trường Kathmandu đã thấy có chú MĐ đón và hướng dẫn về nhà nghỉ ở Boudhanath.  Thời gian không nhiều vì trưa mai đã phải rời Kathmandu nên mọi người vội vả đi tham quan Đại bảo tháp Boudhanath nổi tiếng nơi đây.

Đây là một đại bảo tháp lớn nhất thế giới, nổi tiếng linh thiêng, không rõ có từ bao giờ, ngoài những truyền thuyết huyền bí, gốc gác từ Đức Liên Hoa Sanh Tây Tạng… Thấy có rất nhiều tu sĩ người Tây Tạng nơi đây. Tiếng đọc kinh rì rầm khắp nơi. Và du khách đông nghẹt, cả ngàn người đi nhiễu quanh bảo tháp. Đại bảo tháp chứa Pháp thân của Phật Thích Ca. Chiều cao 30m và đường kính 100m. Quanh tháp, tầng đất rất nhiều chỗ để cầu nguyện, và nhiều người khấn vái, xoay bánh xe kinh luân… Bốn mặt tháp đều có vẽ thật lớn 2 mắt Phật, chính giữa là con mắt thứ ba, mắt Tuệ và dưới 2 mắt là một dấu hiệu như một dấu hỏi, mang nhều ý nghĩa. Người người đi rất nhanh quanh tháp 9 vòng. Hàng quán bán đồ lưu niệm san sát, tạo thành một khu phố sầm uất, vòng tròn quanh chân tháp báu. Nhiều quán cafe tuyệt đẹp trên Terrace để vừa nhìn Tháp vừa nhìn Núi tuyết. Thường người bán ở đây nói thách khá cao. Phải trả giá rất kỹ… Mình thì quá quen Chợ Bến Thành xưa rồi, không có việc gì… khó, chỉ sợ “lòng không bền”. Tội nghiệp cho cô bé Liz, sống và lớn lên ở Úc, có biết gì là nói “thách, rồi “cò kè bớt một thêm hai” đâu! Lần đầu tiên cô thử… trả giá và mua được một món hàng nên thích quá! Cô kêu lên, con mua được rồi Thầy, vui quá ha! Nhưng có lẽ cô đã mua… hớ! Dù sao, nói thách, trả giá, cò kè… làm cho cả người bán lẫn người mua đều vui! Hoan hô nói thách!

Một chuyến đi còn đọng rất nhiều kỷ niệm.

Đỗ Hồng Ngọc

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn xa xôi (5.2019)

16/05/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi (5.2019)

Cũng khá lâu rồi phải không? Hôm nay mình lại lai rai kể vài chuyện cho bạn nghe vui, chuyện từ những bức thư bạn bè anh em thân thiết thôi nhé.

  1. Trước hết là thư của Nguyên Đạo Văn Công Tuấn, một “bạn trẻ” mới khoảng ngoài 60, ở Đức, tác giả Hạt Nắng Bồ Đề, gởi mình kèm một bài viết khá dài, kể chuyện “Tìm… Tết”

 

Bắt chước ai, đi… Tìm Tết

“Tìm Tết là chữ của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Trên trang nhà của anh, anh viết về các sinh hoạt Tết của anh ở Việt Nam đọc mà … thấy thèm và nhớ quê quá.
Nhớ trước đây một năm, tết Mậu Tuất (2018) đọc mấy bài anh viết: „Lang thang mấy ngày Tết“ mình thích vô cùng. Ăn tết cỡ vậy thì mới xứng đáng. Xứng đáng là anh đi trên các ngõ ngách quê hương để thăm bạn bè văn hữu. Mấy nhân vật anh nhắc đến cũng có nhiều tên mình nghe rất quen và kính phục. Anh viết:

“Hình như già quá rồi nên lúc này mình không có cảm giác Tết là gì cả bạn ơi. Cũng may, Mùng hai Tết (17.2.2018) đi theo gia đình làm một chuyến giang hồ vặt, từ Saigon lên Đà lạt, rồi vượt đèo… Khánh Vĩnh về Nha Trang, rồi từ Nha Trang về Phan Rang, PhanThiết, trở về Saigon tối ngày Mùng 7. Cũng có thể gọi là có du… xuân! Để kể bạn nghe vậy nhé…“

Anh Ngọc mà kể chuyện thì nghe mê luôn. Đến lúc anh về đến Nha Trang viết bài “Thăm thầy Phước An, chùa Hải Đức Nha Trang“ lại nhắc đến tên mình và cuốn sách Hạt Nắng Bồ Đề. Thật quá hân hạnh.
Bởi vậy lòng dặn lòng, cuộc đời không biết còn bao nhiêu năm, thôi mình cũng nên bắt chước anh Đỗ đi thăm những người mình mến mộ, để không chừng có ngày tiếc vì trễ quá, hết sức lực để khăn gói đi lang thang.” (…)

 

Thế rồi Văn Công Tuấn “khăn gói quả mướp” lên đường từ Đức qua Paris xa xôi “tìm… Tết” với Thầy Thiện Niệm ở chùa Khuông Việt, rồi còn ghé nhà thăm các anh Cao Huy Thuần, Hoang Phong Nguyễn Đức Tiến, được gặp gỡ trò chuyện với các vị Thiện tri thức này thật đáng quý trọng.

Văn Công Tuấn còn cho biết thêm, sắp tới đây “Tam Nguyên” còn sẽ gặp nhau ở Mỹ. Không phải Tam Nguyên Yên Đỗ đâu nhé, mà ba vị Nguyên Tánh Nguyễn Hiền (5 Hiền), Nguyên Đạo Văn Công Tuấn và Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến… Vui quá! Có chuyện gì hay nhớ kể nghe.

……………………………………………………………………….

 

2. Và đây, bức thư dễ thương của nhà thơ NXT. Nghe anh vừa nằm bệnh viện ra, mình gởi anh bài viết về Huế, về buổi gặp Camille Huyền ở Bến Xuân và nhắc chuyện… 15 năm trước Camille Huyền đã từng hát “Kể chuyện trăng tàn” (nhạc Khúc Dương phổ thơ Đỗ Hồng Ngọc) cho anh nghe cho mau hết bệnh. Ai ngờ anh trả lời bảo anh “mê” Camille Huyền “từ những năm xưa” và còn nói “gặp Camille Huyền là một hạnh phúc đó”!

 

ĐHNgọc ơi,

(…)

ĐHNgọc biết không, mình mê Camille Huyền từ những năm xưa. Khi xem hình Camille với gia đình, bạn bè. Nhất là trong video Huyền hát Em Mãi Là Hai Mươi tuổi Khúc Dương phổ nhạc thơ Quang Dũng:

Em mãi là hai mươi tuổi

Anh mãi là mùa xanh xưa

Những cây ổi thơm ngày ấy

Và vầng hoa ngâu mưa thưa…

Camille Huyền hát Kể Chuyện Trăng Tàn thơ ĐHNgọc cũng hay lắm. Gặp Camille Huyền là một hạnh phúc đó.

(…)

Thăm ĐHNgọc và chúc an vui.

Thân,

NXT

 

Thử nghe Em mãi là hai mươi tuổi trên blog của Phạm Cao Hoàng nhé.

 

http://phamcaohoangaudiovisual.blogspot.com/2015/11/540-camille-huyen-em-mai-la-hai-muoi.html

 

Hy vọng một ngày nào đó, đưa NXT về Huế, thăm “vương phủ” của anh và về Bến Xuân gặp Camille Huyền để nghe nàng hát nhé.

……………………………………………………………………………………

 

3. Và rồi bất ngờ hơn với lá thư của nhạc sĩ Võ Tá Hân, người đã phổ nhạc bài thơ “Bông hồng cho Mẹ” của mình và chính anh đã ôm guitar đệm cho  Thu Vàng hát trong Đêm nhạc Tình Hoài Hương vừa rồi.

 

Và Phan Tấn Hải (Nguyên Giác) đã comment:

Bông Hồng Cho Mẹ — thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhạc Võ Tá Hân — ca sĩ Thu Vàng (guitar: Võ Tá Hân). Bài thơ ngắn, chỉ 4 câu, 20 chữ, trở thành ca khúc ngắn nhất (và có lẽ được ca ngợi nhiều nhất) của nhạc sĩ Võ Tá Hân. Thơ và nhạc hay tới lạ lùng. Trong Đêm nhạc Tình Hoài Hương, Thứ Bảy 11.5.2019

 

Anh Ngọc mến,

Tôi có một lớp dạy guitar cho người cao niên mỗi tuần vào sáng thứ ba.  Học viên hầu hết chưa hề cầm cây đàn guitar bao giờ và người lớn tuổi nhất lớp vừa được 84 xuân xanh.  

Tối hôm kia có mấy học viên nghe Thu Vàng hát bài “Bông Hồng Cho Mẹ” hay quá nên họ yêu cầu tôi dạy bài này cho cả lớp. Tuần tới sau khi mọi người có thì giờ tập thì chắc chắn là sẽ hát & đàn hay hơn nhưng tôi xin gửi tạm tấm hình lớp học và file mp3 bài nhạc mới hát lần đầu sáng nay để anh xem và nghe cho vui nhé.

Thân mến

VTH

Lớp dạy đàn guitar cho người cao tuổi của nhạc sĩ Võ Tá Hân: đang học hát bài Bông Hồng Cho Mẹ.

 

Thân mến,

Hẹn thư sau,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Khuất Đẩu đọc “NHỚ ĐẾN MỘT NGƯỜI”

15/05/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Ghi chú: “Ngày Sẽ Hết” là Những trang viết ngắn, tự in, 2019 của Khuất Đẩu, tập hợp những bài viết ngắn của ông trong nhiều năm qua như những kỷ niệm với bạn bè mà ông gọi là để “Tặng những bằng hữu thực và ảo”. Bằng hữu thực là những bằng hữu thỉnh thoảng gặp nhau, khề khà ly trà ly rượu, tách cà phê, nói chuyện trên trời dưới biển, thế sự, văn chương… còn bằng hữu ảo là những bằng hữu chỉ quen biết nhau qua mạng, chưa hề gặp gỡ mà… không thể nào quên (chữ KĐ).  

Ông gởi tặng tôi cuốn sách mới này, và ghi lời tặng: “Bản tặng tác giả bức chân dung dị thường” mà không ghi rõ tên người nhận. Cuốn sách vì thế mà bị “ngâm” nhiều tháng ở nhà một ngườ bạn chung của chúng tôi. May sao, một hôm, người bạn nhìn lại cái hình bìa thì biết “tác giả bức chân dung dị thường” chính là Đỗ Hồng Ngọc, đã nguệch ngoặc vẽ một Khuất Đẩu trầm tư, khắc khoải… hôm nào qua trí nhớ (par mémoire) của mình mà Khuất Đẩu đã dùng làm bìa sách!

Cuốn “Ngày Sẽ Hết” 266 trang, của Khuất Đầu với 55 bài viết ngắn, bài nào cũng hay, trong đó có bài Đọc sách “Nhớ Đến Một Người” của Đỗ Hồng Ngọc, bèn đăng lại để kỷ niệm vậy.

ĐHN

…………………………………………………………………………………..

Đọc NHỚ ĐẾN MỘT NGƯỜI của Đỗ Hồng Ngọc
Khuất Đẩu

Mượn một nửa câu hát của Trịnh Công Sơn để làm nhan đề cho tập sách mới nhất của mình, bác sĩ họ Đỗ chừng như ỡm ờ đánh lừa độc giả, nhất là những độc giả nữ lâu nay đã thầm yêu những trang sách dí dỏm nhẹ nhàng của anh.
Một người nào mà anh ưu ái vậy cà? Một Diễm của Trịnh? Một T. của Nguyên Minh?
Không! Bé cái nhầm! “ Một người” đó là những thoáng nhớ lan man từ Nguyễn Hiến Lê, Võ Hồng, Võ Phiến, Trang Thế Hy… đến Lữ Quỳnh, Lữ Kiều, Trần Hoài Thư, Phan Như, Phan Chính… Từ Nguyễn Bắc Sơn phóng dật đến cụ tổ ngành y Hải Thượng Lãn Ông nghiêm cẩn. Từ một Trịnh Công Sơn “bồ tát” đến một Dương Cẩm Chương trăm tuổi mà vẫn tài hoa.

Một người, là cả những Thầy, những Bạn mà suốt 70 năm tác giả đã có may mắn được thọ giáo, được nghe đàn hát và đọc thơ, xem tranh…

Giá như non 60 năm trước, không có một ông cậu “khùng” vì học giỏi và rành nghề học đưa đứa cháu tản cư và mồ côi cha đen đúa trong một sáng mùa thu đến trường và nếu không có một học giả như Nguyễn Hiến Lê ân cần chỉ bảo cách học thì chúng ta đã không có một bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc hôm nay. Những điều đó đối với những đứa trẻ “con nhà” là chuyện bình thường, nhưng với Đỗ Hồng Ngọc là khác thường. Đó là những ân sủng mà một người đã thành Nhân như Đỗ không thể không Nhớ, nếu không muốn nói là không bao giờ Quên.
Rồi những bậc thầy tuy không được học như bác sĩ Dương Cẩm Chương, Nguyễn Khắc Viện… bằng tài học và nhân cách của họ vẫn “dạy” cho chàng bác sĩ trẻ những bài học nhớ đời.
Tất cả những người anh nhớ đến, mỗi người mỗi vẻ, có những nét đáng trọng, đáng quý, đáng yêu… đáng cho độc giả thèm được một lần gặp gỡ. Họ là những người cũ, nhưng không phải muôn năm cũ, không nhất thiết phải bằng cấp đầy mình, không chỉ học ở trường ở sách mà học ở bạn, ở đời.

MỘT NGƯỜI, phải viết in hoa như thế này. Bỡi vì đó có thể là sông Cà Ty ở quê hương anh, có thể là màu sương lam ở Hà Nội trong nỗi nhớ của Nguyễn Hiến Lê, là câu đối trên mộ cha của Nguiễn Ngu Í “Mắt mở đã thấy xiềng nô lệ/ Hồn đi còn mơ gió tự do”, có thể là cách kể thơ trên xe lửa, với bài thơ Thầy còn nhớ em không của Đỗ Trung Quân đã khiến cho cô bạn Mỹ Susan Barnes hiểu được thế nào là những nhà thơ mới ở Việt Nam.
Một Người, đó là Nhân Cách, là Tài Trí và Tài Hoa. Một Người rất yêu quê hương, yêu đất nước, yêu tự do và yêu nghệ thuật. Một Người, còn là ngọn hải đăng cho con thuyền anh tìm được bến bờ giữa những con sóng dữ của lịch sử. Một Người đó bây giờ gọi là thần tượng.
Một Người đó trong suốt 70 năm “thấm” dần vào anh, làm nên một Đỗ Hồng Ngọc, vừa là một bác sĩ từ ái, vừa là một văn sĩ có ngòi bút kể chuyện duyên dáng, một thi sĩ “dễ thương nhất nước” (chữ của Du Tử Lê ) mà chúng ta được biết đến hôm nay.

 

 

Anh thường khiêm nhượng bảo mình không là nhà văn vì có truyện dài truyện ngắn nào đâu. Nhưng không là nhà văn mà mỗi dòng mỗi chữ đều là văn thì là nhà gì đây. Hãy xem anh vẽ một vài chân dung:
Với Lữ Kiều, anh viết: Chàng nắn nót, nâng niu, đưa ngọn bút lông lên ngang tầm mắt, ngắm nghía từng sợi nhỏ, xoay tới xoay lui đôi ba bận một cách thuần thục mà ngập ngừng, rồi thè lưỡi thấm nhanh mấy cái như vót cho các sợi lông bút quấn quít vào nhau, cho nhọn hoắc lại như gom nội lực nhất điểm; rồi thận trọng, nhẹ nhàng chàng nhúng bút sâu vào nghiên mực đã mài sẵn, ngập đến tận cán, rút nhanh ra rồi chắt vào thành nghiên, ấn ấn xoay xoay lúc nặng lúc nhẹ cho mực túa ra nức nở, ào ạt rồi thưa dần, đến lúc sắc nhọn vừa ý, chàng phết nhẹ một nét lên tờ giấy đợi chờ, như để đo độ đậm nhạt, hít một luồng chân khí, định thần, lim dim, phóng bút… Chàng “nho sinh” mỉm cười khoái trá, trút đi gánh nặng ngàn cân, kiệt sức, nhanh tay nhúng bút vào lọ nước trong… Những giọt mực thừa rơi lả tả… Cứ như cụ Nguyễn Tuân tả lại cái cảnh Cao Bá Quát cho chữ trong tù!
Với Trang Thế Hy, anh mê cảnh nhà văn Nam bộ hút thuốc dù anh ghét thuốc lá: Mê thiệt. Thấy cái cách ông ngậm điếu thuốc chếch qua một khóe miệng, thấy cái cách khum khum đôi bàn tay ấp ủ ngọn lửa như một bông hoa tự dưng thấy lòng xao xuyến. Một người gần 90 tuổi, ghiền thuốc lá từ ngày còn trẻ, ngồi bên cạnh mình, nhẹ nhàng rút một điếu, nâng niu đưa lên miệng, rồi ân cần xoay xoay chiếc hộp quẹt chuẩn bị bật lửa… có cái gì đó như một nghi lễ tôn giáo, khiến tôi chỉ biết ngồi im không dám hó hé.
Tả bằng cái tâm yêu tâm quý nên người đọc cũng xúc động theo.
Nhưng trong văn anh không chỉ có tả, còn có cái duyên ngầm khiến ta cười mỉm không thôi. Đó là cách nhìn người, cho dù là đạo cao đức trọng như cụ Lãn Ông hay Ngô Gia Hy, anh cũng có cách tìm ra những điểm khiến cho ta yêu kính nhưng không thấy xa cách mà là rất gần. Cụ Lãn Ông thì có chuyện tình với một người đã đính hôn nhưng không lấy đến nổi người ấy phải đi tu. Trần Văn Khê cũng lại chuyện tình và được anh mừng sinh nhật 90 bằng hai câu thơ đúng chóc Phân nửa phần trên đầy sống động/Nửa phần bên dưới có hư hao. Với Võ Hồng thì đừng sợ, con chó nó còn hiền hơn tôi.
Đó là các bậc sư phụ, đàn anh. Với bạn bè thì anh “đùa dai” hơn một chút.
Nguyễn Bắc Sơn vẽ chân dung Từ Thế Mộng- còn gọi là Tư Đình- bằng hai câu: Tư Đồ, Tư Mã, Tư Không/ Ba Tư dồn lại thành ông Tư Đình.
(Chỉ nhắc lại thôi chứ không cấm nói lái như Kiệt Tấn, kiểu cấm mà không cấm). Với Nguyễn Như Mây, anh kể Như Mây than mình bị kêu cụ Mây, rồi sau cụ Gió và giờ là cụ Ma!

MỘT NGƯỜI để nhớ của anh quả thật không quá xa, không quá kiêu kỳ, dù họ là những người thầy, những danh nhân, những thi sĩ, họa sĩ… một người mà qua cách rút tỉa những nét hay nét đẹp của anh khiến ta thấy gần, thấy yêu, Một Người, là của hơn 40 người. Một Người, qua tập sách cố ý vuông vức của anh, như một chiếc gương soi, ta có thể nhìn thấy chính anh cũng đáng yêu, đáng quý, đáng trọng và dĩ nhiên đáng nhớ đến xiết bao!

(NGÀY SẼ HẾT, Những trang viết ngắn, 2019, Khuất Đẩu, trg 232)

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

“VỀ THU XẾP LẠI…” với Gia đình Hoa sen Đà Lạt

29/04/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

“VỀ THU XẾP LẠI…” với Gia đình Hoa sen Đà Lạt

Thảo Nhiên

 

Đỗ Hồng Ngọc cùng Gia đình Hoa Sen và các thân hữu. (Đà Lạt 31.3.2019)

 

“ Chút nắng vàng giờ đây cũng vội..” có lẽ, ngày không dài như mình nghĩ                                   , nên nắng vội chăng? Chút nắng chiều rồi sẽ tắt ? Vâng, hẳn là như thế! Nên vội! Vội thật mà !
Vội vì lý do gì? Để gặp nhau. Để thương. Để thăm thú đó đây. Để chia sẻ chút gì đó trong hành trình đi qua từng tuổi xuân cho người cùng thế hệ, cùng nghe “chân đi nằng nặng hoang mang… ” mà về “ lắng nghe hơi thở , lắng nghe cái tứ đại nó trở nên khó bảo trong trái tim vẫn rào rạt yêu thương , dù chỉ là yêu thương “vô tình chợt gọi”
Chính vì yêu thương đó, mà có lẽ , bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã ung dung viết vội , viết lại những thoáng qua chợt ngộ để không phải cho mình, mà cho bạn bè của mình, cho hậu thế, cho những “ bé sơ sinh “ mà bác đã đón vào đời từ những thập niên 60 với lời nhắn nhủ:
“ Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ.”

Thế mà, các bé sơ sinh ngày ấy cũng đã dần hai màu tóc… Cuộc lữ vô tận tít tắp kia kết nối bao tình thương . Hạnh ngộ rồi chia xa… Sinh rồi tử. Và tử rồi sinh. Tử Sinh của Số phận Con Người ! Bác sĩ đã thấy, đã Ngộ một điều gì đó. Chỉ mình Bác biết! Cái NGỘ mà chỉ riêng cho một người. Riêng mà lại chung. Của một người nhưng lại chung cho nhiều người.
Cho nên, bác gói ghém lại. Viết lại. Ngồi gõ từng chữ. Ghép lại. Để lại thêm một cuốn sách trên kệ trong tủ… Về Thu Xếp Lại. Một thu xếp đáng trân quý.


Thu xếp xong rồi thì in ấn. Sách đã về nên mang đi tặng. Đến từng nhà những người bạn thân… mà trao tận tay…
Và hôm nay, đến những bông hoa của gia đình Hoa Sen Dalat. Cảm động quá chừng. Trân quý quá chừng . Và cũng thương quá chừng. Thương tình cảm bao la chân tình của bác, thương ngồi xe hơn 600 cây số đi về… chỉ để tận tay ký tặng Về Thu Xếp Lại! Thương quá đi chớ, cái Tình của người tuổi Tám Mươi .

 

Buổi chiều cuối tháng ba hai không mười chín, hương trà quyện hương nắng … Bên nhau là những người tuổi đã bảy mươi tám mươi… rồi năm mấy sáu mươi… Lắng nghe Hương Chiều (*) mà thương mình, thương bạn của mình quá chừng! Ở cái tuổi không còn là của năng nổ và khoẻ mạnh! Tuổi thấy “ trời cao đất rộng một mình tôi đi/ Đời như vô tận, một mình tôi về…với tôi” Biết nói gì đây?
“ Nói không được. Bất khả thuyết. Không từ đâu đến/ chẳng đi về đâu. Nó Như Lai. Khi cát bụi và hơi hướm kia không chịu nhau nữa, giận nhau, cãi nhau, hục hặc, chí choé, đòi tách nhau ra thì đủ thứ chuyện trên đời sẽ sinh sôi. Cuối cùng thì đến một lúc, cát bụi trở về cát bụi, hơi huớm trở về hơi hướm… Rã ra . Tan ra. Không thương tiếc. Có một chu kỳ, có một nhịp điệu chăng. Không biết.” ( trích Phần 1: Cát bụi tuyệt vời – Về thu xếp lại – ĐHN)

Bác viết: “ Từ ngày về hưu, bạn bè rơi rụng dần. Rơi rụng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Lâu lâu, dòm lại cái cuốn sổ danh mục ghi điện thoại đã thấy có nhiều địa chỉ chẳng biết làm sao liên lạc được nữa. Muốn xoá mà ngập ngừng rồi không nỡ “ Có chút nghẹn trong lòng. Ai cũng có những ngập ngừng như thế. Thương.

Ngồi với nhau chỉ 150’ mà nỗi lo âu nhẹ hẳn! Bởi có gì lạ đâu khi “ tôi chợt nhìn ra tôi”
Nhìn ra rằng “ Vì ta không phải là gỗ đá, vô tri. Vấn đề chỉ ở chỗ không dính mắc. Cô hoa hậu xinh đẹp thì thấy là xinh đẹp, nhưng dính vào thì tiêu! “

Bác vậy đó! Thông tuệ nhưng dí dỏm và hài hước! Hài hước dễ thương. Và dí dỏm rất thật thà : “ có vẻ như càng già người ta càng yêu nhiều hơn, yêu vội hơn, và càng yêu thì càng “ sống khoẻ sống vui” hơn với một mối tình lãng mạn hoặc một mối tình “ ngỡ đã quên đi/ bỗng về quá rộn ràng” bởi vì “ cát bụi tuyệt vời “ đã chuyển thành “ cát bụi mệt nhoài” rồi! Có lẽ, khi thoáng yêu như thế thì sẽ quên đi một nỗi sợ…

“ Nỗi sợ lớn nhất của kiếp người là sợ…chết. Ta từ đâu đến. Ta sẽ đi về đâu… là những câu hỏi không lời đáp từ ngàn xưa. Câu trả lời đơn giản nhất có lẽ là ta đã từ bào thai mẹ mà đến và sẽ trở về …”bào thai Như Lai. Quả là có một sự giấu nhẹm thú vị. Ta bỗng dưng mà có thì cũng sẽ bỗng dưng mà không. Nhưng có và không lại là một. Thú vị ở đó. Xà quần chút chơi vậy thôi. Nó sẽ vận hành theo pháp. Sanh trụ dị diệt. “
( trích phần 10 – Về thu xếp lại – ĐHN)

Thôi thì, vén khéo lại nhé, thu xếp lại nhé! Cho nhẹ hành trang! Cho ngày nào đó chỉ “ để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười” .
“ Nụ cười ấy là sự giác ngộ, giải thoát. Đã thấy biết Như Lai. Đã sống cùng Như Lai. Đã là Như Lai. Ai đã thấy biết Như Lai, đã sống với Như Lai, đã là Như Lai mà không cười như vậy? “ ( kết Về Thu Xếp Lại -bs ĐHN)

Gia đình Hoa Sen và các thân hữu chụp chung tấm hình kỷ niệm.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị Thoại Anh, cô Quế Hương, cô Diệu Thanh, anh chi Cẩn Phạm Gia , anh chị Trình Mai, cô Nhiên Linh , cô Trần thị Thanh đã thay lời mọi người nói lên cảm nhận riêng trong một không gian chung khi nhận sách từ tay Bs Đỗ Hồng Ngọc trao tặng! Kính cảm ơn vô cùng chân tình mà bs Đỗ Hồng Ngọc đã ưu ái dành cho gia đình Hoa Sen và những bạn hữu ! Bác sĩ đã rất vui! và mọi người hôm ấy cũng rất vui! Chỉ tiếc là thời gian không đủ để chia sẻ những tâm tình và sự ngưỡng mộ! Không đủ để vừa nhâm nhi vị trà vừa tâm tình cùng người bác sĩ hiền hậu chân chất mà vô cùng thông tuệ!

(TN)

(*) Nhạc Thuần Nhiên, thơ Ngũ Hành Sơn

Filed Under: Ghi chép lang thang, Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim

Thư gởi bạn xa xôi (4.2019 tiếp)

20/04/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi (4.2019 tiếp)

Về Huế…

(tiếp theo)

 

*** Ba

Về Huế nhiều lần mà chưa có dịp nào đi Phong Nha Kẻ Bàng (kỳ quan đệ nhất động) cũng ấm ách chớ phải không. Lần này, phải đi một chuyến cho biết.

Đồng Hới Quảng Bình rẽ trái khoảng 30km là đến Phong Nha Kẻ Bàng. Đường tốt. Ngày thường, vắng khách. Càng tốt.

 

tham quan Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình, 12.4.2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ảnh: Đỗ Hồng Ngọc

 

(DHN)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(DHN)

 

 

“cửa động đầu non đường lối cũ/ ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi” Tản Đà. (ảnh Do Hong Ngoc, Phong Nha, 12.4.2019).

 

(ảnh Do Hong Ngoc)

 

(ảnh ĐHN)

***

 

Dịp này, lần đầu tiên mình biết Quảng Trị, Quảng Bình, khúc ruột miền Trung với biết bao địa danh đi vào  sử sách, từ Sông Gianh đến Bến Hải, Hiền Lương, cửa Tùng, cửa Việt, Vĩnh Linh, Gio Linh… Triệu Phong, Ái Tử, Lũy Thầy, Thành Cổ…

dấu tích Lũy Thầy Đào Duy Từ

 

 

 

 

dấu tích Cổ thành Quảng Trị (ảnh Đỗ Hồng Ngọc 13.4.2019)

 

 

 

 

Trò chuyện với Thầy Nguyên Mãn, chùa Sắc Tứ Tịnh Quang, Quảng Trị (13.4.2019). Thầy nói trước đây Thầy đã từng tặng cho nhiều người hàng trăm cuốn Nghĩ Từ Trái Tim của ĐHN rồi đó!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

*** Bốn

Chắc chắn phải có một cái “duyên kỳ ngộ” nào đó lạ lùng, chớ không thì làm sao mà gặp Camille Huyền ở cái xứ Huế đầy “huyền hoặc”… này  được? Lúc đầu, mình định thôi không kể chuyện này nữa, nhưng rồi nghĩ lại, “tào lao” một chút với “bạn xa xôi” cũng… hay!

Số là… cách đây 15 năm, có một cô ca sĩ Việt kiều ở Thụy Sĩ về Huế, nghe nói gốc Hoàng tộc, rất Huế, Công Huyền Tôn Nữ… có tên là Camille Huyền và lúc đó cô đã hát bài “Kể Chuyện Trăng Tàn” rất hay, và đã đưa vào một CD cùng một số bài khác để phổ biến. Biết thì biết vậy, nghe hát thì mê vậy, nhưng “xa xôi đường lối khó”, còn biết nói năng chi.

Kể Chuyện Trăng Tàn là tựa bản nhạc do Khúc Dương (nghe rất Tiếu ngạo giang hồ, nhưng đó chính là Đặng Ngọc Phú Hòa, giảng day âm nhạc ở Huế) đã phổ bài thơ “Nước” của mình . Một vài lần mình có dịp gặp Khúc Dương, nghe anh hát bài này, và rất thấm thía với đoạn “cảm tác” của anh: “nước từ trong mắt/ nước xuôi về tim/ em từ duyên kiếp/ trôi về đời anh…”

Bài thơ “Nước” mình viết năm 1997:

Nước từ đâu đến

Nước trôi về đâu…

 

Nước vẫn muôn đời

Không đi chẳng đến…

 

Ai người nỡ hỏi 

Nước trôi về đâu…

Chỉ đơn giản và… ngây thơ vậy, chẳng ngờ nhạc sĩ “cảm tác” thêm một khúc tình ca! Và chẳng ngờ, Camille Huyền một lần về Huế, mười lăm năm trước đã có dịp hát.

Từ đó biền biệt.

Lần này về Huế, gặp Cecile, cũng tình cờ và Thái Kim Lan ở trước Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, bờ sông Hương. Cecile là phu nhân của bác sĩ Phạm Phi Long, một người bạn thiết, mà thời gian tu nghiệp ở Pháp mình đã tá túc nhà bạn. Cecile không biết sao lại gọi cho Camille Huyền, và nói… có anh Đỗ Hồng Ngọc đang ở Huế nè! Thế rồi Camille Huyền cùng phu quân là TĐNgộ tức khắc đến gặp mình tại Cocodo… của Cecile.

Khá đông bạn bè đang có mặt ở đó. Cecile bỗng hỏi Camille biết ai là Đỗ Hồng Ngọc không nè? Camille bước ngay đến mình và vừa bắt tay vừa hát: Nước từ đâu đến… nước trôi về đâu… khiến mình sửng sốt, định hát tiếp “nước từ trong mắt/ nước trôi về tim…” nhưng kịp ngưng lại.

Tay bắt mặt mừng như đã thân quen từ… xa xưa lắm. Ngộ, phu quân của Camille Huyền rất dễ thương, cho biết nhiều năm nay hai vợ chồng đã về hẳn Huế, lập một cái… “vương phủ” lấy tên là Bến Xuân, một địa điểm văn hóa rất nổi tiếng ở Huế ngày nay. Thằng Bờm nhà quê chính hiệu là mình có biết ất giáp gì đâu. Cecile nói ai muốn đến đó thưởng thức giọng ca của Camille Huyền phải… đăng ký trước khá lâu mới được!

Từ trái: Camille Huyền, Trương Đình Ngộ (ông xã CH); Thái Kim Lan, Đỗ Hồng Ngọc ( Cocodo, 11.4.2019).

Camille Huyền nói “Em về đây lâu rồi, chỉ biết tiếng Huế mà không biết tiếng Việt. Có mấy ca từ trong Ca Huế như “trông vòi vọi” là sao?… là sao?… là sao?”. Mình cứ giải thích… theo cái biết “trời ơi” của mình và cô… hiểu ngay! Cô nói em hát cho người nước ngoài nghe, nên phải giải thích từ ngữ cho họ hiểu họ mới cảm nhận được.

 

Bài thơ NƯỚC
(in trong tập Vòng Quanh, thơ Đỗ Hồng Ngọc, 1997)

 

Kể Chuyện Trăng Tàn (thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhạc Khúc Dương)

Giọng ca Camille Huyền (2004)

http://www.art2all.net/nhac/huyencam/kechuyentrangtan_t.mp3

 

Chiều 13.4.2019, từ Quảng Bình, Quảng Trị về lại Huế sau chuyến thăm Động Phong Nha Kẻ Bàng còn khá mệt mỏi nhưng vì hôm sau phải về lại Saigon rồi nên mình phone rủ Tịnh Thi đi thăm Camille Huyền ở Bến Xuân. Tịnh Thi kêu, anh phải đăng ký trước chứ v.v… Hay ít ra anh cũng phải phone hẹn trước đi.  Khó gặp đó! Tịnh Thy thiệt ra không ngờ mình đã gặp Camille Huyền và Ngộ hôm trước rồi, dù Tịnh Thy cũng từng biết Camille Huyền hát Kể Chuyện Trăng Tàn rất hay từ nhiều năm trước. Cứ đi đi, thử coi. Mình nói. Đến, may gặp thì tốt. Không gặp… cũng tốt. Sẽ viết mấy chữ liệng vào cổng rồi đi. Tịnh Thy và mình đến phía đường lộ, thay vì đi thuyền ghé cổng trước. Đúng là tường cao cổng kín, nhưng đây là cổng “thiền” mà! Mọi sự cứ “tùy duyên”. Mình phone. Anh Ngọc nè. Có ở nhà không hay đã “cắt đứt dây chuông” rồi? Camille Huyền mừng rỡ, anh đợi cho hai phút nhé! Hai phút? Tin nổi hông? Thì ra Ngộ, ông xã Huyền vội chạy ra đón khách, nói là đang sửa điện trong nhà… Rồi hướng dẫn bọn mình tham quan khắp nơi. Đúng là một “vương phủ” vừa cổ xưa vừa hiện đại của cặp “tình nhân” Ngộ-Camille Huyền, hơn 40 năm ở Đức, Pháp, Thụy Sĩ… mà rời bỏ tất cả để về với Huế, sáng lập điểm văn hóa đặc sắc Bến Xuân này. Thường khách đến Bến Xuân bằng ngã sông Hương, cổng chính gần chùa Thiên Mụ, thưởng thức âm nhạc, ẩm thực, tham quan phòng tranh do nữ chủ nhân sáng tác… Kỳ công là đã xây dựng Bến Xuân suốt cả 10 năm trời, với chất liệu thu gom, lượm nhặt từng hòn đá cuội, miếng gạch vỡ… từ khắp nơi ở cố đô Huế để có một “vương phủ” vừa cổ kính vừa hiện đại đáng quý này.

Trương Đình Ngộ, phu quân Camille Huyền- hai tay đang bận sửa điện- đã chạy vội ra đón Đỗ Hồng Ngọc và Nguyễn Thị Tịnh Thy! (Bến Xuân, Huế 13.4.2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phía trước Bến Xuân là dòng Hương giang lờ lững. Nơi cổng thuyền cặp bến!

 

Đã đến lúc nói lời… tạm biệt!

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Khánh Minh: BÓNG BAY GIÓ ƠI (tái bản)

09/04/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

BÓNG BAY GIÓ ƠI tái bản

Chúc mừng Khánh Minh vừa tái bản BÓNG BAY GIÓ ƠI có bổ sung và chỉnh sửa…

Nhà thơ viết như thơ!

ĐHN

… Ngày xưa, có lần “tập đoàn” yêu tinh họp nhau lại tìm cách làm hại con người. Một yêu tinh nói: – Nên giấu một thứ gì đó quý giá của con người đi, nhưng giấu cái gì bây giờ? Một yêu tinh đáp: – Hãy lấy đi hạnh phúc của họ, họ sẽ ngày đêm phải khổ sở u uất. Nhưng, giấu nó ở đâu? Sau một hồi bàn bạc, cuối cùng một yêu tinh già lụ khụ đưa ra ý kiến: – Tôi biết ta nên giấu hạnh phúc ở đâu rồi, Hãy giấu nó ở chính bên trong con người. Họ luôn cố gắng lùng sục hạnh phúc ở khắp nơi khắp chốn và bao giờ cũng thấy người khác hạnh phúc hơn mình. Kể từ đó, người mải mê đi kiếm hạnh phúc mà không biết nó đã được giấu ngay trong tâm hồn mình… (cob.cdcs.selu.edu)

………………………………………………

Khánh Minh ơi,

“Không phải đâu là không phải đâu”, con tinh già lụ khụ sau đó rỉ tai rằng “Thiệt ra ta nên giấu trong Bóng Bay Gió Ơi của nhà thơ Khánh Minh thì mới… khó tìm cho loài người!

Ai dè, đã tái bản rồi!

ĐHN

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 28
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

“THẤP THOÁNG LỜi KINH”, Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc

Kể chuyện thăm Úc châu 10.2019

Hồ Đắc Đằng: Vô Kỵ học đi biển

Họp mặt lớp “Phật Học & Đời Sống”

Sáng, Trưa, Chiều, Tối…

Đỗ Hồng Ngọc: Đi & Học

Hồ Đắc Đằng: VÔ KỴ HỌC BẮN CUNG

Mời tham dự buổi Nói chuyện “Úc Du…” của Đỗ Hồng Ngọc

Hồ Đắc Đằng: Vô Kỵ Học Lái Xe

Nguyên Giác: KINH PHÁP CÚ TÂY TẠNG

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • “THẤP THOÁNG LỜi KINH”, Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc
  • HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ “BIẾT ƠN MÌNH” CỦA BÁC SĨ ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Longriver Dinh: “tôi vẫn nhìn thấy em”
  • Tủ sách gia đình: “BIẾT ƠN MÌNH”
  • Biết ơn mình để có nếp sống mạnh khỏe hơn

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Longriver Dinh: “tôi vẫn nhìn thấy em”
  • Diêu Trong trong Longriver Dinh: “tôi vẫn nhìn thấy em”
  • Que Tran trong Tủ sách gia đình: “BIẾT ƠN MÌNH”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Thư gởi bạn xa xôi (28.11.19)
  • Que Tran trong Thư gởi bạn xa xôi (28.11.19)
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Đính Chính: NÓI LẠI CHO RÕ về bài “TOÀN LÁO CẢ”
  • Lê BìnhLB trong Đính Chính: NÓI LẠI CHO RÕ về bài “TOÀN LÁO CẢ”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Họp mặt lớp “Phật Học & Đời Sống”
  • Lê Thị Cẩm trong Họp mặt lớp “Phật Học & Đời Sống”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Sáng, Trưa, Chiều, Tối…

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email