CÔ VI Ở ÚC (tiếp theo)
Lê Quang Khánh
Ngày 26 tháng 3. Ở Victoria có 520 người bị nhiễm, 3 người chết. Thảo cầm viên đóng cửa. Tin trên TV cho biết công ty thương mại Myers, có từ 120 năm nay, đóng cửa, sa thải hàng chục ngàn nhân viên. Cơ quan thất nghiệp Centre Link người người sắp hàng thật dài chờ ghi tên thất nghiệp và lãnh phụ cấp trả tiền mướn nhà ở, tiền ăn. Thật là lạ vì có thể đăng ký thất nghiệp qua mạng tại nhà, mà sao phải sắp hàng cả ngày vậy, lỡ bị lây nhiễm thì sao. Ờ, mà đâu phải ai cũng xử dụng được mạng đâu. Tiền không có, việc tìm không ra, thì chờ chết đói trước khi chết ngộp vì Cô Vi à?.
Đường thì vắng, nhưng cũng còn xe. Tiệm ăn thì đóng, dù không được ngồi ăn nhưng mua và mang thức ăn đi thì được. Các siêu thị lớn nhỏ vẫn mở và không đông khách quá. Giá có lên chút ít vì không cần có giá cạnh tranh. Cửa hàng kho Bunning, bán đồ xử dụng trong nhà và ngoài vườn, bỗng tấp nập, vì người ta sợ có lệnh đóng cửa. Kết quả là phải xếp hàng, vì chỉ được tụ hợp dưới 100 người, 4 mét vuông một người, 2 người ra cửa thì 2 người vào.
Trời nóng ấm nên bải biển St Kilda đông đúc. Ngày mai hay mốt bải biển sẽ bị đóng luôn.
Trên TV thủ tướng Anh và 2 nhân viên y tế cao cấp bị nhiễm Cô Vi. Vậy mà họ vẫn “phớt tỉnh Ăng Lê” la lên là họ dương tính với Cô Vi nữa chớ, là làm việc ở nhà và lảnh lương đủ? Không hiểu họ khôn hay dại chớ có mấy ông lớn cỡ đó ở mấy nuóc khác, họ giấu, giấu kín mít. Nghĩ cũng hay chớ mấy ông lớn Anh nói , tôi cũng bệnh quí vị coi chừng, hay nôm na là, qua mà bệnh thì bậu cẩn thận nhe. .
Chủng ngừa thì được, nhưng đâu có chắc vì Cô Vi 19 biến dạng thành Cô Vi 20, 21…rồi thành Cô Gi…à 69 thì sao?
Ngoài khơi của Úc có 4 thuyền du lịch mà chuyện cập bến bị rắc rối vì có người nhiễm và có người bệnh nặng. Đi chơi vui mà bị nhốt trong phòng của thuyền, không biết bao giờ bị bệnh, bao giờ được xuống thuyền, thì mất vui, mà rầu thúi ruột.
Nhân viên làm việc trên thuyền bị nhiễm bệnh khá đông vì phải ở chung nhiều người 1 phòng. Hơn 200 người Đức được chánh phủ Đức mướn phi cơ cho hồi hương. Người Úc hay khách trên thuyền bệnh nặng thì được xuống thuyền, được điều trị và bị cách ly.
Chỉ còn 2 giờ nữa thì tất cả người Úc trở về từ ngoại quốc sẽ bị/được chở từ phi trường đến 1 khách sạn ở Melbourne để cách ly. Họ ở trong 1 phòng trong thời gian 14 ngày, miễn phí, có ăn uống, TV, và ở ngoài cửa có lính, cảnh sát, và an ninh khách sạn gác. Hiện trên 2/3 trường hợp nhiễm là dân về từ ngoại quốc. Biện pháp cách ly cưỡng bách, tập trung trong các phòng kiểu nầy Úc đi sau hơn nhiều nước rồi. Đây là lần đầu tiên được chánh phủ tiểu bang Úc cho ăn ở miễn phí trong khách sạn 4 hay 5 sao. Vậy mà tại sao không ai vui vậy?
Ở Melbourne người Úc người Âu dù đi ngoài đường hay trong siêu thị đều không mang khẩu trang làm mình nhìn thấy thoải mái hơn. Ở khu người Hoa, người Á châu nhân viên bán hàng đều đeo khẩu trang còn nguòi đi đường hay khách hàng phần lớn đeo khẩu trang. Cùng một chỗ mà 2 văn hóa khác nhau. Còn mình hả, mình là người vốn đa văn hóa nên trong túi lúc nào cũng mang theo khẩu trang. Khi vào khu nhiều người Úc người Âu thì giữ khẩu trang trong túi, nhìn quanh thấy như thường, nên yên tâm, thoải mái. Vào khu người Hoa, người Á châu, thì mang khẩu trang vào mà cảm thấy yên tâm nhưng hơi khó thở hơn. Nhập gia tùy tục, hay đi với Phật mặc cà sa, đi với ma mặc áo giấy mà.
Cô Vi ảnh hưởng đến công ăn việc làm, kinh tế, thị trường buôn bán, lưu thông mà còn đến sản xuất nửa. Một hảng sản xuất mỹ phẩm chuyển sang làm khăn ướt sát trùng. Sản phẩm nội địa được bán chạy hơn. Hàng hóa nhập cảng thì mắc hơn vì đô Úc giảm giá.
Mấy đứa con sợ ba mẹ già dễ bị lây nhiễm nên không cho đi chợ. Ba mẹ làm danh sách đưa tụi nó đi chợ mua thực phẩm. Đem bao thực phẩm về để ngoài cửa và gọi điện thoại cho hay. Ba mẹ bước ra khỏi cửa thì không cho tới gần, rồi dặn kỹ phải để bao thực phẩm ngoài cửa 2 hay 3 giờ mới được đem vô nhà. Vì không phải ở cao ốc chung cư nên không sao, chớ có thể lần mở cửa sau, bao bì không còn và phải đi chợ thêm lần nữa.
Hãng xưởng, công ty, nhà hàng trường học đóng cửa hết. Cha con chồng vợ sum hợp cùng nhà. Trời thu mà nắng ấm 26 đến 29 độ. Lá vàng, lá đỏ rực rỡ tuyệt đẹp làm sao dân Úc ở nhà được. Bờ biển St Kilda gần thành phố nên đông đúc nguy hiểm lây lan nên bị đóng cửa thì đổ ra các nơi xa hơn, từ Angle Sea đến Port Campell vui chơi. Nướng thịt trên lò điện, ăn BBQ trong công viên thiệt là vui nhộn như những ngày lễ lớn, chỉ khác là phải giữ khoảng cách an toàn và không tụ tập thành nhóm. Gia đình đi pinic trên bải cỏ gần bờ biển . Ông bà đi xe riêng và không đụng đến mấy cháu khi đang picnic. TV chiếu xe cộ đậu đầy , dài theo con đường như mùa hè mỗi năm vui ơi là vui. Cũng nhờ Cô Vi, cha mẹ nghỉ việc, con cái nghỉ học, gia đình đoàn tụ và trời ấm đẹp quá, không đi biển sao được. TV cũng chiếu bà con ở chung cư ra hành lang ca hát, nhảy múa như bên Ý. TV nói thêm, lượng rượu sử dụng tăng lên 40%. Không phải rượu sát trùng chùi tay đâu, rượu uống đó. Uống cho vui, cho giải sầu, giảm lo mà. Không uống nhiều thì vui, uống nhiều thì say sỉnh bạo hành gia đình, nhất là khi việc làm không có, thức ăn, đồ dùng khan hiếm. Dịch kéo dài bạo hành vượt khỏi nhà, ra đường phố , vào thành phố, lan ra cả nước, trần gian biến thành địa ngục. Bởi vậy chúng sanh… Úc, không biết khổ, tưởng là vui, lặn ngụp trong si mê, trầm luân đau khổ, bệnh hoạn… biết chừng nào thoát.
Bởi vậy, thủ tướng Úc và nội các, các thủ hiến họp nhau hàng ngày kêu gọi ở nhà, cách ly. Khuyến cáo các bô lão trên 70, không ra khỏi nhà, Cô Vi thấy được vật cho nín thở luôn. Tổ chức giúp đỡ người lớn tuổi và cô đơn với những kiện hàng nhu yếu phẩm, hay các bữa ăn làm sẵn, giao tận nhà. Bs Đỗ Hồng Ngọc nói “Thời bây giờ tốt nhứt là Độc cư, Thiền định, Kham nhẫn, Tri túc”. Chắc ông thủ tướng Úc với Bs ĐHN biểu mình ở nhà vì mình hơn 70 rồi?
Úc có 4000 người bị nhiễm, 16 người chết phần lớn là các bô lão. Hơn 2 phần 3 người nhiễm là từ ngoại quốc trở về Úc. Số tử vong trên thế giới là 30,000. Đó là số chánh thức.
Ngày 30 tháng 3, TV chiếu những hành khách xuống phi trường Úc, đi qua máy hồng ngoại để được xem thân nhiệt, khai báo sức khỏe, gặp y tá, được đưa lên xe buýt. Cảnh sát, quân đội hộ tống đưa về khách sạn. Cuộc hành trình từ phi trường về khách sạn tốn hơn 3 giờ. Hành khách mang khẩu trang, cảnh sát mang kiếng trong bảo vệ ( protective glasses) mà không có khẩu trang, quân đội thì không đeo gì hết. Không hiểu tại sao mà khác nhau vậy. Hành khách đi trên phi cơ trống trơn, 1 người ngồi 2, 3 hàng. Nếu đi từ Mỹ về Úc thì tốn 16 đến 19 giờ, đến Úc hành khách chỉ muốn về nhà mà thôi. Có người than vãn là phòng nhỏ, là mất tự do, bị giam cầm trái luật… Họ chưa bị kẹt trên du thuyền, chưa kẹt ở ngoại quốc mà không ra được, hay bị bệnh phải nằm nhà thương ngoại quốc… nên chưa biết hết.
Dân chúng liên lạc nhau bằng điện thoại cầm tay, vi tính, photo, video, Apps, khám bệnh qua màn hình Tele GP , nhảy múa ca hát qua web sites .
Chương trình tin tức TV cũng bị ảnh hưỡng. Ngoài chuyện Cô Vi ra thì không có tin tức về đánh lộn cả băng, không có ăn cướp vì tiệm đóng cửa, không có tai nạn giao thông vì dân chúng ở nhà và đường trống trơn…
Ngày xưa, thấy cô em nhỏ bé xinh xinh, nên đem vào lòng , đem vào nhà, sau bị nhức tim, long não. Bây giờ, cô Vi trẻ trung, hết sức nhỏ bé, tí ti, đem vào người, mang vào nhà nên nhức đầu, đau phế phổi, sanh ngột ngạt. Đừng thấy nhỏ mà khinh dễ, không coi chừng, chết nín thở không kịp ngáp đó.
Ngày xưa nghe chửi “Thằng mắc dịch, đi chỗ khác chơi ” hay ” Đồ già dịch, không nên nết, chết đâu chết hắc cho rồi”. Tưởng là chửi nhẹ nhẹ thôi, gay gắt ít thôi. Bây giờ, qua gần hết cuộc đời, mới hiểu dịch là thế nào. Mới biết mấy câu chửi là chửi nặng.
Thằng mắc dịch mà ho thì mình chạy chỗ khác thiệt lẹ. Ông già mắc dịch, khỏi cần trù ổng cũng chết.
Cô bé hàng xóm ho dữ quá. Ngày xưa, tiếng ho sao thánh thót, dễ thương. Bây giờ nghe sao rờn rợn như tiếng Cô Vi mời gọi. Chạy lẹ vào nhà, đóng cửa kín. Thở đều, bình tĩnh rồi bèn đọc:
Cô vô, cô vô, tất bệnh, tất bệnh.
Cô ra, cô ra, khỏe ra, khỏe re.
Xa ta ra, xa ta ra
Xa thiệt xa, thiệt là xa.
Liền thấy tâm yên.
(LQK, Melbourne 31.3.2020)
Cám ơn Thầy đã chia sẻ các bài thật thú vị và bổ ích.
Cám ơn ông LQK bài thần chú quá hay làm DT phải bật cười, cũng một chút khuây khỏa trong những ngày này.
Thế gian đang ở kiếp hoại trong quá trình Thành Trụ Hoại Diệt , vô thường tấn tốc…dẩu biết thế mà lòng vẫn lo âu, bất an…
Mỗi ngày bao nhiêu người đã mất, những người thân nơi xa xôi kia có bình an? Có còn gặp lại ?
Thời Kinh buổi chiều, tập thiền buổi sáng… ơi sao vẫn bất an !
Mới biết công phu tu tập mình còn quá non kém…
Thầy ơi Thầy phải luôn khỏe mạnh an vui nghen, để độ chúng sinh ta bà quá khổ..hi..hi..
Tôi vừa viết ngắn một bài về Độc cư-Thiền định-Kham nhẫn-Tri túc trong Thư gởi bạn, trong đó có DT. Vậy, đọc và cho ý kiến nhe. Cảm ơn em.