Người Thứ Hai
Oct18
Lời dẫn trên blog Nguyệt Mai:
Trong một lần trò chuyện trên dutule.com với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (kỳ thứ 23), ông tiết lộ: “Tôi không có khả năng “hư cấu” nên không viết được truyện dài truyện ngắn tiểu thuyết như các bạn mình…” Nhưng gần đây, ông chợt nhớ có một truyện ngắn của ông đã đi trên tạp chí Mai xuất bản tại Saigon năm 1965. Và đây cũng là truyện ngắn duy nhất của ông.
Nguyệt Mai chân thành cám ơn Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã cho phép trang blog Trần Thị Nguyệt Mai được post chia sẻ với bạn bè và cám ơn bạn Đèn Biển đã giúp đánh máy trong thời gian sớm nhất.
———
Người Thứ Hai
Truyện ngắn của Đỗ Nghê
Tôi yêu Mai. Điều đó chỉ mình tôi với một người thứ hai biết, dĩ nhiên không kể Mai. Tình yêu đó điên cuồng đến nỗi bây giờ mỗi lần nhớ tới là tôi còn sượng chín cả người, tôi phải nhắm mắt một lúc để khỏi nhìn thấy mặt mình phản chiếu qua lớp không khí chung quanh. Khốn nỗi mỗi lần nhắm mắt một lúc như thế, tôi lại nhắm khá lâu, vì lúc đó hình ảnh Mai hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Khi biết chắc là mình không có hy vọng gì, tôi đổ lỗi cho sự vụng về của tôi, cho những mặc cảm từ lâu đời xếp lớp trong tôi và cho tính tự ái ngụy trang thành tự trọng của tôi. Tôi tự dằn vặt mình ngày này qua ngày khác khiến vài bạn thân đã phải nhắc: Làm sao nên nỗi? Không khéo thuốc men có thể không qua khỏi mùa thu này. Người bạn dễ tin, nghe tôi kể chuyện liêu trai của một đêm nào đó, trong bóng mờ nàng hiện ra diễm ảo lạ thường…
Rồi những ngày đi bệnh viện, tôi tự nhủ phải quên Mai để đi đứng vững vàng, để mặt mày bớt hốc hác. Tôi chọn một thái độ cho là hợp lý nhất để trị bệnh tôi: ghét đàn bà. Không may cho tôi, bệnh viện tôi đến là một bịnh viện đàn bà – đàn bà bịnh và đàn bà không bịnh, đàn bà đẹp và đàn bà không đẹp… đi ra gặp đàn bà, đi lên gặp đàn bà, đi xuống gặp đàn bà… Tôi phải cố gắng hết sức để quên Mai. Tôi tự nhắc đi nhắc lại là làm sao cũng phải quên Mai.
Anh ngồi đợi “cas” đầu. Nỗi lo lắng chiếm trọn tâm hồn nên không còn chỗ cho Mai trú ngụ. Anh xin lỗi, dù Mai không yêu anh. Chiều nay, Mai đi học về, thế nào cũng có bọn lố lăng đón đường chọc ghẹo. Đó, anh bảo đừng làm con gái đẹp em có chịu nghe đâu!
– Có “cas 5 cm”* ông thầy nhận không này?
Tôi giật mình nhìn người nữ hộ sinh và gật đầu như cái máy.
– Ông cân đo cho bà ấy đi! – Cô bảo.
Người đàn bà còn trẻ, nhăn nhó vì đau. Nhất định em sẽ nhăn đẹp hơn bà này, Mai ạ. Bà sanh lần thứ mấy? Thứ hai à, tốt lắm. Bà đến tôi cân đo cho. Đôi mắt bà giống Mai ghê, nhưng kém tươi mát hơn Mai…
Sau khi làm đủ mọi “thủ tục” cần thiết cho một người đàn bà sắp sanh như thông nước tiểu, cạo lông mu xong tôi đưa bà ra nằm đợi ở phòng sanh. Lợi dụng lúc bà không đau tôi hỏi chi tiết để ghi vào hồ sơ cho đầy đủ. Anh nhất định không thèm nhớ tới Mai nữa…
Tôi hỏi thật nhỏ nhẹ, lời lẽ cân nhắc đắn đo sao cho người đàn bà nằm đây chờ sanh tin cậy nơi tôi mà không thẹn thùng khi phải trả lời những câu hỏi của tôi đôi khi như chạm đến bí mật riêng tư của bà. Tôi hỏi về gia đình bà, và những đứa con của bà. Tôi giảng giải cho bà nghe những giai đoạn trong việc sanh nở. Tôi nhớ mang máng có đọc trong tạp chí nào đó một phương pháp đẻ không đau nên thử áp dụng. Người đàn bà có học thức, bà hiểu những điều tôi nói dễ dàng.
Anh chợt thấy mình đang nói chuyện với Mai. Sao hôm nay Mai dễ thương thế. Hôm nọ anh thấy trong mắt em lẩn khuất vẻ tinh quái khó chịu, vẻ tinh quái của một con chồn sung sướng biết chắc chuồng gà quên đóng cửa đêm nay.
Những cơn đau thắt của người sản phụ làm tôi nhất định lần nữa không nghĩ tới Mai. Tôi loay hoay nghe tim đứa bé trong bụng mẹ – không biết là trai hay gái nhỉ, tim nó đập bình thường. Dụng cụ cần thiết cho việc cắt rún, áo quần em bé đủ cả, tôi chỉ còn chờ giờ bà sanh.
Trên bãi cát phẳng lì này, anh đã nằm nghe trời đất tự tình. Những đợt sóng lớn nhỏ đuổi nhau, đùa giỡn trên bãi, cuốn đến chân anh rồi ngại ngùng rút đi. Những con sò ca trên cát trắng. Em thấy còng gió đó không Mai? Nó chạy nhanh hơn gió. Đừng đuổi mất công. Để hôm nào anh đưa em đi xem cách người ta bắt còng nghe. Quê hương anh thật nghèo, thật đẹp. Rừng dương reo vi vu ru mình vào giấc ngủ. Ngoài xa đó, nhìn đi Mai, là một hòn đảo nhỏ, sò, hến, ốc, rong rêu, đá ngầm đủ thứ… Em có muốn đi xem không Mai?
– Uống nước được không ông? Tôi khát quá!
Tôi giật mình:
– Được, bà uống ít thôi nhé.
Rồi đi lấy nước cho bà uống. Bây giờ thì bà đã đau rột. Tôi bắt mạch, đo thời gian co tử cung, rồi nói chuyện cho bà nghe để bà quên đau. Lấm tấm trên trán, trên mũi bà đọng mấy giọt mồ hôi – giọt mồ hôi của những người mẹ hợp với nước mắt của họ làm thành biển mẹ bình bồng những đứa con – tôi nghĩ về mẹ tôi một cách biết ơn hơn bao giờ hết.
Tôi thăm lại cổ tử cung và cho bà biết bà sắp sanh được. Tôi ghi thêm vào hồ sơ “Tête en OIGA”**. Không biết em OIGA hay OIDP hở Mai? Mới đó mà mười tám năm đã qua, giờ em ngồi nói chuyện với anh một cách nghiêm trang, một cách tinh quái, một cách kiêu hãnh, còn anh, anh vẫn tự hỏi em lúc sanh ra theo “position” nào, OIGA, OIDP…? Mười tám năm rồi, tóc em giờ xanh mướt – những sợi tóc lòa xòa lạc lõng trước trán và hai lọn tóc buông thõng cuốn tròn ôm kín khuôn mặt em đã nhiều lần làm anh muốn ngộp thở…
– Tôi muốn rặn quá ông ơi!
Người đàn bà cắn môi, nhăn mặt, chuẩn bị rặn. Tôi khuyên hãy đợi một lát, chờ cho cổ tử cung nở hẳn, để tránh nguy hiểm về sau. Bà uốn cong người, nhịn rặn, hả miệng to để thở và những giọt mồ hôi gặp dịp tốt không quên túa ra, tụ lại, chảy xuống thành dòng…
Tôi đặt tay lên bụng bà, lo lắng, thầm khấn cho bà sanh dễ dàng, mau chóng…
Mười phút sau, cổ tử cung đã nở hoàn toàn, đầu em bé đã xoay sang OP, tôi cho bà rặn. Lúng túng một cách “lành nghề”, tôi “đưa” em bé ra không gặp trở ngại gì, dù đây là lần đầu tiên tôi thực tập đỡ đẻ.
– Con gái nghe bà! 10g15.
Người mẹ cười, nụ cười không từng thấy ở đâu.
Trong mắt bà tôi thoáng đọc những lời cảm tạ, tôi vội trao lời cảm tạ này cho Thượng đế vì không muốn làm gian thương. Tôi không có công gì hết.
Tôi cắt rún em bé, hút “nhớt dãi”! Dù sao đứa bé cũng đã khóc ngay từ lúc ra khỏi lòng mẹ. Tôi mỉm cười hài lòng. Em bé gái nặng hơn ba ký thật xinh, tay chân bé tí teo, ngo ngoe hỏi chuyện. Tôi băng rún, lau rửa, nhỏ thuốc vào mắt, mặc áo cho bé xong, mang đến đặt bên mẹ nó. Người mẹ nghiêng mình nhìn con trìu mến… Tôi lo lấy nhau ra và làm những “thủ tục” cần thiết sau khi người đàn bà sanh. Hơn một giờ sau, tôi thở dài nhẹ nhõm, đẩy xe hai mẹ con ra cho người y công đưa về phòng.
Tôi lang thang xuống lầu. Nỗi cảm xúc lâng lâng không tên tuổi chiếm trọn chỗ của Mai. Tôi mong những cảm xúc mới này có thể giúp tôi quên được Mai. Đột nhiên, tôi có ý muốn viết thư cho Mai, kể lại những việc đã làm, đã nghĩ, nhưng tôi vốn yếu đuối, dù đam mê cũng không đủ can đảm.
Lòng vẫn còn bồi hồi, tôi xuống phòng nhận bịnh, nói chuyện bâng quơ với các bạn sinh viên ở đó.
… Lúc em bước vào phòng này ánh sáng và gió theo vào làm anh lóe mắt. Em nhăn nhó vì đau, người nữ hộ sanh hỏi:
– Có “cas 5 cm” ông thầy nhận không này?
Anh ngỡ ngàng bắt gặp đôi mắt của em, đôi mắt không bao giờ anh quên hôm đó. Anh cúi nhìn nơi khác. Làm sao anh có can đảm nhận “cas” là em hở Mai?
– Mơ gì đó, 12 giờ rồi, về chứ!
Một anh bạn vỗ vai tôi.
*
Hôm sau, tôi đến thăm người sản phụ ở phòng. Hai mẹ con khỏe mạnh. Hôm nay bà đẹp hơn hôm qua nhiều.
– Bà đặt tên cho em bé là gì?
– Dạ Mai. Quỳnh Mai!
– Ủa! sao bà biết?
Người sản phụ mở to mắt ngạc nhiên nhìn tôi đang ngạc nhiên nhìn bà.
Đỗ Nghê
(Bv Từ Dũ, Saigon 1965)
_____________
(*) Độ nở tử cung khi chuyển dạ.
(**) OIGA, OIDP, OP: Chữ tắt chỉ vị trí, tư thế của đầu thai nhi so với khung xương chậu của người mẹ.
(Nguồn: Tạp chí Mai – 1965)
Kính anh Hai Trầu. Anh vẫn thường ‘vặn hỏi’ tôi về chuyện viết lách của một… thầy thuốc, nhất là những thơ văn có tính ‘lãng mạn’ để anh “luận bàn” trong cuốn Người đọc và Người viết sắp ra của anh. Thì đây, tôi sực nhớ cái “truyện ngắn” duy nhất này của tôi đã đăng trên báo Mai, Saigon 1965, sau này thấy được in lại trong Tập truyện của nhiều tác giả, NXB TRẺ, năm 1998: CUỘC ĐI DẠO TÌNH CẢM. Anh coi cho vui nhe.
Kinh xáng Bốn Tổng, ngày 21 tháng 10 năm 2016
Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Nhớ hồi trước, cách nay khoảng vài ba năm, tôi có dịp trò chuyện với Bác sĩ trên trang nhà của Du Tử Lê (dutule.com), lần đó mượn khu vườn này, tôi có hân hạnh được làm quen với Bác sĩ rồi mới bộc bạch đôi ba điều, trong đó có đoạn hỏi thăm Bác sĩ về việc trứơc-tác của Bác sĩ lúc mới khởi đầu và nay với bổ túc phần “sực nhớ” này của Bác sĩ, tôi xin cập nhất vào và xin phép Bác sĩ được in chung trong cuốn “NGƯỜI ĐỌC & NGƯỜI VIẾT” gồm hai quyển 1 & 2 với khoảng trên 1.000 trang; và khi có sách tôi sẽ mang sách lên Sài Gòn kiếm chỗ nào có cà phê gốc me cùng ngồi nhâm nhi ly cà phê pha vợt rồi kính tặng Bác sĩ luôn thể, chắc là vui lắm.
Xin gởi Bác sĩ phần trả lời mấy năm trước và có thêm phần mới bổ túc này để Bác sĩ tường lãm:
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
22-5-2013
Thưa anh Hai Trầu,
Cảm ơn thạnh tình của anh Hai. Anh nói rất đúng, lứa mình phải nói là lứa “lạc lõng”, học hành cà ịch cà đụi là chuyện bình thường. Suốt những năm tản cư tôi cứ học hoài một lớp, lớp 3. Sau này nhờ biết tổ chức việc học theo hướng dẫn trong cuốn “Kim chỉ nam của học sinh” của Nguyễn Hiến Lê (1957) mà tôi học nhảy lớp, bỏ cả đệ tứ và đệ tam để thi Tú tài I và II, rồi đậu vào Y khoa. Anh nhớ hồi đó thi Tú tài đậu chừng 10% , mỗi năm thi 2 kỳ, gồm cả thi viết và thi vấn đáp. Anh nhớ hồi đó lứa mình mà “rớt Tú tài…”. Nhưng thôi, nói mãi chuyện xưa không nên! Người ta bảo đời người có ba hồi: “hồi trẻ”, “hồi trung niên” và… “hồi đó”! Khi nào mình cứ “hồi đó” hoài chứng tỏ là mình “già quá mạng” rồi phải không anh Hai.
Giờ xin nói chuyện “trước tác” của tôi nhe. Tôi mê văn thơ từ hồi nhỏ, đọc gần hết tủ sách trong một tiệm cho mướn sách ở Phan Thiết. Cô Hai tôi ( đi xe lửa trúng mìn, gãy cả 2 chân) cư ngụ trong một ngôi chùa nhỏ, thường kêu tôi đi mướn sách về cho cô đọc, nhưng lại cấm tôi đọc vì con nít đọc truyện không tốt, mê, bỏ học. Mỗi lần đi mướn truyện, tôi lén đọc hết dọc đường đi, có khi ngồi gốc cây đọc xong mới về. Tôi còn ghi chép tóm tắt nội dung, các nhận xét của mình vào một cuốn vở. Tôi nhớ những bài văn của mình hồi học lớp Nhứt (lớp 5) thường được thầy khen và đọc trước lớp. Rồi cậu tôi là ông Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư làm báo ở Saigon về thăm, cho một đống sách báo, tranh ảnh. Tôi mê tít.
Những bài thơ học trò thôi không nhắc, thí dụ kiểu: “Những bước chân mềm trên cát thơm/ Em đi sa mạc rợn trong hồn? Buổi chiều lên đọng hai vành mắt/ Màu áo hôm nào làm sao quên…” Bài thơ đầu tiên đăng trên báo Bách Khoa năm 1960, ký với một cái tên tắt. Tuy biết ông Ngu Í cậu mình làm ở đó nhưng tôi giấu ông. Khi báo đăng, tôi mới nói. Ông ngạc nhiên và khen ngợi. Sau đó tôi lấy bút hiệu Đỗ Nghê và đăng nhiều thơ trên Bách Khoa, Mai, trong Ban biên tập báo Tình Thương (với Phạm Đình Vy, Ngô Thế Vinh, Trần Mộng Lâm…) rồi ở trong nhóm chủ trương bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức (Nguyên Minh, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Lê Ký Thương…)
Năm 1967, đang là sinh viên y, tôi in tập thơ đầu tay: Tình Người và sau đó là các tập Thơ Đỗ Nghê (1974), Giữa hoàng hôn xưa (1993), Vòng quanh (1997), Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010)…
Tôi không viết “chuyên nghiệp” được như Nguyễn Hiến Lê, tôi chỉ viết khi có hứng. Bây giờ có máy vi tính cũng tiện. Khi hứng đến, tôi cứ viết ào ào rồi để đó, năm bảy ngày sau cho nó “hoai” đi mới “chỉnh” lại đôi chút. Tuy nhiên, khi báo đặt bài gấp thì cũng viết ngay được. Lâu lâu gom lại có thể in thành một cuốn sách như Thư gởi người bận rộn, Chẳng cũng khoái ru, Nhớ đến một người… Tôi không viết được truyện anh Hai à, vì không có khả năng… hư cấu!
Tôi gởi anh vài bài “thơ tình lãng mạn” như anh gợi ý để đọc vui nhe:
Mũi Né
Em có về thăm Mũi Né không?
Hình như trời đã sắp vào xuân
Hình như gió bấc lùa trong Tết
Những chuyến xe đò giục bước chân.
Em có về thăm Mũi Né không?
Mùa xuân thương nhớ má em hồng
Nhớ môi em ngọt dừa xứ Rạng
Nhớ dáng thuyền đi trong mắt trong.
Em có về thăm Mũi Né xưa?
Con đường sỏi đá vẫn quanh co
Hoàng hôn sóng vỗ bên trời biếc
Sóng vỗ trong hồn ta ngẩn ngơ.
Em có về thăm Mũi Né yêu?
Mười năm như một thoáng mây chiều
Mười năm vườn cũ chim bay mỏi
Áo trắng chân mềm em hắt hiu.
Mũi Né ơi, người xưa đã xa
Mùa ơi gió bấc nhớ không ngờ
Năm nay người có về ăn Tết
Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ?
Đỗ Nghê(1970)
Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã phổ nhạc rất hay bài thơ này và nói “ngày Tết mà hát bài này…đã lắm!” nhưng chưa tìm ra… ca sĩ!(*)
Và cũng “để đáp lại tấm thạnh tình” của anh và bạn đọc, xin gởi thêm một bài thơ nữa, viết ngày sóng thần ập vào Fukushima, Nhật Bản:
Giảsử
Giả sử sóng thần ập vào Nha Trang
Ập vào Mũi Né
Anh chỉ kịp quẳng em lên một chiếc thuyền thúng
Vút qua những ngọn dừa
Những đồi cát trắng
Em nhớ mang theo đôi quả trứng
Vài nắm cơm
Vài hạt giống
Đừng quên mấy trái ớt xanh…
Biết đâu mai này
Ta làm An Tiêm
Trở về làng cũ
Nơi này ta sẽ gọi là Nha Trang
Nơi kia gọi là Mũi Né…
Cho nên
Sao chẳng sớm mà thương nhau hơn?
Đỗ Nghê
(2011)
Bổ túc:
Kính anh Hai Trầu. Anh vẫn thường ‘vặn hỏi’ tôi về chuyện viết lách của một… thầy thuốc, nhất là những thơ văn có tính ‘lãng mạn’ để anh “luận bàn” trong cuốn Người đọc và Người viết sắp ra của anh. Thì đây, tôi sực nhớ cái “truyện ngắn” duy nhất này của tôi đã đăng trên báo Mai, Saigon 1965, sau này thấy được in lại trong Tập truyện của nhiều tác giả, NXB TRẺ, năm 1998: CUỘC ĐI DẠO TÌNH CẢM. Anh coi cho vui nhe.
(Sài Gòn, ngày 18-10-2016)
Kích chúc Bác sĩ cúng qúy quyến vạn sự cát tường.
Kính thư,
Hai Trầu
(*) Ca sĩ Thu Vàng đã thể hiện bài hát này (2016): xin vào Google: “Mũi Né Thu Vàng”.
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 21-10-2016
Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
Tôi đọc đi đọc lại hai ba lượt truyện ngắn “Người Thứ Hai” của Đỗ Nghê, tôi mới chợt nhớ ra vậy mà rồi truyện này tác giả viết cũng đã 51 năm rồi! Nhanh quá, mới đó mà đứa bé có cái tên “Quỳnh Mai” do bà mẹ mới đặt tên vậy mà nay cũng đã tròn 51 tuổi rồi, mau thiệt!
Hồi đó tôi cũng còn rất trẻ, chưa biết yêu nhưng cũng rục rịch nhớ trộm thương thầm hình bóng nào đó rồi… Thành ra, dù nhỏ tuổi hơn bác sĩ vài ba tuổi nhưng tôi cảm thông được nhân vật xưng tôi trong truyện qua những lời tỏ bày rất thật của người trong cuộc: “Tình yêu đó điên cuồng đến nỗi bây giờ mỗi lần nhớ tới là tôi còn sượng chín cả người, tôi phải nhắm mắt một lúc để khỏi nhìn thấy mặt mình phản chiếu qua lớp không khí chung quanh. Khốn nỗi mỗi lần nhắm mắt một lúc như thế, tôi lại nhắm khá lâu, vì lúc đó hình ảnh Mai hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Khi biết chắc là mình không có hy vọng gì, tôi đổ lỗi cho sự vụng về của tôi, cho những mặc cảm từ lâu đời xếp lớp trong tôi và cho tính tự ái ngụy trang thành tự trọng của tôi. Tôi tự dằn vặt mình ngày này qua ngày khác khiến vài bạn thân đã phải nhắc: Làm sao nên nỗi?”
Nếu có ai hỏi sao biết đây là “những lời tỏ bày rất thật của người trong cuộc”, thì tôi sẽ trả lời rằng nếu tác giả chỉ ngồi rồi tưởng tượng thôi thì cái tưởng tượng đó chưa đủ “đô” để làm cho câu văn làm xao xuyến được lòng người đọc.
Trong cuốn “Hương sắc trong vườn văn”, nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết năm 1956, có nhắc:“Cảm xúc là bước đầu và cốt yếu trong việc viết. Khi cảm xúc tới cái mức mạnh rồi, ta chỉ còn diễn nó lên giấy. Phải diễn đúng và đủ. Quy tắc đó bất di bất dịch”.
Và rồi nếu đem áp dụng nhận định ấy vào truyện “Người thứ hai” này, tôi nhận thấy “cảm xúc” của tác giả Đỗ Nghê diễn biến gần đúng như vậy. Chính vì với cảm xúc rất mạnh ấy nên tác giả chỉ cần kể thôi, dù với lời văn rất giản dị, gọn gàng mà đã mang đến cho một người đọc nhà quê già như tôi một câu chuyện tình rất hấp dẫn, hồi hộp và cảm động với bao xao xuyến trong lòng!
Xin có vài hàng chia sẻ cùng Bác sĩ và kính chúc Bác sĩ cùng gia quyến vạn sự như ý.
Kính thư,
Hai Trầu