Ghi chú: Đầu những năm 80, tôi có viết một số truyện thiếu nhi cho báo Khăn Quàng Đỏ – những chuyện về sức khỏe trẻ con – sau đó được NXB Thanh Niên tập hợp in thành cuốn sách nhỏ: Có một con mọt sách (1996). Sách đã “tuyệt bản” từ lâu, may nhờ một “thiếu nhi” (nay đã là bác sĩ) còn giữ được và đánh máy giúp cho. Xin gởi tặng các bạn nhỏ một ít truyện đọc cho vui -sau khi đã “hiệu đính” lại chút đỉnh.
Chân thành cảm ơn bác sĩ NVMT.
Đỗ Hồng Ngọc.
Có một con mọt sách
“Cậu bé Sinh, người đất Hàm, lên tám đã nổi tiếng là thần đồng, bảy bước xong bài thơ, lên mười đã làu thông kinh sử. Sinh mê sách không gì sánh bằng. Lúc đang đọc thì dù sấm to, chợp động bên ngoài cũng không giật mình. Sinh đọc không từ một loại sách nào: xưa lẫn nay, tốt lẫn xấu, bạ đâu đọc đó. Lượm được miếng giấy gói rau của mẹ đi chợ về, Sinh cũng đọc ngấu nghiến. Đêm trăng sáng đã đành, mà đêm trăng mờ cũng mang sách ra đọc ngoài hiên. Có bữa thiếu đèn, Sinh bắt chước người xưa, bắt đom đóm làm đèn, nhập nhòa đọc sách. Cha mẹ Sinh có lúc muốn can ngăn, nhưng vốn chiều con nên chẳng nói gì. Sinh được trớn càng đọc nhiều hơn. Mới đầu, còn ngồi ngay ngắn trước án thư, sau nằm dài trên chõng mà đọc, có lúc ngủ quên, gối đầu trên đống sách… Càng ngày, Sinh càng gầy ốm xanh xao vì thiếu nắng, thiếu gió. Có người thấy vậy, ngỏ lời khuyên điều vệ sinh mắt: chỉ nên đọc sách tốt, nơi có đủ ánh sáng, tư thế ngay ngắn… Cha Sinh nghe lời, cấm con đọc sách. Từ đó Sinh lén cha trùm kín mền giả bịnh mà đọc. Mới mấy tháng, Sinh đã không thể đọc rõ chữ khi để sách hơi xa mắt một chút và ngày càng phải đặt sách gần sát mắt để đọc. Có khi mắt đỏ lên, chảy cả nước mắt sống. Một đêm, dưới trăng hạ tuần vàng vọt, Sinh nằm bẹp trên trang sách, dí mắt vào đọc, người cứ thu nhỏ dần, nhỏ dần, sau cùng phải bò trên trang sách mà nghiền từng dòng từng chữ. Sáng hôm sau, người nhà tìm không thấy Sinh đâu, mãi sau mới thấy một con mọt mải mê bò trên đống chữ…
– Đó là chuyện con mọt sách, chủ kể theo lời yêu cầu của cháu, cháu có hỏi thêm gì không?
– Có phải chú định khuyên cháu nên đọc sách tốt và đọc nơi có đủ ánh sáng, đúng tư thế không?
– Cháu thông minh lắm! Đúng thế! Trăm người cận thì thì chin mươi người là do không giữ vệ sinh mắt. Chỉ nên đọc sách tốt, vì đó mới là thầy, là bạn quý của ta. Lúc đọc phải có đủ ánh sáng để mắt không bị mỏi. Phải ngồi ngay ngắn để tránh vẹo xương, còng lưng và nên giữ khoảng cách từ sách đến mắt ba mươi, bốn mươi phân là vừa, không để gần mắt quá sinh cận thị. Thỉnh thoảng cho mắt nghỉ… xả hơi.
– Mắt cũng nghỉ xả hơi hả chú?
– Mắt đọc nhiều cũng mệt mỏi chứ! Nhất là những ngày học thi. Khi mỏi mắt nên cho mắt “xả hơi” bằng cách nhắm mắt lại một lúc hoặc nhìn vào khoảng tối ở xa xa… Nên ăn các loại thức ăn có nhiều sinh tố A như rau dền, rau muống, cà rốt, đu đủ, cà chua, bí rợ, khoai lang đỏ, trái gấc… rất tốt cho mắt. Mỗi người nên có khăn riêng của mình và không nên dụi mắt với tay dơ bẩn. Khám mắt ngay khi có các triệu chứng bất thường…
– Triệu chứng bất thường là như thế nào chú?
– Như nhìn xa không rõ, nhìn gần mỏi mắt, nhìn chỗ rõ chỗ không, nhìn màu đỏ ra màu xanh, nhìn một vật hóa hai… hoặc khi thấy nhức đầu chóng mặt dai dẳng, học tự nhiên sút kém đi… Phần cháu, cháu đã cận khá nặng rồi đó! Phải giữ vệ sinh mắt thiệt tốt và nên mang kiếng thường xuyên để tránh cho mắt đỡ mệt, mau tăng độ cận
– Nếu không cũng sẽ trở thành con mọt sách hở chú?
– Dĩ nhiên! Nhưng có hơi khác một chút. Nếu cháu trở thành con mọt sách thì đó là một con mọt đặc biệt vì… có đôi kiếng cận trên mắt!
Đỗ Hồng Ngọc
Chuyện Cá bảy màu
Ngày xưa, có một vị vua cá sinh được bảy hoàng tử. Các hoàng tử đều rất khỏe mạnh, thông minh và tài giỏi. Mỗi vị thường khoác lên người một chiếc áo choàng màu sắc sặc sỡ: đỏ, cam, vàng, xanh, lam… Bấy giờ, nhà vua đã già, muốn truyền ngôi lại cho một trong các con. Nhà vua lấy làm khó nghĩ vì hoàng tử nào cũng rất xứng đáng cả. Sau cùng, vua cha hẹn cho các hoàng tử trong vòng ba mùa trăng, phải tìm học cho được một nghề hay, một phép lạ, về biểu diễn ở kinh đô, trước mặt bá quan văn vỏ. Ai tài đức nhất sẽ được chọn thay vua cha trị vì trăm họ cá.
Vị hoàng tử thứ nhất, từ lâu ước mơ hóa thành rồng, càng cố công gắng sức tập luyện. Chàng nhảy qua một cái thác cao, chao mình, xòe vi lướt như bay trong không khí. Vị hoàng tử thứ nhì văn hay chữ tốt, nắn nót múa đuôi đề những dòng thơ tuyệt diệu ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, làm say mê bao công chúa cá xa gần. Vị hoàng tử thứ ba thì giỏi nghề thao lược kiếm cung, điều quân khiển tướng, bày binh bố trận… Vị hoàng tử thứ tư lại theo một đạo sĩ tu hành, ăn chay và có tài nhịn đói,… Tóm lại mỗi vị đều có một biệt tài và đều cố công rèn luyện để đợi ngày thi thố tài năng. Riêng hoàng tử út, hãy còn nhỏ bé, rất được vua cha và hoàng hậu cưng chiều. Chàng không muốn thi tài cùng các anh, nhưng nể lời mẹ, chàng cũng lên đường…
Ngày thi đã tới. Trống nổi lên. Ban giám khảo trịnh trọng đọc chiếu chỉ nhà vua. Các hoàng tử đã sẵn sàng mà chưa thấy hoàng tử út trở về. Không thể chờ lâu, vua cha cho phép tiến hành cuộc thi. Hoàng tử thứ nhất biểu diễn đường bay hóa rồng, nhưng không đạt, chỉ có mỗi cặp mắt hơi giống rồng nên được ban cho cái tên cá Long Nhãn. Hoàng tử thứ hai nhờ những bài thơ trác tuyệt được ban tên là cá Vàng. Hoàng tử thứ ba thành cá Lưỡi Kiếm và hoàng tử thứ tư chính là cá Trắm Cỏ, ăn chay trường và có tài nhịn đói… Nhà vua vẫn chưa hài lòng ai. Vừa lúc đó, hoàng tử út trở về. Chàng ra mắt vua cha, hoàng hậu, thi lễ cùng bá quan. Hoàng hậu giấu nỗi vui, nhắc: “Con đã học được phép gì hay thì mau biểu diễn đi!” Hoàng tử Út rất lúng túng. Chàng kể:
– Con chẳng học được gì hay cả! Ngày nọ, trên đường đi, con tới một nơi thật xa kia và gặp một loài hung ác, có tài biến hóa dị thường. Từ các trứng tròn nhỏ, chúng hóa thành những con sâu, ngo ngoe trong vương quốc ta, rồi bỗng chốc chắp cánh bay lên vun vút. Chúng đi đốt trẻ con loài người, hút máu, rồi truyền bịnh cho các em. Nhiều trẻ con loài người rất ngoan đã phải chết vì loài vật hung ác này. Con rất căm thù và giận không có cánh bay lên đuổi theo chúng. Cần phải cứu lấy trẻ con. Thế là con xông vào lũ sâu bọ đang ngo ngoe kia để tiêu diệt chúng. Chẳng bao lâu, chúng chết tiệt. Từ đó, trẻ con loài người lại hân hoan cắp sách đến trường.
Nghe đến đây, mọi người hoan hô nhiệt liệt. Vua cha và hoàng hậu ôm chầm lấy hoàng tử Út, vui đến chảy nước mắt. Vị giám khảo cá – một vị thông thái- giải thích cho mọi người biết hoàng tử Út đã làm một việc có ích lớn: đã tiêu diệt được loài muỗi truyền bịnh sốt xuất huyết cho trẻ em loài người. Chàng xứng đáng được kế vị vua cha. Các hoàng tử anh – khác với các vị hoàng tử trong truyện đời xưa – không hề ghen tị với em, đều hết sức mừng rỡ và công nhận hoàng tử Út xứng đáng hơn hết. Họ ôm hôn chàng và cởi phăng chiếc áo choàng đang mặc khoác lên cho hoàng tử Út. Họ cùng hứa hẹn học cách tiêu diệt loài sâu bọ kia.
Chàng hoàng tử Út từ đó khoác trên người chiếc áo mang màu sắc cầu vòng bảy màu rực rỡ nên có tên là cá Bảy Màu, kẻ sẵn sàng tiêu diệt loài muỗi nguy hiểm truyền bịnh sốt xuất huyết cho trẻ em.
Đỗ Hồng Ngọc
Giếng nước mùa xuân…
Ngày xưa, ở vùng nọ có nhiều lời đồn đại về một giếng nước mùa xuân. Cứ theo lời kể thì đó là một giếng nước rất kỳ lạ. Vài ba năm một lần, vào một ngày đẹp trời nhất giữa mùa xuân, giếng tự nhiên có mùi thơm ngào ngạt, lôi cuốn hàng ngàn chim muông đến ca hát véo von. Nước giếng lúc đó trong trẻo lạ thường, có lẫn những hạt ngọc long lanh. Ai uống được thứ nước đó thì mọi bệnh tật đều khỏi, già thì trẻ lại, xấu xí thì hóa xinh đẹp. Cạnh giếng nước là túp lều cỏ của một vị lão tiên. Lão đã rất cao tuổi mà trông vẫn còn rất khỏe. Bấy giờ trong vùng có một huyện quan khét tiếng tham lam tàn ác. Mãi lúc về già, huyện quan mới sinh được một đứa con cầu tự. Cậu ấm đã lên mười mà trí khôn chưa bằng trẻ lên bốn. Cơ thể thì suy nhược đến nỗi gió lay cũng ngã. Bao nhiêu thuốc men đổ vào đều vô ích. Có món ngon vật lạ khó mấy quan cũng tìm cho cậu ấm mà chẳng kết quả gì. Cậu ấm càng ngày càng xanh xao vàng vọt, tai mờ mắt kém, bụng ỏng da chì. Nghe nói về giếng nước mùa xuân, huyện quan mừng rỡ, cho bọn nha lại đến đòi lão tiên đến hầu. Năm lần bảy lượt cũng không gặp được lão tiên, huyện quan mang vàng ròng bạc nén đến mua chuộc cũng không kết quả. Bày kế múc trộm nước thần thì chỉ được ít nước bùn, uống vào bịnh càng nặng. Sau cùng, huyện quan đích thân dẫn con đến bái tạ lão tiên, cầu xin cứu chữa. Lão tiên ra điều kiện phải để cậu ấm lại một thời gian đợi giếng nước mùa xuân phun chất ngọc. Trong thời gian đó, cậu ấm phải nhất nhất nghe lời lão, còn huyện quan thì không được bén mảng tới, chỉ ở nhà lo tu nhân tích đức, làm điều lương thiện.
Nói về cậu ấm, từ ngày ở với vị lão tiên thì cho là cực khổ vô cùng, dù lão tiên chỉ giao cho cậu một việc là múc nước từ giếng lên để tưới khắp vườn rau. Mỗi khi cậu tỏ ý biếng nhác hoặc giở thói con quan thì bị phạt chạy một vòng ngoài nắng, cũng có khi bị phạt nhịn đói một ngày. Lúc đầu, cậu ì ạch kéo gàu nước mãi không nổi, nhưng càng về sau, cậu kéo dễ dàng hơn. Cậu thầm mong một hôm nào đó, nhặt được vài hạt ngọc long lanh trong nước giếng để chữa bệnh mà mãi chẳng thấy gì. Những bữa cơm rau muối của vị lão tiên dần dần cậu thấy ngon hơn, nhất là những hôm bị phạt nhịn đói. Những lúc đó, ăn lén một củ khoai lang lùi lại càng ngon tuyệt. Những buổi phạt chạy ngoài nắng làm cậu quen dần với ánh nắng mặt trời đến nổi về sau, dù không bị phạt, cậu cũng chạy vài vòng quanh sân dưới ánh nắng ban mai. Cậu tắm nước giếng cũng không thấy còn lạnh như xưa nữa. Có lần cậu đánh bạo hỏi lão tiên về thứ nước ngọc thì lão chỉ khuyên phải kiên nhẫn, thế nào cũng gặp.
Thấm thoắt cậu ấm đã trở thành một thiếu niên cường tráng, khỏe mạnh. Cậu có thể đuổi kịp một con hươu rừng, nhổ bật cả một bụi tre… Cùng lúc lại được tin quan huyện cũng đã trở thành một vị quan thanh liêm, được dân chúng gần xa mến mộ. Một hôm, lão tiên gọi cậu vào bảo:
– Đã đến lúc thầy trò ta chia tay.
Cậu sụp lạy, xin được ở nán lại ít lâu chờ lấy được thứ nước quý từ giếng mùa xuân đã. Lão tiên mỉm cười, ôn tồn nói:
– Làm gì có nước ngọc, con. Sức khỏe của con không quý hơn sao? Da con đã được tắm ánh nắng mặt trời, được tưới mát bằng những gàu nước lạnh, mũi con đã được hít thở khí trời trong sạch, miệng con được ăn những thức lành mạnh do thầy trò ta tự tạo nên. Những thứ đó còn tốt ngàn lần hơn thứ thuốc nào khác, đã làm máu con thắm lại, mắt con sáng ra… Và điều đáng quý hơn nữa là con tập được tính kiên nhẫn, biết yêu mến, quý trọng sự làm việc, con đã trở nên siêng năng cần mẫn, không ỷ lại, lười biếng như xưa…. Sức khỏe là vốn quý nhất không thể mua được bằng vàng bạc gấm vóc, bằng sức mạnh quyền uy… !
Đỗ Hồng Ngọc
Vâng “Sức khỏe là vốn quý nhất không thể mua được bằng vàng bạc gấm vóc, bằng sức mạnh quyền uy… ! ”
Thiếu nhi “xưa (old)” ơi! Bs cũng phải giữ gìn sức khỏe nhé !
í, cuốn sách của con được xuất bản năm 1996, lúc con 9 tuổi mà 🙂
U 50 xin cám ơn bác nhé đọc lại vẫn thấy hay .Mong BS khỏe mạnh giúp đời thêm chút nào tốt thêm chút ấy
Ừ, cảm ơn con. Thầy cũng đang muốn hỏi con chuyện này vì Thầy không còn cuốn sách in lần đầu, chỉ có cuốn tái bản năm 2000 thôi!
Đọc những “truyện cổ tích y khoa” này em như được trở về thời thơ ấu.
Bác Ngọc ơi, bác cho con hỏi cuốn sách này của bác còn xuất bản không ạ? Con tìm hoài mà không thấy ở đâu bán! Con cảm ơn bác!
Cũng có nhiều người hỏi như con. Có lẽ bác sẽ cho tái bản. Để bác hỏi xem Hội quán Cacbame Tp.HCM có muốn in lại không, nếu có thêm minh họa nữa thì sẽ rất tuyệt!