Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Thư gởi bạn xa xôi (1.8)

01/08/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi (1.8.2021)

 

Bạn hỏi hỗm rày làm gì ư? Home Alone.

Cứ như “Vân Tiên cõng mẹ đi ra/ Đụng phải cột nhà cõng mẹ đi vô/ Vân Tiên cõng mẹ đi vô/ Đụng phải cái bồ cõng mẹ đi ra…”. Già cả rồi. Đi chỗ khác chơi thôi!

Ông bạn bác sĩ cũng hơi già, 79, than buồn quá. Không gặp được con cháu, trước đây hàng tuần cứ chủ nhật thì tụ tập vui cả nhà với nhau. Bạn bè cà phê cà pháo cũng không được. Lên vi tính thì đọc mờ cả mắt những chuyện buồn đau. Hôm rồi trước nhà cũng bị giăng dây, nghếch mũi, hả họng làm test…

Một ông bạn khác mới 76, nghĩ ra cách giải khoay là coi đá banh Olympic rồi còn viết bài nhắc lại một chuyến “phượt” nào đó lên rừng xuống biển… cho đỡ nhớ, hôm qua gởi mình bảo coi đi nè, nhớ không, mới thôi mà tưởng là xa xưa lắm!

Rồi hôm kia, một người bạn trẻ quen mà chưa biết từ Suối Tiên (Nha Trang) gởi email bài “Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc” thật bất ngờ, nói để tặng anh ĐHN ngày sinh nhật. Ơ hay, mình thực sự không biết ngày sinh nhật, chỉ biết bà Má nói khoảng giữa tháng Tám, năm Canh Thìn, sanh ở nhà bảo sanh cô Mụ Bé dưới chân cầu sắt Phan Thiết. Sau này mình viết cho Nguyệt Mai, Km, d, TV… khi các cô hỏi Ngày sinh nhật của mình rằng: “Anh không có ngày sinh nhật/ Nên mỗi ngày là sinh nhật của anh/ Cảm ơn em/ Nhớ đến anh/ Ngày sinh nhật!”. Thế là mấy cô kêu trời, anh khôn thấy mồ, vậy là mỗi ngày đều phải… nhớ đến anh ư? Thôi thì ta làm “tháng sinh nhật” vậy. Ôi giời!

Tưởng chơi, ai dè sáng nay 1/8, đã thấy trên trang nhà tranthinguyetmai dọn hẳn một bữa tiệc sinh nhật thật “bất ngờ” linh đình và hoành tráng… với bao nhiêu là quà quý từ bạn bè đầy xúc động! Thì ra mọi người sực nhớ mình đã “bát tuần” nên cho một bữa ê hề để kỷ niệm đó thôi!

Rồi một bất ngờ nữa, “Bản thảo” Tôi Học Phật cũng vừa in xong mấy cuốn làm mẫu. Dự định sẽ chỉ in một ít để tặng “bạn đạo” trong Ban Phật học, Nhóm học Phật và Lớp Phật học và Đời sống ở chùa Xá Lợi Saigon  thôi, chớ sách này ai đọc? Cũng phải nói là nhờ 5 Hiền (Nguyễn Hiền-Đức) hai năm trước đã thu gom, chọn lọc bước đầu cùng Văn Công Tuấn tung ra cuốn Thấp thoáng lời Kinh, sau bổ sung thành Tôi học Phật, còn nhiều thiếu sót nên suốt 2 tháng nay vì Cô-vi phải nằm nhà, mình biên tập lại kỹ lưỡng một chút làm “Version 2” này đây. Cái hình bìa trông “văn nghệ” đúng kiểu “lõm bõm học Phật” của mình, lấy cảm hứng từ Đặc san Liễu Quán Huế “dàn dựng” lại một chút đó thôi.

Hẹn thư sau.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim

Trần Vấn Lệ: Làm Sao Chải Được Rừng Xanh Lá

20/07/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Làm Sao Chải Được Rừng Xanh Lá

Mình sẽ làm chi cho hết ngày?
Mình đi lên núi…hứng mây bay?
Mình vô rừng kiếm con chim lạc
nó đứng gọi bầy trên ngọn cây?
Đà Lạt cao nguyên, biển mịt mùng
Đường về Ninh Chữ rất mông lung
Lâm Viên dõi mắt không nhìn thấy
chỉ thấy quanh co núi chập chùng…
Mình sẽ làm chi cho hết sáng?
hết trưa, rồi hết buổi chiều hôm…
Tà huy đâu cũng vàng như nghệ
Sương cũng vàng nha những lũng sương!
Em ơi em ngả cái đầu, đi
như rất là xưa mới dậy thì
vén tóc mà nghe như tóc ướt
mưa rừng gió thoảng tóc bay bay…
Mình sẽ làm chi cho hết ngày
Anh người lính lạc mất thời trai
Trường Sơn tưởng chỗ mình yên giấc
Ai khiến cho mình giạt tới đây?
Mơ về Đà Lạt mấy mươi năm
Tuổi mới lòng xưa lệ chảy ngầm
Cha mẹ, bà con, bè bạn…hết
rồi mình cũng hết ước mơ chăng?
Mơ ước xưa nay là cái ảo
Tóc thề em chải vẫn ngang vai…
Làm sao chải được rừng xanh lá
chải gió cho bay nhỉ áo dài?

Trần Vấn Lệ

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim

Cao Huy Thuần: “Xa làm sao được quê hương!”

02/07/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Xa làm sao được quê hương!

 

Sen thơm nắng hạ quê mình

Đọc tập tản văn Sen thơm nắng hạ quê mình (Khai Tâm và Nxb Tri Thức) của Cao Huy Thuần, với tôi, hay nhất là  Người đưa đò – câu chuyện của Lucien de Samosate (120-180), gần 2000 năm trước được tác giả chọn dịch và sáng tác thêm phần “ngoại truyện”.

Tác phẩm là cuộc trao đổi giữa thần Mercure và Charon- người đưa đò chở người chết qua sông chia cách âm dương… Charon than phiền có những xác chết nặng chình chịch, làm đò chìm, người chết phải rơi vào địa ngục và có những xác chết nhẹ tênh… Mượn chuyện xưa nói chuyện nay là tài của Cao Huy Thuần. Người đời có hai hạng, hạng sống mà không thấy Charon lúc nào cũng đứng chực sẵn một bên, tham sân si, lúc chết thì cũng ôm quá nặng, đò chìm. Chỉ một số ít khác nhẹ tênh, nhờ thấy cái gì trên đời cũng nhẹ nhàng, cũng đẹp, cũng đáng ngạc nhiên, nhìn đâu cũng thấy ân huệ của cuộc sống…

Tôi có hơi tiếc một chút: giá mà anh dịch theo giọng xưa của 20 thế kỷ trước thì nỗi đau sẽ càng đau hơn, nhưng anh có lý của anh, dùng ngôn ngữ hiện đại cho ai cũng hiểu.

Trong nhiều tản văn đầy tính triết học uyên thâm, Giao thừa, Chữ của tôi, Trí tuệ và lòng tin,Sóng và biển, Mẹ tôi, Thúy Kiều và… tôi… là những trang viết ấn tượng; riêng Thì thầm bàn về “Bát Nhã”, “Bát bất”, về “Có Không” viết rất khéo, rạch ròi và thuyết phục, thấm đẫm “Trí bất đắc hữu vô/ Nhi hưng đại bi tâm” (Trí chẳng đắc có không/ Mà hưng khởi tâm đại bi).…

Nhưng Quả trứng (Thay lời tựa) mới đúng là Cao Huy Thuần. Như một gởi gắm, một tạ từ, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội…”.

Bỏ qua một bên chuyện “sứ mệnh văn nghệ” xa vời, bỏ qua một bên giảng đường đại học, giờ đây còn một chút này:

“Xa xôi, lữ thứ, cuối đời nghĩ lại quả trứng ngày xưa, cái hạnh phúc vô biên được cắn vào quả trứng đầu tiên trong đời nghèo khó, mơ màng tưởng như cắn cả buổi trưa, cắn cả phố chợ, cắn cả nguồn cội, cắn cả quê hương…”

Bởi từ những ngày thơ dại ai mà chẳng nghêu ngao Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng…Thế rồi khi dấn bước vào đời ta đã quên bài học cũ, mải mê tìm kiếm một búp sen vàng sen bạc rực rỡ hào quang ở tận chân trời góc biển. Cho đến một hôm giật mình: thì ra cái Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng kia rốt cuộc cũng chỉ là Nhị vàng bông trắng lá xanh đó thôi. Chẳng thêm chẳng bớt. Đóa sen của thiên thu vẫn lung linh giữa gió và nước, giữa đất và bùn, vẫn tủm tỉm cười, vẫn ngát hương thơm…

Cao Huy Thuần viết:“Tôi tương tư mùi đất ruộng. Tôi tương tư làng tôi. Tôi tương tư nước tôi. Càng già, càng trở về với quả trứng. Càng thấy mình mắc nợ với đứa bé ngày xưa, với gốc gác của nó. Một món nợ không trả được vì nó đã cho mình tất cả, từ trái tim đến máu thịt. Nó cho cả hơi thở, vì đôi lúc một làn gió vô tình thoảng vào mũi mùi gì như mùi lúa nảy đòng đòng. Xa làm sao được quê hương?”

“Cho nên tôi yêu, như đã yêu từ trong trứng, mọi cái tầm thường. Cho nên tôi thấm đạo. Hạnh phúc, đâu phải tìm ở đâu xa. Nó ở ngay nơi mọi cái tầm thường xung quanh tôi. Và nếu mọi cái tầm thường làm nên cái hằng ngày của ta, thì ngày nào chẳng là hạnh phúc?” (Quả trứng).

May cho anh, không như Thôi Hiệu “Nhật mộ hương quan hà xứ thị” bởi anh còn có Quả trứng, “quả trứng” của Âu Cơ.

Đỗ Hồng Ngọc.

(Saigon, 7.2021)

 

Báo TUỔI TRẺ ngày 2.7.2021

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định

Thơ Phạm Thiên Thư “Mười con nhạn trắng về tha”

12/06/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 4 Comments

 

Thư gởi bạn xa xôi

11.6.2021

“Mười con nhạn trắng về tha”

(Động hoa vàng, Phạm Thiên Thư)

 

Câu hỏi của bạn hơi “ác” đó nha. Đây là 4 câu thơ mở đầu của bài thơ Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư, bài thơ dài tới 100 khổ, mỗi khổ 4 câu lục bát đẹp như mơ mà ai cũng biết… Cho đến nay đã có hàng trăm bài viết về Phạm Thiên Thư với Động hoa vàng này đó. Mà hình như chưa có ai hỏi như bạn đã làm khó mình hôm nay. Bạn biết đó, mình chẳng phải nhà phê bình văn học, nhất là phê bình thơ… Bởi thơ là để cảm nhận, để rung động… chớ không phải để phân tích, để bình giảng… Nói thì nói vậy chớ người yêu thơ vẫn cứ vừa cảm nhận, vừa rung động vừa bình giảng… để thấy cho hết cái đẹp cái hay, để rồi được rung động 6 cách “nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý” cũng chẳng khoái ru?

Mười con nhạn trắng về tha

Như lai thường trụ trên tà áo xuân

Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền

Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm…

Bạn hỏi mình tại sao nhạn trắng, tại sao mười con mà không phải tám chín con hay trăm con? Tại sao “về tha”? Tha ai? Tha cái gì? Tại sao tha?

Rồi “Như lai thường trụ” là sao? Vô thường, vô ngã, “vô sở trụ” mà sao còn trụ?

Rồi bạn cho rằng “Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền/ Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm” thì ai cũng hiểu cả rồi. Mái tóc huyền óng ả chảy mượt như suối của nàng thiếu nữ xinh đẹp. Làm nhớ “vai gầy guộc nhỏ” của Trịnh Công Sơn! Còn “Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm” đâu cần phải giải thích thêm! À, nhưng mà “miền  tuyết thơm” ở đâu vậy? Có trời mới biết, ủa không, có nhà thơ mới biết. Làm nhớ Văn Cao: “Chúng em xin dâng hai chàng trái đào tiên…”.

Tóm lại là bạn chỉ “quay” mình vài chỗ “bí hiểm”: Mười con nhạn trắng về tha là sao?Tại sao mười, tại sao tha…? Và tại sao Như Lai thường trụ?

Ối trời. Mình bí quá. Bèn phải mượn “quyền trợ giúp”.

Phạm Thiên Thư (PTT) bây giờ không xài Điện thoại, chẳng có email, giữa mùa Cô-vi giãn cách này cũng không trực tiếp đến gặp được. Lại nghe nói ông bắt đầu quên nhiều sau mấy lần tai biến.

Mình liền hỏi nhà thơ Trụ Vũ, vốn chỗ thân thiết với PTT. Ông trả lời ngay:  “Tha” ở đây là “khác”, phương khác. Câu này có nghĩa là mười con nhạn trắng bay về phương khác…

Không yên tâm lắm, mình bèn hỏi Lam Điền, nhà báo, nhà thơ, ở báo Tuổi Trẻ. Lam Điền khuyên: “Tranh thủ lúc tác giả còn sống nên hỏi trực tiếp cho chắc đi bác ơi, mọi suy đoán về thơ thường do không còn tác giả để hỏi”. Chí lý. Nhưng có trường hợp như TTKH, không biết tác giả là ai thì biết đâu mà hỏi! Có khi tác giả Alzheimer quên hết rồi thì sao?

Bèn hỏi Linh Thoại, nhà báo, phụ trách mảng văn học báo Tuổi Trẻ. “Dạ con cũng không rõ ý nhà thơ chú ơi, để con hỏi thầy Huỳnh Như Phương”.

Huỳnh Như Phương là nhà phê bình văn học nổi tiếng, đã nghiên cứu về PTT kỹ chắc chắn phải biết rồi. Hy vọng.

Thầy HNP trả lời Linh Thoại: “Thầy chịu thua. Thiền sư Đỗ Hồng Ngọc mà không giải thích được thì làm sao mình giải thích. Chờ qua dịch gặp ông PTT hỏi ông. Mà có khi ông cũng không giải thích được!”.

Mình đùa với Linh Thoại: Ông PTT chắc cũng sẽ biểu về hỏi “thiền sư” ĐHN đi! Bởi ông cũng quên hết rồi! Dĩ nhiên chú Ngọc giải được quá đi chớ! “Thiền sư” mà!

Linh Thoại cười: Vậy chú giải cho con nghe với. hihi.

Mình “cầu cứu” nhà thơ Đỗ Trung Quân. Quân ơi, cho anh hỏi chút nhe: PTT trong bài thơ Động hoa vàng có câu đầu tiên: “Mười con nhạn trắng về tha…” nghĩa là sao, nhất là chữ “tha” khó hiểu quá?

ĐTQ trả lời liền: Theo em cảm nhận thì mười con nhạn trắng PTT chỉ 10 ngón tay hoa vẽ trên luân chuyển tiết mùa, nhưng chỉ là cảm nhận vì em không nghiên cứu Phật học…

Mắt mình sáng ra: À há! Rất hay rồi đó!

ĐTQ thêm: Câu sau hình như là “vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền/ Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm…” cái nhìn Phật học cũng lại là ẩn dụ của suối- mây- rừng… em nghĩ thế.

Mình mừng rỡ: Hay lắm ĐTQ! Anh nghĩ anh bắt đầu giải được rồi đó! Cảm ơn em.

Dù vậy, mình cũng thử hỏi nhà thơ Phật tử thuần thành Tôn Nữ Hỷ Khương xem sao, chị bảo “Bs Đỗ Hồng Ngọc mà không biết thì Hỷ Khương làm sao biết được!”.

Ối giời!

Thôi thì hỏi thêm nhà thơ Khánh Minh ở tận nửa vòng trái đất bên kia, người cũng rất thân quen PTT. Khánh Minh trả lời: “Anh Ngọc ơi, anh mà không biết thì em biết… chết liền! Xưa em rất thân với PTT, phải gọi bằng chú, nhưng em không đọc Động hoa vàng. Em chỉ thích tập thơ 4 chữ thôi. Tại sao là “mười”, tại sao “về tha” và Như-lai thì sao “thường trụ”?

Khánh Minh thắc mắc nữa!

Tóm lại, góc độ “thơ” thì không xong rồi. Còn góc độ “thiền” thì sao?

Mình hỏi chuyện tu hành của PTT cho rõ nguồn cơn, Google trả lời:

Đi tu, thực ra với ông không hẳn là tìm một chốn nương náu, mà ông ngộ ra một điều, ông đã tự tìm cho mình một cõi riêng, một kiểu tu hành riêng…

Ông viết Động hoa vàng những ngày đầu ngấm giáo lý nhà Phật, như đánh dấu mình vào một cõi của chính mình trong thi đàn. Dĩ nhiên, Động hoa vàng chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc nhất trong đời viết của Phạm Thiên Thư, nhưng nó đã làm nên một “thương hiệu” của Phạm Thiên Thư. Những câu thơ đẩy cái đạo đời bềnh bồng trên cõi Phật, làm hiện hữu cái cuộc đời đáng sống trên cái mênh mang bao la của phù vân hư ảo.

Nhiều người đã cho rằng Phạm Thiên Thư đi tu mà lòng vẫn hướng về cõi tục. Ông chỉ cười: “Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình”. Quả thực là từ cõi Phật, ông đã làm được những điều đáng nể: thi hóa kinh Phật, sáng tác những thi phẩm hay và đẹp thuộc diện hiếm hoi trong văn học Việt Nam…Thơ của ông được nhiều người có tên tuổi trong giới và rất nhiều bạn đọc mến mộ… (//vi.wikipedia.org/wiki).

 

Tìm hiểu sâu hơn về PTT không gì bằng tham khảo nhà văn Nguyễn Thu Trân, người đã có những buổi tiếp xúc , gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nhà thơ nhiều năm qua (trích). Thu Trân viết:

“Từ Động hoa vàng, người yêu thơ Phạm Thiên Thư cũng mờ mờ ảo ảo với “tu sĩ lãng mạn” Thích Tuệ Không bởi những dòng tự bạch:

Hỏi con vạc đậu bờ kinh

Cớ sao lận đận cái hình không hư

Vạc rằng thưa bác Thiên Thư

Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ…

 

Hỏi: Thưa, ở đây là nhà thơ hay nhà sư ỡm ờ?

Đáp: Cả hai, từ ỡm ờ ở đây có nghĩa tôi ra đi từ đời và trưởng thành từ đạo. Trong tôi, đạo và đời là một. Trong 9 năm ở chùa (1964-1973), tôi- tức nhà sư Thích Tuệ Không đã tiếp cận tư tưởng nhà Phật và triết lý Phật giáo là phần lớn tinh thần sáng tác của tôi. Triết lý Phật giáo cũng không ngoài những hạnh phúc, khổ đau của con người. Một đời sống hoà bình, thanh thản với cái thiện luôn đẩy lùi cái ác… cũng là mục đích thơ Phạm Thiên Thư hướng đến. Phật giáo khi hòa nhập vào cuộc sống thì đã trở thành một giá trị văn hóa chứ không đơn thuần là tôn giáo.

Hỏi: Vì sao cậu học trò Phạm Kim Long lại trở thành nhà sư Thích Tuệ Không?

Đáp: Tôi sinh năm 1940, quê Thái Bình nhưng đã là người Sài Gòn từ năm 1954. Thời sinh viên mê văn chương thơ phú, tôi sáng lập và tụ tập bạn bè vào Học hội Hồ Quý Ly. Việc lập hội đoàn này khiến tôi luôn bị cảnh sát chế độ Sài Gòn chú ý, thế là để được yên thân, tôi đã ẩn vào chùa để tu. “Tu bất đắc dĩ” mà ngộ ra kinh Phật, ngộ ra chuyện thiền rất nhanh nên tôi thấy mình là người may mắn, tôi sớm nhận ra điều, nhà chùa không phải là nơi tôi nương náu để qua cơn bỉ cực mà là một cõi riêng, rất riêng để tôi tha hồ bay bổng từ những điều ngộ ra chính mình và cuộc sống chung quanh.

Hỏi: Sau kinh kệ, thơ nhạc… rồi đến hớt tóc, bán tạp hóa, bán cà phê kiếm sống; thi sĩ Phạm Thiên Thư còn nổi tiếng nhờ tài chữa bệnh?

Đáp: Tôi nghiệm ra phương pháp chữa bệnh điện công Phathata từ những cách tham thiền, vận nội công và yoga. Những tiền đề này tôi tích lũy được từ những ngày học võ (bố tôi là thầy thuốc dạy võ) và thời gian tầm sư học đạo ở Thất Sơn (Bảy Núi-An Giang); cũng không thể không kể thêm ở đây sự kết hợp với võ Bình Định, gồng Châu Quý, thiền Mật Tông… Phathata là phương pháp tập luyện nhân điện; tự điều chỉnh bế tắc, rối loạn cơ thể và tâm lý thông qua khả năng siêu ý thức. Tôi cũng đã tự chữa bệnh cho mình bằng phương pháp Phathata (có kết hợp cùng các phương pháp khác). Hiện tôi vẫn tham gia câu lạc bộ chữa bệnh miễn phí cho mọi người bằng phương pháp Phathata…

Ngày của thi sĩ Phạm Thiên Thư bây giờ cũng nhẹ nhàng như gió như mây. Dưới bóng cây xanh đầy hoa nắng của quán cà phê gia đình với tên gọi Hoa Vàng trên đường Hồng Lĩnh (quận 10-TP.HCM), ông thường ngồi hàng giờ để hoài niệm về màu hoa vàng cùng bóng áo thoát tục năm xưa, để thấy mình đã sống bảy mươi năm không hoài không phí giữa nhịp đời sắc sắc không không:

Gối tay nệm cỏ nằm say

Gõ vào đá tụng một vài biến kinh

Mai sau trời đất thái bình

Về lưng núi phượng một mình cuồng ca… 

(Nguồn: Đương Thời, http://cntyk2.free.fr/vannghe/tho/)

Bài phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Thu Trân đã thực hiện hơn 10 năm trước, khi PTT mới 70 tuổi, ta được biết thêm ngoài tu Phật, làm thơ, ông còn là một thầy thuốc chữa bệnh với phương pháp Phathata.

 

Bây giờ ta thử nghe Võ Phiến nhận xét về thơ tình của PTT:

“Phạm Thiên Thư chỉ đóng trọn vai tuồng xuất sắc khi ông trở về với chính mình, tức một tu sĩ đa tình. Và trong vai tuồng ấy ông thật tuyệt vời, đáng yêu hết sức.

Thử tưởng tượng: Nếu Phạm Thiên Thư sớm tối miệt mài kinh kệ, một bước không ra khỏi cổng chùa, không biết tới chuyện hẹn hò, không hề lẽo đẽo đưa em này đi rước em nọ về v.v… thì nền thi ca của chúng ta thiệt thòi biết bao. Lại thử tưởng tượng Phạm Thiên Thư quanh năm suốt tháng chỉ những em này em nọ dập dìu, nhớ thương ra rít, mà không màng tới kinh Hiền kinh Ngọc, không biết chuông biết mõ gì ráo, thì trong kho thi ca tình ái của ta cũng mất hẳn đi một sắc thái đặc biệt chứ.

Cho nên ông cứ ỡm ờ thế lại hay. Có tu mà cũng có tình. Cái tình của một người tu nó khác cái tình của người không tu, nó có nét đẹp riêng”.

“Tình yêu của ông thật tội nghiệp. Không phải nó tội nghiệp nó đáng thương vì ông bị hất hủi, bị bạc tình, bội phản, vì ông gặp cảnh tuyệt vọng v.v… Không phải thế. Tội nghiệp là vì bên cạnh các mối tình vời vợi của ông lúc nào cũng thấp thoáng cái ám ảnh của kiếp sống mong manh, của cuộc thế vô thường, của cảnh đời hư ảo.

Vả lại không phải chờ đến một cái chết mới đối diện Hư Vô, ngay cả khi đôi trẻ hãy còn đủ trên đời ông vẫn ý thức rõ ràng cái nhỏ bé chơi vơi của tình yêu:

“Cõi người có bao nhiêu

Mà tình sầu vô lượng

Còn chi trong giả tướng

Hay một vết chim bay.”

Rồi Võ Phiến khẳng định, thơ tình của PTT là thứ thơ tình “Tuyệt nhiên không thịt da”:

“Thơ tình của chàng là thứ thơ tình không có nụ hôn. Người tình của chàng là thứ người tình không da thịt. Đố thiên hạ tìm ra trong thơ chàng một nụ hôn, tìm ra những cặp môi mọng như quả nho, gò má ửng hồng như trái đào, những sóng mắt đắm đuối, ngực tròn phập phồng v.v…, đố như thế là đố khó quá… Không mọng đỏ, không no tròn, không phập phồng, không đắm đuối, không long lanh v.v… Tuyệt nhiên không thịt da”.

Ông dẫn nào Xuân Diệu, nào Vũ Hoàng Chương, nào Bạch Cư Dị, ông nào ông nấy cũng “ca tụng thân xác” (chữ Nguyễn Văn Trung)… và chỉ riêng thơ tình PTT là “Tuyệt nhiên không thịt da”!

(chusalan.net: Võ Phiến  Từ Ngày xưa Hoàng Thị… tới… Đưa em tìm động hoa vàng…)

“Không phải đâu là không phải đâu”! Võ Phiến lầm chết! Tưởng tượng xem, một tu sĩ đa tình, 9 năm ngồi ngắm trăng suông bên bờ suối, nhìn vách đá ngẩn ngơ chẳng thua gì 9 năm diện bích của Bồ Đề Đạt Ma… một hôm sực nhớ đóa hoa vàng (khổ 99- Động hoa vàng)

 Vào hang núi nhập Niết bàn
Tinh anh nở đoá hoa vàng cửa khe


“Thiền sư” hiểu rõ lẽ vô thường, rõ cái chơi vơi của “cõi người có bao nhiêu/ mà tình sầu vô lượng” nên một khi đã phập phồng, đã đắm đuối, đã long lanh thì hết phương … cứu chữa!

Anan là đệ tử đẹp trai nhất của Phật, một hôm đi khất thực, gặp người đẹp Ma-đăng-già quyến rũ sắp…, Phật vội vàng kêu đại đệ tử Xá-lợi-phất mang lá bùa đến cứu. Lá bùa đó là Chú Lăng Nghiêm. Bây giờ các tu sĩ sáng nào cũng phải tụng!

Cho nên 9 năm ngồi nhìn vách đá, ngắm trăng suông, miệt mài kinh kệ,  một hôm biệt thầy giã bạn xuống núi, thõng tay vào chợ thì choáng váng, háo hức, hừng hực…không lạ!

Nhưng để hiểu cho rốt ráo “mười con nhạn trắng về tha” này, ngày 9.6.2021, mình viết thư hỏi nhà văn Nguyễn Thu Trân. Cô liền gọi phone ngay cho nhà thơ và trả lời mình:

Gửi anh Đỗ Hồng Ngọc,

Em đã gặp nhà thơ Phạm Thiên Thư nhiều lần, nhưng thật ra chưa thắc mắc về từ “tha” trong câu đầu của thiền ca Động hoa vàng. Chú cháu ngồi với nhau chỉ nói về cõi thiền vô ưu dữ dội của Động hoa vàng thôi. Thắc mắc của anh quá hay, khiến em phải thắc mắc rằng, tại sao mình không thắc mắc điều này với nhà thơ. Em có gọi chú PTT bằng số điện thoại từ lâu rồi nhưng tổng đài bảo số này không có thật (chắc chú đã đổi số). Không chắc bây giờ ông già còn khoẻ và minh mẫn. Thuở em gặp, ông già cũng đã mơ màng với cái điện công Phathata lắm rồi. Thôi thì, em cũng liều mình suy diễn trên tinh thần đã trao đổi về Động hoa vàng với nhà thơ PTT, anh xem thử coi có hợp lý không nhé- nếu không hợp lý thì anh cho em ý kiến khác vậy.

Chúc bác sĩ luôn vui khoẻ trong mùa dịch covid.
Thu Trân

9.6.2021

.

Mười con nhạn trắng về tha

Như Lai thường trụ trên tà áo xuân

Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền

Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm

 

“Tha” có lẽ phải hiểu ở đây theo nghĩa Hán- Việt, chứ không thể là “tha thứ” hoặc

“tha đi, mang đi”- suy diễn hơn một chút, càng không phải là “bê tha”.

Trong tiếng Hán, “tha” có 3 nghĩa:

– “Tha” đại từ chỉ ngôi thứ ba số ít: anh ấy, chị ấy, ông ấy, bà ấy (nam nữ cách viết

khác nhau nhưng phát âm giống nhau).

– “Tha” tính từ có nghĩa thư thả, ung dung tự tại.

– “Tha” động từ có nghĩa gánh vác, chở che.

 

Trong bối cảnh “Mười con nhạn trắng về tha” là câu đầu của “thiền ca” Động hoa

vàng 100 khổ thơ lục bát của Phạm Thiên Thư, có lẽ “tha” trong trường hợp này là

tính từ (thư thả, ung dung tự tại) là phù hợp nhất. Động hoa vàng đẹp như mơ, hư

hư thật thật với đàn chim nhạn “mở màn” thì thái độ ung dung tự tại (vô ưu) rất phù hợp cho 3 câu sau đó:

Như Lai thường trụ trên tà áo xuân

Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền

Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm

 

Và kết nối khổ thơ đầu với khổ thơ cuối, ta sẽ thấy “sự suy diễn” này phù hợp:

 

Hoa vàng ta để chờ anh

Hiện thân ta hát trên cành tâm mai

Trần gian chào cõi mộng này

Sông Ngân tìm một bến ngoài hoá duyên

 

Chỉ có sự vô ưu của một loài chim sang trọng, đẹp đẽ như chim nhạn mới có thể

“gánh” hết những gì huyền ảo trong cõi thiền mà rất đời, mà rất sex của tu sĩ Phạm Thiên Thư thôi.

(Thu Trân, 9.6.2021).

………………………………………………………………………………………….

 

Thiền sư thi sĩ đa tình “huyền ảo trong cõi thiền mà rất đời, mà rất sex ”, Thu Trân nói về PTT rất đúng đó vậy. Nhưng tại sao “về tha”? Thu Trân viết có lẽ “tha” trong trường hợp này là tính từ (thư thả, ung dung tự tại) là phù hợp nhất. Mình không nghĩ vậy. Phải tìm trong hướng khác: Y học chẳng hạn. Đừng quên, PTT không chỉ thiền sư thi sĩ mà còn là một thầy thuốc.

PTT xuất thân trong một gia đình làm nghề đông y, từ nhỏ ông đã nghe quen mùi thuốc, ba chén sắc còn 6 phân, dao cầu, thuyền tán các thứ… để chữa thân bệnh. Lớn lên đi tu… lại học được Phật pháp, chữa cả tâm bệnh, vì thế vào đời, ngoài chuyện làm thơ, ông sáng tạo một phương pháp dùng nhân điện chữa bệnh như phim kiếm hiệp Kim Dung, đưa hơi xuống huyệt đan điền, truyền công lực qua các huyệt đạo trên thân thể, PTT đặt tên phương pháp mình là Phathata (viết tắt của Pháp-Thân- Tâm). Ta thấy “Pha” là PHÁP, “Tha” là THÂN và “Ta” là TÂM. Phải đặt tên bí hiểm một chút thì pháp mới linh nghiệm chớ!  Có lúc ông còn quả quyết Phathata của ông chữa trị được cả bệnh HIV-AIDS, Ung Thư các thứ…!

Về Phathata, ông bảo rằng ông “nghiệm ra phương pháp chữa bệnh điện công Phathata từ những cách tham thiền, vận nội công và yoga. Những tiền đề này ông đã tích lũy được từ những ngày còn trẻ (cha là thầy thuốc kiêm thầy võ) và thời gian tầm sư học đạo ở Thất Sơn (An Giang) khoảng 1964-1973 đã hình thành nên phương pháp ông đặt tên là Phathata này.

Như vậy, phải chăng “về tha” ở đây là “trở về với cái Thân xác”, về với cái Sắc trong ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Hành giả khi “hành thâm Bát Nhã, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không” thì vượt hết mọi khổ đau ách nạn. (PTT vốn là Thích Tuệ Không!).  “Thân tâm nhất như” là nguyên tắc của Phật học và của Y học ngày nay (holistic medicine), nên ông muốn đem Phathata chữa bệnh giúp đời nhưng hiệu quả ra sao lại là vấn đề khác!

Tóm lại, “về tha” có thể là về với cái Thân xác, về với con người trần tục; và “mười con nhạn trắng” là mười ngón tay hoa miệt mài…

Phật giáo khuyên ly dục, ly tướng. “Ly nhất thiết tướng tức kiến Như Lai”. Nhưng tu sĩ thì hiểu bản thể Như-lai là vô tướng, thường trụ, bất nhị. “Chư pháp tùng bổn lai/ thường tự tịch diệt tướng”. Thị chư pháp không tướng: Bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm (Tâm Kinh). Cho nên “Như Lai thường trụ” là đúng. Cái hay ở đây là “Như lai thường trụ… trên tà áo xuân” nhé.

Thi sĩ Quách Thoai, một hôm thấy-biết Như Lai ở những bông bụp ngoài hàng giậu và giật mình sụp lạy, cúi đầu:

Ðứng im ngoài hàng giậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu

Ta sụp lạy cúi đầu.

(QT)

Ở phần kết Động hoa vàng, PTT viết:

Vào hang núi nhập niết bàn
Tinh anh nở đoá hoa vàng cửa khe
Mai sau thí chủ nào nghe
Tìm lên xin hỏi một bè mây xanh


Hoa vàng ta để chờ anh

Hiện thân ta hát trên cành tâm mai

Trần gian chào cõi mộng này

Sông Ngân tìm một bến ngoài hoá duyên

 

Hy vọng bạn đã… hài lòng phần nào.

Thân mến,

 

Đỗ Hồng Ngọc

(11.6.2021)

………………………………………………………

Xin chia sẻ một vài Comments

 

Một người bạn:

Theo tôi, hồi đó ông PTT chưa nghĩ ra chuyện PHATHATA đâu.

Tôi thiên về cách hiểu “tha” là động từ.

Về tha cũng là tha về, thả về. Về đâu? Về động hoa vàng. Câu thơ tạo nên một không gian vừa đạo vừa đời, vừa huyền bí, ẩn mật, vừa cụ thể, trần tục. Mười con nhạn trắng hay trăm con nhạn trắng cũng vậy thôi, là những sứ giả đem niềm vui hạnh ngộ về động hoa vàng, cho gã từ quan tưởng xa đời mà vẫn không quên đời. Gã có thành thiền sư chuẩn bị nhập Niết Bàn thì cũng không buông bỏ nụ hoa vàng ngoài khe suối. Cũng như không bỏ được suối tơ huyền, đôi gò đào nở…

 Hai Trầu

Đọc phần dẫn chuyện của anh Đỗ Hồng Ngọc từ người đặt câu hỏi tới người giải đáp câu hỏi vừa mạch lạc vừa hồi hộp mà hấp dẫn với những bí hiểm trong từng phần của mỗi câu thơ càng lúc càng đi vào con đường…hổng cách gì hiểu nổi thi sĩ muốn gởi gắm điều gì qua những vần thơ và cách dùng chữ của ông…

Khánh Minh

Anh Ngọc ơi, em đã đọc bài viết về mười con nhạn trắng… thật là đầy đủ ý kiến của “võ lâm ngũ bá” rất thú vị và em cũng mở rộng tầm nhìn, mỗi người cảm nhận 4 câu thơ mở đầu Động Hoa Vàng theo cảm xúc riêng của mình làm thơ PTT thêm giàu ý nghĩa. Đó thực là thơ, anh đồng ý không?

Riêng km thì km không hiểu mười con nhạn trắng là mười ngón tay hoa… như nhà thơ Đỗ Trung Quân và anh đồng tình,  km nghĩ mười ở đây chỉ là một thi ngữ, nó không mang ý nghĩa một con số xác thực 1,2,3,4…, để làm đẹp lời thơ, thi hoá một số lượng nào đó.

Và “mười con nhạn trắng về tha” thì km đồng ý với cách giải thích của nhà thơ Trụ Vũ, tha là phương khác. Vì km nhớ lại  một kỷ niệm cách đây hơn bốn chục năm, lúc đó km thường cùng ba mẹ và cô Tuệ Mai ( cố nữ sĩ Tuệ Mai) họp ở nhà chú PTT đang sống cùng mẹ của ông, căn nhà mà ông gọi là Động hoa vàng, trước ngõ là một giàn hoa vàng anh mà tới thì như phải đi chậm lại vì cái đẹp của nó, ở đó một lần trên căn gác thơ, km đã nghe ông bảo: km nhìn ra cửa sổ xem, km thấy gì? Một cảnh tượng rất đẹp, cả đàn cò trắng trên cánh đầm cạn trong nắng chiều. Đẹp lắm, nhất là đối với một con bé thành thị ít dịp thấy cò. Ông nói, đó là thi hứng của ông “và km biết không cả khi chúng bay đi thì hình ảnh đó vẫn lung linh ở đó…”,  do ông nói vậy mà em cảm nhận hai câu thơ đầu, cò đuọc thi hoá bằng nhạn để liên tưởng đến mùa Xuân và cho dù đàn nhạn có bay đi thì màu trắng kia là “Như lai thường trụ” sắc Xuân.

Cũng nói ở đây ý của em, vì với thời gian quen thân và cũng nói đến thơ nhiều nên em hiểu với tính cách của ông, hai câu tiếp theo cũng chỉ là hình ảnh thơ  mộng ẩn dụ của mùa xuân chứ không mang hình ảnh hiện thực nào, vì như vậy, nó sẽ không đủ sức để mở đầu và chở cả nội dung Động Hoa Vàng. Đó là trực cảm của em không giải thích được, e rằng sẽ rơi vào phân biệt. Chỉ biết rằng nếu hỏi em

Mười con nhạn trắng về tha

Như lai thường trụ trên tà áo xuân 

có hay không, thì em sẽ gật đầu ngay. Hỏi vì sao hay thì em sẽ trả lời không biết. Thế là hay, phải không thưa anh?

ĐHN

Cảm ơn Km. Đúng vậy. Thế mới là thơ. Như họa. Mỗi người tùy cảm nhận riêng của mình mà “thấy” “nghĩ” khác nhau. Cái đó nó do những “tập khí” tích lũy từ trong Alaiya thức, chuyển qua Mạt-na thức với cái “ngã” của mình xen vào trong đó. Nhờ vậy mà cõi Ta-bà trở nên thú vị phải không?

Một nhà ngôn ngữ học:

Ý kiến của Thu Trân không thuyết phục: (1) Tha trong tiếng Hán có 22 chữ khác nhau (mà riêng 差 đã có 20 nghĩa), nói có 3 nghĩa, thì khó chấp nhận; (2) Cho dù muốn gán tha trong câu thơ Phạm Thiên Thư có nghĩa là “thư thả, ung dung tự tại”, tức là chữ 佗, thì không phải đã ổn: đây là chữ Hán, chỉ có trong tiếng Hán, chứ không phải Hán Việt, tức là loại chữ Hán có mặt trong kho từ vựng tiếng Việt. Quả vậy, trong tiếng Việt, không xuất hiện bất kỳ từ nào có tha với nghĩa là “thư thả, ung dung tự tại” cả.

Ý kiến của Đỗ Hồng Ngọc cũng thế: (1) Động hoa vàng xuất bản năm 1971, của một Phạm Thiên Thư thi sĩ, chứ không phải một Phạm Thi Thư thầy thuốc với môn dưỡng sinh điện công Phathata sau này; (2) Mà cho dẫu người đọc cố hiểu tha ở đây là là viết tắt của thân đi nữa, thì không khỏi đối mặt với câu hỏi: Có thật Phạm Thiên Thư khi viết Mười con nhạn trắng về tha / Như Lai thường trụ trên tà áo xuân / Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền / Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm là muốn nhìn người con gái trong con mắt của một thầy thuốc (dùng nhân điện) cứu người? Hay là của một thi nhân tu sĩ, tôn sùng vẻ đẹp cơ thể của người con gái, có làn tóc như “suối tơ huyền” sau bờ “vai nghiêng nghiêng”, và trên “miền tuyết thơm” là bộ ngực tròn đầy “đôi gò đào nở”, đến nỗi nghĩ rằng “trên tà áo xuân” bao giờ cũng hiện thân Đức Phật “Như Lai thường trụ”?

Mình nghĩ tha ở đây là “mang” (như trong thành ngữ Kiến tha lâu cũng đầy tổ), gốc Hán 佗 (lưu ý viết cùng tự dạng như chữ tha với nghĩa là “thư thả, ung dung tự tại”). Nhưng tha gì? “Tha Như Lai”. Tức phải hiểu đây là trường hợp thơ vắt dòng (enjambment). Mười con nhạn trắng “tha Như Lai” để ngài “thường trụ trên tà áo xuân”!

Hy vọng góp được một kiến giải mới, có ích.

ĐHN 

  1. Mười con nhạn trắng về tha. Bạn bảo “Tha Như Lai” để về “thường trụ trên tà áo xuân…” (tội nghiệp Như Lai hết sức!). Bài thơ Động hoa vàng PTT làm năm 1971, thời đó đã có nhiều thơ “vắt dòng” ở VN chưa nhỉ? Và không lẽ PTT chỉ “vắt dòng” mỗi một lần đó thôi sao?
  2. Mình nghĩ PTT đã chịu ảnh hưởng cách chữa “thân bệnh” từ nhỏ (với người cha là thầy thuốc bắc), rồi đi tu (1964-1973) thì chịu ảnh hưởng thêm cách chữa “tâm bệnh” từ Phật giáo, từ đó mà đề ra phương pháp chữa bệnh Phathata (kết hợp Pháp-Thân-Tâm), đã có thể hình thành rất sớm, trước khi viết Động hoa vàng (1971) chăng?

Dù sao, bài thơ rất hay, bay bỗng… (thử đọc thêm đoạn kết) của nhà thơ rất… “ỡm ờ, rất thiền mà rất sex” này như Thu Trân nhận định.

Một người bạn:

Đọc thơ mà chỉ vụ vào từng chữ thì khó cảm nhận ý nghĩa lắm. Ví dụ, cứ truy từ điển rằng “tha” là khác, là thư thả rồi đoán mò thì rất dễ suy diễn. Nhỡ như một lúc nào đó tìm được bản gốc thấy tác giả viết là “về qua” hay “về thu”, mà nhà in in nhầm, thì phá sản hết.

Hiểu là “tha Như Lai” thì cụ thể, lộ bài quá, mà hơi vô lễ nữa. Mà hình như ông PTT cũng chưa lần nào dùng thủ pháp enjambement (dù thủ pháp này đã phổ biến từ thời Thơ Mới 1932-1945 với Thế Lữ, Xuân Diệu…)

Vì đây là câu thơ đầu bài nên phải ráng cắt nghĩa, chứ các ông nhà thơ nhiều khi viết cũng tùy hứng lắm (Ví dụ, Nguyễn Đình Chiểu: Vợ Tiên là Trực chị dâu).

Mình vẫn giữ cách hiểu “ấn tượng”: bầy chim nhạn trắng “về tha” là đem về, mang về cái hình ảnh của Đạo. Và Như Lai thường trụ trên tất cả cảnh vật ấy, cả trong hình ảnh của mười con nhạn trắng.

Một người bạn:

Mình hiểu hơi khác. Tu sĩ Phật giáo thì một trong những giới cấm đầu tiên là sắc dục. Thế mà tu sĩ Phạm Thiên Thư nhìn cô gái trong con mắt đắm đuối (thị dục) như thế, thì “tha Như Lai thường trụ trên tà áo xuân” chính là điểm nhất quán của thơ, là cái hay của bài thơ. Nhưng trong ý kiến của hai bác có một điểm hợp lý, buộc mình phải kiểm tra lại: Phạm Thiên Thư có lần nào khác làm thơ vắt dòng không?

ĐHN

1.”Nhỡ như một lúc nào đó tìm được bản gốc thấy tác giả viết là “về qua” hay “về thu”, mà nhà in in nhầm, thì phá sản hết”.

Bạn viết câu này làm mình giật mình! Trong cõi văn chương đã xảy ra không ít trường hợp nhờ sai “bản vỗ” mà câu thơ bỗng hay hơn!

  1. Về thủ pháp “vắt dòng” thời Thơ Mới chỉ là một cách “lạ hóa” chớ chưa phải là một trường phái Tân hình thức như ngày nay.
  2. Cái “sex” (tính dục) trong mấy câu thơ này… không chỉ là “thị dục”.

 Nguyễn Lệ Uyên

Hình như triết lý nhân sinh luôn bàng bạc trong thơ PTT, nhuốm đầy màu sắc thiền tính, phả hơi thở sâu thăm thẳm vào thơ… và đã làm cho những câu thơ lung linh hơn, đẹp hơn.

Anh Ngọc này,

Theo tôi, thơ PTT không phải là thơ tình như DTL, NTN… ở đó, là những tâm cảm phóng ra từ những rung động khi chạm nhẹ vào những hốc khuyết, những tròn căng “Anh theo Ngọ về/ Chiều mưa nho nhỏ“…

Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền 

Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm

chứng tỏ PTT đứng trên hiện sinh thường ngày khi nhìn thấy, cảm thụ và thốt ra đôi gò đào nở, trên bình diện gần như một công án (thầy tu cõng thiếu phụ qua sông mùa lũ xiết).

Tóm, đời thường bên ngoài, từ thiếu nữ, bông hoa, cô gái lên chùa, những em… trong thơ PTT đều bay lên tầng cao thẳm từ cái Tâm đã được định, không lung lay, xao động.

Nhật Chiêu

Theo tôi, “THA” ở đây là “tha ngộ” (khác với “tự ngộ”). Mười con nhạn trắng là mười phương cõi Phật đã giúp thi sĩ “ngộ” ra Như Lai (Tathata) vẫn “thường trụ” trên tà áo xuân, trên suối tơ huyền, trên đôi gò đào nở…

T.T

Chỉ một từ “tha” mà anh “bóc trần” được thi sĩ, tu sĩ PTT rồi. Bài dạng nghiên cứu đọc hay, vui, lý thú.

…………………………………………………….

 

Chân thành cảm ơn các bạn.

Tôi nghĩ rằng, đây cũng là dịp để những bạn yêu thơ đọc lại Pham Thiên Thư!

Đỗ Hồng Ngọc

Mùa giãn cách Cô-vi

Saigon, 15.06.2021

 

Đỗ Hồng Ngọc và Phạm Thiên Thư, 2/2011 tại Cafe Hoa Vàng, Quận 10 Tp.HCM. (Ảnh Đặng Văn Hiệp)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định

Sách hay nên đọc của Nguyễn Tường Bách (*)

31/05/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Tái bản bộ sách đặc biệt của tác giả Nguyễn Tường Bách

(https://nguoidothi.net.vn/tai-ban-bo-sach-dac-biet-cua-tac-gia-nguyen-tuong-bach-28810.html)

Những tác phẩm hòa quyện tri thức, tuệ giác và giá trị văn chương của tác giả Nguyễn Tường Bách vừa được chọn tái bản với diện mạo mới đầy tao nhã và trau chuốt.

Là một giáo sư vật lý nổi tiếng tại Đức lại là một nhà nghiên cứu Phật học, Nguyễn Tường Bách dùng văn chương như một cây cầu nối giữa sự tinh thông Phật học và tri thức khoa học hiện đại. Và không chỉ đúc kết các chiêm nghiệm riêng, có khi ông còn là một hành giả, một khách lữ hành ghi chép thực địa, mở ra những cuộc đối thoại với tôn giáo, triết học trong một tinh thần khiêm cung và minh triết.

Các tác phẩm, dịch phẩm đầy uyên thâm, phóng khoáng và thức tỉnh của ông được độc giả tiếng Việt trên khắp thế giới không ngừng đón nhận trong hơn 20 năm qua.

Trong dịp này, Phanbook chọn tái bản ba tác phẩm tiêu biểu nhất của ông: Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt và Đêm qua sân trước một cành mai.

Đêm qua sân trước một cành mai bao gồm tám mẩu chuyện nhỏ, có không khí của những công án Thiền, tỏa nguồn năng lượng tinh tấn và bình an. Trong những mẩu chuyện, các danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Issac Newton, Albert Einstein… cho đến con người bình dị, những loài vật bình thường được đặt trong một thế giới tràn đầy tinh thần Pháp lạc.

Lưới trời ai dệt? in lần đầu năm 2004, là tập tiểu luận về những điểm giao thoa, nhất quán đầy bất ngờ giữa tri thức khoa học vật lý cơ bản, triết học hòa điệu trong thế giới quan Phật giáo. Bằng một lối viết tiểu luận văn chương sâu sắc và bay bổng, Nguyễn Tường Bách mang đến cho độc giả những hiểu biết về một vũ trụ nhất nguyên, vận động hài hòa.

Những khái niệm vật lý cơ bản không còn khô khan, những bản kinh cổ Phật giáo không còn xa xăm diệu vợi, mà được kéo gần với những trải nghiệm, sự thông đạt vi diệu. Con người không đơn độc khi nhận ra mình là một phần của bản hòa âm diễm tuyệt của tự nhiên.

Mùi hương trầm là hành trình khám phá những mảnh đất nguồn cội văn hóa tâm linh trên thế giới. Nguyễn Tường Bách trong vai một hành giả, khám phá chi tiết, chân thực văn hóa, lịch sử, cộng đồng Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa và trở về quê hương Việt Nam. Cuốn sách là một ánh văn du ký-hành hương tuyệt đẹp với sự kết hợp giữa không gian ngôn ngữ hiện đại và cổ kính, giữa sự tái hiện khung cảnh và những chiêm nghiệm nội tâm.

Ngoài ba tác phẩm tái bản lần này, vào năm 2018, Phanbook cũng đã ấn hành tập tùy bút Mộng đời bất tuyệt của Nguyễn Tường Bách.


Nguyễn Tường Bách sinh năm 1948 tại Thừa Thiên – Huế, du học Đức năm 1967 và hiện sinh sống tại Đức. Ông là nhà khoa học, nhà văn nổi tiếng với nhiều tựa sách. Các tác phẩm của Nguyễn Tường Bách do Phanbook phát hành gồm: Mùi hương trầm, Đêm qua sân trước một cành mai, Mộng đời bất tuyệt.

Ngoài ra ông còn là dịch giả của: Con đường mây trắng (Anagarika), Đối diện cuộc đời (Jiddu Krishnamurti), Sư tử tuyết bờm xanh (Surya Das), Thiền trong nghệ thuật bắn cung (Eugen Herrigel), Đạo của vật lý (Fritjof Capra)…


PV

(*) dohongngoc

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

15/03/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

TẠP GHI (Lõm bõm… kỳ 4a)

Mười hạnh Phổ Hiền

“Bốn lời nguyện rộng lớn” với vô biên, vô tận, vô lượng… gì gì đó chẳng qua cũng chỉ là nguyện, là ước, là mong… Nói khác đi, nó chỉ mới dừng lại ở “thái độ”, phải chuyển thành “hành vi” (hành động) mới có thể thành… chánh quả được (Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành)!

Con đường “thay đổi hành vi” từ Biết đến Muốn, rồi từ Muốn đến Làm không dễ chút nào (KAP = Knowledge/ Attitude/ Practice), rồi từ Làm đến… Duy trì… quả là gian khó. Mà Tu thì phải Hành, chớ không thì chỉ là cái “đãy sách”.

Nhưng, hành cách nào?

Phần lớn các chùa hiện nay thường thấy nơi chánh điện có tượng Phật Thích-ca đặt ở giữa, bên trái có Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, cưỡi sư tử, tay cầm kiếm; bên trái có Bồ-tát Phổ Hiền, cưỡi voi sáu ngà, tay cầm đóa hoa sen.

Ai nghĩ ra các hình tượng tượng trưng này thật là hay để nhắc học Phật là con đường của Từ-bi và Trí-tuệ. Văn-thù (Manjusri) là Bồ-tát của Trí-tuệ, tay cầm kiếm chặt đứt phiền não, tiếng rống sư tử làm tắt ngấm vô minh. Phổ Hiền (Samantabhadra) là Bồ-tát của Từ-bi, cưỡi voi sáu ngà, chở bao nặng nhọc của bước đường thực hành và hoằng pháp. Tại sao voi 6 ngà? Tượng trưng cho Lục Ba-la-mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ.  Thú vị là tượng Văn-thù luôn ở bên trái còn Phổ Hiền thì luôn ở bên phải Phật Thích-ca. Khoa học bây giờ cũng thấy não trái là não của Trí tuệ, não phải là não của Từ Bi. Hồi xa xưa đó không ngờ đã phát triển nền Khoa học não bộ (Neurosciences) đến vậy!

(Internet)

Phổ là rộng, phổ quát (Universal) còn Hiền là Đức hạnh (Great conduct, Virtue, Goodness). Bồ tát Phổ Hiền đã làm một bảng Hướng dẫn thưc hành (Guideline in Practising Buddhism) gọi là Mười Hạnh Phổ Hiền rất cụ thể. Học 10 hạnh này, mỗi ngày một chút thôi cũng đủ rồi vậy.

 

  1. Lễ kính Chư Phật.(To pay homage and respect to all Buddhas).

« Chư » Phật, chớ chẳng phải chỉ có một vị Phật duy nhất. Phật nhiều vô kể. Phật khắp mười phương. Khắp tam thiên đại thiên thế giới, cả 3 thời quá khứ hiện tại vị lai, thời nào cũng có Phật, ở đâu cũng có Phật. Bởi ở đâu cũng có kẻ giác ngộ, lúc nào cũng có kẻ giác ngộ. Nhưng Phật Thích-ca vẫn là vị Phật lịch sử, vị đạo sư, kẻ dẫn đường, « bổn sư » của ta… Phật Thích-ca chẳng từng nói Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành đó sao ? Phật Thích-ca cũng đã… không quên giới thiệu cho chúng ta các vị Phật khác ở khắp Đông Tây Nam Bắc để ta lễ kính.

Kinh Pháp Hoa có Bồ-tát Thường Bất Khinh là vị Bồ-tát rất dễ thương, ông luôn vái lạy mọi người và nói với họ rằng: « Xin kính lễ Ngài, vị Phật tương lai ». Mặc cho người ta đánh mắng xua đuổi, ông cũng cứ lễ kính trân trọng chân thành như vậy, cho đến một hôm người ta giật mình nhìn lại, ừ đúng, sao không nhỉ ? Nếu ta tu tập đúng con đường Phật dạy, ta cũng có thể trở thành Phật lắm chứ ? Bài học: Đừng coi khinh mình, đừng coi thường mình, miễn là …

  1. Xưng tán Như Lai (To praise the Thus Come One- Tathagata).

Rất thú vị ở đây là không có chuyện « lễ kính » Như Lai mà chỉ là « xưng tán » (ca ngợi) Như Lai mà thôi. Nói khác đi, Như Lai không việc gì phải lễ kính ! Phật thì « lễ kính » còn Như Lai chỉ « xưng tán ». Lý do ? Như Lai là Như Lai, không phải Phật. Như Lai « vô sở tùng lai diệc vô sở khứ » (chẳng từ đâu đến, chẳng đi về đâu !): Thus come one- Tathagata. Nó vậy là nó vậy. Nhiều khi ta lầm tưởng Phật với Như lai. Nhìn con chim đầy màu sắc kia xem. Nhìn thiên nga và bầy vịt kia xem. Nhìn mây trôi nước chảy kia xem. Như Lai đó. Con ong cái kiến là Như Lai. Đóa hoa muôn màu muôn sắc là Như Lai. Và Phật cũng là… Như Lai khi đã giác ngộ, đã « thấy biết » và từ đó sống trong Như Lai, sống cùng Như Lai, sống với Như Lai. Ta vẫn gọi Phật bằng nhiều danh xưng với lòng tôn kính: Như Lai, Bậc Ứng cúng, Thế gian giải, Thiên Nhân sư…

Kinh nói «vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai » chớ không nói « Vào nhà Phật, mặc áo Phật… », cũng nói « Như Lai thọ lượng » chớ không nói « Phật thọ lượng » (Pháp Hoa).

Nhớ lễ kính chư Phật mà xưng tán Như Lai vậy.

  1. Quảng tu cúng dường (To make abundant offerings. (e.g. give generously)

Quảng tu là rộng tu. Tu mà bó hẹp, bịt mắt chỉ thấy một góc, một phía thì uổng lắm. Phật dạy lúc trước, lúc sau hay lúc giữa cũng chỉ có một, nhưng tùy theo « căn cơ » của đối tượng mà ứng biến, gia giảm cho phù hợp, nên đôi khi dễ tưởng là khác, là « mâu thuẫn ». Có lần trong một buổi thuyết giảng của Phật cả mấy ngàn người đã bỏ đi. Trước khi nhập Niết bàn, Phật còn dặn dò xưa nay Ta chưa hề giảng dạy điều gì cả, chưa hề giảng dạy cho ai cả. Hình như Phật biết trước, thời đại Internet, đầy những fake news. Cái thấy biết của Phật thì như cánh rừng Simsapa kia mà điều nói ra chỉ là nhúm lá trong tay. Phần không nói ra, rồi sẽ tự biết. Phật gợi ý để rồi tự ta phát hiện, tự chứng, tự nội.

« Nhất thiết chủng trí » rồi thì đã có Bình đẳng tánh trí, Diệu quan sát trí. Cúng dường là bố thí. Quảng tu cúng dường là bố thí rộng lớn. Bố thí là hàng đầu trong Lục độ (Bố thí, Trì giới…). Bố thí có tài thí, pháp thí và vô úy thí. Bố thí thân mạng mỗi ngày nhiều  như cát sông Hằng… là tốt nhất (Thiền). Dược Vương Bồ-tát tự đốt cả thân mình, đốt cả hai cánh tay (đốt ở đây là dập tắt tham sân si, mạn, nghi, kiến… để có thân vô ngã, pháp vô ngã) được các vị Phật khen là « món thí hạng nhứt ! »

  1. Sám hối nghiệp chướng (To repent misdeeds and evil karmas).

Chướng là trở ngại, gây phiền phức, gây rắc rối, không trơn tru. Cái gì gây trở ngại, gây chướng vậy ? Nghiệp!

Nghiệp là gì? Phật dạy nghiệp là tài sản của ta. Ta là kẻ thừa tự của nghiệp. Nói khác đi, ta “lãnh đủ” nếu ta tạo nghiệp. Dĩ nhiên đó là ác nghiệp. Thiện nghiệp thì sao? Thì ta không bị chướng, gì cũng thành tựu, tốt đẹp. Nhìn hôm nay biết nghiệp ngày xưa. Nhân hôm nay biết quả ngày sau. Nói khác đi, nó là kết quả, là nguyên nhân của đời sống ta, là hạnh phúc, là khổ đau của kiếp sống ta. Cải nghiệp được không? Được.  Nghiệp do thân khẩu ý mà sinh. Hành vi chỉ là thân và khẩu. Có Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, nguồn gốc của sanh sự. Nhưng Ý nghiệp mới thật là ghê gớm. Ý dẫn đầu các pháp. Nhưng Ý thường làm bộ vô can. “Tác ý” là yếu tố chính xác định nghiệp. Người ta có thể tha thứ cho một sự vô tình, nhưng cố ý thì rắc rối to. “Như lý tác ý”, nghĩa là theo “lý” mà làm. Lý đây là cái thấy biết như thực, cái chánh kiến, chánh tư duy, từ đó mà có chánh ngữ, chánh nghiệp. Còn sám hối là hối lỗi, thấy biết chỗ sai quấy mà “từ nay xin chừa”. Ta là chủ nhân của nghiệp. Sám hối cái sai quấy thì không đi vào ác nghiệp và từ đó, nghiệp hết… chướng!

  1. Tùy hỷ công đức (To rejoice in others’ merits and virtues).

Là công đức do tùy hỷ mà có. Tùy hỷ là cái vui theo người. Người có chuyện vui thì mình vui theo. Dĩ nhiên chuyện vui đó phải là chuyện thiện. Nếu là chuyện xấu ác mà vui theo thì nguy. Tùy hỷ thực chất là để chữa trị bệnh đố kỵ, ghen ghét, là một trong những “bản năng” gốc của con người. Đố kỵ ghen ghét cũng vì tham, vì thấy thua sút người ta. Khi không còn tham sân si, khi vô ngã rồi thì không còn ganh ghét đố kỵ nữa. Tùy hỷ mà giả đò, tùy hỷ mà không thực lòng, tùy hỷ mà hùa theo thì không phải là tùy hỷ. Sẽ chẳng có “công đức” gì ở đây! Thứ tùy hỷ giả, nói theo, làm vui lòng người, khen bừa cho người vui thì chưa gọi là tùy hỷ. Nịnh càng không phải là tùy hỷ. Cho nên phải coi chừng tùy hỷ. Coi chừng lời tùy hỷ, kẻ tùy hỷ. Ái ngữ không phải là tùy hỷ. Chánh ngữ mới đúng. Có chánh kiến chánh tư duy thì mới có chánh ngữ. Quả là không dễ.

Đỗ Hồng Ngọc

(còn tiếp)

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Phật học & Đời sống

TẠP GHI (Lõm Bõm)

21/02/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Tạp Ghi

(Lõm bõm)

Tới tuổi 80 tôi mới thấy mình già thiệt. Trước đó chỉ là già giả. Giả bộ già.

Dấu hiệu đầu tiên (triệu chứng) của già thiệt là Quên. Quên khủng khiếp. Quên kỳ cục.

Dấu hiệu đầu tiên của Già thiệt là Nhớ. Nhớ khủng khiếp. Nhớ kỳ cục.

Cho nên, tôi nghĩ phải ghi chép lõm bõm, lai rai một chút những bấy nay ngẫm nghĩ, học hành về Phật pháp cho chính mình, và nếu có thể thì chia sẻ cùng bè bạn thân thiết.

Vậy nha,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

Chúng sanh

Một vị Bồ Tát có lời nguyện: “Ngày nào còn một chúng sanh tôi nguyện không thành Phật?”

Vậy chẳng lẽ ông chế bom khinh khí, bom nguyên tử, bom vi trùng… tiêu diệt hết mọi loài để chỉ còn một mình mình trên thế gian này ư?

Vấn đề do đó phải hiểu “chúng sanh” là gì? “Chúng” là nhiều, “sanh” là sanh ra.

Cái gì do nhiều yếu tố (chúng) duyên hợp với nhau mà thành (sanh) thì gọi là… “chúng sanh”. Bản thân ta do ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) thì đó là một… chúng sanh.

Nhưng những ý tưởng trong đầu não ta cũng là những chúng sanh. Một niệm khởi lên là một chúng sanh. Ta bị cuốn hút vào đó, “phan duyên” mải miết không dừng được, không thoát được. Cho nên “diệt độ chúng sanh” là khi không còn khởi niệm. “Vô niệm”.

Ta mất ngủ, ta lo lắng, ta âu sầu, dằn vặt… khổ đau vì trăm mối tơ vò, là bởi “chúng” “sanh” ra nhiều quá đó!

Phải chăng thực hiện được lời nguyện dễ thương này của vị Bồ Tát thì sẽ được ngủ yên, bớt lo lắng, trầm cảm… vì không còn “chúng sanh” nào cựa quậy trong tâm ta nữa. Chẳng cũng khoái ru?

 

Bố thí thân mạng

“Bố thí thân mạng mỗi ngày nhiều như cát sông Hằng” được không?

Được. Nhưng thân mạng đâu mà nhiều thế?

Bố thí là xả, buông. Mỗi hơi thở vào ra của ta là một kiếp sống. Một “thân mạng”.

Mà ta có cả 3 “thân”: Báo thân, Ứng thân và Pháp thân.

Báo thân là cái thân xác của ta, hình thành từ muôn ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào vốn là một sinh vật, cũng ăn cũng thở, cũng tạo năng lượng để sinh tồn, hoạt động, cũng tự hủy diệt và thay mới. Ta không muốn thay cũng không được. Nó quá date, nó hết xài, nó tự thay.

Ứng thân thì tùy cơ ứng biến, như Tôn Hành Giả nhổ sợi lông thổi phù một cái ra trăm ngàn Tôn Hành Giả múa may quay cuồng.

Pháp thân thì… thực chất là năng lượng, không chỉ là sóng là hạt…, mà phải vượt qua bờ bên kia (gate, gate, paragate…) để thấy “bổn lai vô nhất vật”…

Chừng ấy “thân mạng” không nhiều như cát sông Hằng ư?

Chỉ trong chánh định (samadhi) mới thấy cái sự bố thí, buông xả mênh mông đó.

 

Diệt tận định

“Diệt thọ tưởng định” còn gọi là “Diệt tận định” (cửu thiền, thiền thứ 9) là một thứ định có thể “diệt tận” cái thọ và cái tưởng. Sao phải vậy? Vì cái thọ, cái tưởng làm ta khổ. Muốn “diệt khổ”  thì phải diệt cho hết cái thọ cái tưởng đó.

Thọ và tưởng là hai yếu tố của ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại thành thân và tâm ta.

Không còn thọ tưởng thì cũng không còn hành thức.

Chỉ còn sắc, Vairocana (Đại Nhật Như Lai).

Trong “Tứ niệm xứ”: Thân thọ tâm pháp thì Thân sinh thọ mà Tâm sinh pháp (tưởng).

Diệt thọ tưởng định là thiền thứ chín (cửu thiền), vượt qua tám thứ thiền sắc và  vô sắc giới.

Từ tứ thiền “xả niệm thanh tịnh” thì có thể đi thẳng vào Diệt tận định. Vì “phi tưởng phi phi tưởng” vẫn còn có tưởng. Diệt thọ tưởng định coi như “đã hết”, chỉ còn hơi thở như sợi chỉ mong manh hoặc gần như ngưng hẳn. Cơ thể quen dần sống trong tình trạng yếm khí (thiếu oxygen), trở thành một “bào tử”.

 

Phật pháp

Pháp không phải do Phật làm ra, dù gọi là Phật pháp, hay như thường nói “Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp” (Tất cả các pháp đều là pháp Phật).

Pháp có sẵn đó. Không có Phật thì cũng có pháp. Nó vậy đó. Nhưng ta mờ mịt không nhận ra.  Phật nhờ có cái “thấy biết” (tri kiến Phật) nên được giải thoát, không còn khổ đau và Phật chỉ dạy lại ta con đường (Đạo) giải thoát đó!

Là sao? Là Phật thấy mọi sự vật hiện tượng không phải như cái trình hiện của nó vậy. Cái trình hiện kia chỉ là “giả tạm”. Giả và tạm. Nó không thiệt. Bởi nó do nhiều thứ hợp lại mà thành. Nó có đó mà không phải có đó. Nói khác đi, nó chỉ là cái “tướng” giả (giả tướng)- chớ không phải thực tướng. Thực tướng thì… “vô tướng”.

Vì biết là giả nên nó ra sao kệ nó. Việc gì ta phải buồn lo, sợ hãi. Chẳng những giả, nó còn là “tạm”, nó thay đổi không ngừng. Sanh trụ dị diệt. Không có lúc nào đứng yên. Hãy đợi đấy. Nó sẽ diễn biến, sẽ tiêu vong, như đã lập trình sẵn. Thấy như vậy, Biết như vậy mới gọi là cái thấy biết “như thật” thấy biết chân chánh. Mọi thứ do duyên khởi, duyên sinh.

Chẳng phải lỗi ta, chẳng phải vì ta, cớ sao còn vật vã khổ đau?

Đỗ Hồng Ngọc

21.2.2021

(còn tiếp)

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim, Phật học & Đời sống

Nguyễn Xuân Thiệp: VỴ ƠI…

19/02/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thursday, February 18, 2021

VỴ ƠI…

nguyễnxuânthiệp
vỵ ơi
đã nhận được quán văn tôi gởi
tới đâu rồi
hãy là cánh bướm
bay trên đóa tường vy
tôi tặng bạn đó
bông tường vy mà tôi yêu quý
thôi gặp đức bồ đề đạt ma nhé
và nhìn chiếc hài cỏ
treo trên vầng trăng
tôi khóc bạn
như ngày nào tôi khóc đinh cường
NXT
Ngày bạn bè thăm Vỵ ở nursing home

Nguyễn Xuân Thiệp: Phovanblog.blogspot

……………………………………………………………………………….

 

Tiễn Bạn Hiền Nguyễn Lương Vỵ

Nguyễn Thị Khánh Minh

 

Nhạc trầm âm thấm buốt xương da
Không một ai thấy ta vừa chết…*

Anh nói
Tui một đời chỉ học tu thơ
Tim ban sơ nuôi hoài ánh lửa
Soi đêm đài. Điểm mặt ngu ngơ

Một bóng anh đi. Dặm trường con chữ
Từ hòn đất nâu. Bụi ớt quê nhà
Cánh chuồn mỏng kêu mưa. Trời cố xứ

Nơi khấp khểnh chân ra vào của mẹ
Chiều bên thềm. Xiên nắng quái trên vai
Hỏi, thằng Vỵ sao lâu rồi không thấy…

Anh hẹn
Nhất định tui phải về bên mẹ
Áo sờn vai hai bóng một vuông chiều
Như chưa từng, thưa mẹ! Biết bao nhiêu

Biết bao nhiêu! Trả lại đời hư ảo
Chiều mênh mông nghe sương khói mênh mông
Anh bay bổng. Con lần theo nếp áo…

Biết bao nhiêu! Hạt sương rung đầu cỏ
Một chấm ngàn thu. Người đi kẻ ở
Vô tận xa. Ơi vô tận hẹn về

Buổi tàn đông trời cuồng gió nổi
Lạnh nhân gian tung bao nhịp nối
Thôi xưa sau. Quên nhớ. Bước qua cầu

Thẫn thờ đêm sâu. Cong dấu hỏi
Ngẩn ngơ hạt lệ. Dấu than gầy!
Ly biệt ly tan đùa nhau vậy

Ngàn sương dấu hỏi dấu than bay…

Nguyễn thị khánh minh
Santa Ana, 18.2.2021

* Những chữ xiên là thơ Nguyễn Lương Vỵ

…………………………………………………………………………

 

GƯƠM BÁU

Nguyễn Lương Vỵ

 

Đỗ Hồng Ngọc & Nguyễn Lương Vỵ


Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ coi ngầu vậy mà rất dễ thương, nhỏ hơn mình cả một con… giáp. Hẹn gặp để tặng mình tập thơ dày cộp 700 trang mới in của anh: Tuyển tập THƠ bốn mươi lăm năm (1969-2014). Thơ anh nhiều nét mới, đượm thiền. Tập thơ có nhiều nhận định của những người quen: Bùi Giáng, Cung Tích Biền, Du Tử Lê, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Thị Khánh Minh, Trịnh Y Thư, Võ Chân Cửu, Hồ Ngạc Ngữ…
Mình lại đưa Vỵ đến cái quán quen, từng ngồi cafe với Tùng Duyên, Nguyệt Mai dạo nào.

 

(https://www.dohongngoc.com/web/lom-bom-hoc-phat/guom-bau-trao-tay-viet-ve-kim-cang/tho-nguyen-luong-vy-guom-bau/)

GƯƠM BÁU

Nguyễn Lương Vỵ

Tặng Bs Đỗ Hồng Ngọc
Nhân đọc “Gươm Báu Trao Tay”

A! Gươm báu Kim Cang
Bát Nhã Ba La Mật
Tâm kinh hiện tánh Phật
Thấu Ngũ Uẩn Giai Không
Sương trong vắt mênh mông
Tuyết đỏ ngời diệu nghĩa
Hạt bụi trùm thiên địa
Giây phút hóa thiên thu

A! Ưng Vô Sở Trụ… (*)
Vạn pháp nụ sen cười
Phương Ý vẹn mười mươi
Tròn vành trăng thinh lặng
Chớp âm trên đỉnh nắng
Rền vang trong tịch liêu
Chiếc lá rụng trong chiều
Núi ngồi nghe đá hát

A! Quay về chơn tâm
Chuông đưa xanh linh ngữ
Bái vọng mây thiền tự
Tri ân tuệ nhãn kinh
Vượt lên bóng với hình
Như nhiên liền sáng tỏ
Đất trời trong lá cỏ
Đáy hồ reo thiên cao…

NLV
05.2015
(*)Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (Ở cái nơi chẳng trụ vào đâu cả mà sanh tâm).
Trích từ kinh Kim Cang.

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Phật học & Đời sống

Đôi Khi Mở Lại Chồng Thơ Cũ

12/02/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Đôi Khi Mở Lại Chồng Thơ Cũ

Trần Vấn Lệ

 

Đôi khi mở lại chồng thơ cũ, thấy cái hồn nhiên mình một thời, thấy cái dễ thuơng đời một lúc, thấy ai đứng nép góc hiên cười…

Đôi khi mở lại chồng thơ cũ, thấy tháng Giêng rồi thấy tháng Hai, thấy lại Xuân xanh và Hạ đỏ, thấy ngày Nguyên Đán một nhành Mai!

Tự nhiên mà viết tên người ấy và tự dưng chiều gió bấc qua…Chưa phải mùa Thu lòng đã rét hay thương Chức Nũ bến Ngân Hà?

Hình như tôi chẳng là tôi nữa mà bụi bám vào áo lụa em?  Em ở Trạm Hành hay Trại Mát có nghe xe lửa hú còi lên?

Có nghe Cầu Đất trà thơm ngát, có thấy Ba ngồi hút thuốc không?  Hỡi em, anh nhớ mưa Đà Lạt, ngày Tết thế nào? Em rưng rưng?

Em giống Má anh ngồi tựa cửa mười năm thằng Lệ vẫn chưa về.  Mười năm nhang khói, mười năm biệt…Những nấm mồ hiu hắt nắng hoe…

Đôi lúc đọc thơ mình rất cũ…Cũ từ hôm vừa ghé Thái Lan…Cũ từ hôm đi trong Phố Nhật…tự hỏi mình sao Không-Quê-Hương?

Nghe lạnh bàn tay cũng lạnh lòng…Bây giờ Đà Lạt cuối mùa Đông.  Nhớ hoa Cẩm Tú thềm ga quá…Nhớ quá ai người cổ quấn khăn…

Em đã là thơ!  Em rất Thơ…Em như bà Chúa anh tôn thờ…kìa xe thổ mộ chờ em đến…Anh thấy anh bồng em trong mơ!

Những bài thơ cũ bay cùng gió xanh cỏ mây đồng Đức Trọng xanh…xanh mướt tóc xanh cô giáo cũ…Ôi chiều Tùng Nghĩa nắng long lanh!

 

Trần Vấn Lệ

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?

“Album THU VÀNG hát Thơ Đỗ Hồng Ngọc”

26/01/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Giới thiệu “Album Thu Vàng hát Thơ Đỗ Hồng Ngọc”

Ghi chú:

Có nhiều bài thơ của Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) từng được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ Miên Đức Thắng (Lời Ru, 1967); Phạm Trọng Cầu (Thư cho bé sơ sinh, 1973); Trương Thìn (Mai sau dù có bao giờ, 1978); Hoàng Hiệp (Viết tên lên cát, 1978); Khúc Dương Đặng Ngọc Phú Hòa (Nước- Kể chuyện trăng tàn,1998); Vĩnh Điện (Mới hôm qua thôi, 2014); Hoàng Quốc Bảo (Mũi Né,  Có Không); Võ Tá Hân (Bông Hồng Cho Mẹ, Thư cho bé sơ sinh, Mới hôm qua thôi, Đồng hương); Thuần Nhiên Nguyễn Đức Vinh (Sông Ơi Cứ Chảy); Nguyễn Thanh Cảnh (Phan Thiết-Trên sông khói sóng); v.v…

Riêng giọng ca Thu Vàng đã thể hiện 4 nhạc bản phổ thơ Đỗ Hồng Ngọc dưới đây, xin trân trọng giới thiệu cùng bè bạn thân quen… (nhân dịp Sinh nhật Thu Vàng –  tranthinguyetmai.wordpress.com).

Mũi Né, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo;

Bông hồng cho Mẹ, nhạc sĩ Võ Tá Hân;

Sông ơi cứ chảy, nhạc sĩ Thuần Nhiên Nguyễn Đức Vinh;

Có Không, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo.

Album “Thu Vàng hát thơ Đỗ Hồng Ngọc” được thực hiện bởi Nguyễn Văn Quyền, 1.2021

Do Hong Ngoc.

 

Tu viện Khánh An (ảnh ĐHN 1.2021)

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn xa xôi (1.2021)

25/01/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi 

Những ngày gần Tết

Bạn biết đó, gần Tết thì mình cũng thường lu bu. Thứ tư 20.1.2021 thay vì Nhóm Học Phật của bọn mình có buổi học kinh Lăng Già như thường lệ thì mình đề nghị đi thăm Tu viện Khánh An của Thầy Trí Chơn ở quận 12. Các bạn “OK” ngay.

Xin gởi vài hình ảnh như thường lệ thôi nhe.

Tu viện Khánh An, Quận 12. (ảnh Internet)

 

Đây là ngôi chùa mình đã có dịp đến trò chuyện với quý vị Phật tử vài lần. Một lần về Thiền và Thở dưới góc độ khoa học, một lần về Ăn và Chay trong “Một ngày sống tỉnh thức” được tổ chức hàng tháng tại Tu viện. Các đề tài này đã được quay video clip đưa lên youtube để chia sẻ rộng rãi đến bà con.

 

Thầy Trí Chơn tiếp mọi người ở nhà Thanh Lương, và mọi người đã có một buổi trà đàm thân mật nhân có thầy Mãn Pháp từ Hà Nội vào.

 

Ngoài Nhóm Học Phật còn có các bạn trẻ của Lớp Phật học & Đời sống cùng nhóm của Phật tử Lệ Mai (đệ tử thầy Trí Chơn) tham dự.

 

Mình đưa các bạn đi thăm Ao sen rất đẹp của Tu viện. Đã có lần Thầy Trí Chơn đích thân chèo thuyền cho mình đi dạo trên hồ sen…

 

…Và một cung đường thiền hành quanh hồ ngập hoa vàng… mùa Tết.

 

Một tấm hình kỷ niệm chuyến về Khánh An  (20.1.2021).

 

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

(25.1.2021)

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Gì đẹp bằng sen?

PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

25/01/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 4 Comments

 

Lớp Phật Học và Đời Sống chùa Xá Lợi, 

Buổi học cuối năm, ngày 16.1.2021.

Buổi học cuối năm dành để trao đổi, rút kinh nghiệm những được, chưa được trong năm học vừa qua. Đây đã là năm thứ 3 của lớp Phật học và Đời sống tại chùa Phật học Xá Lợi này.

Năm thứ nhất đã có được 51 video clips, do Nguyễn Văn Quyền thực hiện và đã đưa lên youtube, được bạn bè khắp nơi theo dõi. Cuối năm đầu đã có một buổi “tổng kết” rất thú vị ở An Lạc Trang, Củ Chi. Năm thứ hai cũng có một buổi họp mặt thân mật ở Hồ Kỳ Hòa quận 10. Năm nay, do dịch Covid đã phải nghỉ vài tháng nhưng sau đó, lớp vẫn duy trì đều đặn nhờ anh Tô Văn Thiện “chủ xị”, anh Minh Ngọc thì bận với các lớp Hán văn Phật học, vì thế cũng thường vắng, tôi thì “già cả ốm yếu” vài ba tuần mới đến lớp một buổi. Lớp học do đó cũng “lõng lẽo” dần, nhưng các anh chị em vẫn tham dự tương đối đều đặn. Năm nay, phần “Phật học”, chủ yếu dựa vào cuốn Phật học phổ thông của thầy Thích Thiện Hoa (rất căn bản, nhưng đã viết từ 60 năm trước!) với một ít kinh sách khác (Tâm kinh, Pháp hoa…), nhưng  phần “Đời sống” quả là không dễ! Có những trao đổi khá “căng thẳng”, nhưng đó là phương cách của lớp đã đề ra từ đầu, với thảo luận, tranh luận, phản biện… để thấy phải “tùy duyên” “thuận pháp” thế nào cho đúng…

Mong rằng sắp tới, Năm Mới (vào năm thứ tư) các buổi học tập, chia sẻ sẽ mang nhiều hiệu quả thiết thực hơn.

Đỗ Hồng Ngọc.

 

Lớp Phật học và Đời sống, Buổi học cuối năm (ngày 16.1.2021)

 

 

từ trái: anh Tô Văn Thiện, anh Sơn, Thanh (Đào), Ngô, Thanh, Trí… hàng sau: Quyên, sau đó thêm Trung, Thủy, Trúc

 

 

từ trái: chị Ngọc, Loan, Hà, anh Vinh, Quyền, Thân, Linh…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

………………………………………………………………………………………………………

 

Minh Trí, lớp PHĐS gởi một câu hỏi:

Tu là gì?

Trả lời: Tu là “sửa”. Sửa cái gì? Cái gì hư thì sửa. Sửa mình gọi là “tu thân” nhớ không? Tu thân, tề gia, trị quốc… người xưa nói vậy. Xe mà hỏng quá thì ta “đại tu”… hoặc quăng đi, mua xe mới!

Tu theo Phật là “chuyển đổi”. Khổ đau thành an lạc. Phiền não thành Bồ đề. Dĩ nhiên muốn vậy cũng phải quăng bỏ mấy thứ lăng nhăng nó quấy ta. Cho nên trong “lục độ” (sáu cách tu tập) thì Bố thí dẫn đầu. Bố thí là quăng đi, bỏ đi. Thôi kệ đi!

Nguyên nhân của hư là do Tham Sân và Si. Tham là muốn. Muốn đủ thứ. “… lòng muốn còn nhiều đập gương xưa tìm bóng” (Đoàn Chuẩn). Muốn không được thì nổi điên lên, đó là sân, sân hận, tức tối, đỏ mặt tía tai, bầm gan tím ruột, nuôi hận trong lòng “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, “thù trả chưa xong đầu đã bạc”… Tất cả chỉ vì cái gốc là vô minh, là Si, là ngu muội, không thấy biết cái sự thật sờ sờ ra đó.

Cái sự thật sờ sờ ra đó là cái “vô thường”. Trăng rồi khuyết, hoa rồi tàn. Bóng câu qua cửa sổ. Đời người chỉ là một hơi thở, một nhúm bụi tro…

Nhưng Tu với ai? Tu ở đâu? Tu cách nào…?

Có gì đâu. Bệnh thì có thuôc chữa. Có thầy giỏi thì tốt. Nhưng “bác sĩ tốt nhất là chính mình”. Cho nên Phật dạy “hãy quay về nương tựa chính mình”. Kêu “quay về” là vì lâu nay ta có khuynh hướng “quay ra” tìm kiếm bên ngoài đâu đâu. Nhớ rằng Bác sĩ cũng không thể thở giùm ta, ho giùm ta, đau bụng giùm ta được.

Để chữa Tham thì dùng “Giới” (ngũ giới). Chữa Sân thì dùng “Định”, chữa Si thì dùng Huệ (Trí huệ, trí tuệ). Ba thứ thuốc đó có khi trộn lẫn nhau, có khi dùng riêng tùy triệu chứng biểu hiện của mỗi “bệnh nhân”.

Cho nên có khi phải nhờ đến thầy. Thầy giỏi mới được, chớ gặp “lang băm” thì tiêu.

Tu ở đâu? Ở đâu cũng được. Có người tu ở chùa. Có người tu ở nhà. Có người tu ngoài chợ. “Thứ nhứt là tu tại gia. Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Ý nói tu tại gia là khó nhứt vì bao thứ chằng chịt quấn quít chung quanh.

Phật dạy “Văn, Tư, Tu”. Phải học, phải nghe, phải gần gũi Thiện tri thức. Rồi phải ngẫm ngợi, suy tư, tìm hiểu cho thấu đáo, chớ vội tin, chớ vội nghe, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Sau cùng là phải Tu, nghĩa là thực hành. Tu luôn đi với Hành (tu hành) là vậy! Nhớ câu này không? “Tu mà không học là Tu mù. Học mà không tu là cái đãy sách”.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim, Phật học & Đời sống

Nguyên Giác (PTH): Thêm một ngày, học vô cùng

06/01/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Thêm một ngày, học vô cùng
Nguyên Giác
.
Thêm một ngày bạc râu tóc
nhẩm từng chữ gió vô thường
trang sách cũ mỏi gân cốt
nghe thiên cổ lạnh buốt xương.
.
Học vô cùng tâm như nắng
soi khắp cõi chiều rất vàng
đêm Niết bàn vui tịch lặng
ngày Bồ Tát hạnh cưu mang.
.
Thêm một ngày đi rất mỏi
từng bước tâm từng bước thiền
ngồi bên sông, xem mây nổi
thấy không ta, thấy không thuyền.
.
Học vô cùng hạnh như đá
không tham ái, không giận hờn
xây vô lượng cầu huyễn hóa
đưa khắp cõi người qua sông.
.
Thêm một ngày tai mắt yếu
tâm bất hoại sáng như gương
lời Thầy dạy năm xưa hiểu
không một pháp, tâm bình thường.
.
Học vô cùng hạnh như núi
tâm bất động, bão ngàn khơi
tận đỉnh cao khơi dòng suối
chở từ bi tắm muôn người.
.
Thêm một ngày thân cùng tử
muôn kiếp rồi lạc muôn nhà
ngay tâm này Kinh vô tự
Niết bàn tâm chưa từng xa.
.
Học vô cùng hạnh như gió
không từ đâu, không về đâu
nghe sinh diệt từng hơi thở
không hoan hỷ, không ưu sầu.
.
Thêm một ngày nhìn gió nghiệp
nhẫn nhẫn nhẫn tắm vô thường
bạn ghé hỏi chuyện muôn kiếp
có nụ cười, tớ vô ngôn.
.
Học vô cùng tâm chư Phật
trăng đầu núi, hạnh viễn ly
chứng vô ngã, như thị pháp
không một tâm, thế mới kỳ.
.
Nguyên Giác — 1/1/2021

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim

Thơ Trần Thị Nguyệt Mai trên TUỔI HOA xưa

01/12/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

 

thơ Tuổi Học Trò trên Tạp chí Tuổi Hoa 

của Trần Thị Nguyệt Mai

 

Ghi chú: Nhắc dến Trần Thị Nguyệt Mai, người ta nhớ ngay đến Trang Văn học Nghệ thuật tranthinguyetmai.wordpress.com với tiêu đề “Xin những tình thân ái/ Còn hoài như hôm nay…” khá phổ biến trong giới cầm bút. “Trang chủ” hiền lành, dễ thương, luôn sẵn lòng làm “Cô cò” (correctrice) giúp sửa morasse bản thảo cho bạn bè, nổi tiếng nghiêm túc, chính xác, ai cũng quý mến.

Lần này, nhờ có anh Hai Trầu Lương Thư Trung vừa làm một cuộc “Trò chuyện với Trần Thị Nguyệt Mai, tác giả các bài thơ trên Bán Nguyệt San Tuổi Hoa Saigon những năm 1970-1975”  mới biết Nguyệt Mai còn là một “cây thơ” ở tuổi học trò xa xưa đó. Xin phép giới thiệu nơi đây vài bài thơ tiêu biểu của TTNM. Chân thành cảm tạ anh Lương Thư Trung và anh Vũ Thất.

Trân trọng,

Đỗ Hồng Ngọc.

(1.12.2020)

 

(nguồn: tuoihoand.blogspot.com)

 

KHI MÙA XUÂN ĐẾN

BÊN TRỜI THÁNG GIÊNG

Những cành lộc mới đùa trong gió
Bé đứng bên trời Xuân, tháng giêng
Nghe lòng một chút hương hoa cỏ
Xanh ngát hồn thơ trổ ý hiền.

LẬP XUÂN

Có con chim én về mừng tuổi
Nắng lụa trải đường cho bé đi
Anh thấy trong mây trời buổi sáng
Mắt bé màu xanh ngát lưu ly…

SUỐI NGỌT

Tặng me một đóa cúc vàng
Khi mùa Xuân đến dịu dàng trong con
Tình thương mãi đậm tim non
Me là bóng mát, suối nguồn bao dung.

Trần Thị Nguyệt Mai

(Tạp chí Tuổi Hoa số 231, Tết Ất Mão, 1975)

 

SẦU MƯA THÁNG HẠ

Rồi mùa hạ trở về cùng bóng phượng
Cùng tiếng ve, cùng mưa ướt đầu mùa
Bé nghe lòng bỗng dưng mà xao xuyến
Dội trong hồn vang vọng mấy âm thưa!

Mưa tháng hạ sao hồn mềm quá đỗi
Bé có hay đã tàn hết cuộc vui
Rồi mỗi người một đời sau trôi nổi
Còn lại chăng chút kỷ niệm ngậm ngùi?

Mùa hạ, lỡ tay chào cách biệt
Thì bé ơi mòn mỏi đến bao giờ
Mùa hạ, lỡ gọi người tha thiết
Những cung buồn rụng xuống cõi hồn thơ…

TRẦN THỊ NGUYỆT MAI

(Tạp chí Tuổi Hoa số 224, 1974)

 

CŨNG LÀ MÙA THU

Khi lá ngoài đường rụng đầy ngõ phố
và bầu trời như thấp xuống – nhiều mây –
mùa thu nào me âu yếm nắm tay
dẫn con gái nón nghiêng che đi học

gió heo may len lén hôn lên tóc
em thẹn thùng nép dưới vạt áo dài
cô bé mang chiếc cặp nhỏ trên vai
và chợt nghĩ mình bây giờ đã lớn!

con đường đi vương đầy sương buổi sớm
những bé như em chúng cũng đến trường
cơ hồ như một niềm vui ngát hương
đang ngự ở trong tim em bé bỏng

ồ trường kia nơi em đang mong ngóng
tí nữa đây me sẽ dẫn em vào
chọn cho con ngồi ngay ở bàn đầu
“me muốn con đầu lớp luôn đó nhé!”

rồi trống trường điểm lên ba tiếng nhẹ
cô giáo bước vào với áo hồng tươi
trên môi cô trang điểm những nụ cười
cô bé thấy thương cô làm sao lạ …

oOo

Và bây giờ khi mùa thu rụng lá
vẫn đến trường lòng vương chút bâng khuâng
cố ngăn đi giòng nước mắt bao lần
em vào lớp, ngôi vị chừ thay đổi

vẫn bảng đen, vẫn phấn còn hương mới
nhưng bàn thầy – chỗ ngồi của em đây
mi mắt sao bỗng dưng lại cay cay
khi nhìn xuống bàn học trò xưa đó

những em bé trước mặt là tập vở
còn thơm mùi giấy trắng thuở ban đầu
nắn nót từng hàng và viết từng câu
bài học mới cô giáo vừa giảng dạy

những gương mặt ban đầu còn ái ngại
len lén nhìn xem cô giáo dữ hiền
(hành động xưa được lặp lại y nguyên)
em bỗng nhớ ngày vàng son thơ ấu …

Trần Thị Nguyệt Mai

(Bán nguyệt san Tuổi Hoa số 208, 1973)

 

HƯƠNG MÙA ĐÔNG 

  • EM, ĐÊM THÁNG CHẠP

    tiếng chuông xa đổ vang rền
    kinh cầu nào nguyện giữa đêm vô cùng
    thấy mùa đông đến bao dung
    em chiên ngoan nhỏ ngập ngừng lễ đêm.
  • ● HÔM QUA

    sương khuya rơi ướt áo vàng
    mùa đông đã đến bàng hoàng tim em
    hôm qua ai bước qua thềm
    thổi vào hồn ngọn gió đêm lạnh lùng.

    ● MƯA ĐÔNG


    cơ hồ ngày tháng vây quanh
    nhớ chi đến thuở lâm hành quan san
    mimosa đã nở vàng
    mưa rơi đủ nhỏ cho hàng lệ sa.
  • ● HOAN CA NGÀY VỀ

    đường khuya gió lạnh buốt vai
    xin lời thánh sủng mãi đầy trong tim
    chim bay về đêm giáng sinh
    cất cao tiếng hót giữa thinh không buồn.

    Trần Thị Nguyệt Mai
    (Tạp chí Tuổi Hoa số 229, 1974)

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

LAGI,  NGÀY CON VỀ

03/09/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Nguyễn Thị Khánh Minh

LAGI,  NGÀY CON VỀ

(Cảm xúc bức hình Nhà Mẹ của anh Đỗ Hồng Ngọc 18/01/2017)

 

Căn nhà cũ Lagi của Mẹ (Đỗ Hồng Ngọc)

 

 Có mùa xuân theo con về trước ngõ

Gọi Mẹ ơi. Hàng giấy đỏ xôn xao

Then cổng gỗ từ lâu rồi chưa mở

Trời Lagi mừng vội một câu chào

 

Có thời gian theo con về tung cửa

Hiên nhà xưa kỷ niệm mọc xanh um

Cội xoài vắng. Mầm cây khô nói mớ:

Ai về kia. Lẫn bóng mẹ mùa xuân…

 

Vâng thưa Mẹ. Con về cùng tuổi nhỏ

Lòng ấu thơ khua giấc nắng chiêm bao

Hương xoài non khan giọng nhớ cồn cào

Gầy dáng Mẹ. Bên thềm hong tóc gió

 

Con ngồi đây. Một vuông sân lặng lẽ

Ôi nón quen. Mẹ cài đó. Thiu thiu

Nón mồ côi lâu rồi hương tóc Mẹ

Con mồ côi. Đường viễn xứ liêu xiêu

 

Nghe rất khẽ. Nghe như mơ. Tiếng chổi

Xào theo chân. Bóng mẹ mỏng như mây

Vườn thức giấc. Hồn tinh sương mẹ gọi

Con bướm bay về. Lá trổ trên cây

 

Vâng thưa Mẹ. Bếp nhà vừa cơi lửa

Cơm chiều ngon thơm lúa vụ mùa tươi

Mai mẹ về. Về với Ngoại xa xôi

Chiếc nón lá Mẹ cứ cài trên cửa

 

Là cột mốc nhắc con. Đường xa ngái

Đất Lagi cát mặn biển theo chân

Mai con đi. Khép cổng nhẹ như thầm

Hàng giấy đỏ lại một mình. Ở lại…

 

Nguyễn Thị Khánh Minh

 

 

 

Bãi biển Tam Tân LaGi
(by Do Hong Ngoc)

 

 

 

 

 

Vu Lan 2020

Ngày Giỗ Mẹ 17.7 âm lịch

Đỗ Hồng Ngọc

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 9
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Hội quán Các Bà Mẹ: Giao lưu với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn “Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật”

Dương Mình Trí: cảm nghĩ nhân đọc “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật”

Đỗ Hồng Ngọc với “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật”

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Mấy ngày Tết
  • Nguyên Giác: Mẹ dạy con ngồi như núi
  • Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần
  • Thích Phước An: GIÓ BẤC CUỐI NĂM

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Hai Lấp Vò trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • đỗ xuân đạm trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Độc giả trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Bản nhạc Mũi Né
  • Thạch trong Bản nhạc Mũi Né
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “ÁO XƯA DÙ NHÀU…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).
  • PN trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email