Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Thêm một món quà bất ngờ từ Khiếu Thị Hoài: “CÁ BẢY MÀU”

28/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thêm một món quà bất ngờ từ Khiếu Thị Hoài: “CÁ BẢY MÀU”

Khiếu Thị Hoài ở Hội An vừa gởi tôi đường link này: Một buổi đọc sách thật thú vị trong Chương trình Đọc Truyện Cho Thiếu Nhi do cô thực hiện tại Hội An. Đó là truyện Cá Bảy Màu trong cuốn CÓ MỘT CON MỌT SÁCH của tôi do First News Trí Việt xuất bản (2015).

Đây là một cuốn sách tập hợp từ những truyện nho nhỏ, tôi viết dành cho thiếu nhi đã đăng trên báo Nhi Đồng từ những năm 80… của thế kỷ trước, lấy tên chung là Có Một Con Mọt Sách, được NXB Thanh niên in lần đầu, sau này Hội Quán Các Bà Mẹ cùng tôi bàn bạc hình thành một cuốn sách “tranh truyện” (không phải truyện tranh) cho trẻ em với các tranh minh họa rất dễ thương của họa sĩ Đỗ Đức Thuận.

 

Sách không ngờ đến tận… Mỹ, do Bà nội tên “duyên” mang về đọc cho mấy cháu nhỏ nghe. Cô cháu gái 5 tuổi đi đâu cũng ôm cuốn sách và gần như thuộc các câu chuyện, nhất là chuyện Giếng Nước Mùa Xuân… bắt bà Nội dịch sang tiếng Mỹ mới chịu.

Cảm ơn Khiếu Thị Hoài và các cháu.

 

Bs Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

 

…………………………………………………………………………………………………..

Đọc “CÓ MỘT CON MỌT SÁCH”
 của Đỗ Hồng Ngọc

 

Huyền Chiêu (Nha Trang)

CMCMS (hinh bia) Sắp đến hè, vào nhà sách tìm mua vài quyển truyện cho cháu, tôi thật vui khi bắt gặp trên kệ sách một tập truyện mỏng dành cho trẻ em của Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Đã từng đọc những tác phẩm rất đáng yêu của ông dành cho những người đang bâng khuâng lìa xa tuổi trẻ để bước vào tuổi chớm già,  đã từng cảm thấy an ủi khi đọc những bài viết cổ xúy cho một tâm thức  sống trẻ vĩnh viễn cho những người  sắp vĩnh viễn lìa xa cõi đời, tôi hồi hộp chờ xem ông có thể  nói gì với những em bé lên tám lên mười…

Sách có bìa thật đẹp. Khen cho họa sĩ trình bày khi vẽ chú bé đang ngồi đọc sách có chiếc mũi của pinocchio, nhưng rõ ràng mái tóc và chiếc gương cận thị đích thực là hình ảnh của tác giả Đỗ Hồng Ngọc  hồi còn bé.

Bên trong sách là 7 câu chuyện kể vô cùng hấp dẫn cho trẻ em lẫn người lớn.

Đọc xong tập sách, tôi nghĩ thật đáng tiếc cho trẻ em khi Đỗ  Hống Ngọc không làm thầy giáo làng mà lại đi làm Bác sĩ.

Ông thật sự là một nhà giáo dục tuyệt vời, một nhà tâm lý sâu sắc.

“Có một con mọt sách” là tựa của câu chuyện cổ tích đầu tiên.

Con mọt sách, trước vốn là một cậu bé ham đọc sách. Cậu mê đọc sách mà quên cả giữ gìn  sức khỏe cho mắt

“Đêm trăng sáng đã đành mà đêm trăng mờ cũng mang sách ra đọc ngoài hiên…”

“mới đầu còn ngồi ngay ngắn trước án thư, sau nằm dài trên chỏng mà đọc..”

Thiếu nắng, thiếu gió cậu bé trở nên gầy ốm xanh xao và sau khi bị cha cấm đọc sách :

“Sinh lén cha trùm kín mền giả bịnh mà đọc”

Tất nhiên là mắt của cậu bé yếu dần và cậu phải dán mắt vào trang sách mới đọc được.

Một đêm, dưới ánh trăng hạ tuần vàng vọt, cậu bé đang nằm bẹp trên trang sách, người bổng thu nhỏ dần thành một con mọt mãi mê bò trên đống chữ.

Tác giả muốn dạy cho các bé phải biết đọc sách nơi có đủ ánh sáng, trong tư thề ngồi ngay ngắn và đọc có chọn lựa, không bạ thứ gì cũng đọc. Nhưng nói như thế thì có khác gì lời dặn dò của thầy cô giáo ở trường. Mà trẻ em thì rất hay quên lời thầy cô. Nếu biết vâng lời thì không đến nỗi hiện giờ có đến gần một phần ba học sinh trong một lớp phải  mang gương cận. “Thầy” Đỗ Hồng Ngọc đã dùng thủ pháp “hăm dọa”. Trẻ em có óc tưởng tượng vô cùng phong phú, hay tin vào chuyện đòi xưa hơn lời nói của cha mẹ thầy cô và nhất là hay… sợ.

Chúng sợ… ông ngáo ộp, sợ ma, và sợ mình biến thành con sâu, con bướm, con dế, con   cào cào… và khủng  khiếp biết bao khi mẹ mình không nhận ra mình còn mình thì không thể kêu lên “mẹ ơi con đây nè…”

“Cá bảy màu” kể lại chuyện 7 hoàng tử cá tìm cách trổ tài để vua cha nhường ngôi.

Hoàng tử út xuất hiện sau cùng và có vẻ không muốn tranh đua cùng các anh. Sau khi được hoàng hậu  hỏi han và thúc giục chàng mới lúng túng cho biết vừa qua chàng chu du tới một nơi xa lạ và ở đây chàng  gặp một loài vật hung ác. Chúng có cánh bay đi hút máu người, và truyền bệnh làm chết nhiều trẻ em. Quái vật này đẻ trứng dưới nước và chàng đã tiêu diệt bọn chúng khi chúng nở thành những con sâu bơi lăng quăng.

Cả triều đình hoan hô và tất nhiên chàng được vua cha trao cho ngôi báu.

Diệt muỗi bằng cách diệt bọ gậy (lăng quăng) là điều các em cần nhớ.

Trong câu chuyện này Tác giả đánh vào bản chất mơ làm hiệp sĩ, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha của trẻ em.

Chẳng phải tất cả trẻ em đều yêu chàng Thạch Sanh chém chằng và ghét gã Lý Thông gian trá?

Trẻ em yếu đuối là thế nhưng luôn mê say những  cuộc phiêu lưu, những chuyến đi thật xa một mình, không có mẹ bên cạnh như Remi trong Vô Gia Đình, như Thằng Người Gỗ, như Sinbad….

Biết quá rõ điều này “thầy” Đỗ Hồng Ngọc đã kể cho các bé nghe cuộc phiêu lưu kỳ thú của chú lãi đũa từ khi còn là một cái trứng bé xíu cho đến khi biến thành một chú ấu trùng (vẫn nằm trong vỏ trứng) được đem ra chợ bán kèm với cọng rau mà chú cố bám chắc vào (truyện Một cuộc du lịch kỳ quái). May mắn là cọng rau ấy là rau ăn sống chứ không phải rau luộc. Một cuộc phiêu lưu kỳ thú đưa chú lãi con từ dạ dày sang ruột non, theo tĩnh mạch vào đến gan rồi   từ gan bơi lên phổi. Không khí trong lành ấm áp ở phổi không dừng được bước chân giang hồ của lãi và chú tiếp tục nhoi lên cổ họng để được một lần nữa lọt xuống dạ dày. Bây giờ chú đã an cư, lạc nghiệp ở ruột non và

“Chú bèn lập gia đình và tiếp tục đẻ mỗi ngày hai trăm ngàn trứng lãi”

Ghê quá!

Bài học về cuộc đời của con lãi thì trong sách khoa học đã có nhưng học trò học mãi không thuộc. Cám ơn “thầy” Ngọc đã có cách  dạy khác đi để học trò không học vẫn thuộc bài.

Các bài học trong  “Có chí thì hư”, “Cái mũi để chi”, “Nghỉ hè, nên làm gì”  cũng là những bài học nhẹ nhàng thú vị mà trẻ em chắc chắn không mệt mỏi khi học.

Tôi thì thích nhất chuyện “Giếng nước mùa Xuân” vì chuyện này “thầy”  muốn dạy các bậc cha mẹ nhiều hơn dạy trẻ em.

Muốn cho con cái khỏe mạnh và nên người thì nên tập cho con được sống như…con nhà nghèo.

Đứa bé phải biết đói thì mới biết  “khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng (*) Đứa bé phải  thích lao động chân tay, phải biết xách nước, bửa củi, phải được chạy nhảy nơi núi đồi,  được tắm ánh nắng chói chang, hít thở khí trời trong sạch.

Để khỏi ốm o gầy còm, chán ăn biếng ngủ, để khỏi béo phì, mê ăn mê ngủ nhưng lười vận động, lười học, đứa bé phải cảm thấy cái hạnh phúc được … đi chăn trâu.

“ai bảo chăn trâu là khổ

Chăn trâu sướng lắm chứ

Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau

Và miệng hát nghêu ngao” (*)

Miển là:

“Vui thú không quên học đâu” (*)

“Thầy” Ngọc nhắn nhủ:

“siêng năng, cần mẫn, không ỷ lại, lười biếng… Sức khỏe là vốn quý nhất không thể mua được bằng vàng bạc, gấm vóc, bằng sức mạnh quyền uy…”

Và cha mẹ cũng phải biết tu nhân, tích đức để xứng đáng làm bậc sinh thành của đứa con hoàn hảo về thể chất lẫn tinh thần.

Điều giản dị như thế nhưng thực ra rất khó thực hiện trong cuộc sống bề bộn, quay cuồng  của ngày hôm nay.

 

Cám ơn tác giả của tập sách mỏng nhưng gói ghém rất nhiều bài học tưởng rằng giản dị nhưng vô cùng cần thiết dành cho các bậc cha mẹ và các bé con thân yêu.

Cũng xin cám ơn họa sĩ Đỗ Đức Thuận đã có những bức tranh minh họa thật dễ thương làm cho tập truyện vô cùng ấn tượng..

Đọc xong tập truyện, tôi  tiếc rằng thời tôi còn bé, tôi không được cầm trên tay một  tác phẩm cho trẻ em đẹp và hay như thế.

(tháng 5- 2015)

(*) trong bài hát “Em Bé Quê” của  Phạm Duy

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Tuổi mới lớn, Vài đoạn hồi ký

Vu Lan và “Bông Hồng Cho Mẹ”

25/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, phovanblog giới thiệu trên Trẻ Magazine 20.8.2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim

“An cư kiết hạ” trong mùa Covi

18/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

“An cư kiết hạ” trong mùa Covi

Tạp Chí Từ Quang tập 33 Mừng Đại Lễ Vu Lan 2020 của Chùa Phật học Xá Lợi Tp.HCM, có Tin ngắn về Chương trình  “Chia sẻ kiến thức Phật pháp với Trường Hạ Chùa Phật học Xá Lợi”. Chương trình vừa kết thúc ngày 14.8.2020 với buổi nói chuyện của PGS TS Phạm Anh Dũng (Cư sĩ, Kiến trúc sư) với các tu sĩ mà ai nấy đều phải mang khẩu trang và ngồi giãn cách theo quy định phòng dịch Covid-19.

Hơn 2 tháng qua, từ 10/6 đến 14/8, hơn 20 vị tu sĩ từ các nơi đã tập trung về chùa dự “An cư Kiết hạ” (Trường Hạ) mỗi tuần có 2 buổi trao đổi với các Cư sĩ trong Ban Phật học: Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn về Lịch sử Phật giáo; Cư sĩ Minh Ngọc về Qui Sơn Cảnh Sách, và Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về Phật giáo với Sức khỏe. Các Tu sĩ đã tích cực tham gia trao đổi cùng các vị Cư sĩ để có cái nhìn rộng từ góc độ Đạo và Đời, “đến để mà thấy” như lời Phật dạy.

 

 

Thực ra thì từ năm 2017 đến nay, Chùa Phật học Xá Lợi Tp.HCM đã có “Chương trình đặc biệt” này dành cho các Tu sĩ “giao lưu” với Cư sĩ, bên cạnh việc Tu tập quy củ thường lệ trong mùa Trường hạ.

 

Một buổi “thảo luận nhóm” và giải đáp thắc mắc… (2017)

Buổi “bế giảng” thân mật (2017).

 

 

 

 

 

 

 

 

Năm ngoái (2019), được sự cho phép của Thầy Đồng Bổn, Trụ trì chùa Xá Lợi, em NVQuyền đã ghi hình các buổi trao đổi của tôi về Phật giáo với vấn đề Sức khỏe trong mùa Trường Hạ để làm tư liệu cho Chùa. Từ năm nay, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phát triển, việc tập trung về chùa học như trước đây rồi sẽ không còn dễ dàng nên Thầy Đồng Bổn đồng ý cho phổ biến phần Y học để các Thầy có thể tham khảo dù ở nơi xa.

Các Video clip này cũng đã được đưa lên trang Web chùa Phật học Xá Lợi TpHCM.

http://chuaxaloi.vn/tin-tuc/nhung-chia-se-kien-thuc-phat-phap/3264.html

Cảm ơn Cư sĩ Trí Bá, cư sĩ Trí Tâm và em NVQuyền.

Bs Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon, 18.8.2020)

………………………………………………………………………………

 

Bài 1:

 

Bài 2:

 

Bài 3

 

Bài 4:

 

Bài 5:

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim, Phật học & Đời sống

Huỳnh Ngọc Chiến: Tản mạn cùng “Nghĩ từ trái tim”

12/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Ghi chú: Sau buổi “Ra mắt bỏ túi” Để Làm Gì ở NXb Tổng Hợp Tp.HCM, bạn Huỳnh Ngọc Chiến đã gởi đến tôi bài viết này của anh đã đăng trên Giác Ngộ Online 2009.

Trân trọng cảm ơn HNC và xin được chia sẻ cùng bạn bè thân thiết.

ĐHN

 

Tản mạn cùng “Nghĩ từ trái tim”

Huỳnh Ngọc Chiến

 

Thật khó lòng tưởng  tượng khối năng  lượng khổng lồ được  giải phóng từ hai quả bom nguyên tử kinh người tại Hiroshima và Nagasaki lại bắt nguồn từ công thức vật lý chỉ có vỏn vẹn năm ký tự E=mc2. Cũng thế, thật khó lòng tưởng tượng toàn bộ khối kinh sách đồ sộ trong hệ tư tưởng Bát nhã Phật giáo, nói về trí huệ siêu việt thượng thừa thù thắng làm kinh động tất cả tam thiên đại thiên thế giới, lại bắt nguồn và được khoáng diễn từ một chữ KHÔNG, rồi lại được cô đọng trong bài Tâm kinh chỉ vỏn vẹn có 260 chữ. Đủ thấy bản thân mỗi chữ trong Tâm kinh đều hàm ẩn một dạng năng lượng khổng lồ E=mc2 như thế nào rồi! Diệu dụng của chữ KHÔNG thật vô bờ bến.

“Sắc bất dị Không, Không bất dị sắc; sắc tức thị Không, Không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị. Xá-Lợi-Tử! Thị chư pháp Không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố Không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý-thức-giới, vô vô-minh diệc, vô vô-minh-tận, nãi chí vô lão-tử, diệc vô lão-tử-tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc”.

Toàn bộ thế giới vật lý và tâm lý với lục căn, lục trần, lục thức, cho đến thuyết Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên nền tảng của Phật giáo đều bị quét sạch trong cơn lốc phủ định toàn triệt của hai chữ BẤT và VÔ. Bởi vậy, không ngạc nhiên gì khi chư Phật không ngớt khuyến cáo thính chúng đừng sợ hãi khi nghe thuyết giảng kinh Bát Nhã. Không kinh hãi sao được khi mà mọi chỗ an tâm lập mệnh, mọi sở trú của con người đều bị phủ định vì “Tứ đại giai không, ngũ uẩn phi hữu” và con người dễ có cảm giác như bị rơi tõm vào cõi hư không mù mịt giữa cõi Ta bà?

Thế nhưng, phủ định toàn triệt là thể cách vi diệu để đưa đến sự khẳng định toàn triệt trong cảnh giới tự do tuyệt đối. Tuy Chân Không mà lại là Diệu Hữu. Có lẽ để hậu thế dễ tiếp cận hơn với tư tưởng KHÔNG, nên toàn bộ kho tàng kinh sách Bát Nha khổng lồ, đặc biệt là 600 cuốn Đại Bát Nhã, đã được cô đọng trong bản Tâm kinh. Chung quanh Tâm kinh vẫn luôn là những huyền thoại với những năng lực siêu nhiên cùng với bước chân hành hương của nhà chiêm bái vĩ đại Huyền Trang, hiểu theo nghĩa nó là “đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư”. Tâm kinh vẫn mãi mãi là một huyền án đối với những ai quan tâm đến Phật học và luôn chờ những lời chú sớ. Trong tác phẩm “Thiếu Thất lục môn”, mà theo tương truyền là của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, có chú giải về bản Tâm kinh này, với cửa thứ nhất là “Tâm kinh tụng”. Muốn vào được động Thiếu Thất phải lọt qua cửa ải Tâm kinh. Song bản chú giải “Tâm kinh tụng” theo kiểu bình tụng trong “Thiếu Thất lục môn” cũng khó hiểu như nguyên bản cần được chú giải bởi vì chư Tổ giải minh Tâm kinh từ cảnh giới giải thoát bất khả tư nghì của mình, khiến những độc giả sơ cơ như chúng ta khó lòng tiếp cận. Đó là cách đem ẩn ngữ trùm thêm lên ẩn ngữ, khiến cho nó càng “huyền chi hựu huyền”, nên xưa nay nhiều Phật tử thường chỉ học thuộc lòng suông Tâm kinh với thái độ “kính nhi viễn chi ”. Nói đúng ra là chư Tổ không muốn phu diễn (vulgariser) nội dung Tâm kinh bằng ngôn ngữ quy ước trong thế giới khái niệm. Các ngài không chú giải Tâm kinh mà chỉ ghi lại kinh nghiệm thực chứng của mình từ Tâm kinh bằng những lời bình tụng, cũng như người xưa thích “chú giải” một bài thơ bằng cách làm một bài thơ khác! Đây là thể cách thường thấy trong lịch sử văn hóa phương Đông, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Chỉ khi nào đạt đến cảnh giới của chư Tổ, chúng ta mới  mong chia sẻ kinh nghiệm của các ngài qua các lời bình tụng đó, vì trong thực tế lắm khi do sự bất toàn của ngôn ngữ quy ước, lời bình chú dễ vướng vào vấn nạn “démystifier pour mieux mystifier” , theo Dominique Duvivier,  nghĩa là muốn giải thích rõ ràng một sự việc thì ta lại càng làm cho nó trở nên khó hiểu. Theo cách nói của ngôn ngữ Thiền tông, đó là “Tuyết thượng gia sương” (Trên tuyết lạnh lại đổ thêm sương).

Trong giới Thiền tông, dường như chỉ có Thiền sư Động Sơn Lương Giới, khai tổ tông Tào Động, mới đặt ra nghi vấn về nội dung Tâm kinh. Ngữ lục Thiền tông ghi lại rằng thuở nhỏ, sư theo thầy tụng Tâm kinh đến câu “vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý ”, sư chợt lấy tay sờ lên mặt mà hỏi thầy:

– Con có đầy đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, cớ sao trong kinh nói là không?

Vị bổn sư lấy làm kinh ngạc, bảo:

– Ta chẳng phải thầy của ngươi.

Và giới thiệu sư đến núi Ngũ Tiết làm lễ xuất gia với Thiền sư Linh Mặc.

Câu hỏi của Thiền sư Lương Giới là cách trì tụng Tâm kinh đúng nghĩa, vì sư không muốn nắm bắt huyền nghĩa Tâm kinh bằng khái niệm. Hôm nay, có một người không xuất thân từ chốn thiền môn, quanh năm không hề rau dưa kinh kệ, mà lại “dám” theo chân chư Tổ để khám phá thêm những ẩn ngữ của Tâm kinh. Đó là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc với tác phẩm “Nghĩ từ trái tim” qua lời tự bạch:

“Tác giả viết cuốn này là để tự chữa bệnh cho mình và cũng giúp cho vài bạn bè trang lứa, đồng bệnh tương lân. Cái nhìn về Tâm kinh trong Nghĩ từ trái tim là cái nhìn của một người thầy thuốc, một bác sĩ, có thể rất khác với những người khác và mong được chia sẻ” (Lời cuối sách).

Có lẽ nhờ vậy mà người đọc dễ dàng bị cuốn hút bởi những suy nghĩ nhẹ nhàng không nặng về học thuật. Tâm kinh, qua cái nhìn của một thầy thuốc với những kinh nghiệm hành trì thực sự, bỗng nhiên trở nên nhẹ nhàng dễ hiểu. Nó hòa nhập và mang hơi thở bình dị của cuộc sống đời thường một cách thật dễ dàng. Theo lời tâm sự trong sách, tác giả đã “ngộ” ra Tâm kinh sau một cơn đau thập tử nhất sinh. Do thân bệnh mà thấy được tâm bệnh. Nhờ chữa bệnh của thân mà chữa luôn được bệnh của tâm. Quả là một cơ duyên hy hữu để thể nghiệm được cảnh giới “Tuyệt hậu tái tô” trong cõi “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan phùng”. Tôi cảm nhận được rất rõ điều này khi đã một lần tìm về cõi Sinh từ cõi Tử. Lúc đó, chỉ có những gì giúp ta một mình đối diện với cái chết bằng tinh thần vô úy mới thực sự có ý nghĩa, ngoài ra ta sẽ thấy tất cả mọi thứ trên đời đều vô nghĩa và phù phiếm. Tâm kinh có lẽ là một hành trang cần có cho chúng ta trên đường về cõi Chết, một khi ta cảm nhận được rằng “vô lão-tử diệc vô lão-tử-tận”. Tôi tin rằng tác giả “Nghĩ từ trái tim” phải có những kinh nghiệm nhất định khi trì tụng Tâm kinh mới có thể viết được những trang sách bình dị mà sâu sắc đó.

“Tâm kinh ở đây là một loại” chân kinh” cần phải được rèn luyện, thực tập, thực hành, thực chứng… chớ không lý thuyết suông, không để học hỏi tụng niệm thuộc lòng…” (tr.19).

Mọi thứ văn chương biên khảo với tất cả các ngôn ngữ quy ước đều phù phiếm và bất lực, một khi nó không dựa trên kinh nghiệm thực. Huống gì là lời bình giải cho bản Tâm kinh. Lúc đó kiến thức sẽ nhường bước cho kinh nghiệm và sự hành trì. Tôi ghi nhận điều này qua bài viết “Ngã ba ngôn ngữ”, và biết bài viết của chính mình vẫn chứa quá nhiều yếu tố bất toàn về ngôn ngữ, nên đã có lần nói với anh: “Có lẽ mọi ngôn ngữ quy ước đều bế tắc. Có khi viết nghiêm túc một cách cà rỡn như Bùi Giáng hoặc viết nhẹ nhàng như anh mà lại hóa hay”. Nghĩa là cứ viết bằng sự cảm nhận những điều tưởng chừng huyền mật từ hơi thở bình dị của cuộc sống đời thường. Tác giả Đỗ Hồng Ngọc phần nào đã làm được điều này, theo cách của riêng anh.

Đọc Tâm kinh, “hành thâm Bát nhã” suy cho cùng cũng chỉ là cách học tập để an trú trong cõi đời bằng một thể cách khác. Cực lạc cũng là đây mà A-tỳ-địa-ngục cũng chính là đây. Thử hỏi trong đời có gì xấu xí bằng hình ảnh ngọ ngoạy của con sâu, và có gì đẹp bằng hình ảnh phất phới bay của con bướm màu sặc sỡ? Nhưng hai con chỉ là một từ trong bản chất. Đó là điều huyền mật nhất giữa trần gian. Sinh tử hòa nhập với Niết bàn, tội lỗi trộn lẫn với thanh cao, giác ngộ ẩn tàng trong vô minh, bóng tối chan hòa cùng ánh sáng, tất cả đều chỉ là một. Đáo bỉ ngạn là vượt qua sông để đến với bờ bến bên kia. Bên kia là Bồ đề, là giác ngộ. Nhưng đến bờ bến bên kia là để trở lại bên này, và:

“… làm cách nào thực hiện được Tâm kinh trong đời sống hàng ngày của một người bình thường, giúp họ thay đổi thái độ, có cái nhìn mới mẻ về cuộc sống, về cõi người, về vũ trụ và nhờ đó thấy cuộc sống đẹp hơn, quý giá hơn, sống có trách nhiệm hơn với thiên nhiên, với đời, với người, với bản thân…; làm việc hiệu quả và năng suất cao hơn, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi thành viên… (tr.34-35)”.

Cuốn “Nghĩ từ trái tim” được tái bản đến lần thứ tám, một điều cực kỳ hiếm hoi đối với một cuốn sách dạng biên khảo, khi mà cái học thực dụng thô thiển đã biến sự đơn bạc về tình cảm, sự hời hợt trong tư duy trở thành một nét đặc trưng đau xót trong xã hội hiện nay. Nhưng khi đọc xong thì tôi hiểu. Văn chương thực chưa chắc đã hay, nhưng văn chương muốn hay thì phải thực. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không suy nghĩ từ khối óc mà “nghĩ từ trái tim”. Tất cả những gì anh viết đều là những điều cảm nhận từ kinh nghiệm hành trì của bản thân, cũng như từ những suy tư bình dị và chân thành của trái tim. Mà những gì phát xuất từ trái tim chân thực đều dễ dàng đi vào tận trong sâu thẳm lòng người.

Huỳnh Ngọc Chiến

(Giac Ngo Online 4.2009)

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Văn hóa Phật giáo: TÔI HỌC PHẬT

30/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

TÔI HỌC PHẬT

(Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 347 ngày 01.7.2020)

Ghi chú: Bạn tôi, anh Trần Tuấn Mẫn, Tạp chí Văn hóa Phật giáo cho biết anh đã thôi việc ở Tòa soạn kể từ ngày 1.7.2020 vì tuổi đã cao. Tôi gởi anh bài này như một kỷ niệm riêng. Bài đã in trên Tạp chí VHPG số 347 ngày 1.7.2020. Xin chia sẻ cùng các bạn.

ĐHN

 

TÔI HỌC PHẬT

Đỗ Hồng Ngọc

Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

Vào tuổi tám mươi, tôi nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” như người bạn nhạc sĩ họ Trịnh kia đã nói. Về thu xếp lại, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”, vì rất nhanh thôi, các tế bào thân xác kia đã có vẻ rã rượi, ù lì, và cũng rất nhanh thôi các tế bào thần kinh nọ cũng mịt mờ, mỏi mệt, nhớ trước quên sau… Đầu năm 2019, tôi gom góp in cuốn Về thu xếp lại như một cột mốc, một hẹn hò, rồi cuối năm tiếp tục gom góp in thêm cuốn Biết ơn mình như một nhắc nhở… Bên cạnh đó, cũng đã tạm một bản thảo Đi để Học, Ghi chép lang thang… chủ yếu là một dịp để “nhìn lại mình”… và gần đây nhất là tập Tạp bút Để Làm Gì không phải để hỏi cũng chẳng phải để thở than chi! Tôi cũng mong gom góp, tập hợp một số bài viết, sách, biên chép bấy nay trong lúc lõm bõm học Phật, thấp thoáng lời kinh, làm thành một tập tuyển học Phật để ngẫm ngợi khi cần. Muốn thì muốn vậy, nhưng lực bất tòng tâm!

Duyên may lại đến.

Cách đây mấy năm, một buổi chiều, nhận được 4 cuốn bản thảo “Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc” dày hơn ngàn trang A4 của một người không quen biết gởi tặng. Giật mình. Ai vậy cà? Thấy có kẹp mảnh giấy nhỏ, ghi số điện thoại tên Nguyễn Hiền Đức. Bèn phone thăm hỏi mới biết đó là một bạn đọc quý mến mình, đã “dõi theo” hành trình viết lách của mình từ lâu, nay tỉ mẩn ghi chép lại cả một tuyển tập đồ sộ gởi tặng và nói còn sẽ gởi tiếp mấy tập nữa! Lúc đầu tưởng anh gom góp từ trên mạng, nhưng không, anh cho biết đã gò lưng đánh máy từ những trang sách mà anh ưa thích! Thời buổi này. Lạ thiệt.

Rồi hẹn gặp, mới biết Nguyễn Hiền Đức (thường gọi anh 5 Hiền), trước 1975 từng có thời là Thư ký Tòa soạn của tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, thư ký riêng của HT Thích Minh Châu… Anh tốt nghiệp Báo chí và Xã hội học, rồi cao học Sử ở Đại học Vạn Hạnh. Đó là một người gầy gò, trông khắc khổ, nghiêm túc, nhưng rất nhiệt tâm và nói chung… dễ thương.

Gần đây, một người bạn bên kia nửa vòng trái đất cho hay tình cờ thấy có Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc “Thấp Thoáng Lời Kinh” trên Thư Viện Hoa Sen online.  Nghĩ chắc… Nguyễn Hiền Đức đây rồi! Và đúng vậy.

Nguyễn Hiền Đức tâm sự: Tôi bắt đầu “gõ” và “gõ”, mải mê “gõ” cuốn “TUYỂN TẬP ĐỖ HỒNG NGỌC –  THẤP THOÁNG LỜI KINH” này từ năm 2010 và kết thúc năm 2018. Tôi rất thích từ “Thấp thoáng” vì nó thể hiện rất rõ, rất đúng cái chất “thấp thoáng”, “lõm bõm” của tôi khi học Phật.

Ngay trong bước đầu “tập tễnh học Phật” tôi đã chọn cách học hợp với sở thích của mình. Đó là chọn bài, chọn sách rồi… rị mọ. cặm cụi, kiên trì “gõ” vào máy. Cách làm này giúp tôi đọc chậm, đọc kỹ từng đoạn, từng trang, từng bài, rồi chú tâm sửa lỗi. Tôi đọc ít nhất 5 lần cho mỗi trang với lòng thanh thản, thư thái. Tôi không “ép” mình phải ghi, phải nhớ một điều gì cứ để nó trôi chảy như một dòng sông…

 

* * *

Tôi có chút “duyên” với Phật, nhưng đến với Phật rất trễ. Lại đến một mình.  Sanh ở Phan Thiết mấy ngày thì tôi được về nhà Ngoại ở làng Phong Điền, Hiệp Nghĩa, dưới chân núi Tà Cú, nơi có Linh Sơn Trường Thọ Tự. Nhỏ xíu, tôi đã được theo cha mẹ, các cậu, dì, lên chơi Chùa núi. Khi là sinh viên ở Saigon, tôi cũng đọc Bát Nhã, đọc Suzuki, Krishnamurti… nhưng đọc chỉ để mà đọc. Đến năm tuổi gần 60, sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh, tôi thấy mọi sự khác hẳn đi. Tôi đọc Tâm Kinh thấy không khó nữa. Như vỡ ra. Và với Tâm Kinh, tôi thấy chỉ cần học một chữ thôi. Chữ Không. Từ đó mà vô trụ, vô trí, vô đắc… Từ đó mà gaté, gaté, paragaté… Nó như giúp tôi trả lời câu hỏi cho chính mình, Why, tại sao? Tôi vẫn thường tự đặt ra cho mình những câu hỏi “tại sao” như vậy. Rồi lại hỏi bằng cách nào đây (How?) để mà “hành thâm Bát nhã”? Câu trả lời nằm ở Kim Cang. Ở Kim Cang tôi học Vô ngã (nhân vô ngã, pháp vô ngã), và Thiền định. Dĩ nhiên không thể không học những bước cơ bản: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên… Không có chánh định thì làm sao có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ… Con đường từ thể nghiệm, thực nghiệm đến ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Ở Pháp Hoa, học vô tướng, thực tướng, gặp Như Lai Đa Bảo của mình như luôn tủm tỉm cười chọc quê mình! Cái học y khoa, tâm lý học, xã hội học cũng đã giúp tôi thấy rõ hơn vai trò thầy thuốc, tham vấn viên của bậc Y vương qua hình tượng các vị Bồ tát Thường Bất Khinh, Dược Vương, Quán Thế Âm… với tôn trọng (respect), chân thành (guenuine), thấu cảm (empathy) để không chỉ học hiểu lời kinh mà còn vận dụng vào nghề nghiệp…  Ở Duy-ma-cật, học Bất nhị. Kinh mở ra một cách tiếp cận mới, sinh động, cho dòng chảy mênh mang rộng khắp.

Chắc chắn Phật không muốn chỉ có các đệ tử ngồi thiền định dưới gốc cây, tới giờ đi khất thực và đợi ngày nhập Niết bàn. Phật cần có những vị Bồ-tát đem đạo vào đời, tự giác giác tha. Thế nhưng, các vị Bồ-tát đầu tròn áo vuông cũng khó mà “thõng tay vào chợ” giữa thời đại bát nháo này. Vì thế mà cần Duy-ma-cật. Một thế hệ cư sĩ tại gia, nhằm thực hiện lý tưởng của Phổ Hiền Bồ-tát…!

Rồi từ những điều học hỏi, nghiền ngẫm, thể nghiệm… bấy nay mà tôi mạnh dạn sẻ chia với “Thấp thoáng lời Kinh”,  “Thoảng hương Sen”, “Thiền và Sức khỏe”, “Nếp sống An lạc”… như một ứng dụng Phật pháp vào đời sống.

Khi được hỏi “kinh nghiệm” về học Phật, tôi nghĩ trước hết, cần nắm được các thuật ngữ, sau đó là hiểu được các ẩn dụ, ẩn nghĩa, hàm chứa trong lời Kinh và quan trọng nhất là thực hành, ứng dụng vào đời sống, ở đây và bây giờ…

Những năm sau này, tôi có dịp cùng học với nhóm bạn về Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng Già… Con đường học Phật thênh thang như cánh rừng kia mà ta mới tiếp cận vài hạt bụi rơi từ nắm lá Simsapa dạo nọ.

Tôi lại gặp duyên may trong lúc một mình lõm bõm học Phật như vậy khi gắn bó với Tạp chí Văn hóa Phật giáo. Tôi còn nhớ buổi họp đầu tiên để thực hiện tạp chi Văn Hóa Phật Giáo có sự hiện diện của quý thầy cùng với các vị cư sĩ tôi hằng mến mộ như Cao Huy Thuần, Trần Tuấn Mẫn, Trần Đình Sơn, Nguyên Cẩn… Anh Cao Huy Thuần sau đó nói riêng với tôi: Này, tôi “thách” anh Đỗ Hồng Ngọc viết được mỗi tháng một bài cho Văn hóa Phật giáo đó. Thế là tôi gắn với Văn hóa Phật giáo từ thuở ban đầu đó đến nay đã gần 15 năm!  Thực ra tôi viết Văn Hóa Phật Giáo là để học.

Nhớ những bài viết đầu tiên gởi Văn Hóa Phật Giáo tôi băn khoăn nên để mục này là “Lõm bõm học Phật” hay “Thấp thoáng Lời Kinh”, bởi biết mình chỉ học lõm bõm, thấp thoáng, chẳng chính quy hiện đại gì cả. Trần Tuấn Mẫn kêu “Lõm bõm” thiếu nghiêm túc. Chọn “Thấp thoáng Lời Kinh” nhé.  Chẳng ngờ độc giả “chịu” cách viết “bên lề” như vậy. Thường khi bài đăng xong tôi hỏi Trần Tuấn Mẫn thế nào, có bị “rầy la, sỉ vả” gì không? Mẫn bảo viết tiếp đi, nhanh lên, được khen lắm đó. Đó là một lời khuyến khích động viên qúy báu, giúp mình tự tin hơn. Tôi viết từ những cảm nhận riêng với một văn phong đời thường về Tâm Kinh Bát nhã, về Kim Cang, Pháp Hoa, Duy-ma-cật… Tôi biết ở Ban Biên tập có những bậc tôn túc, những cao nhân và nhất là độc giả Phật tử khắp nơi đều là những vị thầy của mình, sẽ là “bộ lọc” cho những bài viết của mình, có gì sai họ sẽ chỉ dẫn. Thật vậy, thỉnh thoảng Trần Tuấn Mẫn giúp tôi chỉnh  một chữ, thỉnh thoảng anh Lê Văn Lợi từ Huế khen một câu hoặc nhắc cho một ý…  Khi tôi viết mục “Thoảng hương sen”, là những suy gẫm, những cảm nhận tích lũy trong nhiều năm tháng học Phật của mình, Văn Hóa Phật Giáo đã sửa thành “Hương Sen” mà bỏ đi chữ “Thoảng”. Tôi hiểu. Với tôi, viết cho Văn hóa Phật giáo là một cách học Phật tốt nhất.

Khi tôi xuất bản cuốn Thấp thoáng Lời Kinh thì Trần Tuấn Mẫn viết trên Văn hóa Phật giáo, số 163, ngày 15-10-2012:

Đọc xong tác phẩm Thấp thoáng lời kinh của Đỗ Hồng Ngọc. Im lặng, thanh thản, hoan hỷ như vừa trải qua một cuộc du lịch kỳ thú đến những vùng đất xa xôi, kỳ ảo, để rồi sau đó tâm trí như loãng đi, mơ hồ, lung linh, băn khoăn trong niềm vui thú vị vẫn còn đó, quanh quất lâu dài. Gập sách lại, tôi bỗng thấy thấp thoáng lời sách, từ ngữ, câu văn từ bài này chuyển sang bài nọ, chữ nghĩa nhẹ nhàng đổi chỗ nhau, nhưng vẫn rất tự nhiên, rất trật tự và rất đẹp. Phải chăng tác giả cũng thấy thấp thoáng chứ không nghe văng vẳng lời kinh vì không trực tiếp nghe được kim thanh của Đức Phật. Anh chỉ tự nghiên cứu kinh điển, tự cảm nghiệm và những dòng kinh chợt đến chợt đi trong tâm tưởng. Có lẽ anh dùng từ thấp thoáng cũng là do sự khiêm tốn, muốn bảo rằng những gì anh viết ra không phải là từ sự nghiên cứu mang tính kinh viện mà chủ yếu là do cảm nhận, do sự suy nghĩ và trải nghiệm cá nhân. Tôi vui vì nghĩ như thế, vì nghĩ mình thông cảm được với anh và được anh truyền cho niềm cảm hứng và mấy phần kiến thức Phật học (…).

Các bài viết ở đây, theo lời tác giả, là “những loay hoay, bứt rứt”, “những cảm nghiệm riêng tư, rất chủ quan của người thầy thuốc, bấy lâu nay tìm kiếm, thử nghiệm trên mình rồi mới dám mà sẻ chia cùng bạn bè tương lân”. Những lời tâm sự ấy là chân thật, là tình nghĩa và những gì anh viết ra thì chân xác trong chừng mức có sự chấp nhận của những người đã học Phật, đã tu Phật hay từng chiêm nghiệm về cuộc đời. Anh nhận định sâu sắc về các đề tài nói trên, nhưng vốn là một bác sĩ nhiều kinh nghiệm chữa trị thân và tâm, có khi anh tế nhị và có đôi chút dí dỏm nên chuyển ý sang bình diện cụ thể, thiết thực, gợi ý chúng ta về sự suy nghĩ, về thái độ tích cực trong cuộc sống hằng ngày nên cố ý chuyển ý nghĩa của vài lời kinh như là một thể cách khế cơ (…).

Nhẹ nhàng mà thâm sâu, dí dỏm mà chân thật là tính chất của Đỗ Hồng Ngọc. Thật hay và thật vui khi anh bàn về Hơi thở ra vào, Bồ-tát Di lặc, Du hý ta-bà, Luân hồi sanh tử v.v…

Đọc Thấp thoáng lời kinh của Đỗ Hồng Ngọc, tôi bỗng cảm thấy mình chỉ thấp thoáng lời anh và loay hoay, bứt rứt về cái kiến thức Phật học của mình. Những đoạn kinh tôi đã thuộc lòng bỗng trở nên “thấp thoáng”…

Với tôi, Trần Tuấn Mẫn vừa là bạn, mà cũng là thầy, từ thuở Vô Môn Quan, đến Bàng Ẩn, rồi Lăng Già… và nhất là Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo suốt 15 năm qua.

 

Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon 6.2020)

 

 

 

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Hồ Đắc Đằng: Vô Kỵ Học Lái Xe

25/10/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Vô Kỵ Học Lái Xe

Hồ Đắc Đằng

Ghi chú: Bác sĩ Hồ Đắc Đằng là người bạn cùng khóa với tôi tại Y khoa Đại học đường Saigon (1962-1969) vừa có bài viết rất thú vị về chuyện “Vô Kỵ Học Võ” đã được post trên trang này và được rất nhiều bạn bè chia sẻ. Hôm nay anh gởi thêm bài Vô Kỵ Học Lái Xe cũng rất độc đáo.

Xin chia sẻ cùng các bạn.

Cảm ơn Hồ Đắc Đằng.

Đỗ Hồng Ngọc

PS Đa tạ Đèn Biển (Võ Quang), người đã chịu khó gõ Word từ bản viết tay “chữ bác sĩ” đọc không ra của Hồ Đắc Đằng.

………………………………………………………..

 

Vô Kỵ bây giờ đã trưởng thành, quyền cước điêu luyện, tâm thần sảng khoái, tánh tình khoan thai, điềm đạm. Hai thầy trò ngoài chuyện võ nghệ còn hay ngồi thiền với nhau. Vui nhiều. Một hôm thầy nó gọi nó vào.

– Vô Kỵ này. Ở đời không chỉ có đánh võ và tham thiền. Nếu đánh võ mà không có tham thiền thì cả 2 bên dễ bị gãy sườn, dập lách lắm. Ngoài đời dập lách nhiều lắm. Con phải xuống núi để dạy cho người ta vừa đánh võ vừa đỡ địch thủ kiểu múa Tango thì ai ai cũng vui, không còn ai thắng ai bại nữa. Ngoài đời thì rộng, chân con thì ngắn, đi bộ thì không biết bao giờ mới đến người ta được. Phật hồi xưa, ổng làm gì có xe. Ổng tà tà đi bộ, đôi khi đến chỗ người cần ổng giúp thì người đó đã chết mất rồi. Bây giờ mình có xe, mình đi được để đến giúp người khác. Con phải biết lái xe.

– Thưa thầy – Vô Kỵ nói – Con thấy lái xe dễ ợt. Con thấy mấy đứa con nít, mấy bữa trước còn mang tã, ngậm núm vú, mấy bữa sau tuyên bố với mẹ nó là nó 16 tuổi rồi nó muốn lái xe. Thế là bà mẹ phải bứt đầu, bứt tai đi mua cho nó một chiếc xe nhỏ cho nó lái, nó chạy phăng phăng, dễ ợt thưa thầy.

– Nầy Vô Kỵ. Chạy phăng phăng không hẳn là dễ. Chạy phăng phăng rồi vô phòng cấp cứu, đôi khi vô thẳng nhà xác là thường đó con. Chạy phăng phăng mà an toàn trên xa lộ mới là cái nghệ thuật của lái xe. An toàn cho mình và an toàn cho người mới là cái khó. Một kiểu Tango đó Vô Kỵ ạ. Lái nhường, lái nhịn là lái Tango. Con phải nhớ cái nầy.

Vô Kỵ: Thưa thầy, con thì thích cái gì nhanh. Đối với thầy, gió thổi nhè nhẹ trên mặt thầy là thầy đủ vui rồi. Con thì gió phải thổi bay tóc ra sau như khi con chạy xuống dốc núi thì con mới khoái. Lái xe mà cứ lái 5 dặm/giờ thì ai mà chịu được thưa thầy.

– Vô Kỵ này. Thầy không bảo là con phải chạy chậm luôn luôn. Đức Phật, ngồi yên một chỗ, chẳng nhúc nhích gì hết mà ổng cũng đủ vui rồi. Con còn ở đời. Con phải lái xe. Lái nhanh cũng được, lái chậm cũng được. Tùy lúc. Lái nhanh chẳng sao cả. Với một điều kiện.

– Điều kiện? Điều kiện gì thưa thầy? Đường phải không có ổ gà? Trời phải không có bão có tuyết? Phải không có sương mù khói phủ? Con sẽ rất cẩn thận.

– Vô Kỵ ơi. Con còn nông cạn quá. Mắt con sáng, phản xạ con nhanh, thời tiết tụi nó báo con biết trước từ 3–4 ngày trước thế mà tai nạn chết người vẫn xảy ra hằng ngày đó thôi. Tại sao con biết không?

– Xin thầy chỉ giáo.

– Tại vì không có cái thắng (phanh) tốt. Vậy đó con, người đời, xe của họ cái gì cũng tốt hết: máy mạnh, chạy nhanh ; đèn sáng, thấy rõ ; cảnh đẹp, mùi thơm 2 bên đường thì nhiều ; vui nhộn không thiếu ; chỉ thiếu có một cái thắng (phanh) tốt.

Con người ta có “3” cái xe: xe Thân, xe Khẩu (miệng) và xe Ý.

Cái thắng (phanh) của “xe Ý” là cái yếu nhất của người đời. Nếu con chưa thông thạo võ nghệ của thầy dạy thì con phải kiểm tra cái thắng nầy thật kỹ đấy. Một ý nghĩ bất thiện nảy ra là phải có đèn đỏ chớp lên trên dashboard của con.

Kế đến, là cái thắng của “xe Thân”. Cái nầy con đã thuần thục với kinh nghiệm học võ vừa qua. Con không còn có thể làm cho người khác, vật khác đau được nữa. Tụi Mỹ nó gọi “Do no harm to others and to yourself”. Con đã đạt đến cái thắng này qua học võ.

Kế đến là cái thắng của “xe Khẩu”. Cái thắng này ít người để ý lắm! Nó không có đèn đỏ trên dashboard. Thắng này nếu nó không ăn, không chạy thì cũng ít ai hay biết. Nó (Khẩu) xuất “ra” đều đều, làm ai cũng đau, ai cũng giận mà mình vẫn không hay. Con nhớ trong Bát chánh đạo có một cái gọi là Chánh ngữ. Cái miệng của người ta ngộ lắm Vô Kỵ ạ. Miệng người ta có 2 chức năng: một là để Ăn, hai là để Nói. Ăn thì ai cũng biết. Vô Kỵ, con có nhớ lúc thầy dạy võ cho con những năm đầu, thầy đã dạy con ăn không?

– Vâng thưa thầy. Con còn nhớ là con muốn ăn chay vì con thương tất cả thú vật. Con không muốn tụi nó phải chết để con được sống. Chính thầy đã dạy con phải biết ăn trong Chánh niệm,  và biết ăn trong một tâm thức biết ơn. Eating in mindfulness and gratitude.

– Vô Kỵ, con giỏi lắm. Đó chỉ mới có một chức năng của miệng thôi: Ăn. Còn cái chức năng kia là Nói. Con có biết là thầy trước khi học võ, thầy làm nghề gì không?

– Thưa thầy, con thấy thầy hay dạy con về tinh bột, đường, mỡ, chất đạm (protein), có vẻ thầy là một nhà khoa học sinh vật học?

– Thầy thuốc, Vô Kỵ ạ. Thầy là một thầy thuốc. Thầy chỉ dạy cho bệnh nhân về dinh dưỡng là mấy cái thức ăn này. Đức Phật là một thầy thuốc (y vương), dạy người đời về cái chức năng thứ hai  của cái miệng, là cái xuất “ra”: Lời Nói. Cái “vô” là đồ ăn, cái ra là “lời nói”. Mấy cái ra này mới là cái ngộ nhất đấy. Cái “vô” mà sai quấy, nó chỉ hại cho một người thôi, người ăn. Cái “ra” mà lạng quạng là nó hại người khác không kể xiết được. Nhiều khi đại chiến xảy ra cũng chỉ vì mấy cái xe không có thắng này.

– Làm sao có một cái thắng tốt thưa thầy?

– Thắng tốt cho Ý: tham thiền. Thiền định là con quán chiếu cái ý của con, từng giây phút. Bông hoa thơm con cũng hay mà như cứt bò con cũng biết. Tùy con, nếu con thấy cứt bò là thơm thì con cứ theo, chẳng ai cản con được cả. Làm sao con biết cái ý nào của con là cứt bò?

– Xin thầy chỉ dẫn. Nhiều khi con cũng khoái cứt bò. Ra chợ mua Cow manure về bón hoa, tốt đáo để.

– Cứt bò kiểu đó không sao cả. Cũng tốt thôi vì hoa của con nở, người khác cũng được thơm lây. Cái cứt bò “ý” là khi nào con thấy ai cũng là cứt bò hết thì chính con là cứt bò đấy. Con nhớ chuyện Tô Đông Pha và sư cụ tham thiền với nhau thầy kể con khi xưa?

– Làm sao thắng cái Khẩu (miệng) này, thưa thầy? Con đọc Chánh ngữ trong Bát chánh đạo dài dài mà sao lâu lâu con cũng còn nói mấy cái mà con không được hài lòng lắm…

– Chẳng hạn?

– Thưa thầy, nói láo thì con không còn nói láo được nữa rồi. Nhưng mà đôi khi trong một cuộc nói chuyện với nhiều bạn khác, khi có người nào đó nói về một vấn đề gì đó thì con cũng hào hứng chen vào với những mẩu chuyện tương tợ để kể cho cả nhóm nghe! Nghĩ lại mà mắc cỡ. Tại sao mình lại cũng “quơ đũa cả nắm” theo họ cho vui vậy nhỉ. Vui cái giống nhau. Vui mình cũng giống bạn mình, cùng nghề, cùng sở thích, cùng xã hội. Con cứ ngẫm nghĩ rồi mắc cỡ cho cái miệng hay nói theo của mình. Con thấy con không phải là con nữa. Một mình thì con là con mà vô một nhóm “phe ta” thì con lại mất con. Mất mình. Làm sao bỏ được tật nầy, thưa thầy?

– Giỏi, giỏi lắm, Vô Kỵ con. Con biết mắc cỡ sau khi con nói mấy cái đó là con giỏi lắm đó. Nhiều người khác không thấy, không biết mấy cái mắc cỡ đó và tiếp tục cái tật “nói theo” này suốt đời họ. Muốn còn đi lại với mấy người như vậy, con phải tập cái tâm con cho nó mạnh. Dĩ nhiên, con phải có một cái thắng thứ thiệt, đạp một cái là đứng lại, là dừng lại ngay. Dừng lời nói.

– Tập cái thắng? Cái thắng nầy tập được? – Vô Kỵ tò mò hỏi thầy.

– Dĩ nhiên, cái gì trên đời nầy cũng tập được hết. Không có ai sanh ra, 2 tuổi vừa mới biết đi đã biết cưỡi xe đạp 1 bánh, 2 tay cầm 8 cây dùi cui quăng lên trên trời mà không cây nào rơi xuống đất, miệng lại thổi kèn harmonica. Đó là tập thân. Tham thiền là tập ý. Tập nói là tập thắng.

– Xin thầy dạy con tập Nói.

– Có 3 người giữ cửa. Miệng của con có 3 anh chàng giữ cửa: 1) Có thật không? (Is that true?). 2) Có tử tế không? (Is that kind?) và 3) Có cần thiết không? (Is that necessary?)

Nếu sau khi duyệt xét 3 cửa đó mà thoát hết thì cái lưỡi của con nó nói được. Đó là Chánh ngữ.

Vô Kỵ con, có nhiều người cho rằng lời nói là một cái huyền diệu mà Thượng đế ban bố cho loài người. Con phải cẩn thận. Huyền diệu thì cũng có thật mà tai hại thì cũng không thiếu. Lời nói là một công cụ (tool). Nó có thể làm một vết thương lành lại mà nó cũng có thể làm cho người khác đau thêm. Mà con thì đã qua cái ngưỡng cửa không còn muốn làm cho bất cứ ai hay vật nào đau nữa. Do vậy cái Khẩu (miệng) xuất “ra” của con, con phải có một cái thắng thật tốt.

Khi mà thắng con tốt rồi, thì chạy nhanh, chạy chậm không thành vấn đề. Dĩ nhiên, chạy chậm dễ dừng, chạy nhanh phải thấy xa. Nghe thầy nói nãy giờ, con học được cái gì về lái xe?

– Thưa thầy, xe con có 3 cái thắng mà cái thắng con phải dùng nhiều nhất là cái thắng của Miệng (Khẩu): Đó là lời nói. Nói sao cho người vui, nói sao cho người thanh thoát.

– Đúng vậy Vô Kỵ. Để thầy kể cho con nghe chuyện Mẹ của thầy dạy thầy thế nào nhé. “Nầy con, hễ có nói thì nói Pháp. Còn không thì tốt nhất là đừng nói”.

HĐĐ.

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Phật học & Đời sống

Tựa CHỚ QUÊN MÌNH LÀ NƯỚC, Văn Công Tuấn

14/09/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Ghi chú:

Văn Công Tuấn ở bên trời Tây, tôi ở bên Đông, cách nhau ngàn vạn dặm, chưa có dịp gặp nhau nhưng tình đã thân quen vì cùng có chung những người bạn quý: Thầy Phước An ở Nha Trang, Nguyễn Hiền Đức gốc Hội An và Nguyễn Minh Tiến ở Sông Xoài dạo trước…

Một hôm, Văn Công Tuấn gởi về tôi một bản thảo và đề nghị viết cho anh đôi dòng như một cái “Tựa” gì đó… cho cuốn sách “Chớ quên mình là nước”. Và tôi đã đọc, đã nghe, đã thấy… bèn có đôi lời cho bạn xa xôi…

ĐHN 

 

Tựa “CHỚ QUÊN MÌNH LÀ NƯỚC”

 

 

Như những lời tâm sự

Văn Công Tuấn viết trong “Chớ quên mình là nước” như sau: “Những bài viết trong tập sách này chỉ là việc đi chắt mót, ngồi xâu chuỗi lại những suy tư và nỗi niềm để tâm sự cùng bạn đọc. Nó không phải là công trình khảo cứu cũng chẳng là tác phẩm văn học. Nó chỉ là một cõi lòng…”

Một cõi lòng. Chút “thốn tâm”. Chắt mót. Xâu chuỗi. Nhưng với tôi vô cùng thú vị và đầy những bài học. Có khi nói ra, có khi không nói ra. Là một cõi lòng nên ta hãy đọc từ một cõi lòng. Một cõi lòng không phân biệt.

Có khi là một câu thơ. Có khi là một khúc hát. Khi lại là một công thức. Một bản vẽ. Mấy con số ngoằn ngoèo… Hãy đọc. Ngẫm ngợi. Đôi khi công thức cũng là thơ, bản vẽ cũng là nhạc… Hãy để cho cõi lòng tự trôi chảy.

Trôi chảy như dòng sông cát hôm nay mà ngày xưa chính nơi này là dòng nước chảy xiết, nơi Gotama đã đặt bình bát với lời đại nguyện:

“… một buổi trưa nóng cháy ở Bodh Gaya lắng tai nghe lời anh bạn Ấn Độ kể: ‘Chỗ này là ngay giữa sông Ni Liên Thuyền, ngày xưa Sa môn Gotama đã thả bình bát và phát lên một lời đại nguyện, chỗ này nước chảy xiết lắm nhưng bình bát đã trôi ngược.’

“(…) Khi anh Naresh với tất cả lòng cung kính đặt bình bát xuống cát, nơi được xem như là giữa dòng sông lúc bình bát trôi ngược.

Tôi thì đã nằm dài dưới cát nóng cầm sẵn máy ảnh để chụp hình. Tôi muốn chụp tấm hình phía trước là bình bát mà đàng sau có phông nền là hình ngôi Tháp Đại Giác Bồ Đề. Chăm chú nhìn vào ống kính, tôi giật mình tưởng mắt mình đang hoa. Hay do vì buổi trưa nắng Ấn Độ mà cát lại nóng quá nên tôi bị lóa mắt? Tôi đẩy máy ảnh qua bên và nhìn kỹ bình bát. Tôi đã nhìn thấy. Vâng, tôi thấy bình bát chuyển động trong vòng gần một phút. Có thể nào do cát lún nên bình bát “rục rịch” như vậy? Hay là một cái rùng mình của đất trời?

Nhưng sao kéo dài cả phút. Trong tôi dấy lên một niềm rung động kỳ lạ. Naresh cũng thấy như tôi và đứng ngẩn người trố mắt nhìn. Có phải có bàn tay chư Thiên hay có con rắn chuyển mình làm bình bát chuyển mình trên cát?

“Không, tôi nghe rất rõ: “hồn nước” đang nhẹ nhàng luân chuyển dưới nguồn sâu trong lòng cát nóng buổi chiều Ấn Độ.

“Hai chúng tôi đứng yên lặng tại địa điểm lịch sử này rất lâu, mỗi người đắm chìm trong suy nghĩ của mình. Sau đó mới cùng nhau chậm rãi ôm bình bát đi về hướng cây Ajapala ở Tháp Đại Giác.

Chúng tôi thỉnh bình bát về khu vực tháp và kết thúc một chuyến đi: Ôm bình bát dõi theo bước chân Sa môn Gotama ngày xưa”…

Rồi từ câu chuyện của dòng sông nay đã trở thành sa mạc cát mênh mông, Văn Công Tuấn nói về chuyện môi trường, chuyện nylon, mủ nhựa…

“Xin cùng nhau bắt tay ngay cứu hành tinh của chúng ta, trước khi nỗ lực đi chiếm hữu Sao Hỏa hay Cung Trăng. Với lòng tham và tâm bất thiện thì dù con người có sở hữu mười Sao Hỏa, trăm Cung Trăng cũng không thấy đủ. Rồi rác cũng sẽ tràn ngập ở bên đó.

Mà đúng vậy, không phải nói chơi, NASA đã xác nhận, ngay bây giờ cũng đã thấy plastic trên Sao Hỏa rồi đó. Thật hết ý!”

Rồi ngẫm ngợi chuyện xưa chuyện nay, Văn Công Tuấn… tự nhắc mình với những bài học:

Cũng tại bát nước mà Tôn giả A Nan đã gặp gỡ Ma Đăng Già hôm đó. “Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có…” để rồi Phật phải vất vả một phen. “Tựu trung cũng từ một bát nước ấy mà sinh sự. Giả sử, hôm đó Tôn giả A Nan cũng đi khất thực như mọi ngày mà không khát nước thì đâu có chuyện gì xảy ra. Hoặc giả, nếu gặp người con gái không đa tình như Ma Đăng Già thì chỉ có vài mẩu đối thoại ngắn, rồi dâng nước, rồi uống nước là xong chuyện.”

Bài học là đừng có… khát nước!

Rồi chuyện của nhà bác học Alexander Fleming (1881-1955) ân nhân vĩ đại của nhân loại đã phát minh ra Peniciline đã tuyên bố tại Hàn Lâm Viện Y Khoa Anh Quốc: “Sao người ta cứ gán cho tôi cái công phát minh ra chất Peniciline. Không ai phát minh ra được chất Peniciline, vì tạo hóa đã sinh ra nó từ thuở nào đến giờ, nhờ một loại mốc… Tôi chỉ có công làm cho mọi người chú ý tới chất đó, và đặt cho nó cái tên, thế thôi.”

Phật cũng bảo Ta chẳng nói gì, Ta chẳng dạy ai điều chi, mọi thứ đã sẵn có đó thôi!

Rồi chuyện Nhà Nho và Phật giáo. Anh nhắc học giả Cao Huy Thuần kể chuyện nhà nho, nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn… ngày ngày đi chùa Trúc Lâm ở Paris vì rằng “Nho thì động mà Phật thì tịnh. Động rồi thì phải tịnh thôi.” Văn Công Tuấn kể chuyện cụ Phan Sào Nam, nhà Nho với “Khổng Học Đăng” sau này đã thường xuyên lui tới chùa và viết “Phật Học Đăng”. Cụ Sào Nam thường tìm đến chùa Tường Vân để hàn huyên, bàn chuyện văn thơ, chuyện thế sự và Phật pháp với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Hai con người uyên thâm Hán học ấy đã một thời là bạn tâm giao, chỉ khác: một người là Hòa Thượng, một người là Nho Sĩ.

Nước xuôi ra biển lại tuôn về nguồn.

***

“Chớ quên mình là nước”, Văn Công Tuấn ngậm ngùi sẽ đến lúc “dưới biển cá thôi bơi, trên trời chim hết lượn…” để rồi nhắc đến cái chết của dòng sông Cửu Long.

Anh nói, đọc cuốn ký sự Đi Dọc Dòng Sông Phật Giáo tự dưng thấy sao… nước mắt tự động chảy ra, không cầm được:

Bởi vì chiều buồn chiều về giòng sông

Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán

Hãy cất tiếng ca cho đời thêm buồn

Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo…

(Phạm Duy)

“Vậy một con rồng của Tiền Giang đã chết. Ở Hậu Giang thì hiện nay, cửa sông Ba Lai được thay thế bằng hệ thống cống đập ngăn mặn chặn vĩnh viễn dòng chảy…”

“Cửu Long bây giờ là 7 con rồng. Nói sao nghe khó lọt lỗ tai quá.

“Hèn chi chật chội. Hèn chi sinh sự!”

Rồi cảm thán:

“Có phải vì vậy mà người Khmer gọi Mê Kông là Dòng Sông Mẹ. Tiếng Miên chữ “Mê” là “mẹ” còn “Kông” là “sông”. Tại sao? Vì những chàng, những nàng có tên gọi “Buổi chiều Lục tỉnh” hay ham vui, hay dzô dzô ba xị đế, hay hò ơ dí dầu, hay đàn ca tài tử… Nhưng khi buồn quá thì những trò vui đó không khỏa lấp hết nỗi buồn, những chàng hay nàng “Chiều” mới tìm về với Cửu Long. Tâm sự với dòng sông. Yên lặng với dòng sông. Như chàng Tất Đạt của Hermann Hese đã về với dòng sông và lắng nghe dòng sông. Chỉ có dòng sông mới nghe, mới hiểu nổi buồn của Chiều”.

Để rồi kết:

“Nhớ da diết đám lục bình trôi trên sông Tiền, sông Hậu. Không biết giờ này chúng lưu lạc ở đâu?”

Phải. Như những phận người.

Chớ quên mình là nước.

 

Đỗ Hồng Ngọc

Saigon, tháng 6.2019

 

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Tuệ Sỹ: PHƯƠNG NÀO CÕI TỊNH (viết từ cảm hứng “Cõi Phật Đâu Xa” của ĐHN)

03/08/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

Thư Đỗ Hồng Ngọc kính gởi Thầy Tuệ Sỹ

Vườn Chuối, 21.7.2019

Mới thôi mà đã hơn 2 năm, từ ngày Thầy gởi tôi bài  PHƯƠNG NÀO CÕI TỊNH “viêt từ cảm hứng Cõi Phật Đâu Xa của Đỗ Hồng Ngọc” và bảo để in vào sách khi tái bản.

Vừa rồi, máy vi tính của tôi bị hỏng toàn bộ ổ cứng, mất hết các dữ liệu. May sao người cháu “cứu” được một ít trong đó giữ lại được bản này. Tôi đọc lại mà rưng rứt, nhớ Tết nào cùng Thân Trọng Minh đến thăm thầy ở Thư quán Hương Tích, trò chuyện thật vui, đặc biệt về vở “nhạc kịch Duy-ma-cật”  vốn đầy kịch tính, từ những nhân vật “phản diện” cho đến bối cảnh, với những cao trào có thể mang tính nghệ thuật cao, với vai “Người dẫn truyện” của Văn Thù, vai Thiên nữ tán hoa cùng tiếng đàn hát dìu dặt, thanh thoát…

Tôi hiểu từ lâu thầy đã ấp ủ “kịch bản” này đâu đó sẵn rồi. Thân Trọng Minh và tôi chỉ đóng góp thêm vài ba ý cho thêm phần “hấp dẫn”. Thầy biết đó, Thân Trọng Minh vốn là người viết kịch! Cao Huy Thuần bên trời Tây nghe được cũng hết lòng ủng hộ và nói sẵn sàng sắm một vai…

Tôi nay đã 80 tuổi, già nhanh rồi, mà vừa trải qua những ngày không vui vì mất hết dữ liệu trong ổ cứng máy tính. Nhờ người cháu tậu cho cái ổ cứng mới nên nay vội viết thư này xin phép thầy hoan hỉ cho phép tôi đưa bài “Phương nào cõi tịnh” lên dohongngoc.com. Đây là trang web của riêng tôi, chỉ nhằm lưu trữ bài vở, và cũng in ra giấy để giữ.

Vừa rồi tôi nóng ruột, đã thử phone thầy và nhắn tin xin phép, mới hay Thầy và cả thầy Hạnh Viên đều đang nhập thất mùa An Cư Kiết Hạ.

Tôi hoàn toàn đồng ý với thầy:

“trình độ ngôn ngữ và năng lực tư duy của chúng ta vốn hữu hạn, cho nên bằng con đường nghệ thuật mà đi vào ngõ đạo có thể tương đối dễ hơn”…

Mong Thầy hoan hỷ nhấp một chung trà lão Triệu, với nụ cười rất tuệ sỹ vậy nhe.

Thân kính,

Đỗ Hồng Ngọc.

Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh và Thầy Tuệ Sỹ (Thư quán Hương Tích).

………………………………………………………………………………..

 

 

PHƯƠNG NÀO CÕI TỊNH

Tuệ Sỹ

(viêt từ cảm hứng “Cõi Phật Đâu Xa” của Đỗ Hồng Ngọc)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ta hỏi kiến nơi nào Cõi Tịnh,

Ngoài hư không có dấu chim bay?

Từ tiếng gọi màu đêm đất khổ,

Thắp tâm tư thay ánh mặt trời.

 

Lần đầu tiên tôi tình cờ gặp bản dịch Duy-ma-cật sở thuyết của ngài Huệ Hưng; hành tung ly kỳ và chuổi lý luận của Duy-ma-cật khiến đọc say mê, nhiều đoạn học thuộc lòng. Có thể không “choáng ngợp” như anh Cao Huy Thuần vì trình dộ nhận thức của tôi bấy giờ chỉ là của một cậu bé 14 tuổi, không thể sâu sắc như  vị giáo sư trẻ tốt nghiệp Đại học Luật khoa Huế. Một chú tiểu tu chùa Việt nhưng học kinh điển theo hệ Theravāda với các Sư người Lào, do đó cực kỳ kính trọng các A-la-hán, và vì vậy không có cảm giác Duy-ma-cật đã có thể triệt hạ địa vị các Đại Thanh văn. Lớn lên chút nữa, qua nhiều năm học thêm nhiều kinh luận Đại thừa, đọc thêm các nhà luận giải Trung hoa chê bai tư tưởng các vị Thanh văn thấp kêm, tâm tư nhỏ hẹp, và kêt án khá nặng là “hạng tiêu nha bại chủng”, hủy diệt mọi thứ mầm non và hạt giống tốt của giác ngộ.

Cùng với sự phát triển của loại “khẩu đầu Thiền”, thuyết lý Thiền tông trên đầu môi chót lưỡi, phát sinh một lớp sư tăng “cuồng thiền”: thỏng tay vào chợ, thanh lâu, hý viện, đâu chẳng là thanh tịnh đạo tràng. Nhưng với sự huân tập từ hồi còn là tiểu nhóc, tôi chưa hề cảm thấy, mặc dầu với lý luận biện tài vô ngại, Duy-ma-cật đã lấn lướt vượt qua các vị Thanh văn như thế nào. Tuy nhiều vị luận giải Trung hoa quả có chế diễu ngài Xá-lợi-phất, và nhiều vị Đại Thanh văn khác nữa, như khi ngài hỏi Duy-ma-cật các Thánh giả sẽ ăn cơm ở đâu, sẽ ngồi chỗ nào; dù vậy, tôi vẫn cảm thấy trong đó có ẩn ngữ mình chưa hiểu.

Cho tới một lúc, lớn thêm chút nữa, giữa xã hội xô bồ đảo điên, tăng đồ như một cộng đồng ô hợp, riêng Phật riêng thầy, riêng tông môn pháp phái, bấy giờ bỗng xuất hiện những cư sỹ lão thành cự phách, mà trình độ thâm hiểu giáo lý không nhường các bậc trưởng lão trong sơn môn. Bên trong, hiểu và hành sâu xa nội điển; bên ngoài nhạy bén trước các biến cố đảo điên của xã hội; hiểu đạo sâu mà hiểu đời rộng, tài và trí ấy, hiểu và hành ấy, đã góp phần rất lớn trong những đoạn đường khơi lạc nguồn mạch tư duy.

Không chỉ một Duy-ma-cật, mà có rất nhiều Duy-ma-cật, khoác nhiều hành trạng khác nhau trong nhiều địa vị xã hội khác nhau, đã từng xuất hiện ở đây, sống giữa chúng ta. Họ lăn lóc trong bụi đời, nếm đủ thứ “mùi tục lụy” nhưng vẫn không ngừng vươn lên theo chiều cao của Đạo Pháp. Trong một thời đại mà không còn tìm thấy thấp thoáng bóng dáng của Duy-ma-cật, Phật pháp đạo lý có thể chỉ như món hàng trong siêu thị; có lúc chỉ như gánh hàng rong trên hè phố.

Duy-ma-cật là ai mà được ví von như thế? Một nhân vật nửa lịch sử, nửa huyền thoại. Nhân cách ấy là tập hợp tất cả phẩm tính để được gọi là “đích tử”, con chân thật, của các đấng Giác Ngộ. Mỗi nhân cách nổi lên trong một thời đại lịch sử riêng biệt, trong mỗi thời đại ấy là những nhân cách từ phẩm chất và phẩm trật trong từng xã hội cá biệt. Nhân cách ấy ẩn mình đơn độc trong rừng sâu, hoặc hiện diện giữa chợ đời huyên náo, mà không gian bao trùm bởi trực tâm và thâm tâm. Trực tâm, mà Huyền Trang gọi là “thuần ý lạc (āśaya)”, đó chính là ý chí hướng thượng, nhìn đời bằng con mắt yêu thương, định hướng cho cuộc đời của mình và cùng với tất cả cùng đi lên bằng tình yêu và trí tuệ. Từ trực tâm ấy, với ý chí quyết định, kiên trì mục đích, đó gọi là thâm tâm, cũng nói là tăng thượng ý lạc (adhy-āśaya). Đó là nhân vật mà ta có thể gặp đâu đó.

Bằng thuần ý lạc địa, từ cơ sở đó mà bảy bước phát khởi tâm bồ đề, khởi từ tình yêu thâm thiết đối với Mẹ thân sinh, vì sự an lạc của Mẹ mà phát nguyện hành bồ-đề. Rồi với tình Mẹ bao la mà tâm nguyện bồ-đề cũng theo đó mà rộng lớn lên, theo một đường thẳng như tấm lòng ngay thẳng. Từ tâm tư thuần ý lạc địa ấy mà kiên định chí hướng, in sâu trong tận cũng tâm khảm, trong thâm tâm.

Thế nhưng có thể chúng ta dễ bị choáng ngợp bởi những từ ngữ mang tính triết học, do đó mà thấy Duy-ma-cật là một nhân vật cao diệu, xa vời. Vậy, chúng ta bắt đầu từ diễn tả bằng ngôn ngữ đời thường, như Đỗ Hồng Ngọc viết trong Cõi Phật Đâu Xa: anh viêt Kinh dễ dàng và cũng rất thận trọng cân nhắc, y như bác sỹ viết toa thuốc:

“Lòng ngay thẳng – trực tâm – chính là sự bình đẳng, không phân biệt, không kỳ thị … Không kỳ thị, không phân biệt đối xử mới có lòng tôn trọng như Thường Bất Khinh, mới có lòng Từ bi, Thấu cảm như Quán Thế Âm, mới có lòng Chân thành để “ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng” như Dược Vương. Tôn trọng, chân thành, thấu cảm phải dựa trên điều kiện tiên quyết không phân biệt, là Bình đẳng. Đó chính là Bất nhị.”

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa cũng sợ; chúng ta lại gặp một từ ngữ triết học rắc rối hơn nữa: “bất nhị.” Đó là nguyên lý chỉ đạo cho tư duy và hành động của Duy-ma-cật, khi ông nói với ngài Xá-lợi-phất: “Hiện các oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) mà vẫn không xuất tưởng thọ diệt định, đó mới chính là tĩnh tọa.” Hoặc khi ông chào đón Bồ-tát Văn-thù đến thăm bệnh, và ở đó, trong “Cõi Phật Đâu Xa”,  ta cũng nghe rõ như lời bệnh nhân chào đón y sỹ: “Lành thay, Văn-thù mới đến! Tướng chẳng đến mà đến. Tướng chẳng thấy mà thấy.” Bệnh chứng, bệnh nguyên, tất cả các tướng ấy, chẳng đến mà đến, chẳng thấy mà thấy; bệnh nhân không tìm đến y sỹ, và y sỹ không đi đến bệnh nhân.

Trong đối thoại này, Duy-ma-cật cũng chào đón Văn-thù bằng ngôn ngữ thông thường: svāgatam: nghĩa đen được hiểu đã đến một cách khéo léo, tốt đẹp; đây là một từ chào hỏi tương đương chính xác với lời chào tiếng Anh: “Welcom!” Từ chào hỏi này liên hệ đến từ Tathāgata: Như Lai, mà Kinh Kim cang định nghĩa: “Như Lai, vị khéo đến, vì không từ đâu đến, cũng không đi đến đâu.”  Nó cũng liên hệ các từ  Phạn gata, āgata, anāgata: đã đi, đã đến, không đến, chưa đến, đó là những từ mà chúng ta đọc hằng ngày trong Tâm Kinh: gate gate paragate parasaṃgate bodhi svāha. Đến mà không đến, đi mà không đi, là thể tính Như Lai: Tathāgata: tathā gata/āgata. Các vị Thánh giả chào nhau bằng ngôn ngữ đời thường mà trong đó vẫn bao hàm thế giới siêu việt.

Nhưng, tư tưởng bất nhị là căn nguyên tư tưởng của một nhánh trong triết học Vedānta, tiếng Phạn nói là advaita-vāda, dịch theo ngôn ngữ triết học quen dùng ngày nay, đó là chủ thuyết lý “Nhất nguyên Tuyệt đối”. Đạt đến nhất nguyên tuyệt đối, là đạt đến giải thoát, bấy giờ Phạm-Ngã đồng nhất, Tiểu ngã và Đại Ngã hiệp thành nhất thể tuyệt đối. Nói cách khác, Linh hồn và Thượng đế là Nhất thể Tuyệt đối. Kinh Phật không nhận có Thật Ngã tồn tại, dó đó không thừa nhận thuyết Nhất nguyên tuyệt đối này.

Để khỏi phái bối rối, choáng ngợp trước những từ ngữ và lý luận biện chứng siêu nghiệm, từ nhất nguyên tuyệt đối của Phạm-Ngã nhất thể, cho đến “Như Lai đến mà không đến, đi mà không đi”, chúng ta cũng có thể bắt đầu với nhận thức đơn giản hơn từ dẫn giải bởi Đỗ Hồng Ngọc, hiểu theo cách y sỹ chẩn đoán bệnh:

“Ở tại nơi sanh tử mà chẳng làm việc ô trược, trụ nơi Niết-bàn mà chẳng diệt độ mãi; hành tánh không mà vẫn trồng các cội công đức; hành vô tướng mà vẫn độ chúng sanh; hành vô khởi mà khởi tất cả thiện hạnh…”

Đây là đoạn dẫn tóm tắt khi Duy-ma-cật nói với Văn-thù về sở hành cảnh giới của Bồ-tát, môi trường hành đạo và đối tượng quán sát của Bồ-tát; trong đó nói hành tánh không (śūnyatā-gocara), hành vô tướng (animitta-gocara), là hai trong ba giải thoát môn mà một vị Thanh văn lập làm đối tượng quán sát để chứng nghiệm Niết-bàn. Ba giải thoát này là Không, Vô tướng, Vô nguyện (apraṇihita), hay nói là  Vô tác theo La-thập.  Chưa thấy và chưa biết Niết-bàn là gì thì chớ vội nói sinh tử và Niết-bàn là một, không hai. Thế nhưng, đây là những lời người bệnh nói với người thăm bệnh. Bệnh hay vô bệnh, sinh tử hay Niết-bàn, đây và đó qua lại trong ba ngõ: người bệnh vốn không, hiện tượng bệnh cũng không, cho nên không có gì để nói hy vọng hay tuyết vọng.

Những điều như vậy cũng không phải dễ hiểu; do đó chúng ta nên nghe lời dẫn từ Cõi Phật Đâu xa:

“Bồ-tát luôn đứng giữa hai bờ…” và tại đây ông giới thiệu lời trong ca khúc của Trịnh Công Sơn: trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyêt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về. Nếu đưa thẳng vào tư duy triết học thì lời nhạc của Trịnh Công Sơn không liên hệ gì đến pháp môn bất nhị. Nhưng nó cũng khiến chúng ta nhớ đến câu chuyện một nhạc công của Thiên đế Indra thất tình với một thiên nữ, bèn tìm đến đức Phât, hát lên “bản tình ca dâng Phật”, với đoạn tả tình thắm thiết: “Tôi yêu nàng như A-la-hán yêu Chánh Pháp”. Có lẽ chẳng có ca từ mô tả tình yêu chung thủy nào chân tình hơn thế. Lời nhạc đã lạ lùng với đôi tai người đọc kinh Phật nghiêm túc, mà câu trả lời của Phât cũng thất lạ lùng khó hiểu: “Hay lắm, nhạc hòa hợp với lời, lời hòa hợp với nhạc; trong đó có ái dục mà cũng có Niết-bàn,” Ái dục là tình yêu hệ lụy sắc dục, và Niết-bàn là cảnh giới ly dục. Há lại có nghĩa, từ trong ái dục mà thấy Niết-bàn, từ Niết-bàn mà thấy rõ thể tính của ái dục? Đơn giản hơn, từ bùn lầy hôi thối mà tìm thấy hoa sen?

Rốt cục, cửa dẫn vào pháp bất nhị này là đâu, là cái gì?

Chuyện tình nhạc công của Thiên đế diễn thành kịch bản để nói những điều không thể nói, vì tính chẩt phản diện được cấu trúc trong đó. Cũng thế đó, người đọc Duy-ma-cật sở thuyết có thể dễ dàng nhận ra bản văn này được cấu trúc theo thể loại kịch. Trong kịch bản, tính phản diện của các nhân vật được sử dụng để diễn tả nội dung theo ý nghĩa muốn nói.

Trong đoạn dẫn của Đỗ Hống Ngọc nêu trên, chúng ta thấy Bồ-tát tu tâm như một Thánh giả Thanh văn xuất thế, nhưng hành đạo như một phàm phu trong sinh tử: trong bùn mà chằng hôi tanh mùi bùn. Đó là căn bản của tư duy bất nhị. Thánh nhân xuất thế, và phàm phu sinh tử, hai mặt phàn diện mà lại đồng nhất thể tính. Người đọc nếu không nhìn ra những cặp phản diện trong Sở thuyết này tất sẽ thấy Duy-cật-đã đã “lấn lướt” các Thánh giả Thanh văn, đã “dồn ví” các ngài vào ngõ bí.

Trong kịch bản Duy-ma-cật sở thuyết, người ta nghe được những đối đáp tương xứng giữa Văn-thù và Duy-ma-cật, nhưng đây không phải là cặp nhân vật phản diện; mà trong đây Văn-thù chính là vai người dẫn kịch. Không có người dẫn kịch thì khó có thể hiểu nội dung của kịch bản. Đây là cấu trúc cổ điển của kịch. Như trong khi Văn-thù nói và hỏi, Duy-ma-cật im lặng; nếu không có Văn-thù như là vị dẫn kịch, thì sự im lăng của Duy-ma-cật chẳng có ý nghĩa gì; do đó đây không phải là cặp đối đáp phản diện.

Thực ra, Duy-ma-cật xuất hiện trong nhiều lớp áo khác nhau, nên đồng thời thủ vai phản diện cho nhiều vị Thánh giả, từ các A-la-hán cho đến các Bồ-tát. Khi ngài Xá-lợi-phất tĩnh tọa trong rừng vắng, Duy-ma-cật xuất hiện với lý luận sắc bén khiến cho vị Đại Thanh văn này không còn lời đối đáp. Dễ chừng người ta chỉ thấy một Tôn giả Xá-lợi-phất trong rừng vắng nhập tưởng thọ diệt tận định, thân tâm bất động, có thể lưu thọ hành để giữ cho thân thể tồn tại không mục rã qua một đại kiếp, hằng triệu năm của mặt trời; ấy thế nhưng lại không thấy ngài ôm bát lang thang trong hang cùng ngõ hẻm với cái bụng đói. Nếu để thọ hưởng an lạc tịch tĩnh chính mình qua hằng nghìn năm cho đến khi thân ấy mục rã nếu muôn, thế thì cần gì phải ăn để mà sống. Vậy ôm bát đi khất thực vì lẽ gì?  Vì cơn đói sẽ hành hạ bản thân, hay vì để thức tỉnh thế gian đang trầm luân trong khổ lụy? Thế thì Duy-ma-cật đi vào đời để xây dựng cho đời an vui có cao quý hơn ngài Xá-lợi-phất ngồi trong tịch nhiên bất động? Phải chăng tượng Phật ngồi bất động trên bàn chẳng ích lợi gì cho ai, chẳng bằng sư trụ trì tụng kinh cầu siêu, cầu an cho bá tánh? Đấy là cặp phản diện làm hiện rõ bản chất của tồn tại.

Mặt khác, trong phong thái Thánh giả xuất trần Xá-lợi-phất lại xuất hiện trước một phản diện là cô thiên nữ cực kỳ diễm lệ. Với sắc đẹp vượt lên cả hàng thiên hương quốc sắc ây, với vũ điệu thiên nữ tán hoa kỳ ảo hơn cả vũ khúc nghê thường ấy, cũng rất dễ khiến cho Đường Mimh Hoàng mất ngôi mất nước. Nhưng sao nàng sống chung trong một căn phòng trống trải với lão cư sỹ Duy-ma-cật; rồi lại xuất hiện múa hát trước các Thánh nhân xuất thế, những vị mà tâm tư lắng đọng không hề gợn sóng dục tình; hiện diện với ý nghĩa gì? Đối đáp giữa thiên nữ và Xá-lợi-phất đã dẫn cặp phản diện ô nhiễm và thanh tịnh lên đến kịch tính gay cấn, khiến cho Xá-lợi-phất biến hình thành thiên nữ kiều diễm, và thiên nữ biến hình thành Thánh giả Xá-lợi-phất nghiêm trang.

Nhận diện được những cặp nhân vật phản diện trong Kinh thì cũng có thể bằng hình ảnh ấy mà chiêm nghiệm thế nào là ý nghĩa bất nhị, bằng cánh cửa nào để đi vào cảnh giới bất nhị ấy.

Thêm nữa, ngoài những nhân vật phản diện, cũng nên đi sâu vào những bối cảnh phản diện. Khu vườn xoài, sở hữu của kỹ nữ Am-la-bà-lị, nơi các vương tôn công tử buông mình thả trôi trong dục vọng, lại trở thành nơi tịnh tu của các Thanh văn xuất thế, trong ô nhiễm mà không ô nhiễm. Tư gia của Duy-ma-cật, nơi ông tiếp những chính khách đang lao mình trong đấu trường quyền lực, những thương gia đang cạnh tranh ráo riết trên thương trường, mhưng chỗ ấy lại cũng là nơi lai vãng của các Thánh giả xuất trần, Thanh văn và Bồ tát. Tư gia của trưởng giả Duy-ma-cật, khu vườn xoài của kỹ nữ Am-la-bà-lị: cặp phản diện của náo nhiệt và tịch tĩnh, của ô nhiễm và thanh tịnh.

Giữa thế giới Ta-bà và cõi Phật Chúng Hương, tòa sư tử và thành Tì-la-da, cái vô cùng lớn đến trong cái vô cùng nhỏ, và cái nhỏ đi vào trong cái lớn: đây cũng là cặp phản diện bối cảnh làm lộ rõ thể tính tồn tại của thế gian, vũ trụ. Bằng hình ảnh đó mà tập luyện cho tư duy vượt ngoài khuôn sáo ước lệ, vượt qua thế giới thường nghiệm để vươn lên cảnh giới siêu nghiệm, bất khả tư nghị.

Như thế, đọc Duy-ma-cật sở thuyết như đang xem một kịch bản, với những nhân vật và bối cảnh phản diện, với những biến cố mang đầy kịch tính, đó là cách tự huấn luyện và tự trang bị cho mình một công cụ định hướng tự duy để vươn lên chiều cao của giác ngộ.

Trong khi chúng tôi cùng tìm hiểu ý nghĩa phản diện và kịch tính trong Duy-ma-cật sở thuyết, hai ông bạn cư sỹ Đỗ Hồng Ngọc và Thân Trong Minh tỏ ra tâm đắc và cao hứng, cố ý muốn viết lại một kịch bản và dàn dựng sân khấu như thế nào đó để có thể hiểu rõ hơn điều mà Kinh muốn chỉ điểm; vì trình độ ngôn ngữ và năng lực tư duy của chúng ta vốn hữu hạn, cho nên bằng con đường nghệ thuật mà đi vào ngõ đạo có thể tương đối dễ hơn.

Hy vọng các bạn cư sỹ thành tựu như ý. Riêng tôi, trở về thảo am thơ thẩn, gởi lại hai bạn cư sỹ hai câu thơ:

Nhà tranh mái cũ quen chừng,

Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn.

 

Thị ngạn am, tiết Lập xuân, Đinh dậu

Tuệ Sỹ

(3.2017)

 

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay, Nghĩ từ trái tim

Thư gởi bạn xa xôi: Về Phan Thiết

21/06/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi

Về Phan Thiết

(tặng Trần Vấn Lệ)

Mình vừa định kể chuyện mấy lần về Phan Thiết gần đây cho bạn nghe thì Trần Vấn Lệ đã có thư hỏi “Có về Phan Thiết không? Có nhớ không…?”. Cho nên thư này, như viết riêng cho Trần Vấn Lệ, thiệt ra cũng là cho Phan Đổng Lý, Phan Bá Thụy Dương… cùng những bạn bè xa xôi khác!

Về Phan Thiết, lần nào đi ngang núi Tà Cú, dãy Ba Hòn, lang thang bên bờ sông Cà Ty (sông Mương Mán) … mình không thể không nhớ Hoài Khanh, nhà thơ xứ mình. Nhất là khi đi ngang Ba Hòn mình thường nhẩm câu thơ của Hoài Khanh “Người đi để dãy Ba Hòn chơ vơ” và cái Bưng Cò Ke ở ngay dưới chân dãy núi đó . Thế nhưng, nhớ lần ghé thăm anh ở Biên Hòa, anh đính chánh “Người đi nhớ dãy Ba Hòn trơ vơ” chứ!   …

Cái xứ mình lạ, cứ Tà Dôn, Tà Cú, Tà Đặng, Tà Mon, Tà Lài… cứ La Gàn, La Ngâu, LaGi, La Ngà…
Hoài Khanh sinh ra và lớn lên ở Đức Nghĩa, Phan Thiết. Nhà anh cách chỗ mình ở không xa. Anh lứa lớn, đã phiêu bạt… giang hồ tự thuở nào, lúc mình còn cắp sách đến trường tiểu học bên bờ sông Cà Ty! Anh vào Saigon, làm thơ, làm báo và một mình dựng nên Nhà xuất bản Ca Dao nổi tiếng một thời. Và thơ Hoài Khanh thì thời tụi mình không ai không thuộc ít nhiều. Trong bài thơ Đức Nghĩa, Hoài Khanh viết:

Biển mang niềm nhớ đi hoang
Gió Trường Sơn luyến mây ngàn Tà Dôn
Ôi sương Núi Cú lạnh hồn
Người đi nhớ dẫy Ba Hòn trơ vơ
Cành dương cát trắng hững hờ
Nhìn nhau thuở ấy bây giờ nhớ nhau.

Hoài Khanh

Vậy đó. Nói tới Phan Thiết là vậy đó. Biển. Cát trắng. Đồi dương. Mây ngàn. Tà Dôn. Tà Cú. Ba Hòn…

Gởi bạn mấy tấm hình để nhớ. Viết, mình làm biếng quá rồi bạn ơi!

một bức phù điêu để nhớ

Biển Phan Thiết (Ngãnh, Lagi)

Và mùa hè đến…

 

 

 

 

 

 

 

Lần nào về ngang Lagi mình cũng ghé Đập Đá Dựng làm một ly Càphê. Hồi nhỏ, thì đi xe đạp cùng bạn bè băng qua các láng tranh cao quá đầu, vèo đến Đá Dựng, lúc còn những tảng đá cao ngất (khi chưa xây đập), dựng xe, nhảy ùm xuống nước. Khi xây đập thì thấy giữa dòng sông có dựng một ngôi thủy tạ (nhà một cột) khá hùng vĩ, về sau có lẽ đã đổ ụp xuống lòng sông.

Nay dọc biển đã có những resorts… khá đẹp

và Núi Tà Cú cũng đã có cáp treo;

Bãi biển Đồi dương nhìn qua Lầu Ông Hoàng…

 

Và không gì tốt hơn, ngồi đây, dưới bóng dừa bên bờ biển đọc một vài trang sách… với một trái dừa ba nhát… quen thuộc.

 

 

 

Từ đó, không thể không ra Mũi Né…

Đừng quên ăn một chén chè đậu hủ nóng bên bờ biển, chỗ Đá Ông Địa.

Thuyền thúng về bày hải sản bán ngay tại bãi Đá Ông Địa…

Đá Ông Địa… xưa là một nơi nổi tiếng linh thiêng trên đường đi Mũi Né; cũng là bãi tắm đẹp, nơi du ngoạn, chỗ cắm trại của học sinh và những bạn trẻ ngày nào…

Đá Ông Địa ngày nay chỉ còn một ngôi miếu thờ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hẹn bạn thư sau.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

Filed Under: Ghi chép lang thang, Gì đẹp bằng sen?, Vài đoạn hồi ký

Ca sĩ Lâm Dung với “Bông hồng cho Mẹ”

17/06/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Ca sĩ Lâm Dung với “Bông hồng cho Mẹ”

Tôi vừa nhận được youtube này từ Ca sĩ Lâm Dung. Cô Lâm Dung đã trình bày đầy cảm xúc và trang trọng bài Bông Hồng Cho Mẹ của nhạc sĩ Võ Tá Hân (phổ thơ Đỗ Hồng Ngọc) trong buổi Sinh hoạt Văn nghệ tại Viện Việt-Học, thứ bảy 8.6.2019 vừa qua.

Chân thành cảm ơn ca sĩ Lâm Dung, nhạc sĩ Võ Tá Hân và cô MC (chưa được biết tên) là người đã có lời giới thiệu đầy xúc động…

Xin được chia sẻ nơi đây cùng bè bạn.

Trân trọng,

Đỗ Hồng Ngọc.

(Anh Võ Tá Hân vừa cho biết cô MC tên là Giáng Tuyết. Lần nữa, xin cảm ơn Giáng Tuyết). 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Phật Đản (PL 2563): Về thăm đất Phật, Nepal

17/05/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Phật Đản (PL 2563)

Đỗ Hồng Ngọc

Ghi chú: Bài viết này đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 321 ngày 15.5.2019. Nhân dịp Phật Đản 15.4 Kỷ Hợi (PL 2563), xin được chia sẻ lại nơi đây (thêm vài hình ảnh riêng).

Trân trọng,

ĐHN.

 

Trong buổi kể chuyện và trình chiếu một số hình ảnh về chuyến về thăm đất Phật Nepal, Lâm-tì-ni của tôi cho nhóm bạn trong Chương trình Phật học và Đời sống ở Chùa Xá-Lợi, có một bạn trẻ đặt câu hỏi: Bác có thấy “động tâm” không khi được đến Lâm-tì-ni nơi Phật đản sanh và bác có ý định đi thăm tiếp 3 nơi nữa cho đủ “Tứ động tâm” không? Tôi trả lời là với Đức Phật lịch sử thì lúc nào tôi cũng thấy “động tâm” và ở đâu tôi cũng thấy “động tâm” cả, không nhất thiết phải đến tận Lâm-ti-ni hay đi cho đủ 4 thánh tích…

Cả chục năm nay chưa hề đi đâu xa khỏi nhà…, thế mà một ông già 80 tuổi là tôi,  bỗng nhiên bay vèo đến Himalaya (Hi-mã-lạp-sơn) ngắm núi tuyết rồi kêu lên núi tưởng là mây, mây tưởng là núi…  Thế giới có 10 đỉnh núi cao nhất thì Nepal đã có đến 8, kể cả Everest, 8848m. Chỗ tôi trú nằm trong rặng Himalaya nhưng chỉ cao hơn 2500m thôi, nghĩa là lùn tẹt, so với Everest nhưng cũng còn cao hơn Đà Lạt mình cả ngàn thước! Vậy mà đã lạnh buốt đầu tháng 3 này. Đêm 7-8 độ C, ngày 13-14 độ C. May mà có cái máy… sưởi. Đồi núi trùng trùng điệp điệp. Không khí đã nghe loãng. Thở nhẹ như bay bay.

(Một góc Nepal, Hymalaya, ảnh ĐHN 3.2019)

Chuyến đi Nepal này khá bất ngờ với tôi. Năm ngoái, hai vợ chồng bác sĩ Thủy – học trò cũ của tôi và là đệ tử của thầy Huyền Diệu – ở Úc mời thầy đi Nepal một chuyến cho biết “vì thầy là con Phật, phải về thăm xứ Phật một lần”. Rồi có thư mời của thầy Huyền Diệu nữa, nhưng tôi vẫn lần lữa mãi không đi, vì sợ lạnh, sợ độ cao, “sức khỏe không cho phép”! Lần này Thủy nói có Ba Má em đi nữa, mà ông bà đều lớn tuổi hơn thầy. Ừ, thì đi.

Phi trường Kathmandu, thủ đô Nepal là một Mandala giữa thung lũng bao bọc bởi núi là núi. Bụi khói mịt mù. Xe cộ nhớn nhác- vì lái bên trái- làm cứ giật mình đánh thót. Người Nepal lắc đầu là OK. Gật đầu là từ chối. Chủ nhật là ngày làm việc. Thứ hai mới là ngày nghỉ. Giao dịch, ăn uống bằng tay phải. Tay trái để…. vệ sinh. Đàn ông có uy tín lớn trong nhà. Ban ngày đi làm gì không biết, nhưng chiều về, vợ mang nước rửa chân cho… Giữa phố thị có khu vực… dành làm nơi thiêu xác lộ thiên. Có nhiều tiếng quạ quang quác. Nepal có 26 triệu dân, gồm 100 dân tộc và 123 ngôn ngữ, ngôn ngữ chính là Nepali. Đồng tiền là Rupee. Một USD bằng hơn trăm rupee. Năm 2015 Nepal bị một trận động đất chết đến 8000 người, bị thương 20.000 và hằng trăm ngàn ngôi nhà bị chôn vùi. Khu vực tôi đến ở – Himalayan Happiness Resort- thuộc vùng Dhulikhel, cách Kathmandu hơn 36 km, nhưng có khi phải đi 2 tiếng đồng hồ mới tới vì kẹt xe và đường đèo núi.  Nơi đây chỉ còn cách Tây Tạng ba chục cây số! Thầy Huyền Diệu (HD) đã đợi sẵn. Thầy nói thầy đã đi 27 tiếng đồng hồ bằng xe bus từ Bồ Đề đạo tràng (Bodh Gaya) về đây chờ mọi người. Chưa chi đã thử sức leo gần hai trăm bậc thang để về phòng nghỉ. Mình được ưu tiên ở một phòng… đẹp nhất, để nhìn quang cảnh thung lũng và núi tuyết của Himalaya xa xa.

Khí hậu, độ cao, với không khí khá loãng nhưng thấy dễ chịu, có lẽ nhờ khung cảnh trời đất bao la quá đẹp. Sáng sớm, mở màn cửa ra thì ôi chao, một cảnh sắc tuyệt vời, mê mẩn. Mặt trời sắp ló dạng, tươm một màu tim tím rồi vàng hườm rồi hồng đượm… ở chân trời, cắt từng nét bởi đồi núi chập chùng và những ngọn cây chới với… Đã có tiếng thầy HD đến tận phòng thăm hỏi và mời đi uống trà, cafe sáng, ngắm… mặt trời lên!

Về tuổi đời thầy HD còn ít hơn tôi đến 6 tuổi, trông… đẹp trai, cao ráo, năng động, tháo vát, rất nhiệt tâm và có đường lối tu tập riêng, gọi là “mật pháp” với những “mầu nhiệm” “phép lạ” dựa trên kinh Pháp Hoa… “nhất tự nhất bái”! Kinh Pháp Hoa không lạ với tôi, vì đã nhiều năm nghiền ngẫm và viết cuốn “Ngàn cánh sen xanh biếc” nhưng cách thực hành của thầy HD thì tôi thấy cần phải tìm hiểu và lý giải thêm.

Buổi tối, đáp lại câu hỏi của thầy, tôi trình bày nền Y học hiện đại đang gặp những khó khăn gì, tại sao có khuynh hướng tiến về một thứ Y học toàn diện (Holistic Medicine) – mà hai bác sĩ Diệu Thủy, Minh Sơn đang theo đuổi- về các thứ bệnh thời đại S.A.D (Stress, Anxiety, Depression) phải trị liệu với Thiền học, rồi gần đây, “21 Bài học cho Thế kỷ 21” của Yuval Noah Harari nêu hai vấn đề nổi cộm: Công nghệ sinh học và AI (Artificial Intelligence, trí thông minh nhân tạo). Phải chăng, rồi đây công nghệ sinh học sẽ tạo ra phần “sắc”, còn AI sẽ tạo ra “thọ, tưởng, hành, thức” để rồi sẽ có một chủng loại người với “ngũ uẩn” mới?

Sáng hôm sau, tôi đề nghị cho đi thăm làng, thăm “dân cho biết sự tình”, bởi cái máu làm Sức khỏe cộng đồng, Y tế công cộng trong tôi vẫn còn nặng lắm. Vui quá, Liz (Trúc), con của bác sĩ Thủy là người đang làm việc trong lãnh vực này. Tiếng Việt cháu không rành lắm, lại sống với người chồng Ấn độ (sanh tại Úc) nên tôi có dịp… ôn tiếng Anh lõm bõm của mình. Nào Community Diagnosis (Chẩn đoán cộng đồng); Community Involvement (tham gia cộng đồng), nào Intersectoral Cooperation (phối hợp liên ngành), nào Appropriate Technology (kỹ thuật học thích hợp)… ! Rồi đến thăm một gia đình theo đạo Phật, tiếp xúc với Hiệu trưởng một trường Tiểu học để chuẩn bị cho buổi khám sức khỏe cho bà con ngày hôm sau.

***

Từ Kathmandu đến Lumbini (Lâm-tì-ni) chỉ dài 320km mà đường bộ đi mất khoảng 16-20 tiếng đồng hồ. Đường đèo núi xuyên Himalaya rất khó đi. Buổi sáng đoàn rời Dhunlikhel để về Lumbini (Lâm-tì-ni). Mọi người cầu nguyện và đọc kinh suốt một đoạn đường. Đây là quãng đường đèo nguy hiểm nhất.

Đoàn nghỉ một đêm ở Bandipur, một điểm du lịch nổi tiếng, trên con đường Tơ Lụa ngày xưa từ thế kỷ XIV, vẫn còn dấu tích những căn nhà cổ, bằng đất và đá. Khung cảnh rất đẹp. Một khu phố cổ … nhà nghỉ, cửa hàng và khá nhiều du khách phương Tây đang thưởng thức cảnh thanh nhàn. Trưa hôm sau, đoàn rời Bandipur để về Lumbini. Tôi thử đếm có bao nhiêu đoạn quanh cùi chỏ khi xe lên xuống ngọn núi này (không kể những đoạn quanh không gắt). Trời ạ, 67 khúc quanh “cùi chỏ”! Hèn chi mà người ta nói đi đoạn đường này người chưa quen chỉ có việc… tụng kinh và nhắm mắt!

Đến Lumbini đã khá chiều. Việt Nam Phật quốc tự đây rồi. Hai con hạc vung cánh như múa và quang quác kêu lên mừng rỡ. Trời vẫn còn lạnh, nhất là về đêm, 12-13 độ C.  Muốn tắm phải xách nước nóng từ nhà bếp lên lầu, khá xa. Đã ba ngày không tắm rồi. Tôi nói với sư chú MN ở chùa như một lời… xin lỗi thì chú nói ở đây bảy ngày không tắm là thường đó bác ạ.  Các bữa cơm self-service, chay trường, rất ngon. Đêm ngủ khá nhiều muỗi. Thỉnh thoảng nghe tiếng chó sói (?) tru.

Có điều đến Việt Nam Phật quốc tự ở Lâm-ti-ni thấy như đã về đến nhà mình rồi vậy! Cũng lũy tre, ruộng lúa, bờ ao, ngọn cỏ, cũng vườn rau, cây cầu… Mái chùa cong vút trong nắng chiều. Cổng chùa thân quen quá… Tôi nghĩ phải cảm ơn thầy Huyền Diệu thôi. Đã dựng nên một ngôi chùa Việt rất sớm nơi đất Phật đản sanh, Lâm-tì-ni này vậy. Việt Nam phật quốc tự khởi công từ 1993, hoàn thành 2005. Lần lượt nhiều ngôi chùa của các quốc gia khác đã được dựng nên. Chùa Nepal, chùa Tây Tạng, chùa Trung quốc, chùa Thái, chùa Myanmar… và cả một số nước Tây phương như Đức, Thụy sĩ, Áo… Đặc biệt ngôi Tháp Hòa bình, chùa Nhật có vẻ bề thế nhất vì nối trực diện với khu thánh tích.

***

Hoàng hậu Mayadevi hôm đó vội vã lên đường về kinh đô Ka-tì-la-vệ (Kapilavastu) để kịp sanh hoàng tử nhưng vừa đến Lâm-ti-ni thì cơn đau đã rột, không thể cất bước được nữa. Ở đó đã có ao nước mát, đã có cây Bồ đề tỏa bóng râm. Trong đoàn tháp tùng Hoàng hậu hôm đó đã có các cô mụ, các ngự y. Khi Hoàng hậu vin cành Bồ đề ráng rặn sanh thì không còn kịp nữa. Người ta đã phải giúp Bà sanh bằng Cesarien. Và vì thời đó kỹ thuật vô trùng chưa tốt, Hoàng hậu đã bị nhiễm trùng hậu sản mà chết. Phật đã là một con người. Đã sanh ra. Đã khổ đau. Đã hạnh phúc. Và đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, từ bỏ vương quyền để một mình lang thang vào rừng sâu, sống đời khổ hạnh, mong tìm con đường giải thoát cho mình và cho chúng sanh. Suốt 6 năm vất vưỡng trong rừng sâu, ngày ăn một hạt mè, đêm ngủ trong nghĩa địa hay trên cành cây, người chỉ còn xương bọc da, sờ tay vào bụng thì đụng ngay đốt sống thắt lưng, đầu óc bắt đầu choáng váng, tù mù… (Narada, Đức Phật và Phật pháp), may sao nhờ chén sữa của cô gái Sujata mà tỉnh lại, nhận rõ lối tu khổ hạnh, hành xác là sai lầm, quyết tâm đi vào con đường trung đạo để rồi giác ngộ sau 49 ngày thiền định dưới cội Bồ đề . “Thiên thượng thiên ha, duy ngã độc tôn” chỉ có nghĩa là chính Ta chớ không phải ai khác, chính ta mới có thể làm khổ ta, chính ta mới có thể làm ta an lạc, hạnh phúc. Phải quay về nương tựa chính mình thôi. Thấy biết vô thường, khổ, không, vô ngã, thực tướng vô tướng… mà vượt thoát sanh tử. Ơ hay, thì ra tất cả mọi người đều sẵn có Phật tính, không phải tìm kiếm đâu xa. Chỉ vì vô minh che khuất. Chỉ vì tham sân si, mạn nghi tà kiến… che khuất. “Vô trí diệc vô đắc”. Ta chưa từng nói một câu nào cả. Chưa từng dạy cho ai điều gì cả. Phật bảo vậy. Vẫn duyên khởi duyên sinh đó thôi.

Lâm-tì-ni rộng 774 ha. Ngang 1,8km. Dài 4,8km. Do một Kiến trúc sư nổi tiếng của Nhật là Kenzo Tange nghiên cứu thiết kế tổng thể suốt 8 năm, từ 1970 đến 1978. Theo đó, Lâm-tì-ni có 3 khu vực: khu Làng mới Lâm-tì-ni, khu Tự viện và khu Vườn thiêng, thánh địa, với nhiều di tích: Trụ đá của Vua A-dục (Ashoka), đền thờ Hoàng Hậu Mayadevi, Ao nước, Cây Bồ đề. Năm 249 TCN, Vua Ashoka đã tìm ra đúng nơi Phật đản sanh và dựng Trụ đá làm dấu tích, ghi rõ dòng chữ Pali vẫn còn đó. Huyền Trang (602-664) đi thỉnh kinh có ghé qua đây. Nhưng rồi Lâm-tì-ni rơi vào quên lãng, mãi đến năm 1896 mới được hai nhà khảo cổ người Đức là Futher và Bhuler tìm được trụ đá của vua A Dục và công bố. Ngày nay Lâm-tì-ni đã được Unesco công nhận là Di tích Văn hóa Thế giới và được trùng tu ngày càng trang nghiêm, hùng vĩ. Các vị Tổng Thư ký Liên hợp quốc từ U Than đến Ban Ki-moon đều đã đến thăm viếng Lâm-tì-ni.

Con kênh đào thẳng tắp chạy từ Tháp Hòa bình (Chùa Nhật) đến trụ đá của vua Ashoka đã thấy có thuyền máy xình xịch đưa khách hành hương. Mình đề nghị nên mang vài cái thuyền thúng (ở Phan Thiết rất đẹp) về đây sẽ thu hút du khách vì sự độc đáo. Hoặc ít ra, nơi đây cũng nên có những chiếc  “thuyền nan nhẹ lướt” chèo tay như ở Suối Yến chùa Hương!

 

 

Nhiều nhóm Tu sĩ và Phật tử thập phương đang chiêm bái Vườn thiêng Lâm-tì-ni quanh Cột đá Vua Ashoka. Họ đọc kinh, tụng niệm vô cùng thành kính.  Nhóm nhiễu quanh trụ đá, nhóm kinh hành quanh hồ nước thiêng, nhóm tụ tập dưới táng cây Bồ đề… Mọi người lần lượt xếp hàng vào viếng đền Mayadevi (cấm chụp hình).  Tôi vẫn lang thang một mình, quan sát, dòm ngó, ngơ ngác… Thực lòng, chỉ thấy một sự… náo nhiệt mà chưa thấy “động tâm” chi. Chỉ đến khi bắt gặp một chiếc lá bồ đề rơi lẻ loi trên đụn gạch xưa cũ vốn là những nấm mồ vài ngàn năm trước của các đệ tử Phật mới thấy xúc động!

Ngay buổi chiều đó, đoàn đi thăm Kapilavastu (Ca-tì-la-vệ) cách đó khoảng 30 cây số. Đường xấu, đang sửa chữa, bụi khói mù mịt. Thỉnh thoảng thấy một vài cánh đồng… khô khốc…  mùa nóng sắp tới, ở đây 49-50 độ C là bình thường!

Đây rồi. Ca-tì-la-vệ. Kinh thành trù phú ngày xưa của Tịnh Phạn Vương, dòng dõi Sakya uy dũng, phụ vương của thái tử Tất Đạt Đa. Bây giờ chỉ còn là một khu vườn hoang vắng, trơ trụi dưới nắng hanh. Quanh co là những cổ thụ sừng sững, dáng uy nghi đường bệ… Có cái gì đó nhói lòng nơi đây. Chính là một sự “động tâm” rất lớn của riêng tôi. Chính nơi đây, thái tử Tất Đạt Đa đã nhận ra nỗi khổ đau của kiếp người … Chính nơi đây, thái tử Tất Đạt Đa đã vượt rào thoát ra khỏi cổng thành giữa đêm khuya, từ biệt vương quyền, từ biệt phú quý vinh hoa… quyết tâm tìm “đạo sáng cứu chúng sanh”… Phải, chính nơi đây, tôi mới bắt gặp sự “động tâm” thực sự trong không khí yên ắng của buổi trưa hè ngay trên đất Phật. Chỉ còn những đống gạch. Này là chỗ ăn chỗ ở, này là giếng nước, ao sen…Tôi cứ lang thang và lắng nghe một mình. Nhặt một cánh hoa lửa. Đặt vào lòng bàn tay. Nhìn gốc cổ thụ có hình dáng như một apsara đang múa hát…

(Ca-tì-la-vệ, ảnh ĐHN)

Chỗ cổng thành thái tử Tất Đạt Đa đã “trốn” đi, hiện chỉ còn hai cây cổ thụ. Bên ngoài còn có gò mộ của con ngựa đã đưa thái tử đi quanh thành, nhất định không chịu về lại chuồng cũ.

Từ thành Ca-tỳ-la-vệ về, đoàn ghé thăm Kundan nơi Phật khi thành đạo đã trở về thăm Vua cha và độ cho Vua cha, hoàng hậu cùng vợ con. Lúc này La-hầu-la đã lên 7 tuổi và xin xuất gia theo Phật. Hiện vẫn còn các ngôi tháp mộ của Vua Tịnh Phạn và hoàng hậu.

Buổi tối đó, như đã hứa, tôi nêu vấn đề thảo luận về pháp hành của thầy Huyền Diệu là lạy từng chữ Kinh Pháp Hoa như một “mật pháp” .

Dịp này tôi trình bày với thầy HD và các đệ tử về kinh Pháp Hoa dưới góc nhìn khác. Tôi nói kinh có nhiều ẩn dụ, ẩn nghĩa cần được hiểu. Pháp Hoa là kinh tối thượng thừa vì là Phật thừa, không còn chia chẽ gì nữa, nhằm “khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”. Kinh dạy các hạnh bồ tát như Tôn trọng (Thường Bất Khinh), Chân thành (Dược Vương), Thấu cảm (Quán Thế Âm) và những bài học tuyệt vời khác để thấy Thực tướng Vô tướng, thấy Pháp thân Như Lai, mà nếu học được thì đã có một đời sống an lạc, tự tại, đem lại hạnh phúc cho mình cho người trong bất cứ thời đại nào, xã hội nào… Thầy HD nói bác sĩ là nhà khoa học, nhưng cũng cần thấy phần tín ngưỡng “mật pháp” rất huyền bí…

Lý giải về hiệu quả của pháp hành lạy từng chữ  hoặc đơn thuần chỉ niệm tên kinh Pháp Hoa, thì một khi có Tín tâm cao độ sẽ có Niệm rồi dẫn tới Định, Huệ (Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ). Ở góc độ sinh học thì khi lạy (đúng cách) một lúc, cơ thể sẽ tiết ra endorphine, một thứ morphine nội sinh cho cảm giác sảng khoái, dễ chịu; và một khi liên tục niệm một câu, một chữ nào đó (trong Kinh) thì  tạp niệm không thể xen vào vỏ não, nhờ đó mà dễ “nhất tâm bất loạn”… Cuối buổi trao đổi, một đệ tử của thầy HD nói cảm ơn anh Ngọc, bây giờ thì em đã được mở rộng tầm nhìn khi học và hành kinh Pháp Hoa!

Đã đến lúc phải chia tay Lumbini rồi! Chuyền về này tôi và nhóm bạn trẻ được đi máy bay! Thiệt là thú vị. Biết thế nào là cái sân bay tí xíu của Lâm-tì-ni, với một vài chuyến bay mỗi ngày, chỉ chở được vài chục người mỗi chuyến và luôn trễ vài tiếng đồng hồ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng ai cũng nói đi máy bay thì sướng lắm vì chỉ bay 30 phút là tới Kathmandu, không phải mất cả ngày đường vất vả như đi đường bộ. Phi trường Lumbini hình như đang được sửa chữa, nâng cấp vì ngày càng có nhiều đoàn hành hương về đất Phật. May mắn, máy bay hôm nay đúng giờ và chuyến ATR 72 này khá to, lịch sự, chở đến 60-70 người.

Đến phi trường Kathmandu đã thấy có chú MĐ đón và hướng dẫn về nhà nghỉ ở Boudhanath.  Thời gian không nhiều vì trưa mai đã phải rời Kathmandu nên mọi người vội vả đi tham quan Đại bảo tháp Boudhanath nổi tiếng nơi đây.

Đây là một đại bảo tháp lớn nhất thế giới, nổi tiếng linh thiêng, không rõ có từ bao giờ, ngoài những truyền thuyết huyền bí, gốc gác từ Đức Liên Hoa Sanh Tây Tạng… Thấy có rất nhiều tu sĩ người Tây Tạng nơi đây. Tiếng đọc kinh rì rầm khắp nơi. Và du khách đông nghẹt, cả ngàn người đi nhiễu quanh bảo tháp. Đại bảo tháp chứa Pháp thân của Phật Thích Ca. Chiều cao 30m và đường kính 100m. Quanh tháp, tầng đất rất nhiều chỗ để cầu nguyện, và nhiều người khấn vái, xoay bánh xe kinh luân… Bốn mặt tháp đều có vẽ thật lớn 2 mắt Phật, chính giữa là con mắt thứ ba, mắt Tuệ và dưới 2 mắt là một dấu hiệu như một dấu hỏi, mang nhều ý nghĩa. Người người đi rất nhanh quanh tháp 9 vòng. Hàng quán bán đồ lưu niệm san sát, tạo thành một khu phố sầm uất, vòng tròn quanh chân tháp báu. Nhiều quán cafe tuyệt đẹp trên Terrace để vừa nhìn Tháp vừa nhìn Núi tuyết. Thường người bán ở đây nói thách khá cao. Phải trả giá rất kỹ… Mình thì quá quen Chợ Bến Thành xưa rồi, không có việc gì… khó, chỉ sợ “lòng không bền”. Tội nghiệp cho cô bé Liz, sống và lớn lên ở Úc, có biết gì là nói “thách, rồi “cò kè bớt một thêm hai” đâu! Lần đầu tiên cô thử… trả giá và mua được một món hàng nên thích quá! Cô kêu lên, con mua được rồi Thầy, vui quá ha! Nhưng có lẽ cô đã mua… hớ! Dù sao, nói thách, trả giá, cò kè… làm cho cả người bán lẫn người mua đều vui! Hoan hô nói thách!

Một chuyến đi còn đọng rất nhiều kỷ niệm.

Đỗ Hồng Ngọc

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

“VỀ THU XẾP LẠI…” với Gia đình Hoa sen Đà Lạt

29/04/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

“VỀ THU XẾP LẠI…” với Gia đình Hoa sen Đà Lạt

Thảo Nhiên

 

Đỗ Hồng Ngọc cùng Gia đình Hoa Sen và các thân hữu. (Đà Lạt 31.3.2019)

 

“ Chút nắng vàng giờ đây cũng vội..” có lẽ, ngày không dài như mình nghĩ                                   , nên nắng vội chăng? Chút nắng chiều rồi sẽ tắt ? Vâng, hẳn là như thế! Nên vội! Vội thật mà !
Vội vì lý do gì? Để gặp nhau. Để thương. Để thăm thú đó đây. Để chia sẻ chút gì đó trong hành trình đi qua từng tuổi xuân cho người cùng thế hệ, cùng nghe “chân đi nằng nặng hoang mang… ” mà về “ lắng nghe hơi thở , lắng nghe cái tứ đại nó trở nên khó bảo trong trái tim vẫn rào rạt yêu thương , dù chỉ là yêu thương “vô tình chợt gọi”
Chính vì yêu thương đó, mà có lẽ , bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã ung dung viết vội , viết lại những thoáng qua chợt ngộ để không phải cho mình, mà cho bạn bè của mình, cho hậu thế, cho những “ bé sơ sinh “ mà bác đã đón vào đời từ những thập niên 60 với lời nhắn nhủ:
“ Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ.”

Thế mà, các bé sơ sinh ngày ấy cũng đã dần hai màu tóc… Cuộc lữ vô tận tít tắp kia kết nối bao tình thương . Hạnh ngộ rồi chia xa… Sinh rồi tử. Và tử rồi sinh. Tử Sinh của Số phận Con Người ! Bác sĩ đã thấy, đã Ngộ một điều gì đó. Chỉ mình Bác biết! Cái NGỘ mà chỉ riêng cho một người. Riêng mà lại chung. Của một người nhưng lại chung cho nhiều người.
Cho nên, bác gói ghém lại. Viết lại. Ngồi gõ từng chữ. Ghép lại. Để lại thêm một cuốn sách trên kệ trong tủ… Về Thu Xếp Lại. Một thu xếp đáng trân quý.


Thu xếp xong rồi thì in ấn. Sách đã về nên mang đi tặng. Đến từng nhà những người bạn thân… mà trao tận tay…
Và hôm nay, đến những bông hoa của gia đình Hoa Sen Dalat. Cảm động quá chừng. Trân quý quá chừng . Và cũng thương quá chừng. Thương tình cảm bao la chân tình của bác, thương ngồi xe hơn 600 cây số đi về… chỉ để tận tay ký tặng Về Thu Xếp Lại! Thương quá đi chớ, cái Tình của người tuổi Tám Mươi .

 

Buổi chiều cuối tháng ba hai không mười chín, hương trà quyện hương nắng … Bên nhau là những người tuổi đã bảy mươi tám mươi… rồi năm mấy sáu mươi… Lắng nghe Hương Chiều (*) mà thương mình, thương bạn của mình quá chừng! Ở cái tuổi không còn là của năng nổ và khoẻ mạnh! Tuổi thấy “ trời cao đất rộng một mình tôi đi/ Đời như vô tận, một mình tôi về…với tôi” Biết nói gì đây?
“ Nói không được. Bất khả thuyết. Không từ đâu đến/ chẳng đi về đâu. Nó Như Lai. Khi cát bụi và hơi hướm kia không chịu nhau nữa, giận nhau, cãi nhau, hục hặc, chí choé, đòi tách nhau ra thì đủ thứ chuyện trên đời sẽ sinh sôi. Cuối cùng thì đến một lúc, cát bụi trở về cát bụi, hơi huớm trở về hơi hướm… Rã ra . Tan ra. Không thương tiếc. Có một chu kỳ, có một nhịp điệu chăng. Không biết.” ( trích Phần 1: Cát bụi tuyệt vời – Về thu xếp lại – ĐHN)

Bác viết: “ Từ ngày về hưu, bạn bè rơi rụng dần. Rơi rụng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Lâu lâu, dòm lại cái cuốn sổ danh mục ghi điện thoại đã thấy có nhiều địa chỉ chẳng biết làm sao liên lạc được nữa. Muốn xoá mà ngập ngừng rồi không nỡ “ Có chút nghẹn trong lòng. Ai cũng có những ngập ngừng như thế. Thương.

Ngồi với nhau chỉ 150’ mà nỗi lo âu nhẹ hẳn! Bởi có gì lạ đâu khi “ tôi chợt nhìn ra tôi”
Nhìn ra rằng “ Vì ta không phải là gỗ đá, vô tri. Vấn đề chỉ ở chỗ không dính mắc. Cô hoa hậu xinh đẹp thì thấy là xinh đẹp, nhưng dính vào thì tiêu! “

Bác vậy đó! Thông tuệ nhưng dí dỏm và hài hước! Hài hước dễ thương. Và dí dỏm rất thật thà : “ có vẻ như càng già người ta càng yêu nhiều hơn, yêu vội hơn, và càng yêu thì càng “ sống khoẻ sống vui” hơn với một mối tình lãng mạn hoặc một mối tình “ ngỡ đã quên đi/ bỗng về quá rộn ràng” bởi vì “ cát bụi tuyệt vời “ đã chuyển thành “ cát bụi mệt nhoài” rồi! Có lẽ, khi thoáng yêu như thế thì sẽ quên đi một nỗi sợ…

“ Nỗi sợ lớn nhất của kiếp người là sợ…chết. Ta từ đâu đến. Ta sẽ đi về đâu… là những câu hỏi không lời đáp từ ngàn xưa. Câu trả lời đơn giản nhất có lẽ là ta đã từ bào thai mẹ mà đến và sẽ trở về …”bào thai Như Lai. Quả là có một sự giấu nhẹm thú vị. Ta bỗng dưng mà có thì cũng sẽ bỗng dưng mà không. Nhưng có và không lại là một. Thú vị ở đó. Xà quần chút chơi vậy thôi. Nó sẽ vận hành theo pháp. Sanh trụ dị diệt. “
( trích phần 10 – Về thu xếp lại – ĐHN)

Thôi thì, vén khéo lại nhé, thu xếp lại nhé! Cho nhẹ hành trang! Cho ngày nào đó chỉ “ để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười” .
“ Nụ cười ấy là sự giác ngộ, giải thoát. Đã thấy biết Như Lai. Đã sống cùng Như Lai. Đã là Như Lai. Ai đã thấy biết Như Lai, đã sống với Như Lai, đã là Như Lai mà không cười như vậy? “ ( kết Về Thu Xếp Lại -bs ĐHN)

Gia đình Hoa Sen và các thân hữu chụp chung tấm hình kỷ niệm.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị Thoại Anh, cô Quế Hương, cô Diệu Thanh, anh chi Cẩn Phạm Gia , anh chị Trình Mai, cô Nhiên Linh , cô Trần thị Thanh đã thay lời mọi người nói lên cảm nhận riêng trong một không gian chung khi nhận sách từ tay Bs Đỗ Hồng Ngọc trao tặng! Kính cảm ơn vô cùng chân tình mà bs Đỗ Hồng Ngọc đã ưu ái dành cho gia đình Hoa Sen và những bạn hữu ! Bác sĩ đã rất vui! và mọi người hôm ấy cũng rất vui! Chỉ tiếc là thời gian không đủ để chia sẻ những tâm tình và sự ngưỡng mộ! Không đủ để vừa nhâm nhi vị trà vừa tâm tình cùng người bác sĩ hiền hậu chân chất mà vô cùng thông tuệ!

(TN)

(*) Nhạc Thuần Nhiên, thơ Ngũ Hành Sơn

Filed Under: Ghi chép lang thang, Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim

Đọc TRĂNG VÀNG THUYỀN KHÔNG của Sa môn Thích Giác Toàn

17/01/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Văn Hóa Phật Giáo, Xuân Kỷ Hợi, 2019

 

“Hạt bụi hồng…”

Đọc TRĂNG VÀNG THUYỀN KHÔNG của Sa môn Thích Giác Toàn

Sư Giác Toàn gọi phone cho tôi nói sắp in cuốn Trăng Vàng Thuyền Không, thơ Lục bát về Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục tổ Huệ Năng để kỷ niệm “Bảy mươi năm- hạt bụi hồng/ Chí thành chí kính… tông phong Phật đà” của mình và nhờ tôi viết đôi dòng cảm nhận.

Tôi chẳng ngạc nhiên chút nào vì từ lâu đã thân quen với nhà thơ Trần Quê Hương, một bút danh của Sư Giác Toàn. Tôi cũng chẳng ngạc nhiên về truyền thống của hệ phái Khất sĩ Việt Nam vẫn thường sử dụng thể thơ Lục bát – một thể thơ dân gian ai cũng biết, đặc biệt phù hợp với đồng bào Nam bộ – để truyền đạo pháp xưa nay.   Lạ chăng là lạ ở chỗ Sư “thú thiệt”: khi thấm đẫm Pháp Bảo Đàn Kinh với thơ lục bát Sư đã không ngăn được sự trào dâng của cảm xúc chân thành, những ý tưởng tâm đắc, tự nội, tự thân…

Bảy mươi năm… vạn sắc không

Bảy mươi năm… hạt bụi hồng long lanh!

(Trần Quê Hương, 2018)

Bảy mươi năm, vẫn là hạt bụi hồng “vạn sắc không” đó thôi nhưng đã là hạt bụi hồng… long lanh! Chân không mà diệu hữu là vậy!

Nhận định về Pháp Bảo Đàn Kinh, Sư viết: “Lục tổ Huệ Năng đã mở đầu môt truyền thống sinh hoạt , tu tập, giảng pháp mới mẻ và sinh động (…), ở Pháp Bảo Đàn Kinh ta thấy một giáo pháp khi thì nhẹ nhàng, chân chất, khi thì hóc hiểm, kỳ khu… thâm nhập trực tiếp vào tâm người học (…)”

(Trăng Vàng Thuyền Không)

“Tôi không ngăn được sự trào dâng của cảm xúc”, Sư nói như một lời sám hối rất chân thành. Không ngăn được cảm xúc? Phải, đó là điều mà Chu Hy, hơn tám trăm năm trước khi đề tựa cho tác phẩm của mình Thi kinh tập truyện, đặt câu hỏi: Thơ, tại sao mà làm ra? Và trả lời: Ấy là vì không ngăn được cảm xúc trào dâng…

Cho nên, vừa cố gắng giữ trọn ý nghĩa của văn bản Pháp Bảo Đàn Kinh vừa “không ra sức ngăn cản cảm xúc của chính mình khi chuyển thành Luc bát” quả là không dễ dàng.

“Đá mòn nhưng dạ không mòn

Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ”.

Và quả thật, Sư Giác Toàn đã làm được.

 

Ý nghĩa của Pháp Bảo Đàn Kinh vẫn được tôn trọng chính xác. Từ Tự thuật đến Bát Nhã, Đinh Huệ, Đốn Tiệm… được diễn dịch đầy đủ, dễ hiểu, từng ý từng lời.

Ngồi, nằm, đi, đứng… an nhiên

“Nhất tướng tam muội” diệu huyền thanh trong

Rồi “Nhất hạnh tam muội” hiện tiền đài sen khi:

Một tâm ngay thẳng thuyền không

Đạo tràng bất động gia phong cảnh thiền…

 

Lục tổ Huệ Năng nhắc đi nhắc lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh để người người không mất công tìm kiếm đâu xa: Tự tâm đó thôi. Phật ở đó mà chúng sanh cũng ở đó. Chúng sanh là cõi Phật của Bồ-tát mà!

“Thức tự tâm chúng sanh

 Kiến tự tâm Phật tánh”

(Pháp Bảo Đàn Kinh)

Nhà thơ Trần Quê Hương chuyển thành lục bát:

Chúng sanh tự tâm lung linh

Tức thì Phật tánh tự tình long lanh

Muốn tìm thấy Phật cao thanh

Chỉ cần tỏ rõ chúng sanh của mình

“Tỏ rõ”, ấy là Thức. “Thức tự tâm”. Chúng sanh chẳng đâu xa. Chúng sanh ngay trong “tự tâm” mình đó thôi. Chính cái tự tâm mình bày đặt, vẽ vời ra vô số vô lượng vô biên chúng sanh để tự mình phiền não, tự mình khổ đau! Nếu tự mình “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” thì đã “độ nhứt thiết khổ ách”!

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích  (Trần Nhân Tông).

Rồi nhà thơ viết:

Chúng sanh tự tâm lung linh

Tức thì Phật tánh tự tình long lanh

Cái “tự tâm lung linh” kia bày vẻ đủ trò, chỉ cần có “tri kiến Phật” để thấy biết. Thấy biết Phật tánh ngay trong tự tâm mình, thì đã “Tức thì” (đốn ngộ) rồi đó vậy.

Từ cái “lung linh” hay sanh sự kia đã trở thành cái “long lanh” Phật tánh nọ. Tưởng dễ mà chẳng dễ chút nào.  Phật Thích Ca cũng đã  mất 6 năm chặng đường gian khổ để thấy Trung đạo, Duyên sanh…

 

Nhưng thú vị nhất là những đoạn đầy kịch tính trong Pháp Bảo Đàn Kinh đã được chuyển thành lục bát sôi động, như lúc Huệ Năng đối đáp với Ngũ tổ Hoàng Nhẫn:

“Tổ rằng: Ngươi kẻ man di

Quê miền biên địa, sao bì Phật gia!

Năng rằng: Nam Bắc chánh tà

Thế gian câu nệ thiền gia đâu cần

Thân đệ tử dẫu tiện nhân

Phật tâm Phật tánh … há phân nghèo giàu

Tứ đại huyễn ảo chiêm bao

Hòa thượng, đệ tử… một màu sắc không”.

Hoàng Nhẫn giựt mình là phải.

Phật dạy: không thể coi khinh người mới học.

 

Rồi cảnh Thần Tú bứt rứt khi làm kệ, nhà thơ viết:

Thần Tú đi ra đi vào

Trước phòng Ngũ tổ lao xao nỗi niềm

Tự mình run sợ bâng khuâng

Toát mô hôi lạnh âm thầm dầm tuôn

 

Và khi Huệ Năng nhờ người viết mấy câu kệ  “Bổn lai vô nhất vật” thì:

Kệ viết xong chúng hãi hùng

Mọi người kinh ngạc tần ngần

Rồi sau đó:

Năng liễu ngộ, đắc tâm linh

Canh ba hầu tổ hữu tình chứng tri

Thầy trò truyền đạt huyền vi…

Đúng là một đoạn đầy kịch tính:

“Thầy trò truyền thọ nghiêm trang

Nửa đêm tĩnh lặng ánh vàng lung linh”

Rồi sau đó, Huệ Năng chạy thoát về phương Nam:

Đêm nay canh ba xuất thần/ Thọ nhận y bát nhanh chân vượt ngàn.

Tiễn đưa Lục tổ lên thuyền sang sông

 Cửu giang lồng lộng tông phong…

Lúc đó, cả một đoàn người đèn đuốc sáng choang rầm rập rượt đuổi Huệ Năng. Thượng tọa Huệ Minh, xưa là một quan tướng, dẫn đầu đoàn người sắp bắt được Huê Năng. Huệ Năng bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bổn lại diện mục của thượng tọa Huệ Minh?” Chỉ với một câu đó thôi, Huệ Minh bừng tỉnh, sụp lạy, cúi đầu.

Đừng quên trước đó đã có một câu quan trọng hơn: “Dứt bặt duyên trần, chớ sanh một niệm, không nghĩ thiện, không nghĩ ác…”.

Vô niệm từ đó.

Vô tướng từ đó.

 

Rồi những hoạt cảnh sinh động khác qua vần thơ lục bát, lúc Huệ Năng gặp Pháp Hải, Pháp Đạt, Trí Thông, Trí Thường…

Và đặc biệt, lúc gặp Vĩnh Gia Huyền Giác:

Tổ chứng: Ngươi đã nhập tông

Một đêm tương hội bên dòng thiền quang

“Một đêm giác ngộ” hương vàng

“Bài ca chứng đạo” huy hoàng nhân gian

Vừa trách Pháp Đạt đã không kính lễ đúng mực, đến lúc gặp Huyền Giác, mọi sự đã khác.

“Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân

Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân

Vô minh thực tánh tức Phật tánh

Ảo hóa không thân tức pháp thân”…

(Chúng đạo ca. Vĩnh Gia Huyền Giác)

 

Đọc Trăng Vàng Thuyền Không, diễn dịch Pháp Bảo Đàn Kinh bằng thơ Lục bát của Sa môn Thích Giác Toàn, cũng là nhà thơ Trần Quê Hương hôm nay, vừa giữ được nguyên tinh thần bản kinh, vừa bay bỗng với những câu thơ Luc bát đặc trưng Nam bộ đầy thăng hoa, ta không khỏi khâm phục, cảm mến một nhà sư thi sĩ đã có công đem đạo vào đời như thế.

Cảm ơn Sư  Giác Toàn, cảm ơn nhà thơ Trần Quê Hương.

Cảm ơn “Hạt bụi hồng… long lanh!”.

 

Đỗ Hồng Ngọc

(Văn hóa Phật Giáo, Xuân Kỷ Hợi, 2019)

 

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Phật học & Đời sống

Tháng tám: sinh-nhật-không-ngày

21/08/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Sinh nhật

anh không có ngày sinh nhật
nên mỗi ngày
là sinh nhật của anh

cảm ơn em
nhớ đến anh
ngày sinh nhật!

Đỗ Hồng Ngọc

 

Chúc Mừng Sinh-Nhật-Không-Ngày anh Đỗ Hồng Ngọc!

gửi bác sĩ ĐHN

anh vốn
không
có ngày sinh?
tự vòng tròn
một chỗ thình lình ra
tìm điểm mốc
em khéo đùa
sinh là khởi
cơn gió lùa về không

Vũ Hoàng Thư

 

Chúc Mừng Sinh-Nhật-Không-Ngày anh Đỗ Hồng Ngọc!

sinh nhật lại
không
có ngày
từ vô thủy
luân sinh bày cuộc chơi
về vô xứ
phù vân trôi
bồng thinh lặng
mở khơi lời
rất như

Vũ Hoàng Thư
18/8/2018

 

Đỗ Hồng Ngọc gởi Vũ Hoàng Thư

cảm ơn vũ hoàng thư

thả vần thơ tuyệt mù

đã nghe tràn bát nhã

đã nghe đầy chơn như…

ĐHN

(20.8.2018)

………………………………………..

Thu Vàng viết tiếp

Cảm ơn chàng Đỗ, Vũ
“Thả vần thơ tuyệt mù”
Cõi Phật như hiển hiện
Bát Nhã với Chơn Như.

Thu Vàng


Mừng Sinh Nhật Đỗ Hồng Ngọc

Khi bắt đầu tháng Tám, tôi nhớ Sinh Nhật chàng… không-biết-ngày, thì khoan, gửi lời mừng cuối tháng!

Và, bây giờ cuối tháng, gửi về lời từ xa: Chúc lòng chàng nở hoa, chúc đời chàng kết trái, trái bòng hay trái bưởi… trái gì cũng Tình Thân!

Chàng như mình, hết Xuân, cũng hết rồi tuổi Hạ, chẳng ai còn Ba Má, hỏi ai biết ngày sinh?

Xưa, trong thời chiến tranh, làm giấy tờ cho có! Nhiều người dân mắc nợ / một chút xíu thật thà…

Rồi ngày tháng trôi qua, cái thật thà vô nghĩa! Nhà nước nào chịu xía chuyện-sinh-tử-của-dân?

Kể từ năm Bốn Lăm đến Bảy Lăm, Chạy! Chạy! Ngày sinh có để đấy, năm sinh có cho vui

Tất cả đều trời ơi! Khóc, cười, cơn dâu bể! Gặp thế thời, thời thế… Không ra đời, hay hơn?

Bạn ơi, xin đừng buồn, mình chỉ tào lao giỡn… nếu mình đi quá trớn, cho mình lòng khoan dung…

*
Cầm như hái bưởi bòng đem ném sông ném biển, cầm như con bướm liệng quanh áo nàng tiểu thơ…

Gửi về bạn giấc mơ tự dưng mà thấp thoáng.
Sài Gòn đang tháng Tám, lá me bay đường me…

Trần Vấn Lệ

Filed Under: Chẳng cũng khoái ru?, Gì đẹp bằng sen?, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Tu viện Khánh An: “ĂN và CHAY”

23/07/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc Thuyết Trình Về “Ăn Và Chay”

23/07/2018 09:08

Nguồn: http://tuvienkhanhan.com/index.php/phap-duong-chanh-niem/tin-phap-duong/post/1373:bac-si-do-hong-ngoc-thuyet-trinh-ve-an-va-chay

Nhận lời mời của ban tổ chức khóa tu “Sống tỉnh thức” lần thứ 28 (22/07/2018), Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã có mặt tại Pháp Đường Chánh Niệm để chia sẻ với hội chúng Phật tử phương pháp “Ăn và Chay” đúng đắn theo y học cũng như theo tinh thần nhà Phật.

 

Từ trái: Bs Đỗ Hồng Ngọc, Thầy Trí Chơn, Viện chủ, và các vị Tu sĩ Tu viện Khánh An, Quận 12 Tp.HCM, ngày CN 22.7.2018 (ghi chú: ĐHN).

 

 

Nói đến việc “Ăn”, bác sĩ nói đó là một nhu cầu để duy trì sự sống, trong khi ăn, năng lượng được tạo ra để nuôi sống cơ thể. Năng lượng này, theo bác sĩ, nó khác nhau tùy thuộc vào từng độ tuổi, từng loại đối tượng khác nhau. Bác sĩ dẫn chứng, một người bình thường cần khoảng 2000 calo, trong khi người già thì cần khoảng 800-1000 calo, trong khi các vận động viên thể thao thì cần nhiều hơn mức của người bình thường. Đó là lí do vì sao, việc ăn cần phải áp dụng đúng với thể trạng và hoàn cảnh sống của từng người để có thể điều chỉnh hợp lí.

Bác sĩ chia sẻ đến với hội chúng bốn thành phần năng lượng chính có trong thức ăn:

• nhóm đường bột (Glucid)

• nhóm đạm (Protid)

• nhóm chất béo (Lipid)

• nhóm vitamin và khoáng chất (Vitamins, Minerals)

 

Phân tích bốn nhóm này và liên hệ đến bốn loại thức ăn trong nhà Phật. Bác sĩ khẳng định, thức ăn được đề cập trong y học là để nuôi thân, nó thuộc đoàn thực – một trong bốn loại thức ăn theo lời Phật dạy. Ba loại thức ăn còn lại thuộc về đặc trung duy nhất có trong Đạo Phật đó là: xúc thực, tư niệm thực và thức thực – ba loại thức ăn này thuộc về tâm. Vậy, theo bác sĩ, đức Phật dạy cả hai phương pháp nuôi thân và nuôi tâm đúng chánh pháp.

 

Nói đến phương pháp ăn cho đúng cách, bác sĩ chia sẻ, phải ăn sao cho có được sự cân bằng về năng lượng nạp vào và thải ra. Bên cạnh đó, phải ăn trong chánh niệm, trong sự biết ơn để có được năng lượng lành mà thực phẩm mang lại.

 

Nói đến chay, bác sĩ nói, nó xuất phát từ chữ “trai” nghĩa là thanh tịnh, cho nên ăn chay, ngoài việc dùng các thực phẩm từ thực vật, cần phải đáp ứng yếu tố thanh tịnh trong khi ăn, mà nhà Phật dạy “tam đề, ngũ quán”. Không nên ăn chay trong sự hưởng thụ, tốn kém. Theo bác sĩ, ăn chay tốt nhất là quay về với thực phẩm thô, tự nhiên, chưa qua công đoạn sơ chế và bảo quản công nghiệp, ăn chay như vậy vừa bổ dưỡng vừa thanh đạm, có sức khỏe tốt để tu tập.

Bác sĩ kinh nghiệm rằng, cái “dục” của ăn rất mạnh, nó chi phối những cái dục còn lại trong ngũ dục (danh, tài, sắc, thực, thụy), cũng chỉ vì cái ăn không chân chánh mà con người từ đó dẫn đến tranh đấu, bức hại nhau. Vì vậy, bác sĩ khuyên nên “Ăn và Chay” theo tinh thần của Phật dạy để có được năng lượng thánh thiện, an lành.

 

Bs ĐHN trao tặng Thầy Trí Chơn cuốn sách mới: Thoảng Hương Sen.

 

Buổi thuyết trình được khép lại, Thầy Viện chủ đã phát biểu đúc kết. Sau đó là phần tặng sách mà bác sĩ Ngọc là tác giả. Hơn 400 cuốn “Thoảng Hương Sen” được gửi đến hành giả được Công ty Hoa Lan Lâm Thăng phát tâm cúng dường.

 

Dịp này mỗi tham dự viên đều nhận được một cuốn Thoảng Hương Sen của bác sĩ ĐHN do Phật tử Lệ Mai gởi tặng.

Trung Pháp – Trung Nhân

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Go to page 5
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 9
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Hội quán Các Bà Mẹ: Giao lưu với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn “Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật”

Dương Mình Trí: cảm nghĩ nhân đọc “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật”

Đỗ Hồng Ngọc với “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật”

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Mấy ngày Tết
  • Nguyên Giác: Mẹ dạy con ngồi như núi
  • Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần
  • Thích Phước An: GIÓ BẤC CUỐI NĂM

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Hai Lấp Vò trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • đỗ xuân đạm trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Độc giả trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Bản nhạc Mũi Né
  • Thạch trong Bản nhạc Mũi Né
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “ÁO XƯA DÙ NHÀU…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).
  • PN trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email