Thư gởi bạn xa xôi
Về Phan Thiết
(tặng Trần Vấn Lệ)
Mình vừa định kể chuyện mấy lần về Phan Thiết gần đây cho bạn nghe thì Trần Vấn Lệ đã có thư hỏi “Có về Phan Thiết không? Có nhớ không…?”. Cho nên thư này, như viết riêng cho Trần Vấn Lệ, thiệt ra cũng là cho Phan Đổng Lý, Phan Bá Thụy Dương… cùng những bạn bè xa xôi khác!
Về Phan Thiết, lần nào đi ngang núi Tà Cú, dãy Ba Hòn, lang thang bên bờ sông Cà Ty (sông Mương Mán) … mình không thể không nhớ Hoài Khanh, nhà thơ xứ mình. Nhất là khi đi ngang Ba Hòn mình thường nhẩm câu thơ của Hoài Khanh “Người đi để dãy Ba Hòn chơ vơ” và cái Bưng Cò Ke ở ngay dưới chân dãy núi đó . Thế nhưng, nhớ lần ghé thăm anh ở Biên Hòa, anh đính chánh “Người đi nhớ dãy Ba Hòn trơ vơ” chứ! …
Cái xứ mình lạ, cứ Tà Dôn, Tà Cú, Tà Đặng, Tà Mon, Tà Lài… cứ La Gàn, La Ngâu, LaGi, La Ngà…
Hoài Khanh sinh ra và lớn lên ở Đức Nghĩa, Phan Thiết. Nhà anh cách chỗ mình ở không xa. Anh lứa lớn, đã phiêu bạt… giang hồ tự thuở nào, lúc mình còn cắp sách đến trường tiểu học bên bờ sông Cà Ty! Anh vào Saigon, làm thơ, làm báo và một mình dựng nên Nhà xuất bản Ca Dao nổi tiếng một thời. Và thơ Hoài Khanh thì thời tụi mình không ai không thuộc ít nhiều. Trong bài thơ Đức Nghĩa, Hoài Khanh viết:
Biển mang niềm nhớ đi hoang
Gió Trường Sơn luyến mây ngàn Tà Dôn
Ôi sương Núi Cú lạnh hồn
Người đi nhớ dẫy Ba Hòn trơ vơ
Cành dương cát trắng hững hờ
Nhìn nhau thuở ấy bây giờ nhớ nhau.
Hoài Khanh
Vậy đó. Nói tới Phan Thiết là vậy đó. Biển. Cát trắng. Đồi dương. Mây ngàn. Tà Dôn. Tà Cú. Ba Hòn…
Gởi bạn mấy tấm hình để nhớ. Viết, mình làm biếng quá rồi bạn ơi!
Lần nào về ngang Lagi mình cũng ghé Đập Đá Dựng làm một ly Càphê. Hồi nhỏ, thì đi xe đạp cùng bạn bè băng qua các láng tranh cao quá đầu, vèo đến Đá Dựng, lúc còn những tảng đá cao ngất (khi chưa xây đập), dựng xe, nhảy ùm xuống nước. Khi xây đập thì thấy giữa dòng sông có dựng một ngôi thủy tạ (nhà một cột) khá hùng vĩ, về sau có lẽ đã đổ ụp xuống lòng sông.
Và không gì tốt hơn, ngồi đây, dưới bóng dừa bên bờ biển đọc một vài trang sách… với một trái dừa ba nhát… quen thuộc.
Hẹn bạn thư sau.
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.