Phật Đản (PL 2563)
Đỗ Hồng Ngọc
Ghi chú: Bài viết này đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 321 ngày 15.5.2019. Nhân dịp Phật Đản 15.4 Kỷ Hợi (PL 2563), xin được chia sẻ lại nơi đây (thêm vài hình ảnh riêng).
Trân trọng,
ĐHN.
Trong buổi kể chuyện và trình chiếu một số hình ảnh về chuyến về thăm đất Phật Nepal, Lâm-tì-ni của tôi cho nhóm bạn trong Chương trình Phật học và Đời sống ở Chùa Xá-Lợi, có một bạn trẻ đặt câu hỏi: Bác có thấy “động tâm” không khi được đến Lâm-tì-ni nơi Phật đản sanh và bác có ý định đi thăm tiếp 3 nơi nữa cho đủ “Tứ động tâm” không? Tôi trả lời là với Đức Phật lịch sử thì lúc nào tôi cũng thấy “động tâm” và ở đâu tôi cũng thấy “động tâm” cả, không nhất thiết phải đến tận Lâm-ti-ni hay đi cho đủ 4 thánh tích…
Cả chục năm nay chưa hề đi đâu xa khỏi nhà…, thế mà một ông già 80 tuổi là tôi, bỗng nhiên bay vèo đến Himalaya (Hi-mã-lạp-sơn) ngắm núi tuyết rồi kêu lên núi tưởng là mây, mây tưởng là núi… Thế giới có 10 đỉnh núi cao nhất thì Nepal đã có đến 8, kể cả Everest, 8848m. Chỗ tôi trú nằm trong rặng Himalaya nhưng chỉ cao hơn 2500m thôi, nghĩa là lùn tẹt, so với Everest nhưng cũng còn cao hơn Đà Lạt mình cả ngàn thước! Vậy mà đã lạnh buốt đầu tháng 3 này. Đêm 7-8 độ C, ngày 13-14 độ C. May mà có cái máy… sưởi. Đồi núi trùng trùng điệp điệp. Không khí đã nghe loãng. Thở nhẹ như bay bay.
(Một góc Nepal, Hymalaya, ảnh ĐHN 3.2019)
Chuyến đi Nepal này khá bất ngờ với tôi. Năm ngoái, hai vợ chồng bác sĩ Thủy – học trò cũ của tôi và là đệ tử của thầy Huyền Diệu – ở Úc mời thầy đi Nepal một chuyến cho biết “vì thầy là con Phật, phải về thăm xứ Phật một lần”. Rồi có thư mời của thầy Huyền Diệu nữa, nhưng tôi vẫn lần lữa mãi không đi, vì sợ lạnh, sợ độ cao, “sức khỏe không cho phép”! Lần này Thủy nói có Ba Má em đi nữa, mà ông bà đều lớn tuổi hơn thầy. Ừ, thì đi.
Phi trường Kathmandu, thủ đô Nepal là một Mandala giữa thung lũng bao bọc bởi núi là núi. Bụi khói mịt mù. Xe cộ nhớn nhác- vì lái bên trái- làm cứ giật mình đánh thót. Người Nepal lắc đầu là OK. Gật đầu là từ chối. Chủ nhật là ngày làm việc. Thứ hai mới là ngày nghỉ. Giao dịch, ăn uống bằng tay phải. Tay trái để…. vệ sinh. Đàn ông có uy tín lớn trong nhà. Ban ngày đi làm gì không biết, nhưng chiều về, vợ mang nước rửa chân cho… Giữa phố thị có khu vực… dành làm nơi thiêu xác lộ thiên. Có nhiều tiếng quạ quang quác. Nepal có 26 triệu dân, gồm 100 dân tộc và 123 ngôn ngữ, ngôn ngữ chính là Nepali. Đồng tiền là Rupee. Một USD bằng hơn trăm rupee. Năm 2015 Nepal bị một trận động đất chết đến 8000 người, bị thương 20.000 và hằng trăm ngàn ngôi nhà bị chôn vùi. Khu vực tôi đến ở – Himalayan Happiness Resort- thuộc vùng Dhulikhel, cách Kathmandu hơn 36 km, nhưng có khi phải đi 2 tiếng đồng hồ mới tới vì kẹt xe và đường đèo núi. Nơi đây chỉ còn cách Tây Tạng ba chục cây số! Thầy Huyền Diệu (HD) đã đợi sẵn. Thầy nói thầy đã đi 27 tiếng đồng hồ bằng xe bus từ Bồ Đề đạo tràng (Bodh Gaya) về đây chờ mọi người. Chưa chi đã thử sức leo gần hai trăm bậc thang để về phòng nghỉ. Mình được ưu tiên ở một phòng… đẹp nhất, để nhìn quang cảnh thung lũng và núi tuyết của Himalaya xa xa.
Khí hậu, độ cao, với không khí khá loãng nhưng thấy dễ chịu, có lẽ nhờ khung cảnh trời đất bao la quá đẹp. Sáng sớm, mở màn cửa ra thì ôi chao, một cảnh sắc tuyệt vời, mê mẩn. Mặt trời sắp ló dạng, tươm một màu tim tím rồi vàng hườm rồi hồng đượm… ở chân trời, cắt từng nét bởi đồi núi chập chùng và những ngọn cây chới với… Đã có tiếng thầy HD đến tận phòng thăm hỏi và mời đi uống trà, cafe sáng, ngắm… mặt trời lên!
Về tuổi đời thầy HD còn ít hơn tôi đến 6 tuổi, trông… đẹp trai, cao ráo, năng động, tháo vát, rất nhiệt tâm và có đường lối tu tập riêng, gọi là “mật pháp” với những “mầu nhiệm” “phép lạ” dựa trên kinh Pháp Hoa… “nhất tự nhất bái”! Kinh Pháp Hoa không lạ với tôi, vì đã nhiều năm nghiền ngẫm và viết cuốn “Ngàn cánh sen xanh biếc” nhưng cách thực hành của thầy HD thì tôi thấy cần phải tìm hiểu và lý giải thêm.
Buổi tối, đáp lại câu hỏi của thầy, tôi trình bày nền Y học hiện đại đang gặp những khó khăn gì, tại sao có khuynh hướng tiến về một thứ Y học toàn diện (Holistic Medicine) – mà hai bác sĩ Diệu Thủy, Minh Sơn đang theo đuổi- về các thứ bệnh thời đại S.A.D (Stress, Anxiety, Depression) phải trị liệu với Thiền học, rồi gần đây, “21 Bài học cho Thế kỷ 21” của Yuval Noah Harari nêu hai vấn đề nổi cộm: Công nghệ sinh học và AI (Artificial Intelligence, trí thông minh nhân tạo). Phải chăng, rồi đây công nghệ sinh học sẽ tạo ra phần “sắc”, còn AI sẽ tạo ra “thọ, tưởng, hành, thức” để rồi sẽ có một chủng loại người với “ngũ uẩn” mới?
Sáng hôm sau, tôi đề nghị cho đi thăm làng, thăm “dân cho biết sự tình”, bởi cái máu làm Sức khỏe cộng đồng, Y tế công cộng trong tôi vẫn còn nặng lắm. Vui quá, Liz (Trúc), con của bác sĩ Thủy là người đang làm việc trong lãnh vực này. Tiếng Việt cháu không rành lắm, lại sống với người chồng Ấn độ (sanh tại Úc) nên tôi có dịp… ôn tiếng Anh lõm bõm của mình. Nào Community Diagnosis (Chẩn đoán cộng đồng); Community Involvement (tham gia cộng đồng), nào Intersectoral Cooperation (phối hợp liên ngành), nào Appropriate Technology (kỹ thuật học thích hợp)… ! Rồi đến thăm một gia đình theo đạo Phật, tiếp xúc với Hiệu trưởng một trường Tiểu học để chuẩn bị cho buổi khám sức khỏe cho bà con ngày hôm sau.
***
Từ Kathmandu đến Lumbini (Lâm-tì-ni) chỉ dài 320km mà đường bộ đi mất khoảng 16-20 tiếng đồng hồ. Đường đèo núi xuyên Himalaya rất khó đi. Buổi sáng đoàn rời Dhunlikhel để về Lumbini (Lâm-tì-ni). Mọi người cầu nguyện và đọc kinh suốt một đoạn đường. Đây là quãng đường đèo nguy hiểm nhất.
Đoàn nghỉ một đêm ở Bandipur, một điểm du lịch nổi tiếng, trên con đường Tơ Lụa ngày xưa từ thế kỷ XIV, vẫn còn dấu tích những căn nhà cổ, bằng đất và đá. Khung cảnh rất đẹp. Một khu phố cổ … nhà nghỉ, cửa hàng và khá nhiều du khách phương Tây đang thưởng thức cảnh thanh nhàn. Trưa hôm sau, đoàn rời Bandipur để về Lumbini. Tôi thử đếm có bao nhiêu đoạn quanh cùi chỏ khi xe lên xuống ngọn núi này (không kể những đoạn quanh không gắt). Trời ạ, 67 khúc quanh “cùi chỏ”! Hèn chi mà người ta nói đi đoạn đường này người chưa quen chỉ có việc… tụng kinh và nhắm mắt!
Đến Lumbini đã khá chiều. Việt Nam Phật quốc tự đây rồi. Hai con hạc vung cánh như múa và quang quác kêu lên mừng rỡ. Trời vẫn còn lạnh, nhất là về đêm, 12-13 độ C. Muốn tắm phải xách nước nóng từ nhà bếp lên lầu, khá xa. Đã ba ngày không tắm rồi. Tôi nói với sư chú MN ở chùa như một lời… xin lỗi thì chú nói ở đây bảy ngày không tắm là thường đó bác ạ. Các bữa cơm self-service, chay trường, rất ngon. Đêm ngủ khá nhiều muỗi. Thỉnh thoảng nghe tiếng chó sói (?) tru.
Có điều đến Việt Nam Phật quốc tự ở Lâm-ti-ni thấy như đã về đến nhà mình rồi vậy! Cũng lũy tre, ruộng lúa, bờ ao, ngọn cỏ, cũng vườn rau, cây cầu… Mái chùa cong vút trong nắng chiều. Cổng chùa thân quen quá… Tôi nghĩ phải cảm ơn thầy Huyền Diệu thôi. Đã dựng nên một ngôi chùa Việt rất sớm nơi đất Phật đản sanh, Lâm-tì-ni này vậy. Việt Nam phật quốc tự khởi công từ 1993, hoàn thành 2005. Lần lượt nhiều ngôi chùa của các quốc gia khác đã được dựng nên. Chùa Nepal, chùa Tây Tạng, chùa Trung quốc, chùa Thái, chùa Myanmar… và cả một số nước Tây phương như Đức, Thụy sĩ, Áo… Đặc biệt ngôi Tháp Hòa bình, chùa Nhật có vẻ bề thế nhất vì nối trực diện với khu thánh tích.
***
Hoàng hậu Mayadevi hôm đó vội vã lên đường về kinh đô Ka-tì-la-vệ (Kapilavastu) để kịp sanh hoàng tử nhưng vừa đến Lâm-ti-ni thì cơn đau đã rột, không thể cất bước được nữa. Ở đó đã có ao nước mát, đã có cây Bồ đề tỏa bóng râm. Trong đoàn tháp tùng Hoàng hậu hôm đó đã có các cô mụ, các ngự y. Khi Hoàng hậu vin cành Bồ đề ráng rặn sanh thì không còn kịp nữa. Người ta đã phải giúp Bà sanh bằng Cesarien. Và vì thời đó kỹ thuật vô trùng chưa tốt, Hoàng hậu đã bị nhiễm trùng hậu sản mà chết. Phật đã là một con người. Đã sanh ra. Đã khổ đau. Đã hạnh phúc. Và đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, từ bỏ vương quyền để một mình lang thang vào rừng sâu, sống đời khổ hạnh, mong tìm con đường giải thoát cho mình và cho chúng sanh. Suốt 6 năm vất vưỡng trong rừng sâu, ngày ăn một hạt mè, đêm ngủ trong nghĩa địa hay trên cành cây, người chỉ còn xương bọc da, sờ tay vào bụng thì đụng ngay đốt sống thắt lưng, đầu óc bắt đầu choáng váng, tù mù… (Narada, Đức Phật và Phật pháp), may sao nhờ chén sữa của cô gái Sujata mà tỉnh lại, nhận rõ lối tu khổ hạnh, hành xác là sai lầm, quyết tâm đi vào con đường trung đạo để rồi giác ngộ sau 49 ngày thiền định dưới cội Bồ đề . “Thiên thượng thiên ha, duy ngã độc tôn” chỉ có nghĩa là chính Ta chớ không phải ai khác, chính ta mới có thể làm khổ ta, chính ta mới có thể làm ta an lạc, hạnh phúc. Phải quay về nương tựa chính mình thôi. Thấy biết vô thường, khổ, không, vô ngã, thực tướng vô tướng… mà vượt thoát sanh tử. Ơ hay, thì ra tất cả mọi người đều sẵn có Phật tính, không phải tìm kiếm đâu xa. Chỉ vì vô minh che khuất. Chỉ vì tham sân si, mạn nghi tà kiến… che khuất. “Vô trí diệc vô đắc”. Ta chưa từng nói một câu nào cả. Chưa từng dạy cho ai điều gì cả. Phật bảo vậy. Vẫn duyên khởi duyên sinh đó thôi.
Lâm-tì-ni rộng 774 ha. Ngang 1,8km. Dài 4,8km. Do một Kiến trúc sư nổi tiếng của Nhật là Kenzo Tange nghiên cứu thiết kế tổng thể suốt 8 năm, từ 1970 đến 1978. Theo đó, Lâm-tì-ni có 3 khu vực: khu Làng mới Lâm-tì-ni, khu Tự viện và khu Vườn thiêng, thánh địa, với nhiều di tích: Trụ đá của Vua A-dục (Ashoka), đền thờ Hoàng Hậu Mayadevi, Ao nước, Cây Bồ đề. Năm 249 TCN, Vua Ashoka đã tìm ra đúng nơi Phật đản sanh và dựng Trụ đá làm dấu tích, ghi rõ dòng chữ Pali vẫn còn đó. Huyền Trang (602-664) đi thỉnh kinh có ghé qua đây. Nhưng rồi Lâm-tì-ni rơi vào quên lãng, mãi đến năm 1896 mới được hai nhà khảo cổ người Đức là Futher và Bhuler tìm được trụ đá của vua A Dục và công bố. Ngày nay Lâm-tì-ni đã được Unesco công nhận là Di tích Văn hóa Thế giới và được trùng tu ngày càng trang nghiêm, hùng vĩ. Các vị Tổng Thư ký Liên hợp quốc từ U Than đến Ban Ki-moon đều đã đến thăm viếng Lâm-tì-ni.
Con kênh đào thẳng tắp chạy từ Tháp Hòa bình (Chùa Nhật) đến trụ đá của vua Ashoka đã thấy có thuyền máy xình xịch đưa khách hành hương. Mình đề nghị nên mang vài cái thuyền thúng (ở Phan Thiết rất đẹp) về đây sẽ thu hút du khách vì sự độc đáo. Hoặc ít ra, nơi đây cũng nên có những chiếc “thuyền nan nhẹ lướt” chèo tay như ở Suối Yến chùa Hương!
Nhiều nhóm Tu sĩ và Phật tử thập phương đang chiêm bái Vườn thiêng Lâm-tì-ni quanh Cột đá Vua Ashoka. Họ đọc kinh, tụng niệm vô cùng thành kính. Nhóm nhiễu quanh trụ đá, nhóm kinh hành quanh hồ nước thiêng, nhóm tụ tập dưới táng cây Bồ đề… Mọi người lần lượt xếp hàng vào viếng đền Mayadevi (cấm chụp hình). Tôi vẫn lang thang một mình, quan sát, dòm ngó, ngơ ngác… Thực lòng, chỉ thấy một sự… náo nhiệt mà chưa thấy “động tâm” chi. Chỉ đến khi bắt gặp một chiếc lá bồ đề rơi lẻ loi trên đụn gạch xưa cũ vốn là những nấm mồ vài ngàn năm trước của các đệ tử Phật mới thấy xúc động!
Ngay buổi chiều đó, đoàn đi thăm Kapilavastu (Ca-tì-la-vệ) cách đó khoảng 30 cây số. Đường xấu, đang sửa chữa, bụi khói mù mịt. Thỉnh thoảng thấy một vài cánh đồng… khô khốc… mùa nóng sắp tới, ở đây 49-50 độ C là bình thường!
Đây rồi. Ca-tì-la-vệ. Kinh thành trù phú ngày xưa của Tịnh Phạn Vương, dòng dõi Sakya uy dũng, phụ vương của thái tử Tất Đạt Đa. Bây giờ chỉ còn là một khu vườn hoang vắng, trơ trụi dưới nắng hanh. Quanh co là những cổ thụ sừng sững, dáng uy nghi đường bệ… Có cái gì đó nhói lòng nơi đây. Chính là một sự “động tâm” rất lớn của riêng tôi. Chính nơi đây, thái tử Tất Đạt Đa đã nhận ra nỗi khổ đau của kiếp người … Chính nơi đây, thái tử Tất Đạt Đa đã vượt rào thoát ra khỏi cổng thành giữa đêm khuya, từ biệt vương quyền, từ biệt phú quý vinh hoa… quyết tâm tìm “đạo sáng cứu chúng sanh”… Phải, chính nơi đây, tôi mới bắt gặp sự “động tâm” thực sự trong không khí yên ắng của buổi trưa hè ngay trên đất Phật. Chỉ còn những đống gạch. Này là chỗ ăn chỗ ở, này là giếng nước, ao sen…Tôi cứ lang thang và lắng nghe một mình. Nhặt một cánh hoa lửa. Đặt vào lòng bàn tay. Nhìn gốc cổ thụ có hình dáng như một apsara đang múa hát…
(Ca-tì-la-vệ, ảnh ĐHN)
Chỗ cổng thành thái tử Tất Đạt Đa đã “trốn” đi, hiện chỉ còn hai cây cổ thụ. Bên ngoài còn có gò mộ của con ngựa đã đưa thái tử đi quanh thành, nhất định không chịu về lại chuồng cũ.
Từ thành Ca-tỳ-la-vệ về, đoàn ghé thăm Kundan nơi Phật khi thành đạo đã trở về thăm Vua cha và độ cho Vua cha, hoàng hậu cùng vợ con. Lúc này La-hầu-la đã lên 7 tuổi và xin xuất gia theo Phật. Hiện vẫn còn các ngôi tháp mộ của Vua Tịnh Phạn và hoàng hậu.
Buổi tối đó, như đã hứa, tôi nêu vấn đề thảo luận về pháp hành của thầy Huyền Diệu là lạy từng chữ Kinh Pháp Hoa như một “mật pháp” .
Dịp này tôi trình bày với thầy HD và các đệ tử về kinh Pháp Hoa dưới góc nhìn khác. Tôi nói kinh có nhiều ẩn dụ, ẩn nghĩa cần được hiểu. Pháp Hoa là kinh tối thượng thừa vì là Phật thừa, không còn chia chẽ gì nữa, nhằm “khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”. Kinh dạy các hạnh bồ tát như Tôn trọng (Thường Bất Khinh), Chân thành (Dược Vương), Thấu cảm (Quán Thế Âm) và những bài học tuyệt vời khác để thấy Thực tướng Vô tướng, thấy Pháp thân Như Lai, mà nếu học được thì đã có một đời sống an lạc, tự tại, đem lại hạnh phúc cho mình cho người trong bất cứ thời đại nào, xã hội nào… Thầy HD nói bác sĩ là nhà khoa học, nhưng cũng cần thấy phần tín ngưỡng “mật pháp” rất huyền bí…
Lý giải về hiệu quả của pháp hành lạy từng chữ hoặc đơn thuần chỉ niệm tên kinh Pháp Hoa, thì một khi có Tín tâm cao độ sẽ có Niệm rồi dẫn tới Định, Huệ (Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ). Ở góc độ sinh học thì khi lạy (đúng cách) một lúc, cơ thể sẽ tiết ra endorphine, một thứ morphine nội sinh cho cảm giác sảng khoái, dễ chịu; và một khi liên tục niệm một câu, một chữ nào đó (trong Kinh) thì tạp niệm không thể xen vào vỏ não, nhờ đó mà dễ “nhất tâm bất loạn”… Cuối buổi trao đổi, một đệ tử của thầy HD nói cảm ơn anh Ngọc, bây giờ thì em đã được mở rộng tầm nhìn khi học và hành kinh Pháp Hoa!
Đã đến lúc phải chia tay Lumbini rồi! Chuyền về này tôi và nhóm bạn trẻ được đi máy bay! Thiệt là thú vị. Biết thế nào là cái sân bay tí xíu của Lâm-tì-ni, với một vài chuyến bay mỗi ngày, chỉ chở được vài chục người mỗi chuyến và luôn trễ vài tiếng đồng hồ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng ai cũng nói đi máy bay thì sướng lắm vì chỉ bay 30 phút là tới Kathmandu, không phải mất cả ngày đường vất vả như đi đường bộ. Phi trường Lumbini hình như đang được sửa chữa, nâng cấp vì ngày càng có nhiều đoàn hành hương về đất Phật. May mắn, máy bay hôm nay đúng giờ và chuyến ATR 72 này khá to, lịch sự, chở đến 60-70 người.
Đến phi trường Kathmandu đã thấy có chú MĐ đón và hướng dẫn về nhà nghỉ ở Boudhanath. Thời gian không nhiều vì trưa mai đã phải rời Kathmandu nên mọi người vội vả đi tham quan Đại bảo tháp Boudhanath nổi tiếng nơi đây.
Đây là một đại bảo tháp lớn nhất thế giới, nổi tiếng linh thiêng, không rõ có từ bao giờ, ngoài những truyền thuyết huyền bí, gốc gác từ Đức Liên Hoa Sanh Tây Tạng… Thấy có rất nhiều tu sĩ người Tây Tạng nơi đây. Tiếng đọc kinh rì rầm khắp nơi. Và du khách đông nghẹt, cả ngàn người đi nhiễu quanh bảo tháp. Đại bảo tháp chứa Pháp thân của Phật Thích Ca. Chiều cao 30m và đường kính 100m. Quanh tháp, tầng đất rất nhiều chỗ để cầu nguyện, và nhiều người khấn vái, xoay bánh xe kinh luân… Bốn mặt tháp đều có vẽ thật lớn 2 mắt Phật, chính giữa là con mắt thứ ba, mắt Tuệ và dưới 2 mắt là một dấu hiệu như một dấu hỏi, mang nhều ý nghĩa. Người người đi rất nhanh quanh tháp 9 vòng. Hàng quán bán đồ lưu niệm san sát, tạo thành một khu phố sầm uất, vòng tròn quanh chân tháp báu. Nhiều quán cafe tuyệt đẹp trên Terrace để vừa nhìn Tháp vừa nhìn Núi tuyết. Thường người bán ở đây nói thách khá cao. Phải trả giá rất kỹ… Mình thì quá quen Chợ Bến Thành xưa rồi, không có việc gì… khó, chỉ sợ “lòng không bền”. Tội nghiệp cho cô bé Liz, sống và lớn lên ở Úc, có biết gì là nói “thách, rồi “cò kè bớt một thêm hai” đâu! Lần đầu tiên cô thử… trả giá và mua được một món hàng nên thích quá! Cô kêu lên, con mua được rồi Thầy, vui quá ha! Nhưng có lẽ cô đã mua… hớ! Dù sao, nói thách, trả giá, cò kè… làm cho cả người bán lẫn người mua đều vui! Hoan hô nói thách!
Một chuyến đi còn đọng rất nhiều kỷ niệm.
Đỗ Hồng Ngọc
Để lại một bình luận