NGHĨ VỀ Bs. ĐỖ HỒNG NGỌC
nhân đọc bản thảo TUYỂN TẬP TÔI HỌC PHẬT (Phiên bản 2)

HT Thích Giác Toàn
Thích Giác Toàn (1949-) bút hiệu Trần Quê Hương, quê Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xuất gia năm 14 tuổi tại Mỹ Tho. Ông là thiền sư, thi sĩ. Thường trực lãnh đạo Hệ phái Khất sĩ – Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ. Hiện trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang Tp.HCM.
(https://www.thivien.net/)
NGHĨ VỀ Bs. ĐỖ HỒNG NGỌC
nhân đọc bản thảo TUYỂN TẬP TÔI HỌC PHẬT (Phiên bản 2)
Tôi rất hoan hỷ và cảm ơn Bs. Đỗ Hồng Ngọc về việc anh gửi cho tôi qua email bản thảo TUYỂN TẬP TÔI HỌC PHẬT (Phiên bản 2, năm 2021). Viết bài này, tôi không có ý định nhận xét về tác phẩm lớn này, mà tôi chỉ nhân đây nêu một vài nhận xét về vị bác sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà Phật học và về phẩm chất của tác giả. Sơ sài, thiếu hệ thống và có thể có chỗ lệch lạc là bài viết này của tôi. Xin chư độc giả và Bs. Đỗ Hồng Ngọc niệm tình lượng thứ.
Tuyển tập dĩ nhiên là các đề tài Phật học đúng như tựa đề sách, gồm 8 mục: Nghĩ từ trái tim, Gươm báu trao tay, Ngàn cánh sen xanh biếc, Cõi Phật đâu xa, Thấp thoáng lời kinh, Thoảng hương sen, Thiền tập và Tạp ghi:Lõm bõm. Tất cả đều là những tác phẩm nổi tiếng đã được xuất bản mà tôi đã được đọc trước đây, ngoại trừ Tạp ghi chỉ được tìm thấy rải rác trên Trang nhà của Bs. Đỗ Hồng Ngọc.
Hình như tất cả các tác phẩm của Bs. Đỗ Hồng Ngọc đều được viết vì tấm lòng, từ cảm xúc, tư duy, kinh nghiệm của chính anh. Anh viết cho anh và cho mọi người già, trẻ, phụ nữ, trẻ em và cho các thiện tri thức thân hữu. Anh không được chính thức đào luyện về Phật học. Anh tự mày mò đến với Phật học khi tuổi đã đến lục thập. Vào rừng kinh điển Phật học, anh tự để cho cảm xúc, cho tâm hồn, cho trí óc tự do vận hành. Súc tích, lạc quan, dí dỏm và chân thành là những tác phẩm của anh, của con người Đỗ Hồng Ngọc.
Là bác sĩ, anh chữa bệnh, gần gũi, an ủi, khích lệ đủ mọi lứa tuổi qua nhiều tác phẩm như Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, Thầy thuốc và bệnh nhân, Sức khỏe gia đình, Khi người ta lớn… và Già ơi…Chào bạn.
Già ơi…Chào bạn! Tôi nghĩ có lẽ anh có nghĩ đến Bonjour Tristesse của Nữ sĩ Françoise Sagan (Nhà văn Nguyễn Vỹ dịch là Buồn ơi chào mi) đã được nhiều triệu độc giả trên thế giới ca ngợi cách đây hơn 6 thập kỷ. Sách này xuất bản năm 1954, tác giả mới 18 tuổi, kể lại nỗi buồn của một cô gái 18 tuổi vì thi rớt Tú tài, cuối cùng cô nhận định rằng cuộc đời này buồn nhiều hơn vui. Già ơi… Chào bạn! của Đỗ Hồng Ngọc được xuất bản năm 1999, được viết lúc tác giả đã đến tuổi 60, và đang thư thái khởi đầu bước vào rừng kinh điển Phật giáo, một ông già vui vẻ, tươi tắn, lạc quan mà nghĩ rằng đời vẫn đẹp vì nó có ý nghĩa đẹp.
Ở Đỗ Hồng Ngọc là một tấm lòng chân thật, anh viết cho mình và cũng muốn gửi đến các thiện tri thức thân hữu và cũng muốn những gì anh đã làm theo gió bay xa. Tôi cũng muốn như anh, gửi những dòng này đến anh và muốn chúng theo gió bay xa…
Đỗ Hồng Ngọc, tôi kính mến anh…
Trân trọng!
Pháp viện Minh Đăng Quang,
Mạnh đông Tân Sửu – 2021.
Sa-môn Thích Giác Toàn
Trả lời