Mời các anh chị và các bạn đọc Ebook
- bấm vào chữ: “TÔI HỌC PHẬT” để đọc, sẽ tự động lật trang như trang sách;
2. hoặc tải file ebook thì bấm vào chữ: tại đây
(PMB)
Thân gởi các Anh chị, các bạn,
Suốt hơn 3 tháng nằm chèo queo ở nhà vì lệnh phong tỏa do dịch bệnh Covid tại Tp.HCM, tôi đã “biên tập” lại toàn bộ và bổ sung thêm khá đầy đủ cho Bản thảo Tuyển tâp Tôi Học Phật do anh 5 Hiền, Nguyễn Hiền-Đức sưu tập trước đây (2019), để có Phiên bản 2 này (2021) gởi đến các “bạn đạo” trong Nhóm Học Phật cùng Lớp Phật Học & Đời Sống tại Chùa Phật học Xá Lợi Tp.HCM rỗi rảnh đọc vui.
Bìa do tôi tự dàn dựng lấy, cảm hứng từ mấy trang báo Liễu Quán (Huế), mang nét “lõm bõm” “thấp thoáng” với cách học Phật của mình. Chân thành cảm ơn các bạn Nguyễn Thành, Nguyễn Văn Quyền, Tú Quyên đã hỗ trợ trong thời buổi đầy căng thẳng vì dịch bệnh.
Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon 25.9.2021)
Một chút tâm tình
Hai năm trước, năm 2019, một người bạn từ bên kia nửa vòng trái đất cho tôi biết vừa thấy “tuyển tập” Thấp thoáng Lời Kinh, tập hợp một số sách viết về Kinh Phật của tôi xuất hiện trên Thư Viện Hoa Sen và một số trang mạng khác.
Tôi hơi ngạc nhiên nhưng nghĩ có thể là do anh 5 Hiền, Nguyễn Hiền-Đức đây rồi chớ không phải ai khác. Bởi vì người bạn 5 Hiền rất dễ thương này mấy năm trước đã mang đến tặng tôi nhiều “tuyển tập” của tôi do anh có nhã hứng thực hiện mà không “trao đổi” trước chút nào cả, khiến tôi không khỏi giật mình.
Quả đúng vậy. Anh 5 Hiền cho biết đã “gò lưng” cặm cụi tự đánh máy các cuốn viết về kinh Phật này của tôi, từ Nghĩ từ trái tim (Tâm Kinh) đến Gươm báu trao tay (Kim Cang) và Ngàn cánh sen xanh biếc (Pháp Hoa), Thấp thoáng lời kinh… suốt từ 2010 đến 2018! (Sau này thì anh đã biết sưu tầm trên mạng bằng cách copy và paste, bởi đánh máy mất nhiều công sức mà khó tránh sai sót). Anh nói nah làm “tệp” bản thảo này gởi bạn bè giữ coi lai rai, không dè người bạn thiết là Văn Công Tuấn “tung” lên mạng. Sau đó, tôi đề nghị anh cho tôi đổi tựa là Tôi học Phật và sắp xếp lại một chút theo một trình tự nào đó nhưng thật ra không dễ. Anh 5 Hiền đã làm với tất cả cảm hứng riêng anh mà tôi luôn trân trọng và biết ơn.
Hai năm đã trôi qua, năm nay 2021, tôi đã “già thiệt” rồi vì đã 82 tuổi ta, bắt đầu nhớ nhớ quên quên nên nghĩ cần chỉnh đốn lại bản thảo Tôi Học Phật cho tương đối một chút, cắt bỏ đi một số bài viết và bổ sung thêm một số bài khác cho phù hợp. Mặt khác, vài năm gần đây, tôi cũng tập trung viết những ghi nhận lõm bõm của mình từ những điều đã học đã hành trong đời sống thường ngày, thành những Tạp Ghi, Lõm bõm, Y vương, Nói không được, Sống với Như Lai… Những Tạp ghi này chỉ là tạp ghi, chưa hoàn chỉnh, tuy vậy cũng có bài được các Cư sĩ Phù Vân, Văn Công Tuấn, Nguyễn Minh Tiến chọn đăng trên Đặc san Văn Hóa Phật Giáo (Đức) của HT Thích Như Điển, và Ban biên tập Tạp chí Từ Quang của HT Thích Đồng Bổn chùa Xá Lơi, Tp.HCM.…
Tôi muốn dịp này được cảm tạ anh 5 Hiền, Nguyễn Hiền-Đức, các Bs Nguyễn Kim Hưng, Bs Hồ Đắc Đằng, Nnc Huỳnh Ngọc Chiến, Nnc Lê Anh Dũng…, quý Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Đồng Bổn… Gs Cao Huy Thuần, Gs Trần Tuấn Mẫn, dịch giả Diệu Hạnh Giao Trinh… và các bạn trong Ban Phật học, Nhóm học Phật, Lớp Phật học và Đời sống của chùa Xá Lợi Tp.HCM, cùng Nxb Tổng hợp, Cty Văn hóa Phương Nam…
Tôi người thầy thuốc, tìm học Phật- bậc Y vương- là để tự chữa bệnh thân-tâm cho chính mình và chia sẻ cho những ai đồng bệnh tương lân. Tôi chỉ lõm bõm tự học, tự hành, tự lần mò tìm kiếm trong khu rừng bí mật – “con người, kẻ xa lạ” chính mình đây, một con đường tu tâm dưỡng tánh theo lời bậc “Đạo sư” chỉ dạy và thấy có nhiều phúc lạc.
“Tuyển tập” Tôi Học Phật (phiên bản 2) này cũng chỉ là một bản sơ thảo, nhiều sai sót, rất mong bạn đọc tủm tỉm nụ cười lượng thứ và đóng góp cho nhiều ý kiến…
Trân trọng,
Đỗ Hồng Ngọc.
(Saigon, 7.2021)
…………………………………………..
Lời trần tình… của Nguyễn Hiền-Đức (5 Hiền)
Ngay trong bước đầu “tập tễnh học Phật”, “lõm bõm học Phật”, tôi đã chọn cách học hợp với sở thích của mình. Đó là chọn bài, chọn sách rồi… rị mọ. cặm cụi, kiên trì “gõ” vào máy. Cách làm này giúp tôi đọc chậm, đọc kỹ từng đoạn, từng trang, từng bài, rồi chú tâm sửa lỗi. Tôi đọc ít nhất 5 lần cho mỗi trang với lòng thanh thản, thư thái. Tôi không “ép” mình phải ghi, phải nhớ một điều gì cứ để nó trôi chảy như một dòng sông. Rồi biết đâu mười năm sau, hay hơn nữa những gì tôi đã đọc, đã “gõ” sẽ giúp tôi nhiều hơn, tốt hơn trên con đường học Phật. Tôi chỉ đặt ra một thứ kỷ luật tự giác mà tôi phải tuân thủ, đó là mỗi ngày “gõ” ít nhất 5 trang, mỗi tháng tối thiểu 120 trang học Phật.
Xin thưa thêm rằng, mãi đến cách nay 4, 5 năm, theo lời chỉ dẫn của một người bạn, tôi mới biết cách lên mạng mà “cắt”, “dán” bài để “làm” các tuyển tập đủ loại. Việc “cắt”, “dán” này giúp tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, tránh được rất nhiều sai, sót đúng như lời khuyên của BS Đỗ Hồng Ngọc, rằng tuổi già sức yếu rồi… dễ “nhớ nhớ quên quên lắm. Phải hết sức cẩn thận!”
Tôi bắt đầu “gõ” và “gõ”… mải mê “gõ” làm cuốn “tuyển tập” Thấp thoáng lời Kinh này từ năm 2010 và kết thúc năm 2018. Tôi rất thích từ “thấp thoáng” vì nó thể hiện rất rõ, rất đúng cái chất “thấp thoáng”, “lõm bõm” của tôi khi học Phật. Tôi rất thích Tuyển tập này và thấy cần phải gởi để anh Văn Công Tuấn (Đức quốc) – tác giả 2 cuốn sách đã xuất bản mà tôi rất thích: Cổ Thụ Lặng Bóng Soi và Hạt Nắng Bồ Đề – với mong muốn Văn Công Tuấn có thêm những tác phẩm Phật học có giá trị để tham khảo, trích dẫn cho những bài viết về Phật học tiếp theo của anh ấy. Văn Công Tuấn cũng rất thích, rất quý Tuyển tập này nên đã đưa lên Trang nhà Quê Nhà (Home) của anh, rồi anh lại gởi cho Thư Viện Hoa Sen. Và mới đây, BS Đỗ Hồng Ngọc cũng đã giới thiệu Tuyển tập này trên Trang Nhà Đỗ Hồng Ngọc…
(…)
Tôi chân thành biết ơn BS Đỗ Hồng Ngọc và cũng “biết ơn mình” khi “làm” Tuyển Tập Tôi Học Phật này.
Nguyễn Hiền-Đức
Cẩn bút
Santa Ana, CA tháng 12/2019 – PL 2563.
…………………………………………………………………………………………………………….
Hướng dẫn sử dụng:
- bấm vào chữ: “TÔI HỌC PHẬT” để đọc, sẽ tự động lật trang như trang sách;
2. hoặc tải file ebook thì bấm vào chữ: tại đây
Cháu cảm ơn Bác rất nhiều vì những lời văn thật giản dị, gần gũi và vui vẻ. Thế giới quan của Phật đã giúp cháu nhận ra cái tôi của mình quá lớn, nhưng nó có thể thay đổi được bằng cách tạo ra những thói quen tốt, đồng thời loại bỏ những thói quen xấu. Những điều rất đơn giản trong cuộc sống cháu đang thực hành là ngủ-dậy đúng giờ, bớt quan tâm những chuyện lăng xăng, thay đổi cách ăn uống cho tâm bình an.
Cháu chúc Bác luôn luôn mạnh khỏe! Cảm ơn những bài viết của Bác rất nhiều ạ!