TẠP GHI (Lõm bõm… kỳ 4a)
Mười hạnh Phổ Hiền
“Bốn lời nguyện rộng lớn” với vô biên, vô tận, vô lượng… gì gì đó chẳng qua cũng chỉ là nguyện, là ước, là mong… Nói khác đi, nó chỉ mới dừng lại ở “thái độ”, phải chuyển thành “hành vi” (hành động) mới có thể thành… chánh quả được (Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành)!
Con đường “thay đổi hành vi” từ Biết đến Muốn, rồi từ Muốn đến Làm không dễ chút nào (KAP = Knowledge/ Attitude/ Practice), rồi từ Làm đến… Duy trì… quả là gian khó. Mà Tu thì phải Hành, chớ không thì chỉ là cái “đãy sách”.
Nhưng, hành cách nào?
Phần lớn các chùa hiện nay thường thấy nơi chánh điện có tượng Phật Thích-ca đặt ở giữa, bên trái có Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, cưỡi sư tử, tay cầm kiếm; bên trái có Bồ-tát Phổ Hiền, cưỡi voi sáu ngà, tay cầm đóa hoa sen.
Ai nghĩ ra các hình tượng tượng trưng này thật là hay để nhắc học Phật là con đường của Từ-bi và Trí-tuệ. Văn-thù (Manjusri) là Bồ-tát của Trí-tuệ, tay cầm kiếm chặt đứt phiền não, tiếng rống sư tử làm tắt ngấm vô minh. Phổ Hiền (Samantabhadra) là Bồ-tát của Từ-bi, cưỡi voi sáu ngà, chở bao nặng nhọc của bước đường thực hành và hoằng pháp. Tại sao voi 6 ngà? Tượng trưng cho Lục Ba-la-mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ. Thú vị là tượng Văn-thù luôn ở bên trái còn Phổ Hiền thì luôn ở bên phải Phật Thích-ca. Khoa học bây giờ cũng thấy não trái là não của Trí tuệ, não phải là não của Từ Bi. Hồi xa xưa đó không ngờ đã phát triển nền Khoa học não bộ (Neurosciences) đến vậy!

(Internet)
Phổ là rộng, phổ quát (Universal) còn Hiền là Đức hạnh (Great conduct, Virtue, Goodness). Bồ tát Phổ Hiền đã làm một bảng Hướng dẫn thưc hành (Guideline in Practising Buddhism) gọi là Mười Hạnh Phổ Hiền rất cụ thể. Học 10 hạnh này, mỗi ngày một chút thôi cũng đủ rồi vậy.
- Lễ kính Chư Phật.(To pay homage and respect to all Buddhas).
« Chư » Phật, chớ chẳng phải chỉ có một vị Phật duy nhất. Phật nhiều vô kể. Phật khắp mười phương. Khắp tam thiên đại thiên thế giới, cả 3 thời quá khứ hiện tại vị lai, thời nào cũng có Phật, ở đâu cũng có Phật. Bởi ở đâu cũng có kẻ giác ngộ, lúc nào cũng có kẻ giác ngộ. Nhưng Phật Thích-ca vẫn là vị Phật lịch sử, vị đạo sư, kẻ dẫn đường, « bổn sư » của ta… Phật Thích-ca chẳng từng nói Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành đó sao ? Phật Thích-ca cũng đã… không quên giới thiệu cho chúng ta các vị Phật khác ở khắp Đông Tây Nam Bắc để ta lễ kính.
Kinh Pháp Hoa có Bồ-tát Thường Bất Khinh là vị Bồ-tát rất dễ thương, ông luôn vái lạy mọi người và nói với họ rằng: « Xin kính lễ Ngài, vị Phật tương lai ». Mặc cho người ta đánh mắng xua đuổi, ông cũng cứ lễ kính trân trọng chân thành như vậy, cho đến một hôm người ta giật mình nhìn lại, ừ đúng, sao không nhỉ ? Nếu ta tu tập đúng con đường Phật dạy, ta cũng có thể trở thành Phật lắm chứ ? Bài học: Đừng coi khinh mình, đừng coi thường mình, miễn là …
- Xưng tán Như Lai (To praise the Thus Come One- Tathagata).
Rất thú vị ở đây là không có chuyện « lễ kính » Như Lai mà chỉ là « xưng tán » (ca ngợi) Như Lai mà thôi. Nói khác đi, Như Lai không việc gì phải lễ kính ! Phật thì « lễ kính » còn Như Lai chỉ « xưng tán ». Lý do ? Như Lai là Như Lai, không phải Phật. Như Lai « vô sở tùng lai diệc vô sở khứ » (chẳng từ đâu đến, chẳng đi về đâu !): Thus come one- Tathagata. Nó vậy là nó vậy. Nhiều khi ta lầm tưởng Phật với Như lai. Nhìn con chim đầy màu sắc kia xem. Nhìn thiên nga và bầy vịt kia xem. Nhìn mây trôi nước chảy kia xem. Như Lai đó. Con ong cái kiến là Như Lai. Đóa hoa muôn màu muôn sắc là Như Lai. Và Phật cũng là… Như Lai khi đã giác ngộ, đã « thấy biết » và từ đó sống trong Như Lai, sống cùng Như Lai, sống với Như Lai. Ta vẫn gọi Phật bằng nhiều danh xưng với lòng tôn kính: Như Lai, Bậc Ứng cúng, Thế gian giải, Thiên Nhân sư…
Kinh nói «vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai » chớ không nói « Vào nhà Phật, mặc áo Phật… », cũng nói « Như Lai thọ lượng » chớ không nói « Phật thọ lượng » (Pháp Hoa).
Nhớ lễ kính chư Phật mà xưng tán Như Lai vậy.
- Quảng tu cúng dường (To make abundant offerings. (e.g. give generously)
Quảng tu là rộng tu. Tu mà bó hẹp, bịt mắt chỉ thấy một góc, một phía thì uổng lắm. Phật dạy lúc trước, lúc sau hay lúc giữa cũng chỉ có một, nhưng tùy theo « căn cơ » của đối tượng mà ứng biến, gia giảm cho phù hợp, nên đôi khi dễ tưởng là khác, là « mâu thuẫn ». Có lần trong một buổi thuyết giảng của Phật cả mấy ngàn người đã bỏ đi. Trước khi nhập Niết bàn, Phật còn dặn dò xưa nay Ta chưa hề giảng dạy điều gì cả, chưa hề giảng dạy cho ai cả. Hình như Phật biết trước, thời đại Internet, đầy những fake news. Cái thấy biết của Phật thì như cánh rừng Simsapa kia mà điều nói ra chỉ là nhúm lá trong tay. Phần không nói ra, rồi sẽ tự biết. Phật gợi ý để rồi tự ta phát hiện, tự chứng, tự nội.
« Nhất thiết chủng trí » rồi thì đã có Bình đẳng tánh trí, Diệu quan sát trí. Cúng dường là bố thí. Quảng tu cúng dường là bố thí rộng lớn. Bố thí là hàng đầu trong Lục độ (Bố thí, Trì giới…). Bố thí có tài thí, pháp thí và vô úy thí. Bố thí thân mạng mỗi ngày nhiều như cát sông Hằng… là tốt nhất (Thiền). Dược Vương Bồ-tát tự đốt cả thân mình, đốt cả hai cánh tay (đốt ở đây là dập tắt tham sân si, mạn, nghi, kiến… để có thân vô ngã, pháp vô ngã) được các vị Phật khen là « món thí hạng nhứt ! »
- Sám hối nghiệp chướng (To repent misdeeds and evil karmas).
Chướng là trở ngại, gây phiền phức, gây rắc rối, không trơn tru. Cái gì gây trở ngại, gây chướng vậy ? Nghiệp!
Nghiệp là gì? Phật dạy nghiệp là tài sản của ta. Ta là kẻ thừa tự của nghiệp. Nói khác đi, ta “lãnh đủ” nếu ta tạo nghiệp. Dĩ nhiên đó là ác nghiệp. Thiện nghiệp thì sao? Thì ta không bị chướng, gì cũng thành tựu, tốt đẹp. Nhìn hôm nay biết nghiệp ngày xưa. Nhân hôm nay biết quả ngày sau. Nói khác đi, nó là kết quả, là nguyên nhân của đời sống ta, là hạnh phúc, là khổ đau của kiếp sống ta. Cải nghiệp được không? Được. Nghiệp do thân khẩu ý mà sinh. Hành vi chỉ là thân và khẩu. Có Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, nguồn gốc của sanh sự. Nhưng Ý nghiệp mới thật là ghê gớm. Ý dẫn đầu các pháp. Nhưng Ý thường làm bộ vô can. “Tác ý” là yếu tố chính xác định nghiệp. Người ta có thể tha thứ cho một sự vô tình, nhưng cố ý thì rắc rối to. “Như lý tác ý”, nghĩa là theo “lý” mà làm. Lý đây là cái thấy biết như thực, cái chánh kiến, chánh tư duy, từ đó mà có chánh ngữ, chánh nghiệp. Còn sám hối là hối lỗi, thấy biết chỗ sai quấy mà “từ nay xin chừa”. Ta là chủ nhân của nghiệp. Sám hối cái sai quấy thì không đi vào ác nghiệp và từ đó, nghiệp hết… chướng!
- Tùy hỷ công đức (To rejoice in others’ merits and virtues).
Là công đức do tùy hỷ mà có. Tùy hỷ là cái vui theo người. Người có chuyện vui thì mình vui theo. Dĩ nhiên chuyện vui đó phải là chuyện thiện. Nếu là chuyện xấu ác mà vui theo thì nguy. Tùy hỷ thực chất là để chữa trị bệnh đố kỵ, ghen ghét, là một trong những “bản năng” gốc của con người. Đố kỵ ghen ghét cũng vì tham, vì thấy thua sút người ta. Khi không còn tham sân si, khi vô ngã rồi thì không còn ganh ghét đố kỵ nữa. Tùy hỷ mà giả đò, tùy hỷ mà không thực lòng, tùy hỷ mà hùa theo thì không phải là tùy hỷ. Sẽ chẳng có “công đức” gì ở đây! Thứ tùy hỷ giả, nói theo, làm vui lòng người, khen bừa cho người vui thì chưa gọi là tùy hỷ. Nịnh càng không phải là tùy hỷ. Cho nên phải coi chừng tùy hỷ. Coi chừng lời tùy hỷ, kẻ tùy hỷ. Ái ngữ không phải là tùy hỷ. Chánh ngữ mới đúng. Có chánh kiến chánh tư duy thì mới có chánh ngữ. Quả là không dễ.
Đỗ Hồng Ngọc
(còn tiếp)
Kính chào Bác Sỉ,
Tôi là Ngọc Thu, mà thường gọi vắn tắt là , Thu Nguyễn cho dễ. Tôi cư ngụ ở Brisbane ( Úc Châu), hơn 40 năm rồi .
Gần đây được xem và nghe BS. qua youtube, rất yêu thích những bài nói chuyện của BS. về nhiều lãnh vực về Phật Giáo, thật rất giản dị, dể hiểu.
Tôi cũng rất hâm mộ về cách giảng dạy, và thực hành về đạo Phật của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.
Tôi sẽ ra Thư Viện ở đây để tìm mượn sách của BS. để đọc.
Xin cho tôi được tham gia vào danh sách bạn hữu của khán thính giả và bạn đọc của BS. từ đây., để được có dịp tham dự khi cơ hội đến. Cám ơn BS.
Cảm ơn Cô Thu Nguyễn. Trước mắt, ngoài những bài trên youtube, cô có thể đọc một số bài gần đây trên website: http://www.dohongngoc.com nhé.
Trân trọng,
ĐHN