Hạnh ngộ, đó là cuộc “trùng phùng “ giữa hai con người xa lạ! Người này ở trong người kia. Cả hai đều không biết mình từ đâu đến và dĩ nhiên cũng chẳng biết mình sẽ đi về đâu… Nhưng họ ở trong nhau. Họ gặp nhau ngỡ ngàng, xa lạ, đầy “kịch tính”! (chữ của Việt Linh). Đó là hai… mẹ con! Mẹ, một người đàn bà… rất đàn bà và con, một cái trứng nước còn trứng nước. Họ chăm bẳm quan sát nhau, ngọ ngọay, hú hí, nâng niu, đấu đá và nhường nhịn nhau… Họ nôn nóng gặp mặt nhau, mỏi mòn chờ đợi nhau. Họ tương tác, tương sinh, tương khắc … với nhau bất kể ngày đêm. Cuối cùng họ cũng đựơc toại nguyện sau một hành trình cam go gọi là mang nặng đẻ đau, để hai kẻ xa lạ ngỡ ngàng kia đựơc nhìn thấy nhau sau chín tháng mười ngày đợi chờ đầy “thiêng liêng, lãng mạn, hài hước và tò mò” để cuối cùng người mẹ đựơc “gặp một công trình kỳ vĩ- một con người- mà mình được vinh hạnh tham gia cùng tạo hóa”– (Hạnh ngộ, Chuyện mình chuyên người, Tạp bút, NXB Trẻ 2008). Trong cuộc hạnh ngộ kỳ diệu này, Việt Linh đạo diễn có lẽ đã choáng ngợp với một đạo diễn khác, kẻ giấu mặt, có vẻ hững hờ mà sắp đặt đâu đó cả rồi, đâu như “từ muôn kiếp trứơc” rồi, và người mẹ chỉ kịp nhận ra một “ trạng thái bồng bềnh”, bay bỗng, ngất ngây… Họ ngỡ ngàng nhìn nhau, ngơ ngác nhìn nhau. Người mẹ chưa biết làm mẹ. Người con chưa biết làm con. Thế nhưng lạ lùng thay, họ bấu víu lấy nhau, chùn chụt với nhau. Và rồi trong phút giây người mẹ chợt nhận ra đứa con là máu thịt của mình, là sở hữu của mình. Có lẽ từ đó cũng chính là những nỗi niềm đằng đẵng của một kiếp nhân sinh!
Ngọn lửa
Người ta hỏi Phật vậy chớ chia sẻ cái “phước” cho nhiều người thì phước đó có bớt đi không? Phật mỉm cười bảo: “ Như lửa ở một ngọn đuốc, hàng trăm hàng ngàn người đến lấy lửa từ ngọn đuốc đó để soi sáng, để nấu ăn, thì lửa nơi ngọn đuốc kia vẫn y như cũ!”.
Dạy học chính là chia lửa! Nếu dạy học chỉ là trao truyền kiến thức không thôi thì kiến thức sẽ rất mau… lỗi thời, rất mau cạn kiệt, nhất là trong một xã hội thông tin vô tận như hôm nay!
Nhưng để có thể chia lửa thì trước hết phải có… lửa! Muốn có lửa thì phải… tự đốt mình lên và phải có nguồn nhiên liệu bất tận nơi trái tim mình. Người thầy băng giá thì chỉ có thể truyền lạnh lẽo, giá băng. Người thầy máy móc chỉ có thể truyền những động tác. Còn người thầy truyền lửa thì lửa đôi khi có thể bốc cháy nhưng thường khi chỉ ngun ngún, âm ỉ, đợi một cơn gío bùng lên. André Maurois, viện sĩ Hàn lâm Pháp nói đến kỹ năng “nhóm lửa” cho người bạn trẻ trong cuốn “Lettres ouvertes à un jeun homme” (Thư ngỏ gởi tuổi đôi mươi, Nguyễn Hiến Lê dịch): đó là hãy bắt đầu với những bùi nhùi, mạt cưa, những cành khô nho nhỏ, sau đó, khi ngọn lửa đã ngún rồi thì mới có thể nhen dần vào những thân cây to, nhờ đó mà giữ hơi nóng bền lâu, không bị tắt ngúm!
Chữ Nhàn
Chữ nhàn là chữ làm sao! Nguyễn Công Trứ đã kêu lên như vậy, từ mấy trăm năm trước. Kêu chứ không phải hỏi. Bởi vì trước đó ông đã giải thích rõ ràng rồi: Thị tại môn tiền náo/ Nguyệt lai môn hạ nhàn. Chợ ở cửa trước thì “náo”, còn trăng vào cửa sau thì “nhàn”. Thế thôi ! Không biết ai là người đầu tiên đã nghĩ ra một định nghĩa đơn giản mà thâm thúy đến vậy qua cách viết chữ tượng hình của Trung Hoa: giữa chữ môn mà có chữ thị thì thành náo, còn giữa chữ môn mà có chữ nguyệt thì thành nhàn.Thời buổi “thị trường” toàn cầu hóa như chúng ta đang sống hiện nay thì chợ ở tứ phía, ở ngay trong nhà cũng có chợ chen vào, cho nên không dễ mà tìm một chút ánh trăng qua cửa sổ! Ở các nước Âu Mỹ, workmania là môt thứ bệnh “điên vì mê làm việc” đến nỗi tình trạng tâm thần, tự tử, tim mạch… ngày càng tăng. Ở Châu Á, bệnh karoshi chẳng hạn , một thứ bệnh dịch do làm việc quá nhiều, quá sức, làm như điên, đến nỗi sinh nhiều biến chứng và gây cả tử vong như chúng ta đã từng biết ở những doanh nhân Nhật và đang lan ra nhiều nước. Liên hợp quốc đưa “quyền nhàn tản” vào trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền để khuyến khích người ta nghỉ ngơi mà chả ai thèm nghe. Nghe sao được, nhàn hay không là ở mỗi người chứ. Bắt người ta làm việc, cưỡng bức lao động thì dễ chớ ai nỡ bắt người ta nhàn, khi người ta muốn được “bận rộn” !
Có một “nghệ thuật”… ngủ!
Có người nói ngủ chiếm một phần ba cuộc đời, uổng phí quá! Đừng ngủ thì lợi hơn! Nhưng lợi đâu không thấy chỉ thấy mất ngủ vài ba đêm thì đầu óc không sảng khỏai để làm việc, năng suất thấp, mất ngủ lâu dài hơn thì dẫn tới bệnh tâm thần và cuối cùng thì thay vì cuôc sống dài ra lại bị rút ngắn đi một cách đáng tiếc!
Không biết tại sao ngày càng có nhiều người mất ngủ trên thế giới phẳng này! Thuốc ngủ là một trong những thứ thuốc bán chạy nhất hiện nay trên thế giới. xem tiếp …
ĐỖ HỒNG NGỌC ngộ ra những điều kỳ diệu của trái tim
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, sinh năm 1940 tại La Gi, Hàm Tân, Bình Thuận.
Nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ –Tp Hồ Chí Minh. Là thầy thuốc ưu tú, tác giả nhiều tác phẩm văn học, y học, các công trình nghiên cứu về trẻ em và tuổi già. Cộng tác nhiều tờ báo tại TP Hồ Chí Minh.
Là nhà thơ với bút hiệu Đỗ Nghê từ những năm 1960.Hội viên Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh.xem tiếp …
Giới thiệu sách viết về Tâm Kinh Bát Nhã: “Nghĩ từ trái tim”
Lời ngỏ của tác giả
Trái tim không phải để suy nghĩ. Trái tim là để yêu thương. Khi trái tim nghĩ thì chắc cũng không nghĩ như khối óc. Trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều khi khối óc không sao hiểu được. Thời đại của chúng ta, con người dùng khối óc nhiều quá, nhiều đến nỗi người ta luôn ở trong tình trạng muốn “điên cái đầu”. Và thực vậy, bệnh tâm thần ngày càng phát triển, tự tử, ma túy, stress… ngày càng gia tăng trong một xã hội mà người ta luôn bị quay cuồng, luôn phải chạy đua với tốc độ, tuổi trẻ, nhan sắc, thành đạt…xem tiếp …
Tản mạn cùng “Nghĩ từ trái tim”
Thật khó lòng tưởng tượng khối năng lượng khổng lồ được giải phóng từ hai quả bom nguyên tử kinh người tại Hiroshima và Nagasaki lại bắt nguồn từ công thức vật lý chỉ có vỏn vẹn năm ký tự E=mc2. Cũng thế, thật khó lòng tưởng tượng toàn bộ khối kinh sách đồ sộ trong hệ tư tưởng Bát nhã Phật giáo, nói về trí huệ siêu việt thượng thừa thù thắng làm kinh động tất cả tam thiên đại thiên thế giới, lại bắt nguồn và được khoáng diễn từ một chữ KHÔNG, rồi lại được cô đọng trong bài Tâm kinh chỉ vỏn vẹn có 260 chữ. Đủ thấy bản thân mỗi chữ trong Tâm kinh đều hàm ẩn một dạng năng lượng khổng lồ E=mc2 như thế nào rồi! Diệu dụng của chữ KHÔNG thật vô bờ bến.xem tiếp …
