Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Lõm Bõm: “Luân hồi sanh tử”

11/05/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 19 Comments

“Luân hồi sanh tử”

Luân hồi hình như luôn đi với sanh tử. Luân hồi sanh tử. Nghe cứ rờn rợn. Có cách nào “giải thoát” không? Có đó. Đi tu! Đi tu để giải thoát luân hồi sanh tử. Nghe nói vậy. Làm như tu thì không còn sanh tử nữa, không còn luân hồi nữa, tu thì sống đời đời kiếp kiếp vậy! Nhưng… không còn sanh tử, không còn luân hồi nữa, sống đời đời kiếp kiếp thì… chán chết! Không luân hồi sanh tử nữa thì mọi thứ khựng lại. Trái đất chẳng buồn quay. Chẳng còn xuân hạ thu đông. Chẳng sáng trưa chiều tối. Chẳng vô thường. Chẳng đổi thay. Chán chết! Cho nên luân cứ phải hồi, sanh cứ phải tử. Và bởi vì sanh cứ phải tử nên tử cứ phải sanh. Phải luẩn quẩn loanh quanh vậy mới công bằng, mới phải điệu. Ba cõi sáu đường phải thênh thang rộng mở cho chúng sanh lũ lượt vào ra!

Nhưng, chỉ có ba cõi sáu đường thôi ư? Chỉ có “Thiên, nhân, atula, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục”… thôi ư? Chắc còn nhiều thứ “cao tốc” nữa. Vô số vô lượng vô biên nẽo đường cho phù hợp với vô số vô lượng vô biên chúng sanh chứ? Nhưng chỉ tượng trưng vậy là đủ cho các thứ bệnh “tham, sân, si, nghi, kiến, mạn”… của cõi người!
Được làm người thật khó! Một con rùa mù lờ quờ bơi giữa biển khơi, mỗi trăm năm trồi đầu lên một lần giữa mênh mông sóng nước, vậy mà làm thế nào lại đội trúng chóc ngay khúc gỗ mục, giữa bộng cây, đang trôi giạt bềnh bồng trên biển. Đâu có dễ phải không? Đó là một hình ảnh đầy biểu tượng sinh học, mang tính nghệ thuật vẫn được điêu khắc trên các đền đá từ ngàn xưa của linga với yoni ! Cho nên cha mẹ mà không bồng bềnh gặp nhau thì ta là ai? Ông bà mà không bồng bềnh gặp nhau thì ta là ai? Phải có cái nhân, cái duyên, cái nghiệp, cái báo gì đó chứ?

Muôn sự tại tham. Không tham thì đã không sinh sự. Mà tham thì không đáy. Y như cái bao tử, vốn là một cái túi không đáy vậy! Tham thì lúc nào cũng thấy thiếu, cũng đói, cũng khát. Khát đủ thứ, đói đủ thứ. Không chỉ cõi người đâu. Cá lớn nuốt cá bé. Bọ hung hùng hục đánh nhau giành giựt cục phân. Thiêu thân tranh nhau lao vào lửa. Dã tràng miệt mài se cát biển đông… Tham quá thì thành… ngạ quỹ. Đói khát triền miên. Sân (giận) thực ra chỉ là một sản phẩm của tham. Tham mà không được mới sân, mới bị thiêu đốt đủ kiểu ở chín tầng địa ngục. Sân sinh địa ngục. Địa ngục chẳng đâu xa. Nó ở ngay trong ta và luôn háo hức chờ đợi. Nhưng cái gốc của tham, sân là từ “ngu muội” (Si) mà ra! “Súc sanh” quá đi chớ. Còn cãi gì nữa! Lâu lâu nhìn lại mình mà coi: “Đồ súc sanh! Đáng đời! Đáng kiếp!”…

Vậy còn thiên, nhân, atula thì từ đâu ra? Thì từ các “bệnh” nghi, kiến, mạn! Nghi thì sanh sự, tâm không lúc nào an. Nghi thì không thể Từ bi! Cho nên nghi sinh… Atula, thần không ra thần, người không ra người, thông minh quỷ quyệt, đấu đá tranh giành, đằng đằng sát khí… Còn nhân (người)? Chắc là do “Kiến” sinh ra rồi. Chỉ người mới có nhiều thứ kiến, khi tà khi chánh, khi thường khi đoạn, điên đảo mộng tưởng. Cứ quay mòng như chong chóng. Đáng mừng là người thì có cơ hội để đổi thay, để chuyển hóa. Cho nên mới bảo làm người, khó, nhưng được làm người đã là may mắn. Còn “Mạn”? Coi trời bằng vung! Kiêu căng phách lối, vỗ ngực xưng tên, nghĩ mình phước báo, ăn chơi xả láng… Thế nhưng dù là Trời vẫn có lúc rơi xuống địa ngục như chơi!
Tóm lại, sáu nẻo đường… thênh thang thì tà nhiều hơn chánh. Tà có vẻ… hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn. Cho nên ta mới có khuynh hướng trôi nổi, lăn lộn, mãi miết trong sáu nẻo đường… tà, không muốn thoát ra là vậy!

Luân hồi sanh tử là cần thiết, là phải vậy. Nước xuôi ra biển lại tuôn về nguồn! Bỉ cực rồi thái lai! Nếu không thì chán quá. Nếu không thì bất công quá! Xuân hạ thu đông… rồi lại Xuân. Sắc thọ tưởng hành thức rồi lại… Sắc? Vô minh, hành, thức… rồi sanh, lão tử hay ngược lại, Lão tử rồi sanh, hữu, thủ, ái… vô minh, để từ đó mà sinh sự cho sự sinh? “Vô sinh” là hết chuyện, diệt thọ tưởng, dứt ái thủ… là hết chuyện chăng? Còn lâu! Bởi “Vô vô minh diệc vô vô minh tận…”, không hề có vô minh mà cũng chẳng bao giờ hết vô minh!

Luân hồi sanh tử, nghiệp báo oan gia các thứ… ở đâu mà ra? Thì ở đâu nữa. Ở ngay trong ta thôi. Trong tứ đại ngũ uẩn. Trong các hợp chất carbon, hydro, oxy, nitrogen (C,H,O,N) và mấy chục nguyên tố đồng chì sắt kẽm, mangan, manhê, vôi vữa… các thứ đó thôi. Ôi, cát bụi tuyệt vời! Khi vẽ được bản đồ hệ gene người, các nhà khoa học bật ngữa thấy tinh tinh, chuột bọ, cải ngồng, cổ thụ… đều có những gene y như vậy với một tỷ lệ khác nhau nhiều ít. Tinh tinh có đến 99% cấu trúc gen giống hệt bộ gen người, chuột bọ thì có đến 98% gen người… Ai dám bảo hôm nào đó chẳng “luân” chẳng “hồi” một phen, cho tinh tinh thành cải ngồng, cải ngồng thành chuột bọ…? Có cái nhìn xuyên suốt ngàn năm chắc thấy biết, còn ta mắt trần (nhục nhãn) chưa thấy được đâu, đành lớ ngớ, loay hoay. Bản hoài của chư Phật muôn đời chẳng phải là muốn khai thị cho ta ngộ nhập vào cái “Thấy Biết” của Phật đó sao?

Thực ra luân hồi sanh tử không chỉ vậy! Luân hồi sanh tử còn là tiến trình tâm trong mỗi sát-na. Từ sáng đến chiều, từ trưa đến tối ta đã… lang thang sáu nẻo biết bao lần. Hết thiên, nhân lại đến atula rồi ngạ quỷ súc sanh địa ngục xà quần không ngưng nghỉ. Sáng bảnh mắt ra, người sảng khoái, lâng lâng, quần là áo lượt có thua gì… tiên nhân đâu, vậy mà trưa nghe một cú điện thoại từ đâu đó bỗng đùng đùng nổi giận, đỏ mặt tía tai, bầm gan tím ruột, lọt tõm vào địa ngục… Chỉ một thoáng thôi, đã từ thiên đàng rơi xuống địa ngục, từ thiên nhân thành Atula, ngạ quỹ… Một thoáng thôi, tiến trình tâm đã trải qua muôn ngàn kiếp rồi vậy!

Biết rõ “cơ chế” bệnh sinh thì điều trị không khó. Có khi chỉ cần chữa triệu chứng. Có khi phải điều trị căn nguyên để không còn tái phát. Cái gì làm ta xà quần trôi nổi trong cõi luân hồi sanh tử? Cái gì có vẻ như mãi cợt đùa không mệt mỏi với ta đó vậy? Chính cái “Ta” đó. Nó đó. Cho nên chỉ có “ta” mới cứu được “ta” thôi, “duy ngã độc tôn” mà! Cho nên phải quay lại với mình, phải phản quan tự kỷ, phải nương tựa chính mình thôi, còn tìm kiếm đâu xa nữa? Gia trung hữu bảo hưu tầm mích (Trần Nhân Tông). Khi nhận ra “không phải của ta/ không phải là ta/ không phải là tự ngã của ta” thì có lẽ đã có một nụ cười thanh thản, tự tại, an nhiên.

Bậc Y vương đã bày biện sẵn thuốc men cả đó thôi. Nói đi nói lại mấy ngàn năm rồi. Lẽ nào ta chẳng nghe ra ? Nào Tứ diệu đế, nào Bát chánh đạo, nào Lục độ, Bát Nhã, Pháp Hoa… các thứ. Sắc cho khéo để hoà nhập vào nhau, tương tác lẫn nhau ba chén sáu phân thành một thứ « dược vương » trị bệnh cho kiếp người.
Nói năng, đi đứng, cái ăn, cái ở… cách nào đây cho nó thôi đừng sanh sự, đừng tạo nghiệp? Thì đã có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Còn Chánh niệm, Chánh định lại là những thứ thuốc đặc trị để có được Chánh kiến, Chánh tư duy. Cho nên, Giới Định Tuệ là đủ để chấm dứt những nẻo đi về địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Giải thoát và Giải thoát tri kiến là đủ để… chấm dứt những lang thang trôi nổi quẩn quanh còn lại ?
Rõ ràng để « giải thoát luân hồi sanh tử » chỉ có mỗi một cách là phải « tu ». Nghĩa là phải « sửa » mình. Phải dứt đi cái nghiệp cái duyên, cái sinh cái sự. Một khi « sự sự vô ngại » rồi thì thong dong ba cõi sáu đường không còn dính mắc, nơi nào cũng trở nên an lành mát mẻ, bởi đã cùng chung dưới một mái nhà. Mái nhà Như Lai.

Đỗ Hồng Ngọc
(5 / 2012)

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Lõm bõm học Phật, Nghĩ từ trái tim

“Từ bi bất ngờ”…

28/04/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 11 Comments

“Từ bi bất ngờ”…

                                                                tặng Trần Tuấn Mẫn

Giọt nước biển cuộn mình trong sóng, ào ạt xô vào bờ. Muốn dừng lại một chút cũng không được. Vun vút trôi đi. Lúc đỉnh cao. Lúc vực sâu. Lúc tung tóe trắng phau. Lúc thu mình mặn chát. Cứ cuồn cuộn thế, vừa tự hào, vừa kiêu hãnh, vừa hoang mang. Từ đâu? Đi đâu? Về đâu? Kìa làn sóng hung hãn ầm ào phía trước. Kìa làn sóng nhu mì lặng lẽ nối sau… Nó không muốn đi. Cũng không định đến. Nó bị cuốn trôi. Cái gì làm nó cuốn? Cái gì làm nó trôi? Chẳng biết. Người ta bảo cái nghiệp. Nghiệp gì làm cho nó lỏng, nghiệp gì làm cho nó mặn? Chẳng biết. Dào dạt. Phẫn nộ. Ru êm. Cho đến khi xô vào bờ cát, xô vào bãi đá, tung tóe phân thân trăm nghìn hạt nhỏ li ti, hoặc căng mình mênh mông trải rộng trên bờ cát nóng. Làn sóng sau cũng vừa ầm ầm ập tới. Không chút xót thương! Nó thở hắt ra. Nhắm mắt đưa chân. Và bỗng nhiên bị nhấc bỗng lên. Tách mình ra khỏi lớp muối mặn chát lâu nay vẫn khư khư mang vác tưởng của riêng mình, tưởng là mình. Nó bốc lên. Không. Nó bay lên. Cao lên. Cao lên nữa. Thế là xong. Nhưng ơ kìa. Không. Không chỉ một mình nó bay. Mà cả lũ cả bọn cả lứa cùng bay. Dắt díu bay. Ngơ ngác bay. Nó không lỏng nữa. Nó hơi rồi. Bỗng dưng không biết từ đâu, những bọt bèo trôi giạt lại gom tụ thành từng đám. Từng đám bay. Thênh thang bay. Thì ra bây giờ nó đã là mây. Mây thì bay. Như nước thì cuốn. Vậy thôi. Nó chẳng còn nhớ chút gì về giọt nước biển mặn chát ngày xưa. Cũng chẳng nhớ chút gì về những làn sóng cuồn cuộn xô đẩy nhau ập vào bờ đá bãi cát. Bây giờ nó thênh thang, nghênh ngang, chễm chệ. Nó vui vầy tạo ra muôn hồng ngàn tía, muôn hình vạn trạng. Nó bay. Vừa tự hào, vừa kiêu hãnh… Nó cùng đám bạn giăng tay ca hát, từ tầng trời này sang tầng trời khác, tung tăng vui thú, thảnh thơi. Những tưởng đời đời kiếp kiếp vậy bỗng một cơn gió lạnh vút qua, đám mây co rúm lại, lỏm bỏm rơi thành mưa, níu kéo không kịp nữa. Nó rơi. Lại một phen hốt hoảng. Cả đám rời nhau, dắt díu nhau rụng lộp bộp. Vậy là xong một đời mây! Nó khóc như mưa. Mặc kệ. Mưa cứ rơi. Chẳng thương tiếc. Nhưng ơ hay, mưa đã làm hồi sinh bao nhiêu cây cỏ, bao nhiêu cánh đồng, lúa mì lúa mạch lúa gạo, ngô bắp sắn khoai chẳng cần phân biệt. Nó thấy mình có ích. Nó len lỏi giữa những hàng cây, lặn ngụp khắp bãi bờ, vun vén, nuôi nấng những mầm xanh, những sinh vật, đàn ông đàn bà các thứ… Nhưng chưa yên. Nó lại bị cuốn đi, gom lại, cùng bạn bè róc rách thành suối ngọt,  thành sông sâu để lại trôi về biển cả…

Thì ra nó không mất đi đâu cả. Nó chẳng từ đâu đến, chẳng đi về đâu… Nó luẩn quẩn loanh quanh. Nó thay hình đổi dạng. Khi mặn chát, khi ngọt lịm, khi lỏng khi đặc khi hơi, khi bay khi chạy… Tại người ta đặt tên cho nó, người ta gọi nó nào nước nào mây, nào mưa nào tuyết, nào suối nào sông… Nó vẫn vậy. Nó vô ngã. Nó vô tướng. Vô tướng mà không phải không có tướng. Thế gian tướng thường trụ. Nhưng là tướng Không. Duyên sinh. Lúc bầu tròn lúc ống dài. Lúc xuôi ra biển lúc tuôn về nguồn. Những nguyên tố cứ kết tập. Những nguyên tử cứ xà quần. Những hạt những sóng… Vật chất và năng lượng, năng lượng và vật chất. Như Lai tủm tỉm cười! Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ. Chẳng đến từ đâu chẳng đi về đâu.

Còn chăng, một chút “Từ bi bất ngờ” ! …

 

Đỗ Hồng Ngọc

……………………………………………………

“Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ” TCS

Filed Under: Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Lõm bõm học Phật, Nghĩ từ trái tim

Lõm bõm: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”

09/01/2012 By Bac Si Do Hong Ngoc 6 Comments

Lõm Bõm (5)
“Không nghĩ thiện
Không nghĩ ác”

“Không nghĩ thiện không nghĩ ác” không phải là không có thiện không có ác. Có thiện có ác quá đi chứ! Nếu không sao bảo “Chư ác mạc tác/ Chư thiện phụng hành” (Chớ làm điều ác/ Hãy làm điều thiện)?

Tưởng tượng đêm hôm đó, một đêm không trăng sao, thầy trò Huệ Năng lén lút ôm bọc y bát rời chùa, len lỏi giữa các rặng lau sậy, ra tận bờ sông… Khi đại chúng biết ông đã được truyền y bát trốn về phương Nam thì có đến vài trăm người rượt đuổi theo để đoạt lại, trong đó có thượng tọa Huệ Minh, vốn trước là một tướng quân, tánh tình thô bạo, dẫn đầu đi trước, đuổi kịp Huệ Năng. Huệ Năng đặt y bát lên tảng đá rồi núp vào đám sậy nói lớn: “Y bát là vật làm tin, há dùng sức mà đoạt được sao? ” Huệ Minh đến, muốn lấy y bát mà chẳng nhúc nhích, bèn kêu: “Hành giả! Hành giả! Tôi đến vì Pháp, chẳng phải vì Y!”
Huệ Năng nói: “Ông đã vì Pháp mà đến, thì nên dứt bặt trần duyên, chớ sanh một niệm. Tôi sẽ vì ông mà thuyết”. Rồi nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, đang khi ấy cái gì là bổn lai diện mục của thượng tọa Minh?”.
Huệ Minh ngay đó đại ngộ.
Thiệt ra Huệ Minh có định lấy y bát chi đâu. Muốn lấy thì đâu có khó gì với một ông tướng như vậy! Ngày nay còn dễ hơn nữa. Đầy dẫy ra đó. Mua đâu chẳng có. Sư phụ Hoàng Nhẫn cũng đã căn dặn: Sau này dẹp cái vụ truyền y bát hình thức đó đi cho đỡ rầy rà, tranh đoạt, giữa chốn thiền môn. Tâm truyền tâm thôi.
Thương tọa Minh thực lòng khâm phục Huệ Năng từ lâu, đã muốn được học pháp, nghe pháp từ Huệ Năng giờ mới có dịp. Trong lúc rầm rập chân người, la ó vang trời, đèn đuốc sáng choang đó, giữa sự căng thẳng sống chết chỉ mành treo chuông đó, một câu nói “dứt bặt trần duyên/ chớ sanh một niệm” của Huệ Năng đủ sức lay chuyển tận gốc rể con người Huệ Minh. Đó chính là lúc bổn lai diện mục Huệ Minh có cơ hội để xuất hiện vằng vặc giữa trời quang! Huệ Minh chỉ cần nghe một câu là đủ. Cũng như xưa Huệ Năng nghe “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là đủ. Học kinh, kệ của Phật, một câu một chữ qúy biết bao. Thưc ra câu nói “Không nghĩ thiện/ không nghĩ ác” chẳng qua là một… minh họa, làm cho rõ nghĩa thêm mà thôi, và nhất là phù hợp với hoàn cảnh căng thẳng đầy sát khí lúc đó.
“Dứt bặt trần duyên/ Chớ sanh một niệm”. Ấy chính là “Vô niệm”. Con đường phát hiện và hành thâm của Lục tổ Huệ Năng. Từ đó mà thấy biết “gió không động/ phướng không động”. Con đường trực chỉ chân tâm đó vậy.
Tóm lại, “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” chỉ có nghĩa là không hai, là bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm… !
“Đại gia” Duy Ma Cật nhờ đã trang bị pháp môn Bất Nhị này đến tận răng mà thỏng tay vào bất cứ chốn nào dù là thanh lâu, quán nhậu, karaoke ôm hay động xì ke ma túy… Vào đến chốn nào thì chốn đó trở thành đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh.
Còn ta lơ mơ “ngẫu hứng lý qua cầu” dễ lọt… xuống sông!

Đỗ Hồng Ngọc

Filed Under: Ghi chép lang thang, Lõm bõm học Phật, Nghĩ từ trái tim

Lõm bõm: “Con đường độc nhất”

11/11/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 9 Comments

Lõm bõm(4)

« Con đường độc nhất »
« Đây là con đường độc nhất dẫn tới thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng đắc Niết bàn »… Thật không, một con đường như vậy ? Phật nói như đinh đóng cột, chắc là phải có rồi. Nói từ hồi bắt đầu dạy những bài học đầu tiên cho đến lúc sắp nhập Niết bàn. Nói đi nói lại hoài. Sợ người ta quên. Sợ người ta coi nhẹ, mải mê chạy theo những hí luận nọ kia… Bởi con đường « độc nhất » đó lại quá ư đơn giản, đơn giản đến khó tin !

Con đường nào vậy ? Độc nhất. Thanh tịnh. Chánh trí. Niết bàn. Diệt trừ khổ ưu? Nếu có, quả là phương thuốc thần cho cuộc sống đầy bát nháo, điên đảo mộng tưởng… trên một thế giới phẳng, toàn cầu hóa hôm nay ?
Đó chính là Anapanasati – có khi gọi là « An ban thủ ý » hay « Nhập tức xuất tức niệm » – được dạy trong Tứ Niệm Xứ. Hình như ngay Tứ niệm xứ với « thân thọ tâm pháp » … vẫn còn có vẻ phức tạp quá, nên Phật giản hóa đi bằng cách chỉ dẫn một « kỹ thuật » giản đơn nhất mà cũng tuyệt vời nhất, như cánh cửa mở vào kho tàng của … Như Lai.
Ana là thở vào, Apana là thở ra và Sati là niệm, là nhớ, là nghĩ. Chỉ có vậy thôi sao ? Chỉ vậy.
Thở vào thở ra thì ai mà chẳng thở? Vậy thì có cái gì hay ? Cái hay, cái « bí quyết » nằm ở chữ niệm. Niệm, ấy là nhớ, nghĩ. Nhớ cái thở. Và, nghĩ về cái thở. Xưa nay ta vẫn thở, còn sống thì còn thở nhưng mấy khi ta nhớ ta nghĩ về nó. Đôi khi khò khè cò cử ta cũng có nhớ, có nghĩ chút chút, nhưng nhớ và nghĩ theo… bệnh lý ! Còn Phật muốn ta nhớ nghĩ (niệm) về cái thở theo một cách khác. Hãy nhớ nghĩ thiệt sâu xem sao. Nói khác đi, không phải chỉ « niệm » mà « chánh niệm » xem sao. Hãy thử rình mò, dõi theo nó xem sao. Có gì lạ không? Có đó. Nhưng, đừng nói. Bất khả thuyết. Thử đi. Nếm đi. Hãy đến và nếm thử đi. Thì ra, một khi ta thực sự « nhớ » đến nó (chánh niệm), ta quên mọi thứ trên đời ! Cứ y như một cái công tắc. Bật qua bật lại. Hoặc nhớ chuyện nọ kia thì quên cái thở, nhớ cái thở thì quên chuyện nọ kia. Sinh lý nó vậy. Vỏ não nó vậy. Khi một vùng này của vỏ não được kích hoạt thì vùng kia bị ức chế. Thời đại của… options. Tùy chọn. Giận thì bầm gan tím ruột. Tức thì đỏ mặt tía tai. Mất bao nhiêu là năng lượng. Bãi hoãi tay chân, bao tử, tim mạch, huyết áp…
Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đủ. Niệm không chỉ là nhớ mà còn là nghĩ nữa. Có gì hay để nghĩ về cái hơi thở đó? Có đó. Giật mình thấy đời người chẳng qua là một hơi thở. Lúc sinh hít vào một hơi. Lúc tử hắt ra một cái. Khoảng giữa là những lăn tăn. Lăn tăn mà cũng bày đặt tham lam, sân hận, khổ đau… Giật mình thấy hơi thở chẳng phải của mình, chẳng phải là mình… Ngàn xưa ngàn sau nó đến nó đi ung dung… tự tại ngoài ta, chẳng cần biết có ta trên cõi đời. Chẳng phân biệt, chẳng thêm bớt. Cái hơi thở vào thở ra của Phật, của Bồ tát, của Alahán… kia hình như cứ còn bay bay lởn vởn đâu đây cùng ta phì phò mọi lúc mọi nơi…
Nhưng hình như không dừng ở đó. Cho đến một lúc, chánh niệm trở thành vô niệm.
Ở đó, một thứ tâm bất sinh.

“Tam-ma-địa”

Nghe cứ rờn rợn như “đất của ba con ma” nào đó vậy. Hóa ra không phải. Tam-ma-địa là một từ, phiên âm từ tiếng Phạn: Samadhi. Là Chánh định trong Bát Chánh Đạo. Nhưng hiểu “đất-của-ba-con-ma” cũng hay chứ! Ma tham, ma sân và ma si. Trẻ con thường hát: “Một ông Phật hiện ra/ Ba con ma biến mất!”. Nơi nào có ông Phật hiện ra thì nơi đó ba con ma phải biến mất. Hay nói cách khác, nơi nào có ba con ma hiện ra thì lập tức có ông Phật xuất hiện. Nếu chẳng có ba con ma Tham, Sân, Si thì Phật hiện ra làm gì cho mất công! Cho nên muốn biết Phật ở đâu thì hãy tìm trong… tham sân si. Tham sân si càng lớn, Phật càng to.
Có thể nhập chánh định ngay ở hơi thở đầu tiên được không? Không biết. Nhưng các thiền sư khẳng định là có thể. Phật thường ở trong định. Đi đứng nằm ngồi trong định. Khi cần lắm thì “xuất định” để thuyết giảng chút gì đó, rồi nhập định trở lại ngay. Như như bất động. An nhiên. Tự tại. Nhiều lúc trước khi “thuyết” phải hỏi lại đôi ba lần người ta có tin không. Thuyết xong thấy người ta vẫn ú ớ chưa tin chưa hiểu bèn bảo “chỉ có Phật với Phật mới hiểu nhau thôi”. Bởi Phật nói ra cái điều thấy biết từ trong định, không phải cái thấy biết của ta. Cho nên có những buổi Phật thuyết mà người ta bỏ đi… gần hết. Phật mặc kệ.
Định dẫn đến Tuệ. Người bình thường như ta đôi khi cũng bừng ngộ, lóe sáng, thức tỉnh một chút, nhưng không lâu, lại đắm chìm, lại tắt ngấm.
Bởi thiếu “Tam ma địa”.

« Bố thí thân mạng »

“Buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí…”.
Bố thí hơi nhiều đó nhé! Và, thân mạng đâu mà lắm thế? Trong khi ta chỉ có mỗi một tấm thân ngũ uẩn nhẹ hều!
Nhưng chuyện bố thí hằng hà sa số thân mạng sáng trưa chiều tối là có thật. Cứ nhìn vào cơ thể mình thì biết. Cơ thể ta hình thành từ khoảng một trăm ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một “sinh vật”, một “chúng sinh” hẳn hòi, hoạt động có tổ chức, có đầy đủ các chức năng, sắc thọ tưởng hành thức… đàng hoàng chớ chẳng chơi. Và điều kỳ diệu, cứ mỗi giây đồng hồ lại có vô số tế bào được… “bố thí” hay nói khác đi được hủy bỏ để thay thế bằng những tế bào khác, mới hơn, khỏe hơn. Chẳng hạn chỉ riêng hồng cầu, mỗi giây đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu được hủy diệt và thay thế. Các chất liệu được đưa về “kho chứa” là lá lách để sẵn sàng sử dụng lại, chế tạo các hồng cầu mới. Hệ thống mao mạch – các mạch máu nhỏ li ti dẫn máu đến từng tế bào trong cơ thể, cung cấp Oxy và các dưỡng chất để sản xuất năng lượng – nếu nối lại đã có độ dài bằng một vòng quanh trái đất. Mỗi ngày, trái tim nhỏ bé của ta co bóp với một lực mạnh đủ để kéo một đầu máy xe lửa… Cơ thể ta quả một thế giới kỳ diệu, một vũ trụ chưa được khám phá hết. Đừng tìm kiếm đâu xa. Hãy “nương tựa chính mình” là vậy. Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp. Vô thường ở đó, vô ngã ở đó, niết bàn điạ ngục ở đó…
Bố thí thân mạng nhiều như cát sông Hằng, ngày ba buổi sáng trưa chiều chính là các thời… thiền định của một người tu tập. Trong sâu thẳm của chánh định, sẽ thấy biết… không còn có cái thân nào nữa – hay nói khác đi “bố thí” sạch trơn rồi, “buông xả” sạch trơn rồi. Ngã nhân chúng sanh thọ giả dứt sạch rồi. Chẳng phải trong trạng thái vô ngã đó, đã hoàn toàn “bố thí thân mạng” đó sao?
Như vậy phải chăng “buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí…” không bằng biên chép đọc tụng câu kinh tiếng kệ nhằm nhắc ta rằng đừng có mà ngồi ỳ ra đó, đừng có mà lo ngày ba thời thiền định dưới gốc cây, quên ăn quên ngủ, bỏ mặc sự đời. Hãy gieo trồng dù chỉ là một hạt giống nhỏ, để đem lại hạnh phúc cho chúng sinh…
Cho nên bố thí thân mạng chẳng phải là bố thí thân mạng nên mới gọi là bố thí thân mạng đó vậy.

“Giải thoát” và “Giải thoát”

Thì ra có hai thứ Giải thoát. Giải thoát và giải thoát tri kiến. Hay nói cách khác, một thứ là giải thoát thân và một thứ là giải thoát tâm.
Vô sanh. Đặt gánh nặng xuống. Phạm hạnh đã đầy. Không trở lại con đường cũ nữa. Vậy là giải thoát. Giải thoát cái gì ? Giải thoát sanh tử. “Vô sanh” thì “vô tử” mà. Có sanh đâu mà tử ? Có tử đâu mà sanh ? Nhưng “sanh tử” này là sanh tử của các pháp. Sanh, trụ, dị, diệt. Nó vậy đó, nó cứ vậy đó, không ngừng. Sanh tử là một. Vô sanh là cắt đứt đường sanh tử. Các bậc vô sanh đều tới cõi này, nhưng sao…?
Phật nói còn thiếu Từ bi. Bởi Phật rồi cũng chết, cũng “niết bàn” mà, dù chỉ là một cách “thị hiện” chơi thôi, nhằm để răn dạy người đời thôi.
Cho nên giải thoát sanh tử không phải là không còn chết nữa, mà là chết một cách khác, chết an nhiên, chết tự tại, vì đã sống an nhiên, tự tại.

Nhưng giải thoát sinh tử mới chỉ là giải thoát thân, còn cái tâm mù mịt kia vẫn quấn quít, vẫn dằn vặt khôn nguôi. “Lậu hoặc” vẫn đầy ra đó, phiền não vẫn đầy ra đó. Nên “giải thoát thân” mới chỉ là bước một. Độc cư và thiền định đã có thể đưa đến thứ giải thoát này. Bố thí thân mạng ngàn vạn lần sáng trưa chiều tối có thể đưa đến giải thoát này. Nhưng nó chỉ là một trạm dừng chân, nghỉ qua đêm ở hóa thành.
Do vậy, thiền định (Samatha) cần mà chưa đủ, phải thiền quán (Vipassana) để có “tri kiến” thật. Nhưng hai thứ đó quấn quít chằng chịt với nhau, bổ sung cho nhau. “Định” đến mịt mờ cũng chẳng đến đâu, “Quán” đến hí luận cũng chẳng đến đâu. Có người bảo chỉ cần định là đủ, có người bảo chỉ cần quán là đủ. Các triết gia xưa nay vẫn luôn “quán” mọi sự không ngừng đó chứ, nhưng cũng chẳng đến đâu. Còn ôm gốc cây mà mài gạch cho thành gương thì cũng khó! Giải thoát tri kiến thực sự có được phải là cái « tri kiến » Phật. Thứ tri kiến ở đó thức đã chuyển thành trí. Thấy biết Như Lai. “Ngộ” vẫn chưa đủ. Còn phải “nhập” nữa. Khi Lục tổ Huệ Năng “ngộ” rồi thì cũng phải “nhập” mười lăm năm hành tẩu giang hồ mới dám một phen xuống núi: “Gió không động, phướng không động…”.
Một đạo hào quang trí tuệ ở giữa chặng lông mày quét một cái cho thấy toàn cục. Nó vậy thì nó vậy. Tánh tướng nó vậy thì sanh vậy trụ vậy dị vậy diệt vậy… Nó Như Thị. Sáu đạo luân hồi đông vui, dìu dặt. Các vị Phật hằng hà sa số giảng pháp… mọi lúc mọi nơi. Như Lai lặng tiếng. Như như bất động. Nhưng vô vàn để vổ về nhắc nhở.
Ấy là lúc tri kiến Phật tỏ bày?

Bồ tát Di Lặc

Các vị Bồ tát hình như chẳng ai có một cái tên riêng. Ngoài các vị quá thân quen như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Dược Vương… (thực ra là những đức, hạnh), ta còn có vô số các vị mang những cái “tên” rất ngộ nghĩnh: Thường Bất Khinh, Thường Tinh Tấn, Bất Hưu Tức, Vô Tận Ý… nếu dịch ra sẽ là: Luôn Tôn Trọng, Luôn Siêng Năng, Không Ngừng Thở, Người Nhiều Chuyện…! Cho nên ta không lấy làm lạ khi có tới hai vạn vị Phật mang cùng một tên gọi duy nhất Nhật Nguyệt Đăng Minh… làm nhớ “trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ rọi suốt trăm năm một cõi đi về…” (TCS).
Dễ thương nhất có lẽ là Bồ tát Di Lặc. Bồ tát có cái bụng bự, lúc nào cũng cười toe toét, làm biếng và… hám danh kinh khủng (nên còn có tên là Cầu Danh). Hôm đó giữa hội trường , ông ngơ ngác đứng gãi đầu hỏi hôm nay có gì lạ mà Phật Thích Ca phô trương thanh thế, “đánh trống múa lân” ầm ỉ quá vậy? Bồ tát Văn Thù mới tủm tỉm cười « dẫn chuyện gần xa »: Sẽ có chuyện lạ đó! Chờ xem. Nhớ xưa mỗi lần như vầy thì sẽ có thuyết giảng Diệu pháp Liên hoa đó. Chờ xem. Đừng nóng. Hồi đó tôi cùng tu học với ông, chẳng qua ông biếng nhác, học hoài không thông…
Bụng bự, biếng nhác, hám danh… phải chăng muốn “ám chỉ” chúng ta ngày nay? Ta ngày nay chẳng phải bụng bia, gan nhiễm mỡ, béo phì, bằng cấp giả… đầy đó sao?
Thật ra thì Phật có phô trương thanh thế, có thuyết giảng gì mới lạ đâu. Vô số các vị Phật xưa nay đời đời kiếp kiếp đều nói y một pháp như vậy, có giấu giếm gì đâu, chẳng qua vì không ai muốn nghe, không ai biết nghe thôi. Phật Thích Ca, suốt bốn mươi lăm năm trời phải nói đi nói lại hoài bằng nhiều cách cho nhiều đối tượng khác nhau, để rồi cuối cùng cũng đã khẳng định… “ai bảo Phật có thuyết pháp này nọ là phỉ báng Phật”! Chẳng qua vì “đối tượng” khác nhau nên “mục tiêu” và “phương pháp” cũng phải khác nhau vậy thôi. “Student-centered approach” mà! Lần này trong hội Pháp Hoa, có vẻ Phật Thích Ca hơi bực mình sao đó nên không chỉ nói mà còn bày biện ra, trình diễn, xếp đặt như một cuộc triển lãm, như một phim 3D cho thấy tận mắt. Hãy coi kỹ đây nè. Nó vậy đó. Nó Như Lai. Chẳng có thời gian, chẳng có không gian. Vô lượng thọ. Vô lượng quang. Thực tướng vô tướng… Chuyện khó tin nhưng có thiệt. Một số vị đã rời bỏ hội trường. Kệ, cho đi.
Ông bụng bự, làm biếng, cầu danh… ở lại. Tuyệt vời! Ông hỏi : “Con muốn mau thành Phật. Có cách nào cho mau thành Phật không?”. Chưa bao giờ, ở đâu, có một kẻ nôn nóng thành Phật, nôn nóng “Vô thượng chánh đẳng chánh giác” như thế. Nhưng Phật đã mỉm cười: Có đó. Dễ lắm. Con nít chơi đất chơi cát… cũng thành Phật được, trẻ con người già, đàn ông đàn bà gì cũng thành Phật được. Bởi ai ai cũng sẵn có hạt giống đó cả rồi. Miễn là phải tưới bón!
Con người hôm nay trên thế giới phẳng, toàn cầu hóa này dù… bụng to, làm biếng, cầu danh, muốn mau thành “chánh quả”… vẫn có thể thành được không khó, miễn là có đủ “tri kiến” Phật và hằng sống “ngộ nhập” với tri kiến đó.
Nhưng, còn thiếu chút gì chăng? Từ Bi. Bồ tát Di Lặc, Maitreya, Từ Thị… vốn dòng dõi Từ Bi. Ông “thị hiện” chút chơi để dạy ta rằng phải có Từ Bi cái đã. Bởi Từ Bi thì mới Hỷ Xả. Nếu không, sao bụng lại to, sao cười lại rộng?

Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon 11.11.11)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Lõm bõm học Phật, Nghĩ từ trái tim

GSTS Trần Văn Khê nói về cuốn “Nghĩ từ trái tim” của Đỗ Hồng Ngọc

30/09/2009 By support2 15 Comments

( Ghi theo băng audio-cassette do cô Lý Thị Lý thu tại bệnh viện Triều An.
ngày 17.10.2003)

Tôi đọc “Nghĩ từ trái tim” của Đỗ Hồng Ngọc trong lúc đang ở bệnh viện một cách say mê liên tục từ đầu tới cuối, vừa đọc vừa ghi chú bên lề những cảm giác có tại chỗ hoặc những ý gợi lại những chuyện xưa. Trước hết là con đường đi tới Tâm kinh của tôi.

xem tiếp …

Filed Under: Nghĩ từ trái tim Tagged With: Do Hong Ngoc, GSTS Trần Văn Khê, GSTS Tran Van Khe, Nghi tu trai tim, Nghĩ từ trái tim, Tâm Kinh, Đỗ Hồng Ngọc

“Như nước trong nguồn…”

17/05/2009 By support1 3 Comments

mecuabanHạnh ngộ, đó là cuộc “trùng phùng “ giữa hai con người xa lạ! Người này ở trong người kia. Cả hai đều không biết mình từ đâu đến và dĩ nhiên cũng chẳng biết mình sẽ  đi về đâu… Nhưng họ ở trong nhau. Họ gặp nhau ngỡ ngàng, xa lạ, đầy “kịch tính”! (chữ của Việt Linh). Đó là hai… mẹ con! Mẹ, một người đàn bà… rất đàn bà và con, một cái trứng nước còn trứng nước. Họ chăm bẳm quan sát nhau, ngọ ngọay, hú hí, nâng niu, đấu đá và nhường nhịn  nhau… Họ nôn nóng gặp mặt nhau, mỏi mòn chờ đợi nhau. Họ tương tác, tương sinh, tương khắc … với nhau bất kể ngày đêm. Cuối cùng họ cũng đựơc toại nguyện sau một hành trình cam go gọi là mang nặng đẻ đau, để hai kẻ xa lạ ngỡ ngàng kia đựơc nhìn thấy nhau sau  chín tháng mười ngày đợi chờ đầy “thiêng liêng, lãng mạn, hài hước và tò mò” để cuối cùng người mẹ đựơc “gặp một công trình kỳ vĩ- một con người- mà mình được vinh hạnh tham gia cùng tạo hóa”– (Hạnh ngộ, Chuyện mình chuyên người, Tạp bút, NXB Trẻ 2008). Trong cuộc hạnh ngộ kỳ diệu này, Việt Linh đạo diễn có lẽ đã choáng ngợp với một đạo diễn khác, kẻ giấu mặt, có vẻ hững hờ mà sắp đặt đâu đó cả rồi, đâu như “từ muôn kiếp trứơc” rồi, và người mẹ chỉ kịp nhận ra một “ trạng thái bồng bềnh”, bay bỗng, ngất ngây…  Họ ngỡ ngàng nhìn nhau, ngơ ngác nhìn nhau. Người mẹ chưa biết làm mẹ. Người con chưa biết làm con. Thế nhưng lạ lùng thay, họ bấu víu lấy nhau, chùn chụt với nhau. Và rồi trong phút giây người mẹ chợt nhận ra đứa con là máu thịt của mình, là sở hữu của mình. Có lẽ từ đó cũng chính là những nỗi niềm đằng đẵng của một kiếp nhân sinh!

xem tiếp …

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Đọc sách Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc, “Nhu nuoc trong nguon…”, “Như nước trong nguồn…”

Ngọn lửa

17/05/2009 By support1 1 Comment

ng-luaNgười ta hỏi Phật vậy chớ chia sẻ cái “phước” cho nhiều người thì phước đó có bớt đi không? Phật mỉm cười bảo: “ Như lửa ở một ngọn đuốc, hàng trăm hàng ngàn người đến lấy lửa từ ngọn đuốc đó để soi sáng, để nấu ăn,  thì lửa nơi ngọn đuốc kia vẫn y như cũ!”.

Dạy học chính là chia lửa! Nếu dạy học chỉ là trao truyền kiến thức không thôi thì kiến thức sẽ rất mau… lỗi thời,  rất mau cạn kiệt, nhất là trong một xã hội thông tin vô tận như hôm nay!

Nhưng để có thể chia lửa thì trước hết phải có… lửa! Muốn có lửa thì phải… tự đốt mình lên và phải có nguồn nhiên liệu bất tận nơi trái tim mình. Người thầy băng giá thì chỉ có thể truyền lạnh lẽo, giá băng. Người thầy máy móc chỉ có thể truyền những động tác. Còn người thầy truyền lửa thì lửa đôi khi có thể bốc cháy nhưng thường khi chỉ ngun ngún, âm ỉ, đợi một cơn gío bùng lên. André Maurois, viện sĩ Hàn lâm Pháp nói đến kỹ năng “nhóm lửa” cho người bạn trẻ trong cuốn “Lettres ouvertes à un jeun homme” (Thư ngỏ gởi tuổi đôi mươi, Nguyễn Hiến Lê dịch): đó là hãy bắt đầu với những bùi nhùi, mạt cưa, những cành khô nho nhỏ, sau đó, khi ngọn lửa đã ngún rồi thì mới có thể nhen dần vào những thân cây to, nhờ đó mà giữ hơi nóng bền lâu, không bị tắt ngúm!

xem tiếp …

Filed Under: Nghĩ từ trái tim Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc, Ngon lua, Ngọn lửa

Chữ Nhàn

17/05/2009 By support1 Leave a Comment

trandangkhoaChữ nhàn là chữ làm sao! Nguyễn Công Trứ đã kêu lên như vậy, từ mấy trăm năm trước. Kêu chứ không phải hỏi. Bởi vì trước đó ông đã giải thích rõ ràng rồi: Thị tại môn tiền náo/ Nguyệt lai môn hạ nhàn. Chợ ở cửa trước thì “náo”, còn trăng vào cửa sau thì “nhàn”. Thế thôi ! Không biết ai là người đầu tiên đã nghĩ ra một định nghĩa đơn giản mà thâm thúy đến vậy qua cách viết chữ tượng hình của Trung Hoa: giữa chữ môn mà có chữ thị thì thành náo, còn giữa chữ môn mà có chữ nguyệt thì thành nhàn.Thời buổi “thị trường” toàn cầu hóa như chúng ta đang sống hiện nay thì chợ ở tứ phía, ở ngay trong nhà cũng có chợ chen vào, cho nên không dễ mà tìm một chút ánh trăng qua cửa sổ! Ở các nước Âu Mỹ, workmania là môt thứ bệnh “điên vì mê làm việc” đến nỗi tình trạng tâm thần, tự tử, tim mạch… ngày càng tăng. Ở Châu Á, bệnh karoshi chẳng hạn , một thứ bệnh dịch do làm việc quá nhiều, quá sức, làm như điên, đến nỗi sinh nhiều biến chứng và gây cả tử vong như chúng ta đã từng biết ở những doanh nhân Nhật và đang lan ra nhiều nước. Liên hợp quốc đưa “quyền nhàn tản” vào trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền để khuyến khích người ta nghỉ ngơi mà chả ai thèm nghe. Nghe sao được, nhàn hay không là ở mỗi người chứ. Bắt người ta làm việc, cưỡng bức lao động thì dễ chớ ai nỡ bắt người ta nhàn, khi người ta muốn được “bận rộn” !

xem tiếp …

Filed Under: Nghĩ từ trái tim Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc, Chữ Nhàn, Chu Nhan

Có một “nghệ thuật”… ngủ!

07/05/2009 By support1 13 Comments

ngoi-thien1Có người nói ngủ chiếm một phần ba cuộc đời, uổng phí quá! Đừng ngủ thì lợi hơn! Nhưng lợi đâu không thấy chỉ thấy mất ngủ vài ba đêm thì đầu óc không sảng khỏai để làm việc, năng suất thấp, mất ngủ lâu dài hơn thì dẫn tới bệnh tâm thần và cuối cùng thì thay vì cuôc sống dài ra lại bị rút ngắn đi một cách đáng tiếc!

Không biết tại sao ngày càng có nhiều người mất ngủ trên thế giới phẳng này! Thuốc ngủ là một trong những thứ thuốc bán chạy nhất hiện nay trên thế giới. xem tiếp …

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Thiền và Sức khỏe Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc, Có một “nghệ thuật”… ngủ!, Co mot “nghe thuat”… ngu!

ĐỖ HỒNG NGỌC ngộ ra những điều kỳ diệu của trái tim

29/04/2009 By support1 Leave a Comment

ngo-ra-nhung3

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, sinh năm 1940 tại La Gi, Hàm Tân, Bình Thuận.

Nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ –Tp Hồ Chí Minh. Là thầy thuốc ưu tú, tác giả nhiều tác phẩm văn học, y học, các công trình nghiên cứu về trẻ em và tuổi già. Cộng tác nhiều tờ báo  tại TP Hồ Chí Minh.

Là nhà thơ với bút hiệu Đỗ Nghê từ những năm 1960.Hội viên Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh.xem tiếp …

Filed Under: Nghĩ từ trái tim Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc, DO HONG NGOC ngo ra nhung dieu ky dieu cua trai tim, ĐỖ HỒNG NGỌC ngộ ra những điều kỳ diệu của trái tim

Giới thiệu sách viết về Tâm Kinh Bát Nhã: “Nghĩ từ trái tim”

28/04/2009 By support1 17 Comments

Lời ngỏ của tác giả

nghi-tu-trai-timTrái tim không phải để suy nghĩ. Trái tim là để yêu thương. Khi trái tim nghĩ thì chắc cũng không nghĩ như khối óc. Trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều khi khối óc không sao hiểu được. Thời đại của chúng ta, con người dùng khối óc nhiều quá, nhiều đến nỗi người ta luôn ở trong tình trạng muốn “điên cái đầu”. Và thực vậy, bệnh tâm thần ngày càng phát triển, tự tử, ma túy, stress… ngày càng gia tăng trong một xã hội mà người ta luôn bị quay cuồng, luôn phải chạy đua với tốc độ, tuổi trẻ, nhan sắc, thành đạt…xem tiếp …

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Đọc sách Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc, Giới thiệu sách viết về Tâm Kinh Bát Nhã: "Nghĩ từ trái tim", Gioi thieu sach viet ve Tam Kinh Bat Nha: "Nghi tu trai tim", loi ngo

Tản mạn cùng “Nghĩ từ trái tim”

28/04/2009 By support1 Leave a Comment

tanmangcungThật khó lòng tưởng  tượng khối năng  lượng khổng lồ được  giải phóng từ hai quả bom nguyên tử kinh người tại Hiroshima và Nagasaki lại bắt nguồn từ công thức vật lý chỉ có vỏn vẹn năm ký tự E=mc2. Cũng thế, thật khó lòng tưởng tượng toàn bộ khối kinh sách đồ sộ trong hệ tư tưởng Bát nhã Phật giáo, nói về trí huệ siêu việt thượng thừa thù thắng làm kinh động tất cả tam thiên đại thiên thế giới, lại bắt nguồn và được khoáng diễn từ một chữ KHÔNG, rồi lại được cô đọng trong bài Tâm kinh chỉ vỏn vẹn có 260 chữ. Đủ thấy bản thân mỗi chữ trong Tâm kinh đều hàm ẩn một dạng năng lượng khổng lồ E=mc2 như thế nào rồi! Diệu dụng của chữ KHÔNG thật vô bờ bến.xem tiếp …

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Đọc sách Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc, Nghi tu trai tim, Tan man cung "Nghi tu trai tim", Tản mạn cùng "Nghĩ từ trái tim"

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 34
  • Go to page 35
  • Go to page 36

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

TẠP GHI (Lõm bõm…) kỳ 3

Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)

TẠP GHI (Lõm Bõm)

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Vài ngày về thăm Lagi, Phan Thiết…
  • Ngày của Cha – Happy Father’s Day
  • Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022
  • Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…
  • Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Tùng Phạm trong Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Giới thiệu
  • Đinh Hà Duy Linh trong Giới thiệu
  • Hồng trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Buổi trò chuyện về Thiền “Quán Niệm Hơi Thở”
  • Cao Huy Khiem trong Buổi trò chuyện về Thiền “Quán Niệm Hơi Thở”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “Xả”… stress !
  • “Xả”… stress ! | suonglamportland trong “Xả”… stress !
  • Phan Công Khương trong Nguyễn Mậu Pháp: CẢM NHẬN  “VỀ THU XẾP LẠI…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Có một “nghệ thuật”… ngủ!

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email