Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Có một bức thư đầu năm từ Nhật

04/02/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

“TIẾNG VIỆT MUÔN NĂM !!!!”

Ma Cam Long Ha
longha@u01.gate01.com
113.41.32.142
2011/02/03 at 7:18 chiều

Kinh chao Thay Do Hong Ngoc.
Truoc het kinh xin Thay luong thu vi con danh tieng Viet khong co dau.
Mot ngay mua he nam 2006, con dan hai chau den thu vien dia phuong de tim sach cho cac chau lam bai tap he. (Hoc sinh tieu hoc o Nhat thuong co cac bai tap he, trong do co phan viet van cam tuong ve mot cuon sach da doc.). Trong luc cac chau tim sach, con giet thoi gian bang cach lang thang cac day sach, roi dung kha lau o khu sach van hoc nuoc ngoai. Co mot cuon sach co tua de hoi dai, nhung dong chu Viet Nam trong tua de dap vao mat, con ben rut ra xem thu. Do la cuon sach dich tieng Nhat, tam dich la… . That ra neu chi nhin qua tua de chac con cung chi xem so qua roi tra tro lai ngan sach, nhung khi doc ten tac gia ben canh, mac du dich ra theo phien am tieng Nhat, con ngo ngo phai chang la sach cua Bac si Do Hong Ngoc ? Luot qua vai trang, dung la cua Bac si, nguoi Thay ma con chua mot lan gap, nhung con da hoc duoc rat nhieu tu cac bai viet, tu van cua Thay tren trang bao. Vay la con muon cuon sach mang ve nha doc.
Thoi gian do, tren cac trang bao, truyen hinh cua Nhat thuong co nhieu chuyen de ve phuc loi nguoi cao tuoi. Con khong may hung thu lam, vi chi toan nhung tin tuc mang mau xam sit, chi cang lam cho minh them lo lang, hoang mang ve mot tuong lai gia co don noi xu nguoi, nhung loi van hom hinh, uyen bac, di dom da loi cuon con doc lien tuc trong hon hai tuan, doi khi tre ca gio nau com chieu. Phai cam on Dich gia Minagawa, vi du von tieng Nhat co han, nhung loi dich tieng Nhat cua Dich gia Minagawa, cung nhung chu thich giai nghia rat de hieu, khong lam con kho khan lam trong viec doc het cuon sach. Sau do hai nam, con nho nguoi nha gui ban tieng Viet , va con chi doc trong vong ….nua ngay. (Tieng Viet muon nam!!!!)
Chinh cuon sach cua Thay la khoi diem cho con quyet dinh thi vao truong Dai hoc Nihon Fukushi Daigaku. Sau 2 nam hoc, con hoan thanh chuong trinh thac si voi luan van tot nghiep loai A . Hien con dang tham gia nhom nghien cuu ve nguoi cao tuoi Chau A. Truoc mat vi hai chau con nho (dang hoc tieu hoc), nen con chua co thoi gian ve Viet Nam nhieu, nhung con co ke hoach du tinh mong muon dong gop de phat trien nganh phuc loi nguoi cao tuoi o Viet Nam trong tuong lai.
Hy vong mot ngay gan day, khi co dip ve nha, con mong duoc gap va nghe nhung y kien chi day cua Thay.
Kinh chuc Thay va gia dinh mot nam moi doi dao suc khoe, hanh phuc, binh an.
Kinh
Ma Cam Long Ha

Bac Si Do Hong Ngoc
dohongngoc.com
dohongngocbs@gmail.com
118.68.105.229
2011/02/04 at 8:36 sáng | In reply to Ma Cam Long Ha.

Hôm nay Mùng 2 Tết Tân Mão. Năm còn rất Mới. Thầy chúc con và gia đình an vui, hạnh phúc. Đọc thư con, Thầy mừng lắm. Cảm động nhất là câu: Tiếng Việt muôn năm!!!! (với 4 dấu chấm than, chứng tỏ con đang rất nhớ VN phải không?). Thầy mong gặp con ở Việt Nam một ngày nào đó để bàn về “Kế hoạch phát triển ngành phúc lợi người cao tuổi ở Việt Nam” nhé.
Thân mến,
Thầy Do Hong Ngoc.

Filed Under: Uncategorized Tagged With: Do Hong Ngoc, Gia oi... Chao ban, Minagawa, Nhat

Phút tâm giao

01/02/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Phút tâm giao với nhà thơ-bác sĩ ĐỖ HỒNG NGỌC
Ngô Nguyên Nghiễm

Ghi chú: Ngô Nguyên Nghiễm là một dược sĩ nhưng người ta biết đến anh nhiều hơn như một nhà thơ. Một hôm anh phone tôi, đòi gặp gấp để làm một cuộc phòng vấn “bỏ túi” cho tập sách của anh sắp ra mắt: Người Đồng Hành Quanh Tôi, Tác giả Tác phẩm, tập II (*). Tôi không có cách nào khác hơn là hẹn anh bạn đồng nghiệp ra một quán cà phê góc phố…

Ngô Nguyên Nghiễm (NNN): Nhà thơ Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc, đã góp mặt với nền văn học nghệ thuật thập niên 60 – 70 thế kỷ qua. Lúc đó, tác phẩm Thơ đầu tay được ấn hành là tập Tình Người (1967), và sau đó Thơ Đỗ Nghê (1973) là một dấu ấn đặc biệt. Sau 1975, rời bỏ bút hiệu Đỗ Nghê, bước sang giai đoạn Đỗ Hồng Ngọc, ấn hành khá nhiều tản văn truyền đạt y học. Sự chuyển hướng này có ảnh hưởng thế nào giữa Đỗ Nghê và Đỗ Hồng Ngọc? Ý kiến về cái thực của đời (Y học), và cái huyễn của Thi ca?

Đỗ Hồng Ngọc (ĐHN): Không phải “rời bỏ bút hiệu Đỗ Nghê” đâu. Chỉ là “rửa tay gác kiếm tạm thời” thôi! Thời đó có quá nhiều “Ông Đồ xứ Nghệ”, nên Đỗ Nghê tạm lánh đi để tránh nhầm lẫn. Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc vẫn là một đó chứ dù là viết dưới dạng nào đi nữa bạn không thấy sao? Ai bảo y khoa là cái thực và thi ca là cái huyễn? Y khoa vừa là khoa học vừa là nghệ thuật! Thuốc “giả” vẫn chữa được nhiều thứ bệnh thật đó chứ! Còn thi ca? Đọc được một bài thơ hay ta chẳng phải đã “sảng khoái” còn hơn ngàn thang thuốc bổ ư?

NNN: Hình như tản văn viết về y học dưới bút pháp Đỗ Hồng Ngọc lại là những tác phẩm văn chương tuyệt diệu. Anh có xem cả hai như một khối duy nhất? Vì sao?

ĐHN: Hình như trong tôi có sự lẫn lộn nào đó. Tôi không hề nghĩ rằng lúc này ta đang làm thơ và lúc này ta đang viết về y học. Thân và tâm đâu có tách rời, sắc thọ tưởng hành thức vẫn là một, “ngũ uẩn giai Không” mà! Viết, chỉ biết viết. Khi viết một bài về y học, thì hình như tôi đang làm thơ và khi viết một bài thơ thì hình như tôi đang làm… y học! Tôi không biết cách nào phân biệt rạch ròi hai lãnh vực nầy. Tại cái tạng nó vậy. Người đọc thơ tôi bảo “đời thường” quá, không có gì bay bỗng tuyệt vời cả, ngưới đọc tạp văn lại bảo như thơ… Thôi thì, nó sao kệ nó. “Phân biệt trí” đã làm ta khổ lâu rồi!

NNN: Sự hiện thực được bày tỏ trong tác phẩm thi ca mới nhất của Đỗ Hồng Ngọc/ Đỗ Nghê, là Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác, càng đọc càng làm rúng động lòng người. Anh có thể tâm sự phút giây về những cảm xúc được ghi lại trong loạt thơ đầy nhân bản này?

ĐHN: Bạn vừa dùng một cụm từ lạ: “loạt thơ đầy nhân bản”. Chẳng lẽ có những loạt thơ không đầy nhân bản hay sao? Tôi nghĩ thơ, bản chất đã là nhân bản, dù được thể hiện dưới hình thức này hay hình thức khác, ở thời đại này hay thời đại khác. “Người ta đẻ ra mà tỉnh, ấy là tính Giời cho nguyên như thế, cảm ở vật ngoài mà động thời ấy mới là sự muốn của tính. Đã có muốn thời phải có nghĩ, đã có nghĩ thời phải có nói, đã có nói thời những cái ý nhị không thể nói hết ra được mà hình hiện ở trong lúc ngậm ngùi ngợi than, tự nhiên tất phải có những giọng điệu cung bực, như không thôi đi được. Ấy tại thế mà sinh ra có thơ!”. Chu Hy đã viết như thế ngàn năm trước khi đề tựa cho tập Kinh Thi, khi có người hỏi ông: Thơ tại sao mà làm ra? (Tản Đà địch). “Như không thôi đi được”, bạn thấy không? Những người làm thơ… trên cõi nhân gian đều vậy đó, “như không thôi đi được”. Vậy nên lại có tập “Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác”…!

NNN: Thỉnh thoảng đọc các bài viết về Phật pháp của Đỗ Hồng Ngọc trên các tạp chí Phật giáo. Và tôi còn chiêm nghiệm về số vốn cao thâm của anh ở những ý kiến về Phật học. Tất cả tư tưởng trên có ảnh hưởng sâu sắc vào những sáng tác hơn 30 năm nay? Nếu phải, thì hé mở chút duyên ngộ mà nhà thơ, nhà văn hóa Đỗ Hồng Ngọc có được?

ĐHN: Hồi nhỏ tôi sống mấy năm trong một ngôi chùa ở Phan Thiết với người cô vì sớm mồ côi cha. Cô bị tai nạn xe lửa, không đi lại được nhưng rất mê sách. Tôi có nhiệm vụ đi mướn sách cho cô đọc. Mặc dù bị cấm con nít không được đọc, tôi đã ngốn hết… toàn bộ sách trong tiệm cho thuê sách đó. Lớn, đi học ở Saigon, dành tiền mua sách, mỗi sáng chỉ ăn một cục xôi. Sách đầy nhà. Tôi nhớ Tôn Hành Giả với 72 phép thần thông và cân đẩu vân tuyệt vời vậy mà cũng không nhảy qua khỏi bàn tay Phật, đành “tè” bậy dưới ngón tay. Thế nhưng, mãi đến năm 1997, sau cơn bệnh thập tử nhất sanh, tôi mới lại tìm đến với Tâm kinh, Kim cang… một cách khác. Học cách khác, hành cách khác. Cho nên như bạn thấy đó, những bài viết có chút hơi hướm, mà tôi nghĩ mình đang lõm bõm học từng chút, từng chút… rồi chia sẻ với bạn bè gần xa.

NNN: Tác phẩm Đỗ Hồng Ngọc nghiêm túc, hình như anh có một phương pháp và lộ trình sắp đặt cho hướng khai phá trong văn chương, dù đó là Nghệ thuật hay Y học. Nếu có dự trù nào cho tương lai, đề nghị hé mở những đóng góp quý giá này?

ĐHN: Tại cái “tạng” nó vậy. Tôi nghĩ khó có ai sắp đặt một lộ trình, một phương pháp… trong cõi văn chương! Tại cái tạng thôi. Có người nói tôi nghiêm túc lại có người nói tôi hài hước, dí dỏm; có người bảo tôi sơ sài quá, có người lại bảo thâm thúy đó chứ… Vậy thì không phải “lỗi” ở người viết mà tại người đọc. Người đọc cũng “đồng tác giả” mà! Bạn thấy không, “văn chương chi sự thốn tâm thiên cổ”!
Còn “dự trù” gì đó ư? Sau Tâm kinh, Kim cang, tôi đang “nghiền ngẫm” kinh Pháp Hoa, và giật mình thấy nó đã được gói gọn trong bốn câu ca dao mà người Việt mình ai cũng thuộc: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”…

NNN: Cảm ơn anh Đỗ Hồng Ngọc, chúc thân tâm an lạc.
ĐHN: Cảm ơn bạn, Ngô Nguyên Nghiễm.

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM thực hiện.
Mùa thu 2010.
……………………………………………
(*) Người đồng hành quanh tôi, Tác giả tác phẩm, tập II, NXB Thanh Niên, 12/2010

Filed Under: Uncategorized Tagged With: Do Hong Ngoc, Ngo Nguyen Nghiem, Phong van, Phut tam giao...

Một cốt cách ở đời (*)

01/02/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

“Một cốt cách ở đời”
(Vài cảm nghĩ khi đọc Cuối Cùng của Võ Phiến, NXB Thế kỷ 21, 2009)

Cuối Cùng của Võ Phiến là sự Mộc Mạc.
Suốt một đời người đeo đẳng văn chương chữ nghĩa, chẽ sợi tóc làm tư, lặn lội vào những nẻo u uẩn ngóc ngách của lòng người, bỗng dưng cuối cùng hiện ra trước mắt một vầng sáng: Mộc Mạc.
Phải, Mộc Mạc. Đó là tựa của một bài Thơ đặt ở trang cuối cùng của cuốn Cuối Cùng, như một khép lại: Những hẹn hò từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như mây… Chút nắng vàng giờ đây cũng vội… (TCS). Với tôi, Cuối Cùng là bài thơ, một bài thơ Thiền. Nhiều người tưởng Võ Phiến là một nhà văn, hóa ra ông là một nhà thơ. Đọc kỹ đi rồi thấy. Có người mắt tinh đời sớm nhận ra điều đó: “Võ Phiến là thi sĩ. Mà là thi sĩ của trần gian nữa. Dù có khi anh viết bằng văn xuôi”. (Đặng Tiến).

Cuối Cùng của Võ Phiến là một tập sách trang nhã. Bìa cứng cổ điển. Nhưng bìa bọc ngoài lại là một mầu trời xanh và mây trắng với những cái bóng của Võ Phiến. Không phải hình, mà bóng. Một cái lõi, xưa cũ, cứng cáp bên trong; một cái vỏ, bay bỗng, tuyệt mù.. bên ngoài.
Trang cuối không đánh số trang của Cuối Cùng như đã nói là một bài thơ. Mộc Mạc là tên bài thơ đó. Một sự trở về. Về với mộc mạc, với chân phác. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt (TCS). Chắc vậy rồi. Với Võ Phiến, chốn về đó là xóm là làng, có con trâu, con chó, con gà, đàn cò, lũ sẻ, bà con cô bác…

Xưa từng có xóm có làng
Bà con cô bác họ hàng gần xa
Con trâu, con chó, con gà
Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri.
(Mộc Mạc)

“Đều là cô tri”. Họ thân thiết nhau quá, gần gũi nhau quá mà! Đi sao nỡ. Xa sao đành. Chẳng qua gặp thời thế thế thời thôi. Một người như Võ Phiến hẳn “chân bước đi mặt còn ngoảnh lại, từ cái mái nhà cái thềm nhà cho đến bụi cây khóm cỏ…:” (Quốc văn giáo khoa thư). Rứt sao ra.
Rồi Võ Phiến viết tiếp sau khi ngậm ngùi nhớ những “cố tri” đó của mình:

Múa may mãi chẳng ra gì
Mỗi lâu thêm một cách ly rã rời.
( Mộc Mạc)

Ra gì là ra gì? “Múa may” coi cũng được quá đó chứ! Mọi người đều nhìn nhận Võ Phiến, dù không nói ra mà ai cũng phải gật gù. Đông Hồ khen “nhất” miền Nam. Nguyễn Hiến Lê khen tùy bút sâu sắc, tự nhiên, dí dõm, đa dạng…Đặng Tiến bảo tác giả hàng đầu, Nguyễn Hưng Quốc kêu nhà văn của thế kỷ… Vậy mà múa may mãi chẳng ra gì sao? Tới bây giờ, nhớ Đêm xuân trăng sáng hay Thác đổ sau nhà của ông đọc từ hồi còn trẻ, tôi vẫn còn như nghe nhột nhột ở đùi trong…
Tuyệt vời nhất ở hai chữ: mỗi lâu. Vừa mộc mạc vừa sâu thẳm. Sao lại “mỗi lâu”? Ấy là bởi ông đã đợi chờ, đã nghe ngóng, đã mong mỏi nó “rụp rụp” cho rồi, ai dè nó cứ dùng dằng dủng dẳng, bực cả mình. Rụp rụp như cái dao phay chặt thịt mà ông từng thấy ở một người đàn ông mặc áo thun, bán hủ tíu, quơ dao múa may mấy cái rồi rụp rụp ngon lành. Đầu này nó cứ đủng đỉnh, cứ lằng nhằng. Nó càng đủng đỉnh, càng lằng nhằng ông càng bẽn lẽn vì đã có đôi lần ông làm thơ “giã biệt” gởi cho “những người ở lại’ rồi, thế mà, chính ông lại ở lại. “Quê” quá chứ phải không? Nhưng mỗi lâu rồi thì sao? Thì, khổ thay, cứ mỗi lâu nó lại thêm một cách ly, rã rời! Cách ly? Rã rời? Ông thấy hình như mọi người đâu đó đã sẵn sàng cả rồi, hồi hộp chờ đợi cả rồi, vậy mà chuyện lại không tới. Tẻn tò, tản ra, xa dần, quên lãng… ? Tự ông, ông cảm thấy “ngượng ngập vu vơ”. Ngượng ngập. Vu vơ. Văn viết không ra, chỉ có thơ mới “nói lên” được: mỗi lâu thêm một cách ly rã rời…

Thân tàn đất lạ chơi vơi
Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen.
( Mộc Mạc)

Người ta thì gần đất xa trời, ông thì gần trời xa đất. Đất lạ, trời quen. Với người xa xứ “lạc loài đến đây” như ông thì cách ly với con trâu, con chó, con gà, đàn cò, lủ sẻ đã đành là khổ, mà cách ly với những thân tình càng khổ hơn: “Gần đây nhiều lần nghe những trao đổi tưng bừng về các hướng thơ văn cũ mới, bị không khí sôi nổi lôi cuốn mạnh, tôi xun xoe nhấp nhỏm. Bỗng chợt buồn, tặc lưỡi: Mình còn được bao nhiêu ngày tháng? Những chuyện … như thế… trên đời… ối dào! ( Người ơi người ở dài dài, tr45)”. Mãn Giác thiền sư chẳng đã từng than “Sự trục nhãn tiền quá/ Lão đầu tùng thượng lai…” đó sao? Còn “rã rời”. Làm sao mà không rã rời cơ chứ? Có cái gì gắn với cái gì đâu. Toàn tạm bợ, lắp ráp cả đó chứ. Ngũ uẩn giai không mà! Bài thơ “Cũng Hợp” –lại Thơ- mở đầu cho cuốn Cuối Cùng, ông chẳng bảo “lắp ráp” xài chơi, lâu ngày chầy tháng thấy “cũng hợp”, cũng OK. Rồi đến một lúc nghĩ hay là ta… ở lại trần gian luôn chừng nghìn năm nữa cũng được. Để rồi giật mình: đã lắp ráp thì hẳn có lúc phải rời ra. Một câu hỏi đặt ra: Lắp ráp để chi? Để “trưa nào cũng bay” ( tr 139) chớ chi. Hoàn thành nhiệm vụ rồi thì rã. Rã rồi lại ráp không chừng. “Cả năm uẩn chúng quấy ta là thế” (Cũng Hợp). Võ Phiến hiện nguyên hình thành một… thiền sư!

Dặn lòng lòng vẫn nao nao
Ta đi mây ở, trưa nào cũng bay

Nhưng thiền sư mà có cái chuyện dặn lòng này mới lạ! Dù sao thì cũng chỉ nao nao thôi. Nao nao khác với bừng bừng. Đó là khi ông nhìn những phút “ân tình” của chim câu: “…cái đuôi con chim mái, vẹt qua một phía… “. Xong. Rồi bay. Trưa nào cũng bay. Ông thấy “nao nao”. Nao nao quá chớ. Nó đến nó đi hờ hững thản nhiên. Sao trời nỡ đọa đày nhau đến thế? (Cũng Hợp, tr 17).

* *
*
“Cái còn lại của một cốt cách : ít ỏi quá, mong manh quá”. (Hình bóng cũ, tr 32).
Không đâu. Cái cốt cách ở đời của Võ Phiến theo tôi không ít ỏi quá, cũng chẳng mong manh quá. Nó đáng cho ta ngã mũ chào. Với một nụ cười tủm tỉm, hân hoan.

Đỗ Nghê
(Saigon, 2010)
………..
(*) Hình bóng cũ, Võ Phiến.

Filed Under: Uncategorized, Đọc sách

“Bình an vô sự!”

26/01/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

Đỗ Hồng Ngọc

Bùi Giáng có lần viết “ Còn hai con mắt khóc người một con…” rồi Trịnh Công Sơn nối theo: Còn hai con mắt một con khóc người! Con mắt còn lại…?
Ừ, con mắt còn lại thì sao nhỉ?
“ Con mắt còn lại… nhìn một thành hai.
Nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ…
Con mắt còn lại ………….
Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp…
………….
Con mắt còn lại là con mắt ai?
Con mắt còn lại nhìn tôi… thở dài! “ (TCS).

Phải rồi, cái con mắt còn lại đáng ghét đó quả là con mắt gây phiền hà cho ta! Nó bị bệnh diplobie, nhìn một thành hai! Nhưng người bị diplobie thì nhìn một thành hai giống hệt nhau còn đầu này, Trời ạ, nó “nhìn em yêu thương nhìn em… thú dữ!”. Có đời nào vậy không! Cũng là em đó thôi mà lúc thì nồng nàn, tha thiết lúc thì quỷ sứ, yêu ma? Chưa hết, con mắt còn lại đó còn “ nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp…”, nghĩa là “lên voi xuống chó”, đầy hận thù , đầy hằn học.
Con mắt còn lại đó như của ai khác- “con mắt còn lại là con mắt ai?”– nó quan sát ta, nó nhìn ngắm ta và rồi bỗng nó … thở dài. Thấy mà ghét!
Thở dài. Bởi nó thấy ta tội nghiệp! Thấy ta đáng đời! Chi mà khổ vậy?
Con mắt còn lại đó chính là con mắt của “Thức”: của biện biệt, so sánh, đếm đo. Một khi “Thức” biến thành “Trí” thì mọi chuyện đã khác!
“Con mắt còn lại / nhìn đời là không /
Nhìn em hư vô/ nhìn em bóng nắng!”

“Là không”, chứ không phải bằng không! Là Không, đó là cái không của có, cái có của không. Chân không mà diệu hữu.
Cũng có thể nói “Còn hai con mắt khóc người một con” kia là con mắt của Bi! Còn “Con mắt còn lại nhìn đời là không” này là con mắt của Trí (Tuệ). Bi mà không có Trí thì cứ khóc hoài, dỗ không nín. Trí mà không có Bi cũng chẳng đến đâu!
Mắt là để nhìn, để thấy! Và, “thấy” như thế nào là một chuyện hệ trọng. Thấy thế nào sẽ dẫn tới nghĩ suy, nói năng, hành động thế đó! Thấy sai sẽ suy nghĩ, hành động sai. Một vấn đề có thể được nhìn dưới nhiều “nhỡn quan”, nhiều góc độ khác nhau. Khư khư bám chặt lấy quan điểm của mình, khư khư cho rằng mình đúng người sai dễ thựơng cẳng tay hạ cẳng chân!
Thấy và Biết liên quan chặt chẽ với nhau nhưng không phải là một! Thấy vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vậy! Thấy có thể dẫn tới biết, nhưng Biết không ở cái thấy. Bởi thấy do mắt còn biết thì do… não! Vậy mới có chín người mười ý. Biết rộng dễ thấy rộng – nhìn xa trông rộng- biết ít dễ thấy hẹp, thiên kiến, thiển cận! Ếch ngồi đáy giếng!
Hai vợ chồng đang xem xiếc trong rạp. Cô diễn viên trẻ đẹp rất hấp dẫn đang treo toòng teng trên chiếc đu bay! Người vợ bỗng kêu lên: Bên dưới không có gì hết! Anh chồng gật đầu đồng ý. Nhưng sau một lúc nhìn kỹ lại, anh nói: Không phải đâu em! Bên dưới có lớp vải màu da người đó chứ! “Tôi muốn nói không có gì hết là không có lưới bảo hiểm dưới cái đu bay, còn ông, ông đang nói cái gì vậy hử?”! Thì ra, yêu nhau là cùng nhìn về một hướng mà thấy… khác nhau! Người vợ thì… từ bi, ông chồng thì… từ ái!
Nhãn cầu to một chút đã sinh tật cận thị, trông gà hóa cuốc Giác mạc cong một chút đã sinh loạn thị, nhìn cái gì cũng méo mó. Rồi loạn sắc, quáng gà… đủ thứ! Rồi cườm nước, cườm khô, bong võng mạc, thoái hóa hoàng điểm, hoa đốm hư không, cứ tưởng tại không gian ai ngờ tại mắt mình lão hóa! Khi mất dao thì cái mắt thấy người nào cũng giống kẻ ăn cắp dao.
Mắt giúp ta thấy mà không giúp ta biết. Cái biết nằm ở đằng sau. Nằm ở vỏ não, ở thùy chẩm. Tâm thức mặc sức vẽ vời, mặc sức diễn dịch, phê phán, nhận xét, để rồi chí chóe, sứt càng mẻ gọng.
Chuyển hóa cái tâm không dễ. Nhưng có thể làm được. Một cụ già hơn trăm tuổi được một nhà báo phòng vấn hỏi bí quyết trường thọ, hạnh phúc. Có gì đâu, cụ cười, sáng nào tôi cũng hỏi mình hôm nay nên ở thiên đàng hay ở địa ngục vậy thôi. Lưỡng lự một chút rồi tôi chọn thiên đàng.
Ta vẫn thường nghe trẻ con hát những bài đồng dao như: “Thiên đàng địa ngục hai bên…” đó thôi.
Như một cái công tắc, chỉ cần bật qua bật lại.
Từ cái tâm sinh sự, lăng xăng, căng thẳng, mệt mỏi đến cái tâm vô sinh, vô sự… thảnh thơi vui thú có khó lắm không?
Khó, nhưng có thể.
Vô sự thì bình an.
“Bình an vô sự!“.
Năm Mới!

Filed Under: Uncategorized

Một bài thơ Trần Vấn Lệ

17/01/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 5 Comments

Đọc bài Trần Trung Thuần (Trần Vấn Lệ) viết về Thơ Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê), có bạn kêu tôi “post” một bài thơ của Trần Vấn Lệ. Thì đây vậy:

Quê Người Cỏ Lợt

Lâm Ngữ Đường nói một câu “giá trị”: “Đừng khen người đàn bà nào khi người đó chưa điểm trang”. Nhưng Vũ Anh Khanh nói “giá trị hơn” Lâm Ngữ Đường: “Hỡi cô con gái Đô Thành Nội, ai phấn son mà em điểm tô?”.

Chuyện đó chẳng bây giờ, em cười mỉm trước anh buổi sáng: “Anh! Anh ơi em có đẹp không?”. Anh hôn em phơn phớt má hồng: “Em mãi mãi là Giai Nhân anh ngưỡng mộ”.

Em cười vang: “Em như là đứa nhỏ, em đâu có điểm trang gì buổi sáng hôm nay!”. Chính điều đó, “Em còn Thơ Ngây! Chính điều đó, anh yêu em hoài, anh nói đi nói lại!”.

Có nhiều người đàn bà mãi mãi là con gái. Anh nhìn Ba thương Má quá chừng. Anh nhìn cả những người dưng tay nâng đỡ người bạn đời bóng xế. Em, muôn thuở, là người đàn bà trẻ, là cô nữ sinh anh một thuở cảm tình!

Anh dẫn em qua một ngôi đình. Mình đứng lại. Em nhìn kìa mái ngói. Em có biết không, anh muốn nói, “đình bao nhiêu ngói, đếm đi!”. Nụ môi em: Một Đóa Xuân Thì, anh cổ-thụ-cây-đa-bến-cũ…

Buổi sáng nay hay hôm nào đó, em của anh ơi, em là một Giai Nhân! Tình không hề Cũ, Tình cứ hoài Tân, em duy nhất, với anh, em là Người Đẹp Nhất!

Có nhiều lúc, anh làm thơ…như thật. Quả thật tình, anh chưa nói dối với em! Bỏ vài ba phút điểm trang, em bỏ một khoảng thời gian…không chừng anh mất biệt. Có thể Mờ Trong Bóng Chiều, anh chết. Có thể Mờ Trong Bóng Chiều, mình hết thấy nhau! Em ơi em, son thắm bởi màu. Tình không son mà muôn năm không lợt…cho dù rằng cỏ lợt màu sương…(*)
Trần Vấn Lệ
………………………………………………………………………………………………
(*) Thơ Nguyễn Du: Quê người cỏ lợt màu sương, đường xa thêm một bước đường một đau!

Filed Under: Uncategorized Tagged With: Thơ/ Trần Vấn Lệ/ Trần Trung Thuần/ Đỗ Nghê/ Thư cho bé sơ sinh

Một buổi tiệc “Trà” cuối năm

01/01/2011 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

Đỗ Hồng Ngọc

Không phải “tiệc trà” như ta thường thấy, với trà, với bánh và những cuộc chuyện trò rôm rả… ngoài trà. Tiệc “trà” này khác hẳn. Trà thực sự. Trà một mình. Trà từ đầu tới cuối. Và, chuyện trò cũng chỉ xoay quanh “trà”. Trà xưa. Trà nay. Trà Tàu. Trà Nhật. Trà Việt…
Nữ chủ nhân Viên Trân là người pha trà, cũng là một nhà thơ. Vừa pha trà vừa giải thích, vừa dẫn truyện gần xa… Trên vách là cây đàn nguyệt bên bức thư pháp lung linh của Tuệ Sỹ.
Hết tuần trà này đến tuần trà khác, liên miên không dứt… Nào Long tĩnh Hàng Châu, rồi Ô long Phước Kiến, Trà xanh Cầu Đất (Đà lạt) hằng trăm năm đến Tuyết San Hà Giang, Thiên Sơn kim trà, Trà mạn Sơn La, Mộc Châu ướp sen Đồng tháp, rồi Bạch trà trắng buốt, trà Ngâu thơm nồng… Cuối buổi còn món Trà lá xanh, đặc Việt, ướp gừng… Nhìn Viên Trân nâng niu từng giọt nước bên lò lửa, gạn từng lớp bọt trà, nhẹ nhàng rót vào từng cái chung hột mít nhỏ xíu xanh màu ngọc bích khiến người ta không thể không nhớ tới rượu của Tổ Thiên Thu, tới Đoàn Dự với Kiều Phong, tới Thiên Sơn Đồng Mổ,… rồi quay về với trà Tự Đức, Nguyễn Khản…

Khi tôi đến thì đã thấy có KTS Nguyễn Trọng Huấn, và họa sĩ Anh Thơ- “manager” của anh- có nhà thơ Nguyễn Duy và vợ chồng nhà báo Nguyễn Trọng Chức- Thái Thanh.
Viên Trân nói hôm nay mời mọi người đến là để mừng anh Nguyễn Trọng Huấn vừa ở bệnh viện Thống Nhất về sau một đợt điều trị vì tai biến. Anh nay đã phục hồi nhiều, tuy nói năng còn hơi lừng khừng một chút và chưa nhận ra mặt chữ. Nhà thơ Nguyễn Duy thì tóc bạc thêm mấy nhánh nhưng vẫn rất hóm hỉnh nói mình chỉ có thơ rượu chứ chưa có thơ trà, bây giờ mỗi ngày phải tự tiêm cho mình 2 mủi insuline như một người “nghiện”. Chỉ có nhà báo Nguyễn Trọng Chức là vẫn trẻ, lại đẹp trai hơn xưa mới lạ.
Cùng đi với tôi còn có Trương Trọng Hoàng, một đồng nghiệp trẻ, “đạo trà”.
Một buổi tiệc Trà cuối năm đầm ấm.

Filed Under: Uncategorized Tagged With: Trà

Ghi chép lang thang

25/12/2010 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

Từ ngữ: MẠN và MÃN

from Dr. HUYNH KHAC CUONG
8.37PM ngày 24.12.2010

Đầu tiên là cho tôi gửi lời thăm hạnh phúc và sức khoẻ đến tất cả quý đồng nghiệp cùng gia quyến, nhơn dịp mùa Giáng Sinh 2010.
Hôm nay, tôi muốn bình luận về một chủ đề văn chương tiếng Việt : mạn tính hay mãn tính ??
Hiện nay trên báo đài thì từ “mãn tính” rất phổ biến … Thầy NGÔ GIA HY ngay từ thuở trước 1975 đã phê phán gay gắt từ “mãn” tính này và chủ trương dùng từ “mạn” tính … Tuy nhiên, mặt khác, tôi cũng được biết rằng ở một số Bộ Môn thuộc các trường đại học y khoa, khi trình luận án Tiến Sĩ/Thạc Sĩ/Nội Trú, thì sẽ bị trừ điểm nếu học viên không dùng đúng danh từ “mạn tính” — và có khi vice-versa ở một vài Bộ Môn khác, dĩ nhiên.
Đối với những Thầy Cô nt. thì tôi xin khuyến cáo một điều : PEACE và hãy tự … kiềm chế … ((“kiềm chế” là một danh từ choai choai ngộ nghĩnh ở phía Đàng Ngoài, giống như “vô tư” vậy)).
Trong y học, chúng ta chia bệnh tật nôm na làm 2 loại :
– Các bệnh cấp tính (“acute” / “aigu/aiguë”) là các bệnh xảy ra đột ngột, thời gian mắc bệnh và điều trị ngắn, td. như bệnh cúm, sởi, sốt xuất huyết …
– Các bệnh mãn/mạn tính (“chronic” / “chronique”) là các bệnh xảy ra từ từ và kéo dài, thời gian trị liệu thường phải lâu. Trong đó có các bệnh nhiễm trùng như lao, phong cùi, AIDS, viêm gan B, C, D … và các bệnh không nhiễm trùng như đái đường, cao huyết áp, viêm thoái hoá khớp …
Ngay ở Bộ Môn Tai-Mũi-Họng Đại Học Y Dược chúng tôi, cũng cái vụ danh từ này mà cự cãi nhau (nhẹ nhàng, thôi) suốt cả gần 30 năm qua … Thầy NĐ BẢNG và tôi thì chủ trương “mạn tính”, còn các thầy lớn tuổi khác thì đều viết “mãn tính” …
Trước khi phân tích văn chương đôi chút, thì tôi xin phép nhắc lại 2 điều cấm kỵ ban bố khắp Trung Quốc dưới triều nhà Thanh (từ thế kỷ XVII đến 1911) : 1) ai không để tóc thắt bím dài thì sẽ mất thủ cấp ; 2) ai gọi Mãn Thanh thì cũng sẽ bị chặt đầu (mà phải nói đúng tên là Đại Thanh).
Điều cơ bản cần khẳng định là cả 2 chữ “mạn” và “mãn” không xuất phát từ chữ Nôm, mà đều có nguồn gốc chính quy từ tiếng Hán ; trên cơ sở đó có thể tạm phân tích như sau : (tham khảo một phần theo Wiktionary / Wikipedia)
A) Danh từ (noun):
Mạn = miền, vùng
Mạn = mạn thuyền, tức là phần sàn phía ngoài của khoang thuyền
Mạn = còn được dùng trong một số chữ như lãng mạn, tản mạn …
Tiếng Hán “mạn” mặc nhiên bao hàm ý nghĩa từ từ, chậm chậm, dài lâu, td. như mạn đàm (= tà tà mà đàm đạo đàm phán) hay Truyền Kỳ Mạn Lục (= truyện dài nhiều tập).
Mãn = con mèo —- người Việt lâu năm nói lái lại thành “mảo”, td. nhu Tết Tân Mảo 2011
B) Động từ (verb):
Mãn = to terminate, to finish
Mãn = ám chỉ kết thúc một quá trình / đã đủ một thời hạn xác định của một sự vật, td. như mãn tang, mãn hạn, mãn nhiệm, mãn khoá, mãn hạn tù, mãn phần (= chết), mãn dục nam (andropause) hay … mãn kinh (nguyệt)
((do đó mà người Hán muốn châm biếm khi nói Mãn Thanh, tức là chấm dứt chế độ cai trị manchu))
Mãn = củng còn gặp trong một số từ đa dạng như thoả mãn, mỹ mãn, mãn cầu, bất mãn … Và có lẻ ngộ nghĩnh nhất là danh từ “mãn nhãn” được một số tờ báo ViệNam gần đây dùng để mô tả những chiếc xe ôtô đời mới cùng với các cô người mẫu xinh đẹp đứng bên cạnh trong các dịp auto expo.
Cả hai “mãn” và “mạn” đều có tính từ ; nhưng riêng “mạn” thì không có động từ, mà chỉ có tính từ … Thế nhưng, xét riêng về phạm trù tính từ (adjective) thì hội nghị các nhà văn học và ngôn ngữ học ViệtNam hải ngoại — dạy tiếng Việt ở các trường đại học khắp thế giới — đều thống nhứt rằng “mãn” hay “mạn” đều là một, và có thể chấp nhận sử dụng 2 tính từ này một cách identic như nhau !!
Kết luận : “mạn tính” là chuẩn xác ; còn nếu xét riêng về phương diện tính từ thì “mạn” tính là chính xác, nhưng “mãn” tính (vốn khá thông dụng trong dân gian) cũng không phải là sai.
Bản thân tôi cũng được Bộ Y Tế phân công trong uỷ ban soạn danh từ khoa học-kỹ thuật Tai-Mũi-Họng … Mỗi lần thảo luận nhau về dịch thuật cũng như ý nghĩa danh từ, thì cứ 10 người có đến 10 ý, miền Nam và miền Bắc dùng danh từ khác nhau, không ai chịu ai cả và mạnh ai nấy kiên định/cố chấp lập trường của mình … Cả ngày trời lắm khi vẫn chưa xong một chữ “điếc” … Đàm phán bàn về tiếng Việt thì … ôi thôi, thầy chạy …
Chúc tất cả quý bằng hữu một đêm Giáng Sinh thật vui tươi. Chúc sức khoẻ các gia quyến ./.

Reply của Do Hong Ngoc
7.02 AM ngày 25.12.2010

Tg Anh HUYNH KHAC CUONG,

Cảm ơn bài viết của anh. Theo tôi, nếu đã biết gốc của chữ MẠN và MÃN thì ta nên dùng cho chính xác. Do thói quen, lâu nay một số người dùng sai, không nên coi dùng sai lâu ngày thành đúng. Tôi lâu nay vẫn phân biệt rõ hai chữ này, và với CHRONIC thì dùng chữ MẠN và khuyến khích sinh viên dùng đúng cho quen.
Đôi khi người ta dùng lẫn lộn MẠN TÍNH với MÃN TÍNH, (vì hiểu sai) nhưng may thay, không thấy ai dùng MÃN KINH lẫn lộn thành MẠN KINH.
Như anh biết, chữ CỨU CÁNH nhiều người dùng sai lắm. Ngay cả trên TV. báo chí, họ hiểu nhầm là một “cách để cứu vớt”!
Chữ VIỆT VỊ trong đá banh, người ta cũng nhầm là LIỆT VỊ (!!!). (Lúc này thấy bớt nhầm rồi)
Đặc biệt, nhiều người còn dùng lầm lẫn giữa YẾU ĐIỂM và ĐIỂM YẾU.( Ngay cả bình luận đá banh trên TV!!)
Do vậy, theo tôi, nếu không biết thì thôi, biết thì nên dùng cho đúng.
Chúc anh nhiều sức khỏe, hạnh phúc.
Do Hong Ngoc.

Filed Under: Uncategorized Tagged With: Từ ngữ Y khoa/Mãn/ Mạn

AIDS và Nhà lãnh đạo!

30/11/2010 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Nhiều năm liền, Ngày AIDS thế giới (World AIDS Day) cứ mãi kêu gọi hết nam giới tới nữ giới, hết trẻ em đến người già tham gia vào việc ngăn chặn AIDS, thế mà AIDS cứ ngày càng tăng. Hiện nay mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh nhưng số mắc bệnh vẫn ngày một gia tăng và ngày càng “trẻ hóa”, nghĩa là AIDS tấn công vào lực lượng lao động chính, vào tương lai của một đất nước! Bây giờ thì người ta mới giật mình nhận ra cái lỗi để cho đại dịch AIDS lan tràn chính là ở các nhà lãnh đạo chớ không phải ai khác!xem tiếp …

Filed Under: Góc nhìn - nhận định Tagged With: BS Do Hong Ngoc, BS Đỗ Hồng Ngọc

“Làm thầy”

18/11/2010 By Bac Si Do Hong Ngoc 4 Comments

Đỗ Hồng Ngọc
Buổi sáng hôm đó cả bọn bốn người đàn ông trung niên kéo ghế ngồi quay quần bên tách cà phê cạnh bờ hồ hiếm hoi giữa lòng thành phố. Người trẻ tuổi nhất trong bọn họ cũng đã 50, một nhà giáo, trắng trẻo, nghiệm nghị; người thứ hai là nhà nghiên cứu văn học, chuyên cổ văn, tóc điểm sương, khắc khổ; người thứ ba là một nhà thơ, từng là giáo viên dạy văn cấp ba, đã về hưu và người thứ tư là… tôi.

Bọn tôi người thì vừa đưa con tựu trường, người thì dẫn cháu đến lớp… giờ rảnh tay tụ lại uống cà phê, rôm rả nói cười, thấy mình như trẻ lại, nhắc cái thuở còn thơ “ngày hai buổi tới trường”. Bỗng một người cảm khái đọc ro ro một bài học thuộc lòng ngày đó: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh… “. Trời ạ, như khơi trúng mạch, cả bọn không ai bảo ai cùng “rống” lên như ca bè:… “Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp… con dường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ… Hôm nay tôi đi học!“ (Thanh Tịnh).

Rồi hình như thấy trong quán cà phê còn có nhiều người mà cả bọn “hợp xướng” như vậy coi hổng được bèn ngưng bặt. Nhìn nhau cười lỏn lẻn. Cả bọn như chìm lắng trong một ký vãng mờ xa, ở đó là những cậu bé “ khét nắng hôi trâu thèm đi học” (Trang Thế Hy), rồi “Ai bảo chăn trâu là khổ… Em bé không quên học đâu… “ (Phạm Duy). Cái thuở đó sao người ta ham học vậy không biết! Im ắng hồi lâu để nghe cho rõ tiếng lách cách quậy cà phê, bỗng một người trầm ngâm như sực nhớ: “Hằng năm cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc lòng tôi lại hoang mang nao nức… ” Rồi ai đó bỗng đọc tiếp “Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers diners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonent…” cả bọn lại bèn “hợp xướng” cái đoạn văn về ngày khai trường đó của Anatole France mà cùng nhớ lại những bữa cơm dưới ngọn đèn tù mù…,cảnh cha ngồi xem báo, mẹ ngồi khâu áo, bên cây đèn dầu hao… Rồi một người nhảy qua quốc văn giáo khoa thư hồi nào không hay “Chân bước đi mặt còn ngoảnh lại, từ cái mái nhà, cái thềm nhà, cái lối đi, cho đến bụi cây, đám cỏ, cái gì cũng làm cho tôi quyến luyến khác thường…!” ..của một kẻ rời quê lên tỉnh, học xa.

Nhận ra cả bọn hình như hơi vô duyên, lãng mạn một cách lảng xẹt, ai đó bèn chuyển gam về chuyện bây giờ, chuyện chạy trường, chuyện học phí, quốc tế quốc nội, chuyện You and I của bọn trẻ bây giờ không biết cả những tiếng thầy trò, cô cậu, chú bác, thím mợ.. . Ông bạn nhà giáo kể một hôm, trong một lớp học, thầy dạy văn ra câu đố kiểu Truyền hình vẫn hay làm. Một câu tục ngữ nói về tình thầy trò gồm 6 từ, thầy cho 2 từ để học trò đoán tiếp. Em nào đoán trúng được thưởng. Hai từ đó là “thầy” và “mày”. Học trò ngơ ngác. Một em xin cho thêm hai từ nữa mới đoán được. Thầy đồng ý: hai từ nữa là: “đố” và “nên”. Cả lớp im lặng nhìn nhau. Thầy chán ngán nói: Thôi được, để thầy cho nốt hai từ nữa rồi các em xếp thành câu tục ngữ nhé: Đó là “không” và “làm”. Đến đây thì có một cánh tay nhanh nhẹn đưa lên: Thưa thầy, có phải câu tục ngữ đó là “Làm thầy mày không nên đố” không ạ?
………………………………………….

Filed Under: Uncategorized

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 82
  • Go to page 83
  • Go to page 84

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Hội quán Các Bà Mẹ: Giao lưu với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cuốn “Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật”

Dương Mình Trí: cảm nghĩ nhân đọc “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật”

Đỗ Hồng Ngọc với “Bông hồng cho mẹ và những cảm nhận học Phật”

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Mấy ngày Tết
  • Nguyên Giác: Mẹ dạy con ngồi như núi
  • Đọc “IM LẶNG, như lời chia tay” của Cao Huy Thuần
  • Thích Phước An: GIÓ BẤC CUỐI NĂM

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • Hai Lấp Vò trong Đọc thơ Khánh Minh: tháng năm là mộng đang đi
  • đỗ xuân đạm trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Độc giả trong Làm sao biết cha mẹ đã… già?
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Bản nhạc Mũi Né
  • Thạch trong Bản nhạc Mũi Né
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “ÁO XƯA DÙ NHÀU…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).
  • PN trong PHĐS: Buổi học cuối năm (16.1.2021).

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email