Ghi chú:
Bác sĩ Nguyễn Vũ Minh Trang gởi tôi bài viết này của Doan Nguyen, nói về chuyện bức xúc của các ông bố bà mẹ khi thấy con “biếng ăn”. Đây cùng là đề tài mà tôi thường “bị hỏi” trên trang này. Nguyên tắc nuôi trẻ là càng gần gũi với tự nhiên chừng nào tốt chừng đó. Đừng bao giờ “suy bụng ta ra bụng trẻ”. Và nhớ rằng “ép dầu ép mỡ ai nỡ ép… ăn!”. Ăn là một hạnh phúc, nhưng bị ép thì trở thành một cực hình. Các nhà khoa học đã làm một nghiên cứu thú vị: Cho một nhóm trẻ nhỏ vào một cái nhà kính, đặt sẵn đủ thứ thức ăn và đồ chơi, rồi ở ngoài quan sát (bên trong không thể nhìn ra). Thấy gì? Thấy mỗi trẻ biết tự chọn món ăn mình thích, cơ thể thiếu thứ gì thì tự tìm tới món đó. Người ta cân đo các bé và thấy trẻ… phát triển hoàn toàn bình thường! Tuy vậy, một số nguyên tắc nên theo là tập trẻ ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, tập một món ăn mới phải từ từ, nhiều lần, để trẻ quen mùi quen vị. Thất bại thường thấy là thay đổi món ăn liên tục, nghĩ rằng làm vậy bé sẽ thích! Thất bại nữa là cho trẻ bắt đầu ăn dặm quá muộn!
Bài của Doan Nguyen rất chính xác và hữu ích.
Rất cảm ơn Doan Nguyen và Minh Trang.
Đỗ Hồng Ngọc.
Viết cho các bà mẹ bức xúc chuyện biếng ăn của con
by Doan Nguyen (Notes) on Wednesday, May 1, 2013 at 11:18am
Ngày xưa BS nhi khoa nổi tiếng Đỗ Hồng Ngọc có viết cuốn sách gối đầu giường dành cho các bà mẹ có con đầu lòng, hướng dẫn cách chăm sóc con sao cho có khoa học (Viết cho các bà mẹ sanh con đầu lòng). Ngày ấy có lẽ không có những bức xúc của các bà mẹ về chuyện ăn uống của con hay “hiện tượng” biếng ăn của mấy bé như bây giờ, bởi vì ngày đó ai cũng đói và ăn còn không đủ thì lấy đâu ra chuyện than thở biếng ăn như bây giờ. Vì vậy nên tôi mạn phép vị BS đáng kính ấy để viết tiếp câu chuyện ăn uống của các đứa bé ở tuổi chập chững biết đi đó: lứa tuổi từ 1-5 tuổi (toddler)
Ở lứa tuổi từ 1-5 tuổi đó, hầu như tất cả những đứa bé đềucó tình trạng biếng ăn như vậy, chúng hầu như không bao giờ biết đói bụng và hầu như không bao giờ muốn ăn trừ khi ba mẹ đút cho nó. Chúng có thể chạy giỡn suốt ngày không biết mệt, nhưng ăn thì rất ít, nên nhiều người lớn cũng thắc mắc sao mà chúng lại có năng lượng như thế.
Vậy tại sao các bé ở tuổi đó lại không có cảm giác muốn ăn như vậy? Để trả lời câu hỏi đó, tôi cần phải đặt 1 câu hỏi khác: “Khi nào thì bạn đi đổ xăng cho xe của mình và khi nào thì bạn biết là xe sắp hết xăng?” Có lẽ ai cũng biết câu trả lời: khi nào sắp hết xăng thì đổ xăng, và nhìn vào đồng hồ xăng để biết khi nào cần đổ xăng. Vậy thì có xe nào đổ xăng giống xe nào không? Chắc là không. Ở đứa bé (hay bât kỳ người nào cũng vậy), khi nào có nhu cầu tăng cân hay nhu cầu nạp năng lượng thì 1 bộ phận trên não sẽ báo cho người đó biết (bộ phận đó giống đồng hồ báo xăng), đó là trung tâm kiểm soát sự thèm ăn. Trong năm đầu đời, nhu cầu tăng cân của bé rất nhiều, trung bình tăng khoảng 6kg. Nhưng từ 1-5 tuổi thì nhu cầu tăng cân lại rất ít, trung bình chỉ khoảng1-2kg mỗi năm thôi (xem như chỉ bằng ¼ hồi trước 1 tuổi). Vì vậy nên não của bé cũng báo bé biết là nhu cầu nạp năng lượng rất ít. Khi nào bé tiêu xài bớt năng lượng đã nạp vào trước đó, khi nào bé có nhu cầu tăng cân (nhu cầu này không phải thường xuyên mỗi tháng) thì khi đó nó sẽ ăn. Do đó, những đứa bé tuổi nàycó thể đứng cân 3-4 tháng là chuyện bình thường, nên ba mẹ bé cũng đừng lôi nó ra cân mỗi tháng để chuốc lấy stress không cần thiết. Nếu ba mẹ để cho chúng tự ăn theo nhu cầu của chúng (xin nhấn mạnh là nhu cầu của chúng, chứ không phảinhu cầu ba mẹ hay ông BS nhe), thì khoảng 2-4 tuần lễ sau bé sẽ ăn lại ngon lành hơn (được vài ngày như vậy).
Vậy làm sao để giúp cho chúng ăn được? Câu trả lời thì dễ hiểu, đơn giản, nhưng không hề dễ thực hiện, nếu như không có sự nhất trí và hiểu biết từ gia đình của bé.
Hãy để bé tự quyết định muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Nhiệm vụ của người lớn là bày ra cho chúng những đồ ăn có đủ dưỡng chất và ngon. Nếu bé không thích 1 món nào đó thì cũng đừng lo lắng hay ngạc nhiên,chuyện đó hoàn toàn bình thường. Để chúng thích được 1 món nào đó, cần phải giới thiệu cho chúng rất nhiều lần, vì vậy bạn cũng đừng nản không làm món đó nữa. Khi bé đói, nó sẽ ăn thôi (suy ra, khi nó không ăn mà vẫn chơi thì có nghĩa là nó không đói, hay nó không có cơ hội nào để đói hết)
Đừng cho bé ăn vặt nhiều lần trong ngày hay ăn vặt trước bữa ăn. Nhiều gia đình cứ thấy bé đòi 1 miếng kẹo hay bánh là đưa cho bé, hoặc cứđể hộp sữa thoải mái cho bé muốn uống bao nhiêu thì uống. Điều này làm bé không bao giờ có cảm giác đói để ăn hết. Tối đa chỉ nên cho ăn vặt một lần mỗi ngày,và chỉ cho ăn sau khi bé đã ăn bữa chính.
Đừng bao giờ xúc cho bé ăn nếu như nó tự xúc được. Khoảng 7-9 tháng tuổi, bạn có thể tập cho bé bốc ăn, chúng sẽ biết bỏ vào mồm và nhai mặc dù chưa có cái răng nào hết. Khoảng 1 tuổi trở lên, bạn nên tập cho bé cầm thìa. Lúc đầu có thể bé nghịch trây trét đầy mâm, nhưng không sao hết, vậy nó mới thích thú và khám phá bữa ăn.
Đừng cho bé uống quá nhiều sữa mỗi ngày. Uống sữa nhiều cũng cung cấp rất nhiều năng lượng nhưng không cung cấp đủ những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé. Ở lứa tuổi đó, bé chỉ cần uống1-2 ly sữa tươi mỗi ngày là đủ rồi (khoảng 200-300ml). Uống quá nhiều sữa sẽ làm cho bé bị thiếu sắt và táo bón.
Cho bé ăn ít hơn bạn nghĩ nó ăn được, để nó có cảm giác đã hoàn tất bữa ăn. Thông thường ở tuổi đó, bé chỉ uống mỗi ngày khoảng 1-2 ly sữa, ăn mỗi ngày 3 bữa và mỗi bữa chúng chỉ ăn khoảng vài thìa thôi. Do đó bạn chỉ cần xúc vào chén của nó vài thìa cơm để nó tự ăn.
Đừng nên kéo dài bữa ăn quá 20 phút và cũng đừng nên bàn chuyện bé ăn như thế nào. Nó muốn ăn ra sao tùy nó. Nếu bạn ép nó ăn,sau này nó sẽ không cảm thấy bữa ăn là cái gì vui vẻ hay thú vị nữa, mà là một ngục tù của trại phát xít. Ông bà có câu “Trời đánh tránh bữa ăn” đó. Và cũng đừng nên làm trò hay đánh lừa cảm giác no đói của chúng. Đánh lừa cảm giác no đói sẽ làm cho sau này chúng ăn vô tội vạ không kiểm soát được và có nguy cơ bị béo phì và những bệnh gây ra do béo phì.
Xin khẳng định là những điều tôi khuyên như trên, tôi đã làm hết rồi và nó hiệu quả. Vấn đề còn lại là ở gia đình của bé thôi 🙂
- Doan Nguyen
xin cam on BS.Bai viet rat tuyet
Bác sĩ ơi, giúp cháu với.
Con cháu 7 tháng, nặng 8 kg (lúc sinh 3,1 kg). Bú bình hoàn toàn từ lúc 3 tháng.
Bé ăn dặm từ 4 tháng, lúc 4 tháng bú bình khoảng 80ml, buổi đêm cách khoảng 2-3 tiếng thì bú đều đặn. Bú khoảng 7-8 bình/ ngày.
Khi 7 tháng bé bú đc 120ml/binh Nhưng khoảng 1 tuần nay bé không chịu bú đêm nữa, ép cỡ nào cũng không chịu .chỉ bú lúc 20h, rồi đợi 2h có khi đến tận 4h sáng mới chịu bú thêm. Tổng cộng bây giờ bú chỉ 4-5 bình/ ngày ăn dặm 3 cữ bột sệt 80ml bột/ cữ. Bé bỏ bú đêm cháu lo lắng và stress quá, cả tháng nay chả lên kg nào.
Bác sĩ ơi cứu cháu vơi!!!! Con cháu vậy có ổn không.
Tuổi này vẫn phải ăn sữa là chính. Coi lại sữa gì? cách pha sữa cho có đúng tỷ lệ khg? coi lại núm cao su? Ăn bột vậy là hơi nhiều. Không biết bột gì? tốt không? Từ 8 tháng có thể ăn cháo (mẹ nấu). Nên tham khảo chương : NUOI CON SAO CHO GIOI trong cuốn Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng.
Cháu chào bác sỹ. Bác sỹ giúp cháu với ạ.
Con cháu sinh được 2.2 cân. Giờ được gần 9 tháng 6.5 cân. Cháu luôn thấy 2 luồng thông tin nên hoang mang không biết thế nào.
1. Theo chuẩn thì là quá còi, còn theo kênh phát triển riêng của bé thì phù hợp? Cháu tra trên babycenter là 6.6 kgs. Nhưng cũng có thông tin cho rằng 6 tháng bé sẽ phát triển đuổi kịp các bé khác.
2. Có ý kiến cho rằng xay nhuyễn dễ hấp thụ, lại có ý kiến cho rằng nhai tiết dịch vị tốt hơn. Cháu lo lắng không biết hệ tiêu hóa của bé có ổn không, có nên thay đổi chế độ ăn của bé không? Hiện giờ bé ăn cháo hạt 70% và tự bốc ăn. Bé đi tiêu thấy cả rau thái nhỏ. Bé tự bốc ăn hát véo von yêu lắm. Cháu không biết với output của bé như thế có nên xay nhuyễn hay như thế nào.
Cháu cảm ơn bác sỹ.
Sanh 2,2 kg là bé non tháng. Phát triển vậy là tốt rồi. Nhiều thông tin quá càng rối trí!
Có lẽ bé đã có răng. Không cần xay nhuyễn. Nên thêm dầu mỡ vào chén thức ăn, giúp mau lên cân. Cháu nên đọc thêm chương “Nuôi con sao cho giỏi” trong cuốn Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng.
Cháu cảm ơn bác sỹ.
Bé sinh lúc gần 37 tuần, nhưng do phải truyền thuốc giữ thai nhiều. Cháu nằm viện 3 tháng, bác sỹ cũng nói cân nặng của em bé bị hạn chế.
Bé đã có 2 răng, chuẩn bị thêm 2 răng. Ăn thô, bốc nhón tốt bác ạ.
Một vấn đề nữa là bé thích ăn dặm hơn sữa. Cháu kỷ luật 1 tuần cắt ăn dặm thì chịu sữa nhưng ăn dặm trở lại là uống ít sữa, 300 ml trầy trật ạ. Không chịu uống sữa, đưa ăn dặm thì ăn ngay, thậm chí còn đòi. Đồ ăn dặm cháu cho bé ăn nhạt ạ.
Cuốn “Viết cho bà mẹ nuôi con đầu lòng” cháu nên mua bản ebook hay sách ạ? Cháu có tải bản miễn phí nhưng hình như là bản cũ bác ạ.
Cháu cảm ơn bác sỹ.
BS ơi, cháu mua cuốn sách của Bs từ lúc đang mang thai và tới giờ khi con cháu được 15 tháng thì cuốn sách cũng khá nhàu rồi ạ. Vợ chồng cháu sống riêng nên khi sinh con thì cháu được một mình chăm con đến lúc đi làm (6 tháng). Con cháu là bé gái, lúc mới sinh được 2.9kg, dài 47cm, đến giờ được 8.5kg, cao 80cm. Khi đọc cuốn sách của bác thì cháu nghĩ việc nuôi con của mình sẽ không đến nỗi tệ, thế nhưng thực tế thì khác lắm bác ạ.
Cháu nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bé không sổ sữa nhưng rắn rỏi, hoạt bát và không bệnh vặt bao giờ, chỉ khi chích ngừa mới sốt tí xíu rồi thôi. Đến khi cháu phải đi làm lại thì gửi bé bên bà nội (bé có bà nội và cô chăm sóc. Thời gian tập ăn dặm cho bé cho đến 13 tháng, cháu theo sách của bác nấu cháo mang qua bên bà để đến bữa sẽ cho cháu ăn (mỗi ngày đều nấu, với nhiều thực phẩm và rau củ khác nhau), thời gian này bé lên cân ít (tháng từ 2-3 lạng), vẫn khỏe mạnh, chơi và rất nghịch ngợm, hiếu động. Bé phát triển thể chất chậm nhưng về vận động thì bình thường, cũng 3.5 tháng biết lẫy, 5 tháng ngồi vững, 7 tháng mọc 2 cái răng đầu tiên là cũng tập bò luôn, 9 tháng biết bám thành cũi đi men, 11 tháng đang ngồi có thể tự đứng dậy, 13 tháng biết đi chập chững. Đến nay bé 15 tháng đã đi thạo, nói gì biết đó, đã có 10 cái răng – như vậy là bình thường phải không bác?
Thế nhưng cháu đang rất lo lắng bs ạ. Khi bé được 13.5 tháng, bắt đầu mọc 2 răng tiền hàm hàm trên thì bỏ ăn đến 3 tuần (mỗi ngày ăn chưa đến 1 chén cháo, sữa cũng chỉ uống một chút chưa được 100ml/ngày, đêm thì ti mẹ). Bé sút mất 0.5kg nên cháu lo quá, nhưng cho bé ăn gì cũng không ăn (cơm, cháo, mì, nui, phở…) mọi khi bé thỉnh thoảng thích ăn bánh mì, giờ bánh mì cũng chê luôn. Thế là bà nội bé bảo cháu “mày nấu cháo kiểu gì mà nó không ăn cứ nhợn ra” – bác ạ, cháu nấu cháo cho con cũng rất công phu: củ quả thì hầm mềm rồi dầm nát với cháo, rau thì chỉ lấy lá rửa sạch, xắt nhỏ xíu như sợi thuốc lá), nấu cháo thì cháu ngâm gạo chừng 15 phút rồi mới giã nhỏ và nấu cho mềm, sau đó mới cho 2 muỗng thịt băm nhỏ (hoặc thức ăn khác, thay đổi mổi ngày), thêm một xíu nước mắm ngon và 1 muỗng cà phê dầu ăn Kiddy/cho một chén cháo. Đúng như bác hướng dẫn, phải không ạ? Từ lúc ăn dặm đến thời kỳ đó bé vẫn ăn uống binh thường (có thể ít hơn các bé khác). Bà nội bé nói vậy rồi bảo để bà nấu cho nó ăn. Thế là từ lúc 14 tháng đến giờ, bà bảo cô của bé nấu cháo theo kiểu hầm nước xương rồi nấu cháo cho bé, đến giờ đã 1 tháng bé vẫn ăn như vậy, cháu thấy con cháu càng ngày càng gầy, da thịt mềm nhão so với trước, cháu sợ và lo nhưng chẳng biết làm thế nào. Vì nói thì bà sẽ bảo: đấy con mày mang về mà chăm! MÀ vợ chồng cháu còn phải đi làm, cho bé đi học thì sớm quá chưa có nhà trẻ nào nhận (trường ở phường 24 tháng mới nhận, ở quận thì 19 tháng), các nhà trẻ tư thì cháu không dám. Biết làm thế nào để thay đổi tư duy cho bà nội bé bây giờ hả bác?
Phát triển như vậy là tốt. Không gầy lắm đâu. 15 tháng có thể ăn “như người lớn”, trừ lúc mọc răng, bị đau, bỏ ăn. Mỗi ngày cần 2 chén cháo, đặc, nấu với thịt cá, trứng… và có thêm vài muỗng dầu ăn, ngoài ra cần 4,5 bình bú sữa ngoài nữa mới đủ calo. Coi kỹ chương “Nuôi con sao cho giỏi”
cháu cảm ơn bác nhiều ạ! đến hôm nay bé nhà cháu đã chịu ăn hơn rồi, biết đòi “măm măm” chứ không còn như trước cứ thấy đồ ăn là chạy nữa ạ.
Con chào Bác, con trai của con nay đã tròn 16 tháng, chỉ có 6.8kg (cân nặng này từ lúc bé 7 tháng tới giờ) mọc được 5 cái răng, mới biết vịn đứng lên, chưa biết đi, chưa biết nói, vẫn hoạt bát, chơi đùa, ngày ăn 3 bữa cháo với đủ 4 nhóm thực phẩm, ăn 1-2 ôộp váng sữa uống khoảng 200-300ml sữa mỗi ngày. Đã xổ lãi cách đây 1 tháng. Mặc dù đã đi khám ở TTDD, uống sắt, kẽm, men tiêu hóa, canxi, Vit D… nhưng tình hình của bé vẫn không cải thiện. Mong bác cho lời khuyên hoặc có thể đưa bé tới phòng mạch của Bác được không ah? Hiện con rất bối rối. Mong Bác giúp đỡ. Cảm ơn Bác!
Chắc do sanh non nên mới nhẹ cân như vậy. Cần phải khám để loại trừ một bệnh nào đó để chữa nếu có, sau đó tập trung vấn đề dinh dưỡng. Tăng lượng sữa. Pha đúng tỷ lệ. Thêm vài muỗng dầu ăn vào chén cháo, chén cơm nhão. Mẹ tự chăm sóc, nấu cho bé đủ thịt, cá, trứng, rau… và nhớ thêm chất béo rất cần thiết trong tường hợp này. Nên coi kỹ chương “Nuôi con sao cho giỏi” trong cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng”.
Dạ, con rất cảm ơn Bác đã dành thời gian trao đổi với con. Ngay chiều hôm qua con đã đưa bé tới thăm khám tại phòng mạch của Bác sĩ Việt ạ, bé vẫn không có bệnh lí nào nghiêm trọng hết (chỉ đang viêm họng nhẹ), Bác Việt cũng khuyên con như Bác vừa nói ạ. Con về sẽ nghiên cứu kỹ thêm trong quyển sách của Bác và cố gắng làm theo đó và sẽ báo cho Bác biết khi có kết quả. Mong có dịp nào Bác đi Sông Xoài ( BRVT) ghé thăm thầy Nguyễn Minh Tiến sẽ ghé qua vườn cây ăn trái nhà của con ạ ( số đt của con 0938.50.3737). Kính chúc Bác nhiều sức khỏe và niềm vui!
Co chào bác, con trai con được 3 tháng 12 ngày, nặng 6kg, lúc sinh cháu được 3,6kg, con ít sữa nên cho cháu bú mẹ và bú sữa ngoài ( con dùng sữa Nan), cháu bú mẹ rất ít nên con thường vắt sữa mẹ cho vào bình để cháu bú, cháu bú rất tốt, 1-2 tháng cháu bú được 60ml/lần, có đợt la 90ml/lần, bát đầu từ thabgs thứ 3 cháu bị đi ngoài ra phân nhầy, hoa cà hoa cải, ngày 2 lần,( trước đó cháu đi 1 ngày 1 lần) sau khi con ăn cua biển cháu đi ngòai có nước và nhầy, thậm chí chỉ có nhầy lượng phân không nhiều lắm, ngày từ 2- 5 lần, từ4 ngày nay cháu đi 2 lần/ ngày, hoa cà hoa cải, nhầy và bọt,cháu ăn rất ít, đêm cháu chỉ ăn được nhiều lắm là 120ml, ban ngày không chịu bú bình chỉ bú mẹ, nhưng sữa mẹ ít cháu đi tiểu có màu vàng và rất ít, bác ơi như vậy con con có phải đi ngoài không? Và làm gì để cháu ăn tốt trở lại, cháu cứ tiếp tục ăn như vậy cháu bị suy dưỡng mất, con lo lắm, mong bác giúp đỡ, con cảm ơn bác nhiều!
Cháu hãy đọc thêm các bài “Tiêu chảy”, “Chuyện lớn của bé”, “Sữa mẹ” v.v… trên trang này nhé. Cần pha sữa đúng tỷ lệ, và cho uống thêm nước.
Con chào Bác Ngọc,
Bác tư vấn dùm con trường hợp của em bé nhà con với ạ, em sinh ngày 27/07/2014, em bú mẹ nhưng cách vài ngày có cho em bú ngoài 1 bình, em được chẩn đoán là trào ngược thực quản với các triệu chứng bú xong hay ọc sữa(ngày 4-5 lần), đêm ngủ không ngon giấc, hay mớ , vặn vẹo mình đỏ mặt, thở khò khè. Giờ mỗi khi em khóc con không phân biệt được đâu là khóc đau, đâu là khóc đói, cứ cho ti vào là con bú và nín, có khi em bú xong thiu thiu ngủ, vác lên vai cho ợ em khó chịu và thức dậy khóc rồi ọc sữa, xong em lại tìm vú mẹ, khóc đòi bú tiếp. Con có cho em đi bác sỹ nhưng bác sỹ cũng chịu không thể phân biệt lúc đau lúc đói, bác chỉ khi em khóc thì vác lên vai nếu không nín khóc thì đó là đói. Hiện tại con đang rối quá không biết nên chăm con ra sao nữa, kính nhờ Bác tư vấn dùm con ạ.
Con cảm ơn Bác Ngọc nhiều!
Con thưa Bác Ngọc là em sinh được 2kg7, đến tuần vừa rồi em được 3kg6, lên được 900gram thì tình trạng này có đáng lo không ạ?
Kính nhờ Bác tư vấn dùm con.
Con cảm ơn Bác ạ!
Nên cho bú mẹ đơn thuần thì tốt hơn. Bú tới 6 tháng rồi tính tiếp. Bú nhiều lần, không cần giờ giấc. Cẩn thận sau bú có thể ọc ra vì quá no, không phải trào ngược. Đừng bế xóc ngay sau bú (cho ợ hơi!?), càng dễ bị ọc. Nên coi trong cuốn: Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, bài OC SUA và bài NUOI CON SAO CHO GIOI.
Con chào bác Ngọc ạ;
Con xin bác tư vấn giùm con, con zai con được 11 tháng 9.7 kg, cách đây 1 tháng con con bị di ngoài trùng vào thời điểm cháu mọc răng nên con nghĩ là cháu bị đi tướt, con chỉ cho cháu dùng men vi sinh của viện bạch mai và kẽm zinc 50mg ngày 2 lần, cháu mãi không khỏi sau gần 2 tuần (06/9) con cho cháu khám bác sĩ và soi phân thì có bạch cầu trong phân, bác sĩ kết luận bị lỵ trực khuẩn. Kê thuốc omnicef 100mg uống 10 ngày mỗi ngày 2 viên và hidrasec, con cho uống kèm men vi sinh và kẽm nữa. Sau 10 ngày (16/09) con con khỏi cháu di ngoài phân bt ( 2 ngày đi 1 lần). 3 ngày gần đây con con lại có dấu hiệu phân chua và hơi loãng, có lần đi ra nhầy hơi hồng ( hiện tạốii 1 ngày con đi tối đa 2 lần bác ạ). Con lo quá, không biết cháu có bị lại không nữa, thực sự con muốn hạn chế tối đa kháng sinh vào người cháu. Con con ẫn ăn sữa mẹ hoàn toàn bác ạ, thêm nữa cháu đang giai đoạn mọc răng. Con sợ đi bác sĩ lại cho kháng sinh, cháu biếng ăn và hay bị dị ứng mẩn ngứa. Theo bác con nên tiếp tục uống men và kẽm 2 3 ngày nữa và theo dõi hay cho đi bác sĩ luôn ạ?
1. Con không cho biết lúc bé sanh cân nặng mấy ký? 2. Sữa mẹ có đủ không? 3. Quê ở đâu? ở đó có bác sĩ chuyên khoa về trẻ em không? 4. “viên bạch mai” là viên gì?…
Nói chung, chỉ bị lỵ trực khuẩn khi bé ăn bậy bên ngoài, bé bú mẹ thì không bị. Khi bị lỵ trực khuẩn, bé tiêu chảy ngày 5-7 lần, phân có đàm máu, và rặn ì ạch (trong Nam gọi là kiết lỵ). Tóm lại, nên có một bác sĩ chuyên trẻ em chăm sóc bé. Không uống thuốc linh tinh. Tiếp tục bú mẹ. Tập ăn dặm (sam) đúng cách. Nên tham khảo cuốn VIẾT CHO CÁC BÀ MẸ SINH CON ĐẦU LÒNG!
Con chào Bác ạ,
Con con sinh được 3.3 kg, con đủ sữa cho cháu dùng, chưa phải ăn sữa bột, con ở ngoài Hà Nội ạ, con cho bé đi khám bác sĩ nhi Sanhpon kết luận bị lỵ trực khuẩn bác ạ, sau khi dùng xong 1 đợt kháng sinh cháu đã khỏi (16/09), tuy nhiên cháu khỏi được khoảng 1 tuần thì phân có chiều hướng xấu đi, trung bình 1 ngày cháu đi khoảng 1 đến 2 lần, nhưng phân nát và hơi sống, cháu có cho bé kiêng kem tránh hải sản và chất tanh và cháu cũng ăn kiêng cùng. Tình hình phân sống thế này có phải do hệ tiêu hóa của con chưa phục hồi phải ko bác