Tôi đến Paris vào giữa tháng sáu, tháng mà nhà thơ Nguyên Sa bảo “Trời không mưa tôi cũng lạy trời mưa” nên mưa vẫn còn khá nhiều và thời tiết có hôm 11 – 12 độ, lạnh. Có điều mưa ở Paris cũng giống mưa Sài Gòn, làm cái ào rồi nắng ráo hoảnh. Nhiều bữa mặt trời chói sáng cho tới 9- 10 giờ đêm làm tôi không khỏi bỡ ngỡ vì ở nhà quen ngủ sớm dậy sớm. Mọi người ra đường phải trang bị dù (ô), áo mưa, áo ấm đàng hoàng. Thế rồi một hôm, một ngày đầu tháng 7, Paris bỗng thay đổi hoàn toàn. Paris như khoát một cái áo mới, nắng vàng rực rỡ, nóng đến 23 độ và các ông tây bà đầm ùn ùn kéo nhau ra đường phơi nắng. Và trời ơi, Paris rún ơi là rún, đến đâu cũng thấy rún, đặt biệt là khu La tinh nỗi tiếng với nhiều du khách lũ lượt qua lại. Mọi người khoe rún một cách thoải mái với những kiểu quần áo không biết đã chuẩn bị từ bao giờ, bày rún ra đủ kiểu, rún trắng rún vàng rún đen rún xám, rún lồi và rún lõm. Và hàng hoá bắt đầu bán “xôn”, đại hạ giá. Đi đâu cũng thấy người ta chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè. Các đồng nghiệp bác sĩ bạn tôi cũng chuẩn bị nghỉ “vacance” cả tháng. Họ nói cái tháng tám này, Paris trống vắng, mọi người đổ xô nhau đi nghỉ hè nên mở phòng mạch cũng chẳng có ma nào đến khám.
“Và nụ cười nối trên môi…”
Lúc đó tôi đang là Trưởng phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Sài Gòn (nay là Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM). Ngày nào bệnh nhi cũng tràn ngập, toàn là bệnh nặng mà chỉ lơ đễnh, chậm trễ một chút đã có thể gây tử vong. Cả nhóm bác sĩ, điều dưỡng gần như luôn túc trực bên giường bệnh, không để ý nhiều đến những biến động bên ngoài, thế nhưng trong lòng ai cũng canh cánh nhiều nỗi lo toan. “Đại bác đêm đêm” vẫn “dội về thành phố” và những chuyến bay vẫn vần vũ trên không. Không khí như sánh lại. Nhiều tiếng thì thầm và bắt đầu vắng dần những khuôn mặt thân quen. Các hành lang trở nên hun hút.
Trong phòng cấp cứu này, các thầy thuốc vẫn miệt mài gắn bó bên cạnh những bệnh nhi thoi thóp, hổn hển, hôn mê, trụy mạch… Rồi còn thêm những trẻ bị sập hầm, bị đạn lạc… xem tiếp …
