Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Thêm một Tuổi Mới

30/01/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thêm một tuổi mới

Đỗ Hồng Ngọc

Có người hỏi vì sao tôi không phải là bác sĩ lão khoa mà lại dám viết về… người già, nào Gió heo may đã về, nào Già ơi chào bạn, nào Già sao cho sướng…? Đúng vậy, tôi là một bác sĩ nhi khoa, bác sĩ của trẻ con, nhưng sở dĩ viết về người già là bởi vì  trước sau gì mấy nhóc nhỏ mà tôi đã và đang khám chữa bệnh cũng sẽ trở thành một người già, một ngày nào đó! Hơn năm mươi năm trước khi tôi thực tập ở bệnh viện Từ Dũ, đã có dịp đỡ đẻ cho một số trẻ sơ sinh, bây giờ nhớ lại, các nhóc đó  tuổi cũng đã “gió heo may” rồi còn gì! Còn mấy bệnh nhi tôi có dịp chữa trị ở Bệnh viện Nhi đồng Saigon và tại phòng mạch hằng mấy chục năm qua thì bây giờ cũng đã lại thấy mang con và cả cháu nữa đến khám bệnh. Cho nên làm gì có chuyện cách ngăn tuổi này tuổi nọ tuổi kia. Cuộc sống như một dòng sông đó thôi.

Lão khoa, nhi khoa…chẳng qua là một cách nói! Có người chưa hai mươi mà đã già…khú đế, có người tám mươi còn phơi phới tuổi xuân. Một thầy thuốc đàn anh của tôi thường nói : “Hãy chăm sóc các cụ từ trong bụng mẹ”! Đúng vậy, đợi các cụ ngáp ngáp rồi mới “tận tình chăm sóc” thì e rằng quá trễ, chẳng giúp ích được gì cho cuộc sống của họ, chẳng giúp các cụ  thêm vui, thêm khoẻ, thêm hạnh phúc…

Tổ chức Sức khoẻ Thế giới  (WHO) khi đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Năm quốc tế người cao tuổi, (1999) cũng đã khuyến cáo muốn cho các cụ được khoẻ mạnh thì phải cho Mẹ…các cụ được dinh dưỡng tốt trong lúc mang thai, trong lúc cho các cụ… bú mớm;  phải chích ngừa đầy đủ các bệnh nguy hiểm ngay từ nhỏ để các cụ không phải chịu cảnh tật nguyền bệnh hoạn sau này; phải dạy dỗ các cụ từ tuổi thiếu niên như không uống rượu, không hút thuốc lá… để các cụ sau này khỏi bị ung thư phổi, viêm phổi tắt nghẽn mạn tính,  xơ gan cổ trướng; giúp các cụ có thói quen tập thể dục, chơi thể thao, ăn uống đúng cách để sau này khỏi bị xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường v.v…Rồi khi lớn lên thì  tránh các nguy cơ bệnh lây truyền qua đường tình dục, tránh béo phì, loãng xương, thấp khớp…Và dĩ nhiên đảm bảo cho các cụ có một thu nhập hợp lý để không bị lệ thuộc, để sống có phẩm giá, tiếp tục hoạt động theo năng lực, đóng góp kinh nghiệm của mình cho con cháu,  được sự tôn trọng của xã hội, được thấy con thuận cháu hoà, gia đình hạnh phúc. Dĩ nhiên là bản thân các cụ  phải hiểu rõ những chuyển biến tâm sinh lý của mình qua từng lứa tuổi, nhờ đó mà thích nghi, mà điều chỉnh thái độ và hành vi của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới, với môi trường mới. Tóm lại, chăm sóc các cụ, nói cách nào đó, thực chất là công tác của … Nhi khoa. Hoặc cũng có thể nói nhi khoa chính là lão khoa, và lão khoa cũng chính là nhi khoa đó vậy! Ngành lão khoa ngày càng phát triển vì tuổi thọ con người ngày càng được nâng cao, không chỉ ở các nước giàu có mà ngay ở cả các nước nghčo cũng vậy là nhờ những tiến bộ của khoa học, của y học, của kiến thức vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ cũng như hiệu quả của sự cải thiện môi trường sống, của chế độ dinh dưỡng hợp lý…Thế nhưng, khi nói đến lão khoa, hình như người ta quá nặng về bệnh hoạn, về tàn phế hơn là đến sự sảng khoái toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội  phù hợp với tình trạng tuổi tác, giới tính, chất lượng cuộc sống của họ. Các thầy thuốc lão khoa  cũng thường lại là những thấy thuốc  trẻ, họ tuy có chuyên môn sâu trong chữa trị bệnh tật cho người cao tuổi nhưng chưa từng được trải nghiệm tuổi già, chưa được thưởng thức…cái già, chưa được hưởng thụ …cảnh già! Khi tôi viết cuốn “Gió heo may đã về” thì đó là lúc tôi đang thực sự nghe gió heo may, tôi đang sống với nó, sửng sốt và sảng khoái vì nó, âu lo và hồi hộp vì nó. Tôi  hiểu được nỗi khắc khoải “tôi ơi đừng tuyệt vọng”, nỗi bâng khuâng “tôi đang lắng nghe, tôi đang lắng nghe im lặng của tôi…” của Trịnh Công Sơn, và những bạn bč trang lứa. Nhưng phải đợi đến tuổi 60,  tôi mới dám viết  “Già ơi…chào bạn” – “Bonjour Vieillesse!”- như một tiếng reo vui, chào mừng nó, cái sự già đó! Đâu dễ mà già phải không?  Đến tuổi 75, tôi mới dám viết “Già sao cho sướng?”…

Cho mãi đến cuối thế kỷ 20, năm 1999, Liên Hợp Quốc mới có một “Năm” dành cho người cao tuổi, người già  trên toàn thế giới, gọi là “Năm quốc tế người cao tuổi” với khẩu hiệu là “Hãy sống một tuổi già tích cực” , bởi vì trước đó  người ta chỉ nghĩ tuổi già là tuổi của tàn phai, héo úa,  ăn hại, là gánh nặng xã hội…cho đến khi giật mình thấy không phải vậy! Con người ở tuổi nào cũng sẽ là gánh nặng cho xã hội, cũng ăn hại, cũng tàn phai… nếu sống không ra sống, sống mà như đã chết, sống mà không hạnh phúc, không có chất lượng cuộc sống, sống mà lệ thuộc, mà khổ đau triền miên…

Ngàn năm trước, ở nước ta, vào thời nhà Lý, Mãn Giác thiền sư đã có những câu thơ còn lưu truyền mãi đến nay với một cái nhìn tích cực về tuổi già:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai…
( Mãn Giác, 1052-1096)

Xuân ruỗi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già tới rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai…

(Ngô Tất Tố dịch)

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết! Thật vậy. Vẫn còn đó, nơi sân trước kia, đêm qua, một cành mai vàng rực rỡ đã nở, báo hiệu một sức sống mãnh liệt vẫn dâng tràn… Vậy đó, můa xuân dů đã phai, cành mai sân trước vẫn nở tươi thắm. Nụ cười vẫn lạc quan, cuộc sống vẫn tích cực, chủ động và sáng tạo không ngừng nếu những  người có tuổi được chuẩn bị trước để hiểu rõ sự đổi thay , để chấp nhận, để điều chỉnh, tưới tẩm những niềm vui cho chính bản thân mình, cùng với sự ý thức giúp đỡ của gia đình và xã hội thì sẽ giúp họ có một cuộc sống đầy chất lượng, nhiều hạnh phúc.

Theo WHO : “Sức khỏe của người già là phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), xã hội (social) và thể chất (physical)”.
Phát triển và duy trì được sự sảng khoái (well-being) và hoạt động chức năng (function) , bởi đa số các hoạt động chức năng xài lâu quá đều rệu rả, phần lớn đã “quá date”, dễ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, lo âu, trầm cảm… nói khác đi là khó mà… hạnh phúc. Thể chất thì “ba cao một thấp” (ba cao là cao máu (HA); cao đường (Tiểu đường); cao mỡ (Cholesterol xấu); còn một thấp là… Thấp khớp) đã đành mà tâm thần thì tám vạn bốn ngàn phiền não! Cho nên đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu là hoàn toàn hợp lý so với định nghĩa về sức khỏe ở người trẻ.
“Khổ” thì dĩ nhiên không thể có hạnh phúc. Con đường của Phật là con đường “Diệt Khổ”, con đường dẫn đến giải thoát.

Ở góc độ y sinh học, tâm lý xã hội học, thì những điều kiện để có một tuổi già hạnh phúc gồm:

Có sức khỏe tương đối ;
Tài chánh tự chủ;
Nhà ở an toàn; an ninh, môi trường thuận lợi;
Tự tại: chủ động sắp xếp cuộc sống riêng của mình,
Duy trì các mối quan hệ gia đình/ bè bạn;
Có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên,
Hoạt động phù hợp để thấy luôn sống hữu ích;
Gần gũi với thiên nhiên;
Hiểu luật vô thường và biết “Từ bi hỷ xả” với chính mình!

Cũng có thể nhìn theo Tháp MASLOW:

a) Nhu cầu sinh học: gồm những vấn đề cơ bản của tồn tại như : Ăn, Ngủ, Thở, Tình dục… (physical well-being).
b) Nhu cầu an toàn: nhà ở an toàn, môi trường xã hội tốt đẹp, an ninh, bảo đảm về kinh tế, đời sống quân bình…
c) Nhu cầu xã hội (social well-being): các mối quan hệ xã hội trong gia đình, hàng xóm, cộng đồng tốt đẹp…
d) Nhu cầu tự khẳng định: để luôn có được tôn trọng, đóng góp theo công sức cho xã hội, thấy mình sống có ích…
e) Nhu cầu tâm thần, tâm linh (mental well-being): hướng thượng, có một tôn giáo lành mạnh, tin tưởng ở sự sống thiện, nhân quả, nghiệp báo…

Có thể nhìn ở góc độ “Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức” ta cũng có thể hình dung gần giống với Tháp Nhu cầu của Maslow, và nếu có Chánh kiến để thấy Vô Thường/ Khổ/ Vô ngã/ Không/ Duyên sinh… thì đã có thể “độ nhất thiết khổ ách” rồi vậy!

(ĐHN)

Từ Quang, tập 35, Xuân Tân Sửu 2021

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Phật học & Đời sống

Nguyễn Kim Hưng: Một bài thơ cũ của Đỗ Hồng Ngọc

25/10/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Nguyễn Kim Hưng: Một bài thơ cũ của Đỗ Hồng Ngọc

Hung Kim Nguyen    Oct 22, 2020, 12:38 AM

Bài thơ này Đỗ Hồng Ngọc đã viết khá lâu (14/ 8/1998). Ngọc có nhờ tôi gởi cho bạn bè, nhưng tôi chưa bao giờ gởi! Nội dung là tình bạn YK 69 xin chuyển tới các bạn. Tôi tìm được lá thơ này trong tập tài liệu cũ sau 22 năm! …

Covid19 làm chúng ta gần nhau hay xa nhau? Theo tôi thì nó làm chúng ta xa mặt nhưng không cách lòng.
NKH

(kèm attachment 2 hình chụp bài thơ)


Ghi chú: Bác sĩ Nguyễn Kim Hưng bạn cùng khóa với tôi tại Y khoa Đại học đường Saigon (1962-1969), cùng làm việc chung nhiều năm tháng tại Bênh viện Nhi Đồng Saigon (nay là BVNĐ 1), hiện cư ngụ tại Mỹ. Khi từ biệt để lên đường, anh gởi lại tôi tập thơ Tình Người của Đỗ Nghê (1967) do Thân Trọng Minh vẽ bìa mà tôi đã bị thất lạc từ lâu, tập thơ tôi ký tặng anh ngày đó, khi chúng tôi còn là những sinh viên dưới mái trường Y khoa Saigon.

Bài thơ này cũng nhờ Nguyễn Kim Hưng gìn giữ bấy nay mà tôi được dịp đọc lại và xin chia sẻ cùng bè bạn. Tôi đã viết bài thơ này năm 1998, ngay sau buổi họp mặt rất cảm động tại Equatorial những bạn bè cùng lớp cùng trường sau 30 năm xa cách nhân dịp có Bs Nguyễn Đỗ Duy về nước…  Năm ngoái, 2019, Khóa chúng tôi cũng đã tổ chức Họp mặt kỷ niệm 50 năm ngày ra trường tại Hoa Kỳ.

Đa tạ Nguyễn Kim Hưng.

Đỗ Hồng Ngọc

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Ban Mai (QN): Mới hôm qua thôi

18/10/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Mới hôm qua thôi

Ban Mai

Mới hôm qua thôi, các bạn tôi cùng làm việc trong trường đại học đã về hưu gặp nhau cà phê tán chuyện, ai cũng bàn khi nào tụi mình về già không làm gì được nữa thì cùng nhau vào một Viện dưỡng lão ở chung cho vui. Tụi trẻ bây giờ đều có công việc, gia đình, sẽ không có thời gian chăm sóc mình, nếu ở chung với chúng, mình sẽ bị bó buộc, không tự do sống theo ý của mình, rồi mình sẽ cô độc ngồi im lặng giữa bốn bức tường, thà vào Viện dưỡng lão có bạn bè cùng trang lứa để nói chuyện, cùng sinh hoạt với nhau.
Nói là nói vậy thôi, chứ trong lòng tôi là một khoảng lặng. Bởi vì người dân Việt không phải ai cũng có điều kiện, và cũng không phải ai cũng hiểu thông suốt ở Viện dưỡng lão là một giải pháp hay khi về già. Thuận tiện cho con cháu và cho cả mình.
Tôi nhớ, mẹ tôi những buổi chiều ngồi trước hiên nhà chờ các con đến thăm, mặc dù đông con nhưng cuối đời bà vẫn sống một mình, không một đứa con nào bên cạnh.
Có lần tôi hỏi mẹ cần gì con sẽ mua cho mẹ, bà nói bà không cần gì cả, bà chỉ cần hàng ngày có con đến thăm là bà vui rồi. Bây giờ, hàng ngày tôi đem cơm cho bà.
Người già họ sợ sự cô đơn, họ cần tình yêu thương. Rồi tôi cũng sẽ vậy.
Khác với Phương Tây, truyền thống Á Đông người ta vẫn luôn mong sống nhiều thế hệ cùng nhau, chẳng đặng đừng cuối đời mới đến Viện dưỡng lão. Và không phải ai cũng có cuộc đời may mắn.
Sáng nay, BS. Đỗ Hồng Ngọc gửi tôi một video  bài hát “Mới hôm qua thôi” lấy từ bài thơ “Trong một nhà giữ lão ở Montreal”, nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc, những ca từ đầy trãi nghiệm và giai điệu trầm buồn, làm tôi bần thần cả một ngày. Dù biết rằng cuộc đời này rồi ai cũng sẽ vậy nhưng sao vẫn thấy buồn cho kiếp con người.
” Họ ngồi đó, bên nhau.  Đàn ông, đàn bà.  Không nhìn. Không nói.
…
Mới hôm qua thôi.  Nào Vương.  Nào Tướng.  Nào Tài Tử.  Nào Giai Nhân.  Ngựa xe.  Võng lọng.
Mới hôm qua thôi.  Nào lọc lừa.  Nào thủ đoạn.  Khoác lác.  Huênh hoang.
Mới hôm qua thôi.  Nào galant.  Nào quý phái.  Nói nói.  Cười cười.  Ghen tuông.  Hờn giận.
…
Họ ngồi đó.  Không nói năng.  Không nghe ngóng.  Gục đầu.  Ngửa cổ.  Móm sọm.  Nhăn nheo.
Ngoài kia.  Tuyết bay.  Trắng xóa.
Ngoài kia.  Dòng sông.  Mênh mông.  Mênh mông…”
(Trích bài thơ ” Trong một nhà giữ lão ở Montreal” BS. Đỗ Hồng Ngọc)
……………………………………..
xin mời nghe:

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim

Ba tầng của tâm thức – Vô Kỵ ở tầng nào?

04/10/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Ba tầng của tâm thức – Vô Kỵ ở tầng nào?

Hồ Đắc Đằng

 

Ghi chú: Bác sĩ Hồ Đắc Đằng tác giả “tập truyện Phật giáo” Vô Kỵ Học Võ đã post trên trang này (https://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/ho-dac-dang-vo-ky-hoc-vo/) rất được bạn đọc ưa thích và đề nghị… viết tiếp. Hồ Đắc Đằng hứa sẽ cố gắng viết dài dài cho đến khi Vô Kỵ gặp được Triệu Minh mới buông viết… để Vô Kỵ về vẽ lông mày cho hiền thê! Mời bạn xem nhe.

Rất cám ơn Đèn Biển (Võ Quang) đã trợn trừng đèn pha thâu đêm để gõ bài này từ thứ chữ viết tay trời ơi của Bs Hồ Đắc Đằng!

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

………………………………………………………………………..

 

Vốn là Vô Kỵ có 2 thằng bạn: một thằng ở gần nó và thằng kia thì ở xa lắm, nửa vòng trái đất. Thằng ở gần đâm ra ngã bệnh. Bệnh ung thư mới ghê chứ. Bữa nọ, nó gọi Vô Kỵ:

– Mới đi Chemo về như cái mền rách, cơm canh chẳng còn mùi vị gì cả, tóc thì rụng trụi lủi, chưa đi tu mà đã thành sư.

Rồi nó cười ha hả.

– Còn mấy cái muối vừng, muối mè thì sao?

– Được đáo để, chỉ còn mấy cái đó là còn nuốt được. Ngủ thì tốt lắm. Chẳng cần thuốc ngủ, thuốc an thần gì ráo. Có mấy thằng nó cứ lo mình depressed. Mình chẳng có depressed cái con m… gì cả. Cái ung thư để cho tụi oncologist nó lo. Mình lo chuyện mình. Quán vô thường, quán về Lão Bệnh Tử là đã nhất. Hết lo sợ chết, cụ ạ.

Đúng vậy, nhận xét mấy cái tiến bộ trong công việc tu tập tâm linh của hắn từ 6 tháng qua, Vô Kỵ nhận ra rõ rệt là cái thằng bạn gần này đã đạt được cái vô úy của Phật dạy: Hết sợ chết.

Nó bèn viết một cái thư cho thằng bạn ung thư Chemo, rụng tóc nầy:

– Nầy bạn, con người ta ai ai cũng biết là tất cả chúng ta đều phải chết một ngày nào đó. Con nít 10 tuổi là đã có cái kiến thức này. Cái kiến thức về Chết này là mình ở tầng thứ nhất của tâm thức đấy: tầng não.

Xuống một tầng là đến tầng tim. Ở tầng nầy, chẳng những mình biết là ai cũng sẽ chết, mình hiểu tận tâm can là nó như vậy: gọi là chết ở tầng tim.

Tự tại, ung dung, hết sợ chỉ còn bị Chemo giày vò xác thân mà tâm thì an bình. Hai anh em cười ha hả, đồng ý dời nhà từ tầng trên xuống tầng dưới cho nó sướng và để mấy cha oncologist muốn làm gì thì làm. Mình làm theo rơm rớp cho mấy ổng vui mà vợ con mình cũng vui luôn, buồn nôn, mất khẩu vị cũng chịu được.

Vô Kỵ nó mới gửi cái thư đó cho thằng bạn xa nửa vòng trái đất. Thằng nầy cũng cười ha hả lại chêm một câu:

– Khá lắm. Chết trên não đã dời đô xuống chết trong tim là khá lắm, nhưng chưa siêu! Dời đô xuống rốn thì mới siêu đấy!

Vô Kỵ nghe, nó ngẫm nghĩ khá lâu. Xuống rốn, xuống umbilicus có nghĩa gì nhỉ, mà thằng bạn xa này muốn chỉ? Nó lựa một lúc thầy nó rảnh rỗi, không ngồi thiền mà cũng không quét sân, nhổ cỏ, nó mang vấn đề ra hỏi thầy nó:

– Thưa thầy, thằng bạn kia muốn nói cái gì vậy? Dời nhà xuống ở cái rốn?

Thầy nó mỉm cười:

– Này Vô Kỵ, thầy không chắc là bạn con muốn nói gì. Nhưng thầy có vài cảm nghĩ về cái rốn nầy.

– Thưa thầy con biết rồi. Cái rốn là trọng tâm của cơ thể con người?

– Bậy bạ! Con chẳng biết giải phẫu học (Anatomy) của con người gì hết. Trọng tâm (Center of gravity) của con người không phải cái rún mà là cái nhiếp hộ tuyến (prostate)!

Vô Kỵ cụt hứng.

– Chắc con có nghe nói là trong võ thuật có nói đến chữ đan điền. Đó là chỗ cái rốn. Đem khí lực vào đan điền và xuất phát khí lực từ đan điền. Thầy không có hành pháp nầy nên thầy không chỉ dạy cho con được. Khí lực từ tâm. Muôn sự tại tâm mà tâm ở đâu thì không ai biết. Chỉ biết là khi con có tâm tại thân thì con tỉnh mà khi con tâm bất tại thân thì con ngủ mà Phật gọi là sleep walker. Thở vô, biết thở vô, thở ra, biết thở ra là tỉnh đấy. Tâm bay nhảy là tâm ngủ ngày. Thở là hiện tại, tại đây và bây giờ.

Cái rốn, cuống rốn và cái nhau (placenta)

Vô Kỵ con, con có biết cây trái nó cũng có nhau không? Cái hạt ở chính giữa là cái thai nhi. Cái gì nuôi cái hạt ở giữa sống được nhiều ngày nhiều tháng trước khi cái hột kia đụng mặt đất và đâm rễ ra để hấp thụ chất bổ dưỡng, nước từ đất? Chính là cái trái đó.

Cái trái của cái hột là cái nhau của thai nhi.

Này Vô Kỵ. Cả nhiều tuần sau khi trứng được thụ thai, thử máu, thử nước tiểu dương tính mà làm siêu âm chẳng thấy gì cả vì cái nhau còn nhỏ quá. Bao nhiêu phân bào là để tạo một cái cơ quan căn bản để tiếp tế, hậu cần cho thai nhi nầy: Cái nhau.

Kế đó, cái cuống rốn như sợi dây liên hệ của phi hành gia rời khỏi phi thuyền, chỉ còn sống được qua sợi dây cuống rún này.

Nhân loại mà sống được trong giai đoạn này là nhờ tiếp xúc hết sức chặt chẽ với mẹ. Quả địa cầu là mẹ của muôn loài, là lẽ sống của muôn loài, là nhân chứng của hiện hữu.

Con nhớ khi Đức Phật mới đắc đạo dưới cội Bồ đề, Ma Vương hiện lên cám dỗ. Ngài chỉ mỉm cười “Ta biết nhà ngươi rồi” và dùng bàn tay trái của Ngài chạm mặt đất như một nhân chứng: “My family is all humanity ; My home is Earth”. Chạm đất là về nhà. Nhà là vững vàng tám gió không động.

Ai ai cũng có một cái nhà mà mấy ai tìm trâu, thấy trâu và dắt trâu trở về nhà được!

Rốn là nhà mà từ đó con bám lúc con ra đời. Rốn cũng là đất mẹ, là nhà để con trở về lúc con tắt hơi.

Cắt cuống rốn, bơ vơ trong đời. Khi cái dây loằng ngoằng nhơn nhớt bị kẹp giữa 2 cái kềm nhỏ và cây dao của bà mụ cắt ra làm hai, con phải tự thở lấy, khóc oe oe và tự ăn lấy, nút chụt chụt. Con khóc là vì cái phòng sanh ồn ào quá, sáng chói quá, ai cười, ai khen con cóc cần. Con chỉ tiếc cái thiên đường êm ái, yên lặng, để con ngủ ngon mà không cần làm gì cả, cả ăn lẫn thở. Ôi, thời kỳ huyền diệu này không còn nữa khi bà mụ cắt cái cuống rốn này.

– Thưa thầy, tại sao khi tâm thức xuống đến rốn thì còn hơn là ở tầng tim nữa?

– Tầng tim là con hết sợ chết. Tầng rốn thì con đã về đến nhà rồi. Nếu sánh trong thập mục ngưu đồ (tranh chăn trâu), tầng tim là mục đồng ngồi mình trâu, thổi sáo, về nhà, tầng rốn là về đến nhà, tấm tranh thứ 10, không còn mục đồng cũng không còn trâu.

Vô Kỵ trầm ngâm, ngẫm nghĩ, lâu nay nó cứ muốn hỏi về tranh chăn trâu này mà nay có dịp thầy giảng luôn cũng được.

– Thưa thầy, khi người ta chết, có nhiều người muốn được về chết ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cái nhau của mẹ đã được hỏa thiêu từ ngày mình sanh.

– Vô Kỵ, con không có biết y khoa gì ráo. Con nói cái nhau của mẹ. Thật ra cái nhau là của con đấy. Cái trứng vừa được thụ tinh chính là con. Dĩ nhiên, từ mẹ cha cung cấp vật liệu cho con cất nhà. Cái nhau nầy là của con đấy. Nhà thương đốt cái bộ phận này của con như đốt một cái cơ quan mà con không còn cần dùng nữa. Con tự ăn, tự thở được rồi. Nhau rốn trở về đất mẹ, chờ con đến lúc con cũng trở về đất mẹ, đoàn tụ lại. Trở về nhà là vậy.

Nơi chôn nhau, cắt rốn này không tùy thuộc địa dư, vì tất cả nhân loại chưa có người nào mà nhau, rốn của họ được chôn trên thiên hà Andromeda. Vì vậy thái tử Sĩ Đạt Đa mới tuyên bố nhà của người là địa cầu. Đâu đâu cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của mình hết. Con học được gì, Vô Kỵ?

– Thưa thầy, nhau rốn là nhà của mình, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa y khoa. Mới sanh ra thì một phần căn bản nhất đã chết rồi, sau 100 năm chết một lần nữa, lại quay về nhà cũ cũng được thôi. Không gì ung dung tự tại bằng về đến nhà, thưa thầy.

Thầy nó mỉm cười, vui thấy Vô Kỵ đã hiểu.

 

HĐĐ.

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Lõm bõm học Phật, Phật học & Đời sống

Bs Hồ Đắc Đằng: “Làm Gì Bây Giờ?”

15/09/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn (9.2020),

Nhớ Bác sĩ Hồ Đắc Đằng không? Anh là tác giả của tập truyện ngắn về “Phật học” khá lý thú VÔ KỴ HỌC VÕ đó – mà mình đã post dần trên trang này- nhớ không? Hồ Đắc Đằng cùng khóa với mình và Thân Trọng Minh, Nguyễn Kim Hưng, Lê Quang Khánh… ở Y khoa Đại học đường Saigon (1962-1969) bây giờ người ở Úc, người ở Mỹ, người SG, nói chung… tản mác bốn phương! Tháng 5 năm ngoái, Lớp mình tổ chức Họp mặt Kỷ niệm 50 năm Ngày ra trường ở Mỹ, bạn bè về tham dự rất đông vui. Mình chỉ gởi Thân Trọng Minh mang được 2 cuốn “Về thu xếp lại” riêng tặng Bs Bùi Thị Ngọc Diệp và Hồ Đắc Đằng vì TTMinh bảo hành trang nặng quá rồi…

Đằng mới về hưu chưa lâu, cũng muốn “về thu xếp lại” lắm mà làm biếng quá, không làm chi được dù chỉ để thu xếp cái garage… và hôm nay bạn gởi về mình một bức thư này xin chia sẻ cùng bè bạn thân quen…

HĐĐ không quen gõ tiếng Việt trên vi tính nên thích viết thư tay- thứ chữ bác sĩ trời ơi không đọc nổi. May thay, mình có người em là Đèn Biển (Võ Quang) gõ giùm ra word cái vèo! Cảm ơn Đèn Biển nhe.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

(15.9.2020)

……………………………………………………………….

“Làm gì bây giờ?”

Hồ Đắc Đằng

 

Ngọc ơi, tự nhiên nhớ đến bạn, viết cho bạn vài chữ chơi.

Từ ngày hồi hưu đến giờ, tôi mới có một cái công thức mới để sống trên đời.

“Cái gì mà để ngày mai làm được, là để ngày mai hãy làm”.

Đúng phong phóc vô cái tánh làm biếng của mình hồi còn con nít. Thầy giáo toán cho 20 bài toán lúc bãi trường năm đệ lục. Vừa dở toán, vừa sợ toán lại thêm tật khoái bắn mấy con chim chít, toát mồ hôi còn có 2 ngày nữa tựu trường mà chẳng có làm bài nào cả.

Sướng thay bây giờ, không còn home work, không còn dead line, không còn trách nhiệm gì cả. Chỉ còn có một cái là đóng thuế thì đã có bà xã lo liệu đầy đủ, mình ung dung, tự tại như một ông Phật con.

Đọc quyển “Về thu xếp lại” của bạn tôi, thấy khoái quá. Đúng phong phóc. Gần đất, xa trời, tìm cái nursing home nào gần nhà để vô đó dưỡng già. Tìm cái funeral home nào gần đó để khỏi mất công ông giám đốc chuyên chở. Ôi chu choa, nhà tôi ở đây gần cả hai cái. Nursing home thì có 4 blocks là đến. Tôi lại quen hầu hết nhân viên trong đó, hồi thăm nuôi bà già ở đó. Cái funeral home thì chỉ 3 bước là đến. Nó lại có cái nhà thiêu ngay sau cái parking lot của nó. Tiện ơi là tiện.

Thế là tôi nghe lời bạn, về thu xếp lại… cái garage.

Ối chu choa, sao mà nó nhiều đồ thế. Nhiều cho đến đỗi mà cái xe Subaru lão niên 20 tuổi đời của tôi phải đậu ở ngoài. Thấy mà ngán. Ngán còn hơn cái 20 bài toán cho bãi trường hồi đệ lục nữa. Rốt cuộc, đâu vô đó, hồi hưu 3 tháng rồi mà xe vẫn phải đậu ở ngoài.

“Ai có thể thở giùm ai?” của bạn gởi. Ối chu choa hay ơi là hay. Thật là đến đúng lúc. Nó cho tôi một cái lý do vững chắc để chẳng phải cần lo dọn dẹp cái garage của tôi nữa. Bừa bãi, thì đâu còn đó, một ngày thêm bừa bãi cũng chẳng chết ai. Tôi tự nhủ: Để mai làm tiếp. Thế là tà tà đi nhổ cỏ, tưới hoa, sợ nó khát nước, nó buồn. Ngó quanh, ngó quẩn xem có con dế, con nhện nào mới rơi xuống nước thì đem nó ra, tội nghiệp nó suýt chết chìm.

“Làm gì bây giờ?” Đây mới chính là cái câu hỏi của tôi mà bạn đã trả lời đó: “Tôi thở giùm tôi”.

Đúng vậy Ngọc ơi. Chỉ có mấy cái thở vô thở ra là tôi không dám để ngày mai làm.

Rốt cuộc, “về thu xếp lại” cứ để mai hãy làm. Hôm nay, thở vô thở ra cũng đủ sướng rồi. Khi nào vô hòm ở nhà quàng thì khỏi cần thở vô thở ra nữa. Cũng không có lo, ngày mai lại thở lại dễ như chơi. Chỉ có ai thở thì không chắc lắm. Làm người cũng được nhưng mà ngại một chút.

Nhìn chung quanh mình có nhiều người mình sợ quá, làm người kiểu mấy người này thì mình thà làm cây thông như Nguyễn Công Trứ:

“Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”

 

HĐĐ

(11.9.2020)

Hồ Đắc Đằng và Thân Trọng Minh (5.2019)

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Hai Trầu và Đỗ Hồng Ngọc: NHỮNG LÁ THƯ TỪ KINH XÁNG

13/09/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

“Về Thu Xếp Lại”

Hai Trầu: NHỮNG LÁ THƯ TỪ KINH XÁNG

 

Ghi chú: Anh Hai Trầu Lương Thư Trung năm nay mới 78 tuổi nhưng cũng muốn bắt chước tôi “Về thu xếp lại”, nhất là vào thời buổi co ro do Corona virus này, đã phải ru rú trong xó nhà nhiều ngày nhớ bè nhớ bạn, bèn gom góp mấy bức thư viết từ Kinh xáng Bốn Tổng “phỏng vấn” tôi trên trang nhà dutule.com từ năm 2013, gởi tôi gọi là “để dành” coi cho vui.
Xin post lại đây, chia sẻ cùng bè bạn thân quen, rỗi rảnh, lai rai đọc nhe.
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.
(12.9.2020)

……………………………….

Lời thưa của Hai Trầu:
Thưa bạn,
Trong cuộc trò chuyện với Bác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc trên trang nhà dutule.com kéo dài tròn ba tháng (từ 15-3-2013 đến 14-6-2013), tôi có 4 “Lá Thư Từ Kinh Xáng”để trò chuyện với bác sĩ; vì là một diễn đàn chung có nhiều bạn đọc cùng vào đặt câu hỏi với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về mọi vấn đề nên những lá thư trao đổi qua lại giữa tôi và bác sĩ thường bị cách quãng nhưng nó lại liền một mạch vì mục đích của tôi là muốn hỏi thăm bác sĩ về việc sáng tác của ông cũng như về nhà văn Nguyễn Hiến Lê và bác sĩ Ngô Thế Vinh là hai nhân vật mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc rất thân quen và gần gũi. Đó là chưa kể vì lý do giới hạn của các trang trò chuyện trên dutule.com, do vậy mà các lá thư từ kinh xáng đều bị lược bớt cho ngắn lại nên không còn nguyên vẹn các chi tiết mà tôi muốn bày tỏ. Chính vì vậy nên nay tôi có ý đúc kết lại các lần trao đổi này theo các lá thư đã gởi và xin được trân trọng giới thiệu cùng các bạn.
Trân trọng,
Hai Trầu
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 16 tháng 6 năm 2013
—————-

I. Kinh xáng Bốn Tổng ngày 15 tháng 03 năm 2013

Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,

Nhắc đến Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, không thể không nhắc đến bài viết “Nguyễn Hiến Lê và tôi”, đăng trên tạp chí Bách Khoa số 426 ngày 24-4-1975, tác giả viết:
“Tôi biết có những tác giả sản xuất còn mạnh hơn ông, viết mau và viết mạnh hơn ông, nhưng đọc họ, người ta thấy rõ ràng là những tác phẩm máy móc, sản xuất hàng loạt..Ở ông [Nguyễn Hiến Lê] thì không. Ở ông là con người. Tác phẩm của ông là con người ông. Ông “dạy” cho thanh niên rèn nghị lực thì chính ông là một tấm gương nghị lực; ông viết về tổ chức thì nếp sống của ông là một sự tổ chức; ông viết về tự học thì chính ông đã nhờ tự học mà thành công.Nhờ viết từ những kinh nghiệm sống thực đó, người đọc thấy gần gũi với ông và những lời ông chỉ dẫn đều ứng dụng được.”
Qua đoạn văn của bác sĩ mà tôi vừa trích dẫn, xin thưa bác sĩ, ngoài nhận xét vừa nêu, bác sĩ có thể chia sẻ thêm với bạn đọc về các nội dung khác trong bài viết ấy không?
Qua rồi 38 năm, thời gian cũng đã khá dài, nếu có phải nhận định lại, bác sĩ có thay đổi hoặc bổ túc thêm về cài nhìn của mình đối với thầy Nguyễn Hiến Lê không và nếu có bác sĩ sẽ bổ túc những điểm nào?
Bác sĩ có thể kể lại những lần bác sĩ gần gũi hoặc gặp gỡ cùng những kỷ niệm đáng nhớ với nhà văn Nguyễn Hiến Lê không?
Ngoài ra, dù là một người sống với ruộng đồng, nhưng qua theo dõi các sinh hoạt văn chương, tôi nhận thấy có nhiều vị bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ viết văn làm thơ như xa xưa có bác sĩ William Somerset Maugham viết Kiếp Người; Việt Nam mình có bác sĩ Ngô Thế Vinh với Vòng Đai Xanh và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác lúc sau này như “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng”, “Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch”; rồi còn có bác sĩ Thân Trọng Minh với bút hiệu Lữ Kiều với tập truyện Trên Đồi Là Lô Cốt, một tập truyện gợi cho tôi biết bao nhung nhớ về những ngày thơ mộng của tuổi hai mươi thuở nào; thêm nữa có dược sĩ Ngô Nguyên Nghiễm ở Châu Đốc làm thơ, bác sĩ Nguyễn Đức Tùng làm thơ ở bên Canada, bác sĩ Hoàng Chính viết văn cũng ở bên Canada, nha sĩ Đăng Khánh làm thơ ở Houston, bên Mỹ ; bác sĩ Trần Văn Tích viết văn bên Đức và có lẽ còn nhiều vị khác nữa mà tôi chưa được biết… Ngay như bác sĩ, qua lời giới thiệu trên trang nhà Du Tử Lê, bác sĩ vừa viết văn vừa làm thơ. Vậy qua kinh nghiệm chính mình, bác sĩ có thể chia sẻ với bạn đọc vì sao các vị theo ngành thuốc thường lại mê viết văn làm thơ nhiều như vậy ? Có phải do bẩm sinh của mỗi cá nhân hay là do có một truyền thống lâu đời nào không, thưa bác sĩ ?
Trân trọng kính chào bác sĩ.
Hai Trầu

 

Đỗ Hồng Ngọc trả lời:

Sài Gòn, ngày 19.3.2013
Anh Hai Trầu ơi,
Rất cám ơn anh đã “mở hàng” cho mục Trò chuyện lần này trên trang Du Tử Lê. Khi nhận lời làm “khách mời” kỳ này tôi cũng lo lo, sợ “ế” thì tội nghiệp cho dutule.com lắm!
Xin được trả lời 2 câu hỏi của anh: Về Nguyễn Hiến Lê (NHL), anh Hai Trầu ơi, tôi phục anh còn nhớ bài viết của tôi trên tạp chí BK số 426 ngày 24-4-1975. Đó cũng là số báo cuối cùng của BK. Đã 38 năm rồi chớ ít gì! Tôi may mắn được quen biết với ông NHL từ năm 1957 đến năm ông mất, 1984. Suốt thời gian đó, tôi thường gặp ông, khi trực tiếp khi thư từ qua lại. Đến nay tôi vẫn còn giữ nhiều thư viết tay của ông như một kỷ niệm. Tôi học được ở ông lối sống và lối viết.Ông là tấm gương nghị lực, gương tự học, chọn con đường làm văn hoá suốt đời mình.Câu “châm ngôn” của ông là “Viết để học và học để viết”.Tôi chịu lắm.Chỉ có cách đó mình mới học được nhiều, học được sâu. Tôi bây giờ còn đi dạy và vẫn nghĩ: “Dạy để học và học để dạy”. Ấy là bắt chước ông đó.

Anh hỏi tôi có “bổ túc” gì thêm không trong nhận định của tôi về ông trước đây? Xin thưa tôi vẫn luôn nghĩ ông là một “người hiền”- người hiền Nam bộ, dù sinh ở đất Bắc. Khiêm tốn, giản dị, chính trực. Chắc anh đã đọc Hồi ký của ông rồi thì biết.Ông sống tri túc, kham nhẫn, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”.Năm 1986, hai năm sau ngày ông mất, báo Thanh Niên nhờ tôi viết một bài về ông.Đó là bài đầu tiên viết về Nguyễn Hiến Lê sau 1975.Tôi đặt tựa là “Nguyễn Hiến Lê, nhà giáo dục”, nhưng tòa soạn sửa thành “NHL, một tấm gương kiên nhẫn”.Tôi nghĩ ông xứng đáng được gọi là “Nhà giáo dục”.Anh biết không, thật bất ngờ khi sách của ông bây giờ được rất nhiều bạn trẻ ở miền Bắc đọc, nghiền ngẫm, ứng dụng.Họ thực hiện các tủ sách Nguyễn Hiến Lê, trao đổi cho nhau. Vừa rồi còn có nhóm thanh niên tổ chức một chuyến đi xuyên Việt bằng xe gắn máy từ Bắc vào tận Đồng Tháp viếng mộ cụ Nguyễn, họ mặc áo pull có in hình ông, gắn cờ có hình ông lên xe nữa! Tóm lại, họ đã coi ông là một “thần tượng”.Ngộ quá chớ phải không anh?
Trong cuốn “Nhớ đến một người” tôi có viết kỹ hơn về Nguyễn Hiến Lê. Có dịp tôi sẽ xin gởi tặng anh Hai một cuốn!
Về câu hỏi thứ hai của anh vì sao mà nhiều thầy thuốc (y nha dược sĩ…) viết văn, làm thơ làm nhạc, vẽ tranh…? Anh có kể trường hợp Somerset Maugham, chắc cũng nên nhắc Tchekov, Cronin v.v… Việt Nam mình không thiếu.Tôi nghĩ những người thầy thuốc viết văn thì cũng như nhà giáo, kỹ sư, luật sư… viết văn vậy thôi.Một đằng là cái “nghề” và một đằng là cái “nghiệp”.Cái “nghiệp” thì nó gắn vào trong gène rồi, còn cái “nghề” thì ai cũng phải có để kiếm sống. Anh nhớ Huy Cận là kỹ sư nông nghiệp, còn Xuân Diệu là công chức nhà Đoan?… Viết văn làm thơ phải là chuyện “máu mê” từ nhỏ, trước khi người ta học để trở thành thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư… Dĩ nhiên, môi trường hành nghề cũng có tác động. Người làm nghề y gần gũi với nỗi đau nỗi khổ của kiếp người, dễ xúc động, dễ trầm tư và thúc đẩy cầm lấy cây viết! Tôi thì mê văn chương từ nhỏ. Hồi đậu tú tài toàn phần xong, tôi hỏi ý kiến ông Nguyễn Hiến Lê nên học văn khoa (theosở thích mình) hay học y khoa (theo ý muốn gia đình). Ông khuyên nên học… y khoa để giúp ích cho đời cụ thể hơn. Rồi nếu nuôi dưỡng được năng khiếu văn chương thì hành nghề y chừng mươi năm sẽ có nhiều điều để viết lắm! Nghe lời ông, tôi thi vào y khoa và ghi danh học… văn khoa!

Kính mến,
Đỗ Hồng Ngọc

……………………………………………………………….

II. Kinh xáng Bốn Tổng ngày 20 tháng 3 năm 2013

Kính chào bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Xin chân thành đa tạ bác sĩ đã có lòng yêu mến và giải đáp vài ba ý kiến của một bạn đọc nhà quê già như tôi rất tận tình, những lời giải đáp ấy rất gần gũi, thân ái giống như tấm lòng của một vị thầy thuốc ân cần, tử tế, nhân từ dành cho một bệnh nhân đang cần một vị lương y vậy!
Theo tài liệu bút lục của nhiều nhà thì số báo Bách Khoa 426 ngày 24-4-1975 là số chót, có các bài tạp chí Bách Khoa giới thiệu nhà văn Nguyễn Hiến Lê nhân cuốn sách thứ 100 của ông ra đời, đó là cuốn “Mười Câu Chuyện Văn Chương” do nhà Trí Đăng xuất bản. Được biết, sau này thầy Nguyễn Hiến Lê còn nhiều cuốn sách biên khảo quý báu nữa, và có lẽ cuốn sau cùng là cuốn “Sử Trung Quốc” do nhà Văn Nghệ bên California xuất bản vào năm 2003.
Thưa bác sĩ, tôi hồi nhỏ , những năm 1950, từ kinh xáng Bốn Tổng có dịp theo xuồng ra Long Xuyên , rồi sau này, khi tôi được vào học trường Khuyến Học, rồi trường Trung học Thoại Ngọc Hầu ở Long Xuyên thì Thầy đã lên Sài Gòn, nhưng hình bóng Thầy vẫn thấp thoáng nơi các lớp học vào hai năm Thầy dạy tại trường Thoại Ngọc Hầu này vào thời ông Nguyễn Ngọc Thơ còn làm Tỉnh Trưởng. Mãi đến sau năm 1975, khoảng cuối năm 1979 hoặc tháng 02 năm 1980, Thầy Nguyễn Hiến Lê mới dọn về lại Long Xuyên ở luôn những ngày tuổi già nơi đường Gia Long ấy.
Hồi nhỏ tôi ở trọ trên Cua Lò Thiêu, đi học phải đi bộ dọc theo con đường Tạ Thu Thâu qua cây cầu sắt ngay Ty Trường Tiền, rồi đi dọc theo đường Gia Long tới trường; chúng tôi thường đi bộ ngang qua nhà Thầy nằm trên đường Gia Long với con kinh lộ mùa nước cỏ tháng mười một, tháng chạp âm lịch, nhằm mùa cá dại nên cá lòng tong, cá nhái nổi bèo mặt nước.
Là dân quê tụi tôi, dường như ai cũng thích đọc sách của Thầy. Từ cuốn đầu tay “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười” tới cuốn sau cùng , cuốn nào cũng thích mà nhất là các cuốn thuộc loại sách “Học Làm Người” nhưng chỉ âm thầm tìm đọc sách thôi chứ không có ý tìm gặp hoặc viết thư từ gì vì hổng dám làm phiền, làm quen với những người nổi tiếng. Hồi xưa khác chứ không có hiện tượng như ngày nay người ta ngưỡng mộ Nguyễn Hiến Lê như bác sĩ vừa nhắc:
“Anh biết không, thật bất ngờ khi sách của ông bây giờ được rất nhiều bạn trẻ ở miền Bắc đọc, nghiền ngẫm, ứng dụng.Họ thực hiện các tủ sách Nguyễn Hiến Lê, trao đổi cho nhau. Vừa rồi còn có nhóm thanh niên tổ chức một chuyến đi xuyên Việt bằng xe gắn máy từ Bắc vào tận Đồng Tháp viếng mộ cụ Nguyễn, họ mặc áo pull có in hình ông, gắn cờ có hình ông lên xe nữa! Tóm lại, họ đã coi ông là một “thần tượng”.Ngộ quá chớ phải không anh? “
Thú thật với bác sĩ, ngày nay tuổi tôi cũng già quá mạng rồi, mỗi ngày tôi ngoài việc nhìn đồng ruộng mà tiếc cho những ngày mùa lúa mùa cách nay sáu bảy chục năm, lúa thôi là lúa, bạt ngàn san dã, chạy mút tận chân trời, mà chợt buồn sao thời gian trôi qua quá mau, tuổi ấu thơ nhà quê với những ngày mùa cắt gặt theo cộ trâu, cộ bò mót lúa bông rơi rớt hồi xa xưa ấy nay chẳng còn! Ngoài những thương nhớ ấy, tôi chỉ còn mỗi việc là đọc lại sách của thầy Nguyễn Hiến Lê, tôi có khoảng gần 100 cuốn của Thầy. Thú thiệt nhe bác sĩ, mình chỉ đọc các bài “TỰA” trong các cuốn sách ấy của Thầy thôi là thấy cũng đáng đồng tiền bát gạo rồi bác sĩ ơi! Còn bác sĩ thì sao, bác sĩ có nhận xét gì về các bài “TỰA” trong các sách của Nguyễn Hiến Lê?Ngoài ra, bác sĩ có nhận xét gì về bút pháp của Nguyễn Hiến Lê trong các sách của Thầy?
Thêm vào đó, bác sĩ đã trải qua nhiều thời kỳ văn học Việt Nam, bác sĩ có thể chia sẽ với bạn đọc về cái nhìn của mình qua các thời kỳ văn học ấy được không, chẳng hạn thời kỳ văn học Miền Nam Việt Nam 1954-1975, thời kỳ văn học Việt Nam từ 1975 tới nay ở Sài Gòn cũng như ở hải ngoại sau 38 năm qua? Trong các giai đoạn văn học này của Việt Nam, theo bác sĩ, có những tác giả và tác phẩm nào bất hủ không, thưa bác sĩ?
Vì “trò chuyện với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc”, nên tôi có ý hơi lòng vòng, mong bác sĩ và bạn đọc rộng lòng bỏ lỗi cho. Xin cảm ơn bác sĩ và bạn đọc nhiều lắm.Và không quên cảm ơn bác sĩ có nhã ý tặng sách.
Kính thư,
Hai Trầu

 

Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
Sài Gòn ngày 14-04-2013

Kính anh Hai Trầu,
Rất cảm động, lại được thư anh hỏi han và chia sẻ trên dutule.com. Thú thực, có một “bạn đọc nhà quê già” như anh Hai, với tôi, là một hạnh phúc, bởi tôi cũng là một bác sĩ “nhà quê già” không kém đó anh Hai (*). Thế hệ chúng ta có lẽ cũng lại là một thế hệ lạc lõng, cho nên rất gần gũi nhau.
Đúng như anh nói.Sử Trung Quốc là cuốn biên khảo sau cùng của Nguyễn Hiến Lê.À, anh vừa gọi “Thầy” Nguyễn Hiến Lê mặc dù chưa hề học với ông ngày nào.Và có lẽ thế hệ chúng ta nhiều người cũng nhận ông là “Thầy” dù chưa hề học với ông ngày nào anh nhỉ?Trong bài báo “Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi” viết năm 1975 trên Bách Khoa, tôi cũng đã nói lên điều này. Câu anh viết: “nhưng hình bóng Thầy vẫn thấp thoáng nơi các lớp học vào hai năm Thầy dạy tại trường Thoại Ngọc Hầu này” rất cảm động, chứng tỏ mặc dù chỉ dạy học có hai năm, ông cũng đã để lại “hình bóng” tốt đẹp cho nhiều lứa học trò về sau. Nhờ cái gì vậy?Nhờ tấm lòng của một “bậc thầy” phải không anh?Không chỉ là kiến thức đâu mà chính là “thân giáo” đó.
Về cách viết TỰA của Nguyễn Hiến Lê, đúng vậy đó anh Hai.Cách viết TỰA của ông cũng đặc biệt, đáng “đồng tiền bát gạo” lắm.Nó chân thành và thấu cảm thực sự anh à, cho nên nó mới đi vào lòng người.Không phải chỉ những bài tựa viết cho riêng sách của mình đâu mà cả những bài tựa ông viết cho người khác. Anh thử đọc bài tựa ông viết cho cuốn “QÊ HƯƠNG” của Nguiễn Ngu Í thì thấy. Tôi may mắn cũng được ông viết cho một bài tựa ở cuốn “Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò”, cuốn sách đầu tay của tôi do La Ngà xuất bản và Lá Bối phát hành, năm 1972. Tôi vẫn còn giữ “thủ bút” của ông như một kỷ niệm đó anh Hai. Tôi nhớ câu kết của ông trong bài tựa này:“Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”! Ông viết vậy có lẽ vì từ năm 1967, tôi đã gởi tặng ông tập thơ đầu tay của tôi Tình Người (thơ Đỗ Nghê).(**)
Ôi, “chia sẻ với bạn đọc về cái nhìn của mình qua các thời kỳ văn học” ư? Dạ cái “vụ” này xin anh Hai tha cho! Tôi làm sao dám nói về những điều to tát như vậy! Xin anh hỏi các nhà phê bình văn học vậy nhé. Hình như Võ Phiến, một nhà văn lớn, đã có một cuốn nhận định gì đó về văn học Việt Nam cũng gặp không ít những phiền toái! Ngay cả Hoài Thanh và Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan… ngày xưa cũng vậy! Nhưng vì anh Hai đã hỏi thì tôi cũng xin thưa rằng tôi chỉ thấy các đợt sóng văn học cứ tuần tự luân phiên vỗ bờ, và bên dưới đó là… mênh mông nước!
Cảm ơn anh Hai đã chịu khó đọc.
Thân kính.
Đỗ Hồng Ngọc
………………………………………..
(*)http://www.dohongngoc.com/web/o-noi-xa-thay-thuoc/thay-thuoc-va-benh-nhan/bac-si-nha-que/
…………………………………………………………………

 

III. Kinh xáng Bốn Tổng ngày 15 tháng 04 năm 2013

Kính chào bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Tôi vừa nhận được thơ hồi âm của bác sĩ, nên trong bụng tôi mừng quá mạng! Thơ bác sĩ viết cho một bạn đọc nhà quê già mà rất chí tình, đồng cảm, chẳng hạn có đoạn bác sĩ viết rất cảm động: “Thế hệ chúng ta có lẽ cũng lại là một thế hệ lạc lõng, cho nên rất gần gũi nhau.”
Qua giới thiệu của trang nhà Du Tử Lê, được biết bác sĩ tuổi Canh Thìn, sanh năm 1940, tôi tuổi Nhâm Ngọ, nhỏ hơn bác sĩ hai tuổi, nhưng chắc tôi cũng cùng với bác sĩ là được sanh ra giữa những mùa ly loạn nơi các làng quê rồi lớn lên giữa ruộng vườn, theo học trường làng; rồi sống qua mấy mươi năm chiến tranh nên lúc nào cũng thấp thoáng bên mình những “lạc lõng”; “lạc lõng” từ những ngày thơ ấu chạy giặc tản cư cho tới những ngày già nua lụm cụm như bây giờ; “lạc lõng” từ trong gia đình cho tới bà con, chòm xóm, láng giềng và bằng hữu nữa khi mỗi người mỗi ngã trôi giạt bềnh bồng khắp mọi miền, chẳng khác nào khi một mình đi trên bờ bi nhìn cánh đồng lúa mênh mông mà bóng hình mình in lên mặt ruộng lúc nắng chiều chênh chếch về hướng tây giữa lúc chiều tà! Thành ra, nhiều lúc tôi tự nhìn lại mình, nhìn lại thân phận dân quê tụi tôi, tôi thầm cảm ơn bác sĩ có lòng với dân quê tụi tôi dữ lắm! Một người không thể làm hết mọi việc nhưng làm được một việc ý nghĩa cũng xứng đáng sống với đời sống này rồi vậy!
Qua trả lời thơ của Cô Sáu Sa Đéc trên Dutule.com, bác sĩ đã viết: “Cảm ơn Cô Sáu. Tôi viết cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” năm 1974, lúc đó tôi cũng vừa mới có 3 đứa con “đầu lòng” nên đã có ít nhiều kinh nghiệm, lại đang làm ở khoa Cấp Cứu bệnh viện Nhi đồng Saigon nên hằng ngày gặp nhiều trường hợp rất thương tâm, vì thế mà thấy cần phải viết. Viết xong, tôi có đưa nhờ ông Nguyễn Hiến Lê coi qua. Ông nói: “Đọc cuốn này thấy cháu là một bác sĩ nhi khoa tốt.Nhưng cháu viết cho ai đây? Cho những người có học ở thành thị, còn bà con ở thôn quê ít học thì sao?”. Vì câu nói này, sau đó tôi có viết thêm cuốn : “Săn sóc con em nơi xa thầy thuốc…”
Theo tôi, với “Săn sóc con em nơi xa thầy thuốc…”, bác sĩ đã mang tặng cho đời, cho dân quê chúng tôi một món quà đầy ý nghĩa vậy!
Ngoài ra, trong thơ bác sĩ có nhắc cách tôi gọi Thầy Nguyễn Hiến Lê bằng “Thầy”, bác sĩ viết: “À, anh vừa gọi “Thầy” Nguyễn Hiến Lê mặc dù chưa hề học với ông ngày nào. Và có lẽ thế hệ chúng ta nhiều người cũng nhận ông là “Thầy” dù chưa hề học với ông ngày nào anh nhỉ?”
Thưa bác sĩ,
Dân quê tụi tôi dường như không biết từ lúc nào, họ luôn luôn có lòng kính trọng những người biết chữ. Hồi đời xưa thì các bậc túc Nho đều được bà con tôn xưng là Thầy. Chẳng hạn như ở làng Cái Tàu Thượng nằm bên bờ sông Tiền Giang, những năm 1930-1940, có Thầy Bùi Xuân Hòa một bậc tinh thông chữ Nho, những bài minh trên bảo tháp của ngài Yết Ma Trụ Trì chùa Tân Phước Tự tại làng Tân Bình thuộc quận Lấp Vò trước kia thuộc Long Xuyên, sau này thuộc Sa Đéc, là do Thầy đặt để và được khắc lên bảo tháp, nay vẫn còn. Rồi có dịp tôi về ngang qua làng Tân Bình, tôi may mắn được gặp Thầy Bảy Lạc, cũng là một bậc túc Nho của làng Tân Bình, Thầy mới chép cho tôi xin sáu bài minh trên bảo tháp ấy qua nét chữ rất sắc sảo, tài hoa của Thầy Bảy Lạc gợi cho chúng tôi, các thế hệ hậu sinh trong làng như tôi, rất lấy làm vinh hạnh làng quê mình có vị các vị Thầy hay chữ; nhưng nay thì các bậc tiền hiền ấy cũng đã ra người thiên cổ hết rồi, bác sĩ ơi!

Đó là nói về dân quê quý trọng các bậc túc Nho một thời và ai biết chữ là họ tôn xưng là bậc Thầy. Rồi trong cái nề nếp đạo đức “tôn sư trọng đạo” ấy, dân quê chúng tôi còn được các đấng sanh thành, các bậc tiền hiền dìu dắt dạy dỗ theo cái nếp nhà xưa cũ nữa. Chẳng hạn có lần tôi kể với anh Tô Thẩm Huy về cái nếp nhà này và nay xin lò mò chép lại tỏ bày cùng bác sĩ:
“Thêm vào đó, cái nền lễ nghĩa nơi các làng quê vào những năm xa xưa ấy một phần nữa nó còn được tô bồi bằng việc thờ phượng Thánh Thần, Trời Phật qua các đình miếu, chùa chiền, những nơi chốn trang nghiêm ấy là một trong những biểu tượng của sự kết hợp giữa các đấng thiêng liêng với con người một cách hài hoà; nó chẳng những phù hợp với đời sống tinh thần của dân quê mình vốn coi Trời Đất là trọng, mà còn là biểu hiện một quan niệm về đời sống thuận cùng Trời Đất và hợp Con Người lân láng vậy ! Tôi cũng xin được gợi nhớ ra đây những lời dạy từ các trang sách rầt cũ của các bậc thánh hiền như Minh Tâm Bửu Giám, Quốc Văn Giáo Khoa Thư; những trang sách rất cũ và thật là đơn sơ mà hàm súc ấy, nó rất thâm thuý mà gần với làng quê, nó rất cao siêu mà thiết thực trong đời sống thường ngày của cư dân nơi những miếng ruộng, mảnh vườn quanh năm xanh một màu xanh của thiên nhiên tươi mát ấy… Trải qua nhiều đời, từ ông Cố, ông Nội tôi, rồi đến đời Tía Má tôi, tôi còn giữ được mấy trang sách Minh Tâm Bửu Giám này được nẹp bằng hai thanh tre với chỉ gai kết lại là một trong những vật quí báu còn sót lại qua biết bao mùa binh biến, những trang sách có tuổi thọ nhiều hơn tuổi đời những người cùng thế hệ với tôi mà tôi đã được học từ những ngày còn nhỏ, cũng xin gởi kèm theo đây như một di tích về cái nền đạo nghĩa ở nhà quê vùng làng Tân Bình tôi qua gần trăm năm ấy đến bây giờ. Tất cả, đó có thể gọi là những tinh chất làm nền cho một phong vị sống đẹp của dân quê miệt vườn ruộng miền Tây Nam Phần từ những năm xa xưa ấy vậy.”
Thưa bác sĩ,
Từ cái nền lễ nghĩa đó, nó được truyền đi truyền lại nhiều đời, rồi lâu dần hết đời này tới đời khác, nó hóa thành cái nếp quen tôn kính các bậc thánh hiền, và việc kính thầy, trọng thầy dạy chữ, dạy nghề nó thấm vào lòng mình như máu chảy trong tim vậy!

Người nhà quê nó lớn được một phần là nhờ có lòng biết tôn kính các bậc ân sư dạy cho mình vậy. Thuở nhỏ, chúng tôi học vở lòng với thầy Chín Nhậm ở Cầu Nhà Lầu (Mặc Cần Dưng), rồi học Sơ Đẳng Tiểu Học bắt đầu lớp Năm với Thầy Cầm, lớp Tư với Thầy Trang, lớp Ba với Thầy Ngân; lên bậc Tiểu Học, chúng tôi học với Thầy Nhì dạy lớp Nhì, lớp Nhứt vớ Thầy Nguyễn Văn Chánh kiêm Hiệu Trưởng trường Tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa (Mặc Cần Dưng, Long Xuyên). Vậy mà rồi từ những năm 1949-1956, cách nay sáu bảy chục năm và các Thầy thì đã ra người thiên cổ hết rồi, nhưng mỗi lần có dịp nhắc lại, như hôm nay chia sẻ cùng bác sĩ sao trong lòng tôi vẫn thấy bồi hồi thương Thầy hoài như lúc mình còn bé bỏng ê a học vần xuôi vần ngược vậy! Tiếp theo cái lòng kính và trọng Thầy ấy, dường như học trò chúng tôi thuở ấy khi lên tới Trung Học, đứa nào cũng gọi các Thầy dạy lớp mình bằng Thầy đã đành, mà các Thầy không trực tiếp dạy mình, mình cũng tôn xưng bằng THẦY với tất cả lòng kính nễ. Chẳng những học trò gọi Thầy mình bằng Thầy như vậy mà ngay cả “Phụ Huynh Học Sinh” cũng gọi các vị Thầy của con mình bằng Thầy nữa. Thế nên, có thể nói cái nề nếp giáo dục ngày xưa ở thôn quê là lấy cái nề nếp kính trọng Thầy làm cái đạo chánh vậy! Nhớ có lần học trò chúng tôi mấy ngàn đứa gồm tất cả các trường trong tỉnh lỵ Long Xuyên tiễn Thầy Lê Công Chánh dạy môn Sử Ký lớp Đệ Ngũ đến nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang Long Xuyên trên đường đi vô Núi Sập, mà ngày nay là chỗ Viện Đại Học An Giang cất gần đó, đứa nào cũng khóc khi nghe bài điếu văn vô cùng cảm động của Thầy Nguyễn Văn Mùi tiễn Thầy Chánh về bên kia thế giới!
Do vậy, theo ý nhà quê của tôi, cái đạo trọng Thầy là cái đạo cũ nhưng nó vẫn mới và rất cần dù ở thời nào! Cái đạo ấy nó làm mới đời sống trong mỗi người; người biết giữ cái đạo ấy, tâm hồn của họ sẽ giàu có còn hơn là tiền bạc và danh vọng, chức phận cao vòi vọi vậy!

Thưa bác sĩ,

Đó là vài ba ý nghĩ khi tôi gọi bác sĩ hay gọi nhà văn Nguyễn Hiến Lê bằng THẦY là có ý vậy. Giờ xin bác sĩ chia sẻ vài điều về việc trước tác của bác sĩ nhe bác sĩ! Khi nào thì bác sĩ dùng VĂN và khi nào bác sĩ dùng THƠ để chuyên chở những ý tưởng của mình? Bài thơ đầu tiên bác sĩ gởi đăng ở tạp chí nào?Có lần nào bác sĩ bị các ông chủ bút từ chối đăng bài của bác sĩ không?Nếu có, cảm tưởng của bác sĩ lúc bấy giờ thế nào?Bác sĩ có làm thơ tình lãng mạn không, nếu có, xin bác sĩ cho bạn đọc được đọc một bài mà bác sĩ ưng ý nhứt nhe bác sĩ?
Kính chúc bác sĩ vạn an.
Kính thư,
Hai Trầu

 

Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
22-5-2013
Thưa anh Hai Trầu,
Cảm ơn thạnh tình của anh Hai.Anh nói rất đúng, lứa mình phải nói là lứa “lạc lõng”, học hành cà ịch cà đụi là chuyện bình thường.Suốt những năm tản cư tôi cứ học hoài một lớp, lớp 3. Sau này nhờ biết tổchức việc học theo hướng dẫn trong cuốn “Kim chỉ nam của học sinh” của Nguyễn Hiến Lê (1957) mà tôi học nhảy lớp, bỏ cả đệ tứ và đệ tam để thi Tú tài I và II, rồi đậu vào Y khoa. Anh nhớ hồi đó thi Tú tài đậu chừng 10% , mỗi năm thi 2 kỳ, gồm cả thi viết và thi vấn đáp. Anh nhớ hồi đó lứa mình mà “rớt Tú tài…”. Nhưng thôi, nói mãi chuyện xưa không nên! Người ta bảo đời người có ba hồi: “hồi trẻ”, “hồi trung niên” và… “hồi đó”! Khi nào mình cứ “hồi đó” hoài chứng tỏ là mình “già quá mạng” rồi phải không anh Hai.
Giờ xin nói chuyện “trước tác” của tôi nhe. Tôi mê văn thơ từ hồi nhỏ, đọc gần hết tủ sách trong một tiệm cho mướn sách ở Phan Thiết. Cô Hai tôi ( xe lửa trúng mìn, gãy cả 2 chân) cư ngụ trong một ngôi chùa nhỏ,thường kêu tôi đi mướn sách về cho cô đọc, nhưng lại cấm tôi đọc vì con nít đọc truyện không tốt, mê, bỏhọc. Mỗi lần đi mướn truyện, tôi lén đọc hết dọc đường đi, có khi ngồi gốc cây đọc xong mới về.Tôi còn ghi chép tóm tắt nội dung, các nhận xét của mình vào một cuốn vở.Tôi nhớ những bài văn của mình hồi học lớp Nhứt (lớp 5) thường được thầy khen và đọc trước lớp.Rồi cậu tôi là ông Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư làm báo ở Saigon về thăm, cho một đống sách báo, tranh ảnh.Tôi mê tít.
Những bài thơ học trò thôi không nhắc. Bài thơ đầu tiên đăng trên báo Bách Khoa năm 1960, ký với một cái tên tắt. Tuy biết ông Ngu Í cậu mình làm ở đó nhưng tôi giấu ông. Khi báo đăng, tôi mới nói.Ông ngạc nhiên và khen ngợi. Sau đó tôi lấy bút hiệu Đỗ Nghê và đăng nhiều thơ trên Bách Khoa, Mai, trong Ban biên tập báo Tình Thương (với Phạm Đình Vy, Ngô Thế Vinh, Trần Mộng Lâm…) rồi ở trong nhóm chủ trương bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức (Nguyên Minh, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Lê Ký Thương…)
Năm 1967, đang là sinh viên y, tôi in tập thơ đầu tay: Tình Người và sau đó là các tập Thơ ĐỗNghê (1974), Giữa hoàng hôn xưa (1993), Vòng quanh (1997), Thưcho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010)…
Tôi không viết “chuyên nghiệp” được như Thầy Nguyễn Hiến Lê, tôi chỉ viết khi có hứng. Bây giờ có máy vi tính cũng tiện. Khi hứng đến, tôi cứ viết ào ào rồi để đó, năm bảy ngày sau cho nó “hoai” đi mới “chỉnh”lại đôi chút. Tuy nhiên, khi báo đặt bài gấp thì cũng viết ngay được. Lâu lâu gom lại có thể in thành một cuốn sách như Thư gởi người bận rộn, Chẳng cũng khoái ru, Nhớ đến một người… Tôi không viết được truyện anh Hai à, vì không có khả năng… hư cấu!
Nhớ lại, năm 1965 tôi cũng có một truyện ngắn đã đăng trên báo Mai, sau này thấy in lại trong tuyển tập truyện ngắn nhiều tác giả của NXB TRẺ, năm 1998: CUỘC ĐI DẠO TÌNH CẢM.
Đây cũng là truyện ngắn duy nhất của tôi đó anh Hai Trầu ơi.
“Để đáp lại tấm thạnh tình” của anh và bạn đọc, xin gởi tặng một bài thơ, viết ngày sóng thần ập vào Fukushima, Nhật Bản:

Giả sử

Giả sử sóng thần ập vào Nha Trang
Ập vào Mũi Né
Anh chỉ kịp quẳng em lên một chiếc thuyền thúng
Vút qua những ngọn dừa
Những đồi cát trắng
Em nhớ mang theo đôi quả trứng
Vài nắm cơm
Vài hạt giống
Đừng quên mấy trái ớt xanh…
Biếtđâu mai này
Ta làm An Tiêm
Trở về làng cũ
Nơi này ta sẽ gọi là Nha Trang
Nơi kia gọi là Mũi Né…
Cho nên
Sao chẳng sớm mà thương nhau hơn?
ĐỗNghê
(2011)
……………………………………………………………………

IV. Kinh xáng Bốn Tổng ngày 22 tháng 5 năm 2013.

Kính chào bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,

Nhận được lá thơ trả lời của Bác sĩ về việc trước tác thơ văn, mà nhất là được đọc bài thơ Mũi Né, mà Bác sĩ làm cách nay 43 năm, làm tôi nhớ quá một thời lang bạt khắp các vùng Mũi Né, Sông Mao (Hải Ninh), Phan Lý Chàm, Tuy Phong ngoài Phan Thiết của Bác sĩ quá mạng! Những ngày tháng khi tuổi đời vừa mới lớn ấy rồi lại có mộng đi đó đi đây, vậy mà rồi tôi lại được đi tới quê nhà của Bác sĩ. Tôi còn nhớ tỉnh Bình Thuận nằm dọc theo quốc lộ I chạy dài từ trong này giáp với Bình Tuy với Rừng Lá, Căn Cứ 4, Căn Cứ 5 ra tới ngoài kia giáp với Suối Vĩnh Hảo, bải biển Cà Ná của tỉnh Ninh Thuận mà hai bên quốc lộ là rừng chồi rải đều lên mặt đất với phía trong xa xa là dãy Trường Sơn chập chùng núi là núi và bên này quốc lộ xa xa chạy về hướng biển bạt ngàn… Dường như từ lâu lắm rồi, có tới hơn bốn mươi năm, tôi chưa có dịp trở lại Phan Thiết lần nào nhưng sao trong lòng tôi vẫn không quên Phan Thiết của Bác sĩ, mà nhất là lại được đọc bài thơ Mũi Né của bác sĩ nữa!

“Em có về thăm Mũi Né không?
Hình như trời đã sắp vào xuân
Hình như gió bấc lùa trong Tết
Những chuyến xe đò giục bước chân.”
…..

Thưa Bác sĩ,
Trong thư vừa rồi bác sĩ có nhắc Bác sĩ Ngô Thế Vinh, tôi có lần đã đọc vài tác phẩm của nhà văn Ngô Thế Vinh như Mây Bão (1963), Bóng Đêm (1964), Vòng Đai Xanh (1970, 1987), Mặt Trận Ở Sài Gòn (1996), “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng”(2000), và “Mékong Dòng Sông Nghẽn Mạch” (2007), được biết thời còn là sinh viên đại học Y Khoa Sài Gòn, bác sĩ và nhà văn Ngô Thế Vinh cùng làm tờ báo Tình Thương của trường này, bác sĩ có thể chia sẻ với bạn đọc vài kỷ niệm giữa Bác sĩ và nhà văn Ngô Thế Vinh trong những ngày làm báo sinh viên này được không? Và khi nào báo Tình Thương đình bản và vì sao báo đình bản, thưa bác sĩ?
Đặc biệt, giữa hai tờ báo Tình Thương và Ý Thức, bác sĩ là một trong các tên tuổi trong Ban Biên Tập, nay qua rồi hơn 40 năm, bác sĩ có cái nhìn nào về cách làm tờ báo sinh viên và tờ báo ở ngoài đời, chẳng hạn làm báo nào dễ hơn hoặc khó hơn, thuận lợi hoặc trở ngại, và có lần nào Bác sĩ hạnh phúc cũng như mệt mỏi với các tờ báo mà Bác sĩ cùng các nhà văn khác đồng khai sinh ra nó?
Kính chúc bác sĩ luôn dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.
Kính thư,
Hai Trầu

 

Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
Sài Gòn ngày 14 tháng 6 năm 2013
Anh Hai Trầu ơi,
Tôi với anh Hai mà cứ trao đổi qua lại trên dutule.com như vầy hoài chắc bạn đọc sẽ ngán! Cũng có mấy câu hỏi về… Phật pháp, về… bệnh hoạn, nhưng đã ra ngoài khuôn khổ cuộc Trò chuyện về văn học nghệ thuật trên dutule.com rồi!
Kỳ này, anh hỏi tôi về chuyện nguyệt san Tình Thương của sinh viên y khoa 50 năm về trước với Ngô Thế Vinh và về bán nguyệt san Ý Thức của Nguyên Minh và bằng hữu là hai tờ báo tôi có dịp tham gia nên xin được trả lời anh vắn tắt như sau:
Nhà văn – bác sĩ Ngô Thế Vinh học trên tôi một năm, nhưng như anh biết, hồi đó học y khoa đến 7 năm, lại cùng làm báo Tình Thương chung với nhau nên chúng tôi rất thân thiết. Ngay hồi sinh viên, Ngô Thế Vinhđã nổi tiếng với các tiểu thuyết Mây Bão, Bóng Đêm, rồi sau này là Vòng Đai Xanh và những năm gần đây, anh chuyên khảo về dòng sông Cửu Long với những cuốn sách rất có giá trị. Anh từng lặn lội lên đến tận nguồn Mékong và cảnh báo dòng Mékong sẽ nghẽn mạch, cũng như đã thấy trước Biển Động sẽ dậy sóng như thế nào.Nói về Tình Thương của Sinh viên Y khoa thời đó, không ai viết rõ hơn Ngô Thế Vinh vì anh là Thư ký tòa soạn. Anh Hai chịu khó đọc bài viết năm 2009 này của Ngô Thế Vinh theo địa chỉ: www.luanhoan.net/GioiThieuTacGia/html/22-3-13%20gttg%2010.pdf nhé. Tôi chỉ ghi lại đây vài dòng phần mở đầu và kết:
“Thời gian ở trường Y khoa, đó thực sự là những năm xanh của một đời người. Không phải chỉ có học, chúng tôi còn có những bận rộn ngoài chuyên môn y khoa nhưhoạt động sinh viên và cùng với các bạn trông nom tờ báo Tình Thương. Tờ báo ấy ra đời trong một hoàn cảnh và thời điểm đặc biệt ngay sau biến động tháng 11 năm 1963”.
(…)

“Có thể khái quát mà nói rằng, cho dù giữa những năm chiến tranh, báo Tình Thương đã thể hiện được một tinh thần tự trị đại học, trong sinh hoạt tương đối có tựdo, có tinh thần dân chủ, tôn trọng khác biệt, trong một mẫu số chung rộng rãi và đoàn kết cùng hướng tới một xã hội nhân bản. Viết về lịch sử trường Đại học Y Khoa Sài Gòn, có lẽ không nên lãng quên tờ báo Tình Thương. Điều đáng tiếc là Tình Thương đã không tồn tại lâu dài để trở thành một truyền thống và như một nhịp cầu giữa vòng thành y khoa ra bên ngoài xã hội”.
(“Tìm lại thời gian đã mất, Nguyệt san Tình Thương, 1963-1967. Tiếng nói của Sinh viên Y khoa”, Ngô Thế Vinh, 2009)
Còn về Bán nguyệt san Ý Thức, cũng xin mời anh xem bài viết của Lữ Quỳnh, một người trong nhóm chủ trương trên www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13905
(…) Cho đến khoảng năm 1969, Lữ Kiều từ Phú Quốc, Lữ Quỳnh, Châu Văn Thuận từ Qui Nhơn, Hồ Thủy Giũ từ Quảng Nam, Nguyên Minh, Trần Hữu Ngũ ở Phan Rang đã có cuộc họp mặt bàn chuyện làm báo. Tờ Gió Mai được đổi tên: tạp chí Ý Thức. Và,tòa soạn theo chân người viết.Tuy in ronéo, tờ báo được trình bày rất đẹp và phổ biến khá rộng. Nhóm chủ trương có thêm Lê Ký Thương, Ðỗ Nghê (Ðỗ Hồng Ngọc ), Trần Hoài Thư, Võ Tấn Khanh.
Qua năm 1970, tạp chí Ý Thức xin giấy phép ấn hành ở Sài Gòn. Mỗi tháng 2 số ( bán nguyệt san). Số báo ra mắt ngày 01-10-1970 dưới tiêu đề Bán Nguyệt San Văn Học Nghệ Thuật Ý Thứcvới truyện ngắn Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Ngụy Ngữ, Nguyên Minh; Truyện dài Từ Kế Tường; Kịch Lữ Kiều; Ðọc sách: Quê Người của Dương Nghiễm Mậu… Nhóm chủ trương lúc này thêm: Ngụy Ngữ, Nguyễn Mộng Giác, Lê Văn Ngăn, Trần Hữu Lục.
Bên cạnh Bán Nguyệt San Ý Thức, còn có nhà xuất bản Ý Thức. Trong mấy năm đầu của thập kỷ 70, đã lần lượt ấn hành nhiều tác phẩm của Ðỗ Nghê, Lê Ký Thương, Trần Hoài Thư, Lữ Quỳnh, Nguyên Minh, Nàng Lai. Nhiều bản dịch văn học và lịch sửcủa Trần Quang Huề, Nguyên Thạnh, Minh Quân, Lê Ký Thương… Bán nguyệt san Ý Thức qua năm thứ hai có phần chệch hướng, không còn là tờ báo vốn có tiếng dấn thân tích cực, chống lại thứ văn nghệ salon, viễn mơ tràn ngập lúc bấy giờ.Ý Thức số 24 phát hành xong thì đình bản.
Bấy giờ giữa năm 2008 này, nhìn lại, nhóm chủ trương tạp chí Ý Thức đã phiêu bạt khắp nơi, thật khó để hình dung ra một buổi họp mặt như ngày nào! Nhưng, không như Nguyễn Mộng Giác nghĩ “40 năm qua, từ những thanh niên hăm hở đi tìm một giải pháp cho thời thế và cho văn chương, họ đã bắt đầu trở thành những ông già chậm rãi, mỏi mệt, cuộc vui hằng ngày không phải là những hăm hở mở đường phá núi, mà là ngồi lặng yên bên chồng sách cũ”. Họ, tuy tuổi tác có cao, sức khỏe không còn như ngày nào, nhưng vẫn giữ liên lạc với nhau, vẫn trao đổi chuyện văn chương, vẫn viết lách, in ấn: một Trần Hoài Thư ở New Jersey miệt mài với Thư Quán Bản Thảo, một Nguyên Minh ở Saigon vẫn đều đặn ra tập san Quán Văn…
(Những kỷ niệm của một thời Ý Thức. Lữ Quỳnh, 2008).

Anh thấy đó, tất cả chúng ta đều có một thời tuổi trẻ như vậy!
Chúc anh Hai Trầu sức khỏe,
Thân mến.

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định

Thư gởi bạn (31.8.2020)

31/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn (31.8.2020)

Vậy là hết “Tháng Sinh Nhật” của mình. Ngộ ghê!

Vì không có Ngày Sinh nhật mà mình hóa ra có nguyên cả một tháng…”Sinh nhật” Trời ạ. Không có ai hát “Happy Birthday to you” (vì không lẽ hát “Happy Birthmonth to you”?), cũng chẳng có cái bánh SN nào cả, chẳng thổi một cây đèn cầy… ‘truyền thống”  nào cả… Vậy mà vui ghê bạn ơi. Vui “âm ỉ”. Vui nhẹ nhàng. Từng ngày. Từng ngày. Đúng là chẳng phải Hỷ mà Lạc!

Ngày 1/8, mở meo thấy một “chùm” bong bóng với bao nhiêu là bài viết, tranh vẽ “Chúc mừng Sinh Nhật” tuổi 80 của mình trên Blog Trần Thị Nguyệt Mai từ bạn bè gần xa rất cảm động. Rồi hôm nay, 31.8 lại bất ngờ được một email của Khiếu Thị Hoài từ Hội An gởi một đường link trên Youtube một bài đọc Nguyên Giác Phan Tấn Hải và Nguyễn Thị Khánh Minh trên Blog Nguyệt Mai do cô tự thực hiện với một app trên labtop gì đó, “cây nhà lá vườn”… Một giọng đọc trong sáng, chân thành rất dễ thương.

Thôi cứ chia sẻ nơi đây vậy nhé.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

(31.8.2020)

 

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Đọc ĐỂ LÀM GÌ: Bàng bạc một tấm lòng…

29/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

 

BÀNG BẠC MỘT TẤM LÒNG…

Đọc “ĐỂ LÀM GÌ” của Đỗ Hồng Ngọc

Hai Trầu Lương Thư Trung

 

Bàn về tác phẩm mới nhứt “Để Làm Gì” của Đỗ Hồng Ngọc vừa phát hành hồi tháng 6 năm 2020 thì rất nhiều bậc thức giả đã đọc và đã nhận định về đủ mọi khía cạnh của tác phẩm này rồi; ở đây với tư cách là một người đọc nhà quê già, tôi chỉ có thể nêu lên được vài cảm tưởng của một người sống cùng thời với tác giả bằng cách để lòng mình chảy tràn theo tấm lòng của tác giả qua từng chủ đề mà tác giả ghi chép lại trên từng trang sách ấy.

Từ đó, cảm tưởng đầu tiên của tôi là thấy tác giả đã trải lòng mình để nhớ về những người cũ, những thế hệ đi trước, những người mà tác giả hằng ái mộ và kính trọng. Đó là khi tác giả nhắc về nhà văn Võ Hồng với tên tuổi mà trong văn giới cũng như người đọc sách chắc ai cũng đã có lần mở ra những trang sách như Hoa Bướm Bướm, Hoài Cố Nhân… hoặc gần gũi nhứt là Một Bông Hồng Cho Cha, Người Đi Trong Bóng Lá…  Ở đây tôi muốn ghi nhận về tấm lòng của tác giả nghĩ về một Võ Hồng với nỗi “cô đơn uy nghi” của tuổi già lúc nhà văn ở vào cái tuổi 80:

“Vẫn căn gác nhỏ với một phòng chừng hơn chục mét vuông, vừa là chỗ ăn chỗ ngủ, chỗ làm việc, tiếp khách… lổn nhổn những sách vở, thư từ, bản thảo… tràn lan trên bàn, trên nệm, dưới gầm. Nhờ cái sân thượng phía trước khá rộng có bóng râm cây khế, cây dừa mà ông có một khoảng không để mà trầm tư, mà hoài cố nhân…”

Với khung cảnh mà tác giả vừa nhắc, chúng tôi, những người bạn cùng thời lúc còn trẻ hồi ở Nha Trang vào những năm 1970-1973, có vài lần đã ghé thăm nhà văn Võ Hồng nơi địa chỉ, nếu tôi nhớ không lầm, đó là căn nhà số 53 đường Hồng Bàng, gần bến xe mới Nha Trang lúc bấy giờ, thì cũng vẫn những ly tách bàn ghế đều ngổn ngang bề bộn như vậy! Rồi khi nhà văn Võ Hồng ở tuổi 91, Đỗ Hồng Ngọc lại một lần nữa ghé thăm tác giả “Hoa Bươm Bướm” với lời cảm ơn người học trò cũ săn sóc nhà văn Võ Hồng rất cảm động:

“Năm ngoái, có dịp về Nha Trang, tôi lại ghé thăm ông, bấy giờ ông đã 91 tuổi, đã dần dần khó tiếp xúc… Cô Đạm, người học trò cũ quý thương ông vẫn là người hằng ngày trực tiếp đến chăm sóc ông cùng với một người giúp việc. Ông tuy nằm liệt giường đã lâu vậy mà trông vẫn thanh mảnh, sạch sẻ lắm. Tôi cảm động nói với cô Đạm, thay mặt những bạn bè thân quen gần xa của nhà văn Võ Hồng, trân trọng cảm ơn cô.”(Để Làm Gì, trang 70).

Nếu như ông không có chút lòng làm gì có những chuyến đi rất xa xôi để thăm lom và nói lên được lời cảm ơn rất trân trọng dành cho cô Đạm, người học trò cũ của Võ Hồng?

 

Rồi tác giả “Để Làm Gì” cũng không quên những người bạn một thời xa lắm thuở hàn vi – có tới hơn bốn năm chục năm- khi nhắc về nhà văn Trần Hoài Thư với nhiều kỷ niệm khi đọc được câu thơ của người bạn mà “muốn rơi nước mắt”:

“Bụi chuối nhà ai bên đường đã mọc

Chuối mẹ chuối con, trời hỡi quê nhà!”

(Xa Xứ, Trần Hoài Thư) 

Hai tiếng “trời hỡi” mới “cải lương” làm sao! Nhưng nó đã làm tôi muốn rơi nước mắt! Cải lương thật tuyệt vời!”

Rồi tác giả lại nhớ tiếp với một tấm lòng lúc nào cũng thương bạn:

“Bốn mươi năm trước, những ngày ở Nha Trang, tôi lang thang cùng anh trên bãi biển đầy những cơn sóng thịnh nộ giữa những ngày tháng bão bùng… Rồi ở Saigon, có lần tôi đèo anh bằng chiếc xe lọc cọc của mình đến tòa soạn Bách Khoa, nơi anh hò hẹn… Trần Hoài Thư là một chàng thư sinh nho nhã, vầng trán rộng quá khổ, đôi mắt hun hút sau tròng kính cận, những ngón tay lòng thòng, dáng đi lỏng khỏng… Anh là một kẻ “nòi tình”, dễ nước mắt, dễ giận hờn, dễ đắng cay… 

Bốn mươi năm không gặp lại. Anh vẫn nhắc tôi món bánh cuốn nóng ở cạnh nhà mình mà hôm đó anh và tôi ra ngồi bên lò lửa từ rất sớm, để tiễn anh đi, không, tiễn anh về. Về nơi gió cát. “Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao”. Không cầm lòng được, hôm đó tôi đã viết cho bạn: 

“Ta cũng muốn ngâm tràn câu tống biệt

Đưa người đi tiếng sóng ở trong lòng

Nhưng khói thuốc đã cay sè đôi mắt

Có ai còn thổi sáo trên sông.

 

Trời buổi sáng mù sương lớp lớp

Người hành trang nỗi tuyệt vọng rã rời

Và khí phách thôi một thời trẻ dại

Ta nói gì cho bớt chút chia ly?

 

Đưa người ta nâng ly cà phê nhỏ

Rồi quan san rồi bụi đỏ người đi

Rồi khói súng người tập tành nỗi chết

Ta trở về hiu hắt đường khuya…”

…………..

(Đỗ Hồng Ngọc, 1972)

 

Nhắc tới tấm lòng của Đỗ Hồng Ngọc dành cho những người cũ, tôi không thể không nhắc đến “Sến Già Nam” trong Để Làm Gì. Theo đó, “Sến Già Nam”, “Sến Già Nữ” là một phát hiện rất tình cờ của tác giả khi nghe người ta gọi những băng nhạc Boléro một thời! Và tác giả dành một chút lòng của mình nghĩ về những ca khúc đi vào lòng người cùng các nhạc sĩ, ca sĩ đã từng hát những điệu nhạc ấy mà buồn man mác, xa xăm…

Với tác giả, nhạc chỉ có hay hoặc dở thôi, không cần biết “sến” hay không “sến” gì ráo trọi:“Còn tôi, tôi chỉ biết nhạc hay hay dở với mình mà thôi. Hay là thứ làm tôi “rung động sáu cách” (nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý)…, còn dở là nhạc “nghe không vô”!”

Và tác giả còn dẫn ra nhiều bản nhạc theo anh là rất hay như“Chiều làng em” của Trúc Phương;“Mộng ban đầu”của Hoàng Trọng, làm sao quên được; rồi “Lối về xóm nhỏ”của Trịnh Hưng; đặc biệt với bản nhạc  “Tình lúa duyên trăng”của Hoài An, có những câu như:

“Quê hương ta đất xưa vốn nghèo

Nhưng giàu tình thương nhau

Biết yêu lúa mầu xa cuộc đời cơ cầu

Gái trai biết làm tròn lời thề khi ban đầu”

Và tác giả tự hỏi mình mà cũng để hỏi người và hỏi đời:

“Tôi không hiểu vì sao những lời ca đầy tình quê hương, đất nước, tình gia đình, tình gái trai “biết làm tròn lời thề khi ban đầu” như vậy mà “sến”được?”

(Để Làm Gì, trang 57).

 

Đến như “gió bấc” mang hơi lạnh về vào những ngày gần giáp Tết thôi, qua câu thơ của chính mình làm vào năm 1970, tác giả cũng làm người đọc có lẽ cũng sẽ mềm lòng cùng ông về một thời nhung nhớ ấy:

“Mùa ơi gió bấc nhớ không ngờ

Năm nay người có vềăn Tết

Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ?…”

(Mũi Né, Đỗ Hồng Ngọc 1970)

“Gió bấc, rất lạ. Nhớ không? Thứ gió thổi lốc qua người, dán sát vào da người như có chút hỗn xược ớn lạnh làm nhớ cơn sốt rét rừng thường chuyển mùa trong Tết, với hương cốm hộc, mứt gừng, mứt bí… rồi bánh căn, bánh xèo, bánh kẹp, cơm gà, bánh canh chả cá… của một vùng biển mang mang mùi nước mắm, những ai nghe quen thì đâm ghiền nặng… rồi sông Cà Ty – Mường Mán, con đường Gia Long đi mãi không cùng, với đường Trưng Trắc Trưng Nhị ôm sát dòng sông nhớ không?

 Cho nên với tôi, gió bấc là Tết, là tuổi thơ, là Phan Thiết, là Mũi Né, là Rạng, là Lagi, là Kê Gà, là Tà Cú…

(….)

gió bấc mùa thơm ngát

bâng khuâng một mái nhà

biển xanh lùa sóng bạc

cát vàng hoàng hôn xưa…”

(Quê Nhà, ĐHN)

Và, Tết:

Đi giữa Sài Gòn

Phố nhà cao ngất

Hoa nở rực vàng

Mà không thấy Tết

Một sáng về quê

Chợt nghe gió bấc

Ơ hay Xuân về

Vỡ òa ngực biếc…

(Gió bấc, ĐHN)

Vậy đó, cho nên về Phan Thiết Mũi Né Lagi… mấy ngày chẳng qua để tìm thứ gió quen mà lạ đó. Và để nghe cái Tết tuổi thơ thấm vào trong da thịt, trong nhớ nhung…”

(Để Làm Gì, trang 157)

 

Ở một cái nhìn khác về sự nhọc nhằn và bền bỉ của những chuyến phà với biết bao mùa mưa nắng dông gió bão bùng bập bềnh trên những bến nước chỉ để chờ đưa rước khách bộ hành qua sông, có khi tuổi đời mỗi bến phà như vậy dài đến cả trăm năm, rồi ra một ngày nào đó nó sẽ chẳng còn lại gì, tác giả đành nhũ lòng“Tôi thấy tôi thương những chuyến phà”:

“Tôi thấy tôi thương những chuyến phà

Ngàn đời không đủ sức đi xa… 

Phà ở quê mình thì khác. Hằng trăm năm nay vẫn ì ạch nối đôi bờ. Thế rồi một hôm bỗng bị người ta vứt lên cạn. Xẻ thịt. Bán ve chai… Không ai còn cần tới nữa! Người ta nay đã có cầu. Những chiếc cầu ngạo nghễ, nghênh ngang vươn giữa dòng sông. Nhưng, hãy đợi đấy! Với tình hình hiện nay, đến một lúc khi mà “sông kia rày đã nên đồng” thì những cây cầu cũng sẽ bị xẻ thịt, bán ve chai… (…) 

Phà đúng là ngàn đời không đủ sức đi xa! Chỉ bờ này bến nọ. Nối những niềm vui, những nỗi buồn, những đợi chờ… (…) Phà chẳng những không đủ sức đi xa mà còn không đủ sức đi mau. Nó ì ạch một cách dễ thương. Ai vội vã mặc ai. Nó cứ ì ạch, khệnh khạng, làm như không nỡ rời bến, không nỡ cặp bờ… Há mõm thật to bên này nuốt gọn dòng người dòng xe rồi há mõm thật to bên kia nhả dòng người dòng xe ra cứ như một con quái vật hiền lành.

Và những chuyến phà trăng. Nó ì ạch chở trăng đi. Nó nhích từng bước như sợ trăng tan. Lòng người cũng nhẹ tênh, dãi cùng trăng sáng.

(Để Làm Gì, trang 164)

Bao giờ và đời nào cũng vậy, trong dòng đời rồi ra có những lúc vật sẽ đổi và sao sẽ dời, có những khi người ta cần mình và có những lúc người ta cũng sẽ quên mình; nhưng biết bao lần có biết bao người đã đi qua những chuyến phà trên khắp các bến sông có ai còn nhớ những nhọc nhằn chìm nổi của những chuyến phà trên các bến nước ấy? Bạn đọc những chuyến phà qua lời tâm sự của tác giả, đến một lúc nào đó nó sẽ hết thời, sẽ thành sắt vụn mà bạn không thấy lòng mình cảm động lắm sao?

 

Đỗ Hồng Ngọc và Hai Trầu (Cafe Đông Hồ, Saigon 2017)

Rồi ngay cả tới những mùa màng ngày cũ, cách nay có tới sáu bảy chục năm, khi nghe người nhà quê già như tôi kể chuyện công việc đồng ruộng mùa màng của mình ngày xa xưa ấy, dù chưa quen biết nhau lâu, dù tác giả học hành thành tài và hành nghề bác sĩ hơn năm chục năm ở Sài Gòn nhưng với lòng từ tâm của một bậc thức giả có lòng, giống như ngày xưa Nguyễn Khuyến lúc nào cụ cũng vui với cái vui của người nông dân và buồn với cái buồn của họ, Đỗ Hồng Ngọc qua bài “Còn thương rau đắng” rất cảm động, rất chí tình sau khi đọc Mùa Màng Ngày Cũ của Lương Thư Trung:

“Bạn có bao giờ Xúc Lùm, Nhảy Hùm, Quậy Đìa, Xuống Bửng, Đặt Lợp, Đặt Lờ, Đặt Rù, Chận Ụ, Làm Mùng, Bắt lươn, Bắt lịch… chưa? Chưa hả? Thì không có gì tốt hơn đọc Mùa màng ngày cũ của Lương Thư Trung tức Hai Trầu đi! Tôi ở miệt biển, Lagi, hồi nhỏ thỉnh thoảng mới được về quê ngoại ở Phong Điền theo người ta tát đià bắt cá, cắm câu… mê lắm, nhưng quả thực đọc Hai Trầu mới biết ở miền Tây đời sống người dân quê mình nhiều sinh hoạt phong phú biết chừng nào! 

Miền Tây, hai tiếng thôi đã nghe lòng nôn nao nhớ một bài hát cũ: “… Có ai về miền Tây/ Lúa mùa thơm thơm mãi/ Dừa xanh nghiêng chênh chếch/ Cá ngược dòng sông đầy…” (Y Vân). Cá ngược dòng sông đầy nên mới có Xúc lùm, Quậy đìa, Chặn Ụ, Làm mùng và mới có Mùa xạ lúa, Mùa cấy lúa, Mùa bắp, Mùa đậu… Về miền Tây, để ngẩn ngơ mấy cây cầu khỉ, ngẩn ngơ những chuyến phà ngang: “Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba/ Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm/ Qua bến bắc Cần Thơ…” (Trần Thiện Thanh). Về miền Tây, còn đó thứ tình nghĩa chân thật dù vật đổi sao dời… nên mỗi lần đọc lại Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam, đọc lại Ba anh em nhà họ Điền, chuyện Lưu Bình Dương Lễ không sao không cảm thấy lòng rưng rưng!”

(…) 

“Sáu bảy mươi năm, mới thôi, mà đã quá xa! Ngày nay, toàn cầu hóa, thế giới phẳng, một sát na đã qua là một pháp giới khác. Ai còn nhớ đến chuyện quê xưa?

Mùa Màng Ngày Cũ với tôi là một chút tình quê, một “khung trời kỷ niệm”, một “rau đắng nấu canh” (Bắc Sơn)!”

(Để Làm Gì, trang 128)

 

Tóm lại, qua 65 đề tài với hơn 400 trang sách, tác giả đã đề cập về mọi khía cạnh khác nhau của đời sống, từ con người tới thiên nhiên, cây cỏ, từ những tình cảm dành cho bạn bè thân thiết mấy chục năm cho chí đến những chuyến phà, những cây cầu khỉ, những bến sông, đâu đâu người đọc cũng đều bắt gặp bàng bạc một tấm lòng của tác giả về những cảnh đời qua nhiều màu sắc ấy!

Theo thiển ý quê mùa của mình, tôi nghĩ viết sách hay, không cần phải cố làm cho văn hay, mà cũng không cần phải cố ý mang vào sách một thứ đạo lý hoặc một thứ triết lý cao siêu nào đó trong các trang sách của bạn mà chỉ cần dành cho đời một tấm lòng cảm thấu chân thành của mình, chừng đó thôi, bạn đã làm nên tác phẩm giá trị rồi! Và tôi nghĩ, sách “Để Làm Gì” nói riêng và nhiều tác phẩm khác của Đỗ Hồng Ngọc nói chung, được nhiều người tìm đọc, có lẽ một phần chánh yếu là nhờ vào tấm lòng trắc ẩn, hiểu đời, thương đời của một bậc thức giả luôn bàng bạc trên khắp các trang sách của tác giả vậy!

HT

Houston, ngày 26 tháng 7 năm 2020.

 

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Vài kỷ niệm với Mang Viên Long

24/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

Vài kỷ niệm với Mang Viên Long
Đỗ Hồng Ngọc

 

Thư gởi bạn xa xôi (10.2013)

*  Mang Viên Long, bạn nhớ không?  Mới đây từ Bình Định phone vào hỏi anh mới bị xe tông, té xuống đất, may có nón bảo hiểm không hề hấn gì nhưng vẫn cứ lo, bây giờ phải làm sao, muốn nhân dịp vào Saigon tái khám tim ở bác sĩ Thân Trọng Minh (Lữ Kiều) sẽ khám thần kinh luôn. Mình hỏi thêm vài chi tiết có … bất tỉnh không? có nhức đầu? nôn mửa… gì không thì không. Lời khuyên dù sao dịp này cũng nên làm cái MRI cho chắc ăn. Tái khám tim, hẹp van động mạch chủ nhưng chưa đến đỗi nào. Lữ Kiều bảo MVL : “Cứ tiếp tục yêu đi, không sao đâu!”. Kết quả MRI cái đầu cũng không có vấn đề. Mừng rồi. MVL bèn… mời anh em một chầu café ”hậu tạ”. Hẹn nhau đến cái quán gần cổng Cư xá đô thành, nơi còn chút vòm lá xanh nhớ không?

 

Từ trái: Sâm Thương (thấy lưng) Chu Trầm Nguyên Minh, Rừng, Nguyên Minh, Lữ Kiều, Đỗ Nghê, Mang Viên Long) Ngày 10.10.13

Từ trái: Sâm Thương (thấy lưng) Chu Trầm Nguyên Minh, Rừng, Nguyên Minh, Lữ Kiều, Đỗ Nghê, Mang Viên Long (Saigon,10.10.2013)

Khi mình đến nơi đã thấy có Lữ Kiều, Chu Trầm Nguyên Minh, Rừng, Nguyên Minh, Mang Viên Long. Lát sau có thêm Sâm Thương… cà nhắc tới. Lữ Kiều bảo cả nhóm ngồi đây đa số là  thân chủ của bạn. Dĩ nhiên rồi, già thì bệnh, mà bệnh thì không khỏi “ba cao một thấp” (tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thấp khớp…).  Lữ Kiều là bác sĩ chuyên khoa tim mạch mà! Bản thân Lữ Kiều cũng phải mỗi ngày tự “harakiri” mấy chục đơn vị Insuline vào bụng! Họa sĩ Rừng cho biết sắp mở triển lãm, hẹn anh em đến Du Miên ngày khai mạc, café miễn phí! Ai cũng khâm phục Rừng về nhiều mặt không thể kể… hết. Chu Trầm Nguyên Minh lúc này phụ giúp Nguyên Minh làm tờ Quán Văn, đang chuẩn bị ra mắt số chủ đề sông Mường Mán (Phan Thiết) sau khi đã làm số  về Sông Dinh và sông Seine.

Quán Văn có vẻ mê sông nhỉ? Đến nỗi bìa và phụ bản cũng đều do… Sông Ba lo!  Khi bảo Chu Trầm Nguyên Minh lúc này… “núp bóng” Nguyên Minh (trầm) thì anh cực lực phản đối. Anh nói anh cao hơn Nguyên Minh hẳn một cái đầu! Mà đúng vậy. Đứng lên đo thì sẽ biết!

(www.dohongngoc.com)

Viết thêm: Mới thôi, mà đã Chu Trầm Nguyên Minh, Sâm Thương và nay Mang Viên Long… đi rồi. Cảm ơn Trần Vấn Lệ đã viết cho Mang Viên Long: Đi! Đi! Đi Đi Đi… như Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté…

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

thơ Trần Vấn Lệ: Vĩnh Biệt Mang Viên Long

23/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Vĩnh Biệt Mang Viên Long
Trần Vấn Lệ
Sáng nay ngồi cắn bút…chưa bắt được ý gì.  Một ngày đang trôi đi / không khéo mình vô dụng?
Ba mốt năm mình sống…nhờ mỗi ngày làm thơ…lang thang và bơ vơ…may sao vẫn cứ sống!
Mình hiểu:  Sống Hy Vọng…ăn ít, sống được mà!  Ngủ nhiều, gì cũng qua!  Buồn, còn buồn là bạn!
Thường thì mỗi buối sáng, mình có một bài thơ…gửi cho báo, hồi xưa, nay thì facebook!
Sáng nay, Luân Hoán viết:  Mang Viên Long đi rồi.  Ban đầu tưởng nói chơi, sau…thì thôi là thiệt!
Bạn, tôi, không thân thiết, chỉ biết qua email…Tôi biết bạn rất nghèo, tôi chưa giúp gì bạn…
Nay, bạn đáo bỉ ngạn…tôi biết nói sao đây?  Chưa đối xử tao mày!  Bạn đi buồn ở lại!
*
Bài sáng nay có phải…phải một bài thơ không?  Bạn ơi, Mang Viên Long Người Đi Buồn Ở Lại!
Làm sao mà tôi lái chiếc máy bay bay về?
Làm sao không nhớ quê?  Mà thôi…tôi chết mất!
Dịch bệnh là có thật!  Người từ từ chia tay…Một câu rất thơ ngây bao nhiêu tình thảm thiết!
Tin Tình Yêu Bất Diệt!  Tình…gió thổi không bay…Tình…có để lên vai…Tình…không ai mang nổi!
 
Mang Viên Long bạn hỡi…Đi!  Đi!  Đi Đi Đi…
 
Trần Vấn Lệ
………………………………………………………………

 

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim

PNO: Biển rì rầm kể chuyện

03/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Biển rì rầm kể chuyện

LỤC DIỆP

PNO – Một cuốn sách không nặng nề suy niệm, tiếc nuối mà ngược lại, rất tươi mới, hóm hỉnh. Một tinh thần “rất trẻ” và tràn đầy năng lượng sống.
“Rồi một hôm, trong buổi “về thu xếp lại”, tôi gom góp một số bài tùy duyên, tùy hứng, tùy nghi, tùy hỷ…bấy lâu mình ưa thích làm thành một “tạp tuyển” ở tuổi 80 này, như một món quà lưu niệm dành riêng đọc vui một mình, rồi biết đâu cũng có người đồng điệu…” – bác sĩ – nhà văn Đỗ Hồng Ngọc bộc bạch như vậy, khi in cuốn Để làm gì (tạp bút, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành).

Tôi đọc sách ông viết trên những chuyến xe dài, những trang viết ngắn dễ đọc, dễ cảm; đa dạng đề tài, nhiều cảm xúc. Cảm giác đọc Để làm gì như cách người ta thưởng thức một tách trà, nhẩn nha, ngẫm ngợi; lúc miên man cảm xúc lúc lại bật cười, thú vị. Đó là một cuộc đối thoại vô ngôn cùng tác giả, cùng chạm đến những tâm tư, ký ức của người viết theo cách lặng lẽ cảm nhận và sẻ chia. Những năm về sau, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc theo học Phật pháp, nên chữ của ông cũng tỏa ra năng lượng an lạc, tích cực.

Có những lúc xe ngang qua mưa, tôi giở đến những bài tác giả viết dành cho những người bạn văn chương, xúc động với một cuộc đời “cô đơn uy nghi” của nhà văn Võ Hồng; ấm áp trong tình cảm chan hòa giữa những người bạn thơ: Võ Phiến, Nguyễn Như Mây, Từ Thế Mộng… Đây có lẽ là cuốn tạp bút viết cảm thơ nhiều nhất mà tôi từng đọc.

Cái sự “tùy duyên” mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói được thể hiện qua cả những ký ức thơ, phát hiện tình cờ hoặc những tập thơ được bạn bè gửi tặng ông. Trong mạch nguồn thơ len lỏi chảy suốt tập sách nhỏ này, thấy rõ nhất hai chữ “chân tình” mà tác giả dành cho bạn bè thơ văn khắp chốn. Đó là những bài viết: Làm mới thơ, Chiều nước lên, Một cốt cách ở đời, Lắm nỗi không đành, Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi…

Có những mẩu chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhưng xâu chuỗi lại là những “gói ghém tinh thần”, truyền tải những điều lớn lao hơn về những nhận diện và hạnh ngộ. Một người già cầm bút, viết trong tâm thế tùy duyên và an lạc, nên cuốn sách nhỏ có ký ức về quê biển Phan Thiết, có những chuyến đi xa xôi cả trong và ngoài nước, những chia sẻ về nghề với người…

Vậy nhưng cuốn sách ấy không nặng nề suy niệm, tiếc nuối mà ngược lại, rất tươi mới, hóm hỉnh. Một tinh thần “rất trẻ” và tràn đầy năng lượng sống. Bởi thế mà trong nhiều chuyến đi tình cờ, ông đã gặp được những độc giả lâu nay vẫn gối đầu giường sách Đỗ Hồng Ngọc. Họ chia sẻ rằng nhờ đọc những quyển sách ông viết mà học hỏi được nhiều điều hay, tinh thần suy nghĩ tích cực hơn. Thậm chí, nhờ sách ông mà những người già biết cảm thông với tuổi già của nhau hơn.

Để làm gì như lời biển rì rầm kể chuyện, hết đợt sóng này đến lớp sóng khác. Những mẩu chuyện xếp lên nhau tạo thành một mảng dày kiến thức, trải nghiệm, tâm cảm, kỷ niệm… từ một đời người kể từ bãi biển Phan Thiết, đỉnh Tà Cú, Lagi quê nhà tác giả đến Huế, Hội An, Đà Lạt, sông nước miền Tây, Melbourne (Úc), mùa thu vàng ở Boston (Mỹ), những cuộc hành hương trên đất Phật Ấn Độ… Xen lẫn vào đó là những mẩu hài hước về chuyện Ếch kêu, Sáng mắt chưa, Bò sao lại điên, Sến già nam, Chơn mạng đế vương…

Tản văn của Đỗ Hồng Ngọc thật lành, thật nhã. Sáng, trưa, chiều tối với “trà Tào-Khê, cơm Hương-Tích, thuyền Bát-Nhã, trăng Lăng-Già…”.

“Và thấy hình như có mình trong đó, nhận ra mình cần chậm lại, để nghe trái tim lên tiếng, để cảm nhận những chuyển biến dù nhỏ nhất xung quanh mình, trong bản thân mình” – tâm sự của bạn đọc trẻ như một thay lời dành cho Để làm gì. Một cuốn sách truyền tải được năng lượng tích cực, nhận được sự đồng cảm, trân trọng của bạn đọc – đó đã là thành công lớn của người viết.

Lục Diệp

(Nguồn: Phụ Nữ Online- PNO Tp.HCM 3.7.2020)

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Đọc sách

Nguyễn Lệ Uyên: La-Gi Du Ký

26/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

LA-GI DU KÝ

Nguyễn Lệ Uyên

 

Khi không hai ông “bạn trẻ” đốc tờ gọi, một ông lúc chiều tối, ông nọ lúc giữa trưa, cách nhau chừng 10 tiếng, hỏi “có muốn rong chơi không?”. Dĩ nhiên nhận lời ngay, nhưng bụng dạ thì cứ sôi rồn rột. Vì các chàng đều là dân “bảnh tỏn” trong khi mình lại là tay kiết xác mà ham vui!

Tôi cũng biết tỏng từ lâu, hai ông đốc tờ cộng với ông họa sĩ thì chưa chắc “chân cứng đá mềm” bằng phía trái không thuận của anh chàng nông dân xứ xương rồng trong chuyện leo trèo chạy nhảy; cho nên có giang hồ cùng trời cuối đất thế nào cũng chấp cả “cơm sôi” với “nhớ nhà”.

Xe đón ở ngả tư Hàng Xanh. Dòm vào đã thấy có hai trợ lý, một cho ông bác sĩ, một cho họa sĩ. Kể ra như vậy là khá an toàn.

Từ trái: Nguyễn Lệ Uyên, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Ký Thương, Thân Trọng Minh.
(Đập Đá Dựng, Lagi 20.6.2020)

Nơi đến là nơi tôi đã từng đến, đã bỏ lại trong phút chốc nhà cao tầng chen chúc, xe cộ nối đuôi, ồn ào, khói bụi xập xình… Giờ thì đang băng qua những con đường quanh co; lúc thì chìm lút vào giữa rừng cây thưa, khi lòi ra giữa cánh đồng vắng có đàn cừu, vài con cò trắng bên cạnh đàn bò thong thả gặm cỏ. Yên bình đến lạ.


Internet.
Đập Đá Dựng (tình Bình Tuy, Hàm Tân, LaGi 1957)

Xe qua chân núi Chứa Chan, rẽ vào Hàm Tân và dừng ở La Gi, quê hương của Đỗ Hồng Ngọc, đúng 10 giờ sáng, uống cà phê sát bờ sông Dinh, bên đập Đá Dựng.  Anh giới thiệu con đập này được TT Ngô Đình Diệm cho xây dựng vào năm 1957 (tỉnh Bình Tuy) để dẫn nước tưới cho cánh đồng phía trên. Thuở nhỏ, anh và bạn bè thường cởi truồng đứng trên thân đập lao xuống, ngoi ngót giữa trưa nắng. Đập không rộng, không có dáng hùng vĩ như Đồng Cam, nhưng hai bờ cây rừng chen khít, tầng lá xanh che kín, thỉnh thoảng nhô lên mái ngói đỏ, những cây phượng vỹ chói rực bên bờ tây, gần hơn chút, ngày xưa là chùa một cột đứng thoi loi bên mé sông (đã sụp đổ lâu rồi). Giá như không có phiên bản này, tôi nghĩ, dòng sông Dinh sẽ thơ mộng hơn, hoang dã như nó đã từng trước đó. Cũng may, chủ nhân quán này còn biết tôn trọng thiên nhiên, cứ để những cây rừng đứng chung với bàn ghế trong sân: những cây duối, cây bàng lẻ, thao lao và dây leo quấn quanh.

 

Tù trái: MTriet, Do Hong Ngoc, Nguyen Le Uyen, Le Ky Thuong, Kim Quy, Than Trong Minh (Lagi, Đập Đá Dựng 20.6.2020) 

 

La Gi rộng, nhưng không sầm uất, như một cô gái quê đội nón lá, mặc áo mới, chân đi guốc lên phố chợ. Vẻ mộc mạc, chơn chất vẫn còn ở những con đường quanh co, còn biết nhớ đến các bậc danh nhân để đặt tên đường. Tôi thực sự xúc động khi vòng qua đường Trương Vĩnh Ký, uốn lượn, vòng vèo như đang đi trong đường làng… Mấy nơi được như chốn này?

Xe đi tiếp xuống Ngãnh Tam Tân nay còn có tên Mỏm Đá Chim thuộc xã Tân Hải, chừng 12 cây số. Hai bên đường là vườn cây thanh long héo rũ, gãy đổ. Tôi hiểu thân phận của các “ông vua” hơi hám du lịch biển dẫn đến “tra tấn” thiên nhiên là chuyện thường tình ở xứ sở sặc mùi kim tiền, thiếu vắng niềm ân ái hòa đồng với đất trời.Và, tôi hiểu vì sao, khi kể chuyện Hàm Thuận, Hàm Tân, La Gi từng là nơi bò rừng, mển, cọp, beo… quần tụ dưới tầng cây cao thấp đã bị xóa sạch vết chân, anh Ngọc kể với giọng ngậm ngùi. Đâu chỉ riêng quê anh vắng tiếng gầm cọp beo, mất hút những tiếng “tác, tác” của mển, cheo, tiếng gà rừng gáy trưa… cả đất nước này, cả thế giới đều lâm vào thảm trạng não nề đó.

12 giờ trưa tới Dốc Trâu, những động cát trắng phau, cao ngút nối dài tới gần Ngãnh. Đứng dưới phải hất mặt lên mới đụng ngọn. Vẻ hoang sơ của nó đang bị tô vẽ bộ mặt mới. Những cọc bê tông cắm xuống, hàng rào lưới quây nhốt gà vịt, vài nhà cao tầng chen ngang… Nhìn ngang, ngó dọc, Thân Trọng Minh kêu lên, Dốc Trâu đẹp quá, có khi còn đẹp hơn Dốc Lết! Không rõ, nếu Huyền Chiêu Khuất Đẩu mà nghe “phát ngôn” này có dậy lòng tự ái hay không?

 

Dốc Trâu. Bãi biển đầy thuyền thúng. Xa xa là Hòn Bà, Lagi

 

Bữa trưa đúng phong vị biển, bởi nơi quán tiếp với biển với những thuyền thúng câu mực, thả lưới bắt cua ghẹ đang thả mình trên bãi sau một đêm dài lên đênh trên ngọn sóng. Nếu như các cụ Tản Đà, Vũ Bằng có sống lại và ngồi đây, lúc này, hẳn cũng không thể lắc đầu, bởi sự chọn lựa món ăn từ một người sành ăn như anh Minh thì không ai chê nổi. Trước đó mấy phút, các vệ binh của Long hải Diêm vương còn vươn vòi, ngo ngoe càng, giương vây bơi lội quanh hồ nhỏ, giờ đã đổi màu nằm im trên dĩa: mực luộc, tôm hấp, cua biển rang me, cháo cá mú… khiến tôi có cảm giác như chiếc bàn ăn sắp bị lún sâu xuống nền cát vài phân!

 

Mùi gió biển, mùi tôm cua, sóng biển vỗ rì rào, chân trần chạm trên nền cát ướt và những chàng thanh niên U 80 như đang ở một thế giới khu biệt với cái ồn ào “dzô, dzô…” rất kém vệ sinh trong thành phố.

Trong bữa ăn đầu tiên (của chuyến “đi bụi”), chỉ quan sát lần đầu, tôi đã khám phá ra điều thú vị: Trời sinh ra cha con Thân Trọng Minh và Triết là một cặp đôi hoàn hảo, là hai người bạn nâng đỡ và chia sẻ cùng nhau. Không có hai người thì món ăn kém hương vị, ly rượu mất chất ngọt ngào, khói thuốc không còn những vòng trắng mơ mòng khiến sóng biển thôi vỗ vào bờ và nước biển cũng nhạt đôi phần?

Nhưng với chàng họa sĩ Cóc thì ngược lại. Chừng mực như một vị chân tu. Ăn nói nhẹ nhàng, bước chân rón rén… Vì vậy tôi mới rõ vì sao anh bị “cà lăm” với mối tình đầu và mãi mãi cà lăm với những mối tình không tên tuổi, khiến anh trút hết tinh lực vào những đường nét, màu sắc trên những bức tranh của anh lúc nào cũng mang phong thái của tuổi dậy thì, khiến chị Kim Quy phải lòng, khiến những bức tranh anh tặng (Bến đỗ), tôi luôn treo ngược lên vách: doi đất hay thuyền câu giữa dòng sông, hai bờ cây cong xuống điệu đà xanh mướt tôi lật chổng lên cho mặt trời thành mặt trăng ngâm mình giữa dòng nước lạnh băng của Lý Bạch?

Riêng ông bác sĩ, nhà thơ, du sỹ, thiền sỹ, cư sỹ… thì phong thái đời và đạo trộn lại làm một. Từ cái ăn, cái ngủ chí cách đi đứng nói cười…tôi có cảm giác thiệt và giỡn nơi anh chính là giỡn và thiệt. Anh thở mà không thở, ăn như không ăn mà ăn! Đáo bỉ ngạn rồi chăng? Đêm ngủ cùng phòng, anh cho ếch kêu vang dậy, lúc ồm ộp, khi nỉ non ai oán như mùa chúng động dục, đến nỗi tôi phải vác chăn ra hành lang nằm, phải thêm vài ba ly rượu để ngủ vùi. Nhưng khi ngâm mình dưới nước biển, tôi mới “ngộ” ra: ếch kêu là ếch không kêu. Những tối tiếp theo, tôi đánh một giấc dài không mộng mị chiêm bao. Anh xem, tôi cũng mon men tới chỗ “đạo khả đạo phi thường đạo” rồi đó chăng?

Đỗ Hồng Ngọc (Ngãnh Tam Tân, Mõm Đá Chim 21.6.2020, ảnh NLU)

 

Đây là lần thứ hai tôi đến Ngãnh, mỏm Đá Chim, Tân Hải – La Gi. Nhưng nếu có lần thứ ba, thứ tư… tôi vẫn. Bởi đây là vùng biển còn hoang sơ, chưa bị nền văn- minh-công-nghiệp-không-khói tra tấn.

 

 

Bãi nông, cát trắng phau, dấu chân người và rác thải vẫn còn mắc cỡ. Bến cá thu nhỏ một góc rất sạch sẽ. Người dân thì hiền và chơn chất như thời cọp beo đông hơn người xứ này. Rổi bờ chào mời các loại hải sản nhưng không chèn ép, thách giá… khác xa với cái táp nham của biển Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn… Nhưng liệu nó còn trụ vững tới bao lâu khi mà nước biển mát lạnh giữa mùa hè, sóng lăn tăn không ồn ào dữ dội. Không ai đoán được. Vì những cọc bê tông đang thọc sâu xuống nền đất, rải rác quanh đây. Thôi thì cứ theo phép thắng lợi tinh thần giỡn là thiệt, ếch kêu là ếch không kêu, tha hồ ngâm mình vẫy vùng một góc hẹp ở biển, hít thở khí trời trong veo chót Mỏm Chim, vùi trong nắng và gió ở Ngãnh phủi gọn mọi triền phược đeo bám quanh người.

 

Nhóm bạn “giang hồ vặt”
20.6.2020

 

 

Khu mộ Nguyễn Hữu Ngư (Nguiễn Ngu-Í) tại Ngãnh Tam Tân (ảnh ĐHN, 2020).

 

 

 

 

 

 

 

Ngay tại Ngãnh Tam Tân này còn có ngôi mộ của nhà văn Nguiễn Ngu Í và song thân.  Tôi nghĩ cụ Nguiễn Ngu Í đã chọn mảnh đất tuyệt đẹp này làm nơi an nghỉ cuối đời là hoàn toàn đúng đắn. Lắm người ao ước mà biết có được chăng?

Hôm sau, anh Đỗ Hồng Ngọc lại hướng dẫn ra Phan Thiết theo con đường sát biển để ngắm nhìn nước biển trong xanh, trời xanh mây trắng, nhìn bãi Đá Nhảy từng hòn chồng lên nhau, làm tôi nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Đức Sơn:

“Trên biển vắng bánh xe đời lóc cóc

Anh thật tình mát mẻ giữa hư vô”

(Dặn dò một mai, NĐS)

Bãi Đá Nhảy (Kê Gà, ảnh NLU)

 

Đây là vùng Mũi Kê Gà nổi tiếng với Hải đăng trên trăm năm. Cuối bãi Đá Nhảy có thể nhìn thấy Mũi Né xa xa, định vị được lầu Ông Hoàng. Trước khi ăn món cơm gà đặc sản Phan Thiết, anh đưa chúng tôi đi thăm Thanh Minh Tự, xem cây me trên 200 tuổi giữa trưa nắng chan chan. Ngôi chùa nhỏ, ngói tường, rường, cột kèo xiên trính từ xa xưa còn sót lại lẻ loi, lạc lõng giữa những căn biệt thự, nhà, phố sầm uất, thênh thang…Không quên ghé thưởng thức món chè Mộng Cầm thiệt ngon.

 

Thanh MInh Tự, Phan Thiết

Đoạn trở lại Mỏm Đá Chim, không theo đường cũ mà vòng qua núi Tà Cú, tôi mới chợt nhớ quê hương của Đỗ Hồng Ngọc còn có một ông nhà văn Nguyễn Hiệp, nhà dưới chân Tà Cú, với truyện Dưa huyết đọc rất ấn tượng, rồi lại lai rai nhớ ra xứ Phan Thiết Bình Thuận có rất nhiều người tài hoa, lớp trước lớp sau kể không hết: Hoài Khanh, Từ Thế Mộng, Nguyễn Bắc Sơn, Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Như Mây, Đồng Chuông Tử, Hồ Việt Khuê, Liên Tâm… Hèn chi mà mọi người dân già trẻ gái trai đều biết đến anh, nhớ đến ông BS ra tay chữa bệnh cho em bé không cần thuốc (em bé nay đã là thiếu nữ 20 tuổi). Tình cờ đọc được tạp bút của Bạch Vân Nhi trên giai phẩm Hoa Biển (tháng 4-2020 chi hội VHNT La Gi), có đoạn ngắn nhưng vô cùng trang trọng: “Mình cũng luôn tự hào rằng quê mình có những người giỏi giang như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc… nhớ Lê Quý  Đôn viết trong Vân Đài Loại Ngữ: Người ơ vùng biển thì giàu trí tuệ, người ở vùng núi thì giàu nhân nghĩa…”.

Ôi chào, đọc tới đoạn này tôi sướng rơn, thơm lây vì được là bạn là em của ông giỏi giang, sướng ngất trời mây trắng bay!

Ba ngày ở biển La Gi chỉ để đầm mình trong nước mặn, hít thở khí trời; có những nơi biết rồi không đến (Dinh Thầy Thím, chùa Phật Quang…), có nơi chỉ ngang qua nhìn (bến cá sông Dinh, tượng Phật nằm trên Tà Cú), rồi quay về chốn bụi bặm phù sinh.

Thiền viện Viên Chiếu

Nhưng còn cố níu kéo, thanh tẩy bợn cặn sần sùi, sân si, … trong người, bèn kéo nhau viếng Thiền viện Viên Chiếu, diện kiến các sư nữ Như Đức, Viên Thể… các bậc chân tu theo đúng nghĩa, ăn trái cây, hưởng lộc Phật và đứng trước cây rơm vừa vi vu đất trời mang mang vừa nhớ lại tuổi ấu thơ chăn bò, gánh rơm, đốt đồng, nướng khoai nhổ trộm… Quá 70, một chút trẻ con may mắn còn sót lại.

Nếu có ai lỡ miệng hỏi, có muốn đi nữa không? Đi. Chỉ trong một sát na trả lời. Đi. Để được ngồi giữa rừng cây vên vên ở Bưng Riềng, đi để được ăn bánh xèo nức tiếng Tân Hải mà không ăn, để được cầm miếng chả lụi quấn vào bánh tráng rau thơm, ăn chè Mộng Cầm, gối đầu lên cát nghe biển thì thào bên tai như người tình hát ru thời trai trẻ…

 

(NgLu, 26.6.2020)

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Vài đoạn hồi ký

Để Làm Gì: Nghĩ đến câu trả lời!

13/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Đọc sách

ĐỂ LÀM GÌ, nghĩ đến câu trả lời!

Phan Chính

Bìa tạp bút “Để Làm Gì” của Đỗ Hồng Ngọc, 2020

 

Tập sách ĐỀ LÀM GÌ của Đỗ Hồng Ngọc dày 416 trang, do Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh ấn hành tháng 5/2020 với 68 tạp bút và phụ lục. Cũng với khổ vuông 17x17cm như xưa nay của tác giả Đỗ Hồng Ngọc/ Đỗ Nghê trên hàng chục đầu sách dù là thơ, tùy bút, tản văn về các đề tài thiền học, Phật học hay sức khỏe, gia đình…

Dễ tưởng Để làm gì là một câu hỏi (?) nhưng thật ra tác giả đã tự hỏi với mình từ tập tản văn “Về Thu Xếp Lại” năm 2019 mới đây. Anh hỏi mình mà không trả lời và như trong Lời ngỏ: “…không thể không trầm ngâm ngẫm ngợi với “để làm gì”, với “sáng, trưa, chiều, tối”… như một câu thơ của Vũ Hoàng Chương “Ta đã làm chi đời ta”, có thể thấy đã “giải mã” cho cái tựa bỏ lửng phần nào! Trong tập có đến chục bài anh viết từ ký ức một thời tuổi thơ, về bạn văn thân thiết, về mảnh đất Phan Thiết, La Gi (Vơ vẩn cùng Mây, Thy đạo, Lẽo đẽo phương quỳ, Về Phan Thiết, Bãi Phan Thiết, Biết bao điều thì thầm, Một chuyến đi hụt…). Cái tình đó đã ngấm từ thời còn trẻ, dường như từ thuở “Mũi Né ơi người xưa đã xa/ Mùa ơi gió bấc nhớ không ngờ”… là một câu thơ trong bài “Mũi Né” của anh đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1970. Ở phần Bạt, nhà thơ Trần Vấn Lệ (cùng quê Bình Thuận) viết: “Đỗ Hồng Ngọc cho ra đời đúng lúc tập tùy bút ở tuổi tám mươi này. Chúng ta thử nghĩ rằng mình đang gặp lại cái gì đây, chuyện gì đây, người nào đây… và các bạn sẽ gặp lại chính mình”. Cũng ở phần Bạt, nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh viết: “Nhìn những bong bóng nước vỡ tôi thấy mình quá thắm thía câu tủm tỉm, để làm gì. Có phải khi người ta bình yên nói để làm gì là lúc người ta buông bỏ mọi mong cầu, là lúc người ta không còn đôn đáo với những mục tiêu mà mới đây thôi đã là điểm cho họ hăm hở bước đến?”

Nhiều cái tưởng là chuyện “cà kê dê ngỗng” theo anh nói, mà rất tinh tế, đầy ắp sự rung động, mặn mòi. Như ở “Bãi Phan Thiết” (trang 237), Đỗ Hồng Ngọc viết: “Bãi ở đây dĩ nhiên là bãi biển rồi! Không thể không thiên vị khi nói về bãi biển Phan Thiết của tôi. Với tôi, đó là một bãi biển tuyệt đẹp, đẹp nhất… thế giới, chạy từ Cà Ná đến Cù Mi, qua Cổ Thạch, Mũi Né, Kê Gà, La Gi đến tận Bình Châu-Bà Rịa”. Theo anh, ẩm thực quê nhà bao giờ cũng là ngon hơn cả: “Dân Phan Thiết thường cho rằng bánh Căn xứ mình là… ngon nhất, đúng “chuẩn” nhất! Bánh Căn thực chất là một món bột gạo nướng, ăn với nước mắm. Có lẽ vì nước mắm Phan Thiết nổi tiếng nên bánh Căn Phan Thiết… cũng ngon hơn các nơi khác chăng” (Về Phan Thiết-trang 234).

Tản mạn trong tập là những nơi anh đến, những chỗ anh ngồi và những khoảnh khắc cho anh nhiều kỷ niệm… Đó đây từ miền bắc, Hà nội đến Huế, Tây nguyên, rồi miền Tây sông nước và xa nữa Boston, Paris, Melbourne, Cà-tì-la-vệ (Nepal)… Chuyện bạn bè, Đỗ Hồng Ngọc không thôi nhớ đến một thời quá đẹp với tạp chí văn chương Ý Thức từ 1967 ở Phan Rang chỉ in ronéo, rồi chững chạc typo giữa Sài Gòn với tài quán xuyến của Nguyên Minh. Những bút danh định hình cho đến sau này như Lữ Kiều (trg.56), Lữ Quỳnh (trg.183), Lê Ký Thương (trg.199), Trần Hoài Thư (trg.120), Trần Hữu Lục, Võ Tấn Khanh (trg.202), Ngụy Ngữ… và Đỗ Nghê/Đỗ Hồng Ngọc cũng từ đó.

Vẫn một phong cách viết dung dị, gợi mở, trầm tư để người đọc ngộ ra nhiều điều thú vị và đôi chút ngậm ngùi của yêu thương. Nhưng rồi mình cũng nhận ra được câu tự trả lời “để làm gì” với dòng sông đời đang chảy.

 

(PC, Lagi)

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Hai Trầu: Nghề Nuôi Vịt Hãng

05/05/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Nghề Nuôi Vịt Hãng

 

Ghi chú: Anh Hai Trầu – Lương Thư Trung- năm nay tuổi cũng bộn, gần tám chục, hay ngồi buồn nhớ chuyện xưa, vừa gởi tôi “Lá thơ gởi anh Năm Hiền” kể chuyện một thời anh làm ruộng, giăng câu, chăn vịt đẻ… ở Mặc Cần Dung, Kinh Xáng Bốn Tổng… miệt Long Xuyên Sa Đéc rất thú vị.

Lương Thư Trung là tác giả nhiều sách viết về đời sống Nam bộ hơn nửa thế kỷ trước, trong đó cuốn Mùa Màng Ngày Cũ rất được bạn đọc ưa chuộng. Anh nói sẽ bổ sung thêm bài “Nghề nuôi vịt hãng” này… khi tái bản.

Tuy là “Lá Thơ Gởi Anh Năm Hiền”, thiệt ra, anh Hai Trầu cũng muốn gởi tới anh em bạn bè thân quen.

Vậy nên, xin chia sẻ chút tình nơi đây.

Đỗ Hồng Ngọc

(5.5.2020)

……………………………………………….

Lá Thơ Gởi Anh Năm Hiền

(Nhơn những ngày không đi ra đường vì Covid-19)

 Nghề Nuôi Vịt Hãng

 

Houston ngày 28 tháng 4 năm 2020

 

Nói về nghề nuôi vịt ở các vùng Mặc Cần Dưng, Cần Đăng,  Kinh Xáng Bốn Tổng… thuộc Long Xuyên hoặc Mỹ Hội Đông, Mỹ An Hưng, Gia Vàm… thuộc  Lấp Vò tỉnh Sa Đéc, người ta nuôi vịt dọc đường thì mỗi nơi nuôi mỗi khác nhưng có chung một bắt đầu là đi đặt vịt con và hốt vịt cùng một mùa.

Thập niên 1950-1960, ở Mặc Cần Dưng lúc bấy giờ còn làm lúa mùa, tới mùa lúa chín rồi người ta cắt gặt, trâu bò kéo lúa vô sân gom thành cà lang cao vòi vọi, xong đâu đấy nhà nông mới bắt đầu ra bã và rồi đem bò trâu ra đạp lúa; lúc bấy giờ đồng trống chỉ còn trơ gốc rạ và lung vũng nhiều chỗ còn nước đọng lại và những người nuôi vịt mới lùa vịt lên đồng cho vịt mò cua ốc và ăn lúa đổ, lúa rụng. Hôm nay cho vịt ăn miếng ruộng này, ngày mai họ lại lùa vịt cho ăn miếng ruộng khác; và như vậy cho tới khi nào đồng khô hết lúa thì thôi! Nhưng hồi đó cũng chưa có ai gọi nuôi vịt như vậy là “nuôi vịt chạy đồng”  hoặc nuôi vịt hãng. Sở dĩ gọi vịt hãng vì vịt này do các lò, các hãng ấp trứng vịt sản xuất vịt con hằng trăm hằng ngàn con nở cùng một lượt nên mới có cái tên như vậy.

 

Internet

 

Anh Năm chắc thắc mắc sao gọi là “hốt vịt” chứ gì? Tại vì dân quê ưa dùng chữ nào tượng hình và đơn giản, dễ hiểu! Thí dụ gặp cái gì nhiều quá mà mình muốn lấy cho mau thì hốt, còn lượm thì lượm như mót lúa sót thì lượm từ bông từ bông biết bao giờ mới đầy bồ? Ở đây cũng vậy, tới hãng ấp vịt đâu có lựa vịt tốt vịt xấu gì vì con nào cũng giống như con nào cứ lấy thúng giạ rồi đếm năm trăm, bảy trăm hoặc một ngàn con cho mau lẹ đặng còn đem vịt về lo nuôi nữa nên người ta gọi “hốt vịt” là do vậy!

Nói làm chuồng nghe cho vui vậy thôi anh Năm; chứ thiệt ra là người ta lựa chỗ nào bằng phẳng cặp mé mương hoặc mé ao rồi lấy lưới hoặc đăng ven xung quanh một nửa nằm trên đất, một nửa nằm dưới nước và thả vịt vô đó cho nó ở. Lúc đầu mới về vịt con còn mệt, người ta chưa cho nó ăn, qua ngày hôm sau thì lấy tấm mẳn cho vịt ăn, dần dần vịt quen cái quen nước rồi mình mới cho vịt ăn gạo lứt, rồi dần dần vịt lớn chút nữa bắt đầu cho vịt con ăn tép, ăn cua, ăn lúa hột. Vào mùa này là mùa nước cũng sắp lên rồi, có thể người ta thả vịt ra đồng cho vịt mò cua mò cá tép; hoặc người ta độn mô xúc lùm bắt cua tép cho vịt ăn cũng tiện…

Nuôi vịt đúng ba tháng là tới giai đoạn lựa vịt trống đem ra chợ bán, chỉ chừa lại vịt mái nuôi tiếp để cho chúng đẻ. Giai đoạn lựa vịt trống đem ra chợ như vậy người nhà quê gọi là “vịt tuyển cồ”. Thường thường mỗi một trăm con vịt mái người nuôi chỉ giữ lại chừng năm ba con vịt trống thôi, không để vịt trống nhiều vì nuôi vịt trống nhiều quá chúng giành nhau đạp mái nên khi vịt đẻ trứng, trứng ít có trống; vả lại vịt trống nhiều quá chúng ăn hao lúa mà trứng không có trống thì khi mình bán trứng vịt cho lò người ta lại mua giá rẻ mạt hà!

Làm sao biết trứng nào có trống, trứng nào không chứ gì? Cầm cái trứng vịt đưa lên chỗ ánh sáng, lấy bàn tay che lại một chút, sẽ thấy ở đỉnh đầu của trứng vịt có một vết bằng đầu đũa hơi sậm hơn các vùng xung quanh thì trứng vịt này có trống; còn bằng như mình hổng thấy chỗ nào đậm ấy chắc chắn  trứng này hổng có trống; trường hợp này mình để riêng ra để bán cho các bạn hàng ở chợ và gọi loại hột vịt này là hột vịt lạt đối lại với hột vịt muối mà mình ưa ăn với cháo trắng ở nhà lồng chợ Long Xuyên là hết sẩy!

Sao phải sau ba tháng kể từ ngày bắt đầu nuôi vịt con rồi mới tuyển cồ? Sở dĩ phải đợi tới ba tháng như vậy vì lúc bấy giờ vịt bắt đầu lớn bộn rồi, phân biệt được con nào là vịt trống và con nào là vịt mái rồi. Theo đó thì vịt mái hổng có gì thay đổi, còn vịt trống ở chỗ lông đuôi có những chiếc lông nó cong lên và người lựa những con vịt có lông đuôi quéo lên như vậy đem bán cho người ta mua về ăn thịt, ít khi nào bị lầm giữa trống và mái lắm!

Người nào nuôi vịt giỏi thì sáu tháng có thể vịt đẻ. Khi vịt đẻ như vậy người nhà quê gọi là “vịt rớt hột”. Khi vịt đẻ nhiều thì người ta gọi là “vịt đẻ rộ”, và ngày nào vịt cũng đẻ nhiều như nhau dân quê gọi là “vịt đẻ đều”. Khi vịt trong bầy đẻ hết rồi mà khi lùa vịt lên đồng cho chúng ăn lại có con chưa đẻ kịp, và chúng đẻ dọc đường người nhà quê gọi “vịt đẻ rớt”.

 

Internet

 

Thường thường mấy người nuôi vịt đẻ cắt lá chuối khô buộc lại thành từng chùm, từng chùm lớn bằng cái thúng giạ đựng lúa rồi treo ở một góc trong chuồng vịt. Tùy theo số vịt nuôi nhiều hoặc nuôi ít mà người ta làm lùm lá chuối cho đủ chỗ để chúng thay phiên nhau vào đó để đẻ. Nếu vịt ăn uống đầy đủ thì khoảng từ ba giờ sáng vịt bắt đầu đẻ cho dĩ chí tới năm giờ hoặc sáu giờ sáng là vịt đã đẻ xong. Chúng vui lắm, con nào tới cử đẻ thì chun vô mấy cái lùm lá chuối là đẻ, đẻ trứng xong là chun ra, rồi con khác lại chui vô và đẻ tiếp; cứ liên tiếp như vậy, sáng ra người nuôi vịt cứ vén mấy chum lá chuối lên là lượm trứng. Tùy theo vịt nuôi nhiều hoặc ít mà trứng nhiều trứng ít; nhưng trung bình một bầy vịt mà nuôi cho nó ăn đủ sức thì thường thường khoảng 100 con có tới 90 con đẻ trứng, nếu như nó đẻ ít hơn là nuôi vịt hổng có lời.

Lựa chỗ làm nền chuồng vịt là một trong những yếu tố làm cho vịt đẻ bền. Chỗ rậm rạp hay chỗ đất nhị tì thì chuột bọ dễ làm ổ, làm hang; do vậy nên khi đang lúc vịt ngủ mà mấy con rắn, mấy con chuột này từ các gò mả lùm bụi ấy xuất hiện thì vịt sẽ giựt mình và chúng chạy náo loạn trong chuồng, có khi vì chạy hoảng loạn như vậy sẽ làm chúng bị giập trứng nên nín đẻ luôn là vậy. Còn chỗ nền chuồng ở bờ đất cao thì mỗi khi bầy vịt hì hụt bò về chuồng cũng dễ làm cho vịt bị giập trứng, nên chúng ngưng đẻ dù đang giữa mùa đẻ trứng.

Nuôi vịt đẻ tới mùa chúng cho trứng ham lắm. Mấy năm về quê làm ruộng tôi có nuôi vịt đẻ nên ham lắm nhưng tới mùa vịt hết đẻ thì lại rầu vì vịt ăn dữ lắm, nếu lúc vịt đẻ mà mình hổng cụ bị mua lúa dự trữ để khi vịt thôi đẻ thì coi như bầy vịt của mình khó mập và đẻ đều như lúc chúng ăn uống đầy đủ.Đó là tôi kể là lúc mùa màng thời tiết bình yên, thuận lợi; còn gặp lúc trái gió trở trời thì vịt dễ sinh ra dịch bịnh mặc dù khi bắt vịt con về là người ta đã chích ngừa cho chúng rồi. Bầy vịt bị bịnh, dân nuôi vịt hổng gọi vịt bịnh mà gọi là “vịt bể”hoặc “vịt bị bể”! Hồi đời xưa lúc còn làm lúa mùa, lúc chưa có thuốc chích ngừa, chưa có thuốc trị bịnh cho vịt thì người ta tìm cách dời chuồng vịt đi nơi khác; mấy năm sau này khi có thuốc trị bịnh cho vịt, thì một mặt người ta dời chuồng vịt đến chỗ mới và mặt khác chích thuốc trị cúm cho chúng cũng như có con vịt nào chết vì bị bịnh thì tuyệt đối mình không ăn vịt chết và cách tốt nhứt là lấy rơm đốt mấy con vịt bị chết này cho cháy vàng lên, nếu được ở gần nhà thì thả xuống ao hồ cho cá nuôi dưới đó ăn cũng tiện. Tuy vậy cũng có lúc có nhiều bầy vịt “bị bể” nặng quá thì coi như phủi tay luôn và khăn gói về nhà với hai bàn tay trắng! Bởi vậy ở nhà quê người ta có một câu nói rất quen như một lời khuyên, một lời cảnh giác mà hàm súc: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”.Và bây giờ sau năm sáu chục năm qua rồi, nay khi tôi ngồi nhẩm tính lại thì tôi thấy lời nói ở cửa miệng nơi nhà quê như tôi vừa nhắc vậy mà nó trúng dữ lắm!

Vài hàng kể chuyện về việc nuôi vịt hãng để anh Năm nghe chơi cho vui. Âu đó cũng là một phần đời mà có bận tôi đã trải qua với những năm tháng tôi sống với nghề làm ruộng, rồi giăng lưới giăng câu, và cả cái nghề nuôi vịt đẻ nữa. Nhớ lại mà bùi ngùi, mình đã có một thời quá lam lũ và cực nhọc đến vậy!

 

Hai Trầu

(Lương Thư Trung)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định

thơ Trần Vấn Lệ: Chuyện Về Con Ngựa Trời

21/04/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Chuyện Về Con Ngựa Trời

 

 

Con ngựa trời trên trời?

Chắc chắn là như thế!

Nó là con ngựa bé

Chỉ bé bằng ngón tay!

 

Nhưng nó có cánh bay

Bay trong trời rất rộng

Gặp phải ngày gió lộng

Nó giạt cuối chân mây?

 

Tôi gặp nó hôm nay

Giữa một ngày nắng đẹp

Tôi không việc gì hết

Nhìn nó dạo vườn hoa…

 

Như tài tử đi qua

Hàng giai nhân cười nụ

Nó đúng là tài tử

Hoa đúng là giai nhân…

 

Không có hoa bâng khuâng

Không có ai ngơ ngẩn

Chỉ có gió thỉnh thoảng

Đưa mùi hương phấn hoa…

 

Con ngựa trời đi xa

Hàng giai nhân đứng mãi…

Dám có nàng con gái

Mai này sẽ sang ngang?

 

Tôi nghĩ thế, mơ màng

Ước ao mình là ngựa

Đi về lại chốn cũ

Là Quê Hương mịt mùng…

 

Nhưng con ngựa trên lưng

Không có ai cỡi nó

Cánh nó tung trời gió

Nó bay nó đã bay…

 

Tôi tả gì hôm nay?

Bài thơ tôi vẽ chuyện!

Cái khẩu trang che miệng

Thơ cứ ngậm trong lòng…

 

Nhớ một thuở núi sông

Nhớ phương trời thăm thẳm

Nhớ ai choàng áo ấm

Đà Lạt sớm mai sương…

 

Nhớ các em tới trường

Gió bay lá khuynh diệp

Nhớ Sài Gòn tiếp tiếp

Lá me bay đường hoa…

 

Chuyện gì cũng đi qua

Một bài thơ để lại

Ai là người con gái

Giữa mùa phượng trổ bông?

 

Trần Vấn Lệ

Filed Under: Già ơi....chào bạn

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 17
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

TẠP GHI (Lõm bõm…) kỳ 3

Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)

TẠP GHI (Lõm Bõm)

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Vài ngày về thăm Lagi, Phan Thiết…
  • Ngày của Cha – Happy Father’s Day
  • Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022
  • Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…
  • Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Giới thiệu
  • Đinh Hà Duy Linh trong Giới thiệu
  • Hồng trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Buổi trò chuyện về Thiền “Quán Niệm Hơi Thở”
  • Cao Huy Khiem trong Buổi trò chuyện về Thiền “Quán Niệm Hơi Thở”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “Xả”… stress !
  • “Xả”… stress ! | suonglamportland trong “Xả”… stress !
  • Phan Công Khương trong Nguyễn Mậu Pháp: CẢM NHẬN  “VỀ THU XẾP LẠI…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Có một “nghệ thuật”… ngủ!
  • Ngọc Trâm trong Có một “nghệ thuật”… ngủ!

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email