Có một buổi “khám bệnh” như thế
(Trâm Anh kính gửi tặng bác Đỗ Hồng Ngọc)
Sau 30 phút trò chuyện, hỏi han ân cần như một người bạn với một người bạn, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kết lại với Ba tôi, một bệnh nhân 84 tuổi – từ Buôn Ma Thuột xuống chữa bệnh 2 tháng nay tại TP.HCM (cho Ba, Mẹ tôi và cả tôi cùng nghe) như vầy:
“Với một người ở tuổi 84-85 và cũng không sợ chết như anh nói, thuốc men chỉ có tác dụng chữa trị bệnh một phần thôi. Sức khỏe của anh xét ở mọi góc độ, tôi chấm là 8,5 điểm đó, còn ngon lắm đó, không hề tệ đâu! Giờ anh chịu khó tập những động tác cho cơ, xương, khớp như tôi hướng dẫn để giúp máu lưu thông. Ăn uống khá lên. Ngủ nghỉ đầy đủ. Phần quan trọng còn lại là bồi bổ cho ‘sức khỏe tinh thần’.
Tinh thần cần gì? Cần kết nối với bên ngoài thay vì thu mình vô trong. Cần đưa mình ra khỏi chiếc vỏ ốc cô độc và buồn phiền, chỉ nghĩ đến cái đau và cái bệnh của mình. Cần gặp gỡ bạn bè ‘tán dóc’ chuyện xưa chuyện nay (dù số bạn bè thân thiết cùng trang lứa chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, hay xa cách cả đại dương không biết có lần nào gặp lại nữa không!)… Đó chính là thuốc của lứa tuổi này, của tụi mình, anh à!
Anh còn xem tivi, còn đọc sách báo hàng ngày là tốt rồi, nhưng còn sở thích gì khác không? Văn nghệ, làm thơ? Mấy cô bạn gái cũ giờ còn liên lạc ai không (cười khà khà)…”
Nghe bác sĩ Ngọc hỏi về bạn bè, sở thích, World Cup này nọ, hỏi Ba có sợ chết không, Ba trả lời lần lượt, và cười. Một nụ cười thoải mái hiếm hoi lắm tôi mới thấy lại từ khi Ba đau. Trong khi trước đây Ba tôi vốn là một ông già cởi mở, có khiếu hài hước và hay cười.
Hơn hai tháng nay khi đưa Ba đi khám bệnh, gặp nhiều bác sĩ với tuổi đời và học vị khác nhau, từ bệnh viện này qua bệnh viện khác, hết khoa nọ khoa kia, tôi mong mỏi “gặp thầy gặp thuốc” nào đó giúp Ba giảm đau nhức-tê chân, giúp Ba ngủ được; thậm chí chỉ mong bác sĩ nào đó nói chuyện “tào lao” với Ba nhiều xíu trong lúc khám để ông phấn chấn, lạc quan hơn. Nhưng hầu như ai cũng khám cho Ba như bệnh-nhân-nhiều-tuổi chứ không phải một người già đang bất lực vì cái đau bệnh già. Bản thân Ba cũng thấy hụt hẫng vì có khi chờ đợi cả tiếng để đến lượt khám mà bác sĩ không nhìn tới chân đau của Ba, chỉ hỏi và kê toa .
Mấy tuần trước, trong lúc chính tôi cũng “tuột mood” vì không giúp gì được hơn cho Ba, tôi liều nhắn tin cho bác Ngọc, hỏi thăm ông liệu có cách gì cho Ba đỡ đau, cải thiện tình trạng sa sút tinh thần và thể chất của Ba. Gọi là “đánh liều” vì tôi và Ba Mẹ là độc giả sách của BS Đỗ Hồng Ngọc hơn 20 năm nhưng chỉ mới được gặp gỡ trực tiếp và trò chuyện với ông một lần trong buổi giao lưu của ông tại Hội quán Các bà mẹ mấy tháng trước mà thôi.
Bác Ngọc cho tôi vài lời khuyên và bất ngờ gọi lại cách đây mấy hôm, hỏi về tình trạng của Ba và hỏi tôi có thể đưa Ba tới Hội quán để ông thăm bệnh giúp không? Ông còn nói đùa là ông chỉ “khám chui” vì đã không khám phòng mạch tư mười năm rồi.
Thật sự, cho đến giờ Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là bác sĩ duy nhất hỏi đủ thứ và nói với Ba tôi những điều không nằm trong chỉ số xét nghiệm máu và trong toa thuốc. Từ thuốc bổ không nằm trong toa đến chế độ ăn, từ thuốc huyết áp đến vấn đề tiêu hóa. Đúng hơn là một cuộc “tư vấn tinh thần” của một bác sĩ về hưu đã từng viết rất nhiều sách tâm lý cho tuổi già. Mà ông bác sĩ hiền từ này chỉ thua bệnh nhân là Ba tôi 2 tuổi thôi.
7 giờ sáng nay (28.11.2022) tôi nhận tin nhắn bác Ngọc: “Nhờ con để ý coi Ba con có vui hơn, có “thoải mái” hơn sau buổi gặp Bác không nhé”.
“Dạ, con sẽ để ý và chia sẻ cho Bác ạ“. Tôi gửi tin nhắn đi với lòng biết ơn tràn ngập. Tôi biết toa thuốc tinh thần chính là một ưu ái mà vị bác sĩ nổi tiếng – tác giả sách đáng kính đã dành cho Ba mình.
Hôm qua khi tôi chia sẻ hình và video bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thăm khám Ba cho anh chị ngoài quê xem, anh trai tôi đã nói vui: “Ông đúng là Idol của Ba!”.
Cảm ơn chị Thanh Thúy – HQCBM đã hỗ trợ mối duyên này!
SG, 28/11/22
Ngô Thị Trâm Anh
Để lại một bình luận