Thư gởi bạn xa xôi (5.2024)
“Nha Trang… ngày về”
Bạn biết không, bà xã mình thường “cằn nhằn” sao cứ đi hoài đi miết vậy, hết Huế tới Phú Yên, Mũi Né, La Gi, La Gàn, rồi Long Thành, Phan Thiết… Mình bèn “phản biện” bây giờ còn không đi, đợi hết đi nổi mới đi hay sao? Vậy đó, bạn thấy có lý không?
Cao tốc Saigon – Nha Trang vừa làm xong, phải đi cho biết chớ. Nghe nói thay vì đi 9, 10 tiếng như xưa, nay đã rút ngắn còn 5 tiếng thôi. Nghe nói cao tốc mà chưa có chỗ dừng nghỉ, vệ sinh, nên người ta phải nhảy rào, nay mới được dựng tạm mấy chỗ. Phải đi cho biết chớ.
Vậy là lên đường. Đúng là cao tốc có dễ đi hơn trước, nhanh hơn trước, chui mấy đường hầm cũng ngộ, đến Nha Trang chỉ mất hơn 5 tiếng thiệt. Ghé nhà hàng “Nha Trang xưa” ăn cơm xem sao. Có mấy món Bà ngoại làm trong thực đơn. Có ao sen, có chuối, có cau, có cầu khỉ… Ôi, đông khách quá.
Nha Trang thấy lạ hoắc. Đường xá thênh thang. Cũng còn Ga xe lửa. Nhà thờ đá. Nhứt định bắt bác tài phải chạy ra biển cho mình coi một chút. Ôi, 4 mùa đã khác, không còn các ki ốt, hàng quán… nào nữa. Chỉ thấy khách sạn cao ngút chen chúc dày đặc. Nhớ năm 1960, mình từng đi xe lửa ra Nha Trang một mình, tìm người bạn học Võ Tánh không gặp bèn cỡi quần áo nhảy ùm xuống nước tắm một mình rồi leo lên xe lửa về lại Saigon. Bây giờ đèo Rù Rì cũng không còn. Cầu Đá thì vắng vẻ… Chỉ còn khu Du lịch là náo nhiệt xí xô xí xào, tây đầm, âu á… Tự nhiên thấy bơ vơ, lạc lõng. May sao, chùa Long Sơn còn đó với tượng Phật vĩ đại trên đồi cao. Phía sau là chùa Hải Đức, nơi ngày xưa có thầy Tuệ Sỹ, Ni sư Trí Hải, các văn nhân Quách Tấn, Võ Hồng, Phạm Công Thiện… thường lui tới. Nay còn có thầy Phước An.
Ra Hòn Chồng uống Cafe. May sao còn có vài chỗ như Hòn Chồng có cafe fin. Còn hiện nay ở đâu cũng thấy toàn cafe máy. Bãi Hòn Chồng đẹp, thân thiện, đông vui. Tắm cái chớ. Uống dừa ba nhát cái chớ.
Rồi thăm bạn bè. Còn chẳng mấy. Khuất Đẩu & Huyền Chiêu ở Ninh Hoà, vợ chồng Võ Tấn Khanh ở Phan Rang… Ai cũng kêu con cháu đi khắp nơi, chỉ còn hai ông bà già lui cui.
Trên đường về, mình không đi cao tốc nữa mà đi Quốc lộ 1 để qua Cam Ranh, Phan Rang, Cá Ná… quen thuộc.
Gởi bạn vài tấm hình coi vui nhe.
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.
hai trầu viết
Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Dà, hôm nay tình cờ đọc được lá “Thư gởi bạn … xa xôi” của bác sĩ và nhớ đó tôi lại có dịp nhớ về Nha Trang ngày ấy cách nay 54 năm mà có lần tôi đã viết:
“… Chiếc phi cơ DC6 của Hàng Không Việt Nam từ từ giảm cao độ. Từ trên phi cơ, qua khung cửa sổ, phía dưới kia là nước biển với màu xanh lặt lìa đã ôm choàng lấy bờ cát trắng chạy dài uốn cong hình vòng cung tuyệt đẹp. Sau khi người phi công cho phi cơ lượn vài vòng trên không phận một thành phố dưới kia mà tôi nghĩ trong bụng đó là Nha Trang, nơi tôi sẽ dừng lại, chiếc phi cơ lăn bánh nhẹ nhàng trên phi đạo chạy dài. Trên chiếc xe ca của hàng không Việt Nam chạy vào thành phố thật chậm, tôi đã thật sự nhìn tận mắt Nha Trang với bao bỡ ngỡ và rồi tôi đã ở lại đó khoảng ba năm (1970-1973) với những ngày tuổi trẻ của mình…
Bạn có thể tưởng tượng Nha Trang như một kỳ quan với gương mặt sáng rực, nhìn xa xăm về hướng biển mênh mông mà lưng lại dựa vào vách đá núi vững vàng khôn tả. Nha Trang với bãi biển chạy dài từ Dinh Tỉnh Trưởng đến Hải Học Viện ở Cầu Đá, với dãy cát trắng mịn, với hàng dương như những ngọn tháp nhọn trầm mặc nhìn biển xanh, với hàng dừa dọc đại lộ Duy Tân lộng gió mà reo vui mang hương vị rong rêu của biển mặn bốn mùa.
Nha Trang với con đường Độc Lập sầm uất hai dãy phố như xương sống của thành phố, chạy từ nhà ga đến tuốt xuống chợ Đầm. Nha Trang với Tháp Bà cao sừng sững bên kia cầu Hà Ra, lúc nào thập phương bá tánh cũng về thắp hương khấn nguyện, cầu tế vị nữ Thần vô cùng linh hiển có từ mấy trăm năm. Nơi sân tháp Bà, còn lại di tích cỗ là mấy trụ nống bằng gạch chứng tích một thời thanh bình hát xướng những dịp tế Thần.
Dưới chân Tháp Bà, bên kia quốc lộ 1 là xóm Bóng với nhà nhà san sát của những ngư dân chài lưới. Vào Xóm Bóng các bạn nghe như đang trở về những vùng biển xa mù với những mẻ lưới đầy cá lúc mùa gió thuận mưa hòa của dân chài. Thuyền ghe ra đi vào buổi chiều rồi lại về tấp nập lúc hừng đông thật rộn ràng, thanh bình, an lạc biết bao nhiêu. Nha Trang còn có con đường Phước Hải, Chợ Mới, Nhà Ga, Rộc Rau Muống, Phương Sài rẽ ngang con đường Trần Quí Cáp.
Nha Trang với Thích Ca Phật Đài trên ngọn đồi cao về hướng tây, nhìn xuống thành phố với ánh mắt từ bi hiền hoà của Đức Phật như ban phát cho cư dân niềm thanh tịnh. Dưới chân Thích Ca Phật Đài là chùa Hải Đức, Phật Học Viện, Trường Bồ Đề, những trung tâm văn hóa Phật Giáo kỳ cựu. Nha Trang với cô nhi viện Bết Lê Hem cùng những mảnh đời côi cút của biết bao trẻ thơ vô tội. Nha Trang với những đôi tình nhân hò hẹn dưới những gốc bàng dọc con đường Bá Đa Lộc vào những đêm trăng sáng thơ mộng.
Nha Trang với trường trung học Võ Tánh, trường Bá Ninh một thời nổi tiếng. Nha Trang còn có cả một viện Pasteur, ngoại trừ Sài Gòn, mà các nơi khác không có. Nha Trang còn là thành phố của lính với những chàng trai trẻ mang trên vai các huy hiệu của mọi quân trường. Nào là Trung tâm huấn luyện Hải quân, Không quân, trường Đồng Đế, trung tâm huấn luyện Dục Mỹ, mỗi sắc màu quân phục biểu trưng một phong cách một thời, khó quên trong ký ức.
Nha Trang với Hòn Chồng để lại dấu chân người như một chứng tích thuở hoang sơ. Bên cạnh đó Hòn Vợ nằm e ấp như đợi chờ một ngày xum vầy, hạnh phúc. Cả hai đôi vợ chồng đá này cùng nhìn về hướng biển muôn đời như mong ánh mặt trời buổi ban mai ấp áp, tươi vui. Rồi nào là hòn Yến xa xa ngoài khơi in lên nền trời và vùng biển xanh bóng hình kỳ thú muôn đời. Về hướng đông bắc, Hòn Rùa đang bơi trên biển. Về hướng đông nam, Hòn Tre xanh biếc gần bờ.
Nha Trang còn có cả Thánh Kinh Thần Học Viện với con đường đi lên con dốc dẫn xuống Hòn Chồng như bò ngoằn ngoèo vào nơi chốn thiên thai thời Lưu Nguyễn. Tòa nhà của những môn đệ Thần học trầm mặc mà nghe tiếng sóng vỗ quanh năm như những nhà hiền triết đang suy nghĩ về những triết lý khôn cùng của tạo vật.
Nha Trang với trại cùi Núi Sạn thuộc quận Vĩnh Xương bên kia thành phố. Trại cùi là ngôi làng với những căn nhà gạch khang trang cùng đời sống của những bệnh nhân luôn chờ đợi tình thương từ những tấm lòng bác ái của mọi người khắp mọi miền, không riêng gì cư dân thành phố biển này. Tôi có dịp đến làng này vài lần trong những lần thăm viếng, ủy lạo vào những tháng ngày tôi âm thầm sống với Nha Trang thời tuổi trẻ ấy…”
Và tôi không quên “Nha Trang… ngày về” ngày nào như tựa đề lá “Thư gởi bạn … xa xôi” của bác sĩ.
Xin chân thành cảm ơn Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã gợi cho tôi nhờ về một thời tuổi trẻ của mình vào những năm tháng xa xăm ấy, cách nay hơn nửa thế kỷ!
Trân trọng,.
HT
Houston, ngày 15/5/2024