Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Trần Hoài Thư: Thư gởi Đỗ Nghê

17/02/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

blog trần hoài thư

Thư gởi bạn ĐN

February 17, 2020 by tranhoaithu

Bạn của một thời trôi nổi khó quên,

Tôi vừa nhận được “Biết Ơn Mình” bạn tặng do PVN chuyển. Cầm tập sách vuông vức, mỏng, với cái bìa chữ  nổi, bông nổi, trước hết là cảm xúc dâng tràn.

Tôi tự hỏi, từ trước đến giờ có một tác giả nào viết những lời biết ơn về “mình”  như bạn.  Từ trang  đầu đến trang cuối  bạn “biết ơn mình” nhưng thật sự bạn đã truyền cảm đến người đọc những kinh nghiệm, kiến thức, những lời khuyên hữu ích cho độc giả  của một y sỹ  qua tâm hồn lai láng của một nhà thơ.
Để người đọc thấy rõ về chính bản thân mình, thân thể mình mà càng yêu càng quí.

Gần 5 năm chăm sóc Y. ở nursing home, tôi càng hiểu về sự may mắn của một con người còn lành lặn tay chân, trí não… Những người bị Alzeimer, loạn trí. Những người bị stroke, không thể đi đứng, phải ngồi xe lăn,,, Có những người còn trẻ mà phải năm liệt giường… Nhìn họ, rồi nhìn mình, rồi dâng bao nhiêu niềm cảm tạ. Cảm tạ khi buổi sáng thức dậy, tung mền, thấy đôi chân vẫn còn mạnh. Cảm tạ khi mỗi ngày được nấu nướng, đi chợ, nấu thức ăn để mang vào nursing home . Thấy những người tàn phế ngồi xe lăn, thấy những người bị Alzeimer, thấy những người còn trẻ nhưng liệt bại… Lại càng cảm tạ cái xe mình.

Nhưng ngoài “Biết ơn mình”, với tôi cần phải cám ơn một cái gì khác. Nó là sợi dây kết nối lại giữa bạn và tôi.
Đó là văn chương.

Vâng, nếu không có văn chương thì chắc chắn đến bây giờ, tôi không bao giờ nhận  được món quà văn chương đầy tình nghĩa như thế này.

THT

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Trần Vấn Lệ gởi Luân Hoán

03/02/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

Trần Vấn Lệ gởi Luân Hoán

kể chuyện về Đỗ Hồng Ngọc

(Ghi chú: Sáng nay mới nhận được bài này của Trần Vấn Lệ. Bài TVL viết cho website Vuông Chiếu của Luân Hoán, nhắc chuyện gặp Đỗ Hồng Ngọc ở Saigon… Bài hơi… cũ (2018) nhưng vẫn còn… hay! Đọc TVL vẫn luôn thấy được cái duyên ngầm của anh (mà Khuất Đẩu cũng đã phải khen khi TVL viết về Thơ Đỗ Nghê dạo nọ) nên tuy TVL có già hơn xưa chút đỉnh mà cũng có hằng tỷ bài thơ tình viết cho hàng tỷ người yêu thơ mình (lời TVL).

Coi vui nhé,

ĐHN 

…………………………………………………………

Ngày 19 tháng Ba năm 2018 này là ngày “chu niên” thứ Mười Chín của Vuông Chiếu – website của anh Luân Hoán, bạn cùng khóa SQTB 24 với tôi, là bạn của rất nhiều người yêu thich Thơ Luân Hoán hơn nửa Thế Kỷ rồi  (Luân Hoán làm thơ có tiếng tăm từ năm 1966…không biết đến bao giờ nữa, nhưng dù hơn Nửa Thế Kỷ, thực tế thì tài thơ của Luân Hoán chạy dài…đã qua hai Thế Kỷ, 20 và 21), anh cho tôi biết anh sẽ “ưu ái” cho một bài viết xuôi của tôi…về chuyện gì cũng “ổn”.  Tôi hứa mà cứ lê la hơn hai tuần rồi!  Hễ ngồi trước computer thì thơ nhảy ra như bầy cóc nhái để chiều hôm qua, rồi sáng hôm nay, anh lại email nhắc…Tôi thật đáng trách, đáng ghét…đáng bị trọng cấm lắm nhen!

Tôi vào đề như trên vì tôi muốn cò cưa, muốn “cân hồ”, muốn câu giờ chớ tình ngay lý gian tôi không dám làm Luân Hoán bực bội đâu.  Anh đã từng đau vì mất một chân trên chiến trường ngày xưa, đã lâu lòng anh nguội, bây giờ mà “mất niềm tin” nơi tôi nữa thí chắc anh đau thêm?

Tôi có “cù nhày”, xin anh xá tội nha, anh Luân Hoán!

*

Tôi viết về Đỗ Hồng Ngọc nè…

Đỗ Hồng Ngọc – Y khoa Bác Sĩ tốt nghiệp trường đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1969 , cũng là nhà thơ Đỗ Nghê (mà trong cuốn Sống Và Viết Với…của Nguiễn Ngu Í, cậu ruột của Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc, em ruột của Má ruột Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc, lại viết bút danh của cháu mình là Đỗ Ngê…)Thi sĩ Đỗ Nghê đã có nhiều tập thơ in thành sách, trước và sau biến cố Ba Mươi Tháng Bốn Năm Ngàn Chín Bảy Lăm:  Tình Người, Thơ Đỗ Nghê, Giữa Hoàng Hôn Xưa, Vòng Quanh, Thư Cho Bé Sơ Sanh & Những Bài Thơ Khác; mới nhất trong năm 2017 là tập Thơ Ngắn…mới toanh!  Văn sĩ Đỗ Hồng Ngọc không thấy có tập truyện hay cuốn tiểu thuyết nào, chỉ thấy “cái tài viết văn xuôi của chàng” là Tùy Bút.  Đỗ Hồng Ngọc ký tên thật là Đỗ Hồng Ngọc trên những tập Tùy Bút này: Gió Heo May Đã Về, Già ơi…Chào Bạn, Những Người Trẻ Lạ Lùng, Thư Gửi Người Bận Rộn, Như Thị, Cũng Chẳng Khoái Ru, Nhớ Đến Một Người, Ăn Vóc Học Hay, Ghi Chép Lang Thang…, Nghĩ Từ Trái Tim, Gươm Báu Trao Tay, Ngàn Cánh Sen Biếc, Một Hôm Gặp Lại.  Chắc chắn trong tương lai gần, Đỗ Hồng Ngọc sẽ còn ra thêm vài cuốn nữa!

Năm 2016 tôi có chuyến về thăm gia đình ở Phan Thiết, tôi có gặp Đỗ Hồng Ngọc bằng-da-bằng-thịt tại Sài Gòn ngay lúc tôi vừa rời phi trường Tân Sơn Nhứt để về khách sạn.  Ôi bạn tôi…giống tôi:  Già!  Xa nhau từ năm 1955 đến năm 2016 mới gặp lại, ai còn sống mà không già khú đế?  Tay bắt mặt mừng, và khách sáo như không khách sáo: Cả hai đều ứa nước mắt.  Cả hai đều gọi tên nhau như…hổi nhỏ:  Ồ Ngọc!  Ồ Lệ!  Rồi, trước khi cầm đũa bữa cơm trưa, hai đứa mặc kệ lu bù người khách mời của BS Đỗ Hồng Ngọc, hai đứa chúng tôi nhắc lại một vài chuyện của thời tí hon:  Trong lớp mìnhcó hai thằng trùng họ trùng tên, chỉ khác có tên lót là Đỗ Hồng Ngọc và Đỗ Hoàng Ngọc.  Đỗ Hồng Ngọc biến mất khỏi trường Trung Học Phan Bội Châu Phan Thiết từ niên khóa 1955-1956 trở đi…biền biệt.  Năm 1989, tôi mới thấy lại cái tên Đỗ Hồng Ngọc trên báo trong nước.  Đỗ Hoàng Ngọc thì chúng tôi xa nhau sau khi hết học Đệ Tứ Phan Bội Châu, Phan Thiết.  Năm 1967, tôi về nhận nhiệm vụ lính tại Tiểu Khu Bình Thuận, đeo lon Chuẩn Úy, tôi có thấy Đỗ Hoàng Ngọc mang lon Trung Úy.  Hình như nó không muốn…chào cấp dưới mà tôi cũng ngại chào cấp trên (vì phải chào đúng nghi thức nhà binh đối với tôi, anh chàng lính sữa).  Tôi có gặp lại lần nữa Đỗ Hoàng Ngọc, chúng tôi thấy nhau, không chào hỏi vì lệnh trại giam cấm mọi sự “liên hệ”.  Chuyển dịch hoài hoài, tôi không biết Đỗ Hoàng Ngọc còn sống hay ra sao, sau đó, sau này… (*)

Nay, hội ngộ Đỗ Hồng Ngọc thật tình…cứ ngỡ mình gặp ma!  Thời gian như nước chảy qua, tại sao con người hay đi ngược lại nhỉ? Tìm gì trong quá khứ?  Những nụ cười thắm tươi?  Những giọt lệ đoanh tròng?  Ôi, tìm gì cũng được…cốt là thấy cái bóng cái hình của cố nhân!

Viết tới đây, tôi sực nhớ mấy câu thơ của Hà Liên Tử trong tập Tiếng Bên Trời:

 

Mười năm xưa, mười năm sau

Một hình bóng cũ xóa màu thời gian

Cầm như đã lỡ nhip đàn

Cố nhân ôi bấy ngỡ ngàng cố nhân!

 

Giữa Đỗ Hồng Ngọc và tôi không đến nỗi nào như thế.  Tôi là một “tù binh” đã thành người ngoại quốc, Đỗ Hồng Ngọc về hưu lâu rồi, không dính dấp chính trị.  Đỗ Hồng Ngọc là một Thầy Thuốc, là một nhà văn…Tất cả “bình dị” trong cuộc tâm tình của tôi, người xa; bên các bạn, người trong cuộc bể dâu.  Chúng tôi nhắc diều tiên quyết Nguyễn Công Trứ từng dạy:  Thân còn chưa có, có chi danh?  Không nổ.  Không ai nổ.  Có cái “cục” gì mà nổ!  Lời của Thiên Chúa nói với Adam và Eva thật chí lý:  Ta tạo các ngươi từ đất, rồi các ngươi sẽ trở về với cát bụi…Cổng Vườn Địa Đàng đã khép rồi, vĩnh viễn!

Tôi đọc được trên báo Thế Giới Tiếp Thị phát hành tại Sài Gòn…mới, có bài Phỏng Vấn Bác Sĩ – Nhà Văn – Nhà Thơ Đỗ Hồng Ngọc, thấy như cái “duyên” bèn copy paste vào đây chơi cho vui:

 

Báo THẾ GIỚI TIẾP THỊ ONLINE
Thứ hai, 26/02/2018
20:10 GMT + 7

thegioitiepthi.vn

 

Y khoa là một môn khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật. Nó gắn liền với thân và tâm của con người. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị Online như vậy nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).

Thế Giới Tiếp Thị Online: Là một người làm chuyên môn về khoa học có vẻ hơi khô khan, nhưng những tác phẩm của ông lại cho thấy ông là một nghệ sĩ khoáng đạt, trẻ trung và rất nhạy cảm. Vậy thực ra ông “ưa” con người nào của mình?

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: Tôi “làm thơ” trước khi “làm bác sĩ”… Bác sĩ là một cái “nghề”, còn thơ là một cái “nghiệp”. Thời trung học, tôi đã có những bài thơ đăng báo. Nó tự nhiên mà đến. Nó gần như không học, gần như không “làm”. Khi đậu Tú tài II xong (năm 1962) thì tôi thi vào trường Y để học “làm bác sĩ’’. Vùng quê tôi nghèo, thiếu thầy thiếu thuốc, tôi nghĩ làm bác sĩ thì có thể giúp ích được cho mình và cho nhiều người hơn. Nhưng vì đam mê văn chương, tôi ghi danh học thêm bên Văn khoa, và sau đó còn học thêm bên Xã hội học. Thời đó, chỉ có y khoa, sư phạm và kỹ thuật Phú Thọ mới phải thi đầu vào, còn các ngành khác chỉ cần ghi danh học. Nên học thiệt là “sướng’’!

Chính học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã khuyên tôi nên học bác sĩ. Ông nói, làm bác sĩ giúp ích được cụ thể cho người, rồi chừng mươi năm hành nghề, có dịp tiếp xúc với bao cảnh đời, bao con người, nếu có tâm hồn nghệ thuật thì sẽ có thể viết văn. Nhiều nhà văn xuất thân bác sĩ như Sommerset Maugham, Tchekov, Cronin…

Y khoa là một khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật. Nó gắn liền với thân và tâm của con người. Mà cái gì đã liên quan đến con người thì luôn là một “nghệ thuật’’ chứ, phải không? Cho nên ngày nào y khoa trở thành hoàn toàn máy móc thì nguy cho con người lắm! Khi máy móc hóa hay thương mại hóa mối quan hệ “thầy thuốc – bệnh nhân’’ thì có nhiều vấn đề đặt ra.

Khi thực tập ca “đỡ đẻ” đầu tiên ở Bênh viện Từ Dũ (1965) tôi đã viết bài thơ “Thư cho bé sơ sinh’’. Tập thơ đầu tay của tôi, năm 1967, có tên là Tình Người, khi đang học năm thứ 5 tại Y khoa Đại học đường Saigon.

Tóm lại, y khoa không xa lạ với “một nghệ sĩ khoáng đạt, trẻ trung và nhạy cảm”.

Vậy  “Ưa con người nào của mình hơn” đâu cần phải trả lời nữa phải không?

 

Theo ông, nghề bác sĩ ở Việt Nam có thể coi là thiệt thòi không khi thu nhập và áp lực công việc chưa tương xứng?

– Tôi là một thầy thuốc già, cho phép hay nhắc chuyện xưa để “ôn cố tri tân” nhé. Thời tôi học Y phải 7 năm. Thi đầu vào không dễ, đậu chừng hơn 10%. Tôi còn nhớ ngoài những môn lý, hóa, sinh, sinh ngữ… thường lệ, còn có thêm 20 câu hỏi tổng quát về văn hóa… như âm nhạc, hội họa, sử, địa, về Biển Thước, Hoa Đà, Hải Thượng Lãn Ông, Hippocrate và những câu về đời sống xã hội như “giá gạo trên thị trường bao nhiêu một ký?”, “giá than trên thị trường bao nhiêu một ký?”… Rõ ràng là một cách thăm dò không chỉ kiến thức tổng quát của người thầy thuốc tương lai mà thăm dò cả sự hiểu biết về tình hình đời sống thực tế xung quanh.

Ra trường phải trình luận án để được cấp bằng Tiến sĩ Y khoa quốc gia (Doctorat en Medecine, Diplôme d’’Etat) và phải ghi danh vào Y sĩ đoàn (Chữ Y sĩ ở đây để chỉ người làm nghề y chớ không phải một cấp bực trung cấp trong ngành y như sau năm 1975). Y sĩ đoàn (nghiệp đoàn nghề nghiệp của bác sĩ) sẽ quản lý, giám sát nghề nghiệp cho bác sĩ, đảm bảo hành nghề đúng nghĩa vụ và lời thề Hippocrate khi tốt nghiệp, xử phạt khi có sai phạm, bênh vực khi bị oan khuất, hành hung… Nhờ hệ thống này, nghề y được tôn trọng vì họ luôn xử lý công bằng, tránh những ảnh hưởng tác động từ bên ngoài, đỡ gánh nặng cho quản lý nhà nước, hành chánh. Tiếc thay, sau này không còn nữa nên nhiều vụ kiện tụng xảy ra, nhiều vụ bạo lực hành hung bác sĩ đáng tiếc!

Về đời sống bác sĩ, thì lương hướng khi ra trường với chỉ số 720 (học 7 năm) được khoảng 12 ngàn đồng (giá vàng thị trường là 9 ngàn) nên họ chỉ phải lo tập trung cho nghề nghiệp, sao cho giỏi, cho có đạo đức tốt, thăng tiến trong nghề nghiệp. Dĩ nhiên cũng có những vụ không hay… nhưng đều được Y sĩ đoàn xử lý thỏa đáng.

Ngày nay, bác sĩ học 6 năm, cũng “trầy vi tróc vẩy” nhưng ra trường được coi như ngang cấp cử nhân 4 năm, hệ số lương 2.34… gì đó nên nơi nào, người nào cũng phải lo “cải thiện đời sống”…  Dĩ nhiên bác sĩ thời nay nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học y học nên tài năng hơn chúng tôi ngày xưa nhiều. Sự vô lý ở chỗ một cử nhân 4 năm, học thêm 2 năm thì đã là “thạc sĩ” còn bác sĩ 6 năm thì coi như cử nhân!

Rõ ràng với nghề y ở Việt Nam ngày nay “thu nhập và áp lực công việc chưa tương xứng”, nhưng đáng ngại hơn là ngày càng nhiều vụ vi phạm đạo đức, càng nhiều vụ hành hung thầy thuốc không được giải quyết rốt ráo. Có cái gì đó bất thường ở đây trong mối tương quan thầy thuốc – bệnh nhân vốn đầm ấm từ ngày xa xưa.

Mối tương quan thầy thuốc – bệnh nhân đã có nhiều thay đổi, thưa bác sĩ?

– Thời xa xưa, thầy thuốc là “phù thủy”, mối quan hệ là bất bình đẳng, cha chú, gọi dạ bảo vâng. Rồi khi ngành y bị thương mại hóa, bệnh nhân trở thành khách hàng, người tiêu thụ (consumer) còn thầy thuốc thành người cung cấp dịch vụ (health care provider) thì “khách hàng là Thượng đế”, nên phải chiều chuộng bệnh nhân, cung cấp càng nhiều dịch vụ càng tốt để làm… kinh tế!

Mới đây, ở Mỹ đã có một phim báo động: Một nền y học vì đồng tiền (Money-driven Medicine). Cả hai mối tương quan đó đều không tốt, không phải. Ngày nay khuynh hướng là cần có sự hợp tác, đồng thuận hai chiều và cần tôn trọng tính tự chủ của hai bên (autonomy). Vì thế vai trò truyền thông giữa thầy thuốc bệnh nhân trở nên rất quyết định, nên đã có khái niệm “truyền thông trị liệu” (therapeutic communication).

Người thầy thuốc hôm nay cần có nền tảng văn hóa rộng. Học về truyền thông, về khoa học hành vi (tâm lý, xã hội, nhân chủng…), về giáo dục sức khỏe, nâng cao sức khỏe, quan tâm tới chất lượng cuộc sống chứ không chỉ biết chữa bệnh tật. Mô hình bệnh tật nay cũng đã thay đổi. Bệnh nhân ngày càng trở thành “thầy thuốc” cho chính mình, không bị lệ thuộc vào thầy vào thuốc như xưa. Thế nhưng cũng có những nguy cơ như dựa vào thông tin trên Internet bệnh nhân tự chẩn đoán, tự điều trị dẫn đến những hậu quả đáng tiếc khác.

Một cuộc sống hạnh phúc, một cá nhân hạnh phúc, theo quan điểm của ông là gì?

– Có thứ hạnh phúc bền bỉ, lâu dài và có thứ hạnh phúc mong manh, chốc lát. Một người trúng số độc đắc sẽ rất hạnh phúc, một người đoạt vương miện hoa hậu sẽ rất hạnh phúc… Nhưng đó thường là hạnh phúc trong chốc lát, vì chẳng bao lâu nó bay biến… Hạnh phúc lâu dài thì đó chính là sự an lạc trong thân tâm. Có thể tóm trong mấy chữ là từ bi hỷ xả. Có tâm Từ ái thì tâm hồn luôn rộng mở, biết yêu mình, yêu người, yêu thiên nhiên, biết bảo về môi trường sống, môi trường văn hóa tốt đẹp; có tâm Bi mẫn thì biết sẻ chia, đùm bọc, giúp đỡ… Có tâm Hỷ thì xóa bỏ được lòng ghen ghét, ganh tỵ, hận thù và có tâm Xả thì biết đủ, kham nhẫn tri túc…Thứ hạnh phúc đó có thể sẻ chia, lan tỏa.

Hiện nay trong thời đại đầy bất trắc, lo âu, một số quốc gia đã đi tìm một thứ hạnh phúc bền bỉ lâu dài cho quốc dân qua khái niệm GNH (Gross National Happiness = Tổng hạnh phúc quốc gia) thay vì GNP (Gross National Product = Tổng sản phẩm quốc nội) là chỉ dựa trên tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Người ta nhận ra nhiều quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao mà người dân không có được hạnh phúc. GNH dựa trên 4 yếu tố chính: bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa, sức khỏe và tuổi thọ, chánh quyền vì dân…

Tóm lại, hạnh phúc cá nhân quyện trong hạnh phúc tổng thể.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ với bạn đọc Thế Giới Tiếp Thị Online.

HOA ĐINH

…………………………………………………………………………………..

 

Đấy, các bạn biết ít nhiều về ” sanh hoạt” của Đỗ Hồng Ngọc rồi nhé.  Gọi Đỗ Hồng Ngọc là Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc hay nhà thơ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, cũng “duyên” thôi.  Trong chuyến về của tôi sau hai mươi bảy năm “trời ơi đất hỡi”, Đỗ Hồng Ngọc ký tặng cho tôi tập Tùy Bút mới nhất, Một Hôm Gặp Lại xuất bản bởi Nhà Xuất Bản Văn Hóa – Văn Nghệ TP HCM VN.

Đây là một cuốn sách khá dày của Đỗ Hồng Ngọc, 300 trang, khổ sách, vuông vắn, dễ thương.  Đọc tùy bút của Đỗ Hồng Ngọc, nếu nhà văn Duyên Anh mà còn, chắc chắn Duyên Anh chỉ phán một câu:  “Sướng Rên Mé Đìu Hiu!”.

Tôi từng “mê” tùy bút của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng.  Có nhiều năm rất chờ mong tác phẩm mới của Võ Phiến viết về Tùy Bút.  Nay đọc Một Hôm Gặp Lại…tôi thấy Tùy Bút là một thể văn đẹp, mềm mại, tao nhã không khác gì Thơ!  Xưa, xưa lắm Phạm Đình Hổ có cuốn Vũ Trung Tùy Bút…mô tả, cô đọng, hâm nóng chỉ vài ba giọt mưa trên tàu lá chuối mà đã ấm cả lòng người.  Bậy giờ đọc Một Hôm Gặp Lại của Đỗ Hồng Ngọc, xếp sách mấy lần, gần hai năm tròn trịa, vẫn nghe lòng nao nao, êm ru và diệu vợi…Té ra bạn tôi là Khách-Đa-Tài!

*

Tôi muốn viết một bài “nhận định” về cuốn Tùy Bút Một Hôm Gặp Lại của Đỗ Hồng Ngọc, nhưng không thể rồi!  Một là tôi đang nghe trong người mình có chuyển biến không ưng bụng.  Nhìn qua những lọ thuốc bên cạnh nhớ sáng nay chưa uống thứ nào, hèn chi mà nó rêm mình! Là tôi phải đi uống thuốc vậy!  Hai là…giữ lời hứa với anh Luân Hoán, viết một bài và gửi qua Canada liền liền tú xuỵt, hẹn lâu quá nhen…Ôi chuyện gì cũng dang đở!  Hồ Dzếnh có bài thơ Ngập Ngừng, có hai câu như sấm…sét:  “Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở, tình mất vui khi đã vẹn câu thề!”.

Bạn đọc yêu quý ơi, hãy tìm cuốn Một Hôm Gặp Lại của Đỗ Hồng Ngọc đọc đi…rồi đọc lại.  Nếu những lời tôi “mạ kền mạ bạc” về một “ông Bác Sĩ Viết Văn” là không đúng sự thật, xin nói cho tôi biết.  Và…cái câu “Biết Chết Liền” nghe thơm thảo cả một miền Nam yêu dấu!

Vậy nha…anh Luân Hoán!

Trần Vấn Lệ

…………………………………….

(*) TVL ơi, mới đây mình có gặp lại Đỗ Hoàng Ngọc cùng nhóm bạn Phan Bội Châu ngày xưa. Cũng trên 60 năm rồi mới gặp nhau. Đỗ Hoàng Ngọc học về ngành Hóa ở Bách Khoa thời đó. Nay thấy khỏe vui. Mừng. (ĐHN)

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

thơ Phan Bá Thụy Dương: Nói Với Thiền Khách

03/02/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

THƯ CỦA BẠN XA XÔI


On Feb 3, 2020, at 09:44, Phan Ba Thuy Duong

Ngọc thân,

Gởi toa bài thơ Nói Với Thiền Khách mình làm tặng bạn và anh Trần Thiện Hiệp.

2 tuần nữa mình sẽ rời Kobe để về Thuỵ sĩ. Vẫn luôn ghi nhớ những ngày ngao du cùng Ngọc ở Saigon.

Ráng giữ gìn sức khoẻ để thường xuyên đi làm những điều tâm nguyện và hữu ích cho đời, cho người…

Cầu cho bạn thân tâm luôn an lạc.

Tình thân,

Phan Bá Thụy Dương

 

 

………………………………………………………..

 

PHAN BÁ THUỴ DƯƠNG

Nói Với Thiền Khách

Gởi ĐỗHồngNgọc, TrầnThiệnHiệp

 

Cánh vạc nào bay trong triền nắng sớm

Tiếng hót xa xăm như tận cõi trời

Sao u trầm chất ngất khách thiền ơi

Xin nhẹ bước trên lối mòn tỉnh lặng

 

Rừng cô tịch có gì đâu tra vấn

Lửa Chân Như có đủ ấm linh hồn

Đất bùn nào còn ghi lại dấu chân

Tâm vô niệm đường xa gần đi mãi

 

Có phải người đang quay về bến đợi

Gom lá vàng gỗ mục dưới trăng trong

Về đi thôi, đêm lạnh giá mênh mông

Áo nâu mỏng sao che mưa đở gió

 

Chim thức giấc cất lời ru thanh nhã

Người phong trần qua mấy độ truân chuyên

Thấy gì chưa tự ngã với uyên nguyên

Hay ngần ngại chia xa lòng thung lũng

 

Từ tiềm thức đã lạc quên long trượng

Đâu đây chừng thấp thoáng ánh vô ưu

Thiền khách này, thiền khách đã về chưa

Xin trả lại cho ta quê, tình cũ.

 

PHAN BÁ THUỴ  DƯƠNG

…………………………………………………………………….

Phan Bá Thụy Dương tên thật là Phan Bá Dương. Sinh năm 1940 tại quận Tuy Phong, Bình Thuận.
Khởi viết từ 1958 với các bút hiệu Thùy Dương, Người Áo Xanh, Vương Hầu… và từ năm 1966 về sau là Phan Bá Thụy Dương.

“Chủ nhân” trang Văn Hữu Vườn Tao Ngộ. Viết rất nhiều báo, làm Nhà xuất bản in sách cho thiên hạ, và thiên hạ in giùm lại cho một tập thơ duy nhất: Lời Gọi Cỏ May (2012).

(ĐHN)

……………………………………………………………………..

 

Lời Gọi Cỏ May của Phan Bá Thụy Dương

Đỗ Hồng Ngọc

Phan Bá Thụy Dương, tên thật Phan Bá Dương, sinh năm 1940 tại Tuy Phong, Bình Thuận, cùng học chung lớp Đệ thất A1 trường Phan Bội Châu Phan Thiết năm 1954 với Trần Vấn Lệ, Phan Đổng Lý, Huỳnh Ngọc Hùng, Huỳnh Tấn Thời, Đỗ Hồng Ngọc…

Bọn tôi “thất lạc” nhau mấy chục năm, người góc biển kẻ chân trời, năm nay bỗng gặp lại nhau- tình cờ cũng là dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường Phan Bội Châu, Phan Thiết – đứa nào đứa nấy ngớ ra, đầu bạc răng long, ú ú ớ ớ rồi mày mày tao tao tíu tít như những cậu học trò nhỏ nghich ngợm ngày xưa bên bờ sông Cà Ty và bãi biển Thương Chánh!

Phan Bá Thụy Dương viết văn làm báo sớm, từ năm 1958 với nhiều bút hiệu, thân quen  nhiều người trong giới văn nghệ sĩ. Anh là một người “khoái hoạt”, vui tính, náo nhiệt, chuyện trên trời dưới đất gì cũng biết nên ai gặp cũng vui. Anh làm sách cho nhiều tác giả mà quên làm cho mình cuốn nào. Mãi nay bạn bè hối thúc quá mới in một cuốn “tuyển tập thơ văn Lời Gọi Cỏ May” cho vui. Lời gọi cỏ may có nhiều bài thơ cảm động, anh em bè bạn viết cho nhau.

Thơ Phan Bá Thụy Dương phải nói là hay, khoái hoạt mà khinh bạt, trầm lắng… Thử đọc một đoạn trong liên khúc vô thường:

 

liên khúc vô thường

 

ném công án, vất kinh thư bất ngộ

theo đường trăng-

trăng khi tỏ khi lu

tìm người hiền nơi thâm cốc âm u

thõng tay vào rừng giả làm ẩn sĩ

giòng sinh mệnh

chừng nhuộm màu chướng khí

bến nhân gian ai quán niệm vô thường

hành trình xa ngựa đà lỏng dây cương

trên vách núi chân dung in mờ tỏ

…….

(LGCM, tr 4)

 

Phan Đổng Lý “vẽ” PBTD:

Nhớ Phan Bá Thụy Dương

 

Nhớ đến bạn già mà lòng ta ngán ngẩm

Nặng nhẹ bao lần như đàn khảy tai trâu

Miệng phập phì phèo, nặc nồng mùi khói tỏa

Mắt mở mơ màng, trầm mặc cuộc bể dâu!

Mải miết rong chơi trăm đường thành ngỏ cụt

(…)

Trời xanh chơi ác

Tuổi thơ ngổ ngáo, già lại ngu ngơ

Trầm thân vào chốn bụi mờ

Bạc đầu lưu lãng làm thơ gọi tình

(…)

 

Trần Vấn Lệ

Gửi Theo Phan Bá Thụy Dương

 

Bạn đã về chưa? Bạn đã về?

Đến nơi chưa vậy mà im khe!

Hỏi ai, chẳng biết ai han hỏi

Đợi bạn, không nghe bạn nói gì…

Tôi độ rày sao hay tức thở

Bạn hồn nhiên nhỉ vẫn ham đi

Tuổi người, chớp mắt, tôi thường chớp

Chắc khó có ngày ngó lại quê…

 

 

Đỗ Hồng Ngọc

Gửi Trần Vấn Lệ

(họa lại mấy vần)

 

Về đi! Sao bạn chẳng đi về?

Khế ngọt sim rừng đợi: nín khe

Bè bạn ấu thời còn mấy đứa

Người thơ cơm áo chớ lo gì!

Ruộng vườn hoang rậm thôi, đừng nhắc

Sông nước gập ghềnh mặc, bỏ đi

Áo ngoại vẫn phơi ngoài giậu trúc

Cơi trầu thơm mãi chút hồn quê…

 

Sg 16.9.2012

………………………………………….

Bạn nhớ hái ăn chùm khế ngọt

Tôi quên để héo trái sim còi…

 (thơ TVL)

 

(Nguồn: https://www.dohongngoc.com/web/huom-huom/gia-oi-chao-ban/loi-goi-co-may/)

 

 

 

 

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Thư đi tin lại, Vài đoạn hồi ký

thơ Trần Vấn Lệ: MỪNG XUÂN

30/12/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Mừng Xuân
Mừng Xuân.  Không thiếp.  Gửi email
bạn nhận, mừng nha, cám cảnh nghèo!
Hai chữ Mừng Xuân ngồi ngắm mãi
Con mèo bên cạnh mắt trong veo!
       Nhìn trong mắt nó:  Xuân Trời Đất
       Hai chữ thấy còn một chữ Yêu
       Mới biết trái tim chưa đến nỗi
       lạnh tanh để đắp mảnh khăn điều!
Nói chi như thể Ca Dao vậy?
Thử đứng lên…rồi bước có xiêu?
Ba thập niên, đời:  thân khách trọ
Một câu chúc Tết, mộng:  phiêu phiêu!
       Rót thêm cốc nữa, mời ai nhỉ?
       Có lẽ mình ta, uống tới chiều
       rồi tới đêm thôi sao lặn hết
       con mèo còn mở mắt trong veo…
Trần Vấn Lệ 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Thư gởi người bận rộn

Tủ sách gia đình: “BIẾT ƠN MÌNH”

07/12/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Tủ sách gia đình

BIẾT ƠN MÌNH

của Đỗ Hồng Ngọc

 

Ngay từ lời ngỏ, tác giả đã giới thiệu nội dung cuốn sách của mình là một tập hợp gồm mười hai bài viết sắp xếp lại thành một tập riêng về “Sức khỏe và Đời sống” của một người có tuổi.

Nhưng người “có tuổi” tám mươi này, không phải bây giờ mới sắp xếp, mà đã từ lâu lắm rồi. Lục tuần (60) đã có Già ơi, chào bạn,  Gió heo may đã về… tới thất tuần bảy mươi thì có  Già sao cho sướng và… Về thu xếp lại cũng mới đây thôi.

Giờ thì ông mới đúc kết để nhắc nhở mọi người nên “Biết ơn mình” càng sớm càng tốt.

Ông nói: “Từ thuở nhỏ ta được dạy nói cảm ơn khi ai đó giúp mình. Lời cám ơn không phải để xã giao mà thật sự biểu lộ lòng biết ơn chân thành của mình đối với người đó. Thế nhưng có lẽ chưa bao giờ ta được dạy nói lời cảm ơn ta vì nhiều khi ta coi chuyện cảm ơn mình là một điều gì đó lố bịch, kỳ cục, không cần thiết! Trái lại nhiều khi ta còn có khuynh hướng nói xấu mình, bất mãn với mình, thậm chí… nguyền rủa mình”.

Điều này nghe thật đúng quá đúng, ông dẫn chuyện hấp dẫn vầy, phải đọc tiếp coi có đúng nữa hay không, ai dè, ông kể hồi trẻ mình muốn mình chết đi cho rồi chỉ vì mụn trứng cá, cũng đúng luôn, tới khi đứng tuổi thấy da nhăn nheo cũng “buồn muốn chết”… vậy là ta không hề biết, chính thân thể ta đã giúp ta đứng vững tới năm mươi, sáu mươi tuổi… mà ta vẫn chưa ý thức phải chăm sóc cho nó để nó được “tiếp tục chạy tốt” đến bảy mươi, tám mươi thì quả là ta đã tự giết mình chứ không còn biết thương mình nữa.

Hiểu về mình để thương mình và khi đã nhận biết về mình, mới “biết ơn mình” đã giúp chính ta dẻo dai, minh mẫn, khỏe khoắn để không làm khổ con cháu.

Nói tới đây mới thấy biết ơn mình quan trọng thế nào. Bởi khi ta không biết lắng nghe cơ thể của ta, không biết ơn chính ta để trả ơn bằng dưỡng dục, săn sóc bản thân mình, đến một ngày ta đổ bệnh, già yếu không đứng vững, nằm đó nhìn con cháu thay phiên dắt dìu, bận rộn chăm sóc, có khi ta đổ quạu nó cũng mệt mỏi, đau khổ mà khóc theo. Vậy là ta đã tự hại thân ta lại còn làm phiền con cháu. Nó không oán thán là may, nhưng nói nó cứ vì chữ hiếu để chăm sóc ta từ bữa ăn đến vệ sinh với thân xác nặng nề (chứ có nhỏ nhắn như đứa bé ấu thơ đâu), thì thật là khổ hết sức!

Thế nên, tự biết chăm sóc mình, chính là để lại bao nhiêu “ơn mưa móc”, phúc đức cho con cháu mình rồi, chứ không cần nói chuyện gì cao xa. 

Quay trở lại, muốn biết tự chăm sóc lấy mình, tuổi già mình, thì trước hết, phải “biết ơn mình”.

Khi đã biết ơn mình rồi thì thấy “đã” lắm. “Từ ngày biết thương “thân thể” của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi… cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho thân thể của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá!”. (Một chút lan man, trang 55).

Đọc sách của tác giả Đỗ Hồng Ngọc rồi, sẽ thấy bớt băn khoăn hơn ở cuộc đời này nhiều thứ, nhất là chuyện phải trái đúng sai, chuyện ganh đua được mất… bởi vì “lời đà-la-ni” thật huyền nhiệm này: “… Thân tâm an tịnh/Không còn ý tưởng/Chẳng có thời gian/ Hạt bụi lang thang/ Dính vào hơi thở/Duyên sinh vô ngã/ Ngũ uẩn giai không/ Từ đó thong dong/ Thõng tay vào chợ…” (Trích bài vè thiền tập: Thả lỏng toàn thân thả lỏng chưa? của tác giả).

Tịnh Thủy

 

Buổi Ra mắt sách Biết Ơn Mình do Hội quán Các Bà Mẹ và PNB tổ chức ngày 29.11.2019.

 

 

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định

Thơ Trần Vấn Lệ MÙA VÔNG PHAN THIẾT CŨ

09/11/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

 

Thơ Trần Vấn Lệ

MÙA VÔNG PHAN THIẾT CŨ

Hè rồi… Phan Thiết đỏ hoa vông, tôi ở xa xôi nhớ quá chừng! Nhớ chỗ mình sinh, mình được lớn, một thời thơ dại vượt con sông. Con sông đầy xác hoa vông rụng quấn quyện chân cầu không muốn trôi… Mà biết bao nhiêu người bỏ xứ, đi đâu? Có thể cuối chân trời! Phan Thiết của tôi và của bạn, sáng nay ai nói rất buồn hiu. Tôi ngồi với bạn bên hè phố, khuấy cốc cà phê tưởng thấy chiều! Chút khói chiều vương vương hoa vông. Phan Thiết khi không nhớ não nùng. Xe ngựa cọc cà đi cọc cạch, bạn buồn khuấy mãi muỗng coong coong… Đó, hồi Phan Thiết còn xe ngựa,

internet

con ngựa đôi khi hí giữa đường. Giờ, giữa đường đây, trời đất khách. Thuốc tàn mấy điếu khói vương vương…

Bạn tôi vừa ném quăng tàn thuốc. Tôi bật diêm mồi điếu của tôi. Thời tiết tàn Xuân nghe bức bức, vung tay tưởng chạm tấm lưng trời…
Hè rồi… Phan Thiết Hè không muộn, chỉ muộn màng tôi nếu trở về: mồ mả Tổ Tiên dời mấy bận, cháu con tản lạc nén nhang khuya! Bây giờ mà gục bên hè phố, ai đỡ giùm ai cái xác tù? Bạn đứng dậy đi, tôi cũng bước, từ nay Phan Thiết nhớ thiên thu! Từ nay hỡi nhánh hoa vông cũ, có nhớ gì ai Phan Thiết xưa? Một chặng thời gian không cắm mốc, tình Quê Hương lấy thước nào đo?
Tình Quê Hương hỡi Cha và Mẹ, con lỡ làng như hoa vông rơi…
Trần Vấn Lệ
………………………………………………………………..
Một bạn đọc từ Miền bắc xa xôi đã hỏi về Hoa vông?
Tôi nghĩ không gì tốt hơn post lại bài thơ này của Nguyễn Thị Kim Liên, một cựu học sinh của trường Phan Bội Châu Phan Thiết (bài đã đăng trên www.dohongngoc.com).

Nhớ hoa vông và chim sáo

 

Đâu chỉ đỏ thôi, còn nghễu nghện

Quyến chim, dụ trẻ nhất trên đời

Trẻ cúi nhặt hoa reo tở mở

Sáo hội trăm phương tấu ỏi trời!

 

Nghi có lõm rừng lòng phố thị

Tò mò lũ sáo kéo nhau về

Chao ôi sửng sốt màu vông lửa

Sà xuống vòm hoa sáo chết mê!

 

Ta, bạn đâu rồi năm tháng ấy?

Vườn vông đã cỗi sáo bay xa

Có ai cũng nhớ như ta nhỉ?

Bổi hổi trời xuân Phan Thiết xưa!

 

Nguyễn Thị Kim Liên

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Rồi Cũng Về Thôi: viết cho Du Tử Lê

22/10/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

RỒI CŨNG VỀ THÔIi

(tặng Tuyền-Lê)

 

Rồi cũng về thôi du tử ơi

Bao năm lưu lạc cõi con người

Một hôm sực nhớ miền quê cũ

Tung cánh vàng xưa hạc vút bay…

 

Đỗ Hồng Ngọc

(Melb, 14.10.2019)

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim

Thư Hai Trầu gởi Đỗ Hồng Ngọc về chuyện “Để Làm Gì?”

20/09/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư Hai Trầu gởi Đỗ Hồng Ngọc

Về chuyện “Để làm gì?”

Lời thưa: Thưa anh Hai Trầu,

Tôi phải thành thật xin lỗi anh Hai:

  1. Không ngờ bài viết “tào lao” của tôi “Thư gởi bạn xa xôi” vừa rồi (Để làm gì?) đã làm anh Hai bị “tụt mood” (nói theo cách tuổi teen bây giờ) nên sanh ra chán nản mọi việc, đến nỗi dù đã sẵn bản thảo cuốn Người Đọc & Người Viết III rồi mà chẳng chịu cho in dù mấy cháu hối “Ba in mau mau để vài ba năm nữa Ba sẽ quên hết!”…
  2. Anh căn dặn bức thư này anh viết cho tôi “đọc chơi” thôi, đừng có post lên mạng, không ngờ tôi “đọc thiệt” và thấy nó rất có ích cho tôi, cho anh, cho chúng ta… và cho nhiều người khác nữa, nên xin phép anh cho tôi đăng đại lên đây, ai phiền trách gì tôi… xin chịu trách nhiệm.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

(20.9.2019)

……………………………………………………………………………………………………….

Houston ngày 18 tháng 9, năm 2019

Kính gởi Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,

Nhớ mới cách nay không lâu cùng ngồi uống cà phê với bác sĩ ở Đường Sách Sài Gòn, vậy mà ngày qua ngày, nay sực nhớ lại thì đã tròn một năm rồi đó bác sĩ! “Thời giờ thắm thoát thoi đưa” thiệt mà! Và nay nhìn lại mình, tôi thấy sao mau già quá mạng, bác sĩ ơi!

Và rồi mới mấy bữa trước đọc được “Thư gởi bạn xa xôi” của bác sĩ, bác sĩ có nhắc ông André Maurois trong cuốn “Nghệ thuật già” (L’art de vieillir)  có nói rằng: “Khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý “Để làm gì?” thì lúc đó mình đã già thiệt rồi!”; thì đúng y chang là tôi dạo này lại có ý nghĩ mỗi khi muốn làm điều gì, tôi hay tự hỏi “để làm gì?”

Chẳng hạn như vào tháng 5-2019, gặp bác sĩ Thân Trọng Minh tức nhà văn Lữ Kiều, và chị Thanh Hằng, hiền thê của ảnh, tôi nhận ra phong cách anh chị là phong cách của người Sài Gòn của mấy chục năm về trước lúc tôi còn nhỏ từ dưới làng quê lên Sài Gòn đi học, một phong cách mà tôi luôn trân quý và kính trọng! Và rồi tôi có viết một bài về Sài Gòn với cái tựa “Nhớ Sài Gòn…”; nhưng rồi bài viết xong, cứ để đó hoài, không muốn gởi cho ai đọc!

Hoặc như, có lần thấy cảnh xuồng ghe cũ mục cứ nằm lăn lóc bên lề đường hoặc trong khu vườn cây rập rạp hết tháng này qua tháng khác, rồi tôi lại nghĩ đến thân phận mình, đến một lúc nào đó tuổi già chồng chất và thế hệ mình rồi cũng hết xài như những chiếc xuồng nằm phơi nắng phơi sương bốn mùa; nên tôi ngồi xuồng viết một bài về thân phận những chiếc xuồng bị bỏ quên lăn lóc giữa nắng mưa bên lề đường với cái tựa “Lời tự sự của những chiếc xuồng cũ mục”. Vậy mà rồi, viết rồi, tôi cũng chẳng muốn gởi cho ai đọc và đọc những lời tự sự của kiếp đời tàn tạ ấy “để làm gì?”

Hoặc như mấy tháng trước trong năm nay, người ta ùn ùn kéo nhau coi chiếc cầu Vàm Cống đã bắc qua hai bờ con sông Hậu Giang khúc Lấp Vò và Thốt Nốt, tôi định viết một bài về “Nỗi niềm của bến bắc Vàm Cống”. Vậy mà rồi, tôi đã viết về một bến bắc có mặt nơi một khúc sông có gần 95 năm (từ 1925-2019) đưa rước khách qua sông, nay bến bắc ấy chỉ còn là hoài niệm của những người già mỗi lần họ có dịp đứng nơi bờ sông bên này nhìn qua bớ sông bên kia với những chiếc bắc 10, bắc 20 nay đã thui thủi dời đến một bến sông nào khác rồi! Biết đường đâu mà mò!

Hoặc như, lúc đầu năm nay, tôi dự định sẽ viêt thêm vài mùa cũ nữa rồi gộp vô các mùa trước đó đã in thành sách đâu chừng trên ba mươi mấy mùa để tái bản cuốn Mùa Màng Ngày Cũ in lại hồi 2017 mà lần đó Bác sĩ có viết lời giới thiệu, nay sách đã hết rồi; nhưng rồi tự dưng cũng thấy lòng mình bớt hăng hái về việc in lại Mùa Màng Ngày Cũ nữa rồi! Chắc cũng tại ông André Maurois nhắc cái ý nghĩ “Để làm gì?” của người già!

Hoặc như, sắp nhỏ tôi nhắc: “Ba muốn in sách gì thêm thì chuẩn bị rồi tụi con lo in, để vài ba năm nữa Ba sẽ quên!” Tôi mới coi lại còn bản thảo cuốn Người Đọc & Người Viết Quyển III, dày khoảng 600 trang, lúc đầu rồi cũng muốn in; lúc trước có hai cuốn I và II rồi, nay in cuốn III cho vui, nhưng nghĩ đi nghĩ lại rồi tôi lại thôi, không cần in thêm sách nữa và mình nghĩ in sách ra cho nhiều “để làm gì?”

Hoặc như, hôm tháng 7-2019, vợ chồng tôi có dịp theo con cháu về Boston tìm lại cái nôi lúc các cháu mới qua đây bắt đầu lại những ngày đi học từ những năm mà Bác sĩ cũng có mặt nơi thành phố Boston này để tu nghiệp về Y Tế Công Cộng tại  Harvard (Boston, 1993)). Tôi cũng ghé qua phố Tàu ở Boston để tìm lại cái cảm giác “gió co ro lạnh” trong Thơ Ngắn Đỗ Nghê mà anh Tô Thẩm Huy đã nhìn ra có lúc ảnh cũng đến phố Tàu ở Boston để nghe “gió co ro lạnh” như thế nào…

Anh Tô Thẩm Huy viết: “…tôi cũng một mình lang thang ở phố Tàu Boston. Tuyết không rơi, nhưng chao ơi gió lộng, và lạnh thấu trời. Hai tai muốn rụng xuống vì mũ đội không che phủ được hai tai. Chính nhờ thế nên khi viết về bài thơ Tuyết của anh Đỗ Hồng Ngọc tôi đã rất “phê”. “Gió” mà nó còn phải “co” thì Tô Thẩm Huy này làm sao mà không “ro” được.]

 Tuyết

Tuyết bay

Bay nhẹ

Phố tàu

 

Gió co

Ro lạnh

Phố

Đìu hiu

Theo…

 (Đỗ Nghê, Boston 1993).

 

Thưa bác sĩ,

Cứ tiếp tục như vậy, nhiều ý nghĩ muốn ghi lại lắm như mới đây anh Năm Hiền bên California gởi cho đọc bài viết của cô Nguyễn Thị Hậu viết về “Mùa vịt chạy đồng”; sau khi đọc xong, tôi dự định viết một bài về “mùa nuôi vịt chạy đồng” chi tiết hơn, thực tế hơn nhưng rồi lại làm biếng quá mạng, chỉ viết nửa chừng chừng năm, mười trang rồi bỏ đó và tự hỏi viết ra “để làm gì?”

Hoặc nữa, như Bác sĩ biết tính tôi là ưa nói lại cho trúng các chi tiết của bất cứ một bài viết của bất cứ tác giả nào mỗi khi họ viết về đời sống ở nhà quê mà tôi có dịp được đọc, tôi thấy chưa đúng là tôi sữa lại liền, để không khéo người đọc chưa sống ở nhà quê, họ tưởng các tác giả viết như vậy là đúng rồi, rồi từ đó cứ nghĩ lầm rằng nhổ bông súng là phải lặn xuống nước nhổ từng cọng, từng cọng; hoặc cá rô cam tích là cá rô tôm tích; hoặc một giạ là 20 lít như có các tác giả đã giải thích trong bài viết như vậy!

Thực sự thì nhổ bông súng chỉ ngồi trên xuồng đang nằm giữa cánh đồng đầy bông súng nỏ, người ta chỉ vói bàn tay cầm bông súng rồi nhổ mạnh lên thôi, không cần phải lặn hụp gì ráo trọi! Còn cá rô lúc nhỏ ở nhà quê hay gọi là cá rô non; chúng ăn bông cỏ cùng các loại phiêu sinh vật trên mặt nước làm cái bụng no óc nóc giống như trẻ nhỏ mắc bịnh cam tích; từ đó dân quê mới đặt tên cho loại cá rô non này là “cá rô cam tích” chứ hổng có “cá rô tôm tích” gì ráo trọi nhe Bác sĩ! Còn cái vụ “một giạ mà 20 lít”, nếu mình tin như tác giả bài viết này giải thích thì chắc dân quê tụi tôi bán lúa giống là cái chắc! Dốt gì thì dốt, dân quê tụi tôi dưới này từ xưa tới nay cứ theo qui định một giạ là 40 lít nhe Bác sĩ! Nửa giạ hoặc một thùng, hoặc một táo mới 20 lít.

Và còn nhiều cái trật tương tự như vậy nhiều lắm nhe Bác sĩ! Nhưng rồi, tôi lại tự hỏi mình viết ra mấy cái chưa trúng ấy “để làm gì?” Và rồi tôi lại bỏ dỡ những bài viết về những chi tiết không chính xác của nhiều tác giả mà tôi đã có dịp đọc qua như vừa kể…

Thưa Bác sĩ,

Trong thư vừa kể, Bác sĩ có nhắc Hai Trầu:

“Gởi “meo” cho anh Hai Trầu, người bạn hơi già của tôi hỏi sao lâu nay im re, anh nói già sao nhanh quá anh ơi, chả muốn làm gì cả. Thì ra, tuổi già, đúng là “Chả cần gì! Chỉ cần già!” là vậy.”

Thì ra, qua những lời tâm sự vừa rồi với Bác sĩ, nay tôi thấy mình như Bác sĩ gợi ý là “Chả cần gì! Chỉ cần già!”. Và qua một vài ý nghĩ về việc “để làm gì” ấy mà tôi muốn chi xớt cùng Bác sĩ chẳng những đó là một chọn lựa không mang một chút chán nản nào trong đời sống của tôi trong hiện tại, mà ở đó nó còn thể hiện là một nếp sống rất thiết thực, yêu đời với những công việc thân thiết mỗi ngày mà tôi đang bận rộn như làm vườn, trồng cây, nuôi cá, và đưa rước các cháu đi học mỗi ngày… Vui lắm nhe Bác sĩ!

Cá nhân tôi, xin chân thành cảm ơn tấm thạnh tình mà bác sĩ lúc nào cũng nhớ và nhắc Hai Trầu, nhiều lắm!

Thân kính,

Hai Trầu

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Thư đi tin lại, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn xa xôi (9.2019)

11/09/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Thư gởi bạn xa xôi (9.2019)

“ĐỂ LÀM GÌ?”

Đỗ Hồng Ngọc

 

André Maurois trong cuốn “Nghệ thuật già” (L’art de vieillir)  có nói rằng khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý “Để làm gì?” thì lúc đó mình đã già thiệt rồi!

Tôi vừa mới nói “già thiệt” phải không? Ấy, bởi vì lâu nay mình vẫn biết là đã già, đang già tốc hành, già khú đế mà vẫn cứ nghĩ là mình đang “già giả” thôi! Mà không phải mình tôi nghĩ đâu nha. Ông họa sĩ “trời ơi” là Picasso có cái hình này bạn coi nè.

Ông vẽ cái “già” chẳng qua chỉ là cái mặt nạ thôi, đeo chơi vậy, trong khi trong ta là một cậu thanh niên trai trẻ, tươi non, hừng hực lửa yêu thương đó thôi. Tôi vừa gọi Picasso là ông họa sĩ “trời ơi” phải không? Là bởi vì theo tôi, trường phái “trườu tượng” của ông thực ra chỉ vì ông có quá nhiều người yêu, vẽ mà như thực chắc chịu hổng nổi với mấy bà, bèn vẽ bà này cái mũi, bà kia cái mắt, bà nọ cái môi… rồi chồng chéo lên nhau thế là ổn cả, mặc cho các nhà phê bình nghệ thuật diễn giải, ổng chỉ cười tủm tỉm một mình thôi!

Tôi bây giờ cứ định làm gì đó thì bỗng nảy ra ý: Để làm gì? Chẳng hạn gặp một chuyện gì đó vui vui, hay hay, xưa thì đã “thư gởi bạn xa xôi” kể cho bạn nghe, hoặc cũng “Ghi chép lang thang” chút gì đó, nhưng nay “Để làm gì?”. Ngay cả những vấn đề cần tranh luận, cần giải thích, cần đưa quan điểm chung riêng gì đó, nhưng rồi cũng… “để làm gì?”. Vậy đó.

Rồi tôi lại loay hoay “về thu xếp lại…” một mình giữa ngổn ngang tư liệu, sách vở, gặp chuyện buồn chuyện vui không thiếu định chia sẻ với bạn rồi “để làm gì?”. Gởi “meo” cho anh Hai Trầu, người bạn hơi già của tôi hỏi sao lâu nay im re, anh nói già sao nhanh quá anh ơi, chả muốn làm gì cả. Thì ra, tuổi già, đúng là “Chả cần gì! Chỉ cần già!” là vậy.

Chủ nhật rồi, tôi đi Hốc Môn thăm BTD, người bạn đã thân quen từ 60 năm trước, năm 1960 từng đi chơi suối Lồ Ồ với Nguiễn Ngu Í, Lê Phương Chi, Hồ Xích Tú (con ông Hồ Hữu Tường), Quách Giao (con nhà thơ Quách Tấn), Nguyễn Công Thuần… Anh vốn là người mê văn chương, mê sách cổ, vốn có một vườn cây kiểng, đá kiểng… nổi tiếng một thời, bây giờ đang… Alzheimer, quên hết mọi thứ. Nhắc chuyện xưa, nhớ chút chút… Anh nhứt định đòi tôi tặng anh cuốn “Già sao cho sướng?” mà cũng không biết sướng “để làm gì?”.

Một hôm, tôi ra ngồi một mình ở café Đường Sách, trời còn lành lạnh sau cơn bão rớt, chăm chú đọc La Sơn Phu Tử của Hoàng Xuân Hãn, bỗng một cô bé áo vàng đến hỏi dạ bác tên gì ạ? Tôi ngạc nhiên, ngó lên. Để làm gì? Dạ để chú thích cái hình con mới chụp lén bác, một ông già đang mê đọc sách nè… Bác không có tên con ạ. Tôi trả lời. Cô thất vọng bỏ đi. Tôi tội nghiệp hỏi. Con làm việc ở đâu? Con tập sự ở báo…, mới ra trường, làm ở phòng… muốn đăng hình phải có tên người. Ờ, sếp con là ai? Cô nói tên đến người Sếp thứ ba, thứ tư gì đó… tôi mới à một tiếng có biết. Bác làm nghề gì? Cô hỏi lại. Con đoán xem. Hình như bác làm ngành giáo dục? Có một chút. Bác làm bên văn học nghệ thuật? hay Báo chí? Có một chút. Tôi đành khai. Bác làm bên ngành y. Bác là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Cô ngẩn ra. Người bạn đi cùng cô à hình như có một nữ bác sĩ tên là Đỗ Hồng Ngọc, con có đọc đâu đó một bài thì phải. Cô áo vàng bỗng reo lên: À, gõ Google coi nào! Cô bấm bấm cái điện thoại. Ồ, bác có trong Google này. Tôi nói thêm. Con thử gõ dohongngoc.com xem. Cô lại ồ bác có “chấm com” nữa hả?  Chiều đó, cô gởi tôi cái hình chụp lén và nói con may mắn được quen biết bác…

Cũng ngộ phải không? Cô bé chỉ nhỏ hơn mình chưa tới 60 năm, huống chi cái ông Từ Thức lên non mấy tháng trở về đã nhiều trăm năm trôi qua mà còn đi hỏi thăm người này người nọ!

Lục trong đống thư từ cũ thấy có một thư viết tay của một em bé 15 tuổi ở Bến Tre nói em tình cờ đọc cuốn “Gió heo may đã về” của tôi (1995) bèn mua về cho Ba Mẹ. Ba mẹ em tuổi mới ngoài 50, hục hặc nhau luôn, từ ngày đọc cuốn này đã thôi không còn gây gỗ nữa, em rất mừng viết thư cảm ơn. Nhưng bất ngờ nhất là có một em coi cuốn Nghĩ Từ Trái Tim, viết về Tâm kinh Bát-Nhã (2003), mua về đọc cho Bà Nội nghe vì thấy bà nội thường tụng Tâm kinh hàng ngày. Bà nội thích lắm, bắt đọc cho nghe hoài… Đến khi bà mất, em đã đem cuốn sách Nghĩ từ trái tim đó “đốt” theo Bà!

Toàn chuyện “tào lao” phải không. Đừng phiền nha. Thôi thì nói qua chuyện khác vậy. Bạn biết đó, thơ Đường (thất ngôn bát cú) là thứ thơ ngày nay ít ai để ý (trừ Tô Thẩm Huy, trước đây giữ mục Đùa với Đường thi trên báo). Tôi nhớ Nguyên Sa có nói muốn làm thơ Tự do cho hay thì phải giỏi thơ Đường trước đã! Bạn nhớ nhà thơ Tường Linh không?  Đây là một bài thơ anh gởi mấy năm trước.

 

 

Và đây nữa , bài thơ tôi viết mừng nhà thơ Huy Cận, trong buổi kỷ niệm Tuổi 80 của ông ở Saigon. Đọc vui thôi nhe. Đừng có kêu “Để làm gi” nhe.

 

bản thảo viết tay của Đỗ Hồng Ngọc tặng nhà thơ Huy Cận, 1999.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

Filed Under: Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Vài đoạn hồi ký

VU LAN: Về bài thơ “Bông Hồng Cho Mẹ”

10/08/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

 

Về bài thơ “Bông Hồng Cho Mẹ”
Đỗ Hồng Ngọc

(https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2019/08/10/ve-bai-tho-bong-hong-cho-me/)

Mùa Vu Lan.  Thật may mắn cho những ai được cài đóa hồng trên ngực áo. Bởi họ còn Mẹ. Tôi thì cài bông trắng. Nhưng điều tôi tin chắc là mẹ tôi đã gặp… bà Ngoại, và vì thế, mẹ đã có thể gài lên ngực một đóa hồng thật tươi từ đó…

Bông hồng cho Mẹ

Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…

Đỗ Hồng Ngọc
(Vu Lan 2012)

Võ Tá Hân, người nhạc sĩ đã có đến hơn 30 CD nhạc Phật giáo và hằng trăm khúc tình ca nổi tiếng, một hôm tình cờ đọc được bài thơ ngắn ngủn này đã cảm xúc viết nên khúc hát Vu Lan thật thiết tha dành cho những người con… không còn Mẹ.
Và tiếng hát da diết của ca sĩ Thu Vàng thấy trên youtube:

 

 

Rồi Bội Hoàng, từ Cần Thơ đã cảm tác :

Tình yêu còn mãi

Đọc bài thơ mà mắt lệ đoanh tròng
Ai thấu hiểu một tình yêu đã mất
Ai tự hào cài hoa hồng lên ngực
Dù đã qua cái tuổi cổ lai hy!

Con chỉ muốn luôn được cài hoa đỏ
Dù tuổi đời Má đã rất mong manh,
Dù con Má đã con cháu vây quanh,
Vẫn muốn được mỗi ngày chăm sóc Má.

Được bón cơm, được đút cháo, châm trà
Được tắm rửa, được thay quần áo mới
Được ngồi bên nghe những lời Má nói
Mà dậy lên niềm thương cảm riêng tư

Má bỏ con năm Má chín mươi tư
Rời cõi tạm, Má lên đường thanh thản
Con cài hoa cho màu áo Má đỏ
Để Má về gặp Ngoại vui đoàn viên

(Bội Hoàng, 2014)

Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh từ Santa Ana, mùa Vu Lan 2016 viết trong bài “Ngoại Chờ Bên Kia Sông”:

“Lại đến mùa Vu Lan. Những đóa hồng đỏ hạnh phúc bung nở vành môi vẽ một vòng xum vầy thỏ thẻ Mẹ Ơi. Những đóa hồng trắng ngân đọng nước mắt lung linh đôi bờ xa vắng âm vang tiếng gọi Mẹ Ơi. Trong niềm, vừa hân hoan vừa cảm động, tôi nhớ đến bài thơ về Mẹ mà khi đọc nhịp tim tôi như bị nghẹn,

Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông

(Bông Hồng Cho Mẹ, Đỗ Hồng Ngọc)

Thử xem. Đọc. Nghe. Rồi hít vào một hơi thở sâu, im vắng, thì mình như nghe được tiếng nước mắt đang vỡ ra… Vỡ bung như ngọn sóng xanh lấp lánh biển pha lê. Vỡ tung như ngọn pháo hoa rơi vô vàn sợi ánh sáng trong đêm. Những cái vỡ, không tan mà thăng hoa, phải chăng đó là tận cùng của Đẹp? Như hạt nước mắt này, nó bung bung. Ánh lên bóng của Ngoại đang đứng bên kia sông, bên kia là bên của miên viễn không còn sinh tử? Và Mẹ, Mẹ đang từ cõi chết đi vào cõi sống ấy để lọt vào vòng ôm ấm áp của Ngoại. Mẹ đi từ nụ hồng đỏ nở duyên trùng phùng Ngoại. Ý thơ mầu nhiệm làm sao.

Tôi thấy không nói nên lời được để tả cho chính xác cảm giác của mình về sự mênh mang “ý tại ngôn ngoại” trong sâu thẳm bài thơ này. Về cái rất không nghĩa của Mất Còn. Đến với tôi là ý niệm con đường sinh tử đang xóa đi dưới cảm xúc của đứa con, -là Đỗ Hồng Ngọc đây-, người chiêm nghiệm sống chết thật là như không, đóa hồng trắng người đang đeo là một thực tại, đóa hồng đỏ đang rưng rưng trên áo Mẹ kia, là áo nghĩa của thực. Tất cả đều ở thì đang, không còn hôm qua ngày mai phút tàn giây tới. Sinh mệnh không khởi đi và chấm hết bằng hai đầu tiếng khóc nữa. Là Đây. Là Đang. Một thực tại sống động xóa hết biên giới không gian và thời gian. Hình dung Mẹ, trong hơi thở hắt ra bỗng trong suốt nhẹ nhàng đứng lên, trong ngày hội tưng bừng của Tình Mẫu Tử, cúi nhìn bàn tay đứa con run run cài lên ngực áo mình một đóa hồng đỏ, và Mẹ phất phới đi trong nôn nao cho kịp giờ hẹn với Ngoại. Ôi ta mất mẹ và ôi Mẹ vừa có Ngoại. Vô biên lâng lâng nỗi Còn Mất… Huyễn ảo vô cùng khiến những giây tơ vi tế nhất trong cảm xúc ta bị đánh động.

Ngoại Chờ Bên Kia Sông, tôi viết hoa vì mỗi mỗi chữ của câu thơ này là khởi đề dẫn đến chiêm nghiệm ảo hóa về sinh tử. Và toàn bài thơ là tấm tình trong vắt ban sơ của người con, rất nhỏ, mà cũng đã rất già. Bởi rất nhỏ thì mới yêu thương Mẹ được hồn nhiên như thế. Và phải chăng, rất già mới có thể biến yêu thương ngây thơ thành một tình yêu vượt qua được đau đớn của chia lìa sinh tử, như thế.

Cảm ơn Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, cho tôi biết thêm một nhịp đập thương yêu nữa của Hiếu Tử, cho tôi từ bây giờ đã có thể chấp nhận một cách nhẹ nhàng khi nghĩ đến một lúc nào đó phải xa Mẹ. Không phải là một cái xa hẳn rồi, mất hẳn rồi như tôi vẫn thường nghĩ nữa. Trong hạt nước mắt rơi lại thấp thoáng nụ cười, nhìn Mẹ của ta lại cài hoa hồng đỏ về bên Ngoại. Ôi! Cái không nói của Ngoại Chờ Bên Kia Sông đã lấp đầy cảm xúc và ý nghĩ của tôi đến thế!

Và lúc này đây, còn được thấy mẹ ra vào thì hãy thỏ thẻ bên vai mẹ rằng,

… mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng… (thơ Đỗ Trung Quân)

Trong hoan hỷ địa mẫu tử, tôi đọc thầm cho riêng mình, gửi đến các con tôi,

… tận cùng hạt lệ mẹ
là nước mắt con rơi
tận cùng tiếng cười mẹ
là nụ cười con vừa mở
và con ơi
tận cùng hư vô mẹ
sẽ một ánh nhìn theo con. trở lại

(thơ NTKM)

Thưa có phải cũng có chút gặp gỡ giữa “sẽ một ánh nhìn theo con. trở lại” và “Ngoại Chờ Bên Kia Sông”?

NTKM
Santa Ana, Mùa Vu Lan

 

mà nhà phê bình Tô Thẩm Huy cảm thán:

“Bài thơ ngắn, vỏn vẹn 20 chữ, mà thâm thúy, ảo diệu vô cùng. Đọc lên điếng cả hồn.

Phải chép lại ra đây.

Con cài bông hoa trắng
Dành cho Mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực,
Ngoại chờ bên kia sông

Rõ ràng Nguyễn Thị Khánh Minh đã cảm bài thơ đến vô cùng, đến “tận cùng của đẹp”, tận cùng của ý nghĩa sinh tử kiếp người, không khởi đầu, không chấm dứt. Thời gian tan biến mất. Thơ tuyệt, mà người cảm thơ cũng quá tuyệt. Thật là may mắn có được người đồng điệu như thế.

Bài phổ nhạc hay, hai giai điệu khác nhau mà hòa hợp, hỗ tương lẫn nhau. Tuy thế, cảm xúc khi đọc bài thơ nó đến ào ạt, như cùng một lúc nó trào dâng, bủa vây tứ phía, làm bàng hoàng, run rẩy khắp cả châu thân. Cảm xúc từ bài nhạc nó đến khoan thai, từ tốn, êm đềm”.

Lê Uyển Văn từ Trà Vinh viết: Bài viết tuyệt vời được khơi nguồn từ bài thơ đẹp. May mắn cho chúng ta được thưởng thức những tuyệt phẩm này. Xin đa tạ!

Còn Trieu Minh (Úc) ghi cảm nhận khi nghe bài hát từ giọng ca Thu Vàng: “ Doc va nghe Nhac, nghe Nghen o nguc, nuoc tu lan tren Ma”.

ton  t  comment: “Nghe nhức xương, thấm tới tủy”;

chrslam thì ghi: Đã nghe đi nghe lại cả chục lần bài hát này. “…Mẹ nhớ gài lên ngực. Ngoại chờ bên kia sông…” Một cảm giác khó tả. Cám ơn thi sĩ và nhạc sĩ.

Và E-Temple ghi nhận: “ Chỉ có 4 câu ngắn ngủn thôi mà thành lời ca, và hát mãi không muốn dừng.  Con dập đầu lạy Phật, xin Mẹ được vãng sinh ‘ Nam mô Đại Từ Đại Bi A-Di-Đà Phật….’”

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy từ Huế viết trong “Yếu tố bất ngờ trong bài thơ bông hồng cho mẹ”:

“Bông hồng cho Mẹ của bác sĩ – thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bài thơ hay về mẹ. Hay đến mức nào? Hay đến mức lặng người, lạnh người… Bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt ngũ ngôn, chỉ vẻn vẹn bốn câu, hai mươi chữ nhưng đủ để khiến người đọc có nhiều phức cảm buồn vui, thấu đạt lẽ sinh tử, cảm ngộ điều được mất… để có thể tỉnh thức, an nhiên trước sự nghiệt ngã của quy luật sinh ly tử biệt.

(…)

Viết về cái chết, về nỗi đau tử biệt nhẹ nhàng như thế, nhà thơ đã thấm nhuần triết lý của nhà Phật. “Vô thường”, “sắc không”, “tứ khổ”, “diệt khổ”, “từ ái”… được chất chứa trong từng câu chữ giản dị tưởng chừng như không còn là thơ, không phải là thơ.  Mặc dù bài thơ đậm chất triết lý, nhưng chất triết lý ấy đến một cách đơn giản, không trau chuốt gọt giũa, không cao đàm khoát luận. Mọi cảm xúc, tình cảm trong bài thơ vừa như có, vừa như không; vừa rất nặng, vừa rất nhẹ; vừa hiện thực, vừa kỳ ảo. Tất cả đều tùy thuộc vào cách mà mỗi người cảm nhận về cái chết, về tình mẫu tử, về lẽ tử sinh. Sâu sắc và đa nghĩa như thế, Bông hồng cho Mẹ là cả một chân trời nghệ thuật mà ở đó, mọi đường nét nghệ thuật dường như tan biến trong tình cảm sâu nặng của người con đối với mẹ, để rồi lan tỏa đến người đọc. Khiến cho người đang nằm có thể bước đi, khiến cõi chết trở thành cõi sống, khiến âm dương cách biệt trở nên gần lại, đậm chất nghệ thuật nhưng không thấy dấu hiệu của nghệ thuật…”

(đặc san Liễu Quán, số 12, Vu Lan 2017).

Mùa Vu Lan này, xin gởi bạn đôi dòng về bài thơ Bông Hồng Cho Mẹ như một lời chúc mừng đến bạn, người đã rất sướng vui, tự hào, khi còn được cài một bông hồng đỏ thắm trên ngực áo của mình! “Rồi một chiều nào đó anh về, nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu… rồi nói nói với Mẹ rằng… Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không?…” (Phạm Thế Mỹ).

Đỗ Hồng Ngọc

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Có một buổi “Ra Mắt Sách”… như thế!

11/06/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi

Có một buổi “Ra Mắt Sách”… như thế!

Nghĩa là nó chẳng giống ai bạn ạ. Nó hơi kỳ cục. Thôi kệ. Bạn đã hỏi thì gởi vài tấm hình (phóng sự) và “bình luận” chút xíu cho vui thôi nhe.

Nó kỳ cục vì Ra mắt sách mà không phải để giới thiệu sách mới, không phải để làm PR, quảng bá, vì thực ra thì sách đã… cũ. Cuốn “Về Thu Xếp Lại…” của mình ấy mà. Phát hành đầu tháng 4.2019, qua tháng 5 đã “tái bản” lần 1, và mình cũng đã gởi tặng phần lớn các bạn cả rồi. Đọc chưa thì không biết. Có ý kiến ý cò gì thì không biết. Nhưng ít ra mọi người cũng đã thấy cái… tựa rồi, và cũng đã dòm qua cái hình bìa rồi. Thực tế, có lẽ chẳng ai muốn “thu xếp” cái gì cả cho thêm mệt. Thế nên buổi họp mặt “bỏ túi” hôm nay (Thứ bảy 8.6.2019) tại nhà Lê Ký Thương – Kim Quy là một buổi “Ra mắt… cái bìa sách” thì đúng hơn bạn ạ.

Cái bìa thiệt đẹp. Vẽ ông Bồ Đề Đạt Ma sau 9 năm diện bích, chỉ còn mỗi chiếc dép… quảy về cố hương!

Và, dịp này, mình đã không quên nhắc bạn bè qua những cái bìa sách xa xôi nữa:

Thơ Ngắn Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc) chẳng hạn, để kỷ niệm 50 năm… làm thơ, bìa do Lê Kỳ Thương trình bày (2017), cạnh tập thơ đầu tay TÌNH NGƯỜI, Đỗ Nghê 1967 do Lữ Kiều Thân Trọng Minh trình bày rất độc đáo với hình của Cocteau, rồi cuốn Gió heo may đã về, 25 năm về trước thì do Lữ Quỳnh trình bày, với hình của Đỗ Trung Quân và mới nhất, Về thu xếp lại… bìa của Lê Ký Thương… Mình đã mang cả 4 cuốn này đến buổi họp mặt để bạn bè ai chưa có thì nhận cho vui. Sách… “phát hành” chạy như tôm tươi!

Bạn thấy đó. Buổi gọi là Ra Mắt Sách (RMS, viết theo kiểu Khánh Minh)… “linh đình” như vậy là dịp rất tốt để nhắc đến bè bạn gắn kết bấy nay. Hôm nay còn có Nguyên Minh, một “Tống Giang” cũng có mặt, người được anh em bạn bè quý mến, “chủ xị” tạp chí văn chương Quán Văn bây giờ, đã ra được 65 số đặc biệt về các chân dung bằng hữu.

Đỗ Hồng Ngọc “phát biểu” đôi lời… nhắc đến Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Lê Ký Thương, Nguyên Minh, Đỗ Trung Quân…

một không khí… gần gũi

và… ấm áp!

Gia đình nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương vừa đến. Chị Hỷ Khương nghe nói vừa mới té hôm trước, mà nay quyết nhờ “Quận Mã” Bá Thùy đưa đến gặp anh em cho được! Vừa gặp chị đã kêu: Còn gặp nhau… thì sao hè? Ai đó đọc tiếp: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ và v.v… Chị vẫn cười rất Hỷ Khương. Năm nay đã 83 rồi đó.

Và bây giờ là tiếng hát của Quách Mạnh Kha với những bài Trịnh Công Sơn, Pham Duy… và tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Đình An. Bên cạnh là nhà văn Nguyễn Lệ Uyên, họa sĩ Lê Ký Thương, nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy, nhà giáo Ngọc Minh

 

 

 

Rồi đôi “uyên ương” Mỹ Lệ và Đình An không quên hát bài “Sông ơi cứ chảy…”, thơ Đỗ Hồng Ngọc do nhạc sĩ Thuần Nhiên Nguyễn Đức Vinh phổ nhạc…

Bất ngờ… Hồ Văn Thành và Nhựt Quang, hai “bạn trẻ” của thời Du Ca Nguyễn Đức Quang cùng song ca: Người yêu tôi bệnh: “Giờ còn có nhau giúp nhau cho thật nhiều/ Ngày nào mất nhau sớt chia chẳng được đâu…!”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bạn thấy đó, một buổi RMS kỳ cục! Hình như những ai đến dự buổi này dù không nói ra đều thấy rằng đã đến lúc nên “Về thu xếp lại…” đó thôi: Còn gặp nhau thì hãy cứ say/ Say tình say nghĩa bấy lâu nay/ Say thơ say nhạc say bè bạn… (Hỷ Khương) và Giờ còn có nhau, giúp nhau cho thật nhiều… (NĐQ)

Buổi RMS kỳ cục này cũng chỉ có bắp, khoai, chuối, xôi, chôm chôm, nhãn, ổi… và trà, càphê, sữa đậu nành, hột é… thế thôi.

Một bạn trẻ, Vũ Trung Kiên đến trễ, ôm tặng một lẵng hoa tươi:

 

Nhớ lại, Vũ Trung Kiên hôm nào đã viết:

“…Độc giả sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi đọc cuốn sách này: Có lúc tâm ta đắm chìm trong thâm trầm, suy tưởng; có lúc bật lên cười khúc khích như vừa phát hiện ra…chính mình mà lâu nay mình không chịu nhìn nhận…nó. Hỏi hay không? Hay! Hay sao nói coi? Không nói được! Có những cái hay nằm ngoài khả năng biểu đạt của ngôn ngữ. “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn làm chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị” (Nguyễn Hiến Lê, 1972). Hãy đọc cuốn sách này bằng cái tâm an của một người từng trải để lắng nghe tiếng thì thầm của tâm ta tìm về mách bảo. “Thưa rằng: nói nữa là sai/ Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào” (Bùi Giáng). Đọc Về thu xếp lại để bắt gặp mùa xuân và sống với một mùa xuân vĩnh cửu”.

(Vũ Trung Kiên)

 

Thân mến,

Hẹn thư sau,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

Ghi chú thêm: Có vài chi tiết vui vui, liên quan đến cuốn “Về Thu Xếp Lại…”:

  1. Đầu tháng 3/2019 lúc mình đang ở Nepal ( Kathmandu, tại Hymalayan Happiness Resort) thì cũng là lúc bản thảo VTXL sắp được in, còn vài chỗ cần trao đổi thêm, chủ yếu là lỗi morasse,  cách viết, một thứ “tản văn” rất gần với tùy bút v.v… Thế là Nhà xuất bản đã trao đổi qua email với mình để cũng bàn luận, chỉnh sửa… Nói… chung, với chiếc điện thoại di động nhỏ xíu, ngồi ở một nơi lạnh buốt, bên tách trà nóng, cách Saigon hằng mấy ngàn cây số, nhìn núi tuyết xa xa, vờn những đám mây trắng xóa, cạnh những thung lũng hun hút dưới chân Hymalaya mà…  sửa morasse cho bản in cuốn Về Thu Xếp Lại cũng có chút thú vị bất ngờ chớ phải không?
  2. Có một cú điện thoại từ vị thị giả của Hòa thượng Nhật Quang, Trụ trì thiền viện Thường Chiếu ở Long Thành kêu… gởi gấp cho Hòa thượng chừng chục cuốn VTXL để tặng các vị Thầy ở Thiền viện vì sách … rất hay, và rất có ích…! Còn Ni sư Hạnh Chiếu thiền viện Tâm Đức thì nói sẽ cho… photocopy thêm để tặng bà con… Phật tử. Tóm lại, VTXL sẽ được phổ biến… mạnh trong nhà chùa.
  3. “Chẳng cũng khoái ru?” (ĐHN)

 

 

 

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Gío heo may đã về ...., Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn xa xôi (5.2019)

16/05/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi (5.2019)

Cũng khá lâu rồi phải không? Hôm nay mình lại lai rai kể vài chuyện cho bạn nghe vui, chuyện từ những bức thư bạn bè anh em thân thiết thôi nhé.

  1. Trước hết là thư của Nguyên Đạo Văn Công Tuấn, một “bạn trẻ” mới khoảng ngoài 60, ở Đức, tác giả Hạt Nắng Bồ Đề, gởi mình kèm một bài viết khá dài, kể chuyện “Tìm… Tết”

 

Bắt chước ai, đi… Tìm Tết

“Tìm Tết là chữ của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Trên trang nhà của anh, anh viết về các sinh hoạt Tết của anh ở Việt Nam đọc mà … thấy thèm và nhớ quê quá.
Nhớ trước đây một năm, tết Mậu Tuất (2018) đọc mấy bài anh viết: „Lang thang mấy ngày Tết“ mình thích vô cùng. Ăn tết cỡ vậy thì mới xứng đáng. Xứng đáng là anh đi trên các ngõ ngách quê hương để thăm bạn bè văn hữu. Mấy nhân vật anh nhắc đến cũng có nhiều tên mình nghe rất quen và kính phục. Anh viết:

“Hình như già quá rồi nên lúc này mình không có cảm giác Tết là gì cả bạn ơi. Cũng may, Mùng hai Tết (17.2.2018) đi theo gia đình làm một chuyến giang hồ vặt, từ Saigon lên Đà lạt, rồi vượt đèo… Khánh Vĩnh về Nha Trang, rồi từ Nha Trang về Phan Rang, PhanThiết, trở về Saigon tối ngày Mùng 7. Cũng có thể gọi là có du… xuân! Để kể bạn nghe vậy nhé…“

Anh Ngọc mà kể chuyện thì nghe mê luôn. Đến lúc anh về đến Nha Trang viết bài “Thăm thầy Phước An, chùa Hải Đức Nha Trang“ lại nhắc đến tên mình và cuốn sách Hạt Nắng Bồ Đề. Thật quá hân hạnh.
Bởi vậy lòng dặn lòng, cuộc đời không biết còn bao nhiêu năm, thôi mình cũng nên bắt chước anh Đỗ đi thăm những người mình mến mộ, để không chừng có ngày tiếc vì trễ quá, hết sức lực để khăn gói đi lang thang.” (…)

 

Thế rồi Văn Công Tuấn “khăn gói quả mướp” lên đường từ Đức qua Paris xa xôi “tìm… Tết” với Thầy Thiện Niệm ở chùa Khuông Việt, rồi còn ghé nhà thăm các anh Cao Huy Thuần, Hoang Phong Nguyễn Đức Tiến, được gặp gỡ trò chuyện với các vị Thiện tri thức này thật đáng quý trọng.

Văn Công Tuấn còn cho biết thêm, sắp tới đây “Tam Nguyên” còn sẽ gặp nhau ở Mỹ. Không phải Tam Nguyên Yên Đỗ đâu nhé, mà ba vị Nguyên Tánh Nguyễn Hiền (5 Hiền), Nguyên Đạo Văn Công Tuấn và Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến… Vui quá! Có chuyện gì hay nhớ kể nghe.

……………………………………………………………………….

 

2. Và đây, bức thư dễ thương của nhà thơ NXT. Nghe anh vừa nằm bệnh viện ra, mình gởi anh bài viết về Huế, về buổi gặp Camille Huyền ở Bến Xuân và nhắc chuyện… 15 năm trước Camille Huyền đã từng hát “Kể chuyện trăng tàn” (nhạc Khúc Dương phổ thơ Đỗ Hồng Ngọc) cho anh nghe cho mau hết bệnh. Ai ngờ anh trả lời bảo anh “mê” Camille Huyền “từ những năm xưa” và còn nói “gặp Camille Huyền là một hạnh phúc đó”!

 

ĐHNgọc ơi,

(…)

ĐHNgọc biết không, mình mê Camille Huyền từ những năm xưa. Khi xem hình Camille với gia đình, bạn bè. Nhất là trong video Huyền hát Em Mãi Là Hai Mươi tuổi Khúc Dương phổ nhạc thơ Quang Dũng:

Em mãi là hai mươi tuổi

Anh mãi là mùa xanh xưa

Những cây ổi thơm ngày ấy

Và vầng hoa ngâu mưa thưa…

Camille Huyền hát Kể Chuyện Trăng Tàn thơ ĐHNgọc cũng hay lắm. Gặp Camille Huyền là một hạnh phúc đó.

(…)

Thăm ĐHNgọc và chúc an vui.

Thân,

NXT

 

Thử nghe Em mãi là hai mươi tuổi trên blog của Phạm Cao Hoàng nhé.

 

http://phamcaohoangaudiovisual.blogspot.com/2015/11/540-camille-huyen-em-mai-la-hai-muoi.html

 

Hy vọng một ngày nào đó, đưa NXT về Huế, thăm “vương phủ” của anh và về Bến Xuân gặp Camille Huyền để nghe nàng hát nhé.

……………………………………………………………………………………

 

3. Và rồi bất ngờ hơn với lá thư của nhạc sĩ Võ Tá Hân, người đã phổ nhạc bài thơ “Bông hồng cho Mẹ” của mình và chính anh đã ôm guitar đệm cho  Thu Vàng hát trong Đêm nhạc Tình Hoài Hương vừa rồi.

 

Và Phan Tấn Hải (Nguyên Giác) đã comment:

Bông Hồng Cho Mẹ — thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhạc Võ Tá Hân — ca sĩ Thu Vàng (guitar: Võ Tá Hân). Bài thơ ngắn, chỉ 4 câu, 20 chữ, trở thành ca khúc ngắn nhất (và có lẽ được ca ngợi nhiều nhất) của nhạc sĩ Võ Tá Hân. Thơ và nhạc hay tới lạ lùng. Trong Đêm nhạc Tình Hoài Hương, Thứ Bảy 11.5.2019

 

Anh Ngọc mến,

Tôi có một lớp dạy guitar cho người cao niên mỗi tuần vào sáng thứ ba.  Học viên hầu hết chưa hề cầm cây đàn guitar bao giờ và người lớn tuổi nhất lớp vừa được 84 xuân xanh.  

Tối hôm kia có mấy học viên nghe Thu Vàng hát bài “Bông Hồng Cho Mẹ” hay quá nên họ yêu cầu tôi dạy bài này cho cả lớp. Tuần tới sau khi mọi người có thì giờ tập thì chắc chắn là sẽ hát & đàn hay hơn nhưng tôi xin gửi tạm tấm hình lớp học và file mp3 bài nhạc mới hát lần đầu sáng nay để anh xem và nghe cho vui nhé.

Thân mến

VTH

Lớp dạy đàn guitar cho người cao tuổi của nhạc sĩ Võ Tá Hân: đang học hát bài Bông Hồng Cho Mẹ.

 

Thân mến,

Hẹn thư sau,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Hai Trầu lai rai đọc “Về thu xếp lại…”

03/04/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Vài cảm nghĩ khi đọc “VỀ THU XẾP LẠI…”

của Đỗ Hồng Ngọc

Lương Thư Trung

 

(ảnh: kinhtethoidai)

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vốn dĩ là tác giả của nhiều tác phẩm viết về đạo Phật và anh còn là nhà thuyết giảng trong các lớp “Đạo Phật và Đời Sống” vào các ngày cuối tuần ở chùa Xá Lợi (Sài Gòn), nên ghi nhận trước tiên của tôi sau khi đọc tác phẩm Về Thu Xếp Lại là tư tưởng Phật Giáo gần như bàng bạc trong suốt các trang sách của tác giả.

Thật thế, ngay như ở Lời ngỏ, phần giới thiệu cuốn sách, tác giả viết:

“Người ta nói đúng. Mình đang ở tuổi nào thì đó là cái tuổi đẹp nhất, không thể có tuổi nào đẹp hơn! Một người 40 mà cứ tiếc mãi tuổi 20 của mình, một người 60 mà tiếc mãi tuổi 40 thì đến 75 họ sẽ tiếc mãi tuổi 60… thật là đáng thương!

Tôi nay ở tuổi 80. Thực lòng… đang tiếc mãi tuổi 75! Thấy những bạn trẻ… trên dưới bảy mươi mà “gato”! Mới vài năm thôi mà mọi thứ đảo ngược cả rồi. Bây giờ có vẻ như tôi đang lùi dần về lại tuổi ấu thơ, tuổi chập chững, tuổi nằm nôi…

Vòng đời rất công bằng. Chỉ còn cách tủm tỉm cười một mình mà thôi! “

Không ai có thể ở hoài một tuổi nào mà mình thích. Thời gian cứ trôi, trôi hoài và không ai có hai lần ở cái tuổi 20 hoặc tuổi 30, tuổi 40… chẳng hạn!

Vâng, người ta thường ví dòng đời như một dòng sông và có một câu ngạn ngữ rất quen thuộc của một triết gia Hy Lạp, Héraclite, mà ai ai cũng biết:”Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”.

Cách nay hơn nửa thế kỷ (ngày 21-11-1965), Thượng Tọa Thích Thiên Ân, trong một lần thuyết trình về đề tài “Giá Trị Triết Học Tôn Giáo Trong Truyện Kiều” nhân kỷ niệm Đệ-nhị-bách chu-niên cụ Tiên-Điền Nguyễn-Du, tại thính đường Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn, Ngài đã nói:

”Vâng, không ai có thể tắm được một dòng sông trong hai lần, vì nước sông luôn luôn lưu động di chuyển, vì các tế bào trong con người luôn luôn sinh-diệt diệt-sinh. Con người ngày hôm qua không phải là con người ngày hôm nay, dòng sông của giờ phút trước không đồng với dòng sông của giờ phút sau, thay đổi khác nhau từng tích-tắc sát-na, như thế thì làm sao mà tắm được một dòng sông trong hai lần?”(1)

Qua “Lời ngỏ” như vừa nhắc, nhất là câu: “Vòng đời rất công bằng. Chỉ còn cách tủm tỉm cười một mình mà thôi!”, là người đọc nhà quê già, tôi cảm thấy nụ cười “tủm tỉm” của tác giả  phảng phất chút gì rất hợp với tư tưởng Phật Giáo, vì : “… Thân thể trăm năm của cá nhân con người mình cũng theo định luật chung mà trôi qua như dòng nước. Đã không bám víu được vào sự vật bên ngoài, quay vào trong phản tỉnh, lòng tự hỏi lòng có chi tồn tại, không biến đổi, ngoài thời gian và không gian?” (Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử Tư tưởng Việt Nam).

Đó là phần mở đầu của cuốn sách. Bây giờ xin mời bạn thử lần tìm chút nắng, chút gió và cả chút mưa trong “Về Thu Xếp Lại” có gì vui, có gì thú vị ở đây chăng?

Vâng, thưa bạn, ngay phần một, tác giả ghi tựa “Cát bụi tuyệt vời…”. Và sao lại gọi là “Cát bụi tuyện với…” ?

“Cái hình ảnh lấy cát bụi vo thành môt cục rồi thổi vào đó một hơi dài để vươn vai lớn dậy làm người thì thật là thú vị. Thú vị ở chỗ nghĩ cho cùng, cái thân xác cát bụi kia một hôm trở về làm cát bụi thì đã là chuyện dĩ nhiên, đương nhiên, tự nhiên, sao còn sanh sự tào lao chi cho mệt. Có điều để cái “cát bụi tuyệt vời…” này trở thành “cát bụi mệt nhoài” thì lỗi tại ta. Ta có thể làm cho cát bụi trở nên “thú vị” được lắm chứ! … “

Vâng, là một người đọc nhà quê già, đôi lúc tôi cũng nghĩ như tác giả là thân phận con người chẳng khác nào là“cát bụi”, có đó rồi theo thời gian đến lúc trăm năm lại trở về với cát bụi thôi! Dù đời xưa hay đời nay, dù thời nào và ở đâu cũng vậy, hổng cách gì con người có thể vượt ra ngòai cái định luật tự nhiên của trời đất mà chối cãi được! Nhưng cái điều đáng nói ở đây là tác giả đã biết cách làm cho “cát bụi” phàm trần ấy trở thành “cát bụi tuyệt vời” ngay trong đời sống hiện tiền!

Bạn sẽ hỏi tôi, tác giả làm bằng cách nào chứ gì? Thì đây lá bí quyết mà Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chẳng hề giấu giếm dù anh  đã viết: “Nói không được. Bất khả thuyết. Không từ đâu đến/ chẳng đi về đâu. Nó Như Lai…”. Nhưng chính tác giả đã gợi mở ra cánh cửa giải thoát ngay trong phần này cho chính mình và cho người đọc: vì con người sở dĩ bị “mệt nhoài” là do những thứ như “thất tình lục dục, hỉ nộ ái ố…” đó thôi! Vậy thì theo tôi, chỉ còn cách mình phải dứt khoát buông bỏ ba cái lăng nhăng ấy thôi! Phải vậy hông?

Sau khi nhận ra được “Cát bụi tuyệt vời..“ như vậy, tác giả giới thiệu phần kế tiếp về tiến trình của tuổi già: “Tôi chợt nhìn ra tôi”:

“Chợt” là vì bất ngờ. Nhưng không phải bất ngờ vì tôi thấy tôi. Mà bất ngờ vì tôi chợt “nhìn ra” tôi. “Nhìn ra” khác với thấy. Nhìn ra là “quán”.  Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không… . Quán là thấy rõ (chiếu kiến). Tôi bấy giờ không còn là tôi bây giờ. Tôi bấy giờ là tứ đại, là ngũ uẩn. Và nếu quán một cách sâu sắc hơn, có thể thảng thốt kêu lên: “Bổn lai vô nhất vật”! (Lục tổ Huệ Năng).  

Cái thú vị ở đây là tác giả“chợt nhìn ra tôi” tức là nhận diện được chính mình một cách bất chợt, không có chuẩn bị gì ráo trọi! Xưa nay người ta thường nhận ra cái xấu, cái khuyết điểm, cái lỗi lầm, cái già của người khác nhưng ít khi nào có ai thấy được cái xấu, cái lỗi, cái già của chính mình! Do vậy theo tôi, tác giả bảo :“Tôi chợt nhìn ra tôi”, rồi : “Tôi thường tủm tỉm cười”, có nhiều hàm ý trong mấy từ ngắn ngủi ấy. Nó vừa là một tiếng lòng, vừa là tiếng than, vừa là một lời trách là sao tự bấy lâu nay ta không thấy ta già dần theo thời gian, mà phải đợi mãi đến hôm nay mới “chợt nhìn ra mình”? Có trễ lắm không hay vẫn còn là một may mắn là mình còn biết mình nay đã phong sương nhiều rồi để còn kịp “về thu xếp lại” nữa chứ! Phải vậy hông? Trong đời tôi chỉ sợ nhứt là mình không biết mình là ai đó thôi! Vì không biết mình lam sao biết người được! Có đúng vậy hông?

Hoặc một chỗ khác, tác giả cũng lại “cười” mình: “Nhiều khi, sáng dậy, nhìn vào gương soi tôi lại thấy tức cười. Tôi đó sao? Nhăn dần từng nét ngộ nghĩnh trên mắt trên da(…). Tôi tức cười nhìn mình. Nó nhìn tôi cũng cười. Ngộ nghĩnh. Cười mà ráng. Không ráng thì nó trĩu nặng.”

Với tuổi già đến nhanh và không trừ bất cứ ai, với tôi, một người bình thường, tôi biết vậy nhưng nhiều lúc lại sợ nó, sợ cái già tới mau quá nhưng vơi tác giả thì khác, anh lúc nào cũng bình thản nhận ra nó bằng nụ cười dù đôi lúc nụ cười ấy có chút gì xót xa, có chút gì ngậm ngùi…; nhưng phải công bằng nhận ra rằng tác giả là một mẫu mực của sự can đảm, của nhận thức về màu thời gian hằn lên da thịt con người qua những nếp nhăn một cách bình tĩnh và đặc biệt là anh cách để làm cho cái chút bụi, cái chút gió ấy trở nên thú vị !

Phần tiếp theo là “Về thu xếp lại… ngày trong nếp ngày”. Phần này cảm động là lúc tác giả kể lại những trường hợp chính anh bị bệnh và nhờ vậy mà tác giả lại mới nhớ lại mình:

“Nhưng bệnh cũng có cái hay của nó chứ. Nó làm cho ta nhớ lại mình…”

Và có lẽ phần dưới đây, cảm động cũng không kém:

“Cái thiếu lớn nhất của người già là thiếu bạn. “Trời cao đất rộng, một mình tôi đi/ đời như vô tận, một mình tôi về… với tôi!” (TCS). Từ ngày về hưu, bạn bè rơi rụng dần. Rơi rụng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Lâu lâu, dòm lại cái cuốn sổ danh mục ghi điện thoại đã thấy có nhiều địa chỉ chẳng biết làm sao liên lạc được nữa. Muốn xóa mà ngâp ngừng rồi không nỡ.”

Dường như ai ai mỗi khi trải qua bảy tám chục năm tuổi đời rồi vì hoàn cảnh này hoặc hoàn cảnh khác, lâu dần bạn bè “rơi rụng” nhiều, giống như tác giả tâm sự, muốn xóa đi một địa chỉ cũ, lâu rồi không còn liên lạc được nhưng trong lòng cứ “ngâp ngừng rồi không nỡ.” Riêng tôi, cũng gặp nhiều trường hợp khó xử như vậy! Dù tôi chẳng làm nên công lên chuyện xuống gì nhưng cũng có cuốn sổ điện thoại, rồi cũng ghi địa chỉ nữa; nhưng lâu quá tôi không còn liên lạc được với vài ba anh em trong cuốn sổ ghi chép ấy và đặc biệt có nhiều anh em nay các anh ấy dời chỗ nào rồi không biết hoặc có anh tôi biết chắc là nay ảnh không còn trên đời này, nhưng mỗi lần muốn lấy viết gạch bỏ số điện thoại ấy đi, tôi cũng không đành! Nghe sao cứ nao nao trong lòng!

Đến chương: “Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi…”, tác giả kể về nỗi niềm trắc ẩn của chính mình mỗi khi nghe hoặc  nhìn thấy cảnh đời nhiều lúc rất quen nhưng không cầm được nước mắt cứ chực trào ra, không kềm giữ nổi:

“Tôi thấy mình càng già càng dễ xúc động. Cảm xúc rất mạnh. Mít ướt. Cảm xúc không bị bào mòn đi hay cùn nhụt đi, chai lì đi như vẫn tưởng…”

Vâng, tôi nay già cũng hơi bộn bộn rồi và tôi cũng “mít ướt” từ rất sớm, ở những năm vào tuổi 50, 60, hoặc 70 chứ đâu có già gì cho lắm như bây giờ mới mít ướt đâu! Về điều này, tôi rất đồng cảm với tác giả vì chính tôi nay chưa già bằng anh nhưng cũng đã bảy mươi mấy rồi và nhiều lúc đọc một câu chuyện kể về những đứa trẻ mồ côi rồi có người xin về nuôi, ba bốn chục năm sau, khi lớn khôn và thành nhân, thành tài rồi , đứa bé mồ côi ngày xưa ấy bỏ ra bao nhiêu năm lặn lội tìm lại được mẹ mình, cảnh sum hiệp, trùng phùng mẹ con mừng mừng tủi tủi ấy cũng làm tôi rơi nước mắt.

Hoặc nhiều năm gần đây cứ mỗi lần nghe lại một bài nhạc hợp với tâm cảnh của mình tôi cũng khóc được; khóc một cách tự nhiên không gì kềm giữ được! Chẳng hạn như khi nghe lại bản “Tám Điệp Khúc” của Anh Việt Thu tôi nhớ hồi mới quen bà xã tôi, ngày nào trước căn nhà ở đường NCC (Quận nhì, Sài Gòn), phía trước nhà có một nhà hàng xóm lúc nào cũng mở máy thu băng bản nhạc ấy, nghe riết rồi như ghiền, rồi sau này cử mỗi lần ở đâu chăng nữa hễ nghe bản nhạc ấy là nhớ những ngày yêu dấu tuyệt vời của mình; vậy mà rồi tôi cũng không cầm được nước mắt! Nhiều lắm những nhạc phẩm như thế, cảm động lắm! Nói gì nguyên bản nhạc thì vậy, đằng này chĩ vài chữ dùng thôi như chữ “tà dương” trong nhạc phẩm “Chuyến tàu hoàng hôn”, hổng biết sao cứ nghe đến hai chữ “tà dương” thôi là tôi bị như ma hút hồn mình, tôi trầm ngâm một mình và rưng rưng nước mắt!

Thêm nữa, tôi hoàn toàn đồng ý và cảm ơn tác giả về nhận định này:

“Tình yêu lãng mạn có ý nghĩa rất lớn ở người có tuổi. Như “nuôi sống” họ bằng tình yêu (…)  Thứ “romantic relationships” này là những “hỗ trợ xã hội” tuyệt vời nhất, xúc chạm, thân mật, gần gũi càng già càng thấy cần hơn, nhất là khi người ta cảm thấy cô đơn hay đau khổ vì một lý do nào đó cần chia sẻ. Người phối ngẫu lúc đó cũng đã trở thành một người bạn thiết. Tuổi trẻ, tình yêu gần gũi với tình dục, nhưng tuổi già, tình yêu trở nên đằm thắm, tình yêu của từ bi hỷ xả, của bè bạn, cùng sến già nam và sến già nữ cho nhau!”

Dù nhỏ hơn tác giả vài ba tuổi, nhưng thực sự tôi cũng biết được giá trị của lời nhận định vừa rồi của tác giả bởi một lẽ giản dị là vì “…tuổi già, tình yêu trở nên đằm thắm, tình yêu của từ bi hỷ xả, của bè bạn, cùng sến già nam và sến già nữ cho nhau!”

Đến chương: “Người đã đến và người sẽ về bên kia núi”, tác giả giúp người đọc nhận ra đâu là thật, đâu là giả trong cõi trăm năm này của một đời người.

“Đời sống sinh vật thay đổi từng sát na, không bao giờ đứng yên một chỗ, lẽ nào tái sinh lại y chang như cũ? Có điều những nguyên liệu cứ hủy, tan rã rồi lắp ráp lại nên một hình tướng mới. Cho nên mới bảo nó chỉ là “giả tướng” tạm bợ vậy thôi. Thấy “như thật” là thấy cái thực tướng vô tướng đó. Thỉnh thoảng ta gặp một ai đó thấy như đã quen từ lâu, như đã có hẹn hò từ muôn kiếp trước… thì cũng đừng có ngạc nhiên!“

Vâng, những suy tư vừa rồi của tác giả về một chu trình khép kín ấy rất hợp với tư tưởng Phật Giáo mà Thượng Tọa Thích Thiên Ân cũng có nhắc:

“Theo Phật-giáo thì vũ trụ nhân-sinh đều là do nhân-duyên hòa-hợp với nhau mà sanh, không có một vật nào thật-có cả. Nhân-duyên hòa-hợp ở đây là chỉ trạng-thái hòa-đồng tương-hợp giữa hai phần thể-chất và tinh-thần (con người), vật-thể và hình –thể (sự-vật), hay nói đúng theo danh-từ của Phật-giáo là Tứ-đại và Ngũ-uẩn hòa-hợp lại mà thành, nên tất cả đều là vô-thường, giả-huyễn, hữu-hạn và đau khổ.“(2)

Ở chương :“Chìm dưới sương thu là một đóa thơm tho…”, tác giả đã đặt ra nhiều câu hỏi thú vị về sự hiện diện của con người trong trời đất này, và dĩ nhiên, phải là người dày dạn kinh nghiệm và lịch lãm mới có những ý tưởng thâm trầm như vậy được.

Chẳng hạn, tác giả viết:  “Tôi ngờ rằng có một phần thưởng quý giá nào đó cho kiếp nhân sinh, mà thiên nhiên đã mất công tạo ra, không thể nào có một mục đích duy nhất là làm cho nó phải khổ đau từ lúc sanh đến lúc bệnh, lão và tử. Điều này hoàn toàn vô lý. Bởi nếu vậy thì thiên nhiên đã không tạo ra vạn vật, nhất là sinh vật.”

Vâng, với ý tưởng mà tác giả vừa nêu trong phần này quả đúng là chẳng lẽ hóa công tạo ra con người, ra vạn vật để rồi hành hạ nó, bắt nó khổ đau chơi cho vui hay sao? Có cha mẹ nào sanh con cái ra mà không muốn con cái khỏe mạnh, mau lớn, mau khôn, thông minh và sáng dạ đâu? Chắc chắc là có rồi! Có cha mẹ nào đành đoạn bắt con cái đói khát, ngu dốt, lang thang đầu đường xó chợ không? Chắc chắn là không rồi! Điều này nếu có, quả là rất vô lý! Bởi lẽ tạo hóa, trong đó có các đấng trời cao sở dĩ được người ta tôn thờ là vì người ta tin tưởng các đấng ấy yêu thương mọi sinh vật kể cả con người!

Để giải thích thêm cái ý hóa công có phần thưởng nào cho mọi sinh vật trong trời đất không, tác giả đặt ra nhiều câu hỏi có ý tìm hiểu mà cũng đượm chút gì trách móc hóa công:

“ Thử nhìn xem, vạn vật luôn đẹp đẽ, sinh vật luôn đẹp đẽ muôn màu muôn sắc, Hai con bọ ngựa yêu nhau, ve vãn nhau, giao hợp, xong con đực chết ngay và trở thành thức ăn cho con cái. Con cái mang cái trứng đã thụ tinh, nuôi nấng và sinh sản, xong cũng chết. Nếu chỉ làm cái việc giao hợp rồi chết như con bọ ngựa hay những con ong đực, thì nhiệm vụ duy nhất của nó chỉ là làm vật trung gian, truyền giống, khi hoàn thành nhiệm vụ thì không có lý do gì để tiếp tục tồn tại. Vậy thì ít ra phải có chút tưởng thưởng gì cho cái vất vả của nó chứ? Có lẽ vì thế mà thiên nhiên đã tặng cho nó chút khoái lạc trong lúc giao hợp. Nhưng sự giao hợp là sự truyền trao chủng tử, còn chuyện “bố thí thân mạng” kia có ý nghĩa gì không? Có được tưởng thưởng gì không?”

Còn nhiều câu hỏi khác mang tính triết học liên quan tới việc ăn, việc ngủ, về khoái lạc, về nguồn gốc con người, về cái sống, và cả về cái chết nữa. Nhưng thôi, tôi xin dành lại cho bạn để bạn tìm đọc cho vui!

Ở tiêu đề “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt”, tác giả dẫn người đọc về một chương với tính tương sanh tương hợp giữa thiên nhiên và con người qua cái nhìn của Phật Giáo. Có thể nói đây là một chương đượm màu sắc triết học Phật giáo rõ nhất trong tác phẩm “Về Thu Xếp Lại” qua kiến giải của một “hành giả” đã thấm nhuần  tư tưởng Phật giáo như tác giả, quả là một bài học rất quý báu cho những ai muốn tìm hiểu về các giá trị đích thực của đời sống hiện hữu này vậy! Chẳng hạn, tác giả bàn qua về “Minh và vô minh”, về “Những gì là hạt giống Như Lai?”, về phiền não, về bịnh, về thực tướng vô tướng, về chân không diệu hữu, về ma, về kiến tánh, về luân hồi sanh tử, về nghiệp báo oan gia, về Phật và Như Lai…

Tới chương “Trời cao đất rộng một mình tôi đi…” , tác giả lại khai triễn thêm về hơi thở và  thiền, … Quả thật đây là cả một quá trình tu tập khá lâu dài và tôi khoái nhất câu này: “Chẳng ai có thể thở giùm ai được đâu. Chẳng ai có thể “thiền” giùm ai được. Cho nên phải quay về nương tựa chính mình “một mình tôi đi, một mình tôi về… với tôi” mà thôi. “

Ở phần cuối: “Để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười… “, tác giả đã tìm ra phương pháp, tự nhận và biết mình rõ hơn qua nền tảng kiến thức y học mà tác giả đã học và kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề bác sĩ: “Cái nền tảng kiến thức y học cũng giúp soi sáng nhiều điều, và ngược lại học Phật đã giúp tăng cường hiệu quả cho y học nhờ tiếp cận toàn diện, thân tâm, khổ đau, bệnh hoạn…”.

Và trước khi kết thúc, tác giả đã viết:

“Khi chưa hiểu thì tất cả những điều này có vẻ bất thường, kỳ cục, vô lý, khi hiểu được rồi thì thấy nó quá rõ ràng, chính xác, hoàn toàn hợp lý. Nhờ đó, có thể thấy xuyên suốt những pháp này pháp nọ, tông này tông kia chẳng qua cũng chỉ là một.

Không phải là lý thuyết suông, mà là sự thực nghiệm, thể nghiệm ngay trên bản thân mình.  Hãy đến và nếm thử. Mô tả không được! Nếm trải mới biết. “

Tóm lại, nếu quả đúng “văn là người”, thì  qua tác phẩm “Về Thu Xếp Lại”  với một bút pháp đặc biệt rất đặc thù của Đỗ Hồng Ngọc: nó giản dị mà hàm súc, chất liệu thì trữ tình, thành thật, cảm động, và đôi khi pha chút dí dỏm trong cách dùng chữ mà ý nhị, thâm trầm đã có thể cho chúng ta thấy được một bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc dày dạn kinh nghiệm trong tu tập và lịch lãm trên đường đời; mặt khác, ở đây nó còn thể hiện rõ đức tính và phong cách một bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc luôn thương mình, luôn yêu người, và nhất là yêu cuộc sống này với tất cả sự đam mê, lạc quan và tha thiết! Có lẽ nhờ vậy mà ở tuổi tám mươi tác giả vẫn yêu đời và tôi chưa thấy anh già chút nào!

 

Hai Trầu, Lương Thư Trung

Houston, ngày 31 tháng 03 năm 2019

 

……………………………………………………………..

1&2/ Trích trong quyển “Giá Trị Triết Học Tôn Giáo Trong Truyện Kiều” của Thương Tọa Thích Thiên Ân, Giáo sư Tiến Sĩ Đại Học Văn Khoa và Vạn Hạnh (Sài Gòn), nhà xuất bản Đông Phương (Sài Gòn), năm 1966, các trang 32-33.

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Nguyễn Thị Tịnh Thy trên FB: “VỀ THU XẾP LẠI…”

03/04/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

“VỀ THU XẾP LẠI…”

FB Nguyễn Thị Tịnh Thy

(Thứ sáu, 29.3.2019)

 

(ảnh: kinhtethoidai)

 

Ở tuổi 55, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc bần thần viết “Gió heo may đã về”, đến 60 thì viết “Già ơi… chào bạn!” như một reo vui, đến 75 còn… ráng viết “Già sao cho sướng?…” để sẻ chia cùng bè bạn đồng bệnh tương lân. Nhưng 80 thì thôi vậy. Đã đến lúc phải “VỀ THU XẾP LẠI”.
“Về thu xếp lại”… bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”…, “giật mình ôi chiếc lá thu phai”…
“Về thu xếp lại… bởi “cát bụi tuyệt vời” đã chuyển thành “cát bụi mệt nhoài”
“Về thu xếp lại…, “một ngày kia đến bờ”…, “đời người như gió qua”.
Hãy đón nhận ngày đó một cách bình thản, an nhiên như “mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi; mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời…” Có gì đâu! Nhẹ tênh mà!
Lấy cảm hứng từ những ca từ đầy tính triết lý phận người nhẹ nhàng mà sâu sắc của Trịnh Công Sơn, Đỗ Hồng Ngọc sẽ đưa chúng ta đến với các U80 bằng y học, tâm lý học, Phật học… trong dặt dìu của âm nhạc, thi ca.
Dí dỏm, duyên dáng, chất khoa học đan quyện trong chất nghệ thuật, sự nghiêm trọng chuyển tải qua các ngôn từ hài hước của cuốn sách nhỏ sẽ giúp những người già dễ dàng lắng nghe chính mình. Và đặc biệt, người trẻ sẽ hiểu hơn về người già.
Hiểu gì?
Hiểu rằng người già khó ăn, khó ngủ, khó tính, … nhưng lại dễ yêu: “…Có vẻ như càng già người ta càng yêu nhiều hơn, yêu vội hơn và càng yêu thì càng “sống khỏe sống vui” hơn! Khi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội” thì mới thấy còn có bao nhiêu thời gian để yêu thương và được yêu thương? Dĩ nhiên, tình yêu bấy giờ có thể chỉ là một mối tình lãng mạn, hoặc một mối tình “ngỡ đã quên đi/ bỗng về quá rộn ràng”… để rồi “như bờ xa nước cạn/ đã chìm vào cơn mơ”. Tình yêu lãng mạn có ý nghĩa rất lớn ở người có tuổi. Như “nuôi sống” họ bằng tình yêu. Hình như họ chỉ giữ được chút kích thích tố vừa đủ để “lãng mạn” cho cuộc đời đẹp ra, đáng sống hơn, sức khỏe cũng tốt hơn vì nó làm cho tim đập nhanh hơn, tuần hoàn não tốt hơn, trí tuệ minh mẫn hơn, hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn, ít bệnh vặt hơn và nếu có bệnh thì rất mau lành!”
Có chắc như thế không nhỉ? Các anh chị em Tag vào Facebook của ông bà nội, ông bà ngoại xem các cụ comment thế nào nhé! ️🤣
****

Filed Under: Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định

Thư gởi bạn xa xôi (1.3.2019)

01/03/2019 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Thư gởi bạn xa xôi (1.3.2019)

“Về thu xếp lại…”

Đúng là lúc đầu, tập “tản văn” này mình lấy Tựa là “Một ngày kia đến bờ” và post lên dohongngoc.com một vài đoạn… để bạn bè mình xem thử. Không ngờ dù đã “rao trước” chỉ dành cho ” người cao tuổi”, trên dưới 70 mới nên đọc mà các bạn trẻ cũng đọc, rồi kêu bác đổi tựa đi, tựa này nghe đầy “hù dọa”, bác nghĩ coi, con để cuốn sách này trong túi xách, đặt trên bàn, hay cầm trên tay vào quán càphê thì người ta dòm con… ra sao?

Vì thế mình đã đổi Tựa là: “Về thu xếp lại…. ” cũng là một ca từ của Trịnh. Một bạn trẻ viết: Tựa này con nghe thân mật, gần gũi hơn, cũng nhắn nhủ đó, nhưng nhẹ nhàng, không “hù dọa”…

Thiệt ra, lúc đầu khi viết, nghĩ viết để mình mình đọc, để tự “nhắc nhở” mình: Gate, Gate, Paragate, Parasamgate… thôi.

Nhưng đúng là “Về thu xếp lại…” có vẻ nhẹ nhàng hơn, dù cuối cùng thì “thu xếp lại” cũng là để “đến bờ” mà, phải không?

Thế rồi, Nhà xuất bản Tổng hợp Tp. HCM, nơi trước đây đã in Gió heo may đã về, Những người trẻ … lạ lùng, Già ơi… chào bạn!… đã sẵn sàng để in “Về thu xếp lại…”.

Gởi bạn cái bìa… coi trước cho vui.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Gươm báu trao tay

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Go to page 5
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 17
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

TẠP GHI (Lõm bõm…) kỳ 3

Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)

TẠP GHI (Lõm Bõm)

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Vài ngày về thăm Lagi, Phan Thiết…
  • Ngày của Cha – Happy Father’s Day
  • Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022
  • Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…
  • Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Tùng Phạm trong Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Giới thiệu
  • Đinh Hà Duy Linh trong Giới thiệu
  • Hồng trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Buổi trò chuyện về Thiền “Quán Niệm Hơi Thở”
  • Cao Huy Khiem trong Buổi trò chuyện về Thiền “Quán Niệm Hơi Thở”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “Xả”… stress !
  • “Xả”… stress ! | suonglamportland trong “Xả”… stress !
  • Phan Công Khương trong Nguyễn Mậu Pháp: CẢM NHẬN  “VỀ THU XẾP LẠI…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Có một “nghệ thuật”… ngủ!

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email