Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Thêm một món quà bất ngờ từ Khiếu Thị Hoài: “CÁ BẢY MÀU”

28/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thêm một món quà bất ngờ từ Khiếu Thị Hoài: “CÁ BẢY MÀU”

Khiếu Thị Hoài ở Hội An vừa gởi tôi đường link này: Một buổi đọc sách thật thú vị trong Chương trình Đọc Truyện Cho Thiếu Nhi do cô thực hiện tại Hội An. Đó là truyện Cá Bảy Màu trong cuốn CÓ MỘT CON MỌT SÁCH của tôi do First News Trí Việt xuất bản (2015).

Đây là một cuốn sách tập hợp từ những truyện nho nhỏ, tôi viết dành cho thiếu nhi đã đăng trên báo Nhi Đồng từ những năm 80… của thế kỷ trước, lấy tên chung là Có Một Con Mọt Sách, được NXB Thanh niên in lần đầu, sau này Hội Quán Các Bà Mẹ cùng tôi bàn bạc hình thành một cuốn sách “tranh truyện” (không phải truyện tranh) cho trẻ em với các tranh minh họa rất dễ thương của họa sĩ Đỗ Đức Thuận.

 

Sách không ngờ đến tận… Mỹ, do Bà nội tên “duyên” mang về đọc cho mấy cháu nhỏ nghe. Cô cháu gái 5 tuổi đi đâu cũng ôm cuốn sách và gần như thuộc các câu chuyện, nhất là chuyện Giếng Nước Mùa Xuân… bắt bà Nội dịch sang tiếng Mỹ mới chịu.

Cảm ơn Khiếu Thị Hoài và các cháu.

 

Bs Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

 

…………………………………………………………………………………………………..

Đọc “CÓ MỘT CON MỌT SÁCH”
 của Đỗ Hồng Ngọc

 

Huyền Chiêu (Nha Trang)

CMCMS (hinh bia) Sắp đến hè, vào nhà sách tìm mua vài quyển truyện cho cháu, tôi thật vui khi bắt gặp trên kệ sách một tập truyện mỏng dành cho trẻ em của Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Đã từng đọc những tác phẩm rất đáng yêu của ông dành cho những người đang bâng khuâng lìa xa tuổi trẻ để bước vào tuổi chớm già,  đã từng cảm thấy an ủi khi đọc những bài viết cổ xúy cho một tâm thức  sống trẻ vĩnh viễn cho những người  sắp vĩnh viễn lìa xa cõi đời, tôi hồi hộp chờ xem ông có thể  nói gì với những em bé lên tám lên mười…

Sách có bìa thật đẹp. Khen cho họa sĩ trình bày khi vẽ chú bé đang ngồi đọc sách có chiếc mũi của pinocchio, nhưng rõ ràng mái tóc và chiếc gương cận thị đích thực là hình ảnh của tác giả Đỗ Hồng Ngọc  hồi còn bé.

Bên trong sách là 7 câu chuyện kể vô cùng hấp dẫn cho trẻ em lẫn người lớn.

Đọc xong tập sách, tôi nghĩ thật đáng tiếc cho trẻ em khi Đỗ  Hống Ngọc không làm thầy giáo làng mà lại đi làm Bác sĩ.

Ông thật sự là một nhà giáo dục tuyệt vời, một nhà tâm lý sâu sắc.

“Có một con mọt sách” là tựa của câu chuyện cổ tích đầu tiên.

Con mọt sách, trước vốn là một cậu bé ham đọc sách. Cậu mê đọc sách mà quên cả giữ gìn  sức khỏe cho mắt

“Đêm trăng sáng đã đành mà đêm trăng mờ cũng mang sách ra đọc ngoài hiên…”

“mới đầu còn ngồi ngay ngắn trước án thư, sau nằm dài trên chỏng mà đọc..”

Thiếu nắng, thiếu gió cậu bé trở nên gầy ốm xanh xao và sau khi bị cha cấm đọc sách :

“Sinh lén cha trùm kín mền giả bịnh mà đọc”

Tất nhiên là mắt của cậu bé yếu dần và cậu phải dán mắt vào trang sách mới đọc được.

Một đêm, dưới ánh trăng hạ tuần vàng vọt, cậu bé đang nằm bẹp trên trang sách, người bổng thu nhỏ dần thành một con mọt mãi mê bò trên đống chữ.

Tác giả muốn dạy cho các bé phải biết đọc sách nơi có đủ ánh sáng, trong tư thề ngồi ngay ngắn và đọc có chọn lựa, không bạ thứ gì cũng đọc. Nhưng nói như thế thì có khác gì lời dặn dò của thầy cô giáo ở trường. Mà trẻ em thì rất hay quên lời thầy cô. Nếu biết vâng lời thì không đến nỗi hiện giờ có đến gần một phần ba học sinh trong một lớp phải  mang gương cận. “Thầy” Đỗ Hồng Ngọc đã dùng thủ pháp “hăm dọa”. Trẻ em có óc tưởng tượng vô cùng phong phú, hay tin vào chuyện đòi xưa hơn lời nói của cha mẹ thầy cô và nhất là hay… sợ.

Chúng sợ… ông ngáo ộp, sợ ma, và sợ mình biến thành con sâu, con bướm, con dế, con   cào cào… và khủng  khiếp biết bao khi mẹ mình không nhận ra mình còn mình thì không thể kêu lên “mẹ ơi con đây nè…”

“Cá bảy màu” kể lại chuyện 7 hoàng tử cá tìm cách trổ tài để vua cha nhường ngôi.

Hoàng tử út xuất hiện sau cùng và có vẻ không muốn tranh đua cùng các anh. Sau khi được hoàng hậu  hỏi han và thúc giục chàng mới lúng túng cho biết vừa qua chàng chu du tới một nơi xa lạ và ở đây chàng  gặp một loài vật hung ác. Chúng có cánh bay đi hút máu người, và truyền bệnh làm chết nhiều trẻ em. Quái vật này đẻ trứng dưới nước và chàng đã tiêu diệt bọn chúng khi chúng nở thành những con sâu bơi lăng quăng.

Cả triều đình hoan hô và tất nhiên chàng được vua cha trao cho ngôi báu.

Diệt muỗi bằng cách diệt bọ gậy (lăng quăng) là điều các em cần nhớ.

Trong câu chuyện này Tác giả đánh vào bản chất mơ làm hiệp sĩ, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha của trẻ em.

Chẳng phải tất cả trẻ em đều yêu chàng Thạch Sanh chém chằng và ghét gã Lý Thông gian trá?

Trẻ em yếu đuối là thế nhưng luôn mê say những  cuộc phiêu lưu, những chuyến đi thật xa một mình, không có mẹ bên cạnh như Remi trong Vô Gia Đình, như Thằng Người Gỗ, như Sinbad….

Biết quá rõ điều này “thầy” Đỗ Hồng Ngọc đã kể cho các bé nghe cuộc phiêu lưu kỳ thú của chú lãi đũa từ khi còn là một cái trứng bé xíu cho đến khi biến thành một chú ấu trùng (vẫn nằm trong vỏ trứng) được đem ra chợ bán kèm với cọng rau mà chú cố bám chắc vào (truyện Một cuộc du lịch kỳ quái). May mắn là cọng rau ấy là rau ăn sống chứ không phải rau luộc. Một cuộc phiêu lưu kỳ thú đưa chú lãi con từ dạ dày sang ruột non, theo tĩnh mạch vào đến gan rồi   từ gan bơi lên phổi. Không khí trong lành ấm áp ở phổi không dừng được bước chân giang hồ của lãi và chú tiếp tục nhoi lên cổ họng để được một lần nữa lọt xuống dạ dày. Bây giờ chú đã an cư, lạc nghiệp ở ruột non và

“Chú bèn lập gia đình và tiếp tục đẻ mỗi ngày hai trăm ngàn trứng lãi”

Ghê quá!

Bài học về cuộc đời của con lãi thì trong sách khoa học đã có nhưng học trò học mãi không thuộc. Cám ơn “thầy” Ngọc đã có cách  dạy khác đi để học trò không học vẫn thuộc bài.

Các bài học trong  “Có chí thì hư”, “Cái mũi để chi”, “Nghỉ hè, nên làm gì”  cũng là những bài học nhẹ nhàng thú vị mà trẻ em chắc chắn không mệt mỏi khi học.

Tôi thì thích nhất chuyện “Giếng nước mùa Xuân” vì chuyện này “thầy”  muốn dạy các bậc cha mẹ nhiều hơn dạy trẻ em.

Muốn cho con cái khỏe mạnh và nên người thì nên tập cho con được sống như…con nhà nghèo.

Đứa bé phải biết đói thì mới biết  “khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng (*) Đứa bé phải  thích lao động chân tay, phải biết xách nước, bửa củi, phải được chạy nhảy nơi núi đồi,  được tắm ánh nắng chói chang, hít thở khí trời trong sạch.

Để khỏi ốm o gầy còm, chán ăn biếng ngủ, để khỏi béo phì, mê ăn mê ngủ nhưng lười vận động, lười học, đứa bé phải cảm thấy cái hạnh phúc được … đi chăn trâu.

“ai bảo chăn trâu là khổ

Chăn trâu sướng lắm chứ

Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau

Và miệng hát nghêu ngao” (*)

Miển là:

“Vui thú không quên học đâu” (*)

“Thầy” Ngọc nhắn nhủ:

“siêng năng, cần mẫn, không ỷ lại, lười biếng… Sức khỏe là vốn quý nhất không thể mua được bằng vàng bạc, gấm vóc, bằng sức mạnh quyền uy…”

Và cha mẹ cũng phải biết tu nhân, tích đức để xứng đáng làm bậc sinh thành của đứa con hoàn hảo về thể chất lẫn tinh thần.

Điều giản dị như thế nhưng thực ra rất khó thực hiện trong cuộc sống bề bộn, quay cuồng  của ngày hôm nay.

 

Cám ơn tác giả của tập sách mỏng nhưng gói ghém rất nhiều bài học tưởng rằng giản dị nhưng vô cùng cần thiết dành cho các bậc cha mẹ và các bé con thân yêu.

Cũng xin cám ơn họa sĩ Đỗ Đức Thuận đã có những bức tranh minh họa thật dễ thương làm cho tập truyện vô cùng ấn tượng..

Đọc xong tập truyện, tôi  tiếc rằng thời tôi còn bé, tôi không được cầm trên tay một  tác phẩm cho trẻ em đẹp và hay như thế.

(tháng 5- 2015)

(*) trong bài hát “Em Bé Quê” của  Phạm Duy

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Tuổi mới lớn, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn: Món quà Sinh nhật bất ngờ…

14/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn (14.8.2020)

MÓN QUÀ SINH NHẬT BẤT NGỜ

 

Đúng là bất ngờ bạn ạ. Chiều nay, em NVQuyền – người lâu nay thường đi với mình nơi này nơi khác, ghi hình một số hoạt động của mình để làm “tư liệu” vừa gởi một email với mấy dòng “Quà sinh nhật tặng bác Ngọc” kèm một clip ngắn “Vài hình ảnh hoạt động của Bs Đỗ Hồng Ngọc” phần lớn là những hình ảnh do em góp nhặt rải rác trong các clip em đã quay gần đây rồi ráp nối lại, tuy không đầu không đuôi nhưng khá sinh động, với phần mở đầu là bản tin giới thiệu cuốn ĐỂ LÀM GÌ của HTV 9.  Bất ngờ quá chớ phải không?

Trong bài “Tôi học Phật”, mình có viết rằng càng có tuổi, mình càng nhận ra có “cái gì đó” ở ngoài ý chí mình “can thiệp” vào chuyện mình khiến mình đôi khi không khỏi chưng hửng, ngạc nhiên, ngẫm nghĩ… duyên chăng? nghiệp chăng?… Thôi thì cứ “tùy duyên thuận pháp” như thầy Viên Minh dạy!

Chẳng hạn xưa tự nhiên có người không quen biết mang đến nhà tặng mình 5 tập bản thảo, tập hợp các bài viết của mình dày đến hơn vài ngàn trang, lại nói tự tay mày mò gõ cả chục năm như vậy, không “duyên” sao được! Sau mới biết đó là anh 5 Hiền, Nguyễn Hiền Đức, người vẫn tiếp tục giúp mình dàn trang các tài liệu thiệt đẹp sau này…

Rồi gần 10 năm trước có người xưng là Hai Trầu ở miệt Kinh xáng Bốn Tổng… gì đó, đặt cho mình mấy câu hỏi khá “lắc léo” trên trang nhà dutule.com, sau này mới biết là anh Lương Thư Trung, nay là người bạn thiết, cùng chia sẻ những buồn vui của lứa bạn già… Không “duyên” sao được?

Rồi chuyện em NVQuyền cũng ngộ. Tết năm nọ, Nhóm Học Phật mình ghé vào thăm chùa Diên Thọ quận 12, đang ngồi quanh một bàn ăn thì có mấy bạn trẻ bàn bên nọ đến chào hỏi và xin chụp với mình cái hình kỷ niệm. Một em nói khi nào bác có buổi nói chuyện hay dạy học ở đâu đó bác cứ kêu con, con đi ghi hình cho. Tưởng chỉ nói vậy thôi, ai dè em làm thiệt. Các buổi sinh hoạt Phật học và Đời sống ở chùa Xá Lợi, các buổi nói chuyện nơi này nơi kia, khi rảnh, em xách máy theo… Hôm nay, cao hứng, em tập hợp một ít tư liệu ráp nối, gởi làm “Quà sinh nhật” tuổi 80 của mình. “Duyên” quá chớ phải không?

Cho nên, post lên đây để chia sẻ cùng bạn bè thân thiết vậy.

Rảnh, coi vui nhe.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

“Tháng sinh nhật” (tiếp)

04/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Thư gởi bạn (8.2020 tiếp!)

“Tháng sinh nhật”

Chuyện bây giờ mới kể

 

Anh Hai Trầu Lương Thư Trung là một người rất dễ thương, năm nay mới 78, nhỏ hơn tôi vài tuổi, dân Châu Đốc, miệt vườn thứ thiệt, rành chuyện mùa màng sông nước không ai bằng. Lạ, anh mê sách và bây giờ anh đã có khá nhiều “đầu sách”, nổi tiếng với Mùa màng ngày cũ kể chuyên thôn dã đọc mê, rồi Người đọc và Người viết… thì có những nhận định sâu sắc về “nghề đọc” và “nghề viết”… khá lý thú.

Anh Hai Trầu tưởng là mê sách, lang thang các nhà sách từ thuở đôi mươi học ở Saigon đến giờ, hóa ra anh mê… người bán sách! Anh gặp chị Bảy làm việc ở một tiệm sách Tây ở đường Ngô Đức Kế, góc Nguyễn Huệ bây giờ, anh cứ giả bộ rề rề coi cọp sách trong tiệm. Thế rồi như anh dẫn hai câu ca dao khi viết cảm nhận về cuốn Để Làm Gì của tôi: Chuyện cang thường đâu phải cá tôm/ Đang mua mớ nọ lại chồm mớ kia!  cho nên vừa rồi anh Hai chị Bảy làm kỷ niệm 50 năm Ngày Cưới rất trang trọng, con cháu đầy đàn, đông đủ…

Tóm lại, tưởng anh mê sách là hổng phải nhe, phải nói anh mê “người bán sách” mới đúng!

ĐHN

……………………………………………………………….

HAI TRẦU
TÔI ĐI TÌM SÁCH

Hồi đời trước, người đọc sách thế hệ như chúng tôi, ít khi nào được làm quen với các tác giả nên ba cái vụ tác giả tặng sách cho người đọc như ngày nay, tôi thấy dường như là hổng có trừ những bạn bè thân thiết riêng của các tác giả thì tôi hổng biết; kỳ dư hổng có tác giả nào tặng sách cho người đọc! Ai muốn đọc sách thì tìm tới nhà sách để mua sách; còn không muốn mua thì tới thư viện mượn sách; còn như nếu không muốn tới thư viện nữa thì người ta tìm các chỗ cho mướn sách và đến đó mướn sách về đọc.

Trong công việc đọc sách, tôi có cái thú vui nữa là ưa tìm kiếm và đúc kết các tác phẩm của các tác giả có nhiều sách giá trị và quý. Chẳng hạn tôi ưa tìm kiếm và đúc kết sách của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, của học giả Vương Hồng Sển … Thật tình ra, các tác phẩm của các bậc tiền bối ấy đã in có khi rất lâu, năm ba chục năm, mà lại nhiều nữa, nên các năm xuất bản hoặc nhà xuất bản nào in lần đầu hoặc tái bản chẳng hạn nó nằm rải rác khắp nơi, có khi mình muốn tìm, muốn biết, nhiều lúc chẳng biết đường đâu mà mò!

Trong sở thích đó, vài năm trước, có lần tôi ghé ngang qua Sài Gòn, tôi đi tìm sách của các tác giả như học giả Vương Hồng Sển, nhà văn Nguyễn Hiến Lê và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ở vài nơi để bổ túc những quyển nào của ba vị này mà tôi chưa có, trong đó có đường Sách Sài Gòn nằm bên cạnh nhà Bưu Điện, bên hông Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Nơi đây bán rất nhiều sách, đặc biệt là các quầy sách cũ xuất bản trước 1975, nhưng rất khó tìm sách vì người ta để không theo thứ tự nào cả. Tôi thả bộ ra khu Lê Lợi nhưng lúc bấy giờ đại lộ Lê Lợi bị rào chắn lại để sửa đường rất khó đi đến nhà sách Khai Trí, nên tôi tạt qua đường Nguyễn Huệ và gặp nhà sách Nguyễn Huệ nằm trên đường này gần góc đường Ngô Đức Kế & Nguyễn Huệ, gần với nơi có Bookshop ngày trước. Ở đây cũng như nhiều nhà sách khác từ xưa tới nay người ta thường chưng bày (có chỗ viết “trưng bày”) sách trên các kệ sách kê sát tường theo từng loại hoặc theo tên tác giả; nhưng đặc biệt sách của học giả Vương Hồng Sển và nhà văn Nguyễn Hiến Lê được chưng bày rất trang trọng và mỹ thuật ngay chỗ vừa bước vào rất nhiều tựa sách.

Kệ sách của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong nhà sách Nguyễn Huệ (Sài Gòn) [Hai Trầu, tháng 9 năm 2018].

Tình cờ tôi bắt gặp kệ sách của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc với các tác phẩm được để trên kệ riêng biệt như một cái tủ kính rất lớn và đứng lại coi từng tựa sách một rồi lựa mua những cuốn nào mình chưa có. Lúc bấy giờ tôi nhìn quanh thấy nhiều người cùng ghé lại cầm những cuốn sách trên quầy sách này lên và lật lật ra xem. Tôi đếm thử thì có khoảng hơn bốn chục tựa sách như vậy được chưng bày ở đây.

Thật ra, lúc bấy giờ theo chỗ tôi được biết thì các sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã xuất bản rất nhiều tác phẩm rồi, có khi lên tới trên 50 cuốn, và nay có vài cuốn đã tuyệt bản! Nhờ lần đó mà tôi lò mò ghi chép các tựa sách, các năm xuất bản và nay tôi tạm đúc kết các tác phẩm của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc theo chủ đề và theo thứ tự thời gian như dưới đây:

Tác phẩm của Bác sĩ ĐỖ HỒNG NGỌC:
(Hai Trầu sưu tập, tháng 7.2020)

I. THƠ

1/ Tình Người (1967)
2/ Thơ Đỗ Nghê (1973)
3/ Giữa Hoàng Hôn Xưa (1993)
4/ Vòng Quanh (1997)
5/ Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác (2010)
6/ Thơ Ngắn Đỗ Nghê (2017)
7/ Những Bài Viết Về Thơ Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc):
“Như Không Thôi Đi Được” (2020).

II. VĂN: Tùy bút, tạp văn

1/ Gió Heo May Đã Về (1997)
2/ Già Ơi… Chào Bạn! (1999)
và bản dịch tiếng Nhật của Kazuo Minagawa (2001)
3/ Những Người Trẻ Lạ Lùng (2001)
4/ Thầy Thuốc & Bệnh Nhân (2001)
5/ Như Ngàn Thang Thuốc Bổ (2001)
6/ Cành Mai Sân Trước (Tuyển tập, 2003)
7/ Thư Gởi Người Bận Rộn I (2005)
8/ Khi Người Ta Lớn (2007)
9/ Như Thị (2007)
10/ Chẳng Cũng Khoái Ru? (2008)
11/ Nhớ Đến Một Người (2011)
12/ Thư Gởi Người Bận Rộn II (2011)
13/ Ăn Vóc Học Hay (2011)
14/ Ghi Chép Lang Thang (2014)
15/ Già Sao Cho Sướng? (2015)
16/ Có Một Con Mọt Sách (4.2015)
17/ Một Hôm Gặp Lại (2016)
18/ Chuyện Trò Cùng Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc Về Nếp Sống An Lạc (2017)
19/ Về Thu Xếp Lại (2019)
20/ Biết Ơn Mình (2019)
21/ Để Làm Gì (tháng 6 năm 2020)

III. PHẬT HỌC

1/ Nghĩ Từ Trái Tim (về Tâm Kinh Bát Nhã, 2003)
2/ Gươm Báu Trao Tay (về kinh Kim Cang, 2008)
3/ Handing Down Precious Sword (bản dịch tiếng Anh, 2015)
4/ Thấp Thoáng Lời Kinh (2012)
5/ Thiền và Sức khỏe (2013)
6/ Ngàn Cánh Sen Xanh Biếc (về kinh Pháp Hoa, 2014)
7/ Cõi Phật Đâu Xa (về kinh Duy Ma Cật, 2016)
8/ Thoảng Hương Sen (2018)
9/ Thấp Thoáng Lời Kinh (Thư viện Hoa sen, 2019)
10/ Tôi Học Phật (Thuvienhoasen 11.2019)

IV. Y HỌC THƯỜNG THỨC

A- Sách dành cho tuổi mới lớn:
1/ Những Tật Bệnh Thông Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò (1972)
2/ Nói Chuyện Sức Khỏe Với Tuổi Mới Lớn (1989)
3/ Bệnh Ở Tuổi Hoc Trò (1990)
4/ Viết Cho Tuổi Mới Lớn (1995)
5/ Với Tuổi Mười Lăm (1997)
6/ Bỗng Nhiên Mà Họ Lớn (2000)
7/ Bác Sĩ Và Những Câu Hỏi Của Tuổi Mới Lớn (2003)
8/ Tuổi Mới Lớn (Tuyển tập, 2005)
9/ Khi Người Ta Lớn (2011)

B- Sách dành cho các bà mẹ:
1/ Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng (1974)
2/ Chăm Sóc Trẻ Từ Sơ Sinh Đến 3 Tuổi (1978)
3/ Làm Sao Để Trẻ Được Khỏe Mạnh Và Thông Minh?
4/ Những Bệnh Nguy Hiểm Thường Gặp Ở Trẻ Em (tập 1,2)
5/ Săn Sóc Con Em Nơi Xa Thầy Thuốc (1986)
6/ Nuôi Con (1988)
7/ Sức Khỏe Trẻ Em (1991)
8/ Câu Chuyện Sức Khỏe (1996)

Tổng cộng gồm 55 quyển (chưa kể còn vài tác phẩm trên liên mạng, chưa in).

Thật đơn giản đối với tôi khi có dịp tôi đi tìm sách ở các nhà sách để mua và sưu tầm rồi đúc kết các tác phẩm của các tác giả đã xuất bản mà mình thích là một trong những thú vui mà tôi nghĩ là, dù ở tuổi nào đi nữa, tôi không thể nào bỏ được thói quen rất dễ thương này vậy!

Hai Trầu
Houston, ngày 27 tháng 07 năm 2020.

Nguồn: tranthinguyetmai.wordpress.com

……………………..

Viết thêm: Có bạn hỏi thăm 2 cuốn sách dịch, xin gởi thêm vài tấm hình.

Cuốn Già Ơi… Chào Bạn! do Kazuo Minagawa dịch sang tiếng Nhật (Nhà xuất bản Sosisha, Tokyo 2001) và tái bản ngay cùng năm.

Cuốn Gươm báu trao tay (viết về Kinh Kim Cang) do Diệu Hạnh Giao Trinh (Paris 2015) dịch sang tiếng Anh, Thiện Tri Thức ấn hành.

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

“Tháng sinh nhật” (thư gởi bạn)

04/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn (8.2020 tiếp theo),

“Song Kiếm Hợp Bích”

 

Ghi chú: Trên Trang nhà tranthinguyetmai.wordpress.com có một bài… hơi dài, chúc mừng Sinh Nhật một người không có Ngày sinh (chỉ có Tháng sinh) là tôi, trong đó, cặp Uyên ương… đã “song kiếm hợp bích” với những đường kiếm vô chiêu tuyệt đẹp.

Đỗ Thanh Tùng là Kiến trúc sư… phu quân của nhà thơ duyên mà ai cũng biết, tung một bài thơ làm giựt mình…

Đa tạ Đỗ Thành Tùng. Đa tạ Duyên Bùi,

DHN

 

ĐỖ THANH TÙNG
CHUYỆN Ở LA GI

ở la gi nhớ một thời
ấu thơ nuôi lớn chỉ lời mẹ ru
ở la gi chiều mịt mù
quanh co bờ ruộng mù u mọc tràn
ở la gi có lá vàng
lá rụng về cội những hoàng hôn xưa
ở la gi có chiều mưa
về qua lối cũ cho vừa lòng nhau
ở la gi có nhịp cầu
chạnh lòng sóng nước chở sầu đi qua
ở la gi nhớ mẹ già
cài hoa hồng kẻo về bà ngoại mong
ở la gi có giòng sông
giòng sông đã khuất mênh mông (xế tà!)
ở la gi giỗ la ngà
sông ơi cứ chảy cùng tà huy trôi
…………………………………………
ở la gi có… một thời
biển sóng cùng nước muôn đời chờ trông
ở la gi có như không
ở la gi có như không… có gì !

đỗ thanh tùng
gửi mừng sinh nhật anh đỗ hồng ngọc

 

LAGI by Do Hong Ngoc

 

DUYÊN
TUỔI RỒNG VÀNG

Gần đây Nguyệt Mai @ rủ một nhóm bạn viết cho anh Ngọc, mừng Đỗ thi sĩ năm nay vừa tròn 80. Không biết anh có đặt tên cho lứa tuổi này một cái tên dễ thương như những lứa tuổi trước đó chưa, như tuổi hườm hườm, tuổi gió heo may đã về… tôi rất thích.
Trong một bài viết, khi bàn về đời sống, anh đề cập đến lứa tuổi hiện tôi đang trải nghiệm: 65 -75. Anh cho đây là thời gian đẹp nhất, dễ chịu nhất của đời người. Khi đọc qua những điều anh lý luận, đã làm tôi vui và hạnh phúc hơn, tuổi tác không là vấn đề, sống lành mạnh, tránh bệnh tật, phiền não, ở tuổi nào cũng thấy vui…

Tôi thua anh đúng một giáp để được cầm tinh con rồng… anh tuổi Canh Thìn, tôi Nhâm Thìn. Tôi mong có chút gì giống được anh chăng?
Năm Nhâm Thìn nghe kể lại bão lụt ghê gớm lắm, nhiều nơi nếu không mất mạng thì cũng trắng tay, nhất là miền Trung, khi nhắc đến năm này người ta thường liên tưởng đến tai ương, tội tình giống như nói về năm 2020 này vậy, có phải đây là thử thách của Thượng Đế cho loài người bớt tham sân si mà vẫn nhìn ra hạnh phúc. Mới đây nhất, khi đọc trên Blog Phạm Cao Hoàng, để tưởng nhớ nhà văn Mang Viên Long vừa qua đời, anh PCH đã cho đi lại vài truyện ngắn hay và buồn của tác giả. Truyện có nhắc lại khổ nạn của năm Thìn, đúng vào ngày mẹ tác giả qua đời trong một đêm mưa, lũ lụt miền Trung. MVL là nhà văn mà họa sĩ Đinh Cường có vẽ một bức tranh tôi rất yêu thích, trên trán ông bao nhiêu là chiếc chìa khóa (tượng trưng cho công việc ông nhẫn nhục làm khi không còn được làm thầy giáo sau tháng 4 năm 1975) ông giúp người mở lại cánh cửa đã khóa (không còn hy vọng), không biết ông có nhớ làm riêng cho mình một chìa để sao cuộc đời ông buồn quá, chắc chắn năm Nhâm Thìn cũng đã ám ảnh ông. RIP anh MVL.
Tôi sinh ra tại miền Bắc, năm đó có lụt lội không, tôi không được biết, nhưng bom đạn thì tôi đã biết từ khi mới được lên 3 ngày tuổi, năm Nhâm Thìn. Sao vùng nào trên đất nước cũng buồn quá vậy kìa?

Nghe người ta hay khen tuổi Thìn rất tốt, mong đó là sự thật. Điều này có lẽ phải đúng cho anh ĐHN, vì từ khi quen biết anh, tôi nghiệm thấy điều đó. Không biết nhiều về tuổi Canh Thìn, nên tôi tìm vào tử vi đọc chơi cho vui.

“Canh Thìn là số rất cao,
Số có kẻ đón người đưa rộn ràng.


Thuận sinh tiếp đãi dạ thưa,
Hiển vinh một cách có thừa chẳng sai
”

Mấy câu nôm na, à ê quá, có dám gửi cho anh cười vui ngày sinh nhật… Người viết có quen không, sao họ biết rõ về anh vậy kìa? Đúng là anh rồi, y chang luôn!

Một điều rất hay là bất kỳ lứa tuổi nào, anh đều nhìn thấy cái đẹp, cái hoàn hảo của tuổi đó dưới một nhãn quan khoa học, lồng vào cái suy nghĩ nên thơ, bẩm sinh, giầu có của một thi sĩ tài hoa. Người đọc luôn thấy mình may mắn và hạnh phúc. Lối viết dí dỏm, vừa khen, vừa như trêu ghẹo nhưng sau đó, anh vẫn tiên đoán, chắc mẩm: một hạnh phúc sẽ có trong tầm với nếu ta luôn cố gắng và biết cách sống. Bạn bè hoan hỉ “share” các bài viết của anh trên mạng. Khi nhận được tôi vẫn thích thú đọc lại, dù đã đọc nhiều lần… qua những quyển sách dễ thương mang tên anh đang khoe mình trên kệ sách (một số do chồng tôi sưu tập giùm, một số do tác giả tặng)

Dĩ nhiên khi viết, anh thường dùng kinh nghiệm sống của chính mình. Bác sĩ, nhà văn, nhà thơ Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc là người rất thành công trong đời về đủ mọi mặt, sách anh viết lại nhẹ nhàng bình dị, rất gần gũi với mọi người, bạn đọc tưởng như đang nghe chuyện của một người bạn, người anh, chú, bác hay ông của mình, một người thấm đẫm Phật pháp, từ tâm, rất uyên bác đang rủ rỉ bảo ban: cố lên nhé, bạn đang có đời sống, đó là điều tuyệt vời, hãy ôm nó bằng hai cánh tay thương yêu và một trái tim tỉnh thức, tôi dám chắc bạn đang là người Hạnh Phúc nhất! Trong một quyển kinh nào đó tôi đã đọc, người sẽ thành Phật khi người người đều giác ngộ, anh như một Sa Di trong một lối hành xử rất riêng.
Anh tuổi Rồng, lứa tuổi của anh người Mỹ vinh danh Golden Age, tuổi hoàng kim, hay tôi gọi tuổi 80 của riêng anh, giản dị tuổi Rồng Vàng, vừa đẹp, vừa sang cả, vừa phong độ, oai phong trong hạnh phúc anh sắp bước vào: lứa tuổi Rồng Vàng, bay thật cao, thật cao… nhả châu ngọc cho đời anh Đỗ Hồng Ngọc nhé.
Mà này, đã là Rồng, làm gì có tuổi?
Nên có đã thành không…

duyên
7/29/2020

……………………………………..

Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2020/08/01/chuc-mung-sinh-nhat-bac-si-nha-tho-do-hong-ngoc/

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Có một “Tháng sinh nhật”

01/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn (8.2020)

Có một “Tháng Sinh Nhật”

Đỗ Hồng Ngọc

Sáng 1.8.2020, ngủ dậy, mở “meo” đã vô cùng sửng sốt khi thấy một chùm bong bóng của một buổi “đại tiệc” mừng Sinh Nhật mình do Nguyệt Mai gởi tới, với rất nhiều thơ, văn, hình họa… bạn bè thân thiết khắp nơi gởi mừng Sinh Nhật 80 của mình!

Nhớ có lần mình đã thú thiệt:

Anh không có ngày sinh nhựt

Nên mỗi ngày là sinh nhựt của anh

Cảm ơn em

Nhớ đến anh

Ngày sinh nhựt!

(Do Hong Ngoc)

Nói cho đúng, mình chỉ có “Tháng Sinh Nhựt” (!). Vì bà Má nói tuổi thì Canh Thìn (1940), sanh tháng 8, ở nhà bảo sanh Cô mụ Bé, dưới chân cầu sắt Phan Thiết, ngày thì Bà không nhớ, giờ thì hình như… sáng sớm, vì thế Tử vi coi cũng không được! Tản cư trong rừng 7 năm, về thành trễ học, phải làm lại Thế vì Khai sanh 1943 (con Dê) để vào lớp. Tóm lại tuổi thì vừa Rồng vừa Dê.

Đọc những bài thơ, bức vẽ… rất dễ thương của bạn bè trên Trang nhà tranthinguyetmai.wordpress.com không sao không xúc động.

“Mít ướt. Nó vậy đó”

(https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2020/08/01/chuc-mung-sinh-nhat-bac-si-nha-tho-do-hong-ngoc/)

Xin phép được trích đôi bài nơi đây:

NGUYÊN GIÁC PHAN TẤN HẢI
MỪNG ANH NGỌC TÁM MƯƠI

.
Tám mươi nhìn thân ngũ uẩn
ngộ rằng sắc tức là không
lung linh như hư, như thật
biết mẹ chờ bên kia sông
.
Nửa khuya thì thầm với gió
nghe kìa thấp thoáng lời kinh
hương sen ủ vào giấy mực
thư thả viết từ trái tim
.
Đỗ Nghê một thời cầm bút
dòng thơ theo những chuyến phà
chảy khắp dặm nghìn sông núi
mới hay biển cũng là ta
.
Để làm gì, nào ai biết
bé sơ sinh, gửi tiếng cười
hôm nay về, thu xếp lại
nhiều năm nữa, mây lưng trời
.
Tám mươi già ơi chào bạn
dặn dò ngọn gió heo may
như thị, như thị, như thị
niềm vui gươm báu trao tay
.
Một thời tập nghề đỡ đẻ
viết thư tặng bé sơ sinh
giờ nhìn lại, xa phòng mổ
vào giữa chợ, biết ơn mình
.
Có phải một hôm gặp lại
có người tóc trắng rưng rưng
ngồi cảm thọ từng hơi thở
tắm vô thường khắp thịt xương
.
Vui vô cùng, khi học Phật
thấy trăng lên, ngộ Lăng già
mới hay khắp trời vô ngã
mới hay cõi Phật đâu xa
.
Tám mươi cành mai sân trước
nghe đời vui như gió đông
hoa bay khắp trời mưa pháp
ngẩng nhìn lòng nhẹ như không
.
Chắt hết tim gan phèo phổi
hóa thân mưa bụi lưng trời
giã biệt muôn ngàn kiếp trước
chim bay gió bạt lưng trời
.
Phật Phật Phật, khắp trời bất nhị
Thiền thiền thiền, kinh tụng không lời
Tâm tâm tâm, không người, không pháp
Đỗ Hồng Ngọc, cười mãi tám mươi.
.

ng pth
Gửi về quê nhà, mừng anh Đỗ Hồng Ngọc sinh nhật thứ 80.
Tháng 8/2020, nắng vàng phương ngoại.

Bài đã đăng trên Thư Viện Hoa Sen:

https://thuvienhoasen.org/a34321/mung-anh-ngoc-tam-muoi

 

Do Hong Ngoc by Dinh Truong Chinh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
TỦM TỈM ĐI. VỀ. TỚI.

Gửi Nguyệt Mai

Nguyệt Mai gửi e-mail bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Ở là cư ngụ hả Mai. Ở là lúc, thời gian, phải không Mai. Em nói hay thật đấy, tôi đang hình dung những bước chân tuổi 80 hôn trên đất (sư Nhất Hạnh bảo thiền hành với những bước chân như là hôn mặt đất vậy), tôi đang tưởng thời gian đang bắt tay tuổi 80. Mà ai bắt tay ai trước, với bản chất như thế thì chắc là anh Ngọc nhà mình rồi, Mai đồng ý không? Bỗng nhiên tôi mở lại những hình của anh Đỗ Hồng Ngọc, hầu hết là anh cười, mà cười tủm tỉm, mỉm cười. Khi tôi đọc văn thơ của anh lần nào cũng thầm nói, anh Ngọc là vậy, cứ thế mà tủm tỉm đi tủm tỉm về tủm tỉm tới. Hình ảnh đúng như bao người nhận xét, hòa nhã, thong dong, từ từ, nghĩa là tất cả những hình ảnh nào mang tính dừng lại, thì là anh đấy! Anh là mỉm cười, là tủm tỉm, là dừng lại. Tóm lại, là tự tại. Khiến tôi nghĩ đến câu hỏi của Vô Tận Ý bồ tát: “Thế Tôn, Quán Thế Âm dạo đi trong cõi ta bà như thế nào?” Tôi thích nghĩa dạo chơi này lắm, anh Đỗ Hồng Ngọc qua mấy chục pho sách tung tăng cõi bụi độ thoát bao tâm tư thì quả là dạo chơi như thế đúng không hả Nguyệt Mai?

Trong sách Biết Ơn Mình, anh viết,

Xây dựng hình ảnh về chính mình (self-image) rất quan trọng, nếu đó là một hình ảnh tích cực nó sẽ giúp cho mình tự tin hơn và từ đó ảnh hưởng đến “môi trường” xung quanh; còn nếu là một hình ảnh tiêu cực thì sẽ rất không hay.

Tôi nhớ đã nghe trong một pháp thoại của thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói, người đang mỉm cười là tỉnh thức, là chánh niệm, là lúc vững chãi thảnh thơi. Phải chăng anh Đỗ Hồng Ngọc luôn tự tại mỉm cười nên chi ba-con-nợ tham sân si kia chẳng có cửa mà vào? Thế có phải là Niết Bàn Lạc Trú như sư Nhất Hạnh giảng? Hình ảnh ấy đã để lại những tình cảm tích cực nơi người có dịp tiếp xúc anh hay tiếp xúc anh qua chữ nghĩa. Hình ảnh đó đối với riêng tôi như một nhắc nhở khi tôi lậm vào những thứ buồn bã linh tinh về cuộc sống về bịnh tật.

Nguyệt Mai bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Thì bây giờ chỉ nói cái gì liên quan đến cái tuổi thôi nhé Mai, mà nói về phạm trù này thì hầu như chiếm hết trong danh mục mấy chục cuốn sách của anh Đỗ Hồng Ngọc đấy, dám không! Tám mươi tuổi, nhìn dáng vẻ mặt anh thì thấy, ừ 80 thật (dạ thưa quả-táo-nhăn-nheo, can chi một chút eo sèo thời gian!), nhưng nghe anh nói chuyện, đọc văn anh thì ai cũng thốt lên, sao trẻ trung thế! Tôi nghĩ anh được phong thái như thế vì anh chấp nhận tuổi tác vui vẻ quá, đến tuổi nào thì reo tuổi ấy, đây là cách mà chị em mình nên bắt chước đó, Kim Quy, Duyên, Mai, Thu Vàng, Thanh Lương ơi, cái màu tóc bạc, cái da cổ nhăn nheo sẽ làm người ta quên ngó tới khi tiếp xúc với một ánh mắt ấm áp, một nụ cười thân thiện -nếu không tủm tỉm được thì cứ mở hết diện tích của cái miệng xinh, cũng tốt lắm-, khi nào đủ nội lực thì tức khắc tủm tỉm được thôi.

Mà anh đã vào mùa sinh nhật 80 ư anh Ngọc? Nhưng dường như ngày nào cũng là sinh nhật anh mà, nhớ câu thơ này không, Nguyệt Mai, khi em tổ chức sinh nhật anh Ngọc trên không gian ảo nên thơ của Những Tình Thân Ái?

 Anh không có ngày sinh nhật/ Nên mỗi ngày/ Là sinh nhật của anh… (Sinh Nhật)

… Mỗi ngày ta rơi rụng/ Mỗi ngày ta phục sinh (Vô Thường)

Ngày nào mở mắt ra cũng nhủ cười: -hôm nay sinh nhật mình- nên chi anh Đỗ Hồng Ngọc viết cả một loạt sách về cái nhân sinh quan reo tuổi -một võ công thâm hậu đủ sức mạnh để xoay sở với thời gian-. Đôi khi tôi nhìn những vết nhăn, vướng một bịnh nào đó của tuổi tác tôi cứ bị lôi về những kỷ niệm, làm sao tu để có được cái tuệ giác vô thường hầu ứng xử với những nỗi buồn ấy…

Ở đâu đó anh nói, đời người có ba hồi: Hồi trẻ, Hồi trung niên và Hồi đó. Cái Hồi đó này bao trùm cả ba hồi. Như giờ ai hỏi tôi đang ở hồi nào, chắc tôi trả lời, hồi đó, đúng lắm, vì ngay phút trả lời thì đã thành hồi đó rồi, nhưng không phải là hồi xưa đâu, là cái đã, vừa qua mà cứ lung linh rung rinh hiện tại. Thế thì em có hiểu thêm cái nghĩa của tủm tỉm không vậy, Nguyệt Mai? Anh lại bảo: … với tôi, tôi không hề biết mình đã có tuổi, tích tuổi, lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già, và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ (Thư Gửi Người Bạn Nhật Chưa Quen Biết). Bởi vậy mà tới tuổi nào anh cũng có vô số chuyện để đối thoại với chúng, và lúc nào cũng như đứng trước tấm gương tuổi mà hỏi, tôi bây giờ khác gì tôi xưa (Về Thu Xếp Lại), rồi tủm tỉm tay bắt mặt mừng với nó. Hẳn là thời gian cũng vui mừng khi có người bạn đồng điệu ngang cơ như thế. Luôn nhìn mình hỏi mình để thấy được từng lúc rơi rụng, phục sinh thì sao mà không vui vẻ với cái không ta để thanh thơi mỉm cười?

Mai ơi, em có như tôi, vô cùng “gato” cái dũng ấy của anh không? Hùng lực ấy đến từ đâu? Thưa ở nơi cái nhìn rất nên thơ về các giai đoạn đời người. Nên thơ nên chuyển hóa được sợ hãi lo buồn.

Trong Thư Cho Bé Sơ Sinh, anh viết:

Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười


… Khi người ta cắt rún cho bé thì từ đó cái lỗ rún trở nên một nơi chốn để nhớ về.

Khi vừa lìa khỏi êm ấm cõi lòng mẹ, thì có ngay sau đó hình ảnh lỗ rún như một quê hương để nhớ về. Anh đã nhìn nỗi chia lìa kia trữ tình làm sao!

Và khi đến tuổi hoang mang vô kể thì anh cho đó là một phép lạ:

Rồi khi người ta đến tuổi dậy thì, cũng một đợt “biến thái” đầy phép lạ nữa!… không chỉ thể xác mà cả tâm hồn! Người ta xa lạ cả với chính mình. Cao vọt lên, dài ngoằng ra, chỗ phình chỗ xẹp, chỗ lõm chỗ lồi, chỗ dư chỗ thiếu, làm người ta hoang mang vô kể! 

… Vậy đó bỗng dưng mà họ lớn (Huy Cận). Họ ở đây là… mình chớ không phải ai khác. Bỡ ngỡ xa lạ với mình ngày hôm qua, hôm kia… (Đỗ Hồng Ngọc)

Nếu Hồi đó có ai nói với tôi rằng, có một chiếc đũa thần gõ vào thân thể khiến nó thay đổi lạ lùng đến thế thì hẳn đã không phải “théc méc” lo sợ! Các cháu bây giờ thì đã có bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giải thích rồi, mà nói kiểu của bác thì hẳn đa số các cháu nghe xong sẽ làm văn làm thơ… Bởi có cái nghe như thế này:

“Tới một tuổi nào đó, ta quan tâm rất nhiều đến thân thể mình. Ta lắng nghe thân thể mình phát triển như chú dế mèn lắng nghe tiếng cỏ mọc trong đêm khuya…” (Những Tật Bịnh Thông Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò)

Nghe như thế thì hẳn chả lo sợ gì mà thay vào là nỗi hồi hộp thơ mộng, nghe má mình đang hồng lên, chờ một điều âm thầm nào đó đang khiến mình đẹp hơn lên… Nguyệt Mai ơi, phải mà mình được trở lại tuổi đó để được nghe như thế thì thú quá phải không Mai?

Rồi tới cái tuổi mà Đỗ Hồng Ngọc bảo: Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình… (Một Chút Lan Man)

… Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến…

A. Khi tình yêu tìm đến… vậy tất có cái hồi rất dài đó, anh Ngọc ơi, không chỉ tuổi hai mươi đâu, đó là Hồi yêu, nhìn lại những Reo Tuổi của anh xem, bất kể tuổi nào cũng có tình yêu hiện diện, sắc mầu biến hóa như chiếc kính vạn hoa. Lúc nào Đỗ Hồng Ngọc cũng nhận diện được Thương Yêu chung quanh mình. Nhận về rồi trao đi, rồi thủ thỉ với nhau, Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa! (Một Chút Lan Man)

Nguyệt Mai ơi, em bảo anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Nhưng với ý nghĩ lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già, và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ, thì tôi có kết luận rằng lúc nào ông anh nhà thơ lãng mạn của chúng ta cũng ở vào Hồi yêu. Yêu em, yêu người, yêu đời, yêu đạo.

Lúc tôi đọc Thơ Ngắn Đỗ Nghê, tôi có ghi chú dưới mấy bài thơ tình mấy chữ: trời ơi tình! Đã định bụng viết về mảng trời ơi này của anh, nhưng rồi lại xớ rớ đâu đó, giờ tôi xin chép lại đoạn viết ngắn ấy.

…
Thời gian chỉ còn là một đường tơ mong manh cho nỗi nhớ lay động. Hãy xem chàng làm gì để nguôi? Phải hét lên cho cây già hốt trẻ, phải gióng vang chuông trần cho ta bà biết nhớ…

Anh thương nhớ quá làm sao nói
Gọi tên em vang động gốc cây già…

(Quê Nhà)

… Nhớ ơi rung tiếng chuông trần
Em xa xôi biết có bần thần không?

(Chiang Mai)

Phải là tiếng chuông nhớ rất duyên nợ với rung động bần thần yểu điệu kia, nên Lá chín vàng / Lá rụng / Về cội / Em chín vàng / Chắc rụng / Về anh. (Lá 1994). Thế thì Thôi hết cồn cào / Thôi không quặn thắt / Chỉ còn âm ỉ / Chỉ còn triền miên (Nỗi Nhớ). Và bình yên. Có phải đã ước nguyện với nhau như thế?

Có thể nói tuổi cho tình yêu này?  Say mơ của tuổi hai mươi. Nồng nàn của tuổi ba mươi. Lắng thương sâu của tuổi bốn mươi. Và biến hóa nhiệm mầu của tuổi không tuổi…

Đưa em đi lễ
Vầng trăng treo nghiêng
Em làm dấu thánh
Anh làm dấu em.

(Đi Lễ 1997)

Anh hôn đằng sau
Anh hôn đằng trước
Anh hôn phía dưới
Anh hôn phía trên
Chiếc áo của em
Món quà em tặng
Chiếc áo lạ lùng
Có mùi biển mặn
Có mùi dừa xiêm
Có mùi cát trắng
Có mùi quê hương…

Paris 1997
(Món Quà)

Tinh nghịch, mộc mạc, giản dị, đằm thắm, cảm động. Em và quê hương giờ đây hòa vào nhau. Nhớ em là nhớ quê hương. Nhớ quê hương là nhớ em. Trời ơi là tình!

Cái tuổi nào mà có thể thủ thỉ những câu có thể đưa nhau tới nơi không sinh không diệt như vầy:

Cảm ơn em sợi bạc
Cảm ơn em sợi hung
Cảm ơn em năm tháng
Đã theo già cùng anh

(Theo Già)

Nguyệt Mai ơi, hẳn em cũng như tôi, đã rưng rưng khi đọc những câu thơ này, tôi cảm thấu được thời gian gắn bó đi theo màu tóc thủy chung của tình vợ chồng, của đạo vợ chồng. Chúng ta còn khóc huống chi là nhân vật Em kia, Mai nhỉ. Ai nói tuổi được của cái Đẹp?

Nguyệt Mai bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Tưởng tượng, một buổi sáng nắng rất đẹp hứa hẹn một dạo chơi Đường Sách, bỗng thấy anh mình ngồi trầm tư loay hoay giữa bộn bề sách vở thư từ tranh ảnh, ở mắt dường như có hạt thủy tinh, ngạc nhiên hỏi cớ vì sao, cái tủm tỉm cố hữu bỗng nghiêm trang, “Vào tuổi tám mươi, anh nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” Hơ, tôi thấy mắc cười quá, đồng ý việc thu xếp lại kia, nhưng “nhìn lại mình” thì anh lúc nào mà chẳng, mà thường trực nhìn lại mình cơ chứ, phải không Nguyệt Mai. Đọc xem: … tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa! Hiện tại với tôi thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai… (Một Chút Lan Man) Nhìn ra vậy chẳng phải là pháp tu của Người Biết Sống Một Mình? Thanh thơi với ở đây và bây giờ, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

… Mà bất ngờ vì tôi chợt “nhìn ra” tôi. “Nhìn ra” khác với thấy. Nhìn ra là “quán”. Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không… Quán là thấy rõ (chiếu kiến). Tôi bấy giờ không còn là tôi bây giờ. Tôi bấy giờ là tứ đại, là ngũ uẩn. (Tôi Chợt Nhìn Ra Tôi)

Và trong buổi ngồi thu lại những ký ức thời gian và xếp lại những vướng víu đa đoan ấy, anh đã tâm sự:

… Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

Nguyệt Mai có nhận thấy không từ cái thay đổi của tuổi mới lớn đến tuổi hơi già, già chút nữa, già thêm nữa đến…, anh Ngọc đều cảm nhận đó là những biến thái đầy phép lạ, diễn biến tuyệt vời, tôi gọi reo tuổi là vậy:

… Nó diễn biến tuyệt vời đến vậy, liên tục đổi thay đến vậy thì có gì đáng phàn nàn đâu, có gì mà không thể tủm tỉm cười một mình đâu. Cho nên nếu tôi có gì khác tôi xưa thì chính ở chỗ tôi có phần… khoái cái sự già nua tăng tốc đó của mình, tôi hồi hộp dõi theo nó, tôi cảm thấy nó… hợp lý, nói chung là… cũng dễ thương quá đó chớ! (Tôi Chợt Nhìn Ra Tôi)

Và “người không già không trẻ” này kể kinh nghiệm hưởng thụ cái dễ thương đó:

Một là thiếu bạn. Nhìn qua nhìn lại, bạn cứ rơi rụng dần… – Hai là thiếu… ăn. Không phải vì không có điều kiện ăn mà người già thường thích những món ăn kỳ cục, và phải lắng nghe mệnh lệnh của bao tử… – Ba là thiếu vận động! (Những Cái Thiếu Ở Người Già)

Nghe thì thấy anh Đỗ Hồng Ngọc chả thiếu cái nào, các bạn trong Gánh Hát Rong mở email từ hồi nảo hồi nao đến giờ có phải là anh thường xuyên ngao du sơn thủy cùng bạn hữu không? Lúc thì với hồng nhan tri kỷ của cuộc đời, lúc thì bạn cố cựu cỡ nửa thế kỷ như Lữ Kiều rồi thì Khuất Đẩu Lê Ký Thương Nguyễn Lệ Uyên Nguyên Minh Lữ Quỳnh… chưa kể một hàng dài người ái mộ xếp hàng chờ một chữ ký trên trang sách thơm, chưa kể ở khắp nơi có biết bao người đang cầm trên tay sách của anh, chưa kể Gánh Hát Rong còn có: Huyền Chiêu, Ngọc Vân, Kim Quy, Duyên, Thu Vàng, Nguyệt Mai, Thanh Lương, và Khánh Minh đây. Nói chung thì Người Trẻ Lạ Lùng Đỗ Hồng Ngọc kia lúc nào cũng có cái Bên Cạnh. Có khi thì em bé mò trai lượm ốc, có khi là người chủ quán cà phê, có khi thì cây bàng, tảng đá, có lúc là những thuyền thúng, còn không thì có nụ cười tủm tỉm trên môi. Đâu có thiếu bạn. Còn ăn ư, cũng không thiếu nốt, vì ngồi với bạn là có cái gì đó để cùng nhau nhâm nhi, thậm chí ngồi quán ăn xong thì có ai đó bí mật trả tiền rồi.  Mà đã đi lang thang hết núi tới rừng tới biển tới quê nhà thế thì sao thiếu vận động được, ôi chả trách người viết Biết Ơn Mình. Và chắc giờ đây sau khi Về Thu Xếp Lại và hỏi Để Làm Gì thì “Khi bạn hoàn tất việc sắp xếp lại căn nhà của mình, bạn sẽ thấy cuộc đời mình thay đổi một cách diệu kỳ.” Tôi cảm thấy cái diệu kỳ nhất, là nhận ra mình cần chậm lại, để nghe trái tim lên tiếng, để cảm nhận những chuyển biến dù nhỏ nhất xung quanh mình, trong bản thân mình” (Tìm Tết). Chậm lại, nghe tiếng trái tim, cho ta năng lực để thấm thía được hết những đau khổ và hạnh phúc, mới tu học được bốn tâm vô lượng mà Phật dạy để đối xử với người với mình trong hiểu và thương, phải vậy chăng?

Ở Hồi yêu ấy người-ta lại nói thêm, nghiên cứu cho thấy có vẻ như càng già người ta càng yêu nhiều hơn, yêu vội hơn và càng yêu thì càng sống khỏe sống vui hơn! Khi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội” thì mới thấy còn có bao nhiêu thời gian để yêu thương và được yêu thương? Nguyệt Mai bảo anh Ngọc đang ở sinh nhật 80 đấy. Nhớ anh có bài thơ rất tình:

thì viết cho anh một lá thư tình
trên tờ pelure xanh
như thuở em mười lăm…
… thời gian qua nhanh
em nay lên bảy tám
cũng vừa mười lăm
anh vẫn đợi hoài lá thư màu xanh
đọc run thuở đó…

(Biết Làm Gì Đây, 2020)

Khi đọc bài thơ trên của anh, tôi có trả lời, em nghĩ ừ hay mình viết một lá thư tình cho ai (cho cố nhân hay cho thời gian) trong lúc đang shelter in place này bằng giấy pelure xanh chăng? Có vậy mới quên được bầy quỷ Covid-19 đang hoành hành, và tuyệt thay tôi nhận được câu trả lời của anh, mà em chưa tới bảy mươi viết thư tình hơi quá sớm chăng? Ừ, thì cứ như Đỗ Hồng Ngọc, như Quang Dũng, em mãi là hai mươi tuổi, ta mãi là mùa xanh xưa…

Và, Nguyệt Mai ơi hãy nghe cùng tôi những tế bào sinh sôi khi đọc: Cái tuổi đẹp nhất của đời người theo tôi có lẽ ở vào lứa 65-75. Đó là lứa tuổi tuyệt vời nhất, sôi nổi nhất, hào hứng nhất… Tuổi vừa đủ chín tới…” (Lời Ngỏ – Về Thu Xếp Lại). Như vậy thì tất cả trong Gánh Hát Rong mình đang là tuổi chín tới đấy, nghe cực lãng mạn phải không các bạn trẻ lạ lùng của tôi? Ơi Huyền Chiêu Ngọc Vân Kim Quy, ơi Duyên Thanh Lương Thu Vàng ơi…

Santa Ana, Jul 24, 2020
ntkm

* Những chữ viết xiên trong bài là văn, thơ của tác giả Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

Chân dung BS Đỗ Hồng Ngọc Charcoal on paper 28 x 24” by Trương Đình Uyên

…………………………………………………………………………………….

Đa tạ Trương Đình Uyên. Đinh Trường Chinh và tất cả…

Phan Tấn Hải ơi, quả là “Nguyên Giác”…

Vui vô cùng, khi học Phật
thấy trăng lên, ngộ Lăng già
mới hay khắp trời vô ngã
mới hay cõi Phật đâu xa 

và Khánh Minh, Nguyệt Mai, Duyên, Thu Vàng, Thanh Lương… ơi,

Reo Tuổi đi em.

Cái Bên Cạnh đi em.

Trời ơi Tình đi em.

(Bold là những từ “chuyên biệt” của nhà thơ Khánh Minh trong bài viết)

ĐHN

(01.8.2020)

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Một chút tiểu sử, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Đọc ĐỂ LÀM GÌ: Bàng bạc một tấm lòng…

29/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

 

BÀNG BẠC MỘT TẤM LÒNG…

Đọc “ĐỂ LÀM GÌ” của Đỗ Hồng Ngọc

Hai Trầu Lương Thư Trung

 

Bàn về tác phẩm mới nhứt “Để Làm Gì” của Đỗ Hồng Ngọc vừa phát hành hồi tháng 6 năm 2020 thì rất nhiều bậc thức giả đã đọc và đã nhận định về đủ mọi khía cạnh của tác phẩm này rồi; ở đây với tư cách là một người đọc nhà quê già, tôi chỉ có thể nêu lên được vài cảm tưởng của một người sống cùng thời với tác giả bằng cách để lòng mình chảy tràn theo tấm lòng của tác giả qua từng chủ đề mà tác giả ghi chép lại trên từng trang sách ấy.

Từ đó, cảm tưởng đầu tiên của tôi là thấy tác giả đã trải lòng mình để nhớ về những người cũ, những thế hệ đi trước, những người mà tác giả hằng ái mộ và kính trọng. Đó là khi tác giả nhắc về nhà văn Võ Hồng với tên tuổi mà trong văn giới cũng như người đọc sách chắc ai cũng đã có lần mở ra những trang sách như Hoa Bướm Bướm, Hoài Cố Nhân… hoặc gần gũi nhứt là Một Bông Hồng Cho Cha, Người Đi Trong Bóng Lá…  Ở đây tôi muốn ghi nhận về tấm lòng của tác giả nghĩ về một Võ Hồng với nỗi “cô đơn uy nghi” của tuổi già lúc nhà văn ở vào cái tuổi 80:

“Vẫn căn gác nhỏ với một phòng chừng hơn chục mét vuông, vừa là chỗ ăn chỗ ngủ, chỗ làm việc, tiếp khách… lổn nhổn những sách vở, thư từ, bản thảo… tràn lan trên bàn, trên nệm, dưới gầm. Nhờ cái sân thượng phía trước khá rộng có bóng râm cây khế, cây dừa mà ông có một khoảng không để mà trầm tư, mà hoài cố nhân…”

Với khung cảnh mà tác giả vừa nhắc, chúng tôi, những người bạn cùng thời lúc còn trẻ hồi ở Nha Trang vào những năm 1970-1973, có vài lần đã ghé thăm nhà văn Võ Hồng nơi địa chỉ, nếu tôi nhớ không lầm, đó là căn nhà số 53 đường Hồng Bàng, gần bến xe mới Nha Trang lúc bấy giờ, thì cũng vẫn những ly tách bàn ghế đều ngổn ngang bề bộn như vậy! Rồi khi nhà văn Võ Hồng ở tuổi 91, Đỗ Hồng Ngọc lại một lần nữa ghé thăm tác giả “Hoa Bươm Bướm” với lời cảm ơn người học trò cũ săn sóc nhà văn Võ Hồng rất cảm động:

“Năm ngoái, có dịp về Nha Trang, tôi lại ghé thăm ông, bấy giờ ông đã 91 tuổi, đã dần dần khó tiếp xúc… Cô Đạm, người học trò cũ quý thương ông vẫn là người hằng ngày trực tiếp đến chăm sóc ông cùng với một người giúp việc. Ông tuy nằm liệt giường đã lâu vậy mà trông vẫn thanh mảnh, sạch sẻ lắm. Tôi cảm động nói với cô Đạm, thay mặt những bạn bè thân quen gần xa của nhà văn Võ Hồng, trân trọng cảm ơn cô.”(Để Làm Gì, trang 70).

Nếu như ông không có chút lòng làm gì có những chuyến đi rất xa xôi để thăm lom và nói lên được lời cảm ơn rất trân trọng dành cho cô Đạm, người học trò cũ của Võ Hồng?

 

Rồi tác giả “Để Làm Gì” cũng không quên những người bạn một thời xa lắm thuở hàn vi – có tới hơn bốn năm chục năm- khi nhắc về nhà văn Trần Hoài Thư với nhiều kỷ niệm khi đọc được câu thơ của người bạn mà “muốn rơi nước mắt”:

“Bụi chuối nhà ai bên đường đã mọc

Chuối mẹ chuối con, trời hỡi quê nhà!”

(Xa Xứ, Trần Hoài Thư) 

Hai tiếng “trời hỡi” mới “cải lương” làm sao! Nhưng nó đã làm tôi muốn rơi nước mắt! Cải lương thật tuyệt vời!”

Rồi tác giả lại nhớ tiếp với một tấm lòng lúc nào cũng thương bạn:

“Bốn mươi năm trước, những ngày ở Nha Trang, tôi lang thang cùng anh trên bãi biển đầy những cơn sóng thịnh nộ giữa những ngày tháng bão bùng… Rồi ở Saigon, có lần tôi đèo anh bằng chiếc xe lọc cọc của mình đến tòa soạn Bách Khoa, nơi anh hò hẹn… Trần Hoài Thư là một chàng thư sinh nho nhã, vầng trán rộng quá khổ, đôi mắt hun hút sau tròng kính cận, những ngón tay lòng thòng, dáng đi lỏng khỏng… Anh là một kẻ “nòi tình”, dễ nước mắt, dễ giận hờn, dễ đắng cay… 

Bốn mươi năm không gặp lại. Anh vẫn nhắc tôi món bánh cuốn nóng ở cạnh nhà mình mà hôm đó anh và tôi ra ngồi bên lò lửa từ rất sớm, để tiễn anh đi, không, tiễn anh về. Về nơi gió cát. “Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao”. Không cầm lòng được, hôm đó tôi đã viết cho bạn: 

“Ta cũng muốn ngâm tràn câu tống biệt

Đưa người đi tiếng sóng ở trong lòng

Nhưng khói thuốc đã cay sè đôi mắt

Có ai còn thổi sáo trên sông.

 

Trời buổi sáng mù sương lớp lớp

Người hành trang nỗi tuyệt vọng rã rời

Và khí phách thôi một thời trẻ dại

Ta nói gì cho bớt chút chia ly?

 

Đưa người ta nâng ly cà phê nhỏ

Rồi quan san rồi bụi đỏ người đi

Rồi khói súng người tập tành nỗi chết

Ta trở về hiu hắt đường khuya…”

…………..

(Đỗ Hồng Ngọc, 1972)

 

Nhắc tới tấm lòng của Đỗ Hồng Ngọc dành cho những người cũ, tôi không thể không nhắc đến “Sến Già Nam” trong Để Làm Gì. Theo đó, “Sến Già Nam”, “Sến Già Nữ” là một phát hiện rất tình cờ của tác giả khi nghe người ta gọi những băng nhạc Boléro một thời! Và tác giả dành một chút lòng của mình nghĩ về những ca khúc đi vào lòng người cùng các nhạc sĩ, ca sĩ đã từng hát những điệu nhạc ấy mà buồn man mác, xa xăm…

Với tác giả, nhạc chỉ có hay hoặc dở thôi, không cần biết “sến” hay không “sến” gì ráo trọi:“Còn tôi, tôi chỉ biết nhạc hay hay dở với mình mà thôi. Hay là thứ làm tôi “rung động sáu cách” (nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý)…, còn dở là nhạc “nghe không vô”!”

Và tác giả còn dẫn ra nhiều bản nhạc theo anh là rất hay như“Chiều làng em” của Trúc Phương;“Mộng ban đầu”của Hoàng Trọng, làm sao quên được; rồi “Lối về xóm nhỏ”của Trịnh Hưng; đặc biệt với bản nhạc  “Tình lúa duyên trăng”của Hoài An, có những câu như:

“Quê hương ta đất xưa vốn nghèo

Nhưng giàu tình thương nhau

Biết yêu lúa mầu xa cuộc đời cơ cầu

Gái trai biết làm tròn lời thề khi ban đầu”

Và tác giả tự hỏi mình mà cũng để hỏi người và hỏi đời:

“Tôi không hiểu vì sao những lời ca đầy tình quê hương, đất nước, tình gia đình, tình gái trai “biết làm tròn lời thề khi ban đầu” như vậy mà “sến”được?”

(Để Làm Gì, trang 57).

 

Đến như “gió bấc” mang hơi lạnh về vào những ngày gần giáp Tết thôi, qua câu thơ của chính mình làm vào năm 1970, tác giả cũng làm người đọc có lẽ cũng sẽ mềm lòng cùng ông về một thời nhung nhớ ấy:

“Mùa ơi gió bấc nhớ không ngờ

Năm nay người có vềăn Tết

Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ?…”

(Mũi Né, Đỗ Hồng Ngọc 1970)

“Gió bấc, rất lạ. Nhớ không? Thứ gió thổi lốc qua người, dán sát vào da người như có chút hỗn xược ớn lạnh làm nhớ cơn sốt rét rừng thường chuyển mùa trong Tết, với hương cốm hộc, mứt gừng, mứt bí… rồi bánh căn, bánh xèo, bánh kẹp, cơm gà, bánh canh chả cá… của một vùng biển mang mang mùi nước mắm, những ai nghe quen thì đâm ghiền nặng… rồi sông Cà Ty – Mường Mán, con đường Gia Long đi mãi không cùng, với đường Trưng Trắc Trưng Nhị ôm sát dòng sông nhớ không?

 Cho nên với tôi, gió bấc là Tết, là tuổi thơ, là Phan Thiết, là Mũi Né, là Rạng, là Lagi, là Kê Gà, là Tà Cú…

(….)

gió bấc mùa thơm ngát

bâng khuâng một mái nhà

biển xanh lùa sóng bạc

cát vàng hoàng hôn xưa…”

(Quê Nhà, ĐHN)

Và, Tết:

Đi giữa Sài Gòn

Phố nhà cao ngất

Hoa nở rực vàng

Mà không thấy Tết

Một sáng về quê

Chợt nghe gió bấc

Ơ hay Xuân về

Vỡ òa ngực biếc…

(Gió bấc, ĐHN)

Vậy đó, cho nên về Phan Thiết Mũi Né Lagi… mấy ngày chẳng qua để tìm thứ gió quen mà lạ đó. Và để nghe cái Tết tuổi thơ thấm vào trong da thịt, trong nhớ nhung…”

(Để Làm Gì, trang 157)

 

Ở một cái nhìn khác về sự nhọc nhằn và bền bỉ của những chuyến phà với biết bao mùa mưa nắng dông gió bão bùng bập bềnh trên những bến nước chỉ để chờ đưa rước khách bộ hành qua sông, có khi tuổi đời mỗi bến phà như vậy dài đến cả trăm năm, rồi ra một ngày nào đó nó sẽ chẳng còn lại gì, tác giả đành nhũ lòng“Tôi thấy tôi thương những chuyến phà”:

“Tôi thấy tôi thương những chuyến phà

Ngàn đời không đủ sức đi xa… 

Phà ở quê mình thì khác. Hằng trăm năm nay vẫn ì ạch nối đôi bờ. Thế rồi một hôm bỗng bị người ta vứt lên cạn. Xẻ thịt. Bán ve chai… Không ai còn cần tới nữa! Người ta nay đã có cầu. Những chiếc cầu ngạo nghễ, nghênh ngang vươn giữa dòng sông. Nhưng, hãy đợi đấy! Với tình hình hiện nay, đến một lúc khi mà “sông kia rày đã nên đồng” thì những cây cầu cũng sẽ bị xẻ thịt, bán ve chai… (…) 

Phà đúng là ngàn đời không đủ sức đi xa! Chỉ bờ này bến nọ. Nối những niềm vui, những nỗi buồn, những đợi chờ… (…) Phà chẳng những không đủ sức đi xa mà còn không đủ sức đi mau. Nó ì ạch một cách dễ thương. Ai vội vã mặc ai. Nó cứ ì ạch, khệnh khạng, làm như không nỡ rời bến, không nỡ cặp bờ… Há mõm thật to bên này nuốt gọn dòng người dòng xe rồi há mõm thật to bên kia nhả dòng người dòng xe ra cứ như một con quái vật hiền lành.

Và những chuyến phà trăng. Nó ì ạch chở trăng đi. Nó nhích từng bước như sợ trăng tan. Lòng người cũng nhẹ tênh, dãi cùng trăng sáng.

(Để Làm Gì, trang 164)

Bao giờ và đời nào cũng vậy, trong dòng đời rồi ra có những lúc vật sẽ đổi và sao sẽ dời, có những khi người ta cần mình và có những lúc người ta cũng sẽ quên mình; nhưng biết bao lần có biết bao người đã đi qua những chuyến phà trên khắp các bến sông có ai còn nhớ những nhọc nhằn chìm nổi của những chuyến phà trên các bến nước ấy? Bạn đọc những chuyến phà qua lời tâm sự của tác giả, đến một lúc nào đó nó sẽ hết thời, sẽ thành sắt vụn mà bạn không thấy lòng mình cảm động lắm sao?

 

Đỗ Hồng Ngọc và Hai Trầu (Cafe Đông Hồ, Saigon 2017)

Rồi ngay cả tới những mùa màng ngày cũ, cách nay có tới sáu bảy chục năm, khi nghe người nhà quê già như tôi kể chuyện công việc đồng ruộng mùa màng của mình ngày xa xưa ấy, dù chưa quen biết nhau lâu, dù tác giả học hành thành tài và hành nghề bác sĩ hơn năm chục năm ở Sài Gòn nhưng với lòng từ tâm của một bậc thức giả có lòng, giống như ngày xưa Nguyễn Khuyến lúc nào cụ cũng vui với cái vui của người nông dân và buồn với cái buồn của họ, Đỗ Hồng Ngọc qua bài “Còn thương rau đắng” rất cảm động, rất chí tình sau khi đọc Mùa Màng Ngày Cũ của Lương Thư Trung:

“Bạn có bao giờ Xúc Lùm, Nhảy Hùm, Quậy Đìa, Xuống Bửng, Đặt Lợp, Đặt Lờ, Đặt Rù, Chận Ụ, Làm Mùng, Bắt lươn, Bắt lịch… chưa? Chưa hả? Thì không có gì tốt hơn đọc Mùa màng ngày cũ của Lương Thư Trung tức Hai Trầu đi! Tôi ở miệt biển, Lagi, hồi nhỏ thỉnh thoảng mới được về quê ngoại ở Phong Điền theo người ta tát đià bắt cá, cắm câu… mê lắm, nhưng quả thực đọc Hai Trầu mới biết ở miền Tây đời sống người dân quê mình nhiều sinh hoạt phong phú biết chừng nào! 

Miền Tây, hai tiếng thôi đã nghe lòng nôn nao nhớ một bài hát cũ: “… Có ai về miền Tây/ Lúa mùa thơm thơm mãi/ Dừa xanh nghiêng chênh chếch/ Cá ngược dòng sông đầy…” (Y Vân). Cá ngược dòng sông đầy nên mới có Xúc lùm, Quậy đìa, Chặn Ụ, Làm mùng và mới có Mùa xạ lúa, Mùa cấy lúa, Mùa bắp, Mùa đậu… Về miền Tây, để ngẩn ngơ mấy cây cầu khỉ, ngẩn ngơ những chuyến phà ngang: “Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba/ Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm/ Qua bến bắc Cần Thơ…” (Trần Thiện Thanh). Về miền Tây, còn đó thứ tình nghĩa chân thật dù vật đổi sao dời… nên mỗi lần đọc lại Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam, đọc lại Ba anh em nhà họ Điền, chuyện Lưu Bình Dương Lễ không sao không cảm thấy lòng rưng rưng!”

(…) 

“Sáu bảy mươi năm, mới thôi, mà đã quá xa! Ngày nay, toàn cầu hóa, thế giới phẳng, một sát na đã qua là một pháp giới khác. Ai còn nhớ đến chuyện quê xưa?

Mùa Màng Ngày Cũ với tôi là một chút tình quê, một “khung trời kỷ niệm”, một “rau đắng nấu canh” (Bắc Sơn)!”

(Để Làm Gì, trang 128)

 

Tóm lại, qua 65 đề tài với hơn 400 trang sách, tác giả đã đề cập về mọi khía cạnh khác nhau của đời sống, từ con người tới thiên nhiên, cây cỏ, từ những tình cảm dành cho bạn bè thân thiết mấy chục năm cho chí đến những chuyến phà, những cây cầu khỉ, những bến sông, đâu đâu người đọc cũng đều bắt gặp bàng bạc một tấm lòng của tác giả về những cảnh đời qua nhiều màu sắc ấy!

Theo thiển ý quê mùa của mình, tôi nghĩ viết sách hay, không cần phải cố làm cho văn hay, mà cũng không cần phải cố ý mang vào sách một thứ đạo lý hoặc một thứ triết lý cao siêu nào đó trong các trang sách của bạn mà chỉ cần dành cho đời một tấm lòng cảm thấu chân thành của mình, chừng đó thôi, bạn đã làm nên tác phẩm giá trị rồi! Và tôi nghĩ, sách “Để Làm Gì” nói riêng và nhiều tác phẩm khác của Đỗ Hồng Ngọc nói chung, được nhiều người tìm đọc, có lẽ một phần chánh yếu là nhờ vào tấm lòng trắc ẩn, hiểu đời, thương đời của một bậc thức giả luôn bàng bạc trên khắp các trang sách của tác giả vậy!

HT

Houston, ngày 26 tháng 7 năm 2020.

 

 

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Tôi thấy tôi thương những chuyến phà

24/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Tôi thấy tôi thương những chuyến phà

Đỗ Hồng Ngọc

 

Tôi thấy tôi thương những chuyến phà

 Ngàn đời không đủ sức đi xa…

Không phải thơ của tôi đâu! Nhại thơ Tế Hanh đó. Từ những năm 40 của thế kỷ trước, Tế Hanh viết:

Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu

 Ngàn đời không đủ sức đi mau

 Có chi vướng víu trong hơi máy

 Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau…

(Những ngày nghỉ học. Tế Hanh).

 

Thật ra mấy chiếc toa tàu chẳng nặng khổ đau gì đâu, khổ đau chẳng qua là do “lòng của người đi với kẻ về” kìa! Nhưng Tế Hanh quả cũng không thể ngờ rằng chẳng bao lâu sau đó, những chiếc xe lửa đầu đạn chạy nhanh như gió với tốc độ 300 km/giờ và nay đã lên đến 500 km/giờ!

Phà ở quê mình thì khác. Hằng trăm năm nay vẫn ì ạch nối đôi bờ. Thế rồi một hôm bỗng bị người ta vứt lên cạn. Xẻ thịt. Bán ve chai… Không ai còn cần tới nữa! Người ta nay đã có cầu. Những chiếc cầu ngạo nghễ, nghênh ngang vươn giữa dòng sông.

Nhưng, hãy đợi đấy! Với tình hình hiện nay, đến một lúc khi mà “sông kia rày đã nên đồng” thì những cây cầu cũng sẽ bị xẻ thịt, bán ve chai… “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng”, là cuốn sách của bạn tôi, bác sĩ, nhà văn Ngô Thế Vinh báo động gần hai mươi năm trước, nay gần như đã hiện thực. Gần đây, Ngô Thế Vinh còn có loạt bài nêu vấn đề phải chăng cần làm đê ngăn nước mặn tràn bờ và làm những hồ chứa nước ngọt ở U Minh Đồng Tháp, một khi nước ngọt sắp trở thành một thứ “vàng xanh”!

 

mênh mông sông nước miền Tây
(Nguồn: Internet)

 

Những ngày cuối năm, tôi vội vã đi một vòng qua những chuyến phà. Hết rồi phà Rạch Miễu. Hết rồi phà Cần Thơ, phà Mỹ Thuận. Hết cả phà Hàm Luông. May còn Cổ Chiên. Cổ Chiên thiệt ngộ. Ngay cái tên nghe cũng khoái rồi. Cổ Chiên khác Cần Thơ, Rạch Miễu. Nó dài và rộng hơn, và đặc biệt, nó gần biển hơn nên lắc lư với sóng và gió biển, đến nỗi tưởng mình đang vượt biển trong khi những phà khác chỉ vươn qua một dòng sông! Đi trên phà Cổ Chiên… sắp dẹp, đã nghe có cái gì khang khác: không còn ung dung, thư thả, mà hấp tấp vội vàng. Ai nấy như bực bội, cáu gắt hơn, kể cả những nhân viên phục vụ. Họ sẵn sàng quát tháo, to tiếng. Không một tiếng rao. Không một tiếng đàn, tiếng hát… Rời Cổ Chiên, tôi qua Đình Khao rồi Vàm Cống, An Hòa, Cao Lãnh, Mỹ Lợi… Không kể phà Cát Lái, Bình Khánh, Thủ Thiêm vốn gần gũi thân quen.

Đi cho hết phà. Bởi vì rồi đây phà sẽ vắng dần rồi tắt ngủm. Như những cây cầu khỉ và áo dài trắng nữ sinh. Và, như những dòng sông…

Phà đúng là ngàn đời không đủ sức đi xa! Chỉ bờ này bến nọ. Nối những niềm vui, những nỗi buồn, những đợi chờ… “Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm… qua bến bắc Cần Thơ”(Chiếc áo bà ba, Trần Thiện Thanh)… Hồi đó trong Nam phà gọi là “bac” – tiếng Pháp- chạy có giờ. Ban đêm phà nghỉ. Trễ một chuyến phà là trễ biết bao nhiêu!
Phà chẳng những không đủ sức đi xa mà còn không đủ sức đi mau. Nó ì ạch một cách dễ thương. Ai vội vã mặc ai. Nó cứ ì ạch, khệnh khạng, làm như không nỡ rời bến, không nỡ cặp bờ… Há mõm thật to bên này nuốt gọn dòng người dòng xe rồi há mõm thật to bên kia nhả dòng người dòng xe ra cứ như một con quái vật hiền lành.
Và những chuyến phà trăng. Nó ì ạch chở trăng đi. Nó nhích từng bước như sợ trăng tan. Lòng người cũng nhẹ tênh, dãi cùng trăng sáng. Bỗng nhớ

Có ai về miền tây/ lúa mùa thơm, thơm mãi/ dừa xanh nghiêng chênh chếch/ cá ngược dòng sông đầy… Có ai về miền tây/ mái nghèo nhưng mà đẹp/ má gầy nhưng mà xinh…(Y Vân).

 

Phà Cổ Chiên về Trà Vinh
(nguồn: Internet)

 

Có những cuộc tình phà. Làm như khi người ta lên phà, rời bến, người ta sống một cách khác rồi. Lòng rộng mở cùng sông nước, chập chùng cùng bãi bờ. Người ta bỗng dễ thương chi lạ. Nếu không, đâu có L’Amant (Người tình) của Marguerite Duras thuở nào…
Một ông bạn “đào hoa” của tôi nói, qua phà, một cơ hội tốt để làm quen, đế tán tỉnh… Ai cũng đẹp ra, thảnh thơi ra, mở lòng ra. Người ta hình như đã bỏ đi trên bờ kia bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu khổ lụy. Chỉ có ở trên phà, người ta mới dễ mời mọc xâu nem, bịch bánh tráng, mía, bắp, trái cây các thứ. Chỉ có ở trên phà, người ta mới dễ nhũn lòng với tiếng hát tiếng rao. Sau những giờ cá hộp nhọc nhằn, sau những giờ chờ đợi mướt mồ hôi, người ta uống vội trái dừa tươi hay ly trà đá để kịp chen chúc xuống phà. Nhẹ nhõm, sảng khoái, lâng lâng. Phà vì thế mà.. rất phà!

Tôi còn có một kỷ niệm với Phà Rừng, một đêm trăng. Đó là năm 1978, lần đầu tiên ra miền Bắc. Phà Rừng. Phà qua sông Bạch Đằng. Không thể cầm lòng mà không thử nhúng chân xuống nước, để nghe rờn rợn lời của dòng sông “…Bạch Đằng giang sông hùng dũng của nòi giống tiên rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung…” …

(ĐHN)

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Vài kỷ niệm với Mang Viên Long

24/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 2 Comments

 

Vài kỷ niệm với Mang Viên Long
Đỗ Hồng Ngọc

 

Thư gởi bạn xa xôi (10.2013)

*  Mang Viên Long, bạn nhớ không?  Mới đây từ Bình Định phone vào hỏi anh mới bị xe tông, té xuống đất, may có nón bảo hiểm không hề hấn gì nhưng vẫn cứ lo, bây giờ phải làm sao, muốn nhân dịp vào Saigon tái khám tim ở bác sĩ Thân Trọng Minh (Lữ Kiều) sẽ khám thần kinh luôn. Mình hỏi thêm vài chi tiết có … bất tỉnh không? có nhức đầu? nôn mửa… gì không thì không. Lời khuyên dù sao dịp này cũng nên làm cái MRI cho chắc ăn. Tái khám tim, hẹp van động mạch chủ nhưng chưa đến đỗi nào. Lữ Kiều bảo MVL : “Cứ tiếp tục yêu đi, không sao đâu!”. Kết quả MRI cái đầu cũng không có vấn đề. Mừng rồi. MVL bèn… mời anh em một chầu café ”hậu tạ”. Hẹn nhau đến cái quán gần cổng Cư xá đô thành, nơi còn chút vòm lá xanh nhớ không?

 

Từ trái: Sâm Thương (thấy lưng) Chu Trầm Nguyên Minh, Rừng, Nguyên Minh, Lữ Kiều, Đỗ Nghê, Mang Viên Long) Ngày 10.10.13

Từ trái: Sâm Thương (thấy lưng) Chu Trầm Nguyên Minh, Rừng, Nguyên Minh, Lữ Kiều, Đỗ Nghê, Mang Viên Long (Saigon,10.10.2013)

Khi mình đến nơi đã thấy có Lữ Kiều, Chu Trầm Nguyên Minh, Rừng, Nguyên Minh, Mang Viên Long. Lát sau có thêm Sâm Thương… cà nhắc tới. Lữ Kiều bảo cả nhóm ngồi đây đa số là  thân chủ của bạn. Dĩ nhiên rồi, già thì bệnh, mà bệnh thì không khỏi “ba cao một thấp” (tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thấp khớp…).  Lữ Kiều là bác sĩ chuyên khoa tim mạch mà! Bản thân Lữ Kiều cũng phải mỗi ngày tự “harakiri” mấy chục đơn vị Insuline vào bụng! Họa sĩ Rừng cho biết sắp mở triển lãm, hẹn anh em đến Du Miên ngày khai mạc, café miễn phí! Ai cũng khâm phục Rừng về nhiều mặt không thể kể… hết. Chu Trầm Nguyên Minh lúc này phụ giúp Nguyên Minh làm tờ Quán Văn, đang chuẩn bị ra mắt số chủ đề sông Mường Mán (Phan Thiết) sau khi đã làm số  về Sông Dinh và sông Seine.

Quán Văn có vẻ mê sông nhỉ? Đến nỗi bìa và phụ bản cũng đều do… Sông Ba lo!  Khi bảo Chu Trầm Nguyên Minh lúc này… “núp bóng” Nguyên Minh (trầm) thì anh cực lực phản đối. Anh nói anh cao hơn Nguyên Minh hẳn một cái đầu! Mà đúng vậy. Đứng lên đo thì sẽ biết!

(www.dohongngoc.com)

Viết thêm: Mới thôi, mà đã Chu Trầm Nguyên Minh, Sâm Thương và nay Mang Viên Long… đi rồi. Cảm ơn Trần Vấn Lệ đã viết cho Mang Viên Long: Đi! Đi! Đi Đi Đi… như Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté…

Filed Under: Già ơi....chào bạn, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Thương nhớ đòn roi… 

20/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thương nhớ đòn roi… 

tặng Khuất Đẩu

Đỗ Hồng Ngọc

Nguồn: Internet

Tôi thường tự hỏi không hiểu vì sao ngày xưa trẻ con thuờng bị đòn roi mà nên người còn bây giờ cha mẹ… sợ con, lúc nào cũng ngọt ngào, tử tế với con mà con dễ bị hư? Dĩ nhiên là không vơ đũa cả nắm! Câu trả lời có thể là vì ngày xưa con người còn được thong dong, có nhiều thì giờ để gần gũi nhau, tình mẫu tử, tình phụ tử nhờ đó mà nẩy nở, phát triển toàn vẹn. Cha mẹ theo dõi con từng cử chỉ, lời ăn tiếngnói, để kịp thời uốn nắn. Nói cách khác là có sự quan tâm, dạy dỗ con từng li từng tí theo lứa tuổi. Dĩ nhiên dạy con không thể không có những lúc nổi nóng, đánh vài roi. Có khi đánh thiệt, có khi chỉ dọa. Con biết ngay là cha mẹ thương mình. Đánh xong, cha mẹ còn bật khóc, vì hối hận, vì đau lòng. Lúc đó có khi chính con là người ôm lấy cha mẹ, vỗ về, an ủi, hứa từ nay “không dám vậy nữa”! Tình cha mẹ con cái sau đó càng trở nên khắn khít, đằm thắm, như hiểu nhau hơn, như quý nhau hơn. Cha biết rằng con đang mang trong mình hạt giống của cha mẹ, giống dòng, đánh con vài roi là đánh vào chính mình, đánh vào tương lai mình. Mẹ ít đánh con hơn mà tình thương thì trải rộng, chan hòa trong từng cử chỉ, lời nói. Đau xót khi con bị đánh, nhưng mẹ thường bình tĩnh, dịu dàng giải thích cho con thấy rõ lỗi, có khi mẹ còn bảo đánh thêm cho nó chừa – tức là không bênh con – nhưng nếu biết con bị oan thì can ngăn lằn roi của cha, đem thân mình ra mà đỡ, ôm chặt con vào lòng, bày tỏ với con sự trìu mến, dịu ngọt, dỗ dành. Dạy và dỗ như vậy luôn đi đôi với nhau. Cha dạy. Mẹ dỗ. Cha nghiêm đường. Mẹ từ mẫu. Cũng có khi ngược lại. Như là có một sự phân công của tự nhiên. Chuyện xưa kể có người con đã lớn bị cha đánh đòn đã bưng mặt khóc nức nở, người cha kinh ngạc hỏi, tại sao ngày xưa tao quất mày túi bụi, mày không khóc, bây giờ quất mấy roi mà mày lại khóc nức nở vậy hở con? Con nói rằng cha đánh con ngày càng yếu đi chứng tỏ cha đã ngày một già thêm… nên con khóc! Những chuyện như vậy bây giờ ít được nghe kể nữa, chỉ nghe người ta kể nhiều về chuyện con cái gọi cảnh sát đến bắt cha mẹ… bỏ “bót”!

Đòn roi ngày xưa rõ ràng chỉ là một trong những cách dạy dỗ con – (Có người như mẹ Mạnh Tử đã phải dời nhà ba lần để con có môi trường tốt mà học tập). Mỗi lần đánh con thì người đau là cha mẹ. Con ý thức rõ điều này hơn ai hết. Cha thường lựa chỗ mông thịt của con mà đánh cho nó đỡ đau, chỉ làm nó biết lỗi mà sửa. Mẹ luôn hợp tác cùng cha, dặn dò cặn kẻ, chỉ dạy thêm cho. Không có chuyện cha mẹ đấu với nhau… để “ngư ông đắc lợi”! Không hề có chuyện đòn roi vì thù hằn, vì trút giận. Cha mà giận, lạnh lùng không nói một tiếng mới thật là đáng sợ! Cha mà giận, mở tung cửa, bỏ nhà ra đi mới thật là đáng sợ! Con hoảng hốt chỉ mong cha đánh mình mấy roi, nói rõ lỗi của mình để sau đó cha con cùng nhẹ lòng, cùng vui vẻ, gia đình đầm ấm như xưa.

Nguồn: Internet

“Đòn roi” bây giờ khác hẳn rồi chăng? Cha mẹ đã quá mệt mỏi, đã quá đuối sức vì những chuyện bên ngoài, đi sớm về khuya, gặp con nhiều khi chỉ còn là những lời hỏi thăm qua loa, hời hợt, rồi là trách cứ, hạch hỏi, điều tra, rồi là ngờ vực, hăm dọa, đôi khi chế nhạo, làm nhục… như nhiều trẻ đã lên tiếng. Có trẻ chỉ muốn bỏ nhà ra đi, có trẻ muốn “chết quách cho khỏe”! Nếu có đòn roi, thì lúc đó đòn roi sẽ là những “vết thù trên lưng ngựa hoang”! Con thấy cha mẹ bỏ bê mình, không hiểu mình, không thương mình. Trong khi cha mẹ có thể đã thương con cách khác, mong muốn để lại cho con một gia tài sự nghiệp lo cho tương lai của con. Đứa trẻ ngược lại chỉ mong được ngửi… mùi mồ hôi mẹ, được tựa vào bờ vai cha trong cảnh sống giản đơn mà hạnh phúc, trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Gia đình là một tổ ấm, một chốn nương thân cả thể xác lẫn tâm hồn chứ không phải là một chiến trường mang từ cuộc sống xô bồ bên ngoài về! Những cuộc đụng độ của cha mẹ, những cuộc tranh hơn thua của cha mẹ thấm vào trẻ còn đau hơn cả đòn roi! Ngay cả những ngọt ngào, giả lả, bù đắp, trẻ cũng nhận ra không phải là thứ tình thương của chân thành và thấu cảm.

Dĩ nhiên, “Thương nhớ… đòn roi” không có ý tái lập chuyện này trong gia đình, chỉ muốn nói rằng có những cái không phải là đòn roi mà còn đau hơn đòn roi đối với trẻ em vậy.

(ĐHN, 17.7.2020)

 

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Bs Đỗ Hồng Ngọc ra mắt sách “Để làm gì”

20/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ra mắt sách “Để làm gì”

(http://ictvietnam.vn)

“Để làm gì” là tác phẩm mới nhất của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vừa được Nhà Xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ra mắt bạn đọc với một không gian sống đầy trải nghiệm của chính tác giả.
 
Tựa sách “Để làm gì” của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc xuất phát từ câu nói của André Maurois, rằng “khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý “Để làm gì”, lúc đó mình đã già thiệt rồi”. Từ cái ý của Maurois về “nghệ thuật già” ấy, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thú nhận rằng lâu nay ông biết mình già, nhưng quả thật ông vẫn đang nghĩ là mình đang “già giả” thôi.

Trong cuốn sách này, tác giả vừa cảm nhận tuổi già của chính mình, vừa lục soạn lại mớ gia tài trước tác bấy lâu nay trong ý niệm thường trực “để làm gì”, rồi gạn lọc lại, hình thành thêm một quyển sách.

 

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ra mắt sách: Để làm gì - Ảnh 1.

Cuốn sách mới nhất của Nhà văn, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

 

Bạn đọc sẽ được chính những trang sách dẫn dắt theo bước tác giả về lại không gian sống của nhiều “cảnh giới”. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có cách kể chuyện như sực nhớ lại chuyện hay hay của chính mình, tiện chỗ bạn bè nên kể lại cho vui, vậy mà người đọc bị cuốn theo lúc nào không biết, đọc như sợ hết mất quyển sách, đọc “dè sẻn” để tìm lại chính mình trong đó.

Dường như với người bạn nào, Đỗ Hồng Ngọc đều nhìn ra cái hay để học, từ ông bạn Hai Trầu với câu thơ tuy chợ búa mà vẫn ý đạo: Đạo cang thường chẳng phải cá tôm/ Đang mua mớ nọ, chạy chồm mớ kia; đến ý tưởng “Thy đạo” của Nguyễn Bắc Sơn như một điểm bấu víu trong những tháng ngày chông chênh tuổi tác.

Tiếp theo, rồi Hoài Khanh lúc cuối đời vẫn kịp nhắc ông chữ trơ vơ khác với chơ vơ hay cũng chính bạn bè cắt nghĩa cho ông những địa danh mang phương ngữ Chàm xưa: Tà là núi (Tà Zôn, Tà Cú, Tà Pao), La là sông (La Ngâu, La Ngà, La Gi), Hàm là ruộng (Hàm Tân, Hàm Thuận, Hàm Cường)…

Bạn đọc thấy mình trôi theo biết bao điều thú vị qua câu chữ, ngoảnh lại nhìn cái nhan đề sách, bừng tỉnh nhận ra: thì chỉ cần vậy thôi chứ đâu cần phải hỏi “để làm gì?”.

Có những bài đầy chất thơ, xen kẽ với mọi đề tài viết theo ngẫu hứng, rồi những bài cảm nhận về các tác giả, mà loại nào cũng được viết dưới lăng kính thơ mộng để chuyển tải những suy nghĩ uyên bác một cách thâm trầm, nhẹ nhàng.

Đó là điểm đặc biệt của bút pháp Đỗ Hồng Ngọc. Lôi cuốn người đọc bằng sự hiểu biết sâu rộng, nhẹ nhàng chứ không phải kiểu giáo điều, cứng nhắc, máy móc, thay vào đó là lời thì thầm nhỏ to tâm sự…

Nhà văn, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc gia nhập giới viết văn từ trước 1975, tính đến nay đã in ngót 40 đầu sách.

N.N
Và, một clip ngắn trên HTV 9, Chủ Nhật 19.7.2020:
https://drive.google.com/file/d/10pCLzJRH5QGGACDszNeYN4n53krJg8aV/view?zarsrc=30

Filed Under: Các bài trả lời phỏng vấn, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Huỳnh Ngọc Chiến: Tản mạn cùng “Nghĩ từ trái tim”

12/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Ghi chú: Sau buổi “Ra mắt bỏ túi” Để Làm Gì ở NXb Tổng Hợp Tp.HCM, bạn Huỳnh Ngọc Chiến đã gởi đến tôi bài viết này của anh đã đăng trên Giác Ngộ Online 2009.

Trân trọng cảm ơn HNC và xin được chia sẻ cùng bạn bè thân thiết.

ĐHN

 

Tản mạn cùng “Nghĩ từ trái tim”

Huỳnh Ngọc Chiến

 

Thật khó lòng tưởng  tượng khối năng  lượng khổng lồ được  giải phóng từ hai quả bom nguyên tử kinh người tại Hiroshima và Nagasaki lại bắt nguồn từ công thức vật lý chỉ có vỏn vẹn năm ký tự E=mc2. Cũng thế, thật khó lòng tưởng tượng toàn bộ khối kinh sách đồ sộ trong hệ tư tưởng Bát nhã Phật giáo, nói về trí huệ siêu việt thượng thừa thù thắng làm kinh động tất cả tam thiên đại thiên thế giới, lại bắt nguồn và được khoáng diễn từ một chữ KHÔNG, rồi lại được cô đọng trong bài Tâm kinh chỉ vỏn vẹn có 260 chữ. Đủ thấy bản thân mỗi chữ trong Tâm kinh đều hàm ẩn một dạng năng lượng khổng lồ E=mc2 như thế nào rồi! Diệu dụng của chữ KHÔNG thật vô bờ bến.

“Sắc bất dị Không, Không bất dị sắc; sắc tức thị Không, Không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị. Xá-Lợi-Tử! Thị chư pháp Không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố Không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý-thức-giới, vô vô-minh diệc, vô vô-minh-tận, nãi chí vô lão-tử, diệc vô lão-tử-tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc”.

Toàn bộ thế giới vật lý và tâm lý với lục căn, lục trần, lục thức, cho đến thuyết Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên nền tảng của Phật giáo đều bị quét sạch trong cơn lốc phủ định toàn triệt của hai chữ BẤT và VÔ. Bởi vậy, không ngạc nhiên gì khi chư Phật không ngớt khuyến cáo thính chúng đừng sợ hãi khi nghe thuyết giảng kinh Bát Nhã. Không kinh hãi sao được khi mà mọi chỗ an tâm lập mệnh, mọi sở trú của con người đều bị phủ định vì “Tứ đại giai không, ngũ uẩn phi hữu” và con người dễ có cảm giác như bị rơi tõm vào cõi hư không mù mịt giữa cõi Ta bà?

Thế nhưng, phủ định toàn triệt là thể cách vi diệu để đưa đến sự khẳng định toàn triệt trong cảnh giới tự do tuyệt đối. Tuy Chân Không mà lại là Diệu Hữu. Có lẽ để hậu thế dễ tiếp cận hơn với tư tưởng KHÔNG, nên toàn bộ kho tàng kinh sách Bát Nha khổng lồ, đặc biệt là 600 cuốn Đại Bát Nhã, đã được cô đọng trong bản Tâm kinh. Chung quanh Tâm kinh vẫn luôn là những huyền thoại với những năng lực siêu nhiên cùng với bước chân hành hương của nhà chiêm bái vĩ đại Huyền Trang, hiểu theo nghĩa nó là “đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư”. Tâm kinh vẫn mãi mãi là một huyền án đối với những ai quan tâm đến Phật học và luôn chờ những lời chú sớ. Trong tác phẩm “Thiếu Thất lục môn”, mà theo tương truyền là của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, có chú giải về bản Tâm kinh này, với cửa thứ nhất là “Tâm kinh tụng”. Muốn vào được động Thiếu Thất phải lọt qua cửa ải Tâm kinh. Song bản chú giải “Tâm kinh tụng” theo kiểu bình tụng trong “Thiếu Thất lục môn” cũng khó hiểu như nguyên bản cần được chú giải bởi vì chư Tổ giải minh Tâm kinh từ cảnh giới giải thoát bất khả tư nghì của mình, khiến những độc giả sơ cơ như chúng ta khó lòng tiếp cận. Đó là cách đem ẩn ngữ trùm thêm lên ẩn ngữ, khiến cho nó càng “huyền chi hựu huyền”, nên xưa nay nhiều Phật tử thường chỉ học thuộc lòng suông Tâm kinh với thái độ “kính nhi viễn chi ”. Nói đúng ra là chư Tổ không muốn phu diễn (vulgariser) nội dung Tâm kinh bằng ngôn ngữ quy ước trong thế giới khái niệm. Các ngài không chú giải Tâm kinh mà chỉ ghi lại kinh nghiệm thực chứng của mình từ Tâm kinh bằng những lời bình tụng, cũng như người xưa thích “chú giải” một bài thơ bằng cách làm một bài thơ khác! Đây là thể cách thường thấy trong lịch sử văn hóa phương Đông, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Chỉ khi nào đạt đến cảnh giới của chư Tổ, chúng ta mới  mong chia sẻ kinh nghiệm của các ngài qua các lời bình tụng đó, vì trong thực tế lắm khi do sự bất toàn của ngôn ngữ quy ước, lời bình chú dễ vướng vào vấn nạn “démystifier pour mieux mystifier” , theo Dominique Duvivier,  nghĩa là muốn giải thích rõ ràng một sự việc thì ta lại càng làm cho nó trở nên khó hiểu. Theo cách nói của ngôn ngữ Thiền tông, đó là “Tuyết thượng gia sương” (Trên tuyết lạnh lại đổ thêm sương).

Trong giới Thiền tông, dường như chỉ có Thiền sư Động Sơn Lương Giới, khai tổ tông Tào Động, mới đặt ra nghi vấn về nội dung Tâm kinh. Ngữ lục Thiền tông ghi lại rằng thuở nhỏ, sư theo thầy tụng Tâm kinh đến câu “vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý ”, sư chợt lấy tay sờ lên mặt mà hỏi thầy:

– Con có đầy đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, cớ sao trong kinh nói là không?

Vị bổn sư lấy làm kinh ngạc, bảo:

– Ta chẳng phải thầy của ngươi.

Và giới thiệu sư đến núi Ngũ Tiết làm lễ xuất gia với Thiền sư Linh Mặc.

Câu hỏi của Thiền sư Lương Giới là cách trì tụng Tâm kinh đúng nghĩa, vì sư không muốn nắm bắt huyền nghĩa Tâm kinh bằng khái niệm. Hôm nay, có một người không xuất thân từ chốn thiền môn, quanh năm không hề rau dưa kinh kệ, mà lại “dám” theo chân chư Tổ để khám phá thêm những ẩn ngữ của Tâm kinh. Đó là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc với tác phẩm “Nghĩ từ trái tim” qua lời tự bạch:

“Tác giả viết cuốn này là để tự chữa bệnh cho mình và cũng giúp cho vài bạn bè trang lứa, đồng bệnh tương lân. Cái nhìn về Tâm kinh trong Nghĩ từ trái tim là cái nhìn của một người thầy thuốc, một bác sĩ, có thể rất khác với những người khác và mong được chia sẻ” (Lời cuối sách).

Có lẽ nhờ vậy mà người đọc dễ dàng bị cuốn hút bởi những suy nghĩ nhẹ nhàng không nặng về học thuật. Tâm kinh, qua cái nhìn của một thầy thuốc với những kinh nghiệm hành trì thực sự, bỗng nhiên trở nên nhẹ nhàng dễ hiểu. Nó hòa nhập và mang hơi thở bình dị của cuộc sống đời thường một cách thật dễ dàng. Theo lời tâm sự trong sách, tác giả đã “ngộ” ra Tâm kinh sau một cơn đau thập tử nhất sinh. Do thân bệnh mà thấy được tâm bệnh. Nhờ chữa bệnh của thân mà chữa luôn được bệnh của tâm. Quả là một cơ duyên hy hữu để thể nghiệm được cảnh giới “Tuyệt hậu tái tô” trong cõi “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan phùng”. Tôi cảm nhận được rất rõ điều này khi đã một lần tìm về cõi Sinh từ cõi Tử. Lúc đó, chỉ có những gì giúp ta một mình đối diện với cái chết bằng tinh thần vô úy mới thực sự có ý nghĩa, ngoài ra ta sẽ thấy tất cả mọi thứ trên đời đều vô nghĩa và phù phiếm. Tâm kinh có lẽ là một hành trang cần có cho chúng ta trên đường về cõi Chết, một khi ta cảm nhận được rằng “vô lão-tử diệc vô lão-tử-tận”. Tôi tin rằng tác giả “Nghĩ từ trái tim” phải có những kinh nghiệm nhất định khi trì tụng Tâm kinh mới có thể viết được những trang sách bình dị mà sâu sắc đó.

“Tâm kinh ở đây là một loại” chân kinh” cần phải được rèn luyện, thực tập, thực hành, thực chứng… chớ không lý thuyết suông, không để học hỏi tụng niệm thuộc lòng…” (tr.19).

Mọi thứ văn chương biên khảo với tất cả các ngôn ngữ quy ước đều phù phiếm và bất lực, một khi nó không dựa trên kinh nghiệm thực. Huống gì là lời bình giải cho bản Tâm kinh. Lúc đó kiến thức sẽ nhường bước cho kinh nghiệm và sự hành trì. Tôi ghi nhận điều này qua bài viết “Ngã ba ngôn ngữ”, và biết bài viết của chính mình vẫn chứa quá nhiều yếu tố bất toàn về ngôn ngữ, nên đã có lần nói với anh: “Có lẽ mọi ngôn ngữ quy ước đều bế tắc. Có khi viết nghiêm túc một cách cà rỡn như Bùi Giáng hoặc viết nhẹ nhàng như anh mà lại hóa hay”. Nghĩa là cứ viết bằng sự cảm nhận những điều tưởng chừng huyền mật từ hơi thở bình dị của cuộc sống đời thường. Tác giả Đỗ Hồng Ngọc phần nào đã làm được điều này, theo cách của riêng anh.

Đọc Tâm kinh, “hành thâm Bát nhã” suy cho cùng cũng chỉ là cách học tập để an trú trong cõi đời bằng một thể cách khác. Cực lạc cũng là đây mà A-tỳ-địa-ngục cũng chính là đây. Thử hỏi trong đời có gì xấu xí bằng hình ảnh ngọ ngoạy của con sâu, và có gì đẹp bằng hình ảnh phất phới bay của con bướm màu sặc sỡ? Nhưng hai con chỉ là một từ trong bản chất. Đó là điều huyền mật nhất giữa trần gian. Sinh tử hòa nhập với Niết bàn, tội lỗi trộn lẫn với thanh cao, giác ngộ ẩn tàng trong vô minh, bóng tối chan hòa cùng ánh sáng, tất cả đều chỉ là một. Đáo bỉ ngạn là vượt qua sông để đến với bờ bến bên kia. Bên kia là Bồ đề, là giác ngộ. Nhưng đến bờ bến bên kia là để trở lại bên này, và:

“… làm cách nào thực hiện được Tâm kinh trong đời sống hàng ngày của một người bình thường, giúp họ thay đổi thái độ, có cái nhìn mới mẻ về cuộc sống, về cõi người, về vũ trụ và nhờ đó thấy cuộc sống đẹp hơn, quý giá hơn, sống có trách nhiệm hơn với thiên nhiên, với đời, với người, với bản thân…; làm việc hiệu quả và năng suất cao hơn, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi thành viên… (tr.34-35)”.

Cuốn “Nghĩ từ trái tim” được tái bản đến lần thứ tám, một điều cực kỳ hiếm hoi đối với một cuốn sách dạng biên khảo, khi mà cái học thực dụng thô thiển đã biến sự đơn bạc về tình cảm, sự hời hợt trong tư duy trở thành một nét đặc trưng đau xót trong xã hội hiện nay. Nhưng khi đọc xong thì tôi hiểu. Văn chương thực chưa chắc đã hay, nhưng văn chương muốn hay thì phải thực. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không suy nghĩ từ khối óc mà “nghĩ từ trái tim”. Tất cả những gì anh viết đều là những điều cảm nhận từ kinh nghiệm hành trì của bản thân, cũng như từ những suy tư bình dị và chân thành của trái tim. Mà những gì phát xuất từ trái tim chân thực đều dễ dàng đi vào tận trong sâu thẳm lòng người.

Huỳnh Ngọc Chiến

(Giac Ngo Online 4.2009)

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn (5.7.2020)

08/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn (5.7.2020)

“Ra mắt” ĐỂ LÀM GÌ để làm gì?

Mình không có ý định “Ra Mắt” cuốn ĐỂ LÀM GÌ để làm gì, vì vốn nó chỉ là một Tạp tuyển những bài viết ngắn ưng ý như một kỷ niệm trong buổi “về thu xếp lại” này thôi, nhưng truyền thống của các Nhà xuất bản nói chung cũng hay: Ra mắt là dip để “giao lưu” giữa tác giả và người đọc, và quan trọng không kém là để quảng bá, giới thiệu tác phẩm mới đến bạn đọc, nếu không, sách “ế” cũng nguy, nhất là trong thời Cô-Vi này. Sách mình xưa này không đến nổi ế, tuy chưa “best seller” như cuốn Gió heo may đã về dạo nọ, nhưng các nhà xuất bản đều gọi là loại “long seller” mà!

Sau cùng mình chọn làm buổi “gọi là ra mắt” nho nhỏ, kín đáo một chút, riêng tư một chút, thân mật, gần gũi ở ngay trong Nhà xuất bản thay vì làm “hoành tráng” ở Đường Sách đông đúc nhộn nhịp.

Chỉ khoảng 40-50 bạn tham dự, cũng ngộ là thấy có lớp trẻ cũng khá đông. Mình gởi bạn vài hình ảnh và mấy lời phát biểu của các “trưởng lão” được một bạn ghi lại vậy nhe.

MC Xuân Huy dặn bác Ngọc phải ngồi hàng dưới kia, chờ con giới thiệu xong sẽ lên “giao lưu” nhé. Mình nói không. Ở đây ai cũng quen biết nhau cả mà. Không cần phải bày đặt, hình thức làm chi!

Chủ nhật 5.7.2020
tại Nhà xuất bản Tổng hợp Tp.HCM

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Lệ Uyên đến sớm nhất, Hoàng Kim Oanh ôm theo một bó hoa cúc vàng, Nguyên Cẩn, Ngô Tiến Nhân, Nhật Chiêu rồi Huỳnh Ngọc Chiến, Trần Đình Sơn, Hoàng Anh, Trần Quang Hiếu, Hồng Vân… và khá đông các bạn trẻ.

Hoàng Kim Oanh, tiến sĩ văn chương, nói về lối viết… “văn nói” của ĐHN

 

Nhà văn Nhật Chiêu nói đọc ĐHN có lúc thì cười tủm tỉm có lúc thì cười ha hả…

 

Nhà nghiên cứu Phật học, Huỳnh Ngọc Chiến (tác giả “Lai rai chén rượu giang hồ” ngày trước, nay đang viết “Lai rai câu kệ Lăng Già”) phát biểu về cách viết của Đỗ Hồng Ngọc trong lãnh vực nghiên cứu Phật học.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngô Tiến Nhân: “Không làm gì mà làm tất cả. Làm tất cả mà cũng không làm gì”… Nguyên Cẩn (áo xanh): ĐHN viết như bông lơn mà càng đọc càng thấm…

 

 

 

 

Hoàng Anh nhắc lại chuyện xưa, với cuốn “Viết cho các bà mẹ…” của ĐHN và về cậu con trai nay đã là một vị bác sĩ.

 

 

 

 

 

 

 

 

… và Trần Đình Sơn, Nhà NC Phật học…

 

Bất ngờ có một cô bé, tự giới thiệu mình tên là Đỗ Hồng Ngọc Uyên, quê Quảng Nam, xin chụp với bác Ngọc tấm hình để gởi về cho Cha ( Cha cô là người đã đặt tên cho cô), vì ông là độc giả của ĐHN từ lâu…

 

 

 

Rồi ký tên cho bè bạn thân quen…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Tư Tường Minh, thay mặt NXB gởi một bó hoa đẹp.

 

 

 

 

 

 

 

Dưới đây là một vài phát biểu:

Nhà văn Nguyên Cẩn

Anh Ngọc với tôi là bậc thầy về y học , đàn anh về Phật pháp và văn chương . Lối viết của anh đáng học hỏi : viết nhẹ nhàng tưởng chừng không có gì như bông lơn nhưng càng đọc càng thấm. Về cuốn Để Làm Gì , tôi mới cầm sáng nay nên chỉ đọc phớt qua phần đầu anh viết về An lạc. Qua đó anh phân biệt rõ hạnh phúc (happiness) không phải là an lạc (well- being) ví như cô hoa hậu đăng quang hôm trước , hôm sau đã bị vây quanh với bao âu lo hay như một người trúng Vietlott phải đối phó phiền muộn từ những người thân ngay sau đó.  An lạc là một phẩm tính đến từ tâm tĩnh tại và quan trọng là phải có tuệ giác mới lĩnh hội được. Cũng rất tình cờ tôi lật những trang cuối sách thấy bài viết về Ngọn lửa, từ ngọn lửa của Phật mà có người hỏi nếu có nhiều người chia lửa, liệu có hao hụt đi không? Nhưng câu trả lời đã rõ : càng nhiều người thì ánh sáng càng lan toả chứ chẳng hề hao hụt. Tác giả liên tưởng tới ông thầy: nếu chỉ truyền trao kiến thức một cách lạnh lùng trong thời buổi Google có thể trả lời mọi thứ thì có nhất thiết phải có thầy không? Ông thầy theo DHN là người truyền lửa , phải thổi niềm đam mê tri thức hay sự yêu thích nghiên cứu cho học trò, thậm chí sự dấn thân vào đời trong tâm thế tích cực cũng đến từ người thầy, nếu không làm được thì vai trò người thầy hết sức mờ nhạt. Phải chăng ông thầy bs DHN cũng đã từng là người truyền lửa cho bao thế hệ bác sĩ. Tôi cũng là một thầy giáo nên rất thấu hiểu điều này. Đấy là những điều tâm đắc tôi cảm nhận khi cầm sách đọc thoáng qua sáng nay. Chắc là còn bao điều lý thú nữa dang chờ người đọc khám phá nơi cuốn sách hấp dẫn trên 400 trang này .

 

Nhà văn Nhật Chiêu:

Để làm gì nghĩa là chẳng làm gì theo quan điểm vô vi như hình bìa, một chữ “Không” khép lại. Cái hay của DHN là viết có vẻ không nghiêm túc mà vẫn chuyển tải điều cần chuyển tải. Đọc anh lúc thì tôi cười tủm tỉm, lúc thì cười ha hả! Ai đọc Sến Già Nam cũng thích…! Nói một cách nào đó ĐHN trở về tâm thức trẻ thơ mà trong triết học đó là trạng thái trở về sau khi người ta ngao du trong bể kiến thức rồi cuối cùng tìm về như một đứa trẻ nhìn cuộc đời và ĐHN đạt được cảnh giới đó . Khi nói ĐHN viết ko nghiêm túc cũng nằm trong ý đó, viết giản dị nhất có thể mà vẫn khiến người ta hiểu và cảm điều mình cần nói, ko cần khoa trương , triết luận chi nhiều. Người viết nào cũng mong như thế

 

Ngô Tiến Nhân:

Đỗ Hồng Ngọc là ai, khó mà định danh. Là bác sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Phật học?… Theo tôi, anh là một thi sĩ. Có chất thơ trong văn anh, trong các bài viết tản mạn, trong các ký họa của anh. Lãng đãng nhưng chăm sóc rất kỹ, trau chuốt nhưng không làm dáng, lững thững, cà rỡn mà sâu sắc. Anh có cái hồn nhiên ngay cả trong học Phật, đạt một tâm thái vô vi, tự tại của một người… vô sự! Không làm gì mà làm tất cả. Làm tất cả mà cũng không làm gì. Để Làm Gì là vậy.

 

Thân mến,

Hẹn thư sau,

Đỗ Hồng Ngọc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

vnexpress: ĐHN với “Để Làm Gì”

07/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

https://vnexpress.net/do-hong-ngoc-ra-sach-de-lam-gi-4126032.html

Đỗ Hồng Ngọc ra sách ‘Để làm gì’

Quỳnh Quyên

Trong quyển “Để làm gì”, tác giả Đỗ Hồng Ngọc nói về hành trình tìm kiếm bình an nhờ “thân tâm nhất như”.

Tạp bút Để làm gì dày hơn 400 trang gồm các bài viết về kỷ niệm với bạn văn, bạn thơ cùng các câu chuyện tản mạn trong cuộc sống của Đỗ Hồng Ngọc.

 

(Video trên vnexpress.net)
Bác sĩ, nhà văn, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc nói về ý nghĩa tựa đề “Để làm gì”. Video: Quỳnh Quyên.

 

Trong buổi giao lưu ngày 5/7 tại NXB Tổng hợp TP HCM, tác giả cho biết viết sách để lan tỏa an lạc – bình an trong tâm hồn. Theo ông: “An lạc phải cả thân và tâm. Thân tâm nhất như, tâm có an thì thân mới lạc. Tâm có lạc thì thân mới an. Tìm đến an lạc là tìm đến sự kết nối của thể chất khỏe mạnh và tâm hồn thư thái”. Trong sách có chuyện quen thuộc như Một hôm gặp lại – cảm thức của tác giả về truyện Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéry) với hình con voi trong chiếc mũ hay Tôi học Phật kể ông “có chút duyên với Phật, nhưng đến với Phật rất trễ”.

Tên sách Để làm gì xuất phát từ câu nói của nhà văn Pháp – André Maurois: “Khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý ‘Để làm gì’, lúc đó mình đã già thiệt rồi”. Từ cái ý về “nghệ thuật già” này, Đỗ Hồng Ngọc thú nhận lâu nay ông biết mình già, nhưng vẫn đang nghĩ là “già giả”. Cái già đối với ông là cái mặt nạ, còn bên trong vẫn là một đứa trẻ hừng hực lửa yêu thương. Tác giả còn lấy cảm hứng từ bài hát Để gió cuốn đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”.

Ông có giọng văn không lẫn đi đâu được: lững thững, tinh nghịch, dí dỏm. Theo nhà nghiên cứu văn học – nhà thơ Nhật Chiêu, sách mang lại niềm vui mới đúng là sách. Nhật Chiêu cho biết ông “cười quá trời quá đất” khi đọc các câu chuyện hài hước, gấp sách lại, ông thấy như “đứa trẻ rong chơi ngày nào đã trở lại hồn ta”. Khi chạm tuổi “gió heo may đã về”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chế tác các viên thuốc tinh thần bằng các câu chuyện hóm hỉnh. Người đọc lân la, đọc đi đọc lại vì cảm thấy thoải mái, dễ chịu với giọng văn không giáo điều.

 

Để làm gì được NXB Tổng hợp TP HCM phát hành. Ảnh: NXB Tổng hợp.

“Để làm gì” được NXB Tổng hợp TP HCM phát hành. Ảnh: NXB Tổng hợp.

Theo tác giả Nguyên Cẩn: “Đỗ Hồng Ngọc viết văn nhẹ nhàng, tưởng không là gì nhưng càng đọc, càng sâu sắc”. Bác sĩ viết văn từ cảm nhận, trải nghiệm cá nhân và lấy chất liệu từ cuộc sống. Do đó, độc giả có thể bắt gặp chính mình trong các câu chuyện và tìm thấy sự đồng cảm.

 

Đỗ Hồng Ngọc (bút hiệu Đỗ Nghê), sinh năm 1940. Trước khi làm bác sĩ chuyên khoa nhi, Đỗ Hồng Ngọc đã là thi sĩ với các bài thơ cộng tác trên báo. Các tác phẩm của ông khai thác đa dạng đề tài. Tập thơ tiêu biểu: Tình Người (1967), Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010). Tạp văn, tạp bút như Gió heo may đã về (1997), Về thu xếp lại (2019). Ông viết về y học phổ cập trong Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972)…

Quỳnh Quyên

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Giao lưu tác phẩm ĐỂ LÀM GÌ của Đỗ Hồng Ngọc

30/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Văn hóa Phật giáo: TÔI HỌC PHẬT

30/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

TÔI HỌC PHẬT

(Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 347 ngày 01.7.2020)

Ghi chú: Bạn tôi, anh Trần Tuấn Mẫn, Tạp chí Văn hóa Phật giáo cho biết anh đã thôi việc ở Tòa soạn kể từ ngày 1.7.2020 vì tuổi đã cao. Tôi gởi anh bài này như một kỷ niệm riêng. Bài đã in trên Tạp chí VHPG số 347 ngày 1.7.2020. Xin chia sẻ cùng các bạn.

ĐHN

 

TÔI HỌC PHẬT

Đỗ Hồng Ngọc

Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

Vào tuổi tám mươi, tôi nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” như người bạn nhạc sĩ họ Trịnh kia đã nói. Về thu xếp lại, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”, vì rất nhanh thôi, các tế bào thân xác kia đã có vẻ rã rượi, ù lì, và cũng rất nhanh thôi các tế bào thần kinh nọ cũng mịt mờ, mỏi mệt, nhớ trước quên sau… Đầu năm 2019, tôi gom góp in cuốn Về thu xếp lại như một cột mốc, một hẹn hò, rồi cuối năm tiếp tục gom góp in thêm cuốn Biết ơn mình như một nhắc nhở… Bên cạnh đó, cũng đã tạm một bản thảo Đi để Học, Ghi chép lang thang… chủ yếu là một dịp để “nhìn lại mình”… và gần đây nhất là tập Tạp bút Để Làm Gì không phải để hỏi cũng chẳng phải để thở than chi! Tôi cũng mong gom góp, tập hợp một số bài viết, sách, biên chép bấy nay trong lúc lõm bõm học Phật, thấp thoáng lời kinh, làm thành một tập tuyển học Phật để ngẫm ngợi khi cần. Muốn thì muốn vậy, nhưng lực bất tòng tâm!

Duyên may lại đến.

Cách đây mấy năm, một buổi chiều, nhận được 4 cuốn bản thảo “Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc” dày hơn ngàn trang A4 của một người không quen biết gởi tặng. Giật mình. Ai vậy cà? Thấy có kẹp mảnh giấy nhỏ, ghi số điện thoại tên Nguyễn Hiền Đức. Bèn phone thăm hỏi mới biết đó là một bạn đọc quý mến mình, đã “dõi theo” hành trình viết lách của mình từ lâu, nay tỉ mẩn ghi chép lại cả một tuyển tập đồ sộ gởi tặng và nói còn sẽ gởi tiếp mấy tập nữa! Lúc đầu tưởng anh gom góp từ trên mạng, nhưng không, anh cho biết đã gò lưng đánh máy từ những trang sách mà anh ưa thích! Thời buổi này. Lạ thiệt.

Rồi hẹn gặp, mới biết Nguyễn Hiền Đức (thường gọi anh 5 Hiền), trước 1975 từng có thời là Thư ký Tòa soạn của tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, thư ký riêng của HT Thích Minh Châu… Anh tốt nghiệp Báo chí và Xã hội học, rồi cao học Sử ở Đại học Vạn Hạnh. Đó là một người gầy gò, trông khắc khổ, nghiêm túc, nhưng rất nhiệt tâm và nói chung… dễ thương.

Gần đây, một người bạn bên kia nửa vòng trái đất cho hay tình cờ thấy có Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc “Thấp Thoáng Lời Kinh” trên Thư Viện Hoa Sen online.  Nghĩ chắc… Nguyễn Hiền Đức đây rồi! Và đúng vậy.

Nguyễn Hiền Đức tâm sự: Tôi bắt đầu “gõ” và “gõ”, mải mê “gõ” cuốn “TUYỂN TẬP ĐỖ HỒNG NGỌC –  THẤP THOÁNG LỜI KINH” này từ năm 2010 và kết thúc năm 2018. Tôi rất thích từ “Thấp thoáng” vì nó thể hiện rất rõ, rất đúng cái chất “thấp thoáng”, “lõm bõm” của tôi khi học Phật.

Ngay trong bước đầu “tập tễnh học Phật” tôi đã chọn cách học hợp với sở thích của mình. Đó là chọn bài, chọn sách rồi… rị mọ. cặm cụi, kiên trì “gõ” vào máy. Cách làm này giúp tôi đọc chậm, đọc kỹ từng đoạn, từng trang, từng bài, rồi chú tâm sửa lỗi. Tôi đọc ít nhất 5 lần cho mỗi trang với lòng thanh thản, thư thái. Tôi không “ép” mình phải ghi, phải nhớ một điều gì cứ để nó trôi chảy như một dòng sông…

 

* * *

Tôi có chút “duyên” với Phật, nhưng đến với Phật rất trễ. Lại đến một mình.  Sanh ở Phan Thiết mấy ngày thì tôi được về nhà Ngoại ở làng Phong Điền, Hiệp Nghĩa, dưới chân núi Tà Cú, nơi có Linh Sơn Trường Thọ Tự. Nhỏ xíu, tôi đã được theo cha mẹ, các cậu, dì, lên chơi Chùa núi. Khi là sinh viên ở Saigon, tôi cũng đọc Bát Nhã, đọc Suzuki, Krishnamurti… nhưng đọc chỉ để mà đọc. Đến năm tuổi gần 60, sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh, tôi thấy mọi sự khác hẳn đi. Tôi đọc Tâm Kinh thấy không khó nữa. Như vỡ ra. Và với Tâm Kinh, tôi thấy chỉ cần học một chữ thôi. Chữ Không. Từ đó mà vô trụ, vô trí, vô đắc… Từ đó mà gaté, gaté, paragaté… Nó như giúp tôi trả lời câu hỏi cho chính mình, Why, tại sao? Tôi vẫn thường tự đặt ra cho mình những câu hỏi “tại sao” như vậy. Rồi lại hỏi bằng cách nào đây (How?) để mà “hành thâm Bát nhã”? Câu trả lời nằm ở Kim Cang. Ở Kim Cang tôi học Vô ngã (nhân vô ngã, pháp vô ngã), và Thiền định. Dĩ nhiên không thể không học những bước cơ bản: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên… Không có chánh định thì làm sao có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ… Con đường từ thể nghiệm, thực nghiệm đến ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Ở Pháp Hoa, học vô tướng, thực tướng, gặp Như Lai Đa Bảo của mình như luôn tủm tỉm cười chọc quê mình! Cái học y khoa, tâm lý học, xã hội học cũng đã giúp tôi thấy rõ hơn vai trò thầy thuốc, tham vấn viên của bậc Y vương qua hình tượng các vị Bồ tát Thường Bất Khinh, Dược Vương, Quán Thế Âm… với tôn trọng (respect), chân thành (guenuine), thấu cảm (empathy) để không chỉ học hiểu lời kinh mà còn vận dụng vào nghề nghiệp…  Ở Duy-ma-cật, học Bất nhị. Kinh mở ra một cách tiếp cận mới, sinh động, cho dòng chảy mênh mang rộng khắp.

Chắc chắn Phật không muốn chỉ có các đệ tử ngồi thiền định dưới gốc cây, tới giờ đi khất thực và đợi ngày nhập Niết bàn. Phật cần có những vị Bồ-tát đem đạo vào đời, tự giác giác tha. Thế nhưng, các vị Bồ-tát đầu tròn áo vuông cũng khó mà “thõng tay vào chợ” giữa thời đại bát nháo này. Vì thế mà cần Duy-ma-cật. Một thế hệ cư sĩ tại gia, nhằm thực hiện lý tưởng của Phổ Hiền Bồ-tát…!

Rồi từ những điều học hỏi, nghiền ngẫm, thể nghiệm… bấy nay mà tôi mạnh dạn sẻ chia với “Thấp thoáng lời Kinh”,  “Thoảng hương Sen”, “Thiền và Sức khỏe”, “Nếp sống An lạc”… như một ứng dụng Phật pháp vào đời sống.

Khi được hỏi “kinh nghiệm” về học Phật, tôi nghĩ trước hết, cần nắm được các thuật ngữ, sau đó là hiểu được các ẩn dụ, ẩn nghĩa, hàm chứa trong lời Kinh và quan trọng nhất là thực hành, ứng dụng vào đời sống, ở đây và bây giờ…

Những năm sau này, tôi có dịp cùng học với nhóm bạn về Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng Già… Con đường học Phật thênh thang như cánh rừng kia mà ta mới tiếp cận vài hạt bụi rơi từ nắm lá Simsapa dạo nọ.

Tôi lại gặp duyên may trong lúc một mình lõm bõm học Phật như vậy khi gắn bó với Tạp chí Văn hóa Phật giáo. Tôi còn nhớ buổi họp đầu tiên để thực hiện tạp chi Văn Hóa Phật Giáo có sự hiện diện của quý thầy cùng với các vị cư sĩ tôi hằng mến mộ như Cao Huy Thuần, Trần Tuấn Mẫn, Trần Đình Sơn, Nguyên Cẩn… Anh Cao Huy Thuần sau đó nói riêng với tôi: Này, tôi “thách” anh Đỗ Hồng Ngọc viết được mỗi tháng một bài cho Văn hóa Phật giáo đó. Thế là tôi gắn với Văn hóa Phật giáo từ thuở ban đầu đó đến nay đã gần 15 năm!  Thực ra tôi viết Văn Hóa Phật Giáo là để học.

Nhớ những bài viết đầu tiên gởi Văn Hóa Phật Giáo tôi băn khoăn nên để mục này là “Lõm bõm học Phật” hay “Thấp thoáng Lời Kinh”, bởi biết mình chỉ học lõm bõm, thấp thoáng, chẳng chính quy hiện đại gì cả. Trần Tuấn Mẫn kêu “Lõm bõm” thiếu nghiêm túc. Chọn “Thấp thoáng Lời Kinh” nhé.  Chẳng ngờ độc giả “chịu” cách viết “bên lề” như vậy. Thường khi bài đăng xong tôi hỏi Trần Tuấn Mẫn thế nào, có bị “rầy la, sỉ vả” gì không? Mẫn bảo viết tiếp đi, nhanh lên, được khen lắm đó. Đó là một lời khuyến khích động viên qúy báu, giúp mình tự tin hơn. Tôi viết từ những cảm nhận riêng với một văn phong đời thường về Tâm Kinh Bát nhã, về Kim Cang, Pháp Hoa, Duy-ma-cật… Tôi biết ở Ban Biên tập có những bậc tôn túc, những cao nhân và nhất là độc giả Phật tử khắp nơi đều là những vị thầy của mình, sẽ là “bộ lọc” cho những bài viết của mình, có gì sai họ sẽ chỉ dẫn. Thật vậy, thỉnh thoảng Trần Tuấn Mẫn giúp tôi chỉnh  một chữ, thỉnh thoảng anh Lê Văn Lợi từ Huế khen một câu hoặc nhắc cho một ý…  Khi tôi viết mục “Thoảng hương sen”, là những suy gẫm, những cảm nhận tích lũy trong nhiều năm tháng học Phật của mình, Văn Hóa Phật Giáo đã sửa thành “Hương Sen” mà bỏ đi chữ “Thoảng”. Tôi hiểu. Với tôi, viết cho Văn hóa Phật giáo là một cách học Phật tốt nhất.

Khi tôi xuất bản cuốn Thấp thoáng Lời Kinh thì Trần Tuấn Mẫn viết trên Văn hóa Phật giáo, số 163, ngày 15-10-2012:

Đọc xong tác phẩm Thấp thoáng lời kinh của Đỗ Hồng Ngọc. Im lặng, thanh thản, hoan hỷ như vừa trải qua một cuộc du lịch kỳ thú đến những vùng đất xa xôi, kỳ ảo, để rồi sau đó tâm trí như loãng đi, mơ hồ, lung linh, băn khoăn trong niềm vui thú vị vẫn còn đó, quanh quất lâu dài. Gập sách lại, tôi bỗng thấy thấp thoáng lời sách, từ ngữ, câu văn từ bài này chuyển sang bài nọ, chữ nghĩa nhẹ nhàng đổi chỗ nhau, nhưng vẫn rất tự nhiên, rất trật tự và rất đẹp. Phải chăng tác giả cũng thấy thấp thoáng chứ không nghe văng vẳng lời kinh vì không trực tiếp nghe được kim thanh của Đức Phật. Anh chỉ tự nghiên cứu kinh điển, tự cảm nghiệm và những dòng kinh chợt đến chợt đi trong tâm tưởng. Có lẽ anh dùng từ thấp thoáng cũng là do sự khiêm tốn, muốn bảo rằng những gì anh viết ra không phải là từ sự nghiên cứu mang tính kinh viện mà chủ yếu là do cảm nhận, do sự suy nghĩ và trải nghiệm cá nhân. Tôi vui vì nghĩ như thế, vì nghĩ mình thông cảm được với anh và được anh truyền cho niềm cảm hứng và mấy phần kiến thức Phật học (…).

Các bài viết ở đây, theo lời tác giả, là “những loay hoay, bứt rứt”, “những cảm nghiệm riêng tư, rất chủ quan của người thầy thuốc, bấy lâu nay tìm kiếm, thử nghiệm trên mình rồi mới dám mà sẻ chia cùng bạn bè tương lân”. Những lời tâm sự ấy là chân thật, là tình nghĩa và những gì anh viết ra thì chân xác trong chừng mức có sự chấp nhận của những người đã học Phật, đã tu Phật hay từng chiêm nghiệm về cuộc đời. Anh nhận định sâu sắc về các đề tài nói trên, nhưng vốn là một bác sĩ nhiều kinh nghiệm chữa trị thân và tâm, có khi anh tế nhị và có đôi chút dí dỏm nên chuyển ý sang bình diện cụ thể, thiết thực, gợi ý chúng ta về sự suy nghĩ, về thái độ tích cực trong cuộc sống hằng ngày nên cố ý chuyển ý nghĩa của vài lời kinh như là một thể cách khế cơ (…).

Nhẹ nhàng mà thâm sâu, dí dỏm mà chân thật là tính chất của Đỗ Hồng Ngọc. Thật hay và thật vui khi anh bàn về Hơi thở ra vào, Bồ-tát Di lặc, Du hý ta-bà, Luân hồi sanh tử v.v…

Đọc Thấp thoáng lời kinh của Đỗ Hồng Ngọc, tôi bỗng cảm thấy mình chỉ thấp thoáng lời anh và loay hoay, bứt rứt về cái kiến thức Phật học của mình. Những đoạn kinh tôi đã thuộc lòng bỗng trở nên “thấp thoáng”…

Với tôi, Trần Tuấn Mẫn vừa là bạn, mà cũng là thầy, từ thuở Vô Môn Quan, đến Bàng Ẩn, rồi Lăng Già… và nhất là Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo suốt 15 năm qua.

 

Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon 6.2020)

 

 

 

 

 

 

Filed Under: Gì đẹp bằng sen?, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 32
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Biết rồi còn hỏi

Ba tầng của tâm thức – Vô Kỵ ở tầng nào?

“An cư kiết hạ” trong mùa Covi

Thư gởi bạn (2.4.2020)

Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo với “CÓ KHÔNG”

Xá-lợi-phất và Duy-ma-cật

Phật cười dưới trăng…

Nguyễn Hiền Đức với “TÔI HỌC PHẬT” của Đỗ Hồng Ngọc

Lời ngỏ viết cho Tuyển tập TÔI HỌC PHẬT

Mừng NOEL với “Tiếng Hát Thiên Thần”

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh: NHỚ ĐINH CƯỜNG
  • Sách Ở Trên Đường
  • Ngô Nguyên Nghiễm: Đọc “TỬ SINH CA” của Trần Yên Thảo
  • Nguyên Giác (PTH): Thêm một ngày, học vô cùng
  • Truyện đọc mùa Noel: DUYÊN PHẬN

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Tĩnh lặng
  • Tịnh Phan trong Tĩnh lặng
  • Phan Minh Tịnh trong Tĩnh lặng
  • Trần Vạn Lợi trong Chuyện kể đêm Giáng Sinh
  • hai trầu trong Chuyến về Đà Lạt cùng Quán Văn
  • hai trầu trong Chuyến về Đà Lạt cùng Quán Văn
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Thơ Trần Thị Nguyệt Mai trên TUỔI HOA xưa
  • Vũ Thất trong Thơ Trần Thị Nguyệt Mai trên TUỔI HOA xưa
  • Nguyệt Mai trong Thơ Trần Thị Nguyệt Mai trên TUỔI HOA xưa
  • Nguyễn Quốc Anh trong Làm rõ vài chi tiết về Nguiễn Ngu Í

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email