Chân dung một người rất ngộ
Minh Lê
Là độc giả trung thành của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lâu nay, tôi rất tò mò khi nhìn cuốn sách dày cộm “Ngôn ngữ số Đặc biệt 5/2024: Đỗ Nghê Đỗ Hồng Ngọc- Bằng hữu và Văn chương”. Tò mò vì không rõ các nhà phê bình, nhà thơ, nhà văn và rất nhiều nhà gì gì nữa đem thơ văn Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, “idol” của tôi, mổ xẻ ra sao.
Có thể nói tuyển tập chia làm hai phần chính: phần in các bài viết và thơ do chính Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tuyển chọn, và phần nhận xét, phê bình, cảm nghĩ của những người khác về thơ văn ông.
Tôi đã đọc rải rác thơ văn Đỗ Hồng Ngọc từ những năm 1990, nên đa số bài trong phần chọn lọc tôi đã đọc qua. Vậy mà đọc lại vẫn thấy bất ngờ, và lôi cuốn như lần đầu. Giọng văn cũng như tiếng thơ của ông luôn có duyên ngầm, nhẹ nhàng sâu sắc và không đao to búa lớn. Đúng là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, một cơ hội tốt cho “người hâm mộ” thầm lặng là tôi đây đọc lại thơ văn của “idol” từ những ngày xưa cũ cho tới những năm gần đây.
Phần thứ hai là một lăng kính vạn hoa. Tôi ngạc nhiên trước những khía cạnh mới và ý tưởng phong phú về văn chương Đỗ Hồng Ngọc mà trước đây tôi chưa được biết.
Tỷ như bài của nhà thơ Trần Vấn Lệ viết về “Thơ Hồn Nhiên, Thơ Nhã Nhặn, Thơ Ngọt Ngào” – những cảm giác sâu sắc của ông khi đọc thơ Đỗ Hồng Ngọc. Tôi khoái câu này của ông: “Tôi đọc thơ ông rồi úp cuốn sách lên ngực nghe ấm.” (tr. 404) Thật đúng! Nhiều bài thơ hay thì có hay nhưng đọc xong cứ thấy rã rời tuyệt vọng làm sao. Thơ Đỗ Hồng Ngọc ngược lại lúc nào cũng bàng bạc một tình yêu chân thành, bao dung và thấu cảm.
Hay một câu trong bài của Nguyễn Đức Tùng: “Đỗ Hồng Ngọc làm chủ giọng nói của mình, tiết kiệm chữ, chỉ nói vừa đủ, nhường lời cho sự hiểu biết và diễn dịch của người đọc. Thơ anh vì vậy khá kén người đọc.” (tr. 331) Cũng chính xác luôn! Thơ Đỗ Hồng Ngọc từ những năm 1980 trở đi thường ngắn và cô đọng, từ đó mở ra không gian thênh thang cho người đọc tự cảm nhận.
Tiếc rằng không có nhiều bài phân tích về văn Đỗ Hồng Ngọc. Dù tôi dám chắc rất nhiều người thành độc giả trung thành của ông qua các tùy bút, từ Gió heo may đã về (1995) cho tới Một ngày kia… đến bờ (2023). May mắn, nhà thơ Ý Nhi đã nhận xét một câu xác đáng về văn Đỗ Hồng Ngọc: “Nhẹ nhàng mà thâm trầm, thông tuệ mà giản dị, nghiêm trang mà dí dỏm.” (tr. 587) Và luôn phảng phất “phẩm chất thi ca”. (Huỳnh Như Phương, tr. 587)
Người ta nói “văn là người”, tuy vậy “người chưa chắc là văn”. Hay nói thẳng ra như Ý Nhi: “Có những người viết văn hay nhưng gặp gỡ thì… chán.” (tr. 590) Đọc tới đây tôi run hết sức. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, “idol” của tôi, có thuộc dạng này không? May quá, Ý Nhi kể: “Đọc ông, rồi gặp ông, có một cảm giác thật dễ chịu khi mọi điều như hòa quyện với nhau. Văn là người, người là văn vậy.” Còn có một số bạn thân khác cũng tiết lộ khối điều “bí mật” về ông, nhưng thôi, tôi không thể “tiết lộ” hết nhỉ.
Bài duy nhất trong tuyển tập không viết về văn chương mà viết về Thầy Đỗ Hồng Ngọc là bài của Bác sĩ Trương Trọng Hoàng. Từ góc nhìn của Bác sĩ Hoàng hiện lên một ông Thầy tận tâm, tinh tế và rất nghệ thuật. “Trong giảng dạy Thầy kể rất nhiều câu chuyện dí dỏm, dùng nhiều sự so sánh rất đắc, chiếu nhiều hình ảnh ấn tượng”. Quan trọng hơn, thông qua bài dạy đầy tính nghệ sĩ, “Thầy làm cho người học “nhớ đời”, … “giật mình”, … hiểu rõ những khái niệm và thêm yêu ngôn ngữ Việt nhuần nhị, sâu sắc.” (tr. 688) Quả là một ông Thầy xuất sắc vậy!
Gọi là tuyển tập văn chương nhưng bạn đọc còn được nhìn ngắm tranh Đỗ Hồng Ngọc – một khía cạnh ít người đề cập tới, bởi tác giả chỉ vẽ cho mình và cho bạn bè, không triển lãm rình rang. Cả trong tập này cũng vậy, chúng chỉ dùng để minh họa. Thiết nghĩ (dù biết hơi “tham”) chân dung Đỗ Hồng Ngọc sẽ toàn vẹn hơn nếu có bài phân tích về tranh của ông, từ ký họa đến màu nước.
Đỗ Hồng Ngọc vẽ ký họa phong cảnh đen trắng rất thoáng, và mỗi bức tranh càng ngắm càng cảm được cái hồn ở trong. Như bức “Chớm đông” (tr. 97) có nhiều nét vẽ mảnh mai thẳng đứng tả hàng cây trút lá, con đường đầy tuyết và tháp chuông cô độc xa xa. Cảm giác lạnh lẽo, tĩnh lặng giữa tiếng rơi rất khẽ của “linh hồn lá ngập ngừng trút qua” (“Đông Boston”)
Tranh minh họa bài thơ “Biển vắng” (tr. 95) lại là những nét đậm ngoằn ngoèo tả bờ biển cong cong, cây dừa nghiêng mình đón gió, lưỡi sóng ôm hôn bờ cát, … như đang ẩn giấu một tình cảm sâu đậm thiết tha mà kín đáo. Bài “Biển vắng” cũng “tình” một cách độc đáo, hóa ra tình yêu có muôn vàn cách thể hiện ý nhị, và cách của Đỗ Hồng Ngọc luôn thật bất ngờ.
Cuối cùng, tôi cảm thấy tuyển tập hình như thiếu thiếu một chút. Tôi cố ý tìm coi có bài nào “chê” văn chương idol của tôi không, nhưng thất bại. Là người có tâm hồn “ẩm thực” sâu đậm, tôi luôn tâm đắc bí quyết nấu chè của người Việt: muốn chè ngon thì ngoài đủ đường phải dằn thêm chút muối. (Các bạn chớ nhìn tôi nha, tôi cũng không biết “chê” idol ra sao đâu. Chỉ là tôi đang thêm “muối” cho bài của mình thôi.)
Cám ơn Ban Biên tập tạp chí Ngôn Ngữ đã có một việc làm ý nghĩa và giá trị. Ngôn Ngữ số Đặc biệt 5/2024 đã yêu thương khắc họa chân dung Đỗ Nghê Đỗ Hồng Ngọc – một người đa tài, từ thi sĩ, bác sĩ, họa sĩ, văn sĩ, và bây giờ là một cư sĩ thuần thành nhẹ nhàng chuyển tải cái giác ngộ của mình cho mọi người. Đúng là một người rất ngộ, phải không?
Minh Lê (Nha Trang, 7/2024)
Để lại một bình luận