Thơ Đỗ Nghê – Bông Hồng Cho Mẹ
PHẠM HIỀN MÂY
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sinh năm một ngàn chín trăm bốn mươi tại Bình Thuận. Tính đến năm nay, ông đã bước vào tuổi tám mươi tư, tám mươi lăm, thế mà ông vẫn đều đặn viết sách, viết các tản mạn, làm thơ. Vẫn họp mặt bạn bè, tiếp xúc bạn đọc và nhận lời mời nói chuyện, trao đổi, giải đáp các thắc mắc hoặc tâm tình.
Từ năm hai ngàn không trăm lẻ một, cứ năm năm, ông lại ra một cuốn sách. Các sách ấy, ông dựa vào các vấn đề lớn của Kinh Phật mà viết.
Từ Tâm Kinh, ông viết Nghĩ Từ Trái Tim. Từ kinh Kim Cang, ông viết Gươm Báu Trao Tay. Từ kinh Pháp Hoa, ông viết Ngàn Cánh Sen Xanh Biếc. Từ kinh Duy Ma Cật, ông viết Cõi Phật Đâu Xa. Từ kinh Hoa Nghiêm, ông viết thêm một loạt các bài bổ sung sau này.
Và mới đây nhất, ông cho ra mắt Tôi Học Phật, được xem là một tổng tập Kinh Phật hoàn chỉnh. Dường có một dẫn dắt tâm linh, ông tâm sự như vậy, khiến cuốn sách, tưởng chừng rất khó để đọc với mọi người, nào dè đâu, nó lại hết sức mạch lạc, dễ hiểu.
Ông cho biết thêm, người thầy dẫn dắt lớn của ông, là ngài Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngoài ra, ông còn học được rất nhiều từ các vị thầy khác như thầy Nhất Hạnh, thầy Thanh Từ, thầy Viên Minh và thậm chí, cả tự học với chính mình.
Ông diễn giải, ông học cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học. Ông học cách trở về nương tựa với chính mình. Thực hành, thực nghiệm với chính mình mới thấy được điều đúng. Trong kinh Kalama, Phật có nói, đừng vội tin ai cả, kể cả tôi, hãy thực hành đi.
Như tôi có nói ở trên, ông là bác sĩ Nhi Đồng, và là một nhà văn, nhà thơ nữa. Thơ ông thường là các bài thơ ngắn viết theo thể tự do. Ngôn ngữ thơ của ông đơn giản, dễ hiểu, không kiểu cách. Đơn giản như khi ông hướng dẫn người mới đến với thiền, là tập hít vào, tập thở ra, cho đúng cách.
****
Ông viết bài thơ NỤ CƯỜI CỦA MẸ vào ngày giỗ của mẹ mình. Những câu thơ rất bình dị, rất giản đơn, không màu mè hoa lá cành, không sử dụng những mỹ từ cao sang, trọng vọng, chỉ là những từ rất gần gũi, đời thường, vậy mà làm người đọc, cảm thấy như mình chính là tác giả, còn bà mẹ trong thơ, ấy chính là bà mẹ của mình.
Lời thơ đơn sơ, như mẹ vậy, mà nặng biết bao tình, mà rất của đứa con, của người con có hiếu!
**
Nụ cười của mẹ
Mẹ tôi có nụ cười lạ lắm
Lúc nào bà cũng nhìn tôi mà cười cười
Không nói
Lạ là vì mỗi lúc bà cười mỗi khác
Đọc thơ, tôi hình dung ra, giữa người mẹ và đứa con, là tác giả, dường, có một gần gũi khác, kiểu như gần gũi của tri kỷ, nghĩa là, mẹ không chỉ thương yêu con mà mẹ còn là người bạn thấu hiểu con nữa.
Những thế hệ sau này, có ăn có học, lại sanh ít, nên họ có thời gian để bầu bạn cùng con. Chớ sanh nhiều như ông bà, cha mẹ mình thuở xưa, con đông, làm lấm mặt, lấy đâu ra thời gian để mà lắng nghe con tâm sự hoặc giãi bày mà cho con ý kiến, ý cò đặng.
Mở đầu bài thơ, tác giả giới thiệu mẹ của mình, bằng một đặc điểm riêng, đó là nụ cười, và nụ cười này rất lạ.
Nó lạ bởi vì, mỗi lần bà cười, là mỗi lần nụ cười một khác nhau.
**
Lúc nào tôi có vẻ vội vã chào bà
Như để đi đâu đó cho đúng hẹn
Chẳng hạn
Bà cười cười tha thứ
Vậy hả con
Ừ đi đi.
Nụ cười thứ nhứt là nụ cười cảm thông khi đứa con ham ra ngoài, ham đi chơi, ham tụ tập, ham bạn bè, ham bù khú hơn là ham ở nhà với mẹ.
Thay vì bà đợi đứa con nói rõ lý do, nghe xong, chẳng hạn, bà sẽ cằn nhằn, cửi nhửi, một vài câu, hoặc khuôn mặt lộ vẻ không vui, để đứa con phải cảm thấy áy náy, thì đằng này, bà lại cười, cái cười của thừa biết, cái cười của bao dung, cái cười của tha thứ, kèm theo sự đôn đốc, vậy hả con, trễ rồi hả con, ừ, con đi đi, đi cẩn thận nha.
**
Lúc nào tôi thấy mình có lỗi
Lần khân bên bà lâu lâu chút
Thì nụ cười của bà lại như mỉa mai
Biết rồi, khỏi nói.
Cứ vội vội vã vã hoài, nhiều khi, thấy dáng bà ngồi, lụi cụi, cô đơn, cảm ra, đứa con là mình, sao mà có lỗi quá, sao mà tệ quá, bèn lân la, bèn hỏi này hỏi kia, bèn nói thiên nói địa.
Hỏi, nói, vậy thôi, chớ có nhập tâm đâu mà có đầu có đuôi. Những lúc ấy, bà tinh lắm, bà nhận ra ngay, và để cho đứa con không phải tốn thời gian nhiều bên mình, bà cắt đứt mạch chuyện cho con được tự nhiên hơn, chuyện đó hả, biết rồi, khỏi nói.
**
Những lúc tôi mang chuyện bực mình đâu đó về
Thì bà nhẹ nhàng cười, thôi đi, đừng sinh sự
Nhột nhất là khi bà cười có vẻ châm biếm
Khi tôi có ý gì đó thiếu thành thật
Loanh quanh kiếm chuyện.
Nụ cười thứ ba của bà là nụ cười nhẹ nhàng, tháo gỡ, khi nhận ra con mình đang không vui, con mình đang không như ý với cuộc sống, với công việc, với gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Thôi đi, thôi đi, đừng sinh sự, lời bà can gián. Chuyện lớn thành chuyện nhỏ. Chuyện nhỏ hóa thành không.
**
Ôi nụ cười của một bà mẹ mới lạ lùng làm sao
Lúc tủm tỉm
Lúc chế giễu
Lúc mỉa mai
Lúc chua chát
Lúc thứ tha
Lúc trách mắng
Những nụ cười đó, tác giả không thể tìm thấy ở đâu, ngoài mẹ. Chỉ mẹ thôi.
Hoặc thế này, hoặc thế kia, nhưng kiểu gì thì tác giả cũng thấy dễ chịu, chưa kịp nói mẹ đã hiểu, chưa kịp làm mẹ đã hay. Và nụ cười nào, cũng là nụ cười san sớt, sẻ chia.
Cùng con!
**
Vậy đó
Mẹ tôi vẫn cười cười như thế suốt ba năm qua
Từ tấm ảnh trên bàn thờ!
Cái tài tình của một người viết văn hay làm thơ, chính là lúc này đây, chính là cái không thể ngờ tới, chính là điều không thể đoán ra, là ngỡ ngàng, là chẳng nói nên lời. Và, ngập tràn xúc động.
Ngỡ ngàng trong quặn thắt và ngập tràn nỗi tiếc thương.
Tiếc thương mấy, hối lỗi mấy, thì cũng đã trễ muộn rồi, không thể làm lại được bất kỳ điều chi nữa!
****
Đỗ Nghê viết bài thơ MỚI HÔM QUA THÔI trong một lần đến nhà giữ lão ở Montréal năm một ngàn chín trăm chín mươi ba.
Chỉ mới đọc tựa đề mà tôi cũng đã thấy niềm xúc động trào dâng. Mới hôm qua thôi, là xanh, là tươi tốt, là niềm vui, là hạnh phúc. Mà hôm nay, đã úa, đã héo hon, đã nỗi buồn và sầu tủi.
Một khoảnh khắc ngày qua, hôm nay, mà biết bao đổi thay. Điều đó, có phải người ta hay gọi là vô thường không?
**
Họ ngồi đó
Bên nhau
Đàn ông
Đàn bà
Không nhìn
Không nói
Họ ngồi đó, ngồi bên nhau, mà cái gì cũng không, không nhìn nhau, không nói năng chi.
Cả đàn ông lẫn đàn bà. Giờ, thì giới tính ý nghĩa gì. Còn sức đâu mà làm màu làm mè. Còn sức đâu để mà hứa hẹn yêu thương. Đến cái ăn cũng phải có người đút, đến cái đi vệ sinh, cũng phải có người đỡ đần, thì còn ham hố chi nữa mà đàn ông với chẳng đàn bà lúc này.
**
Họ ngồi đó
Gục đầu
Nín lặng
Ngửa cổ
Giật nhẹ tay chân
Có người
Trên chiếc xe lăn
Chạy vòng vòng
Có người
Trên chiếc xe lăn
Bất động
Họ ngồi đó, hoặc gục đầu, hoặc ngửa cổ, hoặc bất động, hoặc giật nhẹ tay chân.
Cùng là trên chiếc xe lăn, nhưng có người chạy vòng vòng, lơ ngơ, lẩn thẩn. Lại có người, đặt đâu thì y đó, giống như, người ta hay nói, có xác mà chẳng có hồn.
**
Họ ngồi đó
Hói đầu
Bạc trắng
Móm sọm
Nhăn nheo
Họ ngồi đó, hoặc là hói đầu, hoặc là trắng phơ phơ tóc. Hàm răng thì móm sọm. Da dẻ thì nhăn nheo.
**
Mới hôm qua thôi
Nào vương
Nào tướng
Nào tài tử
Nào giai nhân
Ngựa xe
Võng lọng
Mới hôm qua thôi, ông là vua một cõi, hét ra lửa, vạn người phải sợ.
Mới hôm qua thôi, bà là vợ tướng, bước một bước có người nâng, bước hai bước có người đỡ, cầm giỏ, cầm tay.
Mới hôm qua thôi, nào tài tử, nào giai nhân, nào ngựa xe, nào võng lọng, nào thơm nào đẹp, nào xinh nào tươi, nào hào hoa, nào hương sắc.
Mà bây giờ!
**
Mới hôm qua thôi
Nào lọc lừa
Nào thủ đoạn
Khoác lác
Huênh hoang
Mới hôm qua thôi
Nào galant
Nào quý phái
Nói nói
Cười cười
Ghen tuông
Hờn giận
Mới hôm qua thôi, nào lọc lừa, nào thủ đoạn, nào đoạt người, nào chiếm của.
Mới hôm qua thôi, nào khoác lác, nào huênh hoang, nào xưng tên, nào vỗ ngực.
Mới hôm qua thôi, nào galant, nào quý phái, nào cuộc vui, nào tiệc tùng suốt sáng, thâu đêm.
Mới hôm qua thôi, nào nói nói, nào cười cười, nào nâng ly, nào nhấc đũa.
Mới hôm qua thôi, nào ghen tuông, nào hờn giận, nào vật vã khóc lóc, nào muốn có, muốn được nhiều hơn.
Mà bây giờ!
**
Họ ngồi đó
Không nói năng
Không nghe ngóng
Gục đầu
Ngửa cổ
Móm sọm
Nhăn nheo
Họ ngồi đó, không nói năng, không nghe ngóng, không thắc mắc, không quan tâm.
Họ ngồi đó, hoặc gục đầu hoặc ngửa cổ. Hàm răng thì móm sọm. Da dẻ thì nhăn nheo.
**
Ngoài kia
Tuyết bay
Trắng xóa
Ngoài kia
Dòng sông
Mênh mông
Mênh mông…
Ngoài kia, tuyết vẫn bay, trắng xóa một vùng, cùng giá lạnh.
Ngoài kia, sông vẫn chảy, người vẫn ngồi, đợi phút tàn hơi.
Mênh mông. Mênh mông!
****
Ông viết bài thơ BÔNG HỒNG CHO MẸ vào năm hai ngàn không trăm mười hai. Có bốn câu thôi mà khi đọc lên, không sao ngăn được dòng nước mắt. Chỉ chân tình, mới có thể mở cửa được trái tim.
Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…
.
Con mồ côi mẹ, nên Vu Lan này, con cài lên ngực con, một bông hoa trắng.
Con dành bông hồng này, tặng cho mẹ, mẹ ơi.
Mẹ nhớ cài nha, đừng quên, hoa ngực đỏ.
Bên kia sông, ngoại đang đợi, để ôm mẹ vào lòng đó, mẹ ơi!
****
Không chỉ là bác sĩ nhi giỏi, danh tiếng lẫy lừng, Đỗ Hồng Ngọc còn là một nhà văn, một nhà thơ và là một người có sức ảnh hưởng đến các bà mẹ trẻ, đến những người lớn tuổi muốn đi vào tu tập, hành thiền.
Tiếp xúc với ông, là tiếp xúc với một người thông minh, trí tuệ, duyên dáng, thú vị và thi vị, nên những cuộc trò chuyện với ông, bao giờ cũng là, hoặc nhận thêm được, hoặc học thêm được, những điều rất bổ ích cho cuộc sống, ví dụ, ông trao đổi, Bát Nhã Tâm Kinh có sáu trăm cuốn, rút gọn còn vài trăm chữ, và cuối cùng, chỉ còn một chữ “không”. Dễ hiểu lầm chữ không này là không có gì, Thực ra vẫn có. Có này không do dự tính mà là do tác động của nhiều yếu tố, gọi là duyên sinh.
Tôi có hai người bạn vong niên, một là nhà thơ Trần Vấn Lệ, hai là nhà thơ Luân Hoán. Cả hai nhà thơ này đều là những người tôi rất kính trọng và mến yêu. Và, cũng cả hai ông này, đều là bạn rất thân của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
Anh Luân Hoán nhắn, muốn tôi viết một bài cho cuốn sách anh sẽ ra sắp tới, chuyên đề về Đỗ Hồng Ngọc. Còn Trần Trung Tá, thì tôi có đọc được nhiều câu nồng nàn, ấm áp lắm, khi viết cho Đỗ Nghê: Thơ Đỗ Nghê không rườm rà, không làm duyên làm dáng, không lập dị. Thơ ông là Thơ Hồn Nhiên, Thơ Nhã Nhặn, Thơ Ngọt Ngào. Tôi đọc thơ ông rồi úp cuốn sách lên ngực nghe ấm.
Bút danh ông là Đỗ Nghê. Ông nói, Đỗ là họ cha, Nghê là họ mẹ, không có gì là cao siêu hay bí hiểm trong này cả. Nhưng không hiểu sao, nghe cái tên Đỗ Nghê ấy mà, tôi cứ hình dung ra một chú bê con, chú nghé con, kêu nghé ọ, nghé ọ, dễ thương, hồn nhiên và thơ trẻ.
Cái tên, dù là bút hiệu, cũng vận vào con người ta nhỉ. Phải đủ hồn nhiên và thơ trẻ, thì ông mới có thể viết được những cuốn sách, và làm được những việc mang tính cống hiến cho đời, như ông.
Mong ông nhiều sức khỏe để dâng tặng dài lâu, tài năng, trí tuệ, tấm lòng, cho đời, như đã!
Phạm Hiền Mây
Sài Gòn 08.03.2024
(Nguồn: Ngôn Ngữ: Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc, số tháng 5. 2024)
Để lại một bình luận