Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Ghi chép lang thang: Nếp Sống An Lạc (tái bản lần thứ 3)

22/06/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Nếp Sống An Lạc

(tái bản lần thứ 3)

Chuyện trò cùng Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về
“Nếp Sống An Lạc”,
tái bản lần thứ 3. Tháng 6.2021

 

Ghi chép lang thang: Nhớ buổi “giao lưu” ở Đà Nẵng  

Đề tài được chọn là Một nếp sống hạnh phúc, an lạc chẳng qua là một cái “cớ” cho một chuyến hành hương về miền Trung… “miền thùy dương bóng dừa ngàn thông thuyền ngược xuôi suốt một dòng sông ư.ư… dài” mà thôi! Bởi làm gì có “một nếp sống hạnh phúc, an lạc” để mà nói năng?  Nói làm sao được một thứ “bất khả thuyết” như thế chứ? Chẳng qua là một cơ hội để gặp gỡ bạn bè, trò chuyện loanh quanh, bấy nay chỉ quen nhau qua trang sách.

(…) Một không khí đầm ấm, thân thiết khó thấy ở đâu.  Chưa từng gặp mà quen đã từ lâu. Tay bắt mặt mừng. Chụp ảnh kỷ niệm. Rồi xin chữ ký… thật vui và thật cảm động. Có người ôm nguyên một chồng sách cũ đã “sưu tập” của ĐHN bấy nay đến xin chữ ký, kêu ghi giùm tên và ngày tháng hẳn hòi để kỷ niệm…

MC không phải ai xa lạ: Cát Tiên, chị của ca sĩ Lê cát Trọng Lý. Cát Tiên cũng là một ca sĩ, cùng bạn bè thành lập một thư viện tại gia và một phòng trà nho nhỏ thật dễ thương mà ở Đà Nẵng ít người không biết.

(…) Một bác 82 tuổi lúc ra về nói: Hôm nay tôi rất hạnh phúc bác sĩ nè, khi nghe bác sĩ nói về “vô thường” về phiền não với bồ đề, về khổ đau với an lạc!

Một chị ở Mỹ về tình cờ đến nghe nói “Tôi nhớ nhất câu bác sĩ bảo mình đang ở tuổi nào thì tuổi đó là tuổi đẹp nhất”.

Còn cô giáo “bỏ giờ” đi nghe thì bảo: “Em thực sự thấy hạnh phúc vì đã sống… ở đây và bây giờ buổi sáng hôm nay đó”…

(Đà Nẵng, 12, 2012)

 

Và vài comments sau đó:

Phương Chi (Đà Nẵng):

Nhân duyên đã giúp em biết và đọc sách của Bs. Nhờ đó em đã bình tâm trước nhiều điều bất như ý trong cuộc sống, bớt tham lam hơn, nhìn đời và nhìn người vị tha hơn. Em hiểu ra rằng những khó khăn, bất hạnh xảy ra với mình không gì khác hơn là thử thách của chính mình. Nhờ đó mình bớt kiêu hãnh đi, nhún mình lại và chịu khó nhìn lại để sửa mình.
Gặp Bs hôm rồi em thực sự vui, dù những gì minh trao đổi về « Một nếp sống hạnh phúc » không có gì xa lạ đối với em. Những gì Bs đề cập hôm đó em đều đọc nhiều lần trong các tác phẩm hoặc các bài viết cua BS trên các báo.(…) Em mang sách Bs ký tặng và hình chụp cùng Bs về khoe với hai đứa con, con gái của em năm nay 22 tuổi nói em rằng: « Me teen qua chừng, trốn đi làm bệnh viện, đi gặp idol xin chữ ký với lại xin chụp hình mới ghê chứ » . Em thấy đúng là mình trẻ con, nhưng lại thấy rất hài lòng…

Lê Uyển Văn (Trà Vinh):
“Đọc bài của LVD, thấy hạnh phúc đến rưng rưng, hạnh phúc bởi sự đồng cảm, sự chan hòa mà tình người mang lại cho nhau. Em như hình dung được không khí đó, vui cùng niềm vui của mọi người.
Rồi em chợt nghĩ, thật không quá đáng khi Đỗ Hồng Ngọc đi đến một nơi nào đó mà được đón nhận hơn cả những ngôi sao… Cái chính là sức lan tỏa và lay động đến tâm hồn mọi người thật lâu bền từ những cuộc chuyện trò dung dị ấy”.

Lưu Hà (Đà Nẵng)

Bác Ngọc ơi,
Vợ chồng cháu thật may mắn đã được gặp bác. Từ bữa đó về chúng cháu đều cố gắng ăn cơm “chánh niệm”, nói chuyện cũng “chánh niệm”… không vừa ăn vừa xem ti vi, không mất tập trung. Rồi sau đó mới nghỉ ngơi nói chuyện. Kì lạ là từ sau đó chúng cháu thấy vợ chồng gần gũi nhau hơn, chia sẻ tình cảm, suy nghĩ nhiều hơn sau một thời gian dài vật lộn với 2 em bé sinh đôi mà quên mất nhau. Hihi
Cháu có ghi lại cuộc trò chuyện của bác để làm “Cẩm nang” khi cần. Cháu xin gửi lại bác, phòng khi có ai cần đọc. Cháu cảm ơn bác nhiều. Vợ chồng cháu chúc bác mạnh khỏe và hạnh phúc.
Cháu Lưu Hà.

 

***

Năm 2017, lại Đà Nẵng:

Hội Sách của Phương Nam tổ chức tại Hải Châu Đà Nẵng với hàng trăm gian hàng sách và những đêm giao lưu giữa độc giả – khán giả với cả ngàn người tham dự.

Buổi “giao lưu” với độc giả Đà Nẵng, tháng 4.2017 tại Hội Sách Hải Châu.

Đợt này, cuốn “Chuyện trò cùng Bs Đỗ Hồng Ngọc về Nếp Sống An Lạc” được giới thiệu chính thức tại Hội sách với một buổi giao lưu khá đông. Hôm đó còn có ca sĩ Thu Vàng hát mấy bài thiệt hay và người dẫn chương trình là MC Ngân Hoa.

Cuốn sách phát hành lần đầu năm 2017, đến nay, 2021 đã tái bản lần thứ 3 rồi đó.

“Nếp Sống An Lạc” quả là không dễ giữa thời buổi Cô-vi này vậy.

 

Xin cảm ơn tất cả.

Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon, 06.2021)

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

“MỘT THỜI ĐỂ YÊU VÀ MỘT THỜI ĐỂ NHỚ”

21/06/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

LÊ KÝ THƯƠNG. “MỘT THỜI ĐỂ YÊU VÀ MỘT THỜI ĐỂ NHỚ”

Nguyễn Hiền-Đức

 

 

Thưa rằng…

Mãi đến nay, tôi chưa một lần được “diện kiến” anh Lê Ký Thương, nhưng tôi đã “quen”, đã “biết” và đã yêu thích những sáng tác của Anh từ lâu. Xem như tôi có cơ duyên được gặp gỡ Anh ấy vậy! Số là khi lang thang trên mạng, khi được bạn gởi cho những bài của anh, hoặc của các Tác giả viết về Anh tôi đều chăm chú đọc sau khi đã dàn trang (mis-en-page).

Bây giờ  tôi nghĩ cần phải làm một điều gì đó về Anh theo sự mách bảo từ tâm cảm tôi. Thế là có được “tệp” này. Đây chỉ là một sự tập họp bước đầu những sáng tác của Lê Ký Thương và một ít bài viết về anh. Việc làm này chỉ là bước khởi động và còn ở phía trước.

Nội dung “Tệp” này gồm 3 phần chính:

Phần Dẫn Nhập: Bài viết của Đỗ Hồng Ngọc, Phan Vũ, Hai Trầu (2 bài), và Lời giới thiệu Tạp bút Lê Ký Thương của Trang Nhà Văn Việt.

Phần II: Lê Ký Thương: Trang Văn – Trang Đời

Tôi xin thưa trước điều này:

– Tôi chỉ gọi là Lê Ký Thương. Trước họ tên anh không có danh xưng nào. Gọi như thế người Quảng Nam chúng tôi gọi là “nói trỗng”, là thiếu tôn trọng, thậm chí là vô lễ. Nhưng tôi nào dám thất lễ đối với một người mà tôi cảm phục về tài, trí và tâm như Lê Ký Thương; chẳng qua là vì gọi Lê Ký Thương – Nhà Văn? Lê Ký Thương – Nhà Thơ? Lê Ký Thương – Họa Sĩ? Lê Ký Thương – Nhà Báo? Lê Ký Thương – Dịch giả?  v.v… và v.v… tôi thấy nó thiếu thiếu cái gì đó, bởi vì tôi vẫn nghĩ Lê Ký Thương là sự tổng hợp nhuần nhuyễn, khắn khít, tài hoa và thơ mộng của những “Nhà” đó; rằng “Nhà” nào ở anh và của anh, đều xinh xắn, khang trang và mời gọi cả.

– Tôi rất thích đọc những trang viết thắm đẫm về Quê Nhà của anh, đó là những trang viết dạng hồi ức rất “nhớ cố hương lưu luyến tấc lòng” rất cô đọng và sâu sắc của anh. Rồi đến giai đoạn từ năm 1969, anh vào Sài Gòn lập nghiệp và tỏa sáng qua nhiều sáng tác của anh.

– Khi xem bản thảo “nháp” tệp này, ca sĩ Thu Vàng nhiều lần bảo rằng: “Anh Lê Ký Thương vẽ đẹp hết biết. Trước nay em thích tranh của họa sĩ Bé Ký và thời gian gần đây em rất thích xem tranh của anh Lê Ký Thương.”

– Tôi thấy cần ghi thêm ở đây rằng tôi là người lo bản thảo Tiếng Hát Thu Vàng -đã nhờ anh Lê Ký Thương chuyển lời cám ơn và biết ơn Chị Cao Kim Quy vì bài  viết cực hay của chị về Thu Vàng.

– Câu kết trong bài “Nhớ Gió Tuy Hòa: Đúng là một thời để yêu và một thời để nhớ.” Vâng, “Một thời để yêu và một thời để nhớ” đó nó xuyên suốt, bàng bạc, ẩn hiện trong trang văn, trang thơ, trong các họa phẩm của Lê Ký Thương.

Phần III: Một Thời Ý Thức, Một Thuở Bạn Văn

Tôi rất muốn sưu tầm thêm nhiều bài về Tạp chí Ý Thức. Chắc chắn là tôi sẽ trở lại về chủ đề này vì với tôi, Ý Thức là một tạp chí sáng giá về nhiều mặt được thực hiện bởi những người mới vào tuổi đôi mươi, của một thời hoa niên thơ mộng. Một thời của tuổi trẻ “dấn thấn” đến với ngôi nhà thiêng Văn học Nghệ thuật, trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước.

Nhân đây xin cám ơn Nguyễn Thị Khánh Minh và Trần Thị Nguyệt Mai đã viết bài và gởi cho một số bài về Tạp chí Ý Thức mà tôi rất cần. Khánh Minh viết hay quá: tài hoa, sâu lắng, tinh tế và “cốt lõi” đến lạ! Đó là cảm nhận chân thành của tôi khi đọc 2 bài mới nhất của Khánh Minh viết về Nguyên Minh và Huỳnh Ngọc Chiến.

– Xin thưa thêm lời cuối này: Tôi không dám gọi đây là một Tuyển tập. Vì rằng, tôi thử gắng sức viết Thay Lời Vào Tập khoảng 20 trang, sau rút lại còn 14 trang. Đọc lại tôi thấy bài này thô vụng quá nên đã xóa sạch dù có tiếc công sức, có vỗ về những cơn đau cột sống khi tôi rị mọ làm “tệp” này. Tôi nhớ lại một đoạn trong bài viết của BS Đỗ Hồng Ngọc:

“Mới đây, Quán Văn số 53 giới thiệu ”Lê Ký Thương”, anh được mời lên sân khấu ngồi nghe và cười… trong im lặng.”

Vâng, Lê Ký Thương “ngồi nghe và cười… trong im lặng”.

Tôi liên tưởng đến “Niêm hoa vi tiếu” của Đức Phật Thích Ca và nụ cười của thị giả Ca-Diếp. Cũng chính vì điều này mà tôi đã bỏ bài “Đôi Điều Cảm Nhận Về Lê Ký Thương” vì thấy cần để Anh yên lặng và mỉm cười thôi.

Cuối bài, tôi xin mượn lời của anh Hai Trầu – Lương Thư Trung”

“Chính cái “đức thành thật”, óc quan sát tỉ mỉ, cách dùng chữ tinh xác và thuật miêu tả vừa phải mà tự nhiên trong những trang hồi ức của Lê Ký Thương, tác giả đã làm cho tôi thích thú và cảm động; và tôi tin chắc rằng, nếu bạn may mắn đọc được những trang văn ấy của tác giả, bạn sẽ đồng ý với tôi về nhận xét ấy và rồi bạn cũng sẽ thích thú và cảm động như tôi vậy!”

Anh Hai Trầu luôn tẩn mẫn, tỉ mỉ, chu đáo và chân thành với bạn văn nên tôi rất vui mừng và chia sẻ với anh về cảm nhận trên đây và đi theo anh và cùng với anh để đến với anh Lê Ký Thương.

Sáng nay, 14/06/2021 tôi nhận được bài “Trò Chuyện Với Nhà Văn Lê Ký Thương” của anh Hai Trầu. Tôi vui quá liền đưa vào Tệp này và vội vã gửi đi để mong được chia sẻ với các Sư huynh và các Bạn.

Tôi muốn đọc lại “tệp” này ít nhất là 2 lần nữa để sửa lỗi chính tả và kỹ thuật nhưng vì những cơn đau cột sống tôi chưa làm được, Vậy kính mong các Sư huynh và các Bạn thân thiết của tôi lượng thứ và sửa lỗi giúp cho.

Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục làm nhiều tuyển tập nữa để mong thực hiện một phần nào lời dạy kín đáo và tế nhị của Thầy Nguyễn Hiến Lê và Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, rằng: “ĐỌC ĐỂ HỌC”.

Tôi đọc và xem những sáng tác của anh Lê Ký Thương trong tệp này cũng là cách tôi Học vậy!

Santa Ana, ngày 14 tháng 06 năm 2021

5 Hiền – Nguyễn Hiền-Đức

Cẩn bút

 

LÊ KÝ THƯƠNG: ”HÀNH TRÌNH NGHIỆP THƠ”

ĐỖ HỒNG NGỌC

Lê Ký Thương làm thơ trước khi làm họa sĩ, dịch giả… Năm 1974, anh ra mắt tập thơ: Bếp lửa còn thơm mùi bã mía ở Phan Rang và từ đó đăng nhiều thơ văn trên các báo ở Sài Gòn. Anh cũng là người làm maquette đầu tiên cho tờ Ý Thức, tạp chí Văn học nghệ thuật những năm 70 của nhóm anh em Nguyên Minh, Lữ Kiều, Châu Văn Thuận, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Nghê, Lê Ký Thương…

Mấy năm trước, anh bị một cơn stroke, liệt nửa người phải, nhờ tích cực tập luyện với một ý chí cao nên phục hồi khá tốt. Thế rồi, một hôm đạp xe đi bơi, anh bị té gây chấn thương sọ não… Anh nói bây giờ chỉ với một tay, anh dư sức lo cả… gia đình!

Đi lại, nói năng hơi khó, nhưng lạ, trí nhớ tuyệt vời. Như một cuốn tự điển bách khoa về ”văn học nghệ thuật”. Anh nhớ vanh vách ai, làm gì, ở đâu… đời sống riêng tư ra sao! Thiệt lạ.

Mới đây, Quán Văn số 53 giới thiệu ”Lê Ký Thương”, anh được mời lên sân khấu ngồi nghe và cười… trong im lặng.

Anh vừa in một tập thơ dày đến 250 trang: “Trò Chơi Trời Cho. Hành Trình Nghiệp Thơ” *. Tự design, tự layout… còn sửa morasse đã có Kim Quy phu nhân lo (nhưng nghe nói giờ chót chàng không cho sửa…!), và in ấn thì đã có Nguyên Minh.

Xin giới thiệu với bạn bè.

Lê Ký Thương, nói chung, là một người hiền lành, còn nói riêng thì hổng biết…!

Đỗ Hồng Ngọc

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Nhà thơ Khánh Minh viết cho Huỳnh Ngọc Chiến

17/06/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Nguyễn thị Khánh Minh

 

MẦU HOA TÍM VÀ GIẤC MỘNG DÀI

 

Những ngày cuối của mùa xuân ở Santa Maria vẫn còn hơi lạnh, khi nắng chưa lên nhiệt độ thường là 57 độ, mỗi sáng đi bộ quanh sân nhà tôi vẫn phải mặc áo khoác, có một sáng bỗng thấy một đốm vàng le lói ở cuối sân, lại, thì ra một đóa daffodil muộn, dư âm diễm ảo của ngày đầu mùa daffodil tháng 3, mà lạ thay phút hiện tiền hội ngộ ấy lại kéo tôi tuột về thời gian xa lắc xa lơ, thời của cơn gió thơ mộng tuổi trẻ thổi vào tuổi mười tám hai mươi tình yêu lạ kỳ lặng lẽ, mà quyến luyến biết mấy thời gian, hóa ra tôi chẳng phải đệ tử biết nghe lời Phật -Biết Sống Một Mình, vững chãi tự tại trong hiện tại- mà lại đang ngu ngơ trong cái “bây giờ và ở đây”… chỉ vì chút mầu vàng daffodil kia quyến dụ mầu áo lụa vàng hoàng hoa thuở nọ theo về khiến lòng người cứ dài ra theo thời gian huyễn mộng. Vâng, thời gian. Đấy đôi khi trong cõi phù du này, cái níu được ta chỉ là chút mầu vàng của một đóa daffodil nở muộn, cho ta cảm thấy sung sướng rằng, chập chùng nhạt phai mà nắng vẫn mang trong nó ánh lung linh từa tựa vĩnh cửu, gió vẫn thổi lao xao cái mầu vàng như thể là trăm năm… Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai*…Vậy thì làm sao còn bị đánh động bởi lẽ đến đi còn mất trong vòng tròn của tự nhiên tuần hoàn thay đổi? Cái đi kia là khởi đầu, là chuyển hóa cái đến. Cánh hoa rụng tàn trên đất với nụ hoa vừa hé nở chỉ cách nhau một màn sương mỏng ban mai. Tôi cảm nhận thật sâu thật thấm cái mầu nhiệm ấy, khi ở vào thời điểm này, đón cháu bé Bennett vừa chào đời, tiếng khóc oa như khóa sol bắt đầu một bản nhạc diệu kỳ của khai mở, mỗi ngày kề cận Ben bé nhỏ như nụ hoa chớm nở trong bình minh tôi miên man cảm giác mới mẻ của sự khai sinh, và thấy thật là tuyệt đẹp cái điểm tinh sương của chu kỳ đến đi. Vâng, em bé sơ sinh là khải thị nhiệm mầu của đến.

Và rồi, một ngày, từ phương xa kia, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc báo tin về sự đi. Nhà giáo, nhà văn nhà thơ nhà biên khảo dịch thuật -chưa kể đàn hát- Huỳnh Ngọc Chiến đã ra đi. (Cũng từ anh Ngọc mà tôi quen được anh Chiến qua email, và chỉ một thời gian ngắn ngủi). Anh đã tiên liệu và sửa soạn ngày chia tay, tôi không muốn dùng chữ dũng cảm, mà là an nhiên, đón nhận cái phù du đang từng phút giây cợt đùa tấm thân tứ đại. Nhưng thân hữu đón nhận vô thường ấy với bao buồn thương tiếc nhớ, không sao được, với một tài hoa như thế! Cũng nói, hôm rời Santa Ana để đi đến đây, tôi đem theo hai cuốn sách, một của Nguyên Giác, Từ Huyền Thoại Tới Tâm Kinh. Một của Huỳnh Ngọc Chiến, Rong Chơi Cùng U Mộng Ảnh, với tập này, đang đọc đến câu 5 của Trương Trào: Vì trăng mà lo mây, vì sách mà lo mối mọt, vì hoa mà lo gió mưa, vì tài tử giai nhân mà lo mệnh bạc, đó thực là tấm lòng Bồ Tát vậy” ** thì tin buồn đến. Hỏi ai ưu tư đến cái đẹp và tài hoa mà không khỏi ngẩn ngơ ngậm ngùi khi những vưu vật ấy bất hứa nhân gian kiến bạch đầu? ***. 

 

Mới hồi tháng 2 đây thôi, khóc một bạn hiền, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, tôi đã viết: Điểm lung linh mà có thể trong một sát na tương cảm là ta có thể nghe, có thể thấy, là không sinh không tử. Điểm hạnh ngộ của chấm ngàn thu và nốt rạng rỡ trùng sinh. Chỉ một màn sương mỏng thôi… (2.2021)

Vâng. sương khói, mỏng tang mà nghìn trùng…

Hôm nay, chỉ vừa mới qua tuần thứ nhất kể từ khi Huỳnh Ngọc Chiến mất (ngày 1.6.2021), nhân anh Năm Nguyễn Hiền Đức báo tin đang soạn tập tưởng niệm Huỳnh Ngọc Chiến và gửi cho tài liệu thơ văn của Huỳnh Ngọc Chiến, thôi thì xem như tôi đang rong chơi vào cõi thơ văn trong giờ phút đối mặt với sinh tử của anh, mà anh đặt tên là Ngọa Bệnh Cảm Tác, anh khởi viết từ năm 1996, mở đầu là bài thơ lục bát được viết ngay trong bệnh viện, trước khi mổ:

 

Bệnh rồi ta mới thấy ra

Sinh là thế ấy, Tử là thế thôi

Đã qua ba cửa quan rồi

Vẫn chưa hết được cuộc chơi Ta Bà

Cửa thứ tư chắc không xa

Bước vào sẽ thấy đâu là Quê Hương.

 

Giờ này nơi cửa thứ tư ấy hẳn anh đang mỉm cười nhìn mờ xa cõi vừa mới đây thôi anh gọi là cuộc chơi ta bà, và tôi có cảm tưởng như nhắm mắt lại tập trung hẳn sẽ được thấy, để mà nhắn gửi anh những lời này và hỏi anh về mây trắng miền cố lý, có phải mối tương tư bao năm nơi cõi trần ai nay đã được mở gút rồi không. Mừng thay cho kẻ, bước vào sẽ thấy đâu là Quê Hương.

 Đến tháng 8 năm 2020, Huỳnh Ngọc Chiến bị ung thư thực quản. Sau những lần hóa trị mà anh gọi là “một trải nghiệm kinh khủng”, mà sau đó vẫn nói: “Chỉ buồn chút là thanh quản bị ảnh hưởng nên hiện vẫn chưa nói còn rất yếu, và vĩnh viễn không thể hát hò như cũ!!! Cũng không sao, vì vẫn còn cây đàn làm bạn!” hầu như suốt thời gian anh sống cùng con bịnh anh đều mang tâm thái như thế, biết vui với những gì mình đang có ở hiện tại, cho dù biết rõ rằng mỗi ngày mình mỗi mất nhiều hơn sức lực. Vì đâu mà anh có một nội lực an nhiên mạnh mẽ như thế?

 

… Mọi chuyện trong đời xem như đã tạm tròn bổn phận nên tôi giờ rất xem nhẹ lẽ tử sinh. Chỉ mong sao sinh thuận tử an. Để tiếp tục chu kỳ sinh hóa khác trong vũ trụ…

… Trong những cơn đau quặn thắt vị hóa trị, tôi vẫn hoàn tất được bộ kinh Lăng Già đối chiếu. Và thấy lòng thanh thản vô cùng. Tôi mang ơn kinh Phật đã đem lại cho tôi những huyền lực để giúp tôi tìm được thanh thản giữa những cơn đau khủng khiếp đến kiệt sức…

… Khi dịch xong cuốn kinh Lăng Già, và được một nhà xuất bản nhận in, thì tác phẩm L’Enseignement de Vimalakīrti – bản dịch cuốn kinh Duy Ma sang Pháp ngữ từ Tạng ngữ – của Étienne Lamotte lại cuốn hút tôi. Và tôi lại bắt tay vào dịch bộ kinh phương đẳng kỳ diệu này. Tôi xem đây như là một Cuộc Chơi Chuyển Nghiệp khi tiếp cận bến bờ sinh tử… (Trích từ Ngọa Bệnh Cảm Tác)

 

Sức mạnh cho anh nương tựa là đấy, huyền lực của kinh Phật! Trong cơn đau khổ hoạn nạn nếu có ánh sáng của niềm tin này thì như chiếc đũa mầu nhiệm đã gõ vào ta giúp ta nghị lực để sống với, hay có thể là vượt qua, tôi tin như vậy vì cũng có đôi chút kinh nghiệm khi lâm vào một lúc trầm cảm. Và điều này đối với Huỳnh Ngọc Chiến là một xác quyết, lúc đang đau đớn thể xác như thế, tinh thần ấy vẫn là chất nuôi dưỡng anh sức sống làm việc, sáng tác, mà anh gọi một cách thống khoái là Cuộc Chơi Chuyển Nghiệp… Ôi là tài tử tài hoa Huỳnh Ngọc Chiến! Tài hoa mà uyên bác nữa thì hẳn người đó đã Phước Huệ song tu****. 

 

Gượng đau ngồi dịch Lăng Già

Xong, lại mơ cõi Duy Ma phiêu bồng

Để mai về bến sương hồng

Trong tâm còn lại đôi dòng chân kinh

Bước chân qua cõi tử sinh

 

Bước chân qua cõi tử sinh, thì ô kìa, điểm hạnh ngộ của chấm ngàn thu và nốt rạng rỡ trùng sinh. Vâng, đây là mặc khải huyền vi của Đi. Cuộc đi đẹp quá với mang mang lồng lộng chân kinh mà phiêu hốt sương hồng, anh Huỳnh Ngọc Chiến ơi, hãy nói thế nào là sương hồng?

 

Sáng ni lên chín tầng trời
Ngồi nghe thiên cổ kể lời biển dâu
Muốn cho cuộc sống nhiệm mầu
Mỗi giây phút phải xanh màu thiên thu
Để khi vào cõi sa mù
Sẽ bay như hạt mưa thu nhẹ nhàng

 

(HNC, Hóa Trị Lần 1, Ngày 9/9 lên lầu tầng 9, ngồi ghế số 63, hoá trị cả ngày, ngẫu hứng làm thơ)

 

Tôi nhớ lời Phật Thích Ca dạy trong kinh Người Biết Sống Một Mình. Hiện pháp lạc trú, Muốn cho cuộc sống nhiệm mầu/ Mỗi giây phút phải xanh màu thiên thu… Không ưu tư mình sẽ ra đi mà tận hưởng cái xanh hạnh phúc đang là, ngay ở phút giây hóa trị…

 

Hôm nay tóc rụng hết rồi
Lần hai hóa trị, lại ngồi thi gan
Vội ghi đây một vài hàng
Xem như gởi lại trần gian đôi lời
Mai đây khởi sự xa đời
Cơn Mơ nào sẽ đưa người ngàn thu?
Xin khi vào cõi Không Hư
Hóa thân thành một lời ru dịu dàng
Bao nhiêu mộng ước dở dang
Sẽ thành tựu với Cung Đàn Trùng Sinh.

(HNC, Hóa Trị Lần 2, Ngày 2/10, hóa trị lần 2, cảm xúc làm thơ)

Người tuyệt mơ mộng… Mơ cơn mơ đưa mình về ngàn thu, một ra đi nhẹ nhàng để rồi chuyển hóa thành lời ru dịu dàng. Và nhân gian ai có nghe? Lời ru bất tuyệt lãng mạn của ánh trăng với tiếng dương cầm lung linh Beethoven? Lời ru buồn sâu đêm của mưa thưa trên tàu lá chuối cạnh thư phòng xưa chàng ngồi dịch kinh? Ôi, những lời ru dịu dàng hóa thân của người, một mất mà hóa hiện trùng trùng… Sinh tử kia, điểm hạnh ngộ của chấm ngàn thu và nốt rạng rỡ trùng sinh, thì tâm ước Bao nhiêu mộng ước dở dang/ Sẽ thành tựu với Cung Đàn Trùng Sinh, sẽ viên thành, sẽ từ tinh anh ấy mà họp lại nên tài hoa… Nói tới đây tôi cảm động muốn khóc.

 

Hôm nay hóa trị đợt ba
Bước xuống ghế bệnh mắt hoa, quay cuồng
Cười ta quen thói phiêu bồng
Bây giờ dừng vó ngựa hồng nơi đây
Giang hồ bao cuộc tỉnh say
Mây đưa tiếng hát, khói bay cung đàn
Cuối đời phiêu bạt phương nam
Cần Thơ sông nước ngọt trầm cải lương
Bến Tre nhớ bóng tà buông
Sài Gòn hòa tiếng hát buồn Bạc Liêu
Tam Kỳ phố cũ thương yêu,
Vui trưa Đà Nẵng, say chiều Hà Lam
Ta nhàn du cõi trần gian
Rong chơi cùng với cây đàn guitar
Dịch kinh, viết sách gọi là
Lưu chút tặng vật làm quà thế gian
Bận tâm chi chuyện hợp tan
Sinh là nắng gió, tử ngàn hoa bay
Đến như hoa thắm bên này
Đi thành hương ngát tháng ngày bên kia
Một làn sương mỏng cách chia

(HNC, Hóa Trị Lần 3, Sáng 23/10 hóa trị đợt 3, từ 7h đến 13h, làm thơ… chữa bệnh)

 

Hài hước là cách hay nhất để hóa giải và cho ta chịu đựng một cách nhẹ nhàng những cảnh ngộ khó khăn, những tình huống tréo ngoe, như lúc này đây: Cười ta quen thói phiêu bồng/ Bây giờ dừng vó ngựa hồng nơi đây… Hẳn vó ngựa hồng một thời đang mỉm cười với chân ghế xạ trị hôm nay. Luôn luôn trong phút đối mặt với tử sinh, Huỳnh Ngọc Chiến hầu như không nghĩ đến cái mất đi, nỗi chia xa, Bận tâm chi chuyện hợp tan/ Sinh là nắng gió, tử ngàn hoa bay… Tôi nghe nắng gió hoa bay xao xuyến đất trời… Trong một bài giảng của sư ông Nhất Hạnh nói, tất cả các pháp luân phiên chuyển hóa, chẳng có gì gọi là còn là mất, hạt nước bốc hơi thành mây, mây tan thành mưa… Và người tài hoa kia thì Đến như hoa thắm bên này/ Đi thành hương ngát tháng ngày bên kia… Cõi nào người cũng Có Mặt, Thực Sống. Diệu nghĩa thay đi đến ấy! Cũng vậy, trong bài thơ In Flanders Fields, bác sĩ quân y John McCrae, chứng kiến bao cái chết của những người lính, giữa hàng bia mộ, ông cũng thấy được phục sinh huyền ảo ấy:

 

Trên cánh đồng Flanders

Giữa những hàng hàng bia mộ

Hoa poppies nở

Dập dờn

Đánh dấu nơi chúng tôi yên nghỉ

Trên trời

Những con sơn ca vẫn can đảm hót

Tiếng hót chợt vang lên đôi lúc

Giữa tiếng đại pháo rền dưới kia

Chúng tôi là những người vừa mới chết

Chỉ mấy ngày trước đây

Nhưng chúng tôi vẫn sống

Để cảm nhận bình minh

Thấy được ánh hoàng hôn

Yêu và được thương yêu

…

(John McCrae, In Flanders Fields, Nguyễn Xuân Thiệp dịch)

 

Có được tuệ giác của vô thường, John McCrae mới nhìn ra sống chết chan chứa xúc cảm như thế, để gặp gỡ với Huỳnh Ngọc Chiến, cõi đây anh là hoa thắm, cõi kia anh là hương ngát… và trên cánh đồng hoa poppy vàng ngát bia mộ Jon McCrae vẫn nghe trong gió: chúng tôi vẫn sống để cảm nhận ban mai, chiều tà… Thật mang mang huyễn lộng tử sinh trong mấu chốt ngọt bùi miên viễn yêu và được thương yêu. Nó là gì nếu không là sức mạnh cho ta lúc sống được nương tựa bình an, là sợi tơ kết gắn người đi xa và kẻ ở lại, là hạt mầm nuôi nấng bao lời hẹn cõi mai. Trong bài Lời Cuối của Huỳnh Ngọc Chiến, anh cũng đã nói về hạnh phúc yêu và được thương yêu này.

 

… Tôi cũng sắp từ giã mọi người để xuống một bến ga. Trên chuyến xe đời ở kiếp này, giữa bao trầm luân trôi nổi, tôi thấy mình là lữ khách hạnh phúc. Tôi đã vào đời bằng tiếng khóc giữa tiếng cười của cha mẹ, người thân, bây giờ sẽ ra đi bằng nụ cười giữa sự thương yêu của người thân, bè bạn, v.v… Hạnh phúc đó đâu phải ai cũng có thể có được đâu?

… Mọi người rồi sẽ trải nghiệm được rằng chết là bước chuyển để nối tiếp cuộc sống theo một thể điệu khác, trong chu kỳ sinh hóa vô cùng.

Tôi xin cảm ơn tất cả những người, trong gia đình lẫn ngoài đời, từ những bậc đàn anh đến thân hữu, học trò, đồng nghiệp, v.v… đã gặp gỡ và thương yêu, quý mến tôi trong chuyến rong chơi giữa cõi Ta Bà này. Trong kiếp sau, hay nhiều kiếp sau nữa, nếu có duyên chúng ta vẫn có thể gặp lại nhau.

Đến lúc này, tôi thấy cái Chết cũng chỉ là cái sân khấu ở nơi khác để tôi bước lên chơi đàn như trong đêm nhạc Cung Trầm, mà nhóm bạn thân tổ chức cho tôi vào đêm 28/12/2019 tại Tam Kỳ. Chỉ hơi hồi hộp chút xíu vì có thể tôi sẽ gặp những người khách lạ! (Lời Cuối, HNC viết ở Tam Kỳ 5/5/2021)

 

Đón nhận sự ra đi như thế, thì quả thật là tử an, thưa anh. Và khi anh đã nói chết là bước chuyển để nối tiếp cuộc sống theo một thể điệu khác, trong chu kỳ sinh hóa vô cùng, đó phải chăng là bất sinh bất diệt, thường trụ, chân không diệu hữu? Với tâm thái niết bàn ấy thì sự ra đi kia nhẹ nhàng như chiếc lá rơi trong tiếng gió, tiếng chuông, tiếng nhạc cổ điển (mà anh hằng ưa thích). Và hẳn là màu tím của buổi nắng chiều cũng hòa theo, tiếp tục lao xao trong cõi mộng dài khác, để lại sinh ra một tài hoa? 

 

-o-o-o-

 

Trong email ngày 29 tháng 5 -ba ngày trước khi qua đời-, anh HNC đã viết cho tôi:

“Tôi thích nhất hai câu: Mầu hoa tím ở trên đồi/Thường về lao xao trong giấc ngủ (NTKM). Tôi cũng mơ màu hoa tím và tiếng nhạc cổ điển lao xao trong Giấc Mộng Dài của đời mình.” Mầu hoa tím và Giấc Mộng Dài tôi dùng làm tiêu đề cho bài viết tưởng niệm Huỳnh Ngọc Chiến không có nghĩa gì đặc biệt ngoài chất thơ mộng của hình ảnh, biết đâu nhờ chiếc cầu thơ mộng này tạo nên một túc duyên mà anh nói trong một email: “Mong kiếp sau chúng ta được là bạn” và tôi sẽ được hưởng một cái thú sống đẹp theo Trương Trào “nguyệt hạ thính guitar thanh” ** của một người bạn tài hoa.  Thưa anh Huỳnh Ngọc Chiến, tôi viết bài này trong nỗi niềm chia sẻ, nếu không muốn nói là tri âm, của một người bạn.

Santa Maria, June 12, 2021

ntkm

 

*câu thi kệ của Thiền sư Mãn Giác, Ngô Tất Tố dịch

**Huỳnh Ngọc Chiến, Rong Chơi Cùng U Mộng Ảnh, tr.88. tr.94 (Nguyệt hạ thính tiêu thanh, dưới trăng nghe tiếng tiêu)

*** Nguyễn Công Trứ: Giai nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu (Tự ngàn xưa, giai nhân cũng như danh tướng, không để nhân gian thấy sống đến lúc bạc đầu -Huỳnh Ngọc Chiến dịch-)

****Huỳnh Ngọc Chiến, Ngọa Bệnh Nhàn Đàm, câu 32

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Nguyễn Hiền-Đức: Nhớ Huỳnh Ngọc Chiến

07/06/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Nhớ HUỲNH NGỌC CHIẾN

Nguyễn Hiền-Đức

Ghi chú: Sáng nay 7.6.2021, mở hộp thư ra đã thấy ngay bài viết Nhớ Huỳnh Ngọc Chiến của 5 Hiền (Nguyễn Hiền-Đức) với mấy dòng tâm tình như sau:

“5 Hiền đang cặm cụi và rị mọ làm Tuyển tập Tưởng Niệm Huỳnh Ngọc Chiến. Xin được trích ra mấy bài để mong Cả Nhà đọc và gõ 3 tiếng chuông tiễn biệt Huỳnh Ngọc Chiến. Làm sao mà không nhớ, không tiếc một người như Huỳnh Ngọc Chiến cho được!”

Đa tạ 5 Hiền. Và xin được sẻ chia cùng bè bạn.

(ĐHN)

 

HUỲNH NGỌC CHIẾN
VIẾT VỀ
BÙI GIÁNG, TRỊNH CÔNG SƠN,
ĐỖ HỒNG NGỌC, TRẦN XUÂN KIÊM

(Trích từ tập Tưởng Niệm Huỳnh Ngọc Chiến
do Nguyễn Hiền-Đức thực hiện)

 

ĐÔI LỜI VỀ BÙI GIÁNG

HUỲNH NGỌC CHIẾN

Bùi Giáng là một hiện tượng kỳ lạ nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, nên viết về ông, dù ca ngợi hay công kích, đối với tôi, gần như là điều bất khả. Tập tiểu luận này − tạm gọi thế − chỉ gồm những bài tôi viết về ông, được đăng rải rác, thường là vào các dịp kỷ niệm ngày ông mất, theo yêu cầu của một vài tờ báo mà tôi cộng tác. Viết theo lối lai rai, ngẫu nhĩ tình cờ. Và chỉ có thể viết được như thế thôi. Hình như chưa một ai, trong số những người viết về Bùi Giáng mà tôi được đọc, có thể lường hết được sự hoằng viễn của ông, trong thi ca và tư tưởng, để có thể thấy ông trác việt đến độ nào mà có một tác phẩm tương xứng về ông. Tập tiểu luận này, do đó, chỉ là những cảm nhận mang rất nhiều tính cách riêng tư để sẻ chia với những người có cùng cảm nhận như tôi, khi đọc Bùi Giáng. Và xin bạn đọc hãy nguyên lượng có cái sự vụ rất riêng tư đó.
Khi đọc một tác phẩm biên khảo về triết học hay văn học, tôi thường không bận tâm nhiều chi đến những thứ ngôn ngữ “đao to búa lớn” với các thuật ngữ rối rắm trong đó, mà muốn tìm đâu là cái riêng biệt của tác giả. Chỉ cái riêng đó đối với tôi mới thực sự có giá trị. Bởi vậy, tôi rất dững dưng đối với những loại sách biên khảo theo thể lệ giáo khoa của các giáo sư, học giả, vì hầu như cuốn nào cũng được viết theo một khuôn sáo na ná như nhau, và cũng đều vô vị, nhàn nhạt như nhau, cho dù lý luận có thể rất thuyết phục, lời lẽ có thể rất hùng hồn. Bởi chúng chỉ thuần là sản phẩm của lý tính, nên đều vô hồn và thiếu sức sống như nhau. Một người có đôi chút thông minh chỉ cần thông thạo vài ngoại ngữ, và chịu khó đọc sách triết theo kiểu sinh viên trả bài trong các kỳ thi là có thể cho ra đời được một tác phẩm loại đó rồi. Các học giả xưa nay hầu như đều chỉ viết về triết học, mà ít ai sống cùng triết học. Mà đọc sách triết học là để sống cùng triết học, và dùng nó để tìm một căn cơ an thân lập mệnh, chứ đâu phải để biến nó thành một thứ trang sức tinh thần. Trừ một vài nhân vật thông tuệ, phần lớn học giả đều viết sách triết học hoặc văn học giống như người đang tập lái xe hoặc lái xe chưa vững, hai tay lúc nào cũng phải giữ chặt vô−lăng, và đôi mắt phải đăm đăm nhìn theo lộ trình quy định. Ngồi lên những cỗ xe đó, có nhắm mắt ta cũng có thể hình dung họ sẽ đưa ta đến nơi nào. Cho nên đến khi tình cờ được đọc Bùi Giáng, tôi thấy choáng ngợp như được ngồi trên cỗ xe của một tay đua loại “chịu chơi” siêu hạng đang chạy trên những xa lộ thênh thang không biết đâu là lộ giới. Choáng ngợp nhưng kỳ diệu. Và cuốn hút. Đúng là : “Đùng đùng gió dục mây vần, Cỗ xe triết học tuyệt trần như bay.” (xin cụ Tố Như lượng thứ cho!)
Đọc sách của ông, từ những cuốn tiểu luận ban đầu mang tính giáo khoa như : Một Vài Nhận Xét Về Truyện Kiều, Bà Huyện Thanh Quan, v.v… cho đến những tác phẩm triết học của ông về sau như : Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại, Con Đường Ngã Ba, Lễ Hội Tháng Ba, v.v… tôi như kẻ đang chèo ghe trong sông, rạch, đột nhiên bị lạc ra biển lớn. Những loại tư tưởng mà tôi được đọc, lâu nay vốn nằm chết khô trong mạng lưới lý luận vô hồn của các cuốn sách biên khảo, giờ đây được diễn đạt theo phong cách phiêu bồng thù thắng của một kẻ đang “kỵ kình du Hãn Mạn” trên đại dương ngôn ngữ thượng thừa vô biên vô tế. Đọc ông, tôi có cảm giác được giải thoát, như một người bị nhốt lâu ngày trong nhà tù, nay được tự do hô hấp những làn hơi thật thâm trường, giữa biển trời lộng gió. Cảm giác đó giống như khi tôi đọc tác phẩm của đại sư Vivekanada. Từ đó, những con châu chấu, chuồn chuồn của ông đã âm thầm nhiếp dẫn tôi từng với đi theo dòng ẩn lưu chảy ngầm qua tất cả những tác phẩm của ông, và nối kết cả với những cuốn kinh, cuốn sách mà tôi đọc tản mạn đó đây.
Suốt đời, tôi vẫn luôn xem Bùi Giáng là một trong người thầy vĩ đại đã dẫn dắt mình vào cõi thi ca, tư tưởng bằng phong cách hoằng viễn của một Vivekananda hoặc một Khổng Tử. Ông đã khai mở những phương trời tư tưởng lồng lộng của Shakespeare, Khổng Tử, Heidegger, Nerval, Camus, đặc biệt là Nguyễn Du, v.v…, những phương trời mà nếu không có ông thì những người thuộc thế hệ của tôi khó lòng cảm nhận được. Rất nhiều điều tôi viết lai rai lâu nay đều khởi nguồn cảm hứng từ vài trang kinh Phật hoặc vài trang sách của ông.
Tôi có một cảm nhận hơi cực đoan, là những triết gia nào hoặc những người biên khảo về triết học nào mà không đồng thời là nhà thơ, hoặc không có một cảm nhận thâm thúy về thi ca, thì sách vở của họ luôn khô khan và cũng chẳng giúp được gì nhiều cho ta. Lý trí và lý luận dẫu có xây dựng nên được những cung điện duy lý nguy nga đồ sộ, thì những cung điện đó cũng sẽ đổ nhào qua một câu nói đơn sơ :
Nếu ta không thực hiện nổi cỗi nguồn trường mộng ở nội tâm, thì không bao giờ triết học tiếp xúc được với căn cơ chân chính của nó, dù ta có líu lo trong học hiệu phù hoa với bao nhiêu giọng điệu. (Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại, tập 1, tr.147)
Nếu triết học mà “không tiếp xúc được với căn cơ chân chính của nó” thì có đọc sách mòn hai con mắt, ta vẫn cứ “mang nhiên vô sở đắc”. Phong thái hoằng viễn cùng tư tưởng phóng dật thênh thang và dụng ngữ phi thường của Bùi Giáng là phương pháp giúp ta nuôi dưỡng “cỗi nguồn trường mộng ở nội tâm” để không bối rối trước muôn ngàn giọng điệu líu lo của học hiệu phù hoa vốn dẫy đầy trong môi trường học thuật cổ kim. Những giọng điệu “líu lo trong học hiệu phù hoa” đó giống như những chiêu thức của Đan Thanh tiên sinh hay Ngốc Bút Ông của Mai Hoa Sơn Trang, tung hoành hoa mỹ, làm khiếp đảm những kẻ sơ cơ, nhưng chỉ cần một chiêu kiếm nhẹ nhàng của Lệnh Hồ Xung là tất cả đều biến thành phế vật. Giống như mọi sở tri uyên bác của Hương Nghiêm đều rụng rơi lả tả trước một câu hỏi đơn giản của tổ Quy Sơn, để rồi về sau mới có cơ hội đốn ngộ khi nghe tiếng sỏi chạm vào thân trúc. Những trang sách của Bùi Giáng là chiêu kiếm của Lệnh Hồ Xung, là câu hỏi của Quy Sơn.
Tập tiểu luận này, ra đời vào thời điểm hiện nay, hẳn có đôi chút lạc lõng, khi mà người ta thường nói đến Bùi Giáng, không phải để bàn về thi ca, tư tưởng − là cái ông cần chia sẻ − mà để tán nhảm về cái gọi là “giai thoại Bùi Giáng” − vốn là những thứ mà ông đã gọi một cách khinh bỉ là những “mẩu giẻ rách”.[1] Những cái gọi là “giai thoại” đó đã xúc phạm ông quá nhiều, nhưng ít ai chịu nghĩ đến. Khi ông còn sống, đã có những người viết một số bài nhảm nhí rồi ký tên Bùi Giáng[2]. Khi ông mất, còn có một số người đọc một vài bài thơ ông, hay một vài trang sách của ông, rồi bắt chước “lập ngôn kiểu Bùi Giáng” bằng những thứ ngôn ngữ đại cà sa được cóp nhặt bừa bãi từ các tác phẩm của ông. Thật chẳng khác gì cái tình trạng mà ngày xưa, trong lời tựa cho Kinh Lăng Già, Tô Tử Chiêm đã gọi là “Dư ba mạt lưu, vô sở bất chí.” Lại thêm một vài ông giáo sư giảng dạy triết học đem những thứ kiến thức hàn lâm trường trại ra để chê bai Bùi Giáng. Có lẽ vì họ xem những gì ông viết đều không đúng với cái khuôn khổ của triết học nhà trường theo mẫu mực mà họ được đạo tạo. Mà xét ra, ông có bị chê cũng phải, vì “bất tiếu bất túc dĩ vi đạo”. Những chiêu thức vô chiêu của môn Độc Cô Cửu Kiếm còn khiến đại tông sư võ học như Nhâm Ngã Hành phải ngỡ ngàng, nói chi đến những cao thủ cỡ Dư Thương Hải hay Phong Bất Bình? Đọc sách của các học giả, ta có cảm tưởng giống như Lệnh Hồ Xung học kiếm với Nhạc Bất Quần, phải rập khuôn theo từng chiêu thức mẫu, chẳng khác những con robot đã được lập trình. Đọc Bùi Giáng, ta lại có cảm tưởng giống như Lệnh Hồ Xung học kiếm với Phong Thanh Dương. Kiếm chiêu tùy thuận mà ứng, cứ mặc tình thu phát toàn tùy tâm niệm. Kiếm trong tay Nhạc Bất Quần chỉ là kiếm, kiếm trong tay Phong Thanh Dương là con thần long biến hóa. Triết học trong tác phẩm của các giáo sư, học giả chỉ là cái xác chết khô được ướp bằng đủ loại ngôn ngữ hoa mỹ của tinh thần duy lý, triết học trong tác phẩm Bùi Giáng là con thần long đã điểm nhãn. Đọc những lời chê bai công kích của họ, chắc ở cõi bên kia ông cũng đang bượch cười, như cụ Tản Đà. Ta hãy gác qua sự vụ đó mà hãy tập xách dép theo ông đi bắt châu chấu, chuồn chuồn giữa thảo nguyên bao la của tư tưởng, để cùng Tăng Điểm “dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi quy. 浴乎沂,風乎舞雩,詠而歸。” Đọc Bùi Giáng, bỗng dưng ta muốn xa lánh cõi học thuật trường trại sáo mòn mà chỉ thích rủ nhau “tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ Vu, rồi ca hát mà về.” là vậy. Chỉ những tay tài tử tuyệt thế như Bùi Giáng, Lý Bạch, Omar Khayyam, Tô Đông Pha v.v… mới đem lại cho ta cảm giác mênh mang phiêu dật đó mà thôi.
Ta thử nghe Bùi Giáng nói về Heidegger :
.. nói về bọn thiên tài tư tưởng trong cõi nôm na triết học, thì cổ kim chỉ có ông Heidegger mà thôi. Nhưng nếu căn cứ vào những thứ gì lâu nay ta đọc và hiểu về sách vở ông ấy viết ra, thì không sao hiểu rõ ông cụ già ấy trác việt đến trình độ nào….. Heidegger khoác nhẹ một nửa bàn tay đủ lật nhào hai ngàn năm rưỡi tư tưởng triết học Tây phương, và dựng lên một cõi gì chưa có danh hiệu chỉ định. (Con Đường Ngã Ba, tr.47).
Bùi Giáng cũng vậy. Ông đã khoác nhẹ một nửa bàn tay đủ đẩy toàn bộ những công trình biên khảo sách triết học theo thể lệ giáo khoa vào trong bóng tối, và đem Truyện Kiều dựng thành một tòa Tân Thanh lặng lẽ giữa cõi tư tưởng hiện đại để mở rộng tâm thức nhân gian. Tôi linh cảm rằng ông chính là hóa thân của Tố Như đi về giữa trận đồ tư tưởng hiện đại để dùng Truyện Kiều dìu dắt phương Đông đi vào cuộc đối thoại với phương Tây qua Heidegger. Cho nên “nếu căn cứ vào những thứ gì lâu nay ta đọc và hiểu về sách vở Bùi Trung Niên Thi Sỹ viết ra, thì không sao hiểu rõ ông cụ già ấy trác việt đến trình độ nào.”
Khởi đầu với Mưa Nguồn, thơ Bùi Giáng đã tự thành một cõi riêng biệt phiêu bồng. Nhưng ông làm thơ là để phụng bồi cho ngôn ngữ[3], và viết sách về triết học chỉ là để quãng diễn tư tưởng cho những kẻ đăng đường. Cũng như Heidegger, sau một thời gian viết những pho sách đồ sộ để lận đận lý luận với các triết gia phương Tây, lại âm thầm quay về chú giải thơ Hoelderlin. Và điều vô cùng may mắn là Bùi Giáng đã tặng cho chúng ta một bản dịch giải vô tiền khoáng hậu những lời chú giải đó qua Lời Cố Quận và Lễ Hội Tháng Ba , bằng ngôn ngữ du hý thượng thừa. Đó là tặng vật kỳ diệu trong cuộc hôn phối giữa Thi Ca và Tư Tưởng. Khi nghe những bản symphony của Beethoven, piano sonata của Mozart hay violin concerto của Paganini, nocturne của Chopin, đôi khi ta có cảm giác như chúng không phải là âm nhạc của thế gian này, mà như đến từ một cõi khác. Đọc Lời Cố Quận và Lễ Hội Tháng Ba, ta cũng có cảm giác đó. Âm nhạc đó, ngôn ngữ đó hoàn toàn không có dấu tích của sự dụng tâm, mà dường như chúng vọng đến từ một cõi khác. Cõi khác đó có thể là cõi ngoài của một “Giác Duyên vâng dặn ân cần, Tạ từ thoắt đã rời chân cõi ngoài”. Các tay tài tử tài hoa tuyệt tục đó như những con thần long phiêu hốt, ngẫu nhiên ghé về trần gian, đem thơ nhạc làm tặng vật cho cõi người ta rồi phiêu nhiên nhi khứ, như Phong Thanh Dương xuất hiện bất ngờ để truyền Độc Cô Cửu Kiếm cho Lệnh Hồ Xung, rồi tiếp tục cuộc chơi ở cõi ngoài.[4] Cõi ngoài đó là nơi chốn để Khổng Tử “dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi quy.” cùng Tăng Điểm, để Trang Tử rong chơi cùng cánh bướm với “Trang Sinh hiểu mộng vi hồ điệp”, để Tô Đông Pha “Nghi thượng dĩ thành Tăng Điểm phục” với cõi thơ hãn hữu cổ kim, để Bùi Giáng du hý phiêu bồng với “Anh điên mà dzui dzẻ thập thành, Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu” trong cõi Thái Bình Điên Quốc, nên mọi lời công kích hay ngợi ca họ cũng đều như những nhát kiếm chém vào hư không, và mọi thứ lý luận bác học nhì nhằng cũng chẳng khác nào giấc mơ tiêu lộc.
Gần đây, Thư viện Huệ Quang đã làm một công việc đáng trân trọng là cho in lại hầu hết những tác phẩm quan trọng của ông, những tác phẩm gần như đã “tuyệt tích giang hồ” mà nhiều người mong đợi từ lâu. Đó là dấu hiệu đáng mừng của Tư Tưởng đang phục sinh, trong một thời buổi mà Heidegger gọi là : “Điều đáng suy tư nhất trong thời đại đòi hỏi phải suy tư của chúng ta, đó là chúng ta chưa hề biết suy tư! ”
Ta thử nghe ông nói về Heidegger:
Nếu bây giờ chúng ta thử bỏ ra khoảng chín mươi chín năm đọc lại Heidegger, ắt là chúng ta sẽ dần dà nhận thấy rằng: cái hạt giống mong manh mà Heidegger đã gieo vào mảnh đất Siêu Hình Học Âu Châu, cái hạt giống bé bỏng đó quả thật đã manh nha mọi thứ cây cối đồ sộ, mà về sau thiên hạ sẽ thi đua nhau về leo trèo hái ngắt mọi thứ hoa quả và có thể tưởng lầm rằng hoa quả ấy là của riêng mình trồng trọt ra, chứ chẳng phải của ông Heidegger hoặc Martin gì ráo! (Thi Ca Tư Tưởng, tr.42−43).
Ta có thể dùng những lời đó để nói về chính Bùi Giáng :
Nếu bây giờ chúng ta thử bỏ ra khoảng chín mươi chín năm đọc lại Bùi Giáng, ắt là chúng ta sẽ dần dà nhận thấy rằng: cái hạt giống mong manh mà Bùi Giáng đã gieo vào mảnh đất thi ca tư tưởng Việt Nam, cái hạt giống bé bỏng đó quả thật đã manh nha mọi thứ cây cối đồ sộ, mà về sau thiên hạ sẽ thi đua nhau về leo trèo hái ngắt mọi thứ hoa quả, và có thể tưởng lầm rằng hoa quả ấy là của riêng mình trồng trọt ra, chứ chẳng phải của ông Giáng, hoặc ông Bùi gì ráo!
Bùi Giáng đã khai mở một thông đạo dị thường cho tư tưởng để giúp ta đón nhận được nhiều dư hưởng mênh mông khác từ bốn phương vọng lại, nếu ta thực hiện được “cỗi nguồn trường mộng ở nội tâm” bằng những suy niệm chân thành. Đọc ông, ta thấy tất cả những tư tưởng kim cổ Đông Tây, vốn tưởng chừng như “rạc rời vó ngựa quá quan” trong các cuốn sách biên khảo, đều được quy về một mối, qua những lời bàn lúc thì trầm ổn, lúc thì phiêu hốt, lúc thì bỡn cợt bông đùa, lúc thì bàng bạc chất thơ; giống như kiếm pháp vô chiêu của Ðộc Cô Cầu Bại, tưởng chừng như không có khuôn khổ nhất định nhưng lại thâu hóa được tất cả kiếm pháp trong thiên hạ vào một mối để biến thành những chiêu thức của chính nó. Bùi Giáng đã thổi hồn vào những trang sách bằng trí tuệ phi thường, nên đọc ông, nhiều lúc ta có cảm giác như đang tận hưởng buổi đại yến của âm nhạc trong những bản symphony của Beethoven, dưới bàn tay điều khiển của nhạc trưởng Karajan. Trong giàn nhạc vĩ đại đó, mỗi nhạc cụ đều chơi theo giai điệu riêng, nhưng tất cả đều được kết hợp hòa hài trong bản Giao Hưởng Tư Tưởng Vĩ Đại. Những viên sỏi, hòn đá tầm thường trong tay ông cũng dễ dàng biến thành châu ngọc. Thế nhưng :
Định mệnh của những tư tưởng hoằng viễn xưa nay, vẫn mãi mãi là như thế. Những kẻ gieo giống chả bao giờ thấy cây mọc, chẳng bao giờ thấy đâm hoa kết quả, chẳng bao giờ thu hoạch mùa màng. Họ chỉ phụng bồi cho cuộc gieo hạt, và hơn nữa, phụng bồi cho cuộc soạn sửa gieo hạt mà thôi. (ibid.)
Bùi Giáng “chỉ phụng bồi cho cuộc gieo hạt, và hơn nữa, phụng bồi cho cuộc soạn sửa gieo hạt”, đó cũng là thể điệu hoằng viễn “thuật nhi bất tác” của Khổng Tử, hay “chung thân ngôn vị thường ngôn” của Trang Tử. Và tập tiểu luận này cũng liều lĩnh thử gieo thử một vài hạt mầm xuống những luống đất màu mỡ mà ông đã khai phá cho cuộc gieo hạt, như một niềm thâm tạ. Và mong chờ nhiều hạt mầm khác phong phú hơn nữa sẽ gieo xuống, trong mai hậu.
Đầu xuân 2018
________________________________________
[1] Cf. “Nói một đường, bạn bè nghe ra một lối. Rồi giận, rồi cười, rồi chế giễu, rồi ngợi khen. Rồi sau rốt chạy ra bốn ngõ kể lại cho nhau nghe những cái mẩu giẻ rách ta gọi là mẩu “giai thoại” về họ, lúc để chế giễu, lúc để ngợi ca.” (Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại, tập 1, tr.339). Xin xem thêm bài “Bùi Giáng và nỗi đau hội thoại” trong tập tiểu luận này.
[2] Xem Lễ Hội Tháng Ba, tr. 91.
[3] Cf. “Khi lịch hành đến cuối đường, tư tưởng sẽ biến thành thơ nhạc mênh mông, còn ngôn ngữ đứng trước hiểm hoạ lập ngôn sẽ tự thân biến thành chi ngôn trong những nếp gấp riêng biệt thượng thừa của nó để tựu thành cái vô ngôn, cái l’impensé trong tư tưởng.” (Huỳnh Ngọc Chiến, Trúc Thanh Tập, tr.84, nxb Thời Đại, Sài Gòn, 2011)
[4] Xin xem truyện ngắn Người Tử Sinh, ở cuối tập tiểu luận này.

NGÃ BA NGÔN NGỮ

HUỲNH NGỌC CHIẾN

(Kỷ niệm 10 năm ngày mất của thi sĩ Bùi Giáng 7.10.1998 – 7.10.2008)
Điều suy tư của một nhà tư tưởng chỉ được vượt qua khi mà phần vô ngôn,
phần vô suy tư trong tư tưởng của ông ta
được trả về chân lý sơ nguyên của nó[i].
(M. Heidegger, Was heißt Denken?)

Với nhan đề bài viết này, tôi không muốn góp thêm một “ngã ba” nữa cho cuốn Con đường ngã ba vốn chứa quá nhiều “ngã ba” của Bùi Giáng, nghĩa là cái Dreiweg của Heidegger, theo kiểu “họa xà thiêm túc”, mà chỉ muốn ghi lại một vài suy tưởng nho nhỏ khi đọc sách của hai tác gia này. Tôi vốn là kẻ ngoại đạo về triết học, nên chỉ thích đọc sách thuộc lĩnh vực này theo thể điệu ngẫu nhĩ lai rai của một layman.
Mọi trang sách triết học nếu không chạm đến ta trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn để làm nó rung động với những cảm xúc vi tế nhất; cũng như mọi kiến thức, dù là kiến thức hàn lâm uyên bác được thu thập từ những tư tưởng gia vĩ đại cổ kim đi nữa, nếu nó không đem lại cho ta một tâm thức bình yên để sống giữa cõi đời, và một tinh thần vô úy để một mình đối diện với cái chết, thì suy cho cùng đó cũng chỉ là những thứ hý luận phù phiếm và vô nghĩa, chỉ dùng để giải trí chơi giữa cõi Ta Bà.
Tôi có một người bạn thân suốt đời không hề đọc sách, song mỗi lần trò chuyện cùng anh, tôi lại thấy lý thú và học hỏi được rất nhiều điều, vì trong những gì anh nói, tôi đều nghe ra hơi thở thực sự của cuộc sống. Đây là điều chúng ta hiếm khi tìm thấy trong các sách biên khảo về triết học. Trong đó, tất cả đều được phu diễn một cách rất ư là công phu trên bề mặt ngữ nghĩa, hết tham chiếu chỗ này lại tham khảo chốn nọ. Song khi đọc, sao ta vẫn thấy cảm thấy dửng dưng, ngay cả khi chúng đề cập đến những vấn đề thiết thân của cõi nhân sinh. Đơn giản chỉ vì đó chỉ là những thứ kiến thức phù hoa, và những suy tư lạnh lùng vô hồn của lý trí, mà thiếu đi tiếng nói đằm thắm của tâm tình. Ta có cảm tưởng như đang nghe Thúy Vân thay mặt Thúy Kiều ngồi kể lể và phân tích chuyện đời dâu bể! Dù có đầm đìa nước mắt đi nữa thì nó vẫn hời hợt và vô vị.
Chỉ có những trang sách của các tác gia có suy tư chân thành và tư tưởng phóng dật thênh thang mới có thể làm rung động được lòng người, vì họ đã truyền được tâm lực và trí lực vào ngòi bút. Bút lực đó mang một dạng năng lượng tế vi, tương tự như khái niệm “Ojas” trong tư tưởng Ấn Độ[ii]. Đây là một điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy trong các trang kinh Phật cũng như các tác phẩm của Trần Trọng Kim, Kim Định, Bùi Giáng, Krishnamurti, Vivekananda, Nietzsche, Trang Tử, Whitman, Heidegger v.v… Chính những tác gia này mới cho ta thấy sức mạnh của ngôn ngữ.
Đọc Bùi Giáng, ta dễ dàng nhận thấy bút lực cuồn cuộn của một người đã rong chơi du hý trong cõi ngữ ngôn để lần ra đầu mối “nhất dĩ quán chi” xuyến suốt mọi bờ bến tư tưởng kim cổ Đông Tây. Ông là người duy nhất đã thực hiện được một cuộc phục hoạt trùng tân (Widerholung) đối với Nguyễn Du, như Heidegger đã làm với các triết gia tiền Socrates, theo tinh thần:
“Chúng ta hiểu phục hoạt trùng tân một vấn đề căn cơ là sự mở phơi những khả tính uyên nguyên của nó, những khả tính mà từ lâu đã bị chìm khuất trong quên lãng. Thông qua việc triển khai này, vấn đề căn cơ đó sẽ chuyển dời bình diện, và do đó, sẽ được giữ gìn phần nội hàm đáng được đặt thành vấn thoại. Tuy nhiên giữ gìn một vấn đề có nghĩa là để nó được tự do và đánh thức được sức mạnh nội tại, sức mạnh có khả năng biến nó thành vấn thoại trong căn cơ của Hiện Tinh Thể (Wesen) của nó”.[iii]
Có ai đã làm được điều đó như Bùi Giáng đã làm với Nguyễn Du? Những phần vô ngôn thăm thẳm nào của Nguyễn Du đã được Bùi Giáng khơi dậy trong tinh thần tân thanh tái tạo và buộc chúng ta phải đọc lại Nguyễn Du bằng đôi mắt khác? Và từ đó nhận ra chân dung của Heidegger và Khổng Tử?
Bùi Giáng đã làm điều kỳ diệu nào khi dùng ngôn ngữ Truyện Kiều để bắc nhịp cầu nối liền hai bờ cõi Đông Tây, nối liền hai dòng ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt nhau là Đức ngữ và Việt ngữ? Để hiểu hết được sự hoằng viễn của Bùi Giáng, khi cưỡng bức ngôn ngữ để triển khai phần vô ngôn trong tư tưởng, ta hãy suy tư xem giữa ngôn ngữ Tây phương và tiếng Việt có mối hòa thanh tương ứng nào không?
Ta hãy thử xem câu đầu tiên của Đạo đức kinh là “Đạo khả đạo phi thường Đạo 道可道非常道” khi được dịch ra ngôn ngữ phương Tây thì nó lóng ca lóng cóng như thế nào? Tôi xin trích một số câu tiêu biểu:
1. Der Sinn, der sich aussprechen läßt, ist nicht der ewige Sinn (Richard Wilhelm).
2. Quand on La nomme la Voie n’est plus la Voie (không rõ người dịch).
3. TAO called TAO is not TAO (Stephen Addiss, Stanley Lombardo: 1993).
4. Nature can never be completely described, for such a description of Nature would have to duplicate Nature (Archie J. Bahm: 1958).
5. The Way that can be described is not the absolute Way (Sanderson Beck: 1996).
6. The Way (Dao) that can be “Wayed” is not the constant Way (Alexander J. Beecroft).
7. The Tao that can be expressed is not the eternal Tao (Alexander J Beecroft).
8. There are ways but the Way is uncharted (R. B. Blakney: 1955).
9. Existence is beyond the power of words to define (Witter Bynner: 1944).
10. The way that can be told is hardly an eternal, absolute, unvarying one (Tormod Byrn: 1997).
11. The Tao that can be told of is not the eternal Tao (Wing-tsit Chan: 1963).
12. Tao that can be spoken of, Is not the Everlasting Tao (Ellen M. Chen: 1989).
13. The Tao that can be followed is not the eternal Tao (Charles Muller).
14. The Tao that can be trodden is not the enduring and unchanging Tao (James Legge).
Tôi nêu một loạt các câu văn dịch để bạn đọc xem kỹ và hãy tự hỏi: liệu người phương Tây, qua các bản dịch đó, có nắm được tinh thần câu văn mở đầu của Đạo đức kinh như người Trung Quốc hoặc người Việt chúng ta? Hay là các chữ “Sinn”, “La Voie”, “sich aussprechen läßt”,“Tao”, “can be Wayed”,“can be trodden”, “can be spoken of”,“can be followed”… trong các câu văn dịch đó, đối với người Tây phương đều lớ ngớ như cảnh gà con mất mẹ? Vậy mà chúng ta cứ hồn nhiên cho rằng như thế là dịch sát! Chỉ một chữ “Đạo” đơn giản thôi đã khiến người phương Tây lúng ta lúng túng đến thế, thì còn có thể bàn gì đến toàn văn, hay cõi đạo Đông phương?
Bây giờ hãy thử trở lại với một câu văn của Heidegger. Ngôn ngữ của Heidegger cực kỳ phong phú và khó dịch. Mảnh đất siêu hình học đầy gai góc của mấy ngàn năm của Tây phương không cho phép ông lập ngôn đạm nhiên như những bậc chân nhân Đông phương, nên ông phải đem thiên tài ra cưỡng bức ngôn ngữ Đức để làm mở phơi, hiển lộ được cái Hiện Tinh Thể (Wesen) của ngữ ngôn. Chỉ riêng một từ Dasein của ông cũng đã đẩy các ngôn ngữ Âu châu vào chỗ bế tắc. Các cách dịch l’Être–là, Being–There, l’Être-le-Là rõ ràng đều không ổn thỏa.
Chúng ta thử dịch một câu đơn giản và quen thuộc của Heidegger ra Việt ngữ. Câu đó như vầy: “Die Sprache ist das Haus des Seins: Ngôn ngữ là ngôi nhà của Hữu Tính”[iv]. Đây là câu nói nổi tiếng của Heidegger trong trang đầu tiên của tác phẩm Brief über den Humanismus (Thư về chủ nghĩa nhân bản), thường được trích dẫn rất nhiều trong các bài biên khảo về ông, kèm theo đủ thứ các kiến thức minh giải hàn lâm. Câu nói đó có nghĩa là gì? Thực chất, trên bình diện văn phạm, chúng ta có thể hiểu và dịch nôm na là: “Ngôn ngữ LÀ ngôi nhà của CÁI LÀ” (với LÀ thứ nhất là động từ LÀ đã chia, còn CÁI LÀ sau là động từ LÀ nguyên mẫu!) Như vậy, với câu “Die Sprache ist das Haus des Seins”thì người đọc sẽ đón nhận và hiểu nó như thế nào trong bản Việt ngữ? Liệu họ có cảm nhận được gì không, hay rốt cuộc cũng chẳng khác gì người phương Tây lắng nghe Đạo đức kinh, nghĩa là cũng chỉ có thể nắm một đống khái niệm ù ù cạc cạc và suy diễn theo những sở tri tích lũy trong trí não? Trong câu nói đó của Heidegger, cho dù ta có dịch chữ Sein là Tính, Tính thể, Tồn lưu, Chân tính, Hữu thể, Tồn thể, Hằng thể, Vĩnh thể, Thường thể, Tồn tại, Tồn hữu, Hữu tính v.v… và dù có nỗ lực “giải minh”,“thông diễn” câu nói đó bằng vô số kiến thức hàn lâm thì tất cả cũng đều cùn nhụt và bế tắc như nhau. Vì đó đơn thuần chỉ là sự thay đổi từ này bằng từ khác, dù ta có truy đến tận gốc của từ nguyên để cho rằng từ này sát nghĩa hơn hơn từ kia.
Rõ ràng từ “Ngôn ngữ” trong câu nói đó của Heidegger không thể chỉ cho mọi ngôn ngữ bất kỳ nào, cho dẫu đó là ngôn ngữ Âu châu. Các bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp “Language is the place for Be[ing]” hay “La langue est la maison de l’Être” nghe vẫn lạc lõng và rời rạc. Có phải rằng từ “Ngôn ngữ” trong câu nói đó chỉ có thể là tiếng Đức hoặc tiếng Hy Lạp mà thôi? Có phải nó mang một điểm đặc dị thù thắng nào như chữ “Đạo” trong tiếng Trung Quốc?
Giữa chữ Đạo 道 và các chữ Voie, Tao, Way, Path có khoảng cách bất khả tư nghì nào mà người phương Tây khó lòng thể hội? Nó có giống với khoảng cách giữa tiếng Đức và tiếng Việt? Đặc biệt là tiếng Đức của Heidegger? Nếu cho rằng dịch chỉ đơn thuần là đi tìm sự tương phối giữa những chữ tương đương về ý nghĩa và kết hợp chúng lại với nhau theo các quy luật về ngữ pháp, thì tại sao chữ Weg trong tác phẩm về sau của Heidegger lại mang một tố chất và âm hưởng mênh mang nào mà ta khó lòng cảm nhận qua các chữ Path, Way, Chemin trong các bản dịch Anh, Pháp ngữ, mà lại cảm thấy nó gần như chữ Đạo phương Đông? Và tại sao Heidegger lại khẳng định chỉ ngôn ngữ Hy Lạp, và chỉ có ngôn ngữ Hy Lạp thôi mới là logos[v], và vì sao ông cho rằng chỉ có tiếng Đức mới nói lên được Hữu Tính (Sein) còn mọi ngôn ngữ khác đều chỉ nói về Hữu Tính? “The German language speaks Being, while all the others merely speak of Being.[vi] Toàn bộ sự khác biệt nằm ở chữ VỀ (of). Các ngôn ngữ Âu châu, những đứa con cùng cha khác mẹ của tiếng Đức, còn bế tắc như thế trước một chữ Sein trong Đức ngữ, thì thử hỏi đứa con ngoại tộc là tiếng Việt sẽ làm thế nào để dìu được cái phần hồn của Sein vào trong Việt ngữ? Hiểu được điểm đó thì chúng ta mới có thể hiểu được sự cưỡng bức ngôn ngữ của Bùi Giáng khi ông dịch các tác phẩm triết học phương Tây, đặc biệt là Heidegger. Cũng như Heidegger, Bùi Giáng là người thâm cảm được sự bế tắc của ngôn ngữ quy ước khi diễn đạt cảnh giới của nội tâm. Nếu Hegel buộc triết học phải nói bằng tiếng Đức thì Bùi Giáng buộc triết học phải nói bằng tiếng Việt, và hơn thế nữa là nói bằng thơ lục bát Việt Nam!
Heidegger đạm nhiên bảo:
“Không bao giờ và trong bất kỳ ngôn ngữ nào, điều được diễn tả lại là cái cần được nói ra” (Nie ist das Gesprochene und in keiner Sprache das Gesagte. – Aus der Erfahrung des Denkens).
Bùi Giáng thơ mộng hơn:
“Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên”
Trong kinh điển Phật giáo, đức Phật không ngớt nhắc nhở các môn đồ rằng ngôn thuyết không bao giờ diễn đạt được Thực Tướng, tức Đệ nhất nghĩa đế.
Thử hỏi, về mặt ngôn ngữ, sự chi phối của các chữ Sein (Be, Être) và Seiende (Being, Étant) trên dòng triết học Âu châu có giống như thể cách của chữ Là, chữ Đạo đối với người phương Đông? Rõ ràng điều này hoàn toàn không có. Thậm chí ý nghĩa của Sein/Seiende trong tiếng Đức cũng không hoàn toàn tương đồng với Be/Being trong tiếng Anh hoặc Être/Étant trong tiếng Pháp. Ngay cả các nhà nghiên cứu ở phương Tây như F. H. Heinemann vẫn phải tự hỏi:
“Liệu sự phân biệt giữa Sein và Seiende có thật sự … mang một ý nghĩa quan trọng … có tính căn cơ, hay chỉ dựa trên một điểm đặc thù ngẫu nhiên trong tiếng Đức? Nó không thể được dịch sang tiếng Anh một cách chính xác đã đành, mà dịch sang tiếng Pháp cũng rất khó khăn”.[vii]
Nêu hai ví dụ đơn giản về chữ Đạo và chữ Sein như thế để làm gì? Để thấy rằng muốn bắt được nhịp cầu từ ngôn ngữ này qua một ngôn ngữ khác, từ một cõi suy tư này sang cõi suy tư khác thì con đường tư tưởng của chúng ta phải chuyển dời bình diện, chứ không thể bám cứng một cách nô lệ và máy móc vào chữ nghĩa, nếu muốn vượt qua được lớp vỏ ngôn ngữ để đến được với phần tinh mật bên trong. Suốt mất ngàn năm qua, câu nói “Bất dĩ từ hại ý” của Mạnh Tử vẫn đồng vọng như một lời cảnh tỉnh.
Làm thế nào để ngôn ngữ thực sự là ngôi nhà cho Hữu Tính, để Die Sprache thực sự là das Haus des Seins? Chỉ còn cách lắng nghe và chiêm nghiệm ngôn ngữ trong viễn tượng thơ. Phải khơi rộng dòng thơ để dìu hồn Hữu Tính đi vào trong xoang điệu của tân thanh để lắng nghe được phần vô ngôn trong ngôn ngữ. Đó là chỗ mà Bùi Giáng đã nối bước Nguyễn Du để thực hiện trong tất cả các tác phẩm của ông. Theo tôi, đó mới thực sự là tinh thần của cái gọi là “hermeunetics”. Đem thơ Nguyễn Du làm phương tiện nhiếp dẫn người đọc vào cuộc đối thoại với Heidegger, Bùi Giáng đã thực hiện một cuộc “Wiederholung” tuyệt trù vô tỷ đối với Truyện Kiều. Chỉ có trực giác thiên tài của một nhà thơ mới có thể đưa ông đi vào trong cảnh giới bất khả tư nghì đó để làm “băng nhân” cho cuộc hôn phối kỳ diệu giữa hai bờ cõi Đông Tây.
“Nếu ta không thực hiện nổi cỗi nguồn trường mộng ở nội tâm, thì không bao giờ triết học tiếp xúc được với căn cơ chân chính của nó, dù ta có líu lo trong học hiệu phù hoa với bao nhiêu giọng điệu”.[viii]
Chính nhờ “Cõi nguồn trường mộng ở nội tâm” đó mà ông thừa thãi thông tuệ để nhiếp dẫn triết học Heidegger về hội thoại với Tố Như. Đoạn gặp gỡ giữa Kim Trọng và Thúy Kiều, khi Kiều đi tìm lại cành thoa, được ông minh diễn như cuộc đối thoại hy hữu giữa Sein và Dasein, đã nói lên được phần vô ngôn thăm thẳm nào trong tư tưởng Tố Như và của Heidegger?[ix]
Theo chân Bùi Giáng đi ra từ cõi rừng huyền bí Đông phương, chúng ta sẽ không còn bỡ ngỡ nhiều chi lắm trước ngôn ngữ kỳ bí của Heidegger. Vì Heidegger bảo tất cả tác phẩm của mình chỉ là sự chuẩn bị cho phương Tây có đủ tư cách để mở được cuộc hội thoại với phương Đông trong mai hậu.
Các nhà nghiên cứu đôi khi chỉ trích cách dịch của Bùi Giáng một cách khắt khe mà có khi nào họ tự hỏi: ngôn ngữ Việt đòi hỏi nguyên tác phải chuyển dịch theo yêu sách nào để cái phần vô ngôn tinh mật, hay cái Ungedachte trong suy tư, mới lọt được vào cái Nghe của người đọc? Nền Phật học Trung Quốc với Thiền tông há chẳng phải là “bản dịch” tuyệt diệu của Phật giáo Ấn Độ đó hay sao? Thử đối chiếu các bản dịch của Bùi Giáng về Heidegger với nguyên tác, người đọc có thể cảm nhận được sự sáng tạo phi phàm của ông, dù đôi khi ông có đùa rỡn quá trớn qua lối hý lộng ngữ ngôn. Song đó cũng chỉ là yêu sách của lập ngôn, bởi vì “Điều suy tư của một nhà tư tưởng chỉ được vượt qua khi mà phần vô ngôn, phần vô suy tư trong tư tưởng của ông ta được trả về chân lý sơ nguyên của nó”.
Mai sau, nếu còn một chút gì đáng kể trong những trang viết về Heidegger bằng tiếng Việt thì đó chỉ có thể là những trang sách của Bùi Giáng mà thôi.
Sài Gòn 07.2008
________________________________________
[i] Das Gedachte eines Denkers läßt sich nur so verwinden, daß das Ungedachte in seinem Gedachten auf seine änfangliche Wahrheit zurückverlegt wird. (M. Heidegger, Was heißt Denken? Max Niemeyer Verlag Tübingen, 1954, t.22)
[ii] The Yogis claim that of all the energies that are in the human body the highest is what they call “Ojas”. Now this Ojas is stored up in the brain, and the more Ojas is in a man’s head, the more powerful he is, the more intellectual, the more spiritually strong. One man may speak beautiful language and beautiful thoughts, but they do not impress people; another man speaks neither beautiful language nor beautiful thoughts, yet his words charm. Every movement of his is powerful. That is the power of Ojas. (Vivekananda, Raja Yoga).
[iii] Unter der Wiederholung eines Grundproblems verstehen wir die Erschließung seiner ursprünglichen, bislang verborgenen Möglichkeiten, durch deren Ausarbeitung es verwandelt und so erst in seinem Problemgehalt bewahrt wird. Ein Problem bewahren, heißt aber, es in denjenigen inneren Kräften frei und wach halten, die es als Problem im Grunde seines Wesens ermöglichen (M.Heidegger, Kant und das Problem der Metaphysik, Frankfurt am Main: Vittorio Klostermann, 1973, t. 198.) Lâu nay, các bản Anh ngữ dịch “Wiederholung” là Retrieve; Retrieval, Repitition, Recovery hoặc bản Pháp ngữ dịch là Répetition đều không thể diễn tả được hết nội dung của thuật ngữ này. Nhà thơ Bùi Giáng dịch là “trùng phục thu hồi ”, tôi cũng chưa thật thỏa mãn, dù tôi vô cùng kính phục dụng ngữ phi thường của ông. Tôi đề nghị dịch chữ Wiederholung là “phục hoạt trùng tân” 復活重新 nghĩa là làm sống dậy và làm mới lại một nội dung cũ theo tinh thần tái tạo của hai chữ “tân thanh”.
Wesen của Heidegger thường được dịch sang tiếng Anh là “Essence”, hoặc dịch theo nghĩa “coming to presence”. Tôi dùng “Hiện Tinh Thể ” để dịch Wesen vì đối với Heidegger, Wesen là phần tinh mật, chỉ cái đương thể (whatness) trì tồn trong sự hiển lộ tinh anh.
[iv] Tôi dùng từ “Hữu Tính” hoặc “Tính” để dịch Sein (Being, Être). Dịch là “Hữu Tính” khi Sein mang nghĩa đối lập lại Không Tính (trong tinh thần Phật giáo) hay Vô Thể (Nitchs, Nothingness, Néant), còn dịch là Tính khi Sein mang nghĩa đối lập với Thể; và dùng từ Hữu Thể, Hiện Thể, Vạn Hữu để dịch Seiende (Beings, Étants).
[v] … die griechische Sprache keine bloße Sprache ist wie die uns bekannten europäischen Sprachen. Die griechische Sprache, und sie allein, is logos (… ngôn ngữ Hy Lạp không chỉ đơn thuần là một ngôn ngữ quen thuộc với chúng ta như các ngôn ngữ Âu châu khác. Ngôn ngữ Hy Lạp, và chỉ có ngôn ngữ Hy Lạp, mới là Logos – Heidegger, Was ist das – die Philosophie?, Gunther Neske Pfullingen, 1956, t.12).
[vi] http://www.brainyquote.com/quotes/quotes/m/martinheid395938.html
[vii] Is the distinction between Sein (to be) and Seiendem (being) really of….basic importance … or is it based on a chance peculiarity of the German language? It cannot be properly translated into English, and only with difficulty into French.” (trích theo Julius Seelye Bixler, The Failure of Martin Heidegger, The Harvard Theological Review, Vol. 56, No. 2. (Apr., 1963), t. 121-143).
[viii] Bùi Giáng, Martin Heidegger & Tư tưởng hiện đại, Tập 1, 1962, t.147.
[ix] Bùi Giáng, Thúy Vân và Tam Hợp đạo cô, NXB Võ Tánh, Sài Gòn, 1969, các tr. 13-23.

TỪ PHUSIS HEIDEGGER
ĐẾN “TỒN LƯU” BÙI GIÁNG

HUỲNH NGỌC CHIẾN

C’est seulement dans la mot, dans la langue, que les choses deviennent et sont. C’est pourquoi aussi le mauvais usage de la langue dans la simple bavardage, dans les slogans de la phrasésologie, nous fait perdre la relation authentique aux choses. (Chỉ trong từ, trong ngôn ngữ mà sự vật mới trở thành và hiện hữu. Cũng vì lẽ đó mà sự lạm dụng ngôn ngữ trong cuộc ba hoa thuyết thoại thuần tuý và trong các khẩu hiệu ngữ cú giảng bình khiến ta đánh mất đi mối tương quan chân thực với sự vật )[1]

Nếu cô nàng Thiên Nhiên muốn cảm tạ người đã đem hết thiên tài bạt tuỵ của mình ra để phụng hiến cho nàng, trả lại cho nàng cái chân dung sơ thuỷ, cái bản lai diện mục, vốn đã lắm phen bị triết học kinh viện nhà trường bôi cho lem luốc, thì có lẽ nàng phải ngỏ lời thâm tạ Martin Heidegger, một triết gia – nghệ sĩ kì ảo ở thế kỉ 20. Tôi chưa đọc ông nhiều chi cho lắm. Thế hệ chúng tôi phần lớn không thể tìm được và không thể đọc nổi sách ông trong nguyên tác Ðức văn nên đành phải đọc lai rai qua các bản dịch Pháp văn như Introduction à la Métaphysique, L’Être et Le Temps v..v.. Và chủ yếu chúng tôi vẫn phải tìm chân dung ông qua các tác phẩm, dịch phẩm của Bùi Giáng: Lễ hội tháng ba, Lời cố quận, Ðường đi trong rừng, Sương Bình nguyên, Trăng Châu thổ, Sương tỳ hải… và đặc biệt là cuốn Martin Heidegger và Tư tưởng hiện đại. Nhưng cần gì phải đọc nhiều? Ðến với các tác phẩm thiên tài bằng cả tấm lòng và bằng suy tư chân thành, ta sẽ nhận ra nhiều dư hưởng mênh mông khác. Ði sâu vào một tức là đi thẳm vào mười. Nhất tức nhất thiết là vậy.
Bùi Giáng là một trong những người tiên phong đã dày công dẫn nhập triết học Heidegger vào nền văn hoá Việt nam bằng các công trình biên khảo cũng như các dịch phẩm tuyệt diệu của mình. Và chỉ duy Bùi Giáng là người đủ công lực thượng thừa, đủ thông tuệ để nhiếp dẫn triết học Bà-la-mật Heidegger từ cõi nguyên thuỷ sơ khai Hy Lạp tiếp cận với suối nguồn uyên nguyên của triết học phương Ðông. Ngôn ngữ Bùi Giáng khơi dẫn được những vùng sương bóng mênh mông của nền triết học phương Ðông vốn bị lãng quên quá lâu qua mấy ngàn năm suy tư duy lí. Ông đã dịch và diễn giải Heidegger theo một phong cách cực kì tài hoa bằng ngôn ngữ riêng biệt đầy sáng tạo mà tôi tin rằng, trong tương lai, bất kì người nào muốn tìm hiểu triết học Heidegger đều phải lấy đó làm kim chỉ nam! Do những hạn chế về khuôn khổ của bài viết cũng như kiến thức của người viết, nên tôi chỉ xin dựa vào vài trang của Heidegger trong cuốn Introduction à la Métaphysique (Siêu hình học nhập môn) để cố gắng khơi dẫn được mối tương quan giữa Phusis (fusis) của Heidegger và Tồn Lưu của Bùi Giáng theo những suy niệm riêng của mình.
Kể từ L’Être et le Temps về sau, trong các phẩm của mình, ông Heidegger thường dành nhiều trang sâu thẳm để khôi phục lại chân dung uyên nguyên của Thiên Nhiên (fusis- phusis). Và để hé mở cho chúng ta cái gương mặt thật của nàng, ông già nước Ðức tuyệt vời đó đã khổ công dọn dẹp sạch hết mọi gai góc um tùm của mấy ngàn năm triết học phương Tây.
Từ buổi khai mở sơ thuỷ và có tính quyết định của triết học phương Tây nơi người Hy lạp, qua đó việc tra vấn về hiện thể như là thế trong toàn thể, cuộc vấn thoại về vạn hữu như nhiên khởi đầu cuộc lịch hành chân chính của nó, mở đầu buổi khai đoan chân thực, thì trong giai đọan đó hiện thể được gọi là fusis (Phusis).
A l’époque du premier ef décisif déploiment de la philosophie occidentale chez les Grecs, par lequel le questionner sur l’étant comme tel en totalité prit son véritable depart, on nomait l’etant fusis. p21.
fusis chỉ sự trì ngự của cái mở phơi, khai lộ, và cái trì cửu tại tồn bởi sự trì ngự đó. Trong cuộc trì ngự kia, cuộc trì ngự kéo dài trong giữa lòng vạn hữu mở phơi, ta còn thấy bao hàm cả ý nghĩa của biến dịch và bất biến (hắng thể lưu tồn) hiểu theo nghĩa hẹp của sự trì cửu bất động.
fusis désigne la perdominance de ce qui s’épanouit, et le demeurer (Wahren) per-dominé (durchwaltet) par cette perdominance. Dans cette perdominance qui perdure dans l’épanouissment se trouve inclus aussi bien le “devenir” que “l’être” au sens restreint de persistance immobile p.23.
Người Hy lạp đã không khởi đầu bằng cách y cứ vào các hiện tượng tự nhiên để thể hội fusis mà trái lại chính nhờ y cứ vào nền tảng của một thể nghiệm căn cơ trầm tư thơ mộng về Tồn Lưu mà họ thấy khai mở trước mắt họ cái mà họ gọi là Phusis fusis.
Les Grec n’ont pas commencé par apprendrre des phénomènes naturels ce que c’est la fusis , mais inverssement: c’est sur la base d’une experience fondamentale poétique et pensante (dichtend-denkend) de l’être, que s’est ouvert à eux ce qu’ils ont du nommer fusis. p.22
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
(Thôi Hiệu – Tản Ðà)
Vũ trụ đã được người xưa quan chiêm trong viễn tượng mênh mông, như là sự đấu tranh và hoà điệu vĩnh cửu giữa hai thế lực đối kháng của hai nguyên lí âm và dương, và con người Tại thể (Dasein) đứng ra làm băng nhân cho cuộc hôn phối giữa đất trời theo thể điệu Tam tài.
Trăng lên trong lúc đang chiều
Gió về trong lúc ngọn triều mới lên
(Huy Cận)
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
(Kiều – Nguyễn Du)
Ðó là linh hồn Phusis mở phơi, và tâm hồn kẻ tài hoa mở rộng để đón nhận những viễn tượng kì diệu của Thiên Nhiên trong bóng vàng khói biếc, trong ngọn triều lên. Tại phương Tây, chính Ki tô giáo đã đem bi kịch của linh hồn thay thế cho sự trầm tư về thiên nhiên và vũ trụ, đến độ Albert Camus phải than thở: “Kể từ Dostoievski về sau, chúng ta luống công tìm kiếm phong cảnh thiên nhiên trong văn chương lớn của Âu châu”[2].
Khi ngôn ngữ La tinh dịch từ Hy lạp Phusis thành Natura thì ý nghiã nguyên thuỷ của nó đã bị đánh mất hoàn toàn. Natura trong ngôn ngữ La tinh có nghiã là “sinh ra”, “sự sản sinh”. Và chính trong cuộc diễn dịch ra ngôn ngữ La tinh đó, người ta đã làm chuyển hướng nội dung nguyên thuỷ của từ trong tiếng Hy lạp khiến cho sức mạnh hoán gọi chân chính mang tính triết lí cuả nó đã bị phá vỡ.
On utilise la traduction latine natura, ce qui signifie proprement “naitre”, “naissance”. Mais, par cette traduction latine, on s’est déjà détourné du contenu originaire du mot grec fusis, l’authentique force d’appelation philosophique du mot grec est détruite. p21.
Cuộc diễn dịch từ tiếng Hy lạp sang La tinh tưởng chừng như vô hại đó lại khởi đầu cho một tiến trình khép kín co ro trong vỏ ốc, tiến trình tha hoá xa lạ với tố chất cấu thành nên tinh thể tinh yếu uyên nguyên trong triết học Hy lạp.
Cette traduction du grec n’est indiférente ni anodine, c’est au contraire la première étape du processcus de fermeture et d’anéliation de ce qui constitue l’essence orginaire de la philosophique grec. p22
Cách diễn dịch đầy tai hại từ tiếng Hy lạp ra La tinh đó (không chỉ mỗi một từ fusis mà còn rất nhiều từ thiết yếu khác của nền triết học Hy Lạp ban sơ) về sau này lại chi phối Ki tô giáo và thời Trung cổ Ki tô giáo. Rồi triết học hiện đại phương Tây dùng các khái niệm đó để suy diễn và lãnh hội buổi ban sơ của triết học phương Tây, và cứ ngỡ rằng mình đã vượt xa tổ tiên, và cái cỗi nguồn ban sơ huyền bí kia được xem như cái gì đó đã bị bỏ qua lại đàng sau từ lâu lắm!
La traduction romaine fit ensuite autorité pour la christianisme et le Moyen Age chrétien….. Ce commencement est considéré comme quelque choses que les gens d’aujourd’hui sont censés avoir dépassé et laissé depuis longtemps derrière eux p21.
Cái suối nguồn Hy lạp uyên nguyên thăm thẳm kia đã bị sương giăng u ám không còn ai nhìn rõ chân dung, luôn ngóng vọng về cõi ban sơ phương Ðông để tìm chút hoà âm vọng hưởng. Mãi đến nửa cuối thế kỉ 20, triết gia Heidegger mới chậm rãi chỉ ra sự sai lầm tai hại của mấy ngàn năm triết học phương Tây và nỗ lực mở ra một cuộc hội thoại chân chính với phương Ðông. Trong khi đó tại phương Ðông, trừ một vài nhân cách đặc biệt, các thức giả, do choáng váng trước nền khoa học phương Tây, lại vội vã vất bỏ tất cả kho tàng minh triết phương Ðông, hối hả chạy theo các trào lưu triết học vong bản phương Tây và cứ cho rằng mình tiên tiến lắm!
Quay về với phương Ðông, bàn về thiên nhiên, bàn về lẽ biến hoá của vũ trụ, có lẽ không gì bằng kinh Dịch. Bản thân chữ Dịch 易, gồm hai chữ nhật 日 và nguyệt 月 (dạng biến thể) ghép lại. Chữ nhật (mặt trời) tượng trưng cho sự bất biến và nguyệt (mặt trăng) tượng trưng cho sự biến dịch, đổi thay. Cho nên trong chữ Dịch ngoài nghĩa là biến dịch, thay đổi vẫn hàm ý sự bất biến nữa. Trong thiên nhiên, giữa lòng thác đổ của vạn hữu, giữa dòng sinh sinh hoá hoá vô tận của Thệ giả như tư phù! Bất xả trú dạ (Khổng Tử), vẫn có một cái làm chủ tể cho mọi biến dịch, làm nền tảng cho mọi thay đổi của sum la vạn tượng như là pháp tắc thường hằng. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì trong lưu chuyển giới vẫn tồn tại một Niết bàn giới thường hằng bất biến[3].
Và Phusis lại chính là Être, nhờ đó mà vạn hữu trở nên quán sát được và và duy trì được khả năng có thể quán sát đó. La fusis est l’être même, grâce auquel l’étant devient observable et reste observable. p.22
Être (Sein, Being) thường được dịch là Hữu thể, Chân tính, Tính thể, Hằng thể v.v.. nhưng các từ đó thường bị ngộ giải theo các phạm trù triết học phương Tây, nên vẫn thiếu sắc thái linh động cần thiết để diễn tả được những gì hàm ẩn trong Être. Có lẽ Tồn Lưu là từ hay nhất để diễn dịch khái niệm này. Tồn có nghĩa là tồn tại, nhưng độc đáo nhất vẫn là chữ Lưu. Viết Tồn Lưu theo tiếng Hán thì lại không đúng như nghiã trong tiếng Việt. Nếu viết lưu theo nghĩa lưu chuyển, lưu động, luân lưu thì chỉ sự trôi chảy, chuyển động, linh hoạt, nếu viết theo nghiã lưu trụ, lưu thủ thì lại hiểu theo nghĩa tồn lập, trì tồn (demeurer). Trong tiếng Hán chỉ có thể viết được chữ Lưu bằng một trong hai cách. Bản thân chữ Lưu trong từ Tồn Lưu tiếng Việt lại hàm hỗn mang được ý nghĩa của cả hai í trên. Ấy chính là nội dung của Dịch, của fusis vậy.
Ông Suzuki khi bàn về thế giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại pháp giới, một thế giới chỉ có thể kiến chiếu bằng trực giác tâm linh, đã nói:
” Trực giác tâm linh…. là thời gian mà cũng là không gian, nó động với thời gian động, nó trụ với không gian trụ; lúc nào nó cũng chớp nhoáng, cũng thoát trôi, cũng “chuyển” mà không hề lìa chỗ ban sơ, vẫn “hằng”…. Hằng mà chuyển: chừng như nó đứng im một chổ, vĩnh viễn trụ ở hiện tiền mà vẫn lưu chuyển không ngừng, từng phút trong giờ từng giây trong phút”[4].
Nhìn trên một bình diện khác, đoạn văn trên của ông Suzuki xem như một đoạn chú giải về fusis của Heidegger và Tồn Lưu của Bùi Giáng!
Chính ông Bùi Giáng cũng nói:
“Ngoài tiếng Tồn Lưu ra quả thật tôi chẳng thể nào gẫm ra một tiếng nào thơ ngây khác khả dĩ nhiếp dẫn được một dòng tương ứng giữa hai bờ hai cõi hai vũ trụ hai thời gian… Tiếng nào khác thảy thảy đều vướng vào một cái khối ù lì nào đó. Thực thể, Tồn thể, Thể tính, Chân tính… vân vân… đều không lung linh bài động ôn tồn cho một dòng phi tuyền khả dĩ thành tựu một cuộc Trùng Phúc Qui Hồi có tính khơi dẫn một mạch ngầm đã bị vùi lấp từ trên hai ngàn năm” [5]
Từ Phusis trong buổi bình minh tư tưởng Hy lạp đến Tồn Lưu của Bùi Giáng có khoảng cách của mấy ngàn năm triết học, nhưng chúng lại tương ứng một cách vô cùng tinh diệu và khai mở lại một thông đạo để thế hệ mai sau có thể tìm về với cõi Hi Lạp Sơ Nguyên và Ðông Phương Sơ Thủy.
Tái bút: Tôi viết bài này do cảm hứng về hai chữ Tồn Lưu khi gần đây đọc lại tập Sa mạc trường ca của Bùi Giáng. Tôi xin ghi lại bài thơ mà tôi ngẫu hứng làm sau khi đọc xong tác phẩm, để mong cùng bạn đọc chia sẻ cảm hứng khi cơ duyên run rủi tìm đọc được những tác phẩm của Bùi Giáng cùng những bài viết về ông trong khắp cõi bể dâu.
Cảm ứng Sa Mạc Trường Ca 感應沙漠長歌
Lao tâm khổ tứ mịch Lưu Tồn, 勞心苦思覓流存,
Lão chí phương tri tổng thị không.[6] 老至方知總是空.
Huy thủ thi thành lưu diệu ngữ, 揮手詩成留妙語,
Trường ca sa mạc nhậm phiêu bồng. 長歌沙漠任飄蓬.
Bình nguyên cô nguyệt ưng hồi chiếu, 平原孤月應回照,
Châu thổ hàn sương quyện lữ hồn. [7] 州土寒霜倦旅魂.
Tiếu mạo tại thiên nan vấn tấn, 笑貌在天難問訊,
Bệnh Duy Ma Cật tiện vô ngôn. 病惟魔詰便無言.
________________________________________

[1] Introduction à la Métaphysique, p.22. Tất cả các đoạn Pháp văn trong bài viết ngắn này đều được trích dẫn từ cuốn Introduction à la Métaphysique của Heidegger, qua bản dịch của G.Kahn, NXB Epiméthé, 1958. Các đoạn văn trích đó đều được dịch và diễn giải đầy đủ thông qua các đoạn văn khơi dẫn.
[2] Sương tỳ hải, NXB An Tiêm, tr.46
[3] Ðại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Kimura Taiken, Thích Quảng Ðộ dịch, Tu thư Vạn hạnh 1969, tr. 200
[4] Cốt tuỷ của đạo Phật, Suzuki, Trúc Thiên dịch, nxb An Tiêm, 1968, tr. 120
[5] Thuý Vân và Tam hợp đạo cô, nxb Quế Sơn, 1969, tr.63
[6] Thơ Bùi Giáng : Báo đêm thao thức thật thà, Sưu tầm chân lý té ra tầm ruồng
[7] Sương bình nguyên và Trăng châu thổ là tên hai tác phẩm đặc dị của Bùi Giáng bàn về thi ca và tư tưởng.

 

NẮNG CHIÊM BAO

Kỷ niệm 6 năm ngày mất
TRỊNH CÔNG SƠN –
(1.4.2001 – 1.4.2007)

HUỲNH NGỌC CHIẾN

Hôm nay tôi lại viết về anh, không phải để viết về một nhạc sĩ được đời hết lời xưng tụng, mà chỉ ghi lại những cảm xúc mơ hồ chợt đến chợt đi để, qua âm nhạc của anh, nhớ lại những thương yêu ngậm ngùi cùng tình yêu của một thời đã mất. Tôi yêu nhạc anh chỉ vì nó đã gắn liền với những tháng ngày thương yêu đẹp nhất trong đời.
Thời gian qua, nước dưới chân cầu cứ chảy, và con người ngậm ngùi bao xiết, khi “nhìn lại mình đời đã xanh rêu”. Thời gian và tình yêu! Thời gian và vĩnh cửu! “Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại”. Ngày tháng nào? Vienne la nuit sonne l’heure, Les jours s’en vont je demeure! (G.Appolinaire). Đêm đã về, tiếng chuông đã ngân vang, ngày tháng cứ trôi đi và ta còn ở lại. Ở lại với những kỷ niệm đã thành tượng giữa thời gian. Và những kỷ niệm đó sẽ mãi mãi thắp sáng trong tâm hồn con người ngọn lửa tinh khiết thiêng liêng mà thời gian trôi qua, bão giông đời vẫn không làm cho tắt được. Nghe lại nhạc anh, tôi như thấy lại một thời hoa nắng đã trôi vào cõi “xa lắc muôn trùng”, nơi mà tuổi trẻ của chúng tôi, một thời, cứ trôi bồng bềnh như những đám mây vô định. Với tình yêu và thân phận làm người.
Nói về nhạc anh, đúng hơn là ca từ của anh, là người ta nói đến nắng, như nói về thơ Hàn Mặc Tử là người ta nói đến trăng. Nắng và Trăng. Nắng mênh mông của nhạc và Trăng huyền ảo của thơ. Tôi cũng muốn nói đến nắng, nhưng không phải là nắng của “Nắng thủy tinh”, của “Như cánh vạc bay” hay của “Hạ trắng”…vì tôi cảm nhận được rằng những nắng đó, trong ca từ của anh, không thể và không bao giờ là nắng thực, mà chỉ là một thứ ánh sáng ảo huyền trong cõi mộng. Nắng chiêm bao!
“Từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ, ôi những giòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa”. Tôi dù chưa từng được nghe một lời thề hẹn, những vẫn thấy được bao mất mát ngậm ngùi, khi có những “dòng sông nhỏ” cứ trôi qua đời mình để rồi khuất chìm trong những bờ bến xa xôi.
“Môi nào hãy còn thơm cho ta phơi cuộc tình, tóc nào hãy còn xanh cho ta chút bình yên”. Thuở đó, còn bao mái tóc xanh và những nụ môi hồng, nhưng không cho tôi “chút bình yên” nào cả, mà chỉ đem lại bao nhiêu là hoang mang bối rối, bao nhiêu là cuống quít ngại ngần. Phương trời xưa sao lại có quá nhiều gió lạnh, khiến sương đêm cứ phủ ướt bờ vai của kẻ lang thang trong những đêm rất khuya của một thị trấn buồn tênh, để đi tìm hoài một bóng hình đã biền biệt, như ”bóng chim cuối đèo”. “Đôi khi nắng qua phố xưa làm tôi nhớ, đôi khi có mưa giữa khuya, hồn tôi bỗng vu vơ”. Con phố xưa vẫn còn đó. Như hình tượng cây đa bến đò trong tiếng ca dao. “Đôi khi nắng qua phố xưa làm tôi nhớ, đôi khi bỗng nghe bước chân về đâu đó của em”. Bước chân nào? Không có bước chân nào ngoài chính tiếng bước chân tôi cứ từng đêm lại vang âm thầm trên những con phố nhỏ. Và những bước chân đó cứ vang vọng mãi trong tôi như những kỷ niệm dấu yêu của một thời trẻ dại.
“Đôi khi ta lắng nghe ta, nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá, hồn ta gió cát phù du bay về”. Gió khuya rất lạnh, làm giá buốt thêm nỗi cô đơn. Thuở vào đời, khi yêu một người, dường như tôi không thật sự yêu một con người, mà yêu hình bóng do chính tôi tạo ra về người đó. Tôi chỉ muốn, qua tình yêu, chạy trốn nỗi cô đơn của thời mới lớn và đi tìm sự thăng hoa để hướng trái tim của tuổi thanh xuân về với Vô Biên và Tuyệt Đích. Em là biểu tượng của ngàn đời xa vắng, em là tiếng ca đã biền biệt muôn trùng, để rồi hóa thân thành khói thành mây, thành hòn đá cuội nằm lẻ loi bên dòng sông vu vơ chảy, rồi hóa thành “sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi”. Đã có những sợi tóc nào bay trong trí nhớ mơ hồ? Và tôi đã tìm được điều này trong ca từ của anh. “Sợi tóc em bồng, trôi nhanh trôi nhanh, ôi giòng nước hiền, ngày chủ nhật buồn …”. Tất cả đều bồng bềnh hư ảo, như giai điệu của một phúc âm buồn. “Gọi nắng cho tóc em dài đường xa áo bay, nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say …. Gọi em cho nắng chết trên sông dài”. Con sông quê tôi cũng dài lắm, và đã bao chiều tôi say đắm ngồi nhìn bóng chiều chết lịm trên những hàng sưa để nghe ”Xin đứng yên trong chiều lao xao từng bóng hoàng hôn, Xin đứng yên trong chiều treo tình trên chiếc đinh không ….”. Ánh chiều tím thoi thóp trên những cánh sưa vàng, trông mênh mông và ảo huyền như tình yêu của tuổi trẻ. Tình yêu, trong âm nhạc anh, đã biến cõi đời thành một cõi mộng huyền ảo, mà mãi đến hôm nay, tôi vẫn đi với mái tóc nhuốm sương mà vẫn không tìm được bờ bến nơi đâu.
Một đêm, lang thang trên phố khuya về, tôi hát nhạc anh để tìm Tình Yêu trong tiếng Guitar, và ghi vào nhật ký ở tuổi 16 : “Không có tình yêu, cuộc đời bỗng như sa mạc và ta như tên du tử run sợ trước những cơn thịnh nộ của đất trời”! Ơi, thương và nhớ biết bao nhiêu là cái tuổi 16 thần tiên vụng dại. Rồi nằm mộng thấy mình như tan đi trong cõi hư không ngập tràn ánh nắng. Nắng đó không “hồng như đôi môi em”, màu nắng đó cũng không phải là “màu mắt em” mà là một màu nắng rất lung linh huyền ảo. Và từ đó, tôi nghe đời mình như cứ mãi trôi đi trong màu nắng ấy, một màu nắng rất dịu dàng và rất buồn giữa một cõi chiêm bao!

 

ĐỖ HỒNG NGỌC

HUỲNH NGỌC CHIẾN

Trước 1975, là một bác sĩ nhi khoa, nhưng anh vẫn nổi tiếng với tư cách là thi sĩ : nhà thơ Đỗ Nghê. Những thập niên sau 1975, anh lại được biết đến như vị thầy của nhiều bác sĩ. Nhưng giờ đây, khi nhắc đến tên anh thì một Đỗ Hồng Ngọc thuộc loại “trưởng lão” của y khoa miền Nam dường như có phần lu mờ dưới một Đỗ Hồng Ngọc – nhà nghiên cứu Phật giáo, đặc biệt là Thiền! Tạo vật hà như đồng tử hý!
Không biết vào thời điểm nào và do cơ duyên nào mà anh gác việc chẩn đoán thân bệnh của nhi đồng để chuyển sang chẩn đoán tâm bệnh cho thiên hạ. Từ y đàn anh bước sang văn đàn nhẹ nhàng như môn Yến Song Phi của Hồng Thất Công. Những bài viết của anh nhanh chóng nổi tiếng trên văn đàn, và ảnh hưởng của chúng cũng nhanh chóng lan rộng khiến người đọc quên đi mất một nhà thơ Đỗ Nghê hay một bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Chưa bao giờ câu “le style, c’est homme” lại đúng như thế đối với Đỗ Hồng Ngọc. Với anh, văn đúng là người. Ở ngoài đời, anh trầm ổn túc mục, nhưng lại bình dị, giống như văn anh vậy. Loại văn chương đó luôn mang hơi thở nhẹ nhàng của cuộc sống, tức cái “bình thường tâm thị đạo” của thiền sư Nam Tuyền, mà anh luôn muôn biểu đạt trong các tác phẩm của mình. Tất cả những gì anh viết đều là những điều sở đắc từ trải nghiệm của bản thân nên luôn có Cái Riêng của một Đỗ Hồng Ngọc. Mà trong văn chương nghệ thuật thì chính Cái Riêng đó mới thực sự giá trị, và là cái làm cho một tác giả luôn được là mình. Nói một cách khệnh khạng thì đó là cái “sở dĩ vi” của một tác giả.
Tôi với anh có chút duyên thơ ca. Nên mỗi khi đọc xong mỗi cuốn sách anh tặng, hoặc đọc một bài viết nào đó của anh là tôi hay làm thơ để đùa. Sau khi đọc cuốn Gươm Báu Trao Tay bàn về Kinh Kim Cương của anh, tôi gởi hai bài để đùa anh:
Tưởng đã ưng vô sở trụ,
Rong chơi tâm ý siêu nhiên,
Em phô xác thân tứ đại,
Hoang mang rớt cả gậy Thiền.

*
Mấy pho ngữ lục Thiền tông,
Đọc mòn con mắt cũng không thấy Thiền.
Nhìn em xỏa tóc bên hiên,
Khiến ta đại ngộ, hoát nhiên, mới kỳ!
Tôi bảo có thể anh đã “ưng vô sở trụ”, có thể tâm ý đã du hý phiêu bồng, còn tôi thì đành chấp nhận “hoang mang rớt cả gậy Thiền.” Anh đọc xong, cười tôi ba lơn.
Khi nhận được cuốn “Nghĩ Từ Trái Tim” của anh tặng, tôi viết một bài đăng báo Giác Ngộ, chọc anh là “một người không xuất thân từ chốn thiền môn, quanh năm không hề rau dưa kinh kệ, mà lại ‘dám’ theo chân chư Tổ để khám phá thêm những ẩn ngữ của Tâm kinh!”, rồi làm câu thơ đùa :
Chắc chi thiên hạ đời nay,
Mà đem Bát Nhã làm rầy Tâm Kinh?
Đọc bài Hãy Từ Bi Với Chính Mình của anh, tôi lại làm thơ đùa :
Anh từ bi với chính mình,
Em từ bi với cuộc tình ngẫu nhiên.
Anh bày thiên hạ tu thiền,
Em vui với cõi thiền quyên phiêu bồng.
Dám xin hỏi bác Đỗ Hồng
Ngọc! Thiền so với má hồng đâu hơn?
Anh làm hai câu trả lời :
Bởi anh không được như em,
Nên lòng ấm ức muộn phiền bấy lâu!
Có lẽ đó là một trong những lần hiếm hoi mà anh làm thơ đùa. Anh ít đùa bởi có lẽ do anh mắc một “khuyết điểm” trầm trọng là không hề biết nhậu! Uống cà phê với anh giống như ngồi bàn Dịch Cân Kinh với Phương Chứng đại sư của Tiếu Ngạo Giang Hồ! Bởi vậy, chắc suốt đời, tôi không thể nào có dịp cùng anh Lai Rai Chén Rượu Giang Hồ.
Hôm 05-07-2020, anh ra mắt cuốn Để Làm Gì tại văn phòng nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM, tôi và một người bạn có đến dự. Khi được mời phát biểu, tôi toan nhắc lại câu : “Dám xin hỏi bác Đỗ Hồng, Ngọc! Thiền so với má hồng đâu hơn?” để “làm khó” anh chơi, nhưng lại thôi, vì nghĩ đây là vấn đề “lưu hành nội bộ”, nên chuyển qua đề tài khác!
Và có lẽ cho đến tận bữa nay, anh vẫn còn nợ tôi một câu trả lời cho thiệt chuẩn. Mà câu trả lời đó phải là một bài thơ của nhà thơ Đỗ Nghê viết giùm cho nhà nghiên cứu Đỗ Hồng Ngọc!

Huỳnh Ngọc Chiến
21.7.2020

 

TẢN MẠN CÙNG “NGHĨ TỪ TRÁI TIM”
VỚI ĐỖ HỒNG NGỌC

HUỲNH NGỌC CHIẾN

Thật khó lòng tưởng tượng khối năng lượng khổng lồ được giải phóng từ hai quả bom nguyên tử kinh người tại Hiroshima và Nagasaki lại bắt nguồn từ công thức vật lý chỉ có vỏn vẹn năm ký tự E=mc2. Cũng thế, thật khó lòng tưởng tượng toàn bộ khối kinh sách đồ sộ trong hệ tư tưởng Bát nhã Phật giáo, nói về trí huệ siêu việt thượng thừa thù thắng làm kinh động tất cả tam thiên đại thiên thế giới, lại bắt nguồn và được khoáng diễn từ một chữ KHÔNG, rồi lại được cô đọng trong bài Tâm kinh chỉ vỏn vẹn có 260 chữ. Đủ thấy bản thân mỗi chữ trong Tâm kinh đều hàm ẩn một dạng năng lượng khổng lồ E=mc2 như thế nào rồi! Diệu dụng của chữ KHÔNG thật vô bờ bến.
“Sắc bất dị Không, Không bất dị sắc; sắc tức thị Không, Không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị. Xá-Lợi-Tử! Thị chư pháp Không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố Không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý-thức-giới, vô vô-minh diệc, vô vô-minh-tận, nãi chí vô lão-tử, diệc vô lão-tử-tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc”.
Toàn bộ thế giới vật lý và tâm lý với lục căn, lục trần, lục thức, cho đến thuyết Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên nền tảng của Phật giáo đều bị quét sạch trong cơn lốc phủ định toàn triệt của hai chữ BẤT và VÔ. Bởi vậy, không ngạc nhiên gì khi chư Phật không ngớt khuyến cáo thính chúng đừng sợ hãi khi nghe thuyết giảng kinh Bát Nhã. Không kinh hãi sao được khi mà mọi chỗ an tâm lập mệnh, mọi sở trú của con người đều bị phủ định vì “Tứ đại giai không, ngũ uẩn phi hữu” và con người dễ có cảm giác như bị rơi tõm vào cõi hư không mù mịt giữa cõi Ta bà?
Thế nhưng, phủ định toàn triệt là thể cách vi diệu để đưa đến sự khẳng định toàn triệt trong cảnh giới tự do tuyệt đối. Tuy Chân Không mà lại là Diệu Hữu. Có lẽ để hậu thế dễ tiếp cận hơn với tư tưởng KHÔNG, nên toàn bộ kho tàng kinh sách Bát Nha khổng lồ, đặc biệt là 600 cuốn Đại Bát Nhã, đã được cô đọng trong bản Tâm kinh. Chung quanh Tâm kinh vẫn luôn là những huyền thoại với những năng lực siêu nhiên cùng với bước chân hành hương của nhà chiêm bái vĩ đại Huyền Trang, hiểu theo nghĩa nó là “đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư”. Tâm kinh vẫn mãi mãi là một huyền án đối với những ai quan tâm đến Phật học và luôn chờ những lời chú sớ. Trong tác phẩm “Thiếu Thất lục môn”, mà theo tương truyền là của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, có chú giải về bản Tâm kinh này, với cửa thứ nhất là “Tâm kinh tụng”. Muốn vào được động Thiếu Thất phải lọt qua cửa ải Tâm kinh. Song bản chú giải “Tâm kinh tụng” theo kiểu bình tụng trong “Thiếu Thất lục môn” cũng khó hiểu như nguyên bản cần được chú giải bởi vì chư Tổ giải minh Tâm kinh từ cảnh giới giải thoát bất khả tư nghì của mình, khiến những độc giả sơ cơ như chúng ta khó lòng tiếp cận. Đó là cách đem ẩn ngữ trùm thêm lên ẩn ngữ, khiến cho nó càng “huyền chi hựu huyền”, nên xưa nay nhiều Phật tử thường chỉ học thuộc lòng suông Tâm kinh với thái độ “kính nhi viễn chi ”. Nói đúng ra là chư Tổ không muốn phu diễn (vulgariser) nội dung Tâm kinh bằng ngôn ngữ quy ước trong thế giới khái niệm. Các ngài không chú giải Tâm kinh mà chỉ ghi lại kinh nghiệm thực chứng của mình từ Tâm kinh bằng những lời bình tụng, cũng như người xưa thích “chú giải” một bài thơ bằng cách làm một bài thơ khác! Đây là thể cách thường thấy trong lịch sử văn hóa phương Đông, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Chỉ khi nào đạt đến cảnh giới của chư Tổ, chúng ta mới mong chia sẻ kinh nghiệm của các ngài qua các lời bình tụng đó, vì trong thực tế lắm khi do sự bất toàn của ngôn ngữ quy ước, lời bình chú dễ vướng vào vấn nạn “démystifier pour mieux mystifier” , theo Dominique Duvivier, nghĩa là muốn giải thích rõ ràng một sự việc thì ta lại càng làm cho nó trở nên khó hiểu. Theo cách nói của ngôn ngữ Thiền tông, đó là “Tuyết thượng gia sương” (Trên tuyết lạnh lại đổ thêm sương).
Trong giới Thiền tông, dường như chỉ có Thiền sư Động Sơn Lương Giới, khai tổ tông Tào Động, mới đặt ra nghi vấn về nội dung Tâm kinh. Ngữ lục Thiền tông ghi lại rằng thuở nhỏ, sư theo thầy tụng Tâm kinh đến câu “vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý ”, sư chợt lấy tay sờ lên mặt mà hỏi thầy:
– Con có đầy đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, cớ sao trong kinh nói là không?
Vị bổn sư lấy làm kinh ngạc, bảo:
– Ta chẳng phải thầy của ngươi.
Và giới thiệu sư đến núi Ngũ Tiết làm lễ xuất gia với Thiền sư Linh Mặc.
Câu hỏi của Thiền sư Lương Giới là cách trì tụng Tâm kinh đúng nghĩa, vì sư không muốn nắm bắt huyền nghĩa Tâm kinh bằng khái niệm. Hôm nay, có một người không xuất thân từ chốn thiền môn, quanh năm không hề rau dưa kinh kệ, mà lại “dám” theo chân chư Tổ để khám phá thêm những ẩn ngữ của Tâm kinh. Đó là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc với tác phẩm “Nghĩ từ trái tim” qua lời tự bạch:
“Tác giả viết cuốn này là để tự chữa bệnh cho mình và cũng giúp cho vài bạn bè trang lứa, đồng bệnh tương lân. Cái nhìn về Tâm kinh trong Nghĩ từ trái tim là cái nhìn của một người thầy thuốc, một bác sĩ, có thể rất khác với những người khác và mong được chia sẻ” (Lời cuối sách).
Có lẽ nhờ vậy mà người đọc dễ dàng bị cuốn hút bởi những suy nghĩ nhẹ nhàng không nặng về học thuật. Tâm kinh, qua cái nhìn của một thầy thuốc với những kinh nghiệm hành trì thực sự, bỗng nhiên trở nên nhẹ nhàng dễ hiểu. Nó hòa nhập và mang hơi thở bình dị của cuộc sống đời thường một cách thật dễ dàng. Theo lời tâm sự trong sách, tác giả đã “ngộ” ra Tâm kinh sau một cơn đau thập tử nhất sinh. Do thân bệnh mà thấy được tâm bệnh. Nhờ chữa bệnh của thân mà chữa luôn được bệnh của tâm. Quả là một cơ duyên hy hữu để thể nghiệm được cảnh giới “Tuyệt hậu tái tô” trong cõi “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan phùng”. Tôi cảm nhận được rất rõ điều này khi đã một lần tìm về cõi Sinh từ cõi Tử. Lúc đó, chỉ có những gì giúp ta một mình đối diện với cái chết bằng tinh thần vô úy mới thực sự có ý nghĩa, ngoài ra ta sẽ thấy tất cả mọi thứ trên đời đều vô nghĩa và phù phiếm. Tâm kinh có lẽ là một hành trang cần có cho chúng ta trên đường về cõi Chết, một khi ta cảm nhận được rằng “vô lão-tử diệc vô lão-tử-tận”. Tôi tin rằng tác giả “Nghĩ từ trái tim” phải có những kinh nghiệm nhất định khi trì tụng Tâm kinh mới có thể viết được những trang sách bình dị mà sâu sắc đó.
“Tâm kinh ở đây là một loại” chân kinh” cần phải được rèn luyện, thực tập, thực hành, thực chứng… chớ không lý thuyết suông, không để học hỏi tụng niệm thuộc lòng…” (tr.19).
Mọi thứ văn chương biên khảo với tất cả các ngôn ngữ quy ước đều phù phiếm và bất lực, một khi nó không dựa trên kinh nghiệm thực. Huống gì là lời bình giải cho bản Tâm kinh. Lúc đó kiến thức sẽ nhường bước cho kinh nghiệm và sự hành trì. Tôi ghi nhận điều này qua bài viết “Ngã ba ngôn ngữ”, và biết bài viết của chính mình vẫn chứa quá nhiều yếu tố bất toàn về ngôn ngữ, nên đã có lần nói với anh: “Có lẽ mọi ngôn ngữ quy ước đều bế tắc. Có khi viết nghiêm túc một cách cà rỡn như Bùi Giáng hoặc viết nhẹ nhàng như anh mà lại hóa hay”. Nghĩa là cứ viết bằng sự cảm nhận những điều tưởng chừng huyền mật từ hơi thở bình dị của cuộc sống đời thường. Tác giả Đỗ Hồng Ngọc phần nào đã làm được điều này, theo cách của riêng anh.
Đọc Tâm kinh, “hành thâm Bát nhã” suy cho cùng cũng chỉ là cách học tập để an trú trong cõi đời bằng một thể cách khác. Cực lạc cũng là đây mà A-tỳ-địa-ngục cũng chính là đây. Thử hỏi trong đời có gì xấu xí bằng hình ảnh ngọ ngoạy của con sâu, và có gì đẹp bằng hình ảnh phất phới bay của con bướm màu sặc sỡ? Nhưng hai con chỉ là một từ trong bản chất. Đó là điều huyền mật nhất giữa trần gian. Sinh tử hòa nhập với Niết bàn, tội lỗi trộn lẫn với thanh cao, giác ngộ ẩn tàng trong vô minh, bóng tối chan hòa cùng ánh sáng, tất cả đều chỉ là một. Đáo bỉ ngạn là vượt qua sông để đến với bờ bến bên kia. Bên kia là Bồ đề, là giác ngộ. Nhưng đến bờ bến bên kia là để trở lại bên này, và:
“… làm cách nào thực hiện được Tâm kinh trong đời sống hàng ngày của một người bình thường, giúp họ thay đổi thái độ, có cái nhìn mới mẻ về cuộc sống, về cõi người, về vũ trụ và nhờ đó thấy cuộc sống đẹp hơn, quý giá hơn, sống có trách nhiệm hơn với thiên nhiên, với đời, với người, với bản thân…; làm việc hiệu quả và năng suất cao hơn, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi thành viên… (tr.34-35)”.
Cuốn “Nghĩ từ trái tim” được tái bản đến lần thứ tám, một điều cực kỳ hiếm hoi đối với một cuốn sách dạng biên khảo, khi mà cái học thực dụng thô thiển đã biến sự đơn bạc về tình cảm, sự hời hợt trong tư duy trở thành một nét đặc trưng đau xót trong xã hội hiện nay. Nhưng khi đọc xong thì tôi hiểu. Văn chương thực chưa chắc đã hay, nhưng văn chương muốn hay thì phải thực. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không suy nghĩ từ khối óc mà “nghĩ từ trái tim”. Tất cả những gì anh viết đều là những điều cảm nhận từ kinh nghiệm hành trì của bản thân, cũng như từ những suy tư bình dị và chân thành của trái tim. Mà những gì phát xuất từ trái tim chân thực đều dễ dàng đi vào tận trong sâu thẳm lòng người.

Huỳnh Ngọc Chiến
Nguồn: Trang Nhà Huỳnh Ngọc Chiến

 

MỘT CHÚT LÁ RƠI

HUỲNH NGỌC CHIẾN

Từng ngày, từng ngày qua, chúng ta như một lữ khách đi trong cõi đời, thỉnh thoảng ghi vội vàng và vắn tắt những điều nho nhỏ và bình dị giữa cuộc sống : một đứa bé chào đời, một cuộc gặp gỡ tình cờ, một chiếc lá rơi, một cuộc chia ly, một nỗi buồn bất chợt. … Ghi lại như một một vài ký chú nho nhỏ trong một trang nhật ký. Như một dấu mốc vu vơ nào đó trên con đường đời, rất dài mà cũng có thể là rất ngắn. Và những dòng chữ không cần dụng công đó –ngay trong cả những dòng thơ ghi lại những điều thương nhớ ngậm ngùi – lại vang lên giai điệu nhẹ nhàng của thơ ca, nhẹ nhàng như hơi thở, vì nó mang rất nhiều hơi thở của cuộc sống.
Đọc tập thơ “Thư cho bé sơ sinh” của bác sĩ Đỗ HồngNgọc, tôi có cảm giác đó. Như đọc một tập nhật ký bằng thơ, qua lối viết bình dị với những con chữ rơi nhẹ nhàng. Như bông tuyết:
Tuyết bay
Bay nhẹ
Phố Tàu

Gió co
Ro lạnh
Phố đìu hiu
Theo (Tuyết)
Đó là tuyết rơi trong đôi mắt của một người muốn mơ màng nhìn đời qua một trang cổ tích:
Em đi lạc
Giữa đường quen
Còn anh
Đi lạc
Giữa
Ngàn năm
Xưa …(Đi lạc)
Tuyết rơi hay lá rơi?
Lá chín vàng
Lá rụng
Về cội

Em chín vàng
Chắc rụng
Về anh …(Lá)
Nhưng những vần thơ anh viết cho đứa con gái đã nằm xuống đã khiến tim tôi nghe đau nhói :
Mỗi năm
Mỗi người
Thêm một tuổi

Chỉ mình con
Mãi mãi
Tuổi đôi mươi …
Biết bao nhiêu ngậm ngùi trong những câu thơ đó? Chỉ một mình con mãi mãi tuổi đôi mươi! Một phần đời của người cha đã chôn vùi trong lòng đất, và trong nước mắt, nấm mồ con còn tươi mãi tuổi thanh xuân.
Ba dạy con
Mỗi ngày
Một chút

Không bài học nào
Như ba đã học
Nỗi mất!
Anh có làm thơ đâu? Anh đang ngồi tâm sự. Với chính mình, với đứa có gái yêu muôn đời vẫn “mãi mãi tuổi đôi mươi! Những vần thơ bình dị, quá đỗi bình dị kia nghe mênh mang một nỗi đau rưng rức. Dường như chính những điều bình dị nhất của thơ lại dẫn con người đi vào những cảm xúc mênh mông nhất. Nhưng những nỗi đau, những sự mất mát trong đời có khi là cơ duyên để ta hiểu cuộc đời hơn. Sau một lần nằm bệnh, có lẽ anh đã nhận thấy cuộc đời mang một gương mặt khác, nghe ra cuộc đời đang vang một giai điệu khác, và chợt:
Thấy ai cũng tội nghiệp
Như ta
Đã bao lâu ta không sống với mình
Ta có ta mà quên ta phứt
(Xin cám ơn, cám ơn)
Cơn bệnh, nỗi đau sẽ đến và đi. Như giấc mơ. Để khi tỉnh lại sẽ thấy đời tươi hơn, lá thắm hơn, con người đáng yêu hơn. Để rồi nguyện sẽ :
Chắt ra cho hết
Giọt hơi cuối cùng
Thả mình như lá
Rơi vào hư không
Tràn vào khắp ngã
Đất trời mênh mông
Nhẹ như không có
Có mà như không!
(Có không)
Vì đã hiểu ra rằng :
Lắng nghe hơi thở của mình
Mới hay hơi thở đã nghìn năm xưa
(Thở)
Chiếc lá kia sẽ rụng. Hơi thở ta sẽ tàn. Cửa tử sẽ khép lại, chôn dấu tất cả những nỗi buồn, xóa đi dấu vết một quãng đời. Nhưng cửa sinh sẽ mở một chân trời khác trong tiếng khóc chào đời :
Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người
(Thư cho bé sơ sinh)
Anh hay tôi, tất cả chúng ta rồi sẽ phải lìa bỏ cuộc chơi cùng tất cả những buồn vui cay đắng, để người khác nhập cuộc theo dòng chảy bất tận của cuộc sống vô tận vô biên. Và có lẽ khi “cùng chung số phận con người” thì hãy nhìn cuộc đời như chiếc lá rơi lặng lẽ trên dòng nước xanh rêu, trước một gian nhà thủy tạ, bên tách cà phê, buổi sáng!
Sài Gòn 2007
Tái bút : Bs Đỗ Hồng Ngọc tặng tôi mấy tập thơ, khi ngồi uống cà phê cùng anh trong gian nhà thủy tạ của quán Đông Hồ, cuối đường Cao Thắng, Một buổi chiều anh alo , cười, bảo : “HNC đọc thấy thích thì viết vài lời đăng báo cho vui.”. Ban đầu, tôi lưỡng lự vì quá bận nên chưa có thời giờ đọc kỹ. Nửa đêm, mở ra đọc, đến bài thơ anh viết cho đưa con gái đã mất :
Mỗi năm
Mỗi người
Thêm một tuổi
Chỉ mình con
Mãi mãi
Tuổi đôi mươi …
Tôi thấy ứa nước mắt vì mình cũng có hai đứa con gái, nên cảm nhận được nỗi đau đớn đó. Bèn thức khuya viết bài này, Sáng hôm sau gởi đăng báo Văn Hóa Phật giáo.

(04.2020)

 

TRẦN XUÂN KIÊM

HUỲNH NGỌC CHIẾN

Anh là một thi sĩ tài hoa mà uyên bác, thuộc nòi Tô Mạn Thù của miền Nam. Không biết trong đời anh có một Tuyết Mai hay một Tĩnh Tử nào như Tô Mạn Thù hay không để anh có thể viết nên những dòng thơ cháy bỏng tâm can.
Về thăm nhà cũ ở Blao
Đêm qua mưa lũ ta về
Đứng im như tượng bên hè nhà xưa
Một hồn rũ rượi trong mưa
Nhớ ơi ngọc trắng ngày chưa cát lầm
Cỏ cây vườn cũ lạnh căm
Quỳ hôn còn thấy xa xăm dáng người
Bài thơ Thuở xa người của anh cũng quá nổi tiếng, và đã được Bùi trung niên ngợi ca hết mực, nên tôi chẳng thể nói được gì hơn, chỉ biết trích ra đây.
Thuở xa người
Một sớm người đi theo mây bay,
Ta say nằm lạnh suốt đêm dài.
Tỉnh ra thấy cụm hoa đầu ngõ,
Ta vẫn còn hay nỗi tàn phai?

Nửa đêm tỉnh dậy thấy sao rơi,
Ta nghĩ người đang ở cuối trời.
Ơi những đám mây còn lãng tử,
Xin để hồn chùng trong đêm khơi.

Ôi má người từ nay thôi hồng,
Gió cũng trầm thương tóc thôi hong.
Mai sau thoảng nhớ mây vườn cũ,
Ta yêu người bằng mối tình không.
Đôi lúc tôi muốn phổ nhạc hai bài thơ này, nhưng mỗi lần uống rượu say, cầm cây guitar, đọc lên lại thấy ngậm ngùi khôn tả, đành phải để tơ chùng theo “hồn chùng trong đêm khơi.”
Bản dịch Zarathustra đã nói như thế của anh từ năm 1972 đến nay vẫn như một tòa cổ lâu sừng sững giữa nền văn học miền Nam. Nó khơi dẫn được những dòng ẩn lưu trong tiếng Đức, giúp người đọc hồn nhiên thể hội được mạch ngầm thơ mộng bàng bạc trong ngôn ngữ của Nietzsche.
Có một lần tôi cùng anh và các anh Lê Nguyên Đại, Nguyễn Khắc Nhượng đi nhậu ở một quán trên đường Nguyễn Thông, quận 3. Gần tàn, bỗng cô chủ quán đến tại bàn góp vui, hát bản Tình Anh Bán Chiếu. Tiếng hát của cô chủ quán đêm hôm đó nghe sao buồn như tiếng đàn tỳ bà trên bên Tầm Dương. Hôm đó không hiểu sao tôi lại ngẫu hứng đệm guitar theo được để cô hát trọn bài. Hát xong, tự nhiên cô ngồi khóc. Tiếng khóc không lớn nhưng nghe não nùng hơn tiếng đàn “trùng khai yến” của người thương phụ thổn thức cùng vị quan Tư Mã Giang Châu. Tiếng khóc như muốn thố lộ hết những nỗi niềm ai oán. Tôi nghe mà lặng cả người. Hôm sau, anh Kiêm sáng tác bài thơ Ca nhân xuất thần.
Ca nhân
Một chàng tóc trắng bó đuôi ngựa
Hát Boléro, nhạc Trịnh, Phạm Duy
Một chàng râu đen ngồi im lìm
Mộ nàng thiếu nữ chôn trong tim

Một chàng mường tượng anh bán chiếu
Ngu ngơ ngốc nghếch tình đơn phương
Một chàng lầm lì ngồi nốc rượu
Chuyện tình thoang thoảng tựa làn hương

Ca nhân môi thắm thơm mùi cỏ
Ánh mắt thê lương thả giọng buồn
Tiếng đàn đau nhói theo lời hát
Miệng bỗng thèm nâng ly rượu suông

Quanh bàn là những tay bạt mạng
Chưa từng đặt bước đến phương Nam
Chỉ ta vài bận qua Phụng Hiệp
Theo bảy dòng kinh cuộn cát lầm

Lần trước nghe ca tình đứt ruột
Lần nầy môi ngọt thả lời đau
Trong những lòng ly nay đã cạn
Trùng trùng tâm sự của ngàn sau

Ca nhân, ca nhân, sao nàng khóc,
Tình anh bán chiếu có gì đâu?!
Hai chữ “ca nhân” nghe sao mà hay đến vậy? Chỉ hai chữ đó thôi cũng đủ làm bừng sáng những dòng đầu trong Gentajali của Tagore.
When thou commandest me to sing it seems that my heart would break with pride; and I look to thy face, and tears come to my eyes …
Khi người ban lệnh cho tôi ca hát, điều đó tựa hồ như khiến trái tôi như vỡ toang vì kiêu hãnh; tôi nhìn lên gương mặt người và những dòng lệ dâng trào lên đôi mắt. …
Cô chủ quán “ca nhân” với điệu buồn Tình Anh Bán Chiếu đã ban lệnh cho nhà thơ cất tiếng khiến lòng anh như vỡ toang vì kiêu hãnh! Những dòng lệ không trào lên mắt anh mà dâng trào trong đôi mắt của ca nhân. Như hoàng hậu Gertrude đem những đóa hoa xinh đẹp rắc lên nấm mộ của nàng Ophelia kiều diễm, Sweets to sweet!, nhà thơ Trần Xuân Kiêm cũng muốn làm “ca nhân” đem những lời thơ tuyệt diễm tặng cho một “ca nhân” ai kia với những giọt nước mắt trĩu nặng tâm tư trong cõi phong trần.
Lần trước nghe ca, tình đứt ruột
Lần nầy môi ngọt thả lời đau
Trong những lòng ly nay đã cạn
Trùng trùng tâm sự của ngàn sau

Ca nhân, ca nhân, sao nàng khóc,
Tình anh bán chiếu có gì đâu?!

….
Ôi má người từ nay thôi hồng,
Gió cũng trầm hương tóc thôi hong.
Mai sau thoảng nhớ mây vườn cũ,
Ta yêu người bằng mối tình không.
….
Một hồn rũ rượi trong mưa
Nhớ ơi ngọc trắng ngày chưa cát lầm
Dường như tôi trích dẫn lộn lời ? Không hề gì. Ta vẫn như nghe ra một dòng ẩn lưu ngầm lưu chuyển trong mạch thơ để mang tâm tình nối kết những bờ bến xa xôi.
Có lần tôi đi chơi bằng ghe nhỏ trên con sông ở một vùng quê hẻo lánh miền Tây Nam bộ, nghe người bạn hát cải lương có câu : “Má ơi đừng gã con xa, Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.”, tự nhiên thấy thấm thía hai chữ “sinh ly” và nghe trong lòng chua xót rưng rưng. Ai thường chê cải lương là “sến”, là … “cải lương”, xin hãy một lần về miền Tây, ngồi trên chiếc ghe trôi theo con sông nhỏ ở một vùng quê, nghe người dân miền Tây uống rượu gạo, hát cải lương, nghe tiếng chim bìm bịp kêu ven sông thì sẽ hiểu thế nào là nỗi buồn sông nước, thấm thía thế nào là “trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.” Hôm đó, nghe lại bản Tình Anh Bán Chiếu , tôi tưởng chừng như còn thả hồn trôi theo chiếc ghe nhỏ trên sông nước. Đến bây giờ, đã hơn 4 năm qua, cảm giác tiếng đàn, tiếng hát đêm hôm đó vẫn còn mãi trong tôi. Tình anh bán chiếu giờ về đâu? Ta yêu người bằng mối tình không.
Năm 1972, nhà xuất bản An Tiêm của Thầy Thanh Tuệ xuất bản tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, do cố thi sĩ Quách Tấn dịch, với nhan đề Tố Như Thi. Bìa do anh Thi Vũ trình bày, có hình một bàn tay phụ nữ trắng ngần tuyệt đẹp, khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến bàn tay kỳ lạ trong tác phẩm Tố Thủ Kiếp của Ngọa Long Sinh. Gần đây, anh Trần Xuân Kiêm mới cho tôi hay đó là bàn tay của ni cô Trí Hải, người đã đi vào thế giới thi ca của Bùi Giáng qua hình tượng “Mẫu thân Phùng Khánh”. Tôi bình sinh không có duyên để được gặp ni cô Trí Hải, nhưng qua thơ ca Bùi Trung niên và hình ảnh bàn tay, tôi hình dung được đó là một ni cô có dung nhan tuyệt tục, một Viên Tính của Hồ Phỉ hay một Alissa của Jerome. Chẳng trách họ Bùi suốt đời điên đảo thần hồn.
Tôi cảm hứng làm một bài thơ :
Kiến ni cô tố thủ,
Tâm ý hà mang mang.
Điên đảo vô sở trụ,
Hựu huống đối ngọc nhan!
見妮姑素手,
心意何茫茫。
顛倒無所住,
又況對玉顏。
Anh Kiêm đọc xong, bỡn: “Bài thơ này của Huỳnh Ngọc Chiến nên đem đốt vào hư không! Thiện tay! Thiện tai!”
Tôi không muốn đốt bài trên, mà muốn đốt bài Ca nhân của anh để thả bay bàng bạc trong tiếng khóc của một cô chủ quán xa lạ trong cõi người ta, và trên sông nước miền Nam giữa tiếng bìm bịp kêu chiều.
04.2020
(Mùa cô- vi)

 

04.2020

(Mùa cô- vi)

 

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn xa xôi (05.06.2021)

05/06/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi (05.06.2021)

Vài nét về Huỳnh Ngoc Chiến

Trước hêt, cảm ơn anh 5 Hiền (Nguyễn Hiền-Đức), nhà thơ Khánh Minh, ca sĩ Thu Vàng, Nguyệt Mai, bác sĩ Thân Trọng Minh, Ngô Tiến Nhân, Phan Binh, Thịnh… và các bạn)

Sáng mai, đưa đám Huỳnh Ngọc Chiến tại Tam Kỳ Quảng Nam rồi. Tôi vừa nhắn Thịnh (bạn thân của Chiến) thay mặt bạn bè đánh 3 tiếng chuông tiễn đưa HNC thay vì thắp 3 cây nhang như HNC đã dặn dò khi đến viếng tang anh trước đó.

HNC không xa lạ. Từ nhiều năm trước, anh đã nổi tiếng với Lai rai chén rượu giang hồ, tiểu luận về Kiếm hiệp Kim Dung…, bản dịch Tánh Không, và nhiều bài viết trên báo Giác Ngộ (mà gần nhất là bài Bất Không Thành Tựu Như Lai)… và một cuốn sách dịch SUZUKI Nghiên cứu kinh Lăng Già (Diệu Nghĩa Kinh Lăng Già) vừa xuất bản. Nhưng bản dịch nổi tiếng của anh là U Mộng Ảnh của Trương Trào được rất nhiều bạn bè khen ngợi.

Chưa đầy một năm trước, anh bị Ung thư thực quản, mổ ở Chợ Rẫy. Sau khi hóa trị xạ trị các thứ xong tưởng đã tạm ổn, anh quyết định lui về quê Tam Kỳ Quảng Nam nghỉ dưỡng, tiếp tục dịch Lăng Già kinh.

Ngày 31.3.2021, anh viết cho tôi:

 

Anh đọc cuốn Diệu Nghĩa Kinh Lăng Già đó thấy ổn phải không? Cũng là công trình tâm huyết của em. Bản dịch Kinh Lăng Già sắp in cũng là một công trình tâm huyết nữa. Anh đọc sẽ thấy sự khác biệt với các bản kinh đang lưu hành.  Em cũng thấy tạm thoả mãn trước khi…. viên tịch :> :> :>

Rồi một thư khác:

Cám ơn anh quan tâm. Em chính thức  “tái xuất giang hồ” cách đây 5 ngày để uống cà phê với mấy người bạn Tam Kỳ. Hy vọng kiếp nạn sẽ qua! Có lúc em tưởng đã không thể qua khỏi!

Cách đây 2 hôm, bác sĩ đã rút ống sonde, em thấy khỏe. Đã bắt đầu ăn uống bình thường nhưng ăn loãng và ít, chia làm nhiều bữa vì bao tử chỉ còn 1/3! Từ từ bao tử chắc sẽ ổn định trở lại.

Body em bây giờ chắc trở thành niềm mơ ước của bao phụ nữ vì sút đến 20 kí,,  đang trở thành siêu mẫu và siêu mỏng :> :> nhưng em lại thấy người nhẹ nhàng, thoải mái hơn trước đây dù yếu hơn. Có lẽ càng có tuổi, thân hình chúng ta cũng nên gầy lại để khung xương đang lão hoá của chúng ta đỡ vất vả. Cái vụ này thì anh quá rành bài rồi! :>

Em Vẫn còn ở Tam Kỳ để chờ vết mổ ở cổ lành hẵn. Hy vọng ngày “lai rai chén rượu giang hồ” sẽ không còn xa.

Rồi anh còn làm thơ trêu tôi và Ngô Tiến Nhân:

Năm nào cũng gặp Hoa Sưa (*)

Sát na nào cũng chơi đùa hân nhiên

Hà thời tích trượng tương huề khứ

Nhậm tánh tiêu dao bất học Thiền!

Đâu như các bậc lão niên

Lăng Già, Bát Nhã liên miên dùi mài

Hãy đi vào chợ, thõng tay…

(HNC 31.03.2021)

(*) tên một bản nhạc của HNC,

 

Nhưng ngày 05.05.2021 anh viết:

Tình hình không ổn rồi anh Ngọc. Siêu âm cách đây 2 tuần đã di căn qua gan. Đau âm ỉ lâu nay nhưng em vẫn trụ được.  Đêm qua bụng đau dữ dội. Sáng nay vẫn tiếp tục đau. Phần bụng chỗ gan đã cứng quá nhanh. Chắc sẽ không kéo dài bao lâu nữa đâu. Em vẫn tỉnh táo và đang cố hoàn thành bài BẢN LAI VÔ NHẤT VẬT.

Ngày 06.05.2021 anh viết Lời Cuối trên trang web huynhngochien.com

LỜI CUỐI

Và sau đó anh thông tin cho biết “Có người làm video đưa LỜI CUỐI lên YouTube. Thiệt bất ngờ”

https://m.youtube.com/watch?v=JtT49SOG760&feature=youtu.be

Thì ra của một người bạn tên là Thuan PHAN NGOC. Xin phép anh Thuan Phan Ngọc chia sẻ nơi đây.

Nhà thơ Khánh Minh trước đó nói vẫn tụng kinh Dược Sư cầu nguyện cho HNC; Ca sĩ Thu Vàng bảo vậy là em mất một người bạn rất quý… Tôi chỉ nhắn các bạn vài chữ: Huỳnh Ngọc Chiến, “Một Đời Tài Hoa!”.

…………………………………………………………..

Theo báo Thanh Niên:

(https://thanhnien.vn/van-hoa/nha-nghien-cuu-huynh-ngoc-chien-tu-gia-chuyen-xe-doi-1392966.html)
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến có chuyên môn thạc sĩ công nghệ thông tin nhưng từng tự nhận “sinh sống bằng nghề viết sách, dạy học, dịch thuật” với các bút danh: Hoàng Ngọc, Liêu Hân. Tác phẩm đáng chú ý của ông gồm: Lý Hạ, quỷ tài – quỷ thi (2001), U mộng ảnh (dịch, 2007), Đạo Phật và khoa học (dịch, 2009), Chu Dịch thiền giải (dịch, 2012), Di sản phương Đông (dịch, 2014), Phản triết học nhập môn (dịch, 2020), Diệu nghĩa Kinh Lăng Già (dịch, 2020)…
Huỳnh Ngọc Chiến còn nổi danh với các tiểu luận về kiếm hiệp Kim Dung, in trong cuốn Lai rai chén rượu giang hồ (NXB Văn học xuất bản lần đầu năm 2002). Ông dịch Bạch mã khiếu tây phong, Uyên ương đao, Việt nữ kiếm (Kim Dung tinh tuyển, 2007). Một số tác phẩm khác: Trúc thanh tập (tập tiểu luận về Phật giáo, 2012), Rong chơi cùng U mộng ảnh (2020)… Ông cũng là nhạc sĩ sáng tác, có tuyển tập ca khúc Cung trầm (2012). Đêm nhạc Cung trầm của ông được bạn bè tổ chức rất ấm cúng tại TP.Tam Kỳ hồi cuối năm 2019.

 

 

 

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Lê Ký Thương: “Có người thục nữ dám theo… ngu”

26/05/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

CÓ NGƯỜI THỤC NỮ DÁM THEO… NGU (*)

Lê Ký Thương

(Viết về Bà Thoại Dung, vợ nhà văn Nguiễn Ngu Í)

Năm 1998, qua lời giới thiệu của một người bạn cùng chủ trương nguyệt san Ý Thức trước 75, nhà thơ Đỗ Nghê (tức Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc), bà Thoại Dung biết tôi làm sách, đến nhà gặp và nhờ thực hiện quyển:

Bìa “Ngu I NGUYỄN HỮU NGƯ Qua Ký Ức Người Thân”. (ảnh ĐHN)

Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư

QUA KÝ ỨC NGƯỜI THÂN

do bà sưu tập

(Sách không bán, dành biếu người thân…).

Tôi biết nhà giáo – nhà báo Nguiễn Ngu Í là cậu của bạn, người nổi tiếng với những bài phỏng vấn giới văn nghệ sĩ, nhà giáo ở Miền Nam đăng trên tạp chí Bách Khoa trước 75, người cải tiến cách viết chữ quốc ngữ theo cách riêng của mình, và cũng là người làm “thơ điên thứ thiệt”: “Má ơi con Má điên rồi / Má đừng khóc đứng khóc ngồi mà chi” và “Ta đi lang thang /Ta nói tàng tàng / Ta cười nghinh ngang / Ta chửi đàng hoàng”. Quả thiệt, chỉ có “người điên thứ thiệt” mới rút hết chất tinh túy của tâm can thốt ra những vần thơ như vậy.

Bà Thoại Dung là nhà giáo, tâm huyết với nghề dạy học.

Tôi đề nghị với bà muốn thực hiện quyển sách này, bà hãy tập trung bản thảo đầy đủ của những người viết và những hình ảnh cần đưa vào sách.

Nhờ thế mà tôi có dịp đọc trước những bản thảo đó.

Qua hồi ký của Đỗ Hồng Ngọc, tôi được biết “ông Ngư khùng, Ngư điên vì học giỏi, học cao” là cậu của bạn tôi. Đến năm 12 tuổi, bạn tôi mới gặp “cậu Ngư” bằng xương bằng thịt khi ông từ Sài Gòn về Phan Thiết thăm bà con. Và cũng nhân dịp này mà bạn tôi đổi đời: từ một đứa trẻ theo cha đi kháng chiến, cha hy sinh ở chiến khu, theo mẹ về thành, suốt ngày phụ giúp mẹ chằm nón, nấu cơm, và bỗng nhiên ông Tiên xuất hiện, dắt đi mua sách vở chuẩn bị vào trường ở nhà sách Vui Vui bên bờ sông Cà Ty. Hỏi không bất ngờ và không vui sao được?!

Nhưng tâm trạng của bạn lúc đó vừa lo vừa sợ: “Tôi (ĐHN) vừa đi vừa ngó chừng cậu. Cái huyền thoại học giỏi hóa điên của cậu làm tôi ngờ ngợ, lo lo… Nhưng thà học giỏi hóa điên còn hơn là học dỡ. Trước đây tôi học trong rừng, vùng kháng chiến quê mẹ tôi, không biết sức học thực của mình ra sao. Mười hai tuổi, biết đọc, biết viết, làm toán khá, còn chưa biết một chữ ‘le, la’ trong tiếng Pháp, mà hồi đó, học trò tiểu học đã học tiếng Pháp rồi. Tôi hoảng lắm. Cậu thì tỉnh queo, nắm tay tôi kéo vào tiệm sách… Cậu… mua cho nào vở nào tập nào viết chì, viết mực, cục gôm, không thiếu một thứ gì. Cậu còn mua cho một cây viết chì hai đầu xanh đỏ mà tôi rất khoái. Mấy cuốn sách Pháp vở lòng, sách Việt, sách Toán đủ cả. Cậu thực là rành nghề học, tôi nghĩ…”.

Ông Ngu Í “rành nghề học” vì ông là cựu học sinh Pétrus Ký, được GS Phạm Thiều thương, bạn đồng môn của Trần Văn Khê và thi đổ vào Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn, nhưng vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục “nghề học”!

Bà Tùng Long kể lại trong hồi ký của mình: “… Có lẽ tôi quen với Ngư do những câu chuyện do em Hân kể về Ngư. Theo lời em tôi, Ngư là một học sinh thông minh, học giỏi, có tài hùng biện, đối đáp mau lẹ. Và Ngư cũng là con một nhà cách mạng lão thành chống thực dân. Bấy giờ Ngư được giáo sư Phạm Thiều đem về nuôi cho ăn học, vì giáo sư cũng dạy trường Pétrus Ký… Cũng có người nói Ngư khùng, Ngư điên, nhưng theo tôi nhận xét như vậy thì quá khắt khe, vì điên, khùng thì làm sao lại là một học sinh giỏi, lanh trí, và còn xuất khẩu thành thơ nữa (…) Rồi năm 1942, Mỹ thả bom Sài Gòn, tôi phải đưa các con về Quảng Ngãi quê chồng (…). Thời gian ấy, tôi sanh đứa con thứ tư, cũng dịp này tôi quen với cô Thoại Dung, một thiếu nữ thích hoạt động và thường ghé qua nhà xem có cần gì khi lâm bồn sẽ giúp đỡ. Và Thoại Dung cũng là người hàng xóm tính tình vui vẻ trẻ trung của chúng tôi. Thế rồi, một hôm tôi đang bồng đứa con sơ sinh đứng chơi trước cửa, (… ). Có một đoàn người vai mang ba-lô đi ngang qua, đó là những sinh viên từ miền Nam ra Bắc để tham gia phong trào kháng chiến cứu nước (…), bỗng có một người trong đoàn ấy lùi lại nhìn, rồi tạt vào ngó tôi sững sốt và hỏi: “Sao trông giống chị Hân quá. Có phải chị là chị Bạch Vân không?”. Tôi đang ngơ ngác chưa biết người khách này là ai, thì người ấy quả quyết: “Ồ, đúng là quả đất tròn. Tại sao chị lại ở đây?”. Tiếp theo người khách ấy đọc luôn mấy câu thơ gì đó nay tôi không nhớ. Khi ấy, đoàn người đã đi khá xa, trong đoàn có người chạy ngược lại kêu lớn: “Ngư, đi chớ. Phải đến Châu Ổ trời tối nhé!”. Ngư! Khi nghe tên Ngư làm tôi nhớ lại em Hân và các bạn thường nói với nhau, một Nguyễn Hữu Ngư tóc húi ngắn, mang kiến cận dày, người ốm nhom ốm nhách. Đúng là Nguyễn Hữu Ngư”.

Cũng trong hồi ký này, bà Tùng Long kể một giai thoại về ông Ngu Í khi bị bắt giam ở nhà lao Quảng Ngãi. “(…) anh ta la hét om sòm rằng mình đã ra Hà Nội để gặp Hồ chủ tịch, nhưng không muốn ở lại, nên mang ba-lô trở vào Nam, thì can chi mà bắt. Ta đâu phải Việt gian. Vì la hét om sòm cả ngày, cho nên người ta phải chuyển về trại giam của huyện lỵ Nghĩa Hành (…), anh ta cứ đòi gặp các cấp lãnh đạo, để tường trình anh là thành phần yêu nước, phải thả cho anh về Nam để tiếp tục chiến đấu chống xăm lăng. Rồi ngày nào anh ấy cũng sắp sẵn ba-lô ngồi chờ giấy ân xá. Đợi hoài không được, anh thừa cơ chạy trốn. Một nhân viên CA gặp, định bắt anh lại, anh ta làm ra vẻ hiền lành, thản nhiên cười nói: “Tôi ra một câu đối, nếu anh đối được thì tôi để anh bắt. Không, thì phải thả tôi đi. Rồi Ngư đọc: “Rầu rỉ râu ria ra rậm rạp”. Người CA nhìn thấy người vượt nhà giam râu ria đầy hàm, mặt mũi vì thiếu ăn nên choắt lại chỉ còn da bọc xương. Đôi mắt lờ đờ sau cặp kính cận dày mụp. Anh CA còn đang lúng túng và cũng có phần thương hại người điên, thì anh ta liền đọc vế đối tiếp theo: “Ngông nghênh ngốc nghếch ngó ngu ngơ”. Rồi bỏ chạy một mạch mất dạng”.

Bà Tùng Long kể tiếp: “Để rồi sau đó, bất chấp cơ quan an ninh đang truy lùng, Ngư quyết định ở lại Quảng Ngãi chỉ vì cô giáo Thoại Dung và đám trẻ ngây thơ vui đùa múa hát với “một ngón tay nhúc nhích” đã quyến rủ. Và, mối tình Dung – Ngư nẩy nở vào dịp thị xã Quảng Ngãi có lệnh tiêu thổ kháng chiến. Dung theo gia đình tản cư lên Đồng Cọ, chúng tôi cũng dắt díu đàn con chạy về chợ Gò vùng Mỹ Thịnh nơi có thắng cảnh Thạch Bích Tà Dương. Vì sinh kế chật vật, tôi quên bẵng mối tình thơ mộng của hai người bạn trẻ ấy. Mãi một hôm, Ngư tìm đến Mỹ Thịnh nhờ anh Hồng Tiêu đứng chủ hôn. Thì ra người yêu mà Ngư định cưới là cô giáo Thoại Dung của các con tôi và cũng là cô bạn trẻ của chúng tôi. Vợ chồng tôi có ngỏ ý trực tiếp lo lắng một cách chân tình với cô Thoại Dung, cho Dung biết Ngư là một người không bình thường, làm vợ Ngư chưa hẳn là hạnh phúc, mà phải mất mát nhiều hy sinh, bởi vì Ngư còn nuôi mộng quá lớn. Chưa hẳn đã chịu dừng chân trong một mái nhà tranh với hai quả tim vàng. Nhưng cô Thoại Dung quả quyết trả lời: Em sẵn sàng hy sinh để anh ấy đạt chí lớn”.

 

Ông bà Nguiễn Ngu Í và các con Tuiền, Nguiên (Saigon,1963).
(Ảnh ĐHN chụp lại từ trong sách)

 

Theo hồi ký của GS Trần Văn Khê, người bạn đồng môn ở trường Pétrus Ký thì ông Nguiễn Ngu Í: “sanh ra trong một gia đình có óc cách mạng, thân phụ anh có chân trong Đông Kinh Nghĩa Thục, và từng ủng hộ hoạt động của những nhà cách mạng, vì giúp tù Côn Đảo tấp bè vào biển gần làng ông cư trú, trong đó có mấy đồng chí cũ. Sau đó bị lộ, ông chịu án ba năm Lao Bảo và đưa về xứ an trí (Hà Tĩnh). Vì thuộc thành phần “gia đình cách mạng”, nên sau ngày nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khai sinh, anh ra miền Bắc, được làm việc tại Bắc Bộ phủ. Khi tự biết mình không thể hòa hợp đường lối của chính phủ đương thời, anh xin thôi. Nhờ một vài vị trong cấp lãnh đạo, nhớ ơn của thân sinh anh, cho anh về miền Trung công tác trong đài Phát thanh Nam Bộ đóng ở Quảng Ngãi, do Huỳnh Văn Tiểng là bạn học cùng trường Pétus Ký Sài Gòn với chúng tôi trước kia phụ trách. Về lại Quảng Ngãi, có lần đương kiêm Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp anh và viết trong quyển sổ lưu niệm của anh: “Một thanh niên nhiều lý tưởng, nhiều quá, và thiếu óc thực tế, thiếu quá, nên chưa biết bay nhảy về đâu. Tất cả cái hay cái dở của anh đều ở đó. Vậy tìm hiểu con người mình hơn, hoàn cảnh của mình hơn nữa, để nhìn thẳng vào thực tế rồi chọn một con đường mà đi”. Quảng Ngãi cũng là nơi nhờ duyên may anh đã gặp được “Nàng Suối Bùn Reo” để sau này cùng anh nắm tay đi trọn đường đời”.

Nói về mối tình giữa ông và bà Thoại Dung, qua lời kể của bà Thoại Dung: “… Tôi thầm nghĩ: Tại sao anh lại đếnthăm mình? Anh muốn nói gì đây? Ta nên có thái độ như thế nào nếu anh nói điều gì đó với mình? (…) Có lẽ anh cũng đang tính nói gì với tôi trước khi từ giả mà chưa có dịp nên được tôi mời nghỉ, anh vui vẻ đến ngồi đối diện với tôi, và mở đầu câu chuyện: “- Sở dĩ tôi tìm thăm chị là tôi có ý muốn hỏi ý kiến chị về việc này, nhưng tôi ngại vì… sợ. Tôi cười xã giao: – Anh mà sợ gì, muốn nói gì cứ nói, muốn hỏi gì cứ hỏi. Tôi nghĩ là anh mà còn sợ ai. – Thế mà tôi sợ chị. – Thế à? Như vậy thì hân hạnh cho tôi quá. Anh Ngư mà lại sợ Dung sao? Bây giờ anh muốn nói gì cứ nói. Tôi sẵn sàng ngồi nghe và sẵn sàng trả lời liền nếu có thể. Thế là anh ngỏ lời cầu hôn tôi hôm ấy. Tôi rất ngỡ ngàng, nhưng đã nói mạnh dạn tự nảy giờ nên tôi lưỡng lự một chặp rồi hẹn sau một trăm ngày sẽ trả lời dứt khoát với anh. (…) Tôi băn khoăn tự hỏi tại sao một thanh niên như thế mà lại thiếu những cơ hội may mắn để thi thố tài năng, để đến nỗi phải bất đắc chí? Ta có thể đem lại may mắn đến cho anh không? Ta thử đem nghị lực của mình để giúp anh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống hôm nay được không?”.

Trong hồi ký, bà Thoại Dung kể tiếp: “Tôi về thưa lại với gia đình chuyện anh Ngư cầu hôn, thế là gặp sự phản đối của người thân (…) Trong khi đó, người anh thứ ba của tôi đi tìm hiểu về anh Ngư, anh ra Bình Sơn gặp anh giáo Ba là người thân của gia đình để hỏi thăm về gia thế anh Ngư. Anh giáo Ba là người am hiểu về ông giáo Hoàn, cụ thân sinh anh Ngư, cho biết ông cụ là một nhà cách mạng, gia đình tốt, anh Ngư học giỏi, và là người con hiếu thảo. Sau chuyến đi đó, anh Ba tôi về thưa lại với mẹ tôi, trong gia đình tất cả đều đồng ý cho tôi nhận lời cầu hôn của anh Ngư”.

Đọc qua phần hồi ký bà viết mối tình giữa bà và ông ở Quảng Ngãi thật cảm kích khi “có người thục nữ dám theo… Ngu và sẵn sàng hy sinh để anh ấy đạt chí lớn”. Nhưng sau khi cưới một năm, bà tưởng “sống hạnh phúc bên người chồng tốt và rất dễ thương, biết lo và chăm sóc vợ chu đáo”… Nhưng rồi sau đó, bệnh điên của ông tái phát! “… Anh bắt tôi phải đi theo anh dưới mưa, đang đêm bắt tôi phải cùng anh lội qua rạch nước. Vì anh quậy phá làm rối trật tự xã hội nên CA phải giữ anh ở trại Nghĩa Hành. Một tuần lễ tôi phải đi bộ trên ba mươi cây số để thăm và mang thức ăn tiếp tế thêm cho anh, mặc dầu trong lúc tôi và gia đình cha mẹ tôi đang sống rất khó khăn. (…) Nhưng riêng tôi, tôi vẫn nghĩ: Tại sao lại thua? Sông có khúc người có lúc! Mình phải chấp nhận để sống với hoàn cảnh hiện tại. Cuộc sống lứa đôi này do mình chọn, đã thấy trước là sẽ gặp khổ mà vẫn quyết định đi đến hôn nhân, thì nay mình phải can đảm chịu đựng và phải tìm cách xoay xở để làm tròn bổn phận của một người vợ có chồng bệnh hoạn – cũng có thể nói là chồng đang lâm cơn hoạn nạn! Cũng may là có sự quan tâm của UBHC tỉnh Quảng Ngãi cho tôi nghỉ việc dài hạn để nuôi chồng mà vẫn được hưởng lương. Sau bốn tháng, bịnh của anh Ngư giảm hẳn, anh được trở về với gia đình, và tôi được đổi vào bệnh viện ở Đồng Cát tại huyện Mộ Đức, chúng tôi ở gần gia đình anh Phạm Văn Diêu cũng là bạn thân của anh Ngư. (…) Khoảng đầu năm 1952, anh Ngư làm đơn xin đưa vợ về Bình Thuận để dưỡng bịnh thần kinh. UBHC tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận, và giúp đỡ chúng tôi được toại nguyện”.

Thay vì tỉnh Bình Thuận, nơi song thân của ông sống ở Lagi, ông bà vào thẳng Sài Gòn mất ba ngày ba đêm bằng ghe bầu. Lên bờ, ông đón xe ngựa đưa bà đến tòa báo Sài Gòn Mới, tìm gặp bà chủ nhiệm Bút Trà là chị dâu của Bà Tùng Long, nhờ giúp đỡ chỗ ở tạm thời và công ăn việc làm trong khi ông đi tìm các bạn học cũ ở trường Pétrus Ký để nhờ bạn tìm giúp việc làm…

“… Anh Ngư đi dạy được vài tháng, không may bị xe nhà binh Pháp đụng ngã, cán phải chân trái, xe đạp bị gãy, phải nằm nhà thương thí Sài Gòn (…). Sau khi xuất viện, nhà tôi làm đơn đòi nhà binh Pháp bồi thường tiền cơm thuốc. Khi lãnh được một số tiền khá lớn, anh Ngư nói: – Dung khổ sở vì anh nhiều quá. Anh lấy số tiền này mua cho Dung cây đàn piano. Tôi ngăn anh: – Thôi đi ông ơi, phải thực tế một tí chớ. Nhà còn chưa có mà mua đàn piano về rồi để đâu? Mà Dung chỉ cần cây đàn mandoline, tập những bài hát nhỏ để khi vào lớp dạy các cháu hát mà thôi. Nghe tôi nói có lý, anh đến nhờ nhạc sĩ Lê Thương đưa đi lựa một cây đàn mandoline loại tốt, chiều đi dạy học về, anh đem đàn ra khoe. Cây đàn mandoline tôi vẫn còn giữ nguyên mãi cho đến nay đã hơn bốn mươi tám năm qua mà vẫn còn tốt. Vừa rồi, trong ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3/97, cũng là dip 70 tuổi, tôi lấy đàn ra ngồi đàn lại bản Xuân và tuổi trẻ của La Hối cho bạn gái nghe. Tôi ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa của chúng tôi. Tôi nhớ anh Ngư là một người chồng dễ thương và hết lòng yêu vợ (…) Nhưng ác thay, căn bệnh của nhà tôi không sao dứt hẳn, cứ vài ba năm lại tái phát một lần, mỗi lần vài ba tháng mới dứt (…)  Có lần, anh nổi cơn bỏ nhà đi bặt tăm, tôi tin cho chú Phạm Văn Thơm, tức Trường Sanh là một người em kết nghĩa thân tín với anh Ngư, nhờ chú hỏi thăm coi anh Ngư đang ở đâu tìm về. Sau mấy ngày dò la những nơi anh Ngư thường đến, chú đã tìm được anh Ngư đang ở La Gi (Bình Tuy bấy giờ), anh cương quyết không chịu về vì sợ tôi sẽ đưa vào Dưỡng trí viện Biên Hòa. Chú Trường Sanh phải tìm mưu kế bằng cách nói rất thành khẩn với anh Ngư: – Chị Dung có việc nhà cần giải quyết mới nhờ em đi kiếm anh về, em đi mấy ngày nay thần kinh em căng thẳng quá, nhức đầu chịu không nổi, anh quen thân với bác sĩ Hiệp, nhờ anh đem gởi em nằm Dưỡng trí viện vài tuần, chớ kiểu này nếu anh không giúp chắc em điên mất…”.

Bác sĩ Tô Dương Hiệp, con trai nhà văn Bình Nguyên Lộc, lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Dưỡng trí viện Biên Hòa am hiểu bịnh tình của ông, nói riêng với bà Thoại Dung “anh Ngư bị bệnh văn chương tâm bệnh, y học gọi là Litterature  Psychopathologique. Khi lên cơn, anh sáng tác thơ văn rất hay và cũng rất nhanh.

Năm 1979, ông đang nằm điều trị ở Dưỡng trí viện Biên Hòa thì bệnh viện báo tin ông bị té, chấn thương sọ não, yêu cầu bà đem ông về nhà chăm sóc. “Khi tôi lên Dưỡng trí viện đem anh về, gần nhà có anh Nguyễn Hữu Chánh là bạn anh Ngư, người trong xóm quen gọi là ông Tám Yoga. Ông đến thăm và bảo mỗi sáng đưa anh đến nhà cho ông chạy điện miễn phí, vì ông biết gia đình chúng tôi đang túng bấn. Tôi thì mỗi ngày đi dạy kèm để kiếm tiền nuôi gia đình. Còn hai con tôi thay nhau cõng nhà tôi đến để ông Tám Yoga chạy điện. Nguiễn Hữu Tuiền anh lớn lo thay quần áo, giặt giũ, còn Nguiễn Hữu Nguiên là em thì lo bồng lên xuống ván và lo nấu cháo đút cho cha. (…) Thế rồi, vào lúc 18 giờ 30 ngày 22 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, ngằm ngày 18-2-1979 nhà tôi từ trần trên tay con trai là Nguiễn Hữu Nguiên trong khi tôi đang chạy lo sinh kế chưa kịp về. Theo lời Nguiên kể, khi thấy cha hấp hối, sợ quá chạy xuống dưới nhà kêu chị Mai – là cháu dâu của tôi – lên xem Ba sao lạ vậy? Mai biết là anh quá yếu, liền chạy xuống nhà Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc báo tin. Bác sĩ Ngọc vội vàng chạy đến, làm hô hấp nhân tạo và chích thuốc, còn Mai lấy dầu xoa khắp người. Nửa giờ sau anh vẫn không tỉnh, rồi vĩnh viễn ra đi.”.

Ngoài thiên hồi ký của bà Thoai Dung, của Bà Tùng Long còn có những bài viết của  BS Đỗ Hồng Ngọc, của GS Trần Văn Khê, của BS Tô Dương Hiệp,  của ông Huỳnh Văn Tiểng (phụ trách Đài Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến 1946 ở làng Thọ Lộc, Quảng Ngãi), của ông Lê Phương Chi, của nhà thơ Đông Thùy Phan Chính, của nhà báo Lê Ngộ Châu, của nữ sĩ Hoàng Hương Trang, của dược sĩ Hồ Trường An, của nhà văn Trần Huiền Ân, của ông Châu Anh Đỗ Đơn Chiếu, của thi sĩ Phan Khắc Khoan, tất cả hợp lại thành một chân dung hết sức phong phú và đa dạng trong một con người là nhà giáo – nhà báo Nguiễn Ngu Í.

Khi thực hiện xong tập “Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư QUA KÝ ỨC NGƯỜI THÂN”, bà Thoại Dung mời vợ chồng tôi đi La Gi thăm mộ của ông. Mộ ông được an táng kề bên ngôi mộ của Cha Mẹ ông, xung quanh có nhiều bụi dứa, tại Ngãnh Tam Tân. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của ông: “Nằm đây mà ngó lên trời / Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa”.

Tôi chấp tay, cúi đầu thầm khấn: Cầu cho hương linh ông vãng sanh cực lạc!

Chú thích:

  1. (*) Tựa đề bài hồi ký của bà Nguyễn Thoại Dung.
  2. Theo BS Đỗ Hồng Ngọc cho biết bà sinh năm 1925, mất năm 2018, thọ 93 tuổi tại Xóm Bầu Sen, Q.5. Khoảng năm 2006, bà bị Alzheimer, mất trí nhớ, nhưng vẫn vui vẻ, chỉ nhớ tên Nguiễn Ngu Í. Trước kia bà có ước nguyện được đưa tro cốt về quê nhà, Quảng Ngãi, do đó, con trai bà là Nguiễn Hữu Nguiên mới đây (2021) đã mang tro cốt của bà rải xuống sông Trà Khúc (cầu Cỗ Lũy).

(LKT 5,2021)

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Hồ thị Hoàng Anh: “Bà mẹ nuôi con khỏe”

21/05/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Ghi chú: Loạt bài Mỹ nhân xứ Huế của Thái Lộc trên báo Tuổi Trẻ kỳ 5 viết về Hồ thị Hoàng Anh…

Một người bạn gởi lại tôi bài viết “Bà Mẹ nuôi con khỏe” này của Hồ thị Hoàng Anh đã đăng trên www.dohongngoc.com, nhân buổi Hội ngộ – Tâm tình về cuốn Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng do HQCBM tổ chức tại nhà GS Trần Văn Khê (2012).

Xin chia sẻ.

Thân mến,

ĐHN

 

“Bà mẹ nuôi con khỏe”

Hồ thị Hoàng Anh

 

Mấy ngày nay Hoàng Anh đang ở Mỹ, sáng nay lang thang vào trang web của Việt Nam tình cờ thấy bài của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc “ Vài chuyện kể về cuốn sách viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng”. Đọc đến đoạn cuối bs Đỗ Hồng Ngọc có nhắc về cuộc thi  “Bà mẹ nuôi con khỏe” cấp thành phố năm 1985 tại hội trường bệnh viện Từ Dủ. Mà lần đó Hoàng Anh cùng con trai là Nguyên-Giáp dự thi rồi được giải nhất. Thật là một kỷ niệm vui.
Ở gần chùa nên khi nào rảnh là Hoàng Anh xin vào thư viện chùa để đọc sách , mới biết rất nhiều tập san Phật Giáo Việt Nam ở đây có đăng bài của bs Đỗ Hồng Ngọc. Đặc biệt trong số báo Phật đản xuất bản cách đây mấy ngày có đăng bài “ Nói không được”.
Mấy năm trước khi qua làm việc ở Nhật Bổn thì thấy sách của bs Đỗ Hồng Ngọc dịch ra tiếng Nhật được nhiều độc giả người Nhật đón nhận . Rồi đến khi Hoàng Anh đến Mỹ thì thấy sách bs Đỗ Hồng Ngọc xuất hiện nhiều trong các thư viện của người Việt ở đây. Chứng tỏ có nhiều thế hệ độc giả người Việt ái mộ tác giả vừa là bác sĩ vừa là nhà văn tài hoa này…
Khi nào nghĩ về cuộc thi “bà mẹ nuôi con khỏe” lần đó Hoàng Anh cũng hân hoan, rồi cũng có chút chút “ngưỡng mộ” về mình : là tại sao hồi đó mình còn rất trẻ mà đã rành rọt biết cách chăm sóc con đến vậy?
Thật ra “ bí mật” để làm được điều kỳ diệu đó chỉ vì Hoàng Anh là độc giả lâu đời của tác giả Đỗ Hồng Ngọc! Là con gái Huế chính tông,  Kể từ khi bắt đầu “nứt vỏ” để lớn lên bên giòng sông Hương núi Ngự trở thành o thiếu nữ là tâm hồn đã biết rung cảm với ca từ và giai điệu của âm nhạc Trịnh Công Sơn, cũng là lúc Hoàng Anh biết bắt đầu say sưa với cuốn “ Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò”. Khi đến tuổi lập gia đình có con thì nghiền ngẫm “ Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng”. Khi con lớn vào đai học rồi thì nhâm nhi “ Gió heo may đã về”. Bây giờ con tốt nghiệp đại học rồi, có thời gian hơn thì thong thả với “ Như thị”, với” Nghĩ từ trái tim” bs Đỗ Hồng Ngọc viết về Bát Nhã Tâm Kinh…
Cuộc thi “ Bà mẹ nuôi con khỏe” lần đầu hồi đó vào những năm đất nước còn khó khăn, xã hội ít tổ chức những sự kiện văn hóa lớn. Nên cuộc thi” Bà mẹ nuôi con khỏe” cấp thành phố hồi đó là một trong những sự kiện sôi nổi .
Nhìn lại những tấm hình trong cuộc thi. Hoàng Anh thấy mình hồi đó còn rất trẻ mà cũng hơi xinh xinh. Đã 26 tuổi và là mẹ của hai đứa con rồi mà vẫn còn vương nét sinh viên, rất khỏe khoắn trong trang phục quần jean xanh- áo sơ-mi vải màu trắng, dưới chân thì giản dị đeo đôi guốc mộc, trên đầu là một mái tóc dài xanh ngời bối thành củ tỏi vắt sau ót .
Khi Hoàng Anh vác trên vai đứa bé trai bụ bẩm khóc oe oe lên nhận giải trên sân khấu, hình ảnh đó làm cả hội trường cười òa. Phóng viên thì tha hồ tác nghiệp phỏng vấn bà mẹ và quay phim chụp hình em bé đọat giải.
Vì là bà mẹ thi được điểm cao nhất nên Hoàng Anh hân hạnh được người thầy thuốc mẫu mực là Viện sĩ,Tiến sĩ Dương Quang Trung trao giải thưởng tận tay. Rồi trong thùng quà thưởng to tướng, bên cạnh nhiều vật dụng xinh đep dùng cho trẻ em thì có card viết tay chúc mừng của bác sĩ Dương Quỳnh Hoa hồi đó làm giám đốc Trung tâm Nhi thành phố. Khi được phỏng vấn “làm sao trả lời giỏi vậy?” Hoàng Anh nói “là nhờ đọc sách của bs Đỗ Hồng Ngọc đó”.

Bà mẹ Hoàng Anh, Bs ĐHN và "bé" Nguyên Giáp trong buổi Hội ngộ, Tâm tình về cuốn VCCBMSCĐL do HQCBM tổ chức tại nhà GS Trần Văn Khê (2012).

Bà mẹ Hoàng Anh, Bs Đỗ Hồng Ngọc và “bé” Nguyên Giáp trong buổi Hội ngộ, Tâm tình về cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” do Hội quán Các Bà Mẹ tổ chức tại nhà GS Trần Văn Khê (2012).

 

Em bé Nguyên-Giáp bụ bẫm ngày nào, nay đang rất bận rộn với công việc của một cậu sinh viên trường Y năm cuối. Là tất bật với bài vở,với những môn thi, với những đêm thực tập thức trắng ở bệnh viện…
Cuộc thi “ Bà mẹ nuôi con khỏe” năm nào, chớp mắt thôi đã 1/4 thế kỹ! Cũng mới thôi!

 

(03/06/2010)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Vài đoạn hồi ký, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng

Thư gởi bạn xa xôi (5.2021 tiếp theo)

18/05/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Thư gởi bạn xa xôi

(5.2021, tiếp theo)

Ghi chú: Thư gởi bạn xa xôi vừa rồi của mình về chuyện làm SÁCH NÓI có nhắc đến cuốn Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng thì liền được một bạn đọc gởi cho đường link “reviewsach.club”. Thiệt bất ngờ với những nhận xét hết sức thú vị của các “bà mẹ, ông bố” về cuốn sách này… Xin phép được trích một vài comments để chia sẻ cùng bạn bè thân thiết hôm nay.

Trân trọng,

Đỗ Hồng Ngọc

………………………………………………………………….

 

Calo

… Mình là sinh viên Y. Tình cờ được bạn giới thiệu cuốn sách này, đọc thử thấy hay quá nên mua luôn. Những kiến thức y học thường thức bổ ích và thiết thực được BS. Đỗ Hồng Ngọc giải thích một cách rất hóm hỉnh, thú vị, dễ hiểu và dễ nhớ cho các bà mẹ nữa. Mình cũng học được cách diễn giải kiến thức chuyên môn của Bác và áp dụng khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đây là một cuốn sách rất tâm huyết, và mình nghĩ tất cả các bạn trẻ nên đọc từ trước khi làm cha mẹ.

Nguyen Hang

… Mình rất thích giọng văn hài hước của tác giả khi viết về các bệnh và các truyền thuyết thường gặp trong dân gian. Nội dung quyển sách tập trung vào các bệnh thường gặp của trẻ nhỏ, cách xử trí và những cách dân gian thường làm nhưng không còn đúng và không nên làm ngày nay. Quyển sách vừa khoa học, vừa dí dỏm, vừa thực tế, bổ ích.  Và đây sẽ là quyển sách bổ ích không chỉ cho các bà mẹ sinh con đầu lòng mà cả các mẹ có con nhỏ nói chung.

Nguyễn Thị Phương Trinh

… Sách tuy dày, nhìn thì thấy hơi ngán nhưng giọng văn của bác sỹ Ngọc rất dí dỏm, gần gũi, như đang trò truyện với mình vậy, nhiều lúc đang đọc còn phì cười không nhịn được nữa cơ.

Phạm Thị Thu Trang

… Tâm trạng hoang mang và kiến thức là tờ giấy trắng khi mang thai con đầu lòng.  Giữa lúc đó vác bụng lang thang nhà sách và chọn quyển sách này và vài cuốn sách khác của tác giả nước ngoài. Nhưng có lẽ quyển sách này gần như đầy đủ, thân thiện và gần gũi vô cùng. Người bác sĩ của gia đình, người cha, ông nội, ông ngoại của con mình. Không quá hiện đại như mình nghĩ nhưng rất phù hợp với bản sắc Việt. Tự tin, thoải mái, xem con như bạn, chăm con trong sự chủ động và hạnh phúc. Cảm ơn tác giả, người bên tôi và con những tháng năm đầu đời, cậu bé 1,5kg và hiện tại 4 tuổi, nặng 27kg, chắc nịch, ngoan tuyệt vời, ý thức như người lớn, chưa 1 ai phàn nàn bé không ngoan, đi học đi chơi ai cũng thích. Những tháng ngày vừa ấp Kangaroo, vừa đọc sách, vừa nghe nhạc nhẹ, nhạc giao hưởng…hát ru, trò chuyện, matxa cho con mãi không bao giờ quên được…

Nguyễn Thảo

… thật tuyệt vời khi biết đến cuốn sách này, hệt như một bí kíp truyền dạy vậy, những kiến thức cơ bản nhất để chăm sóc con cái, cách giải quyết các tình huống cấp bách, trình bày chi tiết, có khoa học, nội dung chuyên môn, có thể thấy rõ sự tận tâm và lòng nhiệt huyết trong đó! Cám ơn bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc.

Đỗ Thúy An

… Cách trình bày và giải thích rất rõ ràng, tôi nghe giọng văn rất thâm ý, có chút ấm áp đến lạ, hình như người viết đã dồn hết mọi tình yêu thương cho mỗi đứa trẻ trên đời này để viết nên tác phẩm! Thực sự cảm kích tấm lòng ấy!

Nguyen Trang

Một cuốn sách rất hay và chân thành như một lời tâm tình ấm áp đến những bà mẹ trẻ. Mang đến những kiến thức y khoa vô cùng quan trọng giúp đỡ không chỉ người mẹ mà còn cả người cha, cả gia đình trong việc chăm sóc thiên thần nhỏ của mình.
Đôi khi trong việc chăm trẻ có những mâu thuẫn thế hệ thì cuốn sách này như một cầu nối để kết nối và cảm thông giúp gia đình hạnh phúc và dễ dàng hơn trong việc chăm sóc em bé.

Nguyễn

…  có thể nói mình là fan của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, vì thích cách viết bài dí dõm không hề khô khan và rất dễ hiểu của tác giả. Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng là một trong những cuốn sách mình rất thích về nội dung mà tác giả cung cấp, thật sự rất hữu ích. Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tác giả.

Thanh Giang

… tình cờ tôi được giới thiệu cuốn sách này của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Là một cuốn sách y học thưởng thức dành cho các bà mẹ trẻ. Nhưng không khô khan, khó hiểu, cuốn sách tràn ngập tình yêu thương, bằng một giọng nói ấm áp, dịu dàng, toả ra một khí chất làm cho người lần đầu tiên làm mẹ thấy yên tâm đến lạ. Xin cám ơn bác sĩ.

Phạm Trang

Tôi mua quyển sách này vì tác giả là Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc- một tác giả gắn liền với thời còn đọc Mực tím, Hoa học trò – và tác phẩm đã không phụ sự mong đợi của tôi. Vì vợ chông tôi dự định sinh mà không có người thân bên cạnh chăm sóc nên tôi mua khá nhiều sách để tham khảo, nhưng đây là cuốn tôi thích đọc nhất vì ngoài những thông tin hữu ích thì cách viết rất nhẹ nhàng, tình cảm. không phải cảm giác như đang tìm hiểu thông tin mà như đang nghe một lời tâm tình từ một người quen vậy, khiến tôi cảm thấy rất gần gủi, ấm áp.

Hứa Kim Nguyên

Một đoạn trong sách mà tôi rất thích : “Tình mẹ thường không có ngay tức khắc, lúc bé sinh ra đời, tình mẹ dâng lên từ từ như sữa mẹ, nhưng sữa mẹ có thể cạn dần, còn tình mẹ càng lâu càng đầy với thời gian, thấm dần trong huyết quản, trong tim, óc mẹ và truyền qua cho đứa con.”

Cầm quyển sách trên tay, lần giở từng trang sách, đọc được những điều bác sĩ viết làm tôi thấy nhẹ nhõm và thậm chí còn có thể bật cười (tôi cứ nghĩ mình phải cáu gắt, bực mình và lo lắng suốt cho đến khi con được 3 tuổi mới thôi). Ông nói rằng trẻ sơ sinh mong manh lắm nhưng không đến độ dễ vỡ như chúng ta đã nghĩ (thời kỳ còn đang mang thai, tôi vẫn tưởng tượng đến ngày ẵm con, tôi cứ sợ mình sẽ làm rớt bé, vì ai cũng nói lúc mới sinh các bé nhỏ tí như con mèo con). Cuốn sách có tất cả mọi thứ tôi cần tìm hiểu về sức khỏe con mình nó như 1 bách khoa toàn thư mini về trẻ con mà tôi có thể đọc đi đọc lại nhiều lần…

Nguyễn Đăng Quỳnh

Tôi rất bất ngờ với những tổng hợp tình huống trong sách, một cuốn từ điển hữu dụng theo suốt bé từ lúc mới sinh đến bé lên 3 được tổng hợp chi tiết và đầy đủ. Đặc biệt là cẩm nang quan sát bé và phòng chống bệnh cho bé (chương 15 trở đi).
Thực sự quý báu khi có một kho tàng kiến thức về chăm sóc bà bầu cùng em bé được gói gọn trong một quyển sách như vậy.

Nguyễn Thi

Quyển sách là tập hợp những kinh nghiệm quý báu và thiết thực của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về cách chăm sóc những bà mẹ mới sinh con và trẻ sơ sinh ở Việt Nam. Giữa sự bủa vây những kinh nghiệm dân gian truyền miệng và sự thiếu sót, bỡ ngỡ của người làm mẹ đối với đứa con bé bỏng thì kiến thức y khoa và khoa học của bác sĩ là một chiếc phao cứu sinh đúng nghĩa.

nguyen ngoc hanh

Đây là quyển sách mình đọc đầu tiên từ lúc có con đầu lòng và đến giờ vẫn còn đọc khi đã có đứa thứ hai. Đọc xong mà vẫn chưa thỏa mãn, phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần, và sau này mỗi khi con gặp sự cố về sức khỏe thì đây đúng là liều thuốc để giúp con tìm ra nguyên nhân vì sao con không khỏe… Nội dung sách rất nhẹ nhàng nhưng thấm sâu vào tận suy nghĩ của những người mẹ trẻ, nhiều lúc mình còn đọc lại nội dung trong sách cho mẹ mình nghe vì đúng là những người lớn có cách chăm sóc con cái sai khoa học mà mình không tài nào giải thích được.

Chu Minh Hằng    

Quyển sách mang lại những thông tin bổ ích, trình bày rõ ràng theo từng mục bằng một giọng văn hóm hỉnh, bình dân, gần gũi của một bác sĩ có kinh nghiệm viết sách từ những trải nghiệm thực tế của mình.
Đọc sách mới Ồ ,à ra nhiều điều mà trước giờ mình cứ đinh ninh là đúng nhưng thực tế làm như vậy sẽ là hại bé.
Một quyển sách hay để gối đầu giường hay làm quà tặng cũng rất ý nghĩa, thiết thực.

Đỗ Ngọc

Mình cũng đã mua rất nhiều cuốn sách nói về nuôi dạy và chăm sóc em bé, nhưng đều là sách dịch nên có 1 số điều ở bên nước ngoài có nhưng không phù hợp với VN cho lắm, còn cuốn sách này có lẽ do bác sĩ viết nên mình cảm thấy rất gần gũi và thực tế, lời văn không giáo điều hay dùng những thuật ngữ khoa học gì mà rất giản dị, bình dân, dí dỏm, dễ nhớ… Nói chung mình nghĩ các bà mẹ dù cho sinh con đầu lòng hay thứ 2,3 đi nữa thì cũng nên mua cuốn này về đọc, thật sự rất bổ ích và cần thiết đấy.

Dung Duong

Đây là cuốn sách đầu tiên tôi lật giở mỗi khi bé nhà tôi có triệu chứng bệnh. Cuốn sách như một vị bác sĩ tại gia giúp tôi không quá hốt hoảng mỗi lần con bệnh…v.v.

Thuận Ánh Nguyễn

Đỗ Hồng Ngọc là một người viết văn (ông là tác giả của nhiều cuốn tản văn, sách viết về sức khỏe… được yêu thích, có cả website riêng trên mạng) đồng thời là một bác sĩ nhi khoa nên cuốn sách này vừa bảo đảm tính khoa học, vừa tràn đầy cảm xúc.
Đối với tôi thì cuốn này là bách khoa thư trong “sự nghiệp nuôi con” lúc bé 0-3 tuổi, sách giải đáp gần như mọi vấn đề mà tôi gặp phải (Sữa mẹ, sữa bò, thực phẩm, vệ sinh cho bé, chiều cao, cân nặng, răng, mắt, mũi, ngủ, khóc, giật mình, đổ mồ hôi, gầy ốm, biếng ăn, ăn không tiêu, thiếu tháng, tai nạn, các loại bệnh, chủng ngừa, sinh tố Y, cách “đối phó” với bà nội, bà ngoại và… bà hàng xóm…). Tôi đọc khá nhiều sách về nuôi dạy con khá đầy đủ thông tin nhưng chỉ đơn thuần là kiến thức khô cứng. Còn cuốn sách này thì như mình đã nói ở trên, là tác phẩm của một bác sĩ viết văn và viết tốt, nên có nhiều đoạn có thể làm cho trái tim nhiều bà mẹ… tan chảy.

(http://reviewsach.club/review-viet-cho-cac-ba-me-sinh-con-dau-long-tai-ban-2013/)

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn xa xôi (5.2021)

11/05/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi (5.2021)

Có một thời như thế

Cảm ơn bạn đã nhắc lâu rồi sao chả thấy “thư gởi bạn xa xôi” gì cả! Hay là không có chuyện gì để nói, hay là suốt ngày bó gối, ru rú xó nhà… của một thời sống trong tình trạng Bình thường mới với Cô-vi?

Thực ra chuyện thì nhiều. Nhưng làm biếng thôi. Học trò Hải thượng Lãn Ông mà!

Nhưng hôm nay có chuyện vui kể nghe nè. Mình mới ký Hợp Đồng làm Sách Nói với “Công ty công nghệ WeWe”. Các bạn trẻ thuyết phục mình nên làm sách… Nói, vì sách đọc bây giờ mệt mỏi lắm. Người già ngày càng nhiều, mắt già ngày càng kém, tay run, cầm cuốn sách muốn rớt. Người trẻ ngày càng làm biếng muốn vừa lái xe vừa nghe cho tiện. Ai cũng nhét hai cục gì đó vào lỗ tai không thấy sao? Thời đại mà!

Các bạn trẻ hôm kia ôm lại mớ sách của mình bày ra. Nè, bác coi có chỉnh sửa gì không, tụi con cho đọc thử nhe. Bác muốn giọng nam hay giọng nữ? tiếng Bắc hay tiếng Nam… Ôi chao, coi vậy mà không dễ nhỉ?

Thu Thảo ôm cuốn Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng hỏi cuốn này bác viết năm nào? Viết năm 1974 con ạ, và bác phải cập nhựt mỗi năm để tái bản. Mình nói: lúc đó chắc tụi con chưa sanh? Thu Thảo cười: Dạ, Má con  cũng chưa sanh đó bác! Má con sanh 1975. Thì ra thế! Chắc bà ngoại con có đọc.

Nguyễn Luận hỏi hồi đó ai xuất bản cho bác? Bác tự xuất bản lấy con ạ. Tự đăt tên Nhà xuất bản LaNgà, là tên con gái lớn của bác…

Các bạn trẻ hết sức kinh ngạc. Tác giả viết sách rồi tự xuất bản, tự phát hành… Chuyện lạ.

Chuyện lạ mà có thiệt. Có một thời như thế.

Nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Như Phương có lần nhắc:

“Một lần tôi viết bài báo có ghi chú thích nguồn tài liệu từ một cuốn sách do nhà xuất bản (NXB) Trẻ ấn hành ở Sài Gòn năm 1974, người biên tập cẩn thận yêu cầu kiểm tra lại vì cho rằng NXB này chỉ mới thành lập năm 1986. Thật ra, tuy trùng tên nhưng đó là hai NXB khác nhau. NXB Trẻ trước 1975 do nhà nghiên cứu, dịch giả Lê Thanh Hoàng Dân sáng lập, chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng cũng kịp in một số sách giá trị về giáo dục và văn học thế giới.

Ở miền Nam trước đây, hầu hết các NXB không phải của cơ quan, đoàn thể mà chủ yếu của tư nhân, nên được đặt tên rất “thoải mái”. Có những tên chịu ảnh hưởng Tây phương như Thời Mới, Đêm Trắng, Ngưỡng Cửa…; đồng thời có nhiều tên mang tính chất Đông phương như Lá Bối, An Tiêm, Lửa Thiêng, Ca Dao… Kẻ Sĩ, Cảo Thơm, Tao Đàn, Nam Chi Tùng Thư… Lại có NXB mang tên của chính chủ nhân: Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đình Vượng, Phạm Văn Tươi. Mỗi thương hiệu xuất bản thường tạo uy tín bằng những đầu sách về khảo cứu, sáng tác hay dịch thuật.

(…)

(http://www.sachhay.org/diem-sach/ChiTiet/448/nhung-nha-xuat-ban-doan-menh).

Dưới đây là một vài hình ảnh để nhớ.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

Thu Thảo WEWE đang cầm trên tay cuốn Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, NXB Tổng hợp Tp. HCM thực hiện. Cuốn sách được cập nhật hàng năm. Bìa Mai Quế Vũ. Trên bàn là số sách ĐHN được chọn để làm Sách Nói.

Bìa đầu tiên cuốn “Viết cho các bà mẹ sanh con đầu lòng” của Đỗ Hồng Ngọc do tác giả trình bày. Hình bìa: tượng Mẹ-Con trên một tạp chí Y học. La Ngà xuất bản, Saigon, 1974.

 

 

Luyện Văn, quyển II Tác giả Nguyễn Hiến Lê. NXB Nguyễn Hiến Lê ấn hành.

Vài cuốn sách xuất bản thời không xa lắm!

Kim Chỉ Nam của Học sinh. Tác giả Nguyễn Hiến Lê. NXB P. Văn Tươi 1956

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn xa xôi (tiếp)

23/04/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

Thư gởi bạn xa xôi

Một chuyến về thăm quê ngoại,

Anh Hai Trầu, Nguyệt Mai, Khánh Minh… và mấy bạn bên đó ai dè đã đọc ngay thư gởi bạn xa xôi về chuyến đi Xuyên Mộc mừng tuổi 91 của anh Trụ Vũ, và riêng anh Hai Trầu còn bảo sẽ kể chuyện ngày xưa mấy lần về Phan Thiết quê mình cho nghe nữa! Còn ông bạn GS Nguyễn Thế Hùng ở Đàlạt kêu sao không gọi cho anh đi với, vì anh rất quý ông Trụ Vũ. KMM ở Dran, DT… ở Cà Ná cũng đã đọc… Tóm lại, hóa ra lâu nay cứ nghĩ thời buổi này ai còn có thì giờ mà đọc… những chuyện “linh tinh” là một sai lầm lớn! Nói khác đi, cứ nên tiếp tục lai rai cho vui.

Mình mới về quê nội, Lagi (Hàm Tân xưa), rồi ghé về thăm quê ngoại ở Tam Tân, Phong Điền, Hiệp Nghĩa (nay là Tân Thuân, Hàm Thuận Nam) không xa lắm. Gởi bạn vài tấm hình với lời chú thích thôi nhe.

Với Phùng Minh Bảo ở Sông Xoài, Châu Đức. Bảo và Thùy Linh, cặp vợ chồng trẻ đã sớm tìm đường về… quê làm vườn thay vì mấy năm nay bươn chãi làm ăn ở phố thị. Hình như có một “phong trào” các bạn trẻ (trên dưới 40) bỏ phố về quê sống với tháng năm thanh bình… Bảo & Thùy Linh 12 năm trước đã bế con còn đang bú đến gặp “chú Ngọc”, đề nghị giúp chú làm một trang Web để lưu trữ và chia sẻ cùng bạn bè… Vậy mà đã 12 năm rồi đó. Cô bé bú mẹ năm nào giờ cao lớn hơn mẹ. Cậu con trai thì sắp thi tốt nghiệp PT. Giai đoạn đầu, đã phải nhờ Bảo-Linh chăm sóc www.dohongngoc.com, sau học hỏi dần rồi mình cũng tự làm được các thứ, kẹt lắm mới phải hỏi…

 

 

 

 

 

 

 

 

Vườn rau của Phùng Minh Bảo & Thùy Linh ở Sông Xoài, Châu Đức (gần nhà cũ của Nguyễn Minh Tiến).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bến Ván, Láng Găng (Bình Châu). Những năm 7,8 tuổi, mình từng sống vùng này (tản cư từ Lagi). Những địa danh Láng Hàng, Giếng Ngự, Bưng Riềng, Rừng Khỉ, Hồ Tràm… không xa lạ, cũng như bệnh Sốt rét rừng, suy dinh dưỡng vốn rất thân quen… Đi về phía Nam thì Xuyên Mộc, Bà Rịa với hồ Bà Tô, phía Bắc thì có Suối nước nóng Bình Châu giờ là khu du lịch có tiếng. Người bạn thân cùng tuổi cùng thời nơi đây là nhà văn Trần Yên Thảo (Trần Ngọc Minh), giờ gặp nhau vẫn nhắc “hồi đó…” chuyện hơn 70 năm trước!

 

Farmstay của Trí & Đông tại Cam Bình, Lagi. Thanh bình, yên tĩnh. Hồ nước đen ngòm vì vùng đất này rất nhiều titan (*).

 

 

 

Chiếc cầu tre dẫn vào khu tập thiền, yoga thanh tịnh.

 

Dốc Trâu, Bàu Giòi (Lagi), với hàng ngàn chiếc thuyền thúng. Vùng này nơi xưa có Giếng Nguồn Chung do nhóm Hướng đạo sinh xây năm 1944.

 

Không lần nào về quê mà không ghé Đập Đá Dựng. Xưa còn có một ngôi nhà thủy tạ phía trên đâp, đã sụp đổ. Quán càphê có nước dừa tươi rất ngon.

 

 

 

 

Đập Đá Dựng, Lagi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một mình trên bãi biển mênh mông quê ngoại. Mõm Đá Chim (Ngãnh Tam Tân). Xa thật xa là “Hòn Bà nên thơ giữa sóng trùng dương, mấy kiếp gió sương… Lagi tay chài tay lưới có những mùa trăng sáng cát trắng đẹp bờ vai…” (Bình Tuy, ca khúc của Trúc Phương).

 

Cậy hàu là một… nghệ thuật, rất dễ bị đứt tay.

 

 

 

Và mùa đầy rêu xanh…

 

Tam Tân, sinh quán của cậu Nguyễn Hữu Ngư (nhà văn Nguiễn Ngu Í) cũng dần đô thị… hóa! Tìm nhà Bà Năm, má cậu Năm Chi có cái giếng nước ngọt nổi tiếng cả vùng này cũng không còn dấu vết…

 

 

Một chiếc gant tay của người đẹp tiền sử khổng lồ nào bỏ quên trên bãi cát mênh mông… (Ngãnh Tam Tân)

 

 

 

 

 

 

 

Đường làng về nhà ngoại hôm nay (Phong Điền, Hiệp Nghĩa, thuộc Hàm Thuận Nam). Ngày xưa là con đường đất nhỏ hẹp, quanh co, cỏ ngập hai bờ, với những rặng tre kẽo kẹt có nhiều ma gáo… nhiều chỗ phải ù té chạy rợn tóc gáy…

 

Giếng nhà ngoại, một giếng nước ngọt cả vùng gánh về uống, nay đời cháu chắt đã phá bỏ, xây thành cái hồ chứa nước rộng để tưới thanh long… Xưa nơi này là một khu vườn dừa, cau, chuối rập rạp, nay trống huơ trống hoắc, chỉ còn… thanh long là thanh long (làm kinh tế). Xa xa kia là núi Tà Cú, nơi có Linh Sơn Trường Thọ Tự, sắc tứ thời Tự Đức. Mình ở đây lúc 10 tuổi, đi học trường Gò Ông Nồm (Nam Bình), hàng ngày Mợ Năm (Nghê Nhã Ý, em ruột của Mẹ) gói cho một nắm cơm mo cau với một con cá khô nướng, trưa ăn ở trường bên cạnh các hầm trú ẩn chữ V chữ U… để khi có máy bay đến thì kịp nhảy xuống tránh bom.

 

May thay còn có cây khế ngọt để nhớ “quê hương” (ĐTQ). Khắp nơi thanh long là thanh long, chẳng còn dừa, cau, chuối, bưởi, cam, quít… gì nữa cả! Làm sao không chút ngậm ngùi chốn xưa?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hẹn thư sau,

Đỗ Hồng Ngọc

(23.4.2021)

…………………………..

(*)  Titan hay titanium là một nguyên tố hóa học, một kim loại, có ký hiệu là Ti và số thứ tự trong bảng tuần hoàn là 22. Titan là một kim loại chuyển tiếp, tỉ trọng thấp và độ bền cao, không bị ăn mòn trong nước biển, nước cường toan và clor. (theo Wikipedia). Bình Thuận là tỉnh có nhiều khoáng sản Titanium.

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Uncategorized, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn xa xôi,

20/04/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

Thư gởi bạn xa xôi,

Nhà thơ, nhà thư pháp Trụ Vũ, mừng tuổi 91

 

 

Sáng nay báo Tuổi Trẻ có mấy dòng tin ngắn về buổi Họp mặt mừng tuổi 91 của nhà thơ, nhà thư pháp Trụ Vũ tại Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu. Một người bạn từ phương xa đã hỏi thăm. Một vài bạn còn trách sao lâu quá, chẳng thấy thư từ gì cả, chẳng thấy cập nhật gì mới trên dohongngoc.com cả vậy!…

Phải xin lỗi bạn thôi. Thú thiệt, từ ngày bước vào tuổi 80, mình ngày càng biếng nhác  thấy rõ từng ngày, từng ngày. Khớp bắt đầu đau, không còn lên xuống cầu thang dễ dàng như trước, mà phải chân này giúp chân kia… T, một người bạn thân hẹn đi cà phê, phone xin lỗi, “mặc quần không được” vì co chân khó qúa. M, kêu tay trái giơ lên mặc áo cũng khó. Bạn nữa quên ngày giờ hẹn… Còn mình, từ ngày viết Để Làm Gì thì cứ luẩn quẩn mấy chữ “để làm gì” trong đầu đó vậy!

Cái gì vậy? Thì ra, chuyện bình thường của lứa bọn mình đó thôi. Cho nên nghe 5 Hiền bớt đau lưng đã ngồi được vào máy để gõ. Mừng. Thấy Hai Trầu loanh quanh  săm soi mấy trái bưởi trái khế trong vườn. Mừng. Phạm Văn Nhàn viết meo cho hay vừa nghe đọc trên đài Long An một truyện ngắn đặc sắc của anh… Mừng.

Anh Trụ Vũ kêu con gái Út, Linh Thoại gọi điện cho chú Ngọc để rủ đi Xuyên Mộc chơi với Ba một chuyến, nhân các bạn “văn nghệ” học trò anh tổ chức một đêm ca nhạc mừng tuổi 91 của anh, có Bs Võ Văn Thành, có nhà giáo Đoàn Văn Điện, có nhà thơ Hạnh Phương từ Long Khánh, nhà phê bình văn học Đăng Lan từ Saigon, Ni cô Trung Hiếu từ Bình Long… Vậy thì đi chớ, sao không!

Phải nói buổi Họp mặt mừng tuổi Trụ Vũ thiệt vui và thiệt cảm động. Anh Trụ Vũ hơn mình có 9 tuổi, Đoàn Văn Điện hơn mình 4 tuổi (anh xưng tên là “Điên nặng”, dân gốc Tuy Hòa, bạn của Trần Huiền Ân và thế nào cũng họ hàng với Đoàn Hùng- nhà văn Nguyễn Lê Uyên). Bs Võ Văn Thành thì tuổi Sửu, nhỏ hơn mình… 9 tuổi, Hạnh Phương tuổi Tí… Khi người ta già thì người ta hay hỏi tuổi của nhau như vậy. Với mình, hỏi còn là để học tập kinh nghiệm sống, kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe, chia sẻ về cái ăn, cái ngủ, cái tập rèn thể lực, tu tâm dưỡng tánh… Bs Thành thì thở bụng, Gs Điện thì ngàn cái phất tay dịch cân kinh… Đại khái vậy.

Anh Trụ Vũ, bị tai biến 3 năm trước mà nay đã đi lại được, nói năng hơi khó, nghe càng khó. Thiên Anh con gái, kề tai anh… phiên dịch những gì cần thiết cho nghe. Vậy mà trên chuyến xe, anh còn viết thơ Nhất Hạnh tặng Bs Thành, bàn về thơ Phạm Thiên Thư, đọc cuốn sách mình mới tặng Như không thôi đi được (Những bài viết về thơ Đỗ Hồng Ngọc)… Anh mở đọc ngay bài Nguyễn Thị Khánh Minh, bài Nguyễn Thị Tịnh Thy v.v… Thiệt không ngờ một ông lão trên 90! Hình như nhờ có thơ có văn mà người ta hạnh phúc vậy. Những lúc yên lặng, thấy ông quơ quơ tay lên không thì Linh Thoại giải thích Ba đang làm thơ hoặc viết thư pháp gì đó chú Ngọc ạ.

Thôi, mình sẽ gởi theo đây ít hình ảnh (và chú thích) để bạn xem vui thôi nhe.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

(20.4.2021)

 

 

 

 

 

 

 

Ông già 91 tuổi ngồi trên xe hơi đang chạy mà vừa viết vừa đọc ngon lành, thiệt là đáng nể phục.

 

Hội trường khá đông, có trên 60 người đến từ nhiều nơi vì yêu mến nhà thơ, nhà thư pháp Trụ Vũ, tối 17.4.2021 tại Xã Phước Tân, Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hàng đầu từ trái: Hạnh Phương, Đoàn Văn Điện, Võ Văn Thành, Trụ Vũ (ảnh ĐHN)

 

Xuân Thế, người “ca thơ” Trụ Vũ (ảnh ĐHN)

 

 

 

Rất nhiều ca khúc đã được trình bày đêm đó, ngoài những bài hát phổ thơ Trụ Vũ,  còn có Tình Hoài Hương, Gửi gió cho mây ngàn bay, Ô mê ly, Nguyệt Cầm… Từ 8h đến hơn 11 giờ đêm mới vãn!

 

Ca sĩ Bảo Thuyên (ảnh ĐHN).

 

 

Nhà phê bình văn học Đăng Lan nói về thơ Trụ Vũ.

ĐHN tặng “quà” cho Trụ Vũ. Mấy dòng chữ viết vẽ về Trụ Vũ 20 năm trước không ngờ được Thiên Anh còn giữ kỹ đến hôm nay.

 

Các bạn trẻ yêu thơ, thư pháp Trụ Vũ đã không quên “Mừng Tuổi” ông hôm nay.

Một bài thơ của ĐHN do Trụ Vũ viết thư pháp (2005): Hôi An sớm/ Hôi An còn ngái ngủ/ Mái chùa ôm vầng trăng/ Giật mình nghe tiếng chổi/ Gà gáy vàng trong sương (ĐHN)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Viết thêm:

Lâu lâu mới có dịp về Phước Bửu, Xuyên Mộc nên mình đã không quên đưa mấy người bạn ra hồ Bà Tô uống cà phê và nước dừa tuyệt ngon (trước khi vào buổi Giao lưu mừng tuổi anh Trụ Vũ).

Hình từ trái: Đoàn Văn Điện, Hạnh Phương, Đỗ Hồng Ngọc, Võ Văn Thành.

Gởi hình cho nhớ nhe.

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Gặp gỡ với Nhà thơ Huyền Chi của “Thuyền viễn xứ”

11/03/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi

Gặp gỡ với Nhà thơ Huyền Chi của “Thuyền viễn xứ”

 

Bạn còn nhớ tiệm sách Bút Hoa trên đường Trần Hưng Đạo, đối diện trường Phan Bội Châu (cũ) của bọn mình ở Phan Thiết không? Chủ tiệm là cô Ngọc Bút, Hồ thị Ngọc Bút, thường gọi cô Ngọc, vợ thầy Trần Phụng Tường dạy Pháp văn lớp đệ thất 1954 (65 năm trước) của bọn mình nhớ không? Ai dè cô là nhà thơ Huyền Chi, nổi tiếng với bài thơ Thuyền Viễn Xứ do Phạm Duy phổ nhạc đó nhớ không?

Gốc Bắc Ninh, nhưng sanh đẻ tại Gia Định (Saigon) và có thời cô phụ mẹ bán hàng vải ở chợ Bến Thành. Trong nhiều năm, cô im hơi lặng tiếng, đến nỗi nhạc sĩ Phạm Duy chỉ một lần gặp cô, được cô tặng tập thơ Cởi Mở tại chơ Bến Thành năm đó, chọn được một bài là Thuyền viễn xứ để phổ nhạc thành một ca khúc tuyệt vời đã cất công tìm kiếm cô mãi không được, nhắn tin cả trên bản nhạc: Huyền Chi, cô ở đâu? Tiếng kêu lọt tõm trong sa mạc. Và người ta cứ nghĩ thêm một hiện tượng TTKH nữa rồi! Nhưng không. Cô không lên tiếng với PD vì nhiều lý do nhưng lý do chính là thầy đang bị tai biến, té gãy xương đùi, phải nằm một chỗ suốt mười năm, một tay cô chăm sóc. Nhà văn Nguyễn Đông Thức trong một bài viết đã quả quyết đó là vì “ông chồng quá ghen”, và cô đã xác nhận anh chẩn bệnh chính xác trăm phần trăm!

Lúc mình học với thầy Tường thì thầy chưa có vợ! Mình chỉ học PBC được mấy tháng thì gia đình dời về tỉnh mới Bình Tuy (LaGi), nên không còn được theo học nữa. Dù sao, Cô Ngọc Bút, nhà thơ Huyền Chi, cũng là cô mình mà, nên hôm nay mình đã cùng với TP, NTC… những học trò cũ thân thiết cùng hẹn đến thăm cô, thắp nén nhang cho thầy, cũng là dịp cho mình được gặp gỡ nhà thơ HC đã 83 tuổi, im hơi lặng tiếng quá lâu, giờ lại “bùng nổ” trên Facebook với nhiều bài viết rất hay và sắp ra mắt tập “Huyền Chi, Thuyền Viễn Xứ” nữa!

Mình thưa sao cô lấy tên Khánh Ngọc trên Fb vậy cô? Có phải vì… nghĩ đến Phạm Duy? Cô nói không. Tôi tên Ngọc (Ngọc Bút) và Khánh là tên người anh trai của tôi mà tôi rất quý mến đang ở nước ngoài. Anh có người con là họa sĩ đã trình bày bìa cho cuốn sách Huyền Chi, Thuyền Viễn Xứ này đó. Cái lý do “lẫn trốn” PD vì sau khi bài Thuyền viễn xứ nổi đình nổi đám, thì tôi sợ, nhất là ở một thành phố nhỏ như Phan Thiết này thì khó mà tránh phiền phức, vả thầy cũng đang nằm bệnh đó…

Cô nói từ ngày thầy mất, suốt nhiều năm cô lặng lẽ âm thầm, ra vào một mình,  con cháu mới bày cô làm Facebook cho vui, để trong gia đình, người trong nước kẻ ngoài nước, thư từ, trao đổi, trò chuyện cho thuận tiện hơn. Cô học rất nhanh, vì cô vốn là cô giáo dạy tiếng Anh, xưa đã quen với máy chữ mười ngón các thứ… Vậy là Fb Khánh Ngọc ra đời. Bạn bè tìm lại nhau sau 65 năm trời xa cách. Rồi học trò, rồi độc giả khắp nơi khuyến khích nên cô viết nhiều, viết nhanh, rồi nay còn in ra sách nữa… Văn cô mượt mà, chuyện kể chân thành, đằm thắm được chia sẻ nhanh chóng trên mạng. Những hình ảnh xưa cô post lại, khiến nhiều người giật mình. Cô đẹp quá. Sao thời đó, một người phụ nữ 7 con, 35 tuổi mà dịu dàng, đoan trang, tươi mát đến vậy, khiến ngay cả nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng kêu lên… giá mà hồi đó, sanh sớm nửa thế kỷ được gặp cô cũng không thể không mê!

Mình có “lợi thế” là học trò của thầy Tường, 65 năm về trước, và cũng lại là người mà cô bảo cô là “fan” từ lâu, nên dù mới gặp lần đầu vẫn không hề xa lạ. Mình bèn lựa lời… hỏi những chuyện tình mà cô chưa từng nói với ai cũng không viết hết được trong sách.

Chuyện đầu tiên, dĩ nhiên là chuyện tình của thầy-cô. Mình không lạ gì “tiếng tăm” của thầy-cô ở Phan Thiết một thời… Mấy bạn học kể hôm nào thầy vào lớp… chửi học trò, nhăn nhó với học trò là có chuyện ở nhà. Thầy “ghen” khủng khiếp. Có lần thầy bảo: tôi mê vợ tôi có sao không? Khi hai ông bà dắt tay nhau dung dăng dung dẻ ngoài phố, lũ trẻ con chạy theo kêu: Ông tây bà đầm, ông tây bà đầm… Bởi thời đó, vợ chồng thường đi cách nhau mấy bước! Có ai dám nắm tay ôm eo như vậy đâu!…

Rằng cô không hề để ý đến thầy. Lúc 15 tuổi cô đã có nhiều bài thơ. Và còn làm “biên tập thơ”cho một tờ báo Phụ Nữ thời đó. Lúc 17 tuổi, ông J, một người Pháp… mê cô. Xin cưới. Cô từ chối. Vậy mà đến năm cô 76 tuổi, khi thầy mất, vợ ông J cũng đã mất, ông còn quay lại xin… cưới. Cô lại từ chối.

Mới lớn, mẹ cô bắt cô phải lấy một “đại gia” giàu có, làm xuất nhập cảng. Ông này đi hỏi cô 8 lần. Cô cương quyết từ chối. Mình mới lớn, biết làm thơ, ít ra cũng có chút “lãng mạn” gì chứ lẽ nào lại lấy một ông nhà giàu chỉ biết làm xuất nhập cảng! Rồi cô tình cờ đến học thêm ở lớp tiểu học thầy Tường đang dạy, nhưng thầy đã vừa xin nghỉ để về Saigon tiếp tục học lên. Vậy mà sau này, thiên hạ còn kêu: học trò lấy thầy giáo! Thực tế, cô có học ngày nào với thầy đâu!

Lúc giúp mẹ bán hàng vải ở chợ Bến Thành Sàigon, có một ông nào đó mê cô…, lẽo đẽo làm thơ cả tập để tặng cô, ngày nào cũng có thơ mà cô chưa bao giờ biết mặt. Một lần, cô đi cắt tóc về, ông làm thơ than khóc cho mái tóc từ nay đã bỏ vào mỹ viện (tiệm cắt tóc)! Cô vẫn không biết ông là ai, nhưng khi cô lấy chồng, cô gởi ổng bài thơ “Bài thơ cuối cùng” để kỷ niệm. Từ đó, bặt tin.

Một người khác nữa, ở Huế. Cũng chỉ quen nhau qua văn thơ, cũng chưa hề biết mặt, nhưng chính ông này đã in cho cô tập thơ đầu tay, tập “Cởi Mở”. Đến lúc cô lập gia đình, ông gởi cô “Bài thơ cuối cùng”. Và rồi, cô cũng gởi ông “Bài thơ cuối cùng”, 16 khổ. Ai ngờ ông còn giữ đến bây giờ! Năm trước, có người thanh niên chừng 45-50 ở nước ngoài về đến tìm cô, dọ hỏi đủ thứ. Sau mới nói là con của ông TT, nay đã gần 90, nhờ anh gởi lại cô “Bài thơ cuối cùng” cô đã viết tặng ông 65 năm trước. Dặn về VN phải bằng mọi cách tìm cho được cô để trao lại bài thơ này. Bây giờ các con cô hay hỏi sao mẹ đi lấy chồng cứ làm hết “Bài thơ cuối cùng” cho người này rồi lại “Bài thơ cuối cùng” cho người khác vậy?…

Ở Phan Thiết, còn có ông L, ở dãy phố lầu 30 căn, ngày nào cũng ở trên lan can nhìn cô đi học qua lại. Ông L là bạn của thầy Tường. Thầy kêu ông viết thư cho cô đi, rồi thầy sẽ trao giùm cho, nhưng ông không dám viết. Sau ông lên khu, được tin cô lấy chồng, ông có viết mấy dòng chúc đôi uyên ương hạnh phúc!

Thầy Tường thì bà mẹ cô cương quyết không cho gặp, không cho cưới hỏi gì cả. Lý do: nghèo quá! Một lần thầy viết thư cho cô, cô cảm động, gởi thầy bài thơ lục bát. Từ đó thân nhau. Khi đã thắm thiết, mỗi lần thư cho thầy cô viết cuối thư: “Hôn anh thật kêu!”. Thư lọt vào tay ông bố thầy, ông nói: “Hôn anh” được rồi, còn “thật kêu” nữa! Từ đó, thầy dặn Bưu điện Phan Thiết đừng đưa thư về nhà, để thầy ra bưu điện nhận trực tiếp. Thầy mang thư ra vườn hoa, chỗ Château d’eau (lầu nước) mà đọc. Thầy nói đó là những giây phút hạnh phúc nhất đời của thầy.

Có lần thầy mang tặng cô bó hoa, cô trang trọng cắm vào độc bình đặt lên bàn, lúc học về, thấy bó hoa đã bị ném vào sọt rác! Thì ra, bà mẹ rất bực mình…

Thế rồi, làm sao thầy cô đến với nhau được? Lúc đó thầy đang học Dược thì bỏ, nộp đơn xin đi dạy học ở Phan Rang. Có Baccalaureat Pháp (Tú tài) thời đó dễ được các trường nhận cho dạy. Thầy viết một bức thư…. rủ cô đi với thầy. Bức thư cô để quên trên bàn học, bị bà mẹ bắt được. Đành phải cho thầy cưới cô, vì nếu không, “nó bỏ nhà trốn đi thì mang tiếng”!

Nghe nói thầy “ghen” lắm có đúng không? Phải, thầy “ghen” nổi tiếng. Thầy phải “tả xung hữu đột” “đánh nam dẹp bắc” nhiều phen. Nhiều lần đột xuất kiểm tra giám sát cô khi cô đi làm. Lúc nào thầy cũng đích thân chở cô đi. Thiên hạ thấy thầy già mà cô trẻ, có lúc tưởng thầy có “bồ nhí”! Thiệt ra thầy với cô đã có 5 đứa con rồi chứ, nhưng cô càng đẻ càng khỏe càng trẻ ra. Thầy chỉ hơn cô 6 tuổi. Khi thầy bị động viện, thầy còn kêu “ráng” đẻ thêm một đứa đủ 6 để được miễn. Sau cùng thầy cô có 7… em. Cô cười.

Rồi cô cười… lỏn lẻn. Có chuyện này cô không thể kể trong sách. Lúc thầy học thi Tú tài 2, trên bàn để một cái hình cô và một câu thề quyết tâm thi đậu Bac (Baccalaureat). Rồi còn nài nỉ cô cho xin cái áo… lót! Ôi trời ơi. Cô ngượng quá, không chịu, nhưng bị nài nỉ hoài, tội nghiệp cũng đành gởi tặng. Vậy là thầy cứ đặt lên ngực ngủ… cho đến khi phải nhờ cô em giặt cho thì chuyện mới vỡ lở!…

Mình hỏi bài thơ Thuyền viễn xứ… cô làm có phải định theo ông Tây sang Pháp không (có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường)?  Không. Thời cuộc lúc đó. Kẻ Nam người Bắc. Chiến tranh căng thẳng, đất nước phân ly… Còn Đà giang? Chỉ là tưởng tượng thôi!

Rồi cô cười. Tôi bắt chước anh khuyên trong sách: luôn giữ nụ cười, yêu thương người ta, luôn biết ơn… vì thế mà trẻ lâu, trí óc sáng suốt.

Vì sao Thầy “ghen” dữ vậy?

Cô trả lời ngay: Vì đẹp. Vì khéo léo, dịu ngọt, hiền lành… Mấy đứa con nói Má phải dữ lên chớ, sao để Ba ăn hiếp hoài vậy. Má phải ghen ngược cho ba sợ. Mà có gì đâu để ghen…

Dịp cô gặp Phạm Duy cũng rất nhanh thôi. Tại nhà sách Sống Chung của cô Đào, cô Đào giới thiệu PD, cô gởi tặng tập thơ, PD xin lời đề tặng và nói sẽ chọn một bài vừa ý để phổ nhạc. Rồi cô xem đồng hồ, cáo từ… rút lui nhanh nói cho kịp giờ đi học. Có lẽ ấn tượng đó theo Phạm Duy nhiều năm, cất công tìm kiếm, thậm chí kêu trên bản nhạc: Huyền Chi, cô ở đâu?
Năm Phạm Duy về nước, cũng nhờ người quen là bạn Huyền Chi đi tìm, nhưng cô lánh mặt, lúc đó thầy đang bệnh nặng, mà cô quá biết tánh thầy! Từ xưa đã dặn không tham gia các sinh hoạt văn nghệ thơ ca gì cả nhé. Có lần cô gặp ông Nguyễn Vỹ, chủ báo Dân Ta ở ngoài đường, ông Nguyễn Vỹ chặn hỏi cô có phải Huyền Chi không? Ông nói lúc đầu thấy nữ giới mà ra tập thơ tựa “Cởi Mở” cũng khó chịu, nhưng tình cờ đọc tập thơ ở nhà sách Diễm Diễm Thư Trang của bà Mộng Tuyết thì ông mến phục. Nguyễn Vỹ khuyến khích cô nên tiếp tục vì thường nhà thơ chỉ nổi một thời gian ngắn. Thế rồi ông làm 2 bài thơ rất ướt át tặng bà. Thơ khá hay. Ông anh bà đã xé bỏ vì nói ông Nguyễn Vỹ có tuổi nhiều rồi… Một lần, thầy Tường đi với cô đến gặp ông, từ đó Nguyễn Vỹ mặt giận rồi không quen tiếp nữa! Tô Kiều Ngân, Thanh Nam cũng thường mời cô đi dự họp mặt văn nghệ, thầy Tường tuyệt đối không cho.

………..

Đã khá trưa rồi. Bọn mình đứng lên chào cô về. Cô ký tên tặng sách còn nhắc: Tôi là fan của anh lâu rồi! Nhất là khi thầy nằm bệnh, tôi đọc sách anh nhiều lắm đó.

Saigon 4.4.2019.

Đỗ Hồng Ngọc

(Nguồn: Trần Hoài Thư: Thư Quán Bản Thảo, số 92, tháng 3/2021)

 

 

 

 

 

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Những người trẻ lạ lùng, Vài đoạn hồi ký

Phan Chính: NGUIỄN NGU Í giai thoại từ những cơn điên

07/03/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Nhà văn NGUIỄN NGU Í

giai thoại từ những cơn điên

 

*PHAN CHÍNH

 

Vậy là ông đã rời cõi trần và trang văn từ 42 năm ở tuổi vừa kịp đến 60… Nguyễn Hữu Ngư sinh năm 1921 tại làng Tam Tân, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Thân sinh ông là Nguyễn Hữu Hoàn (tên thật Nguyễn Hữu Sanh, còn gọi là Giáo Hoàn), một nhân vật lịch sử của địa phương, được nhắc đến là một nhà Nho uyên thâm và cũng là một nhà cách mạng từ quê Hà Tĩnh vào ẩn dật ở làng biển Tam Tân sống nghề dạy quốc ngữ và bốc thuốc bắc. Thân mẫu Nguyễn Hữu Ngư là bà Nghê Thị Mỹ quê làng Phong Điền (xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam). Năm 1927, ông Giáo Hoàn bị Pháp kết án 3 năm tù và lưu đày tận Lao Bảo do đứng ra che chở vụ 6 người tù Côn Đảo vượt ngục sau một tuần lênh đênh trên biển, tắp vào ngảnh Tam Tân. Trong số này có nhà cách mạng Hy Cao Nguyễn Đình Kiên (Tú Kiên), hoạt động trong phong trào Đông Du, sau này là Bí thư Kỳ bộ Tân Việt Nam kỳ, có những hoạt động tích cực đến phong trào cách mạng Bình Thuận.

Nguyễn Hữu Ngư nằm trong số hiếm hoi được coi là người có ý chí, thông minh, học hành sáng dạ nhất ở vùng đất quê Hàm Tân- La Gi lúc bấy giờ. Nhờ học giỏi, được học bổng trường Pétrus Ký cùng thời với Trần Văn Khê, Huỳnh Văn Tiểng học ban Tú tài, rồi thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn. Có năng khiếu và đam mê văn học từ trẻ. Năm 1942- 1944, ông bắt đầu vào nghiệp văn, cộng tác với Nam Kỳ tuần báo của Hồ Biểu Chánh, rồi làm phụ tá thư ký tòa soạn tuần báo Thanh Niên do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm. Nhưng do căn bệnh rối loạn tâm thần đành phải dang dở hoài bảo, quay về quê nhà chữa bệnh. Ngay từ ngày đầu khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945, ông là Tổng thư ký Ủy ban hành chính xã Tam Tân thuộc huyện Hàm Tân (Bình Thuận).

Nguyễn Hữu Ngư rời quê tham gia cao trào kháng chiến chống Pháp, theo đoàn kịch Liên khu V, rồi Đài tiếng nói Nam bộ. Cũng từ đây mới có cơ hội gặp cô y tá Nguyễn Thoại Dung đang làm tại bệnh viện Phước Lộc (Quảng Ngãi). Qua mai mối từ vợ chồng nhà văn Tùng Long mà nên duyên chồng vợ đến cuối đời. Không bao lâu ông Ngư lại trở bệnh cũ ngày càng nặng hơn, cho nên năm 1952, hai vợ chồng xin tổ chức về Sài Gòn. May sao được bà Bút Trà chủ nhiệm nhật báo Sài Gòn Mới giúp đỡ… Ông Ngư tìm lại các bạn học chí thân ở trường Pétrus Ký ngày xưa, giới thiệu xin dạy giờ các trường tư thục Lê Bá Cang, Tân Thanh…và viết báo, còn vợ ông chuyển qua nghề dạy học. Cuộc sống tuy tạm ổn nhưng lại phải đối mặt với những cơn điên bất chợt đến với ông. Dưỡng trí viện Biên Hòa (thường gọi Nhà Thương Điên) quen dần với nhà văn Ngu Í trong sự yêu mến của bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh và bác sĩ Tô Dương Hiệp (con trai của nhà văn Bình Nguyên Lộc) coi đây là chứng “Văn chương tâm bệnh” nên rất nuông chiều tính khí của ông.

Đây cũng là những tháng ngày ông thật sự sống với nghề dạy học, làm báo, viết văn…đang có tên tuổi ở đất Sài Gòn. Bút danh Nguiễn Ngu Í, người đọc thấy lạ về cách viết và hiểu nghĩa của từ Ngu Í khác nhau. Ngu Í ở đây là sự khiêm nhường về ý kiến của mình và cũng từ đây ông khởi xướng cách viết quốc ngữ dựa trên phát âm, “mỗi dấu hiệu cho một âm, mỗi âm có một dấu hiệu”, Chẳng hạn chữ i/y ở đầu (y sĩ/i sĩ, yêu/iêu, khuya/khuia, nguyệt/nguiệt…), với phụ âm g (đọc gơ) ráp với cả nguyên âm như ghe/ge, ghê/gê.v.v…Tên vợ ông là Nguyễn Thoại Dung, ông viết Nguiễn Thoại Yung… Nhiều từ trùng hợp với cách viết mà Giáo sư Bùi Hiền ở Hà Nội mấy năm trước đây gây bão trong giới học thuật. Nhưng với chữ viết mới do Ngu Í công bố chỉ riêng cho trang viết của mình. Khổ nỗi nhiều báo cứ nhầm tưởng tác giả viết sai chính tả, nên tự tiện sửa lại không phải là ý của ông đã viết.

(Nguồn: Đỗ Hồng Ngọc, thư viện gia đình)

Nhà văn Võ Đắc Danh có bài viết về Nhà thương điên Biên Hòa với hai nhân vật nổi tiếng (Thế giới Người điên) là Nguyễn Ngu Í và Bùi Giáng…Thật thú vị với tôi, khi trong tủ sách còn lưu giữ tập Thơ Điên (…Thứ Thiệt) đã cũ kỹ, do giám đốc Dưỡng trí viện Biên Hòa (nay là Bệnh Viện Tâm thần Trung ương 2) -Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài và Bác sĩ Tô Dương Hiệp, tập họp thơ của những bệnh nhân có duyên nợ với thơ ca, xuất bản năm 1970. Những trang thơ có hai hình thức chữ viết với chữ in quốc ngữ hiện hành và theo chữ mới của Ngu I nhóm “Thái Bình Điên Quấc”. Đặc biệt với Bùi Giáng và Nguiễn Ngu Í thì chất điên trong thơ đậm nét hơn, làm cho người đọc phải xúc động và giật mình tỉnh táo…Trong tập “Ngu Í- Nguyễn Hữu Ngư, qua ký ức người thân” do bà Nguyễn Thoại Dung sưu tập năm 1997, gồm nhiều bài viết của những người gần gũi, thân thiết với Ngu Í như Huỳnh Văn Tiểng, nhà văn Tùng Long, Nhạc sư Trần Văn Khê, nhà báo Lê Ngộ Châu (tạp chí Bách Khoa), nhà văn Trần Huiền Ân, nữ sĩ Hoàng Hương Trang, nhà văn Hồ Trường An… Trong đó còn có bài của những người viết văn, làm báo là đồng hương với Ngu Í là Lê Phương Chi, Đỗ Đơn Chiếu, Đỗ Nghê, Đông Thùy… Cái còn lại của ông chỉ gói ghém những tác phẩm đáng nhớ là bộ sách Việt sử, Hồ Thơm Nguyễn Huệ, Hồ Quí Li, Suối Bùn Reo, Khi người chết có mặt, Có những bài thơ, Hạnh phúc chính nơi bạn… và loạt bài phỏng vấn “Sống và Viết” rất hấp dẫn trên tạp chí Bách Khoa, với nghệ thuật khai thác cái riêng, cá biệt của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng ở miền Nam trước 1975. Ngu Í viết rất nhiều thể loại dưới các bút danh Ngê Bá Lí, Tân Fong Hiệb… Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc gọi Ngu Í là cậu, bởi mẹ của anh là bà Nghê Thị Như gọi bà Nghê Thị Mỹ (mẹ của Ngu Í) là cô ruột. Cũng từ mối quan hệ này mà từ sau tập thơ đầu tay Tình Người (xuất bản 1967), ký Đỗ Nghê (ghép họ Cha và Mẹ) khi đang là sinh viên Y khoa Sài Gòn. Nhưng sau này, với khoảng trên 52 đầu sách về Y học, Tản văn, Thơ, Thiền học, Phật học…đều ký tên Đỗ Hồng Ngọc, nên nhiều người tưởng “bác sĩ làm thơ” như Đỗ Trung Quân đã viết.

Cái khác biệt giữa hai nhà thơ Bùi Giáng với Ngu Í ở chỗ, nói theo Vũ Đức Sao Biển thì Bùi Giáng đặc trưng của “Cuộc đùa với ngôn ngữ”, còn với Ngu Í- theo Trần Văn Khê kể lại khi thăm ông “bị nhốt” ở Dưỡng trí viện thường phá phách, vô tư tiểu vào song sắt, được ông nhắc chuyện Le Comte de Monte Cristo của Alexandre Duma, dùng nước tiểu làm mục song sắt cửa sổ là kế giả dại qua ải. Thế rồi tuần sau, Ngu Í tỉnh táo khoe mấy câu thơ: “Bên ngoài chim hót vang cây/ Mà trong cửa sắt Ngư này lặng thinh/ Trách ai hay lại trách mình?”. Với Ngu Í, thật khó biết thế nào giữa điên và tỉnh…Như ở những câu thơ mang nỗi bất bình về thời cuộc, về khói lửa chiến tranh hay bày tỏ tấm lòng trước sự tận tụy của hiền thê: “Ai người yểu điệu dám theo Ngu ?/Ai người thục nữ dám nâng…”. Thật hết biết, nhưng với những câu thơ như thế này ai nói Ngu Í là nhà thơ điên sao?: “Bão dông sắp sửa hãi hùng/ Con ra đời lúc chập chùng âu lo/ Má con phiền sự ấm no/ Ba con thì một chuyến đò dở dang” (Ngày con ra đời- 1963). Trong thơ thì không thể đem ra so sánh nhau sẽ dễ thành khập khễnh. Nhưng từ thơ qua hình ảnh quen thuộc của Bùi Giáng xuống phố Sài Gòn múa may và những bóng hồng thường gặp trong thơ ông nào Hà Thanh, Kim Cương, mẫu thân Phùng Khánh và cả Brigitte Bordot ở trời Tây… để có những câu thơ bất hủ “Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con” (Mắt buồn). Với Ngu Í thì mối tình si trong cơn điên- tỉnh, những bóng dáng nhà văn nữ như Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ, Nguyễn Thị Vinh, Trùng Dương, Vân Trang, Túy Hồng… lại nức nở hết lời khen chưa ai đẹp bằng! Nghe vậy, mà không có ai trách Ngu Í cả vì đó là trạng thái yêu lung tung, những đắm đuối đơn phương…Theo lời kể của nhà báo Lê Ngộ Châu, anh Ngư có tài văn thơ, viết báo nhanh nên trong giới ai cũng quý trọng, nhưng khi nổi bệnh thường hay nghịch phá bạn bè. Nhà thơ Nguyên Sa có viết trên Bách Khoa, anh Ngư có lần “nhất bộ nhất bái” trước cổng nhà mình khiến nhà thơ phải quỳ xuống đất bùn mà vái đáp lễ mới thôi. Nhà văn Nguyễn Thị Vinh có một kỷ niệm, Ngu Í cũng mỗi bước mỗi bái bất kể đường đất lầy lội, với mỗi yêu cầu chị phải “xưng em” buộc chị phải làm theo mới dừng. Theo Hồ Trường An kể, có một thời gian Ngu Í si mê nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ (chị của Hồ Trường An) chỉ qua hình ảnh, thư từ nhưng khi diện kiến đang trong tình trạng ốm o bệnh tật, vừa mổ xương hốc mũi, Ngu Í hoảng hốt tháo lui, miệng hét “Anh chúc em chóng bình phục”. Vậy mà Thụy Vũ không giận và cười khi đọc câu thơ ông viết tặng “Ai thương giùm tôi cô giáo nhỏ/ Mà phấn son chưa đày đọa mặt nghiêng nghiêng”…

Sẽ kể không hết những câu chuyện điên của Ngu Í trong giới nhà văn, nhà báo và kể cả náo loạn ở đường phố, công sở Sài Gòn. Bao lượt bị đẩy vào đồn Cảnh sát, không ai nghĩ ông là người điên vì đáp trả tỉnh bơ, chửi bới bất cứ ai dù cấp nào…Người chịu đựng, đau khổ nhất vẫn là vợ ông, bà Nguyễn Thoại Dung. Những mối tình trong cơn điên tỉnh của ông, bà Dung biết đó chỉ là tình ảo mộng, tình điên của nghệ sĩ để rồi thành những giai thoại vui và thương cảm. Ngu Í lúc tỉnh cũng nhận ra lòng bao dung của vợ, đã thốt:” Làm vợ Tú Xương dễ, làm vợ Sào Nam cũng dễ, làm vợ Ngu Í mới thật khó…”. Dường như câu thơ “Nằm đây mà ngó lên trời/ Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa” của Ngu Í, mãi lãng đãng bên ngôi mộ cải táng của ông trong khu mộ cha mẹ và đứa em gái, trên ngọn đồi ở ngảnh Tam Tân hiện giờ.

 

La Gi, 1/2021   

(Báo Văn Nghệ Bình Thuận, 3.2021)

 

 

Filed Under: Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Trần Hoài Thư: Thư Tết gửi bạn thơ Đỗ Nghê ở SG.

25/02/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Trần Hoài Thư

Thư Tết gửi bạn thơ Đỗ Nghê ở SG.

(https://tranhoaithu42.com/2021/02/23/thu-tet-ve-nha-tho-do-nghe-o-sg/)

Tôi gặp trở ngại khi nói chuyện. Mỗi lần nói là mỗi lần thở dốc. Vì vậy tôi mượn blog này để gởi về bạn những lời chúc Tết, dù muộn màng, của một người bạn cũ xa quê nhà gần cả nửa thế kỷ. Trước hết cám ơn bạn hiền đã có lòng lo lắng cho kẻ này. Bạn bè nhìn tấm hình của tôi  mới chụp mà nhỏ nước mắt. Tôi cảm ân mà chẳng buồn. Bởi ít ra bạn bè còn thương, chứ ghét thì  làm gì mà động lòng tri âm tri kỷ. Tôi muốn để bạn đừng lo, chứng tỏ là tôi vẫn còn khỏe mạnh bằng cách post cả chồng Thư Quán Bản Thảo mà  tôi vừa in xong, để các bạn thấy rằng hai cánh tay tôi vẫn còn đủ sức để cắt những chồng giấy mấy trăm tờ hay những cuốn sách dày cộm.

Chính nhờ cái máy cắt bằng tay này mà tôi biết mình vẫn còn mạnh. Như sáng sớm này, muốn tập thể thao, tôi chạy từ dưới basement lên nhà trên ít nhất là mười lần.

Quên nói là phần thể thao của tôi sáng nay là mấy cuốn sách của Đặng Tiến: Vũ trụ Thơ I và II. Đừng hỏi tôi in làm gì cho phí công phí sức phí cả tiền bạc, lúc mà tôi muốn tẩy trần tất cả. Nhưng họ làm sao biết là tôi đi tìm niềm vui. Mà niềm vui đâu phải nằm ngửa để có kẻ mang khay tới hầu. Niềm vui là do mình tạo nên, do mồ hôi mình đổ xuống. Dù nhọc nhằn nhưng mồ hôi kia vẫn lóng lánh vàng.
Tôi vẫn đủ khả năng để kéo trì cán dao nặng trĩu. Tôi còn đủ kiên nhẫn để bỏ từng cuốn báo vào phong bì, và dán tem, rồi mang đi gởi ở bưu điện.

Sáng nay chàng đẩy chiếc xe chở báo TQBT gởi đến mười phương
Nàng bưu điện chào chàng bằng nụ cười hết xẩy
Bà khách hàng đứng bên hỏi chàng ông gởi gì nhiều vậy
Chàng hãnh diện trả lời, tôi  gởi sách của tôi
Vâng thưa bà, tôi là một nhà văn !!!
Xem bà ta rất cảm phục vô ngần !

2.

Thứ hai là cám ơn bạn về bài thơ Dán tặng tôi:

Dán

              tặng THT

Không dán etiquette

Cho một bé sơ sinh

Mà dán cả đất, trời (*)

Nối liền tình bè bạn

Nối liền những tấm lòng

Yêu đất nước quê hương

Dán tương lai dĩ vãng

Cho lành bao vết thương…!

Đỗ Nghê

 

Nhưng Dán so với bạn, tôi đâu có thấm tháp gì. Tôi dán cho tuổi già. Càng ngày bạn bè càng rơi rụng dần. TQBT in ra, gởi đi, bị trả lại nhiều. Buồn lắm bạn ơi…

Còn với bạn thì khác. Bạn dán cho tương lai. Những bé sơ sinh của một thời mà bạn buộc vào etiquette: Anh đã không quên buộc etiquette vào tay em/  Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy ( trich  Thư cho  bé sơ sinh ) hoặc những đứa bé mà bạn đã cứu chữa, giờ đã thành người lớn, đang dâng tràn sức sống.

Một trong những đứa bé ấy là cháu TQT.  Năm 1978 cháu mới 5 tuổi. Một hôm được mẹ chở đi bằng xe đạp. Vô ý cả bàn chân của cháu bị  kẹt vào chân căm bánh xe, khiến cả bàn chân bị thương tích nặng. Y. hối hả mang con vào phòng cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng SG. Thời bao cấp, bênh nhân la liệt, tìm một bác sĩ đâu phải là dễ. Y. nói với cô y tá: Xin cho tôi gặp BS Đỗ Hồng Ngọc – trưởng phòng cấp cứu – Chị là ai ? – Tôi là vợ của Trần Hoài Thư. Chị cứ nói là Trần Hoài Thư bác  sĩ sẽ biết ngay. Cô y tá vào trong. Một lát, bạn ra và  tận tình cứu chữa cháu trong khi không có tôi bên cạnh.

Bây giờ cháu TQT  cũng noi theo bác Đỗ Hồng Ngọc:  Vừa là Y sỹ, vừa  nhà thơ. Và họa sĩ. Bức tranh sau đây là một chứng minh:  Một cây con sắp nhú mầm. Chung quanh là những bánh xe luân hồi ngày đêm chuyển vận. Và cây mẹ cây cha thì đầy quả trái , lá bông sum suê.

Sự hình thành của một con người có khác chi. Chỉ khác là nguồn lộc ấy chỉ đến từ những tâm hồn biết yêu cái đẹp chứ không đến từ cõi ô trọc này. Đó là từ người thi sĩ phải không ?

 

Tranh TQT

………………………………………

(*) báo giấy và báo online

 

Filed Under: Nghĩ từ trái tim, Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn xa xôi (Tân Sửu, 2021)

12/02/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Năm mới, tháng Giêng, Mùng một Tết

Còn nguyên vẹn cả một mùa Xuân…

(Nguyễn Bính)

Ghi chú: Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp ở bển (chữ TVL) có nhã ý mời ĐHN viết một bài cho báo TRẺ, Xuân Tân Sửu 2021. Loay hoay mãi, không biết viết gì đây, thời gian lại gấp rút, lòng cũng muốn góp một chút gì đó cho vui với bạn bè, bèn thôi, trích đoạn những ghi chép lang thang đây đó gởi làm quà, như nhắc nơi xa một chút tình quê…

ĐHN.

 

Thư gởi bạn xa xôi

Lang thang mấy ngày Tết

 

Bạn nhớ đúng rồi đó. Đó là mấy câu trong bài thơ Mũi Né của mình viết năm 1970, đã đăng trên báo Bách Khoa thời đó, tính ra cũng đã nửa thế kỷ rồi chớ ít gì! Mới thôi.

Em có về thăm Mũi Né không?

Hình như trời đã sắp vào xuân

Hình như gió bấc lùa trong Tết

Những chuyến xe đò giục bước chân…

(…)

Mũi Né ơi người xưa đã xa

Mùa ơi gió bấc nhớ không ngờ

Năm nay người có về ăn Tết

Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ…

(ĐHN, 1970) 

Gió bấc. Nhớ không? Thứ gió rất lạ, thốc qua người, dán sát vào da người như có chút hỗn xược ớn lạnh làm nhớ cơn sốt rét rừng thường thổi mạnh trong Tết, quyện với hương cốm hộc, mứt gừng, mứt bí… rồi bánh căn, bánh xèo, bánh kẹp, cơm gà, bánh canh chả cá… của một vùng biển mang mang mùi nước mắm, những ai nghe quen thì đâm ghiền nặng… rồi sông Cà Ty, ga Mường Mán, con đường Gia Long đi mãi không cùng, và Trưng Trắc Trưng Nhị ôm sát dòng sông. Nhớ không?

Cho nên với mình, gió bấc là gió Tết, là tuổi thơ, là Phan Thiết, là Mũi Né, là Rạng, là Lagi, là Kê Gà, là Tà Cú…

Mùa xuân mừng tuổi thơm tho áo

Nắng cũng vàng phai ngày cũng xa

Anh thương nhớ quá làm sao nói

Gọi tên em vang động gốc cây già

Hái đóa hoa màu biển biếc

Chợt thương khung trời xa

Núi mờ trong mây trắng

Em mờ trong dáng hoa

Gió bấc mùa thơm ngát

Bâng khuâng một mái nhà

Biển xanh lùa sóng bạc

Cát vàng hoàng hôn xưa…

(…)

(Quê Nhà, Đỗ Hồng Ngọc)

Vậy đó. Cho nên về Phan Thiết, Mũi Né, La Gi… mấy ngày chẳng qua để tìm thứ gió quen mà lạ đó. Và để nghe cái Tết tuổi thơ thấm vào trong da thịt, trong nhớ nhung…

Phải khởi hành sớm. Lang thang mà. Đi quốc lộ 51 về hướng Bà Rịa, Vũng Tàu, đến xã Tóc Tiên thì quẹo trái vào thăm Thiền viện Viên Không núp sau một hòn núi nhỏ. Con đường quanh co len chân núi Dinh, lát đá thô rất đẹp, thỉnh thoảng có ao bông súng nhô ra. Những ngôi tịnh xá mọc rải rác, len lỏi giữa rừng cây thưa.

Rời thiền viện, xe qua cánh đồng cỏ mượt có những bầy cừu trắng rất dễ thương, .  cùng mấy con ngựa nhởn nhơ làm nhớ quá cảnh “thả ngựa chăn dê” thuở nào xa trên thảo nguyên… của Kiều Phong với A Châu!

Qua Bưng Riềng, vượt khu rừng Nguyên sinh từng có nhiều voi, cọp… ngày xưa. Ghé ăn sáng, cafe ở quán Vên Vên nhiều cây cao bóng cả, suối róc rách, gặp vị chủ nhân ngồi thiền mòn tảng đá bên bờ suối…

Rồi theo đường biển Hồ Tràm, Suối Nước Nóng, Láng Găng, Rừng Khỉ, qua Phò Trì ghé bãi Cam Bình, ở đó, nếu có thì giờ, làm một chuyến xe bò dạo biển cũng hay!

Đến La Gi (Bình Tuy xưa) thì phải tạt qua Đập Đá Dựng để biết tại sao đá lại dựng đứng như vậy. Ngồi đó, nhấm nháp cafe bên dòng sông Dinh tung tóe nước và nghe mình kể chuyện hồi nhỏ tắm truồng cùng bè bạn trên dòng sông này.

Từ đó, đi ngang Bàu Giòi về Dinh Thầy Thím hoặc đi dọc biển, ngang khu vực Nước Nhỉ, nơi có Giếng Nguồn Chung xưa của nhóm hướng đạo La Gi (giờ chẳng còn dấu vết!). Ghé Dốc Trâu ăn trưa. Ôi vô số là thuyền thúng. Xa xa là Hòn Bà.

Về Tam Tân, ghé thăm mộ Nguiễn Ngu Í. Đã thấy núi Tà Cú xa xa với Linh Sơn Trường Thọ Tự, nổi tiếng với tượng Phật nằm dài 49m được đặt từ năm 1960.

Từ đó, đi về hướng Kê Gà, có Hải đăng xưa nhất, cao nhất vùng nam Trung bộ này. Đường dọc biển qua vùng Đá Nhảy. Đá cứ nhảy chồm chồm lên mới lạ chứ! Đá “nhảy” thế nào mà cũng sinh nhiều đá con bò lổm ngổm?

Đến Phan Thiết rồi đó. Đừng quên bánh căn. Đừng quên chè Mộng Cầm. Đừng quên dốc đá có “Lầu Ông Hoàng đó…” (Trần Thiện Thanh) nhe.

Từ Phan Thiết, theo quốc lộ 28, qua Ma Lâm, leo đèo lên Đà Lạt chỉ hơn trăm cây số. Đà Lạt giờ lạ lắm “phố phường chật hẹp người đông đúc”. Hết rồi cái thuở “… thành phố nào vừa đi đã mỏi/ đường quanh co quyện gốc thông già…” (Lam Phương). Nhưng rốt cuộc mình cũng tìm được một nơi hẻo lánh. Suối Vàng có làng Cù Lần cũng ngộ.

Lúc mẹ mình còn sinh tiền, bà hay nói mình cù lần, “ngu nhất thiên hạ”, mình cãi, con chỉ dám “ngu hạng nhì” thôi! Rồi hai mẹ con “tranh luận” sôi nổi. Mình làm vậy thực ra là để cho bà có dịp luyện tập não bộ, đừng để sớm bị Alzheimer. Ái ố hỷ nộ… quý biết mấy bạn ơi!

Chiều lang thang ra bờ hồ Xuân Hương. Chút lòe loẹt. Chút diêm dúa. Thời thượng. Thôi kệ.

Một gánh hàng rong bán đủ thứ từ khoai nướng, bắp nướng… đến các thứ lai rai trên đời… Một con ngựa lơ ngơ. Anh xà ích hít thở. Mình mua mấy củ khoai nướng. Chị hàng rong dễ thương, gói cho mấy củ… Mở ra thấy toàn cháy đen cháy khét. Thì ra từ sáng giờ không bán được cho ai. Mình vừa đi vừa nhai vừa cười tủm tỉm. Chắc chị đang vui vì gặp ông cù lần. Mình vui vì chị vui. Thú vị bất ngờ là mình cũng đang cần một chút charcoal cho ấm bụng. Tối qua bị… Tào Tháo rượt. Ở đời, vậy đó bạn ơi!

Rời Đà Lạt, mình “xuống núi”. Về Miền Tây. “…Có ai về miền tây/ lúa mùa thơm, thơm mãi/ dừa xanh nghiêng chênh chếch/ cá ngược dòng sông đầy…/ Có ai về miền tây/ mái nghèo nhưng mà đẹp/ má gầy nhưng mà xinh… (Y Vân). Nhớ không?  .

Lần này đi Lai Vung. Lai Vung không chỉ có nem nổi tiếng mà còn có quít hồng rất đẹp. Đặc biệt vào mùa Tết.

Sadec thì mình đi lại đã nhiều lần, qua Lai Vung chỉ dừng ăn Nem chớ chưa lần nào vào sâu trong vườn quít.

Ghé Mỹ Tho trước. Ra tận bờ sông Tiền ăn hủ tiếu Mỹ Tho thứ thiệt vừa ngắm dòng sông Cửu Long. Nhớ Trang Thế Hy, xưa ở bên kia cầu Rạch Miễu, từng có một truyện ngắn Mỹ Thơ rất hay và bài thơ Quán Bên Đường độc đáo (Phạm Duy phổ nhạc) !

Rồi ghé thăm khu Di tích Rạch Gầm – Xoài Mút, nơi Quang Trung đại phá quân Xiêm. Dọc theo tả ngạn sông Tiền về phương Nam, hướng Cai Lậy, Cái Bè, giữa những khu vườn cây trái xum xuê Vĩnh Kim, với nhiều quán lá đơn sơ bày bán trái cây các loại. Chưa có vú sữa, xoài, măng cụt… nhưng nhiều sa-pô-chê, sầu riêng cũng rất ngon.

Qua cầu Mỹ Thuận quẹo phải thì về Sadec. Đi ngang Nha Mân, vùng nổi tiếng con gái rất đẹp. Theo truyền thuyết thì vua Gia Long lúc còn bôn ba vùng này đã “bỏ” lại nhiều mỹ nữ (lúc đó chưa gọi là phi tần!).

Ủa mà sao chẳng thấy người nào đẹp nào hết trơn vậy? Mình hỏi. Mấy người đẹp ở trong vườn chớ ai đứng đây cho ông thấy! Ai đó lên tiếng.

Từ Sadec về Lai Vung khoảng mười cây số, từ đó đi sâu vào tận xã Long Hậu, ngang chợ Long Thành, dọc theo những dòng kênh chằng chịt. Vùng này Long nhiều quá. Địa danh toàn Long. Thì ra vì vua Gia Long từng bôn ba ở đây khá lâu, cho nên vùng này bây giờ con gái… cũng rất đẹp! Xe quanh co qua mấy cây cầu ngang hẹp lé, một loại cầu khi… mở rộng, vừa đủ cho một chiếc xe lắc lư. Con kênh chính Long Hậu đây rồi. Kênh Cán Cờ. Sao lại cán cờ? theo Sơn Nam (?) thì lúc chạy đến đây, vua Gia Long bị gãy cán cờ, phải thay cán mới!

Anh Hai Quan, chị Bạch Huệ, là những người bạn thân thiết của Thân Trọng Minh. Sau bữa cơm… thịnh soạn, mọi người mời nhau xuống thuyền dạo chơi. Một trận mưa như trút nước. Có áp thấp nhiệt đới sắp thành bão. Mình không dám đi. Thuyền đi được một lúc rồi cũng phải vội quay về. Nhớ năm xưa, mình từng đi thuyền trên sông Hương, nửa chừng thuyền lủng lổ, nước vào ào ào. May kịp lội lóp ngóp vào bờ phía Kim Long. Lần đó có Thái Kim Lan, Tôn Nữ Hỷ Khương, Tường Vân, Như Mai, Như Ngân, Lê Gia Phàm… Ôi, nhớ đời.

Bữa cháo gà chiều rất ngon. Mấy ông bạn mình nói “nhớ nhà” quá, bèn xách ghế ra sân… hút thuốc! Thì ra “Nhớ nhà châm điếu thuốc”… là vậy!

Hôm sau đến giờ phải lên đường vì còn ghé thăm mấy nơi ở Sadec. Thăm chùa Kim Huê, xưa thầy Thích Trí Tịnh từng trú ngụ mấy năm, thăm ngôi nhà “Người Tình” của  Huỳnh Thủy Lê bên bờ Sa giang.

Trên đường về ghé Xẻo Mây ở Cái Bè. Một điểm khá đẹp. Ở vùng này, nhiều “Xẻo”, chỗ sông ăn sâu vào trong đất liền thành một cái vũng (mà ở biển thì gọi là vịnh?). Cái Bè có Xẻo Mây, Đồng Tháp có Xẻo Quít…

Mua mấy trái sầu riêng bán ven đường rồi ghé vào một quán nhỏ ở ngã ba sông mà nhìn dòng nước chảy… Một người đàn ông đứng tuổi trên chiếc ghe thương hồ đậu gần đó cỡi trần nhảy ùm tắm táp, xong leo lên thuyền mở bánh tét ra ăn bên cạnh chai rượu đế và một bình hoa vạn thọ…

Về Saigon lại nhớ gió bấc: Đi giữa sài gòn/ Phố nhà cao ngất/ Hoa nở rực vàng/ Mà không thấy tết/ Một sáng về quê/ Chợt nghe gió bấc/ Ơ hay xuân về/ Vỡ òa ngực biếc…(ĐHN). Lại chuẩn bị một chuyến về Mũi Né, La Gi…

Vậy đó bạn ơi.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc

(TRẺ, Xuân Tân Sửu 2021)

 

 

 

Filed Under: Chẳng cũng khoái ru?, Ghi chép lang thang, Vài đoạn hồi ký

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Go to page 5
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 36
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

TẠP GHI (Lõm bõm…) kỳ 3

Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)

TẠP GHI (Lõm Bõm)

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Vài ngày về thăm Lagi, Phan Thiết…
  • Ngày của Cha – Happy Father’s Day
  • Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022
  • Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…
  • Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Giới thiệu
  • Đinh Hà Duy Linh trong Giới thiệu
  • Hồng trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Buổi trò chuyện về Thiền “Quán Niệm Hơi Thở”
  • Cao Huy Khiem trong Buổi trò chuyện về Thiền “Quán Niệm Hơi Thở”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “Xả”… stress !
  • “Xả”… stress ! | suonglamportland trong “Xả”… stress !
  • Phan Công Khương trong Nguyễn Mậu Pháp: CẢM NHẬN  “VỀ THU XẾP LẠI…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Có một “nghệ thuật”… ngủ!
  • Ngọc Trâm trong Có một “nghệ thuật”… ngủ!

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email