Thư gởi bạn xa xôi (9.2023 tiếp)
Bạn thân mến,
Thứ bảy rồi, 23.9.23 mình có buổi “Trò chuyện” cùng các bạn trong Lớp Phật học & Đời sống ở chùa Xá Lợi, Tp. HCM. Lớp được Thầy Đồng Bổn trụ trì chùa Phật học Xá Lợi cho phép thực hiện từ 2017, đến nay cũng đã được 6 năm rồi chớ ít gì! Trước kia, tuần nào mình cũng có một buổi trao đổi rất “sôi nổi” vói các bạn, với sự trợ giúp của Cư sĩ Minh Ngọc và Cư sĩ Trí Tâm (Tô Văn Thiện). Các buổi thảo luận Phật pháp “ứng dụng” vào Đời sống này còn được Nguyễn Văn Quyền quay video clip đưa lên youtube với hơn 50 buổi để chia sẻ cùng bạn bè ở xa hoặc chưa có cơ hội đến lớp. Lúc đầu mình đặt tên lớp là “Lớp Lỏng Lẻo”, nghĩa là ai muốn học thì đến, cùng học, cùng chia sẻ với nhau, không ghi danh, không học phí… vậy mà cũng khá đông các bạn tham gia tích cực. Vài năm nay mình đã “già yếu”, không còn đến Lớp thường được như xưa, anh em bạn bè nhắc…

Buổi sinh hoạt Phật học & Đời sống ngày Thứ bảy 23.9.2023 tại chùa Phật học Xá Lợi.
Mình đọc một bài Thơ của Thầy Thích Từ Thông, Như Huyễn Thiền sư để các bạn cùng thảo luận. Thầy Từ Thông, sinh 1927 tại Trà Vinh, nay đã 96 tuổi, ở Lâm Đồng. Xưa, có lần được gặp Thầy ở Tân Uyên, Bình Dương lúc thầy hãy còn trẻ, ngoài 70. Lần đó thầy bảo sách của thầy đầy tủ, muốn lấy cuốn nào thì lấy. Lúc đó mình ôm cũng chừng 5,7 cuốn “Trực Chỉ” của Thầy, giảng kinh rất sâu sắc mà phóng khoáng. Thầy đã từng là Hiệu trưởng Trường Phật học Trung Cấp nhiều năm.
Thầy có bài thơ gần đây rất thú vị, nói về chuyện “tụng”:
Ta và Nó (Lời than của Phật)
Ta nói Kinh cho chúng nó nghe
Ai dè chúng Tụng bắt Ta nghe
Tuổi già tám chục nghe gì nữa?
Chín tiếng ngồi trân sụm bánh chè!
(Như Huyễn thiền sư).
Phật “nói” ra thì đã thành Kinh sách. Nói để dạy Đạo, dạy cách sống, giải thoát khổ đau cho kiếp người. Khi Phật nhập Niết bàn, được các đệ tử ghi chép lại thành Kinh. Bây giờ thiên hạ “tụng” không ngớt và mỗi lần Tụng kinh thì “thỉnh Phật” chứng giám. Đã mấy ngàn năm qua, người ta vẫn tụng, vẫn thỉnh Phật để Phật cùng “nghe”. Tuổi 80, Phật nhập Niết bàn, vẫn phải tiếp tục ngồi nghe… đến bây giờ!
Thầy Như Huyễn Thiến Sư gốc Trà Vinh, lời thơ có những từ rất Nam bộ như “bắt Ta nghe”, “sụm bánh chè” rất thú vị. Ngồi “trân” là ngồi ngây đơ,cứng ngắt, đứng dậy sụm đầu gối…
Vấn đề thảo luận là nên đọc Kinh cách nào cho hữu ích? Nhớ rằng, nhờ đọc kinh ê a mà tâm lắng đọng, nhờ đọc kinh to tiếng mà Huệ Năng nghe trộm câu Kinh “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà giác ngộ. Nhưng nếu đọc Kinh mà thành mê tín, dị đoan, vì không hiểu ẩn nghĩa, từ ngữ trong Kinh thì chỉ thêm mệt mỏi, đau ốm rồi “đổ thừa” Phật. Trước khi nhập Niết bàn Phật nói, ta chưa hề nói điều gì, ta chưa dạy ai điều gì, bởi vì Phật biết sau này có Internet, có AI… dễ bị xuyên tạc, làm sai, rồi đổ thừa lắm!
Trong tập Như Huyễn Thiền Sư Thi Tập, trang 320, có khác vài chữ. Trực Chỉ là lời giải của Thầy.
NHƯ HUYỄN THIỀN SƯ THI TẬP (TRỌN BỘ) – HT.TỪ THÔNG
TA VÀ NÓ.
(Lời than của Phật)
Ta nói kinh nhằm dạy nó nghe,
Nào ngờ nó lại bắt ta nghe.
Tuổi già tám chục nghe gì nữa?
Chín tiếng ngồi trân sụm bánh chè!
TRỰC CHỈ.
Kinh :Gọi đủ là KHẾ KINH. Kinh là dùng văn tự ghi chép lời Phật dạy, do hàng đệ tử Phật kiết tập sau này. Sinh tiền Phật chỉ nói chớ chẳng thèm ghi. Bởi vì, những gì Phật nói không phải của Phật. Đó là tài sản chung của loài người, là tánh vốn có của vũ trụ thiên nhiên.
Tụng kinh, đọc kinh, nghe kinh, học kinh cốt để biết, để nhớ, để ứng dụng qua đời sống thực tiễn của con người. Ứng dụng lời Phật, ý kinh con người sẽ cởi mở, buông bỏ, gột rửa những nguyên nhân và quả khổ ràng buộc, bức bách , khổ đau trong cuộc sống. Chủ đích của sự tụng nghe, học kinh là ở đó.
Tụng kinh không cần thỉnh Phật nghe, Phật thuộc rồi mới nói ra, đệ tử ghi lại đó chứ. Tám mươi tuổi rồi. Từ khi viên tịch đến thế kỷ XXI này, hơn hai ngàn năm rồi. Vậy mà mời Phật dự những buổi tụng kinh 8, 9 tiếng đồng hồ, hãy tưởng tượng Như Lai chịu sao cho nổi? Mà Như Lai nghe để làm gì? Như Lai nghe để khen và ban phước ư? Như Lai không làm được điều đó!
Tu học Phật cốt yếu là “sửa” mình, sửa thân, khẩu , ý. Mong chờ ở đạo Phật cái gì khác sẽ thất vọng cho đến lúc vĩnh biệt trần gian.
NHTS.
…………………………………………….
Rồi nhớ tháng trước, mình có dịp đi cùng các bạn trẻ thăm Sư Viên Minh. Hôm đó Thầy tặng mình cuốn Thi kệ của Thầy, và thầy đọc cho mọi người nghe mấy câu thi kệ ở trang 330.
Bỏ Tông, về lại chính mình
Bỏ Dòng, bỏ Phái, bỏ Kinh ngôn từ
Ngay đây thấy pháp vốn như
Tuyệt không sở đắc: Vô Dư Niết-bàn!
Sư Viên Minh
Bạn nghĩ thế nào?

Thăm Sư Viên Minh ở Chùa Bửu Long, Q9,

Một bài kệ của Thầy Viên Minh trong cuốn Thi kệ Chân Như Thực Tại, trang 330
Vậy nhé,
Chúc An Vui,
Đỗ Hồng Ngọc.
Năm 10 tuổi má dẫn lên chùa quy y, được pháp danh là DT, chắc ngày xưa sư bà thấy con bé này quậy quá nên đã phó chúc cho DT có được sự “trong sáng nhiệm mầu”…sau này.
(Sư bà đúng quá, thật mang ơn sư!)
Và mỗi đêm tiếng tụng kinh rì rầm của má đã ru DT vào giấc ngủ ngon lành, không ngờ má đã gieo “chủng tử” Phật pháp cho DT từ ngày xa xưa đó.
Năm 1983 má mất,DT bắt đầu tìm hiểu về Phật pháp,DT mắc bệnh xem thường chuyện tụng kinh, niệm Phật ,niệm chú,cho đó là cách của người…già cả,sơ cơ .
Bây giờ thì mình đã hiểu tất cả đều là phương tiện thù thắng tùy cơ tùy thời.
DT niệm Quan Thế Âm khi đi ra ngoài,khi đang chạy xe,khi đi máy bay, tàu xe, khi đang chờ đợi….
DT “ca” Ohm Mani padmi hum khi đang nấu ăn,đang vui…
DT lạy Phật, tụng kinh (sám hối) vì nhớ má -tưởng Phật -sám hối nghiệp tội quá khứ – tự nhắc nhở, học cách khiêm tốn nhu hòa…
Thời Phật đâu có chia tông phái gì, hậu thế tùy theo sở đắc mà lập tông lập phái.
Phật có bài giảng “Có pháp môn nào” rất hay :
– Này các ông,khi tâm khởi tham biết là có tham,khi tâm có sân biết là có sân,khi tâm có si thì biết là có si….”Cái Biết” đó là pháp môn gì?.
Bàn về “cái biết” này cũng là đề tài thú vị.
DT xin chia sẽ một chút…cho vui.
Anh hoan hỉ.
Kính chúc anh mãi an lạc.