Đọc tùy bút “Một ngày kia… đến bờ” của Đỗ Hồng Ngọc
Bờ nào? Bờ bên kia hay bờ bên này?
Đáo bỉ ngạn? Là mong cho tới bờ bên kia? (Tr.7)
Có một nơi gọi là bờ để đến, người đang đi thuyền mong cho tới bến, bến ấy là bờ. Tỷ như có người đang ngộ nạn ở sông biển cũng mong mỏi sinh tử là bơi tới được bờ. Hiểu theo nghĩa đời thường của bờ là như thế. Nhưng khi nằm trong câu Một Ngày Kia Đến Bờ, bỗng trở nên lồng lộng của kinh điển, của pháp tu và tập tùy bút này của Đỗ Hồng Ngọc xoay quanh áo nghĩa của -Đến Bờ Bên Kia-, nghĩa theo Phật ngữ và cả thực hành tu tập, tùy theo sự tu tập mà đáo bỉ ngạn.
Ý rằng bờ bên kia hẳn là hay hơn, đẹp hơn, tốt hơn bờ bên này? Sao biết? Đã có ai nói cho biết chưa? Có con rùa nào từng đi dạo lang thang từ dưới biển lên đất liền nói cho biết chỗ nào đáng sống hơn chăng? (Tr.7)
Trong các hạnh tu Ba La Mật là tu để đạt tới chỗ hoàn thiện. Bờ bên kia là cứu cánh, là chỗ hoàn thiện mong đạt tới, thì phải chăng, vô hình trung khẳng định bờ đó đẹp hơn, tốt hơn bờ bên này, dù con rùa kia đi khắp biển bờ vẫn câm lặng không hé một lời mách bảo.
Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté… một đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú… năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư ư? Sao người ta vẫn đọc hà rầm khắp nơi, đọc hằng ngày câu chú trong Tâm kinh Bát Nhã đó mãi mà vẫn thấy cứ còn khổ, thâm chí “cực khổ”, nên chỉ mong sao được mau về miền “cực lạc”, được vãng sanh qua nơi khác, qua bờ bên kia. Vậy mà lạ, hình như ai cũng muốn sống lâu, thậm chí trường sinh bất tử, nghĩa là ở mãi nơi này, nơi “cực khổ” này? Tại sao? (tr.8)
Tôi là một trong số người đọc hà rầm mỗi ngày Chú Đại Bi, là một trong muôn người còn chờ Phật Quán Âm độ cho mọi khổ ách. Ừ nhỉ, tại sao ai cũng muốn sống lâu ở cõi mà ai cũng kêu là trần ai này? Nghe như công án. Và qua những trang sách trong tập tùy bút này thấy Đỗ Hồng Ngọc cứ tủm tỉm đi trong hành trình well-being đến well-dying, làm thế nào để well, cực kỳ… không biết dễ hay khó. Thôi thì “tùy người đối diện”. Khi ta còn trong cõi bờ sinh tử, làm sao sống để có khỏe mạnh và hạnh phúc thoải mái? Đó là chủ đề của Đỗ Hồng Ngọc, qua thực hành Phật pháp, qua kinh nghiệm tu tập, qua tri thức vốn có của ông.
Tập tùy bút gồm 26 tiểu đề, Đỗ Hồng Ngọc bàn về những phạm trù mà xưa nay người học Phật đều đặt dấu hỏi, như Nghiệp, Có Ngã Không, Có Kiếp Sau Không?, Phật là Như Lai… Nhưng Như Lai Không Phải Là Phật, Một Là Tất Cả… Rồi cả phương pháp tu tập Thở và Thiền Định, Tứ Niệm Xứ… Bạn phải có cuốn sách này, vì không thể đọc lướt, đọc một lần mà lĩnh hội được. Tuy Đỗ Hồng Ngọc nói chỉ “lõm bõm học Phật”, nhưng cách ông giảng giải về Phật pháp hiện rõ tinh chất uyên áo nằm dưới những câu, từ và ví dụ rất đời thường để người đọc nắm được ý chính của kinh điển, thật may mắn khi chúng ta có được văn bản của một người học Phật và chắt ra được cái cốt lõi của Phật pháp, của học và hành, như thể ta được chỉ đường. Vấn đề là biết đường đi rồi tự thân ta phải kiên trì tập cách đi cho vững cho thông.
Khởi đầu cuộc hành trình,
Tự nhiên có ta trong cõi đời. Ta tự nhiên như từ “vô tướng” mà hiện ra thành “hữu tướng” dù chỉ là giả, là tạm mà cũng xài được một thời gian. Cha mẹ gặp nhau, hàng tỷ tinh trùng mà chỉ có một con duy nhất được gặp cái trứng như hẹn hò nhau từ muôn kiếp trước, (tr.11)
Tinh cha huyết mẹ nên con (ntkm), thú vị thay, Đỗ Hồng Ngọc nói, như hẹn hò từ muôn kiếp trước, tôi cũng tin vậy, và rất rất nhiều người cũng tin thế. Duyên ư, nghiệp ư? Từ đâu mà ra? Tác giả đã đặt câu hỏi về vấn đề siêu hình bằng một giọng rất giản dị hồn nhiên,
Nhưng tôi tin có một cái gì đó, gọi bằng tên gì cũng được, tạo ra cái trò chơi này và ngắm nghía thú vị. Dù là một miếng đất sét được vọc bởi một em bé thành hòn bi hay thằng người… thì cũng có một em bé… đầy sáng tạo. Dù là từ Như Lai tạng thì cũng phải có một “nghệ sĩ” vẽ vời, nắn nót tạo nên mọi thứ và chịu trách nhiệm chớ?
Rồi, tủm tỉm, Nghĩ Tức Cười, là sao, tôi đồ chừng khi tạo ra con người này, ai đó, cái gì đó, cũng trong phút Tức Cười ấy, nên mới có đủ thứ hỷ nộ ái ố tréo ngoe trong kiếp người. Và chẳng phải chỉ một kiếp, vòng tuần hoàn cứ từ tro bụi thành mình mình thành tro bụi, đến đi, miết miết, huyền nhiệm,
Từ đâu mà ra? Từ cái duyên của cha mẹ, ông bà, từ muôn vạn thứ duyên khác từ đất, nước, gió, lửa (C,H,O,N…)… . Cho nên hàng tỷ hằng triệu triệu con người sau khi… hoàn thành nhiệm vụ, già nua hết xài được thì trở thành tro bụi. Tro bụi đó, vẫn xài lại, nặn lại… tiếp tục đợi duyên sinh.
Nên khi nhào nặn thì … chẳng cần phân biệt. Ta mải mê phân biệt chẳng đáng tức cười cho Như Lai ư? (tr.16)
Và sau khi phân tích các chất tạo nên con người dưới con mắt của một bác sĩ thì nhà Phật học Đỗ Hồng Ngọc đặt một kết luận khiến cỡ người học Phật i tờ như tôi luýnh quýnh bụi trần.
Nhưng gène hình như cũng chưa phải khúc cuối của Như Lai. Người ta đã tìm ra hạt ra sóng và chẳng bao lâu nữa sẽ kêu như Huệ Năng: Bổn lai vô nhất vật! (tr.16)
Tiểu đoạn 3 có đề Có Kiếp Sau Không?
Tôi không biết. Nhưng tôi biết có kiếp trước. Làm sao biết? Bởi vì nếu không có kiếp trước, làm sau có tôi ở kiếp này? Chắc chắn phải có kiếp trước mới có kiếp này của tôi chứ. Còn có kiếp sau hay không. Tôi không biết. (tr.17)
Nếu ngồi đối diện ông ngay lúc này chắc tôi sẽ dũng khí cãi, biết có kiếp trước tức vô hình trung nói rằng có kiếp sau, vì kiếp này là kiếp sau của kiếp trước. Làm gan cãi vậy thôi chứ cũng ạ ạ ừ ừ biết gì mà cãi. Thiền giả khẳng định có kiếp trước. Và còn đưa ra một nghi vấn nữa,
Vậy tôi ở kiếp trước và tôi kiếp này có giống nhau không? (Tr.17)
Sao muôn thuở muôn nghìn tình nhân dang dở đều hẹn hò lai sinh, tức là họ tin kiếp sau mình y chang là mình, chàng (nàng) phải vẫn là chàng nàng thì mới biết dây mơ rễ má của mối tình xưa xa kia mà nối kết lại chớ, phải không? Ai cũng tin dù không biết vì sao, vì đâu mà tin! Kiếp này duyên đã phụ duyên/ Dạ đài còn biết sẽ đền lai sinh. (Kiều)
Tôi không chắc sẽ giống, có chăng, giống một chút do cái nghiệp tôi mang theo. Nghiệp là cái tôi “thừa tự” mà, tôi phải mang theo chứ… (tr.17)
Nghiệp là gì? Không biết. Nó đeo đẳng mình, đòi nợ, phải “trả nghiệp”. Trả cách nào? Không biết. Có chuyển nghiệp được không? Chắc phải được chớ. (tr.21)
Hỏi làm cách nào? Hỏi như bịnh nhân hỏi một căn bệnh, bác sĩ trả lời:
Nghiệp “truyền” đi không chỉ từ gène mà còn từ môi trường… Ngành khoa học này gọi là epigenetic (ngoại di truyền, biểu sinh). Phật học nói về chánh báo và y báo là rất đúng. (tr.22)
Chế độ ăn uống, bệnh tật, nghiện ngập, lối sống là các cơ chế của y báo (ngoại di truyền, epigenetic mechanisms) có tác động đến hoạt động của các gène, điều hòa các gène. (tr.23)
Rồi ông nói tiếp, từ từ, nghe như đang giảng pháp,
Nghiệp do “thân, khẩu, ý” mà ra. Thì ra do thái độ, cử chỉ, do lời nói, ý nghĩ của mình mà sinh ra. Nói chung là cách sống. Tùy chọn. Ý nghiệp chưa phải là hành vi mà chính ý nghiệp mới dẫn dắt. “Ý dẫn đầu các Pháp” không phải sao? Ba “nghiệp” mà thanh tịnh thì hết chuyện. (tr.21)
Hỏi sao được thanh tịnh ung dung tự tại, giọng trả lời khiến tôi cảm tưởng như mình đang lọt vào một nơi chốn khác,
… Bệnh gốc của chúng sanh là Tham Sân Si. Tham sân si mà… triệt tiêu thì Niết-bàn đây chớ đâu! Bằng cách nào? Dễ thôi. Tứ Diệu Đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên… từng bước cho đến khi thấy Như Lai vô tướng, thấy được Như Lai tạng, nhìn mọi thứ bằng thật tướng của nó và từ đó… sẽ Ung dung, Tự tại, Vô ngại! (tr.47)
Bốn thứ ma thân thiết. Nó vây quanh ta từ khi ta chào đời. Phiền não ma, Ngũ ấm ma, Thiên ma, Tử ma. Nó vây quanh ta, kết bạn với ta, quậy phá ta, che chở ta. Phật bảo 4 thứ Ma đó là “thị giả” của ta, gần gũi và giúp đỡ ta. (tr.19)
Hẳn phải là người có nhiều kinh nghiệm làm bạn và chiến đấu với bốn con ma này nên mới có đủ nội lực để hóm hỉnh:
Kết bạn với 4 thứ ma đó đi. Vui đùa với chúng đi. Nhìn kỹ đi, chúng rất dễ thương, dễ bảo. Đừng căng thẳng gây gổ giận dữ với chúng làm gì. Chúng giúp ta mở mắt, nhìn rõ sự thực. Một cơn bệnh nặng chẳng phải đã giúp ta sực tỉnh cơn mê sao? (tr.20)
Tôi nhớ khi bị bịnh nặng, nằm một chỗ tôi thèm đôi chân đi đứng bình thường biết bao, Tôi thấy từng phút sống ý nghĩa biết bao, và tôi nguyện sẽ biết thương yêu hơn, tha thiết hơn với những gì xung quanh. Chả phải đức Phật khi cận kề cái chết mới giác ngộ chọn con đường khác để tu mà thành Phật đó sao.
Mục tiêu của Hoa Nghiêm hữu hóa là giúp ta có được cuộc sống an nhiên, tự tại, hạnh phúc ngay ở đây và bây giờ… Một “thế giới hoa tạng”, rực rỡ xinh đẹp sẽ được thành tựu tùy tâm mình.(tr.45)
… Chẳng vì ta mà hoa nở, hoa tàn. Chẳng vì ta mà gió mát trăng thanh. Nhưng ta biết thưởng thức. Ta “enjoy” cuộc sống của mình trong từng giây phút (tr.43)
Bệnh nhân nghe ra bỗng thấy sao sự việc giản đơn như vậy mà mình như con vụ bị xoay mù mù. Và ơ kìa, vị bác sĩ áo trắng mới đây giờ đi đâu, trước mặt tôi là một vị thiền giả áo màu của đất, giọng nói ấm và sâu thẳm như vang lên từ ngực
…Khi ngồi dưới bóng cây giữa cánh đồng mát mẻ, không bị “dính mắc” gì với buổi lễ Hạ Điền dưới kia, lúc đó ngài chẳng biết gì về tham thiền, nhập định hay tứ thiền bát thiền gì cả vì hãy còn rất nhỏ, chỉ biết hồn nhiên, trong sáng, vậy là đã ly dục, ly tầm ly tứ, vào sự sảng khoái lâng lâng gọi là hỷ lạc và đã thực sự thanh tịnh… Nếu sống hồn nhiên như một em bé, thảnh thơi, thanh tịnh thì đã vào Tam muội Phổ Hiền rồi vậy! (tr.55)
Con đường độc nhất “dẫn tới thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng đắc Niết bàn” chính là Thiền Định. (tr.61)
Thiền mà bị phân tích, xếp loại, đánh giá… sẽ làm cho thiền tiêu vong, không tìm đâu được cái thanh tịnh, hồn nhiên nữa… (tr.62)
Thanh tịnh, hồn nhiên. Đấy là chiếc chìa khóa thiền giả đã trao cho.
Phải rồi. Phải “Tự tại” thôi. Phải dựa vào chính mình thôi. Phải thực hành thôi… có sẵn một con đường mà bấy lâu mình xa lạ. Thiền Quán Niệm Hơi Thở (Anapanasati, An-ban thủ ý, Nhập tức xuất tức niệm) “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra… Tìm hiểu thấu đáo, thực hành “miên mật” thì quả là có cơ sở để tin. tr.73
Tôi tin ông đã thực hành miên mật vì ông đã tìm đến phương pháp ấy bên bờ sinh tử và đã có được những kết quả khiến thiền hơi thở đã thuyết phục được ông kiên trì.
… yếu tố rất quyết định trong Thiền định là thả lỏng toàn thân – như thả trôi theo dòng nước hay treo thân trên móc áo. Thả lỏng toàn thân là làm cho toàn thân như rủ xuống (tr.77)
Thiền dạy buông xả. Mục tiêu của Thiền Định là Xả. (tr.85)
Thực hành, kiên trì thực hành thở và thiền theo Đỗ Hồng Ngọc viết trong tập sách này, hẳn chúng ta sẽ được well-being, được tới chừng nào vui chừng đó, hưởng chừng đó, và trong thời gian còn sống vui khỏe, sửa soạn làm sao để gánh nghiệp được nhẹ bớt lần lúc mang đi, đó là thời gian chuyển tiếp để ta chuẩn bị hành trang cho một cuộc hành trình mới, chuẩn bị, sửa soạn để biết được rằng hành trình cuối ấy là một điều tất yếu, và như thế, sẽ well-dying – Đỗ Hồng Ngọc nói vậy-.
Thiền giả để tách trà xuống khay một cách ung dung, nói nhẹ nhàng như chiếc lá thả xuống bờ vai:
Ai có thể thở giùm ai? Ai có thể thiền giùm ai? Cho nên chỉ có thể nương tựa vào chính mình thôi. (tr.78)
Thở luôn trong thì hiện tại, ở đây và bây giờ, không có thở của hôm qua hay của ngày mai.
Và, đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Lúc chào đời hít mạnh một hơi vào phổi để rồi khi lìa đời, thở hắt ra một cái: trả lại những gì mình đã vay mượn tạm! (tr.75)
Một luồng sảng khoái chạy khắp châu thân, tựa như một nút thắt vừa được mở ra, tựa như mình vừa mới biết thở, hơi thở vào ra nạp đầy năng lượng, đúng rồi, –hãy sống lúc đó-, đối với tôi đây là “mật chú” để được well-being.
Cái ở đây và bây giờ làm buổi sáng dài thêm ra, và vô lượng nắng đang tỏa vàng óng trên cánh bướm đang nhịp nhàng trong mùa vừa bắt đầu đông.
Thiền giả mỉm cười: Ta cũng có Phật tánh, có pháp thân, cũng từ Như Lai tạng đó thôi thì ta việc gì phải lo sợ khổ đau vì cái “sanh, bệnh, lão, tử” cơ chứ? (tr.65)
Nói rồi ông quay đi, mầu áo nâu nhẹ như khói…
Upland, Tháng 12.28.2023
Nguyễn thị khánh minh
—-
Sách hiện có bán tại các nhà sách hoặc trên mạng:
https://www.sachkhaiminh.com/mot-ngay-kia-den-bo-do-hong-ngoc
Để lại một bình luận