Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Nhạc và giọng ca Hoàng Quốc Bảo: “CÓ KHÔNG”

26/10/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

CÓ KHÔNG

Thơ Đỗ Hồng Ngọc – Nhạc và giọng hát: Hoàng Quốc Bảo

Nhac sĩ Hoàng Quốc Bảo tức Tỳ kheo Đăng Châu vừa phổ nhạc bài thơ “Có Không” trong tập Thơ Ngắn Đỗ Nghê và gởi về tặng tôi với Thân Trọng Minh. Đã vậy còn thiết kế một trang nhạc rất đẹp và tự mình hát với giọng khào khào của một Thiền sư rất dễ thương.

“Chắt ra cho hết/ Giọt hơi cuối cùng/ Thả mình như lá/ Rơi vào hư không/ Tràn vào khắp nẽo/ Đất trời mênh mông/ Nhẹ như không có/ Có mà như không…” (ĐHN).

Mấy dòng ngắn ngủi vậy. Phổ nhạc đã khó, hát còn khó hơn.

Chỉ nên nghe trong tĩnh lặng, chánh niệm, tĩnh giác…

Cảm ơn Tỳ kheo Đăng Châu, cảm ơn nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo.

Và, xin chia sẻ cùng các bạn,

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

Hoang-Quoc-Bao-Do-Hong-Ngoc-Co-Khong

Hoang Quoc Bao- Do Hong Ngoc (Co Khong)

(Dạng PDF, gồm 4 trang. Vui lòng nhấn vào mũi tên bên trái và phóng to thu nhỏ bằng dấu cộng hoặc trừ để xem rõ).

Nghe nhạc:

https://www.dohongngoc.com/web/wp-content/uploads/2018/10/Hoang-Quoc-Bao-pho-tho-Do-Nghe.mp3

Filed Under: Ghi chép lang thang, Nghĩ từ trái tim, Thiền và Sức khỏe, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn xa xôi: Vài hình ảnh “về Miền Tây” (tiếp theo)

25/10/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi: Vài hình ảnh chuyến “Về Miền Tây” (tt)

Đỗ Hồng Ngọc

Đến Châu Đốc thì đã quá tối. Mình và Châu Văn Thuận, Lê Ký Thương ở chung một phòng khá tệ, đầy mùi thuốc lá… Hai bạn mình cũng nòi tình hay nhớ nhà, cứ lúc lúc lại ra ngồi chỗ vắng. Làm gì vậy? Nhớ nhà! Thì ra “nhớ nhà châm điếu thuốc”… mà còn chịu không nổi mùi thuốc lá trong phòng do khách trước để dành lại.

Dầu vậy, sáng sớm, mình và LKT ra ngồi cafe ngoài đường với nhà thơ Vũ Trọng Quang. Có một chiếc xe vua trờ đến. Thì đi.

Lụm cụm cả rồi! Vũ Trọng Quang trẻ nhất, tự xưng mình tuy là Vũ Trọng Quang mà “không quan trọng” đỡ giùm hai bạn già lên xe…

Xe vua dư sức chở 4 người, nên khi 3 anh em ổn định xong, người bạn đạp xe một vòng Châu Đốc… ra tận công viên, phố chợ… cho Quang mua được tờ báo sáng theo thói quen của chàng!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nắng lên, buổi ăn sáng ở bờ sông Hậu êm ả, nước về mênh mông, cả đoàn ghé vào thắp nhang đền Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh rồi qua Châu Giang, thăm vùng người Chăm …

Trong lúc mọi người mua sắm quà lưu niệm thì mình tìm chụp vài hình ảnh đời sống, con người…

Châu Giang, Châu Đốc 18.10.2018 (photo: Do Hong Ngoc)

Đoàn bắt đầu đi thăm Trà Sư, rừng tràm nổi tiếng mùa nước nổi, trên đường đi Tịnh Biên.

 

mùa nước nổi (photo ĐHN)

 

“mệnh mông rừng tràm” (LNV), và lục bình cám cũng mênh mông không kém ở Trà Sư (photo Do Hong Ngoc).

thuyền nhỏ chèo tay len lỏi giữa rừng tràm và… những ổ chim (photo ĐHN)

 

 

 

 

 

 

 

 

Chiều tối đó, đoàn quay về Cần Thơ. Đã hẹn các bạn Cần Thơ lúc 17g mà đến 19g30 mới đến nơi! Đường xa vời vợi. Mưa mênh mông.

LKT bỗng lên cơn đau, xe dằn xóc chịu hổng nổi, lạnh toát, nôn mửa… làm mình và TTM một phen vất vả, đành phải ngủ lại Cần Thơ đêm đó, trong khi đoàn Quán Văn giao lưu với Hội văn nghệ Cần Thơ xong thì về thẳng Trà Vinh lúc nửa đêm. Sáng hôm sau nghe nói đoàn đã đi thăm Ao Bà Om, chùa Âng, chùa Hang.

Sau một đêm ‘thuốc thang” với sự trợ giúp của vợ chồng Bác sĩ Trần Văn Tốt – bạn cùng khóa với mình và TTM sống ở Cần Thơ – LKT ngủ thẳng một giấc sâu, sáng khỏe hẳn. Anh em lại ra bến Ninh Kiều chụp tấm hình kỷ niệm, nhắc chuyện xưa của chàng thiệt vui.

Bến Ninh Kiều sau cơn mưa đêm. Bên kia là Cồn Ấu. Trần Hoài Thư có nhớ gì không bạn ơi? Khi thương trái ấu cũng tròn…

Trước khu mộ Cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Nhóm mình bắt kịp đoàn ở Trà Vinh rồi cùng về Bến Tre. Chương trình sẽ viếng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản và Võ Trường Toản nhưng rốt cuộc chỉ thăm được mộ Nguyễn Đình Chiểu vì xe không vào được đường cấm tải trọng. Tuy vậy, TTM cũng hướng dẫn Ban Mai và Tịnh Thy, Thanh Hằng đi xe ôm vào tận nơi. Một kỷ niệm đáng nhớ ở Bến Tre là người học trò cũ của Ngọc Anh (vợ nhà văn Nguyên Cẩn) nay là một người “ăn nên làm ra” ở Bến Tre nhớ ơn thầy cô đã làm một bữa tiệc khoản đãi cả đoàn chu đáo. Lại có buổi giao lưu văn nghệ thân tình, ấm áp. Thời buổi này có một trường hợp học trò xưa còn nhớ ơn thầy cô cũng đã là quý hiếm, cảm động.

 

Rồi hôm sau, đoàn tham quan các khu thủ công làm kẹo dừa Bến Tre, nghe đàn ca Tài Tử rồi đi thuyền nhỏ trên rạch dừa nước để ra thuyền lớn, đưa mọi người đi thăm cả 4 cù lao Long, Lân, Quy, Phụng, chỗ của ông Đạo Dừa.

Trên đường về, qua cầu Rạch Miễu, ghé thăm nhà lưu niệm Sơn Nam.

Một chuyến đi đọng nhiều kỷ niệm đẹp. Anh chị em Quán Văn ngày càng hiểu nhau, thương quý nhau, gắn bó nhau hơn. Phải nói cảm ơn BTC, cảm ơn Mỹ Lệ, Nguyễn Đình An, Đoàn Văn Khánh cùng “già làng” Nguyên Minh đã tổ chức rất thành công.

Buổi sáng hôm sau (22.10.2018) mọi người chia tay nhau tại Đường Sách cũng là một kỷ niệm khó quên.

Với chúng tôi, những người bạn thiết của một thời Ý Thức, nay đều đã U80 cũng thấy mình trẻ lại qua chuyến đi này. Chỉ tiếc đoàn không ghé thăm nhà cũ vườn xưa của nhà văn Trang thế Hy.

Buổi chia tay bùi ngui ở Đường Sách Tp HCM sáng sớm ngày 22.10.2018 để rồi người về Huế, người về Đà Nẵng, Quy Nhơn… Hình như họ đều hẹn nhau tái ngộ một ngày nào đó không xa.

 

Đỗ Hồng Ngọc.

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Những người trẻ lạ lùng, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn xa xôi: Vài hình ảnh chuyến “về miền Tây”

25/10/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi: Vài hình ảnh chuyến “về miền Tây”

Đỗ Hồng Ngọc

Buổi họp mặt bạn bè kỷ niệm Sinh nhật Quán Văn lên 7 (ngày 16.10.2018), đồng thời cũng là Sinh nhật của bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức, ra đời cách đây 47 năm. Số Quán Văn 59 này giới thiệu một khuôn mặt văn học miền Tây là Trịnh Bửu Hoài ở Châu Đốc, vì thế ngày hôm sau, 17.10. 2018 bạn bè đã làm một chuyến Tây du, “về Long Xuyên Châu Đốc…” cùng Trịnh Bửu Hoài, không chỉ thăm bạn bè văn nghệ mà còn thăm vùng đất phương Nam mùa nước nổi xứ của Núi Sam, của rừng tràm Trà Sư, của Bà Chúa Xứ rồi còn ghé qua Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre…

Không chỉ anh chị em Quán Văn mà còn có cả anh em Ý Thức, chuyến này chỉ có 5 bạn già có mặt, vắng những Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư… Dù sao thì cũng có Nguyên Minh, người chèo đò cho cả hai tờ báo văn nghệ này, có Thân Trọng Minh (Lữ Kiều), Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê), Châu Văn Thuận, Lê Ký Thương, năm anh em của “mùa thu cũ”, của “gió heo may”…

từ trái: Châu Văn Thuận, Nguyên Minh, Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê), Thân Trọng Minh (Lữ Kiều), Lê Ký Thương (cafe Vườn Hồng, Bến Tre 20.10.2018)

Chuyến đi khá đông, gần 50 người, toàn là những bạn bè và cộng tác viên thân thiết của Quán Văn, từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Thiết, Vũng Tàu… và Saigon. Đa số là những người “bạn trẻ”, những cây viết sung sức, rất hòa đồng, dễ thương. Phải nói thêm có “lạc” một người từ phương xa là Nguyễn Minh Nữu, từ Mỹ về, rất vui nhộn, hoạt bát, một MC bất ngờ!

Ghé qua Sadec cho mọi người thăm nhà “Người Tình” Huỳnh Thủy Lê một chút. Mình và mấy người bạn tạt qua thăm Kiến An Cung, ngôi chùa cổ gần đó. Không có nhiều thì giờ nên không ghé thăm chùa Kim Huê và thăm nhà ông Tư Khánh, nhân vật gắn bó với “Bột Bích Chi” nổi tiếng một thời, vừa qua đời.

Qua phà Vàm Cống thì đã vào Long Xuyên. Tưởng kỳ này được đi cầu mới bắc ngang sông Hậu, nhưng nghe nói cầu đang sửa, đành chờ kẹt phà cả tiếng đồng hồ!  Đến Long Xuyên rồi đây. Mới mấy năm mà xa lạ quá. Đường phố rộng rải, sầm uất, nhộn nhịp rồi. Mọi người ăn bún mắm đặc sản. Mình chỉ ăn cơm với cá linh rang mùa nước nổi… và dự định làm một chuyện riêng: thăm ngôi nhà cũ Nguyễn Hiến Lê. Cả đoàn chuẩn bị buổi giao lưu giữa anh chị em Quán Văn và bạn bè văn nghê An Giang Châu Đốc, còn nhóm mình tách riêng một lúc. Không ngờ mới nêu ý kiến đi thăm nhà cũ NHL với TTM, LKT, CVT (nhóm Ý Thức) thì đã được sự đồng tình của Hoàng Kim Oanh (Đại học Saigon); Nguyễn Thị Tịnh Thy (Đại học Sư phạm Huế); Ban Mai (Đại học Quy Nhơn) và cả nhà văn Hiếu Tân (Vũng Tàu), họa sĩ Thanh Hằng, và Pham Thành Hiền (An Giang)…

trước phòng làm việc của học giả Nguyễn Hiến Lê, 92 Tôn Đức Thắng, Long Xuyên.

 

Đỗ Hồng Ngọc thắp nén nhang và đặt cuốn sách vừa tái bản “Nguyễn Hiến Lê, con người và tác phẩm” của một nhóm tác giả gồm Trần văn Chánh, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Anh Dũng, Nguyễn Duy Chính, Nguyễn Chấn Hùng… lên bàn thờ ông.

 

Các bạn dành một phút tưởng niệm NHL. Các cô giáo Kim Oanh, Tịnh Thy, Ban Mai… đều nói từ tuổi thơ đã đọc, đã học nhiều từ NHL nên hôm nay như được đến thăm người thầy cũ của mình, với nếp sống giản đơn, thanh bạch, để lại đời nhiều bài học đáng quý trọng.(hình TTM).

Sau đó nhóm bạn kịp thời về dự buổi giao lưu tại một quán cafe sân vườn rất đẹp ở Long Xuyên. Cảm động vì các bạn trẻ trong Hội văn học nghệ thuật An Giang nói về người đàn anh, người thầy đi trước của mình: nhà văn Trịnh Bửu Hoài. Dịp này nhiều bài thơ, bài hát, vọng cổ đã được trình bày rất hay. Trong đoàn Quán Văn có Elena, người Ý, vợ nhà văn Trương Văn Dân tiếng Việt chưa rành mà điệu ca cổ nào cũng thuộc! Đáng khen TVD!

 

Kim Oanh nói đôi lời về việc vừa ghé thăm nhà cũ NHL. Phạm Thành Hiền cho biết ở Long Xuyên cũng đã có con đường mang tên Nguyễn Hiến Lê. (còn tiếp).

 

 

 

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Những người trẻ lạ lùng, Thư gởi người bận rộn, Vài đoạn hồi ký

Vài hình ảnh “Sinh nhật” Ý THỨC và QUÁN VĂN

16/10/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Vài hình ảnh “Sinh nhật” Ý THỨC và QUÁN VĂN

Đỗ Hồng Ngọc ghi

Sáng nay 16.10.2018 Quán Văn số 59 tổ chức Sinh Nhật lần thứ 7 khá rôm rả tại một Quán Cafe trên đường Lam Sơn, Bình Thạnh. Dịp này cũng là số báo đặc biệt giới thiệu Nhà văn Trịnh Bửu Hoài, cũng như để chuẩn bị chuyến đi Miền Tây nhân “Mùa Nước Nổi” của nhóm Quán Văn. Rất đông bạn bè đã đến “chung vui”.

Dịp này, Quán Văn cũng đồng thời tổ chức Sinh Nhật cho Ý Thức, bán nguyệt san Văn học nghệ thuật đã có mặt trên văn đàn Saigon 47 năm về trước. Hai tờ báo cách nhau 40 năm và cùng có chung một “tay chèo” là Nguyên Minh.

Ý Thức của 47 năm trước sáng nay hiện diện chỉ có (từ trái) Nguyên Minh, Lữ Kiều Thân Trọng Minh, Châu Văn Thuận, Đỗ Nghê Đỗ Hồng Ngọc. Lê Ký Thương bận không đến. Anh em không quên nhắc Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư… nơi xa xôi. Thậm chí còn nhắc 20.10 này sẽ khui rượu mừng Sn Lữ Quỳnh nữa đó!

 

Các thân hữu và cộng tác viên của Quán Văn từ Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, Vũng Tàu, An Giang… về tham dự đông vui. Nguyễn Minh Nữu từ xa xôi cũng kịp về để tham gia làm MC với Hoàng Kim Oanh và Đoàn Văn Khánh… tạo nên một không khí sôi đông với lời ca tiếng hát giọng ngâm…

 

Filed Under: Chẳng cũng khoái ru?, Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Góc nhìn - nhận định

Thư gởi bạn xa xôi (9.2018)

12/10/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi

Một chuyến đi hụt… về Lagi, Mũi Né

Không định viết lá thư này nhưng chung quy cũng tại bài thơ có mấy câu bí hiểm khiến bạn thắc mắc nên đành “giải trình” thôi.

Bài thơ “trời ơi” nó như vầy:

Sáng nay dậy sớm

Chuẩn bị lên đường

Sực nhớ

Quên!

(ĐHN)

“Quên” là quên chuyến đi đã bị “cencel” rồi vậy mà sao cứ vấn vương trong bụng. Tu hành bấy lâu mà sao tệ quá bạn ơi. Gởi cho mấy bạn trong “gánh hát” thì có bạn kêu trời ơi, già cả lẩm cẩm đến vậy sao?

Lỗi tại mình. Đáng lẽ bài thơ “rất hay” này chỉ nên chia sẻ trong nhóm dự định đi Lagi-Mũi Né một chuyến rồi giờ chót không đi được vì một lý do bất khả kháng, ai dè gởi nhầm cho mấy bạn xa xôi…

Số là T,D về có mấy hôm, đã cùng nhau sắp xếp từ cả tháng trước một chuyến đi Lagi Mũi Né với mấy bạn “gánh hát” mình ở đây, giờ chót người bận người bệnh, thế là bỏ cuộc. Phải cancel khách sạn, xe cộ các thứ. Mình là tourguide nên đã lên “đường dây” rất kỹ, sắp xếp đâu đó sẵn sàng…

Dù sao cũng nên ghi lại “đường dây” ở đây, biết đâu có dịp nào rồi lại đi khi có bạn xa về. Dĩ nhiên mình thiết kế một tour rất “nhà quê” để bù cho bạn bè có khi quên cả lỗ chân trâu, bờ cỏ dại, chiếc thúng chai, đồi cát bỏng…

Phải khởi hành sớm. Đi cao tốc đến Long Thành, lên quốc lộ 51 (đi Vũng Tàu), quẹo trái vào xã Tóc Tiên, ghé thăm Thiền viện Viên Không của thầy Viên Minh. Con đường quanh co len chân núi Dinh, lát đá thô rất đẹp, thỉnh thoảng có ao bông súng. Những ngôi tịnh xá mọc rải rác, len lỏi giữa rừng cây thưa. Có thì giờ thì leo dốc, đến một hồ nước ngọt trên lưng chừng đồi.

Rời thiền viện, đi ngang qua cánh đồng cỏ có những bầy cừu trắng rất dễ thương.  Mấy bạn cưỡi ngựa giữ cừu làm nhớ cảnh “thả ngựa chăn dê” thuở nào xưa.

Đi theo quốc lộ 52, qua Bưng Riềng, vượt khu rừng Nguyên sinh xưa từng có voi, cọp… thong dong qua lại. Ghé ăn sáng, cafe ở quán Vên Vên nhiều cây cao bóng cả, suối róc rách, gặp Tr chủ nhân ngồi thiền mòn cục đá bên bờ suối…

Rồi dọc theo đường biển vùng Hồ Tràm, Suối Nước Nóng Bình Châu, Láng Găng, Rừng Khỉ, đi ngang Tân Thắng (Phò Trì, vùng tản cư xưa quen thuộc lúc nhỏ của mình). Cách Lagi 7km có biển Cam Bình, khu du lịch nhộn nhịp hiện nay, có nhiều món hải sản tươi ngon và giá rẻ nên đông khách. Ở đó, nếu có thì giờ, đi xe bò dạo biển, đến Cocobeach tham quan.

Đi xe bò ở bãi biển Cam Bình LaGi

Về Lagi thì phải ghé qua nhà mình một chút. Năm xưa, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh đã từng ghé, ngủ lại vài đêm. Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo thì tạt ngang chỉ kịp ghé uống trái dừa xiêm ngọt lịm hơn mười năm trước. Ca sĩ Thu Vàng vừa rồi, trước khi “ra đi” cũng đã có dịp ghé lại một lần cùng với TTM-TH, LKT-KQ. Dĩ nhiên, phải tạt qua Đập Đá Dựng để biết tại sao đá lại dựng. Ngồi đó, nhấm nháp cafe và nghe mình kể chuyện hồi nhỏ tắm truồng cùng bè bạn trên dòng sông này vậy.

Căn nhà tuềnh toàng xưa có giàn bông giấy ở Lagi của ĐHN

Từ đó, có thể đi ngang Bàu Giòi về Dinh Thầy Thím hoặc đi dọc biển, ngang khu vực Nước Nhỉ, nơi có Giếng Nguồn Chung xưa của nhóm hướng đạo Lagi (giờ chẳng còn dấu vết!). Ghé Dốc Trâu. Ôi vô số là thuyến thúng. Trước kia gọi là thúng chai. Nay sơn xanh đỏ coi cũng ngộ. Xa xa là Hòn Bà.

Dốc Trâu (Bàu Giòi) LaGi.
Xa xa trên biển là Hòn Bà.

Ở Dốc Trâu ăn cơm trưa cũng tốt. Nếu không, ghé qua Ngãnh, có quán cơm quen. Gần đó là ngôi mộ của nhà văn Nguiễn Ngu Í, ông cậu mình, gốc Tam Tân (nay là Tân hải) ở đây. Resort Mõm Đá Chim, có những gọp đá cũng khá đẹp. Vùng này là quê ngoại của mình mà!

Có thể ghé nhà xưa của ngoại, giờ con cháu toàn trồng thanh long, phá hết cả vườn trầu cau, dừa chuối, bưởi cam… xinh đẹp ngày xưa, lấp cả giếng nước thiệt là quá uổng. Không xa là núi Tà Cú với chùa Linh sơn Trường thọ tự, nổi tiếng với tượng Phật nằm dài 49m.

Từ đó, đi về hướng Kê Gà, ngôi Hải đăng xưa nhất, cao nhất vùng nam Trung bộ này. Trước đây có thể đi thuyền thúng ra thăm, leo lên tận nóc được. Rồi đi dọc biển qua vùng Đá Nhảy. Đá cứ chồm chồm lên khá lạ lùng!

Đá Nhảy (Kê Gà, Lagi)

Đến Phan Thiết rồi đó. Nhớ ăn bánh căn, nhớ ăn chè Mộng Cầm, nhớ món trà lipton tự pha ở một quán nước ven biển với cam, chanh, quất, xí muội, táo tàu, cam thảo khá lạ, và rất ngon không thấy đâu có.

Bánh căn nghèo mà rất ngon Phan Thiết!

Đường về Mũi Né giờ đã rất tốt, vượt những rặng đồi cao, lũng sâu, từ đó, nhìn thấy cả một vùng Rạng, Mũi Né xưa, vũng an bình cho thuyền bè núp gió, nay đầy nhưng resorts khu nghỉ dưỡng nổi tiếng.

Từ Mũi Né sẽ đi thăm Bàu Trắng, Bàu Sen. Sẽ ghé quán cơm NC, nhìn những chiếc lá bàng thủng nắng… Sẽ thấy cảnh hoang sơ của biển, của đồi, của thảo nguyên mênh mông. Sẽ thấy đảo Rùa bơ vơ…

Trên đường về lại Saigon, thì nên đi theo Quốc lộ 1 để ghé thăm núi Chứa Chan, ghé chùa Lan Nhã ở Suối Tre Long Khánh, có thì giờ nữa thì nằm võng uống nước dừa ở hồ Suối Tre…

Một chuyến đi lang thang như vậy mà chỉ để thấy núi, thấy rừng, thấy biển, thấy sông, thấy suối, thấy hồ… vậy thôi sao?

Chỉ vậy thôi vậy.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Vài đoạn hồi ký

Thư đi tin lại: vài bìa sách cũ gởi anh Hai Trầu

01/10/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc 3 Comments

 

Thư đi tin lại

Vài bìa sách cũ gởi anh Hai Trầu

30.9.2018

Anh Hai Trầu ơi,

Tôi xin mạn phép anh “trích đoạn” lá thư văn nghệ đầy tình cảm của anh gởi “hồi âm Thư gởi bạn xa xôi” của tôi để đưa lên dohongngoc.com chia sẻ cùng bạn bè nhé. Nhiều chuyện hơi riêng tư tụi mình, tôi xin phép anh lược bớt như chuyện đi thăm mộ Thầy Nguyễn Hiến Lê, chuyện anh tìm về địa chỉ bán sách ngày xưa của chị HT… một chiều mưa Saigon tầm tả.

Tôi thấy anh có hỏi các tác phẩm đã in của tôi, thật tình đến nay khá là nhiều, có khi quên cả tựa, quên cả năm xuất bản… Tựu trung gồm 3 nhóm: 1) Thơ văn; 2) Y học phổ cập; 3) Phật học. Thôi thì cũng ráng lục tìm gởi anh cho vui.

Sẵn dịp kèm thêm ít thông tin “cập nhật” trong Một Chút Tôi nữa đây nhé. Để làm kỷ niệm.

Thân mến,

ĐHN

……………………………………………………………………………..

30.9.2018

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thân mến,

Cảm ơn Bác sĩ giới thiệu thư hồi âm vừa rồi. Vâng, mình có thể bỏ bớt vài chỗ cho gọn vì người già thường hay kể chuyện lòng vòng, kể hoài hổng hết Bác sĩ ơi! Rồi tới một lúc, như trong Già Sao Cho Sướng, bác sĩ có nói người già sẽ tới thời kỳ bị lú lẫn nữa…

hai trầu

……………………………………………………………………………

1.10.2018

Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,

Tôi vừa tóm lược lại, bổ túc thêm vài cuốn bác sĩ còn bỏ sót  như “Có Một Con Mọt Sách”, “Chuyện trò về Nếp Sống An Lạc” và sắp lại theo thứ tự thời gian xuất bản và gởi lại Bác sĩ để tiện dụng.

Với 50 cuốn sách như vừa lược kết , trong đó có nhiều cuốn tái bản rất nhiều kỳ, như cuốn  Nghĩ Từ Trái Tim viết về Tâm Kinh Bát Nhã (2003) đã tái bản đến lần thứ 14 (hôm tôi thấy ở nhà sách Nguyễn Huệ), và cuốn “Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng” – tái bản hàng năm từ 1974 đến nay- là biết bao tâm huyết và công sức mà Bác sĩ đã để vào chẳng những là công trình nghiên cứu, tìm tòi của Bác sĩ qua 50/60 năm kinh nghiệm trong nghề, trong đời sống chính mình mà còn là những bài học rất cần yếu cho hết thảy bạn đọc đã từng đọc và sẽ đọc sách của Bác sĩ sau này nữa.

(…).

Thân mến,

 

Hai Trầu

 

TÁC PHẨM CỦA BÁC SĨ ĐỖ HỒNG NGỌC

(Lương Thư Trung ghi nhận, 2018)

 

Thơ:

1/ Tình Người (1967)

2/ Thơ Đỗ Nghê (1973)

3/ Giữa hoàng hôn xưa (1993)

4/ Vòng quanh (1997)

5/ Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010)

6/ Thơ Ngắn Đỗ Nghê (2017)

 

 

Tạp văn, Tùy bút:

 

1/ Gió heo may đã về (1997)

2/ Già ơi…Chào bạn! (1999)

3/ Những người trẻ lạ lùng (2001)

4/ Thầy thuốc & Bệnh nhân (2001)

5/ Như ngàn thang thuốc bổ (2001)

6/ Cành mai sân trước (tuyển tập, 2003)

7/ Thư gởi người bận rộn (2005)

8/ Khi người ta lớn (2007)

9/ Như thị (2007)

10/ Chẳng cũng khoái ru?(2008)

11/ Nhớ đến một người (2011)

12/ Thư gởi người bận rộn 2 (2011)

13/ Ăn vóc học hay (2011)

14/ Ghi chép lang thang (2014)

15/ Già sao cho sướng? (2015)

16/ Có một con mọt sách (2015)

17/ Một hôm gặp lại (2016)

18/ Chuyện trò với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về Nếp Sống An Lạc (2016)

 

Phật Học:

 

1/ Nghĩ từ trái tim (về Tâm Kinh Bát Nhã, 2003)

2/ Gươm báu trao tay (về kinh Kim Cang, 2008)

3/ Handing down precious sword (bản dịch tiếng Anh, 2015)

4/ Thấp thoáng lời Kinh (2012)

5/ Thiền và Sức khỏe (2013)

6/ Ngàn cánh sen xanh biếc (về kinh Pháp Hoa, 2014)

7/ Cõi Phật đâu xa (về kinh Duy Ma Cật, 2016)

8/ Thoảng Hương Sen (2018)

 

Y học phổ cập:

 

1/ Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972)

2/ Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (1974)

3/ Chăm sóc Trẻ từ sơ sinh đến 3 tuổi (1978)

4/ Những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ em (1980)

5/ Săn sóc Trẻ bệnh (1980)

6 /Làm sao để bé được khỏe mạnh và sáng dạ?(1985)

7/ Săn sóc con em nơi xa thầy thuốc (1986)

8/ Nuôi con (1988)

9/ Nói chuyện sức khỏe với tuổi mới lớn (1989)

10/ Bệnh ở tuổi hoc trò (1990)

11/ Sức khỏe trẻ em (1991)

12/ Viết cho Tuổi mới lớn (1995)

13/ Câu chuyện Sức khỏe (1996)

14/ Với tuổi mười lăm (1997)

15/ Bỗng nhiên mà họ lớn (2000)

16/ Bác sĩ và những câu hỏi của tuổi mới lớn (2003)

17/ Tuổi mới lớn (tuyển tập, 2005)

18/ Khi người ta lớn (2011)

 

Ghi chú (1.10.2018):

Anh Hai Trầu ơi,

Cảm ơn anh Hai đã chịu khó ngồi tập hợp và sắp xếp lại giùm các tựa sách của tôi theo thứ tự thời gian cho dễ tìm chớ tôi lâu nay bỏ bê tùm lum, “có mới nới cũ” anh ơi! Sẵn dịp này, tôi tìm lại được một ít cuốn xưa xưa và chụp hình bìa gởi anh coi chơi đây, như một kỷ niệm.

Chuyện vui là thời “xa xưa” đó, như cuốn  Những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ em (1980); Săn sóc Trẻ bệnh (1980)…  mỗi lần KHPT in cả 80.000 cuốn, giá 7đ/cuốn. Tái bản khá nhiều lần, có lẽ đến nửa triệu bản anh à! Còn cuốn Làm sao để bé được khỏe mạnh và sáng dạ?(1985) Nxb in lần đầu đã 55.200 cuốn, giá 25đ/cuốn,tái bản mấy đợt. Cuốn Bệnh ở tuổi hoc trò (1990) mỗi lần in cả 10.100 cuốn, giá 60đ/cuốn!

Thời bây giờ thì in vài ba ngàn là quý rồi! Sách tôi được các Nhà xuất bản gọi là “long seller”, có nghĩa là bán… dài dài, thỉnh thoảng mới có một cuốn “best seller” như Gió heo may đã về, Nghĩ từ trái tim… anh à! Nếu mà tác quyền “ngon lành” thì mình khá rồi!

Thôi, người già mình nói chuyện xưa, vui thôi vậy.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

Filed Under: Ghi chép lang thang, Thầy thuốc và bệnh nhân, Vài đoạn hồi ký

27/09/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Hồi âm “Thư gởi bạn xa xôi” của Bs Đỗ Hồng Ngọc.

Hai Trầu Lương Thư Trung

 

Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,

 

Hôm qua, tình cờ tôi vào trang nhà của Bác sĩ (www.dohongngoc.com/web/), thật vui và cảm động đọc được “Thư gởi bạn xa xôi” ngày 09 tháng 09 năm 2018 với tựa đề “Gặp Hai Trầu ở Đường Sách Sài Gòn.”

Không vui sao được, với mấy ngàn cây số về qua Sài Gòn lại được Bác sĩ bỏ chút thời giờ  quí báu ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng với người nhà quê già mà nghe rất ấm lòng biết chừng nào! Nhớ buổi sáng hôm ấy, tôi thấy Bác sĩ vừa uống cà phê, vừa trò chuyện mà cũng vừa ghi ghi chép chép nữa… Tôi nghĩ chắc Bác sĩ có buổi thuyết trình về một đề tài nơi ngôi chùa nào đó mà Bác sĩ có nói là khoảng 11:30 trưa, sẽ có một cái hẹn. Nhưng nay đọc “Thư gởi bạn xa xôi” vừa rồi mới biết Bác sĩ ghi chú vài nét chính cho lá thư.

Dường như, nếu không lầm, tôi nghĩ cách làm việc của Bác sĩ rất nguyên tắc; tức là dù nói hay viết bất cứ đề tài nào, Bác sĩ đều có một dàn bài tổng quát, rồi sau đó cứ khai triển rất rộng thêm những chi tiết cần có hầu làm cho nội dung câu chuyện được rõ ràng và đầy đủ thêm mà không bị lạc đề hay thiếu sót hoặc dư thừa. Qua các tác phẩm của Bác sĩ tôi thấy thấp thoáng cách trình bày như vừa kể hoặc qua các buổi mạn đàm về Phật pháp nơi các thiền viện, tôi cũng thường thấy trên tay Bác sĩ lúc nào cũng có cây viết và những biểu đồ lúc Bác sĩ thuyết trình.

Một nét nữa mà tôi nhận ra là cái cách Bác sĩ nói hay viết, Bác sĩ rất chú tâm đến việc dùng chữ. Dù nói về một đề tài mang tính cao siêu như nói về Phật pháp, hoặc nói về cái nét rất gần trong đời sống thường ngày như cách thở, cách ăn chay, cách uống nước thôi mà chữ dùng trong các trường hợp ấy cũng là một sự chọn lựa không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ở những trang sách của Bác sĩ không có những thai đố như người ta hay gặp những năm thập niên 50-60 hoặc những danh từ triết học mà hồi mấy năm 1960-1970 lúc tôi còn đi học thường hay nghe các giáo sư dạy môn triết học thường dùng… càng làm mình rối trí như tơ vò!

Tôi xin dẫn ra đây một thí dụ rất gần và rất thực, như trong cuốn “Nếp Sống An Lạc”, Bác sĩ viết: “ Có một lời khuyên tốt nhất về việc mình nên sống như thế nào là: Hãy sống ở đây và bây giờ. Điều đó không có nghĩa là mình tìm một cái lạc thú khơi khơi nhưng mà nếu mình biết sống ở đây và bây giờ thì mình bớt căng thẳng đi và có thể có được an lạc, hạnh phúc. Một người sống vì tương lai, vì dĩ vãng thì xem như là chẳng sống chút nào cả bởi vì tương lai thì chưa tới mà dĩ vãng thì đã qua rồi. Vậy thì tốt nhất là sống cho hiện tại.” (trang 78, Nếp Sống An Lạc). Qua đó, theo tôi đây là quan niệm của Bác sĩ chính là một quan niệm rất “hiện sinh” mà gần gũi, không cầu kỳ, cao siêu…!

Thú thật, gặp lại Bác sĩ ở “Đường Sách Sài Gòn”, dù không bao lâu, vì thời giờ bây giờ dường như qua quá mau, nhưng tôi muốn hỏi Bác sĩ nhiều việc, mà không kịp hỏi. Chẳng hạn như tôi có thưa với Bác sĩ sao trong kinh Pháp Hoa, người ta không dùng chữ “Chươn” mà lại dùng chữ “Phẩm” chẳng hạn? Hoặc, có câu hỏi khác như khi nào thì Bác sĩ thực sự “an lạc”, thực sự “hanh phúc”? Nhớ có lần, dịp Tết Nguyên Đán, Bác sĩ  có kể lúc từ Đà Lạt xuống Đơn Dương, bác sĩ đang đi ngoài trời lạnh, rồi bước vào một tiệm cà phê vùng cao nguyên này, nhiệt độ trong tiệm ấm hơn và bác sĩ bảo rằng gặp được hơi ấm giữa lúc mình đang bị lạnh là một hạnh phúc rồi vậy! Theo đó, hạnh phúc hay an lạc là do chính nơi lòng mình, không ở đâu xa. Phải thế không bác sĩ?

Nhớ hôm đó, tôi có hỏi thăm về chị TV, như trong “Thư gởi bạn xa xôi” vừa rồi bác sĩ có nhắc. Tôi chợt dưng nhớ lại hồi năm ngoái, khi vợ chồng tôi ghé thăm Bác sĩ ở hồ sen Kỳ Hòa, trên lối đi dưới tàn phượng vĩ cổ thụ, có một cái lều nhỏ ven đường, Bác sĩ có nhắc nơi chiếc lều ấy, có lần ca sĩ TV đã hát bài “Bông hồng cho Mẹ” rất cảm động.

Tôi bùi ngùi khi Bác sĩ cho biết chị ấy giờ không còn đứng hát nơi quán gió lều trăng thuở nào nữa rồi! Và tôi thốt lên với Bác sĩ, như một tiếng than: “Thiệt là quá uổng!”

Tối hôm ấy, tôi quá giang xe mấy đứa cháu về quê. Dù cố mở mắt nhưng xe chạy phon-phon trong đêm tối, tôi chẳng thấy được gì ngoài những cánh đồng tối om om bên tiếng xe chạy rào rào trong gió lạnh. Vậy mà xe về tới nhà dưới quê Tân Bình (Lấp Vò) của tôi đâu cũng vào lúc 02:00 sáng đã nghe văng vẳng trong xóm tiếng gà gáy hiệp nhứt bắt đầu…

Bận về tôi với đứa cháu chạy xuống làng Vĩnh Thạnh (Lấp Vò) ghé tìm ngôi mộ Thầy Nguyễn Hiến Lê, cách nay ba bốn năm đọc báo trên mạng nghe nói mộ phần của Thầy tọa lạc nơi ngôi chùa Phước Ân Tự nằm nơi là Vĩnh Thạnh này mà tự bấy lâu nay tôi chưa có dịp ghé chùa Phước Ân Tự lần nào.

Hôm tôi ghé lại thì có một ni sư trọng tuổi, khoảng trên tám mươi, bà bước đi phải có cây gậy trên tay, ra tiếp và tôi có hỏi thăm phần mộ của thầy Nguyễn Hiến Lê và được bà cho biết mộ phần của Thầy hồi trước nằm dưới chỗ trũng, cỏ mọc um tùm rồi sau này được bồi đấp và nâng lên cao như hiện nay.

Tôi lại hỏi thêm, con cháu của Thầy Cô có ai lui tới thăm viếng thường không? Vị ni cô cho biết, thỉnh thoảng con cháu trên Long Xuyên có về cúng bái, còn con cháu ở ngoại quốc thì chưa thấy. Tôi lại hỏi thêm, ở chùa có biết thầy Nguyễn Hiến Lê là ai không? Ni cô cho biết lúc mới đầu hổng biết nhưng mấy năm trước có người miền ngoài, và trên Sài Gòn xuống tìm mới biết Thầy là nhà văn viết sách. Tôi lại hỏi ở chùa có một tủ sách nào hoặc có một kệ chưng bày quyển sách nào của Thầy không? Ni cô nói không có.

(…)

Nhớ trong “Thư gởi bạn xa xôi: Chuyến về Cà Mau và Đồng Tháp” ( Tuesday, March 21, 2017), Bác sĩ có viết một câu làm tôi rất cảm động: “Đường từ Cao Lãnh đi Tam Nông còn gặp những căn nhà cũ kỹ bên bờ đê còn sót lại những cây cầu dịu dàng dễ thương lắm. Nhưng cầu khỉ thì không còn thấy đâu nữa! Có lẽ sau này chỉ cón thấy cầu khi ở nhà Bảo tàng (mua vé vào coi) hoặc vài khu du lịch Đất phương nam. Nhớ anh Hai Trầu quá!”

Chẳng những bây giờ tôi thấy cầu khỉ hổng còn mà xuồng ghe cũng hết chỗ dùng rồi Bác sĩ ơi! Hồi đời trước nhà nào cũng có ít nhứt là một chiếc xuồng, có nhà còn có ba bốn chiếc nữa vậy mà có khi cần chuyên chở đi lại xuồng vẫn thiếu. Nay thì đi đâu người ta cứ đi bằng xe gắn máy, hổng còn ai đi xuồng nữa rồi! Năm thuở mười thì Bác sĩ mới gặp được một chiếc xuồng bơi trong kinh rạch như xuồng mua ve chai lông vịt chẳng hạn, còn thường thì xuồng cứ nằm lăn lóc trên bờ, bên con đường tráng nhựa, hoặc nằm úp mặt trên hai cái nề ngắn nơi một góc vườn hiu quạnh mà nghe tủi phận mình nay hổng còn là thời của mình nữa rồi!!!

photo: Hai Trầu LTT

Thưa Bác sĩ, loay hoay rồi ngày cũng qua ngày, tôi lại phải theo xe đò về lại Sài Gòn. Hôm ấy, trời Sài Gòn mưa ướt quá mạng! Tôi có gọi điện thoại cho Bác sĩ hay nhưng vì mưa nên hổng gặp lại được.

Dịp này tôi cũng ghé qua nhà sách Nguyễn Huệ nằm trên đường Nguyễn Huệ, rất vui gặp được kệ sách của Bác sĩ nằm ngay lối vào, rất hấp dẫn. Tôi đếm thử, ở kệ sách này có khoảng trên 40 tựa sách của Bác sĩ đã xuất bản.

Hai Trầu Lương Thư Trung giữa Nhà sách Nguyễn Huệ Saigon (9.2018)

Tôi nay là một người nhà quê già hơi bộn-bộn rồi, mà còn thêm nhiều chứng bịnh khác nữa như mau quên, mắt mờ, tai điếc nặng nên tôi hy vọng Bác sĩ hổng chán là tôi mừng lắm rồi! Phải vậy hông Bác sĩ?

Thân mến,

Hai Trầu

(Houston, ngày 25 tháng 9 năm 2018)

 

https://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/13464/

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Một bức thư của Kiều Minh Mạnh từ Đơn Dương

24/09/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

ĐA TẠ BÁC SĨ ĐỖ HỒNG NGỌC TẶNG SÁCH THOẢNG HƯƠNG SEN

Kiều Minh Mạnh

(Đơn Dương, Lâm Đồng)

 

hình: Kiều Minh Mạnh

Cứ mỗi lúc nghĩ đến Thiền và Phật, tôi lại nhớ đến một câu chuyện kể về bác sĩ Daisetz Teitaro Suzuki, đọc một lần rồi nhớ mãi: Năm 1964, Suzuki đến Honolulu dự Nghị hội Triết gia Đông Tây lần thứ tư. Các quan chức hàng không đã được lưu ý trước rằng một triết gia Nhật lỗi lạc, người đã trên 90 tuổi, sẽ đến trong một chuyến bay. Tưởng là sẽ đón một ông già lụ khụ, các nhân viên hàng không đã đặt ngay tại chân cầu thang máy bay một chiếc xe lăn. Nhìn thấy sự ưu đãi chu đáo dành cho mình, ông liền ngồi vào xe lăn để được đẩy vào phòng khách như một người… bất lực, dù ông chưa hề bất lực, vẫn đi đứng đàng hoàng trên đôi chân của mình. Hành động ân cần, tử tế, độ lượng của một bậc Thiền sư khiến bao triết gia đông tây đều kính phục tâm Tùy Hỷ của ông.

Bác sĩ Suzuki là một bậc đại tôn sư lại là người của thiên niên kỷ trước, người bình dân chỉ có thể kính nhi viễn chi đối với ông và tư tưởng của ông. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ở mình thì khác, có duyên thì ai cũng có thể gặp mặt ngoài đời, còn sách của ông thì có ở mọi hiệu sách, ai cũng đọc được và học được. Học ở ông Đạo làm người, học cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và người thân, học Phật, học Thiền, học…viết văn, làm thơ nữa!

Tôi “gặp” bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhiều năm trước, khi đọc những giải đáp thuộc lĩnh vực y học, sức khỏe và tâm lý học khi ông cùng với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “Gỡ rối tơ lòng thòng” trên các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ… Rồi đọc sách ông dạy làm mẹ… Rồi phát hiện ra ngôi nhà tinh thần của ông giữa cõi Ta bà, theo ông lõm bõm Học Phật. Có lần tham gia bình luận dưới một bài giảng của ông, nói rằng cũng học cách ông chia sẻ, tập thở, tập thiền. Mà, cái tâm chẳng thể định được, cứ nhắm mắt hít thở một hồi là ý nghĩ đã bay tới cơ quan, tới những công việc cần phải làm và đủ thứ, đành phải phì cười mà bỏ cuộc. Không ngờ nhận được email hồi âm của Bác sĩ: “…Phì cười là tốt lắm!”. Một vị học giả như ông mà vẫn dành thời gian để đọc, trả lời thư và giải đáp những thắc mắc của rất nhiều người trên nhiều lĩnh vực, tôi nghĩ ông đúng là một vị Bác sĩ của tha nhân, thật giàu đức nhẫn nại, ân cần, tử tế, bao dung, rộng lượng. Bao dung là bởi có lần, đọc thấy ông nói đang bị gút hành hạ. Mặc kệ ông là Thầy thuốc, lại còn dạy cho người ta cách chữa bệnh, tôi nhớ đã email cho ông với một mớ lời khuyên bác sĩ phải biết tự chăm sóc cho bản thân. Gửi thư xong rồi mỉm cười. Cũng biết người nhận thư đọc thư cũng sẽ chỉ mỉm cười. Bởi một thân là Dược Vương, lại không khác một Đại Nhạo Thuyết, ông thừa thấu trong thư là lòng quan tâm trắc ẩn. Gặp người khác là nóng mặt rồi đây: có biết ta đây là ai không mà bày đặt “lên lớp”. Thỉnh thoảng gặp dịp nào đó lại gửi đến ông lời thăm hỏi dành cho một vị trưởng bối. Cuối tháng 8 vừa rồi, email chúc mừng sinh nhật của Bác sĩ, than vãn vài câu. Thế là được ông nhờ người gửi tặng cho cuốn sách của ông vừa xuất bản: “Thoảng Hương Sen”. Một tuần sau nhận được sách. Cũng phải giải thích vì sao lại có sự chậm trễ này, khi người chuyển sách đã gửi bằng phương tiện chuyển phát nhanh từ Đà Lạt. Cậu bưu tá gọi điện ngay khi có bưu phẩm, nhưng người nhận đang ở xa, vậy là cậu cứ mang trong túi thư suốt cả tuần, đến khi điện thoại cậu mới mang đến nhà. Rồi đó, nâng niu bưu phẩm nhận được, ngắm nghía chữ viết trên bao thư, chưa vội mở ra đã thấy… thoảng hương sen.

Tôi đọc thấy một chữ Đức và một chữ Chân Thành trong suốt 30 bài viết ngắn tập hợp trong cuốn sách Thoảng Hương Sen của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Chữ Đức toát ra từ một người nói và thực hành, cả đời đã tu tập rồi mang sự hiểu biết và tri ngộ của mình mà giác tha. Mỗi đoản văn chứa cả cái Tâm chân thành của người viết dành cho tri âm, những người đang muốn học Phật, muốn tiếp cận với Thiền. Dường như ông không định áp đặt cái biết của mình cho người đọc. Giọng văn tự sự, giản dị như tự mình nói với mình. Ta đọc, ta quan sát, ta thấy vậy và nó là như vậy đó. Còn ai thấy khác thì nó cũng là vậy đó thôi. “Nhạn quá trường không. Ảnh trầm hàn thủy. Nhạn vô di tích chi ý. Thủy vô lưu ảnh chi tâm.” (Thiên Y Nghĩa Hoài). Giữa chốn hồng trần trôi trôi, gió thổi không ngừng. Ai nhìn thấy được xa trước mắt người đó “đắc đạo” vậy.

Đến chùa trong những dịp lễ, chúng ta thấy đông đảo Phật tử. Nhiều người đến để cầu cho tâm an, người đến cầu tài cầu lộc cầu phúc đức cứ như những thứ ấy từ trên trời cao giáng xuống vậy, há miệng mà chờ sung. Có vị tỳ kheo lại bày cho Phật tử mỗi đêm trước điện Phật, cứ quỳ và tụng niệm thật to pháp danh hằng hà sa số Phật, đến nỗi đêm nào cũng khan cả tiếng. Tìm đường đến với Như Lai mà khó vậy sao? Chi bằng, có người đã đốt đuốc tìm thấy đường đi, ta cứ tin người mà đi theo vậy. Lấy Đạo Bồ-tát mà giúp chúng sinh cùng giải thoát, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc như vị Bồ-tát Đại Nhạo Thuyết cứ không ngừng đem những hiểu biết của mình mà gieo duyên lành ra khắp chốn nhân gian vậy. Ai có duyên thì gặp!

Đơn Dương 22.9.2018

(KMM)

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Chút duyên với Elena Pucillo Trương

22/09/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Quán Văn Số 58 ra mắt 9h sáng ngày 23.9.2018 tại Cafe Lọ Lem 345 Nguyễn Trọng Tuyển như thường lệ nhưng lần này đặc biệt giới thiệu Chân dung văn học của Elena Pucillo Trương, cô dâu Ý xứ Bình Định của Trương Văn Dân.

Bài dưới đây là vài nét chấm phá “Elena” dưới cái nhìn của ĐHN, đồng thời giới thiệu một bài thơ ĐHN mà Elena đã dịch sang tiếng Ý cùng một bài viết rất cảm động của Elena “Thư viết cho Mẹ”…

 

Chút duyên với Elena Pucillo Trương

Đỗ Hồng Ngọc

Trong nhóm bạn văn chen chúc ở cái “Chuồng cu” chật chội là Tòa soạn Quán Văn của Nguyên Minh, thấy bóng một mái tóc vàng óng, một nụ cười rạng rỡ, một chút ồn ào vui nhộn… thì không ai khác đó chính là Elena giữa mọi người. Gọi Elena cho gọn, mặc dù khi viết văn thì tên cô đầy đủ là Elena Pucillo Truong. Và, cũng phải nói thêm, với tôi, không có Trương thì không có Elena và không có Elena thì không có Trương. Nhà văn Elena cứ viết tiếng Ý của cô, Trương Văn Dân “không cần đọc” cũng biết cô viết gì, và bản dịch của anh thật bóng bảy, trau chuốt, cứ tưởng như Elena viết bằng tiếng Việt! Cô dâu người Ý của xứ Bình Định, khăn gói theo chồng, nhà văn Trương Văn Dân về Việt Nam, hòa mình rất nhanh với quê hương xứ Việt, với bạn bè văn chương xứ Việt của chồng và nhanh chóng học tiếng Việt, đến nay cô nói tiếng Việt đã khá sõi rồi…

Một lần từ Bình Định vào, cô nói với tôi: Tụi em có mang “mắm ruột” vào cho anh đây!… Tôi nghĩ cô phát âm sai nên đính chánh: Mắm Ruốc chứ, sao lại “mắm ruột”! Nhưng tôi bé cái lầm. Đó là thứ mắm làm bằng ruột cá của xứ Bình Định, khác với xứ Phan Thiết của tôi chỉ có mắm ruốc!

Rồi khi tôi đăng bài thơ Loài người thật vui trên www.dohongngoc.com/web/ thì mấy ngày sau đã có bài dịch sang tiếng Ý của cặp “song thủ hỗ bác” Elena-Trương. Ít lâu sau đó, tôi viết bài thơ Rùng Mình thì Elena kêu lên: Tụi em vừa dịch vừa rùng mình đó anh ơi! Quả thật, hai bạn trẻ Trương Văn Dân và Elena đã vừa dịch bài Rùng Mình vừa rùng mình thiệt!

Gọi là “bạn trẻ” vì có lần hai bạn lật trang cuối tờ Tạp chí Bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức 1971 ra khoe với tôi: Đây nè, hồi mấy anh làm tờ báo này thì Trương Văn Dân là một độc giả trẻ… đã có tên trên mục “Trả lời bạn đọc” nè!

Gần đây, đọc bài Elena viết về Nguyên Minh rất vui. Cô có con mắt tinh đời, nhận xét sâu sắc, tinh tế về người đàn anh có tuổi này, những phút im ắng, trầm ngâm đắm mình trong dĩ vãng vời xa và những lúc sôi nổi nhiệt tình như vừa trẻ lại khi nhắc đến văn chương, báo chí, với niềm đam mê mãnh liệt, “bỏ quên cả người yêu” trên đường hẹn hò. Thú vị, cô nhắc chuyện Nguyên Minh đi Pháp, đi Roma về kiệt sức đến nỗi chị Lan, người vợ hiền cao quý của anh đã phải hầm hai con chim bồ câu cho ăn anh mới tỉnh lại. Đọc xong tôi cứ cười tủm tỉm: sao tới hai con?

Đỗ Hồng Ngọc.

(Saigon 8.2018)  

……………………………………………………………………………………….

 

RÙNG MÌNH…

                                Tùng địa dũng xuất
                                             (Pháp Hoa)

Người rùng mình hỏi vì sao động đất sóng thần cứ triền miên
hết ngày này sang ngày khác?
vì sao núi lửa cứ phun trào?
vì sao băng tan vì sao bão táp…?
vì sao trẻ con người già bị cuốn trôi bị thiêu đốt
thành phố tan hoang cửa nhà đổ nát như món đồ chơi
của một đứa trẻ đang giận dữ
vì sao và vì sao?…

 

Nhưng hãy lắng nghe
Dù trong giây lát

 

Trái đất cũng đang rùng mình tự hỏi vì sao
những ngọn núi cứ triền miên đổ sập?
vì sao những dòng sông nghẽn tắt?
vì sao những mủi đao cứ ngày đêm xoáy sâu vào lòng đất?
vì sao chim rừng cá biển không chốn nương thân
vì sao cổ thụ mầm xanh bị tận diệt
vì sao lúa bắp phải cấy ghép gen người?…
vì sao và vì sao?

 

Ta nương tựa vào nhau.
Nay có vẻ đã không còn cần nhau nữa!
Đất rùng mình phận đất…
Người rùng mình phận người…

 

Đỗ Hồng Ngọc
(2011)

 

 

BRIVIDI !

Rabbrividendo, l’Uomo chiede :
Perche’i terremoti e gli tsunami
Continuano ad arrivare un giorno dopo l’altro?

Perche’ i vulcani continuano ad eruttare?
Perche’ i ghiacciai si sciolgono, i tifoni distruggono?
Perche’ i bambini e i vecchi vengono trascinati e inceneriti?
Le case crollano e le citta’ sono distrutte come fossero i giocattoli
di un bambino arrabbiato.
E perche’, perche’..???

Ed ora ascolta
Solo un istante……

Rabbrividendo anche la Terra chiede:
Perche’ le montagne continuano a crollare ?
Perche’ i fiumi vengono bloccati?
Perche’ si continua a perforare il fondo della terra?
Perche’ gli uccelli delle foreste, i pesci del mare non hanno un posto dove stare?
Perche’ gli alberi secolari vengono sradicati?
Perche’ il riso, il granoturco vengono modificati geneticamente?

E perche’, perche’ ?

Una volta ci si appoggiava uno all’altro
Sembra che ora non abbiamo più bisogno l’uno dell’altro
La Terra rabbrividisce
L’Uomo rabbrividisce
Ognuno per proprio conto.

Đỗ Hồng Ngọc
(2011)
( Bản dịch tiếng Ý của Trương Văn Dân & Elena Pucillo Truong)

……………………………………………………………

 

 Elena Pucillo Truong

Thư viết cho mẹ.

(Nguyên tác : lettera alla madre)

Bản dịch của Trương Văn Dân

Mẹ thương  yêu,

Con thường nghĩ về mẹ nhưng trước đây con chưa viết được gì cho mẹ. Con muốn kể cho mẹ nghe rất nhiều điều, tất cả những gì đã xảy ra với con, về cuộc đời mà con đang sống, dù đôi khi con có cảm giác là mẹ đã biết tất cả rồi. Mẹ luôn có một thứ giác quan thứ sáu, một thứ trực giác bén nhạy để linh cảm về những điều sắp sửa xảy ra. Chỉ tiếc là những linh cảm ấy không giúp mẹ tránh khỏi những khổ đau. Và trong đời, mẹ đã đau khổ biết bao!

Ngay từ lúc còn bé, một cơn sưng màng não đột phát trong vài giờ đã cướp đi người em gái, và sau đó, vì quá đau đớn bà ngoại cũng ra đi.

Kể từ ngày đó mẹ luôn luôn mang theo cái bóp đầm trong đó có hai bức hình đen trắng.

Từ nhiều năm nay trong chiếc ví của con cũng có bức hình trắng đen của mẹ: khuôn mặt mẹ thật đẹp nằm giữa những lọn tóc gợn sóng, hai mắt to màu đen và nụ cười chớm nở trên môi. Lúc đó mẹ chỉ vừa 19 tuổi, trước khi lập gia đình với người yêu và cũng là mối tình đầu và duy nhất của mình. Suốt một đời mẹ chỉ muốn tận tình chăm sóc chồng, thế mà sau ngày cưới chẳng bao lâu, người chồng đã bắt đầu làm khổ mẹ. Niềm an ủi duy nhất của mẹ chính là những đứa con : anh trai và con, đứa con gái mà mẹ muốn giữ, chống lại ước muốn của chồng. Tám năm sau lần sinh nở đầu tiên, chính mẹ đã quyết liệt chống đối để con có thể tiếp tục lớn lên trong bụng mẹ. Thật là khó khăn vì ba muốn mẹ phải phá thai để khỏi bị ràng buộc, nhưng mẹ nhất định không. Mẹ muốn giữ con, và biết chắc là sẽ sinh con gái. Mẹ đã  nhiều lần kể lại cho con nghe là ba đã giận dữ như thế nào: Nếu phải có con, ba chỉ muốn tất cả đều phải là trai!

Thế nhưng, rất nhiều năm về sau, chính ba đã lớn tiếng tuyên bố là người duy nhất mà ba có thể trông cậy và tin tưởng là con, đứa con gái của ba mà trước đây ông muốn bỏ đi !

Thỉnh thoảng con cũng có nghĩ về ba, nhưng trong những giấc mơ, con chỉ mơ thấy mẹ.

Trong những giấc mơ ấy con luôn luôn mơ thấy ngôi nhà mình từng sống. Dường như có lần con từ trường đại học trở về và thấy mẹ đang ngồi cạnh cửa sổ, đôi mắt kính xệ xuống sống mũi, cuí đầu cặm cụi khâu lại ống quần hay kết lại viền khăn trải bàn bị đứt chỉ. Những lần khác con nhìn thấy mẹ đang làm nước sốt cho món mì đút lò. Bao nhiêu lần con đã phụ mẹ để nấu những món mà gia đình thích, thường là ngày chủ nhật vì những ngày khác ba đi làm còn mẹ cũng đi dạy nên có ít thời gian. Nhắc lại, con như nghe trên đầu lưỡi của mình mùi vị thơm ngon của thứ nước sốt rất đặc biệt đó.

Trong các giấc mơ khác con cũng nhìn thấy mẹ, mà là những lúc thật buồn, thật đau khổ, rồi con thức giấc như vừa tỉnh một cơn ác mộng và lòng sầu đau khôn tả. Phải cần vài giây sau con mới định thần được rồi lòng chợt thấy vui vì con được ở  gần bên mẹ. Dù chỉ trong một giấc mơ.

Mẹ ơi, trong những ngày cuối, chao ôi, con thấy mẹ dịu ngọt và mỏng mảnh làm sao! Con biết không phải mẹ khóc vì mình sẽ lìa bỏ cõi đời mà khóc cho những đứa con mà mẹ phải rời xa. Đó không phải là  ý muốn của mẹ, mà là do cái khối u tàn nhẫn đang lớn dần bên trong và  từng ngày cướp đi sức sống.

Sau khi mẹ mất, con luôn giữ những tấm hình của mẹ, lần này là hình màu, trong ảnh mẹ tươi cười và hình như không có nhiều lo âu. Có lẽ chỉ có một chút  màu đen nơi vành mắt là dấu vết của nỗi buồn vì cô độc. Mẹ quá cô độc, nhưng có lẽ tất cả mấy mẹ con mình đều cô độc. Cho đến tận bây giờ con vẫn còn nhớ cái cảm giác bị ruồng bỏ, bị bỏ rơi. Suốt buổi tối cả nhà ngồi quây quần quanh chiếc bàn cơm đã dọn sẵn, im lặng đợi chờ. Nhưng  ba con đã không về trong đêm đó. Và sau đó thì không bao giờ về nữa.

Con không bao giờ muốn nghĩ về những ngày tháng ấy. Ngược lại, con muốn nghĩ rằng giờ này mẹ đang bình an, không còn đau đớn và cuối cùng thanh thản ở một cõi giới khác.

Bây giờ thì con xin báo cho mẹ biết là trong những ngày tới, mẹ sẽ có một cuộc gặp gỡ quan trọng. Đến gặp mẹ là một người đàn bà mà mẹ đã từng gặp rất nhiều năm trước: mẹ của chồng con. Con tin  chắc rằng hai người sẽ trở thành bạn, sẽ kể cho nhau nghe nhiều rất chuyện, về những cuộc đời ở mãi tận phía bên kia trái đất. Bà ấy hay cười và thích nói đùa. Đây là điều mà con đang tưởng tượng: hai người ngồi bên nhau như thể là hai người bạn lâu năm, vui đùa, cười nói. Mẹ chồng của con sẽ nói về Việt Nam, sẽ giải thích về lễ Vu Lan, một ngày lễ Phật Giáo rất đặc biệt dành cho các bà mẹ vì họ giữ một vai trò quan trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Ngày lễ đó cũng là một cơ hội để các con có thể nói lên tình yêu thương và báo đáp lòng hiếu thảo với mẹ, người đã chịu đựng biết  bao đau đớn để sinh con, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng  nên người. Bao nhiêu khó khăn thường nhật mà người mẹ phải vượt qua, kiên nhẫn, hy sinh và xem nhẹ những đớn đau hiện tại  để nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp.

Mẹ biết không? Sau khi mẹ mất, hằng năm vào lễ Vu Lan con thường đi đến chùa để thắp nhang và  cầu nguyện. Lần nào trước cửa thiền con cũng được chào đón bởi các em học sinh, để gây quỹ giúp chùa hay để làm từ thiện, họ gắn lên áo quan khách những chiếc bông hồng làm bằng vải hay bằng giấy lụa:  Bông hồng màu đỏ tượng trưng cho những ai còn mẹ và màu trắng cho những ai có mẹ đã qua đời. Nhờ màu của những hoa hồng trên áo nên mọi người dễ dàng nhận biết ai là  kẻ may mắn còn mẹ để chúc mừng, ai là người không còn mẹ để chia buồn với họ.

Ngày hôm đó con có bỏ  một ít tiền vào chiếc hộp giấy mà các em mang theo và yêu cầu họ gắn lên áo mình một bông hồng màu trắng và một bông hồng màu đỏ. Cô bé học trò, đã ngạc nhiên khi nhìn thấy một người ngoại quốc đi chùa, nói chút ít tiếng việt, và lại có yêu cầu khác thường nên hơi bối rối. Con vội giải thích với cô ta rằng chiếc hoa hồng màu trắng là cho mẹ ruột của cô, còn hoa hồng màu đỏ là dành cho mẹ của chồng, mà con xem là bà mẹ thứ hai. Ý nghĩ này đến với con thật tự nhiên, vì bà mẹ chồng gầy gò nhưng tính cách rất mạnh mẽ kia luôn quan tâm đến con; Còn đứa con dâu ngoại quốc, có dáng vẻ bên ngoài có lẽ rất khác với những gì bà chờ đợi, nhưng luôn dành cho bà một tình thương và lòng kính mến như chính là con gái. Kính mến và yêu thương thật sự, đến nỗi con thường tránh chữ mẹ chồng ( vì những ý nghĩa mà thông thường người ta hay đem ra chế diễu); Có khi con xem gọi thế là một sự xúc phạm. Mẹ. Là mẹ, thế thôi.

Con không thể nào quên được là sau ngày mẹ mất, người mẹ thứ hai của con đã đem hình của mẹ đặt lên bàn thờ của gia đình và in ra nhiều tấm để gởi đến rất nhiều chùa để cầu nguyện. Đối với con, đó là một  cử chỉ  thân thương có nhiều ý nghĩa mà không lời lẽ nào nói lên được. Mẹ biết không, cho đến hôm nay trong các chùa từ Sài Gòn đến tận miền quê xa như Tây Sơn, Bình Định, mỗi lần tụng kinh các sư thầy đều có cầu nguyện cho mẹ.

xx

Bây giờ thì mẹ và mẹ của chồng con đang ở bên nhau và  ý nghĩ là cả hai đều bình yên đã cho con rất nhiều an ủi. Con sẽ luôn nghĩ đến hai người mẹ và mùa Vu Lan này, giữa các nghi thức cúng kiến, con muốn được đốt một chiếc điện thoại di động bằng giấy theo truyền thống của người Việt Nam để có thể nghe được giọng nói thân thương của mẹ.

Và bắt đầu từ nay, các em bé sẽ gắn lên trên ngực áo của con hai bông hồng trắng.

Con ôm hôn mẹ, thật mạnh.

Con gái của mẹ

Sài gòn 4-2015

 

Elena Pucillo Truong cùng các bạn ở “Chuồng cu” Tòa soạn Quán Văn.

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Uncategorized, Vài đoạn hồi ký

Gặp Hai Trầu ở Đường Sách

09/09/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi

Gặp Hai Trầu ở Đường Sách Saigon

“Hai Trầu” là bút danh của Lương Thư Trung, một “độc giả” mà cũng là một “tác giả” rất dễ thương với nhiều tác phẩm miệt vườn Nam bộ mà mới nhất lại là cuốn nhận định văn học “Người đọc và Người viết” lý thú – mà nhà phê bình Trần Doãn Nho đã nhận xét (mình nhớ đại khái) rằng Hai Trầu “người đọc” này như một người câu cá thả phất phơ cái phao trên mặt nước mà bên dưới là một lưỡi câu nhọn hoắc… chớ chẳng chơi!

Sáng sớm Hai Trầu phone gọi mình cafe, đi đâu cũng được và mình đề nghị ra Đường Sách, chắc chắn ở đó Hai trầu sẽ được đắm chìm với sách. Anh nói anh về vội, thậm chí chưa cho Phạm Văn Nhàn – người bạn thân thiết gần gũi – biết, dù hôm qua mới gặp nhau. Rồi anh kêu chụp cái hình “hai đứa mình” gởi PVN coi cho giựt mình chơi! Nhàn kêu trời, “cái ông Huyện này trốn đi chơi, chẳng cho ai hay cả!”. Cái ‘xóm’ của Hai Trầu có nhưng người hàng xóm mà anh rất quý mến: Phạm Văn Nhàn, Tô Thẩm Huy, Cái Trọng Ty, và cả nhà thơ Tô Thùy Yên…

 

Hai Trầu Lương Thư Trung và Đỗ Hồng Ngọc (Đường Sách Saigon, 7.9.2018)

Hai Trầu lắc lắc cái máy hình nhỏ xíu trong tay. Đi mấy ngàn cây số mới chụp được cái hình chớ chơi đâu. Anh nói. Rồi nhờ mấy bạn trẻ chung quanh bấm cho mấy cái. Lúc này già quá mạng, hay quên, không biết tại sao.  chắc cũng giống máy vi tính, điện thoại thông minh hết bộ nhớ. Mình nói hình như ta có thể mua thêm bộ nhớ trên đám mây (iCloud) gì đó để mở rộng sức chứa. Cả hai chả ai rành những thứ hiện đại này… nói chuyện trớt quớt. Rồi bỗng nhiên anh gật gù “gặp người hợp thì nói chuyện hoài không thấy chán… “. Chắc anh muốn nói bọn mình cùng lứa, cùng quê mùa với nhau. Dĩ nhiên rồi.

Anh bỗng hỏi thăm Thu Vàng. Mình nói Thu Vàng qua Mỹ ở luôn rồi. “Uổng quá há!” anh kêu lên. Mình giựt mình sao lại “uổng”? Anh nói TV hát hay mà ở đây mình không còn được nghe nữa! Rồi giải thích thêm như về đây mà không gặp được bác sĩ (thỉnh thoảng anh gọi mình là bác sĩ) để đi cafe như vầy thì tôi cũng sẽ thấy uổng hết sức! Nghe cười, thấy cười là an lạc liền! Ôi trời, cái anh Hai này. Hèn chi mà ảnh mê “từ cái mái nhà cái thềm nhà, khóm cây ngọn cỏ, cái gì cũng làm cho tôi quyến luyến khác thường” (Quốc văn Giáo khoa thư)… Mai đi Châu Đốc, Tân Châu, Long Xuyên… về thăm nhà tôi, nhà bà xã, bà con…

Anh nói Nguyệt Mai dễ thương nha bác sĩ. Cuốn thơ NKD do cô sửa morasse giùm cho đó! Thơ NKD mỉa mai, cười cợt nhưng mà cười hiền à! Lúc này bác sĩ hay đi chùa cũng là dịp để gặp những người hiền đó. Mình gật.

Rồi cùng nói chuyện tai điếc, mắt mờ, chuyện trí nhớ giảm sút, chuyện những bạn bè chung quanh…

Mình gởi tặng anh cuốn Già sao cho sướng. Gởi mấy cuốn Thơ Ngắn Đỗ Nghê cho Phạm Văn Nhàn, Tô Thẩm Huy…

Rồi hẹn hôm khác. Hai Trầu tuổi Ngọ, nhỏ hơn mình vài tuổi bạn ơi.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

(Cn 9.9.2018)

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Vài đoạn hồi ký

NQC: Sài gòn chiều nay không có mưa

06/09/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Sài gòn chiều nay không có mưa

 

Sài gòn Mưa Đường Sách 8.2018 (ảnh: Do Hong Ngoc)

Nghe nói chiều qua Sài gòn mưa to
Hôm nay tôi vô, Sài gòn nắng nóng làm không muốn ra đường…

Hàng me lô xô. Xe cộ lô nhô
Căn nhà vắng bóng bạn bè, con cái…
Bức tranh họa sĩ Đinh Cường tặng nhà mới San Jose nay con mang về treo trên phòng khách,
Tịch mịch và tĩnh không
Nhớ mông lung
Rót một ly rượu. nghe lòng lắng…

Thêm một ngày qua với mưa và nắng…

Đêm qua tôi ngủ mơ
Một giấc mơ hiền…
Tôi thấy mình bay trong một cõi thần tiên
Có mây màu hồng cuộn dâng như sóng
Nhưng tôi không muốn bay, tôi muốn xuống
Nhưng dưới kia núi đá chập chùng
Lại có những người nhìn tôi nhăm nhe như thách thức
Tôi muốn xuống, muốn xuống dưới kia
Nhưng chẳng có đường…
Tôi hồi hộp nhắm mắt định nhảy

Và, tôi thức dậy
Giấc mơ hiền thoắt hóa giấc mơ hung
Tim tôi đập mạnh. Đêm đã quá nửa chừng…

Đêm đã trôi quá nửa chừng nên khó dỗ lại giấc bình yên
Với đại cuốn sách đầu giường
Lại là cuốn tuyển tập truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc
Mở đại ra. Gặp câu chuyện cô gái mù hái cau. Câu chuyện tôi đã đọc và khóc từ thời thơ ấu trong nguyệt san Hương Quê xưa…

Cô bé trèo cau mưu sinh, cô bé mù
Em phải nhảy tự cành cây cau này sang cành cây cau khác
Phải chính xác, chính xác
Chỉ một lần em bắt hụt tà cau là có tiếng một người rơi tự trên cao…
Tôi đã khóc, ngày ấy còn nhỏ lắm…

Tôi bỗng rùng mình
Mình có leo quá cao trên một cành cao
Trèo lên làm chi cái cõi thần tiên có mây hồng làm thành sóng
Rồi làm sao mà xuống!…

May chỉ là một giấc mơ!

Chiều nay Sài gòn vắng lặng trong tôi
Không có bạn bè hét hô. Mặt đỏ rần rần. nói câu triết lý
Không có khách khứa mời mọc. nói chuyện làm ăn
Không có những người anh, người em đã ngộ. vi vu giữa cõi vô thường
Không có câu ca và giọng hát tiếng đàn…
Tôi chỉ có tôi. Một ly rượu chát
Ly rượu đơn côi và bức tranh tuyệt vời người họa sĩ đã qua đời. tặng…

Họa sĩ thả hồn trên rộn ràng màu sắc
Anh lớn lao. Vẽ gì. Nói gì. Tôi không hiểu!..

Rồi tôi vẫn ngồi lại với tôi, một mình

Sài gòn chiều nay không có mưa!…

Nguyễn Quang Chơn
Sài gòn, 05.9.2018

Kính tặng anh ĐH Ngọc, ĐT Chinh, chị T. Nhung

Filed Under: Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Vài đoạn hồi ký

Từ một lá thư kỷ niệm…

02/09/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi,

Từ một lá thư kỷ niệm…

 

Bạn còn nhớ chị Minh Quân chớ phải không? Bà chị nhà văn tánh tình thiệt dễ thương, bụng dạ thẳng như ruột ngựa, nhớ không? Thiệt là tình cờ, mình vừa nhận được một email của Đèn Biển (Võ Quang)- người không xa lạ với Nguyệt Mai- kể về “một lá thư kỷ niệm” do anh Nguyễn Hữu Thuần, thư ký tòa soạn báo Tuổi Hoa năm xưa gởi Đèn Biển, vậy rồi Đèn Biển bỗng trở thành cái “cầu nối” giúp mình gặp lại mấy người con chị Minh Quân, trong đó bé út Minh Vĩnh hôm nào còn bế trên tay Mẹ mà nay đã đọc… Gió heo may đã về, Già ơi chào bạn! Minh Vĩnh viết: “thật là như giấc mơ”…

Xin phép Đèn Biển, Minh Vĩnh… cho anh Ngọc, cậu Ngọc được chia sẻ chút riêng tư nơi đây với những người bạn xa xưa của mình vậy. Chẳng qua đó cũng là một thứ bệnh của tuổi già thôi!

  • Nhà văn Minh Quân tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Bích Lợi (1928-2009) còn có các bút danh khác là: Lan Vinh, Bửu Lợi…Bài thơ đầu tiên của chị đăng trên tuần báo Dân Chủ vào năm 1951. Truyện ngắn, thơ, bút ký rải rác ở Nhân Loại, Thần Chung, Nữ Lưu, Tuổi Hoa, Phổ Thông, Phụ Nữ Việt Nam, Văn Nghệ TP, Người Lao Động, Kiến Thức Ngày Nay… (theo Internet).

 

Nhà văn Minh Quân và các con. Bé út Minh Vĩnh còn bế trên tay.

Chị nổi tiếng với Những ngày cạn sữa (Giải thưởng Văn bút 1964-1965),

(internet)

(internet)

và nhiều tác phẩm khác như Khi ông cậu quý bị đắm tàu, Trên đường tìm ngọc, Lưới trời, Lữ quán giết người, Máu đào nước lã, Ngục thất giữa rừng già, Những ngày xanh, Vượt đêm dài, Mưa sa mạc, Theo chân thần tượng, Về thăm thầy cũ…

……………………………………………………………………

Đèn Biển gởi Đỗ Hồng Ngọc:

24.8.2018

Em chào anh Ngọc,

Anh khỏe không anh. Nhân hôm kia em có đăng một bài viết về bác Minh Quân, anh Hà Tĩnh (Nguyễn Hữu Thuần), thư ký tòa soạn Tuổi Hoa xưa có vào “còm” kèm theo một lá thư kỷ niệm. Em thấy thư có mấy chi tiết thú vị, trong đó có nhắc đến anh, nên gởi anh hình chụp lá thư, cùng “lời bình” của anh Hà Tĩnh, anh đọc chơi cho biết. Có chuyện này vui: chính nhờ lời giới thiệu cuốn Những Tật Bệnh… trên Tuổi Hoa của anh Hà mà em biết anh, và kiếm mua được cuốn này ở chợ sách Đặng thị Nhu sau 1975. Tiếc là nhỏ cháu mượn đọc rồi quăng đâu mất, nhưng em vẫn còn nhớ sách do La Ngà xuất bản, hình bìa giống bìa Tuổi Ngọc… Chúc anh nhiều sức khỏe!

Lá thư của Nguyễn Hữu Thuần, thư ký tòa soạn Tuổi Hoa:

Nhân Quang Vo (Đèn Biển) nhắc tới tác giả Minh Quân, tôi xin chia sẻ một kỷ niệm – một bút tích của Chị – tôi may mắn còn giữ, được tìm thấy cùng chỗ với mấy bản film tách màu Bìa Tuổi Hoa số Giáng Sinh 229. Thời điểm này chiến sự đang sôi động, tôi chỉ ghé tòa soạn nhận bài vở, thư từ mỗi chiều sau giờ tan sở. Thấy lá thư tôi vội gọi điện cho chị, ngỏ ý nhân tiện muốn được làm quen với BS Đỗ Hồng Ngọc, đang rất nổi trong giới học sinh, sinh viên bấy giờ. Bản thân tôi cũng rất ái mộ cái giọng văn hài hước, nhẹ nhàng mà rất chuyên sâu của ông thầy thuốc trẻ này Chị vui vẻ đồng ý ngay, còn thêm : ” Hay lắm. Ngọc nó dễ thương lắm em ” và hẹn sáng Chủ Nhật chị ghé tòa soạn rồi đi luôn. Tiếc rằng tối thứ 7 đó chúng tôi nhận được lệnh cấm trại 100%, và cuộc hẹn phải bỏ ngõ …

Thủ bút nhà văn Minh Quân
(hình của Nguyễn Hữu Thuần, Tuổi Hoa)

………………………….

Thư ĐHN gởi Đèn Biển (Võ Quang)

“Lúc anh đến chơi nhà chị MQ ở đường Phan Thanh Giản, nay là ĐBP, thì bé Vĩnh cũng còn nhỏ xíu. Lần đó cậu con trai (bé Minh? khoảng 10-12 tuổi) bị đau bụng, nghi Viêm ruột thừa (thời đó gọi Sưng ruột dư), chị MQ sai bé Nguyện, cô con gái thứ hai, xinh như mẹ, đến nhà chở anh đi khám bệnh cho Minh, cô vừa chạy xe vừa hát “Hạ Trắng” của TCS, anh nhớ mãi. Bây giờ các cô, các em đã về đâu cả rồi? Làm sao có buổi nào Đèn Biển về SG tụ họp một bữa cho vui, nhớ mời anh NHT nữa nhé. Anh NHT nay ở đâu, khỏe không?

……………………………………..

Và thư của Minh Vĩnh gởi Đèn Biển:

30.8.2018

“Chao ơi, anh Quang ơi, anh thật là cầu nối tuyệt vời.

Nghe anh nói bs Đỗ Hồng Ngọc vẫn nhớ tụi em làm em mừng quá. Hồi đó tụi em gọi bs là “cậu Ngọc” (mẹ em nhiều “em tinh thần” nên tụi em cũng có nhiều “Cậu”, “Chú” mà không phải bà con ruột thịt)  và rất quý và nể cậu. Cậu là ân nhân của gia đình em, hồi đó mẹ hay “tư vấn” cậu mỗi lần tụi em bệnh và đặc biệt, đúng như cậu kể, mà thật ra là 2 lần lận, cậu đã cứu sống anh Minh em vì định được bệnh khi mà nơi khác chẩn đoán không ra. Một lần là sốt xuất huyết mà y tế phường  không phát hiện ra, đến khi qua giai đoạn nặng, cậu biểu đem ngay vô bệnh viện. Một lần nữa là đau ruột thừa mà bs cũng không biết vì cứ đau âm ỉ, đến lúc gần vỡ…Ở nhà mẹ hay nhắc và khen cậu hoài.

Mấy năm sau này BS quá nổi tiếng, em vẫn “âm thầm” làm fan hâm mộ, mua sách của BS đâu sót quyển nào mà đâu có dịp nào để được gặp, cũng sợ “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Em không ngờ cậu vẫn nhớ được nhiều như vậy. Anh Quang ơi, em cũng muốn được gặp lại cậu lắm. (…)

Em cảm ơn “cầu nối” nhiều nhiều.

Em Bé

……………………………………………………………………

Và, Minh Vĩnh viết cho cậu Ngọc:

31.8.2018

Kính thưa cậu Ngọc,

Con là Minh Vĩnh, con Bé (út) của bà Minh Quân. Cậu cho phép con được gọi là cậu như hồi trước nhe!

Vừa rồi, qua anh Quang Võ (Đèn biển), con được biết cậu còn nhớ tụi con và đồng ý cho con trực tiếp liên hệ với cậu qua email. Con mừng lắm.

Thưa cậu,

Chắc cũng như rất nhiều độc giả của cậu, con đã lớn lên với các cuốn sách của cậu, từ lúc ở tuổi teen đọc “Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò”, đến khi lần đầu làm mẹ được mẹ con đưa cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng”, khi già đi để tìm đọc “Gió heo may đã về”, “Già ơi…chào bạn”, và đặc biệt là khi bắt đầu thấm triết lý nhà Phật để hiểu được “Nghĩ từ trái tim”, “Thấp thoáng lời kinh”, “Gươm báu trao tay”…

Nhưng con chắc con khác với rất nhiều độc giả âm thầm “ngưỡng mộ” cậu ở chỗ con có lòng biết ơn đặc biệt vì cậu là ân nhân của gia đình con. Mẹ con thường nhắc (mà lúc đó con cũng đủ lớn để nhớ) rằng cậu đã cứu sống anh Minh con hai lần. Một lần khi mới giải phóng, ít ai biết về sốt xuất huyết, cứ đem ra y tế phường, được cho thuốc hạ sốt, đến khi cậu đến và la lên, bắt nhập viện lập tức trong giai đoạn đã đi tiêu ra máu. Một lần nữa là anh Minh bị đau ruột dư mà biểu hiện không quá rõ, chỉ đau âm ỉ, đến khi cậu kêu nhập viện thì đã sắp vỡ…

Đã bao nhiêu năm qua. Con nghĩ là lúc đó mẹ con cũng đã trực tiếp nói lời cảm ơn cậu, nhưng con nghĩ đến lượt tụi con cũng phải nói được lời cảm ơn. Có lẽ cậu đã nhận được rất nhiều những lời cảm ơn, ca ngợi, nhưng tình cảm chân thành thì đâu có bao giờ thiếu chỗ để chứa, cậu nhỉ. Cậu cho phép con, thay mặt cả gia đình con được gửi lời cảm ơn và lòng trân trọng đến cậu, cậu nhé. Con là con của nhà văn nhưng chắc chỉ nhận được gen lặn của mẹ nên không diễn đạt được hết mọi điều và lại nói rất lộn xộn (do con hơi xúc động), nhưng con nghĩ sự chân thành chắc là điều quan trọng hơn, cậu nhỉ.

Anh Đèn biển có nói với con là cậu có hỏi thăm gia đình tụi con ra sao. Chị Quý (lớn nhất nhà) đã đi Canada, anh Minh thì đi Mỹ, Ở VN còn hai chị em: chị Nguyện và con. Con bây giờ cũng đã 55, con đi dạy và mới nghỉ hưu. Con rất mừng khi nghe anh Đèn biển nói có thể bữa nào cậu rảnh, cậu cháu mình, anh Đèn biển có thể hẹn gặp nhau nói chuyện chơi (thật là như giấc mơ!). Con hy vọng sẽ có dịp vui đó.

Con xin tạm dừng thư. Con kính chúc cậu luôn vui khỏe.

Con Minh Vĩnh

………………………………………………………

Tuổi già, hay nhắc chuyện xưa, bạn thông cảm cho vậy nhé.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Nghĩ từ trái tim, Thầy thuốc và bệnh nhân, Vài đoạn hồi ký

Ý NHI: Kỷ Niệm Không Có Mưa

24/08/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Ý NHI: Kỷ Niệm Không Có Mưa

Bạt cho tập “Kỷ niệm không có mưa” (trích)

Vũ Thành Sơn

(…) Kỷ niệm không có mưa ghi chép những kỷ niệm cá nhân của nhà thơ Ý Nhi với nhiều văn nghệ sĩ ở hai miền Nam-Bắc trong và sau khi chiến tranh kết thúc. Ở một khía cạnh nào đó, qua trung gian của tác giả, chúng ta được nhìn ngắm, được “tiếp xúc” với những nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ đó trong đời sống thực trần trụi ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và tất nhiên, có cơ hội để làm một sự đối chiếu thú vị giữa con người nghệ sĩ mang tâm tình, khát vọng, băn khoăn, lo toan hằng ngày với những đứa con tinh thần của họ; Có thể nói tuy tác giả tự đóng khung hồi ức của mình như là một triển lãm chân dung dưới góc nhìn cận cảnh “để bày tỏ lòng biết ơn”, Kỷ niệm không có mưa một cách khách quan đã cung cấp không ít tư liệu văn học quý giá, lý thú cho những độc giả yêu thích văn chương và những nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại và cũng chính điều đó mới thực sự làm nên căn cước của tác phẩm trong tư cách là một chứng cứ của một giai đoạn lịch sử (…).

Kỷ niệm không có mưa,  tác phẩm phi hư cấu đầu tiên của nhà thơ Ý Nhi, hoàn toàn có thể được đọc như một câu chuyện dài với nhiều nhân vật, mỗi nhân vật một tính cách, một số phận, được kể bằng một giọng thì thầm của một người ngồi hồi tưởng bên khung cửa. Nó đem đến cho chúng ta một Ý Nhi khác trong một chân dung nhìn nghiêng; một Ý Nhi kín đáo, rụt rè trong quan hệ xã hội nhưng tinh tế, sắc sảo trong vai trò một độc giả-nhà thơ. Sự hòa quyện bất phân ly, hoặc đôi khi hoán đổi, giữa hai vị trí ấy được thực hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối của câu chuyện cho cảm giác người nghe cùng với người kể như đang cùng tham dự vào đời sống của chính nhân vật, tạo ra một sự sống động hấp dẫn (..).

Dưới góc nhìn đó, Kỷ niệm không có mưa có một giá trị đích thực, bền vững không thể phủ nhận qua việc cung cấp những chi tiết sống thực. Đó là lý do vì sao chúng ta, những độc giả, có thể dễ dàng bị lôi cuốn vào những câu chuyện, những suy nghĩ, cảm nhận hoàn toàn riêng tư và mang đậm tính giai thoại của một nhà thơ vốn tự nhận là “chỉ thích màu đen”, xa lánh đám đông và thường “tìm một góc để ngồi”.

(VTS)

(trích Bạt cho tập “Kỷ niệm không có mưa” của Ý Nhi, NXB Đà Nẵng 2018)

………………………………………………………………………………………..

Ghi Chú: “Kỷ niệm không có mưa” viết về những kỷ niệm rất riêng tư từ cái nhìn của Ý Nhi, một nhà thơ nữ, tinh tế mà sâu sắc, nhẹ nhàng mà trĩu nặng… Nhờ đó ta được “quen biết” khá nhiều những chuyện đời thường của những nhà văn nhà thơ, họa sĩ  ‘tiền bối’ ở cả ba Miền đất nước. Và “bỗng nhiên” có một bài viết về nhóm bạn của nhà thơ ở giữa Saigon hôm nay, qua chuyện của một “người bận rộn”: Đỗ Hồng Ngọc…

 

Người bận rộn

 

1.

Ở Sài Gòn tôi có một số nhóm bạn để thi thoảng gặp nhau, tào lao dăm điều ba chuyện. Nhóm những người bạn học từ cấp 1, cấp 2, nay đã là các bà nội bà ngoại, tuổi  trên dưới bảy mươi, thường khoe ( hay than van) về con, về cháu, bày nhau thuốc thang, tập tành, cùng nhau nhớ lại “những ngày xưa thân ái”*. Nhóm những nhà văn cùng thế hệ, thường bàn chuyện thế sự, nhóm các bạn viết trẻ để nghe họ nói, họ thông tin những gì mình không biết về đời sống văn học, trong và ngoài nước mà mình không có điều kiện cập nhật …Trong số những nhóm của tôi, có một nhóm đặc biệt là nhóm Lê Ký Thương-Kim Quy, Thân Trọng Minh, Đỗ Hồng Ngọc, Tôn Nữ Hỷ Khương, Tôn Nữ Thu Thủy. Đôi khi có thêm Nguyên Minh. Có lần, lại thêm Dương Nghiễm Mậu, Trương Thìn, Sâm Thương, Hồ Văn Thành, Vũ Trọng Quang…

Từ trái: Cao Kim Quy, Lê Ký Thương, Đỗ Hồng Ngọc, Ý Nhi, Nguyên Minh, Dương Nghiễm Mậu (tại nhà Lê Ký Thương)

 

Từ trái: Vũ Trọng Quang, Lê Ký Thương, Thân Trọng Minh, Ý Nhi, Đỗ Hồng Ngọc, Cái Trọng Ty

Tôi không nhớ tôi “gia nhập” nhóm từ bao giờ, theo cách nào. ( Nhiều anh chị ở đây đã quen thân nhau từ  hơn 40 năm trước, khi cùng tham gia nhóm Ý thức- nhóm của những người trẻ tuổi, đam mê Văn Nghệ, với tư tưởng dấn thân tích cực, chống lại văn nghệ sa-lon, viễn mơ thời ấy). Chỉ nhớ, người chăm lo cho nhóm, chịu trách nhiệm thông tin mọi việc như sức khỏe của ai đó, tin vui của ai đó và nhất là thông tin địa điểm, thời gian gặp nhau, là họa sĩ Lê Ký Thương và vợ, Cao Kim Quy-người phụ nữ Huế lịch thiệp, chu đáo, chí tình và cũng rất cởi mở, thoải mái. Thường thì Kim Quy gọi điện thoại hay gửi meo cho mọi người, thông báo một cuộc gặp. Dù đã nhiều tuổi nhưng mọi người trong nhóm đều còn bận bịu một vài công việc nào đó, ngoài việc lo cho gia đình. Thân Trọng Minh có phòng mạch riêng, chuyên khoa Tim mạch và còn dành thời gian cho việc viết văn, vẽ tranh, mở triển lãm (cùng vợ, HS Thanh Hằng hay cùng bạn bè, HS Đinh Cường), Lê Ký Thương lo phần biên tập cho một tạp chí chuyên ngành, lo vẽ bìa, trình bày sách và làm gốm, vẽ tranh, Tôn Nữ Thu Thủy viết truyện, làm thơ, chồng Thủy, nhạc sĩ Hồ Văn Thành vừa sáng tác vừa đi dạy vừa quản lý Đoàn Xiếc của thành phố…Nhưng người bận rộn nhất chắc chắn là Bác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc. Trong các thư mời của Kim Quy thường có lời phân trần: em (hay mọi người) định ngày…mà ngày đó anh Ngọc phải ra Huế nói chuyện hoặc anh Ngọc phải ra mắt sách mới ở nhà sách Phương Nam hay anh Ngọc có cuộc giao lưu với thanh niên tại nhà văn hóa X…Tóm lại, Đỗ Hồng Ngọc là người bận rộn nhất trong số những người bận rộn. Và, vì vậy, cuộc nhóm họp thường phụ thuộc vào lịch của ông. Hình như vắng Đỗ Hồng Ngọc cuộc vui giảm độ vui. Chỉ liếc qua lịch tham gia các hoạt động xã hội của Đỗ Hồng Ngọc trong vòng một tháng ( 9/2013, trên trang Du Tử Lê) cũng đủ để hình dung sự bận rộn của ông:

-7/9: Nói chuyện ở chùa Xá Lợi về Vận dụng tư tưởng Kim Cang Bát Nhã trong cuộc sống

-14/9: Tọa đàm khoa học về Bùi Giáng ở Đại học KHXH&NV

-15/9: Dự ra mắt Tạp chí Quán Văn 16 ( chủ đề sông Seine)

-21/9: Dự Tọa đàm về cuốn Ngàn năm Áo Mũ của Trần Quang Đức

-22/9: Dự lễ trao giải Sách hay

-28/9:Dự lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Kim Tuấn

 

2.

Nhưng điều”kinh khủng” nằm ở chỗ khác. Đó là những cuốn sách mang tên tác giả Đỗ Hồng Ngọc. Rất nhiều lần, Kim Quy thông báo, trong cuộc gặp sẽ được người này người khác tặng sách mà người thường có sách để tặng chính là Đỗ Hồng Ngọc. Những khi ông không có sách, mọi người như bị hụt hẫng, thấy có chi đó bất thường.

Đỗ Hồng Ngọc có gần 40 đầu sách, trong đó có 15 cuốn Tạp văn, 9 cuốn viết cho tuổi mới lớn, 4 cuốn viết cho các bà mẹ và 5 tập thơ…Thử điểm qua các tựa đề sách của ông để thấy sự phong phú “không chịu nổi” của nó: Tình người( Thơ), Thơ Đỗ Nghê, Giữa hoàng hôn xưa(Thơ), Vòng quanh( Thơ), Gió heo may đã về (Tùy bút), Già ơi, chào bạn (Tùy bút), Thư cho bé sơ sinh và Những bài thơ khác (Thơ ),

Những người trẻ lạ lùng( Tạp văn), Thiền và sức khỏe( Tạp văn),Chẳng cũng khoái ru (Tạp văn), Nghĩ từ trái tim ( viết về Tâm Kinh Bát Nhã), Thư gửi người bận rộn (Tạp văn), Thầy thuốc và bệnh nhân (Tạp văn), Như ngàn thang thuốc bổ (Tạp văn), Cành mai sân trước (Tạp bút), Như thị (Tạp bút), Ăn vóc học hay(Tạp văn), Gươm báu trao tay (Tạp văn)…Ra nhà sách, thấy sách của Đỗ Hồng Ngọc bày nguyên một dãy, bên những tác giả văn học đang hot ! Nhìn và không thể không tự vấn: sao ông bác sĩ nhà thơ này có thể tạo nên một kỳ tích như vậy.

 

Nhẹ nhàng mà thâm trầm, thông tuệ mà giản dị, nghiêm trang mà dí dỏm, bận rộn mà thanh thản.Những phẩm chất này chan hòa trong những vần thơ, những trang văn của ông, tạo nên một phong cách, một đặc sắc Đỗ Hồng Ngọc. Đọc thơ ông thấm sâu ý nghĩa nhân sinh, thấm sâu chất Thiền, thấm sâu cảm xúc tâm linh. Đọc tản văn của ông, lại như nghe thấy dư vị của thơ qua từng dòng chữ, trang viết. Huỳnh Như Phương có lý khi nhận xét:”…chính những tác phẩm bàn về Y học, Thiền học của ông, với chất thơ bàng bạc trong đó, cũng mang đủ những phẩm chất thi ca, cho nên người đọc không còn phân biệt ở ông đâu là nhà thơ, đâu là Thiền giả và đâu là bác sĩ của tuổi thơ” (Lời bạt tập thơ Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác-NXB Văn Nghệ, 2010 ). Nguyễn Hiến Lê thì cho rằng: “Một bác sĩ mà là một thi sĩ thì luôn làm cho ta ngạc nhiên một cách thú vị “( Tựa Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò-1972). Trong lúc đó, viết tựa cho cuốn sách Ăn vóc Học hay, Mai Sơn nhận xét:”…Nhưng đối với ông y khoa là một ngành học về con người toàn diện, thân tâm bất nhị, tổng hòa các mối quan hệ con người-tự nhiên-văn hóa. Sức khỏe, dưới con mắt ông, luôn gắn với môi trường sinh thái-xã hội. Ông nhìn con người trục trặc không như một cỗ máy bị trục trặc, mà nhìn trong tương quan với môi trường lớn đang có vấn đề và nó tác động bằng những con đường quanh co đến tình trạng sống của một cá thể. Và lúc đó con người/ bệnh tật hiện ra như một hiện hữu bất ổn. Giải pháp của ông là bớt kỹ thuật và thêm nhân văn khi cứu xét một hay nhiều bệnh cảnh. Có thể thấy ông không đổ hết nguyên nhân gây bệnh cho bệnh nhân của ông. Trong viễn tượng đó ông làm chúng ta nhớ đến Karl Jaspers(1883-1969), triết gia-bác sĩ tâm trị người Đức, với tuyên bố:” Tôi bệnh, vậy tôi hiện hữu”…Tôi không nghĩ rằng một bác sĩ chuyên khoa thuần túy có thể có một cái nhìn như vậy, sự thấu hiểu như vậy đối với bệnh tật của con người. Điều đó chỉ có thể có ở Đỗ Hồng Ngọc và những ai có cùng qua điểm sống, quan điểm hành nghề như ông.

Thỉnh thoảng, trước hoặc sau những trang sách của mình, Đỗ Hồng Ngọc có lời dẫn, lời tâm tình với người đọc, hoặc trực tiếp, hoặc qua các bài trả lời phỏng vấn. Đây là  một “kênh” thông tin đáng tin cậy giúp ta hiểu ông hơn, nhìn rõ “dung mạo” của ông hơn. Khi được hỏi về “sứ mạng” của người viết sách tư vấn  cách sống, cách trị bệnh…ông đã thành thực trả lời:”Không. Chẳng có sứ mệnh gì cả…Hàng ngày trông thấy bao nhiêu là trường hợp trẻ con bị bệnh hoạn tử vong oan ức có thể phòng tránh được, vì thế mà tôi thấy cần phải làm gì đó giúp các bà mẹ. Vậy là tôi viết. Khi nhớ lại những sai lầm của mình ở tuổi mới lớn, tôi viết để chia sẻ cùng các em.Rồi khi tuổi già bóng xế, tôi lại viết cho bạn bè cùng lứa. Thực ra, viết, trước hết là cho mình, tự “chữa bệnh” cho mình cái đã, rồi mới dám chia sẻ với người khác. Giống như người xưa tự nếm thuốc rồi mới dám…kê đơn. Không có cái “sứ mệnh” gì ở đây cả, không có sự rao giảng gì ở đây cả, mà chỉ là sự thì thầm nho nhỏ”( Báo Dược và Mỹ phẩm, Bộ Y tế). Vốn e ngại trước những tuyên bố lớn lối, tôi thực sự cảm phục những lời lẽ chân tình, giản dị này. Lạ thay, chính cái sự “không sứ mệnh “ này lại khiến những dòng thơ, những trang văn của ông- những lời “thì thầm nho nhỏ” của ông  có một hấp lực đặc biệt với người đọc. Đỗ Hồng Ngọc có bạn đọc đủ mọi lứa tuổi, đủ các vùng miền trong nước, ngoài nước. Thơ của ông được dịch ra tiếng Anh, được bạn bè phổ nhạc rồi một ngày nào đó họ gửi cho ông, đem cho ông một niềm vui bất ngờ, tràn đầy. Khi được hỏi vì sao ông được độc giả yêu mến nhiều đến thế, Đỗ Hồng Ngọc đáp:” Tôi chỉ viết những gì mình thực sự trải nghiệm. Viết là cách chia sẻ kinh nghiệm chứ không phải từ sách vở mà ra”. Theo ông:”Một người thầy thuốc khi chữa bệnh cho bệnh nhân, nếu chỉ thấy cái thân bệnh mà không thấy cái tâm bệnh, tức là thấy cái “đau” mà không thấy được cái” khổ” của họ thì không thể chữa thành công”( Báo Văn hóa Phật giáo, số 39, Vu lan 2007)

Trong lịch sử văn học thế giới, có nhiều nhà văn vốn là thầy thuốc, nhiều người nổi tiếng  như Lỗ Tấn, như Tsekhov nhưng khi đã viết văn, họ đoạn tuyệt với nghề cũ. Đó là một sự lựa chọn. Đỗ Hồng Ngọc vì muốn chữa được cả cái đau lẫn cái khổ, cái bệnh lẫn cái hoạn mà vừa hành nghề Y vừa làm thơ vừa viết tản văn. Các nhà xuất bản đón chờ tác phẩm của ông, người đọc đón chờ tác phẩm của ông. Giữa lúc sách chỉ được in dăm ba trăm hay một ngàn bản, sách của Đỗ Hồng Ngọc được tái bản nhiều lần, có cuốn cả chục lần, số lượng lên tới hàng vạn bản (Già ơi…chào bạn được dịch sang tiếng Nhật. Người Nhật gọi sách của Đỗ Hồng Ngọc là”long seller”), quả là một hiện tượng có phần lạ lùng nhưng hữu lý. Đỗ Hồng Ngọc từng bảo:”Sẻ chia, ấy chính là hạnh phúc”. Ông đã sẻ chia và đã được đón nhận. Hạnh phúc đã nhân đôi.

 

3.

Có những người viết văn hay nhưng gặp gỡ thì…chán. Lại có những người văn chương “ thường thường bậc trung” nhưng trò chuyện lại hấp dẫn, vui vẻ. Đỗ Hồng Ngọc là một ca khác. Đọc ông rồi gặp ông, có một cảm giác thật dễ chịu khi mọi điều như hòa quyện với nhau. Văn là người , người là văn vậy.

Đỗ Hồng Ngọc nói:” Tôi vốn ít hay cười. Không hút thuốc, không uống rượu”. Tôi chưa thấy ông hút thuốc hay uống rượu nhưng lại thường thấy ông cười, có điều đó chỉ là một nụ cười nhẹ, ít khi bật thành tiếng. Đỗ Hồng Ngọc không tạo sự cách bức. “Người bận rộn”, khi có dịp ngồi bên bạn bè, luôn là người hay chuyện, vui vẻ, thoải mái, dí dỏm. Có lần cả nhóm đến nhà tôi ăn bún ốc, Đỗ Hồng Ngọc rất khoái khi được ăn tráng miệng bằng món kẹo Dồi, đặc sản của miền Bắc. Ông còn chạy ra đầu ngõ, nơi có một lò nướng bánh tráng, mua về mấy chiếc, cùng mọi người bẻ bánh rôm rả. Lần gặp nào ông cũng nhắc tới món bánh tráng dân dã ấy. Đỗ Hồng Ngọc khiến tôi nhớ tới Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thời ông làm Bộ trưởng Bộ Y tế ở Hà Nội. Mọi người rất khoái khi truyền nhau câu chuyện ông Bộ trưởng Y tế thường ghé hàng bún Ốc, bún Riêu, bánh Cuốn…bày bán ngay trên vỉa hè.

Ngoài những lần ngồi ở quán Du Miên, Đông Hồ, Khúc ban chiều, nhóm có cái thú tụ tập tại nhà Lê Ký Thương-Kim Quy. Món chủ nhà đãi mọi người thường là xôi đậu xanh, khoai lang luộc, bắp luộc, lạc luộc.  Để hỗ trợ, tôi mang thêm món chuối sáp nấu. Ăn khoai, ăn bắp, ăn chuối, uống cà-phê, sữa đậu nành…và tán chuyện. Chuyện gì nhỉ. Thật khó khi phải nhớ lại những câu chuyện vì đề tài của nó thì mênh mông, ý kiến thì phong phú, lúc đồng thuận, khi tranh cãi. Có điều, bao giờ cũng vui, bao giờ cũng có cảm giác được thư giãn bên những người bạn chân tình.

Từ trái: Thân Trọng Minh, Nguyễn Tường Giang, Đỗ Hồng Ngọc, Ý Nhi, Thu Vàng, Thanh Hằng, Nguyệt Mai, Hoàng Quốc Bảo.

Trong một thư điện tử, Kim Quy viết: em thấy ai trong chúng ta cũng có chút suy nghĩ về tuổi tác. Riêng anh Ngọc thì hình như là không. Kim Quy đã đúng. Đỗ Hồng Ngọc, sau cơn bạo bệnh (bị tai biến, phải mổ sọ để đặt ống dẫn lưu), khi trở lại với đời sống, dường đã một lần giác ngộ. ( có lẽ đây chính là cơn bệnh cần cho mỗi con người như nhà văn N.Dumbatze từng nói đến trong tác phẩm nổi tiếng Quy luật của muôn đời). Việc nghiên cứu đạo Phật, nghiên cứu Thiền lại thêm một lần giúp ông có một cái nhìn đời sống có phần vô vi :”…Dù cuộc sống ngỡ là thực này vẫn chỉ là mộng, huyễn, bào ảnh, sương mai”. Cái khoảnh khắc được sống trở nên quý giá hơn, huyền diệu hơn, đáng trân trọng hơn:” Nhưng với tôi, tôi không hề biết mình đã có tuổi, tích tuổi, lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ. Tôi là một thầy thuốc, một bác sĩ nhi khoa, đã hành nghề trên 30 năm. Tôi nhớ mình mới khám chữa bệnh cho một chú bé sơ sinh thì chẳng bao lâu đã thấy chú bé đó mang trên tay một chú bé sơ sinh khác là con của chú để nhờ tôi khám chữa bệnh. Thời gian trôi qua lúc nào đó vậy?…”. Đỗ Hồng Ngọc yêu tuổi trẻ của mình, của người. Ông cũng yêu tuổi già của mình, của người: “Già có cái đẹp của già…thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây, ửng đỏ, mềm mại, thơm tho…”, chẳng cũng khoái ru?. Có lẽ, không có nhiều người biết cám ơn cơn đau của mình như Đỗ Hồng Ngọc: Xin cám ơn, cám ơn/ cơn bệnh ngặt nghèo quật ta kịp lúc/ cho ta trở lại với mình/ ta muốn ôm hôn tất cả mọi người/ và ôm hôn ta nữa/ cái đầu trọc lóc bình vôi/ hai lỗ thủng và 18 vết khâu từ ái/ ta ngạc nhiên lắng nghe mình thở/ lắng nghe sự sống cục cựa trong mình…Khi đứng được hai chân như con người/thật vô cùng hạnh phúc/ khi bước đi những bước con người/ khi còn được nghe được nói/ được cầm cây viết vẽ bâng quơ/ được đọc vài trang báo…Những hòn sỏi bỗng có linh hồn/ những lá cây đong đưa lạ lẫm/ tiếng chim và ánh nắng/ như đã lâu rồi ta mới gặp nhau/ như đã lâu rồi ta mới quen nhau…”.

Đỗ Hồng Ngọc và Ý Nhi trong buổi “Ra mắt” tập thơ “Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác…” của Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc)… với cà phê và khoai, bắp, chuối, đâu phọng, bánh tráng… tại nhà họa sĩ Lê Ký Thương (2010) trong vòng thân thiết với vài mươi bạn bè…

 

Năm 2010, khi sắp sửa in tập thơ Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác, Đỗ Hồng Ngọc rủ bạn bè góp mặt cho vui, tôi đã viết:”…Thơ Đỗ Hồng Ngọc là thơ của sự chân thành. Từ những bài thơ tình cảm viết cho cha mẹ, vợ con, bạn bè đến những bài thơ thế sự viết về đất nước, quê hương, từ những chuyện đời thường đến những chuyện cao siêu, những câu hỏi không lời đáp…Đọc anh, tôi chưa khi nào có cảm giác ngờ vực. Sau căn bệnh ngặt nghèo, Đỗ Hồng Ngọc đã viết bài thơ rất hay Xin cảm ơn. Tôi nghĩ, những độc giả của anh cũng cần nói lời cảm ơn anh, bởi chắc chắn, anh đã góp phần giúp chúng ta thanh lọc tâm hồn mình, giữa đời sống nhiều bụi bặm này”.

Một lần nữa, tôi muốn được nói lời cám ơn ông.

 

Sài Gòn 9/2014

Ý Nhi.

* Tên một tập thơ của nhà thơ Phạm Hổ

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Nguyễn Quang Chơn: GIẤC MƠ

21/08/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Giấc mơ

 

“Đố ai nằm ngủ không mơ, biết em nằm ngủ hay mơ, …, nửa đêm anh đến, đứng chờ ngoài hiên…” (PD). Đúng vậy, ai ngủ mà chẳng có mơ. Nhiều người bảo rằng, ngủ không mơ là ngủ sâu, ngủ khoẻ. Ngủ hay mơ là ngủ chập chờn, ngủ yếu!… Riêng tôi, bây giờ, tôi thích những cơn mơ trong giấc ngủ…

Hồi nhỏ tôi hay gặp ác mộng. Khi thì bị bóng đè thở không nỗi, nhìn thấy ba mẹ ngồi bên cạnh, nói cười đó, mà không kêu cứu được, sợ lắm! Khi thì thấy bị kẻ xấu rượt đuổi chạy thất kinh!… làm giấc ngủ chập chờn, sợ hãi…

Bây giờ thì ngược lại, trong giấc ngủ tôi hay thường thấy những người thân, những chuyện lành. Vì vậy, khi ngủ có mơ làm tôi vui và ngủ sâu. Có thức giấc nửa chừng cũng ngủ lại được ngay để chờ giấc mơ khác đến!…

Tuần trước tôi mơ thấy gặp mấy người anh tôi kính trọng, Bửu Ý, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Đức Sơn…Sáng ra nhớ lại giấc mơ, cũng một chút tâm linh, gọi anh Bửu Ý. Anh bắt máy với giọng sang sảng vui. Hỏi anh khoẻ không? Hỏi anh còn uống được không? Anh bảo khoẻ. Trưa ăn cơm uống một chai bia. Chiều một ly rượu vang. Tôi mừng và hẹn anh một hôm nào đó chạy ra Huế thăm và…nhậu…

Gọi anh Ngọc, anh bảo sức khoẻ tàm tạm. Lâu quá không gặp nhau. Anh vẫn nhớ Đà nẵng. Tôi bảo vậy sẽ mời anh ra Đà nẵng một chuyến chơi!…

Mời anh một chuyến chơi. Một ý nghĩ cũng hay bất chợt. Nhưng nghĩ cho cùng, một mình anh đi cũng buồn. Tôi gởi một text message, nói mời luôn mấy anh chị bạn khác như LKT, KQ, TTM, KĐ, HC…

Vài ngày sau thấy anh nhắn tin, mọi người hỏi lý do vì sao Chơn mời vậy, anh đã nói bừa, chắc kỷ niệm ngày cưới đó. Tôi trả lời anh, tại vì em thích. Muốn anh chị em mình cùng du hí một chuyến. Sau, anh nhắn tin xin lỗi, mọi người bận, không đi được! Vậy đó, ở cái tuổi này, dễ gì tụ họp, đi xa. Vả lại, những bậc thức giả, họ hay thắc mắc, cái gì cũng phải có nguyên nhân, giải thích không rõ ràng, thuyết phục, dễ gì họ chịu nghe, chịu làm!…

Gọi anh Sơn Núi không được, tôi làm một bài thơ nhỏ tặng anh đưa lên face book. Hai ngày sau nhận tin anh Võ Chân Cửu với bức hình mới nhất của anh Sơn. Kèm tin: “rất yếu, không đi lại được, chân phù, bác sĩ bảo “đi” bất cứ lúc nào. Ch. sắp xếp lên thăm, biết đâu lần cuối!…”

Vậy đó, những giấc mơ, có cái hay của nó!

Tôi thường hay mơ mình đi học. Lúc thì đến lớp muộn, lúc thì đang trong nội trú, lúc thì ngồi trong lớp thật đông, thầy giảng chẳng hiểu gì. Thức giấc, ngờ ngợ là những giảng đường Đại học Khoa học Sài gòn ngày xưa đông đúc, với bạn bè lạ hoắc…

Tôi cũng hay thấy mình đi học ngang qua một lạch nước, có cái nhà thờ nho nhỏ…. Mới nghiệm rằng, đó là con đường từ nhà đến trường tiểu học Tam Kỳ, nơi tôi đã đi mỗi ngày mưa nắng suốt năm năm…

Tôi cũng hay gặp “con người” trong giấc mơ. Cái kỳ lạ là tôi không hay gặp những người tôi thường chơi hằng ngày, mà gặp những người tôi không hề nghĩ đến, hay những kẻ mà chúng tôi đã tan đàn, xẻ nghé từ lâu, cả những người ganh ghét, thị phi với tôi trong cuộc sống. Nhưng trong giấc mơ, tôi gặp họ vui vẻ, hoà hợp, tự nhiên. Thức giấc tự nghĩ tại sao vậy? Có lẽ trong thực tế hiện hữu, vì cái này cái nọ, khoảng cách “người-người” bị đào sâu. Nhưng tận đáy lòng mình, tôi vẫn yêu thương họ, nên giấc mơ đưa họ đến với tôi cùng nỗi thiện lương!..

Giấc mơ đến rồi đi. Không đọng lại. Có khi sáng ngày cố nhớ nhưng không nhớ được, cũng như những áng mây trên trời. Thuở nhỏ tôi thường thích ngắm mây trời và tưởng tượng, hình dung đủ thứ. Nào ông Phật, nào bà Tiên, nào con cọp, con rồng, và thậm chí dệt nên những câu chuyện trên mây. Rồi mây bay, rồi tan biến…

Bây giờ đêm nào ngủ không có giấc mơ là tôi buồn. Vì bây giờ nhìn trời, nhìn mây, tôi không còn thấy câu chuyện cổ tích nữa, bởi ý thức tôi đã khác, đã dày dạn. Chỉ trong giấc mơ, tôi không làm chủ được ý thức của mình, mà cứ để cho lòng mình thả lỏng dệt giấc mơ, những giấc mơ hiền!…

NQC

20.8.18

……………………………………………………………………………………..
Thư Cao Kim Quy:

Thân gởi Chơn,

Nhân đọc bài viết này, cũng muốn trước hết cảm ơn nhã ý của Chơn định cho bọn này (Q/T) “ăn theo” anh Đỗ Hồng Ngọc mà…chưa thành!

Phàm người ham…”học”  hay hỏi những câu như vì sao, như thế nào… anh Ngoc nhắn tin đột ngột quá nên mình cũng thắc mắc “nguyên nhân” bởi vì mình hiều chuyện gì cũng phai có nguyên nhân. Tuy nhiên mình không ngạc nhiên vì câu trả lời của Chơn “chẳng lý do gì, chỉ là….em thích!”

Bài viet của Chơn khiến mình hieu ngay. Ly do rất rõ ràng đó chứ! Đó là cảm giác có thể mất nhau bất cứ lúc nào, vậy sao không lập tức nghĩ ngay đến chuyện cận kề nhau khi có thể. Giây trước và giây sau mọi chuyện đã có thể vụt thay đổi, và ta chỉ có thể nắm lấy ngay giây phút hiện tại mà thôi! Có ai níu được quá khứ và có ai sở hữu được tương lai. Cái “em thich” của Chơn là một trải nghiệm trong tich tắc khi vừa rời giấc mơ đêm mà cũng là giọt nước tóe ra từ ly nước đầy sau cả một đời suy nghiệm. Mình hiểu và mình hoàn toàn đồng ý những kiểu “em thích” nghe tưởng như bốc đồng của tuổi… trẻ mà thiệt ra là của một con người trầm tĩnh thủng thẳng đi qua hết những buồn vui của đời người.

hãy mừng rằng mình có thể rủ được mà người khác không thể (chưa thể) đáp ứng lời rủ rê đó. Vậy là dù sao minh cũng đã may mắn hơn họ rồi.

Vì bọn mình vẫn còn là “người phàm” nên buồn buồn là đúng rồi, Chơn hỉ. chỉ có anh Ngoc quá siêu nên đã vượt qua được buồn vui đời thường. Bọn mình ráng học theo “thầy” 🙂

…………………………………………………………………………..

 

Thư Đỗ Hồng Ngọc gởi Nguyễn Quang Chơn,

Không phải một mình Cao Kim “thắc mắc” đâu! Cả TTM cũng “ngạc nhiên” nữa. Sao bỗng dưng NQC… nổi hứng mời cả bọn ra chơi Đà Nẵng một chuyến vậy nhỉ? Riêng anh Ngọc thì hiểu NQC quá nên không “suy tư” tí nào. Ở tuổi Chơn mà còn cao hứng vậy là mừng rồi! Thì ra là từ một Giấc mơ. “Giữa đêm thức dậy/ Ngồi ôm tóc dài/ Giật mình lau trắng trong tay” (TCS)…

Hơn ai hết, NQC trải nghiệm mấy phút bên bờ tử sinh khi kịp đặt cái stent dạo nọ rồi đó Cao Kim ạ. Anh Ngọc còn hơn thế, nên hiểu và thương Chơn nhiều. Chơn phone anh Ngọc, gọi Bửu Ý, gọi Sơn Núi… gọi quanh mình… khi vừa ra khỏi cơn mơ.

Rồi Chơn than… thở. Gặp nhau thôi mà đã khó, huống chi “vân tập” đường xa. Làm sao gọi được NXT, TYT, VHT… rồi Thu Vàng, rồi Khánh Minh, rồi Nguyệt Mai…?

Anh Ngọc mới bèn an ủi Chơn: Buồn chi… em ơi! Nó vậy là Nó vậy (Như thị!). Phải có “duyên” mới xong (nghe nói Duyên-Tùng sắp về đó nhe Chơn).

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên (Trần Nhân Tông) nhớ không?

ĐHN

(21.8.2018)

 

Từ trái: Đỗ Hồng Ngọc, Cao Kim Quy, Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương, Phạm Văn Hạng
(Đường Sách 18.8.2018)

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Những người trẻ lạ lùng, Vài đoạn hồi ký

Có một ngày “Sinh nhật”

17/08/2018 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Chúc Mừng Sinh Nhật Tháng 8

của Nhà Thơ/ Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2017/08/31/chuc-mung-sinh-nhat-thang-8…

 

Sinh nhật

anh không có ngày sinh nhật
nên mỗi ngày
là sinh nhật của anh

cảm ơn em
nhớ đến anh
ngày sinh nhật!

Đỗ Nghê (ĐHN)

*

Mỗi ngày mỗi mới

(Kính tặng anh ĐHN)

Nếu mỗi ngày
đều là sinh nhật của anh
thì niềm vui không bao giờ tắt

để em bắt gặp
mỗi ngày
mỗi điều mới nơi anh
vẫn là anh

rất mới

nguyệt mai

*

mừng “sinh nhật”

mỗi ngày tôi chọn một niềm vui (*)
nên anh chọn mỗi ngày là “sinh nhật”.

nhớ anh ngày sinh nhật
là nhớ anh mỗi ngày…

duyên

…………………

(*) TCS

*

Niềm vui

(Mừng sinh nhật anh Ngọc)

Vì mỗi ngày anh chia sẻ
Quà vui cho mọi người
Nên mỗi ngày đều là
Sinh nhật của anh

Nên mỗi ngày
Ai cũng nhớ
Sinh nhật của niềm vui…

khánh minh

*

Mừng Tháng “Sinh nhật” bạn mình

Bạn sinh vào tháng Tám mà… chẳng có Ngày Sinh. Hồi đó, hồi chiến tranh, làm khai sinh… khai vậy!

Cho nên bạn nói đúng: Mình Chỉ Có Tháng Sinh! Tháng hay ngày, long lanh của đôi vầng Nhật Nguyệt…

Dòng thời gian mải miết, coi như chẳng có ngày, chẳng có phút, có giây, chẳng có gì bận trí!

(…)

Hôm nay, còn tháng Tám, gửi bạn một lời Mừng. Tôi không thể dửng dưng… vì tôi yêu quý Bạn!

Trần Vấn Lệ

*

sinh nhật

gửi bác sĩ ĐHN

anh vốn
không
có ngày sinh?
tự vòng tròn
một chỗ thình lình ra
tìm điểm mốc
em khéo đùa
sinh là khởi
cơn gió lùa về không

Vũ Hoàng Thư

 

Và, thêm một bài thơ nữa của Vũ Hoàng Thư:

Chúc Mừng Sinh-Nhật-Không-Ngày anh Đỗ Hồng Ngọc!

sinh nhật lại
không
có ngày
từ vô thủy
luân sinh bày cuộc chơi
về vô xứ
phù vân trôi
bồng thinh lặng
mở khơi lời
rất như

Vũ Hoàng Thư
18/8/2018

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Go to page 5
  • Go to page 6
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 32
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Kể chuyện thăm Úc châu 10.2019

Hồ Đắc Đằng: Vô Kỵ học đi biển

Họp mặt lớp “Phật Học & Đời Sống”

Sáng, Trưa, Chiều, Tối…

Đỗ Hồng Ngọc: Đi & Học

Hồ Đắc Đằng: VÔ KỴ HỌC BẮN CUNG

Mời tham dự buổi Nói chuyện “Úc Du…” của Đỗ Hồng Ngọc

Hồ Đắc Đằng: Vô Kỵ Học Lái Xe

Nguyên Giác: KINH PHÁP CÚ TÂY TẠNG

LÕM BÕM HỌC PHẬT

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Biết ơn mình để có nếp sống mạnh khỏe hơn
  • Thư gởi bạn xa xôi (28.11.19)
  • Có một buổi Giao lưu về “Biết Ơn Mình”
  • Kể chuyện thăm Úc châu 10.2019
  • Hồ Đắc Đằng: Vô Kỵ học đi biển

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Đính Chính: NÓI LẠI CHO RÕ về bài “TOÀN LÁO CẢ”
  • Lê BìnhLB trong Đính Chính: NÓI LẠI CHO RÕ về bài “TOÀN LÁO CẢ”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Họp mặt lớp “Phật Học & Đời Sống”
  • Lê Thị Cẩm trong Họp mặt lớp “Phật Học & Đời Sống”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Sáng, Trưa, Chiều, Tối…
  • Diêu Trong (Kim Cúc) trong Sáng, Trưa, Chiều, Tối…
  • le tran trong Thơ Trần Vấn Lệ MÙA VÔNG PHAN THIẾT CŨ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Thơ Trần Vấn Lệ MÙA VÔNG PHAN THIẾT CŨ
  • duc.vu trong Thơ Trần Vấn Lệ MÙA VÔNG PHAN THIẾT CŨ
  • Quốc Hoàng trong Giới thiệu

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email