Thư gởi bạn xa xôi
Về Ghé Qua Phan Thiết
Mình về Lagi, thăm quê Ngoại dưới chân núi Tà Cú. Xưa, vùng này gọi là Phong Điền, Hiệp Nghĩa, cách Phan Thiết chừng 30 cây số. Cậu Năm Nghê Nhã Ý nói hồi nhỏ từ nhà, đi ngựa ra Cây Số 30, rồi bắt xe than đi Phan Thiết học. Mấy “công tử” thời đó là vậy. Nhà ngoại thì mênh mông ruộng vườn cây trái, dừa, chuối, cau, trầu, tiêu… Bây giờ không còn chút gì, trừ Thanh long của con cháu. Nhờ Thanh Long mà vùng quê nghèo nay đã khấm khá, có điều nó trông đơn điệu làm sao! Cả làng, cả xã, toàn thanh long là thanh long! Ban đêm, đèn điện sáng rực để lường gạt thanh long tưởng mặt trời mọc, vội vả ra hoa kết trái. Lâu lâu nghe bị ép giá, không “xuất khẩu” được, đem đổ. Từ ngày có thanh long “công nghiệp” thì mấy giếng xưa cũng dẹp, vì cả làng giờ đóng cọc để lấy nước ngầm tưới nên không còn giếng nước ngọt nào trong lành để uống. Nhớ hồi đó nhà Ngoại có cái giếng cả xóm đến gánh nước về uống. Mình thì chuyên múc nước giếng bằng gàu mo cau, ào ào xối tắm thiệt đã.
Lúc 10-11 tuổi (khoảng 1950), mình ở nhà Ngoại đi học trường Gò ông Nồm (gần Gò Đình bây giờ). Xung quanh lớp học, có đào nhiều hầm chữ U, chữ V, chữ Z để khi có máy bay đến thì tất cả nhào xuống hầm tránh bom… Ngày ngày đi học chân trần trên bờ ruộng, có mấy gốc mù u rậm rịt nghe nói có ma cũng ớn. Hàng ngày chỉ mang theo lủng lẳng cơm bó trong mo cau, kèm với con cá khô nướng. Buổi trưa cả bọn tắm ở mấy cái mương lớn, rồi đi móc đất sét vò thành mấy viên bi, bỏ vào lò gạch gần đó, đợi ít ngày thì viên bi chín cứng, màu sắc khá đẹp. Thời đó, bắn bi với đánh chõng là thú vui duy nhất của đám học trò. Các anh chị lớn, 15 16 tuổi cũng học chung. Chỉ có tới lớp Ba là hết. Trường núp trong lùm cây, cũng có cái sân rộng. Mình ốm nhom, nhỏ xíu, đen nhẻm, vẫn còn nhớ một chuyện ngộ: Chị Ch, 15-16 tuổi, đẹp nhất trường, một hôm được bức thư tỏ tình của anh Ngh, chị mang lên trình thầy giáo. Hôm sau thầy mang ra đọc cho cả trường nghe… và anh Ngh bị kỷ luật. Nghe nói sau đó phải nghỉ học! Giờ về quê Ngoại, nhớ toàn chuyện gì đâu. Còn nhớ chị Hai Ng đẹp nhất vùng, thanh niên cả làng đều mê, kể cả cậu Năm, cậu Ngư (Ngu Í)…, sau này nghe nói là vợ một ông tướng. Chị Sáu, cô Chín đều đã chết. Dì Ba T cũng đẹp nổi tiếng, sau mấy năm nằm liệt, đi xe lăn… vừa chết. Con dì là em D ở bên Tây cũng chết sau đó vài tuần… Tóm lại, lâu lâu về thăm quê mới biết cái cảm giác “không còn ai, đâu còn ai…” là có thiệt như người xưa từng nói. À mà, các bọn trẻ vẫn lớn nhanh theo đó thôi, như từng làn sóng đuổi nhau lớp lớp…
Từ Lagi quê nội lên quê ngoại Phong Điền, Hiệp Nghĩa chừng 20 cây số, qua Tam Tân, xóm chài nghèo bên biển, có Ngãnh Tam Tân rất đẹp nhờ những gộp đá và hồ nước lớn đổ ra biển như một con sông vào mùa mưa. Còn nhỏ, lội qua đó cứ nghe rờn rợn. Xưa, chỉ có con đường biển duy nhất, còn là rừng già, có cọp còn ra bắt người đi đường. Các thanh niên hướng đạo thời 1945 đã làm cái giếng Nguồn Chung ở Nước Nhỉ cho khách qua đường dừng chân nghỉ dưới bóng mấy cây dứa, lấy nước uống đỡ khát. Năm 1960, mình đi với cậu Ngu Í, đến đây chỉ còn thấy đống gạch vụn, cậu viết mấy câu thơ ngậm ngùi: “Nằm đây mà ngó lên trời/ Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa/ Nằm đây mà nhớ mơ hồ/ Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu…” …
Thế nào cũng phải vọt ra Phan Thiết chút chớ phải không. Đi ngã Kê Gà, Văn Kê, Thạnh Mỹ, qua chỗ có Đá Nhảy cũng hay. Con đường dọc biển ngày nay rất đẹp. Đã nhờ nhà thơ Liên Tâm hẹn cho gặp ít bạn bè… Đã có Đỗ Quang Vinh, Dương Thế Thuật… tới sớm. Rồi gởi sách tặng Ngô Đình Miên, Nguyễn Như Mây, Phan Anh Dũng, Vũ Hy Triệu, Đinh Thị Ba, La Văn Tuân, Võ Nguyên, Nguyễn Thái Bình…
Lúc này làm biếng tệ. Già khú đế nó vậy. Viết thư ngày càng dở.
Thôi thì gởi vài tấm hình mình chụp cho bạn coi chơi thôi nhe.
Thân mến,
Do Hong Ngoc.

Nhà thơ Liên Tâm nói thấy Đỗ Quang Vinh đang móc túi lấy tiền mà! Nhưng ít quá… bèn cho luôn!

Phan Thiết. Caphe Ocean Dunes.
Sách bày giữa chợ/ Chẳng ai thèm mua/ Có người đến hỏi/ Mừng ký tặng cho…

Bạn văn… cùng cụng dừa chớ không cụng ly!
Nhà giáo Dương Thế Thuật… phỏng vấn!

Sông Đợt nhìn lên Núi Tà Cú (Tân Thuận- xưa là Phong Điền, Hiệp Nghĩa)

Đập Đá Dưng, Lagi mùa nước lũ.

Không gì ngon hơn nốc một trái dừa bên bờ Đập Dá Dựng… giữa trưa nắng gắt.

Đá Ngãnh, Tân Hải (xưa là Tam Tân).
………………………………………………………………………………………….
Ghi chú: Bất ngờ hôm nay nhận được bài thơ “cảm tác” của Trần Thị Nguyệt Mai.
Đa tạ.
Trả lời