Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ghi chép lang thang
  • Nhận bài mới qua email

Thư gởi bạn xa xôi (11.2020)

22/11/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Thư gởi bạn xa xôi (11.2020)

Lâu quá chẳng thư từ gì cả, bạn  trách là phải. Bây giờ chỉ biết xin tạ lỗi bằng cách lai rai kể vài ba chuyện cho vui thôi nha.

  1. Ở Việt Nam có Ngày Nhà Giáo 20.11. Cũng hay. Nhờ có ngày này mà mình có dịp gặp lại mấy em học trò cũ, có dịp hàn huyên với nhau. Nhiều khi cũng chẳng nhớ em nào với em nào, vừa giới thiệu tên tuổi xong đã quên ngay. Thì ra tuổi 80 cũng sắp vào tuổi alzheimer rồi thì phải. Dù sao cũng rất vui gặp các em hiện là đồng nghiệp trẻ, cùng Bộ môn ngày xưa do mình phụ trách ở ĐHYK PNT. Có thầy Trương Trọng Hoàng, các em Lê Thành Tân, Kiều Chinh…  Rồi gặp cả một đồng nghiệp trẻ, mới hơn 70 là GS Võ Văn Thành bàn bên chạy đến bắt tay chúc mừng “đàn anh” cũng thật cảm động.

 

 

2. Rồi có em hỏi thầy muốn đi thăm đâu nữa không, em đưa đi. Mình nói thầy nhớ… Bình Quới quá, nhớ Đỗ Trung Quân, nhớ Cao Lập và nhất là nhớ Quán Hội Ngộ của Trịnh Công Sơn… không biết giờ ra sao.

Bình Quới đây rồi! Nét đồng quê Nam bộ còn đó, còn có tiếng hát tiếng hò, còn có bến thuyền, cầu khỉ… nhưng mọi thứ đã xuống cấp trầm trọng, lưa thưa du khách , hình như cả khu vực Bình Quới ngày nào sắp… vươn vai phù đổng thành những khu đất vàng với những building ngất ngưỡng. Đặc biệt Quán Hội Ngộ của Trịnh Công Sơn thì hoang phế ngậm ngùi… .

Chỉ xin ghi lại một vài hình ảnh.

 

Hẹn thư sau.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

Filed Under: Ghi chép lang thang, Vài đoạn hồi ký

Minh Lê: Chè thưng

18/10/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Chè thưng

gánh chè thưng xưa (hình Internet)

Chè thưng coi ngọt ngào vậy mà lại là món “khó ăn” nhứt cho tôi, trước do cái tên bí hiểm, sau vì quá khứ đầy bí ẩn của nó. Sau hơn hai tháng ăn không ngon ngủ không yên, nhờ anh Google và các vị tiền bối, thêm chút máu trinh thám, tôi cuối cùng cũng hoàn tất một câu chuyện tương đối hợp lý để trình làng.

Nghĩ tới chè Sài Gòn, tôi nhớ ngay đến câu rao hàng dài nhứt, tha thiết và mùi mẫn nhứt mà tôi từng được nghe:

“Ai ăn chè bột khoai bún tàu… đậu xanh nước dừa đường cát…hôn…”

Thực ra vào thập niên 1980 và 1990 thưở tôi ở Sài Gòn, tiếng rao này đã vắng đi nhiều. Và khi bước sang thập kỷ 21, tiếng rao này không còn nữa. Cũng không thấy ai bán món chè có bột khoai – bún tàu – nước dừa nữa. Đó là lý do tôi chọn tiếng rao này để bắt đầu cuộc hành trình đi tìm một món chè xưa đã mất (?) của Sài Gòn. 

Nhờ anh Google và thùng sách quý giấu đầu giường, tôi khám phá ra bí ẩn đầu tiên: tên gốc ngắn gọn của món chè này chính là chè tào/ tàu thưng. Xin hầu quý vị vài câu chuyện từ các bậc tiền bối để chứng minh cho sự liên hệ giữa tiếng rao trên và cái tên này.

Trên trang nhà của Giáo sư Trần văn Khê, ông tả lại một buổi đi thuyền trên sông Sầm Giang với hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận vào năm 1939. Thuyền đi từ Vĩnh Kim ra Rạch Gầm. 

“Đáp lời mời của thi sĩ Khổng Nghi, hai nhà thơ lớn Xuân Diệu và Huy Cận đến Sầm Giang để cùng chúng tôi thưởng thức một đêm trăng trên sông, có nhạc, có thơ, có người đẹp và có cả những thức ăn đặc sản. Đêm đó có cháo gà xé phay, tráng miệng ngoài trái cây còn có món “tào thưng” (chè thưng gồm có bột khoai, bún tàu, nước dừa, đường cát). …Thuyền trôi đến chỗ nào ưng ý, chúng tôi neo thuyền lại rồi bắt đầu hòa đờn. Lúc nào cũng có người “lắng tai Chung Kỳ”. Rồi thưởng thức món cháo gà xé phay, ăn kèm rau ghém, bên cạnh đó cũng có vài chung rượu đế Vĩnh Kim cho ấm bụng. Chén “tào thưng” làm cho hai thi sĩ Miền Bắc tấm tắc khen ngon.” (Trên sông Sầm Giang đăng 5/6/2013, trang Trần văn Khê)

Sau này gặp lại, nhà thơ Xuân Diệu vẫn nhớ buổi du thuyền đêm đó và viết tặng Giáo sư một bài thơ, trong đó có câu:

“Dưới trăng, mời chén tào thưng,

Mà ba mươi lẻ năm chừng đã qua.”

                                                          (bài đã dẫn)

Trong khi đó ở Sài Gòn, nhà văn Minh Hương kể về tiếng rao hàng làm ông day dứt những đêm cô đơn trong tù (ông bị tù khoảng năm 1945-1954):  

“…khi thấy nửa vành trăng khuyết treo lơ lửng trên ngọn cây sao, cây dầu. Rồi có tiếng rao lảnh lót ngân vang ngoài đường “Ai ăn chè đậu xanh… bột báng… nước dừa… đường cát không?” (Sách “Nhớ… Sài Gòn”, trang 247). 

Minh Hương cũng nhớ “những câu rao hàng rất dài trong đêm vắng” ở đất Sài Gòn những năm sau đó: “Hò …hò…ai ăn chè đậu xanh, bột báng, nấm mèo, bột khoai, đường cát, nước dừa …không?” (Sách “Nhớ… Sài Gòn”, trang 99)

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, trong bài “Thơm bàn tay nhỏ” viết về hàng rong Sài Gòn, cũng nhắc tới tiếng rao này: 

“Ngày xưa khi Sài Gòn còn vắng, trưa nào cũng nghe tiếng rao lãnh lót ai bột khoai nước dừa bún tàu đường cát … hôn? Phải nói nghe riết thành ghiền. Trưa nào không nghe cũng cảm thấy bứt rứt không biết hôm nay chị bán chè tàu thưng đó có đau ốm gì chăng? “ (Trang nhà Đỗ Hổng Ngọc) 

Câu rao này còn rất có duyên với âm nhạc và thơ ca. Văn sĩ kiêm thi sĩ Trúc Giang hồi năm 1950 có viết truyện thơ “Cô Sáu tào thưng”. Nhạc sĩ Thu An thì viết bài vọng cổ “Gánh chè khuya” sau khi cám cảnh cô gái nghèo mười lăm tuổi đi bán chè nuôi mẹ già. Danh ca Út Trà Ôn và Út Bạch Lan ca bài này hay hết chỗ chê, nhứt là giọng cô Út Bạch Lan rao câu “mở hàng” đến động lòng:

“Ai ăn chè bột khoai bún tàu đậu xanh nước dừa đường cát hôn….”

Trong lời bài hát, tên tào thưng đã rút gọn lại thành “chè thưng”: 

“Em đi bán chè thưng. Nặng lo chữ hiếu cho tròn”. 

Như vậy, chè bột khoai – bún tàu – nước dừa – đường cát, sau đó thêm đậu xanh – bột báng có tên cúng cơm là tào/tàu thưng, sau đó gọi rút gọn là chè thưng. Tới đây tôi tự hỏi: sao lại là tào/tàu thưng mà không phải một cái tên tiếng Việt?

Cụ Sơn Nam, khi nhắc đến các món ăn Nam bộ, đã nhân tiện giải thích cho tôi hai chữ tào/tàu thưng: 

“Nên kể thêm các loại chè, như chè khoai môn nước cốt dừa, chè hột sen, chè đậu xanh đường cát (gọi tàu thưng, đậu và đường, tiếng Quảng đông âm lại)” (Nhiều tác giả – Nam bộ xưa và nay, trang 387 sách điện tử) 

Tôi vỡ lẽ: tào thưng hay tàu thưng, cũng có chữ tào/ tàu như trong tào phớ, hay tào/tàu hủ. Tào/tàu là đậu, và theo cụ Sơn Nam, thưng là đường. Nhưng chè đậu xanh chính cống của người Hoa chỉ có đậu xanh, không có bột khoai – bún tàu – nước dừa nên tôi lại đi tìm tiếp, nhứt là cái vụ bún tàu trong chè nghe nó kỳ kỳ.

Tôi viết email xin Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giải thích cho hai chữ bún tàu trong chè thưng. Bác sĩ trả lời: 

“Con chịu khó nghe bài vọng cổ này của Út Trà Ôn nhé, trong đó có tiếng rao ngọt ngào của cô gái bán chè Tàu Thưng. Bác còn thiếu ”đậu xanh” nữa mới đầy đủ con ạ. Hình như cái gọi là ”bún tàu” trong chè ở đây không phải “miến” đâu. Nó to bản hơn, dai hơn, rời rạc chớ không cuộn thành tổ như tổ chim đâu. Hồi nhỏ bác cũng hay… ăn chè nên nhớ mang máng đó con ạ!” 

Tôi đoán cái Bác Ngọc tả là bột khoai, vậy lúc Bác Ngọc ăn chè (chắc khoảng những năm 60 khi Bác vào Sài Gòn học Y khoa), bún tàu đã…không còn trong chè thưng nữa. Vì sao tiếng rao vẫn còn “bún tàu” như xưa?

Giây phút “A ha!” xảy ra bất ngờ khi tôi đọc “Những bước lang thang” của nhà văn Bình-nguyên Lộc, một cây bút kỳ cựu của Sài Gòn xưa. Cụ Lộc, thua cụ Vương Hồng Sển một giáp và hơn cụ Sơn Nam cũng đúng một giáp, sống hơn 45 năm ở Sài gòn từ đầu những năm 1930. Trong tập “Những bước lang thang”, xuất bản lần đầu vào năm 1966, cụ Lộc tả món “bột khoai” bán rong trên thuyền trong bài “Quà đêm trên sông Ông Lãnh”: 

“Đó là thứ quà hỗn hợp và hỗn độn, hình ảnh của những đợt sóng người tràn vào đây khai hoang đất mới từ ba trăm năm nay. Thứ chè ấy gồm cả những món ăn dùng để nấu thức ăn mặn như là bún tàu (miến), nấm mèo (mộc nhĩ), vân vân…Đặc biệt nữa là khi rao quà, họ kể hết các món ấy ra:

Ai…ăn bột khoai, bún tàu…đậu xanh, nước dừa, đường cát…hôn?” (Những bước lang thang, trang 11-12 sách điện tử)

Tôi nghi cụ Lộc ở nhà thường xuyên nấu ăn, vì chỉ có cụ mới có cái nhận xét rất nghề của người hay nấu ăn là có những món mặn trong cái món chè vốn ngọt này. Cụ thật sự “gãi đúng chỗ ngứa” cho tôi khi xác nhận có bún tàu (miến) trong món chè này. Cái tinh tế thứ hai của cụ là nhận xét của một người quan sát bén nhạy: chè này đặc biệt vì khi rao, người bán kể hết các thức có trong chè ra, chứ không rao gói gọn. Cái tinh tế thứ ba, liên tưởng của một nhà văn hóa, rằng đây là món tượng trưng cho “hình ảnh của những đợt sóng người tràn vào đây khai hoang đất mới từ ba trăm năm nay”. Cụ dùng từ vô cùng chính xác: “hỗn hợp” vì là sự kết hợp giữa nguyên liệu của nhiều tộc dân khác nhau cư trú trên đất Sài Gòn – Gia Định khi đó, còn “hỗn độn” vì có nhiều thứ mặn ngọt xen lẫn. Có lẽ, chỉ có dân khai hoang mới dám thử và chế ra một món chè bạo gan như vậy!

Nhưng bạn có để ý không, cụ Lộc không gọi chè thưng mà gọi là món bột khoai. Một người kỹ tính, tinh tế như cụ chắc không gọi bừa tên một món ăn mà cụ nhắc tới với giọng điệu trân trọng như vậy. Cụ làm tôi phải giật mình: hóa ra ngoài cái tên chè thưng, món chè này còn có một cái tên Việt dễ thương chất phác như vậy – chè bột khoai. 

Tôi vẫn chưa yên tâm nên lôi một trong các sách bửu bối ra tìm lần nữa. Cuốn “Từ điển văn hóa ẩm thực Việt Nam” ghi:

“Chè thưng: Đậu xanh ngâm mềm, đãi sạch vỏ, hấp chín, ướp với đường. Bột đao hòa với nước dão dừa, nước đường, bắc lên bếp vừa đun vừa khuấy đều tay cho bột chín đều, khi bột chín trong cho đậu xanh, hạt sen (hấp chín, ướp đường), mộc nhĩ (ngâm nở, thái chỉ), nước cốt dừa vào đảo đều. Ăn nguội.” (trang 349-350)

“Chè bột khoai nước dừa: Bột khoai ngâm nước cho nở. Đậu xanh ngâm mềm đai sạch vỏ nấu chín mềm. Lạc ngâm nước, bóc bỏ vỏ lụa, hầm mềm. Cho nước dão dừa vào xoong, bắc lên bếp, bỏ bột báng và bột khoai vào nấu trước cho chín cho tiếp lạc, đậu xanh và đường vào nấu để các thứ ngấm đường, chế nước cốt dừa vào đảo đều. Bắc xuống cho vani vào. Ăn nóng hoặc ăn nguội với đá.” (trang 450)

Theo các tác giả cuốn từ điển này, chè thưng có dạng đặc mà chè bột khoai là dạng lỏng. Cả hai đều có đậu xanh và nước dừa, ngoài ra chè thưng có hạt sen – mộc nhĩ còn chè bột khoai có bột khoai – bột báng – đậu phụng. Tôi nhờ anh Google tra coi bây giờ thiên hạ nấu chè thưng và chè bột khoai ra sao liền thấy xuất hiện thêm một cái tên – chè bà ba. Nhiều người giải thích một cách rất tự tin: chè thưng chính là chè bà ba. Và chè bà ba thì có thêm vô số kể các thứ mới như khoai lang, khoai mì, khoai môn…Tới đây tôi thật sự “tẩu hỏa nhập ma”: giờ biết tin ai? Trong thân tâm tôi vẫn thấy tin tưởng các vị tiền bối, các cụ đều là người đức cao trọng vọng, lời nói đáng tin. Vậy phải giải thích chuyện nguyên liệu một lần nữa “hỗn hợp” và “hỗn độn” như vầy ra sao?

Trước hết phải tìm ra xuất xứ chè bà ba. Theo Wikipedia tiếng Việt và giang hồ đồn đại thì chè này “là món chè được chế biến lại từ chè bột khoai đường cát của bà Ba bán chè nổi tiếng ở chợ Bình Tây (thuộc quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) cách đây khoảng một phần hai thế kỉ. Từ món chè bột khoai công thức chỉ gồm có nước cốt dừa, đậu xanh cà, bột khoai, khoai lang… bà đã thêm vào đó phổ tai, táo tàu, hạt sen, mộc nhĩ… tổng cộng tất cả từ 9, 10 thứ nguyên liệu mới trong một chén chè tạo nên món chè bà ba.”  Có người còn thêm cái tên bà ba là do “bởi món chè này ngon độc đáo, giống như người con gái đẹp miền Tây mặc chiếc áo bà ba mộc mạc mà hấp dẫn vô song”. Ý tưởng này nghe rất nịnh đầm nhưng sự thực chắc không nhiều lắm. Dù sao nó cũng làm tôi táy máy tra thử nguồn gốc “áo bà ba”. 

Nhiều người dẫn lời nhà văn Sơn Nam rằng áo bà ba là từ áo truyền thống của người Baba – người Mã lai Hoa thay đổi mà thành. Tiếc thay, không ai nói rõ Sơn Nam viết như vậy trong cuốn sách nào của ông và trang bao nhiêu. “Trong nhà” chưa rõ, đành “ra ngõ” mà hỏi. Sách “Đông Nam Á bách khoa toàn thư” (Southeast Asia – A Historical Encyclopedia from Angkor Wat to East Timor), trang 199-200, cho biết Baba Nyonya là tên nhóm hậu duệ Hoa – Mã lai (cha Hoa, mẹ Mã lai) cư ngụ nhiều nhất tại Melacca, Penang (Mã lai) và Singapore . Các gia đình thuộc tộc này đa phần khá giả và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, thương mại. Một số từ Melacca đã di cư đến Sài gòn mở các điểm chuyển tiền, cho vay và bao thầu nhiều tàu chở hàng giữa Sài Gòn và Singapore.

Rồi tôi thấy món Bubur Cha-cha của người Baba Nyonya với nguyên liệu gần tương tự chè bà ba: khoai lang, khoai mì, khoai môn, bột báng, nước dừa, có khác là họ nấu với đường thốt nốt thay vì đường cát trắng. Nhớ cụ Bình-nguyên Lộc có viết trong cuốn “Lột trần Việt ngữ”, trang 100 (sách điện tử trên trang binhnguyenloc.de), rằng người Việt thời đó gọi người Mã Lai bằng một trong năm từ sau: Miền Dưới, Chà Và, Mã Lai, Bà Lai và Bà Ba. Bà Ba có khả năng lớn là phiên âm của Baba Nyonya nhưng dân ta bỏ bớt chữ sau để gọi cho gọn. Dựa vào chuyện này, tôi mạnh dạn suy luận chè bà ba chính là chè của người Bà Ba do một người Hoa-Mã lai bán ở Sài Gòn. Người này có thể tên là Bà Ba, nhưng không ngẫu nhiên mà “truyền thuyết” nói bà này bán ở chợ Bình Tây. Đừng quên chợ Bình Tây còn được kêu là Chợ Lớn Mới do ông Quách Đàm, một thương gia người Hoa bỏ vốn xây cất vào năm 1928 và dĩ nhiên có rất nhiều người gốc Hoa buôn bán.

Rồi vì chè bà ba, chè thưng và chè bột khoai có nhiều nguyên liệu giống nhau, lại thêm lục tàu xá (chè sáu món của người Hoa, gồm đậu xanh, phổ tai, táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục, hoa móng tay hay vỏ quýt), ngưòi Sài Gòn bắt đầu pha trộn theo khẩu vị của riêng mình. Kết quả, Sài Gòn có vô số phiên bản chè thưng và chè bà ba, còn chè bột khoai không hiểu sao ngày càng ít phổ biến. 

Tới đây chắc sẽ có người cắc cớ hỏi tôi rằng sao lại đặt tên bài viết là chè thưng. Xin thưa, bởi tôi nghĩ chè thưng thực sự là con đẻ của đất Sài Gòn đa văn hóa, mạnh mẽ và phóng khoáng, sẵn sàng tiếp nhận cái mới và biến nó thành đặc trưng của riêng mình. Chè thưng bây giờ, không phải là chè tào/tàu thưng ngày xưa, không hoàn toàn là chè bột khoai, cũng không là chè của người Bà Ba, mà là một món chè chính hiệu Sài Gòn. Vàng ươm khoai lang, trắng bóc khoai mì, tím hồng khoai môn, xanh non phổ tai, trong ngần bột báng, vàng nắng đậu xanh, hồng hồng đậu phụng. Mềm dẻo của khoai, dai dai phổ tai – bột khoai – bột báng, sần sật đậu phụng, mềm nhừ đậu xanh, ngọt béo nước dừa. Có món chè nào trên đời đa sắc và đa vị được như vậy không?

Tôi tin chè thưng có thể tự tin cùng bánh mì thịt, nước mắm, phở đại diện “tinh hoa ẩm thực Việt Nam” đi thi đấu trên trường thế giới. Tôi tin một ngày nào đó, đánh vào tự điển Oxford hay tự điển Ẩm thực Larousse hai chữ chè thưng, tôi sẽ vui mừng đọc thấy dòng chữ “Món chè của Việt Nam” và lịch sử đa văn hóa của chè thưng. Tôi tin ở một hội chợ ẩm thực thế giới trong tương lai, gian hàng Việt Nam sẽ có chị gái mặc áo bà ba bán chè thưng, ngồi xổm cất tiếng rao:

“Ai ăn chè bột khoai bún tàu… đậu xanh nước dừa đường cát…hôn…”

Mong lắm thay!

 

Minh Lê (Suối Tiên, Khánh Hòa)

………………………………………………..

tác giả gởi ngày 17.10. 2020

 

Filed Under: Chẳng cũng khoái ru?, Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định

KHOẢNH KHẮC. Ảnh Lê Hồng Linh

05/10/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Khoảnh khắc

 

Ảnh Lê Hồng Linh

 

Lê Hồng Linh muốn tôi ghé thăm phòng triển lãm ảnh với chủ đề Thấu Cảm của anh lần này một chút- một chút thôi- và ghi lại đôi dòng cảm nghĩ.  Tôi đã ở vào cái tuổi tám mươi, lại chẳng biết gì về nghệ thuật, kỹ thuật nhiếp ảnh, nhất là trong một thế giới toàn cầu hóa, mỗi người đều như sẵn có một cái máy ảnh trong tay, bấm hoài chẳng sợ hết phim như những ngày xa xưa đó!

Thấu cảm (Empathy) tôi hiểu, không phải là đồng cảm, thông cảm… mà là Gaté, gaté, paragaté…vượt qua, qua “bờ bên kia” để mà hiểu cho “thấu”, để mà cảm cho “thấu”, rồi như  Quán Thế Âm Bồ-tát nghìn mắt nghìn tay làm một cái gì đó cho cõi nhân sinh.

Thế là tôi bước vào phòng triễn lãm của bạn. Và tôi cảm thấy mình bị shoc. Một nỗi buồn mênh mông xâm nhập hồn tôi. Đất nước tôi, dân tộc tôi đó ư? Sau cuộc chiến tranh đằng đẵng đầy bom đạn chết chóc, tang thương để rồi cũng chỉ là những nỗi buồn mênh mông vậy sao? Hình như nhà nhiếp ảnh muốn bày ra để mọi người thấy và muốn kêu lên để mọi người nghe.

Thấy gì? Thấy ánh mắt  buồn bã của một em bé vùng quê không được đến trường. Thấy những bà mẹ quê gồng gánh con như thời khói lửa, bà mẹ chợ đèo con trên xe đạp trong hai chiếc giỏ… Thấy một người đàn ông thân cò lặn lội trên vùng nước đọng, một người đàn ông khác ráng kéo con ngựa qua dòng thác lũ… Và thấy những nụ cười ngơ ngác của già nua…, ánh mắt sợ hãi của bé thơ…

Nghe gì? Nghe một tiếng kêu thương.

Rồi cũng thấy những tà áo dài trắng tinh khôi lướt qua cây cầu khỉ, soi mình xuống dòng kênh, một “con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi…” của ngày xưa, và chiếc xe vua chở ba cô học trò vút bay trong hoa nắng. Chiếc xe vua rồi cũng mất, cây cầu khỉ rồi chẳng còn. Chút kỷ niệm ngọt ngào trong trắng kia làm sao tồn tại trong một thế giới đảo điên, tràn đây vật chất mà thiếu tình người, thiếu hồn nhiên trong sáng…

Tôi thấy dâng lên một nỗi buồn. Sự nghèo khó. Sự cô đơn. Sự bất hạnh… Có thể  từ đó mà có sự “thấu  cảm”, từ đó mà có ánh mắt bàn tay của Quán Thế Âm chăng? Tôi nghĩ Từ bi là không đủ. Một đống rác khổng lồ sặc sở như núi kia bao giờ sẽ thành hoa? Những người già nua kia rồi về đâu? Những bé thơ hồn nhiên nọ bao giờ sẽ bình minh? Và những người tật nguyền…

Tôi cũng chợt nhận ra cái đẹp ở “Khoảng khắc” dưới ống kính của người nghệ sĩ. Bé sợ hãi chới với níu tay mẹ. Bà cõng bé như trốn chạy với những ngón tay quíu lại một vành đai. Cái ánh mắt của con khỉ ôm chặt lấy em bé như một chỗ dựa khi thiên nhiên bị tàn phá không còn là chốn nương thân… Và chiếc xe vua bay giữa ngàn sao…

Lê Hồng Linh chia sẻ về nghề:

Máy ảnh không phát hiện được cái đẹp.

Chỉ có độ nhạy cảm con người mới nhìn thấy và sáng tạo cái đẹp.

Tâm hồn là loại ống kính tốt nhất mà nhà nhiếp ảnh phải gìn giữ sự trong sáng của nó.

Quả thực, ảnh của Lê Hồng Linh là cái hồn, từ nụ cười đến ánh mắt, từ làn sóng đến cơn mưa… Với tôi, anh là một nhà thơ biết ‘tan vào nhau trong từng khoảnh khắc” khi anh viết những câu thơ cho một bức ảnh:

Anh/ như mây/ như sương

Trôi/ đến núi em/ thành thủy mặc

Tan vào nhau/ trong từng khoảnh khắc

Tuyệt mù

(LHL)

 

Tôi bỗng nhớ một bài thơ cổ:

Chàng như mây mùa thu

Thiếp như khói trong lò

Cao thấp tuy có khác

Một thả cũng tuyệt mù…

 

“Một thả”, ấy là “tan vào nhau” đó vậy.

Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon, Trung thu 2020)

 

An instant

Lê Hồng Linh asked me to stop by his photography exhibition Empathy for a short visit – just a short visit — and to write some comments. I was eighty years old and knew nothing about the art and technique of photography in a globalized world where everyone likely had a camera on hand, took countless pictures, and never run out of the roll film like ancient days..

I knew that Empathy was neither sympathy nor compassion. It should be Gate Gate Paragate Parasamgate… to cross to the other shore, to completely understand, to thoroughly feel, and to follow the steps of the thousand-armed and thousand-eyed Quán Thế Âm Bodhisattva to make this world a better place..

Thus I stepped into his photography exhibition. And I felt shocked. A vast sorrow soaked up my heart. My country, my people there? After a long deadly war that bombarded and destroyed so much, only a vast sorrow lingered here, didn’t it? It seemed that the photographer wanted his photos to be seen, and his loud cries to be heard..

Seeing what? Seeing the sad eyes of a countryside youth who had no chance to go to school. Seeing a countryside mother who used a shoulder pole to carry her child just like in the wartime. Seeing an urban mother who rode a bike on which her children sat in two baskets.

Seeing a lonely man who waded through backwaters. Seeing another man who tried to pull a horse over a torrential flood. And seeing the dazed smiles of the old people… seeing the fearful eyes of the youths.

Hearing what? Hearing a cry of Empathy.

Then I saw the white flaps of long dresses from the schoolgirls who stepped cautiously over a monkey bridge and looked at their reflections on the water surface of a canal that brought back memories of a “greenish canal of gently flowing water in the afternoon”… Then I saw a cycle rickshaw with three schoolgirls seating rushed wildly amidst the flowering of sunshine. The cycle rickshaws are now gone, so are the monkey bridges. How could the sweet and innocent memories linger in this upside-down world, which is full of materialistic things and lacks of human compassion and sinless innocence?

I felt the arising of sorrow. Poverty. Loneliness. Misery… From there, maybe empathy could arise, and the Quán Thế Âm’s eyes and hands could appear? I thought Compassion was not enough. How long for a huge colorful dumpsite that was as high as a mountain to become a flower field? Where would the old go? When would the young live in the sunrise of their life? And disabled people….

I also suddenly discerned the beauty of An Instant revealed through the lens of the artist. A child fearfully grasped her mother’s hand. With her fingers gripping like a belt, a woman piggybacked her child in a hurry, as fugitives on the run. The light in the eyes of a monkey who held firmly a child as a sort of anchor while all the nature around was destroyed and left nowhere for them to lean on. And the cycle rickshaw that flew among thousands of stars….

Lê Hồng Lĩnh shared his thoughts about photography:

The camera could not point out the beauty.

Only the human sensibility could discern and create the beauty.

The human mind was the best lens that the photographer had to keep it as pure as possible..

In fact, Lê Hồng Linh photos had their own souls – from a smile to the shining eyes, from the river waves to a falling rain… In my mind, he was a poet who knew “how to blend into his love in every instant” when he wrote some poetic lines for a photo:

I / like clouds / like fog

Flew / to you, the mountain / became an ink wash painting

Blending into each other / in every instant

Wonderfully invisible.

(LHL).

I suddenly recalled an ancient poem:

You was like a cloud of autumn

Me, a column of smoke from the chimney

High and low – differently

Once had flown – wonderfully invisible..

“Once had flown”— that implied “blending into each other”.

 

ĐỖ HỒNG NGỌC

(Saigon, Mid-Autumn 2020)

Translated by NGUYÊN GIÁC PHAN TẤN HẢI

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim

Thư gởi bạn xa xôi (9.2020)

25/09/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

Thư gởi bạn xa xôi

(25.9.2020)

Sáng mở email, thấy Bác sĩ Nguyễn Cầm, anh bạn cùng khóa ở Y khoa Đại học đường Saigon với mình (1962-1969) chuyển cho bạn bè một bài viết rất dễ thương của Nguyễn Nhật Ánh: Về giọng nói ở một nơi không có xe lam.

Nguyễn Cầm vui lòng cho mình post lại trên trang này nhé. Cám ơn bạn.

Dịp này mình cũng chia sẻ thêm vài câu chuyện quanh “giọng nói” đặc biệt vùng miền này để tặng ca sĩ Thu Vàng, nhà văn Trúc Hạ, Nguyễn Quang Chơn cùng các bạn ở Hội An nhe.

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

.

 

Về giọng nói ở một nơi không có xe lam

Nguyễn Nhật Ánh

 

  1. Xưa nay Quảng Nam có lẽ là địa phương mà giọng nói bị đem ra trêu ghẹo nhiều nhất nước. Nói cho công bằng, so với một số vùng miền Bắc và miền Nam, người Quảng phát âm rất chuẩn xác các phụ âm đầu.

Giọng Quảng phân biệt một cách rõ ràng giữa âm TR và CH, S và X, D và V, R và G… Nhưng âm giữa và âm cuối, người Quảng thường phát âm chệch.

“En không en tét đèn đi ngủ” (Ăn không ăn tắt đèn đi ngủ) có lẽ là câu nói phổ biến nhất nhằm giễu cợt cách phát âm của người Quảng. Người ta còn bảo ở Quảng Nam không có xe lam, xe đạp. Hỏi tại sao, đáp: Tại Quảng Nam chỉ có xe “lôm”, xe “độp”.

Liên quan đến chiếc xe đạp, còn có câu chuyện hài: Người Quảng Nam đi vào một cửa hàng bán phụ tùng xe ở Sài Gòn, cố uốn giọng để phát âm cho chuẩn, oái ăm sao rốt cuộc lại thành: “Bán cho tôi một cái… láp xe độp”.

Người bán sau một hồi gặng hỏi, bực mình: “Lốp xe đạp” thì nói đại là “lốp xe đạp” ngay từ đầu, còn bày đặt… nói lái là “láp xe độp”. Nào có cố tình lái liếc gì đâu, thật oan còn hơn oan Thị Kính! Những câu chuyện như thế, ngẫm ra còn rất nhiều.

  1. Nhà thơ Tường Linh sáng tác nguyên một bài thơ theo giọng Quảng, trong đó mọi âm “ô” ở cuối câu đều biến thành âm “ơ”:

Rủ nhau vô núi hái chơm chơm
Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm
Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc
Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm
Mùa đông tơi lá che mưa bấc
Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm
Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa
Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!

Nhà thơ trào phúng Tú Rua cũng có một bài tương tự, nhưng trong bài thất ngôn bát cú này “a” biến thành “ô”:

Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm
Ăn hòn nói cục chẳng thôm lôm
Có chàng công tử quê Đà Nẽng
Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm
Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ
Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm
Thêm ông hàng xóm người Hà Nội
Chả hiểu mô tê cũng tọa đồm.

Cả hai bài đều hay.

  1. Trong tác phẩm Quán Gò đi lên của tôi,nhân vật chính là một cô gái xứ Quảng: con Cúc “nước mắm Nam Ô”. Con Cúc phục vụ trong quán Đo Đo “chuyên bán các món ăn xứ Quảng”, nói giọng Quảng đặc sệt. Lúc con Cúc mới vô làm ở quán, xảy ra câu chuyện sau đây:

“Khách đòi mua bánh bèo đem về, con Cúc kêu con Lệ:

– Chị kiếm cho em cái “bô”!

Chữ “cái bao” qua cái giọng nguyên chất của con Cúc biến thành “cái bô” khiến con Lệ thừ ra mất một lúc. Rốt cuộc, tuy không hiểu con Cúc kiếm cái bô làm chi, con Lệ vẫn vào toa lét cầm cái bô đem ra:

– Nè.

Con Cúc ré lên:

– Trời, lấy cái ni đựng bánh bèo cho khách răng được?”

Như vậy, giọng Quảng Nam không chỉ xuất hiện trong những câu chuyện tiếu lâm dân dã, mà còn đi vào cả văn thơ. Ở đây, không thể không để ý đến một điểm đặc biệt: nhà thơ Tường Linh, nhà thơ Tú Rua và tôi đều là… người Quảng Nam. Và tôi e rằng những mẩu chuyện cười về giọng Quảng đa phần đều do người Quảng Nam sáng tác.

  1. Người Quảng Nam sao lại đem cái giọng của quê mình ra giễu cợt? Hỏi vậy là chưa hiểu đúng cốt cách người Quảng. Chỉ những cộng đồng tự tin cao độ và có óc hài hước mới không ngại “tự trào” về mình. Ở đây có điều gì đó tương tự thái độ của người dân xứ Gabrovo (Bulgaria): họ sáng tác những câu chuyện cười về tính keo kiệt của mình, thậm chí còn thành lập cả một nhà bảo tàng nghệ thuật trào phúng Gabrovo để lưu giữ và tìm cách quảng bá những giai thoại cười ra nước mắt đó ra thế giới.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy trong những bàn trà, cuộc rượu, chính dân Quảng Nam là những người kể một cách sảng khoái nhất những mẩu chuyện cười về giọng Quảng chứ không ai khác. Những người dân của xứ “xe lôm”, “xe độp” đó cũng là những độc giả đón nhận những vần thơ “tự trào” của Tường Linh, Tú Rua một cách vô cùng nồng nhiệt.

  1. “Tự trào” là xét về phương diện thái độ. Nhưng nếu chỉ thuần đề cao khía cạnh tinh thần, những mẩu chuyện khôi hài, những vần thơ cuốn truyện nói về giọng Quảng đã không được dân Quảng tâm đắc đến vậy.

Bên cạnh sự thích thú, còn có sự thân thương. Nhất là những người Quảng tha hương, đã bao nhiều năm không được sống trong khung cảnh quê nhà, bây giờ bỗng đọc thấy, bỗng nghe nói chữ “con tơm” thay vì “con tôm”, “cái bô” thay vì “cái bao”, “thôm lôm” thay vì “tham lam” tự nhiên thấy bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ ùa về.

Cái giọng nói mộc mạc, quê kiểng đó là giọng nói của ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hàng xóm láng giềng mà mình đã quen tai từ nhỏ, ngay từ lúc còn nằm u ơ trong chiếc nôi ru. Chất giọng đó đã ngấm qua bao mưa nắng, trải qua bao bão giông của thiên nhiên và cuộc đời mà hình thành và trụ lại cho đến hôm nay.

Nó gợi lên những vùng đất, những mặt người, những ký ức mà người Quảng xa xứ nào cũng chất chứa trong lòng như một hành trang vô hình. Nó là một giá trị phi vật thể, không phải để tổ chức UNESCO công nhận mà để những người Quảng tự hào như một tấm “căn cước tinh thần” mà mình mang theo suốt cả đời người. Có thể nói, giọng Quảng là một phần của văn hóa Quảng.

  1. Giọng Quảng như vậy đã đi vào văn vào thơ, vào những giai thoại dân gian. Bây giờ với Ánh Tuyết, một ca sĩ Quảng Nam, nó đi vào nhạc. Âu cũng là một lẽ tự nhiên.

Khi nhà thơ Lý Đợi (cũng người Quảng Nam) gửi cho tôi qua email bài Mưa chiều kỷ niệm được hát bằng giọng Quảng, tôi nghe, thoạt đầu thì bật cười, nhưng càng nghe càng xúc động, cuối cùng là rưng rưng nước mắt.

Lúc đó tôi chưa biết người hát là Ánh Tuyết. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần, mường tượng đó là giọng của người chị họ yêu dấu năm xưa, của cô bạn gái ngây thơ thời trung học. Càng nghe càng thấy nhớ và bồi hồi nhận ra cái chân chất trong giọng hát, trong tâm tình người Quảng chân quê.

Ánh Tuyết chưa ra album, những bài hát demo kia đã phát tán trên mạng nhanh như gió. Và tôi đọc thấy biết bao lời chia sẻ đượm thương yêu, trìu mến của người Quảng đang lưu lạc ở khắp nơi trên thế giới. Họ cảm ơn Ánh Tuyết, cảm ơn những ca khúc hát bằng giọng Quảng đã giúp những người Quảng tha hương được một lần thổn thức hoài vọng quê nhà.

Hiển nhiên, giọng Quảng không phải là giọng để chinh phục và phổ biến những ca khúc một cách chính thức, đại trà. Bên cạnh giọng Quảng, những ca khúc trong album Duyên kiếp còn được Ánh Tuyết trình bày bằng giọng Bắc – dành cho những thính giả chưa có “bằng B tiếng Quảng”.

Rõ ràng, Ánh Tuyết thực hiện album này như  là một cuộc chơi của người con xứ Quảng. Như các nhà thơ Tường Linh, Tú Rua đã từng chơi những cuộc chơi của mình.

Những cuộc chơi nghiêm túc. Và giàu ý nghĩa, ít ra là với người Quảng Nam!

Nguyễn Nhật Ánh

(https://thanhnien.vn/van-hoa/ve-giong-noi-o-mot-noi-khong-co-xe-lam-439694.html)

………………………………………………………..

 

Viết thêm:

  1. Một lần nghe nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể chuyện khi ở quê mới vào Saigon, anh kêu xích lô bảo về đường “Bò Họt”, không ai hiểu, phải viết ra giấy.  Ối trời! Đường Bà Hạt mà cứ Bò Họt Bò Họt hoài thì ai mà biết… Bác xích lô kêu trời.

Nguyễn Nhật Ánh “ngán ngẩm” nhìn dòng người xếp hàng chờ đợi anh ký tên… tại Hội chợ sách năm kia ở Saigon (ảnh ĐHN).

 

2. Nhà văn Huỳnh Ngọc Chiến kể ở xứ Quảng có ông Dương Quốc Thạnh, biệt hiệu Sơn Hồ, chuyên làm thơ “nói lái” theo thể Đường luật rất hay. Có lần một cặp trai gái yêu nhau chưa cưới mà đã mang bầu mấy tháng. Đàng gái xin cho cưới gấp đàng trai không chịu. Nhà thơ quen biết cả hai bên nên nhà gái nhờ ông thuyết phục. Cuối cùng đám cưới vẫn được diễn ra với cô dâu mang bầu 6 tháng (!). Không khí nặng nề giữa hai họ được giải tỏa hoàn toàn khi nhà thơ – với tư cách chủ hôn- đọc bài thơ:

Ai bàn  chi chuyện đã an bài
Trai khiển đồng tình gái triển khai
Cứ sợ cho nên thành cớ sự
Mai than mốt thở lỡ mang thai
Tính từ  ngày tháng vương tình tứ
Khai ổ  bây giờ báo khổ ai
Cưỡng chúng ông bà nghe cũng chướng
Thôi đành để chúng được thành đôi!

(chuyện kể của Huỳnh Ngọc Chiến).

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim

“Tháng sinh nhật” (tiếp)

04/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Thư gởi bạn (8.2020 tiếp!)

“Tháng sinh nhật”

Chuyện bây giờ mới kể

 

Anh Hai Trầu Lương Thư Trung là một người rất dễ thương, năm nay mới 78, nhỏ hơn tôi vài tuổi, dân Châu Đốc, miệt vườn thứ thiệt, rành chuyện mùa màng sông nước không ai bằng. Lạ, anh mê sách và bây giờ anh đã có khá nhiều “đầu sách”, nổi tiếng với Mùa màng ngày cũ kể chuyên thôn dã đọc mê, rồi Người đọc và Người viết… thì có những nhận định sâu sắc về “nghề đọc” và “nghề viết”… khá lý thú.

Anh Hai Trầu tưởng là mê sách, lang thang các nhà sách từ thuở đôi mươi học ở Saigon đến giờ, hóa ra anh mê… người bán sách! Anh gặp chị Bảy làm việc ở một tiệm sách Tây ở đường Ngô Đức Kế, góc Nguyễn Huệ bây giờ, anh cứ giả bộ rề rề coi cọp sách trong tiệm. Thế rồi như anh dẫn hai câu ca dao khi viết cảm nhận về cuốn Để Làm Gì của tôi: Chuyện cang thường đâu phải cá tôm/ Đang mua mớ nọ lại chồm mớ kia!  cho nên vừa rồi anh Hai chị Bảy làm kỷ niệm 50 năm Ngày Cưới rất trang trọng, con cháu đầy đàn, đông đủ…

Tóm lại, tưởng anh mê sách là hổng phải nhe, phải nói anh mê “người bán sách” mới đúng!

ĐHN

……………………………………………………………….

HAI TRẦU
TÔI ĐI TÌM SÁCH

Hồi đời trước, người đọc sách thế hệ như chúng tôi, ít khi nào được làm quen với các tác giả nên ba cái vụ tác giả tặng sách cho người đọc như ngày nay, tôi thấy dường như là hổng có trừ những bạn bè thân thiết riêng của các tác giả thì tôi hổng biết; kỳ dư hổng có tác giả nào tặng sách cho người đọc! Ai muốn đọc sách thì tìm tới nhà sách để mua sách; còn không muốn mua thì tới thư viện mượn sách; còn như nếu không muốn tới thư viện nữa thì người ta tìm các chỗ cho mướn sách và đến đó mướn sách về đọc.

Trong công việc đọc sách, tôi có cái thú vui nữa là ưa tìm kiếm và đúc kết các tác phẩm của các tác giả có nhiều sách giá trị và quý. Chẳng hạn tôi ưa tìm kiếm và đúc kết sách của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, của học giả Vương Hồng Sển … Thật tình ra, các tác phẩm của các bậc tiền bối ấy đã in có khi rất lâu, năm ba chục năm, mà lại nhiều nữa, nên các năm xuất bản hoặc nhà xuất bản nào in lần đầu hoặc tái bản chẳng hạn nó nằm rải rác khắp nơi, có khi mình muốn tìm, muốn biết, nhiều lúc chẳng biết đường đâu mà mò!

Trong sở thích đó, vài năm trước, có lần tôi ghé ngang qua Sài Gòn, tôi đi tìm sách của các tác giả như học giả Vương Hồng Sển, nhà văn Nguyễn Hiến Lê và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ở vài nơi để bổ túc những quyển nào của ba vị này mà tôi chưa có, trong đó có đường Sách Sài Gòn nằm bên cạnh nhà Bưu Điện, bên hông Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Nơi đây bán rất nhiều sách, đặc biệt là các quầy sách cũ xuất bản trước 1975, nhưng rất khó tìm sách vì người ta để không theo thứ tự nào cả. Tôi thả bộ ra khu Lê Lợi nhưng lúc bấy giờ đại lộ Lê Lợi bị rào chắn lại để sửa đường rất khó đi đến nhà sách Khai Trí, nên tôi tạt qua đường Nguyễn Huệ và gặp nhà sách Nguyễn Huệ nằm trên đường này gần góc đường Ngô Đức Kế & Nguyễn Huệ, gần với nơi có Bookshop ngày trước. Ở đây cũng như nhiều nhà sách khác từ xưa tới nay người ta thường chưng bày (có chỗ viết “trưng bày”) sách trên các kệ sách kê sát tường theo từng loại hoặc theo tên tác giả; nhưng đặc biệt sách của học giả Vương Hồng Sển và nhà văn Nguyễn Hiến Lê được chưng bày rất trang trọng và mỹ thuật ngay chỗ vừa bước vào rất nhiều tựa sách.

Kệ sách của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong nhà sách Nguyễn Huệ (Sài Gòn) [Hai Trầu, tháng 9 năm 2018].

Tình cờ tôi bắt gặp kệ sách của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc với các tác phẩm được để trên kệ riêng biệt như một cái tủ kính rất lớn và đứng lại coi từng tựa sách một rồi lựa mua những cuốn nào mình chưa có. Lúc bấy giờ tôi nhìn quanh thấy nhiều người cùng ghé lại cầm những cuốn sách trên quầy sách này lên và lật lật ra xem. Tôi đếm thử thì có khoảng hơn bốn chục tựa sách như vậy được chưng bày ở đây.

Thật ra, lúc bấy giờ theo chỗ tôi được biết thì các sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã xuất bản rất nhiều tác phẩm rồi, có khi lên tới trên 50 cuốn, và nay có vài cuốn đã tuyệt bản! Nhờ lần đó mà tôi lò mò ghi chép các tựa sách, các năm xuất bản và nay tôi tạm đúc kết các tác phẩm của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc theo chủ đề và theo thứ tự thời gian như dưới đây:

Tác phẩm của Bác sĩ ĐỖ HỒNG NGỌC:
(Hai Trầu sưu tập, tháng 7.2020)

I. THƠ

1/ Tình Người (1967)
2/ Thơ Đỗ Nghê (1973)
3/ Giữa Hoàng Hôn Xưa (1993)
4/ Vòng Quanh (1997)
5/ Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác (2010)
6/ Thơ Ngắn Đỗ Nghê (2017)
7/ Những Bài Viết Về Thơ Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc):
“Như Không Thôi Đi Được” (2020).

II. VĂN: Tùy bút, tạp văn

1/ Gió Heo May Đã Về (1997)
2/ Già Ơi… Chào Bạn! (1999)
và bản dịch tiếng Nhật của Kazuo Minagawa (2001)
3/ Những Người Trẻ Lạ Lùng (2001)
4/ Thầy Thuốc & Bệnh Nhân (2001)
5/ Như Ngàn Thang Thuốc Bổ (2001)
6/ Cành Mai Sân Trước (Tuyển tập, 2003)
7/ Thư Gởi Người Bận Rộn I (2005)
8/ Khi Người Ta Lớn (2007)
9/ Như Thị (2007)
10/ Chẳng Cũng Khoái Ru? (2008)
11/ Nhớ Đến Một Người (2011)
12/ Thư Gởi Người Bận Rộn II (2011)
13/ Ăn Vóc Học Hay (2011)
14/ Ghi Chép Lang Thang (2014)
15/ Già Sao Cho Sướng? (2015)
16/ Có Một Con Mọt Sách (4.2015)
17/ Một Hôm Gặp Lại (2016)
18/ Chuyện Trò Cùng Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc Về Nếp Sống An Lạc (2017)
19/ Về Thu Xếp Lại (2019)
20/ Biết Ơn Mình (2019)
21/ Để Làm Gì (tháng 6 năm 2020)

III. PHẬT HỌC

1/ Nghĩ Từ Trái Tim (về Tâm Kinh Bát Nhã, 2003)
2/ Gươm Báu Trao Tay (về kinh Kim Cang, 2008)
3/ Handing Down Precious Sword (bản dịch tiếng Anh, 2015)
4/ Thấp Thoáng Lời Kinh (2012)
5/ Thiền và Sức khỏe (2013)
6/ Ngàn Cánh Sen Xanh Biếc (về kinh Pháp Hoa, 2014)
7/ Cõi Phật Đâu Xa (về kinh Duy Ma Cật, 2016)
8/ Thoảng Hương Sen (2018)
9/ Thấp Thoáng Lời Kinh (Thư viện Hoa sen, 2019)
10/ Tôi Học Phật (Thuvienhoasen 11.2019)

IV. Y HỌC THƯỜNG THỨC

A- Sách dành cho tuổi mới lớn:
1/ Những Tật Bệnh Thông Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò (1972)
2/ Nói Chuyện Sức Khỏe Với Tuổi Mới Lớn (1989)
3/ Bệnh Ở Tuổi Hoc Trò (1990)
4/ Viết Cho Tuổi Mới Lớn (1995)
5/ Với Tuổi Mười Lăm (1997)
6/ Bỗng Nhiên Mà Họ Lớn (2000)
7/ Bác Sĩ Và Những Câu Hỏi Của Tuổi Mới Lớn (2003)
8/ Tuổi Mới Lớn (Tuyển tập, 2005)
9/ Khi Người Ta Lớn (2011)

B- Sách dành cho các bà mẹ:
1/ Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng (1974)
2/ Chăm Sóc Trẻ Từ Sơ Sinh Đến 3 Tuổi (1978)
3/ Làm Sao Để Trẻ Được Khỏe Mạnh Và Thông Minh?
4/ Những Bệnh Nguy Hiểm Thường Gặp Ở Trẻ Em (tập 1,2)
5/ Săn Sóc Con Em Nơi Xa Thầy Thuốc (1986)
6/ Nuôi Con (1988)
7/ Sức Khỏe Trẻ Em (1991)
8/ Câu Chuyện Sức Khỏe (1996)

Tổng cộng gồm 55 quyển (chưa kể còn vài tác phẩm trên liên mạng, chưa in).

Thật đơn giản đối với tôi khi có dịp tôi đi tìm sách ở các nhà sách để mua và sưu tầm rồi đúc kết các tác phẩm của các tác giả đã xuất bản mà mình thích là một trong những thú vui mà tôi nghĩ là, dù ở tuổi nào đi nữa, tôi không thể nào bỏ được thói quen rất dễ thương này vậy!

Hai Trầu
Houston, ngày 27 tháng 07 năm 2020.

Nguồn: tranthinguyetmai.wordpress.com

……………………..

Viết thêm: Có bạn hỏi thăm 2 cuốn sách dịch, xin gởi thêm vài tấm hình.

Cuốn Già Ơi… Chào Bạn! do Kazuo Minagawa dịch sang tiếng Nhật (Nhà xuất bản Sosisha, Tokyo 2001) và tái bản ngay cùng năm.

Cuốn Gươm báu trao tay (viết về Kinh Kim Cang) do Diệu Hạnh Giao Trinh (Paris 2015) dịch sang tiếng Anh, Thiện Tri Thức ấn hành.

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

“Tháng sinh nhật” (thư gởi bạn)

04/08/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn (8.2020 tiếp theo),

“Song Kiếm Hợp Bích”

 

Ghi chú: Trên Trang nhà tranthinguyetmai.wordpress.com có một bài… hơi dài, chúc mừng Sinh Nhật một người không có Ngày sinh (chỉ có Tháng sinh) là tôi, trong đó, cặp Uyên ương… đã “song kiếm hợp bích” với những đường kiếm vô chiêu tuyệt đẹp.

Đỗ Thanh Tùng là Kiến trúc sư… phu quân của nhà thơ duyên mà ai cũng biết, tung một bài thơ làm giựt mình…

Đa tạ Đỗ Thành Tùng. Đa tạ Duyên Bùi,

DHN

 

ĐỖ THANH TÙNG
CHUYỆN Ở LA GI

ở la gi nhớ một thời
ấu thơ nuôi lớn chỉ lời mẹ ru
ở la gi chiều mịt mù
quanh co bờ ruộng mù u mọc tràn
ở la gi có lá vàng
lá rụng về cội những hoàng hôn xưa
ở la gi có chiều mưa
về qua lối cũ cho vừa lòng nhau
ở la gi có nhịp cầu
chạnh lòng sóng nước chở sầu đi qua
ở la gi nhớ mẹ già
cài hoa hồng kẻo về bà ngoại mong
ở la gi có giòng sông
giòng sông đã khuất mênh mông (xế tà!)
ở la gi giỗ la ngà
sông ơi cứ chảy cùng tà huy trôi
…………………………………………
ở la gi có… một thời
biển sóng cùng nước muôn đời chờ trông
ở la gi có như không
ở la gi có như không… có gì !

đỗ thanh tùng
gửi mừng sinh nhật anh đỗ hồng ngọc

 

LAGI by Do Hong Ngoc

 

DUYÊN
TUỔI RỒNG VÀNG

Gần đây Nguyệt Mai @ rủ một nhóm bạn viết cho anh Ngọc, mừng Đỗ thi sĩ năm nay vừa tròn 80. Không biết anh có đặt tên cho lứa tuổi này một cái tên dễ thương như những lứa tuổi trước đó chưa, như tuổi hườm hườm, tuổi gió heo may đã về… tôi rất thích.
Trong một bài viết, khi bàn về đời sống, anh đề cập đến lứa tuổi hiện tôi đang trải nghiệm: 65 -75. Anh cho đây là thời gian đẹp nhất, dễ chịu nhất của đời người. Khi đọc qua những điều anh lý luận, đã làm tôi vui và hạnh phúc hơn, tuổi tác không là vấn đề, sống lành mạnh, tránh bệnh tật, phiền não, ở tuổi nào cũng thấy vui…

Tôi thua anh đúng một giáp để được cầm tinh con rồng… anh tuổi Canh Thìn, tôi Nhâm Thìn. Tôi mong có chút gì giống được anh chăng?
Năm Nhâm Thìn nghe kể lại bão lụt ghê gớm lắm, nhiều nơi nếu không mất mạng thì cũng trắng tay, nhất là miền Trung, khi nhắc đến năm này người ta thường liên tưởng đến tai ương, tội tình giống như nói về năm 2020 này vậy, có phải đây là thử thách của Thượng Đế cho loài người bớt tham sân si mà vẫn nhìn ra hạnh phúc. Mới đây nhất, khi đọc trên Blog Phạm Cao Hoàng, để tưởng nhớ nhà văn Mang Viên Long vừa qua đời, anh PCH đã cho đi lại vài truyện ngắn hay và buồn của tác giả. Truyện có nhắc lại khổ nạn của năm Thìn, đúng vào ngày mẹ tác giả qua đời trong một đêm mưa, lũ lụt miền Trung. MVL là nhà văn mà họa sĩ Đinh Cường có vẽ một bức tranh tôi rất yêu thích, trên trán ông bao nhiêu là chiếc chìa khóa (tượng trưng cho công việc ông nhẫn nhục làm khi không còn được làm thầy giáo sau tháng 4 năm 1975) ông giúp người mở lại cánh cửa đã khóa (không còn hy vọng), không biết ông có nhớ làm riêng cho mình một chìa để sao cuộc đời ông buồn quá, chắc chắn năm Nhâm Thìn cũng đã ám ảnh ông. RIP anh MVL.
Tôi sinh ra tại miền Bắc, năm đó có lụt lội không, tôi không được biết, nhưng bom đạn thì tôi đã biết từ khi mới được lên 3 ngày tuổi, năm Nhâm Thìn. Sao vùng nào trên đất nước cũng buồn quá vậy kìa?

Nghe người ta hay khen tuổi Thìn rất tốt, mong đó là sự thật. Điều này có lẽ phải đúng cho anh ĐHN, vì từ khi quen biết anh, tôi nghiệm thấy điều đó. Không biết nhiều về tuổi Canh Thìn, nên tôi tìm vào tử vi đọc chơi cho vui.

“Canh Thìn là số rất cao,
Số có kẻ đón người đưa rộn ràng.


Thuận sinh tiếp đãi dạ thưa,
Hiển vinh một cách có thừa chẳng sai
”

Mấy câu nôm na, à ê quá, có dám gửi cho anh cười vui ngày sinh nhật… Người viết có quen không, sao họ biết rõ về anh vậy kìa? Đúng là anh rồi, y chang luôn!

Một điều rất hay là bất kỳ lứa tuổi nào, anh đều nhìn thấy cái đẹp, cái hoàn hảo của tuổi đó dưới một nhãn quan khoa học, lồng vào cái suy nghĩ nên thơ, bẩm sinh, giầu có của một thi sĩ tài hoa. Người đọc luôn thấy mình may mắn và hạnh phúc. Lối viết dí dỏm, vừa khen, vừa như trêu ghẹo nhưng sau đó, anh vẫn tiên đoán, chắc mẩm: một hạnh phúc sẽ có trong tầm với nếu ta luôn cố gắng và biết cách sống. Bạn bè hoan hỉ “share” các bài viết của anh trên mạng. Khi nhận được tôi vẫn thích thú đọc lại, dù đã đọc nhiều lần… qua những quyển sách dễ thương mang tên anh đang khoe mình trên kệ sách (một số do chồng tôi sưu tập giùm, một số do tác giả tặng)

Dĩ nhiên khi viết, anh thường dùng kinh nghiệm sống của chính mình. Bác sĩ, nhà văn, nhà thơ Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc là người rất thành công trong đời về đủ mọi mặt, sách anh viết lại nhẹ nhàng bình dị, rất gần gũi với mọi người, bạn đọc tưởng như đang nghe chuyện của một người bạn, người anh, chú, bác hay ông của mình, một người thấm đẫm Phật pháp, từ tâm, rất uyên bác đang rủ rỉ bảo ban: cố lên nhé, bạn đang có đời sống, đó là điều tuyệt vời, hãy ôm nó bằng hai cánh tay thương yêu và một trái tim tỉnh thức, tôi dám chắc bạn đang là người Hạnh Phúc nhất! Trong một quyển kinh nào đó tôi đã đọc, người sẽ thành Phật khi người người đều giác ngộ, anh như một Sa Di trong một lối hành xử rất riêng.
Anh tuổi Rồng, lứa tuổi của anh người Mỹ vinh danh Golden Age, tuổi hoàng kim, hay tôi gọi tuổi 80 của riêng anh, giản dị tuổi Rồng Vàng, vừa đẹp, vừa sang cả, vừa phong độ, oai phong trong hạnh phúc anh sắp bước vào: lứa tuổi Rồng Vàng, bay thật cao, thật cao… nhả châu ngọc cho đời anh Đỗ Hồng Ngọc nhé.
Mà này, đã là Rồng, làm gì có tuổi?
Nên có đã thành không…

duyên
7/29/2020

……………………………………..

Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2020/08/01/chuc-mung-sinh-nhat-bac-si-nha-tho-do-hong-ngoc/

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

NQC: Hội an, cách ly và nhớ!…

31/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

 

Hội an, cách ly và nhớ!…

Nguyễn Quang Chơn

(Đà Nẵng)

 

Mới tuần trước nói với Tâm. “Lâu quá không đi Hội An. Nhớ cao lầu và thèm ăn vặt. Nhớ không gian rêu cũ và muốn chụp vài tấm hình…”. Rồi ập một cái, Đà nẵng bỗng thành tâm dịch, ĐN bị cách ly. Và hôm nay, từ 0 giờ 31/7, toàn Hội An bị cách ly. Người bạn gởi mấy bức hình Hội An trơ vơ, hắt hiu. Chùa Cầu lẻ loi, hoang vắng…, lòng bỗng thấy buồn. Cái buồn “không hiểu vì sao tôi buồn”….

ĐN vắng mà thấy không buồn. Hội An lại buồn. Vì sao? Có lẽ trong tôi, HA như một cô gái bé bỏng miền thôn quê, nón lá, áo bà ba hiền lành. Cô đi thong thả trên cánh đồng lúa chín vàng, mây trên trời màu trắng, không gian như một bức tranh. Nay bỗng dưng trói tay cô lại, bắt cô cách ly một chỗ bất động. Cô ngồi yên bất lực, đôi mắt cô đọng một nỗi sầu cô quạnh thế kia. Tôi không buồn sao được!…

Hội An có với tôi nhiều kỷ niệm cũ xưa. Nhưng HA có một kỷ niệm mới, hồi 2010 và 2017. Năm 2010, tháng 9, hoạ sĩ Đinh Cường về triển lãm tranh ở Châu Ê, Huế. Anh vào Đà nẵng chơi, tôi đưa anh thăm Hội An. Ghé thăm “chàng” lãng tử Lê Nuôi và lang thang góc phố. Anh mua mấy quà nhỏ cho hai cháu Như Tranh, Như Thơ, và nói thật nhỏ. “Mình có nhiều kỷ niệm lắm với Hội An!”… Anh Cường ít nói và khuôn mặt thường trầm buồn đầy hoài niệm. Lần ấy lần cuối cùng anh với Hội An….

Tháng 4/2017, anh Đỗ Hồng Ngọc ra ĐN theo lời mời của nhà sách Phương Nam để “tương tác” với bạn đọc bên bờ sông Hàn thơ mộng. Ngày hôm sau tôi đưa anh vào Hội An để nói chuyện về “Sống an lạc”, theo lời mời của “Không gian đọc Hội An”, cô Khiếu thị Hoài và bác sĩ Huỳnh Kim Hơn….

 

ĐHN, Khiếu Thị Hoài, Ca sĩ Thu Vàng

Hội An, buổi “giao lưu”
(NQChơn-Tâm ngồi bên cửa sổ)

Cùng các bé ở Không gian đọc Hội An

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội An nhỏ. Góc nói chuyện cũng nhỏ. Nhỏ mà thoáng và nằm cạnh bến sông Hoài. Người Hội An cũng thanh cảnh, nhẹ nhàng như không gian phố Hội. Cái không gian êm ả thanh bình đó thật hợp với phong cách trầm tĩnh, sâu lắng của bác sĩ , nhà thơ ĐHN. Khoảng hơn 30 bạn bè quây quần bên anh… Hội An thật ấm tình!…

Rồi hai tháng sau tôi bị nhồi máu cơ tim cấp. Rồi cuộc sống bập bênh. Tháng trước anh Ngọc gọi phone, hỏi thăm sức khoẻ và nói nhớ ĐN, Hội An, muốn làm chuyến về thăm lại sông Hoài. Anh cũng nói sơ về sức khoẻ mình. Cho hay anh đã “chạm mốc” 80!…

Nghe anh 80. Mừng cho anh vẫn chưa “dừng bước giang hồ”. Mới lang thang cùng bạn bè ở Lagi Phan thiết, và đâu đâu đó nữa, vừa về. Tôi mừng rỡ mời anh. “Mời anh về Đà Nẵng, Hội An, em sẽ có chỗ cho anh ăn ở đàng hoàng, sẽ sắp xếp gặp anh em văn nghệ ở đây cho vui…”. Anh “hứa mà không hứa”. Anh Ngọc là vậy. Anh làm việc gì cũng có… kế hoạch. Mà kế hoạch phải chắc chắn, không lơ mơ được. Tôi e rằng anh thấy bản thân không khoẻ lắm, chưa sẵn sàng cho một cuộc đi xa, nên chưa “confirm”, mặc dầu sau đó tôi nhắn tin, gọi phone thúc giục hoài….

Rồi cuộc sống biến thiên theo những biểu đồ không ngờ. ĐN bỗng thành trung tâm đợt dịch cúm vũ hán mới. Thành phố bị cách ly. Người người bị giãn cách. Và hôm nay, lại đến lượt Hội An. Con góc phố nhỏ vắng bóng chị bán chè, mẹ bán tò he, em bán thịt xiên nướng. Cây hoa giấy trên mái nhà rêu phòng buồn rũ. Sông Hoài tĩnh lặng, những chiếc thuyền ghếch mái chơ vơ!…

Anh Ngọc chắc chẳng thể về thăm Hội An được lúc này. Chúng tôi chẳng thể mời anh về được lúc này. Dịch chắc còn lâu. Sang năm anh thêm một tuổi, 81, già chưa, già tới nóc chưa, cái chưn có sẽ bắt anh dừng bước giang hồ chưa, để rồi ta lại còn được lang thang trên những con phố nhỏ, anh vẫn bước những bước khoan thai trầm tĩnh, mỉm nụ cười hiền hoà, và tâm tràn ngập ý thơ?

 

(NQC)

31.7.20

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Uncategorized

Tôi thấy tôi thương những chuyến phà

24/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Tôi thấy tôi thương những chuyến phà

Đỗ Hồng Ngọc

 

Tôi thấy tôi thương những chuyến phà

 Ngàn đời không đủ sức đi xa…

Không phải thơ của tôi đâu! Nhại thơ Tế Hanh đó. Từ những năm 40 của thế kỷ trước, Tế Hanh viết:

Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu

 Ngàn đời không đủ sức đi mau

 Có chi vướng víu trong hơi máy

 Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau…

(Những ngày nghỉ học. Tế Hanh).

 

Thật ra mấy chiếc toa tàu chẳng nặng khổ đau gì đâu, khổ đau chẳng qua là do “lòng của người đi với kẻ về” kìa! Nhưng Tế Hanh quả cũng không thể ngờ rằng chẳng bao lâu sau đó, những chiếc xe lửa đầu đạn chạy nhanh như gió với tốc độ 300 km/giờ và nay đã lên đến 500 km/giờ!

Phà ở quê mình thì khác. Hằng trăm năm nay vẫn ì ạch nối đôi bờ. Thế rồi một hôm bỗng bị người ta vứt lên cạn. Xẻ thịt. Bán ve chai… Không ai còn cần tới nữa! Người ta nay đã có cầu. Những chiếc cầu ngạo nghễ, nghênh ngang vươn giữa dòng sông.

Nhưng, hãy đợi đấy! Với tình hình hiện nay, đến một lúc khi mà “sông kia rày đã nên đồng” thì những cây cầu cũng sẽ bị xẻ thịt, bán ve chai… “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng”, là cuốn sách của bạn tôi, bác sĩ, nhà văn Ngô Thế Vinh báo động gần hai mươi năm trước, nay gần như đã hiện thực. Gần đây, Ngô Thế Vinh còn có loạt bài nêu vấn đề phải chăng cần làm đê ngăn nước mặn tràn bờ và làm những hồ chứa nước ngọt ở U Minh Đồng Tháp, một khi nước ngọt sắp trở thành một thứ “vàng xanh”!

 

mênh mông sông nước miền Tây
(Nguồn: Internet)

 

Những ngày cuối năm, tôi vội vã đi một vòng qua những chuyến phà. Hết rồi phà Rạch Miễu. Hết rồi phà Cần Thơ, phà Mỹ Thuận. Hết cả phà Hàm Luông. May còn Cổ Chiên. Cổ Chiên thiệt ngộ. Ngay cái tên nghe cũng khoái rồi. Cổ Chiên khác Cần Thơ, Rạch Miễu. Nó dài và rộng hơn, và đặc biệt, nó gần biển hơn nên lắc lư với sóng và gió biển, đến nỗi tưởng mình đang vượt biển trong khi những phà khác chỉ vươn qua một dòng sông! Đi trên phà Cổ Chiên… sắp dẹp, đã nghe có cái gì khang khác: không còn ung dung, thư thả, mà hấp tấp vội vàng. Ai nấy như bực bội, cáu gắt hơn, kể cả những nhân viên phục vụ. Họ sẵn sàng quát tháo, to tiếng. Không một tiếng rao. Không một tiếng đàn, tiếng hát… Rời Cổ Chiên, tôi qua Đình Khao rồi Vàm Cống, An Hòa, Cao Lãnh, Mỹ Lợi… Không kể phà Cát Lái, Bình Khánh, Thủ Thiêm vốn gần gũi thân quen.

Đi cho hết phà. Bởi vì rồi đây phà sẽ vắng dần rồi tắt ngủm. Như những cây cầu khỉ và áo dài trắng nữ sinh. Và, như những dòng sông…

Phà đúng là ngàn đời không đủ sức đi xa! Chỉ bờ này bến nọ. Nối những niềm vui, những nỗi buồn, những đợi chờ… “Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm… qua bến bắc Cần Thơ”(Chiếc áo bà ba, Trần Thiện Thanh)… Hồi đó trong Nam phà gọi là “bac” – tiếng Pháp- chạy có giờ. Ban đêm phà nghỉ. Trễ một chuyến phà là trễ biết bao nhiêu!
Phà chẳng những không đủ sức đi xa mà còn không đủ sức đi mau. Nó ì ạch một cách dễ thương. Ai vội vã mặc ai. Nó cứ ì ạch, khệnh khạng, làm như không nỡ rời bến, không nỡ cặp bờ… Há mõm thật to bên này nuốt gọn dòng người dòng xe rồi há mõm thật to bên kia nhả dòng người dòng xe ra cứ như một con quái vật hiền lành.
Và những chuyến phà trăng. Nó ì ạch chở trăng đi. Nó nhích từng bước như sợ trăng tan. Lòng người cũng nhẹ tênh, dãi cùng trăng sáng. Bỗng nhớ

Có ai về miền tây/ lúa mùa thơm, thơm mãi/ dừa xanh nghiêng chênh chếch/ cá ngược dòng sông đầy… Có ai về miền tây/ mái nghèo nhưng mà đẹp/ má gầy nhưng mà xinh…(Y Vân).

 

Phà Cổ Chiên về Trà Vinh
(nguồn: Internet)

 

Có những cuộc tình phà. Làm như khi người ta lên phà, rời bến, người ta sống một cách khác rồi. Lòng rộng mở cùng sông nước, chập chùng cùng bãi bờ. Người ta bỗng dễ thương chi lạ. Nếu không, đâu có L’Amant (Người tình) của Marguerite Duras thuở nào…
Một ông bạn “đào hoa” của tôi nói, qua phà, một cơ hội tốt để làm quen, đế tán tỉnh… Ai cũng đẹp ra, thảnh thơi ra, mở lòng ra. Người ta hình như đã bỏ đi trên bờ kia bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu khổ lụy. Chỉ có ở trên phà, người ta mới dễ mời mọc xâu nem, bịch bánh tráng, mía, bắp, trái cây các thứ. Chỉ có ở trên phà, người ta mới dễ nhũn lòng với tiếng hát tiếng rao. Sau những giờ cá hộp nhọc nhằn, sau những giờ chờ đợi mướt mồ hôi, người ta uống vội trái dừa tươi hay ly trà đá để kịp chen chúc xuống phà. Nhẹ nhõm, sảng khoái, lâng lâng. Phà vì thế mà.. rất phà!

Tôi còn có một kỷ niệm với Phà Rừng, một đêm trăng. Đó là năm 1978, lần đầu tiên ra miền Bắc. Phà Rừng. Phà qua sông Bạch Đằng. Không thể cầm lòng mà không thử nhúng chân xuống nước, để nghe rờn rợn lời của dòng sông “…Bạch Đằng giang sông hùng dũng của nòi giống tiên rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung…” …

(ĐHN)

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn (5.7.2020)

08/07/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn (5.7.2020)

“Ra mắt” ĐỂ LÀM GÌ để làm gì?

Mình không có ý định “Ra Mắt” cuốn ĐỂ LÀM GÌ để làm gì, vì vốn nó chỉ là một Tạp tuyển những bài viết ngắn ưng ý như một kỷ niệm trong buổi “về thu xếp lại” này thôi, nhưng truyền thống của các Nhà xuất bản nói chung cũng hay: Ra mắt là dip để “giao lưu” giữa tác giả và người đọc, và quan trọng không kém là để quảng bá, giới thiệu tác phẩm mới đến bạn đọc, nếu không, sách “ế” cũng nguy, nhất là trong thời Cô-Vi này. Sách mình xưa này không đến nổi ế, tuy chưa “best seller” như cuốn Gió heo may đã về dạo nọ, nhưng các nhà xuất bản đều gọi là loại “long seller” mà!

Sau cùng mình chọn làm buổi “gọi là ra mắt” nho nhỏ, kín đáo một chút, riêng tư một chút, thân mật, gần gũi ở ngay trong Nhà xuất bản thay vì làm “hoành tráng” ở Đường Sách đông đúc nhộn nhịp.

Chỉ khoảng 40-50 bạn tham dự, cũng ngộ là thấy có lớp trẻ cũng khá đông. Mình gởi bạn vài hình ảnh và mấy lời phát biểu của các “trưởng lão” được một bạn ghi lại vậy nhe.

MC Xuân Huy dặn bác Ngọc phải ngồi hàng dưới kia, chờ con giới thiệu xong sẽ lên “giao lưu” nhé. Mình nói không. Ở đây ai cũng quen biết nhau cả mà. Không cần phải bày đặt, hình thức làm chi!

Chủ nhật 5.7.2020
tại Nhà xuất bản Tổng hợp Tp.HCM

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Lệ Uyên đến sớm nhất, Hoàng Kim Oanh ôm theo một bó hoa cúc vàng, Nguyên Cẩn, Ngô Tiến Nhân, Nhật Chiêu rồi Huỳnh Ngọc Chiến, Trần Đình Sơn, Hoàng Anh, Trần Quang Hiếu, Hồng Vân… và khá đông các bạn trẻ.

Hoàng Kim Oanh, tiến sĩ văn chương, nói về lối viết… “văn nói” của ĐHN

 

Nhà văn Nhật Chiêu nói đọc ĐHN có lúc thì cười tủm tỉm có lúc thì cười ha hả…

 

Nhà nghiên cứu Phật học, Huỳnh Ngọc Chiến (tác giả “Lai rai chén rượu giang hồ” ngày trước, nay đang viết “Lai rai câu kệ Lăng Già”) phát biểu về cách viết của Đỗ Hồng Ngọc trong lãnh vực nghiên cứu Phật học.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngô Tiến Nhân: “Không làm gì mà làm tất cả. Làm tất cả mà cũng không làm gì”… Nguyên Cẩn (áo xanh): ĐHN viết như bông lơn mà càng đọc càng thấm…

 

 

 

 

Hoàng Anh nhắc lại chuyện xưa, với cuốn “Viết cho các bà mẹ…” của ĐHN và về cậu con trai nay đã là một vị bác sĩ.

 

 

 

 

 

 

 

 

… và Trần Đình Sơn, Nhà NC Phật học…

 

Bất ngờ có một cô bé, tự giới thiệu mình tên là Đỗ Hồng Ngọc Uyên, quê Quảng Nam, xin chụp với bác Ngọc tấm hình để gởi về cho Cha ( Cha cô là người đã đặt tên cho cô), vì ông là độc giả của ĐHN từ lâu…

 

 

 

Rồi ký tên cho bè bạn thân quen…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Tư Tường Minh, thay mặt NXB gởi một bó hoa đẹp.

 

 

 

 

 

 

 

Dưới đây là một vài phát biểu:

Nhà văn Nguyên Cẩn

Anh Ngọc với tôi là bậc thầy về y học , đàn anh về Phật pháp và văn chương . Lối viết của anh đáng học hỏi : viết nhẹ nhàng tưởng chừng không có gì như bông lơn nhưng càng đọc càng thấm. Về cuốn Để Làm Gì , tôi mới cầm sáng nay nên chỉ đọc phớt qua phần đầu anh viết về An lạc. Qua đó anh phân biệt rõ hạnh phúc (happiness) không phải là an lạc (well- being) ví như cô hoa hậu đăng quang hôm trước , hôm sau đã bị vây quanh với bao âu lo hay như một người trúng Vietlott phải đối phó phiền muộn từ những người thân ngay sau đó.  An lạc là một phẩm tính đến từ tâm tĩnh tại và quan trọng là phải có tuệ giác mới lĩnh hội được. Cũng rất tình cờ tôi lật những trang cuối sách thấy bài viết về Ngọn lửa, từ ngọn lửa của Phật mà có người hỏi nếu có nhiều người chia lửa, liệu có hao hụt đi không? Nhưng câu trả lời đã rõ : càng nhiều người thì ánh sáng càng lan toả chứ chẳng hề hao hụt. Tác giả liên tưởng tới ông thầy: nếu chỉ truyền trao kiến thức một cách lạnh lùng trong thời buổi Google có thể trả lời mọi thứ thì có nhất thiết phải có thầy không? Ông thầy theo DHN là người truyền lửa , phải thổi niềm đam mê tri thức hay sự yêu thích nghiên cứu cho học trò, thậm chí sự dấn thân vào đời trong tâm thế tích cực cũng đến từ người thầy, nếu không làm được thì vai trò người thầy hết sức mờ nhạt. Phải chăng ông thầy bs DHN cũng đã từng là người truyền lửa cho bao thế hệ bác sĩ. Tôi cũng là một thầy giáo nên rất thấu hiểu điều này. Đấy là những điều tâm đắc tôi cảm nhận khi cầm sách đọc thoáng qua sáng nay. Chắc là còn bao điều lý thú nữa dang chờ người đọc khám phá nơi cuốn sách hấp dẫn trên 400 trang này .

 

Nhà văn Nhật Chiêu:

Để làm gì nghĩa là chẳng làm gì theo quan điểm vô vi như hình bìa, một chữ “Không” khép lại. Cái hay của DHN là viết có vẻ không nghiêm túc mà vẫn chuyển tải điều cần chuyển tải. Đọc anh lúc thì tôi cười tủm tỉm, lúc thì cười ha hả! Ai đọc Sến Già Nam cũng thích…! Nói một cách nào đó ĐHN trở về tâm thức trẻ thơ mà trong triết học đó là trạng thái trở về sau khi người ta ngao du trong bể kiến thức rồi cuối cùng tìm về như một đứa trẻ nhìn cuộc đời và ĐHN đạt được cảnh giới đó . Khi nói ĐHN viết ko nghiêm túc cũng nằm trong ý đó, viết giản dị nhất có thể mà vẫn khiến người ta hiểu và cảm điều mình cần nói, ko cần khoa trương , triết luận chi nhiều. Người viết nào cũng mong như thế

 

Ngô Tiến Nhân:

Đỗ Hồng Ngọc là ai, khó mà định danh. Là bác sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Phật học?… Theo tôi, anh là một thi sĩ. Có chất thơ trong văn anh, trong các bài viết tản mạn, trong các ký họa của anh. Lãng đãng nhưng chăm sóc rất kỹ, trau chuốt nhưng không làm dáng, lững thững, cà rỡn mà sâu sắc. Anh có cái hồn nhiên ngay cả trong học Phật, đạt một tâm thái vô vi, tự tại của một người… vô sự! Không làm gì mà làm tất cả. Làm tất cả mà cũng không làm gì. Để Làm Gì là vậy.

 

Thân mến,

Hẹn thư sau,

Đỗ Hồng Ngọc

Viết thêm: Bs Thân Trọng Minh không đến dự được, gởi mấy dòng:

Với tư cách là một người bạn thân với nhau 60 năm nay, cùng học chung trường chung khóa với ĐHN tại Y khoa Đại học đường Saigon, cùng say mê văn chương, tham gia với báo chí ở Saigon từ 1966 với Gió Mai, Ý Thức, Tình Thương v.v… cũng là người đã trình bày và vẽ bìa cho tập Thơ Tình Người in roneo đầu tay của ĐHN từ năm 1967 lúc còn là Sinh viên y khoa, tôi có vài ghi nhận về một bạn văn, một bạn đồng nghiệp như sau:

  1. Tập tạp bút Để Làm Gì này thể hiện đúng bản chất của ĐHN. Văn phong tạp bút  là phù hợp với cách viết của anh.
  2. Theo tôi, văn chương ĐHN qua Để Làm Gì nổi bật lên tính Chân thật, Chân tình và Chân thành. Như anh vẫn nói, anh không có khả năng “hư cấu”, nên không viết tiểu thuyết, truyện ngắn như các bạn văn khác được. Anh chỉ làm thơ, viết tạp bút, tùy bút… thì hợp với cái tạng của anh.
  3. Tập này anh viết nhiều về bè bạn, với tất cả chân tình đáng quý; về xã hội, cũng với tấm lòng chân thành để xây dựng đóng góp cho sự tốt đẹp.
  4. Theo tôi, đây là một Tập đánh dấu sự thành tựu của anh trong Sư nghiệp Văn chương.
  5. Ở lãnh vực khác, một nổi trội của sự nghiệp ĐHN, còn ở chỗ nghiên cứu và ứng dụng Phật học vào đời sống, đáng được trân trọng. Mong có dịp NXB tổ chức một buổi trình bày về vấn đề này với ĐHN. Trong tập Tạp bút này đã thấp thoáng có những bài viết về Phật học rất hay.

Tôi rất tiếc đang bị bệnh, không đến dự được buổi Giao lưu hôm nay nên xin gởi mấy dòng.

Bs Thân Trọng Minh

 

 

 

 

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Giao lưu tác phẩm ĐỂ LÀM GÌ của Đỗ Hồng Ngọc

30/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

N.Q.Chơn đọc “Để làm gì” của Đỗ Hồng Ngọc

28/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

“Để làm gì” của Đỗ Hồng Ngọc

Nguyễn Quang Chơn (Đà Nẵng)

Tập sách của anh Đỗ Hồng Ngọc gởi bằng bưu điện, đến với mình vào đúng trưa mồng năm tháng năm âm lịch, ngày giỗ ông Khuất Nguyên. Sách được anh bọc cẩn thận trong một bao gương sạch, đẹp, với “người gởi”, “người nhận” rõ ràng, trang trọng.
Tập sách này đã được thấy, đã được nghe, trên trang nhà dohongngoc.com của anh rồi. Mình đã từng tìm trong hiệu sách mà không thấy. Giờ nhận quà từ tác giả qua bưu điện, thấy cuốn sách đẹp hơn, giá trị hơn và…nặng ký hơn!…
Đó là cuốn “Để làm gì” của anh mới in tháng 5/2020. “Để làm gì” không hỏi, chấm, làm người ta dễ đặt câu hỏi: ông đặt tựa như vậy để làm gì?
“Để làm gì” thì thường ở thể nghi vấn, còn được dùng ở thể khẳng định nữa. Nên phải đi kèm với dấu hỏi hoặc dấu than. Còn ở đây không có dấu gì, dạng “trung tính”, thì phải xem trong đó ông ấy viết gì!…
Đọc lời mở. Đã thấy sơ sơ ý của tác giả. Lật trang kế tiếp, đã thấy bài quen quen. Tiếp tục cũng quen quen. Vậy ra anh chọn lọc những bài ký, bài tản mạn…đã in rải rác đâu đó trên nhiều ấn bản để làm thành một selection kỷ niệm tuổi 80, cái tuổi mà anh hay nói với tôi là “già tới nóc”. Bộ già tới nóc là hết già rồi sao? Già thêm một tí nữa thì sẽ lọt qua cái nóc, rớt cái bịch không chừng. Có lẽ bởi thấy mình tới nóc. Nên anh dừng…già lại, giở mấy cuốn sách cũ ra xem. Hứng, nên chọn. Vui, nên gom lại một tập. Rồi anh lại nghĩ. Mình viết nhiều, in nhiều, nhiều thể loại. Từ thơ, văn, đến nghiên cứu, khảo luận, và nhất là Phật pháp. Rồi anh hỏi. Mình viết nhiều vậy “để làm gì?” Biết đâu có ai đó đọc xong rồi tặc lưỡi, viết mấy cái này chi, chẳng “để làm gì!” Hoặc, một người lững thững, “để làm gì….”…
Nên chi, thôi thì tập hợp lại mấy bài viết hồi hườm hườm, hồi già già, hồi già tới nóc, mà chỉ là những tản mạn, những ký. Dạng văn này thì nó không làm nhọc lòng ai, người đọc không nghĩ ngợi chi nhiều, không đi sâu vô một cái gì, nó vui vui, nó chẳng làm gì…., và, vì vậy, anh lấy một cái tựa “Để làm gì” để dành cho độc giả ghi tiếp thêm, sau khi đã đọc. Người thắc mắc thì thêm dấu hỏi (?). Người không ưa thì thêm dấu than (!). Và người trầm tư hơn thì thêm ba chấm (…)…
Nhưng tuyệt vời nhất là ông hoạ sĩ Mai Quế Vũ, ông trình bày cái bìa với một nét cọ mực xạ hình tròn phóng túng ôm cái tựa “Để làm gì” của tác giả. Cái vòng tròn mang “tánh không” đó là đủ bao trùm cả dấu hỏi, dấu than, dấu chấm, dấu gì gì đó nữa hết rồi. Bởi dấu nào cũng rứa, cũng là không! Cái ánh sáng màu trắng tinh khôi không sắc màu kia chẳng phải đã mang đủ trong nó cả đỏ xanh vàng lục lam chàm tím…đó ư?
Nên chăng, “để làm gì” của ĐHN đã có đủ các dấu trong đó rồi. Đọc đi, rồi nghĩ gì thì nghĩ, để làm gì cũng được!…
Nguyễn Quang Chơn
Tối thứ bảy, 27/6/20

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Vài đoạn hồi ký

Ngãnh Tam Tân (LaGi)

28/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn,

Ngãnh Tam Tân (LaGi)

 

Bài viết La-Gi Du Ký rất thú vị của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên khiến có bạn hỏi thêm mình về địa danh “Ngãnh” khá lạ lùng ở vùng này.

Xưa, từ Lagi quê nội của mình về quê ngoại ở Phong Điền, Hiệp Nghĩa chỉ cách chừng 15-16km, nhưng toàn phải đi đường biển, ngang qua Nước Nhỉ (giếng Nguồn Chung) rồi đến Ngãnh Tam Tân (nay là Tân Hải), vượt thêm đoạn đường dốc, rừng rậm… đến Cầu Cui, cầu Quan qua sông Đợt mới về đến ngoại, gần chân núi Tà Cú. Vùng này thời đó còn có cọp lộng hành, ra bắt người ăn thịt.

Làng chài Tam Tân ngay sát Ngãnh khá trù phú, là quê của cậu Nguiễn Ngu-Í (Nguyễn Hữu Ngư), nơi đây ngày nay còn ngôi mộ của ông và gia đình.

Lúc nhỏ, đi qua Ngãnh mình sợ lắm. Rừng mênh mông, âm u, có một hồ nước đen ngòm chảy tràn ra biển, có khi rộng đến vài chục mét, sâu đến bụng (cậu bé là mình). Nghe Má kể lúc đám cưới Má, phải cưỡi ngựa để đi qua dòng nước ở Ngãnh, có lẽ do mặc đồ cưới không thể lội nước, chớ bình thường bà vẫn gánh cau trầu đi bộ dọc biển xuống tận chợ Lagi bán, do vây mà gặp Ba mình. Bà thì giỏi, tảo tần, lo buôn bán, làm ăn, trong khi ông thì… công tử ở Chợ, chơi violon, đóng kịch, thỉnh thoảng còn mời bạn bè là ca sĩ ở Saigon ra Lagi hát hò! Chuyện sẽ kể sau khi có dịp.

Từ “Ngãnh” không thấy có trong Tự điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội 1988. Chỉ có “Ngoảnh”…

Phan Chính, tác giả địa phương chí viết nhiều sách báo về văn hóa, địa danh của vùng đất cực Nam trung bộ là Hàm Tân, Lagi (tỉnh Bình Tuy…) này, tuy có nhiều tài liệu phong phú nhưng cũng khá lúng túng. Trong bài Nghĩ về địa danh Ngảnh Tam Tân đăng trên báo Bình Thuận, anh viết:

BT- Đó là một đoạn bờ biển có cảnh quan đẹp. Cách xa bờ khoảng 50m nổi lên một cụm đá lô nhô như đang khỏa mình với những làn sóng êm ả không ngớt dội vào. Ngảnh Tam Tân thuộc xã Tân Tiến cách trung tâm thị xã La Gi khoảng 12 km. Đây cũng là địa danh nổi tiếng gắn liền với khu di tích Dinh Thầy Thím huyền thoại và nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng.

Không những với khách xa đến mà kể cả người địa phương vẫn đặt ra những câu hỏi về địa danh Ngảnh Tam Tân? Với người dân bản địa thì đã trở thành quen thuộc nhưng khi gợi lại mới thấy thật sự bồi hồi tưởng chừng đang trở về với vùng đất “địa linh” của người xưa thuở còn hoang sơ. Từ “ngảnh” ở đây là chỉ về một địa hình thiên nhiên rất đặc trưng. Nhưng với ngữ âm thường gặp khi nói về địa hình dọc dài vùng biển từ miền Bắc vào Nam chưa ở đâu có từ “ngảnh”. Địa hình ghềnh, gành, mỏm, mỏ, mũi… là phần đất có đá từ bờ nhô ra sông, biển thì có nhưng “ngảnh” thì lại không… (Phan Chính).

May thay, mình tìm thấy từ Ngãnh (dấu ngã) trong Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ 1970 tại Saigon (Nxb Khai Trí):

 

—  https://ia800603.us.archive.org/26/items/viet-nam-tu-dien-khai-tri-1970/viet-nam-tu-dien-khai-tri-1970.pdf

Viêt Nam Tự Điển Khai Trí- 1970, trang 1013

Ngãnh: Phần đất đột ngột nhô ra biển, không lớn không dài, thường có những gộp đá.

***

Lần này đi với Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương, Kim Quy, Nguyễn Lệ Uyên về quê nhà LaGi, Tam Tân (nay là Tân Hải), mình tìm thăm nhà bà con cũ ở Tam Tân, gần như không còn ai, hỏi những người cao tuổi… thì đều đã qua đời. Nhà Bà Năm, Má cậu Năm Chi, có cái giếng nước ngọt nổi tiếng cả vùng, nay con cháu đã bán đất, lấp giếng…

Tam Tân, một vùng chài lưới đầy những rặng dừa xanh mát bỗng chốc… bê tông hóa gần hết. Không buồn sao được! May rồi cũng gặp được vài người trẻ, thế hệ thứ hai thứ ba gì đó… hỏi ra chỉ ngậm ngùi như… Từ Thức bơ vơ. Mới 70-80 năm chớ có xa xôi chi lắm đâu!

Xin gởi vài tấm hình bạn coi thôi vậy nhé.

Internet
Ngãnh Lagi, Bình Thuận

 

nhớ Má (Nghê Thị Như và cậu Nguyễn Ngu Í, tức Ngê Bá Lí, Tân Fong Hiệb, theo cách viết của ông)

 

 

 

Dòng nước đổ ra biển ở Ngãnh giờ cũng mênh mông! Nay đã là khu chợ cá biển, ghe thuyền về tấp nập, cách Dinh Thầy Thím chỉ vài cây số. (Ảnh ĐHN 21.6.2020)

 

Ngãnh Tam Tân LaGi. Hòn Bà xa xa… (ảnh ĐHN, 21.6.2020)

 

Do Hong Ngoc ngồi “thiền” trên gộp đá Ngãnh (ảnh NLU)

Nhóm bạn đến Ngãnh Tam Tân (6.2020).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐHN lang thang một mình ở Ngãnh Tam Tâm (ảnh MTriết, 21.6.2020)

Hẹn thư sau,

Thân mến.

Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon 28.6.2020)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Nghĩ từ trái tim, Vài đoạn hồi ký

Nguyễn Lệ Uyên: La-Gi Du Ký

26/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

LA-GI DU KÝ

Nguyễn Lệ Uyên

 

Khi không hai ông “bạn trẻ” đốc tờ gọi, một ông lúc chiều tối, ông nọ lúc giữa trưa, cách nhau chừng 10 tiếng, hỏi “có muốn rong chơi không?”. Dĩ nhiên nhận lời ngay, nhưng bụng dạ thì cứ sôi rồn rột. Vì các chàng đều là dân “bảnh tỏn” trong khi mình lại là tay kiết xác mà ham vui!

Tôi cũng biết tỏng từ lâu, hai ông đốc tờ cộng với ông họa sĩ thì chưa chắc “chân cứng đá mềm” bằng phía trái không thuận của anh chàng nông dân xứ xương rồng trong chuyện leo trèo chạy nhảy; cho nên có giang hồ cùng trời cuối đất thế nào cũng chấp cả “cơm sôi” với “nhớ nhà”.

Xe đón ở ngả tư Hàng Xanh. Dòm vào đã thấy có hai trợ lý, một cho ông bác sĩ, một cho họa sĩ. Kể ra như vậy là khá an toàn.

Từ trái: Nguyễn Lệ Uyên, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Ký Thương, Thân Trọng Minh.
(Đập Đá Dựng, Lagi 20.6.2020)

Nơi đến là nơi tôi đã từng đến, đã bỏ lại trong phút chốc nhà cao tầng chen chúc, xe cộ nối đuôi, ồn ào, khói bụi xập xình… Giờ thì đang băng qua những con đường quanh co; lúc thì chìm lút vào giữa rừng cây thưa, khi lòi ra giữa cánh đồng vắng có đàn cừu, vài con cò trắng bên cạnh đàn bò thong thả gặm cỏ. Yên bình đến lạ.


Internet.
Đập Đá Dựng (tình Bình Tuy, Hàm Tân, LaGi 1957)

Xe qua chân núi Chứa Chan, rẽ vào Hàm Tân và dừng ở La Gi, quê hương của Đỗ Hồng Ngọc, đúng 10 giờ sáng, uống cà phê sát bờ sông Dinh, bên đập Đá Dựng.  Anh giới thiệu con đập này được TT Ngô Đình Diệm cho xây dựng vào năm 1957 (tỉnh Bình Tuy) để dẫn nước tưới cho cánh đồng phía trên. Thuở nhỏ, anh và bạn bè thường cởi truồng đứng trên thân đập lao xuống, ngoi ngót giữa trưa nắng. Đập không rộng, không có dáng hùng vĩ như Đồng Cam, nhưng hai bờ cây rừng chen khít, tầng lá xanh che kín, thỉnh thoảng nhô lên mái ngói đỏ, những cây phượng vỹ chói rực bên bờ tây, gần hơn chút, ngày xưa là chùa một cột đứng thoi loi bên mé sông (đã sụp đổ lâu rồi). Giá như không có phiên bản này, tôi nghĩ, dòng sông Dinh sẽ thơ mộng hơn, hoang dã như nó đã từng trước đó. Cũng may, chủ nhân quán này còn biết tôn trọng thiên nhiên, cứ để những cây rừng đứng chung với bàn ghế trong sân: những cây duối, cây bàng lẻ, thao lao và dây leo quấn quanh.

 

Tù trái: MTriet, Do Hong Ngoc, Nguyen Le Uyen, Le Ky Thuong, Kim Quy, Than Trong Minh (Lagi, Đập Đá Dựng 20.6.2020) 

 

La Gi rộng, nhưng không sầm uất, như một cô gái quê đội nón lá, mặc áo mới, chân đi guốc lên phố chợ. Vẻ mộc mạc, chơn chất vẫn còn ở những con đường quanh co, còn biết nhớ đến các bậc danh nhân để đặt tên đường. Tôi thực sự xúc động khi vòng qua đường Trương Vĩnh Ký, uốn lượn, vòng vèo như đang đi trong đường làng… Mấy nơi được như chốn này?

Xe đi tiếp xuống Ngãnh Tam Tân nay còn có tên Mỏm Đá Chim thuộc xã Tân Hải, chừng 12 cây số. Hai bên đường là vườn cây thanh long héo rũ, gãy đổ. Tôi hiểu thân phận của các “ông vua” hơi hám du lịch biển dẫn đến “tra tấn” thiên nhiên là chuyện thường tình ở xứ sở sặc mùi kim tiền, thiếu vắng niềm ân ái hòa đồng với đất trời.Và, tôi hiểu vì sao, khi kể chuyện Hàm Thuận, Hàm Tân, La Gi từng là nơi bò rừng, mển, cọp, beo… quần tụ dưới tầng cây cao thấp đã bị xóa sạch vết chân, anh Ngọc kể với giọng ngậm ngùi. Đâu chỉ riêng quê anh vắng tiếng gầm cọp beo, mất hút những tiếng “tác, tác” của mển, cheo, tiếng gà rừng gáy trưa… cả đất nước này, cả thế giới đều lâm vào thảm trạng não nề đó.

12 giờ trưa tới Dốc Trâu, những động cát trắng phau, cao ngút nối dài tới gần Ngãnh. Đứng dưới phải hất mặt lên mới đụng ngọn. Vẻ hoang sơ của nó đang bị tô vẽ bộ mặt mới. Những cọc bê tông cắm xuống, hàng rào lưới quây nhốt gà vịt, vài nhà cao tầng chen ngang… Nhìn ngang, ngó dọc, Thân Trọng Minh kêu lên, Dốc Trâu đẹp quá, có khi còn đẹp hơn Dốc Lết! Không rõ, nếu Huyền Chiêu Khuất Đẩu mà nghe “phát ngôn” này có dậy lòng tự ái hay không?

 

Dốc Trâu. Bãi biển đầy thuyền thúng. Xa xa là Hòn Bà, Lagi

 

Bữa trưa đúng phong vị biển, bởi nơi quán tiếp với biển với những thuyền thúng câu mực, thả lưới bắt cua ghẹ đang thả mình trên bãi sau một đêm dài lên đênh trên ngọn sóng. Nếu như các cụ Tản Đà, Vũ Bằng có sống lại và ngồi đây, lúc này, hẳn cũng không thể lắc đầu, bởi sự chọn lựa món ăn từ một người sành ăn như anh Minh thì không ai chê nổi. Trước đó mấy phút, các vệ binh của Long hải Diêm vương còn vươn vòi, ngo ngoe càng, giương vây bơi lội quanh hồ nhỏ, giờ đã đổi màu nằm im trên dĩa: mực luộc, tôm hấp, cua biển rang me, cháo cá mú… khiến tôi có cảm giác như chiếc bàn ăn sắp bị lún sâu xuống nền cát vài phân!

 

Mùi gió biển, mùi tôm cua, sóng biển vỗ rì rào, chân trần chạm trên nền cát ướt và những chàng thanh niên U 80 như đang ở một thế giới khu biệt với cái ồn ào “dzô, dzô…” rất kém vệ sinh trong thành phố.

Trong bữa ăn đầu tiên (của chuyến “đi bụi”), chỉ quan sát lần đầu, tôi đã khám phá ra điều thú vị: Trời sinh ra cha con Thân Trọng Minh và Triết là một cặp đôi hoàn hảo, là hai người bạn nâng đỡ và chia sẻ cùng nhau. Không có hai người thì món ăn kém hương vị, ly rượu mất chất ngọt ngào, khói thuốc không còn những vòng trắng mơ mòng khiến sóng biển thôi vỗ vào bờ và nước biển cũng nhạt đôi phần?

Nhưng với chàng họa sĩ Cóc thì ngược lại. Chừng mực như một vị chân tu. Ăn nói nhẹ nhàng, bước chân rón rén… Vì vậy tôi mới rõ vì sao anh bị “cà lăm” với mối tình đầu và mãi mãi cà lăm với những mối tình không tên tuổi, khiến anh trút hết tinh lực vào những đường nét, màu sắc trên những bức tranh của anh lúc nào cũng mang phong thái của tuổi dậy thì, khiến chị Kim Quy phải lòng, khiến những bức tranh anh tặng (Bến đỗ), tôi luôn treo ngược lên vách: doi đất hay thuyền câu giữa dòng sông, hai bờ cây cong xuống điệu đà xanh mướt tôi lật chổng lên cho mặt trời thành mặt trăng ngâm mình giữa dòng nước lạnh băng của Lý Bạch?

Riêng ông bác sĩ, nhà thơ, du sỹ, thiền sỹ, cư sỹ… thì phong thái đời và đạo trộn lại làm một. Từ cái ăn, cái ngủ chí cách đi đứng nói cười…tôi có cảm giác thiệt và giỡn nơi anh chính là giỡn và thiệt. Anh thở mà không thở, ăn như không ăn mà ăn! Đáo bỉ ngạn rồi chăng? Đêm ngủ cùng phòng, anh cho ếch kêu vang dậy, lúc ồm ộp, khi nỉ non ai oán như mùa chúng động dục, đến nỗi tôi phải vác chăn ra hành lang nằm, phải thêm vài ba ly rượu để ngủ vùi. Nhưng khi ngâm mình dưới nước biển, tôi mới “ngộ” ra: ếch kêu là ếch không kêu. Những tối tiếp theo, tôi đánh một giấc dài không mộng mị chiêm bao. Anh xem, tôi cũng mon men tới chỗ “đạo khả đạo phi thường đạo” rồi đó chăng?

Đỗ Hồng Ngọc (Ngãnh Tam Tân, Mõm Đá Chim 21.6.2020, ảnh NLU)

 

Đây là lần thứ hai tôi đến Ngãnh, mỏm Đá Chim, Tân Hải – La Gi. Nhưng nếu có lần thứ ba, thứ tư… tôi vẫn. Bởi đây là vùng biển còn hoang sơ, chưa bị nền văn- minh-công-nghiệp-không-khói tra tấn.

 

 

Bãi nông, cát trắng phau, dấu chân người và rác thải vẫn còn mắc cỡ. Bến cá thu nhỏ một góc rất sạch sẽ. Người dân thì hiền và chơn chất như thời cọp beo đông hơn người xứ này. Rổi bờ chào mời các loại hải sản nhưng không chèn ép, thách giá… khác xa với cái táp nham của biển Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn… Nhưng liệu nó còn trụ vững tới bao lâu khi mà nước biển mát lạnh giữa mùa hè, sóng lăn tăn không ồn ào dữ dội. Không ai đoán được. Vì những cọc bê tông đang thọc sâu xuống nền đất, rải rác quanh đây. Thôi thì cứ theo phép thắng lợi tinh thần giỡn là thiệt, ếch kêu là ếch không kêu, tha hồ ngâm mình vẫy vùng một góc hẹp ở biển, hít thở khí trời trong veo chót Mỏm Chim, vùi trong nắng và gió ở Ngãnh phủi gọn mọi triền phược đeo bám quanh người.

 

Nhóm bạn “giang hồ vặt”
20.6.2020

 

 

Khu mộ Nguyễn Hữu Ngư (Nguiễn Ngu-Í) tại Ngãnh Tam Tân (ảnh ĐHN, 2020).

 

 

 

 

 

 

 

Ngay tại Ngãnh Tam Tân này còn có ngôi mộ của nhà văn Nguiễn Ngu Í và song thân.  Tôi nghĩ cụ Nguiễn Ngu Í đã chọn mảnh đất tuyệt đẹp này làm nơi an nghỉ cuối đời là hoàn toàn đúng đắn. Lắm người ao ước mà biết có được chăng?

Hôm sau, anh Đỗ Hồng Ngọc lại hướng dẫn ra Phan Thiết theo con đường sát biển để ngắm nhìn nước biển trong xanh, trời xanh mây trắng, nhìn bãi Đá Nhảy từng hòn chồng lên nhau, làm tôi nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Đức Sơn:

“Trên biển vắng bánh xe đời lóc cóc

Anh thật tình mát mẻ giữa hư vô”

(Dặn dò một mai, NĐS)

Bãi Đá Nhảy (Kê Gà, ảnh NLU)

 

Đây là vùng Mũi Kê Gà nổi tiếng với Hải đăng trên trăm năm. Cuối bãi Đá Nhảy có thể nhìn thấy Mũi Né xa xa, định vị được lầu Ông Hoàng. Trước khi ăn món cơm gà đặc sản Phan Thiết, anh đưa chúng tôi đi thăm Thanh Minh Tự, xem cây me trên 200 tuổi giữa trưa nắng chan chan. Ngôi chùa nhỏ, ngói tường, rường, cột kèo xiên trính từ xa xưa còn sót lại lẻ loi, lạc lõng giữa những căn biệt thự, nhà, phố sầm uất, thênh thang…Không quên ghé thưởng thức món chè Mộng Cầm thiệt ngon.

 

Thanh MInh Tự, Phan Thiết

Đoạn trở lại Mỏm Đá Chim, không theo đường cũ mà vòng qua núi Tà Cú, tôi mới chợt nhớ quê hương của Đỗ Hồng Ngọc còn có một ông nhà văn Nguyễn Hiệp, nhà dưới chân Tà Cú, với truyện Dưa huyết đọc rất ấn tượng, rồi lại lai rai nhớ ra xứ Phan Thiết Bình Thuận có rất nhiều người tài hoa, lớp trước lớp sau kể không hết: Hoài Khanh, Từ Thế Mộng, Nguyễn Bắc Sơn, Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Như Mây, Đồng Chuông Tử, Hồ Việt Khuê, Liên Tâm… Hèn chi mà mọi người dân già trẻ gái trai đều biết đến anh, nhớ đến ông BS ra tay chữa bệnh cho em bé không cần thuốc (em bé nay đã là thiếu nữ 20 tuổi). Tình cờ đọc được tạp bút của Bạch Vân Nhi trên giai phẩm Hoa Biển (tháng 4-2020 chi hội VHNT La Gi), có đoạn ngắn nhưng vô cùng trang trọng: “Mình cũng luôn tự hào rằng quê mình có những người giỏi giang như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc… nhớ Lê Quý  Đôn viết trong Vân Đài Loại Ngữ: Người ơ vùng biển thì giàu trí tuệ, người ở vùng núi thì giàu nhân nghĩa…”.

Ôi chào, đọc tới đoạn này tôi sướng rơn, thơm lây vì được là bạn là em của ông giỏi giang, sướng ngất trời mây trắng bay!

Ba ngày ở biển La Gi chỉ để đầm mình trong nước mặn, hít thở khí trời; có những nơi biết rồi không đến (Dinh Thầy Thím, chùa Phật Quang…), có nơi chỉ ngang qua nhìn (bến cá sông Dinh, tượng Phật nằm trên Tà Cú), rồi quay về chốn bụi bặm phù sinh.

Thiền viện Viên Chiếu

Nhưng còn cố níu kéo, thanh tẩy bợn cặn sần sùi, sân si, … trong người, bèn kéo nhau viếng Thiền viện Viên Chiếu, diện kiến các sư nữ Như Đức, Viên Thể… các bậc chân tu theo đúng nghĩa, ăn trái cây, hưởng lộc Phật và đứng trước cây rơm vừa vi vu đất trời mang mang vừa nhớ lại tuổi ấu thơ chăn bò, gánh rơm, đốt đồng, nướng khoai nhổ trộm… Quá 70, một chút trẻ con may mắn còn sót lại.

Nếu có ai lỡ miệng hỏi, có muốn đi nữa không? Đi. Chỉ trong một sát na trả lời. Đi. Để được ngồi giữa rừng cây vên vên ở Bưng Riềng, đi để được ăn bánh xèo nức tiếng Tân Hải mà không ăn, để được cầm miếng chả lụi quấn vào bánh tráng rau thơm, ăn chè Mộng Cầm, gối đầu lên cát nghe biển thì thào bên tai như người tình hát ru thời trai trẻ…

 

(NgLu, 26.6.2020)

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Già ơi....chào bạn, Vài đoạn hồi ký

“Để Làm Gì”… để làm gì

13/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc 1 Comment

 

 

ĐỂ LÀM GÌ để làm gì?

 

Lê Ký Thương

Bạn “hú” đi uống cà phê và tặng sách mới phát hành: ĐỂ LÀM GÌ (không có dấu hỏi) – như một công án Thiền.

Cà phê xong, bạn mời đi ăn cơm chay. Trong bữa ăn bạn kể có một lần cũng trong nhà hàng này, bạn cùng đi với những người bạn, ăn xong ra quầy tính tiền, thì cô thu ngân cho biết bàn khác đã thanh toán rồi!

Đặc biệt cô thu ngân (đại diên chủ quán) đã đãi một chén cơm “phiếu mẫu” – (cơm khoai lang) và ấm trà với mứt gừng.

Ghi chú lai rai (ĐHN):

Lê Ký Thương là người trẻ nhứt trong bọn, năm nay mới 74 tuổi tây, là một họa sĩ, tự xưng mình là hạ sĩ, biệt danh Cóc, trời gầm không nhả. Khi anh viết “Cóc thích” thì biết là Cóc thích, khi viết “cóc thích” thì có nghĩa là… cóc thích!

Câu chuyện trên bạn viết chưa hết ý… Số là hôm đó mời cả bọn đi ăn chay vì tưởng bở, sẽ có bàn nào… đó có người không quen thanh toán giùm cho, ai dè thời buổi này, quán chay toàn bạn trẻ…

May thay chủ quán nói: hồi con mang bầu em bé, đọc cuốn Viết cho các bà mẹ sanh con đầu lòng… Bây giờ con của con 17 tuổi, con mới tặng nó cuốn Khi người ta lớn của bác.

Thì ra vậy mà có cơm khoai, bình trà đẹp và mứt gừng ngon!

Ở quán chay: Từ trái LKT, TTMinh, ĐHN… hôm ra mắt “để làm gì”

LKT vốn mê hút thuốc lá, nay quyết bỏ. Vì thế gởi tặng chàng hình “Cóc bỏ thuốc lá”,chụp hôm về Lagi, ghé Đập Đá Dựng. Cóc bảo Cóc thích. Cám ơn.

“Cóc bỏ thuốc lá” (photo ĐHN)

 

 

 

 

 

 

 

 

Diệu Trong:

Đối với em Để Làm Gì là một tâm thái tiêu cực. Em định làm gì đó, đi đâu đó, gặp ai đó nhưng rồi tự nhủ để làm gì, thế rồi cho quá luôn, già rồi hay vậy, sống thụ động, Thầy hay bảo là làm biếng tổ đó.

Để làm gì của Thầy thì khác phải ko ? Gom góp, lựa chọn, thu xếp, suy tư, hồi tưởng, rồi thương nhớ, rồi khóc cười… làm đủ thứ, cảm xúc dâng trào, rồi… buông xả hết phải ko ? Một tâm như như mà không bất động ? Làm mà như không làm ? có tạo tác nhưng ko chấp chặt, không dính mắc, không sa đà ?

Muốn được cái tâm Như này thật ko phải dễ.

Em thì đụng đâu dính đó, vì vậy khổ dài dài .

Hy vọng sau Để làm gì chắc Thầy sẽ làm gì nữa chứ ạ ? Chưa bỏ cuộc chơi phải ko Thầy ? vì các độc giả ái mộ vẫn luôn trông chờ.

Chúc Thầy luôn vui khỏe.

Ghi chú ĐHN:

Cảm ơn em. Một tâm như như mà không bất động ? Làm mà như không làm ? có tạo tác nhưng ko chấp chặt, không dính mắc, không sa đà ?

Em nhắc làm thầy giựt mình. Còn lâu em ơi! Còn lâu mới như như. Còn lâu mới bất động. 

Để làm gì… sẽ như một dalani, để luôn nhắc nhở mình đó thôi!

 

Cao Kim

Chưa cần biết nội dung thế nào, nhưng tôi rất thích bìa sách và tựa sách! Đơn giản mà hoàn toàn không đơn giản. Người ta phải sống bao nhiêu năm, lọc biết bao nhiêu tạp chất của đời, của mình rồi mới ra được cái đơn giản ấy. Một cái tựa ngắn gọn, tùy theo người đọc mà giọng bổng giọng trầm, thêm dấu hỏi, dấu chấm than, hoặc như chính tác giả, sau tám mươi năm trải nghiệm, đã … hết cần đến dấu!

Một ngày, thay vì đi, (có khi là chạy, có lúc ta không chạy mà phải hối hả lao tới để đạt cho được một mục tiêu đã đặt ra) ta ngồi xuống, nhấm nháp thật chậm tách cà phê thơm lựng mùi… cà phê , thong thả nhìn sâu vào lòng mình và tự hỏi chính ta:”để làm gì, sau tất cả những hối hả tất bật ấy?”.

Để làm gì? Chẳng để làm gì!

Ghi chú ĐHN:

Cám ơn Cao Kim. Để làm gì để làm gì?

Dòm kỹ cái hình bìa của họa sĩ MQV đi nhé: hình như họa sĩ cố ý nhắc ĐHN: “Trời cao đất rộng… Một mình tôi đi… Một mình tôi đi… ” để làm gì “Đời như vô tận. Một mình tôi về. Một mình tôi về…” (TCS) để làm gì.

Cho nên họa sĩ chỉ cần vẽ một cái vòng tròn… trớt quớt!

Chẳng để làm gì như Cao Kim nói đó vậy.

Sg 13.6.2020

 

 

 

 

 

 

 

 

Filed Under: Ghi chép lang thang, Vài đoạn hồi ký

Thư gởi bạn (5.6.2020): “ĐỂ LÀM GÌ”

06/06/2020 By Bac Si Do Hong Ngoc Leave a Comment

 

Thư gởi bạn (5.6.2020)

“ĐỂ LÀM GÌ”

 

Để Làm Gì không phải là để làm gì mà là để làm gì.

Chẳng phải là một câu hỏi. Cũng chẳng là một thở dài, một cảm thán… Không. Nó chỉ Để Làm Gì vậy thôi.

 

 

Sách về đã ba bốn hôm, mình cứ băn khoăn có nên viết đôi dòng về cuốn “Tạp văn” mới mà không mới này gởi đến bạn bè thân thiết không? Nhớ ông cậu Nguiễn Ngu Í của mình ngày xưa, có ý định in một cuốn sách có tựa là Tạb Nhạb (theo kiểu viết của ông) mà đến cuối đời, ý nguyện vẫn chưa thành: “bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi/ một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi” (thơ Ngu Í).

Mình đang buổi “về thu xếp lại” mà, nên cứ loay hoay thu thu xếp xếp, khiến người bạn trẻ mới tuổi năm mươi nơi xa kia trách sao anh nói thu xếp gì đâu mà cứ thấy bày biện ra thêm… Ơ hay. Thì cũng phải bày biện ra rồi mới gom góp, chọn lọc, chắt mót, lượm nhặt, thu thu xếp xếp được chứ!

Như trong “lời ngỏ” tập này, mình đã viết:

…………

Rồi một hôm, trong buổi “về thu xếp lại”, tôi gom góp một số bài tùy duyên, tùy hứng, tùy nghi, tùy hỷ … bấy lâu mình thích mà làm thành một “Tập”, mà tôi gọi là Tạp bút như một món quà lưu niệm dành riêng đọc vui một mình, rồi biết đâu cũng có người “đồng điệu”, cũng “nòi tình” mà cùng sẻ chia trong chốn thân quen…

Không ngờ mà khi thu xếp, gom góp lai rai như vậy, tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc lại “nỗi cô đơn uy nghi” của Võ Hồng, “người ta ở bển” của Trần Vấn Lệ, “gọi chiều nước lên” của Trần Hoài Thư, và “lắm nỗi không đành” của Võ Tấn Khanh…

Rồi cũng không thể không cười một mình với “làm mới thơ”, với “vơ vẩn cùng Mây” với “hỏi không đáp, bèn…”

Rồi lại cũng không thể không trầm ngâm ngẫm ngợi với “để làm gì”, với “sáng, trưa, chiều, tối”…

Mít ướt. Nó vậy đó. Biết sao.

 

Người đầu tiên tận tụy giúp tôi “thu xếp” là bạn 5 Hiền, tức Nguyễn Hiền-Đức đã viết mấy dòng thiệt dễ thương như vầy:

Đọc kỹ Để Làm Gì, Hiền thấy nó rất “mới”, rất “lạ”. Lâu nay bạn đọc vẫn quen với mảng sách y học, rồi Phật học, chứ chưa đọc được thể loại tạp bút Đỗ Hồng Ngọc. Tập tạp bút này sẽ khiến người đọc tò mò, thú vị hơn “Nhớ Đến Một Người”, lại sâu lắng, chắt lọc hơn “Ghi Chép Lang Thang” lại vừa bàng bạc những nỗi niềm của “Thư Gửi Bạn Xa Xôi”. Vì thế Hiền rất muốn, sau khi sửa chữa, bổ sung Thầy nên, rất nên cho xuất bản tạp bút này nhe.

Rồi anh Hai Trầu Lương Thư Trung cũng khuyến khích:

Xin đa tạ Bác sĩ đã gởi cho đọc tạp bút này; mà thực sự đây là những bài “tùy bút” rất hấp dẫn, chẳng những bác sĩ nắm tay dẫn người đọc đi thăm khắp các miền với cảnh với người xưa cùng thăm luôn đời sống của cư dân xưa qua mỗi bước chân đời của bác sĩ nữa nên đọc hoài hổng biết ngán!

Làm sao mà không mê những dòng cảm xúc khi tác giả nhớ đến những chuyến phà Vàm Cống, An Hòa của cả vùng sông nước quen thân mà tôi biết bao lần chờ Bắc chờ đò để qua sông qua biết bao mùa mưa nắng ấy!

Làm sao mà không mê những cảm xúc khi một bác sĩ với kiến thức uyên bác cùng kinh nghiệm già giặn mấy chục năm vậy mà khi bắt gặp “những mùa màng ngày cũ” như bắt gặp lại chính mình ở vùng quê Phong Điền ngày nào của tuổi ấu thơ qua bài “Còn thương rau đắng”?

Làm sao mà không nôn nao trong lòng đôi lúc muốn rụng rời khi nghe câu hỏi “Năm nay người có về ăn Tết?”

Còn nhiều và nhiều lắm những trang sách rất chân tình và đầy cảm xúc như thế, nhiều lắm không làm sao kể cho hết qua vài hàng xúc cảm bồi hồi khi mở ra đọc liền lúc vừa nhận được sách còn nóng hổi này vậy!

Tôi có một điều ước là “phải chi sắp tới có sách in trên giấy thiệt” thì chắc đọc còn mê hơn nữa!

Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên gởi mấy dòng:

“…Đọc hết rồi, đọc trên máy. Mở chữ lớn ra mà đọc muốn bay 2 tròng kính!

Đọc xong thấy cái đầu nhẹ, như thể chữ nghĩa trong tạp bút Đỗ Hồng Ngọc là bàn tay em Cô-Vy 19 mát xa!

Có điều anh hơi “thiên vị” khi “dồn lại” những gì gọi là tinh túy cho xứ Phan Thiết tài hoa của anh thì phải?

Vui nghen.

NLU

… Vậy đó, cho nên mình đánh bạo đưa cho Nhà xuất bản Tổng hợp xem sao.

Một người bạn trẻ của Nhà xuất bản đọc bản thảo, viết môt cảm nhận bất ngờ:

Lững thững, dễ thương, hóm hỉnh. Mỗi bài viết mỗi góc cạnh mới.

Vừa đọc vừa hồi hộp, vừa vui sướng kiểu như đợi từng con chữ hiện ra.

Không biết tác giả đang đưa mình đi đâu đây. Nên cứ thế mà trôi. Trôi rồi cũng có lúc neo mình lại để suy nghĩ, để ngẫm ngợi.

Và thấy hình như mình có thấy mình trong đó. Nhận ra mình cần chậm lại, để nghe trái tim lên tiếng, để cảm nhận những chuyển biến, dù là nhỏ nhất xung quanh mình, trong bản thân mình.

Rồi những bùi ngùi, hụt hẫng khi có những chuyện xưa. Một thời ta sống cùng nó, nay đã không còn như vậy nữa…

Đọc “Để làm gì” không phải để tìm thấy câu trả lời mà rốt cuộc chỉ để nhận ra mình cần sống tỉnh thức trong hiện tại, với những cảm xúc thực của mình: vui, buồn, thương, nhớ, thảng thốt, mến yêu… Biết để sống, biết để thương, với tấm lòng nhạy cảm, rưng rưng với mỗi sự thay đổi quanh mình.

Với những ai đã ở cái tuổi trải nghiệm nhiều, “bùi nhùi” đã sẵn, thì nên cẩn  thận, bởi từng trang sách như từng hơi thở, sẽ sẵn sàng làm bùng lên những cảm xúc sâu thẳm nhất của con người: tình bạn, tình quê, tình đời, tình người… tình nhân gian…

***

Hôm qua, bèn mời hai người bạn già thân thiết gần 60 năm qua – mà người trẻ nhất nay đã 75, ra nhâm nhi cà-phê Đường Sách làm cái gọi là “ra mắt” Để Làm Gì vậy:

 

Từ trái: Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương (Đường Sách Saigon, 5.6.2020).

Mấy ngày trước đó, Lê Ký Thương cũng vừa in tập Dịu Ngọt Lời Quê, gom góp một số bài viết ngắn “dịu ngọt” của mình làm kỷ niệm. Khuất Đẩu còn in hẳn một tập hoành tráng: Tám Mươi Năm Soi Bóng Mình, trong khi Thân Trọng Minh tự ‘xuất bản” cuốn Lữ Kiều Thân Trọng Minh và Những người bạn, do Nguyễn Hiền Đức thực hiện… Lại nghe Nguyên Minh  sắp in một tập 800 trang khổ 16 x 24cm! Thiệt vui.

 

Từ trái : Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương, Khuất Đẩu, Nguyễn Lệ Uyên, Đỗ Hồng Ngọc…

 

 

Thì ra, mình chẳng đơn độc tí nào!

“Vui thôi mà”, Bùi Giáng nói vậy phải không?

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

(Saigon, ngày 06.6.2020)

Filed Under: Ghi chép lang thang, Góc nhìn - nhận định, Những người trẻ lạ lùng

  • « Go to Previous Page
  • Go to page 1
  • Go to page 2
  • Go to page 3
  • Go to page 4
  • Go to page 5
  • Interim pages omitted …
  • Go to page 36
  • Go to Next Page »

Thư đi Tin lại

  • Lịch “Trò chuyện, giao lưu…”
  • Lại đính chính: “SAIGON BÂY GIỜ”
  • ĐÍNH CHÍNH: BSNGOC không phải là BS ĐỖ HỒNG NGỌC
  • Đính chính: BS NGỌC không phải là Bs Đỗ Hồng Ngọc
  • bsngoc đã lên tiếng đính chính
  • Thư cảm ơn và Đính chính về FACEBOOK Bác sĩ NGỌC
  • ĐÍNH CHÍNH: Bài viết "TÀN NHẪN" không phải của Bs Đỗ Hồng Ngọc

PHẬT HỌC & ĐỜI SỐNG

Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022

Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…

Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Nguyễn Hiền-Đức: Tập tuyển CÀNH MAI SÂN TRƯỚC

Minh Lê: Học Phật qua thơ Đỗ Hồng Ngọc

TẠP GHI (Lõm bõm… Kỳ 4b)

Tạp Ghi (lõm bõm… kỳ 4): Mười Hạnh Phổ Hiền

TẠP GHI (Lõm bõm…) kỳ 3

Tạp Ghi (Lõm bõm kỳ 2)

TẠP GHI (Lõm Bõm)

Xem thêm >>

Chuyên mục

  • Một chút tôi
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy

Bài viết mới nhất!

  • Vài ngày về thăm Lagi, Phan Thiết…
  • Ngày của Cha – Happy Father’s Day
  • Kỳ 3 Lớp An Cư Chùa Xá Lợi, 2022
  • Bài đọc thêm: DƯỢC TÍNH TRONG TÂM…
  • Hiểu thêm về “giả dược” (Placebo)!

Bài viết theo tháng

Ý kiến bạn đọc!

  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Giới thiệu
  • Đinh Hà Duy Linh trong Giới thiệu
  • Hồng trong Song Thao: GIÀ KHÚ ĐẾ
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Buổi trò chuyện về Thiền “Quán Niệm Hơi Thở”
  • Cao Huy Khiem trong Buổi trò chuyện về Thiền “Quán Niệm Hơi Thở”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong “Xả”… stress !
  • “Xả”… stress ! | suonglamportland trong “Xả”… stress !
  • Phan Công Khương trong Nguyễn Mậu Pháp: CẢM NHẬN  “VỀ THU XẾP LẠI…”
  • Bac Si Do Hong Ngoc trong Có một “nghệ thuật”… ngủ!
  • Ngọc Trâm trong Có một “nghệ thuật”… ngủ!

Cùng một tác giả

  • 0
  • 1
  • 1
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Thống kê

Nhà tài trợ

biệt thự vũng tàu
biệt thự vũng tàu cho thuê | biệt thự vũng tàu cho thuê theo ngày giá rẻ | cho thuê biệt thự vũng tàu có hồ bơi
© 2009 - 2016 Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Phát triển & Hỗ trợ kỹ thuật bởi SGC.
Trích dịch nội dung để dùng trong nghiên cứu, học tập hay dùng cho cá nhân đều được tự do nhưng cần phải chú thích rõ nguồn tài liệu và đối với các trích dịch với mục đích khác, cần phải liên lạc với tác giả.
  • Một chút tôi
    ?
    • Một chút tiểu sử
    • Ghi chép lang thang
    • Các bài trả lời phỏng vấn
    • Vài đoạn hồi ký
  • Thư đi tin lại
  • “.com”… 2 năm nhìn lại!
  • Góc nhìn – nhận định
  • Ở nơi xa thầy thuốc
    ?
    • Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng
    • Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc
    • Nuôi con
    • Thầy thuốc và bệnh nhân
    • Hỏi đáp
  • Tuổi mới lớn
    ?
    • Viết cho tuổi mới lớn
    • Bỗng nhiên mà họ lớn
    • Bác sĩ và những câu hỏi thường gặp của tuổi mới lớn
    • Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò
    • Hỏi-đáp
  • Tuổi-hườm hườm
    ?
    • Gío heo may đã về ….
    • Già ơi….chào bạn
    • Chẳng cũng khoái ru?
    • Những người trẻ lạ lùng
    • Thư gởi người bận rộn
  • Lõm bõm học Phật
    ?
    • Nghĩ từ trái tim
    • Gươm báu trao tay
    • Thiền và Sức khỏe
    • Gì đẹp bằng sen?
  • Thư cho bé sơ sinh và các bài thơ khác
  • Đọc sách
  • Nghiên cứu khoa học, giảng dạy
  • Nhận bài mới qua email