Ghi chú:
TVL ơi, bài thơ hay rồi, dịch ra tiếng Pháp làm chi cho nó thành dở?
Thân mến,
ĐHN
Bạn Dịch Bài Thơ Này Ra Tiếng Pháp Được Không
Trần Vấn Lệ
Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Tập hợp các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Ghi chú:
TVL ơi, bài thơ hay rồi, dịch ra tiếng Pháp làm chi cho nó thành dở?
Thân mến,
ĐHN
Bạn Dịch Bài Thơ Này Ra Tiếng Pháp Được Không
Trần Vấn Lệ
Nhân Ngày Quốc tế Người Cao Tuổi 1.10.2021
Ghi chú: Bác sĩ Lê Quang Khánh, người bạn cùng khóa với tôi ở Y khoa Đại học đường Saigon (1962-1969) hiện sống ở Melbourne Úc vừa gởi tôi bài viết này của một người bạn nào đó đã trích từ cuốn sách Về Thu Xếp Lại của tôi (2019), đặt cho cái tựa mới, chèn mấy bức minh họa thiệt dễ thương…
Cảm ơn LQK.
Hãy Vui Với Tuổi Vàng Vì Đó Chính Là Tuổi Tuyệt Vời Nhất !
Đỗ Hồng NgọcTôi nay ở tuổi 80. Thực lòng… đang tiếc mãi tuổi 75! Thấy những bạn trẻ… trên dưới bảy mươi mà “gato” ! Mới vài năm thôi mà mọi thứ đảo ngược cả rồi. Bây giờ có vẻ như tôi đang lùi dần về lại tuổi ấu thơ, tuổi chập chững, tuổi nằm nôi…Vòng đời rất công bằng. Chỉ còn cách tủm tỉm cười một mình mà thôi!Cái tuổi đẹp nhất của đời người theo tôi có lẽ ở vào lứa 65-75. Đó là lứa tuổi tuyệt vời nhất, sôi nổi nhất, hào hứng nhất… Tuổi vừa đủ chín tới, có thể rửa tay gác kiếm, tuyệt tích giang hồ, “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” (NCT), nhưng cũng là tuổi có thể lại vướng víu, đa đoan nhiều nỗi, để một hôm ngậm ngùi ta là ai mà còn khi giấu lệ/ ta là ai mà còn trần gian thế? (TCS)
Nhớ hồi ở tuổi 55, mới hườm hườm, tôi ngẫm ngợi, ngắm nghía mình rồi lẩn thẩn viết Gió heo may đã về. Đến 60 thì viết Già ơi… chào bạn! như một reo vui, đến 75 còn… ráng viết Già sao cho sướng?… để sẻ chia cùng bè bạn đồng bệnh tương lân. Nhưng 80 thì thôi vậy.
Đã đến lúc phải “Về thu xếp lại…”, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”… rồi đó thôi!
Chu trình “khép kín” đó bắt đầu tăng tốc ở lứa 65-75 tuổi. Tăng tốc khô héo, tăng tốc nhăn nheo. Sự tăng tốc của lứa tuổi này cũng làm ta há hốc, muốn kêu lên kinh ngạc… như ở tuổi dậy thì, tuổi mới lớn. Cái vòng đời nó diễn biến tuyệt vời đến vậy, liên tục đổi thay đến vậy thì có gì đáng phàn nàn đâu! Nhiều bạn cùng lứa than với tôi sao thế này sao thế khác, tôi thường chỉ nói “Ai biểu già chi?” rồi cười xòa với nhau mà không khỏi có chút… ngậm ngùi.Anh chàng Alexis Zorba (*) nói: “Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn với. Cho nó nghỉ với. Đó là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó ăn, nó nghỉ, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi”.
Từ ngày biết thương “con lừa” của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi… cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá, đừng nhiều mỡ quá!
Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình. Không ai giống ai. Như vân tay, như mống mắt vậy. Cho nên không cần bắt chước. Chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo. Nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc thì phải cảnh giác!
Thời tôi học y khoa được học tế bào thần kinh không thể sinh sản, mất là mất luôn, hư hỏng thì không thể tự sửa được, không như tế bào ở các mô khác. Ngày nay người ta biết có khoảng 100 tỷ neuron thần kinh và 100 nghìn tỷ kết nối giữa chúng, nhưng thật ra não bộ còn rất nhiều điều bí ẩn chưa thể biết hết. Khoa học ngày nay tiến bộ, cho thấy tế bào thần kinh chẳng những rất nhu nhuyến (plasticity), có khả năng tự thích nghi, tự điều chỉnh mà còn có thể sinh sản tế bào mới (neurogenesis). Chúng có thể kết nối tự bên trong, hoán chuyển vị trí… chứ không phải tập trung từng khu vực cứng ngắc như ngày xưa đã tưởng. Khả năng thay đổi và thích nghi này của não không bị mất đi, tuy khi có tuổi thì các khả năng nhận thức, ngôn ngữ, trí nhớ, suy luận cũng kém đi theo tiến trình chung. Nghiên cứu gần đây cho thấy ở tuổi 80 não bộ vẫn còn tiếp tục tạo nên những con đường mới nối kết bên trong nên vẫn phát triển được.
Bây giờ thời đại cái gì cũng “thông minh” đáng ngại. Không lâu nữa, chắc con người sẽ có đủ “tam minh lục thông” chăng?Tam minh là Túc mạng minh (biết rõ kiếp trước của mình), Thiên nhãn minh (biết rõ… kiếp sau của mình), Lậu tận minh (dứt tất cả lậu hoặc).Lục thông gồm: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Thần túc thông,…Từ ngày có trang web riêng mình, do một bạn trẻ giúp cho, tôi bận bịu với nó nhiều hơn. Rồi nhờ nó mà tôi lần mò học cách post bài, đưa hình ảnh, chỉnh sửa tùm lum… Nó giúp tôi như quên ngày tháng, quên đi những buổi mai buổi chiều buổi trưa buổi tối… Nhưng cũng nhờ nó, tôi mở rộng việc học hỏi, mở rộng giao tiếp, thấy quả đất chỉ còn là một hòn bi xanh trong lòng bàn tay… Và chiếc điện thoại thông minh cũng giúp mình nhiều việc, dù thực tế nhiều lúc thấy nó thiệt là… ngu!
Mắt kém, đọc mỏi, tôi bắt đầu ít đọc báo, ít xem TV – ngày trước, mỗi ngày ngốn chục tờ báo là thường! Nay chỉ đọc lướt qua cái tựa là xong. Thời đại cần cái gì, gõ gõ vài cái có người đưa tới tận nhà! Hy vọng không lâu nữa, họ gởi các thứ qua mạng, bấm nút in ba chiều, muốn gì cũng có… Nghe nói người ta đã có thể “fax” một con người từ nơi này sang nơi khác… giúp ta không phải đợi chờ lâu! Máy móc, kỹ thuật, phương tiện nghe nhìn ngày càng chiếm ngụ trong ta, “thay mãi đời ta”…
(ĐHN)
………….(*) nhân vật của Nikos KazantzakisViết thêm: Cảm ơn chị Sương Lam Trần và anh Võ Tá Hân
Sương Lam
(Suong Lam Portland)
Chào BS Đỗ Hồng Ngọc,
Trong tinh thần sống vui vẻ trong tuổi “hoàng hạc”, Sương Lam thường giới thiệu hoặc chuyển tiếp những bài viết, những tài liệu đem lại niềm vui tinh thần sống vui, sống khỏe, sống an nhiên tự tại đến các thân hữu của Sương Lam.
Trang nhà của anh Ngọc Đỗ (www.dohongngoc.com) là một trong những trang nhà SL thích và muốn giới thiệu đến các thân hữu của SL như trang youtube của thầy Thích Tánh Tuệ, của Thầy Thích Pháp Hòa, trang youtube của anh Võ Tá Hân, trang nhà Quán Ven Đường của anh Hùynh Chiếu Đẳng …
Kính chúc anh Đỗ Hồng Ngọc nhiều sức khỏe và an lạc trong cuộc sống,
Thân mến,
……………………………………………………………………………………
Võ Tá Hân
(hanvota.com)
Anh Đỗ Hồng Ngọc & Chị Sương Lam mến,
Anh Ngọc có khuyến khích người cao niên dùng máy vi tính thì cũng đừng quên khuyên họ nên … học đàn guitar nữa nhé.
Ngồi chăm chú tập đàn – quên hết mọi phiền toái cuộc đời – thì cũng là một cách “thiền”, luyện tập các ngón tay thì cũng giúp mình đỡ bị phong thấp, rồi 50 năm sau, nay mới ôm đàn hát được những những bài mình hằng yêu thích từ thuở 20 thì còn gì hạnh phúc hơn!
Sáng mai lớp Guitar Ngàn Thương sẽ có một buổi họp mặt ngoài trời – mọi người đều đã chích 3 mũi thuốc! (…) Các “cụ nhạc sinh” góp mặt trong CD này hầu hết là các ông bà có trung bình 2 cháu nội ngoại, học đàn từ vài tháng đến khoảng 3 năm.
… và đây là hình ảnh lớp đàn đầu tiên mà tôi dạy năm 2017 cho nhóm bạn cao niên vùng Little Sài Gòn, Nam Cali.
Ngô Nguyên Nghiễm
Với tay bắt bóng trả lại cho ngàn mây, những diệu ngã cũng vẫn là cái chấp, dù đó là bản ngã vi diệu thậm thâm. Những hình bóng hữu vi, vẫn thoắt ẩn thoắt hiện, không có gì nhập thể vô ngã. Thơ Phan Bá Thụy Dương, vịn trên ngôn ngữ mà trải dài những biến dịch vô thường. Chính nét nhìn xuyên thấu ngôn ngữ, chẻ vụn thần khí chữ nghĩa để tìm từng hạt ngọc quý mà lau chùi. Nét tinh quang rạng rỡ giữa tịch mịch hư không, khiến:
bến nhân gian ai quán niệm vô thường
Thư gởi bạn xa xôi
Đỗ Hồng Ngọc
On Feb 3, 2020, at 09:44, Phan Ba Thuy Duong
Ngọc thân,
Gởi toa bài thơ Nói Với Thiền Khách mình làm tặng bạn và anh Trần Thiện Hiệp.
2 tuần nữa mình sẽ rời Kobe để về Thuỵ sĩ. Vẫn luôn ghi nhớ những ngày ngao du cùng Ngọc ở Saigon.
Ráng giữ gìn sức khoẻ để thường xuyên đi làm những điều tâm nguyện và hữu ích cho đời, cho người…
Cầu cho bạn thân tâm luôn an lạc.
Tình thân,
Phan Bá Thụy Dương
………………………………………………………..
PHAN BÁ THUỴ DƯƠNG
Nói Với Thiền Khách
Gởi ĐỗHồngNgọc, TrầnThiệnHiệp
Cánh vạc nào bay trong triền nắng sớm
Tiếng hót xa xăm như tận cõi trời
Sao u trầm chất ngất khách thiền ơi
Xin nhẹ bước trên lối mòn tỉnh lặng
Rừng cô tịch có gì đâu tra vấn
Lửa Chân Như có đủ ấm linh hồn
Đất bùn nào còn ghi lại dấu chân
Tâm vô niệm đường xa gần đi mãi
Có phải người đang quay về bến đợi
Gom lá vàng gỗ mục dưới trăng trong
Về đi thôi, đêm lạnh giá mênh mông
Áo nâu mỏng sao che mưa đở gió
Chim thức giấc cất lời ru thanh nhã
Người phong trần qua mấy độ truân chuyên
Thấy gì chưa tự ngã với uyên nguyên
Hay ngần ngại chia xa lòng thung lũng
Từ tiềm thức đã lạc quên long trượng
Đâu đây chừng thấp thoáng ánh vô ưu
Thiền khách này, thiền khách đã về chưa
Xin trả lại cho ta quê, tình cũ.
PHAN BÁ THUỴ DƯƠNG
…………………………………………………………………….
Lời Gọi Cỏ May của Phan Bá Thụy Dương
Đỗ Hồng Ngọc
Phan Bá Thụy Dương, tên thật Phan Bá Dương, sinh năm 1940 tại Tuy Phong, Bình Thuận, cùng học chung lớp Đệ thất A1 trường Phan Bội Châu Phan Thiết năm 1954 với Trần Vấn Lệ, Phan Đổng Lý, Huỳnh Ngọc Hùng, Huỳnh Tấn Thời, Đỗ Hồng Ngọc…
Bọn tôi “thất lạc” nhau mấy chục năm, người góc biển kẻ chân trời, năm nay bỗng gặp lại nhau- tình cờ cũng là dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường Phan Bội Châu, Phan Thiết – đứa nào đứa nấy ngớ ra, đầu bạc răng long, ú ú ớ ớ rồi mày mày tao tao tíu tít như những cậu học trò nhỏ nghich ngợm ngày xưa bên bờ sông Cà Ty và bãi biển Thương Chánh (Phan Thiết)!
Phan Bá Thụy Dương viết văn làm báo sớm, từ năm 1958 với nhiều bút hiệu, thân quen nhiều người trong giới văn nghệ sĩ. Anh là một người “khoái hoạt”, vui tính, náo nhiệt, chuyện trên trời dưới đất gì cũng biết nên ai gặp cũng vui. Anh làm sách cho nhiều tác giả mà quên làm cho mình cuốn nào. Mãi nay bạn bè hối thúc quá mới in một cuốn “tuyển tập thơ văn Lời Gọi Cỏ May” cho vui. Lời gọi cỏ may có nhiều bài thơ cảm động, anh em bè bạn viết cho nhau.
Thơ Phan Bá Thụy Dương phải nói là hay, khoái hoạt mà khinh bạt, trầm lắng… Thử đọc một đoạn trong liên khúc vô thường:
liên khúc vô thường
ném công án, vất kinh thư bất ngộ
theo đường trăng-
trăng khi tỏ khi lu
tìm người hiền nơi thâm cốc âm u
thõng tay vào rừng giả làm ẩn sĩ
giòng sinh mệnh
chừng nhuộm màu chướng khí
bến nhân gian ai quán niệm vô thường
hành trình xa ngựa đà lỏng dây cương
trên vách núi chân dung in mờ tỏ
…….
(LGCM, tr 4)
Nguyên Giác
(xin đọc đầy đủ trên https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2021/09/16/voi-nang-vang-va-am-nhac-ra-mat-tuyen-tap-tieng-hat-thu-vang/)
Cuốn tuyển tập nhiều tác giả viết về Tiếng Hát Thu Vàng dày gần 250 trang bìa màu và bên trong có nhiều tranh phụ bản màu và trắng đen của các họa sĩ Bé Ký, Cao Bá Minh, Duyên, Lê Ký Thương, Nguyên Khai, Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Thiên Chương, Trương Đình Uyên, Trương Vũ. Họa sĩ Khánh Trường thiết kế bìa, ảnh bìa của nhà văn nhà báo Phan Tấn Hải, với lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh và lời bạt của Trần Thị Nguyệt Mai.
Trong bài phỏng vấn ca sĩ Thu Vàng do nhà văn Trần Doãn Nho thực hiện, ca sĩ Thu Vàng đã kể về cơ duyên đến với âm nhạc của chị:
“Tôi còn nhớ những năm đầu Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi thích nghe nhạc của chương trình thương mại, thích thú hát theo những bản Bolero. Sau đó ba tôi hướng tôi nghe những bản nhạc xưa do những ca sĩ Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Anh Ngọc, Duy Trác… hát, nghe quen rồi dần dần yêu thích. Thời điểm này, tôi được sinh hoạt trong ban nhạc “Tuổi Thơ” ở Hội An do anh Thái Tú Hòa thành lập.
“Anh Hòa và thầy Lê Khuê, hiệu trưởng trường Nam Tiểu Học, cùng một số anh văn nghệ trong phố đã tập cho bản “Tuổi Thơ” hát những trường ca quan trọng như “Mẹ Việt Nam,” “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy, những bản hùng ca, nhạc thiếu nhi của Hùng Lân, Lê Thương, Phạm Duy… và nhiều tác phẩm giá trị khác. Giai đoạn này thực sự định hình thể loại nhạc tôi theo đuổi đến giờ. Tôi có may mắn được học rất nhiều từ những người thầy rất có tâm này.”
Và chính nhờ được hun đúc bởi những “người thầy có tâm” mà ca sĩ Thu Vàng đã hát bằng cái tâm của chị để được nhiều người yêu thích như chị đã nói trong cuộc phỏng vấn của nhà văn Trần Doãn Nho:
“Nghĩ cho cùng, mọi việc đều đến từ cái duyên cả anh ạ. Cuộc đời đã cho tôi nhiều đau khổ, mất mát nhưng tôi nghĩ, có thật sự kinh qua những đau khổ, mất mát, thiếu thốn thì mới khao khát thương yêu, yêu hết thảy: quê hương, thiên nhiên, con người… Và tôi tin, cái gì xuất phát từ tâm thì sẽ đi vào lòng người.”
Trong bài “Lấp Lánh Sao Mai” là Lời Giới Thiệu CD Dạ Khúc do ca sĩ Thu Vàng hát, nhà thơ Đặng Tiến thì cho rằng tiếng hát của nữ sĩ Thu Vàng là “tiếng hát hồn nhiên, óng ả”:
“Khi xuất thần, những trắc ẩn bỗng thăng hoa thành tiếng hát. Tiếng hát hồn nhiên, óng ả đầy xúc cảm và truyền cảm.”
Trong bài “Thu Vàng – Một Tiếng Hát, Một Tài Hoa, Một Nhân Cách,” nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã viết về giọng ca Thu Vàng như là “tiếng hát đặc thù”:
“Nhưng điều hạnh hữu hôm nay, lại xuất hiện một tiếng hát Thu Vàng, tiếp nối được các đàn chị. Lắng nghe, ta sẽ thấy, 90% nghệ thuật của Mai Hương, Quỳnh Giao và Thái Thanh như đang ẩn hiện. Một tài hoa kết tinh tự nhiên có một không hai, đến lạ kỳ. Như thu nhiếp cái chung để làm nên cái riêng, làm nên tiếng hát đặc thù cho chính mình.”
Nhà văn và nhà báo Phan Tấn Hải trong bài viết “Những Đêm Nhạc Thu Vàng” đã nói lên cảm nghĩ thích thú của anh khi nghe nữ ca sĩ Thu Vàng hát:
“Trong chương trình đêm nhạc khoảng hai giờ đồng hồ, tôi ngồi nghe, như quên hết tháng ngày đang trôi. Có phải đây là đêm, sao giọng ca chị Thu Vàng như dường chói ngời ánh sáng của một chiều xuân? Có phải đây là ca khúc Bến Xuân của Văn Cao, sao nghe như nửa đêm có tiếng chim hót lảnh lót trong giọng ca của chị Thu Vàng?”
Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh trong bài “Thu Vàng – Đêm Nay” đã mô tả tiếng hát của Thu Vàng có sức mạnh “đặt người ta vào nơi chốn vừa thực vừa mơ”:
“Tôi biết Thu Vàng có không ít tri kỷ, dù chị ít xuất hiện, chỉ thu đĩa rồi tặng bạn hữu, hoặc hát mê say ở nơi chỉ có bạn thân. Và những người nghe như tôi, một căn phòng vắng, một đêm rất đầy, một nỗi sầu chưa vơi, đó là những hòa âm chuẩn nhất với thánh thót buồn của tiếng hát Thu Vàng. Một âm giọng đẩy đưa người nghe lên nhiều cung bậc cảm xúc, đặt người ta vào nơi chốn vừa thực vừa mơ, và xóa thời gian dưới tiếng rót trong trẻo của âm thanh.”
Nhà văn Văn Công Tuấn đã nghe ca sĩ Thu Vàng hát bài “Chiều Về Trên Sông” của nhạc sĩ Phạm Duy mà ngộ ra một điều mà từ 40 năm ông chưa hiểu: “Hơn 40 năm lưu lạc xa xứ, phải chờ đến khi nghe Thu Vàng hát câu nhạc cuối của bản Chiều Về Trên Sông tôi mới hiểu được tại sao nhạc sĩ Phạm Duy viết như vậy: Bể sầu không nhiều, nhưng cũng đủ yêu!”.
(…)
Sự thành công của người ca sĩ đến từ giọng thiên phú, có kỹ thuật điêu luyện và biết chọn nhạc phẩm thích hợp cho mình. Qua khoảng 40 tác giả viết trong tuyển tập Tiếng Hát Thu Vàng, cho tôi thấy nữ ca sĩ Thu Vàng đã có đủ ba yếu tố trên. Ngoài ra, chị còn có tấm lòng không những với nghệ thuật mà còn với bạn bè và người nghe. Bởi thế, chị đã thành công và đã được nhiều người yêu thích là điều dễ hiểu.
Mong rằng chị sẽ tiếp tục góp tiếng hát truyền cảm của chị để làm cho cuộc đời lắng bớt những đau thương và khổ lụy.
Nguyên Giác Phan Tấn Hải
(Thứ bảy 11.9.2021)
……………………………………………………………
Vài hình ảnh Thu Vàng hát ở Hội An (2017)
(https://vanvn.vn/do-hong-ngoc-bac-si-viet-tu-trai-tim/)
CẬP NHẬT NGÀY: 9 THÁNG TÁM, 2021 LÚC 16:43
Vanvn- Đỗ Hồng Ngọc tâm sự: “Tôi tự nhiên mà khoái Tâm Kinh. Có thể là có duyên sao đó. Sau cơn mê, mổ xong tôi tỉnh dậy. Cười một mình. Ngu ơi là ngu. Đáng đời ơi là đáng đời. Rồi tôi lạ lẫm nhìn nắng chiếu qua khung cửa. Lạ lẫm nghe tiếng chim hót. Lạ lẫm thấy lá thông lắc lư trong gió…”.
Mười năm qua, sách của Đỗ Hồng Ngọc luôn nằm trong danh mục bán chạy nhất, được tái bản nhiều lần, được trưng bày trên các kệ trang trọng nhất trong các nhà sách. Đúng là một hiện tượng.
Sách của Đỗ Hồng Ngọc không phải là những tiểu thuyết diễm tình, éo le, gay cấn, cũng chẳng phải là sách nhất thời “ăn theo” một sự kiện nào đó, hay những sách dạy làm giàu thời thượng… Đó là những tập tản văn về một nếp sống an lạc, về thiền như Nghĩ từ trái tim, Như thị, Cõi Phật đâu xa, Cành mai sân trước… Các tập tùy bút về sức khỏe viết cho người cao tuổi như Gió heo may đã về, Già ơi chào bạn, Thiền và sức khỏe, Nếp sống an lạc… Và cả những ký sự nhân vật như Những người trẻ lạ lùng, Nhớ đến một người, Một hôm gặp lại... viết về những người quen thân với tác giả, trong đó có nhiều trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng.
Cõi thơ của Đỗ Hồng Ngọc
Nhiều người nghĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ làm thơ, viết văn và gọi anh là bác sĩ – nhà văn. Nhưng tôi vẫn thích gọi anh là thi sĩ – bác sĩ bởi Đỗ Hồng Ngọc có cốt cách thi sĩ trong con người bác sĩ. Anh làm thơ và có thơ in từ thời sinh viên – tập Tình người (năm 1967), ký bút hiệu Đỗ Nghê. Mấy năm sau khi ra trường là Thơ Đỗ Nghê (năm 1973). Tập thơ đã gây được tiếng vang trong văn đàn bấy giờ. Sau này anh trích một số bài trong hai tập thơ trên rồi in lại trong các tập thơ Giữa hoàng hôn xưa (năm 1993) và Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác (năm 2010).
Bài thơ làm tựa chính Thư cho bé sơ sinh… Đỗ Hồng Ngọc viết năm 1965, khi còn là sinh viên y thực tập tại BV Từ Dũ: Khi em cất tiếng khóc chào đời/ Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười/ Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao kẻ cười người khóc/ Trong cùng một cảnh ngộ nghe em…/ Khi anh cắt rún cho em/Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ… Thôi trân trọng chào em/ Mời em nhập cuộc/ Chúng mình cùng chung/ Số phận con người.
Tôi nhớ hình như khoảng sau ngày ký Hiệp định Paris (năm 1973) ít lâu, anh gửi tặng tôi tập Thơ Đỗ Nghê mới xuất bản. Tập thơ in ronéo nhưng trình bày khátrang nhã. Thơ Đỗ Nghê bàng bạc khát vọng hòa bình và cả nỗi ám ảnh của chiến tranh, đã gây được tiếng vang trong văn đàn bấy giờ. Anh ru con: Ngủ đi con ngủ đi con/ Rồi ngày mai khôn lớn/ Cầm súng với cầm gươm. Và anh ru vợ (hay người yêu?): Ngủ đi cưng, ngủ đi cưng/ Kề tai đây anh bảo/ Coi như mình chẳng có quê hương.
Năm 1997 Đỗ Hồng Ngọc ra mắt tập thơ Vòng quanh, một “bút ký thơ” kèm những ký họa rất thú vị của chính tác giả vẽ lại những nơi chốn anh đã đi qua: Huế, Hà Nội, Boston, Montreal, Bắc Kinh… nhưng có lẽ ấn tượng nhất với thi sĩ là Paris. Một tâm hồn thi sĩ như Đỗ Hồng Ngọc mà lạc lối tới Paris giống như anh “trở về”. Vòng quanh ra đời sau chuyến đi Paris năm 1997. Thơ viết về Paris lan man gần phân nửa tập thơ: Paris với anh lạ mà không lạ/ Có cái gì đó rất thân quen/ Như sáng nay thăm lại tháp Eiffel… (Paris tháng Sáu). Hoặc: Ở Paris có thể/ Vào một quán cà phê quen/ Từ ba trăm năm cũ/ Làm một ly đen/ Với Voltaire, Bonapartre/ Hoặc Benjamin Franklin/ Khề khà cùng Jean Paul Sartre… (Café).
Và cõi người của một bác sĩ
Tác phẩm đầu tay viết về y học Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò anh ký tên thật bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, xuất bản năm 1972. Tôi nhớ lần đầu gặp Đỗ Hồng Ngọc khi anh mang tặng tôi cuốn sách này, nhờ tôi giới thiệu trên tuần báo Tuổi Ngọc (bấy giờ tôi là thư ký tòa soạn). Tuổi Ngọc là “tuần báo của tuổi mới lớn”, độc giả của báo cũng là đối tượng độc giả của cuốn sách. Tòa soạn là căn gác xép chật chội của nhà in nên anh và tôi ngồi ở quán cà phê trong con hẻm bên cạnh. Đỗ Hồng Ngọc là một người lịch thiệp, cử chỉ từ tốn, nói năng nhẹ nhàng, dễ gây cảm tình với người đối thoại.
Hai năm sau Đỗ Hồng Ngọc viết cuốn y học thứ hai Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng. Cả hai cuốn sách viết về y học thường thức nói trên tái bản không biết bao nhiêu lần bởi cứ lứa tuổi học trò này lớn lên lại có lứa khác tìm đọc. Những bà mẹ này sinh con đầu lòng rồi lại có những bà mẹ sinh con đầu lòng khác. Những lời khuyên nhẹ nhàng cho lứa tuổi học trò hay các bà mẹ trẻ lần đầu sinh con với văn phong dí dỏm của Đỗ Hồng Ngọc rất hấp dẫn người đọc. Kể cả đến nay, sau 45 năm, hai tập sách y học thường thức ấy vẫn tiếp tục tái bản. Thế mới thấy cái duyên của BS Đỗ Hồng Ngọc. Học giả Nguyễn Hiến Lê khi viết tựa cho cuốn Những tật bệnh thông thường… đã viết: “Một bác sĩ mà là một thi sĩ luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”.
Năm 1997, Đỗ Hồng Ngọc cho ra đời một tập sách y học thường thức nhẹ nhàng Gió heo may đã về. Tác giả mượn một câu trong ca khúc Nhìn những mùa thu đi của Trịnh Công Sơn: “Gió heo may đã về/ Chiều tím loang vỉa hè/ Rồi mùa thu bay đi…” làm tựa tập tản văn viết cho lứa tuổi chớm già. Chỉ trong năm 1997 Gió heo may đã về đã tái bản đến ba lần, đủthấy sức hút của tác phẩm. Mặc dù đề tài viết về sức khỏe của tuổi già đã có nhiều bác sĩ tên tuổi viết như BS Nguyễn Ý Đức, một chuyên gia về lão khoa nổi tiếng ở Mỹ, hoặc GS Ngô Gia Hy đã viết nhiều cuốn về tuổi già. Thế nhưng Gió heo may đã về được viết dưới dạng tùy bút nhẹ nhàng như những lời tâm sự, người đọc dù khó tính mấy cũng sẽ mỉm cười thích thú khi đọc. Tác giả cũng khá bất ngờ khi tập tản văn nhận được sự đón nhận nhiệt tình của đông đảo bạn đọc – có lẽ hầu hết ở lứa tuổi chớm già như anh.
Các tập ký sự nhân vật: Những người trẻ lạ lùng, Nhớ đến một người… Đỗ Hồng Ngọc viết về những cuộc gặp gỡ, những cuộc chia tay, những cuộc hạnh ngộ diệu kỳ. Anh nhớ những gương mặt, những cá tính, những tài năng không thể nào quên, như học giả Nguyễn Hiến Lê, một tấm gương kiên nhẫn, có ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc đời anh. Hay bác sĩ – họa sĩ Dương Cẩm Chương, một bậc trưởng thượng cả trong y khoa và hội họa Việt Nam, hoặc nhạc sĩ Trần Văn Khê, nhà văn Võ Hồng, nhà văn Võ Phiến, bác sĩ – nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện…
“Trái tim có cách nghĩ riêng của mình”
Từ những tập sách viết về y học với một giọng văn nhẹ nhàng, các ký sự nhân vật như những lời tình tự đến những bài thơ trăn trở một thời tuổi trẻ hay những câu thơ lãng mạn ở tuổi chớm già, hình như Đỗ Hồng Ngọc không viết từ những nghĩ suy bình thường mà viết từ trái tim, dù trái tim không phải để suy nghĩ mà để yêu thương. Như trong tập Nghĩ từ trái tim (viết về Tâm Kinh Bát Nhã), Đỗ Hồng Ngọc đã viết “trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều khi khối óc không sao hiểu được”.
Đỗ Hồng Ngọc kể lúc anh dưỡng bệnh ở BV An Bình cuối năm 1997 sau khi mổ sọnão ở BV 115, anh đọc được Trái tim hiểu biết của thiền sư Nhất Hạnh viết về Bát Nhã ba-la-mật-đa Tâm Kinh do một người bạn cho mượn. Anh đọc và nghiền ngẫm. Trong lời dẫn nhập sách, Đỗ Hồng Ngọc viết: “Nghiền ngẫm rồi ngập ngừng. Rồi bức xúc, phải viết ra cho khỏi quên, để lâu lâu còn coi lại một mình. Ba năm nghiền ngẫm, sáu tháng viết và hơn hai năm ngại ngần, thỉnh thoảng đọc và sửa, nhờ vài bạn thâm giao chỉ thêm cho, rồi tìm tòi, tham khảo, loay hoay…”. Mãi đến sáu năm sau, cuối năm 2003, tập Nghĩ từ trái tim mới được ấn hành. Anh giới thiệu và giảng giải Tâm Kinh theo cách của anh, một bác sĩ, không ẩn dụ mà là những ví dụ, những từ ngữ dễ hiểu, dễ đi vào tâm thức người đọc.
Nghiền ngẫm Tâm Kinh để chữa bệnh cho chính mình
Đỗ Hồng Ngọc tâm sự: “Tôi tự nhiên mà khoái Tâm Kinh. Có thể là có duyên sao đó. Sau cơn mê, mổ xong tôi tỉnh dậy. Cười một mình. Ngu ơi là ngu. Đáng đời ơi là đáng đời. Rồi tôi lạ lẫm nhìn nắng chiếu qua khung cửa. Lạ lẫm nghe tiếng chim hót. Lạ lẫm thấy lá thông lắc lư trong gió…”.
Đỗ Hồng Ngọc bảo anh viết những cảm nghĩ trong khi nghiền ngẫm Tâm Kinh cũng là để làm một phương thuốc chữa bệnh cho chính mình và chia sẻ cùng vài bạn bè thân hữu “đồng bệnh tương lân”. Và kể từ sau Nghĩ từ trái tim, những tập tản văn y học, tùy bút thiền, bút ký thơ, ký sự nhân vật của Đỗ Hồng Ngọc với văn phong thanh thoát, đầy chất thơ, nhẹ nhàng như gió thoảng liên tiếp được ấn hành rồi tái bản, tái bản.
PHẠM CHU SA
Ghi chú: Tháng Sinh Nhựt
(…) ai dè sáng nay 1/8, đã thấy trên trang nhà tranthinguyetmai dọn hẳn một bữa tiệc sinh nhật thật hoành tráng đầy bất ngờ… với bao nhiêu là quà quý từ bạn bè anh em tặng Đỗ Hồng Ngọc “bát tuần”…!
(https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2021/08/01/chuc-mung-sinh-nhat-bac-si-nha-tho-do-hong-ngoc/)
Và trong những món quà quý đó, có món “thư gởi Nguyệt Mai” của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh…
ĐHN
Thư gởi Nguyệt Mai
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Nguyệt Mai gửi e-mail bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Ở là cư ngụ hả Mai. Ở là lúc, thời gian, phải không Mai. Em nói hay thật đấy, tôi đang hình dung những bước chân tuổi 80 hôn trên đất (sư Nhất Hạnh bảo thiền hành với những bước chân như là hôn mặt đất vậy), tôi đang tưởng thời gian đang bắt tay tuổi 80. Mà ai bắt tay ai trước, với bản chất như thế thì chắc là anh Ngọc nhà mình rồi, Mai đồng ý không? Bỗng nhiên tôi mở lại những hình của anh Đỗ Hồng Ngọc, hầu hết là anh cười, mà cười tủm tỉm, mỉm cười. Khi tôi đọc văn thơ của anh lần nào cũng thầm nói, anh Ngọc là vậy, cứ thế mà tủm tỉm đi tủm tỉm về tủm tỉm tới. Hình ảnh đúng như bao người nhận xét, hòa nhã, thong dong, từ từ, nghĩa là tất cả những hình ảnh nào mang tính dừng lại, thì là anh đấy! Anh là mỉm cười, là tủm tỉm, là dừng lại. Tóm lại, là tự tại. Khiến tôi nghĩ đến câu hỏi của Vô Tận Ý bồ tát: “Thế Tôn, Quán Thế Âm dạo đi trong cõi ta bà như thế nào?” Tôi thích nghĩa dạo chơi này lắm, anh Đỗ Hồng Ngọc qua mấy chục pho sách tung tăng cõi bụi độ thoát bao tâm tư thì quả là dạo chơi như thế đúng không hả Nguyệt Mai?
Trong sách Biết Ơn Mình, anh viết,
Xây dựng hình ảnh về chính mình (self-image) rất quan trọng, nếu đó là một hình ảnh tích cực nó sẽ giúp cho mình tự tin hơn và từ đó ảnh hưởng đến “môi trường” xung quanh; còn nếu là một hình ảnh tiêu cực thì sẽ rất không hay.
Tôi nhớ đã nghe trong một pháp thoại của thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói, người đang mỉm cười là tỉnh thức, là chánh niệm, là lúc vững chãi thảnh thơi. Phải chăng anh Đỗ Hồng Ngọc luôn tự tại mỉm cười nên chi ba-con-nợ tham sân si kia chẳng có cửa mà vào? Thế có phải là Niết Bàn Lạc Trú như sư Nhất Hạnh giảng? Hình ảnh ấy đã để lại những tình cảm tích cực nơi người có dịp tiếp xúc anh hay tiếp xúc anh qua chữ nghĩa. Hình ảnh đó đối với riêng tôi như một nhắc nhở khi tôi lậm vào những thứ buồn bã linh tinh về cuộc sống về bịnh tật.
Nguyệt Mai bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Thì bây giờ chỉ nói cái gì liên quan đến cái tuổi thôi nhé Mai, mà nói về phạm trù này thì hầu như chiếm hết trong danh mục mấy chục cuốn sách của anh Đỗ Hồng Ngọc đấy, dám không! Tám mươi tuổi, nhìn dáng vẻ mặt anh thì thấy, ừ 80 thật (dạ thưa quả-táo-nhăn-nheo, can chi một chút eo sèo thời gian!), nhưng nghe anh nói chuyện, đọc văn anh thì ai cũng thốt lên, sao trẻ trung thế! Tôi nghĩ anh được phong thái như thế vì anh chấp nhận tuổi tác vui vẻ quá, đến tuổi nào thì reo tuổi ấy, đây là cách mà chị em mình nên bắt chước đó, Kim Quy, Duyên, Mai, Thu Vàng, Thanh Lương ơi, cái màu tóc bạc, cái da cổ nhăn nheo sẽ làm người ta quên ngó tới khi tiếp xúc với một ánh mắt ấm áp, một nụ cười thân thiện -nếu không tủm tỉm được thì cứ mở hết diện tích của cái miệng xinh, cũng tốt lắm-, khi nào đủ nội lực thì tức khắc tủm tỉm được thôi.
Mà anh đã vào mùa sinh nhật 80 ư anh Ngọc? Nhưng dường như ngày nào cũng là sinh nhật anh mà, nhớ câu thơ này không, Nguyệt Mai, khi em tổ chức sinh nhật anh Ngọc trên không gian ảo nên thơ của Những Tình Thân Ái?
Anh không có ngày sinh nhật/ Nên mỗi ngày/ Là sinh nhật của anh… (Sinh Nhật)
… Mỗi ngày ta rơi rụng/ Mỗi ngày ta phục sinh (Vô Thường)
Ngày nào mở mắt ra cũng nhủ cười: -hôm nay sinh nhật mình- nên chi anh Đỗ Hồng Ngọc viết cả một loạt sách về cái nhân sinh quan reo tuổi -một võ công thâm hậu đủ sức mạnh để xoay sở với thời gian-. Đôi khi tôi nhìn những vết nhăn, vướng một bịnh nào đó của tuổi tác tôi cứ bị lôi về những kỷ niệm, làm sao tu để có được cái tuệ giác vô thường hầu ứng xử với những nỗi buồn ấy…
Ở đâu đó anh nói, đời người có ba hồi: Hồi trẻ, Hồi trung niên và Hồi đó. Cái Hồi đó này bao trùm cả ba hồi. Như giờ ai hỏi tôi đang ở hồi nào, chắc tôi trả lời, hồi đó, đúng lắm, vì ngay phút trả lời thì đã thành hồi đó rồi, nhưng không phải là hồi xưa đâu, là cái đã, vừa qua mà cứ lung linh rung rinh hiện tại. Thế thì em có hiểu thêm cái nghĩa của tủm tỉm không vậy, Nguyệt Mai? Anh lại bảo: … với tôi, tôi không hề biết mình đã có tuổi, tích tuổi, lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già, và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ (Thư Gửi Người Bạn Nhật Chưa Quen Biết). Bởi vậy mà tới tuổi nào anh cũng có vô số chuyện để đối thoại với chúng, và lúc nào cũng như đứng trước tấm gương tuổi mà hỏi, tôi bây giờ khác gì tôi xưa (Về Thu Xếp Lại), rồi tủm tỉm tay bắt mặt mừng với nó. Hẳn là thời gian cũng vui mừng khi có người bạn đồng điệu ngang cơ như thế. Luôn nhìn mình hỏi mình để thấy được từng lúc rơi rụng, phục sinh thì sao mà không vui vẻ với cái không ta để thảnh thơi mỉm cười?
Mai ơi, em có như tôi, vô cùng “gato” cái dũng ấy của anh không? Hùng lực ấy đến từ đâu? Thưa ở nơi cái nhìn rất nên thơ về các giai đoạn đời người. Nên thơ nên chuyển hóa được sợ hãi lo buồn.
Trong Thư Cho Bé Sơ Sinh, anh viết:
Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
… Khi người ta cắt rún cho bé thì từ đó cái lỗ rún trở nên một nơi chốn để nhớ về.
Khi vừa lìa khỏi êm ấm cõi lòng mẹ, thì có ngay sau đó hình ảnh lỗ rún như một quê hương để nhớ về. Anh đã nhìn nỗi chia lìa kia trữ tình làm sao!
Và khi đến tuổi hoang mang vô kể thì anh cho đó là một phép lạ:
Rồi khi người ta đến tuổi dậy thì, cũng một đợt “biến thái” đầy phép lạ nữa!… không chỉ thể xác mà cả tâm hồn! Người ta xa lạ cả với chính mình. Cao vọt lên, dài ngoằng ra, chỗ phình chỗ xẹp, chỗ lõm chỗ lồi, chỗ dư chỗ thiếu, làm người ta hoang mang vô kể!
… Vậy đó bỗng dưng mà họ lớn (Huy Cận). Họ ở đây là… mình chớ không phải ai khác. Bỡ ngỡ xa lạ với mình ngày hôm qua, hôm kia… (Đỗ Hồng Ngọc)
Nếu Hồi đó có ai nói với tôi rằng, có một chiếc đũa thần gõ vào thân thể khiến nó thay đổi lạ lùng đến thế thì hẳn đã không phải “théc méc” lo sợ! Các cháu bây giờ thì đã có bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giải thích rồi, mà nói kiểu của bác thì hẳn đa số các cháu nghe xong sẽ làm văn làm thơ… Bởi có cái nghe như thế này:
“Tới một tuổi nào đó, ta quan tâm rất nhiều đến thân thể mình. Ta lắng nghe thân thể mình phát triển như chú dế mèn lắng nghe tiếng cỏ mọc trong đêm khuya…” (Những Tật Bịnh Thông Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò)
Nghe như thế thì hẳn chả lo sợ gì mà thay vào là nỗi hồi hộp thơ mộng, nghe má mình đang hồng lên, chờ một điều âm thầm nào đó đang khiến mình đẹp hơn lên… Nguyệt Mai ơi, phải mà mình được trở lại tuổi đó để được nghe như thế thì thú quá phải không Mai?
Rồi tới cái tuổi mà Đỗ Hồng Ngọc bảo: Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình… (Một Chút Lan Man)
… Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến…
Khi tình yêu tìm đến…vậy tất có cái hồi rất dài đó, anh Ngọc ơi, không chỉ tuổi hai mươi đâu, đó là Hồi yêu, nhìn lại những Reo Tuổi của anh xem, bất kể tuổi nào cũng có tình yêu hiện diện, sắc mầu biến hóa như chiếc kính vạn hoa. Lúc nào Đỗ Hồng Ngọc cũng nhận diện được Thương Yêu chung quanh mình. Nhận về rồi trao đi, rồi thủ thỉ với nhau, Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa! (Một Chút Lan Man)
Nguyệt Mai ơi, em bảo anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Nhưng với ý nghĩ lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già, và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ, thì tôi có kết luận rằng lúc nào ông anh nhà thơ lãng mạn của chúng ta cũng ở vào Hồi yêu. Yêu em, yêu người, yêu đời, yêu đạo.
Lúc tôi đọc Thơ Ngắn Đỗ Nghê, tôi có ghi chú dưới mấy bài thơ tình mấy chữ: trời ơi tình! Đã định bụng viết về mảng trời ơi này của anh, nhưng rồi lại xớ rớ đâu đó, giờ tôi xin chép lại đoạn viết ngắn ấy.
…
Thời gian chỉ còn là một đường tơ mong manh cho nỗi nhớ lay động. Hãy xem chàng làm gì để nguôi? Phải hét lên cho cây già hốt trẻ, phải gióng vang chuông trần cho ta bà biết nhớ…
Anh thương nhớ quá làm sao nói
Gọi tên em vang động gốc cây già…
… Nhớ ơi rung tiếng chuông trần
Em xa xôi biết có bần thần không?
(Quê Nhà)
Phải là tiếng chuông nhớ rất duyên nợ với rung động bần thần yểu điệu kia, nên Lá chín vàng / Lá rụng / Về cội / Em chín vàng / Chắc rụng / Về anh. (Lá 1994). Thế thì Thôi hết cồn cào / Thôi không quặn thắt / Chỉ còn âm ỉ / Chỉ còn triền miên (Nỗi Nhớ). Và bình yên. Có phải đã ước nguyện với nhau như thế?
Có thể nói tuổi cho tình yêu này? Say mơ của tuổi hai mươi. Nồng nàn của tuổi ba mươi. Lắng thương sâu của tuổi bốn mươi. Và biến hóa nhiệm mầu của tuổi không tuổi…
Đưa em đi lễ
Vầng trăng treo nghiêng
Em làm dấu thánh
Anh làm dấu em.
(Đi Lễ 1997)
Anh hôn đằng sau
Anh hôn đằng trước
Anh hôn phía dưới
Anh hôn phía trên
Chiếc áo của em
Món quà em tặng
Chiếc áo lạ lùng
Có mùi biển mặn
Có mùi dừa xiêm
Có mùi cát trắng
Có mùi quê hương…
Paris 1997
(Món Quà)
Tinh nghịch, mộc mạc, giản dị, đằm thắm, cảm động. Em và quê hương giờ đây hòa vào nhau. Nhớ em là nhớ quê hương. Nhớ quê hương là nhớ em. Trời ơi là tình!
Cái tuổi nào mà có thể thủ thỉ những câu có thể đưa nhau tới nơi không sinh không diệt như vầy:
Cảm ơn em sợi bạc
Cảm ơn em sợi hung
Cảm ơn em năm tháng
Đã theo già cùng anh
(Theo Già)
Nguyệt Mai ơi, hẳn em cũng như tôi, đã rưng rưng khi đọc những câu thơ này, tôi cảm thấu được thời gian gắn bó đi theo màu tóc thủy chung của tình vợ chồng, của đạo vợ chồng. Chúng ta còn khóc huống chi là nhân vật Em kia, Mai nhỉ. Ai nói tuổi được của cái Đẹp?
Nguyệt Mai bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Tưởng tượng, một buổi sáng nắng rất đẹp hứa hẹn một dạo chơi Đường Sách, bỗng thấy anh mình ngồi trầm tư loay hoay giữa bộn bề sách vở thư từ tranh ảnh, ở mắt dường như có hạt thủy tinh, ngạc nhiên hỏi cớ vì sao, cái tủm tỉm cố hữu bỗng nghiêm trang, “Vào tuổi tám mươi, anh nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” Hơ, tôi thấy mắc cười quá, đồng ý việc thu xếp lại kia, nhưng “nhìn lại mình” thì anh lúc nào mà chẳng, mà thường trực nhìn lại mình cơ chứ, phải không Nguyệt Mai. Đọc xem: … tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa! Hiện tại với tôi thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai… (Một Chút Lan Man) Nhìn ra vậy chẳng phải là pháp tu của Người Biết Sống Một Mình? Thanh thơi với ở đây và bây giờ, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…
… Mà bất ngờ vì tôi chợt “nhìn ra” tôi. “Nhìn ra” khác với thấy. Nhìn ra là “quán”. Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không… Quán là thấy rõ (chiếu kiến). Tôi bấy giờ không còn là tôi bây giờ. Tôi bấy giờ là tứ đại, là ngũ uẩn. (Tôi Chợt Nhìn Ra Tôi)
Và trong buổi ngồi thu lại những ký ức thời gian và xếp lại những vướng víu đa đoan ấy, anh đã tâm sự:
… Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…
Nguyệt Mai có nhận thấy không từ cái thay đổi của tuổi mới lớn đến tuổi hơi già, già chút nữa, già thêm nữa đến…, anh Ngọc đều cảm nhận đó là những biến thái đầy phép lạ, diễn biến tuyệt vời, tôi gọi reo tuổi là vậy:
… Nó diễn biến tuyệt vời đến vậy, liên tục đổi thay đến vậy thì có gì đáng phàn nàn đâu, có gì mà không thể tủm tỉm cười một mình đâu. Cho nên nếu tôi có gì khác tôi xưa thì chính ở chỗ tôi có phần… khoái cái sự già nua tăng tốc đó của mình, tôi hồi hộp dõi theo nó, tôi cảm thấy nó… hợp lý, nói chung là… cũng dễ thương quá đó chớ! (Tôi Chợt Nhìn Ra Tôi)
Và “người không già không trẻ” này kể kinh nghiệm hưởng thụ cái dễ thương đó:
Một là thiếu bạn. Nhìn qua nhìn lại, bạn cứ rơi rụng dần… – Hai là thiếu… ăn. Không phải vì không có điều kiện ăn mà người già thường thích những món ăn kỳ cục, và phải lắng nghe mệnh lệnh của bao tử… – Ba là thiếu vận động! (Những Cái Thiếu Ở Người Già)
Nghe thì thấy anh Đỗ Hồng Ngọc chả thiếu cái nào, các bạn trong Gánh Hát Rong mở email từ hồi nảo hồi nao đến giờ có phải là anh thường xuyên ngao du sơn thủy cùng bạn hữu không? Lúc thì với hồng nhan tri kỷ của cuộc đời, lúc thì bạn cố cựu cỡ nửa thế kỷ như Lữ Kiều rồi thì Khuất Đẩu Lê Ký Thương Nguyễn Lệ Uyên Nguyên Minh Lữ Quỳnh… chưa kể một hàng dài người ái mộ xếp hàng chờ một chữ ký trên trang sách thơm, chưa kể ở khắp nơi có biết bao người đang cầm trên tay sách của anh, chưa kể Gánh Hát Rong còn có: Huyền Chiêu, Ngọc Vân, Kim Quy, Duyên, Thu Vàng, Nguyệt Mai, Thanh Lương, và Khánh Minh đây. Nói chung thì Người Trẻ Lạ Lùng Đỗ Hồng Ngọc kia lúc nào cũng có cái Bên Cạnh. Có khi thì em bé mò trai lượm ốc, có khi là người chủ quán cà phê, có khi thì cây bàng, tảng đá, có lúc là những thuyền thúng, còn không thì có nụ cười tủm tỉm trên môi. Đâu có thiếu bạn. Còn ăn ư, cũng không thiếu nốt, vì ngồi với bạn là có cái gì đó để cùng nhau nhâm nhi, thậm chí ngồi quán ăn xong thì có ai đó bí mật trả tiền rồi. Mà đã đi lang thang hết núi tới rừng tới biển tới quê nhà thế thì sao thiếu vận động được, ôi chả trách người viết Biết Ơn Mình. Và chắc giờ đây sau khi Về Thu Xếp Lại và hỏi Để Làm Gì thì “Khi bạn hoàn tất việc sắp xếp lại căn nhà của mình, bạn sẽ thấy cuộc đời mình thay đổi một cách diệu kỳ.” Tôi cảm thấy cái diệu kỳ nhất, là nhận ra mình cần chậm lại, để nghe trái tim lên tiếng, để cảm nhận những chuyển biến dù nhỏ nhất xung quanh mình, trong bản thân mình” (Tìm Tết). Chậm lại, nghe tiếng trái tim, cho ta năng lực để thấm thía được hết những đau khổ và hạnh phúc, mới tu học được bốn tâm vô lượng mà Phật dạy để đối xử với người với mình trong hiểu và thương, phải vậy chăng?
Ở Hồi yêu ấy người-ta lại nói thêm, nghiên cứu cho thấy có vẻ như càng già người ta càng yêu nhiều hơn, yêu vội hơn và càng yêu thì càng sống khỏe sống vui hơn! Khi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội” thì mới thấy còn có bao nhiêu thời gian để yêu thương và được yêu thương? Nguyệt Mai bảo anh Ngọc đang ở sinh nhật 80 đấy. Nhớ anh có bài thơ rất tình:
thì viết cho anh một lá thư tình
trên tờ pelure xanh
như thuở em mười lăm…
… thời gian qua nhanh
em nay lên bảy tám
cũng vừa mười lăm
anh vẫn đợi hoài lá thư màu xanh
đọc run thuở đó…
(Biết Làm Gì Đây, 2020)
Khi đọc bài thơ trên của anh, tôi có trả lời, em nghĩ ừ hay mình viết một lá thư tình cho ai (cho cố nhân hay cho thời gian) trong lúc đang shelter in place này bằng giấy pelure xanh chăng? Có vậy mới quên được bầy quỷ Covid-19 đang hoành hành, và tuyệt thay tôi nhận được câu trả lời của anh, mà em chưa tới bảy mươi viết thư tình hơi quá sớm chăng? Ừ, thì cứ như Đỗ Hồng Ngọc, như Quang Dũng, em mãi là hai mươi tuổi, ta mãi là mùa xanh xưa…
Và, Nguyệt Mai ơi hãy nghe cùng tôi những tế bào sinh sôi khi đọc: Cái tuổi đẹp nhất của đời người theo tôi có lẽ ở vào lứa 65-75. Đó là lứa tuổi tuyệt vời nhất, sôi nổi nhất, hào hứng nhất… Tuổi vừa đủ chín tới…” (Lời Ngỏ – Về Thu Xếp Lại). Như vậy thì tất cả trong Gánh Hát Rong mình đang là tuổi chín tới đấy, nghe cực lãng mạn phải không các bạn trẻ lạ lùng của tôi? Ơi Huyền Chiêu Ngọc Vân Kim Quy, ơi Duyên Thanh Lương Thu Vàng ơi…
Santa Ana, Jul 24, 2020
ntkm
……………………………………………………………
Lê Uyển Văn | Hạnh phúc của người viết là nhận được sự đồng điệu nơi người đọc. Em nghĩ người viết Đỗ Hồng Ngọc hạnh phúc muôn phần khi nghe được khúc hòa âm từ tác giả Nguyễn Thị Khánh Minh. Hơn tuần nay, em may mắn được đọc “REO TUỔI”, ngưỡng mộ vô cùng ngòi bút sắc sảo, uyên thâm mà dạt dào khôn tả; lại xuýt xoa với câu từ của chị Khánh Minh, thú vị và đẹp đẽ! Đúng lúc hoang mang vì tuổi tác chất chồng, em cảm thấy an lòng đón thêm tuổi mới khi được đọc những dòng này! Cảm ơn thật lâu với “Còn chút để dành”! |
NGÀY CỦA MẸ
Ghi chú: Bài viết này tôi post lên dohongngoc.com đã lâu, nhưng mỗi năm tới Ngày Của Mẹ đọc lại vẫn thấy rưng rứt… Lần này, tôi post một vài comments để sẻ chia cùng các bạn và cả “bài thơ viết trên tường nhà dưỡng lão” do Trang Hạ dịch.
Cảm ơn các bạn, cảm ơn Trang Hạ.
Trân trọng,
ĐHN.
………………………………………………..
Đỗ Hồng Ngọc
Tôi đọc được những dòng này của một thiếu nữ 15 tuổi trên một tờ báo dành cho tuổi mới lớn. Em viết về mẹ của mình.
“15 tuổi, tôi không còn quá nhỏ để mẹ lúc nào cũng chú ý “chi li” từng việc như: Tôi ăn cơm chưa, tôi… tắm chưa và bạn của tôi là những đứa nào?…
15 tuổi, mẹ vẫn còn đưa đón tôi đi học… Tôi xấu hổ với bạn bè, còn mẹ thì lo sợ xe cộ đông đúc…
Bao nhiêu lần tôi muốn hét lên: Mẹ đừng kỳ vọng gì vào con cả!
Bao nhiêu lần tôi muốn buông xuôi… để mẹ biết rằng tôi đã lớn và có thể quyết định những thứ ngoài “vòng kim cô” của mẹ.
Nếu có một điều ước, tôi chỉ muốn mình được…”tự do”.”
Tôi đọc mà buồn quá! Mẹ mà không được kỳ vọng gì vào con cả thì kỳ vọng vào ai? Ai có thể đỡ đần cho mẹ lúc già nua tuổi tác? Ai có thể lo lắng cho mẹ lúc ốm đau bệnh họan? Ai có thể chia ngọt sẻ bùi với mẹ lúc canh vắng đêm dài, với bao nỗi lo toan, nhọc nhằn không nói nên lời?
Tôi hiểu trong một lúc quá đỗi bực mình nào đó, em đã thốt lên những lời đau xót này với mẹ. Tôi chắc rằng, một ngày kia, khi tuổi đời thêm chồng chất, đọc lại những dòng này em sẽ vô cùng hối hận. Tôi hiểu rằng rồi đây khi đến lượt mình bế trên tay một đứa con đỏ hỏn, rứt ra từ núm ruột của mình thì em sẽ thấm thía nghĩ về mẹ mình ngày xưa, lúc đó nhiều khi mẹ đã không còn nữa! Tôi chắc rằng người mẹ khi đọc những dòng này của em sẽ không hề khóc, sẽ chỉ trìu mến nhìn đứa con thân yêu từ núm ruột mình rứt ra kia đang hờn dỗi và càng thương nó hơn. Khi nhìn con đã ngủ ngon lành sau cơn phiền muộn, mẹ sẽ kéo tấm chăn mỏng đắp thêm cho con, vuốt lại tóc con cho ngay ngắn, len lén hôn lên trán con thật nhẹ, rồi rón rén bước đi….
Nhớ lại những ngày xưa , mẹ có thể mỉm cười.. Những lúc bú mớm con cũng đã từng cắn mẹ đau điếng! Những lúc bệnh hoạn con cũng làm mẹ thức thâu đêm. Con ho mà mẹ ran lồng ngực. Con ỉa chảy mà mẹ đau thắt ruột gan. Mẹ không ngại ngần hôi hám, vấy bẩn để chăm sóc con. Có lúc ngửi mùi phân của con, có lúc ngửi mùi nước tiểu của con để theo dõi bệnh trạng báo cho bác sĩ. Sữa mẹ là những tế bào thân xác mẹ vỡ ra mà thành. Mẹ xanh xao đi để con được hồng hào. Mẹ lùn thấp xuống để con đựơc cao lớn lên. Mẹ loãng xương để con được cứng cáp. Mẹ nhăn nheo để con đầy đặn. Mẹ xấu xí từng ngày để con ngày càng rạng rỡ xinh tươi. Nhìn con lớn lên mẹ nhìn thấy mẹ ngày xưa. Con nói bi bô, con đi lững thững từng bước một… ngày nào! Mẹ hãnh diện nhìn con như dòng sông hãnh diện nhìn dòng nước chảy. Mẹ không kỳ vọng vào con thì kỳ vọng vào ai?
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn có môt bài hát rất dễ thương. Mỗi Tết đến, khi con “mừng tuổi mẹ” thì càng thấm thía “ngày con xa mẹ càng gần”! Không kỳ vọng vào con thì kỳ vọng vào ai?.
Rồi một ngày nào đó, chắc chắn con sẽ được “tự do”…, con sẽ thóat khỏi “vòng kim cô” của mẹ, không cần phải có một điều ước!
Sẽ không còn ai nữa chú ý “chi li” đến từng việc của con, ăn cơm chưa , tắm chưa, và bạn con là những đứa nào?…
Cho nên, tôi nghĩ ngay bây giờ em đã có thể ôm lấy mẹ và nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, mẹ cứ kỳ vọng vào con đi! Nhưng đừng tạo sức ép, đừng làm con quá đỗi lo âu. Con đã lớn rồi! Con sẽ không phụ lòng mẹ đâu! Mẹ cứ kỳ vọng vào con đi!
(ĐHN)
Comments
con đang ở ngoài, ngay bây giờ chỉ muốn bay thật nhanh về nhà và gọi
MẸ ƠIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIII
Cháu đã từng đọc bài này trong sách của bác.
Nhiều khi người ta quên mất mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày “xa mẹ càng gần”. Và người ta càng thấm thía hơn khi đã làm mẹ làm cha. Khi ấy cha mẹ của mình đã già yếu, có khi không còn nữa.
Thầy Nhất Hạnh cũng có bài viết về mẹ rất hay (bông hồng cài áo).
Đây là bài viết mà năm nào UV cũng đọc cho học trò nghe, và năm nào đọc xong cũng có nhiều học sinh đỏ hoe đôi mắt!
Con cảm ơn những bài chia sẻ của bác Ngọc,
Khi đọc những dòng này con mới nhận ra được con đang hạnh phúc biết chừng nào khi một chàng trai đã lớn mà vẫn luôn được bao bọc được che chở bởi bàn tay của Mẹ,
Con kính chúc Bác luôn khỏe, bình an, đầy năng lượng để tiếp tục sứ mệnh chia sẻ yêu thương của mình,
Những bài viết trên trang nhà của Bác luôn đầy nhân văn, thương yêu và trìu mến…
Con kính chào Bác!
Cám ơn anh đã nói thay lời cho những người mẹ.
Cứ mỗi lần cháu đọc bài này là lại rưng rưng nước mắt 🙁
BÀI THƠ VIẾT TRÊN TƯỜNG NHÀ DƯỠNG LÃO.
Bài thơ được lưu truyền trên mạng từ năm 2004 do Thủy Khởi(?) từ một bài thơ viết trên tường một viện dưỡng lão, ở Đài Bắc – Đài Loan.
“ Con ơi! Khi con còn thơ dại,
Mẹ đã mất rất nhiều thời gian,
Mẹ dạy con cầm thìa, dùng đũa ăn cơm
Mẹ dạy con buộc dây giày, chải tóc, lau nước mũi
Những kỷ niệm về những năm tháng mẹ con mình sống bên nhau
Làm mẹ nhớ thương da diết
Vì thế, khi mẹ chóng quên, mẹ chậm lời
Con hãy cho mẹ chút thời gian, xin con chờ mẹ chút
Cho mẹ suy nghĩ thêm
Cho dù cuối cùng, ngay cả định nói gì
Mẹ cũng quên…”
“ Con ơi!
Con quên là mẹ con ta đã tập luyện hàng trăm lần
Con mới thuộc khúc đồng dao đầu đời?
Con nhớ không, mỗi ngày mẹ đáp
Những câu ngây ngô, hàng trăm câu con hỏi từ đâu
Nên, nếu mẹ lỡ kể lể nhiều lần những câu chuyện móm răng
Ngâm nga những khúc ru con thời con bé
Xin con tha thứ cho mẹ!
Xin con cho mẹ chìm trong những hồi ức ấy nhé!
Xin con đáp lời mẹ kể những chuyện vụn vặt trong nhà!
Con ơi! Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày,
Ăn cơm vãi đầy vạt áo
Chải đầu tay bần bật run
Đừng giục giã mẹ!
Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm
Mẹ chỉ cần có con ở bên
Mẹ đủ ấm…”
“ Con ơi!
Bây giờ mẹ đi chân không vững, nhấc không nổi bước
Mẹ xin con nắm tay mẹ
Dìu mẹ, chậm thôi
Như năm đó
Mẹ dìu con đi những bước đầu đời…”
(Trang Hạ dịch)
Ghi chú: Tôi không có Facebook. Nhưng thỉnh thoảng cũng nhận được một vài bài viết từ Fb do bạn bè gởi đến.
Phiếm luận về tuổi già là một bài viết hay, làm mình không khỏi giât mình. Xin phép được đăng lại nơi đây.
Cảm ơn Quy NguyenHoang fb.
Trân trọng,
Đỗ Hồng Ngọc.
PHIẾM LUẬN VỀ TUỔI GIÀ.
Tặng các bạn già và các bạn chớm già của tôi.
1. Chỉ đến khi tôi gặp lại một em học trò cũ xa cách đã lâu, nhìn vẻ hom hem, đạo mạo của em, tôi mới nhớ là mình . . . đã già!
Chỉ khi đọc một bài báo hoặc coi một đoạn phim kể về một “ông già 70 tuổi” qua đời trong cô đơn, tôi mới sực nhớ ra mình đã hơn 70, ủa vậy mình già rồi sao?
Chỉ khi nhìn thấy trên wall facebook của một học trò cũ khoe cháu nội/ngoại làm được việc này việc nọ, được giải nhất/nhì cuộc thi nọ thi kia tôi lại động lòng, ủa, học trò mình mà có cháu đã lớn đến vậy, mình già rồi sao?
Cách đây chừng hai mươi năm, chở vợ đi ngoài phố, ngoài đường, chạy hơi nhanh để tránh các xe khác và kịp trước khi đèn xanh hết giờ, vợ tôi bảo: “Ông già rồi chứ trẻ mỏ chi mà chạy xe kiểu cao bồi rứa?”. Mới 50 thì ai nói là . . . già! Rồi lại nhớ chuyện, hồi xưa hay đi xe đò, thời gian đầu lơ xe nói: “Anh, anh, cho em tiền xe”, mấy năm sau lại có em nói: “Bố ơi, cho con tiền xe” và sau này thì: “Cho tiền xe đi ngoại. . . ”.
2. Bạn tôi, chị Mai nhỏ thua tôi 5 tuổi, trước đây là một blogger, sau này là một facebookker có nhiều entries/ notes lý thú, lấy nick là Ttm Gốc Mai, xưng hô với các bạn là “bà già”. Tôi tự nghĩ: Còn trẻ chán mà sao cứ coi mình là già! Khi đã tự coi mình là “già” chắc chắn mọi hành xử sẽ cẩn thận, chậm chạp, riết rồi tư tưởng đó nhiễm vào mình để già lúc nào không hay. Thời còn làm doanh nghiệp, trong giao tiếp đã nhiều người xưng hô với tôi là “chú – cháu”. Chỉ khi tiếp khách là đối tác, là viên chức chính quyền mới được các em tiếp viên xưng hô là “anh – em”! Hihi.
3. Thời còn trai trẻ, tôi rất cảm thông và tôn kính người già nhưng vẫn không thích vẻ chậm chạp của họ nhất là khi nhìn họ tập võ dưỡng sinh ở công viên, chán! Đến phiên mình, có những trường hợp như lên xuống cầu thang, không dám nhanh. Tham gia những cuộc vui có phụ nữ là bạn mình hoặc vợ mình, khi chụp hình giúp họ, tôi luôn được nhắc phải đứng ra xa, hỏi, họ nói sợ chụp gần dễ thấy nét . . . già và mập!
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một cây bút tôi kính nễ vì sở học của ông cả về kiến thức chuyên môn lẫn Phật pháp, cả về nhân sinh, xã hội và lại là người quảng giao. Hầu như tôi không bỏ sót một tác phẩm nào của ông. Lúc đầu, khi nói về tuổi chớm già với “Gió heo may đã về” tôi đã coi là cần thiết. Tiếp theo là “Già ơi, chào bạn” thì rất bổ ích và lý thú. Tôi đọc quyển sau này hàng chục năm trước, hồi đó chỉ mới chớm “bước qua cầu”. Nay, khi đã thực sự “đi trên cầu” một khoảng dài tìm đọc lại và thấy càng giá trị vì cho mình nhiều lời khuyên cần thiết: biết mình đã già chưa (theo cách nhìn của y học, xã hội và pháp luật), già cỡ nào (bởi vì đôi lúc dễ trở thành ngô nghê khi xuất hiện bên ngoài nếu không muốn bị chê là “cưa sừng làm nghé”!). Chương đầu, phần một của “Chẳng cũng khoái ru” ông lại khuyên “Già sao cho . . . sướng?” từ chế độ dinh dưỡng, tập luyện đến nghỉ ngơi. BS Đỗ Hồng Ngọc còn khuyên người già nên biết lắng nghe và chăm sóc bản thân. Trong cả ba quyển này, ông trích dẫn phát biểu và kinh nghiệm của những người đáng tin như André Maurois, BS Nguyễn Khắc Viện, Kim Thánh Thán, Lâm Ngữ Đường. . . mà nếu muốn tìm cho tuổi già của mình một hướng đi thì tôi nghĩ, đọc kỹ và vận dụng cả ba quyển trên đều bổ ích.
4. Vào tuổi này, tin tức về người thân, bạn bè và cả học trò cũ ốm đau, qua đời ngày một nhiều. Gặp nhau, anh em nhắc đến những người nói trên, chúng tôi luôn nghĩ, rất lạc quan, rồi cũng sẽ đến phiên mình phải leo lên “chuyến xe đời vô định” (KL) đến trạm cuối cùng ấy và lại nghĩ, quá cái tuổi lục thập là thấy “lời rồi”!
Chỉ còn một tuần nữa đến Tết âm lịch, chuẩn bị ít tiền mới lì xì cho các cháu nhỏ, lại nhớ anh Hai tôi, qua đời hai năm trước ở tuổi 84. Hồi anh còn sống, mỗi dịp Xuân về, anh nói: “Chuyện chúc mừng người già thêm một tuổi cũng đồng nghĩa với việc chia buồn họ giảm đi một năm sống”.
Khi đã có cháu nội ngoại, khi không còn phải mất thì giờ kiếm tiền hoặc giúp đỡ con cháu, cứ nghĩ mình sẽ rãnh rỗi để đọc sách và làm những việc chưa làm được nhưng không được nhiều. Chuyện đi bộ, tập thể dục ở ngoài và ở nhà đã mất gần 2hrs, chuyên uống (kính thưa các loại) thuốc đã tốn thêm một ít do lựa thuốc và uống theo giờ, đo huyết áp 2-3 lần/ngày và chuyện đi tìm điện thoại, mắt kính và các vật dụng linh tinh khác ngốn thêm một mớ nữa. Ngày xưa, tôi nghiêm khắc với mình khi phục sức đi ra ngoài làm việc, giao tiếp. Vài năm gần đây đã thấy hơi buông lỏng và tùy tiện, có lẽ nghĩ rằng mình già rồi, đâu cần chưng diện!.
Tôi cũng đã thấy những ông trung niên quen biết trước đây nghiêm túc là thế, đến sau tuỗi 70 là tùy tiện, chỉ riêng việc xuống xe đi tiểu đã thấy phiền. Họ “dũng cảm” đứng tè ở bất cứ đâu miễn là . . . không có biển cấm!. Tuổi già, tôi chỉ mong không giống họ việc này vì tôi vẫn tin theo BS Ngọc để thấy mình sung sướng và tự hào về số tuổi của mình – trừ cái khoản “gối mỏi chân chồn”! Chúc các bạn già và chớm già luôn biết . . . “sống sướng”! Haha.
Quy NguyenHoang fb
Thư gởi bạn xa xôi
Gặp gỡ với Nhà thơ Huyền Chi của “Thuyền viễn xứ”
Bạn còn nhớ tiệm sách Bút Hoa trên đường Trần Hưng Đạo, đối diện trường Phan Bội Châu (cũ) của bọn mình ở Phan Thiết không? Chủ tiệm là cô Ngọc Bút, Hồ thị Ngọc Bút, thường gọi cô Ngọc, vợ thầy Trần Phụng Tường dạy Pháp văn lớp đệ thất 1954 (65 năm trước) của bọn mình nhớ không? Ai dè cô là nhà thơ Huyền Chi, nổi tiếng với bài thơ Thuyền Viễn Xứ do Phạm Duy phổ nhạc đó nhớ không?
Gốc Bắc Ninh, nhưng sanh đẻ tại Gia Định (Saigon) và có thời cô phụ mẹ bán hàng vải ở chợ Bến Thành. Trong nhiều năm, cô im hơi lặng tiếng, đến nỗi nhạc sĩ Phạm Duy chỉ một lần gặp cô, được cô tặng tập thơ Cởi Mở tại chơ Bến Thành năm đó, chọn được một bài là Thuyền viễn xứ để phổ nhạc thành một ca khúc tuyệt vời đã cất công tìm kiếm cô mãi không được, nhắn tin cả trên bản nhạc: Huyền Chi, cô ở đâu? Tiếng kêu lọt tõm trong sa mạc. Và người ta cứ nghĩ thêm một hiện tượng TTKH nữa rồi! Nhưng không. Cô không lên tiếng với PD vì nhiều lý do nhưng lý do chính là thầy đang bị tai biến, té gãy xương đùi, phải nằm một chỗ suốt mười năm, một tay cô chăm sóc. Nhà văn Nguyễn Đông Thức trong một bài viết đã quả quyết đó là vì “ông chồng quá ghen”, và cô đã xác nhận anh chẩn bệnh chính xác trăm phần trăm!
Lúc mình học với thầy Tường thì thầy chưa có vợ! Mình chỉ học PBC được mấy tháng thì gia đình dời về tỉnh mới Bình Tuy (LaGi), nên không còn được theo học nữa. Dù sao, Cô Ngọc Bút, nhà thơ Huyền Chi, cũng là cô mình mà, nên hôm nay mình đã cùng với TP, NTC… những học trò cũ thân thiết cùng hẹn đến thăm cô, thắp nén nhang cho thầy, cũng là dịp cho mình được gặp gỡ nhà thơ HC đã 83 tuổi, im hơi lặng tiếng quá lâu, giờ lại “bùng nổ” trên Facebook với nhiều bài viết rất hay và sắp ra mắt tập “Huyền Chi, Thuyền Viễn Xứ” nữa!
Mình thưa sao cô lấy tên Khánh Ngọc trên Fb vậy cô? Có phải vì… nghĩ đến Phạm Duy? Cô nói không. Tôi tên Ngọc (Ngọc Bút) và Khánh là tên người anh trai của tôi mà tôi rất quý mến đang ở nước ngoài. Anh có người con là họa sĩ đã trình bày bìa cho cuốn sách Huyền Chi, Thuyền Viễn Xứ này đó. Cái lý do “lẫn trốn” PD vì sau khi bài Thuyền viễn xứ nổi đình nổi đám, thì tôi sợ, nhất là ở một thành phố nhỏ như Phan Thiết này thì khó mà tránh phiền phức, vả thầy cũng đang nằm bệnh đó…
Cô nói từ ngày thầy mất, suốt nhiều năm cô lặng lẽ âm thầm, ra vào một mình, con cháu mới bày cô làm Facebook cho vui, để trong gia đình, người trong nước kẻ ngoài nước, thư từ, trao đổi, trò chuyện cho thuận tiện hơn. Cô học rất nhanh, vì cô vốn là cô giáo dạy tiếng Anh, xưa đã quen với máy chữ mười ngón các thứ… Vậy là Fb Khánh Ngọc ra đời. Bạn bè tìm lại nhau sau 65 năm trời xa cách. Rồi học trò, rồi độc giả khắp nơi khuyến khích nên cô viết nhiều, viết nhanh, rồi nay còn in ra sách nữa… Văn cô mượt mà, chuyện kể chân thành, đằm thắm được chia sẻ nhanh chóng trên mạng. Những hình ảnh xưa cô post lại, khiến nhiều người giật mình. Cô đẹp quá. Sao thời đó, một người phụ nữ 7 con, 35 tuổi mà dịu dàng, đoan trang, tươi mát đến vậy, khiến ngay cả nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng kêu lên… giá mà hồi đó, sanh sớm nửa thế kỷ được gặp cô cũng không thể không mê!
Mình có “lợi thế” là học trò của thầy Tường, 65 năm về trước, và cũng lại là người mà cô bảo cô là “fan” từ lâu, nên dù mới gặp lần đầu vẫn không hề xa lạ. Mình bèn lựa lời… hỏi những chuyện tình mà cô chưa từng nói với ai cũng không viết hết được trong sách.
Chuyện đầu tiên, dĩ nhiên là chuyện tình của thầy-cô. Mình không lạ gì “tiếng tăm” của thầy-cô ở Phan Thiết một thời… Mấy bạn học kể hôm nào thầy vào lớp… chửi học trò, nhăn nhó với học trò là có chuyện ở nhà. Thầy “ghen” khủng khiếp. Có lần thầy bảo: tôi mê vợ tôi có sao không? Khi hai ông bà dắt tay nhau dung dăng dung dẻ ngoài phố, lũ trẻ con chạy theo kêu: Ông tây bà đầm, ông tây bà đầm… Bởi thời đó, vợ chồng thường đi cách nhau mấy bước! Có ai dám nắm tay ôm eo như vậy đâu!…
Rằng cô không hề để ý đến thầy. Lúc 15 tuổi cô đã có nhiều bài thơ. Và còn làm “biên tập thơ”cho một tờ báo Phụ Nữ thời đó. Lúc 17 tuổi, ông J, một người Pháp… mê cô. Xin cưới. Cô từ chối. Vậy mà đến năm cô 76 tuổi, khi thầy mất, vợ ông J cũng đã mất, ông còn quay lại xin… cưới. Cô lại từ chối.
Mới lớn, mẹ cô bắt cô phải lấy một “đại gia” giàu có, làm xuất nhập cảng. Ông này đi hỏi cô 8 lần. Cô cương quyết từ chối. Mình mới lớn, biết làm thơ, ít ra cũng có chút “lãng mạn” gì chứ lẽ nào lại lấy một ông nhà giàu chỉ biết làm xuất nhập cảng! Rồi cô tình cờ đến học thêm ở lớp tiểu học thầy Tường đang dạy, nhưng thầy đã vừa xin nghỉ để về Saigon tiếp tục học lên. Vậy mà sau này, thiên hạ còn kêu: học trò lấy thầy giáo! Thực tế, cô có học ngày nào với thầy đâu!
Lúc giúp mẹ bán hàng vải ở chợ Bến Thành Sàigon, có một ông nào đó mê cô…, lẽo đẽo làm thơ cả tập để tặng cô, ngày nào cũng có thơ mà cô chưa bao giờ biết mặt. Một lần, cô đi cắt tóc về, ông làm thơ than khóc cho mái tóc từ nay đã bỏ vào mỹ viện (tiệm cắt tóc)! Cô vẫn không biết ông là ai, nhưng khi cô lấy chồng, cô gởi ổng bài thơ “Bài thơ cuối cùng” để kỷ niệm. Từ đó, bặt tin.
Một người khác nữa, ở Huế. Cũng chỉ quen nhau qua văn thơ, cũng chưa hề biết mặt, nhưng chính ông này đã in cho cô tập thơ đầu tay, tập “Cởi Mở”. Đến lúc cô lập gia đình, ông gởi cô “Bài thơ cuối cùng”. Và rồi, cô cũng gởi ông “Bài thơ cuối cùng”, 16 khổ. Ai ngờ ông còn giữ đến bây giờ! Năm trước, có người thanh niên chừng 45-50 ở nước ngoài về đến tìm cô, dọ hỏi đủ thứ. Sau mới nói là con của ông TT, nay đã gần 90, nhờ anh gởi lại cô “Bài thơ cuối cùng” cô đã viết tặng ông 65 năm trước. Dặn về VN phải bằng mọi cách tìm cho được cô để trao lại bài thơ này. Bây giờ các con cô hay hỏi sao mẹ đi lấy chồng cứ làm hết “Bài thơ cuối cùng” cho người này rồi lại “Bài thơ cuối cùng” cho người khác vậy?…
Ở Phan Thiết, còn có ông L, ở dãy phố lầu 30 căn, ngày nào cũng ở trên lan can nhìn cô đi học qua lại. Ông L là bạn của thầy Tường. Thầy kêu ông viết thư cho cô đi, rồi thầy sẽ trao giùm cho, nhưng ông không dám viết. Sau ông lên khu, được tin cô lấy chồng, ông có viết mấy dòng chúc đôi uyên ương hạnh phúc!
Thầy Tường thì bà mẹ cô cương quyết không cho gặp, không cho cưới hỏi gì cả. Lý do: nghèo quá! Một lần thầy viết thư cho cô, cô cảm động, gởi thầy bài thơ lục bát. Từ đó thân nhau. Khi đã thắm thiết, mỗi lần thư cho thầy cô viết cuối thư: “Hôn anh thật kêu!”. Thư lọt vào tay ông bố thầy, ông nói: “Hôn anh” được rồi, còn “thật kêu” nữa! Từ đó, thầy dặn Bưu điện Phan Thiết đừng đưa thư về nhà, để thầy ra bưu điện nhận trực tiếp. Thầy mang thư ra vườn hoa, chỗ Château d’eau (lầu nước) mà đọc. Thầy nói đó là những giây phút hạnh phúc nhất đời của thầy.
Có lần thầy mang tặng cô bó hoa, cô trang trọng cắm vào độc bình đặt lên bàn, lúc học về, thấy bó hoa đã bị ném vào sọt rác! Thì ra, bà mẹ rất bực mình…
Thế rồi, làm sao thầy cô đến với nhau được? Lúc đó thầy đang học Dược thì bỏ, nộp đơn xin đi dạy học ở Phan Rang. Có Baccalaureat Pháp (Tú tài) thời đó dễ được các trường nhận cho dạy. Thầy viết một bức thư…. rủ cô đi với thầy. Bức thư cô để quên trên bàn học, bị bà mẹ bắt được. Đành phải cho thầy cưới cô, vì nếu không, “nó bỏ nhà trốn đi thì mang tiếng”!
Nghe nói thầy “ghen” lắm có đúng không? Phải, thầy “ghen” nổi tiếng. Thầy phải “tả xung hữu đột” “đánh nam dẹp bắc” nhiều phen. Nhiều lần đột xuất kiểm tra giám sát cô khi cô đi làm. Lúc nào thầy cũng đích thân chở cô đi. Thiên hạ thấy thầy già mà cô trẻ, có lúc tưởng thầy có “bồ nhí”! Thiệt ra thầy với cô đã có 5 đứa con rồi chứ, nhưng cô càng đẻ càng khỏe càng trẻ ra. Thầy chỉ hơn cô 6 tuổi. Khi thầy bị động viện, thầy còn kêu “ráng” đẻ thêm một đứa đủ 6 để được miễn. Sau cùng thầy cô có 7… em. Cô cười.
Mình hỏi bài thơ Thuyền viễn xứ… cô làm có phải định theo ông Tây sang Pháp không (có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường)? Không. Thời cuộc lúc đó. Kẻ Nam người Bắc. Chiến tranh căng thẳng, đất nước phân ly… Còn Đà giang? Chỉ là tưởng tượng thôi!
Rồi cô cười. Tôi bắt chước anh khuyên trong sách: luôn giữ nụ cười, yêu thương người ta, luôn biết ơn… vì thế mà trẻ lâu, trí óc sáng suốt.
Vì sao Thầy “ghen” dữ vậy?
Cô trả lời ngay: Vì đẹp. Vì khéo léo, dịu ngọt, hiền lành… Mấy đứa con nói Má phải dữ lên chớ, sao để Ba ăn hiếp hoài vậy. Má phải ghen ngược cho ba sợ. Mà có gì đâu để ghen…
Dịp cô gặp Phạm Duy cũng rất nhanh thôi. Tại nhà sách Sống Chung của cô Đào, cô Đào giới thiệu PD, cô gởi tặng tập thơ, PD xin lời đề tặng và nói sẽ chọn một bài vừa ý để phổ nhạc. Rồi cô xem đồng hồ, cáo từ… rút lui nhanh nói cho kịp giờ đi học. Có lẽ ấn tượng đó theo Phạm Duy nhiều năm, cất công tìm kiếm, thậm chí kêu trên bản nhạc: Huyền Chi, cô ở đâu?
Năm Phạm Duy về nước, cũng nhờ người quen là bạn Huyền Chi đi tìm, nhưng cô lánh mặt, lúc đó thầy đang bệnh nặng, mà cô quá biết tánh thầy! Từ xưa đã dặn không tham gia các sinh hoạt văn nghệ thơ ca gì cả nhé. Có lần cô gặp ông Nguyễn Vỹ, chủ báo Dân Ta ở ngoài đường, ông Nguyễn Vỹ chặn hỏi cô có phải Huyền Chi không? Ông nói lúc đầu thấy nữ giới mà ra tập thơ tựa “Cởi Mở” cũng khó chịu, nhưng tình cờ đọc tập thơ ở nhà sách Diễm Diễm Thư Trang của bà Mộng Tuyết thì ông mến phục. Nguyễn Vỹ khuyến khích cô nên tiếp tục vì thường nhà thơ chỉ nổi một thời gian ngắn. Thế rồi ông làm 2 bài thơ rất ướt át tặng bà. Thơ khá hay. Ông anh bà đã xé bỏ vì nói ông Nguyễn Vỹ có tuổi nhiều rồi… Một lần, thầy Tường đi với cô đến gặp ông, từ đó Nguyễn Vỹ mặt giận rồi không quen tiếp nữa! Tô Kiều Ngân, Thanh Nam cũng thường mời cô đi dự họp mặt văn nghệ, thầy Tường tuyệt đối không cho.
………..
Đã khá trưa rồi. Bọn mình đứng lên chào cô về. Cô ký tên tặng sách còn nhắc: Tôi là fan của anh lâu rồi! Nhất là khi thầy nằm bệnh, tôi đọc sách anh nhiều lắm đó.
Saigon 4.4.2019.
Đỗ Hồng Ngọc
(Nguồn: Trần Hoài Thư: Thư Quán Bản Thảo, số 92, tháng 3/2021)
Năm mới, tháng Giêng, Mùng một Tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa Xuân…
(Nguyễn Bính)
Ghi chú: Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp ở bển (chữ TVL) có nhã ý mời ĐHN viết một bài cho báo TRẺ, Xuân Tân Sửu 2021. Loay hoay mãi, không biết viết gì đây, thời gian lại gấp rút, lòng cũng muốn góp một chút gì đó cho vui với bạn bè, bèn thôi, trích đoạn những ghi chép lang thang đây đó gởi làm quà, như nhắc nơi xa một chút tình quê…
ĐHN.
Thư gởi bạn xa xôi
Lang thang mấy ngày Tết
Bạn nhớ đúng rồi đó. Đó là mấy câu trong bài thơ Mũi Né của mình viết năm 1970, đã đăng trên báo Bách Khoa thời đó, tính ra cũng đã nửa thế kỷ rồi chớ ít gì! Mới thôi.
Em có về thăm Mũi Né không?
Hình như trời đã sắp vào xuân
Hình như gió bấc lùa trong Tết
Những chuyến xe đò giục bước chân…
(…)
Mũi Né ơi người xưa đã xa
Mùa ơi gió bấc nhớ không ngờ
Năm nay người có về ăn Tết
Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ…
(ĐHN, 1970)
Gió bấc. Nhớ không? Thứ gió rất lạ, thốc qua người, dán sát vào da người như có chút hỗn xược ớn lạnh làm nhớ cơn sốt rét rừng thường thổi mạnh trong Tết, quyện với hương cốm hộc, mứt gừng, mứt bí… rồi bánh căn, bánh xèo, bánh kẹp, cơm gà, bánh canh chả cá… của một vùng biển mang mang mùi nước mắm, những ai nghe quen thì đâm ghiền nặng… rồi sông Cà Ty, ga Mường Mán, con đường Gia Long đi mãi không cùng, và Trưng Trắc Trưng Nhị ôm sát dòng sông. Nhớ không?
Cho nên với mình, gió bấc là gió Tết, là tuổi thơ, là Phan Thiết, là Mũi Né, là Rạng, là Lagi, là Kê Gà, là Tà Cú…
Mùa xuân mừng tuổi thơm tho áo
Nắng cũng vàng phai ngày cũng xa
Anh thương nhớ quá làm sao nói
Gọi tên em vang động gốc cây già
Hái đóa hoa màu biển biếc
Chợt thương khung trời xa
Núi mờ trong mây trắng
Em mờ trong dáng hoa
Gió bấc mùa thơm ngát
Bâng khuâng một mái nhà
Biển xanh lùa sóng bạc
Cát vàng hoàng hôn xưa…
(…)
(Quê Nhà, Đỗ Hồng Ngọc)
Vậy đó. Cho nên về Phan Thiết, Mũi Né, La Gi… mấy ngày chẳng qua để tìm thứ gió quen mà lạ đó. Và để nghe cái Tết tuổi thơ thấm vào trong da thịt, trong nhớ nhung…
Phải khởi hành sớm. Lang thang mà. Đi quốc lộ 51 về hướng Bà Rịa, Vũng Tàu, đến xã Tóc Tiên thì quẹo trái vào thăm Thiền viện Viên Không núp sau một hòn núi nhỏ. Con đường quanh co len chân núi Dinh, lát đá thô rất đẹp, thỉnh thoảng có ao bông súng nhô ra. Những ngôi tịnh xá mọc rải rác, len lỏi giữa rừng cây thưa.
Rời thiền viện, xe qua cánh đồng cỏ mượt có những bầy cừu trắng rất dễ thương, . cùng mấy con ngựa nhởn nhơ làm nhớ quá cảnh “thả ngựa chăn dê” thuở nào xa trên thảo nguyên… của Kiều Phong với A Châu!
Qua Bưng Riềng, vượt khu rừng Nguyên sinh từng có nhiều voi, cọp… ngày xưa. Ghé ăn sáng, cafe ở quán Vên Vên nhiều cây cao bóng cả, suối róc rách, gặp vị chủ nhân ngồi thiền mòn tảng đá bên bờ suối…
Rồi theo đường biển Hồ Tràm, Suối Nước Nóng, Láng Găng, Rừng Khỉ, qua Phò Trì ghé bãi Cam Bình, ở đó, nếu có thì giờ, làm một chuyến xe bò dạo biển cũng hay!
Đến La Gi (Bình Tuy xưa) thì phải tạt qua Đập Đá Dựng để biết tại sao đá lại dựng đứng như vậy. Ngồi đó, nhấm nháp cafe bên dòng sông Dinh tung tóe nước và nghe mình kể chuyện hồi nhỏ tắm truồng cùng bè bạn trên dòng sông này.
Từ đó, đi ngang Bàu Giòi về Dinh Thầy Thím hoặc đi dọc biển, ngang khu vực Nước Nhỉ, nơi có Giếng Nguồn Chung xưa của nhóm hướng đạo La Gi (giờ chẳng còn dấu vết!). Ghé Dốc Trâu ăn trưa. Ôi vô số là thuyền thúng. Xa xa là Hòn Bà.
Về Tam Tân, ghé thăm mộ Nguiễn Ngu Í. Đã thấy núi Tà Cú xa xa với Linh Sơn Trường Thọ Tự, nổi tiếng với tượng Phật nằm dài 49m được đặt từ năm 1960.
Từ đó, đi về hướng Kê Gà, có Hải đăng xưa nhất, cao nhất vùng nam Trung bộ này. Đường dọc biển qua vùng Đá Nhảy. Đá cứ nhảy chồm chồm lên mới lạ chứ! Đá “nhảy” thế nào mà cũng sinh nhiều đá con bò lổm ngổm?
Đến Phan Thiết rồi đó. Đừng quên bánh căn. Đừng quên chè Mộng Cầm. Đừng quên dốc đá có “Lầu Ông Hoàng đó…” (Trần Thiện Thanh) nhe.
Từ Phan Thiết, theo quốc lộ 28, qua Ma Lâm, leo đèo lên Đà Lạt chỉ hơn trăm cây số. Đà Lạt giờ lạ lắm “phố phường chật hẹp người đông đúc”. Hết rồi cái thuở “… thành phố nào vừa đi đã mỏi/ đường quanh co quyện gốc thông già…” (Lam Phương). Nhưng rốt cuộc mình cũng tìm được một nơi hẻo lánh. Suối Vàng có làng Cù Lần cũng ngộ.
Lúc mẹ mình còn sinh tiền, bà hay nói mình cù lần, “ngu nhất thiên hạ”, mình cãi, con chỉ dám “ngu hạng nhì” thôi! Rồi hai mẹ con “tranh luận” sôi nổi. Mình làm vậy thực ra là để cho bà có dịp luyện tập não bộ, đừng để sớm bị Alzheimer. Ái ố hỷ nộ… quý biết mấy bạn ơi!
Chiều lang thang ra bờ hồ Xuân Hương. Chút lòe loẹt. Chút diêm dúa. Thời thượng. Thôi kệ.
Một gánh hàng rong bán đủ thứ từ khoai nướng, bắp nướng… đến các thứ lai rai trên đời… Một con ngựa lơ ngơ. Anh xà ích hít thở. Mình mua mấy củ khoai nướng. Chị hàng rong dễ thương, gói cho mấy củ… Mở ra thấy toàn cháy đen cháy khét. Thì ra từ sáng giờ không bán được cho ai. Mình vừa đi vừa nhai vừa cười tủm tỉm. Chắc chị đang vui vì gặp ông cù lần. Mình vui vì chị vui. Thú vị bất ngờ là mình cũng đang cần một chút charcoal cho ấm bụng. Tối qua bị… Tào Tháo rượt. Ở đời, vậy đó bạn ơi!
Rời Đà Lạt, mình “xuống núi”. Về Miền Tây. “…Có ai về miền tây/ lúa mùa thơm, thơm mãi/ dừa xanh nghiêng chênh chếch/ cá ngược dòng sông đầy…/ Có ai về miền tây/ mái nghèo nhưng mà đẹp/ má gầy nhưng mà xinh… (Y Vân). Nhớ không? .
Lần này đi Lai Vung. Lai Vung không chỉ có nem nổi tiếng mà còn có quít hồng rất đẹp. Đặc biệt vào mùa Tết.
Sadec thì mình đi lại đã nhiều lần, qua Lai Vung chỉ dừng ăn Nem chớ chưa lần nào vào sâu trong vườn quít.
Ghé Mỹ Tho trước. Ra tận bờ sông Tiền ăn hủ tiếu Mỹ Tho thứ thiệt vừa ngắm dòng sông Cửu Long. Nhớ Trang Thế Hy, xưa ở bên kia cầu Rạch Miễu, từng có một truyện ngắn Mỹ Thơ rất hay và bài thơ Quán Bên Đường độc đáo (Phạm Duy phổ nhạc) !
Rồi ghé thăm khu Di tích Rạch Gầm – Xoài Mút, nơi Quang Trung đại phá quân Xiêm. Dọc theo tả ngạn sông Tiền về phương Nam, hướng Cai Lậy, Cái Bè, giữa những khu vườn cây trái xum xuê Vĩnh Kim, với nhiều quán lá đơn sơ bày bán trái cây các loại. Chưa có vú sữa, xoài, măng cụt… nhưng nhiều sa-pô-chê, sầu riêng cũng rất ngon.
Qua cầu Mỹ Thuận quẹo phải thì về Sadec. Đi ngang Nha Mân, vùng nổi tiếng con gái rất đẹp. Theo truyền thuyết thì vua Gia Long lúc còn bôn ba vùng này đã “bỏ” lại nhiều mỹ nữ (lúc đó chưa gọi là phi tần!).
Ủa mà sao chẳng thấy người nào đẹp nào hết trơn vậy? Mình hỏi. Mấy người đẹp ở trong vườn chớ ai đứng đây cho ông thấy! Ai đó lên tiếng.
Từ Sadec về Lai Vung khoảng mười cây số, từ đó đi sâu vào tận xã Long Hậu, ngang chợ Long Thành, dọc theo những dòng kênh chằng chịt. Vùng này Long nhiều quá. Địa danh toàn Long. Thì ra vì vua Gia Long từng bôn ba ở đây khá lâu, cho nên vùng này bây giờ con gái… cũng rất đẹp! Xe quanh co qua mấy cây cầu ngang hẹp lé, một loại cầu khi… mở rộng, vừa đủ cho một chiếc xe lắc lư. Con kênh chính Long Hậu đây rồi. Kênh Cán Cờ. Sao lại cán cờ? theo Sơn Nam (?) thì lúc chạy đến đây, vua Gia Long bị gãy cán cờ, phải thay cán mới!
Anh Hai Quan, chị Bạch Huệ, là những người bạn thân thiết của Thân Trọng Minh. Sau bữa cơm… thịnh soạn, mọi người mời nhau xuống thuyền dạo chơi. Một trận mưa như trút nước. Có áp thấp nhiệt đới sắp thành bão. Mình không dám đi. Thuyền đi được một lúc rồi cũng phải vội quay về. Nhớ năm xưa, mình từng đi thuyền trên sông Hương, nửa chừng thuyền lủng lổ, nước vào ào ào. May kịp lội lóp ngóp vào bờ phía Kim Long. Lần đó có Thái Kim Lan, Tôn Nữ Hỷ Khương, Tường Vân, Như Mai, Như Ngân, Lê Gia Phàm… Ôi, nhớ đời.
Bữa cháo gà chiều rất ngon. Mấy ông bạn mình nói “nhớ nhà” quá, bèn xách ghế ra sân… hút thuốc! Thì ra “Nhớ nhà châm điếu thuốc”… là vậy!
Hôm sau đến giờ phải lên đường vì còn ghé thăm mấy nơi ở Sadec. Thăm chùa Kim Huê, xưa thầy Thích Trí Tịnh từng trú ngụ mấy năm, thăm ngôi nhà “Người Tình” của Huỳnh Thủy Lê bên bờ Sa giang.
Trên đường về ghé Xẻo Mây ở Cái Bè. Một điểm khá đẹp. Ở vùng này, nhiều “Xẻo”, chỗ sông ăn sâu vào trong đất liền thành một cái vũng (mà ở biển thì gọi là vịnh?). Cái Bè có Xẻo Mây, Đồng Tháp có Xẻo Quít…
Mua mấy trái sầu riêng bán ven đường rồi ghé vào một quán nhỏ ở ngã ba sông mà nhìn dòng nước chảy… Một người đàn ông đứng tuổi trên chiếc ghe thương hồ đậu gần đó cỡi trần nhảy ùm tắm táp, xong leo lên thuyền mở bánh tét ra ăn bên cạnh chai rượu đế và một bình hoa vạn thọ…
Về Saigon lại nhớ gió bấc: Đi giữa sài gòn/ Phố nhà cao ngất/ Hoa nở rực vàng/ Mà không thấy tết/ Một sáng về quê/ Chợt nghe gió bấc/ Ơ hay xuân về/ Vỡ òa ngực biếc…(ĐHN). Lại chuẩn bị một chuyến về Mũi Né, La Gi…
Vậy đó bạn ơi.
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc
(TRẺ, Xuân Tân Sửu 2021)
LaGi, chốn xưa
Đỗ Hồng Ngọc
Từ Saigòn, theo quốc lộ 1 về Phan Thiết, cách Phan Thiết khoảng 50 cây số, rẽ phải, về phía biển Đông là thị xã Lagi (trước thuộc huyện Hàm Tân), tỉnh Bình Thuận. Như một cái túi treo tòng teng trên quốc lộ 1, không để ý thì khó mà nhận ra, Lagi – Hàm Tân dựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển, gắn Bình Thuận với Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, nối liền núi đèo cheo leo hùng vĩ của miền Trung với đồng bằng cây ngọt trái lành của miền Nam nên Lagi vừa có núi cao, có biển rộng, lại có ruộng đồng xanh mướt, sông Dinh ngoằn ngoèo lững lờ theo con nước đầy vơi bên những động cát trùng điệp, những truông đèo hoang sơ huyền bí…Xa xa là Hòn Bà, một cù lao nhỏ chơ vơ bơi lạc giữa biển khơi, như còn đang vẫy tay về phía Núi Ông lạnh lẽo phía dãy Trường Sơn xa tít: Chuyện xưa rằng phút yếu lòng/Tách mình đứng giữa mênh mông đất trời/ Để nghe gió lộng trùng khơi/ Và nghe sóng mãi hát lời thiên thu (Thanh Trúc)
Nhiều người vẫn bỡ ngỡ sao lại Lagi? Có người cho là Phân Ly- do sự tích Hòn Bà chia tay cùng Núi Ông, một mình trôi dạt về biển – mà thời Tây người ta đã đọc trại đi thành địa danh Lagi bây giờ? Hỡi em Lagi là gì? Là thiên di thuở hàn vi đất trời? (Phạm Tường Đại). Tôi thì không nghĩ vậy. Hẳn Lagi phải có họ hàng gì đó với dòng họ La, nào La Ngà, La Ngâu, La Gàn… của vùng miền này, nối liền Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, cùng một giuộc đất từ thuở cha ông đi mở nước còn lưu dấu. Nhưng dù có “La” gì đi nữa thì Lagi – một vùng đất nghèo nàn hẻo lánh đó vẫn như một “vương quốc” cho những hồn thơ với núi non hùng vĩ, ruộng đồng bát ngát, sông nước lững lờ, Đá Dựng nên thơ, Đồi dương vi vút với bãi cát mênh mông đầy rau muống biển và lông chông vèo vèo giữa mùa gió lộng dưới nắng vàng rực rỡ, mặn nồng. Đêm đêm, những chiếc thuyền thúng câu mực lập loè như những thiên hà xa xôi … Một miền quê nghèo mà tươi ngon ai đến cũng gần, ai đi cũng nhớ : Là muôn chim đến hội bày/ Xây thành tổ ấm từ ngày hoang sơ/ Là con thuyền chở ước mơ/ Vượt phong ba đến bến bờ vinh quang (Phạm Tường Đại). Lagi còn có những đình miếu, cổ tự quằn theo tháng năm, những nóc giáo đường cao vút giữa hoàng hôn và những chốn linh thiêng như Dinh Thầy Thím nườm nựơp kẻ đi về, trên đường lên Tà Cú, Kê Gà. Cho nên không thể không thành thơ. Cho nên không thể không thành nhạc. Có lẽ là từ thuở cha ông khai sơn phá thạch, Lagi đã là một nơi sớm hình thành những nhóm thi ca tài tử, và một thi xã, Lagi Thi xã, đã ra đời gần trăm năm trước bây giờ vẫn còn đọng lại những vần thơ tao nhã của người xưa. Cho nên không lấy làm lạ là hôm nay được tiếp nối với Câu lạc bộ thơ ca Lagi hoạt động khá sôi nổi, không chỉ khu trú mà còn mở rộng giao lưu với các Câu lạc bộ thơ ca của Vũng Tàu, của Thành phố Hồ Chí Minh tạo thành một không khí đầm ấm của một vùng đất cổ xưa mà luôn mới mẻ…
Tôi sinh ra và lớn lên ở Lagi, tuổi thơ thả diều đá đế, tắm sông trần truồng cùng bè bạn, đen đẻm vì ngâm nước biển mặn, đuổi bắt còng gió bỡ hơi tai, nửa đêm chờ cá lưới sẩm, ruốc tươi xào xúc bánh tráng rau sống, rồi cá nục hấp, cá mòi nướng, cá ngoéo luộc với thứ ớt cay xé họng, thơm lừng… Rồi là những năm tháng lao đao tản cư trong rừng sâu nước độc, sốt rét triền miên, hết Phò Trì, đến Giếng Ngự, Láng Hàng, Bưng Riềng, Rừng Khỉ, rồi Hồ Tôm, Bàu Lời, Nước Ngọt, Ba Hòn, Bưng Cò Ke… Cho nên làm sao mà không rưng rứt với những câu thơ của một Trần Yên Thảo: Thương ai từ dạo tản cư/ Mắt nhìn đắm đuối mà như hửng hờ/ Thuỷ chung còn tới bây giờ… hay một Cao Hoàng Trầm: Những ngày Phước Lộc Hàm Tân/ Bom thù dội nát bao lần hoang sơ/ Đình chùa giặt đốt chơ vơ/ Tuổi xanh mang cả ước mơ lên đường…
Rời quê hương gần nửa thế kỷ, Lagi vẫn là nơi tôi thường tìm về vì ở đó còn là mồ mả ông bà và người cha thân yêu, ở đó còn có những thân quyến và bè bạn từ ngày thơ dại. Lagi, nơi tôi biết dõi mắt nhìn theo những tà áo mà bâng khuâng, để rồi như một Hứa Minh Tánh: Hình như trong biển có em/ Cho nên giọt mặn giọt mềm môi anh… để rồi Hình như chỉ hình như thôi/ Cớ sao cuối đất cùng trời xôn xao… Bỗng dưng hôm nay đựơc bạn bè ở quê hương gởi cho tập bản thảo thơ, Biển Hát, mà bảo viết đôi lời. Tôi đọc thơ mà như không đọc. Tôi thả lòng mình trôi giạt vào thơ. Bởi chỉ mới nghe những địa danh thôi mà lòng đã rưng rưng, tôi làm sao còn có đủ sáng suốt để đọc thơ của bạn bè, cha chú, lớp trước lớp sau, người quen kẻ lạ. Cứ mỗi một dòng chữ viết tay nắn nót (bản thảo chép tay) lại hiện lên trong tôi sông ngòi biển cả, rừng núi ao hồ, trưa hè nắng cháy nhảy ùm xuống sông Dinh, đập Đá Dựng, những ngày mưa lũ, nước cuốn trôi phăng cả nhà cửa trâu bò. Tôi cứ để lòng mình nhảy ùm như thế, cuốn trôi như thế khi đọc Biển Hát. Cả một dĩ vãng ùa sống lại. Rồi Lagi của bây giờ tôi mỏi gót qua cũng lạ như một Trần Kim Trung: Xóm nhỏ ngày nào tôi vẫn quen/ Hôm nay rực rỡ dưới hoa đèn/ Phố chiều mỏi gót qua cũng lạ/ Đường mới rộng dài xe bước chen hay như lời thì thầm của nhà thơ Hoàng Hương Trang, người khách “viễn phương” mới đặt chân tới Lagi đôi lần cũng đã kịp nhận ra: Biết bao điều muốn nói/ Vỏ ốc giữ trong lòng/ Biết bao điều thì thầm/ Vỏ ốc ơi giữ lấy!
Saigon có xa cách gì với Lagi đâu, vậy mà những người Lagi sống ở Saigon vẫn canh cánh bên lòng nỗi nhớ quê: Đêm đêm vỗ mộng về quê mẹ/ Nhặt nắng chiều hoang tắm biển xuân (Châu Anh). Lạ lùng biển mặn trời xanh có cái gì đó da diết, ray rứt, cứ như chất muối ngấm dần trên sớ thịt lằn da, và gió bấc nữa, gió bấc lạ kỳ chỉ nghe thôi đã thấy mùi cốm Tết, nhất là khi gió bấc thổi qua những cánh bướm tan trường. Nhớ nghĩ về Lagi, tôi bàng hoàng đọc Trần Yên Thảo: Hãy còn dáng đứng kiêu sa/ Đường truông thăm thẳm về qua Đá Hàng/ Trăm năm đâu đã muộn màng/ Ta còn ôn lại chuyện ngàn năm xưa.
Đỗ Hồng Ngọc
………………………………………………………………….
Đỗ Hồng Ngọc
Có người hỏi vì sao tôi không phải là bác sĩ lão khoa mà lại dám viết về… người già, nào Gió heo may đã về, nào Già ơi chào bạn, nào Già sao cho sướng…? Đúng vậy, tôi là một bác sĩ nhi khoa, bác sĩ của trẻ con, nhưng sở dĩ viết về người già là bởi vì trước sau gì mấy nhóc nhỏ mà tôi đã và đang khám chữa bệnh cũng sẽ trở thành một người già, một ngày nào đó! Hơn năm mươi năm trước khi tôi thực tập ở bệnh viện Từ Dũ, đã có dịp đỡ đẻ cho một số trẻ sơ sinh, bây giờ nhớ lại, các nhóc đó tuổi cũng đã “gió heo may” rồi còn gì! Còn mấy bệnh nhi tôi có dịp chữa trị ở Bệnh viện Nhi đồng Saigon và tại phòng mạch hằng mấy chục năm qua thì bây giờ cũng đã lại thấy mang con và cả cháu nữa đến khám bệnh. Cho nên làm gì có chuyện cách ngăn tuổi này tuổi nọ tuổi kia. Cuộc sống như một dòng sông đó thôi.
Lão khoa, nhi khoa…chẳng qua là một cách nói! Có người chưa hai mươi mà đã già…khú đế, có người tám mươi còn phơi phới tuổi xuân. Một thầy thuốc đàn anh của tôi thường nói : “Hãy chăm sóc các cụ từ trong bụng mẹ”! Đúng vậy, đợi các cụ ngáp ngáp rồi mới “tận tình chăm sóc” thì e rằng quá trễ, chẳng giúp ích được gì cho cuộc sống của họ, chẳng giúp các cụ thêm vui, thêm khoẻ, thêm hạnh phúc…
Tổ chức Sức khoẻ Thế giới (WHO) khi đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Năm quốc tế người cao tuổi, (1999) cũng đã khuyến cáo muốn cho các cụ được khoẻ mạnh thì phải cho Mẹ…các cụ được dinh dưỡng tốt trong lúc mang thai, trong lúc cho các cụ… bú mớm; phải chích ngừa đầy đủ các bệnh nguy hiểm ngay từ nhỏ để các cụ không phải chịu cảnh tật nguyền bệnh hoạn sau này; phải dạy dỗ các cụ từ tuổi thiếu niên như không uống rượu, không hút thuốc lá… để các cụ sau này khỏi bị ung thư phổi, viêm phổi tắt nghẽn mạn tính, xơ gan cổ trướng; giúp các cụ có thói quen tập thể dục, chơi thể thao, ăn uống đúng cách để sau này khỏi bị xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường v.v…Rồi khi lớn lên thì tránh các nguy cơ bệnh lây truyền qua đường tình dục, tránh béo phì, loãng xương, thấp khớp…Và dĩ nhiên đảm bảo cho các cụ có một thu nhập hợp lý để không bị lệ thuộc, để sống có phẩm giá, tiếp tục hoạt động theo năng lực, đóng góp kinh nghiệm của mình cho con cháu, được sự tôn trọng của xã hội, được thấy con thuận cháu hoà, gia đình hạnh phúc. Dĩ nhiên là bản thân các cụ phải hiểu rõ những chuyển biến tâm sinh lý của mình qua từng lứa tuổi, nhờ đó mà thích nghi, mà điều chỉnh thái độ và hành vi của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới, với môi trường mới. Tóm lại, chăm sóc các cụ, nói cách nào đó, thực chất là công tác của … Nhi khoa. Hoặc cũng có thể nói nhi khoa chính là lão khoa, và lão khoa cũng chính là nhi khoa đó vậy! Ngành lão khoa ngày càng phát triển vì tuổi thọ con người ngày càng được nâng cao, không chỉ ở các nước giàu có mà ngay ở cả các nước nghčo cũng vậy là nhờ những tiến bộ của khoa học, của y học, của kiến thức vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ cũng như hiệu quả của sự cải thiện môi trường sống, của chế độ dinh dưỡng hợp lý…Thế nhưng, khi nói đến lão khoa, hình như người ta quá nặng về bệnh hoạn, về tàn phế hơn là đến sự sảng khoái toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội phù hợp với tình trạng tuổi tác, giới tính, chất lượng cuộc sống của họ. Các thầy thuốc lão khoa cũng thường lại là những thấy thuốc trẻ, họ tuy có chuyên môn sâu trong chữa trị bệnh tật cho người cao tuổi nhưng chưa từng được trải nghiệm tuổi già, chưa được thưởng thức…cái già, chưa được hưởng thụ …cảnh già! Khi tôi viết cuốn “Gió heo may đã về” thì đó là lúc tôi đang thực sự nghe gió heo may, tôi đang sống với nó, sửng sốt và sảng khoái vì nó, âu lo và hồi hộp vì nó. Tôi hiểu được nỗi khắc khoải “tôi ơi đừng tuyệt vọng”, nỗi bâng khuâng “tôi đang lắng nghe, tôi đang lắng nghe im lặng của tôi…” của Trịnh Công Sơn, và những bạn bč trang lứa. Nhưng phải đợi đến tuổi 60, tôi mới dám viết “Già ơi…chào bạn” – “Bonjour Vieillesse!”- như một tiếng reo vui, chào mừng nó, cái sự già đó! Đâu dễ mà già phải không? Đến tuổi 75, tôi mới dám viết “Già sao cho sướng?”…
Cho mãi đến cuối thế kỷ 20, năm 1999, Liên Hợp Quốc mới có một “Năm” dành cho người cao tuổi, người già trên toàn thế giới, gọi là “Năm quốc tế người cao tuổi” với khẩu hiệu là “Hãy sống một tuổi già tích cực” , bởi vì trước đó người ta chỉ nghĩ tuổi già là tuổi của tàn phai, héo úa, ăn hại, là gánh nặng xã hội…cho đến khi giật mình thấy không phải vậy! Con người ở tuổi nào cũng sẽ là gánh nặng cho xã hội, cũng ăn hại, cũng tàn phai… nếu sống không ra sống, sống mà như đã chết, sống mà không hạnh phúc, không có chất lượng cuộc sống, sống mà lệ thuộc, mà khổ đau triền miên…
Ngàn năm trước, ở nước ta, vào thời nhà Lý, Mãn Giác thiền sư đã có những câu thơ còn lưu truyền mãi đến nay với một cái nhìn tích cực về tuổi già:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai…
( Mãn Giác, 1052-1096)
Xuân ruỗi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già tới rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai…
(Ngô Tất Tố dịch)
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết! Thật vậy. Vẫn còn đó, nơi sân trước kia, đêm qua, một cành mai vàng rực rỡ đã nở, báo hiệu một sức sống mãnh liệt vẫn dâng tràn… Vậy đó, můa xuân dů đã phai, cành mai sân trước vẫn nở tươi thắm. Nụ cười vẫn lạc quan, cuộc sống vẫn tích cực, chủ động và sáng tạo không ngừng nếu những người có tuổi được chuẩn bị trước để hiểu rõ sự đổi thay , để chấp nhận, để điều chỉnh, tưới tẩm những niềm vui cho chính bản thân mình, cùng với sự ý thức giúp đỡ của gia đình và xã hội thì sẽ giúp họ có một cuộc sống đầy chất lượng, nhiều hạnh phúc.
Theo WHO : “Sức khỏe của người già là phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), xã hội (social) và thể chất (physical)”.
Phát triển và duy trì được sự sảng khoái (well-being) và hoạt động chức năng (function) , bởi đa số các hoạt động chức năng xài lâu quá đều rệu rả, phần lớn đã “quá date”, dễ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, lo âu, trầm cảm… nói khác đi là khó mà… hạnh phúc. Thể chất thì “ba cao một thấp” (ba cao là cao máu (HA); cao đường (Tiểu đường); cao mỡ (Cholesterol xấu); còn một thấp là… Thấp khớp) đã đành mà tâm thần thì tám vạn bốn ngàn phiền não! Cho nên đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu là hoàn toàn hợp lý so với định nghĩa về sức khỏe ở người trẻ.
“Khổ” thì dĩ nhiên không thể có hạnh phúc. Con đường của Phật là con đường “Diệt Khổ”, con đường dẫn đến giải thoát.
Ở góc độ y sinh học, tâm lý xã hội học, thì những điều kiện để có một tuổi già hạnh phúc gồm:
Có sức khỏe tương đối ;
Tài chánh tự chủ;
Nhà ở an toàn; an ninh, môi trường thuận lợi;
Tự tại: chủ động sắp xếp cuộc sống riêng của mình,
Duy trì các mối quan hệ gia đình/ bè bạn;
Có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên,
Hoạt động phù hợp để thấy luôn sống hữu ích;
Gần gũi với thiên nhiên;
Hiểu luật vô thường và biết “Từ bi hỷ xả” với chính mình!
Cũng có thể nhìn theo Tháp MASLOW:
a) Nhu cầu sinh học: gồm những vấn đề cơ bản của tồn tại như : Ăn, Ngủ, Thở, Tình dục… (physical well-being).
b) Nhu cầu an toàn: nhà ở an toàn, môi trường xã hội tốt đẹp, an ninh, bảo đảm về kinh tế, đời sống quân bình…
c) Nhu cầu xã hội (social well-being): các mối quan hệ xã hội trong gia đình, hàng xóm, cộng đồng tốt đẹp…
d) Nhu cầu tự khẳng định: để luôn có được tôn trọng, đóng góp theo công sức cho xã hội, thấy mình sống có ích…
e) Nhu cầu tâm thần, tâm linh (mental well-being): hướng thượng, có một tôn giáo lành mạnh, tin tưởng ở sự sống thiện, nhân quả, nghiệp báo…
Có thể nhìn ở góc độ “Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức” ta cũng có thể hình dung gần giống với Tháp Nhu cầu của Maslow, và nếu có Chánh kiến để thấy Vô Thường/ Khổ/ Vô ngã/ Không/ Duyên sinh… thì đã có thể “độ nhất thiết khổ ách” rồi vậy!
(ĐHN)
Từ Quang, tập 35, Xuân Tân Sửu 2021
Nguyễn Kim Hưng: Một bài thơ cũ của Đỗ Hồng Ngọc
Hung Kim Nguyen Oct 22, 2020, 12:38 AM
Bài thơ này Đỗ Hồng Ngọc đã viết khá lâu (14/ 8/1998). Ngọc có nhờ tôi gởi cho bạn bè, nhưng tôi chưa bao giờ gởi! Nội dung là tình bạn YK 69 xin chuyển tới các bạn. Tôi tìm được lá thơ này trong tập tài liệu cũ sau 22 năm! …
Covid19 làm chúng ta gần nhau hay xa nhau? Theo tôi thì nó làm chúng ta xa mặt nhưng không cách lòng.
NKH
(kèm attachment 2 hình chụp bài thơ)
Ghi chú: Bác sĩ Nguyễn Kim Hưng bạn cùng khóa với tôi tại Y khoa Đại học đường Saigon (1962-1969), cùng làm việc chung nhiều năm tháng tại Bênh viện Nhi Đồng Saigon (nay là BVNĐ 1), hiện cư ngụ tại Mỹ. Khi từ biệt để lên đường, anh gởi lại tôi tập thơ Tình Người của Đỗ Nghê (1967) do Thân Trọng Minh vẽ bìa mà tôi đã bị thất lạc từ lâu, tập thơ tôi ký tặng anh ngày đó, khi chúng tôi còn là những sinh viên dưới mái trường Y khoa Saigon.
Bài thơ này cũng nhờ Nguyễn Kim Hưng gìn giữ bấy nay mà tôi được dịp đọc lại và xin chia sẻ cùng bè bạn. Tôi đã viết bài thơ này năm 1998, ngay sau buổi họp mặt rất cảm động tại Equatorial những bạn bè cùng lớp cùng trường sau 30 năm xa cách nhân dịp có Bs Nguyễn Đỗ Duy về nước… Năm ngoái, 2019, Khóa chúng tôi cũng đã tổ chức Họp mặt kỷ niệm 50 năm ngày ra trường tại Hoa Kỳ.
Đa tạ Nguyễn Kim Hưng.
Đỗ Hồng Ngọc
Mới hôm qua thôi
Ban Mai
Chè thưng
Chè thưng coi ngọt ngào vậy mà lại là món “khó ăn” nhứt cho tôi, trước do cái tên bí hiểm, sau vì quá khứ đầy bí ẩn của nó. Sau hơn hai tháng ăn không ngon ngủ không yên, nhờ anh Google và các vị tiền bối, thêm chút máu trinh thám, tôi cuối cùng cũng hoàn tất một câu chuyện tương đối hợp lý để trình làng.
Nghĩ tới chè Sài Gòn, tôi nhớ ngay đến câu rao hàng dài nhứt, tha thiết và mùi mẫn nhứt mà tôi từng được nghe:
“Ai ăn chè bột khoai bún tàu… đậu xanh nước dừa đường cát…hôn…”
Thực ra vào thập niên 1980 và 1990 thưở tôi ở Sài Gòn, tiếng rao này đã vắng đi nhiều. Và khi bước sang thập kỷ 21, tiếng rao này không còn nữa. Cũng không thấy ai bán món chè có bột khoai – bún tàu – nước dừa nữa. Đó là lý do tôi chọn tiếng rao này để bắt đầu cuộc hành trình đi tìm một món chè xưa đã mất (?) của Sài Gòn.
Nhờ anh Google và thùng sách quý giấu đầu giường, tôi khám phá ra bí ẩn đầu tiên: tên gốc ngắn gọn của món chè này chính là chè tào/ tàu thưng. Xin hầu quý vị vài câu chuyện từ các bậc tiền bối để chứng minh cho sự liên hệ giữa tiếng rao trên và cái tên này.
Trên trang nhà của Giáo sư Trần văn Khê, ông tả lại một buổi đi thuyền trên sông Sầm Giang với hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận vào năm 1939. Thuyền đi từ Vĩnh Kim ra Rạch Gầm.
“Đáp lời mời của thi sĩ Khổng Nghi, hai nhà thơ lớn Xuân Diệu và Huy Cận đến Sầm Giang để cùng chúng tôi thưởng thức một đêm trăng trên sông, có nhạc, có thơ, có người đẹp và có cả những thức ăn đặc sản. Đêm đó có cháo gà xé phay, tráng miệng ngoài trái cây còn có món “tào thưng” (chè thưng gồm có bột khoai, bún tàu, nước dừa, đường cát). …Thuyền trôi đến chỗ nào ưng ý, chúng tôi neo thuyền lại rồi bắt đầu hòa đờn. Lúc nào cũng có người “lắng tai Chung Kỳ”. Rồi thưởng thức món cháo gà xé phay, ăn kèm rau ghém, bên cạnh đó cũng có vài chung rượu đế Vĩnh Kim cho ấm bụng. Chén “tào thưng” làm cho hai thi sĩ Miền Bắc tấm tắc khen ngon.” (Trên sông Sầm Giang đăng 5/6/2013, trang Trần văn Khê)
Sau này gặp lại, nhà thơ Xuân Diệu vẫn nhớ buổi du thuyền đêm đó và viết tặng Giáo sư một bài thơ, trong đó có câu:
“Dưới trăng, mời chén tào thưng,
Mà ba mươi lẻ năm chừng đã qua.”
(bài đã dẫn)
Trong khi đó ở Sài Gòn, nhà văn Minh Hương kể về tiếng rao hàng làm ông day dứt những đêm cô đơn trong tù (ông bị tù khoảng năm 1945-1954):
“…khi thấy nửa vành trăng khuyết treo lơ lửng trên ngọn cây sao, cây dầu. Rồi có tiếng rao lảnh lót ngân vang ngoài đường “Ai ăn chè đậu xanh… bột báng… nước dừa… đường cát không?” (Sách “Nhớ… Sài Gòn”, trang 247).
Minh Hương cũng nhớ “những câu rao hàng rất dài trong đêm vắng” ở đất Sài Gòn những năm sau đó: “Hò …hò…ai ăn chè đậu xanh, bột báng, nấm mèo, bột khoai, đường cát, nước dừa …không?” (Sách “Nhớ… Sài Gòn”, trang 99)
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, trong bài “Thơm bàn tay nhỏ” viết về hàng rong Sài Gòn, cũng nhắc tới tiếng rao này:
“Ngày xưa khi Sài Gòn còn vắng, trưa nào cũng nghe tiếng rao lãnh lót ai bột khoai nước dừa bún tàu đường cát … hôn? Phải nói nghe riết thành ghiền. Trưa nào không nghe cũng cảm thấy bứt rứt không biết hôm nay chị bán chè tàu thưng đó có đau ốm gì chăng? “ (Trang nhà Đỗ Hổng Ngọc)
Câu rao này còn rất có duyên với âm nhạc và thơ ca. Văn sĩ kiêm thi sĩ Trúc Giang hồi năm 1950 có viết truyện thơ “Cô Sáu tào thưng”. Nhạc sĩ Thu An thì viết bài vọng cổ “Gánh chè khuya” sau khi cám cảnh cô gái nghèo mười lăm tuổi đi bán chè nuôi mẹ già. Danh ca Út Trà Ôn và Út Bạch Lan ca bài này hay hết chỗ chê, nhứt là giọng cô Út Bạch Lan rao câu “mở hàng” đến động lòng:
“Ai ăn chè bột khoai bún tàu đậu xanh nước dừa đường cát hôn….”
Trong lời bài hát, tên tào thưng đã rút gọn lại thành “chè thưng”:
“Em đi bán chè thưng. Nặng lo chữ hiếu cho tròn”.
Như vậy, chè bột khoai – bún tàu – nước dừa – đường cát, sau đó thêm đậu xanh – bột báng có tên cúng cơm là tào/tàu thưng, sau đó gọi rút gọn là chè thưng. Tới đây tôi tự hỏi: sao lại là tào/tàu thưng mà không phải một cái tên tiếng Việt?
Cụ Sơn Nam, khi nhắc đến các món ăn Nam bộ, đã nhân tiện giải thích cho tôi hai chữ tào/tàu thưng:
“Nên kể thêm các loại chè, như chè khoai môn nước cốt dừa, chè hột sen, chè đậu xanh đường cát (gọi tàu thưng, đậu và đường, tiếng Quảng đông âm lại)” (Nhiều tác giả – Nam bộ xưa và nay, trang 387 sách điện tử)
Tôi vỡ lẽ: tào thưng hay tàu thưng, cũng có chữ tào/ tàu như trong tào phớ, hay tào/tàu hủ. Tào/tàu là đậu, và theo cụ Sơn Nam, thưng là đường. Nhưng chè đậu xanh chính cống của người Hoa chỉ có đậu xanh, không có bột khoai – bún tàu – nước dừa nên tôi lại đi tìm tiếp, nhứt là cái vụ bún tàu trong chè nghe nó kỳ kỳ.
Tôi viết email xin Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giải thích cho hai chữ bún tàu trong chè thưng. Bác sĩ trả lời:
“Con chịu khó nghe bài vọng cổ này của Út Trà Ôn nhé, trong đó có tiếng rao ngọt ngào của cô gái bán chè Tàu Thưng. Bác còn thiếu ”đậu xanh” nữa mới đầy đủ con ạ. Hình như cái gọi là ”bún tàu” trong chè ở đây không phải “miến” đâu. Nó to bản hơn, dai hơn, rời rạc chớ không cuộn thành tổ như tổ chim đâu. Hồi nhỏ bác cũng hay… ăn chè nên nhớ mang máng đó con ạ!”
Tôi đoán cái Bác Ngọc tả là bột khoai, vậy lúc Bác Ngọc ăn chè (chắc khoảng những năm 60 khi Bác vào Sài Gòn học Y khoa), bún tàu đã…không còn trong chè thưng nữa. Vì sao tiếng rao vẫn còn “bún tàu” như xưa?
Giây phút “A ha!” xảy ra bất ngờ khi tôi đọc “Những bước lang thang” của nhà văn Bình-nguyên Lộc, một cây bút kỳ cựu của Sài Gòn xưa. Cụ Lộc, thua cụ Vương Hồng Sển một giáp và hơn cụ Sơn Nam cũng đúng một giáp, sống hơn 45 năm ở Sài gòn từ đầu những năm 1930. Trong tập “Những bước lang thang”, xuất bản lần đầu vào năm 1966, cụ Lộc tả món “bột khoai” bán rong trên thuyền trong bài “Quà đêm trên sông Ông Lãnh”:
“Đó là thứ quà hỗn hợp và hỗn độn, hình ảnh của những đợt sóng người tràn vào đây khai hoang đất mới từ ba trăm năm nay. Thứ chè ấy gồm cả những món ăn dùng để nấu thức ăn mặn như là bún tàu (miến), nấm mèo (mộc nhĩ), vân vân…Đặc biệt nữa là khi rao quà, họ kể hết các món ấy ra:
Ai…ăn bột khoai, bún tàu…đậu xanh, nước dừa, đường cát…hôn?” (Những bước lang thang, trang 11-12 sách điện tử)
Tôi nghi cụ Lộc ở nhà thường xuyên nấu ăn, vì chỉ có cụ mới có cái nhận xét rất nghề của người hay nấu ăn là có những món mặn trong cái món chè vốn ngọt này. Cụ thật sự “gãi đúng chỗ ngứa” cho tôi khi xác nhận có bún tàu (miến) trong món chè này. Cái tinh tế thứ hai của cụ là nhận xét của một người quan sát bén nhạy: chè này đặc biệt vì khi rao, người bán kể hết các thức có trong chè ra, chứ không rao gói gọn. Cái tinh tế thứ ba, liên tưởng của một nhà văn hóa, rằng đây là món tượng trưng cho “hình ảnh của những đợt sóng người tràn vào đây khai hoang đất mới từ ba trăm năm nay”. Cụ dùng từ vô cùng chính xác: “hỗn hợp” vì là sự kết hợp giữa nguyên liệu của nhiều tộc dân khác nhau cư trú trên đất Sài Gòn – Gia Định khi đó, còn “hỗn độn” vì có nhiều thứ mặn ngọt xen lẫn. Có lẽ, chỉ có dân khai hoang mới dám thử và chế ra một món chè bạo gan như vậy!
Nhưng bạn có để ý không, cụ Lộc không gọi chè thưng mà gọi là món bột khoai. Một người kỹ tính, tinh tế như cụ chắc không gọi bừa tên một món ăn mà cụ nhắc tới với giọng điệu trân trọng như vậy. Cụ làm tôi phải giật mình: hóa ra ngoài cái tên chè thưng, món chè này còn có một cái tên Việt dễ thương chất phác như vậy – chè bột khoai.
Tôi vẫn chưa yên tâm nên lôi một trong các sách bửu bối ra tìm lần nữa. Cuốn “Từ điển văn hóa ẩm thực Việt Nam” ghi:
“Chè thưng: Đậu xanh ngâm mềm, đãi sạch vỏ, hấp chín, ướp với đường. Bột đao hòa với nước dão dừa, nước đường, bắc lên bếp vừa đun vừa khuấy đều tay cho bột chín đều, khi bột chín trong cho đậu xanh, hạt sen (hấp chín, ướp đường), mộc nhĩ (ngâm nở, thái chỉ), nước cốt dừa vào đảo đều. Ăn nguội.” (trang 349-350)
“Chè bột khoai nước dừa: Bột khoai ngâm nước cho nở. Đậu xanh ngâm mềm đai sạch vỏ nấu chín mềm. Lạc ngâm nước, bóc bỏ vỏ lụa, hầm mềm. Cho nước dão dừa vào xoong, bắc lên bếp, bỏ bột báng và bột khoai vào nấu trước cho chín cho tiếp lạc, đậu xanh và đường vào nấu để các thứ ngấm đường, chế nước cốt dừa vào đảo đều. Bắc xuống cho vani vào. Ăn nóng hoặc ăn nguội với đá.” (trang 450)
Theo các tác giả cuốn từ điển này, chè thưng có dạng đặc mà chè bột khoai là dạng lỏng. Cả hai đều có đậu xanh và nước dừa, ngoài ra chè thưng có hạt sen – mộc nhĩ còn chè bột khoai có bột khoai – bột báng – đậu phụng. Tôi nhờ anh Google tra coi bây giờ thiên hạ nấu chè thưng và chè bột khoai ra sao liền thấy xuất hiện thêm một cái tên – chè bà ba. Nhiều người giải thích một cách rất tự tin: chè thưng chính là chè bà ba. Và chè bà ba thì có thêm vô số kể các thứ mới như khoai lang, khoai mì, khoai môn…Tới đây tôi thật sự “tẩu hỏa nhập ma”: giờ biết tin ai? Trong thân tâm tôi vẫn thấy tin tưởng các vị tiền bối, các cụ đều là người đức cao trọng vọng, lời nói đáng tin. Vậy phải giải thích chuyện nguyên liệu một lần nữa “hỗn hợp” và “hỗn độn” như vầy ra sao?
Trước hết phải tìm ra xuất xứ chè bà ba. Theo Wikipedia tiếng Việt và giang hồ đồn đại thì chè này “là món chè được chế biến lại từ chè bột khoai đường cát của bà Ba bán chè nổi tiếng ở chợ Bình Tây (thuộc quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) cách đây khoảng một phần hai thế kỉ. Từ món chè bột khoai công thức chỉ gồm có nước cốt dừa, đậu xanh cà, bột khoai, khoai lang… bà đã thêm vào đó phổ tai, táo tàu, hạt sen, mộc nhĩ… tổng cộng tất cả từ 9, 10 thứ nguyên liệu mới trong một chén chè tạo nên món chè bà ba.” Có người còn thêm cái tên bà ba là do “bởi món chè này ngon độc đáo, giống như người con gái đẹp miền Tây mặc chiếc áo bà ba mộc mạc mà hấp dẫn vô song”. Ý tưởng này nghe rất nịnh đầm nhưng sự thực chắc không nhiều lắm. Dù sao nó cũng làm tôi táy máy tra thử nguồn gốc “áo bà ba”.
Nhiều người dẫn lời nhà văn Sơn Nam rằng áo bà ba là từ áo truyền thống của người Baba – người Mã lai Hoa thay đổi mà thành. Tiếc thay, không ai nói rõ Sơn Nam viết như vậy trong cuốn sách nào của ông và trang bao nhiêu. “Trong nhà” chưa rõ, đành “ra ngõ” mà hỏi. Sách “Đông Nam Á bách khoa toàn thư” (Southeast Asia – A Historical Encyclopedia from Angkor Wat to East Timor), trang 199-200, cho biết Baba Nyonya là tên nhóm hậu duệ Hoa – Mã lai (cha Hoa, mẹ Mã lai) cư ngụ nhiều nhất tại Melacca, Penang (Mã lai) và Singapore . Các gia đình thuộc tộc này đa phần khá giả và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, thương mại. Một số từ Melacca đã di cư đến Sài gòn mở các điểm chuyển tiền, cho vay và bao thầu nhiều tàu chở hàng giữa Sài Gòn và Singapore.
Rồi tôi thấy món Bubur Cha-cha của người Baba Nyonya với nguyên liệu gần tương tự chè bà ba: khoai lang, khoai mì, khoai môn, bột báng, nước dừa, có khác là họ nấu với đường thốt nốt thay vì đường cát trắng. Nhớ cụ Bình-nguyên Lộc có viết trong cuốn “Lột trần Việt ngữ”, trang 100 (sách điện tử trên trang binhnguyenloc.de), rằng người Việt thời đó gọi người Mã Lai bằng một trong năm từ sau: Miền Dưới, Chà Và, Mã Lai, Bà Lai và Bà Ba. Bà Ba có khả năng lớn là phiên âm của Baba Nyonya nhưng dân ta bỏ bớt chữ sau để gọi cho gọn. Dựa vào chuyện này, tôi mạnh dạn suy luận chè bà ba chính là chè của người Bà Ba do một người Hoa-Mã lai bán ở Sài Gòn. Người này có thể tên là Bà Ba, nhưng không ngẫu nhiên mà “truyền thuyết” nói bà này bán ở chợ Bình Tây. Đừng quên chợ Bình Tây còn được kêu là Chợ Lớn Mới do ông Quách Đàm, một thương gia người Hoa bỏ vốn xây cất vào năm 1928 và dĩ nhiên có rất nhiều người gốc Hoa buôn bán.
Rồi vì chè bà ba, chè thưng và chè bột khoai có nhiều nguyên liệu giống nhau, lại thêm lục tàu xá (chè sáu món của người Hoa, gồm đậu xanh, phổ tai, táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục, hoa móng tay hay vỏ quýt), ngưòi Sài Gòn bắt đầu pha trộn theo khẩu vị của riêng mình. Kết quả, Sài Gòn có vô số phiên bản chè thưng và chè bà ba, còn chè bột khoai không hiểu sao ngày càng ít phổ biến.
Tới đây chắc sẽ có người cắc cớ hỏi tôi rằng sao lại đặt tên bài viết là chè thưng. Xin thưa, bởi tôi nghĩ chè thưng thực sự là con đẻ của đất Sài Gòn đa văn hóa, mạnh mẽ và phóng khoáng, sẵn sàng tiếp nhận cái mới và biến nó thành đặc trưng của riêng mình. Chè thưng bây giờ, không phải là chè tào/tàu thưng ngày xưa, không hoàn toàn là chè bột khoai, cũng không là chè của người Bà Ba, mà là một món chè chính hiệu Sài Gòn. Vàng ươm khoai lang, trắng bóc khoai mì, tím hồng khoai môn, xanh non phổ tai, trong ngần bột báng, vàng nắng đậu xanh, hồng hồng đậu phụng. Mềm dẻo của khoai, dai dai phổ tai – bột khoai – bột báng, sần sật đậu phụng, mềm nhừ đậu xanh, ngọt béo nước dừa. Có món chè nào trên đời đa sắc và đa vị được như vậy không?
Tôi tin chè thưng có thể tự tin cùng bánh mì thịt, nước mắm, phở đại diện “tinh hoa ẩm thực Việt Nam” đi thi đấu trên trường thế giới. Tôi tin một ngày nào đó, đánh vào tự điển Oxford hay tự điển Ẩm thực Larousse hai chữ chè thưng, tôi sẽ vui mừng đọc thấy dòng chữ “Món chè của Việt Nam” và lịch sử đa văn hóa của chè thưng. Tôi tin ở một hội chợ ẩm thực thế giới trong tương lai, gian hàng Việt Nam sẽ có chị gái mặc áo bà ba bán chè thưng, ngồi xổm cất tiếng rao:
“Ai ăn chè bột khoai bún tàu… đậu xanh nước dừa đường cát…hôn…”
Mong lắm thay!
Minh Lê (Suối Tiên, Khánh Hòa)
………………………………………………..
tác giả gởi ngày 17.10. 2020